Giả sử bạn có cơ hội buông bỏ mọi trách nhiệm với đời trong mười ngày, sống ở một nơi yên tịnh, vắng vẻ không bị phiền nhiễu. Ở đó bạn được lo cho ăn ở đầy đủ và có người sẵn sàng giúp đỡ để bạn được thoải mái. Đổi lại, ngoài những hoạt động cần thiết và giờ ngủ, trong lúc thức bạn chỉ cần tránh mọi giao tiếp với người khác, dùng hết thì giờ để nhắm mắt, chú tâm vào một đối tượng đã được chọn. Bạn có chấp nhận đề nghị này không?
Giả sử bạn mới chỉ nghe có cơ hội như thế, và có những người như bạn không những muốn mà còn nhiệt tâm dùng thì giờ rảnh theo lối này, thì bạn sẽ mô tả hoạt động của họ như thế nào? Bạn có thể nói: “Trầm tư mặc tưởng, hướng vào nội tâm hay hướng ra bên ngoài, hay suy ngẫm, trốn đời hay tĩnh tâm, tự đầu độc hay tìm kiếm bản ngã.” Dù ghi nhận là tích cực hay tiêu cực thì ấn tượng chung về thiền là một sự lẩn tránh cuộc đời. Dĩ nhiên, có những kỹ thuật tiến hành theo chiều hướng này. Nhưng thiền không nhất thiết phải là một sự trốn chạy. Nó cũng có thể là một phương tiện nhập thế để hiểu đời và hiểu mình.
Mọi con người đều bị điều kiện hóa để luôn nghĩ rằng thế giới thật phải nằm ở bên ngoài, và cách sống ở đời là phải tiếp xúc với thực tại bên ngoài bằng cách tìm kiếm những tín hiệu tinh thần cũng như vật chất được đưa vào từ bên ngoài. Hầu hết chúng ta không bao giờ cân nhắc việc chia chẻ phân tích những tiếp xúc hướng ngoại để xem điều gì xảy ra bên trong. Ý tưởng làm như vậy nghe có vẻ giống như chọn dành ra hàng giờ để nhìn chăm chăm vào khung thử màu trên màn ảnh tivi. Chúng ta thích việc khám phá nửa tối của mặt trăng hay bên dưới đáy đại dương hơn là những gì sâu kín trong ta.
Nhưng trong thực tế vũ trụ hiện hữu đối với mỗi người chúng ta chỉ khi ta trải nghiệm nó với thân và tâm. Nó không bao giờ hiện hữu ở nơi nào ngay tại đây và ngay bây giờ. Bằng sự tìm tòi cái bây giờ và ở đây của chính mình, chúng ta có thể khám phá thế giới. Trừ phi khảo sát được thế giới nội tâm, bằng không thì chúng ta sẽ không bao giờ khám phá được thực tại - chúng ta sẽ chỉ biết đến những niềm tin của ta về thực tại, hoặc những khái niệm lý trí của chúng ta về nó. Tuy nhiên, bằng cách tự quan sát chính mình, chúng ta có thể trực nghiệm thực tại và có thể học cách ứng phó với thực tại một cách tích cực và sáng tạo.
Một phương pháp để khám phá thế giới nội tâm là thiền Vipassana được thiền sư S. N. Goenka giảng dạy. Đây là cách thực tiễn để khảo sát thực tại thân tâm của chính mình, để phát hiện và giải quyết bất kỳ bất ổn nào tiềm ẩn trong đó, để phát triển tiềm năng và hướng đến sự tốt đẹp cho bản thân và người khác.
Trong tiếng Pāli, Vipassana có nghĩa là “tuệ giác, tuệ chứng”. Nó là tinh túy giáo huấn của Đức Phật, là kinh nghiệm thực sự về sự thật mà Đức Phật nói ra. Chính Đức Phật đã đạt được kinh nghiệm này nhờ hành thiền. Do đó, Ngài giảng dạy chủ yếu là thiền. Những lời Ngài nói là bằng chứng về kinh nghiệm thiền của ngài cũng như là những chỉ dẫn chi tiết về cách hành thiền sao cho đạt được mục đích mà Ngài đã đạt được - chứng nghiệm sự thật.
Điều này đã được nhiều người chấp nhận rộng rãi, nhưng vấn đề còn lại là làm sao để hiểu và thực hành theo những lời Phật dạy. Trong khi những lời Phật dạy được lưu giữ trong các bản văn được thừa nhận là có độ tin cậy, thì việc nhận hiểu những chỉ dẫn hành thiền của ngài lại khó hiểu nếu không được đặt trong một bối cảnh thực hành sống động.
Nhưng nếu một kỹ thuật được bảo tồn từ nhiều thế hệ, giúp mang lại đúng những kết quả như Đức Phật mô tả và phù hợp chính xác với những chỉ dẫn của Ngài, soi sáng những điểm trong đó mà từ lâu nay vẫn còn mù mờ, thì kỹ thuật đó chắc chắn rất đáng để chúng ta tìm hiểu. Vipassana là một phương pháp như thế. Nó là một kỹ thuật khác thường ở sự đơn giản, không có giáo điều, và quan trọng nhất là những kết quả mà nó mang lại.
Thiền Vipassana được dạy trong những khóa thiền 10 ngày, dành cho bất cứ ai thực lòng muốn học và có thể lực cũng như tinh thần thích hợp để thực hành. Trong 10 ngày này, những người tham dự cư trú trong khuôn viên khóa thiền, không liên lạc với thế giới bên ngoài. Họ không được đọc và viết cũng như không thực hành bất kỳ nghi thức tôn giáo hay phương pháp tập luyện nào khác, chỉ làm đúng theo sự chỉ dẫn. Trong toàn khóa học, họ phải giữ những giới căn bản, trong đó có việc cử tình dục và không dùng rượu bia. Họ phải giữ im lặng khi sinh hoạt chung trong chín ngày đầu, tuy nhiên họ được tự do thảo luận những khó khăn về thiền với các thiền sư và những nhu cầu vật chất với ban quản trị.
Trong ba ngày rưỡi đầu, những người tham dự thực hành bài tập chú tâm. Đây là sự chuẩn bị để đi vào phần kỹ thuật chính của Vipassana, phần này được dạy vào ngày thứ tư của khóa thiền. Những bước tiếp theo của phương pháp được giới thiệu mỗi ngày, sao cho đến cuối khóa học thì toàn bộ kỹ thuật này đã được trình bày qua những nét chính yếu. Vào ngày thứ mười, sự im lặng được bãi bỏ, và thiền sinh chuyển tiếp về đời sống hướng ngoại nhiều hơn. Khóa học kết thúc vào sáng ngày thứ mười một.
Kinh nghiệm mười ngày rất có thể sẽ có một số điểm ngạc nhiên cho thiền sinh. Trước hết, thiền là một công việc khó nhọc. Quan niệm thông thường cho rằng thiền là không làm gì cả hay một sự nghỉ ngơi sẽ nhanh chóng được nhận ra là một sự hiểu lầm. Cần phải có sự vận dụng liên tục để hướng tiến trình của tâm theo đường hướng cụ thể một cách có ý thức. Theo chỉ dẫn là phải nỗ lực hết sức nhưng không căng thẳng, nhưng trước khi thiền sinh học được cách làm đúng như vậy thì sự hành thiền có thể chán nản và thậm chí là mệt nhoài.
Điều ngạc nhiên khác nữa có thể nói ngay là tuệ giác có được qua sự quan sát chính mình không phải bao giờ cũng dễ chịu và sảng khoái. Thông thường, khi quan sát chính mình chúng ta thường rất chọn lọc. Khi soi gương, chúng ta thường chọn khía cạnh đẹp đẽ, vẻ mặt dễ thương nhất. Cũng vậy, chúng ta có một hình ảnh trong tâm nhấn mạnh vào những đặc tính đáng được chiêm ngưỡng, giảm thiểu những khuyết điểm, và loại bỏ luôn một vài khía cạnh của tính nết. Chúng ta nhìn hình ảnh mà ta muốn nhìn, không phải thực tại. Nhưng Vipassana là một kỹ thuật quan sát thực tại từ mọi khía cạnh. Thay vì thận trọng sửa đổi hình ảnh chính mình, thiền sinh phải đối diện với toàn bộ sự thật không cắt xén. Một vài khía cạnh trong đó rất có thể là khó chấp nhận.
Trong khi hành thiền, đôi lúc thay vì tìm được sự bình an nội tâm thì ta lại chỉ thấy bị dao động. Tất cả những gì về khóa thiền hình như đều không thể thực hành được, không thể chấp nhận được, như thời khóa biểu quá nặng, chỗ ăn ở, kỷ luật, những chỉ dẫn và lời khuyên của thiền sư, và ngay cả kỹ thuật thiền.
Tuy nhiên, một bất ngờ nữa là những khó khăn đó qua đi. Ở một giai đoạn nào đó, thiền sinh đã biết cách cố gắng mà không phải gắng sức, giữ sự tỉnh thức thoải mái, tham gia không bám víu. Thay vì phải vật lộn, thiền sinh bắt đầu bị cuốn hút vào sự thực tập. Bây giờ những bất tiện trong sinh hoạt trở thành không quan trọng, kỷ luật trở nên có ích và nâng đỡ, thời gian qua mau mà không biết. Tâm trở nên an tịnh như mặt hồ trên núi lúc rạng đông, soi rõ cảnh vật chung quanh và đồng thời để lộ đáy hồ cho những ai nhìn kỹ. Khi sự trong sáng này tới, mỗi phút đều tràn ngập sự minh xác, đẹp đẽ và bình an.
Do vậy thiền sinh khám phá ra rằng kỹ thuật này thực sự hữu hiệu. Mỗi bước là một bước nhảy vọt, và bạn thấy bạn có thể làm điều đó. Vào giai đoạn cuối của mười ngày, bạn sẽ thấy rõ hơn hành trình của khóa thiền từ đầu đến cuối dài như thế nào. Thiền sinh đã qua một tiến trình tương tự như một cuộc giải phẫu một vết thương đầy mủ. Mổ vết thương và nặn mủ ra rất đau đớn, nhưng nếu không làm vậy thì vết thương chẳng bao giờ lành. Một khi đã lấy hết mủ thì bạn thoát khỏi những đau đớn do nó gây ra, và có thể phục hồi sức khỏe. Tương tự như vậy, qua một khóa thiền mười ngày, thiền sinh trút bỏ bớt căng thẳng trong tâm và vui hưởng một sức khỏe tinh thần mạnh mẽ hơn. Kỹ thuật Vipassana làm thay đổi sâu xa bên trong, sự thay đổi này vẫn còn tiếp tục sau khóa thiền. Thiền sinh sẽ thấy rằng bất cứ sức mạnh tinh thần nào mà mình đã có được trong khóa thiền, bất cứ điều gì đã học được, đều có thể áp dụng trong đời sống hằng ngày, có lợi cho chính mình và tốt cho người khác. Đời sống trở nên hòa hợp, hữu ích và hạnh phúc hơn.
Kỹ thuật ông Goenka dạy là kỹ thuật ông đã học từ ông Sayagyi U Ba Khin ở Miến Điện. Vị này là học trò của ông Saya U Thet, một thiền sư nổi tiếng ở Miến Điện vào nửa đầu thế kỷ 20. Ông Saya U Thet lại là học trò của ông Ledi Sayadaw, một vị sư và cũng là học giả Miến Điện nổi tiếng vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Xa hơn nữa thì không thấy có tài liệu nào về các thiền sư dạy pháp môn này. Tuy nhiên, những người thực hành thiền Vipassana tin rằng ông Ledi Sayadaw đã học từ những bậc thầy truyền thống, là những người đã gìn giữ kỹ thuật này qua nhiều thế hệ, từ thuở xa xưa khi giáo huấn của Đức Phật lần đầu tiên được truyền vào Miến Điện.
Chắc chắn kỹ thuật này phù hợp với những chỉ dẫn của Đức Phật về thiền, với ý nghĩa đơn giản và xác thực nhất trong những lời Phật dạy. Và quan trọng nhất là nó đem lại những kết quả tốt cho riêng mỗi người, hiển nhiên và tức khắc.
Cuốn sách này không phải là tài liệu giúp bạn tự luyện tập phương pháp thiền Vipassana. Những ai dùng nó để tự thực hành đều phải hoàn toàn tự chấp nhận rủi ro. Kỹ thuật này phải được học ở khóa thiền, nơi có môi trường thích hợp để hỗ trợ thiền sinh và có người hướng dẫn đã được huấn luyện đúng cách. Thiền là một vấn đề nghiêm túc, nhất là kỹ thuật Vipassana vốn đối phó với nội tâm sâu thẳm. Đừng bao giờ đến với thiền một cách qua loa hay khinh xuất. Nếu việc đọc cuốn sách này khiến bạn hứng khởi muốn thử qua Vipassana, bạn có thể liên lạc với địa chỉ ở cuối sách để biết thời gian và địa điểm có khóa thiền.
Mục đích của cuốn sách này chỉ đơn thuần là đưa ra những nét chính của phương pháp thiền Vipassana do ông Goenka dạy, với hy vọng mở rộng tầm hiểu biết của bạn về giáo huấn của Đức Phật và về kỹ thuật thiền, điểm tinh túy của giáo huấn.
MÔN BƠI LỘI HỌC Một lần kia, một vị giáo sư trẻ tuổi đi du lịch bằng đường thủy. Ông là một nhà đại trí thức. Tên của ông có một đuôi dài lê thê đằng sau với bằng cấp, nhưng kinh nghiệm đời của ông thì chẳng có bao nhiêu. Trong thủy thủ đoàn có một người thủy thủ già thất học. Mỗi buổi chiều người thủy thủ này thường đến phòng của vị giáo sư trẻ để nghe ông ta nói chuyện về nhiều đề tài. Ông rất ấn tượng với tài học của vị giáo sư trẻ.
Một buổi chiều, sau mấy tiếng đồng hồ nói chuyện với vị giáo sư, người thủy thủ già sửa soạn đi thì vị giáo sư hỏi, “Này bác, bác đã học môn Địa chất chưa?”
“Thưa ngài đó là gì ạ?”
“Là môn khảo sát về trái đất.”
“Thưa ngài chưa. Tôi chưa hề tới trường bao giờ, và tôi cũng chưa bao giờ học cái gì.”
“Bác ạ, bác đã lãng phí một phần tư cuộc đời rồi!”
Ông già buồn bã tự nghĩ: “Nếu nhà thông thái nói vậy, chắc chắn là phải đúng; ta đã phí phạm một phần tư cuộc đời.”
Chiều hôm sau, khi người thủy thủ già sắp rời đi thì vị giáo sư lại hỏi: “Này bác, bác đã học Hải dương học chưa?”
“Đó là gì thế, thưa ngài?”
“Là môn khảo cứu về biển.”
“Thưa không, tôi chưa từng được học gì cả.”
“Bác ơi, bác đã phí phân nửa cuộc đời rồi.”
Người thủy thủ đi ra, càng buồn thêm: “Ta đã phí nửa cuộc đời; nhà thông thái này nói thế.”
Chiều hôm sau nữa, vị giáo sư trẻ lại hỏi ông già: “Bác ơi, bác đã học môn Khí tượng chưa?”
“Là gì thế ạ? Tôi chưa bao giờ nghe nói đến cả.”
“Sao thế, đó là ngành học về gió, mưa, thời tiết.”
“Thưa ngài không. Như tôi đã từng nói với ngài, tôi chưa bao giờ đi học, và chưa từng được học gì cả.”
“Bác không học khoa học về trái đất bác đang sống, bác không học về đại dương đang giúp bác kiếm sống, bác không học về thời tiết mà bác phải đương đầu hằng ngày? Bác ơi, bác đã lãng phí ba phần tư cuộc đời bác rồi!”
Người thủy thủ già rất buồn: “Nhà thông thái này nói ta đã phí ba phần tư đời mình! Chắc chắn là ta đã uổng phí ba phần tư đời mình.”
Ngày hôm sau đến lượt người thủy thủ già. Ông chạy đến phòng vị giáo sư trẻ và kêu lên: “Thưa giáo sư, ngài có học Bơi lội học không?”
“Bơi lội học, bác muốn nói gì thế?”
“Ngài có biết bơi không?”
“Không, tôi không biết bơi.”
“Thưa giáo sư, ngài đã phí mất cả cuộc đời! Con tàu đã đâm vào tảng đá và đang chìm. Những người biết bơi có thể bơi vào bờ, những người không biết bơi có thể bị chết đuối. Thưa giáo sư, tôi rất tiếc, chắc chắn là ngài đã mất cả cuộc đời!”
Bạn có thể học tất cả mọi môn học trên đời, nhưng nếu không học môn bơi lội, mọi môn học đều vô dụng. Bạn có thể đọc và viết sách về bơi lội, bạn có thể tranh luận những điểm tế nhị về lý thuyết, nhưng nó có thể giúp gì bạn nếu bạn không chịu xuống nước. Bạn phải học cách bơi.