Cuộc sống mỗi ngày quanh ta hàm chứa biết bao điều kỳ diệu, biết bao điều cần được khám phá. Dù vậy, hầu hết chúng ta thường để mình cuốn trôi theo dòng đời mà không mấy khi dừng lại để nhìn ngắm, để nhận thức một cách sâu sắc về những gì xảy ra quanh ta. Để rồi một hôm nào đó, khi tâm hồn ta thật tình cờ có được một đôi phút giây tĩnh lặng và sáng suốt, ta mới bất ngờ nhận ra những ý nghĩa thật sâu xa nằm ngay trong những điều đơn giản nhất quanh ta. Và những phút giây trực nhận hiếm hoi này đôi khi có thể thực sự làm thay đổi cả những nhận thức bó hẹp và khô cứng của ta về cuộc đời. Những phút giây này là cực kỳ quý giá, vì thật ra thì đó hoàn toàn không phải sự tình cờ mà chính là sự kết tinh của rất nhiều trải nghiệm trong đời sống. Xét theo một ý nghĩa nào đó, đây chính là những cơ hội hiếm hoi để giúp ta làm thăng hoa cuộc sống thế tục này. Và xét cho cùng, mọi nỗ lực hướng thiện của mỗi chúng ta đều là để có thể tạo ra ngày càng nhiều những phút giây như thế.
Người nghệ sĩ với bản năng thiên phú thường đạt đến sự trực nhận ý nghĩa đời sống theo cách như trên dễ dàng hơn so với những người khác. Điều đó thường xuất phát từ tâm hồn nhạy cảm và sự khát khao nhận thức cái đẹp, cái chân thật. Và từ đó, họ thể hiện ra thành những dòng nhạc, những nét vẽ, những vần thơ... có khả năng dẫn dắt hoặc gợi mở cho mọi người cùng đạt đến những cảm nhận chân thật và tốt đẹp như họ.
Các nhà văn chân chính bao giờ cũng là những nghệ sĩ như thế, và thậm chí họ còn có một thiên chức khác biệt, mạnh mẽ hơn khi ngòi bút của họ luôn được sử dụng trong nỗ lực hướng đến xây dựng một cuộc đời tốt đẹp hơn, hoàn hảo hơn. Những niềm vui mà họ mang đến cho người đọc hay những nỗi đau mà họ gợi lên qua ngòi bút đều hướng đến mục đích làm thức tỉnh những tâm hồn sa ngã và khích lệ những con người hướng thiện, cũng như chia sẻ cùng người đọc những kinh nghiệm quý giá mà họ đã phải đánh đổi bằng năm tháng của chính cuộc đời họ.
Trong mắt tôi, Diệu Kim là một nhà văn như thế, và những gì chị viết ra hẳn cũng có thể chứng minh cho điều đó. Diệu Kim không viết về những ước mơ lý tưởng nhưng xa rời cuộc sống, cũng không than vãn về những đắng cay khó nhọc vẫn còn bao phủ quanh những kiếp người. Chị viết về tất cả những gì rất gần gũi, rất thân quen trong cuộc sống của hầu hết chúng ta, về những gì mà bất cứ ai cũng từng trải qua trong cuộc sống, nhưng thấp thoáng sau những nét bút của chị ta luôn có thể dễ dàng nhận ra những ước mơ tươi đẹp ngời sáng và cả những nỗi đau cần cảm thông, chia sẻ. Nhưng vượt trên tất cả và bao trùm lên tất cả là một bầu không khí lạc quan và hướng thiện, điều chỉ có thể có được ở những tâm hồn đã nhận thức rõ một hướng đi chân chính cho suốt cuộc đời mình. Vì thế, chúng ta sẽ không lấy làm lạ khi thấy trong những bài viết của chị luôn thấm đẫm tinh thần Phật giáo, luôn hàm chứa những ý tưởng sâu xa và những lời dạy chân xác của đức Phật.
Xuất thân từ vùng quê Đồng Tháp của miền Tây Nam bộ, lớn lên thành một học sinh giỏi văn của tỉnh và sau đó tốt nghiệp Đại học Văn khoa ở vị trí thủ khoa, nhưng cuộc sống trôi dạt từ quê lên thành của Trần Thị Hoàng Anh - tên thật của Diệu Kim - từng trải qua không ít những long đong lận đận. (Mà liệu có mấy ai trong chúng ta không phải long đong lận đận giữa cuộc đời này?) Là một phóng viên chuyên nghiệp của báo Thanh Niên, nhưng chị viết báo chỉ như một phương tiện để mưu sinh, vì bao nhiêu nỗi niềm say mê và nhiệt huyết được chị gửi trọn vào những chuyến đi về vùng nông thôn quê nghèo để sẻ chia tất cả những gì mà chị thấy là tốt đẹp nhất. Nhiều thế hệ trẻ đã lớn lên với sự góp phần yêu thương, giáo dục và chăm sóc của chị, vật chất lẫn tinh thần. Và chính kinh nghiệm có được từ những chuyến đi lăn xả “bạt mạng” này đã giúp cho ngòi bút của chị luôn tràn đầy sức sống, luôn đau đáu một nỗi niềm yêu người, thương đời...
Diệu Kim rất ít khi ký tên thật, trừ ra trong một số truyện ngắn. Dường như chị thích cái pháp danh Diệu Kim vì nó gắn liền với đời sống tâm linh của chị. Ngay cả khi viết báo chị cũng thường ký tên Hoàng Kim - kết hợp một phần cái pháp danh Diệu Kim trong đó. Chính sự gắn bó với đạo pháp và tấm lòng yêu người thương đời đã dẫn chị đi sâu vào nghiệp viết văn, mà hầu hết là văn chương Phật giáo. Chị đã từng đoạt giải trong cuộc thi truyện ngắn do báo Giác Ngộ tổ chức vào năm 1997 và có rất nhiều bài đăng trên tờ báo Phật giáo này.
“Hoa của mỗi người” là một tuyển tập gồm những bài viết từ nhiều năm qua. Có những bài mới viết gần đây, nhưng cũng có những bài đã được viết từ khoảng năm 1995, nghĩa là cách đây gần 15 năm. Trong suốt quãng thời gian này, hương đạo tình đời như đan xen lẫn nhau trong cuộc sống của chị, và tất cả đều được tái hiện một cách tài tình, khéo léo trong những bài viết này.
Nói thật lòng, tôi không tìm thấy ở Diệu Kim những câu văn, đoạn văn khả dĩ có thể gọi là trác tuyệt, nhưng cái tình người mênh mang hồn hậu chất chứa trong một văn phong mộc mạc giản dị lại như làm nên một nét rất duyên dáng, độc đáo mà dường như tôi chưa từng gặp ở các nhà văn khác. Cứ như là cái vạt áo bà ba duyên dáng dưới vành nón lá nghiêng nghiêng trên cánh đồng quê thơm mùi rạ mới, tuy chẳng có gì là hoa mỹ diễm kiều nhưng lại dễ dàng cuốn hút trọn vẹn tâm tình người du khách.
Đến với những bài viết của Diệu Kim, người đọc sẽ tận hưởng được cái không gian bao la mà thân quen gần gũi của đất trời quê hương, cái tình cảm chơn chất nhưng hết sức nồng nàn của những người dân quê Nam bộ. Nhưng không chỉ thế, dưới mắt nhìn của Diệu Kim thì ngay giữa chốn thị thành đô hội cũng không thiếu những tấm lòng thương yêu chân thật. Vấn đề ở đây là chúng ta phải biết sống và nhận thức như thế nào để không bỏ lỡ đi những cơ hội chia sẻ quý giá mà cuộc đời mang đến. Và chính vì thế, hạnh phúc chân thật của mỗi người chúng ta không bao giờ là món quà tặng ngẫu nhiên của cuộc đời, mà luôn là kết quả của một nhận thức đúng thật về thực tại đời sống quanh ta cũng như một nỗ lực sống chân chính để mang lại niềm vui cho chính mình và người khác.
Và có lẽ cũng vì mục đích mang lại niềm vui cho chính mình và người khác mà tập tùy bút này đã ra đời. Liệu tác giả có đạt được mục đích này hay không, điều đó hẳn còn tùy vào sự đánh giá của từng người đọc. Riêng tôi, quả thật tôi đã rất lấy làm vui mừng khi viết những dòng giới thiệu này. Tôi chân thành hy vọng là người đọc sẽ không phải hối tiếc khi dành thời gian đọc tập sách, bởi ít nhất thì nó cũng có thể mang lại cho mỗi chúng ta một vài niềm vui nho nhỏ và đôi phút tĩnh lặng suy ngẫm về những gì đang diễn ra quanh ta, để từ đó sẽ tạo thành điều kiện cho đóa hoa tâm của mỗi chúng ta một lần hé nở, thực sự làm nên “hoa của mỗi người”.
Trân trọng,
NGUYỄN MINH TIẾN