Tôi nhớ có một lúc mức cholesterol 300 mg/dl được xem là bình thường. Sao lại có thể như vậy? Cái gọi là giá trị bình thường trong xét nghiệm được xác định qua việc lấy mẫu ở một số đông người, tính toán ra mức giá trị cao nhất và thấp nhất, và gọi những giá trị nằm ở khoảng giữa hai mức ấy là “bình thường”. Ở một đất nước mà mỗi năm có một triệu rưỡi người bị lên cơn đau tim, và năm trăm ngàn người khác chết vì bệnh tim, thì mức độ “bình thường” không hẳn là mức độ được mong muốn.
Năm 1948, cuộc nghiên cứu về tim mạch Fra¬mingham, được tiến hành bởi Viện Tim mạch Quốc gia, nay là Viện Tim Phổi và Huyết học Quốc gia, đã khảo sát các nguyên nhân của bệnh tim mạch. Kết quả nghiên cứu của họ cho chúng ta biết rằng, mức cholesterol tăng cao là một nguy cơ lớn trong việc phát triển các vấn đề bất ổn về tim mạch, như chứng đau thắt ngực, đau tim, phẫu thuật nghẽn mạch, tạo hình mạch...
Vậy cholesterol là gì? Tại sao chúng ta có chất này trong máu? Và nếu mức “bình thường” trước đây là quá cao, vậy mức độ cholesterol như thế nào trong máu là an toàn và có thể chấp nhận được?
Cholesterol là một chất có dạng sáp màu trắng, được tìm thấy trong một số thức ăn của chúng ta. Nó cũng được sản sinh ra bởi tất cả các tế bào của cơ thể, nhưng đáng kể nhất là các tế bào gan. Một số cholesterol là tối cần thiết cho sức khỏe tốt. Cholesterol không chỉ là một thành phần quan trọng trong các thành tế bào, nó cũng còn là thiết yếu trong việc tạo ra một số các hormon nhất định. Đối với hầu hết mọi người thì khoảng từ 70% đến 75% cholesterol trong máu được sản sinh bởi các tế bào gan, từ 25% đến 30% còn lại được lấy từ thực phẩm ăn vào.
Một người có thể có mức cholesterol tăng cao vì rất nhiều lý do. Có một số trường hợp bất thường về gen di truyền có thể dẫn đến sự gia tăng mức sản sinh ra cholesterol của các tế bào gan; hoặc giảm thấp khả năng của gan trong việc làm sạch cholesterol khỏi máu. Một số các bệnh tật lại gắn liền theo với mức cholesterol tăng cao. Những bệnh này bao gồm chứng tiểu đường và các bệnh thận, gan, tuyến giáp. Một số thuốc men cũng có tác dụng làm cho mức cholesterol tăng cao. Và cuối cùng, đối với rất nhiều người thì chế độ ăn uống không cân đối, nhiều chất béo, nhiều ca-lo-ri và cholesterol chính là nguyên nhân làm cho mức cholesterol tăng cao.
Khi nói đến chế độ ăn uống thì chất béo và ca-lo-ri (– không phải là cholesterol trong thức ăn) là những nguyên nhân xấu nhất. Khi một người ăn quá nhiều chất béo, gan sẽ bị giảm mạnh khả năng tách cholesterol ra khỏi máu. Còn việc ăn quá nhiều ca-lo-ri lại làm cho gan sản xuất ra quá nhiều cholesterol. Chế độ ăn có nhiều cholesterol cũng góp phần ảnh hưởng vào mức cholesterol trong máu, nhưng có một giới hạn. Chẳng hạn như, nếu một người thường ăn vào khoảng 100 mg cholesterol mỗi ngày, gia tăng mức độ này lên đến 400 mg một ngày, mức cholesterol trong máu sẽ có thể tăng cao đáng kể. Trong trường hợp này, một số người có thể có mức tăng đến 60 mg/dl. Bây giờ, nếu người ấy gia tăng mức ăn vào lên đến 1.000 mg cholesterol trong một ngày (tương đương với lượng cholesterol có trong khoảng 2 lòng đỏ trứng), mức cholesterol trong máu sẽ không tăng cao hơn nữa. Hiện tượng “bão hòa” này là lý do khiến cho nhiều người nói rằng việc ăn trứng không làm tăng mức cholesterol của họ. Bởi vì trước đó họ đã sử dụng một lượng cholesterol cao đến mức “bão hòa” rồi! Tại bệnh viện của chúng tôi, chúng tôi tập trung chủ yếu vào chất béo. Tuy nhiên, bởi vì chất béo và cholesterol rất thường đi đôi với nhau, chế độ ăn của chúng tôi nói chung giới hạn bệnh nhân ở khoảng 100 mg cholesterol trong một ngày.
Để xác định mức cholesterol của bạn có khả năng dẫn đến nguy cơ phát triển bệnh tim hay không, bạn cần phải thực hiện một xét nghiệm đo lường. Để có thể đo thật chính xác mức cholesterol trong máu, bạn phải nhịn ăn trong 12 giờ trước khi xét nghiệm. Mặc dù việc xét nghiệm tất nhiên là vẫn có thể tiến hành được khi không có quá trình nhịn ăn, nhưng các bác sĩ sẽ nắm rõ hơn về mức cholesterol của bạn khi cơ thể ở trong tình trạng nhịn ăn. Khi đã có được kết quả đo lường mức cholesterol trong máu, bạn có thể đối chiếu với các chuẩn mực dưới đây để xác định mình có gặp vấn đề bất ổn nào với bất cứ dạng chất béo nào trong máu hay không.
Mức độ cholesterol trong máu
Loại cholesterol Mức độ đáng mong muốn
Cholesterol tổng số < 200 mg/dl (không có CAD)
< 150 mg/dl (có CAD)
Triglyceride < 150 mg/dl (không có CAD)
< 100 mg/dl (có CAD)
LDL cholesterol < 130 mg/dl (không có CAD)
< 100 mg/dl (có CAD)
Mức độ lý tưởng < 80 mg/dl
(có CAD)
HDL cholesterol > 45 mg/dl
Trong bảng trên, CAD là một thuật ngữ viết tắt từ Coronary Artery Disease – các bệnh liên quan đến động mạch vành, nói chung thường chỉ cho các trường hợp đã từng bị một cơn đau tim, phẫu thuật nghẽn mạch, tạo hình mạch, hoặc một xét nghiệm bất thường cho thấy có bệnh tim...
Mức độ cholesterol tổng số thật ra là sự kết hợp của nhiều chất, bao gồm cả triglyceride, LDL cholesterol và HDL cholesterol.
Triglyceride là dạng chất béo trong máu có khuynh hướng tăng cao khi dùng các thức uống có cồn, khi tăng cân, khi ăn nhiều đường và chất béo, hoặc khi có một nếp sống ít vận động. Người ta đã biết chắc về việc lượng triglyceride tăng cao làm gia tăng nguy cơ phát triển bệnh tim và cơn đột quỵ. Những người có mức triglyceride cao cũng tỏ ra có khuynh hướng tăng cao huyết áp và có nhiều nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.
Như vậy, cách làm giảm mức triglyceride là không dùng các thức uống có cồn (rượu, bia...), tập thể dục mỗi ngày, giới hạn lượng đường và chất béo trong chế độ ăn uống, và làm giảm cân nếu cần. Đối với một số người, việc bổ sung một liều cao dầu cá vào chế độ ăn có thể làm hạ thấp đáng kể mức triglyceride. Những phần sau của sách này sẽ vạch ra những vấn đề cụ thể về việc làm thế nào hạ thấp mức triglyceride bằng sự thay đổi nếp sinh hoạt thường ngày.
Tuy nhiên, một đôi khi sự thay đổi trong nếp sinh hoạt thường ngày không đủ để đạt mục đích. Nếu đây là trường hợp của bạn, bác sĩ có thể sẽ đề nghị dùng đến một loại thuốc làm giảm triglyceride, chẳng hạn như Tricor, Lopid hay Niaspan.
LDL cholesterol là dạng viết tắt thay cho low-density lipoprotein, thường được gọi là cholesterol xấu, bởi vì tác dụng tiêu cực của nó đối với sức khỏe. Mức LDL cholesterol tăng cao sẽ gia tăng nguy cơ dẫn đến bệnh tim hoặc một cơn đột quỵ. LDL cholesterol bám vào thành động mạch và về lâu dài có thể gây ra những chỗ tắt nghẽn mạch.
Tuy nhiên, phần lớn những người bị lên cơn đau tim thường là không bị cholesterol làm nghẽn hoàn toàn động mạch tim vào lúc xảy ra cơn đau. Một mảng cholesterol tích tụ chứa rất nhiều LDL cholesterol, có thể không bám chắc nhau, và do đó rất dễ vỡ ra. Khi nó vỡ ra, phản ứng tự nhiên của cơ thể là cố gắng điều chỉnh vấn đề bằng một khối máu đông. Sự kết hợp của mảng cholesterol vỡ ra với một khối máu đông bên trên có thể tạo thành tai họa. Nếu động mạch hoàn toàn tắt nghẽn, một cơn đau tim sẽ xảy ra.
Nếu LDL cholesterol gây rắc rối cho bạn, điều quan trọng là sẽ phải giới hạn lượng chất béo trong thức ăn, nhất là các chất béo bão hòa (saturated fat) và chất béo bị hydro hóa (hydrogenate fat). Thêm nữa, bạn có thể cần phải giảm cân, làm như vậy sẽ giúp hạ thấp mức LDL cholesterol. Các hoạt động rèn luyện thể lực đóng một vai trò rất khiêm tốn trong việc làm giảm LDL cholesterol. Một chế độ ăn hợp lý, chẳng hạn bổ sung các loại thức ăn thực vật như dầu stanol margarine (Benecol Light) hay sterol margarine (Take Control), nước tương giàu đạm, hạt cây lanh, các chất xơ, hạt óc chó... có thể làm cải thiện đáng kể mức độ cholesterol.
Cuối cùng, nếu các biện pháp này đều không đủ hiệu quả, bác sĩ có thể sẽ đề nghị sử dụng một trong các loại thuốc thuộc nhóm statin: Lipitor (atorvastatin), Zocor (simvastatin), Mevacor (lova¬statin), Pravachol (pravastatin) và Lescol (fluva¬statin). Các thuốc khác như Niaspan (niacin), WelChol (colesevelam) và Tricor (fenofibrate) cũng làm hạ thấp mức LDL cholesterol. Đối với những ai muốn tránh dùng các loại thuốc theo toa, có thể dùng Cholestin, một loại thuốc rất tương tự với Mevacor, nhưng được bán tự do trên thị trường. Tương tự, cũng có nhiều loại thuốc bán tự do trên thị trường được điều chế bằng niacin. Thêm vào với những thuốc được kể ra ở đây, còn có rất nhiều loại thuốc mới đang được nghiên cứu ở vào nhiều giai đoạn khác nhau. Nhóm chúng tôi đang nghiên cứu một loại thuốc mới có khả năng làm giảm mức LDL cholesterol nhiều đến 70%. Khi đọc xong sách này, bạn sẽ có đủ kiến thức cần thiết để làm giảm đáng kể mức LDL cholesterol.
HDL cholesterol là dạng viết tắt thay cho high-density lipoprotein, thường được gọi là cholesterol tốt, vì tác dụng tích cực của nó đối với sức khỏe. Vai trò của HDL cholesterol là mang các choles¬terol xấu trở về gan để xử lý. Những người có hàm lượng HDL cholesterol cao có vẻ như phần nào được bảo vệ chống lại bệnh tim. Dĩ nhiên, một người có mức HDL cholesterol lý tưởng vẫn có thể phát triển bệnh tim. Những người như thế thường là có nhiều yếu tố mang nguy cơ gây bệnh khác như huyết áp cao, tiểu đường, và nghiện thuốc lá.
Trong phần lớn các trường hợp, mức HDL cholesterol của một người là do yếu tố di truyền quyết định, có nghĩa là nó thực sự phụ thuộc vào những gen mà cha mẹ người ấy đã truyền lại. Tuy nhiên, có một số điều có thể làm để cải thiện mức HDL cholesterol. Bỏ thuốc lá có thể làm gia tăng HDL cholesterol đến 8 mg/dl. Thông thường thì hiệu quả cao nhất được nhận thấy trong vòng 6 tháng kể từ sau khi bỏ thuốc.
Rèn luyện thể lực cũng có thể làm cải thiện mức HDL cholesterol. Nam giới có khuynh hướng gia tăng nhiều mức HDL cholesterol trong năm đầu tiên bắt đầu rèn luyện (tập thể dục chẳng hạn), có thể lên đến 10%. Phụ nữ có mức gia tăng ít hơn, nhưng nếu duy trì việc rèn luyện đến 5 năm thì có thể làm gia tăng đến 20%. Trong khi đó, nam giới có thể duy trì mức gia tăng 10% nếu tiếp tục rèn luyện, nhưng rất hiếm khi tăng cao hơn nữa.
Việc giảm cân có thể làm gia tăng đáng kể mức HDL cholesterol. Nhưng thường thì khi một người giảm cân bằng cách gia tăng sự vận động cơ thể, mức HDL cholesterol sẽ tạm thời giảm xuống. Đừng thất vọng nếu như điều này xảy ra cho bạn. Khi trọng lượng cơ thể đã ổn định – đã giảm cân đến mức yêu cầu, mức HDL cholesterol sẽ gia tăng và cuối cùng sẽ vượt cao hơn mức trước đó.
Chế độ ăn uống cũng có ảnh hưởng đến mức HDL cholesterol. Ăn các thức ăn chế biến giàu chất béo, chẳng hạn các món ăn làm sẵn để bán như bánh quy, bánh nướng xốp... hoặc các món ăn chiên dầu, mỡ... sẽ đưa vào người một lượng rất lớn chất béo chế biến (trans fat), một dạng chất béo làm giảm đáng kể mức HDL cholesterol. Trong trường hợp này, chuyển sang dùng các loại chất béo không bão hòa dạng đơn (monoun¬saturated fat) như trong dầu ô-liu, dầu phộng... sẽ có thể cải thiện mức HDL cholesterol. Nguồn chất béo từ quả bơ, quả óc chó, quả hồ trăn, đậu phộng, hạt hạnh nhân, hạt phỉ... cũng có lợi tương tự. Cuối cùng, nếu bạn cần đến một mức gia tăng cao hơn mà các biện pháp nói trên không đủ để đáp ứng, bác sĩ có thể sẽ đề nghị sử dụng các loại thuốc như Niaspan, Lopid hay Tricor.
Điều không may là, có nhiều người với mức HDL cholesterol thấp không thể nào hoàn toàn gia tăng lên đến mức bình thường, cho dù đã có những thay đổi thích hợp trong nếp sống và sử dụng đến thuốc men. Một số công ty hiện đang tìm kiếm những phương thức mới để làm cải thiện mức HDL cholesterol. Các phương thức đang được nghiên cứu bao gồm các loại thuốc tiêm tĩnh mạch, sự phát triển của các phân tử được bắt chước theo hoạt động của HDL, và thậm chí cả liệu pháp gen. Trong vòng 5 năm sắp tới sẽ có những phương thức mới hoàn thiện hơn nhiều để điều trị cho những người có mức HDL cholesterol thấp.
Một khi bạn đã xác định là mình có vấn đề bất ổn với mức cholesterol, điều quan trọng là phải xác định nguyên nhân và vạch ra một kế hoạch để giúp cải thiện. Nếu bạn không làm được như thế, có thể rồi sẽ dẫn đến một cơn đau tim, đột quỵ hoặc thậm chí là tử vong.
Có một số các trường hợp bất thường về gen di truyền đã được mô tả rõ dẫn đến sự gia tăng rất cao mức triglyceride hay LDL cholesterol hoặc cả hai. Chẳng hạn như một số người có vấn đề về gen di truyền gọi là familial hypercholesterolemia. Những người này – bất chấp mọi nỗ lực tuân theo chế độ ăn thích hợp, rèn luyện thể lực đều đặn, và sử dụng thuốc với liều cao tối đa – sẽ luôn có mức cholesterol cao không thể khống chế được. Trong những trường hợp này, một phương thức gọi là LDL apheresis sẽ có thể là biện pháp duy nhất để cứu sống họ. Tiến trình này giống như một sự thấm tách, sẽ lọc LDL cholesterol ra khỏi máu, có thể làm giảm tức thời từ 70% đến 80% mức LDL cholesterol. Nhưng kết quả này chỉ là tạm thời, và do đó, tiến trình phải được lập lại hai tuần một lần.
Còn có những rối loạn về gen di truyền khác có thể dẫn đến sụt giảm đáng kể mức HDL cholesterol. Mỗi sự rối loạn này đều có thể làm gia tăng rất nhiều các nguy cơ về tim.
Thường thì một căn bệnh ngấm ngầm nào đó cũng sẽ dẫn đến sự thay đổi bất thường rất lớn trong mức cholesterol. Những người bị bệnh tiểu đường trong giai đoạn đầu có khuynh hướng tăng cao mức triglyceride, giảm mức HDL và tăng nhẹ mức LDL. Theo kinh nghiệm của tôi, chỉ khi nào lượng đường trong máu được khống chế thì mức triglyceride của người bị tiểu đường mới có thể làm cho bình thường trở lại được.
Những người bị bệnh cường tuyến giáp hoặc giảm năng tuyến giáp đều có thể dẫn đến những biến đổi bất thường khác nhau về mức cholesterol. Rối loạn chức năng tuyến giáp rất thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn so với nam giới. Tôi đã gặp một vài trường hợp khi việc điều chỉnh được những rối loạn chức năng của tuyến giáp đã dẫn đến làm bình thường mức cholesterol của bệnh nhân. Nhưng thông thường hơn là mức cholesterol chỉ cải thiện đôi chút và vẫn cần phải tác động thêm.
Hội chứng thận hư là một trường hợp rối loạn chức năng thận được nhận ra bởi những lượng lớn protein trong nước tiểu người bệnh. Cơ thể phản ứng với sự mất protein này bằng cách gia tăng lượng protein được tạo ra ở gan, nhằm cố gắng cân bằng mức protein trong máu. Các protein mang cholesterol trong máu, vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi có sự gia tăng mức cholesterol trong trường hợp này. Tương tự như vậy, gan bị bệnh có thể dẫn đến việc sản xuất ra quá nhiều các lipo-protein.
Các loại thuốc và cholesterol
Khi bác sĩ cùng với bạn cố gắng làm giảm đi mức cholesterol, bác sĩ cần phải cân nhắc thật thận trọng về các loại thuốc bạn sẽ dùng. Một số thuốc có thể dẫn đến làm biến đổi mức cholesterol trong máu. Bảng dưới đây cho thấy tác động của một số các loại thuốc thường dùng.
Hiệu quả của các loại thuốc
đối với mức cholesterol
Nhóm thuốc Triglyceride LDL HDL
Amiodarone (Cordarone) tăng tăng không thay đổi đáng kể
Androgen (hormone nam) có thể tăng tăng giảm
Thuốc chẹn beta tăng không thay đổi đáng kể giảm
Cyclosporin tăng tăng không thay đổi đáng kể
Progestin không thay đổi đáng kể tăng giảm
Thuốc ức chế protease tăng có thể tăng không thay đổi đáng kể
Retinoid tăng tăng giảm
Steroit tăng tăng tăng
Thuốc lợi tiểu tăng tăng không thay đổi đáng kể
Có thể bạn sẽ thắc mắc không biết các nhóm thuốc trên là gì và chúng được dùng như thế nào. Amiodorone, với các tên thương phẩm như Cordarone, Pacerone... được dùng để trị một số các chứng loạn nhịp tim. Androgen, với các tên thương phẩm như viên nang Android hay Testoderm, được dùng thường xuyên trong việc điều trị cho nam giới có mức testosterone thấp, hoặc dùng trong việc điều trị một số chứng ung thư cho phụ nữ.
Các thuốc chẹn beta (beta blocker) là các thuốc điều trị huyết áp. Không phải tất cả các thuốc chẹn beta đều ảnh hưởng có hại đến cholesterol. Các thuốc như Acebutolol (Sectral), carteolol (Cartrol), carvedilol (Coreg), Celiprolol (Selectrol), penbutolol (Levatol) và pindolol (Visken) là những thuốc chẹn beta nói chung không tác hại đến các lipid. Ngược lại, các thuốc chẹn beta thông dụng nhất, bao gồm atenolol (Tenormin), metoprolol (Lopressor, Toprol), nadolol (Corgard) và propranolol (Inderal), đều là những thuốc gây ảnh hưởng xấu đến mức độ các lipid trong máu. Tuy nhiên, nhóm các thuốc chẹn beta có ảnh hưởng xấu đến cholesterol lại tỏ ra có khả năng bảo vệ chống lại việc tái phát cơn đau tim. Vì lý do này, đôi khi cần thiết phải dùng đến chúng và đồng thời tìm cách giải quyết ảnh hưởng xấu của chúng đến các lipid trong máu.
Cyclosporin, với các tên thương phẩm như Neoral, Sandimmune... là một nhóm thuốc suy giảm miễn dịch được dùng cho những người đã trải qua phẫu thuật cấy ghép tim hay thận. Việc dùng các thuốc này là không thể thay thế được, và do đó phải tìm cách đối phó với ảnh hưởng xấu do chúng gây ra cho các lipid trong máu.
Progestin là một trong những thành phần của hầu hết các loại viên uống tránh thai và được dùng như một phần trong việc điều trị thay thế hormone sau thời kỳ mãn kinh của phụ nữ. Nói chung, việc dùng thuốc này phải hạn chế tối đa, chỉ nên dùng liều tối thiểu có thể được. Các viên tránh thai gây ảnh hưởng ít nhất đến mức cholesterol bao gồm Ortho Tri-Cyclen, Modicon và Brevicon. Khi một loại thuốc nhóm progestin, chẳng hạn như các loại viên nang Cycrin, Provera hay Prometrium, được dùng như một phần trong việc điều trị hormone sau thời kỳ mãn kinh của phụ nữ, liều dùng được hạn chế tối đa. Trong cuộc thử nghiệm PEPI (Postmeno¬pausal Estrogen Progestin Intervention Trial), loại progestin có ảnh hưởng ít nhất đến các lipoprotein là micronized progestin, chẳng hạn như Prome-trium.
Nhóm thuốc ức chế protease (protease inhibitor), như các thuốc viên nang Crixivan, Agenerase, Fortovase, Invirase, Norvir và Viracept, làm cải thiện đáng kể cuộc sống của những người nhiễm HIV/AIDS. Nhưng điều tất nhiên là chúng có một cái giá phải trả – những người sử dụng nhóm thuốc này gia tăng đáng kể các lipid trong máu, đáng chú ý nhất là sự tăng nhanh triglyceride. Đối với nhiều người dùng thuốc này, việc ngưng thuốc là không thể được. Nói chung, họ cần phải dùng thêm một loại thuốc để điều chỉnh mức lipid. Và bởi vì các thuốc ức chế protease và thuốc điều chỉnh mức lipid đều là những loại thuốc gây ảnh hưởng xấu đến chức năng của gan, nên các bệnh nhân dùng hai loại thuốc này phải được liên tục theo dõi thật chặt chẽ.
Nhóm các thuốc retinoid, chẳng hạn như Accutane, được dùng trong điều trị mụn nang. Đáng mừng là thuốc này chỉ được dùng trong một thời gian ngắn và hầu hết người dùng thuốc là ở độ tuổi thiếu niên. Mặc dù lượng lipid bị thay đổi đáng kể theo hướng xấu khi dùng Accutane, nhưng thường thì sẽ trở lại bình thường sau thời gian điều trị.
Nhóm các thuốc steroit, chẳng hạn như pred¬nisone, thường được dùng trong những giai đoạn ngắn khi điều trị các cơn hen suyễn. Nếu các cơn hen suyễn xảy ra không thường xuyên lắm, ảnh hưởng xấu đến các các lipid do dùng thuốc có thể không đáng lo ngại. Tuy nhiên, không may là nhiều người phải thường xuyên dùng các thuốc nhóm này vì rất nhiều các cơn đau thấp khớp, cơn hen suyễn nghiêm trọng, bệnh phổi kinh niên hay để ngăn ngừa phản ứng của cơ thể chống lại những cơ quan vừa được cấy ghép. Đối với những người này, ảnh hưởng xấu đến mức lipid đòi hỏi phải được theo dõi xử lý thận trọng. Điều quan trọng có tính cách sống còn đối với các bệnh nhân có khả năng phải dùng thuốc lâu dài là phải giảm liều xuống mức tối thiểu có thể được. Trong một số trường hợp, có thể dùng kết hợp với các loại thuốc có tác dụng cho phép giảm liều dùng thuốc steroit.
Cuối cùng là nhóm các thuốc lợi tiểu, thường được dùng để làm hạ huyết áp, có thể làm biến đổi rất đáng kể mức cholesterol. Nhưng trong một số trường hợp, chúng có thể là rất cần thiết. Khi phải dùng đến nhóm thuốc này, cần nhớ rằng trong nhóm này thì các thuốc indapamide, chẳng hạn như Lozol, gây rất ít tác dụng xấu cho mức cholesterol.
Nếu một trong các loại thuốc vừa kể trên là nguyên nhân gây ra mức cholesterol cao của bạn, bác sĩ có thể sẽ giải quyết bằng cách thay đổi thuốc để cải thiện lại mức cholesterol.
Những chương sách sau đây sẽ hướng dẫn bạn từng bước một cần thiết trong việc làm bình thường hóa hoàn toàn mức cholesterol của bạn. Chế độ ăn uống đúng, việc rèn luyện thể lực và các liệu pháp bổ sung thích hợp, sẽ mang lại kết quả tốt đẹp cho rất nhiều người.
Tuy nhiên, nếu mức cholesterol của bạn vẫn tiếp tục ngoan cố ở mức độ cao, bất chấp những nỗ lực hoàn hảo nhất trong việc tuân thủ chế độ ăn uống tốt và rèn luyện thể lực, cũng đừng lo ngại khi phải dùng đến thuốc men. Các thuốc làm giảm cholesterol là một trong những loại thuốc được nghiên cứu kỹ nhất trên thế giới. Mặc dù ở một số người có những tác dụng phụ, nhưng phần lớn những người khác đều an toàn không có gì xảy ra. Nếu bác sĩ theo dõi cẩn thận trong khi điều trị, bạn sẽ rất hiếm khi gặp phải bất cứ rắc rối nào với các loại thuốc này.