Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Hoàn cảnh không quyết định nơi bạn đi đến mà chỉ xác định nơi bạn khởi đầu. (Your present circumstances don't determine where you can go; they merely determine where you start.)Nido Qubein
Bạn nhận biết được tình yêu khi tất cả những gì bạn muốn là mang đến niềm vui cho người mình yêu, ngay cả khi bạn không hiện diện trong niềm vui ấy. (You know it's love when all you want is that person to be happy, even if you're not part of their happiness.)Julia Roberts
Tôi không thể thay đổi hướng gió, nhưng tôi có thể điều chỉnh cánh buồm để luôn đi đến đích. (I can't change the direction of the wind, but I can adjust my sails to always reach my destination.)Jimmy Dean
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Điểm yếu nhất của chúng ta nằm ở sự bỏ cuộc. Phương cách chắc chắn nhất để đạt đến thành công là luôn cố gắng thêm một lần nữa [trước khi bỏ cuộc]. (Our greatest weakness lies in giving up. The most certain way to succeed is always to try just one more time. )Thomas A. Edison
Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề bất ổn của mình với cùng những suy nghĩ giống như khi ta đã tạo ra chúng. (We cannot solve our problems with the same thinking we used when we created them.)Albert Einstein
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Thật không dễ dàng để tìm được hạnh phúc trong chính bản thân ta, nhưng truy tìm hạnh phúc ở bất kỳ nơi nào khác lại là điều không thể. (It is not easy to find happiness in ourselves, and it is not possible to find it elsewhere.)Agnes Repplier
Càng giúp người khác thì mình càng có nhiều hơn; càng cho người khác thì mình càng được nhiều hơn.Lão tử (Đạo đức kinh)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Dưới cội Bồ-đề »» PHẦN SÁU »»

Dưới cội Bồ-đề
»» PHẦN SÁU

Donate

(Lượt xem: 3.371)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Dưới cội Bồ-đề - PHẦN SÁU

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Sau khi đi hành hương ở Ấn Độ, hoặc Tích Lan hay Trung Quốc, Bhutan về, tôi hay kể lại những chuyến đi ấy cho chư Tăng và quý Phật Tử nghe. Cũng có lúc ghi lại thành sách để lại cho đời sau. Đặc biệt khi đi Ấn Độ về tôi hay nói: Phật là bậc Thầy vĩ đại của tất cả chúng sanh, đã xuất thân từ Ấn Độ. Còn chư Tổ xuất thân từ Trung Hoa. Chúng ta về Trung Hoa nhiều khi cảm thấy gần gũi hơn là Ấn Độ. Có lẽ vì Trung Hoa có phong tục tập quán gần giống với ta chăng? Tuy nhiên đi về Ấn Độ chúng ta sẽ có những lợi điểm như sau:

Người già sẽ trẻ lại, người bệnh sẽ hết bệnh, người phiền não sẽ bớt phiền não, người chưa có lòng tin sẽ phát khởi lòng tin. Người nhiều chướng duyên sẽ bớt đi rất nhiều.

Khi đi thì cái đầu của ai cũng rỗng và túi của ai cũng đầy, nhưng khi về thì đầu của ai cũng đầy mà túi của ai cũng rỗng. Ai cũng cười, nhưng đó là sự thật. Những sự thật ấy đã được chứng minh qua những người khác nhau và những lần đi khác nhau mà ai đã đi rồi thì mới thể nghiệm được điều đó, nếu chưa đi hoặc không có ý đi thì dầu cho có giới thiệu hay cách mấy đi chăng nữa cũng chỉ như nhìn cái bánh đẹp, món ăn ngon thôi, chứ thực tế chưa ăn nên giữa hai người đã đi và chưa đi khác nhau nhiều lắm.

Nhiều người khi về rồi thì tánh tình thuần thục hơn, biết thương người nghèo hơn, nên đã ra tâm làm phước, bố thí, cúng dường. Sau khi về lại trụ xứ của mình thì lại siêng đi chùa hơn, học thuộc kinh và tham gia nhiều khóa giáo lý của Giáo Hội tổ chức. Hoặc có người phát tâm xuất gia hay giá kéo (gieo duyên xuất gia) v.v... Thật là:

Nhứt nhơn tác phước thiên nhơn hưởng,
Độc thọ khai hoa vạn thọ hương.

Nghĩa là:

Một người làm phước ngàn người hưởng
Một cây trổ bông, hàng vạn cây được thơm lây.

Nếu chúng ta nhìn lại cuộc đời của Đức Phật thì rõ ràng là thế. Tuy Ngài đã thị tịch Niết-bàn rồi, nhưng Ngài đã nuôi sống cho không biết bao nhiêu thế hệ của thế gian trụ trì Tăng Bảo và Ngài cũng đã độ cho không biết bao nhiêu người bỏ bến mê về bờ giác, có thể là đã siêu sanh vào cảnh giới Niết-bàn hay đã tung tăng ở một cõi thượng giới nào đó. Chỉ những kẻ không tin nhân quả, không tin tội phước, báng Phật khinh Tăng thì tự họ chuốc lấy nạn khổ nơi cảnh giới địa ngục mà thôi. Đây không phải là sự hù dọa mà là một sự thật hợp với nhân quả, vì không có một nhân nào xấu mà đơm hoa, kết trái thành quả tốt hay ngược lại, cũng chẳng có một nhân tốt nào mà phải gặt hái quả xấu.

Do vậy, câu “nhân nào quả nấy” vẫn đúng cho suốt cả thời gian và không gian, không có giới hạn nào cả.

Nếu chúng ta luôn luôn ở gần gũi bạn lành, những thiện hữu trí thức, chẳng khác nào chúng ta mặc áo đi vào trong một căn phòng đầy hương thơm, hoặc đi vào buổi sáng mai. Tuy hương thơm và sương mai không làm ướt áo, nhưng mùi thơm ấy và sự thẩm thấu của sương mai ấy có thể là cho ta cảm nhận được về mùi thơm và độ lạnh của sương. Còn nếu chúng ta mặc áo đi vào gian hàng cá. Tuy ta không mua cá, không ăn cá, nhưng mùi tanh hôi của cá cũng len lỏi vào áo mặc của mình. Điều ấy cho ta thấy rằng ở gần những ác hữu tri thức, bao giờ chúng ta cũng sẽ bị nhiễm lây những bệnh vốn có gốc gác từ vô minh phiền não như thế.

Đức Phật đã dạy từ ngàn xưa trong nhiều kinh điển khác nhau là: Dẫu cho sống cách xa Phật bao đời, nhưng nếu đem lời dạy của Đức Phật để áp dụng vào cuộc sống của mình để thăng hoa đời sống tâm linh, thì người ấy vẫn ở cận kề bên Phật. Còn kẻ nào dẫu cho ở gần Phật, nhưng không tu học thì cũng giống như ở xa Phật vậy.

Phật cũng đã dạy rằng: Tuy làm phước bố thí tài sản của cải hay ngay cả đến thân mạng này đi nữa, thì phước báu ấy không bằng biên chép, ấn tống kinh sách của Phật và đọc tụng từ một chữ cho đến bốn câu, một bài kệ, rồi đem ý nghĩa ấy giảng nói cho người khác nghe thì công đức này lớn gấp trăm ngàn lần công đức bố thí nói ở trước.

Như thế chứng tỏ rằng, phước báu ấy có hai loại là hữu lậu và vô lậu. Cái gì thuộc về hữu lậu tất có đối đãi. Cái gì thuộc về vô lậu, tức không bị chi phối bởi những sự thường tình của nhân thế!

Có nhiều người Ấn Độ sống gần bên chân Đại Tháp Bồ-đề nhưng họ không có tâm học hỏi giáo lý cao siêu nhiệm mầu của Phật, mà cứ mãi đi xin ăn để nuôi thân, thế nhưng vẫn không đủ. Còn chúng ta tuy sống xa Phật và đất Phật trong hàng muôn vạn dặm nhưng vẫn là gần, vì chúng ta hiểu được những gì mà Đức Phật đã dạy. Nếu chúng ta biết ứng dụng vào đời sống hằng ngày thì chúng ta sẽ được lợi lạc vô cùng.

Từ khi xây dựng cho đến nay, Trung Tâm Tu Học Viên Giác đã tổ chức được mấy lần giới đàn truyền giới tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, thức-xoa, sa-di và sa-di ni cũng như có bốn vị xuất gia với mỗi người mỗi vẻ mà tôi sẽ tường thuật như dưới đây.

Đầu tiên là Đồng Thuận, cháu của Hạnh Bảo. Khi Hạnh Bảo về Việt Nam thăm quê thì thân sinh và bào huynh của Hạnh Bảo có ý muốn cho Đồng Thuận quy y với Hạnh Tấn và làm đệ tử xuất gia. Tôi nhận được hai lá thư như thế gởi từ Việt Nam trước khi sang Trung Tâm Tu Học Viên Giác ở Bồ-đề Đạo Tràng để dự lễ khánh thành vào tháng 3 năm 2002. Tôi đem điều ấy nói với Hạnh Tấn và dĩ nhiên lúc ấy Hạnh Tấn không phản ứng hoàn toàn thuận mà cũng chẳng nghịch ý của tôi đề nghị. Khi qua Ấn Độ, lúc ấy Đồng Thuận cũng từ Việt Nam sang, rồi Thầy trò gặp nhau và cũng ngay trong tháng 3 năm 2002 ấy tôi đã chứng minh lễ giá kéo và Hạnh Tấn đã cạo tóc cho Đồng Thuận ngay để rồi Thầy trò sau đó đi hành hương chung với phái đoàn trên đất Phật. Còn tôi cũng như một phái đoàn khác đi sang Nhật bốn ngày.

Năm đó (2002), tôi có nhân duyên đi Ấn Độ đến hai lần. Lần thứ nhất vào tháng 3 và lần thứ hai vào tháng 10. Lần thứ hai này có cả Hạnh Tấn. Nhân cơ hội này, Đồng Thuận được thọ giới sa-di và Hạnh Tấn cho pháp tự là Thông Trị. Cùng trong Giới Đàn Phương Trượng này, tôi đã cho chú Hạnh Giải xuất gia mà cuộc đời của chú cũng thật là ly kỳ.

Ngày xưa chú Thị Duyên Nguyễn Nhân và tôi là bạn với nhau khi còn tu ở Hội An. Chú là đệ tử xuất gia của Hòa Thượng Thích Như Huệ, bây giờ Ngài là Hội Chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan, đang là Phương Trượng chùa Pháp Hoa tại Adelaide. Trong khi chú ấy ở chùa Tỉnh Hội, Hội An từ 1964 đến 1968 thì tôi ở chùa Phước Lâm và Viên Giác. Sau khi vào Sài Gòn thì chú và tôi vẫn tá túc ở chùa Hưng Long, đường Minh Mạng, quận 10, bây giờ là Ngô Gia Tự. Rồi năm 1971 tôi xong Tú tài 2 lo giấy tờ đi du học tại Nhật. Sau đó chú lại dời về Lưu Học Xá Minh Hải ở Sài Gòn do Hòa Thượng Bổn Sư mua để làm cơ sở cho quý chú từ miền Trung vào đây có nơi nương náu tu học. Chúng tôi xa nhau từ dạo ấy.

Đến năm 1975, thời thế nhiễu nhương chúng tôi đã chẳng liên lạc với nhau cho đến gần 30 năm sau tôi mới nhận được một lá thư thật dài gởi từ Việt Nam sang Đức kể rõ hết mọi nỗi niềm và chướng duyên trên chặng đường của 30 năm ấy. Đúng là vật đổi sao dời và cuối cùng Thị Duyên đã thưa với tôi là cho con làm lại cuộc đời. Ý chú ấy là muốn xuất gia trở lại sau gần 30 năm gián đoạn và muốn nhận tôi làm Thầy. Sau khi đọc thơ, tôi suy nghĩ nhiều lắm và bảo hãy liên lạc với Thầy Bổn Sư trước, nếu có ý gì thì cho tôi biết thêm. Cuối cùng chú muốn xuất gia với tôi. Do vậy mà tôi đã tạo cơ hội cho chú sang Đất Phật để xuất gia và thọ giới năm 2002 và 2003. Khi thọ giới sa-di tôi cho pháp tự là Hạnh Giải.

Trong báo Viên Giác số Xuân năm Ất Dậu 2004, tôi có viết một bài nhan đề là “Liếp cải vườn chùa”, trong đó có nói rõ về sự liên hệ ngày xưa ấy cũng như những liên hệ bây giờ và năm nay tôi qua Ấn Độ vào tháng 10 năm 2004 để lễ Phật và tham dự lễ Hội Hành Hương của Gia Đình Phật Tử Việt Nam trên thế giới, tổ chức từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 11 năm 2004. Chú Hạnh Giải quá xúc động cho việc này, nên đã làm hai bài thơ lúc khai mạc và lúc bế mạc để tặng cho gần 100 anh chị em Huynh Trưởng về dự Đại Hội. Lời thơ rất đạt ý và thanh thoát, vì sau năm 1975 chú đã trở thành Giáo sư Việt Văn và với văn chương ấy chú đã đi vào cõi thơ lấy tên là Nguyễn Đức Nhân với tựa đề là Lệ nóng thay lời.

Lệ Nóng Thay Lời

(Kính tặng anh Tâm Kiểm Bạch Hoa Mai cùng các anh chị Huynh Trưởng, các em Phật Tử trong nước và Hải Ngoại)

1.

Sáng hôm nay
Buổi sáng cuối thu miền trung Bắc Ấn
Tại thị trấn Bodh-Gaya
Nhân loại có hay chăng
Gió Hy Mã Lạp Sơn hối hả
chuyển về không khí lạnh
Đất Bodh-Gaya thúc cỏ cây giục nhựa mùa
cho lá xanh lấp lánh
Nắng Bodh-Gaya reo vui
mừng đón đoàn con Phật ly hương
Nắng sáng nay sao đẹp lạ thường!
Nhân loại có hay chăng
Tại thị trấn Bodh-Gaya
Đâu chỉ có ánh bình minh
Có cả ánh mắt, ánh tim
Của Phật Tử Việt Nam
Khắp năm châu tụ về đây
hòa chung trong nguồn sáng
Nhân loại có hay chăng
Tại thị trấn Bodh-Gaya
Sáng hôm nay
Thoảng mùi hương khác lạ
Ôi! Hương thầm hoa sen trắng Việt Nam

2.

Hỡi mặt trời thân thương
Hỡi trái đất thân thương
Người Phật Tử Việt Nam
Cam nhận ly hương
Dù xa cách gần ba mươi năm
Dù mỗi người đi mỗi ngả
Dù giạt trôi sống nơi quê người xứ lạ
Đâu dễ gì quên
Dễ đâu xa mặt cách lòng
Vẫn thầm nhớ thầm mong
Dù phức tạp buồn vui giữa đời thường tất bật
Nhưng vẫn hẹn về nơi quê hương Đức Phật
Để thăm nhau và góp sức lo chung
Một nỗi lo trong sáng vô cùng
Góp vào dòng đời ngát hương sen trắng
Người Phật Tử Việt Nam đượm nhuần tĩnh lặng
Thắp sáng tâm hồn Bi, Trí, Dũng trung kiên
Người Phật Tử Việt Nam đâu dễ sống hèn
Quì gối van xin chức quyền, lợi dưỡng
Người Phật Tử Việt Nam vị tha, độ lượng
Trung với Đạo, hiếu với chúng sanh
Người Phật Tử Việt Nam đâu chỉ biết riêng mình
Đau đớn hướng về ngôi nhà chung: Tổ Quốc.

3.

Sáng hôm nay
Trong vườn xanh Đại Tháp
Tại thị trấn Bodh-Gaya miền Trung Bắc Ấn
Không phải đang mơ
Rõ ràng hiện thực
Tôi đã thấy đoàn Phật Tử Việt Nam
Đoàn con Phật áo lam
Từ khắp năm châu
Thành kính nguyện cầu
Nguyện cầu ánh đạo vàng
sáng soi vào thế lực vô minh tà ác
Nguyện cầu cho Tổ Quốc Việt Nam
thanh bình an lạc
Nguyện cầu cho loài người
không nghe tiếng đạn bom
Không
Không phải đang mơ
Rõ ràng hiện thực
tôi đã thấy đoàn Phật tử Việt Nam
Đoàn con Phật áo lam
Sáng trưng quỳ dưới chân Đại Tháp
Nhập Quán Từ Bi rạng ngời chơn chất
Rồi mai đây
Chia tay
Trở lại đời thường
Thanh thoát chân đi
Ánh mắt yêu thương
Người Phật Tử Việt Nam
In dấu từ tâm khắp nơi trên châu lục
Mặt trời yêu dấu ơi!
Làm sao ngăn trái tim đừng bồi hồi cảm xúc
Làm sao ngăn dòng lệ mặn đang rơi
Đẹp quá đi thôi
Thương quá đi thôi
Mừng quá đi thôi
Lệ nóng thay lời.

Đêm chia tay được tổ chức tại chánh điện Trung Tâm Tu Học Viên Giác ở Bồ-đề Đạo Tràng, Hạnh Giải muốn tôi ngâm bài thơ này nhưng vì thời gian có hạn. Vả lại lúc ấy ai cũng mệt sau ba ngày Đại Hội, nên tôi đã trao qua cho chị Tâm Minh Vương Thúy Nga để đăng trên đặc san Sen Trắng của Gia Đình Phật Tử Việt Nam Hải Ngoại.

Bài ca đêm chia tay

Thơ Nguyễn Đức Nhân

(Kính tặng Sư Phụ Phương Trượng, quý Thầy, quý Cô, các anh chị cựu Huynh Trưởng, các anh chị Huynh Trưởng, các Ban Bảo Trợ Gia Đình Phật Tử có mặt trong đêm văn nghệ bế mạc Hội Nghị Gia Đình Phật Tử Việt Nam trên thế giới tại Ấn Độ).

Lửa bập bùng cháy bừng
Sáng soi bao tình thân
Lửa bập bùng cháy bừng
Lửa reo cùng bước chân
Lửa hân hoan dấu yêu bao tình lam
Trong lòng tôi, lửa ôi, tôi đang buồn
Lửa ơi! Đừng cháy tàn
Đêm ơi! Đêm cứ dài
Để tôi còn nhìn Thầy
Để tôi vui tình lam
Lửa ơi! Đừng cháy tàn
Đêm ơi! Đêm cứ dài
Lửa ơi! Buồn não nùng
Chia tay trong ngày mai
Ba mươi năm xa rồi
Bao năm nhớ thương người
Người ơi! Người áo lam
Màu lam màu Việt Nam
Nhớ xưa áo lam về
Hát ca vang núi đồi
Hò vui xanh ruộng đồng
Cười tươi chèo qua sông
Nhớ xưa áo lam về
Áo lam qua phố phường
Áo lam đi sáng đường
Áo lam người tôi thương
Nhớ xưa ngày đấu tranh
Cầm tay rừng cờ bay
Xông lên quyết không lùi
Đấu tranh chống độc tài
Áo lam quyết sẵn sàng
Hy sinh vì Đạo vàng
Nhớ xưa ngày đấu tranh
Cờ bay, rừng cờ bay
Áo lam quyết một lòng
Áo lam tươi màu hồng
Áo lam người tay không
Nhớ xưa ngày đấu tranh
Cờ bay, rừng cờ bay
Áo lam che chở Thầy
Áo lam bị tù đày
Áo lam luôn mỉm cười
Trái tim màu sen tươi
Đêm nay ngồi bên nhau
Ngày mai ngày chia tay
Sống chung trên địa cầu
Bao giờ gặp lại nhau
Lửa ơi! Đừng cháy tàn
Đêm ơi! Đêm cứ dài
Để tôi được nhìn Thầy
Để tôi vui tình lam
Người ơi! Người đừng đi
Ba mươi năm còn gì
Xa nhau quá lâu rồi
Áo lam ơi đừng đi.

Ấn Độ, chiều ngày 09.11.2004

Đó là những tâm tình mà Hạnh Giải đã gởi đến cho tất cả anh chị em lam viên hiện diện cũng như khiếm diện trong lần đại hội lịch sử ấy. Anh Tâm Kiểm Bạch Hoa Mai bảo rằng tôi là người có phước, nên đã có nhiều người tài giỏi như thế ở dưới trướng để phục vụ. Thật ra thì tất cả chỉ vì Dân Tộc và Đạo Pháp mà thôi. Nếu phụng sự cho cá nhân thì việc ấy đâu có ý nghĩa gì nữa.

Ngày nay ai đó trong chúng ta đi hành hương tại Ấn Độ, khi về khuôn viên Bồ-đề Đạo Tràng thì thấy hai cảnh trí thật Việt Nam được xây dựng nơi đó. Đầu tiên là một đại hồng chung cao hơn hai thước được dựng dưới một ngôi nhà lục giác và bên cạnh đó có ghi chú rõ ràng ngày tháng, xuất xứ của quả chuông này là do sự vận động của Dr. Diệu Liên ở California, Mỹ Quốc, dưới sự hỗ trợ nhiệt tình của Thầy Pháp Chơn ở San Jose, đệ tử của Thượng Tọa Bác Sĩ Thích Hải Ấn, chùa Từ Đàm Việt Nam, và quả chuông ấy đã được xây dựng trong công viên của Bồ-đề Đạo Tràng và lễ khánh thành đã diễn ra vào ngày 20 tháng 2 năm 2004 này.

Ngoài ra phía tận cùng của hồ cá, nơi có tượng Đức Phật ngồi thiền định vào tuần lễ thứ sáu sau khi Thành Đạo, có một hòn non bộ mà cách kiến trúc hoàn toàn Việt Nam, mà ngay cả đá, xi măng và thợ thầy cũng mang từ Việt Nam qua để xây dựng trong suốt thời gian cuối năm 2003 đến đầu năm 2004 này. Công trình này cũng do Thượng Tọa Hải Ấn, Thầy Pháp Chơn và cô Diệu Liên thực hiện chuyên chở cũng như vận động tài chánh v.v... Điều quan trọng không phải là việc chúng ta có thể chiêm ngưỡng một công trình có giá trị văn hóa Phật Giáo Việt Nam có tính cách lịch sử như thế, mà điều quan trọng ở đây là làm sao để xây dựng thành công được hai công trình này. Quả là điều bất khả tư nghì. Như chúng ta cũng biết cơ sở bồ-đề Đạo Tràng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2003 vừa rồi, không dễ để thêm vào một vật gì cả, cũng không dễ để lấy đi một vật gì ở đó. Ngoài việc đóng góp tịnh tài gần 200.000 US của Phật Tử tại Mỹ do cô Diệu Liên vận động cho cả hai chương trình thì phải nói rằng chính nhờ sự ngoại giao khôn khéo của cô với Thầy Chủ Tịch và chính phủ Tiểu Bang Bihar mà hai công trình ấy đã được thực hiện.

Năm rồi (2003), vào tháng 10, trước khi đi Úc tôi đã ghé Trung Tâm Tu Học Viên Giác ở Bồ-đề Đạo Tràng, ở đó một tháng, có gặp cô Diệu Liên và cả Thầy Hải Ấn từ Việt Nam sang. Tôi cũng đã trao đổi với Thầy ấy thật nhiều về vấn đề Tăng Ni sinh Việt Nam đang du học tại đây và những vấn đề trao đổi học Tăng và học Ni trong tương lai qua con đường giáo dục ở trong cũng như ngoài nước. Giữa tôi và Thượng Tọa Hải Ấn có những điểm tương đồng.

Đến ngày 23 tháng 10 năm 2004, khi đổi chuyến bay tại Phi Trường Bangkok qua chuyến bay đi Gaya thì tình cờ gặp cô Diệu Liên cũng đi cùng chuyến. Hôm đó là ngày thứ bảy trong tuần và hình như mỗi tuần chỉ có một chuyến đi từ Bangkok và một chuyến về Bangkok vào mỗi thứ tư. Nghe đâu phi trường này trước đây là phi trường quân sự và hai năm trở lại đây họ đã dành cho máy bay dân sự hạ cánh. Đó là một sự tiện lợi vô cùng cho khách hành hương từ Colombo, thủ đô Tích Lan, Bangkok v.v... Hy vọng trong tương lai gần sau khi tân trang xong, phi trường này sẽ có nhiều chuyến bay hơn để khách hành hương đỡ vất vả là phải bay đến Calcutta, hoặc New Delhi rồi mới đổi đi xe lửa hoặc xe bus sau 15 đến 20 tiếng đồng hồ mới đến được Bồ-đề Đạo Tràng sau gần 1.000 km đường trường như thế. Quả thật là quá vất vả cho một cuộc hành trình về đất Phật.

Thật sự ra so với cuộc chiêm bái của Ngài Huyền Trang từ năm 628 đến năm 645 vào Đời nhà Đường gồm hai năm đi, hai năm về và 13 năm tu học ở Nalanda chỉ toàn là đi bằng đường bộ hoặc dùng ngựa để chở kinh thì chặng đường hành hương của chúng ta như thế sự cực nhọc chẳng thấm vào đâu. Hoặc xa hơn nữa khi Phật còn tại thế, Ngài đã gian khổ như thế nào để thành được bậc Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác kể từ 25 thế kỷ trước, thì chúng ta sẽ thẹn lòng khi nhắc đến những sự cực nhọc gian khổ ấy.

Tuy nhiên mỗi thời đại mỗi khác và mốc thời gian của 25 thế kỷ trước khó có thể so sánh với bây giờ nhiều lắm. Bây giờ chúng ta có cơ hội trở vê nguồn như thế là điều quá phước đức rồi.

Lần này tôi ở tại Bồ-đề Đạo Tràng có ba sự kiện quan trọng đã xảy ra. Đó là việc Đồng Tác, người Ấn Độ gốc Assan, sau khi ở tại Trung Tâm Tu Học Viên Giác một năm, đã học thuộc Đại Bi Thập Chú tiếng Việt và có thể hô canh ngồi thiền cũng như đi thời công phu chiều bằng tiếng Việt, qua sự giới thiệu chuẩn y của Hạnh Nguyện và Hạnh Định tại Trung Tâm tôi đã làm lễ xuất gia cho chú này, cũng trong khung cảnh an lành vào một buổi sáng tinh sương sau thời Công Phu Khuya tại Đại Tháp, dưới sự chứng minh của Chư Tôn Đức và quý Phật Tử.

Thật cảm động khi thấy một thanh niên Ấn Độ đã cầm bản văn tiếng Việt Nam trên tay để xin tôi, Hạnh Nguyện và Hạnh Định xuất gia, nguyện sống đời tỉnh thức của một vị Tăng Sĩ. Sau khi xuất gia em rất vui, vì được mọi người ngợi khen cũng như bày tỏ cảm tình với một người sắp bước vào con đường cao cả.

Ngày xưa, cách đây 200 năm, khi Vua Gia Long và một số chư Tăng, Phật Tử sang Thái Lan tỵ nạn vì đánh nhau với quân Tây Sơn, rồi quý Thầy cũng như Phật Tử đã lập chùa để đến nay nơi ấy, tuy không còn bóng dáng một chư Tăng Việt Nam nào nữa, nhưng mỗi ngày hai thời Công Phu sáng chiều tiếng Việt Nam vẫn còn vang vọng đâu đây tại thủ đô Vọng Các ấy. Đúng là pháp Phật nhiệm mầu.

Ngay cả ngày nay sau năm 1975 tại hải ngoại, Việt Nam chúng ta đã xây dựng hơn 600 ngôi chùa như thế, rồi bây giờ hay nhẫn đến mấy trăm năm sau đi nữa, mái chùa che chở hồn dân tộc ấy vẫn còn đây và dĩ nhiên nếu có người ngoại quốc tại xứ đó xuất gia để giữ gìn thì cũng là điều quý hóa chứ có sao đâu. Vì Đạo Phật không riêng cho một ai cả.

Rồi một hôm, cuối tháng 10 năm 2004, Hạnh Định đã đưa cô Diệu Liên đến sảnh đường của Trung Tâm để ra mắt tôi và có việc trình thưa. Đó là ý nguyện xuất gia của cô ấy. Sau đó tôi có hỏi lý do cũng như những động cơ đi xuất gia, thì cô trả lời rằng:

- Con đã dự định từ lâu rồi nhưng thiếu nhân duyên nên chưa đi xuất gia được. Con xin Thầy làm Thầy thế độ cho con và con nương vào Thầy để tu học.

Hỏi ra mới biết là cô đi du học sang Mỹ năm 1973. sau đó học xong tiến sĩ và đã dạy tại Đại Học Berkley 18 năm và bây giờ, sau khi xây dựng xong hai công trình tại Đại Tháp thì ý hướng xuất gia của cô lại càng mãnh liệt hơn nữa.

Tôi xoay qua có ý hỏi Hạnh Định về việc này, vì sau khi cho Đồng Tác xuất gia là để nương theo Hạnh Nguyện và Hạnh Định. Còn bây giờ trường hợp cô Diệu Liên thì sao? Thật ra sau khi đã trở về ngôi Phương Trượng tôi đã không muốn thâu nhận đệ tử xuất gia nữa, vì lẽ để có nhiều thì giờ cho mình hơn và khi nhận đệ tử xuất gia là cần phải có nhiều bổn phận hơn nữa. Nhưng trường hợp này cũng quá đặc biệt, cho nên tôi nhận lời và đây là đệ tử xuất gia thứ 45 của tôi và có lẽ cũng là người nữ có bằng cấp, địa vị cao nhất trong xã hội Mỹ, nhưng đã từ bỏ tất cả để sống đời tỉnh thức.

Cuối cùng thì tôi đã thuận và đổi lại pháp danh là Thiện Liên và có một số đề nghị như sau: Mỗi năm cô về Ấn Độ ở tu học trong ba hay 4 tháng. Khi về lại Mỹ thì ở với Sư Cô Minh Huệ tại chùa Phật Bảo ở Chicago và mỗi năm từ Rằm tháng tư đến rằm tháng bảy qua Viên Giác ở Đức để an cư kiết hạ và tùng chúng tu học. Cô đã đồng ý và thế là một lễ xuống tóc đã được chuẩn bị.

Hôm đó là sáng sớm ngày thứ bảy, 30 tháng 10 năm 2004 nhằm ngày 17 tháng 9 năm Giáp Thân. Nghĩa là trước lễ vía Đức Quán Thế Âm Bồ Tát hai ngày. Có nhiều người hỏi tôi tại sao không coi ngày để cho xuất gia, tôi thường trả lời rằng: Nhân duyên nó là vậy thì hãy tùy duyên đi. Tôi biết có nhiều Thầy Cô khi nhận đệ tử thì xem tuổi, xem ngày và cho xuất gia phải kiêng cữ từng li từng tí, nhưng cuối cùng những người như thế tôi thấy cũng chẳng bền. Sự tỉnh thức và sự dụng công tu học cũng như uy đức của chúng Tăng mới là căn bản, chứ những sự kiêng cữ ấy nó chỉ có tính ước lệ mà thôi.

Hôm đó Hòa Thượng Thích Thanh Thế là sư đệ của Hòa Thượng Bảo Lạc đến từ Việt Nam chứng minh và có sự tham dự đông đủ của chư Tăng Ni trong Trung Tâm và một số Phật Tử đi hành hương. Thế là mái tóc đen của mẹ cha xin trả lại cho mẹ cha, người trần thế xin trả về cho trần thế. Giờ đây, nơi Kim Cương Tòa là một người đầu tròn áo vuông và tư tưởng cũng như y trang cô đã chuẩn bị từ lâu rồi, nên không có gì là bỡ ngỡ.

Giờ đây có thêm một tâm hồn hướng thượng và trong giáo lý Phật Đà có ghi thêm tên tuổi của một người nữ Việt Nam đã có công với Tam Bảo nơi cội bồ-đề, được dự vào hàng ngũ của người xuất gia, với danh nghĩa là người tỵ nạn Việt Nam đi tìm đạo và ngoài ra cộng đồng Tăng Lữ Việt Nam ở ngoại quốc cũng có thêm một Ni cô giỏi ngoại ngữ và dày dạn kinh nghiệm trong việc ngoại giao cũng như chúng lý. Viên Giác có thêm một Ni cô tuổi đời hơn 50 vẫn còn có một thời gian khá dài để phụng sự cho đạo. Đó là kết quả của bao nhiêu ngày tháng cô Thiện Liên đã đi tìm và nay thì nhân duyên là vậy.

Ngoài ra có hơn hai mươi Phật Tử đến từ Hoa Kỳ cũng đã được tôi, Thầy Thanh Thế, Thầy Tâm Tường, Thầy Hạnh Chánh, Thầy Đồng Văn, Hạnh Nguyện, Hạnh Định v.v... truyền cho họ tại gia Bồ Tát Giới vào ngày này.

Một sự kiện khác cũng không kém phần quan trọng là anh Tâm Huệ Cao Chánh Hựu, người anh cả của Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hải Ngoại ngày nay, cũng đã được gắn huy hiệu cấp Dũng do Thượng Tọa Thích Viên Lý đọc bảng tấn phong thọ cấp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất từ trong nước gởi ra. Thượng Tọa Thích Nguyên Siêu, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa Giáo Dục của GHPGVNTN tại Hoa Kỳ đọc những quyết định của Giáo Hội và tôi với tư cách là Tổng Thư Ký GHPGVNTN Âu Châu đã gắn huy hiệu cấp Dũng với lá bồ-đề có bốn hột cho anh. Đây cũng là cấp cao nhất của GĐPTVN mà chúng tôi hay gọi là “cấp Tướng”. Sau đó Thầy Viên Lý, Thầy Nguyên Siêu và chúng tôi đã rước nến từ nơi Kim Cương Tòa đốt sáng cả một chân trời rồi từ từ truyền ánh sáng ấy qua cho anh Cao Chánh Hựu, anh Tư Đồ Minh và anh Bạch Hoa Mai. Đây là một dấu mốc quan trọng, một sự kiện lịch sử có một không hai của Tổ Chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước vậy.

Tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam đã qua 60 năm sinh hoạt ở trong nước và 30 năm sinh hoạt ở ngoại quốc. Cũng có lúc thăng, lúc trầm, lúc khởi sắc, lúc bi thương, nhất là trong các thời kỳ Pháp Nạn, nhưng Gia Đình Phật Tử bao giờ cũng gắn liền với Giáo Hội và với đất nước. Ngày nay ở ngoại quốc mỗi quốc gia có người Việt Nam sinh sống đều có Phật Tử và nơi nào có Huynh Trưởng thì các anh chị em cũng cố gắng tổ chức thành một Gia Đình Phật Tử, mặc dầu Đoàn Đội không đủ, hoặc ngành Oanh Vũ thì nhiều, nhưng ngành Thiếu thì bao giờ cũng thiếu, vì các em lo bận học và thi cử, nhưng khi sang ngành Thanh rồi thì kẻ đi lấy chồng, người đi làm xa v.v... thế là Gia Đình Phật Tử yếu dần. Lý do chính là thiếu người hướng dẫn, nhất là thiếu các anh chị Trưởng có nhiều năm kinh nghiệm. Đã có lần tôi viết về “Giáo dục Thanh Thiếu Niên Việt Nam ở Hải Ngoại ngày nay”, có đề cập về vấn đề này và đã có nhiều Tổ Chức cho lên trên mạng Internet và đã có nhiều người đọc, theo dõi cũng như thực hiện theo.

Từ cấp “Mở Mắt” của Oanh Vũ cho đến những cấp bậc lớn nhất của Gia Đình Phật Tử đều có những phù hiệu khác nhau đeo kèm với hoa sen trắng. Riêng bốn cấp lớn nhất của Gia Đình Phật Tử là cấp Tập, cấp Tín, cấp Tấn và cấp Dũng. Trong bốn cấp này theo nội quy của Gia Đình Phật Tử là phải trải qua nhiều trại huấn luyện và phải trình nhiều Tiểu Luận, Luận Văn và Luận Án, có những đề tài liên quan với Phật Học và đặc biệt là vấn đề đào tạo một thế hệ thanh thiếu niên sống theo tinh thần Bi Tri Dũng của Đạo Phật. Trên mỗi cánh tay áo phải của quý anh chị đều có đeo cấp bậc của mình. Cấp Tập gồm 2 lá bồ-đề và 1 hạt màu nâu, nền vàng. Cấp Tín gồm hai lá bồ-đề và hai hạt. Cấp Tấn cũng hai lá bồ-đề, nhưng ba hạt và cấp Dũng cũng hai lá bồ-đề, nhưng bốn hạt. Cả nước Việt Nam chỉ có bốn anh cấp Dũng và mới đây có thêm năm anh được thọ cấp ấy. Trong đó có anh Tâm Huệ Cao Chánh Hựu. Nguyên là một Thẩm Phán trong Tòa Án Quân Sự ở Đà Nẵng trước năm 1975 và tất cả các anh cấp Dũng hầu như ai cũng trên 70 tuổi cả. Có vị đã hơn 80 tuổi như anh Châu tại Việt Nam. Thế nhưng trong Gia Đình Phật Tử họ vẫn gọi nhau là anh chị, như trong một gia đình rất thân mật.

Chính nhờ “dây thân ái” đó đã kết thành vòng tay lớn. Cho nên suốt 60 năm qua trong nước cũng như ở ngoại quốc đã có nhiều Hòa Thượng, nhiều Thượng Tọa, Sư Bà, Ni Sư, Đại Đức v.v... cũng đã xuất thân từ tổ chức Gia Đình Phật Tử này. Điều đặc biệt cũng chỉ có Việt Nam mới có Tổ Chức Gia Đình Phật Tử do Bác Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám sáng lập vào thập niên 1940. Còn trên thế giới chưa có nước Phật Giáo nào có được một Tổ Chức quy tụ cả hơn 300.000 người trẻ có kỷ luật như thế.

Tôi vốn cũng là thành viên của Hội Đồng Tăng Già Thế Giới gồm 36 nước Hội Viên và tôi cũng đã đảm nhận công việc của Thanh Niên Tăng Ni Thế Giới, nhưng tổ chức này nó cũng chỉ có tính cách tinh thần thôi. Chứ sự sinh hoạt không sinh động như của Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Chúng tôi đã họp rất nhiều lần tại Taipei, Souel, Singapore, Malaysia, Hannover, Indonesia v.v... nhưng đầu tiên trong mấy năm nay cũng chỉ có tính cánh thân hữu, trao đổi thôi chứ chưa có gì thực tế cụ thể cả.

Hôm nay, vào các ngày 7, 8, 9 tháng 11 năm 2004 , nơi Kim Cương Tòa, nơi Đức Bổn Sư đã chứng ngộ đạo lý vô thượng, các anh chị em Huynh Trưởng lần đầu tiên về đây dự Đại Hội từ khắp các châu và mong rằng trong đời người Huynh Trưởng và nhất là đời người Phật Tử ít nhất cũng nên có một lần về đất Phật để chiêm bái, nguyện cầu, thì kết quả của sự dụng công trên đường học đạo ấy ngày càng thăng hoa rất nhiều.

Sở dĩ Phật Giáo Tây Tạng nổi tiếng ở ngoại quốc ngày nay về nhiều mặt, vì lẽ chư Tăng và Phật Tử hành trì, hạ thủ công phu rất nhiều, nhiều hơn chư Tăng Ni và Phật Tử Việt Nam mình nhiều lắm. Ngày nay tại Việt Nam và ở ngay hải ngoại này có rất nhiều người đi xuất gia, tu và học, nhưng người hành trì và dụng tâm hạ thủ công phu để giải thoát thì phải nói rằng ít lắm. Rất ít so với Phật Giáo của nước khác.

Tôi đã có cơ duyên đón tiếp cũng như tham dự những khóa tu do Đức Đạt-lai Lạt-ma chủ giảng ở Đức có khi lên đến hơn 10.000 người một lúc. Cả Hội Trường đều im phăng phắc qua tâm từ của Ngài và tâm từ ấy được thể hiện qua những nụ cười thật từ bi trí tuệ và mỗi ngày như thế Ngài dậy từ 3 hay 4 giờ sáng và từ đó Ngài hành trì cho đến 6 giờ sáng mới nghỉ. Một vị Thầy được truyền thống Phật Giáo Tây Tạng cũng như thế giới tôn xưng là hậu thân của Bồ Tát Quán Thế Âm mà còn dụng công tu học như thế. Còn chúng ta thì sao? Xin tự hỏi lại ở mỗi người.

Thật sự ra đi xuất gia tu học là phải tự hiểu mình là ai, chứ không phải để hiểu người khác là ai. Đây là vấn đề sinh tử của việc tu học vậy. Vì trong sáu tỷ người hiện nay có mặt trên châu lục này không có ai giống ai về vấn đề tâm lý, tình cảm, gương mặt và ngay cả chỉ tay của mỗi người mỗi khác, làm sao chúng ta có thể hiểu hết được tâm lý của con người? Điều quan trọng là mình phải hiểu bốn chân lý căn bản. Đó là Khổ, Tập, Diệt, Đạo và Thập Nhị Nhân Duyên để tu, quán sát, xem xét, tập trung vào đề tài thiền quán cũng như tự kiểm soát thân tâm của mình. Khi trí huệ mình được khai mở, như Đức Phật đã tỏ rạng vào đêm mồng 8 tháng 12 cách đây 2548 năm về trước, thì lúc ấy ta sẽ hiểu được tất cả bản thể của vũ trụ. Còn bây giờ không cần phải hiểu để làm gì, mà dầu cho có bậc giác ngộ nào đó có nói cho ta thật cặn kẽ đi nữa, chắc gì ta đã tin.

Tại sao ta không tin? Tại vì chúng ta còn ngờ vực. Tại sao lại ngờ vực? Vì thành kiến, ngã chấp tràn đầy và vô minh kiến hoặc còn ngự trị nơi cái tu và cái học cái chấp trước của mình, thì làm sao chấp nhận người khác và chấp nhận sự hiểu biết của người khác? Do vậy, nếu mỗi người trong chúng ta đều hiểu rõ nguyên tắc này thì chắc chắn sự tu học sẽ có kết quả.

Kể từ ấy đến nay đã có không biết bao nhiêu bậc giác ngộ về lý duyên sanh và tánh không cũng như các pháp không thật tướng này. Cho nên đã có rất nhiều vị đắc đạo từ Ấn Độ đến Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam, Tây Tạng, Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan v.v... vì những vị Tổ Sư ấy biết ứng dụng giáo lý của Đức Phật vào cuộc sống nội tâm của mình. Còn bao nhiêu người khác vẫn còn lang thang trong lục đạo cũng chỉ vì không hiểu mình là ai và cứ cố bám lấy cái ngã ấy để xây thành những bức thành kiên cố của si mạn và tà kiến thì thời gian nổi trôi trong sự vui ở cõi chư Thiên, trong sự khổ đau của loài người hay sự đọa đày nơi địa ngục vẫn còn nhiều lắm. Vì vậy mỗi người hãy mau mau tỉnh thức mà dụng công tu học vậy.

Chúng ta đi đến Bhutan, Népal, Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Thái Lan, Tích Lan, Miến Điện v.v... đi đến đâu cũng thấy chùa to Phật lớn. Vì có như thế mới tượng trưng được cái đại thể của dân tộc. Còn Việt Nam chúng ta phải nói rằng còn thua xa Phật giáo thế giới rất nhiều về phẩm cũng như về lượng. Do vậy, nên cố gắng hành trì và thể hiện sự tu học ấy càng đậm nét hơn nữa. Trên từ các bậc Hòa Thượng, dưới cho đến các chú tiểu, ni cô mới vào chùa cũng phải có một tâm niệm như thế, thì mới mong Phật Giáo ngày càng đi sâu vào quần chúng hơn nữa. Nếu không, cũng chỉ là hình thức bên ngoài, chứ đó quyết không phải là tinh thần mà Đức Phật muốn dạy cho chúng ta.

Hy vọng ở thế hệ ngày mai, cả người Việt Nam lẫn người ngoại quốc ngày càng có nhiều người hiểu về giáo lý của Đức Phật, rồi phát tâm tu học, giải thoát, để cứu đời ra khỏi những tật đố, tai ương. Nếu chúng ta chưa hiểu một cách rốt ráo giáo lý của Đức Phật thì chúng ta cũng chỉ như người mù sờ voi vậy thôi. Sờ trúng cái này thì nói nó giống như cái gì mình đã chấp, nhưng trên thực tế con voi không phải như vậy. Nó không phải từng phần, mà nó cũng chẳng phải toàn phần. Vì tất cả nó cũng chỉ là một sự tổng hợp của mọi thứ, con voi ấy mới trở thành một con voi.

Khi chúng ta chưa hiểu đạo thì chúng ta nghĩ là: Đạo phải phục vụ cho mình. Nhưng khi chúng ta hiểu đạo rồi thì chúng ta phải nói: Mình phải phục vụ cho đạo. Vì đạo cần phải bảo vệ, chứ mình đâu có quan trọng gì đối với 6 tỷ người ở đầu thế kỷ 21 này mà bảo vệ.

Có nhiều nhà Sư nhìn Đạo Phật dưới nhãn quan này hay nhãn quan nọ, rồi đem Đức Phật từ khía cạnh này gắn sâu vào khía cạnh khác và nếu không vậy thì cũng biến đổi tư tưởng của mình theo cái nhìn phiến diện nào đó và muốn cho mọi người phải theo mình, thì đây là hoàn toàn sai trái với giáo lý của Đạo Phật. Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật có hỏi Ngài Tu-bồ-đề rằng:

“Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Có phải Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng được thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề chăng?”

(Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Lai ư Nhiên Đăng Phật sở hữu pháp đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề phủ?)

Ngài Tu bồ-đề đáp rằng:

“Bạch Thế Tôn! Không phải vậy. Theo như con hiểu lời Phật dạy thì Phật ở chỗ Phật Nhiên Đăng không có thành tựu pháp A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.”

(Phất dã, Thế Tôn. Như ngã giải Phật sở thuyết nghĩa, Phật ư Nhiên Đăng Phật sở vô hữu pháp đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.)

Vì sao thế? Vì: “Như Lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai.” Nghĩa là: Như Lai đó, chẳng từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu, nên gọi là Như Lai.

Vậy ở mỗi chúng ta đều có Như Lai, nhưng chúng ta vẫn mãi tìm cầu Như Lai ở cõi khác hoặc ở ngoài ta. Trong khi đó Như Lai ở trong ta thì chẳng có ai tìm cầu, nhắc nhở đánh thức dậy. Thực sự ra Tịnh Độ hay Niết-bàn, địa ngục hay khổ đau chỉ có cùng một cửa chứ không hai. Đi vào thì mình gọi là đi vào địa ngục, bước đến cảnh khổ. Còn đi ra thì mình nói ra khỏi luân hồi, sanh vào Tịnh Độ. Cũng chỉ có một cửa ấy chứ không có hai cửa.

Giống như ví dụ lúc ban đầu là trái hồng còn non nếu ăn sẽ bị đắng. Nếu qua thời gian chịu hấp thụ ánh sáng mặt trời, sương gió thì hồng kia sẽ chuyển từ xanh sang vàng và từ chát đến ngọt. Vị ngọt ấy quyết không từ ngoài mà đến. Nó ở bên trong trái hồng ấy. Nhưng làm thế nào và thời gian bao lâu để hồng kia chuyển từ đắng sang ngọt lệ thuộc bởi khí hậu và những điều kiện khác. Đôi khi hồng mới non còn chát đã rụng rồi, nhưng khi hồng đã ngọt rồi thì không còn vị đắng nữa.

Cũng như thế ấy, sự giác ngộ hoàn toàn nếu đi theo con đường căn bản thì từ Bồ Tát đến thành Phật phải trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp, mà mỗi a-tăng-kỳ kiếp như vậy là một con số 1 và năm mươi hai con số 0 đi theo sau. Như thế, khi đã thành Phật rồi thì không còn bị luân hồi nữa. Điều quan trọng ở đây là chúng ta có tự chuyển không? Hay chúng ta cứ mãi tìm cầu bên ngoài. Nếu cứ thế thì Đức Phật trong tương lai ấy vẫn ngồi yên trong cõi lòng ấy chứ không thể vực dậy được, như quả hồng kia vẫn chát rơi rụng chứ không tự chuyển với khả năng sẵn có của mình từ chát sang ngọt được. Thật đáng tiếc thay.

Cũng như lửa, nếu không từ củi thì sẽ không có lửa, nhưng lửa đâu phải tự sinh, mà do bản chất của gỗ trong ấy đã có lửa rồi. Phật tánh cũng vậy. Khi nào chất xúc tác trợ duyên thì Đức Phật kia sẽ ngồi dậy bên trong để tỉnh thức chúng ta như Vua A-dục đã quỳ gối xuống và mong rằng tất cả chúng ta cũng đều hiện thân là những người con Phật biết thật sâu sắc cho sự hiện hữu giác ngộ ấy nằm bên trong chứ không phải bên ngoài, thì ai ai cũng sẽ an lạc, hạnh phúc, chứ không phải chỉ có một vài người có thể ngộ được chân lý ấy mà thôi.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 8 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Gió Bấc


Kinh Di giáo


Phật giáo và Con người


Sống và chết theo quan niệm Phật giáo

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.118.255.51 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (169 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - ... ...