Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Hãy lắng nghe trước khi nói. Hãy suy ngẫm trước khi viết. Hãy kiếm tiền trước khi tiêu pha. Hãy dành dụm trước khi nghỉ hưu. Hãy khảo sát trước khi đầu tư. Hãy chờ đợi trước khi phê phán. Hãy tha thứ trước khi cầu nguyện. Hãy cố gắng trước khi bỏ cuộc. Và hãy cho đi trước khi từ giã cuộc đời này. (Before you speak, listen. Before you write, think. Before you spend, earn. Before you retire, save. Before you invest, investigate. Before you critisize, wait. Before you pray, forgive. Before you quit, try. Before you die, give. )Sưu tầm
Tôi biết ơn những người đã từ chối giúp đỡ tôi, vì nhờ có họ mà tôi đã tự mình làm được. (I am thankful for all of those who said NO to me. Its because of them I’m doing it myself. )Albert Einstein
Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant
Kẻ bi quan than phiền về hướng gió, người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều, còn người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm. (The pessimist complains about the wind; the optimist expects it to change; the realist adjusts the sails.)William Arthur Ward
Ngay cả khi ta không tin có thế giới nào khác, không có sự tưởng thưởng hay trừng phạt trong tương lai đối với những hành động tốt hoặc xấu, ta vẫn có thể sống hạnh phúc bằng cách không để mình rơi vào sự thù hận, ác ý và lo lắng. (Even if (one believes) there is no other world, no future reward for good actions or punishment for evil ones, still in this very life one can live happily, by keeping oneself free from hatred, ill will, and anxiety.)Lời Phật dạy (Kinh Kesamutti)
Đối với người không nỗ lực hoàn thiện thì trải qua một năm chỉ già thêm một tuổi mà chẳng có gì khác hơn.Sưu tầm
Thành công là tìm được sự hài lòng trong việc cho đi nhiều hơn những gì bạn nhận được. (Success is finding satisfaction in giving a little more than you take.)Christopher Reeve
Nếu muốn có những điều chưa từng có, bạn phải làm những việc chưa từng làm.Sưu tầm
Hạnh phúc giống như một nụ hôn. Bạn phải chia sẻ với một ai đó mới có thể tận hưởng được nó. (Happiness is like a kiss. You must share it to enjoy it.)Bernard Meltzer

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Văn khuyên phát tâm Bồ-đề »» Nhân duyên phát tâm »»

Văn khuyên phát tâm Bồ-đề
»» Nhân duyên phát tâm

Donate

(Lượt xem: 5.722)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn khuyên phát tâm Bồ-đề  - Nhân duyên phát tâm

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Tâm Bồ-đề này đứng đầu tất cả pháp lành, phải có nhân duyên mới có thể phát khởi. Nay sẽ nói về nhân duyên, sơ lược có mười loại.

Những gì là mười nhân duyên phát tâm Bồ-đề?

- Thứ nhất, vì nghĩ đến ơn Phật sâu nặng nên phát tâm;
- Thứ hai, vì nghĩ đến công ơn cha mẹ nên phát tâm;
- Thứ ba, vì nghĩ đến ơn thầy nên phát tâm;
- Thứ tư, vì nghĩ đến ơn thí chủ cúng dường nên phát tâm;
- Thứ năm, vì nghĩ đến ơn chúng sinh nên phát tâm;
- Thứ sáu, vì nghĩ đến nỗi khổ sinh tử nên phát tâm;
- Thứ bảy, vì tôn trọng tự tánh linh giác nên phát tâm;
- Thứ tám, vì sám hối nghiệp chướng nên phát tâm;
- Thứ chín, vì cầu sinh Tịnh độ nên phát tâm;
- Thứ mười, vì khiến cho Chánh pháp được trụ thế lâu dài nên phát tâm.

Thế nào là nghĩ đến ơn Phật sâu nặng?

Đó là nói việc đức Như Lai Thích-ca của chúng ta từ thuở mới vừa phát tâm, vì chúng ta mà hành đạo Bồ Tát, trải qua vô số kiếp chịu mọi khổ não. Khi ta tạo nghiệp xấu ác thì Phật khởi tâm thương xót, dùng phương tiện giáo hóa, nhưng ta lại ngu si không chịu tin nhận. Ta phải đọa vào địa ngục, Phật lại đau lòng thương xót, muốn thay ta chịu khổ, nhưng vì ta tạo nghiệp nặng nề nên không thể cứu vớt. Ta sinh làm người, Phật dùng phương tiện khiến ta biết gieo trồng căn lành. Đời này sang đời khác, tâm Phật vẫn luôn hiện hữu cùng ta, chưa từng tạm rời. Thuở Phật vừa xuất thế, ta hãy còn chìm sâu trong biển nghiệp, nay ta được làm người thì Phật đã nhập diệt. Ta do tội gì phải sinh thời mạt pháp không có Phật? Ta nhờ phúc gì được dự hàng xuất gia? Vì nghiệp chướng gì không được nhìn thấy kim thân Phật? Do may mắn gì mà tự mình được chiêm bái xá-lợi Phật?

Lại suy xét rằng, ví như đời trước không gieo trồng căn lành, nay làm sao được nghe pháp Phật? Nếu không được nghe pháp Phật, làm sao biết mình thường chịu ơn Phật? Ân đức như thế, núi cao gò lớn cũng chẳng sánh bằng. Nếu tự mình không phát tâm rộng lớn, hành đạo Bồ Tát, xây dựng phát triển Phật pháp, cứu giúp hóa độ chúng sinh, thì cho dù có tan xương nát thịt cũng không thể báo đền.

Đó là nhân duyên thứ nhất để phát tâm Bồ-đề.

Thế nào là nghĩ đến ơn cha mẹ?

Mỗi khi nghĩ đến cha mẹ thì buồn thương khôn nguôi, bởi sinh ta ra mà phải chịu khổ nhọc trăm bề. Mười tháng mang thai, ba năm bú mớm; đêm bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn, ngày đắng cay mẹ nuốt, ngon ngọt phần con, nhờ vậy nay ta mới được thành người. Chỉ mong ta kế tục nghiệp nhà, nối đường thờ tự. Nay ta chọn đường xuất gia, lạm xưng đệ tử Phật, hổ thẹn nhận danh sa-môn. Món ngon ngọt chẳng dâng cha mẹ, ngày kỵ giỗ không cúng tổ tiên. Cha mẹ còn sống đã không chu toàn nuôi dưỡng, chết đi không dẫn dắt được theo đường lành. Xét việc đời là mất mát lớn lao, xét việc đạo còn chưa thật hữu ích. Ví như đôi đường đều thất bại thì tội lỗi nặng nề thật khó tránh.

Lại suy xét rằng, chỉ có một cách duy nhất là đời đời kiếp kiếp thường hành Phật đạo, rộng độ chúng sinh mười phương ba đời. Được như thế thì không chỉ cha mẹ trong một đời, mà cả cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp cũng đều được cứu độ; không chỉ riêng cha mẹ của một người, mà cha mẹ của tất cả mọi người cũng đều được siêu thoát.

Đó là nhân duyên thứ hai để phát tâm Bồ-đề.

Thế nào là nghĩ đến ơn thầy?

Cha mẹ tuy có thể sinh ta ra và nuôi dưỡng thân thể, nhưng nếu không có các bậc thầy dạy ở đời, hẳn ta không biết đến lễ nghĩa; nếu không có các bậc thầy dạy trong đạo, hẳn ta không hiểu được pháp Phật.

Không biết lễ nghĩa thì cũng giống như súc vật, không hiểu pháp Phật thì khác chi người thế tục? Nay ta cũng biết được đôi điều lễ nghĩa, hiểu được sơ lược về pháp Phật, trên mình được khoác cà-sa, thân tâm thấm nhuần giới hạnh. Được như thế đều nhờ ơn thầy dạy.

Nếu phát tâm cầu quả vị nhỏ nhoi, chỉ có thể lợi ích riêng mình. Nay chọn theo Đại thừa, nguyện lớn lao lợi khắp muôn người, thì các bậc thầy dạy dù ở đời hay trong đạo cũng đều sẽ được phần lợi ích.

Đó là nhân duyên thứ ba để phát tâm Bồ-đề.

Thế nào là nghĩ đến ơn thí chủ cúng dường?

Đó là nói việc chúng ta hôm nay, mọi thứ cần dùng hằng ngày đều không phải tự sức mình có được. Cháo cơm ngày hai bữa, y phục đủ bốn mùa, khi bệnh tật cần đến, lúc sinh hoạt thường ngày, hết thảy mọi chi phí đều có được từ sức lực người khác, mang đến cho ta tiêu dùng.

Người khác phải đem hết sức lực tự thân cày cấy, vẫn chưa kiếm đủ miếng ăn; còn ta ngồi không được ăn, vẫn chưa vừa ý. Người khác thì dệt dệt đan đan, vẫn chưa hết khó khăn thiếu thốn; còn ta ngồi không mà y phục có thừa, chẳng biết quý tiếc. Người khác thì nhà tranh vách lá, rối rắm suốt đời; còn ta thì nhà to sân rộng, nhàn tĩnh quanh năm.

Người khác cực nhọc để ta được an nhàn, có thể an lòng được sao? Lấy nguồn lợi của người khác để trau chuốt thân mình, như thế có hợp lý chăng?

Cho nên, nếu tự thân mình không thể vận dụng đủ bi lẫn trí, không tự trang nghiêm cả phúc lẫn tuệ, khiến cho tất cả đàn-na tín thí đều được nhờ ơn, hết thảy chúng sinh đều được lợi ích, thì cho dù hạt gạo sợi tơ, nhỏ nhặt đến thế cũng phải đền trả đủ, mà quả báo xấu ác cũng khó lòng tránh khỏi.

Đó là nhân duyên thứ tư để phát tâm Bồ-đề.

Thế nào là nghĩ đến ơn chúng sinh?

Đó là nói việc ta và chúng sinh từ vô số kiếp đến nay, đời này kiếp nọ vẫn thường thay đổi làm cha mẹ của nhau, nên có ơn với nhau. Nay tuy sang đời khác thì mê mờ hôn ám, chẳng còn biết nhau, nhưng theo lý mà suy, thì lẽ nào có ơn lại không lo báo đáp?

Ngày nay tuy thấy những con vật mang lông đội sừng, sao biết được trước đây ta chẳng từng làm con của chúng? Ngày nay tuy thấy những loài côn trùng nhỏ nhít, sao biết được trước đây chẳng từng là cha mẹ của ta? Thường thấy trẻ thơ, nếu phải xa cách cha mẹ thì lớn lên không nhớ được dung mạo, huống chi là cha mẹ trong đời trước, nay tất nhiên không thể nhớ được. Ví như cha mẹ đời trước giờ đang gào khóc dưới địa ngục, lăn lộn trong cảnh giới ngạ quỷ, khổ sở đớn đau ai biết được? Đói khát thiếu thốn ai bảo cùng ta? Dù ta không thấy nghe hay biết, tất nhiên họ vẫn đang mong cầu có người cứu giúp. Chỉ Kinh văn mới có thể kể rõ sự này, chỉ đức Phật mới có thể dạy ta việc ấy, còn những kẻ tà kiến làm sao biết được?

Cho nên, Bồ Tát quán chiếu nơi trùng kiến, thấy tất cả đều là cha mẹ trong quá khứ, đều là chư Phật trong tương lai, thường nghĩ việc làm lợi ích, báo đáp ân đức.

Đó là nhân duyên thứ năm để phát tâm Bồ-đề.

Thế nào là nghĩ đến nỗi khổ sinh tử?

Đó là nói ta cùng với hết thảy chúng sinh, từ vô số kiếp đến nay thường ở trong sinh tử, chưa từng được giải thoát. Khi cõi nhân gian, lúc miền thiên thượng, khi ở cõi này, lúc sang phương khác, sống chết vạn mối, thăng trầm thoáng chốc. Vừa sinh cõi trời thoắt đã làm người; rồi thoắt lại đã sa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Cửa địa ngục sớm ra tối vào, hang sắt lạnh tạm rời lại đến. Lên núi đao toàn thân chẳng còn một chút da, leo cây phủ kiếm khắp người chịu cắt xẻo. Hòn sắt nóng chẳng trừ cơn đói, nuốt vào rồi ruột gan chín bấy. Nước đồng sôi không nguôi cơn khát, uống vào rồi xương thịt nát nhừ. Cưa sắc cưa lìa thân thể, vừa đứt ra đã dính liền trở lại; gió quái lạ thổi thoáng qua người, chết đi rồi đã sống lại ngay. Lửa dữ đầy thành, vang tiếng kêu gào thảm thiết; vạc lớn nấu đun, chỉ nghe âm thanh thống khổ bên tai. Băng giá vừa ngưng, thân xanh mét như sen xanh bó nhụy; máu thịt rã rời, thể bầm đỏ như ngó sen dập nát. Sống chết trong một đêm, địa ngục trải qua vạn lượt; đau đớn thống khổ mỗi ngày, so với nhân gian dài hơn trăm tuổi. Đã bao lần khiến ngục tốt phải ra sức hành hình mệt nhọc, mà nào ai chịu tin lời Diêm chúa răn đe? Lúc thọ hình mới biết là khổ, tuy hối hận làm sao quay lại? Nhưng thoát ra rồi quên sạch sành sanh, bao nghiệp ác vẫn làm như cũ!

Dùng roi quất lừa chảy máu, ai biết mình đang đánh mẹ? Dắt lợn vào lò mổ, nào hay ta sắp giết cha? Ăn thịt con không biết, Văn vương xưa còn như thế. Nhai nuốt cha mẹ chẳng hay, muôn loài đều vậy cả. Ngày trước cùng ân ái, nay oán thù nhau; xưa vốn là thù địch, nay thành cốt nhục một nhà. Trước là mẹ nay lại làm cha, trước là cha nay lại làm chồng. Nếu nhớ biết được chuyện đời trước, ắt phải thấy xấu hổ, nhục nhã. Người có thiên nhãn nhìn thấu tất cả, ắt phải thấy nực cười thương xót.

Phẩn uế tụ thành một bọc, chín tháng trong ấy khó qua; máu mủ nhơ nhớp một đường, nhất thời chui xuống đáng thương! Ấu thơ không biết, đó đây đều không phân biệt; lớn lên nhận hiểu, tức thời khởi sinh tham dục. Không bao lâu thì bệnh khổ, già nua tìm đến; chẳng mấy chốc vô thường đã gọi. [Phút lìa đời] gió lửa hỗn độn, vây quanh thần thức rối loạn; tinh huyết cạn kiệt, bên ngoài da thịt dần khô. Mỗi lỗ chân lông đều như kim đâm thấu thịt; mắt mũi miệng thảy đều như dao cắt. Con rùa mang nấu chín, thịt lôi ra khỏi mai vẫn còn là dễ, so với thần thức lâm chung thoát xác, khó hơn bội phần.

Tâm này không có chủ thể thường tồn, như kẻ đi buôn khắp chốn đều làm khách lạ. Thân này không có hình thể cố định, chỉ như nhà ở thường dời chuyển đó đây. Thân này biết bao lần qua lại giữa luân hồi, [tính đếm ra thì] số hạt bụi cõi đại thiên cũng không so được. Mỗi mỗi biệt ly rơi lệ, [gom hết lại thì] sóng nước bốn biển chẳng nhiều bằng. Xương cốt bao đời tích lũy, dẫu núi cao còn chưa sánh kịp. Thân xác từng bỏ trong sáu nẻo, dàn trải ra tràn khắp cõi đất. Ví như không được nghe lời Phật dạy, những điều như vậy ai thấy ai nghe? Khi chưa đọc qua Kinh điển, lý lẽ như thế làm sao rõ biết?

Nếu cứ tham luyến như xưa, si mê không khác trước, chỉ sợ trong muôn kiếp ngàn đời, một lần sai sẽ trăm lần sai tiếp. Thân người này khó được dễ mất, tuổi đời trôi nhanh không thể níu kéo. Rồi đường trước mịt mờ, một lần biệt ly là thăm thẳm. Nghiệp báo xấu ác trong ba đường dữ, tự làm tự chịu. Đau đớn không sao nói hết, biết ai thay mình nhận lãnh? Nói đến đây, sao có thể không rùng mình run sợ?

Vì thế nên phải dứt dòng sinh tử, thoát biển ái dục, cứu mình cứu người, cùng lên bờ giác. Công phu thành tựu trong muôn kiếp lâu xa, đều tùy thuộc vào nỗ lực quyết định một lần này.

Đó là nhân duyên thứ sáu để phát tâm Bồ-đề.

Thế nào là tôn trọng tự tánh linh giác?

Đó là nói việc tâm thức này của ta hôm nay, so với tâm thức của đức Thích-ca Như Lai quả thật không hai, không khác. Vì sao đức Thế Tôn từ vô lượng kiếp trước đã sớm thành Chánh giác, còn ta thì đến nay vẫn hôn mê điên đảo, vẫn là phàm phu? Đức Thế Tôn lại có đủ vô lượng thần thông, trí tuệ, công đức trang nghiêm, còn ta thì chỉ thấy đầy dẫy vô số phiền não, nghiệp lực dắt dẫn, sinh tử trói buộc? Cùng một tâm tánh mà mê ngộ cách nhau như trời vực, tĩnh tâm suy xét, lẽ nào lại không đáng hổ thẹn? Thật chẳng khác gì hạt châu vô giá nằm trong bùn nhơ, bị xem như ngói sỏi không ai quý trọng.

Thế nên phải dùng đến vô số pháp lành để đối trị phiền não, dày công tu tập giới hạnh thì tánh đức mới hiển lộ, như hạt châu kia được rửa sạch mài bóng, mang treo lên tòa cao rực rỡ tỏa chiếu, soi sáng khắp nơi. Như thế mới có thể gọi là không bội ơn giáo hóa của Phật, không uổng phụ tánh linh giác của chính mình.

Đó là nhân duyên thứ bảy để phát tâm Bồ-đề.

Thế nào là sám hối nghiệp chướng?

Trong kinh dạy rằng, phạm một trong các tội đột-cát-la, phải đọa vào địa ngục thời gian lâu bằng 500 năm ở cõi trời Tứ thiên vương. Đột-cát-la là tội nhẹ, mà còn chịu nghiệp báo như vậy, huống chi các tội nặng, nghiệp báo quả thật khó nói hết!

Chúng ta ngày nay trong sinh hoạt thường ngày, mỗi hành vi, động tác thường phạm giới hạnh; mỗi miếng cơm, ngụm nước luôn trái luật nghi. Mỗi một ngày qua đã phạm vô số tội, huống chi trong suốt một đời, trải qua nhiều kiếp, tội lỗi sinh khởi chắc chắn là không thể nói hết!

Chỉ xét riêng theo Năm giới mà nói, mười người đã chín kẻ phạm, nhưng người bày tỏ phát lộ thì ít, kẻ che giấu lại nhiều. Năm giới chỉ là giới của người cư sĩ mà còn chưa giữ trọn, huống chi các giới sa-di, tỳ-kheo, Bồ Tát giới, hẳn sự thiếu sót đã quá rõ không cần phải nói. Có ai hỏi đến liền xưng danh tỳ-kheo, nhưng xét thực chất lại chưa trọn đức hạnh của người cư sĩ, chẳng đáng hổ thẹn lắm sao?

Nên biết rằng, giới luật do Phật chế định, thà không thọ trì, một khi đã thọ trì thì không được hủy phạm, một khi đã hủy phạm thì rốt cùng phải chịu đọa lạc. Nếu không sớm khởi tâm thương mình thương người, đau xót cho người, đau xót cho mình, thân khẩu cùng thống thiết, miệng niệm lệ rơi đều chân thành, khắp vì tất cả chúng sinh, bi ai cầu xin sám hối, thì chắc chắn trong ngàn đời muôn kiếp, khó tránh được quả báo xấu ác.

Đó là nhân duyên thứ tám để phát tâm Bồ-đề.

Thế nào là cầu sinh Tịnh độ?

Đó là nói việc nơi thế giới Ta-bà này, tu hành tăng tiến rất khó khăn; được vãng sinh về Tây phương Cực Lạc, thì thành tựu quả Phật cũng dễ dàng. Vì dễ dàng nên một đời có thể xong việc, bởi khó khăn nên nhiều kiếp vẫn chưa thành. Thế nên, các bậc hiền thánh xưa nay, ai ai cũng cũng đều hướng đến; trong ngàn kinh muôn luận, đâu đâu cũng chỉ về Tịnh độ.

Trong đời mạt pháp, không một pháp môn nào vượt hơn Tịnh độ. Tuy nhiên, trong kinh dạy rằng, căn lành ít không thể vãng sinh, phúc đức nhiều mới có thể thành tựu. Muốn nhiều phúc đức, chẳng gì hơn niệm danh hiệu Phật; muốn thừa căn lành, không gì bằng phát tâm rộng lớn. Vì thế, niệm thánh hiệu dù trong chốc lát, cũng hơn người bố thí trăm năm; một khi vừa phát tâm Bồ-đề, đã vượt qua sự tu hành nhiều kiếp.

Niệm Phật vốn mong thành Phật, nếu chẳng phát tâm rộng lớn thì niệm để làm gì? Phát tâm là để tu hành, nếu không sinh về Tịnh độ thì dù phát tâm rồi cũng sẽ thối chuyển. Cho nên, ruộng tâm địa gieo hạt giống Bồ-đề, dùng lưỡi cày niệm Phật, thì đạo quả tự nhiên tăng trưởng. Nương con thuyền đại nguyện, vào biển lớn Tịnh độ, cõi Tây phương quyết định được vãng sinh.

Đó là nhân duyên thứ chín để phát tâm Bồ-đề.

Thế nào là khiến cho Chánh pháp được trụ thế lâu dài?

Đó là nói việc đức Thế Tôn từ vô số kiếp đến nay, vì chúng ta mà tu đạo Bồ-đề, việc khó làm cũng làm được, việc khó nhẫn cũng nhẫn được, cho đến khi nhân quả viên mãn, cuối cùng thành tựu quả Phật.

Sau khi thành Phật, hóa độ chúng sinh trọn khắp, nhân duyên đã dứt mới nhập Niết-bàn. Cho đến các giai đoạn chánh pháp, tượng pháp đều đã qua, nay chỉ còn thời mạt pháp. Giáo pháp không người tu tập, tà chánh chẳng thể phân, đúng sai không rõ biết; người người tranh đua chạy theo nhân ngã, thảy thảy đều mưu cầu lợi danh. Nhìn khắp thiên hạ mênh mông đều là như vậy, chẳng còn ai biết Phật là người nào, Pháp có nghĩa chi, Tăng là danh xưng gì? Suy tàn cho đến mức ấy, nói ra càng không nỡ, mỗi khi nghĩ đến bất giác phải rơi lệ.

Chúng ta là Phật tử mà không thể báo đền ơn Phật, tự thân không làm lợi mình, đối với bên ngoài chẳng làm lợi người, sống trên đời đã là vô ích, chết đi cũng chẳng lợi lạc mai sau, trời tuy cao không sao che chở, đất tuy dày chẳng thể đỡ nâng. Như vậy, kẻ mang tội lỗi nặng nề nhất, chẳng phải ta thì là ai?

Do đó nên trong lòng đau đớn không sao chịu nổi, chẳng nghĩ được cách nào cho vẹn toàn. Hốt nhiên liền quên đi sự kém cỏi của mình, khởi phát tâm Bồ-đề rộng lớn. Tuy hiện nay không thể vãn hồi đời suy mạt, nhưng quyết sẽ lo tính việc hộ trì Chánh pháp tương lai. Vì thế mới cùng các vị thiện hữu đến nơi đạo tràng, soạn thành sám pháp, lập pháp hội này, phát khởi 48 lời nguyện lớn, mỗi nguyện đều cứu độ chúng sinh. Mong sao luôn giữ tâm sâu vững trong trăm ngàn kiếp, tâm nào cũng đều là tâm Phật.

Kể từ hôm nay cho đến tương lai không cùng tận, hết một đời này nguyện sinh về Cực Lạc, tiến tu lên hàng cửu phẩm, quay lại cõi Ta-bà, làm cho mặt trời Phật đạo lại rực rỡ huy hoàng như trước, Phật pháp lại rộng mở khắp thế gian, chư Tăng như biển lớn thanh tịnh trong toàn cõi, người người được hóa độ ngay tại Ta-bà, đời thịnh đức nhờ đó tăng thêm, Chánh pháp trụ dài lâu cõi thế; tâm nguyện hết sức chân thành, tha thiết như vậy.

Đó là nhân duyên thứ mười để phát tâm Bồ-đề.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 4 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.119.119.149 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (228 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...