Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Chấm dứt sự giết hại chúng sinh chính là chấm dứt chuỗi khổ đau trong tương lai cho chính mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Thêm một chút kiên trì và một chút nỗ lực thì sự thất bại vô vọng cũng có thể trở thành thành công rực rỡ. (A little more persistence, a little more effort, and what seemed hopeless failure may turn to glorious success. )Elbert Hubbard
Kẻ yếu ớt không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của người mạnh mẽ. (The weak can never forgive. Forgiveness is the attribute of the strong.)Mahatma Gandhi
Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Điều khác biệt giữa sự ngu ngốc và thiên tài là: thiên tài vẫn luôn có giới hạn còn sự ngu ngốc thì không. (The difference between stupidity and genius is that genius has its limits.)Albert Einstein
Chúng ta có thể sống không có tôn giáo hoặc thiền định, nhưng không thể tồn tại nếu không có tình người.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Một người trở nên ích kỷ không phải vì chạy theo lợi ích riêng, mà chỉ vì không quan tâm đến những người quanh mình. (A man is called selfish not for pursuing his own good, but for neglecting his neighbor's.)Richard Whately

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Về mái chùa xưa »» Từ Tam bảo đến Tam quy... »»

Về mái chùa xưa
»» Từ Tam bảo đến Tam quy...

Donate

(Lượt xem: 7.787)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


Về mái chùa xưa - Từ Tam bảo đến Tam quy...

Font chữ:


Diễn đọc: Trường Tân
Tam quy, hay Tam quy y, hiểu một cách đơn giản nhất là “quy y Tam bảo”, trong đó khái niệm quy y được hiểu là “quay về nương theo”. Như vậy, suy rộng ra chúng ta sẽ hiểu được rằng quy y Phật nghĩa là quay về nương theo Phật, quy y Pháp là quay về nương theo Pháp, và quy y Tăng là quay về nương theo Tăng.

Nhưng thế nào gọi là quay về nương theo? Như trên đã nói, thể tánh thanh tịnh hay khả năng giác ngộ luôn sẵn có trong mỗi chúng ta, chỉ vì mê lầm không hiểu biết nên mới chạy theo những dục vọng tham lam và tạo nhiều ác nghiệp, để đến nỗi phải chìm đắm trong vòng sinh tử luân hồi. Đức Phật là bậc giác ngộ đã nhận rõ và chỉ ra điều đó. Tuy bản thân chúng ta chưa giác ngộ, nhưng nhờ tin theo Phật, học theo giáo pháp của Phật, noi theo gương sáng hành trì của chư tăng, nên có thể nhận biết được con đường đúng đắn để quay về, nhận lấy thể tánh thanh tịnh và tu tập để làm hiển lộ khả năng giác ngộ vốn có của chính mình. Vì thế mà gọi là quay về nương theo.

Như vậy, theo từng cách hiểu về Tam bảo, chúng ta cũng có những cách hiểu tương ứng về quy y Tam bảo.

Theo ý nghĩa Trụ thế Tam bảo, chúng ta quy y Phật tức là quay về nương theo đức Phật Thích-ca Mâu-ni, thờ kính và lễ lạy hình tượng ngài ở các chùa tháp và cũng thiết lập bàn thờ Phật ở nhà. Khi chúng ta thờ kính hình tượng ngài, chúng ta nhớ đến sự đản sanh và giác ngộ của ngài đã mang lại cho thế gian này một con đường chân chánh để noi theo và đạt đến sự giải thoát, và cụ thể hơn là sự giảm nhẹ những khổ đau trong cuộc sống hằng ngày.

Ngoài ra, chúng ta cũng đặt niềm tin và thờ kính những vị Phật mà đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã từng thuyết dạy, chẳng hạn như Phật A-di-đà, Phật Dược Sư, Phật Di Lặc... Chúng ta tin vào chư Phật trong mười phương ba đời đều là những bậc giác ngộ, đều truyền dạy giáo pháp giải thoát không khác với đức Phật Thích-ca Mâu-ni, và như vậy có nghĩa là ta đã quy y Phật theo nghĩa Xuất thế Tam bảo.

Khi chúng ta thực hành sâu vững giáo pháp của đức Phật, chúng ta sẽ tự tin vào khả năng giác ngộ của chính mình, nghĩa là tự tin vào Phật tánh ở trong ta. Do sự quy y này mà chúng ta luôn hướng mọi hành động, lời nói và việc làm của mình về sự tu tập để đạt đến giải thoát rốt ráo. Như vậy có nghĩa là quy y với Đồng thể Tam bảo hay Tự tánh Tam bảo.

Khi đã quy y Phật, ta học hiểu và tin nhận những giáo pháp do ngài truyền dạy, được lưu truyền trong kinh điển và được chư tăng giảng giải. Trong ý nghĩa đó, ta quy y Pháp. Khi đã quy y Pháp, ta tôn kính và noi theo gương sáng của chư tăng là những người dành trọn cuộc đời để thực hành giáo pháp của đức Phật, và luôn sẵn lòng dẫn dắt chúng ta trên con đường tu tập. Trong ý nghĩa đó, chúng ta quy y Tăng.

Xuất phát từ những ý nghĩa trên, khi đã quy y Phật thì chúng ta không quy y bất kỳ một đấng linh thiêng hay quyền năng nào khác, trong Phật giáo gọi chung là “thiên, thần, quỷ, vật”. Bởi vì chúng ta tin chắc rằng chỉ có Phật là đấng giác ngộ hoàn toàn, đã đạt đến sự giải thoát rốt ráo, là đấng duy nhất có đủ trí tuệ sáng suốt để chúng ta nương theo và có thể đạt đến sự giải thoát rốt ráo như ngài. Khi thực sự đặt niềm tin và quy y Phật, chúng ta hiểu rằng tất cả những đối tượng như trời, thần, quỷ, vật... cũng chỉ là những dạng khác nhau của chúng sanh trong cõi luân hồi, cho dù có được quyền lực thần biến hay sức mạnh vạn năng thì cũng không phải là cứu cánh có thể giúp ta vượt thoát sinh tử, giảm nhẹ và triệt tiêu những khổ đau trong đời sống.

Tương tự, khi chúng ta đã quy y Pháp thì không quy y theo bất cứ một giáo pháp nào khác ngoài chánh pháp do Phật truyền dạy. Trong Phật giáo gọi chung là “tà ma, ngoại đạo”. Bởi vì, qua học hiểu và thực hành chánh pháp do Phật truyền dạy, chúng ta biết chắc rằng chỉ có giáo pháp do Phật truyền dạy là giáo pháp duy nhất có thể giúp chúng ta nương theo, thực hành theo để đạt đến sự giải thoát mọi ràng buộc, làm giảm nhẹ và triệt tiêu được những khổ đau trong đời sống.

Khi đã quy y Tăng, chúng ta không quy y với bất cứ tập thể, phe nhóm xấu ác nào. Trong Phật giáo gọi chung là “tổn hữu, ác đảng”. Bởi vì chúng ta thấy rõ được rằng, chỉ có Tăng-già, những người trọn đời thực hành theo lời Phật dạy, mới xứng đáng là chỗ để chúng ta nương dựa, noi theo.

Khi đã thực sự quy y Tam bảo theo đúng nghĩa như trên, chúng ta sẽ cảm thấy rất vững chãi, tự tin trong cuộc sống, bởi vì nhờ có Phật pháp, ta hiểu được nguyên nhân và kết quả của những việc làm thiện hoặc ác trong đời sống. Khi đối mặt với những khó khăn tất yếu trong đời sống, chúng ta có đủ sức mạnh tinh thần và nhận thức đúng đắn để tiếp nhận và vượt qua.

Nhưng vì sao phải xác định một cách chắc chắn rằng “quy y Phật trọn đời không quy y thiên thần quỷ vật, quy y Pháp trọn đời không quy y tà ma ngoại đạo, quy y Tăng trọn đời không quy y tổn hữu ác đảng”? Nhiều người trong chúng ta có thể sẽ nảy sinh sự thắc mắc này, bởi chúng ta nhận thấy không chỉ có đạo Phật là tôn giáo, tín ngưỡng duy nhất; không chỉ có giáo pháp của Phật là duy nhất hướng đến sự tốt đẹp trong đời sống; và cũng không phải duy nhất chỉ có Tăng đoàn Phật giáo là những vị có đạo đức đáng kính trọng, noi theo.

Trong thực tế, ta thấy có hàng triệu người trên thế giới này tin theo các tôn giáo, tín ngưỡng khác, và họ luôn đặt niềm tin vào vị giáo chủ của mình, rồi từ đó tìm được những chỗ dựa tinh thần vững chắc trong đời sống. Cũng trong thực tế, giáo lý do các tôn giáo khác truyền dạy cũng hướng đến một đời sống đạo đức, tốt đẹp hơn, giúp con người biết yêu thương và sống hòa hợp với nhau hơn... Và trong thực tế có rất nhiều tu sĩ của các tôn giáo khác cũng thực hành đời sống tâm linh tốt đẹp, luôn nêu gương sáng về đạo đức trong xã hội...

Khi chúng ta hướng đến một cuộc sống đạo đức, tốt đẹp hơn trong thế giới này, chúng ta có thể tìm thấy những lời khuyên như vậy trong giáo lý của hầu hết các tôn giáo. Và đó chính là lý do vì sao nhân loại từ xưa đến nay vẫn chấp nhận sự tồn tại đồng thời của rất nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Mỗi một tôn giáo, tín ngưỡng đều có sự đáp ứng thích đáng cho nhu cầu tâm linh cũng như giúp cho tín đồ có một đời sống đạo đức, tốt đẹp hơn.

Có người so sánh ý nghĩa tinh thần của việc tin theo các tôn giáo khác nhau cũng giống như ý nghĩa vật chất của việc ăn các món ăn khác nhau. Chẳng hạn như chúng ta có thể ăn cơm Việt, cơm Tàu, cơm Tây, cơm Ý... đều có thể no bụng. Vì thế, người thích cơm Việt không thể nói là cơm Tàu, cơm Tây hay cơm Ý không ngon, vì trong thực tế vẫn có những người khác thích ăn những loại cơm này hơn cơm Việt. Sự so sánh này là hoàn toàn chính xác trong ý nghĩa vừa nêu trên, bởi hầu hết các tôn giáo đều có thể giúp chúng ta có được một cuộc sống đạo đức, tốt đẹp hơn, yêu thương và chia sẻ nhau để làm cho cuộc đời này trở nên tươi đẹp hơn.

Nhưng giáo pháp do đức Phật truyền dạy là giáo pháp duy nhất không dừng lại ở mức độ ấy, mà hướng đến một sự giải thoát rốt ráo, một sự giác ngộ hoàn toàn để có thể chấm dứt mọi khổ đau trong đời sống. Vì thế, giáo lý cơ bản của đạo Phật trước hết chỉ ra tất cả những khổ đau và nguyên nhân của chúng trong cuộc sống này, sau đó mới bàn đến những phương thức để chấm dứt tận gốc những khổ đau và đạt đến sự giải thoát rốt ráo. Giáo lý cơ bản này được đức Phật giảng dạy ngay trong lần thuyết pháp đầu tiên cho 5 anh em ông Kiều-trần-như (những vị đệ tử đầu tiên, cũng là những người hình thành Tăng đoàn đầu tiên), được gọi tên là Tứ diệu đế, nghĩa là 4 chân lý mầu nhiệm. Chúng bao gồm Khổ đế (chân lý về khổ đau), Tập đế (chân lý về những nguyên nhân, sự phát sinh của khổ đau), Diệt đế (chân lý về sự chấm dứt khổ đau) và Đạo đế (chân lý về những phương thức, con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đau). Trong một dịp nào đó, hy vọng chúng ta sẽ có thể bàn sâu hơn về bốn chân lý này.

Dưới mắt nhìn của người đã thấu rõ 4 chân lý nói trên, thì ngay cả khi bạn có một đời sống vật chất giàu có, sung túc, hoặc một cuộc sống an nhàn, thảnh thơi không lo nghĩ, bạn vẫn không thoát ra ngoài vòng khổ đau. Bởi vì có 4 nỗi khổ lớn nhất vẫn luôn đeo đuổi và bao trùm lên cuộc đời của bạn. Đó là những nỗi khổ khi sinh ra, già yếu đi, bệnh tật và cuối cùng là cái chết (sinh, lão, bệnh, tử).

Trong giáo pháp của đức Phật, chúng ta tìm thấy rất nhiều phương thức tu tập khác nhau (thường gọi là các pháp môn) thích hợp với nhiều trình độ, nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Nhưng nói chung thì tất cả các pháp môn đều hướng đến sự giải thoát rốt ráo chứ không chỉ dừng lại ở một đời sống an nhàn thảnh thơi hay tạm thời xoa dịu những khổ đau trong cuộc sống.

Mặt khác, đức Phật là đấng giác ngộ hoàn toàn và danh xưng Phật (佛) trước hết chỉ là nói lên một sự thật, bởi đây là phiên âm của từ Buddha trong Phạn ngữ có nghĩa là “đấng giác ngộ”. Đức Phật truyền dạy chánh pháp và dẫn dắt những tín đồ tin theo ngài đi đến chỗ giác ngộ mà chưa từng tự xem mình như một vị giáo chủ. Nhưng nếu chúng ta xem ngài như một vị giáo chủ trong ý nghĩa là người khai sáng ra đạo Phật, thì ngài là vị giáo chủ duy nhất đã tuyên bố rằng tất cả tín đồ, hay nói rộng ra và chính xác hơn là tất cả chúng sanh, đều có khả năng tu tập để đạt đến giác ngộ hoàn toàn, thành Phật giống như ngài. Tín đồ của các tôn giáo khác chỉ có thể tin vào sự cứu rỗi của đấng giáo chủ chứ không bao giờ dám nghĩ đến việc tự mình có thể trở nên ngang hàng với đấng giáo chủ của họ. Hơn thế nữa, đức Phật xác định rằng sự giác ngộ hoàn toàn để thành Phật không phải là một kết quả dựa vào bất cứ ai khác, mà chính là do những nỗ lực tu tập của tự thân theo đúng với chánh pháp đã được Phật truyền dạy. Và như vậy, đây là một tiến trình hoàn toàn hợp lý và mang tính khoa học, có thể được chứng nghiệm từng bước trong suốt quá trình thực hành theo chánh pháp.

Do những ý nghĩa trên và còn nhiều ý nghĩa khác nữa mà chúng ta sẽ có dịp bàn đến sau này, nên một khi chúng ta đã hiểu đúng chánh pháp và quay về nương theo Phật, Pháp, Tăng, chúng ta sẽ không còn có thể nương theo bất cứ đấng giáo chủ hay giáo pháp nào khác. Cũng giống như người đã chọn được con đường lớn và quang đãng dẫn đến nơi mình mong muốn, người ấy không thể nào từ bỏ để đi theo những con đường mòn nhỏ hẹp. Bởi người ấy thấy rõ rằng, cho dù những con đường khác cũng nhắm về một hướng như đường lớn, nhưng nó chỉ dẫn họ đến một vị trí nhất định nào đó mà không thực sự có thể đưa họ đến đích.

Trong thực tế, có 2 hình thức quy y Tam bảo khác nhau mà chúng ta cũng nên bàn đến ở đây. Hình thức thứ nhất được gọi là Tùy tha ý quy y, nghĩa là người quy y không tự mình phát khởi tâm nguyện quy y, mà do một người khác dẫn dắt, hướng dẫn hoặc thậm chí là yêu cầu. Tiêu biểu cho hình thức quy y này là việc cha mẹ đưa con cái đến chùa quy y Tam bảo (thường là từ khi còn rất nhỏ), hay vợ hoặc chồng khuyên bảo người bạn đời của mình quy y Tam bảo... Trong trường hợp này, người quy y thường chưa hiểu rõ hoặc chưa đủ khả năng để hiểu rõ ý nghĩa việc quy y Tam bảo như trên, và do đó có những hạn chế tất yếu về mặt tinh thần cũng như sự thực hành giáo pháp. Tuy nhiên, hình thức này có ưu điểm lớn là tạo được một nhân duyên tốt cho người quy y, ngay cả khi các yếu tố tự thân của họ chưa đủ để dẫn đến việc quy y. Người dẫn dắt việc quy y thường là người có trách nhiệm và gắn bó với đời sống vật chất và tinh thần của người quy y, nên sau khi quy y rồi họ sẽ tiếp tục nâng đỡ, dắt dẫn cho đến khi người quy y có thể tự mình hiểu rõ được ý nghĩa chân chánh của việc quy y Tam bảo.

Hình thức thứ hai là Tự quy y, nghĩa là tự mình phát khởi tâm nguyện quy y Tam bảo mà không do bất cứ ai khác thúc đẩy, yêu cầu hay ép buộc. Vì là tự mình phát khởi tâm nguyện quy y Tam bảo, nên thường là xuất phát từ sự hiểu rõ được ý nghĩa chân chánh của việc quy y Tam bảo và quyết định quy y. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp người tự nguyện quy y Tam bảo có hiểu được một phần nào đó nhưng chưa thực sự hiểu hết ý nghĩa chân chánh của việc quy y, do chưa được giảng giải và cũng chưa tự mình tìm hiểu thấu đáo. Những người này cần phải cố gắng tìm hiểu về ý nghĩa chân chánh của việc quy y Tam bảo thì việc quy y mới có thể thực sự mang lại những lợi ích lớn lao cho đời sống của họ.

Việc quy y Tam bảo không phải là một việc làm nhất thời, mà nó có tính cách như một cam kết nền tảng để khởi đầu cho những chuyển biến trong tự thân chúng ta. Khi đã thực sự quy y Tam bảo thì mọi hành động, lời nói hay ý nghĩ của chúng ta sẽ không còn buông thả theo thói quen từ trước đến nay nữa, mà nhất nhất đều phải hướng theo những lời Phật dạy, nghĩa là noi theo kinh điển và sự dẫn dắt của chư tăng.

Sự chuyển biến hướng thiện đó cần phải được thể hiện một cách cụ thể qua việc học hiểu và thọ trì Ngũ giới, tức là 5 giới căn bản do đức Phật truyền dạy, có công năng giúp chúng ta sống một đời sống đúng theo chánh pháp và tạo được nhiều thiện nghiệp, là yếu tố quyết định trước nhất để có thể có được sự an lạc và hạnh phúc chân thật. Trong một phần sau, chúng ta sẽ bàn kỹ hơn về vấn đề này.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 11 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Di giáo


Ba điểm tinh yếu trên đường tu tập


Kinh Kim Cang


Học Phật Đúng Pháp

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.37.219 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (241 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...