Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Hãy nhớ rằng hạnh phúc nhất không phải là những người có được nhiều hơn, mà chính là những người cho đi nhiều hơn. (Remember that the happiest people are not those getting more, but those giving more.)H. Jackson Brown, Jr.
Hãy nhã nhặn với mọi người khi bạn đi lên, vì bạn sẽ gặp lại họ khi đi xuống.Miranda
Để có thể hành động tích cực, chúng ta cần phát triển một quan điểm tích cực. (In order to carry a positive action we must develop here a positive vision.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Đừng than khóc khi sự việc kết thúc, hãy mỉm cười vì sự việc đã xảy ra. (Don’t cry because it’s over, smile because it happened. )Dr. Seuss
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Điều bất hạnh nhất đối với một con người không phải là khi không có trong tay tiền bạc, của cải, mà chính là khi cảm thấy mình không có ai để yêu thương.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Ta sẽ có được sức mạnh của sự cám dỗ mà ta cưỡng lại được. (We gain the strength of the temptation we resist.)Ralph Waldo Emerson

Trang chủ »» Danh mục »» PHẬT HỌC PHỔ THÔNG »» Thiên Thai Tứ giáo nghi »» II. Hóa pháp tứ giáo »»

Thiên Thai Tứ giáo nghi
»» II. Hóa pháp tứ giáo

Donate

(Lượt xem: 6.955)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Thiên Thai Tứ giáo nghi - II. Hóa pháp tứ giáo

Font chữ:



SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Gồm có:

A) Tạng giáo
B) Thông giáo
C) Biệt giáo
D) Viên giáo

A) TẠNG GIÁO
A1) Thanh văn
A2) Duyên Giác
A3) Độc Giác
A4) Bồ Tát trong Tạng Giáo

A1) Thanh Văn thừa:


Tam tạng kinh gồm có Kinh tạng (các kinh Tứ A Hàm), Luận tạng (Câu xá bà sa đẳng luận) và luật tạng (ngũ bộ luật). Tam tạng có cả trong Đại Thừa và trong Tiểu Thừa. Ở đây chỉ nói đến tam tạng kinh của Tiểu Thừa. Tại sao gọi Tiểu Thừa là Tam Tạng Giáo? Vì Đại Trí Độ Luận nói rằng: Ca-Chiên-Diên (79) tự cho mình là thông minh lanh lợi, chỉ đọc và hiểu một cách sâu rộng về Tam Tạng Kinh, không đọc những kinh điển của Đại Thừa, vì vậy không thể là một đại bồ tát được. Kinh Pháp Hoa cũng nói rằng: Những người theo đạo Tiểu Thừa là những người tu tập theo Tam Tạng kinh. Dựa vào những kinh văn kể trên, Trí Giả đại sư đã gọi Tiểu Thừa là Tam Tạng Giáo. Những người này có căn cơ tam thừa. Người theo Thanh Văn bắt đầu tu tập sinh diệt tứ đế (80). Tứ đế là:

a) KHỔ ĐẾ

Những người sống trong 25 hữu (81) đều chịu nhị báo (82). 25 hữu là : Tứ châu, tứ ác thú, lục dục, phạm thiên, tứ thiền, tứ không xứ, vô tưởng, ngũ na hàm (83) (tứ châu, tứ thú thành 8 cõi. Lục dục thiên, Phạm vương thiên hợp lại là mười lăm cõi, tứ thiền, tứ không xứ hợp lại là 23 cõi, vô tưởng thiên và Na hàm thiên hợp lại thành 25) đó là nhị thập ngũ hữu. Nói tổng quát là lục đạo sinh tử.

[Nói tổng quát về tam giới: 1) Dục giới 2) Sắc giới, 3) Vô sắc giới. Gồm 28 cõi trời khác nhau: Dục giới gồm 6 cõi trời, Sắc giới gồm 18 cõi trời, Vô sắc giới gồm 4 cõi trời ].

1) DỤC GIỚI

Gồm lục đạo

1a. địa ngục đạo
1b. súc sinh đạo
1c. ngạ quỷ đạo
1d. a tu la đạo
1e. Nhân đạo
1f. Thiên đạo của dục giới

1a. Địa ngục đạo:


Tiếng Phạn là nại lạc ca, còn gọi là nê lê, có nghĩa là tất cả các thứ khổ, ta dịch là địa ngục. Địa ngục là ở dưới lòng đất của chúng ta, vì vậy gọi là địa ngục. Có bát hàn bát nhiệt các loại đại địa ngục. Các địa ngục chính này lại có vô số những cửa địa ngục phụ. Trong đó có vô số người phải chịu khổ, tùy theo những nghiệp chướng nặng nhẹ của mình, thời gian ở trong đó có thể dài lên đến hàng kiếp số. Ở nơi tội nặng nhất có thể trong một ngày chết đi sống lại tới 84.000 lần, và phải trải qua vô số kiếp. Đó là cho những người làm tội ngũ nghịch thập ác nặng nhất phải vào đạo này.

1b. Súc sinh đạo.

Đạo này còn gọi là bàng sanh (84). Đạo này có ở khắp các cõi, thân thể có lông, có sừng, có vẩy, có lông chim, có bốn chân hay nhiều chân, có thể có chân hay không có chân, có thể sống ở dưới nước, trên mặt đất hay trên không, ăn thịt lẫn nhau, chịu khổ vô cùng. Đó là những người ngu si đầy tham dục làm những tội ngũ nghịch thập ác nặng ở cấp trung bình phải vào đạo này.

1c. Ngạ quỷ đạo.

Tiếng Phạn là đồ lê sỉ (85). Đạo này cũng có ở khắp các đạo. Kẻ có phúc đức hơn được làm các thần thánh ở nơi sơn lâm, lăng tẩm, đền chùa. Kẻ vô phúc đức phải ở những nơi dơ bẩn, không được ăn uống, thường bị đánh đập, làm những việc đắp sông đắp hô, chịu vô lượng khổ. Những người có lòng dạ ác độc, làm những tội ngũ nghịch thập ác loại nhẹ hơn cấp trung bình phải vào đạo này.

1d. A tu la đạo (86)

Có nghĩa là không có rượu, xấu xí, hay vô thiên. A Tu La thường sống gần những bờ biển, ở trong những cung điện nguy nga dưới đáy biển, thích gây những cuộc chiến tranh vô cùng khủng khiếp. Vì A Tu La là những người có nhiều nghi kỵ, tuy có làm những điều tốt nhưng lại có lòng háo thắng ganh tỵ, dù có làm những điều thập thiện nhỏ mà vẫn vào đạo này.

1e. Nhân đạo.

Nhân đạo gồm tứ châu. Người ở mỗi châu đều sống khác nhau. Phía đông là Phất Bà Đề châu (87), người sống ở đó thọ 250 tuổi. Phía nam là Diêm Phù Phất châu (88), người sống ở đó thọ 100 tuổi. Phía tây là Cồ Da Ni châu (89), người sống ở đó thọ 500 tuổi. Phía bắc là Uất Đan Việt châu (90), người sống ở đó thọ 1000 tuổi, không bị chết yểu, nơi đấy không có thánh nhân xuất hiện, vì vậy là một trong bát nạn (91), ở đấy sung sướng và đau khổ lẫn lộn với nhau. Những người [được sống ở nhân đạo là những người] trong thời kỳ tạo nhân đã giữ ngũ thường ngũ giới. Ngũ thường là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Ngũ giới là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu. làm thập thiện ở mức trung bình. Những người này đều được sống ở nhân đạo.

1f. Thiên đạo (92) của Dục giới

Gồm 28 cõi trời khác nhau

(1) Dục giới gồm 6 cõi trời
(2) Sắc giới gồm 18 cõi trời
(3) Vô sắc giới gồm 4 cõi trời

Dục giới (93): Thiên đạo của dục giới gồm 6 cõi trời là:

Thứ nhất: Tứ Thiên Vương thiên (94) (nằm ở giữa sườn núi Tu-di).

Thứ hai: Đạo Lợi thiên (95) (nằm ở đỉnh của núi Tu-Di, nó gồm 33 cõi trời. Hai cõi trời này là cho những người làm thập thiện ở mức độ cao).

Thứ ba: Dạ Ma thiên

Thứ tư: Đâu Suất thiên ( 96)

Thứ năm: Hóa Lạc thiên (97),

Thứ sáu: Tha Hóa Tự Tại Thiên (Bốn cõi kể trên là thiên không cư, những người làm thập thiện ở mức độ cao nhưng thiền định chưa đủ mức độ để đến các thiền thiên, được sống ở cõi này).

2) Sắc giới

Kế đó là 18 cõi sắc giới, chia làm [4 nhóm gọi là] tứ thiền thiên

2a) Sơ thiền thiên

Sơ thiền thiên gồm có ba cõi trời: Phạm chúng thiên, Phạm Phụ thiên, Đại Phạm thiên.

2b) Nhị Thiền thiên

Nhị Thiền Thiên cũng có ba cõi trời: Thiếu Quang thiên, Vô lượng quang thiên, Quang Âm thiên.

2c) Tam Thiền thiên

Tam Thiền Thiên cũng có ba cõi trời: Thiếu tịnh thiên, Vô Lượng Tịnh thiên, Tịnh Biến thiên.

2e) Tứ Thiền Thiên

Tứ Thiền Thiên có chín cõi trời:

1) Vô Vân Thiên,

2) Phúc Sinh Thiên

3) Quảng Quả Thiên

Ba cõi này là nơi người phàm tục tu thập thiện ở mức độ cao và tu tập thiền định được sống ở những cõi này.

4) Vô tưởng thiên là nơi những người ngoại đạo cư ngụ.

5) Vô phiền thiên

6) Vô nhiệt thiên

7) Thiện kiến thiên

8) Thiện hiện Thiên

9) Sắc cứu cánh thiên

Năm cõi trời trên đây là những người có đệ tam quả vị cư ngụ.

Chín cõi trời kể trên đã xa dục giới, nhưng chửa ra khỏi sắc giới nên gọi là sắc giới, vì những người này đều có thiền định nên những cõi trời này đều có tên là thiền.

3) Vô sắc giới

Gồm có bốn cõi trời:

1) Không xứ thiên

2) Thức xứ thiên

3) Vô sở hữu xứ thiên

4) Phi phi tưởng thiên

Bốn cõi trời trên đây chỉ có tứ uẩn, không có sắc uẩn, nên gọi là vô sắc giới. Trên đây đã nói từ địa ngụ cho đến phi phi tưởng thiên.

Trong những cõi trời của tam giới kể trên tuy khổ lạc khác nhau nhưng tất cả đều còn trong vòng luân hồi sinh tử, nên còn cái khổ của sinh tử. Đó là Thực hữu khổ đế của Tạng giáo.

b) TẬP ĐẾ

Tập đế là nói về kiến hoặc và tư hoặc [hai nguyên nhân chính gây ra khổ đế.] Kiến tư hoặc còn gọi là kiến tu, tứ trụ (98), nhiễm ô vô tri (99), thủ tướng hoặc (100), chi mạt vô minh (101), thông hoặc (102), và giới nội hoặc (103). Tuy tên có khác biệt nhau, nhưng chỉ là kiến hoặc và tư hoặc mà thôi. Sau đây sẽ xem qua kiến hoặc.

1) KIẾN HOẶC

Có 88 loại kiến hoặc gọi là tám mươi tám sử (104). Chia làm hai nhóm: 1a) lợi sử (105) và 1b) đốn sử (106).

1a) LỢI SỬ: Gồm có:

1) thân kiến (107)

2) Biên kiến (108)

3) kiến thủ (109)

4) giới thủ (110)

5) tà kiến.

1b) ĐỐN SỬ:

Gồm có:

6) tham

7) sân

8) si

9) mạn

10) nghi

Mười loại sử này có trong tam giới và trong tứ đế, tùy giới có thể có tăng giảm đôi chút. Tổng cộng là tám mươi tám sử.

Trong dục giới khổ đế có đủ cả mười sử. Tập đế và diệt đế mỗi đế có 7 sử vì hai đế này không có thân kiến, biên kiến, và giới thủ. Đạo đế có 8 sử trừ thân kiến và biên kiến. Tứ đế của dục giới hợp lại là 32 sử.

Tứ đế của sắc giới và vô sắc giới, các sử cũng như ở dục giới nhưng mỗi đế đều không có sân sử vì vậy mỗi giới chỉ có 28 sử, Hai giới này hợp lại là 56 sử và cộng với 32 sử của dục giới là tám mươi tám sử.

2) TƯ HOẶC

Tư hoặc có 81 loại gọi là tám mươi mốt phẩm. Tam giới chia làm cửu địa. Dục giới là một địa, Tứ thiền và tứ định chia làm 8 địa. Gom lại là cửu địa. Trong một địa của dục giới có cửu phẩm tham, sân, si, mạn. Cửu phẩm tư hoạc là: mỗi một phẩm lại chia làm ba cấp: thượng thượng, thượng trung, thượng hạ; trung thượng, trung trung, trung ha; hạ thượng, hạ trung, hạ hạ. Trong tám địa của tứ thiền và tứ định, mỗi địa 9 phẩm trừ sân sử. Tổng cộng là tám mươi mốt phẩm. Trên đây là nói về sự khác biệt giữa kiến hoặc và tư hoặc trong thực hữu tập đế của Tạng giáo.

c) DIỆT ĐẾ

Đế thứ ba là diệt đế. Diệt đế là diệt trừ những khổ và những tập ở hai đế trước, để chân đế sẽ hiện ra. Vì diệt tất cả cái xấu đi thì mới thấy được chân lý, diệt đế chính nó không phải là chân đế.

d) ĐẠO ĐẾ

Thứ tư là đạo đế. Nếu nói tóm tắt cái đạo của đạo đế là: Giới, định, tuệ. Nếu nói chi tiết thì nó là 37 đạo phẩm. 37 đạo phẩm này được chia làm 7 nhóm:

1) Tứ niệm xứ (111):

1a) Quán thân bất tịnh (5 loại) (112) (Sắc uẩn),

1b) Quán thọ là khổ (Thọ uẩn) (113)

1c) Quán tâm vô thường (Thức uẩn) (114)

1d) Quán pháp vô ngã (tưởng và hành uẩn) (115)

2) Tứ chánh cần:

2a) Điều ác chưa sinh ra thì đừng để nó sinh ra,

2b) Điều ác đã sinh ra thì phải hủy diệt nó đi,

2c) Điều thiện chưa sinh ra thì phải làm cho nó phát sinh ra,

2d) Điều thiện đã sinh ra thì phải làm cho nó tăng trưởng lên.

3) Tứ như ý túc (duc, niệm, tiến, tuệ) (116),

4) Ngũ căn (tín, tiến, niệm, định, tuệ)(117),

5) Ngũ lực (tín, tiến, niệm, định, tuệ),

6) Thất giác chi (niệm, trạch, tiến, hỉ, khinh an, định, xả) (118)

7) Bát chánh đạo (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh tinh tấn, chánh định, chánh niệm, chánh mạng).

Đó là 7 nhóm của đạo đế của Tạng Giáo sinh diệt tứ đế.

Tứ diệu đế kể trên trong Tạng Giáo, cũng có trong Thông Giáo, Biệt Giáo và Viên Giáo. Vậy tứ diệu đế của các giáo phái này có khác nhau hay không? Nó tùy theo giáo phái, hiểu rộng hay hiểu hẹp, tùy theo căn cơ mà chia làm bốn loại tứ đế: Sinh diệt tứ đế, vô sinh tứ đế (119), vô lượng tứ đế (120), vô tác tứ đế (121). Ở những phần sau của bài này sẽ không nhắc lại nữa. Tứ đế lại được chia làm tại thế và xuất thế (122). Sinh diệt tứ đế, vô sinh tứ đế là tại thế nhân quả (Khổ là quả, tập là nhân), vô lượng tứ đế, vô tác tứ đế là xuất thế nhân quả (diệt đế là quả, đạo đế là nhân).

Hỏi: Tại sao ở tại thế và xuất thế tứ đế nói quả trước nhân? Xin trả lời: Thanh văn vì căn cơ còn yếu, thấy đau khổ mới đi tìm nguyên nhân, để diệt trừ những nhân trong tập đế, vì ham mộ quả mới đi tu nhân, đó là lý do nói quả trước nhân.

Sau đây là nhưng phương pháp tu tập và quả vị của Tạng giáo.

e) QUẢ VỊ CỦA TẠNG GIÁO

Những quả vị của Thanh văn thừa được chia làm hai phần:

1) phàm vị (123)

2) thánh vị (124)

1) PHÀM VỊ

Phàm vị lại được chia làm hai loại quả vị:

1 α) ngoại phàm vị (125)

1 β) Nội phàm vị (126)

1 α) NGOẠI PHÀM VỊ

Ngoại phàm vị lại chia làm ba cấp vị:

Cấp 1: Ngũ đình tâm (127)

Cấp 2: Biệt tướng niệm

Cấp 3: Tổng tướng niệm

Cấp 1: Ngũ đình tâm quán: gồm 5 quán từ 1 đến 5

1] Bất tịnh quán (128): Dùng để trị cái tham của chúng sinh.

2] Tư bi quán (129) dùng để trị cái sân của chúng sinh

3] Số tức quán (130): Dùng để trị cái tinh thần tan loạn, không tập trung trong lúc tu hành hay thiền định.

4] Nhân duyên quán (131) dùng để trị cái ngu si của chúng sinh.

5] Niệm Phật quán (132) dùng để trị những chúng sinh có nhiều chướng ngại trong việc tu hành.

1α2) Biệt tướng niệm xứ (Như tứ niệm xứ kể trên) (133)

1α3) Tổng tướng niệm xứ: Thứ nhất quán thân bất tịnh, thì thọ, tâm, pháp cũng bất tịnh, đưa đế quán pháp vô ngã. Xem những thí dụ thì rõ (trên đây ba điều gom lại là ngoại phàm, còn gọi là tư lương vị (135)

1β) NỘI PHÀM VỊ.

Nội phàm vị còn gọi là gia hành vị, tứ thiện căn vị. Nội phàm vị gồm bốn cấp vị:

noãn vị (136)

đảnh vị (137,

nhẫn vị (138)

thế đệ nhất vị (139)

(Bốn quả vị này là nội phàm vị, còn gọi là gia hành vị (140), còn gọi là tứ thiện căn vị).

Nội phàm và ngoại phàm vị gọi chung là phàm vị. Còn gọi là thất phương tiện vị (141).

2) THÁNH VỊ

Thánh vị trong Tạng giáo được chia làm ba cấp:

Kiến đạo (sơ quả),

Tu đạo (nhị quả, tam quả)

Vô học đạo (tứ quả)

2a) Kiến đạo:

Tu đà hoàn dịch là dự lưu. Người ở quả vị này đã đoạn trừ được 88 sử kiến hoặc của tam giới, đã hiểu được cái lý của chân đế, nên gọi là kiến đạo vị, còn gọi là thánh vị.

2b) Tu đạo:

- Tư đà hàm còn gọi là nhất lai quả, người đạt quả vị này đã đoạn trừ được 6 phẩm đầu của tư hoặc của Dục giới. Còn 3 phẩm sau chưa đoạn trừ được nên phải đến thế gian này một lần nữa để đoạn trừ hết tư hoặc còn lại.

- A na hàm quả, còn gọi là bất lai quả, người đạt quả vị này đã đoạn trừ được hết tất cả cửu phẩm tư hoặc.

2c) Vô học đạo:

A la Hán quả, còn gọi là vô học (142), vô sanh (143), sát tặc (144), hay ứng cúng (145). Người đạt quả vị này đã hoàn toàn đoạn trừ được hết kiến hoặc và tư hoặc. Những chủng tử của tham, sân, si đã hết, nhưng cái quả của kiếp trước là cái thân thể của kiếp này vẫn còn, cuộc sống trên đời này gọi là hữu dư niết bàn (146). Nếu sau khi chết, hỏa táng hủy diệt tất cả những trí tuệ của mình đi vì không cần nữa, gọi là vô dư niết bàn (147), còn gọi là cô điều giải thoát (148), nghĩa là giải thoát cho một mình mình mà thôi.

Đến đây là nói hết các quả vị của Thanh Văn thừa.

A2) Duyên Giác

Sau đây nói đến Duyên giác, còn gọi là Độc giác, họ là những người sống vào thời của Đức Phật còn tại thế. Được nghe Phật giảng về thập nhị nhân duyên, gồm có:

Vô minh (phiền não chướng, phiền não đạo)

Hành (nghiệp chướng, nghiệp đạo, hai chi này thuộc về quá khứ)

Thức (149) (đầu thai với một hơi thở)

Danh sắc (150) (Danh là tâm, sắc là thể chất)

Lục Nhập (đến tuần lễ thứ 6 hay thứ 7, lúc các căn được tạo thành),

Xúc (khi sanh ra) thì gọi là xúc.

Thọ (lãnh nạp những cảnh tốt cảnh xấu. Trong thập nhị nhân duyên từ thức đến thọ đó là quả của kiếp trước tạo ra),

Ai (đó là nam nữ ái dục, tiền bạc tài vật ham muốn),

Thủ (lúc đó thấy những tiền tài, nam nữ sắc bèn sinh lòng tham muốn đây là cái nhân của kiếp tới, nó là những phiền não, nó như kiếp trước, cái lòng vô minh tạo ra phiền não),

Hữu (Hữu đã đạt được, cái nghiệp đã tạo ra, cái nghiệp này chính là cái nhân của kiếp tới, nó thuộc nghiệp đạo nó như kiếp trước cái hạnh).

Sanh (vì nghiệp tạo trong đời này nên phải sanh ra trong kiếp tới để trả).

Lão tử. Có sanh thì có lão có tử.

Người Duyên Giác biết được vô minh là nguồn gốc của vòng sinh tử luân hồi nên diệt nó.

Như vậy người Duyên Giác theo thập nhị nhân duyên để tu hành so với người Thanh Văn tu hành theo tứ diệu đế có khác nhau và giống nhau ở chỗ nào?

Nếu ta đem so sánh thập nhị nhân duyên với tứ diệu đế: Vô minh, hành, ái, thủ, hữu, 5 nhân duyên này hợp lại tương đương với tập đế. 7 nhân duyên còn lại tương đương với khổ đế. Tuy tên khác nhau nhưng nghĩa giống nhau. Nếu nghĩa giống nhau vậy tại sao phải nói làm hai cái thuyết làm gì? Xin trả lời: Là vì căn cơ khác nhau nên phải nói hai cách để họ dễ tiếp thu.

Người Duyên Giác vì có căn cơ khá hơn nên thấy được vô minh trong tập đế. Từ vô minh đưa đến hành, hành đưa đến thức... rồi đến sanh, sanh đến tử. Rồi lại bắt đầu sanh. Nếu diệt vô minh thì hành diệt... sau đó sanh diệt, nếu sanh diệt thì lão tử sẽ diệt. Vì vậy người Duyên Giác tu hành theo thập nhị nhân duyên để đi đến ngộ chân lý, nên gọi là Duyên Giác.

A3) Độc Giác

Người độc giác vì sanh ở nơi hay ở lúc không có Đức Phật tại thế, một mình tu hành trong rừng núi, quan sát cảnh vật thay đổi, ngộ được vô sinh chân đế. Nên gọi là độc giác.

Người duyên giác và người độc giác có khác nhau, nhưng tu hành quả vị giống nhau. Những người này cũng như những người Thanh Văn thừa đã đoạn trừ được kiến hoặc và tư hoặc của tam giới. Ngoài ra người Duyên giác và người Độc giác còn bỏ được những tập khi (152) của kiến hoặc và tư hoăc, vì vậy họ đứng trên những người theo Thanh Văn thừa.

A4) Bồ Tát trong Tạng Giáo

Bồ tát trong tạng giáo phát bồ đề tâm, dựa vào Tứ Diệu Đế, phát tứ hoằng nguyện (153), tu hành lục độ hạnh (154). Tứ hoằng nguyện là:

1) Nguyện độ tất cả chúng sinh chưa được độ. Đây là cái nguyện độ vô biên chúng sinh dựa vào khổ đế.

2) Nguyện giúp tất cả chúng sinh chưa thoát khỏi phiền nào, được thoát khỏi phiền não. Đây là cái nguyện diệt vô tận phiền não dựa vào tập đế.

3) Nguyện giúp tất cả chúng sinh chưa được an lạc, được an lạc. Đây là vô lượng pháp môn thề nguyện dựa vào đạo đế.

4) Nguyện giúp tất cả chúng sinh chưa vào được Niết Bàn sẽ được vào Niết Bàn. Đây là vô thượng Phật đạo thề nguyện dựa vào diệt đế.

Nay lòng đã phát nguyện thì phải thực hành để làm tròn lời nguyện. Bồ tát phải trải qua vô số kiếp tu hành lục đô, sau cả trăm kiếp hay ba đại kiếp tu tập mới đạt được tất cả các loại tướng hảo (155). Hãy lấy thí dụ của Đức Phật Thích Ca tu hành bồ tát đạo mà xem. Thời gian tu hành của Ngài được chia làm ba giai đoạn:

1] Sơ a tăng kì: Từ thời cổ Thích Ca Phật (156) cho đến Thí Khi Phật, Đức Phật Thích Ca đã từng cúng dường bẩy vạn năm ngàn Phật. Gọi giai đoạn này là sơ a tăng kì (157). Trong giai đoạn này Ngài xả thân nữ và thoát ly tư ác thú (158), Ngài tu hành lục độ nhưng cũng không biết mình sẽ thành Phật hay không. Nếu đem so sánh với những quả vị của Thanh văn thừa thì tương đương với tổng biệt niệm xứ của ngũ đình tâm (ngoại phàm vị).

2] Đệ nhị a tang kì: Giai đoạn thứ hai từ Thi Khí Phật đến Nhiên Đăng Phật, Ngài cúng dường bẩy vạn sáu ngàn Phật, đây là đệ nhị a-tăng-kì. Ngài lấy bẩy đóa hoa sen cúng dường Đức Phật Nhiên Đăng, trên đường đi cúng dường quần áo tóc của Ngài bị lấm đầy đất bụi. Ngài được Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký là Thích Ca Văn Phật (159), lúc đó Ngài biết mình sẽ thành Phật, nhưng chưa dám nói ra. Nếu đem so sánh với những quả vị của Thanh văn thừa, thi Đức Phật trong giai đoạn này đã đạt noãn vị [vào hạng thánh vị].

3] Đệ tam a tăng kì: Lại từ Đức Phật Nhiên Đăng đến Đức Phật Tỳ Bà Thi Phật, Đức Phật lại cúng dường bẩy vạn bẩy ngàn Phật, đây là đệ tam a tăng kì, lúc đó Đức Phật đã biết mình sẽ thành Phật và cũng nói cho mọi người biết mình sẽ thành Phật, người nghe cũng không con nghi ngờ gì nữa. Nếu đem so sánh với những quả vị của Thanh văn thừa thì tương đương với đỉnh vị.

Tu hành lục độ như thế phải trải qua cả trăm kiếp, đạt được các loại tướng hảo, các nhân tốt. Phải tu hàng trăm phúc mới được một tướng hảo. Con đường làm phúc làm nghĩa thật nhiều, khó mà đánh giá. Thí dụ trong kinh kể trị lành một số tam thiên đại thiên người mù mới được kể là làm được một phúc. Tu hành lục độ như thế mới là viên mãn.

Lại như chuyện Thi Tỳ Vương (160) lấy thịt mình để chuộc mạng cho chim câu, bố thí như thế mới là viên mãn.

Ở nhiều kiếp trước, Đức Phật là Vua Phổ Minh (161), đã bỏ vương quốc và tính mạng của mình để giữ lời hứa, trì giới như thế mới là viên mãn.

Lại chuyện Sạn Đề tiên nhân (162) bị vua Ca Lợi cắt chém thân thể thành nhiều mảnh mà không sinh oán hận tâm, lòng nhẫn nhục như thế mới là viên mãn.

Lại chuyện Đại Thí Thái Tử (163) tát cạn nước biển để tìm ma ni bảo châu, lại chuyên bồ tát Thích Ca quỳ bẩy ngày để tán tụng Đức Phật Phất Sa (164), lòng tinh tiến như thế mới là viên mãn.

Lại chuyện nhiều kiếp trước Đức Phật là Thượng Xà Lệ tu sĩ (165), tóc dài, khi ngồi thiền định, chim đến làm tổ trên đầu. lòng thiền định như thế mới là viên mãn.

Lại chuyện đại thần Cù Tần (166) đã khôn khéo chia châu Diêm Phù Đê thành bẩy phần cho bẩy quốc vương và chấm dứt cuộc tranh chấp giữa các vua, trí tuệ như thế mới là viên mãn.

Nếu đem so sanh với sơ vị của Thanh văn thừa thì tương đương với hạ nhẫn vị của gia hành vị.

Sau đó Đức Phật đến Đâu Suất thiên chờ đợi, Ngài sanh ra, xuất gia, hàng phục các ma quỷ, an tọa bất động Ngài đã đắc trung nhẫn vị. Sau đó trong sát na Ngài nhập thượng nhẫn vị. Lại sau đó, lại trong sát na Ngài nhập thế đệ nhất vị, phát chân vô lậu, tam thập tứ tâm (167) đốn phát, đoạn tất cả kiến hoặc, tư hoặc và các tập khí. Ngài ngồi dưới gốc cây bồ đề, trên bồ đoàn cỏ tươi, thành trượng sáu liệt ứng thân Phật (168). Dưới sự kính thỉnh của Đại Phạm Thiên Vương, Ngài tam chuyển pháp luân (169) để độ chúng sinh có tam căn (170). Sống ở đời này tám mươi năm dưới tướng của một tỳ kheo già, đến khi thân yếu thọ tận nhập vô dư Niết Bàn, chứng tam tạng Phật quả.

Trên đây đã giải thích Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát ba nhóm chúng sinh tu hành đạt được các quả vị khác nhau (171) nhưng đều đã đoạn trừ được kiến hoặc và tư hoặc, đều đã ra khỏi tam giới, chứng được thiên chân Niết Bàn (172). Những người này mới đi được ba trăm dặm, mới đến được Hóa Thành mà thôi. Trên đây là nói hết phần Tạng giáo.

B) THÔNG GIÁO

Thông giáo có nghĩa là trước thông với Tạng giáo sau thông với Biệt giáo và Viên giáo, vì vậy gọi là Thông giáo. Hơn nữa cả ba nhóm [Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát trong Thông giáo đã ngộ được cái chân thật lý] bằng cách vô ngôn thuyết đạo (173), đã thể sắc nhập không (174) cũng vì vậy nên gọi là Thông giáo. Nay dựa vào Đại Phẩm Bát Nhã Kinh giảng về các cấp vị của Thông giáo: thập địa (175) [1. Kiền tuệ địa, 2. Tánh địa, 3. Bát nhân địa, 4. Kiến địa, 5. Bạc địa, 6. Ly dục địa, 7. Dĩ biện địa, 8. Bích chi phật địa, 9. Bồ tát địa, 10. Phật địa].

a) Cấp vị

1) Đệ nhất địa: Kiền tuệ địa.

Ở địa này hành giả có trí tuệ nhưng chưa ngộ được nhiều về pháp tính nên gọi là kiền tuệ địa. Nếu đem so sánh địa này với Tạng giáo, kiền tuệ địa tương đương với ba quả vị của ngoại phàm vị của Tạng giáo: Ngũ đình tâm, biệt tướng niệm xứ và tổng tướng niệm xứ.

2) Đệ nhị địa: Tánh địa:

Giống như kiền tuệ địa nhưng hành giả đã ngộ được pháp tánh, đã hàng phục được kiến hoặc và tư hoặc. Tương đương với nội phàm vị của Tạng giáo đó là: Tứ thiện căn [Noãn vị, đảnh vị, nhẫn vị, thế đệ nhất vị].

3) Đệ tam địa: Bát nhân địa (176)

4) Đệ tứ địa: Kiến địa (177)

Hành giả ở hai quả vị trên đã đạt được vô gián tam muội (178), đã đoạn trừ hết kiến hoặc của 88 sử của tam giới, đã phát chân vô lậu, đã thấy cái lý thật của chân đế. Nếu so sánh với các quả vị của Tạng giáo thì hai quả vị này [3 & 4] tương đương với sơ quả của Tạng giáo.

5) Đệ ngũ địa: Bạc địa (179).

Hành giả đã đoạn trừ được 6 phẩm đầu trong 9 phẩm tư hoặc của Dục giới. Tương đương với nhị quả của Tạng giáo.

6) Đệ lục địa: Ly dục địa (180)

Hành giả đã đoạn diệt được 9 phẩm tư hoặc của Dục giới. Tương đương với tam quả của Tạng giáo.

7) Đệ thất địa: Dĩ biện địa (181):

Hành giả đã đoạn trừ hết những kiến hoặc và tư hoặc của tam giới, đã đoạn trừ hết các chánh sử (182) của nhị hoặc, nhưng vẫn còn tập khí của nhị hoặc, như gỗ đã đốt thành than, [than gặp lửa vẫn có thể cháy được]. Dĩ biện địa tương đương với quả vị thứ tư, A la Hán quả của Tạng giáo. [Quả vị của Thanh Văn thừa, Tạng giáo, đến đây là hết. Từ đệ bát địa trở lên, Thamh Văn thừa không còn quả vị nào để so sánh với Thông giáo nữa ].

8) Đệ bát địa: Bích chi Phật địa (183)

Hành giả đến đây đã đoạn trừ được phần nào tập khí của kiến hoặc và tư hoặc, như than đã hóa thành tro.

9) Đệ cửu địa: Bồ tát địa.

[Hành giả đã thành bồ tát của đại thừa,] đã diệt hết các chánh sử của kiến hoặc và tư hoặc như các Thanh Văn thừa và Duyên Giác thừa, nhưng còn bám lấy cái tập khí của nhị hoặc để được lưu lại trong tam giới cứu độ chúng sinh, để được tiếp tục tu hành lục độ và không quán. Các bồ tát này hiện tất cả các loại thần thông, [tự tai về thời gian và không gian, để cứu độ chúng sinh] làm thanh tịnh Phật quốc

10) Đệ thập đia: Phật địa

Các vị bồ tát kể trên, Khi cơ duyên đến, bát nhã trí tuệ trong lòng tự nhiên phát ra, đột nhiên đoạn trừ chánh sử và tập khí của nhị hoặc còn lai, ngồi dưới cây thất bảo bồ đề, lấy thiên y làm bồ đoàn, hiện liệt thắng (184) ứng thân thành Phật. Giúp những chúng sinh có căn cơ tam thừa [ Thanh văn, Duyên gíac, Bồ tát ] chuyển vô sinh tứ diệu đế pháp luân, duyên tận nhập diệt, chánh sử và tập khí đều diệt hết, như than và tro đều đã tàn.

Như kinh [Đại Bát Niết Bàn ] kể thí dụ : Voi, ngựa và thỏ qua sông, thí dụ cho thấy cả ba, Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát, cùng ngộ cái lý của chân không, cũng đoạn trừ nhị hoặc nhưng nông sâu có khác nhau như ba thú qua sông. Kinh [Hoa Nghiêm] lại nói rằng: Cả ba thừa đều ngộ được cái thật tính, thật tướng của chư pháp (185), nhưng vẫn chưa phải là Phật (186), đó [chỉ là Phật của] Thông Giáo. Người trong tam thừa này lập nhân giống nhau [phát tâm, tu hành, đoạn hoặc], nhưng quả thì khác nhau [Thanh Văn chưa đoạn trừ được tập khí, Bích chi Phật đoạn trừ được phần nào tập khí, Phật đoạn trừ được tất cả tập khí], tất cả đều đoạn trừ được kiến hoặc và tư hoặc, đều ra khỏi vòng sinh tử, đều chứng được thiên chân Niết Bàn.

b) [Hai loại Bồ Tát]

Có hai loại bồ tát: lợi căn và độn căn (187).

1] Bồ tát độn căn.

Bồ tát có đốn căn chỉ thấy được không (188), không ngộ được bất không (189), nên chỉ thành đạt được Phật quả vị của Thông giáo. Bồ tát của Thông giáo và của Tạng giáo lập hạnh và nhân khác nhau (190), nhưng quả của bồ tát độn căn của Thông giáo và bồ tát của Tạng giáo giống nhau. Vì vậy Thông giáo gọi là thông tiền, thông với Tạng giáo ở phía trước là vậy.

2] Bồ tát có lợi căn.

Bồ tát có lợi căn không những thấy không mà thấy cả bất không. Thấy được cái bất không trong cái không đó là trung đạo (191). Thuyết Bất không của trung đạo lại được chia làm hai loại: Đãn trung (192) và Bất đãn trung (193). Nếu bồ tát ngộ đãn trung [đó là gần Biệt giáo], Biệt giáo đến đón đi qua Biệt giáo. Nếu bồ tát ngộ bất đãn trung [đó là gần Viên giáo], Viên Giáo đến đón đi qua Viên giáo. Vì vậy Thông giáo lại thông hâu, thông với Biệt giáo và Viên giáo ở phía sau.

Xin hỏi: Các bồ tát có lợi căn được đón đi như thế nào và được vào quả vị nào?

Xin trả lời: Tùy theo tam căn của người được đón đi mà khác nhau. Người thượng căn được đón đi ở tam địa [bát nhân địa] và tứ địa [kiến địa], người trung căn được đón đi ở ngũ địa [bạc địa] và lục địa [ly dục địa], người hạ căn ở thất địa [dĩ biện địa] và đệ bát địa [Bích Chi Phật địa], những người kể trên được đón đi qua Biệt giáo hay Viên giáo. Những người ở nhất địa và nhị đia thì hoàn toàn không được đón đi.

Nơi tiếp đón lại khác nhau tùy thuôc vào chân vị (194) hay tương tự vị (195). Nếu tương tự vị được tiếp đón đi thì được chuyển vào Biệt giáo thập hồi hướng hay Viên giáo thập tín vị. Nếu chân vị được tiếp đón đi thì được đón tiếp vào Biệt giáo sơ địa hay Viên giáo sơ trụ.

Xin hỏi: Tạng giáo và Thông giáo đều là người có tam thừa căn cơ [Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát], cùng đoạn trừ hết tứ trụ [kiến hoặc, tư hoặc], đã thoát khỏi tam giới, đã chứng được thiên chân Niết Bàn, cùng đi ba trăm dặm cùng vào Hóa Thành (196). Vậy tại sao phải chia làm hai giáo phái làm gì?

Xin trả lời: Như đã nói hai giáo phái tuy giống nhau nhưng cũng khác nhau. Hai giáo phái chứng được quả vị giống nhau, nhưng Đại Thừa và Tiểu Thừa, căn cơ mạnh hay yếu, đó là những điều mãi khác biệt nhau. Hai giáo phái này đều là giáo phái còn ở trong tam giới lục đạo. Tạng giáo là Tiểu Thừa có căn cơ yếu của tam giới. Vì không thông với Đại Thừa nên gọi là Tiểu Thừa. Vì chiết sắc nhập không (197) nên căn cơ còn yếu. Trong ba nhóm của Tiểu Thừa [Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát], căn cơ của họ cũng được chia làm ba nhóm khác nhau: thượng, trung và hạ. Nếu đem so sánh với Thông Giáo thì ba nhóm của Tạng Giáo đều là nhóm có căn cơ hạng hạ [của Thông Giáo].

Trong tam giới Thông Giáo là đại, đại vì nó là ngưỡng cửa của Đại Thừa. Căn cơ nó khá vì nó chứng được không đạo dựa vào thể sắc nhập không (198). Ba nhóm [Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát] của Thông giáo cũng được chia làm ba hạng: thượng, trung, hạ. Nếu đem so sánh với ba nhóm của Tạng giáo thì ba nhóm của Thông giáo tất cả đều có căn cơ cao hơn.

Xin hỏi: Thông Giáo là Đại Thừa vậy tại sao lại có người của nhị thừa [Thanh Văn, Duyên Giác] ở trong đó?

Xin trả lời: Cửa vua quan luôn đón tiếp thần dân. Người tuy có căn cơ Tiểu Thừa, giáo môn lại là Đại Thừa. Đại thừa dẫn nhập Tiểu Thừa. Thật là hay thay!

Kinh Bát Nhã, kinh Phương Đẳng và những kinh Bát Nhã khác đó là nền tảng của Thông Giáo. Đến đây nói hết về Thông Giáo.

C) BIỆT GIÁO

Biệt Giáo là giáo phái cho chư bồ tát ở ngoài tam giới. Giáo pháp, giáo lý, trí tuệ, đoạn hoặc, tu hạnh, cấp vị, nhân và quả của giáo phái này đều khác với hai giáo phái kể trên [Thông giáo và Tạng giáo], khác Viên giáo, vì vậy gọi là Biệt giáo. Kinh Niết Bàn nói rằng: Tứ đế nhân duyên của Biệt Giáo có vô lượng tướng, Thanh Văn và Duyên Giác sao mà biết được. Các kinh của Đại Thừa nói rõ sự tu hành của các bồ tát ở các kiếp, các quả vị của các bồ tát. Các quả vị này phân chia một cách rõ ràng không thể lẫn lộn. Đó là các trạng thái tu hành của Biệt giáo.

Trong kinh Hoa Nghiêm nói về các quả vị của bồ tát rằng: Thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng là hiền vị, thập địa là thánh vị, Diệu giác là Phật vị. Kinh Anh Lạc (199) thì lại nói tu bồ tát đạo gồm năm mươi hai quả vị. Kim Quang Minh Kinh có nói đến thập địa và Phật quả. Thắng Thiên Vương Kinh nói rõ về bồ tát thập địa. Kinh Đại Bát Niết Bàn nói rõ về ngũ hạnh (200). Tùy theo các kinh mà các quả vị tăng giảm khác nhau, các bồ tát ở ngoài tam giới, tùy cơ duyên và ích lợi của chúng sinh mà tu hành cấp vị có thêm bớt, sao có thể không thay đổi được?

Nói về các quả vị của Biệt Giáo thì Kinh Anh Lạc là đầy đủ và rõ ràng nhất, vì vậy ở đây sẽ dựa theo kinh Anh Lạc để nói về các quả vị của bồ tát đạo của Biệt Giáo. Mỗi quả vị đoạn trừ được những gì và đát được những quả gì. 52 quả vị được chia làm 7 nhóm:

Đó là: Tín, trụ, hạnh, hướng, địa, đẳng, diệu (7 vị). 7 quả vị này lại được chia làm hai nhóm lớn: Phàm vị và thánh vị. Phàm vị lại chia làm hai nhóm nhỏ: Ngoại phàm vị và nội phàm vị. Ngoại phàm vị gồm có thập tín. Nội phàm vị còn gọi là tam hiền vị, gồm có: Thập trụ, thập hạnh và thập hồi hướng. Thánh vị cũng được chia làm hai nhóm là nhân vị và quả vị. Nhân vị gồm có: Thập địa [còn gọi là thập thánh vị] và đẳng giác. Quả vị gồm có Diệu giác. Phân chia tổng quát các quả vị là như vậy.

Sau đây là nói chi tiết về các quả vị. Trước hết nói về:

A) Ngoại phàm vị hay Phục nhẫn vị, gồm có:

1] Thập Tín, gồm có:

1) Tín tâm (201)

2) Niệm tâm (202)

3) Tinh tiến tâm

4) Tuệ tâm

5) Định tâm (203)

6) Bất thoái tâm (204),

7) Hồi hướng tâm (205),

8) Hộ pháp tâm (206),

9) Giới tâm (207),

10) Nguyện tâm.

Mười quả vị này hàng phục được kiên hoặc, tư hoặc và các phiền não của tam giới, nên còn gọi là phục nhẫn vị (208), thuộc về ngoại phàm vị. Tương đương với thất hiền vị của Tạng Giáo, tương đương với kiền tuệ địa và tánh địa của Thông giáo.

B) Nội phàm vị hay Tam hiền vị, gồm có:

2) Thập trụ

3) Thập hạnh

4) Thập hồi hướng

2] Thập trụ, gồm có:

1) Phát tâm trụ (209): hành giả đã đoạn trừ được hết kiến hoặc của tam giới, tương đương với sơ quả của Tạng giáo, tương đương với tam địa là bát nhân địa và tứ địa là kiến địa của Thông giáo.

2) Tri địa trụ (210),

3) Tu hành trụ (211),

4) Sinh quý trụ (212),

5) Cụ túc phương tiện trụ (213),

6) Chánh tâm trụ (214),

7) Bất thoái trụ (215): Hành giả lên đến lục trụ, đã đoan trừ được hết tư hoặc của tam giới, được bất thoái vị. Tương đương với nhị Phật vị (216) của Tạng giáo và Thông giáo.

8) Đồng chân trụ (217),

9) Pháp vương tử trụ (218)

10) Quán đỉnh trụ (219): Đến ba trụ kể trên: Đồng chân trụ, pháp vương tử trụ, quán đỉnh trụ hành giả đã đoạn trừ được trần sa hoặc (220) trong tam giới. Hành giả đã hàng phục được trần sa hoặc ngoài tam giới. Tạng Giáo và Thông Giáo hoàn toàn không biết đến trần sa hoặc là gì. Thập trụ của Biệt Giáo còn gọi là tập chủng tánh (221). Tập chủng tánh là tu hành từ Giả quán vào Không quán (222) để hiểu chân đế, để khai thông tuệ nhãn (223), để chứng được nhất thiêt trí (224), hành giả đến đây đã đi được 300 dăm đường [ của 500 dăm đường để đến Bảo Sở ] .

3] Thập hạnh (225):

1) Hoan hỉ hạnh (226)

2) Nhiêu ích hạnh (227)

3) Vô vi nghịch hạnh (228)

4) Vô khuất nạo hạnh (229)

5) Vô si loạn hạnh (230)

6) Thiện hiện hạnh (231)

7) Vô trước hạnh (232)

8) Nan đắc hạnh (233)

9) Thiện pháp hạnh (234)

10) Chân thật hạnh (235). Hành giả đến đây đã đoạn trừ được trần sa hoặc của ngoài tam giới.

Thập hạnh kể trên còn gọi là tánh chủng tánh (236). Tánh chủng tánh là tu hành từ Không quán [thập trụ] đi vào Giả quán [thập hạnh] để hiểu tục đế (237), để khai thông pháp nhãn (238), để thành đạo chủng trí (239).

4] Thập hồi hướng (240):

1) Cứu độ chúng sinh rời khỏi chúng sinh tướng hồi hướng (241)

2) Bất hoại hồi hướng (242)

3) Đẳng nhất thiết chư Phật hồi hướng (243)

4) Chí nhất thiết xứ hồi hướng (244)

5) Vô tận công đức tạng hồi hướng (245)

6) Nhập nhất thiết bình đẳng thiện căn hồi hướng (246)

7) Đẳng tùy thuận nhất thiết chúng sanh hồi hướng (247)

8) Chân như tướng hồi hướng (248)

9) Vô phược vô trước giải thoát hồi hướng (249)

10) Nhập pháp giới vô lượng hồi hướng (250).

Hành giả đến đây đã điệu phục được 42 phẩm vô minh, tu tập trung quán. Thập hồi hướng còn gọi là đạo chủng tánh. Hành giả đã đi được bốn trăm dăm đường, còn một trăm dăm nữa thì đế Báo Sở, đã đến Phương tiện hữu dư thổ (251), đã lên đến ba mươi quả vị đó là tam hiền vị, cũng gọi là nội phàm vị. Từ đồng chân trụ đến đây là đã đến hành bất thoái vị (252).

c) Thánh vị, gồm nhân vị và quả vị

c1) Nhân vị gồm có:

- Thập địa

- Đẳng giác

c2) Quả vị: Diệu giác

Nhân vị của Thánh vị: Thập địa (253)

1) Hoan hỉ địa (254). Từ hoan hỉ địa trở đi, hành giả sẽ dùng trung đạo diệu quán tu hành, phá được một phần vô minh thi chứng được một phần tam đức (255), từ thập địa cho đến đẳng giác, gọi chung là thánh chủng tánh. Đó là kiến đạo vị (cẩn thận Kiến đạo vị của Biệt Giáo khác Kiến đạo vị của Tạng Giáo), còn gọi là vô công dụng vị (256), đến đây hành giả đã vào vô thượng bồ tát đại đạo, hiện bát tướng (257) ở cả trăm thế giới để cứu độ chúng sinh. Hành giả đã đi hết năm trăm dặm đường vừa bước đến cõi trang nghiêm, Bảo Sở, đã đạt được bồ tát thực quả.

2) Ly cấu địa (258)

3) Phát quang địa (259)

4) Diệm tuệ địa (260)

5) Nan thắng địa (261)

6) Hiện tiền địa (262)

7) Viễn hành địa (263)

8) Bất động địa (264)

9) Thiện tuệ địa (265)

10) Pháp vân địa (266) (trên đây cửu địa mỗi địa đoạn trừ được một phẩm vô minh, chừng được một phân trung đạo), đoạn trừ thêm một phẩm vô minh nữa thì được vào đẳng giác vị (267).

Đẳng giác vị:

Đẳng giác vị còn gọi là Kim cương tâm (268), hay gọi là nhất sinh bổ xứ (269), hữu thượng sĩ (270).

Quả vị của Thánh vị: Diệu Giác

Nếu lại đoạn diệt thêm một phẩm vô minh nữa thì vào Diệu giác vị (271). Ngồi trên đại bảo hoa vương tọa (272), dưới cây thất bảo bồ đề (273), trong liên hoa tạng thế giới (274), hiện viên mãn báo thân. Giúp chư bồ tát căn cơ con yếu, chuyển vô lượng tứ đế pháp luân, đây chính là Phật. Có nhiều kinh lại nói rằng: Chư bồ tát chưa tu đến thất địa được gọi là hữu công dụng đạo (275). Chư bồ tát tu đến bát địa trở lên được gọi là vô công dụng đạo. Co kinh lại nói đến Diệu giác vị mới đoạn trừ được nhất phẩm vô minh, điều này khác với những gì giảng trên đây [dựa theo kinh Anh Lạc]. Điều khác biệt này là tùy căn cơ của chúng sinh mà giảng dạy, tùy cơ ứng biến.

Lại có kinh nói [kinh Bát Nhã]: Sơ địa đoạn trừ kiến hoặc, từ nhị địa đến lục địa đoạn trừ tư hoặc, tương đương với quả vị A La Hán. Đấy là mượn những quả vị của Biệt Giáo để nói những quả vị của Thông Giáo. Lai có kinh nói rằng [ Nhân Vương Hộ Quốc Kinh]: Tam hiền vị và thập thánh vị là tương đương với quả báo thổ, [đó chính là thực báo trang nghiêm thổ,] chỉ có Đức Phật mới có thể ở nơi thường tich quang tịnh thổ (276) này. Đây là mượn tên Tam hiền vị và thập thánh vị của Biệt Giáo để diễn tả cái quả vị thường tich quang tịnh thổ của Viên GIáo. Chuyện mượn quả vị của giáo phái này để tả quả vị của giáo phái khác có rất nhiều. Học giả phải tỉ mỉ nghiên cứu biết mỗi giáo phái đoạn trừ kiến tư hoặc gì, chứng được quả vị gì, chứng được chân đế gì, như vậy khi phân biệt các quả vị của các giáo phái sẽ không gặp khó khăn. Đến đây nói xong Biệt Giáo.

E) VIÊN GIÁO

Viên có nghĩa là viên diệu (277), viên mãn (278), viên túc (279), viên đốn (280) nên gọi là Viên Giáo. Với viên phục (281), viên tín (282), viên đoạn (283), viên hạnh (284), viên vị (285), viên tự tại trang nghiêm (286), viên kiến lập chúng sinh (287). Tất cả những kinh điển của Đại Thừa nói về các cảnh giới kể trên của chư Phật, hoàn toàn khác biệt với các cấp vị của tam thừa [Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát thừa]. Tất cả những cảnh giới của chư Phật này thuộc về Viên Giáo. Trong kinh Pháp Hoa nói đến bốn chữ: khai, thị, ngộ, nhập (288), đó chính là thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, bốn mươi tu hành cấp vị của Viên Giáo.

Kinh Hoa Nghiêm nói rằng: Vừa phát sơ tâm đã thành chánh giác (289), đã thành tuệ thân không cân tu tập qua các phương thức nào cả đã đạt đến giác ngộ, đã đạt đến thanh tịnh diệu pháp thân, thong dong tự tại, ứng độ tất cả, đó là bốn mươi hai quả vị (290) của Viên Giáo.

Kinh Duy Ma nói rằng: Như người vào rừng cây hoa ngọc lan (291) không ngửi thấy mùi thơm, cũng như vào phòng của cư sĩ Duy Ma chỉ thấy cái thơm của công đức chư Phật. Kinh lại nói rằng: Đây là vào bất nhị pháp môn (292) để đến bát nhã tối thượng thừa (293).

Kinh Niết Bàn nói rõ nhất tâm có đủ ngũ hạnh (294). Kinh Niết Bàn lại nói rằng: Như người vào biển lớn tắm. Như vậy đã dùng tất cả nước của các sông các hồ để tắm rồi.

Kinh Hoa Nghiêm lại kể rằng: Rồng làm mưa, mỗi hạt mưa to như cái trục xe, những trận mưa này chỉ có biển lớn mới chịu nổi, những vùng đất đai sao mà chịu được.

Kinh Thủ Lăng Nghỉêm Tam Muội nói rằng: Lấy vạn thứ hương vê thành một viên hương, khi đốt lên chỉ một viên hương tỏa đủ loại hương thơm. Tất cả những chuyện kể trên đề giảng về Viên Giáo.

E1) Cấp vị

Nay dựa vào kinh Pháp Hoa và kinh Anh Lạc để nói về tám cấp vị tu hành của Viên Giáo.

1) Ngũ phẩm đệ tử vị

2) Thập tín vị

3) Thập trụ vị

4) Thập hạnh

5) Thập hồi hướng

6) Thập địa

7) Đẳng giác

8) Diệu giác

Tám quả vị này lại được chia làm ba nhóm:

a) Ngoại phàm vị

b) Nội phàm vị

c) Thánh vị.

Thánh vị lại được chia làm 2 nhóm nhỏ: Nhân vị và Quả vị

1) Ngũ phẩm đệ tử vị (đây là ngoại phàm vị theo kinh Pháp Hoa),

2) Thập tín vị (đây là nội phàm vị),

3) Thập trụ vị (đây là thánh vị),

4) Thập hạnh,

5) Thập hồi hướng

6) Thập địa

7) Đẳng giác (đây là quả vị chót của nhân vị thuộc thánh vị).

8) Diệu giác (đây là quả vị thuộc thánh vị).

1) NGŨ PHẨM ĐỆ TỬ VỊ (295) [Ngoại phàm vị] gồm có:

1a) Tùy hỷ phẩm

1b) Đọc tụng phẩm

1c) Thuyết pháp phẩm

1d) Kiêm hành lục độ phẩm

1e) Chánh hành lục độ phẩm

1a) Tùy hỉ phẩm: [Gồm 5 nhóm: Ngũ sám hối, Khuyến thỉnh, Tùy hỷ, Hồi hướng, Phát nguyện].

Pháp Hoa Kinh nói rằng: Nếu ai nghe kinh này không sinh lòng chê bai nhưng lại sinh lòng hoan hỷ [Đó là tùy hỷ tâm, bước đầu của ngũ phẩm đệ tử vị].

Xin hỏi: Tùy hỷ là pháp gì?

Xin trả lời: Là diệu pháp (296), diệu pháp chính là tâm. Diệu tâm có đầy đủ các pháp, như như y bảo châu (297). Tâm, Phật, Chúng sinh không còn khác biệt nhau nữa (298). Tâm này chính là tức Không, là tức Giả, là tức Trung (299). Thường cảnh vô tướng, thường trí vô duyên, vô duyên nhưng lại là duyên, đó chẳng qua là tam quán (300), vô tướng là tướng, đó chẳng qua là tam đế (301). Mới phát sơ tâm mà đã hiểu được những lý này, thật mừng cho mình và mừng cho các người đã hiểu được những thắng pháp này để cùng chứng đạo quả, vì vậy gọi là tùy hỷ. Trong tu tam quán đó là tu cảnh của tam đế, ngoài tu hành ngũ hối, chăm chỉ tinh tiến để hiểu được những chân đế giúp minh, giúp người.

1a/1) Ngũ sám hối:

Có năm loại sám hối được chia làm hai nhóm là ý sám hôi và sự sám hối.

Lý sám hối: Người muốn sám hối phải ngồi ngay ngắn, tịnh niệm thực tướng (302), các tội như sương, như lộ, trí tuệ như ánh mặt trời, các tội sẽ bị tiêu diệt, đó là nghĩa của lý sám hối.

Sự sám hối: Ngày đêm sau giờ, thanh tịnh tam nghiệp, trước tượng chư Phật hay chư bồ tát, tâu trình lên tội trạng của mình, từ vô thủy cho đến đời này.

Tất cả những việc làm: Giết hại cha mẹ, sát hại A la hán, phá hoại sự đoàn kết của các tăng già, phá hoại thân Phật, làm những chuyện dâm tà, trộm, cướp, vọng ngôn, y ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, tham, sân, si các tội. Tất cả những tội ngũ nghịch thập ác và những tội khác, theo ý mình nói thật và nói hết ra, không chút giấu giếm, hứa không tái phạm. Nếu làm như vậy ngoại chướng sẽ giảm dần, tâm tu tập về tam quán sẽ được tăng trưởng tuệ quang sẽ trong sáng, như thuyền theo dòng nước lại thêm mái chèo, như vậy sẽ được đến mục đích nhanh hơn. Những hành giả tu theo Viên Giáo cũng vậy. Trong tu tam để tam quán, ngoài thành tâm sám hôi, tu và hành sẽ bổ túc cho nhau, làm như vậy làm sao không đến bờ giác nhanh chóng hơn. Đừng nghĩ là phương pháp sám hối này là của tiệm ngộ, Viên giáo là viên đốn], đâu cần tu hành sám hôi. Nếu hiểu như vậy thì thật sai to. Đâu có tự nhiên thành Di Lặc bồ tát, đâu có tự nhiên thành đức Phật Thích Ca. Vừa nghe thuyết sinh tử tức Niết Bàn, phiền nào tức bồ đề, tức tâm là Phật, vậy không cần tu hành gì cả sẽ thành Phật, không cần tu tập gì cả sẽ thành chánh giác. Như vậy thập phương thế giới đều là tịnh thổ, tất cả những người chúng ta gặp thấy đều là bậc chánh giác. Này là tức Phật, này là lý tức (303), đó là cái pháp thân trống không [không có công đức gì cả], không có trang nghiêm gì cả. Như vậy thì không có gì liên quan đến tu hành cả. Chỉ có những người ngu xuẩn mới nghe thuyết tức không là bỏ tu hành, như vậy không biết chữ TỨC là từ đâu đến, là tiêng chuột kêu tức tức hay là tiếng chim kêu không không, [chứ không phải là chữ TỨC của Viên Giáo đâu]. Thuyết của chữ TỨC có nói rất nhiều trong các kinh luận, hãy tìm đọc và tư duy.

1a/2) Khuyến thỉnh:

Đều thứ hai muốn khuyến các hành giả là khuyến thỉnh thập phương chư Như Lai hãy ở lại thế gian này lâu hơn để cứu độ chúng sinh.

1a/3) Tùy hỉ

Tùy hỉ là tán thán những điều thiện.

1a/4) Hồi hướng

Tất cả những tán thán các điều thiện kể trên [sám hối, khuyên thỉnh, tùy hỉ công đức]. Lấy tất cả các công đức này hồi hướng bồ đề.

1a/5) Phát nguyện: Nếu không phát tâm thì chẳng việc gì thành. Vì vậy phải phát nguyện thì mới làm được bốn điều kể trên. Đó là ngũ sám hối. Từ cấp tu tùy hỷ cho đến cấp đẳng giác đều phải tu ngũ sám hối. Vì vậy sẽ không nhắc lại nữa, nếu cần xin xem lại đoạn trên.

1b) Đọc tụng phẩm

Người [thấy Kinh Pháp Hoa] mà tụng đọc thọ tri, nếu trong tâm dùng viên quán (304), lại thêm tụng đọc, thì như lửa thêm dầu [thành tựu nhanh chóng].

1c) Thuyết pháp phẩm

Kinh Pháp Hoa nói rằng: Nếu có người thọ trì tụng đọc kinh này lại thuyết giảng cho người khác nghe như vậy bên trong cái tu tâm và công đức của mình được thăng tiến, bên ngoài lại làm lợi cho người nghe. Công đức giáo hóa người khác giúp chính mình tu tâm thăng tiến hơn.

1d) Kiêm hành lục độ (305)

Kinh Pháp Hoa nói rằng: Nếu có người thọ trì kinh này và kiêm hành các bố thí, thì sức cồng đức càng được kiên cố, việc quán tâm sẽ được tăng nhanh gấp bội.

1e) Chánh hành lục độ

Kinh Pháp Hoa nói rằng: Nếu có người thọ trì kinh này, thuyết giảng cho người khác nghe, lại trì tất cả mọi giới và làm tròn cái việc tự tu hành và giáo hóa tha nhân. Sự và lý đều đầy đủ, làm như vậy sự quán tâm sẽ không bị trở ngại, thăng tiến sẽ nhanh hơn xưa, thành quả không thể lường được.

Năm phẩm vị kể trên của Viên giáo, viên phục (306) được ngũ trụ phiền não (307), đây là những ngoại phàm vị, tương đương với thập tín vị của Biệt Giáo.

Sau đó [hành giả Viên giáo] sẽ tiến lên lục căn thanh tịnh vị (308) [của nội phàm vị], quả vị này là thập tín vị của Viên Giáo.

2).THẬP TÍN VỊ:

Thập tín vị của Viên giáo chia làm 3 nhóm:

- Sơ tín vị

- Nhị tín vị đến thất tín vị

- Bát tín vị đến thập tín vị

a) Sơ tín vị: Viên giáo sơ tín vị (309) đoạn trừ được kiến hoặc, chứng được chân lý (310); tương đương với Tạng Giáo sơ quả vị; tương đương với Thông giáo bát nhân vị và kiến địa vị; tương đương với Biệt Giáo sơ trụ vị; đã chứng được bất thoái vị rồi.

b) Nhị tín vị - thất tín vị: Sau đó Viên Giáo từ nhị tín vị đến thất tín vị, nhị Phật vị của Tạng Giáo và của Thông Giáo; tương đương với vị thứ nhì cho đến vị thứ bẩy của thập trụ vị của Biệt Giáo.

Đến đây hành giả của Viên Giáo đã đoạn trừ được tất cả khổ quả của khổ đế và nhân của tập đế, [kiến hoặc và tư hoặc của tam giới]. Vì vậy Nhân Vương kinh nói rằng: Thập thiện bồ tát phát đại tâm, [đoạn trừ được kiến hoặc, tư hoặc và] thoát ra được cái khổ luân hồi của tam giới. Kinh Hoa Nghiêm giải thích rằng: Thập thiện là mỗi phẩm [của thập tín vị] đều có thập thiện. Nếu là thập tín vị của Biệt Giáo thì mới chỉ có thể điều phục được kiến hoặc và tư hoặc chưa đoạn trừ được những hoặc này. [Còn thập tín vị của Viên Giáo thì đã đoạn trừ hết các hoặc này và đã ra khỏi vòng luân hồi của tam giới], vậy thập tín vị nói đây phải là của Viên Giáo.

Nhưng hành giả của Viên Giáo không phải chỉ ước mong đoạn trừ kiến hoặc, tư hoặc và trần sa hoặc mà mong chính là chứng được Viên Giáo sơ trụ để đoạn trừ vô minh và chứng được Phật tính. Cũng như một người luyện sắt, phải nung sắt để loại bỏ tất cả những chất dơ bẩn trong khoáng sắt, nhưng điều người này mong ước không phải là chỉ loại chất dơ bẩn mà là cái khí cụ được tạo thành, khí cụ chưa thành, tuy thấy những chất dơ bẩn được loại bỏ, người này vẫn không có gì vui cả. Vì sao vậy? Vì cái kỳ vọng của người này đã đạt được đâu. Người tu hành Viên Giáo cũng như vậy, đoạn trừ được các hoặc chưa phải là mục đích của họ.

Vĩnh Gia đại sư nói rằng: Cùng trừ tứ trụ (311) đến đây các giáo phái đều giống nhau, nếu nói về hàng phục vô minh thì Tạng giáo là không làm được [vì Tạng giáo Phật quả vị, tương đương với lục thanh tịnh vị của Viên giáo, chỉ đoạn trừ tứ trụ trong giới nội, vô minh là giới ngoại]. Để giải thích: Tứ trụ chỉ là kiến hoặc và tư hoặc. Có một loại Kiến hoặc tên là Kiến nhất thiết xứ trụ địa (312). Ba loại tư hoặc là:

1) Dục ái trụ địa, đó là dục giới cửu phẩm tư hoặc.

2) Sắc ái trụ địa, sắc giới gồm bốn cõi (313), mỗi cõi có chím phẩm tứ hoặc.

3) Vô sắc ái trụ địa, vô sắc giới gồm bốn cõi (314), mỗi cõi có 9 phẩm tư hoặc. Đó là tứ trụ. Người đắc Phật quả của Tạng Giáo và người đắc lục căn thanh tịnh vị của Viên Giáo đều đoạn trừ được tứ trụ này, vì vậy gọi là đồng trừ tứ trụ. Nếu nói đến hàng phục vô minh thì Tạng Giáo không hàng phục được, vì vô minh là một biệt hoặc (315), là một chướng ngại để ngộ được trung đạo, nó thuộc về các cõi ở ngoài tam giới. Tạng Giáo chỉ đoạn diệt được thông hoặc (316) của các cõi ở trong tam giới. Vô minh còn chưa biết làm sao hàng phục và đoạn trừ được nó. Vì vậy nói là Tạng Giáo là không hàng phục và đoạn trừ được.

c) Bát tín vị - thập tín vị

Sau đó Viên Giáo từ cấp vị bát tín vị cho đến cấp thập tín vị đã đoạn trừ được tất cả các trần sa hoặc của trong tam giới và ngoài tam giới, đã chứng được giả quán và thấy được cái lý của tục đế, pháp nhãn đã khai thông, đã có đủ đạo chủng trí (317), đã đi được bốn trăm dặm đường [để đến Bảo Sở]. Tương đương với bát trụ, cửu trụ, thập trụ và thập hạnh vị, thập hồi hướng vị của Biệt Giáo. Đến đây hành giả đã đạt được hạnh bất thoái vị (318). Sau đó [hành giả của Viên Giáo] sẽ đi vào sơ trụ vị, cứ đoạn trừ được một phẩm vô minh thì chứng được một phần tam đức. Tam đức là: giải thoát đức, bát nhã đức, pháp thân đức. Tam đức này bất tung bất hoành (319), như là ba điểm của chư thế Y (320), như ba con mắt của Thiên Chủ (321). Hiện thân trăm giới, bát tướng thành đạo, rộng rãi cứu độ chúng sinh. Kinh Hoa Nghiêm nói rắng: “Sơ phát tâm thời tiện thành chánh giác, sở hữu tuệ thân bất do tha ngộ. Thanh tịnh diệu Pháp thân trạm nhiên ưng nhất thiết”. Giải thích là: [hành giả Viên Giáo] khi phát tâm, đạt đến sơ trụ vị đã thành đạt được chánh giác, thành bát tướng Phật (322), đắc phần chứng (323) quả vị, tức chứng được chân nhân (324) của Viên Giáo. Nếu nói là đã chứng được Diệu giác thì sai lầm lớn. Như thế thì từ cấp vị nhị trụ trở lên các cấp vị lập ra làm gì? Nếu nói là [những cấp vị sau] chỉ là lập lại [các quả vị nhất trụ], như vậy chẳng lẽ Đức Phật giảng thừa sao?.

Tuy trong [Viên Giáo] có nói khi chứng được một cấp vị thì chứng được tất cả các cấp vị. Kinh [Niết Bàn] cũng nói rằng: Phát sơ tâm và cứu cánh thành Phật tâm không khác biệt nhau [vì đều chứng được chân như tự tánh]. Nhưng phải biết rằng hai quả vị này khác nhau [vì sơ trụ vị chỉ là phần chứng quả vị còn Diệu giác vị là cứu cánh chứng quả vị, vậy phải cẩn thận phân biệt khi nói là [Phát sơ tâm và cứu cánh thành Phật tâm] không khác biệt nhau. Hãy xem chuyện kể [trong kinh Pháp Hoa Sau đây]: Long Nữ thành chánh giác (325), chư Thanh văn được thọ ký sẽ thành Phật (326). Tất cả những người này thành Phật là ở cấp vị sơ trụ Phật [không phải cứu cánh Phật], và thành Phật tướng. Tuệ thân (327) nghĩa là đã có đủ bát nhã đức (328) vì liễu nhân Phật tính (329) đã khai sáng. Diệu pháp thân tức là pháp thân đức, có được nhờ chánh nhân Phật tính khai sáng. Nhất thiết ứng thân tức là giải thoát đức, cần nhân duyên Phật tính khai phát mà có. Tam thân [diệu pháp thân, tuệ thân, nhất thiết ứng thân] có đủ là nhờ vào tam nhân phát sinh ra tam đức. Tam nhân tự có đủ trong hành giả không phải do tu tập bên ngoài mà có được. Đến đây cái chân đế của trung quán đã hiện ra ở trước mặt hành giả, đã khai được Phật nhãn của hành giả, đã thành nhất thiết chủng trí (330). Hành giả đã đi hết năm trăm dặm đường, đã đến Bảo Sở, [thành cứu cánh Phật], đã đến thật báo vô chướng ngại thổ (331), đắc niệm bất thoái vị (332).

3)THẬP TRỤ VỊ:

Nhân vị của Thánh vị gồm có thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, đẳng giác.

Từ nhị trụ đế thập trụ, mỗi trụ đoạn trừ được một phẩm vô minh, tiến hơn lên một phần về trung đạo, tương đương với thập địa của Biệt Giáo.

4) THẬP HẠNH VỊ:

[Sau thập trụ] đến sơ hạnh vị, lại đoạn trừ được thêm một phẩm vô minh. [Sơ hạnh vị] tương đương với đẳng giác vị của Biệt Giáo. Sau đó đế nhị hạnh vị tương đương với Diệu giác vị của Biệt Giáo. Từ tam hạnh vị trở lên thì Biệt Giáo [không còn quả vị nào để so sánh với Viên giáo nữa vì quả vị của Biệt Giáo chấm dứt tại Diệu giác vị], tên của các quả vị sau đó [của Viên giáo, Biệt Giáo] còn chưa biết, thì nói chi đến hàng phục và đoạn trừ [ba mươi phẩm vô minh còn lại]. Vì vậy Biệt Giáo chỉ biết đoạn trừ mười hai phẩm vô minh [đầu] mà thôi.

Vì vậy chân nhân của Viên Giáo tương đương với Đẳng giác hay Diệu giác quả vị của Biệt Giáo. Lý do là cái quyền vị của một giáo phái càng cao, thì cái thực vị của nó lại thấp. Thí dụ như tình hình biên giới không yên vị tướng được bổ nhiệm để trị loạn có quyền chức cao. Nhưng khi ban tước vị cho vị tướng đó thì tước vị so với quyền chức lại nhỏ hơn nhiều. Vì vậy trong quyền giáo gọi là Diệu giác thì chỉ là nhị hạnh vị trong thực giáo mà thôi.

Lại từ tam hạnh vị cho đến thập địa, mỗi cấp vị đoạn trừ được một phẩm vô minh, tiến hơn lên một phần về trung đạo.

5) THẬP HÔI HƯỚNG VỊ

6) THẬP ĐỊA VỊ

Khi đến thập địa vị thì đoạn trừ được bốn mươi phẩm vô minh.

7) ĐẲNG GIÁC

Chỉ cần đoạn trừ thêm một phẩm vô minh là vào đẳng giác quả vị, đến Nhất sanh bổ xứ (333).

8) DIỆU GIÁC: Đây là quả vị của thánh vị

Nếu đoạn trừ thêm một phẩm vi tế vô minh (334) thì vào diệu giác vị, vĩnh biệt cha mẹ vô minh.

Sau cùng đã lên đến đỉnh núi của Niết Bàn. Tất cả chư pháp bất sanh, tất cả bát nhã bất sanh, [chư pháp] bất sanh, [bát nhã] bất sanh, vì vậy gọi là Đại Niết Bàn. [Phật của Viên giáo] lấy hư không làm nơi an tọa, lấy thanh tịnh làm pháp thân, cư ngụ trong cõi thường tịch quang thổ (335), đó là Phật tướng của Viên Giáo.

Những cấp vị của Viên Giáo nếu không dùng lục tức (336) để phán định thì sợ có sự hiểu lầm và lạm dụng, lấy phàm vị cho là thánh vị, vì vậy cần dùng lục tức để phán định những quả vị cho đúng.

E) LỤC TỨC PHẬT

1) LÝ TỨC PHẬT: Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, có Phật hay không có Phật [ở thế gian], tánh và tướng của Phật thường có trong chúng sinh. [kinh điển Đại Thừa] lại nói: Nhất sắc nhất hương, không pháp nào không phải là trung đạo, nói chung là lý tức .

2) DANH TỰ TỨC PHẬT: Sau đó được những thiện tri thức giảng dạy, từ kinh điển học hỏi, biết được điều [mình có Phật tính, mình cũng là Phật], gọi là Danh tự tức [Phật ].

3) QUÁN HẠNH TỨC PHẬT: Dựa vào giáo pháp tu hành, đó là quán hạnh tức [Phật] (đắc ngũ phẩm vị).

4) TƯƠNG TỰ TỨC PHẬT: Nhờ tướng tự giải phát (337), đắc Tương tự tức [Phật] (đắc thập tín vị).

5) PHẦN CHỨNG TỨC PHẬT: mỗi diệt được một phẩm vô minh thì lại chứng được một phần pháp thân. Đó là phân chứng tức [Phật] (đi từ sơ trụ đến đẳng giác).

6) CỨU CÁNH TỨC PHẬT: Trí tuệ và đoạn trừ đã viên mãn, đó là cứu cánh tức [Phật ] (đắc diệu giác vị).

Trên đây là các cấp vị tu hành [của Viên giáo ]. Từ thấp đến cao, nên gọi là lục tức [Phật]. Dựa theo lý và thể của lục tức Phật cho thấy cấp vị nào cũng không giống nhau, nên gọi là tức. Vì vậy hiểu rõ lục tức thì sẽ không sanh lòng ngạo mạn với các cấp vị trên và cũng không sanh lòng tự ti [khi ở cấp vị thấp]. Có thể dựa vào [lục tức ] mà tu học, suy nghĩ mà chọn lựa. Nói đến đây là hết về phần các cấp vị của Viên Giáo.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 5 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.108.87 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (141 lượt xem) - Hoa Kỳ (6 lượt xem) - ... ...