(Mời quý vị xem nội dung đầy đủ trong dạng file PDF - chọn menu Xem định dạng khác rồi chọn PDF.)“Hòa Thượng Hải Hiền” là tác phẩm tiếng Hán được Diệu Âm bút ký theo cuộc đời của Hòa thượng. Ngoài ra, một số trang mạng xã hội và nhóm in ấn cũng đã đổi tên tác phẩm thành Hải Hội Thánh Hiền Lục, Cuộc Đời Hòa Thượng Hải Hiền, v.v…
Quyển sách gồm 48 chương, nội dung ghi lại suốt 92 năm tu học, Hòa thượng đã nhất tâm thực hành pháp môn niệm Phật, chứng minh cho mọi người biết rằng: A Di Đà Phật là có thật, thế giới Cực Lạc là có thật, tín nguyện trì danh nhất định sẽ được vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Thân hành ngôn giáo của Hòa thượng Hải Hiền là một tấm gương để mọi người cùng nhau học tập, chỉ cần chịu buông xuống, chăm chỉ niệm Phật thì thật sự được vãng sanh. Đương thời, Hòa thượng Tịnh Không luôn tán thán Hòa thượng Hải Hiền là một bộ Kinh Vô Lượng Thọ sống động, là một tấm gương tốt nhất cho người học Phật cầu vãng sanh.
Tác phẩm đã được nhóm Diệu Âm chuyển ngữ và ấn tống, tái bản và chuyển thành sách nói nhiều lần, tuy nhiên do chủ quan nên vẫn còn nhiều lỗi sai sót trong từ ngữ, cách hành văn. Nhận thấy tác phẩm này có giá trị thiết thực cho người tu học pháp môn Tịnh Độ, nay đủ cơ duyên, chúng con xin hiệu đính lại để phổ biến hành trạng của vị Cao Tăng thật tu thật chứng. Nhân đây, chúng con cũng chân thành xin lỗi những sơ suất trong quá trình chuyển ngữ các phiên bản trước.
Chúng con thành tâm tri ân Hòa thượng Hải Hiền, mong được sự mật hộ của Ngài để lần tái bản này được thành tựu viên mãn. Chúng con kính chúc tất cả đồng tu Tịnh Độ một đời thâm nhập một môn, một câu Phật hiệu niệm đến cùng, lâm chung tự tại vãng sanh thế giới Cực Lạc.
Nam mô A Di Đà Phật.Ngày 19 tháng 8 năm 2022 Chúng đệ tử Diệu Âm kính ghi
_______________________________
TÁN THÁN TỊNH ĐỘ THÙ THẮNGPháp môn niệm Phật vốn là pháp môn cao siêu. Bởi vì một niệm tâm tánh của chúng ta giống như hư không, thường hằng bất biến. Tuy thường hằng bất biến, nhưng niệm niệm lại tùy theo duyên [chuyển biến]. Nếu chẳng tùy thuận duyên của pháp giới Phật thì sẽ tùy theo duyên của chín pháp giới, chẳng tùy thuận duyên của Tam thừa thì sẽ tùy theo duyên của lục đạo, chẳng tùy thuận duyên của trời người thì sẽ tùy theo duyên của ba đường ác. Vì duyên ấy có nhiễm và tịnh bất đồng, nên dẫn đến quả báo khổ và vui cũng khác biệt rất lớn. Tuy bản thể trọn chẳng biến đổi, nhưng tướng và dụng lại khác nhau một trời một vực. Ví như bầu trời, mặt trời chiếu rọi thì trời sáng, mây đen dày đặc thì trời tối. Tuy bản thể của bầu trời, chẳng do mặt trời hay mây đen làm tăng giảm, nhưng tướng bên ngoài hiện rõ hay bị che khuất thì đương nhiên chẳng thể gộp chung mà nói. Căn cứ vào nghĩa này, đức Như Lai dạy tất cả chúng sanh duyên niệm nơi Phật.
Vì thế, trong kinh nói rằng: “Nhược chúng sanh tâm, ức Phật niệm Phật, hiện tiền đương lai, tất định kiến Phật, khứ Phật bất viễn” (Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật niệm Phật thì hiện tiền, tương lai nhất định thấy Phật, cách Phật không xa). Lại nói: “Chư Phật Như Lai, thị pháp giới thân, nhập nhất thiết chúng sanh tâm tưởng trung. Thị cố nhữ đẳng tâm tưởng Phật thời, thử tâm tức thị tam thập nhị tướng, bát thập tùy hình hảo. Thị tâm tác Phật, thị tâm thị Phật. Chư Phật Chánh Biến Tri hải, tùng tâm tưởng sanh” (Chư Phật Như Lai là thân pháp giới, vào trong tâm tưởng của tất cả chúng sanh, nên lúc tâm của các ông tưởng Phật, tâm ấy tức là ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, tâm này làm Phật, tâm này là Phật. Biển Chánh Biến Tri của chư Phật từ tâm tưởng sanh).
Hễ tùy theo duyên của pháp giới Phật thì tâm này làm Phật, tâm này là Phật. Nếu tùy theo duyên của các pháp giới chúng sanh thì tâm này làm chúng sanh, tâm này là chúng sanh. Từ trước đến nay, người hiểu rõ lý này mà chẳng chịu niệm Phật thì chưa từng có.
Pháp niệm Phật này lấy hồng danh đầy đủ vạn đức của Như Lai làm duyên, hồng danh đầy đủ vạn đức ấy lại là đạo vô thượng giác mà Như Lai đã chứng nơi quả địa. Bởi vì [phàm phu] lấy quả địa giác [của đức Phật] làm nhân địa tâm của chính mình, nên nhân bao trùm biển quả, quả thấu tột nguồn nhân. Như người nhiễm hương, trên thân ắt có mùi thơm. Như tò vò cầu chúc ấu trùng [giống mình], lâu ngày thì ấu trùng cũng hóa thành tò vò.
Đời này làm Phật, chuyển phàm thành Thánh, công năng và tác dụng của pháp môn này vượt trội tất cả pháp môn mà Thích Ca Mâu Ni Phật đã thuyết trong một đời. Bởi vì tất cả pháp môn đều nhờ tự lực đoạn hoặc chứng chân mới có thể liễu sanh thoát tử; còn pháp môn niệm Phật thì đầy đủ cả tự lực và Phật lực. Vì thế, người đã đoạn được hoặc nghiệp thì nhanh chóng chứng được Pháp thân; người vẫn còn hoặc nghiệp thì đới nghiệp vãng sanh. Pháp môn này rất bình thường, dù là ngu phu ngu phụ cũng có được lợi ích; nhưng lại vô cùng huyền diệu, dù là Đẳng Giác Bồ tát cũng không vượt khỏi phạm vi của pháp môn này. Do đó, không một ai không tu được, ai cũng có thể tu được pháp môn này. Thực hành dễ mà thành công lại cao, dùng sức ít mà hiệu quả lại nhanh, thật sự là pháp môn đặc biệt trong các giáo pháp mà Thích Ca Mâu Ni Phật đã thuyết trong một đời, đương nhiên chẳng thể dùng lý thông thường để bàn luận và phán xét. Chúng sanh trong thời mạt pháp, phước huệ cạn mỏng, nghiệp chướng sâu dày, nếu không tu pháp môn này mà muốn tự nương vào sức mình đoạn hoặc chứng chân để liễu thoát sanh tử thì khó khăn muôn phần.
Lời tựa dành cho đạo tràng trường kỳ niệm Phật tại chùa Thê Chân (Trích từ Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao, Tăng Quảng Chánh Biên)