Hãy lắng nghe trước khi nói. Hãy suy ngẫm trước khi viết. Hãy kiếm tiền trước khi tiêu pha. Hãy dành dụm trước khi nghỉ hưu. Hãy khảo sát trước khi đầu tư. Hãy chờ đợi trước khi phê phán. Hãy tha thứ trước khi cầu nguyện. Hãy cố gắng trước khi bỏ cuộc. Và hãy cho đi trước khi từ giã cuộc đời này. (Before you speak, listen. Before you write, think. Before you spend, earn. Before you retire, save. Before you invest, investigate. Before you critisize, wait. Before you pray, forgive. Before you quit, try. Before you die, give. )Sưu tầm
Sự giúp đỡ tốt nhất bạn có thể mang đến cho người khác là nâng đỡ tinh thần của họ. (The best kind of help you can give another person is to uplift their spirit.)Rubyanne
Chúng ta nên hối tiếc về những sai lầm và học hỏi từ đó, nhưng đừng bao giờ mang theo chúng vào tương lai. (We should regret our mistakes and learn from them, but never carry them forward into the future with us. )Lucy Maud Montgomery
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Đôi khi ta e ngại về cái giá phải trả để hoàn thiện bản thân, nhưng không biết rằng cái giá của sự không hoàn thiện lại còn đắt hơn!Sưu tầm
Điều bất hạnh nhất đối với một con người không phải là khi không có trong tay tiền bạc, của cải, mà chính là khi cảm thấy mình không có ai để yêu thương.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Sự toàn thiện không thể đạt đến, nhưng nếu hướng theo sự toàn thiện, ta sẽ có được sự tuyệt vời. (Perfection is not attainable, but if we chase perfection we can catch excellence.)Vince Lombardi
Một số người mang lại niềm vui cho bất cứ nơi nào họ đến, một số người khác tạo ra niềm vui khi họ rời đi. (Some cause happiness wherever they go; others whenever they go.)Oscar Wilde
Tôi chưa bao giờ học hỏi được gì từ một người luôn đồng ý với tôi. (I never learned from a man who agreed with me. )Dudley Field Malone

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Đạo lý nhà Phật »» V. ĐẠO PHẬT Ở Á ĐÔNG »»

Đạo lý nhà Phật
»» V. ĐẠO PHẬT Ở Á ĐÔNG

Donate

(Lượt xem: 5.341)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Đạo lý nhà Phật - V. ĐẠO PHẬT Ở Á ĐÔNG

Font chữ:

1. Đạo Phật ở Ấn Độ



Đạo Phật phát nguyên ở Ấn Độ. Nhà sáng lập là đức Thích Tôn khởi sự truyền đạo ở Ấn Độ hồi khoảng thế kỷ thứ sáu, thứ năm trước Dương lịch. Ở giữa thời cuộc rối ren vì xã hội phân chia ra nhiều đẳng cấp trên dưới rất cách biệt nhau, mà có nhà đại sĩ giải thoát cho, khiến các hạng người đều được tự do mà vào giáo hội của ngài, khi vào đó thì ai nấy đều được an hòa, bình đẳng, như vậy thì ai chẳng tình nguyện xin theo? Bởi vậy cho nên nhà truyền bá tư tưởng, đấng cứu nhân độ thế đi đến đâu, thì thiên hạ kéo theo đến đó. Từ ngày đức Thích-ca thành Phật rồi khởi sự đi giảng đạo lý, cứu khổ cho chúng sanh, thì số tín đồ ngày một thêm đông. Lại nhờ ngài đi từng tỉnh, từng xứ, đến đâu cũng mở ra cuộc diễn giải về đạo nghĩa, cho nên bá tánh rất hoan nghinh. Lại từ đó đến sau, có nhiều vị vua chúa thích hợp với đạo lý Từ, Bi, Hỷ, Xả, bèn theo đạo Phật và sẵn lòng tán trợ cho một cách mạnh mẽ.

Nhờ vậy mà dân chúng đua nhau quy y. Vua vì lòng từ mà theo, thì dân lại vì chủ nghĩa bình đẳng mà hoan nghinh, nên chẳng bao lâu khắp cõi Ấn Độ, người ta đều thờ chung đạo Phật.

Qua đến đời vua A-dục, nhằm thế kỷ thứ ba trước Dương lịch, đạo Phật thịnh hành đến cực điểm. Nhà vua có tiếng là người hiểu rõ đạo lý, và tin đạo Phật vô cùng. Ngài bênh vực đạo Phật, vừa giúp các Sư, xây dựng chùa tháp, tán trợ bổn đạo các nơi. Ngài có một cô công chúa và một vị hoàng tử, đều qui y Tam bảo, và được lịnh ngài phái xuống miền Tích Lan (Ceylan) truyền bá Phật lý cho nhân dân.

Sau đời A-dục, con cháu ngài các vua sau cũng còn hoan nghinh đạo Phật. Vài trăm năm sau, có một người cháu vua A-dục làm vua ở xứ Kachemir, có đem đạo Phật về truyền trong xứ. Ấy là nhằm giữa thế kỷ thứ nhất theo Dương lịch.

Bên Ấn Độ, còn một đạo rất mạnh mẽ có từ trước khi Phật ra đời, ấy là đạo Bà-la-môn. Đạo Bà la môn vừa lòng các nhà vua chúa, quan quyền hơn đạo Phật. Bởi vì từ đời này sang đời kia, đạo ấy chủ trương phân chia giai cấp, nên việc cai trị được dễ dàng và làm lợi cho hạng tu sĩ và hạng vua quan. Đạo bà-la-môn phân giai cấp như thế này: giai cấp được xem là cao quý hơn hết, về tinh thần và đạo đức, là các thầy bà-la-môn. Kế đó, nắm phần cao trổi về chánh trị và xã hội là hạng vua quan. Ở dưới nữa, là những người bán buôn, thầy thợ. Thứ tư là hạng làm ruộng, làm rẫy. Lại có hạng mạt chủng làm các nghề vất vả, hạ tiện. Quen theo chế độ đó, dân chúng đều tôn trọng, tùng phục hạng vua quan và hạng bà-la-môn, họ tôn trọng hai hạng đó, nhất là hạng bà-la-môn, một cách hoàn toàn tự nhiên vì sanh ra vốn dĩ đã vậy rồi. Bởi vậy nên các nhà tai mắt có thế lực trong nước không muốn truyền bá đạo từ bi, bình đẳng giữa chúng sanh, tức là đạo Phật. Họ tìm mọi cách mà ngăn cản sức phát triển của đạo Phật.

Trong khi đạo Phật hưng thạnh thì đạo Bà-la-môn cũng không suy yếu hẳn. Trong phái Bà-la-môn, các tu sĩ toàn là người có thế lực đối với sự cai trị trong nước về đạo đức và về chánh trị. Họ không muốn để cho một đạo khác được bành trướng lên mạnh mẽ mà đánh đổ đạo của họ. Họ oán ghét đạo Phật đã làm giảm oai quyền của họ. Họ đã quen áp chế và bóc lột từ xưa, đâu có chịu từ bỏ quyền hạn, đâu có đồng ý rằng mọi người đều bình đẳng. Cho đến có nhiều vị vua vì sự giảm mất thế lực ấy mà hành phạt những người đạo Phật, làm khổ các tăng sĩ và đập phá chùa chiền, tháp miếu.

Nhờ chủ nghĩa bình đẳng mà ngày xưa đạo Phật được thạnh hành trên cõi Ấn Độ. Nhưng cũng bởi cái chủ nghĩa từ bi và bình đẳng ấy mà đạo Phật đã có thời bị tàn hủy đến nỗi không còn bao nhiêu dấu tích ở Ấn Độ.

Tuy vậy, cũng có ít nhà vua công bình. Dẫu họ theo về đạo Bà-la-môn, nhưng họ cũng kính chuộng đạo Phật và hàng tăng sĩ Phật giáo. Những người quen với đạo Bà la môn đều nghĩ rằng họ chẳng cần theo đạo Phật. Mà bởi Phật lo giải thóat cho các hạng chúng sanh, dầu hèn mạt, sa đọa tới đâu, ngài cũng không bỏ, nên đa số trong nước ưa đạo Phật hơn. Chẳng những lo độ cho một cõi Ấn Độ mà thôi, các sư lại còn đem đạo Phật truyền bá qua các nước khác nữa.

Phật pháp truyền sang các nước láng giềng, các vị vua chúa rất hoan nghênh. Bởi ảnh hưởng đạo Phật đối với các nước ngoài rất đẹp cho nên nhiều nhà sư ngoại quốc dốc lòng vượt qua bao nhiêu sự gian khổ mà vào Ấn Độ và Tây Tạng. Như năm 629, một nhà sư người Trung Quốc là Huyền Trang có đến Ấn Độ và Tây Tạng để khảo rõ đạo lý nhà Phật, và có viếng các nơi mà đức Phật tổ từng thuyết pháp với tín đồ. Ngày nay, đạo Phật ở các nước chiếm được một địa vị tôn trọng. Song ở Ấn Độ thì suy yếu đi nhiều, vì ở đó có đạo Bà-la-môn thay thế. Tuy vậy chớ chư tăng ở Ấn Độ hiện thời cũng có tu trì kỹ lưỡng như xưa, Giáo hội cũng còn nghiêm nghị. Cư sĩ vẫn còn trọng mộ chư tăng vì các ngài vẫn giữ gìn tịnh hạnh rất đúng đắn.

Ở chỗ đất phát nguyện, ở nơi Phật giáng thế, bao giờ cũng còn rất nhiều duyên lành của ngôi Tam bảo, thường hộ trợ cho những người tu hành. Nhất là có bốn nơi thánh tích đến giờ vẫn còn dấu vết từ bi, tịnh lạc của đức Thế Tôn: 1. Nơi Phật giáng thế, là vườn Lam-tỳ-ni, 2. Nơi Phật ngồi thiền mà thành đạo, là cội cây Bồ-đề. 3. Nơi Phật thuyết pháp lần đầu, tức là Chuyển pháp luân, gần thành Ba-la-nại, trong vườn Lộc, 4. Nơi Phật nhập Niết-bàn. Chư thiện nam tín nữ, chư vị tăng ni, ai có lòng thành mà viếng bốn chỗ thánh tích ấy thì cuộc tương lai về tinh thần sẽ được nhiều duyên lành hộ trợ.

Cõi Ấn Độ, nhất là xứ Ca-tỳ-la-vệ là chỗ trung tâm của thế giới. Phật chọn xứ ấy mà giáng thế. Đạo ngài phát ra nơi chỗ trung tâm, bắt từ đó mà lan truyền ra. Trước hết, đạo lan truyền ra khắp cõi Ấn Độ. Sau nữa, ngọn đuốc huệ ấy mới tỏ ra khắp cả hoàn cầu.

Cho nên hiện nay, chẳng những ở Ấn Độ, mà khắp cõi Á Đông và khắp năm châu trên thế giới, đâu đâu người ta cũng đều yêu mộ Phật và đạo lý của Phật. Và ở các nước Âu Mỹ, hoan nghênh đạo Phật nhất là những người thuộc hạng thượng lưu trí thức, các nhà học giả, các vị triết học, giáo sư. Hạng ấy vì chuộng giáo lý từ bi, thâm thúy, vô tư, tự tại, giải thoát của Phật nên sẵn lòng truyền rộng ra. Ấy cũng như trước kia ở cõi Ấn Độ và nơi cõi Á Đông, các nhà cao thượng, học sĩ trong nước đã yêu chuộng và truyền bá đạo Phật ra với chúng dân vậy.

Cái đạo từ bi, bình đẳng, hỷ xả ấy, cái đạo có nền phong hóa thuần lạc ấy, cái đạo có nền triết học và siêu hình học cao thâm với biết bao Kinh điển ấy, một bề thì tràn lan ra khắp hoàn cầu, một bề còn giữ qui cũ nới chốn bổn thổ.

Ở Ấn Độ, vẫn còn những nhà đại đức, trưởng lão tu hành chứng quả, tiếp trợ chúng sanh. Lại gần đó, ở xứ Tây Tạng, đạo Phật cải cách ra Lạt-ma giáo, là đạo chung của dân chúng và vua quan, có hiến pháp đúng đắn, có cuộc sắp đặt hoàn chỉnh, và từng giúp các sự nhiêu ích cho chúng sanh. Chính nơi Tây Tạng, có nhiều vị sư được thọ giữ cái bí truyền, rất được cư sĩ bổn đạo kính vì.


2. Đạo Phật ở Tây Tạng



Ở phía trên cõi Ấn Độ, xứ Tây Tạng ném về khoảng giữa cõi Á Châu.

Ở đó, nhân dân đều tu hành hết, kẻ giữ hạnh cư sĩ tại gia, người trì giới nhà sư xuất gia. Từ vua tới quan, cho đến dân chúng, ai ai cũng đều thọ trì Phật Pháp, qui y Tam bảo. Ấy là xứ mà đạo Phật được chỉnh đốn một cách đặc biệt. Ai nấy đều nhờ Pháp Phật mà che chở cho nhau về phần tinh thần, họ cũng nương đạo Phật đặng giúp cho họ về đường chánh trị nữa.

Từ khi đạo Phật bớt thịnh ở Ấn Độ, ánh sáng ngọn đuốc từ bi trí huệ soi dồn lên phía Tây Tạng. Ở đó, kinh thành Lạp-tát có nhiều chùa to lớn hơn hết trong cõi Á Đông. Một vài nhà chùa trong xứ có cả muôn tăng sĩ. Trong chùa có đủ lương thực, có đủ lương y, đốc học, giáo sư, quy củ rất nghiêm ngặt, toàn diện. Tuy lo về đạo đức, nhưng ở Tây Tạng các vị tu sĩ cũng dự vào cuộc chánh trị nước nhà. Cho đến ngôi vua cũng thuộc về một nhà sư chấp chưởng, mà người ta coi như một vị Phật giáng thế, dân chúng gọi là Phật sống. Tuy vua lo cuộc trị quốc, chớ mỗi khi có việc trọng hệ, ngài thường bàn luận với các vị cao tăng. Lại ở các tỉnh, các quan trấn cũng là tăng sĩ. Trong xứ, tăng sĩ là hạng người có học thức rộng, có chức nghiệp lớn, có ảnh hưởng to lớn đối với trật tự nước nhà...

Hồi tưởng lại khi cõi Ấn Độ được thịnh hành về Phật Pháp, thì Tây Tạng vẫn còn lôi thôi lắm. Hồi Ấn Độ nhờ văn minh nhà Phật mà được vẻ vang, thì bên Tây Tạng, dân chúng chưa có tôn giáo đàng hoàng. Người ta còn kính trọng, sùng mộ chư thần. Dầu là hung thần, ác quỷ, bá tánh cũng không bỏ qua, họ thường vái van, cầu khẩn. Dân còn mê tín dị đoan lắm. Trình độ vẫn thấp kém. Bấy giờ, Tây Tạng là một nước phụ thuộc của Trung Hoa, mỗi kỳ phải nạp cống bằng thiếc và vàng, bạc, vì người Tây Tạng có tài khai mỏ kim khí.

Bởi phong tục và tín ngưỡng của họ còn mơ hồ, cho nên khi có những nhà truyền giáo đưa đạo Phật vào với học thuyết phân minh, đúng đắn, thì dân chúng hâm mộ biết chừng nào!

Đạo Phật vào nước Tây Tạng một cách may mắn và dễ dàng. Sử Tây Tạng còn ghi rằng 137 năm trước Dương lịch, có một lần Phật giáo sắp truyền bá vào, nhưng dân chúng còn lạt lẽo thờ ơ. Bấy giờ mới cất xong một cảnh chùa. Song người ta chưa hiểu, chưa mộ và họ chưa dứt với phong tục mê tín, nên công cuộc không thành. Kế đến, khoảng năm 371, có ít nhà truyền giáo lại vào Tây Tạng. Mấy ông này định điều chỉnh giáo lý lại cho thích hợp với nhân dân, và làm cho vua hoan nghinh giáo lý từ bi hỷ xả. Lần này cũng chưa mấy kết quả. Hạng bình dân cũng chưa theo đạo bao nhiêu. Rồi đến khoảng thế kỷ thứ 7, vua Tây Tạng là Song Tán rất chuộng Phật pháp. Ngài phái sứ sang Ấn Độ khảo sát Phật học, thỉnh kinh và rước cao tăng về nước mà giảng Phật pháp và dịch kinh chữ Phạn ra chữ Tây Tạng. Người ta nói rằng nhà vua nằm chiêm bao thấy Bồ-tát Quán Thế Âm hiện ra nhắc nhở tiền căn phước đức của vua, nên vua dốc lòng theo đạo và truyền bá ra. Vua có hai bà vợ: một bà người Nê-bạc-nhĩ, là công chúa Bạch Ly, và một bà người Trung Quốc, là công chúa Văn Thánh của vua Đường Thái Tôn. Hai bà rất ham mộ Phật pháp. Về sau, vua và hai bà hoàng hậu đều được các chùa bên Tây Tạng thờ phụng để kỷ niệm công đức ủng hộ ngôi Tam bảo. Nhờ vào lúc này, đạo Phật thịnh ở Tây Tạng với nhiều nhà hành đạo nghiêm túc. Kế đến thế kỷ thứ 8, vua Ngật-túc Song Đề-tán có rước về Tây Tạng hai nhà cao tăng Ấn Độ là Santa Rakshita và Padma-Sambhava. Hai vị này là bậc đắc đạo, vừa có tài biện luận, truyền dạy đạo lý, vừa có phép biến hóa cao siêu, làm cho dân chúng và các nhà sư thủ cựu rất kính mộ. Hai ngài truyền bá đạo Phật rất mạnh mẽ. Bấy giờ, Tây Tạng hoàn toàn thấm nhuần văn minh nhà Phật, nên học thuật và đạo lý trong nước được mở mang thêm ra.

Trong khi nước Tây Tạng được tiến bộ nhờ ảnh hưởng đạo Phật, nhưng cũng có một số nhà sư lợi dụng lòng mê tín của dân mà bày ra nhiều lối dị đoan. Sự dung hòa thái quá lắm khi cũng có hại. Những thói dị đoan về lâu thành lệ thì sanh ra sự hèn yếu chung. Nên thỉnh thoảng có một hai nhà sư dõng mãnh đứng ra hô hào cải cách.

Vào thế kỷ 14, một nhà sư đứng ra cải cách đạo Phật. Ngài tên là Tông Cáp-ba, quê ở tỉnh Am Đô, miền Bắc Tây Tạng, giáp ranh với nước Trung Hoa. Thấy tình hình nhà Phật tiêm nhiễm lắm sự mê muội dị đoan, thành ra mờ ám, ngài tự mình suy xét, chỉnh đốn, quyết ra tay dắt dẫn kẻ tăng người tục. Bấy giờ dân chúng thấy ngài đạt được nhiều điều hiển hách anh linh, thấy ngài có tư tưởng cao siêu, nên rủ nhau cải cách đạo Phật theo tư tưởng của ngài. Người Tây Tạng và người Mông Cổ đều nói rằng ngài là đức Thích-ca tái thế đặng gầy dựng lại nền đạo ở Tây Tạng. Cho đến nay, nói về đạo Phật ở Tây Tạng, người ta còn truyền tụng câu này: “Tiền Thích-ca, hậu Tông Cáp-ba.”

Khi mới xuất gia, ngài có học đạo ở mấy ngôi chùa lớn và có danh ở Sakya, Brikhung và Lhassa. Ngài thấy lối hành đạo đương thời trái với chân lý. Ngài nhất định đánh phá những lối mê tín, dị đoan. Ngài khuyên kẻ tu thiền ăn ở trong sạch, giữ giới hạnh và tránh việc lập gia đình. Ngài kích bác những việc thờ phụng ma quỷ và tế lễ chư thần, không cho bày bố những điều tà mỵ thấp hèn. Người ta nghe theo. Đệ tử của ngài rất nhiều, cùng nhau bèn dùng áo và mão sắc vàng, đặng cho phân biệt với phái thủ cựu dùng áo mão sắc đỏ.

Sự cải cách của ngài có hiệu quả vững bền. Cho đến nay, ở Tây tạng vẫn còn hai phái tăng sĩ: Hoàng giáo là phái chánh thống, thầy tu xuất gia ở những ngôi chùa lớn, và Hồng giáo là phái thầy tu có vợ, ở những nơi vắng vẻ mà luyện phép.

Đức Tsong-Khapa phải mạnh dạn mà hoạt động lắm mới được. Vì đã mấy trăm năm, con người rất mềm mại, mê ám. Nhà sư thì đồ theo hủ tục, chuyên chú về bùa phép, thư ếm, kêu ma, trừ tà. Còn cư sĩ thì kém học, lạc lầm, tham lam, bạc nhược. Hết dùng sức hùng hồn của lời nói, ngài dùng đến sự huyền bí thần thông để thâu phục nhân tâm. Người ta theo ngài càng ngày càng đông. Sự trật tự nơi nhà chùa, sự tu trì thanh tịnh, sự ăn chay giữ giới và theo hạnh kiểm Tăng-già như hồi đời đức Phật đều được duy trì trở lại.

Tiếng tăm đức Tsong-Khapa bay khắp nơi, trong cõi Trung Á. Lắm nhà danh sư các nơi và các nước gần đến thọ giáo với ngài. Qua năm 1409, ngài lập ở Lhassa một cảnh chùa to lớn là chùa Gandan. Đệ tử càng đông, ngài phải cất thêm hai ngôi chùa nữa ở Drépung và Séra. Lúc ngài nhập Niết-bàn, ba ngôi chùa ấy tính chung có đến 30 ngàn tăng sĩ. Trước khi đức Tsong-Khapa chấn chỉnh nền đạo ở Tây Tạng, người ta vẫn tu theo Đại thừa, thờ chư Phật, Bồ-tát và A-la-hán, nhưng họ cũng thờ xen vào rất nhiều chư thần bổn xứ với các vị hung thần ác quỷ nữa. Trước khi ấy, họ còn tin tưởng ma quỷ hoang đàng, các sư còn theo những việc đồng cốt, mê tín.

Trước kia, hồi thế kỷ thứ 8, vua Khri Srong đã cùng các vị cao tăng tổ chức lại trật tự nơi chùa chiền rồi. Nương theo phép tổ chức hội Tăng-già ở Ấn Độ, nhà vua chia các sư theo hạng khác nhau tùy theo đạo lý cao thấp. Mỗi chùa trên có một vị sư trưởng. Chùa tự do với vị sư trưởng, sư nào có quyền chùa nấy. Nhưng lần lần tăng chúng làm sai lạc đạo lý của đức Phật. Họ không còn giữ mình cho trong sạch, họ cứ bận bịu với cuộc sống vợ con. Họ không chịu dứt bỏ cái nghèo, cứ tranh nhau mà gom góp của cải. Họ ít tham thiền, tưởng đạo. Mà trong Phật pháp, nhờ tham thiền con người mới được thông minh, giải thoát. Đã đem thân gởi vào cửa Không, lắm người còn ham chải chuốt, se sua. Những kỳ cúng Phật là những dịp xa xí vui chơi, hát xướng tưng bừng. Lại còn một điều tệ nữa là thay vì để tâm vào đạo, họ chuyên về phù phép, ếm quỷ, trừ tà, vẽ bùa, xem vận mạng, đoán thiên cơ. Họ dùng trăm ngàn chước mà làm mê muội lòng người đặng thiên hạ kính sợ, cầu khẩn mà cúng dường.

Việc cải cách của đức Tsong-Khapa là đánh đổ những điều tồi tệ ấy. Ngài giảm đi được khá nhiều và trong một khoảng thời gian cũng khá dài. Thật tốt đẹp cho Giáo hội Tăng-già lắm.

Sự cải cách của ngài đến nay cũng còn ảnh hưởng. Trật tự và đạo hạnh, ngôi thứ trong chùa nhờ ngài mà được bảo tồn. Ngài sanh tiền trụ trì chùa Gandan, là một ngôi chùa lớn hơn hết trong nước. Và ngài cũng là một nhà sư cao quý hơn hết. Ngài nhập Niết-bàn sau khi chọn xong người đồ đệ xứng đáng hơn hết, cai quản chùa chiền và chư tăng. Ngài truyền cho đệ tử kế nghiệp ngài, đức Gedung¬rub-pa, phải nắm giữ giềng mối nền đạo mà ngài đã chấn chỉnh lại và đặt tên là Lạt-ma giáo. Theo Lạt-ma giáo, nhà vua là đức Đạt-lai Lạt-ma là người đức độ trên hết. Công đức nhà vua vô cùng, vô tận, rộng lớn như biển cả. Vừa cầm quyền cai trị dân chúng, vừa trông nom nền đạo đức. Đạt-lai Lạt-ma được bá tánh tôn trọng và xem như đức Phật sống vậy. Ngôi vua bên Tây Tạng không còn truyền nối cho ai, vì vua là một đức Phật sống, một bậc cao tăng giữ tịnh hạnh. Mỗi khi vua gần thăng hà, ngài cho biết trước rằng ngài sẽ đầu thai vào nhà nào. Rồi sau khi vua băng, hội Lạt-ma bèn đi thỉnh ấu chúa về và giao quyền thiên tử cho. Đức Phật sống tái sanh phải trưng ra đủ bằng cớ chứng minh rằng mình là hậu thân của đức vua trước. Ban hội đồng các sư, sau nhiều cuộc thử xét, mới công nhận mà tôn ngài lên ngôi.

Đức Đạt-lai Lạt-ma là người tài đức song toàn. Người trong xứ bảo rằng ngài là đức Quán Thế Âm tái thế, vì đức Quán Thế Âm lãnh phần hộ trợ xứ Tây Tạng và đạo Phật ở đó.

Hiện nay, ngài chưởng quản Lạt-ma giáo tức Phật giáo và ngự tại điện Potala nơi thành Lhassa, một cách nghiêm từ, vinh diệu. Dưới đức Đạt-lai Lạt-ma một bậc, có đức Ban-thiền Lạt-ma mà người ta cũng gọi là Phật sống. Người bổn xứ tin rằng đức Ban-thiền Lạt-ma cũng là một vị Bồ-tát giáng thế để hộ trợ Pháp Phật: ấy là đức Văn-thù. Cũng có nhiều người nói rằng ngài là hóa thân của đức Phật A-di-đà. Đức Ban-thiền tiếp sức với đức Đạt-lai mà giữ gìn đạo Phật, trông nom chùa chiền, cai quản các sư. Ngài thường ngự tại điện Trashi-Lumpo ở thành Shigatsé.

Ở dưới hai ngài, quan chức các nơi, trong triều ngoài quận, cũng đều là các nhà sư tuyển ra.

Nội xứ Tây Tạng, quan chức và các sư đều là người đạo Phật, và trong nước chẳng ai là không mộ đạo. Nhờ vậy mà họ khéo đùm bọc lấy nhau, giữ gìn lấy nhau, làm cho ảnh hưởng của văn minh vật chất chẳng vào đặng. Nhờ vậy mà xứ Tây tạng trở nên một xứ hoàn toàn về đạo Phật.


2. Đạo Phật ở Trung Quốc



Đương hồi đạo Phật thịnh hành ở Ấn Độ, chính là vào đời vua A-dục, vài trăm năm trước Dương lịch, mấy nhà truyền bá tư tưởng đã cùng nhau đi truyền đạo ra ngoài rồi. Với lý tưởng cứu nhân độ thế, dầu có gặp phải bao nhiêu sự hiểm nguy, dầu có hy sinh tánh mạng, người tu đâu có lo ngại chút nào, nhất là các nhà từ bi của đạo Phật.

Mấy nhà truyền giáo bắt đầu vào Trung Quốc trên hai trăm năm trước Dương lịch. Trung Quốc dẫu gần với Ấn Độ, nhưng từ xứ của đức Thích Tôn mà sang kinh thành, trung tâm của quê hương Lão Tử với Khổng Tử thì đường xá rất xa xôi, nhọc nhằn. Trừ ra có lịnh vua phái đi với sứ đoàn thì không kể, chớ tự mình mà đi thì rất nhiều nguy hiểm.

Có người nói rằng, nếu thành tâm truyền đạo thì họa may còn đi được, chứ những người kém đức ra đi chưa bao xa đã bị ác thú hoặc cường đồ giết chết, hay là sa hầm hố, bị lạc nơi đồng khô, nơi bãi sa mạc mà bỏ mạng trên đường. Về sau, bên Trung Quốc sang Ấn Độ cũng thế, ngoài ra những vị từ bi đạo đức như thầy Huyền Trang với một ít người nữa thì không ai qua Tây Thiên để thỉnh kinh viếng Phật được.

Mấy nhà truyền giáo Ấn Độ thừa hiểu rằng người Trung Quốc cũng văn minh như mình, cũng có nền đạo đức và học thuật cao, cũng có lắm nhà triết học tài ba lỗi lạc. Các ngài biết về tinh thần thì nước Trung Quốc đáng phục, mà về vật chất là một nước giàu có, canh nông, thương mãi và công nghệ đều hoàn mỹ. Tuy vậy, nước Trung Quốc chưa hưởng được văn minh và đạo lý nhà Phật. Các ngài bèn nhất định qua đó để khai tỏ ánh sáng đạo lý, truyền bá giáo lý từ bi và cứu vớt sanh linh khỏi nơi khổ hải.

Vì sự cao thượng ấy mà các ngài đi truyền đạo. Vì muốn đem đuốc từ bi soi sáng cho loài người, cho nên các ngài chẳng quản sự nguy hiểm trên đường, quyết liều mình để truyền đạo lý của Phật tổ.

Nhưng kỳ ấy sự việc chưa thành tựu, dường như các ngài bị môn đồ của Lão giáo và Nho giáo kích bác dữ dội lắm. Các ngài khuyên được nhiều người vào đạo. Nhưng bọn kia quyết đánh đổ thẳng tay, họ tâu với vua rằng đạo Thích truyền bá qua Trung Quốc sẽ làm rối cuộc trị an. Bấy giờ Lão giáo, và Nho giáo đang mạnh mẽ lắm, có thế lực lắm. Nhà nước phải nghe theo họ, hành phạt và đánh giết những nhà sư với những tín đồ theo đạo Phật. Cùng nhau không dám ở nơi đô hội, các ngài đành ẩn núp nơi thôn dã với tín đồ.

Vì chủ nghĩa cứu thế, nhà truyền giáo không chán ngán chút nào. Mấy phen bị chánh phủ Trung Quốc bạc đãi, hành hạ, nhưng các ngài cứ tiếp tục tìm qua. Bảy mươi lăm năm trước thế kỷ đầu, nhà đại đức Đạt-ma ra-sa với 18 vị A-la-hán kéo nhau vào Trung Quốc, và được chánh phủ cho phép truyền bá đạo lành. Lần này kết quả tốt hơn, thiện nam tín nữ theo vào ngày một thêm đông. Nhưng nhà sư đạo Phật là hạng người không la lối, không rủ ren tưng bừng, cho nên tín đồ dẫu đông mà vẫn yên lặng, trầm tỉnh.

Mãi đến ngoài một trăm năm sau, đạo Phật mới được chánh phủ hoan nghinh và công nhận là chánh đạo, đáng truyền bá ở Trung Quốc. Ấy là vào đời vua Minh Đế. Nhà vua rất mộ đạo, cho các nhà sư tự do đi giảng đạo cho dân chúng. Sách vở của Trung Quốc còn chép rằng đạo lý nhà Phật được công nhận ở nước Trung Quốc là nhờ vua nằm chiêm bao thấy điềm mộng linh thiêng. Một đêm kia, vua thấy một đấng cao lớn khác phàm, sáng rỡ với sắc vàng, hào quang chói rạng ngời. Vị thần nhân ấy bảo vua phái sứ qua Tây Thiên thỉnh kinh học đạo đặng đem về mà truyền cho chúng dân. Ngài lại hứa rằng sẽ làm cho nước Trung Quốc được vinh quang, thịnh phát. Sáng lại, vua đem điềm ấy bàn với trào thần.

Có một ông hoàng mộ đạo Phật và thọ trì đã lâu. Thừa dịp ấy, ông hoàng bèn tâu với vua nên phái sứ qua Ấn Độ thỉnh kinh và tượng Phật. Vua nghe tâu thuận ý, bèn phái sứ qua Tây Thiên. Năm 75, vào thế kỷ đầu, Kinh và Tượng Phật được đem về nước. Từ đây, Phật giáo được trọng như Khổng giáo và Lão giáo: trong nước, người ta thờ Tam giáo.

Nhà vua mộ đạo, nên thỉnh các nhà sư có tiếng đến dịch kinh tiếng Phạn ra tiếng Trung Quốc. Nhờ cơ hội này, đạo Phật mới thịnh hành ở Trung Quốc, thịnh luôn đến ngày nay. Sau khi đó, mấy nhà sư danh tiếng bèn nhất định qua Tây Thiên mà thỉnh kinh Phật. Cuối thế kỷ thứ tư, có thầy Pháp Hiển qua tìm đạo và thỉnh về trọn tạng Luật. Khoảng đầu thế kỷ thứ sáu, thầy Tống Vân cũng qua được Tây Thiên và trở về truyền đạo. Một trăm năm sau, nhằm thế kỷ thứ bảy, một nhà sư có đức lớn là ngài Huyền Trang cũng qua Tây Thiên. Ngài Huyền Trang có viếng các chùa có danh, học hỏi với các vị cao tăng danh tiếng, và đem về nước đến 700 pho kinh. Tự tay ngài dịch được 650 pho, và ngài có thề không dám dịch sai. Trước khi dịch, ngài Huyền Trang có nguyện rằng: “Dịch kinh là việc khó nhất, người kém đạo đức không mong dịch được. Ta quyết dịch không dám bỏ sót nghĩa. Nếu phạm vào tội ấy, xin cho lúc chết thì lưỡi thối liền.” Đến sau ngài thác, người ta vạch lưỡi, thấy đỏ tợ hoa sen. Từ đó cho đến thế kỷ 13, đạo Phật ở Trung Quốc thịnh hành lắm. Nhưng về sau, tăng chúng lơi lỏng dần đi, ít sốt sắng về đạo, và lại tin nhiều sự dị đoan.

Qua cuối thế kỷ 15, Phật Pháp thịnh lại, nhờ có mấy vị sư Lạt-ma bên Tây Tạng qua ở tại Bắc Kinh. Các ngài bèn sắp đặt lại và bỏ bớt những việc mê tín thấp hèn.

Đạo Phật ở nước Trung Quốc cũng như ở Tây Tạng, thuộc về Đại thừa. Trong chùa, muốn cho dung hòa, các sư vừa thờ chư Phật Thánh Đại thừa, vừa thờ chư thần bên đạo Lão và đạo Khổng. Tăng chúng và bổn đạo thường thờ và cầu nguyện với Phật A-di-đà, Phật Thích-ca, Phật Di Lặc. Và mọi người rất thành tâm mà vái chư Bồ-tát, cầu cho các ngài hộ trợ mình, thí dụ như cầu Quán Thế Âm Bồ-tát, Văn Thù Bồ-tát, Đại Thế Chí Bồ-tát, Địa Tạng Bồ-tát v.v...

Ngày nay, ở nước Trung Quốc, tuy có nhiều sư thất học và dị đoan, nhưng cũng còn một số tăng đồ đúng đắn, hằng giữ gìn giới luật. Ở tại những tỉnh thành lớn, chư tăng đại đức vẫn còn tế độ chúng sanh rất hiệu quả. Nhất là ở Bắc Kinh, các vị đại sư đều giỏi chữ Phạn và rất giỏi về đạo lý.

Xứ Trung Quốc, nơi mà các sư bên Ấn Độ qua truyền đạo, nơi mà chư đại đức Lạt-ma thường lui tới để khyến tu, nơi mà tổ Đạt-ma qua mở đạo Thiền, và nơi có những nhà sư đại căn dám chịu nhọc nhằn qua tận Tây Thiên Trúc, nơi ấy bao giờ cũng vẫn còn các vị chân tu, các sư đắc đạo, các cư sĩ cao vời.

Lại mới rồi, ở Trung Quốc có ông Thái Hư Pháp sư, một vị hòa thượng tài ba, trải qua các nước Âu Châu mà truyền rộng pháp Phật. Ở Trung Quốc, từng có chư Bồ-tát và hiền nhân thánh chúng giáng thế mà truyền bá và mở mang đạo Phật, lập ra các Tông để cho vừa với căn trí, sức tu của các hạng người. Ở Trung Quốc, từng có các vị quốc trưởng và đại thần thường lấy pháp danh, pháp hiệu, thọ trì Tam bảo và lo cho bá tánh về phần đạo đức, tinh thần.

Nước ấy tuy chịu nhiều sự biến động trong thời cận đại, tuy trải qua nhiều năm truân chuyên, chớ tinh thần đạo Phật ở đó vẫn còn sung túc, mạnh mẽ hơn nhiều nước ở Á Đông.


4. Đạo Phật ở Tích Lan, Thái Lan, Lào và Miến Điện.



Mấy xứ Tích Lan, Thái Lan, Lào, Miến Điện đều theo đạo Phật Tiểu thừa, hay là đạo Phật miền Nam. Mấy xứ này đều tu trì có hạnh, giữ giới đạo lành; nhất là ở đảo Tích Lan, các sư hành đạo chín chắn hơn hết. Kinh Phật chép rằng về đời vua A-dục, đạo Phật ở Ấn Độ đã truyền qua Tích Lan rồi. Hoàng tử con vua A-dục là Mahendra làm trưởng đoàn trong các sư sang truyền đạo Phật ở Tích Lan. Ngài có đem xuống đảo một cành Bồ-đề. Ấy là dấu tích, bằng cớ của đức Phật tổ hồi ngài thành đạo, chính ngài ngồi đại định dưới cây Bồ-đề. Hoàng tử cũng có đem xuống Ba tạng kinh điển, rồi mới thỉnh mấy nhà sư có danh đến mà dịch ra tiếng bản xứ.

Đạo lý nhà Phật ở Tích Lan không phải như ở các nước Viễn Đông. Nguồn đạo không chế cải, sự hành đạo không phiền tạp. Xứ này còn giữ qui cũ đúng đắn lắm. Nền trật tự của Tăng-già vẫn còn như hồi Phật Thích-ca. Người ta không bày vẻ ra thêm sự phiền phức. Tăng-già còn giữ theo lệ xưa, không ham phú quí, ngồi trong lều cỏ mà tưởng đạo, đọc kinh, và dâng hoa hương cúng dường đức Phật. Các ngài giữ theo lý tưởng từ bi độ thế, dạy cho hết thảy mọi người chung quanh. Các ngài trì giới hạnh rất kỹ và hội họp một tháng hai kỳ để nghe đọc Giới bổn và sám hối. Các ngài thờ phụng chỉ một mình đức Phật Thích-ca mà thôi. Tuy vậy, các ngài cũng tưởng niệm và thờ phụng đức Phật đương lai là Di Lặc nữa. Trong chùa, rất hạn chế sự cúng tế lăng xăng. Các sư tự biết mình là bậc tỳ-kheo trong sạch, không màng tranh chức phận ngôi thứ. Chư tăng đều đồng đẳng cấp với nhau, không ai chê ai. Các ngài tôn trọng người được tăng chúng tôn làm thượng tọa và kính nể những người có tuổi tác, đạo hạnh.

Ở Tích Lan, chư Tăng không có sự lẫn lộn giữa chư Phật với các vị thánh thần.

Nhưng trong tín ngưỡng dân gian, người ta thờ một ít vị quỷ thần đặng ủng hộ cho gia đình, như họ thờ thần cọp, thần rồng, thần giặc, thần núi v.v... Họ xem chư thần ấy cũng thuộc về đạo Phật.

Các sư biết việc ấy là sai lệch, dị đoan. Song cũng chẳng thể cản trở họ được, các ngài để cho họ tự do mà tin tưởng, miễn họ mộ Phật, trọng Phật, kính Phật và coi Phật cao hơn chư thần thì được.

Ở Thái Lan, Lào và Miến Điện, người ta cũng theo đạo Phật Tiểu thừa. Ở mấy xứ này, nền nếp cũng còn giữ như ở Tích lan. Đạo Phật truyền sang mấy xứ này cũng một lượt với ở Tích Lan, chính là vào đời vua A-dục, nhà vua có danh nhất về sự truyền bá đạo Phật. Ban đầu cũng chưa mấy thịnh. Đến thế kỷ thứ năm, có Đại đức Buddha-Gosha vào các nước Lào và Miến Điện, dịch kinh chữ Tích Lan ra chữ Pli cho đại chúng trong miền. Từ đó, đạo Phật mới tràn lan ra các nơi.

Ở Lào và ở Miến Điện, người ta tu học Phật cũng chính đáng, nghiêm trang lắm, không kém gì ở đảo Tích Lan bao nhiêu. Nhưng có điều khác hơn một chút là người ta cũng thờ quỷ thần, kiêng sợ yêu quái, tinh ma. Người ta mời mọc, nhờ cậy, cúng tế bọn ấy. Dân gian rất sợ tà ma, âm hồn. Cũng có một ít vị sư tu luyện lệch lạc theo lối kêu ma, hú quỷ và sai khiến âm hồn.

Ở Lào, Thái Lan và Miến Điện, phẩm vị của chư tăng trong nhà chùa có khác hơn ở đảo Tích Lan chút ít. Tăng chúng chia nhau từng hạng để giữ gìn, bảo trợ nhau. Bắt từ dưới kể lên rất nhiều chức phận. Nào là người mới vào tu, sa-di, nào là nhà sư, tỳ-kheo, nào là sư chủ chùa trong làng, nào là sư chủ chùa trong quận, nào là sư chủ chùa trong tỉnh, nào là sư chủ chùa trong nước tức là vị Tăng thống.

Có một ít vị đi ẩn cư trên rừng núi, nhưng lâu lâu lại về chùa mà bày tỏ đạo hạnh và tư tưởng của mình. Cũng có năm bảy vị tăng được tự do ở ngoài, người thì lập am tự riêng, người thì làm thầy giáo dạy trẻ em trong xóm làng.

Thường thường việc học thức của trẻ em đều giao phó cho nhà chùa. Trẻ em được vào chùa từ lúc tám tuổi, vừa học văn hóa, vừa tụng niệm, vừa dâng hương hoa cúng Phật. Có nhiều chùa nghiễm nhiên là những trường trung học. Hạng thiếu niên khi ra ngoài, thành người có học lực vững vàng và có đạo đức. Ở Lào và Thái Lan có phong tục lâu đời là cha mẹ phải giao con cho nhà chùa dạy dỗ một thời gian. Đứa con được mặc áo nhà chùa trong một thời kỳ ít nhất là ba tháng, và kéo dài từ mười lăm đến hai mươi năm. Tuy cha mẹ phải cho con vào chùa, làm sa-di, nhưng đó là sự tu tạm, học đạo lý và cầu âm đức cho cha mẹ. Cho nên hết kỳ hạn thì những thiếu niên ấy tự do ra về mà cưới vợ và làm ăn. Cũng có người tình nguyện ở tu luôn nơi chùa. Sau khi được hai mươi tuổi, thì Giáo hội xét lại và nhận cho vào hàng tỳ-kheo, làm tăng sĩ chính thức. Bấy giờ vị tỳ-kheo chuyên cần học đạo, trau dồi đức hạnh, tham thiền nhập định, tâm trí ngày càng vươn đến bến bờ giải thoát, an lạc.


5. Đạo Phật ở Nhật Bản



Nước Nhật hoan nghênh đạo Phật không mấy sớm. Vì ở xa nên phải nhờ ảnh hưởng gián tiếp thông qua Trung Quốc. Sử ghi rằng đạo Phật truyền qua nước Nhật vào thế kỷ thứ sáu, vua Trung Quốc phái sứ đem kinh và tượng Phật qua. Ban đầu, tăng đồ bị bạc đãi. Phái Thần giáo phần đông là quan chức và nhà quí tộc, họ kích bác dữ dội, làm cho đạo Phật không được lan rộng. Mãi đến thế kỷ thứ chín, Phật pháp mới phát triển ở nước Nhật và được chánh phủ công nhận.

Hồi đời phong kiến, tăng đoàn bên Nhật có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với tình hình trong nước. Hồi ấy, có một bọn sứ quân ỷ quyền thế, hay thừa dịp mà phế vua này đặng tôn kẻ khác cho được phần lợi về họ. Rồi muốn tránh hậu hoạn, họ bèn đưa vị vua đã phế vào chùa, bắt phải xuống tóc và theo đạo từ bi. Tăng đoàn bấy giờ cũng rất cứng cỏi. Họ cũng làm quốc sư, cũng dự vào việc nước, có khi cũng đem binh đánh mấy vị sứ quân áp chế đặng trợ tiếp nhà vua đồng đạo bị đoạt ngôi. Họ kéo đến vây thành bọn sứ quân, đánh mãnh liệt với bọn kia, cho đến đạt được ý định. Cũng nhờ các nhà Tăng ra sức ủng hộ mà trong thế kỷ 13, Thiên hoàng Gô-đai-gô được trở lên ngôi báu mà cai trị nước Nhật.

Kế qua thế kỷ 16, nhà vua theo về phái Thần đạo, bọn sứ quân không thích, muốn phế vua đi. Họ bèn đi bàn tính với các vị tăng sĩ, trọng đãi chư tăng và hứa sẽ ủng hộ tăng đoàn. Các bậc đại thần, đại tướng đều qui y theo đạo Phật. Lần này, họ nhờ chư tăng tán thành mà được việc. Lúc bấy giờ, đạo Phật ở nước Nhật thịnh hành và mạnh mẽ đến cực điểm.

Nước Nhật ban sơ noi theo nước Trung Quốc mà theo đạo Phật, cho nên Phật giáo bên Nhật rất giống với Phật giáo bên Trung Quốc. Nhưng có vài chỗ nho nhỏ chẳng đồng. Tăng chúng bên Nhật tuy trọng đạo Phật mà không bỏ chủ nghĩa quốc gia. Họ vừa tin Phật, vừa yêu non sông, chủng tộc. Lại bên Nhật, số người niệm đức A-di-đà, theo tông Tịnh độ rất đông, họ tin cậy vào sức cứu vớt của Phật A-di-đà. Và cũng đồng một đạo, mà tăng sĩ bên Trung Quốc nhiều người dị đoan mê tín, thường xu hướng về bùa chú, phép thuật để trục lợi. Còn bên Nhật, chư tăng chẳng tán thành những việc ấy, cho rằng nó làm giảm đi thanh danh của đạo pháp. Lại còn một chỗ khác hơn bên Trung Quốc, là thay vì chịu thất học như nhiều ông sư Trung Quốc, người Nhật vừa lo đạo đức vừa khảo về học thuật, văn chương và nhất là chuộng việc tìm hiểu cho thông kinh kệ. Mỗi vị sư đều thấu đáo tông phái của mình, lại còn thông rõ các tông phái khác trong nước.

Đạo Phật ở nước Nhật vừa cũ vừa mới chia ra mười hai tông:

1. Câu-xá tông với bộ luận A-tỳ-đạt-ma Câu-xá,

2. Thành thật tông với bộ luận Thành thật,

3. Luật tông với bộ luật Tứ phần,

4. Pháp tướng tông với bộ luận Duy thức,

5. Tam luận tông với ba bộ Luận,

6. Hoa nghiêm tông với bộ kinh Hoa nghiêm,

7. Thiên Thai tông với bộ kinh Pháp hoa,

8. Chân ngôn tông với bộ kinh Kim cang,

9. Thiền tông với bộ Thiền tông trứ thuật,

10. Pháp hoa tông với bộ Pháp Hoa của Bồ-tát Nhật Liên,

11. Tịnh độ tông với mấy bộ kinh về đức Phật A-di-đà,

12. Chân Tông với bộ kinh chỉ cách tu đốn triệt của Giáo tổ Chân Loan.

Các sư rộng học Kinh Kệ mà cũng không bỏ sự thờ cúng chư Phật. Sự cúng Phật bên Nhật thật lấy làm rình rang lắm. Cuộc bài trí rất to lớn, nghiêm trang, trông vào biết là một dân tộc rất kính trọng Chánh pháp và thành tâm với đạo.

Những lúc ấy, trong chùa sắp đặt rất chỉnh tề, đồ đạc có hàng ngũ; các bàn thờ, các tượng Phật chưng dọn như thật ở cảnh Bồ-đề, trông vào lấy làm khiếp nể. Còn chùa thì to lớn, kiểu lối khéo xảo, cách chạm trỗ tài tình. Trước chùa, bồn kiểng và hoa cỏ xem rất mỹ quan, có người săn sóc kỹ càng và uốn sửa ra các thứ hình đẹp. Cảnh chùa trông ra tráng lệ vô cùng. Còn chung quanh là những cụm cây với những am nho nhỏ chói đỏ, thếp vàng; gần đó là tịnh thất của từng vị tăng.

Bên Nhật, người ta khéo sắp đặt làm cho đạo đức thêm thuần thục. Chúng sanh nhờ được vui mắt mà khoái lạc về tinh thần.

Mấy chùa lớn có một vị sư trưởng với một Giáo hội nhiều sư có chức phận, nhiều vị tỳ-kheo và sa-di. Chùa càng lớn, tăng chúng càng đông. Mỗi chùa đều có nhà trường dạy đạo. Chùa nhỏ, chùa làng thì có vài ba vị tăng. Các sư không ở chung với nhân dân, cũng không tự ở riêng, đều ở tại chùa. Mỗi khi có các cuộc lễ thì nhân dân đến chùa nhờ nhà sư đọc kinh kệ, tụng sám hối, hoặc cầu phúc, hoặc tế tự cầu siêu. Mấy nhà chùa lớn đều có huê lợi bằng ruộng vườn để cúng Phật và sửa chùa, cư gia bá tánh cũng tùy hỷ mà cúng vào ít nhiều. Có khi Chánh phủ cũng trợ cấp cho. Ở Nhật Bản hiện nay, đạo Phật vẫn còn thịnh. Ngày xưa, Thần đạo có nhiều người tu theo hơn hết, là tôn giáo chung của nhân dân. Bây giờ, Phật giáo có tín đồ đông hơn, dân số nước Nhật hồi cuối thế kỷ 19 có chừng 35 triệu mà thiện nam tín nữ với chư tăng chiếm trên 20 triệu. Còn mười mấy triệu là về phái Thần giáo. Lại lắm người vừa theo Thần giáo mà cũng vừa qui y Phật pháp, vì Thần giáo với Phật giáo rất hòa hợp nhau. Lúc trước, có nhiều nhà truyền giáo Gia-tô sang Nhật để khuyến đạo. Nhưng cả nước không mấy ai theo. Có một ít người xin vào đạo Gia tô, họ chỉ mượn cảnh mà khảo xét cho hiểu rõ nghĩa lý thôi. Rồi trong một ít lâu, họ lại trở về với Phật giáo hay Thần giáo.


6. Đạo Phật ở Việt Nam



Nước Việt Nam ta ngày xưa ở dưới quyền cai trị của người Trung Quốc cả ngàn năm. Thuở ấy, nước ta tựa hồ như một tỉnh của Trung Quốc về phía Nam. Phong tục, mỹ thuật, văn học cho đến đạo đức và tín ngưỡng cũng đều ảnh hưởng nhiều từ Trung Quốc. Đến khi chánh phủ Trung Quốc nhận đạo Phật làm một nền tôn giáo chung cho nhân dân, thì nước ta cũng nhận lãnh sự truyền bá Phật pháp từ Trung Quốc. Vua nước ta phái sứ qua Trung Quốc thỉnh kinh Phật đem về, lập ra thư viện về đạo Phật, và in kinh truyền bá cho nhân dân. Kể từ thế kỷ thứ chín theo Dương lịch, nước ta thường phái sứ là các danh sư đi thỉnh nhiều kinh điển học Phật. Mỗi chuyến sứ đoàn bên Trung Quốc trở về vừa đem theo kinh vừa được thọ lãnh chân truyền của các Sư tổ bên Trung Quốc.

Nhưng đến thế kỷ mười ba, nước ta bị quân Mông Cổ cướp phá. Chúng nó đốt tất cả lầu đài, thư viện. Lần ấy, rất nhiều kinh điển bị cháy mất. Trong xứ thiếu kinh. Vua bèn phái sứ qua Trung Quốc mà thỉnh lại đặng thay vào.

Đạo Phật thịnh nhất ở nước ta về đời nhà Trần. Vua đầu tiên nhà Trần là Trần Thái Tông vừa có văn tài, vừa thông hiểu Phật giáo, chẳng kém một bậc cao tăng. Vua có soạn một quyển sách bằng chữ Hán, rất có giá trị, nhan đề là “Trần Thái Tông ngự chế khóa hư”.

Lại còn vua Trần Nhân Tông cũng là một bậc anh kiệt trong làng Thiền. Năm 1293, vua bỏ ngôi mà vào chùa. Ngài là người trước hết lập nên Thiền phái “Trúc lâm Yên tử”, tự lấy máu mình mà viết thành hai chục pho kinh.

Kế đến, năm 1314 vua Trần Anh Tông cũng lánh ngôi, xả thân cầu đạo. Ngài cũng chích máu nơi đầu ngón tay mà viết được hai mươi cuốn kinh, chữ viết rất nhỏ, thật rất công phu! Hoàng Thái hậu với các bà phi, mỗi người cũng đều lấy máu mình mà góp vào viết trọn trên 5.000 chương kinh.

Cũng trong năm1314, vua Trần Minh Tông nhân khi vừa lên ngôi, có đúc ba tượng Phật cao đến 17 thước ta. Ngài có cất nhiều cảnh chùa. Ngài cũng có lập Giáo hội trên 15.000 vị tăng ni. Ngài truyền khắc và in ra nhiều bản kinh Phật.

Những gương sáng ấy về đời nhà Trần chứng tỏ rằng nước ta rất mộ đạo, và ở hai thế kỷ 13, 14 đạo Phật thịnh phát vô cùng.

Những tông phái đạo Phật ở xứ ta thời cũng như ở Trung Quốc. Kẻ mộ Thiền Tông, người ham Thiền Thái Tông. Kẻ thích Hoa Nghiêm Tông, có kẻ lại ưa Chân Ngôn Tông hay Mật Tông, nhiều người theo Tịnh Độ Tông. Lắm người rất cố công trì chí, tìm học hết các tông, xem qua hết kinh điển mỗi tông. Ngày nay, số người thất học thì nhiều, số người thông minh, trí huệ thì kém, nên ít ai biết mà phân biệt ra các tông. Chư tăng cũng lâm vào cảnh đó, nên người ta dồn chung các tông phái lại, thành ra ai nấy đều lo giữ Ngũ giới hoặc Thập giới và niệm tưởng đức Phật A-di-đà.

Thiện nam tín nữ tuy quy y thọ giới, mà cũng hay tin bậy vào tà ma, thần quỷ. Và họ cũng trọng những vị đạo sĩ chuyên học về phù phép, chú thuật và mời gọi âm hồn. Cho nên họ thường khi cúng kiến, cầu khẩn chư thần, chư quỷ để đừng khuấy phá họ, hoặc là cầu để hộ trợ cho họ nữa. Họ vui làm như vậy hơn là cầu học kinh điển. Và dốc lòng thờ Phật, niệm Phật, cúng Phật, tụng kinh, họ thấy kết quả chậm hơn là cầu thần, thỉnh quỷ!

Trong các chùa, không mấy chùa có được kinh sách dồi dào.

Nhà sư càng ngày càng kém đức. Nhiều vị tụng kinh mà không hiểu nghĩa; còn thấu đáo tường tận văn chương nhà Phật thì không mấy người!

Kinh sách đạo Phật biết bao nhiêu mà kể. Song người ta cần ít thứ mà thôi. Hiện nay trong nhiều chùa, ta thường thấy có những quyển kinh sau này: kinh Diệu Pháp Liên Hoa, thường là kinh Phổ Môn, kinh A-di-đà, Quy nguyên trực chỉ, kinh Địa Tạng Bồ-tát bổn nguyện.

Dân chúng lầm lạc đã đành, cho đến tăng sĩ cũng không tránh khỏi những điều sai trái. Ngày xưa, tăng sĩ không phải là người đi làm đám, đọc kinh mướn cho người. Ngày nay, bất cần là cuộc tế lễ gì, thiện tín có cậy đến thì không mấy vị chối từ. Sự cao thượng của hạng du tăng, bậc tỳ-kheo ngày một thấp dần. Mấy nhà sư có chức phận như Giáo thọ, Yết-ma, Hòa thượng còn giữ mình thanh cao, hành theo giới luật, ở tại chùa, không lộn xộn với dân gian, nhưng số này không bao nhiêu. Còn phần đông là các thầy có vợ có con, chung chạ với bá tánh dưới chợ búa, xóm làng. Bọn này làm đủ việc, đủ đám, có khi còn dùng đến bùa chú, phép phù, kêu “cô” thỉnh “cậu” nữa. Bởi nhà sư thấp thường bại nhược là số đông, không hiểu nghĩa vụ cao thượng của mình, cho nên chẳng biết hoặc chẳng dõng mãnh mà thi hành giới luật thanh tịnh khi xưa Phật đã truyền dạy.

Nhưng may ra trong nhiều chùa còn có người hiểu đạo lý và giỏi văn chương, thường viết kinh dịch sách để dắt dẫn bổn đạo và tăng đồ.

Có một điều tốt nhất là sự thâm trầm của đạo Phật ảnh hưởng đến hạng ngu dốt tối tăm một cách thuần diệu. Dẫu rằng không hiểu đạo lý, không biết kinh điển, nhưng bao người rất sốt sắng và có tâm với Phật! Bao người đem mình gởi vào cửa Không, bèn dứt lụy với việc trần, tâm trí liền đổi hẳn ngay! Mới hôm nào họ hung ác, ngày nay họ hiền lành; mới hôm nào họ tham lam, ngày nay họ thuận thảo. Bao người mới hôm nào biếng nhác, ăn chơi, ngày nay vừa mới bước chân vào chùa, bèn làm những công chuyện nặng nề hết ngày thâu đêm mà rất vui lòng! Bao người dẫu không biết chữ vẫn niệm kinh, đọc thuộc lòng, mà vừa bước đầu canh năm đã thức dậy nấu nước, làm công phu và tụng Kinh rất thỏa dạ! Một nền tôn giáo từ bi, không rủ ren, quyến dụ ai, lại còn như lạnh nhạt với những kẻ mới đem mình gởi vào cửa Phật nữa. Thật trái với các đạo khác ở xứ ta vậy. Thế mà được bảo tồn lâu dài và bền bỉ mãi mãi.

Sự trật tự trong các chùa ở nước ta, thấp nhỏ hơn hết là chức dẫn lễ, kế là hạng tôn chứng, trên nữa là Giáo thọ, kế đó là Yết ma, và trên hết là Hòa thượng.

Người ngoại quốc đến xứ ta, lấy làm lạ mà thấy trên một nước rộng lớn, từ Bắc chí Nam mấy ngàn cây số bề dài, cả ngàn năm một nền đạo đức không ai làm chủ, lại được thịnh hành mãi. Lắm khi bị phái nhà Nho làm khó. Ở trên không ai chủ trương, cầm đầu, mà số thiện nam, tín nữ không kém bớt chút nào, và số người có tâm đạo không phải ít như ngày xưa. Chẳng riêng gì ở xứ ta, lại ngay như ở nhiều nước trong cõi Á Châu, cũng đều giữ đạo bền chặt như vậy cả, làm cho người Âu Mỹ, lấy làm kiêng nể. Bên Đông phương, chỉ có đạo Phật ở nước Tây Tạng về phái Lạt-ma là được Chánh phủ ủng hộ. Còn bao nhiêu những nước khác, nhà chùa đứng vững là do lòng mộ đạo của dân chúng cúng dường. Mỗi chùa đều thong thả mà lo tu niệm và bảo trợ cho bổn đạo, không phải dưới quyền ai; cả thảy tăng chúng đều là anh em; duy trừ có vị tăng trưởng có quyền cai quản, ngoài ra không ai cai trị ai hết: thật là cảnh thuận hòa.

Tuy học lực của tăng đồ có bề suy kém, nhưng cũng còn có người hiểu đạo lý một cách cao sâu và sống đời từ bi hỷ xả. Ảnh hưởng của mấy vị tăng ấy đối với nhân tâm thế đạo thật lớn lao, vững vàng. Có một ít vị hòa thượng rất được lòng thiện nam tín nữ, được kẻ thế độ coi như bậc cha lành. Các ngài được cúng dường rất hậu, được tôn kính vào bậc thầy. Tôi từng thấy nhiều người bổn đạo đến viếng chùa, tìm vị sư trưởng mà lễ lạy rất thành tâm như lạy Phật.

Một mai hòa thượng có viên tịch, kẻ bổn đạo các nơi, các tỉnh, các quận đều tựu về. Họ khóc kể, để tang, thương tiếc, kẻ công người của góp phụ vào cuộc tống táng chung như giữ hiếu sự đối với người cha trong nhà. Một đám táng của một vị sư đức lớn, có khi còn long trọng, nghiêm trang hơn đám táng của bậc quốc trưởng.

Từ nay, nếu chấn chỉnh lại, Phật giáo cũng còn giúp các sự nhiêu ích cho chúng sanh nữa chứ chẳng không. Bao giờ mấy vị cư sĩ còn mộ kinh điển, ham học Phật và biết phân biệt đức hạnh của nhà sư, và bao giờ còn những vị sư đúng đắn, thông thái, từ bi, thì nền Phật pháp ở xứ ta vẫn còn an trụ.

Ngày nay, học Phật rất dễ. Ai biết được các thứ tiếng Âu Châu thì có thể xem những sách phiên dịch bằng các thứ chữ ấy, song phải biết phân biệt, chớ có quá tin theo sở luận của soạn giả người Âu Tây. Còn không thì tìm xem kinh sách bằng quốc văn in ra trong mấy năm nay, nhất là các kinh sách của bổn tòng thơ xuất bản, cũng biết được khá nhiều.

Bằng không nữa thì chỉ cần thành tâm niệm Phật, tin sâu nơi Phật cũng đủ rồi. Khỏi cầu khẩn một vị thánh thần nào, vì trong các bậc tấn hóa trong vũ trụ, chỉ có Phật là cao hơn hết thôi.

Trong mấy năm nay, ở các nơi trong nước ta, hàng thức giả và người mộ đạo đều hô hào sùng tu Phật Pháp. Trong Nam, ngoài Bắc, ở Trung đều có các cơ quan và các sở in kinh để phổ thông Phật lý, giúp cho người đồng bang tiện việc tu trì.

Vậy thì đạo Phật vẫn còn thịnh, và các tay danh gia trong Phật học giới vẫn còn nhiều vị đứng ra mà giúp đời, dìu dắt chúng sanh.


Mong thay!



Đầu năm 1950

Đoàn Trung Còn

    « Xem chương trước «      « Sách này có 8 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Thượng


Thắp ngọn đuốc hồng


Quy Sơn cảnh sách văn


Nghệ thuật chết

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.226.166.207 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...