Nụ cười biểu lộ niềm vui, và niềm vui là dấu hiệu tồn tại tích cực của cuộc sống.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Chúng ta phải thừa nhận rằng khổ đau của một người hoặc một quốc gia cũng là khổ đau chung của nhân loại; hạnh phúc của một người hay một quốc gia cũng là hạnh phúc của nhân loại.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Sự giúp đỡ tốt nhất bạn có thể mang đến cho người khác là nâng đỡ tinh thần của họ. (The best kind of help you can give another person is to uplift their spirit.)Rubyanne
Đừng làm cho người khác những gì mà bạn sẽ tức giận nếu họ làm với bạn. (Do not do to others what angers you if done to you by others. )Socrates
Sống trong đời cũng giống như việc đi xe đạp. Để giữ được thăng bằng bạn phải luôn đi tới. (Life is like riding a bicycle. To keep your balance you must keep moving. )Albert Einstein
Sự toàn thiện không thể đạt đến, nhưng nếu hướng theo sự toàn thiện, ta sẽ có được sự tuyệt vời. (Perfection is not attainable, but if we chase perfection we can catch excellence.)Vince Lombardi
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Hoa nhẫn nhục »» Kẻ thù ta đâu phải là người... »»

Hoa nhẫn nhục
»» Kẻ thù ta đâu phải là người...

Donate

(Lượt xem: 11.747)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


Hoa nhẫn nhục - Kẻ thù ta đâu phải là người...

Font chữ:


Diễn đọc: Trường Tân
Một trong những cách ứng xử thông thường, thậm chí được cho là khôn ngoan trong cuộc sống, là chúng ta cần phải biết “ăn miếng trả miếng”. Mà nói theo một cách văn hoa hơn là “ân đền, oán trả”. Tuy nói là “ân đền, oán trả”, nhưng thường thì người ta chỉ quan tâm nhiều đến việc “trả oán” hơn là “đền ân”. Vì vậy mà ý nghĩa của cả hai “phương châm” trên trong thực tế cũng chẳng khác gì nhau.

Nhưng cách ứng xử như trên thật ra không phải là cách ứng xử khôn ngoan, bởi vì trong thực tế nó chỉ mang lại thêm những khổ đau chứ không phải là niềm vui và sự thanh thản. Trong cuộc sống, những thương tổn khi tiếp xúc, va chạm với người khác là điều gần như không thể tránh khỏi. Những thiệt hại về vật chất, thương tích trên thân thể hoặc tổn thương về tình cảm luôn có thể xảy ra trong những mối quan hệ hằng ngày. Chỉ cần một chút sơ ý trên đường phố đông đúc, một người nào đó có thể sẽ va quẹt làm ta bị thương... Chỉ cần một câu nói thiếu tế nhị, một người đồng nghiệp có thể xúc phạm đến lòng tự trọng của ta. Chỉ cần một sự thất hứa do những nguyên nhân nhất định nào đó, một đối tác có thể gây thiệt hại cho việc làm ăn, buôn bán của chúng ta...

Một số tổn thương có thể là do đối phương cố ý gây ra, nhưng phần lớn lại rất có thể chỉ do sự vô tình hay do hoàn cảnh bắt buộc. Dù vậy, sự phân biệt cần thiết này thường không dễ thực hiện một cách khách quan, và trong đa số trường hợp thì chúng ta hầu như rất dễ có khuynh hướng quy kết sự việc về cho những nguyên nhân cố ý. Và như vậy, thay vì để cho vấn đề tự nó qua đi, chúng ta lại đặt ra cho mình một “nhiệm vụ” phải đáp trả hành vi của đối phương theo cách “bánh sáp trao đi, bánh chì đáp lại”.

Chính khuynh hướng rất thông thường này lại là một trong những nguyên nhân chính làm cho sự việc trở nên tồi tệ hơn. Sự thật là, dù cho những tổn thương đã xảy ra không thể thay đổi, nhưng những thương tổn tiếp theo sau đó lại hoàn toàn có thể tránh được nhờ vào quan điểm và cách ứng xử sáng suốt hơn của mỗi chúng ta.

Bởi vì không ai trong chúng ta muốn bị người khác xúc phạm hoặc gây thương tổn, nên phần lớn những phản ứng đáp trả của chúng ta hầu như chỉ có thể làm cho vấn đề thêm nghiêm trọng hơn nữa. Sự tổn thương của người khác không bao giờ có thể làm mất đi những tổn thương mà ta đã gánh chịu theo cách “một trừ một”. Ngược lại, trong thực tế thì bao giờ đây cũng là một phép toán cộng! Sự tổn thương của cả hai bên khi cộng lại chắc chắn sẽ làm cho tình trạng càng trở nên xấu hơn. Và nếu mỗi chúng ta không kiềm chế được lòng sân hận thì sự việc lại càng rất dễ tiến triển theo cấp số nhân!

Khi chúng ta có thể giữ được sự bình tĩnh và sáng suốt cần thiết để xem xét vấn đề, chúng ta sẽ thấy rằng thật ra luôn có hai yếu tố cần phân biệt rõ trong mỗi một trường hợp gây thương tổn. Đó là hành vi gây tổn thương và bản thân con người thực hiện hành vi đó.

Trong cách nghĩ thông thường, chúng ta luôn gắn liền hai yếu tố vừa nêu. Người làm việc xấu tất nhiên là người xấu, và hầu hết chúng ta đều nghĩ như vậy. Nhưng nếu phân tích kỹ vấn đề, chúng ta sẽ thấy cách suy nghĩ tưởng chừng như đơn giản và hoàn toàn chính xác này lại là một kết luận không hợp lý chút nào!

Thứ nhất, dù có cường điệu hóa vấn đề đến đâu đi chăng nữa thì cũng không có bất cứ con người nào chỉ làm toàn những việc xấu! Ngay trong cùng một thời điểm, một người có thể làm những việc bị xem là rất xấu đối với ta nhưng lại cũng có những việc tốt không thể phủ nhận đối với người khác. Còn trong hầu hết những trường hợp đời thường thì điều này càng rất dễ nhận ra. Nếu có một người đang làm ta giận dữ, hãy thử nhớ lại và xem xét hành vi của anh ta trước khi xảy ra sự việc ấy. Nếu có thể giữ được sự bình tĩnh và khách quan, chắc chắn ta sẽ thấy rằng trước đây người ấy không hề “đáng ghét” như hiện nay. Vì thế, xét cho cùng thì ta đang giận tức sự việc mà anh ta vừa mới làm chứ không phải bản thân con người anh ta. Nói một cách khác, hành vi xấu là một yếu tố cần điều chỉnh, nhưng bản chất con người vốn không nghiêng về sự xấu ác. Chỉ cần điều chỉnh được những hành vi xấu thì cách nhìn của ta đối với một con người lập tức sẽ thay đổi khác đi. Điều đó cho thấy rằng việc chúng ta thù ghét một con người vì những việc xấu họ đã làm là một khuynh hướng hoàn toàn sai lầm!

Thứ hai, tất cả những con người quanh ta đều có những mối liên hệ nhất định góp phần vào sự tồn tại của chính bản thân ta. Nói cách khác, chúng ta không thể tồn tại trong một môi trường không có con người. Vì thế, dù trực tiếp hay gián tiếp thì chúng ta vẫn đang chịu ơn người khác về sự tồn tại của mình trong đời sống. Chúng ta có cơm ăn, áo mặc, mọi tiện nghi đời sống, cho đến đường phố sạch đẹp, an toàn, nơi mua sắm thuận lợi, phương tiện truyền thông liên lạc... cũng như vô số những dịch vụ tiện ích khác, tất cả những thứ ấy không chỉ hoàn toàn do thiên nhiên ban tặng mà chính là nhờ có sự lao động miệt mài, cần mẫn đóng góp công sức của biết bao người, trong đó có cả con người mà ta đang giận ghét vì một hành vi nhất định nào đó đã gây hại cho ta.

Nếu chúng ta xét trong bối cảnh này thì sẽ thấy hành vi sai trái – nếu có – của người kia chỉ là một sự nhất thời, trong khi cả cuộc đời người ấy là một sự gắn bó với sự tồn tại của ta, và điều tất nhiên là một phần nhất định trong cuộc sống của chúng ta có chịu ơn người ấy. Trong mối tương quan này, việc đồng nhất một hành vi xấu với bản thân người thực hiện hành vi ấy rõ ràng là không hợp lý; và do đó sự giận ghét của ta cũng là không hợp lý.

Khi tôi còn nhỏ, tôi có được nghe và vẫn còn nhớ lời của một ca khúc khá phổ biến vào thời đó: “Kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai...” Trong một chừng mực nào đó, tôi nghĩ tác giả ca khúc này đã có suy nghĩ hoàn toàn tương đồng với những gì mà chúng ta vừa trao đổi. Đó là một cách nhìn nhận hợp lý mà chúng ta rất nên ghi nhớ. Hành vi gây tổn thương và bản thân con người thực hiện hành vi đó là hai yếu tố khác nhau. Chúng ta không nên vì hành vi sai trái của một con người mà giận ghét con người đó.

Điều này có vẻ như đi ngược lại khuynh hướng suy nghĩ thông thường của rất nhiều người. Nhưng thực tế là tất cả những nền giáo dục và tín ngưỡng xưa nay của nhân loại đều đặt trên một nền tảng nhận thức như vậy.

Nho giáo từ lâu vẫn tin rằng “Con người sinh ra vốn tính hiền thiện.”[2] Vì thế, những thói hư tật xấu chỉ là sự tích lũy, thâm nhiễm lâu ngày trong cuộc sống. Chỉ cần chịu học hỏi để nhận biết và loại trừ những thói hư tật xấu thì con người sẽ trở lại hiền thiện, sẽ trở thành người tốt. Và nếu vậy thì sự thù ghét một con người vì những việc xấu họ đã làm quả là điều vô lý. Chính trong ý nghĩa này mà khi thầy Tử Cống hỏi xin một lời dạy để có thể theo đó mà thực hành trọn đời thì đức Khổng Tử đã dạy rằng: đó là sự khoan thứ.[3] Khoan dung, tha thứ cho người khác chính là không giận ghét họ vì việc xấu mà họ đã làm.

Kinh Thánh cũng dạy rằng hãy mở rộng lòng bác ái, yêu thương cả những kẻ thù của mình. Chúng ta chỉ thù ghét một người khi gắn liền những hành vi gây hại với bản thân người ấy. Vì thế, nếu ta biết tách rời hai yếu tố con người và sự việc thì ta sẽ chẳng bao giờ có kẻ thù! Việc khuyến khích tất cả mọi người mở rộng lòng yêu thương tất cả chính là dựa trên cách nhận thức này.

Tất cả các hệ thống giáo dục khác nhau cũng đều hướng đến sự cải hóa những con người có hành vi xấu chứ không bao giờ xem họ mãi mãi là thành phần cách ly của xã hội. Điều này cũng là dựa trên nhận thức rằng bản chất con người là hiền thiện, và qua sự giáo dục chuyển hóa, loại bỏ các yếu tố xấu thì bất cứ con người nào cũng sẽ trở lại bản chất hiền thiện của mình. Ngay cả hệ thống pháp luật cũng luôn ưu tiên sử dụng các biện pháp giáo dục, cải hóa trước khi buộc phải áp dụng hình phạt.

Đạo Phật còn tiến xa hơn một bước nữa khi cho rằng tất cả chúng sinh đều có tánh Phật. Điều đó có nghĩa là, mỗi con người không chỉ có bản chất hiền thiện, mà còn sẵn có cả tiềm năng quý giá có thể tu tập để giác ngộ, thành Phật. Khi nhận thức theo cách này, sự khiêm hạ của mỗi cá nhân sẽ được phát triển và sự tôn kính đối với mọi người quanh ta sẽ trở nên chân thành hơn. Điều đó giúp ta dễ dàng hơn trong việc loại bỏ những tâm niệm giận tức hoặc căm ghét đối với những ai có hành vi gây hại cho mình.

Đã có người hiểu theo cách ngược lại với nhận xét như tôi vừa nêu trên. Họ cho rằng, khi tự tin rằng bản thân mình sẵn có tánh Phật, có thể thành Phật, con người sẽ trở nên tự cao, ngã mạn, đánh mất đi sự cung kính đối với chư Phật, Bồ Tát. Tôi không tin vào cách nghĩ này. Vì chẳng ai lại có thể sinh ra tự cao vì một cương vị mà mình thật ra chưa có được! “Có thể thành Phật” hoàn toàn khác với việc “đã thành Phật”, vì điều đó còn phụ thuộc vào công phu tu tập dài lâu của chúng ta.

Trong thực tế, một khi bạn tự nhận mình có xuất thân là con nhà trí thức chẳng hạn, điều đó chắc chắn sẽ khiến cho bạn phải học cách ứng xử tốt hơn, thận trọng hơn và phù hợp hơn với vị thế ấy. Còn việc bạn có thực sự trở thành một người trong tầng lớp trí thức hay không, điều đó còn tùy thuộc vào nỗ lực học tập và rèn luyện lâu dài của bạn.

Tương tự như vậy, nếu tin rằng mình có tánh Phật, chắc chắn bạn sẽ phải học theo cung cách của một vị Phật, nghĩa là phải biết hành xử theo những lời Phật dạy. Điều đó hoàn toàn khác biệt với việc bạn tự nghĩ rằng mình là một vị Phật, vì nếu bạn thực sự nghĩ như thế thì chắc chắn đó chỉ là một điều hoang tưởng. Và chỉ có sự hoang tưởng như vậy mới có thể khiến cho người ta trở nên kiêu mạn, tự cao, mất đi sự cung kính đối với chư Phật, Bồ Tát.

Nói tóm lại, khuynh hướng tức giận của chúng ta khi bị ai đó làm hại thật ra chỉ là một quán tính sai lầm, thiếu sự phân tích khách quan và hợp lý. Chúng ta hoàn toàn có thể và cần phải điều chỉnh những hành vi sai trái gây tổn hại đến người khác, cần phải hết sức ngăn ngừa không để cho những hành vi như thế lặp lại trong tương lai, nhưng hoàn toàn không nên vì những hành vi sai trái đó mà tức giận hoặc ghét bỏ con người đã thực hiện những hành vi đó.

Chính ở nơi đây mà tinh thần nhẫn nhục được nhận ra, khi chúng ta nhớ lại những yếu tố cấu thành hạnh nhẫn nhục: không giận tức, không kết thành thù oán và không có ác ý.

Khi sự tổn hại mà ai đó gây ra cho ta là có thật, với tinh thần nhẫn nhục, ta chấp nhận sự tổn hại đó mà không bực tức khó chịu, vì thật ra thì sự bực tức khó chịu đó cũng chẳng thay đổi được gì mà chỉ làm cho ta càng cảm thấy khó chịu đựng hơn đối với những hậu quả xấu vốn đã xảy ra. Và vì hiểu rằng hành vi với con người thực hiện hành vi là hai yếu tố khác nhau nên ta sẵn lòng góp ý xây dựng hoặc phê phán hành vi sai trái đó, nhưng không giận tức hay ghét bỏ con người đã thực hiện hành vi ấy. Vì không giận tức nên ta sẽ không làm bất cứ điều gì gây tổn hại cho người ấy, và vì thế mà không kết thành thù oán. Vì không giận tức và không kết thành thù oán nên cũng không có điều kiện để nảy sinh những tư tưởng xấu ác.

Khi ta thực hiện theo đúng tinh thần như thế, đó là ta đã thành tựu được hạnh nhẫn nhục ở mức độ đầu tiên, mức độ mà trong kinh Giải thâm mật gọi là “nại oán hại nhẫn”.

Khi chúng ta so sánh với cách hiểu thông thường thì sự nhịn nhục, chịu đựng những hành vi gây hại của kẻ khác chưa hẳn đã là nhẫn nhục. Trong thời lập quốc của nhà Hán ở Trung Hoa, vị tướng tài giỏi nhất của Lưu Bang là Hàn Tín vẫn thường được nhắc đến với câu chuyện “chịu nhục luồn trôn”. Thuở hàn vi, Hàn Tín chưa được ai biết đến tài năng của mình nên phải mưu sinh vất vả, nhưng lúc nào cũng đeo bên mình một thanh gươm. Một hôm, có tên bán thịt hung hăng chặn ông ở giữa chợ và nói rằng: “Mày có tài cán gì mà lúc nào cũng đeo gươm bên người như tướng soái. Có giỏi thì đâm chết tao đi, bằng không thì phải chui qua dưới trôn tao.” Mọi người trong chợ đổ xô đến xem. Hàn Tín suy nghĩ một lát rồi lẳng lặng cúi xuống chui qua trôn tên hàng thịt.

Hàn Tín vì không muốn thí mạng với một kẻ tầm thường thô bạo, muốn giữ lại thân mình để nuôi chí lớn về sau nên sẵn sàng nhẫn chịu cái nhục luồn trôn giữa chợ. Nhưng sự nhẫn chịu của ông chưa đủ để gọi là nhẫn nhục. Nếu trong khi chấp nhận sự tổn thương tinh thần như thế mà ông vẫn không sinh lòng oán giận tên hàng thịt thì đó mới thực sự là hạnh nhẫn nhục.

Điều này nói thì dễ mà làm thì khó. Trong cuộc sống, nhiều khi ta vẫn phải cắn răng nhịn nhục, chịu đựng sự tổn hại do người khác gây ra vì nhiều lý do khác nhau. Vì kẻ gây hại cho ta là người đang giữ thế mạnh, như trường hợp những nhân viên phải chấp nhận chịu đựng sự vô lý hoặc trái tính của cấp trên, vì họ sợ rằng nếu phản đối sẽ dẫn đến những tổn hại lớn hơn. Cũng có thể vì ta muốn chấp nhận một sự tổn hại nhỏ để có thể đạt đến một lợi ích lớn hơn, như trường hợp một người chủ thuê chấp nhận chịu đựng, nhẫn nhịn đối với những yêu cầu thái quá của một nhân viên, vì muốn giữ anh ta lại để sử dụng vào những công việc mang lại lợi ích lớn hơn cho ông ta. Người ta cũng có thể nhịn nhục chịu đựng vì sự hèn nhát, vì kém hiểu biết, hoặc chỉ đơn giản là vì muốn được yên ổn... Nhưng tất cả những sự nhẫn chịu như thế đều không phải là hạnh nhẫn nhục, vì nó không bao hàm đủ những yếu tố như chúng ta vừa nêu.

Sự khác biệt cần nói ở đây là, trong khi hạnh nhẫn nhục là một tinh thần tích cực giúp ta thăng hoa đời sống, thì những thái độ nhịn nhục, chịu đựng như trên lại chỉ có thể làm cho tinh thần chúng ta ngày càng suy thoái, bạc nhược hơn, và tạo ra cách biệt ngày càng lớn hơn giữa chúng ta với mọi người chung quanh.

Đôi khi sự việc không có nhiều khác biệt trong cách biểu lộ bên ngoài, nhưng luôn có những khác biệt vô cùng sâu sắc trong nội tâm. Người đang phải chịu đựng sự việc vì những lý do khác luôn sống trong một tâm trạng bực dọc, luôn có sự kiềm chế, đè nén trong nội tâm, và điều đó làm cho họ luôn phải chịu khổ đau, dằn vặt; ngược lại, người thực hành nhẫn nhục luôn thoát khỏi mọi sự ràng buộc, không bực tức, không oán hận, nên nội tâm luôn được thanh thản, an vui ngay cả khi họ đang phải chịu đựng những sự tổn hại lớn lao do người khác gây ra.

Trong kinh Kim Cang, khi dạy về hạnh nhẫn nhục, đức Phật có nhắc lại một tiền thân của ngài khi bị vua Ca-lỵ cắt xẻo thân thể mà vẫn không hề sinh tâm oán giận. Ngài đã đạt đến mức có thể chấp nhận sự tổn thương cực kỳ đau đớn đó trong tinh thần nhẫn nhục.

Trong cuộc sống thực tế, chúng ta hầu như không ai có thể đạt đến mức độ nhẫn nhục như được mô tả trong kinh Kim Cang, đơn giản chỉ là vì chúng ta chưa tu tập thành Phật! Tuy nhiên, khuynh hướng và tinh thần nhẫn nhục như chúng ta đã bàn đến như trên vẫn là giống nhau trong mọi trường hợp. Vì thế, nếu muốn thực hành hạnh nhẫn nhục thì chúng ta phải luôn ghi nhớ những điều trên. Mỗi khi nhẫn chịu một sự tổn hại do người khác gây ra, chúng ta hãy tự hỏi mình: “Ta có giận tức người ấy hay không? Ta có kết thành thù oán với người ấy hay không? Và ta có ác ý với người ấy hay không?” Trả lời được những câu hỏi này, chúng ta sẽ có thể tự hiểu được là mình đã thực hành được hạnh nhẫn nhục hay chưa.

Có thể nói một cách giản lược hơn rằng, nhẫn chịu mọi sự tổn hại do người khác gây ra cho mình mà không sinh lòng oán hận là tinh thần nhẫn nhục. Đó là vì, không oán hận người thì không thể kết thành thù oán, và do đó cũng không thể sinh khởi ác ý.

Chính vì vậy mà việc thực hành hạnh nhẫn nhục cũng chính là phương thức hiệu quả nhất để đối trị với lòng sân hận. Vì lòng sân hận chỉ sinh khởi khi ta không hài lòng với những hậu quả mà người khác gây ra cho mình. Nếu ta có một khuynh hướng cởi mở để chấp nhận và khoan thứ thì lòng sân hận chắc chắn sẽ phải bị triệt tiêu. Và điều này sẽ mang đến cho ta những lợi ích cực kỳ lớn lao trong cuộc sống. Những lợi ích này sẽ được trình bày ở một phần sau trong cùng tập sách này.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 10 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




An Sĩ toàn thư - Khuyên người niệm Phật cầu sinh Tịnh độ


Em Là Vì Sao Sáng


Phật giáo và Con người


Kinh Đại Bát Niết bàn Tập 1

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.12.146.108 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...