Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Chúng ta phải thừa nhận rằng khổ đau của một người hoặc một quốc gia cũng là khổ đau chung của nhân loại; hạnh phúc của một người hay một quốc gia cũng là hạnh phúc của nhân loại.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người tốt không cần đến luật pháp để buộc họ làm điều tốt, nhưng kẻ xấu thì luôn muốn tìm cách né tránh pháp luật. (Good people do not need laws to tell them to act responsibly, while bad people will find a way around the laws.)Plato
Sự giúp đỡ tốt nhất bạn có thể mang đến cho người khác là nâng đỡ tinh thần của họ. (The best kind of help you can give another person is to uplift their spirit.)Rubyanne
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ta có hai cách để học hỏi. Một là đọc sách và hai là gần gũi với những người khôn ngoan hơn mình. (A man only learns in two ways, one by reading, and the other by association with smarter people.)Will Rogers
Ngu dốt không đáng xấu hổ bằng kẻ không chịu học. (Being ignorant is not so much a shame, as being unwilling to learn.)Benjamin Franklin
Ngay cả khi ta không tin có thế giới nào khác, không có sự tưởng thưởng hay trừng phạt trong tương lai đối với những hành động tốt hoặc xấu, ta vẫn có thể sống hạnh phúc bằng cách không để mình rơi vào sự thù hận, ác ý và lo lắng. (Even if (one believes) there is no other world, no future reward for good actions or punishment for evil ones, still in this very life one can live happily, by keeping oneself free from hatred, ill will, and anxiety.)Lời Phật dạy (Kinh Kesamutti)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Hoa nhẫn nhục »» Nguyên lý duyên sinh »»

Hoa nhẫn nhục
»» Nguyên lý duyên sinh

Donate

(Lượt xem: 7.310)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


Hoa nhẫn nhục - Nguyên lý duyên sinh

Font chữ:


Diễn đọc: Trường Tân
Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy mọi sự vật, hiện tượng trong phạm vi giới hạn của đôi mắt mình, nhưng sự thật là còn có rất nhiều điều ta không nhìn thấy nhưng vẫn đang hiện hữu đồng thời với sự vật, hiện tượng mà ta nhìn thấy. Ngắm nhìn một bông hoa, ta chỉ thấy được vẻ đẹp qua màu sắc, đường nét của những cánh hoa, nhưng cái ta không nhìn thấy là sự sống của bông hoa ấy với vô số những điều kiện tương quan cần thiết, chẳng hạn như nước được hút lên từ lòng đất với dưỡng chất để tạo thành nhựa cây, ánh nắng từ không trung tỏa chiếu, vừa sưởi ấm để tạo nhiệt độ cần thiết, vừa giúp vào quá trình quang hợp của lá cây, cho đến thành phần không khí mà cây hoa phải dùng đến trong “hơi thở” của nó...

Nhưng tất cả những gì ta không nhìn thấy đó lại là những điều kiện tất yếu cho sự tồn tại vẻ đẹp của bông hoa. Không có nước, cây sẽ héo úa. Không có dưỡng chất, cây sẽ không thể sinh trưởng. Cho đến không có không khí, không có ánh nắng... đều sẽ dẫn đến sự không tồn tại của bông hoa xinh đẹp kia...

Vì thế, cho dù không nhìn thấy được những yếu tố vừa mô tả, nhưng ta hoàn toàn có thể nhận biết được chúng qua sự tồn tại sống động của bông hoa. Bông hoa tươi đẹp còn đó, có nghĩa là vẫn còn có sự hiện hữu của đất, của nước, của ánh nắng, của không khí... và vô số những yếu tố khác nữa cần thiết cho sự sống của nó.

Tương tự như vậy, chúng ta có thể và cần phải nhận biết mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc sống này một cách sâu xa và toàn diện, nghĩa là trong mối tương quan với sự hiện hữu của chúng. Chúng ta sẽ không thường xuyên giữ được những bông hoa đẹp nếu chúng ta không nhận biết được gì về điều kiện tồn tại của nó. Vì không nhận biết, ta sẽ có thể vô tình làm hại đến bông hoa, và vì thế nó sẽ không còn tồn tại để cho ta nhìn ngắm. Nếu bạn mang một chậu hoa vào nhà, nó sẽ không thể sống khỏe được vì thiếu ánh nắng. Nếu bạn cắt rời một bông hoa ra khỏi thân cây, nó sẽ héo rũ vài ba ngày sau đó.... Và nếu bạn không nhớ tưới nước cho cây hoa, nó sẽ không thể cho bạn những bông hoa xinh đẹp.

Mọi hiện tượng quanh ta đều không tồn tại độc lập. Chúng luôn có mối tương quan tồn tại và chi phối lẫn nhau. Ngay cả sự tồn tại của mỗi cá nhân chúng ta cũng không phải là ngoại lệ. Chúng ta không thể nhìn thấy nhưng cần phải nhận biết điều đó. Sự sống của chúng ta là một chuỗi tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với tất cả mọi người quanh ta, với những người khác trên thế giới này, và cả với vô số những yếu tố, điều kiện, nhân duyên khác. Chính vì không nhận biết được những điều này mà con người đã gây ra biết bao tổn hại cho chính mình qua việc tàn phá môi trường, hủy hoại hệ sinh thái, và thậm chí là gây tổn hại trực tiếp cho nhau về cả vật chất lẫn tinh thần.

Khi chúng ta nhận biết mọi hiện tượng, sự vật trong mối tương quan tồn tại với vô số hiện tượng khác, chúng ta sẽ không còn cảm thấy ưa thích hay ghét bỏ một hiện tượng nào đó, bởi vì ta nhận ra rằng sự ưa thích hay ghét bỏ như vậy là hoàn toàn không hợp lý. Làm sao bạn có thể yêu thích bông hoa và ghét bỏ khối phân dùng để bón cho cây hoa ấy? Khi bạn hiểu rằng sự có mặt của khối phân là điều kiện tất yếu giúp cho bông hoa kia tồn tại, bạn sẽ thấy rằng thái độ bình đẳng đối với cả hai mới là hợp lý.

Điều này cũng xảy ra đối với sự tồn tại của mỗi người chúng ta. Khi bạn cảm thấy không ưa thích một sự việc nào đó, hãy dành thời gian để thử suy nghĩ lại. Liệu sự việc mà bạn ghét bỏ đó có phải là hoàn toàn không liên quan đến sự tồn tại của bạn hay chăng? Tôi tin rằng câu trả lời là không. Bởi vì khi bạn nhận biết vấn đề theo cách như trên, bạn sẽ thấy là không một yếu tố nào trong cuộc sống này lại không liên quan – trực tiếp hay gián tiếp – đến sự sống còn của mỗi một cá nhân.

Có những mối quan hệ trực tiếp mà bạn có thể dễ dàng nhận biết, nhưng cũng có những mối quan hệ tưởng như rất mơ hồ vì sự xa xôi, cách biệt, nhưng xét cho cùng vẫn luôn có sự chi phối, ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Ta cần có sự quán xét sâu xa và sáng suốt hơn mới có thể nhận ra được những mối quan hệ tinh vi như thế. Này nhé, ngày hôm qua giá xăng dầu vừa tăng cao, và bạn biết ngay là ngân sách chi tiêu của gia đình sẽ phải có sự thay đổi, điều chỉnh thích hợp. Nhưng bạn có biết vì sao giá xăng dầu tăng cao hay chăng? Có lẽ để nhận biết điều này bạn cần phải quan tâm đến thời cuộc thế giới, đến sự phân tích của các chuyên gia.v.v... Nhưng tôi thật không có ý muốn bạn đi sâu vào những vấn đề rối rắm như thế. Tôi chỉ muốn nhắc bạn một điều là, những gì ta không nhìn thấy không có nghĩa là không hiện hữu. Và vì thế, chúng ta không thể phủ nhận vô số những điều kiện đã và đang chi phối cuộc sống của chúng ta.

Đạo Phật trình bày những mối tương quan chằng chịt trong cuộc sống như thế trong một nguyên lý gọi là “duyên sinh”, và được kinh Hoa nghiêm mô tả như là “trùng trùng duyên khởi”.

Theo nguyên lý duyên sinh, tất cả mọi sự vật, hiện tượng đều không thể tự nó sinh khởi. Sự sinh khởi của mỗi một sự vật, hiện tượng đều là do kết hợp bởi một số nhân duyên nhất định nào đó, nhưng mỗi một nhân duyên trong số này lại cũng là sự kết hợp của một số nhân duyên khác nữa. Và vì mối tương quan này được nối dài không giới hạn nên khi xét đến cùng thì tất cả mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ pháp giới đều có liên quan với nhau, đều nương theo nhau mà sinh khởi và tồn tại.

Kinh Hoa nghiêm mô tả mối tương quan này bằng hình ảnh một tấm lưới được giăng ra vô tận trong không gian. Ở mỗi một mắt lưới có đính một viên ngọc sáng. Một cách khéo léo, người giăng lưới đã tính toán sao cho tất cả các viên ngọc đều được phản chiếu trong mỗi một viên ngọc. Và vì thế, khi chúng ta nhìn kỹ vào bất cứ một viên ngọc nào, chúng ta cũng đều thấy được vô số những viên ngọc khác trong toàn tấm lưới.

Toàn thể vũ trụ được mô tả là tương tự như thế. Mỗi một sự vật, hiện tượng đều có thể được nhận biết nơi những sự vật, hiện tượng khác, vì sự tương quan tồn tại của chúng. Và nguyên lý này có thể vận dụng ngay vào những gì đang hiện hữu quanh ta để xóa đi mọi nhận thức phiến diện, hẹp hòi. Khi nhận biết được mối tương quan thật có giữa mọi sự vật, hiện tượng, chúng ta sẽ không còn cảm thấy khó chịu hay bực mình vì một sự việc nhỏ nhặt nào đó đã không diễn ra theo đúng ý mình. Bởi vì khi nhìn sâu vào sự việc bất như ý đó, chúng ta cũng thấy được vô số những sự việc quan trọng và cần yếu khác sở dĩ có được là nhờ nó.

Vì không có một sự vật hay hiện tượng nào có thể tự nó sinh khởi, nên chúng ta cũng có thể hiểu được rằng sự sinh khởi của mỗi một sự vật hay hiện tượng chẳng qua chỉ là sự kết hợp của những nhân duyên nhất định. Khi những nhân duyên không còn nữa, sự vật hay hiện tượng đó cũng sẽ mất đi.

Do ý nghĩa này nên thực sự không hề có sự sinh ra hay diệt mất của sự vật, hiện tượng như cách nhìn thông thường chia cắt thực tại của chúng ta. Một bông hoa hiện hữu là do có sự hiện hữu của những điều kiện như mặt trời, không khí, nước tưới, phân bón... Bông hoa chưa từng thực sự sinh ra mà chỉ là kết quả sự hội tụ của những điều kiện nhân duyên khác. Tương tự như vậy, khi những điều kiện nhân duyên không còn đầy đủ, bông hoa sẽ không còn hiện hữu và ta gọi là mất đi. Nhưng thực ra cũng không có sự mất đi của bông hoa – vì nó chưa từng sinh ra – mà chỉ có sự tan rã của những điều kiện nhân duyên tương ứng.

Trong cách nhìn nhận thông thường của chúng ta về vũ trụ, cách hiểu như trên có vẻ như thật xa lạ. Nhưng nếu bạn càng suy xét kỹ, bạn sẽ càng thấy được tính hợp lý, xác thật của nó. Chính cách hiểu sai lệch về sự “sinh ra” và “chết đi” đã là nguyên nhân mang đến cho chúng ta vô vàn đau khổ. Chúng ta bám lấy những người thân yêu của mình và mong muốn họ sống mãi với chúng ta. Điều mong muốn vô lý ấy – và vì thế chẳng bao giờ có được – lại được xem là phù hợp với nhận thức của mọi người, với “thế thái nhân tình”. Khi nhân duyên tan rã, người thân ấy không còn nữa và ta gọi đó là “mất đi”. Vì không hiểu được đó chỉ là sự tan rã tất nhiên của những điều kiện nhân duyên, nên ta đau khổ, quằn quại và mong muốn cho sự thật thay đổi. Nhưng rõ ràng đó chỉ là một nhận thức và mong muốn hoàn toàn vô lý nên chẳng bao giờ đạt được. Chúng ta từ chối nhận biết sự thật theo đúng như nó đang diễn ra, và vì thế mà ta đau khổ!

Đối với vô số những vật sở hữu, tài sản của cải trong đời sống, chúng ta cũng luôn nhìn nhận, ôm giữ theo cách tương tự như thế. Trong rất nhiều điều kiện nhân duyên để một sự vật tồn tại thì sự đóng góp của ta chỉ là một phần nhỏ, nhưng ta luôn muốn quyết định sự việc, muốn ôm giữ mãi mãi những vật mình yêu thích. Và khi những điều kiện nhân duyên khác tan rã, sự vật không còn nữa thì chúng ta đau khổ, tiếc nuối...

Sự nhận biết và truyền dạy giáo pháp nhân duyên sinh của đức Phật là một cuộc cách mạng tư tưởng vĩ đại vào thời bấy giờ, và điều đó được nhận biết bởi tất cả những bậc trí thức đương đại. Khi ngài Xá-lợi-phất (Sariputra) còn chưa gặp đức Phật, ngài là một đệ tử xuất sắc của ngoại đạo. Mặc dù vậy, ngài chưa bao giờ hài lòng với những giáo pháp đã học được từ vị thầy ngoại đạo. Ngài đã từng có giao ước với một người bạn chí thân là ngài Mục-kiền-liên (Maudgalyayana), rằng nếu ai tìm được bậc minh sư thì sẽ lập tức giới thiệu với người kia biết để cùng theo học.

Một hôm, Xá-lợi-phất gặp một vị tỳ-kheo trên đường đi khất thực. Vị này tên là A-thuyết-thị (Asvajit), là một trong những đệ tử của đức Phật. Nhìn thấy phong cách siêu việt thoát trần của vị tỳ-kheo, ngài biết ngay đây là một người đang tu tập theo đúng con đường giải thoát. Ngài liền hỏi A-thuyết-thị xem vị này đang theo học với ai. Vị tỳ-kheo chậm rãi trả lời bằng bốn câu kệ như sau:

Nhược pháp nhân duyên sinh,
Pháp diệc nhân duyên diệt.
Thị sinh diệt nhân duyên,
Phật Đại Sa-môn thuyết.

Tạm dịch:

Các pháp nhân duyên sinh,
Cũng theo nhân duyên diệt.
Nhân duyên sinh diệt này,
Do Đức Phật thuyết dạy.

Vừa nghe xong bài kệ, ngài Xá-lợi-phất biết ngay rằng mình đã gặp được bậc minh sư từ lâu mong đợi. Vì chỉ qua bốn câu kệ ngắn ngủi, ngài đã thấy được sự sụp đổ hoàn toàn của toàn bộ nền tảng giáo lý ngoại đạo. Không những thế, những niềm tin sâu xa về một đấng Phạm thiên hay Thượng đế toàn năng sáng tạo vũ trụ cũng hoàn toàn sụp đổ, bất chấp sự ngự trị của nó trong môi trường triết học và tín ngưỡng Ấn Độ từ bao nhiêu thế kỷ qua. Tất cả đều không thật có, chỉ có sự kết hợp và tan rã của các nhân duyên đã tạo nên sự thành hoại của mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ!

Sau lần gặp gỡ đó, ngài Xá-lợi-phất đã cùng ngài Mục-kiền-liên tìm đến với đức Phật, và họ trở thành 2 trong số 10 vị Đại đệ tử kiệt xuất của đức Phật.

Nguyên lý duyên sinh hoàn toàn không phải do đức Phật nghĩ ra. Ngài chỉ là người đầu tiên nhận biết được nó và mô tả lại một cách chính xác, giúp chúng ta cũng có thể nhận ra được giống như ngài. Sự hình thành và tan rã của tất cả mọi sự vật, hiện tượng do nơi nhân duyên là một sự thật khách quan, và vì thế cho dù bất cứ ai cũng không thể phủ nhận được điều này.

Việc nhận hiểu sâu sắc về nguyên lý duyên sinh giúp chúng ta có một nhận thức khách quan và chính xác về thực tại, và do đó cũng dẫn đến những thái độ ứng xử khôn ngoan và chính xác. Nếu như bạn không thể nắm kéo một cây hoa lên vì muốn nó mau lớn, thì bạn cũng không thể tìm mọi cách níu giữ những gì bạn yêu thích để chúng được tồn tại mãi mãi. Cả hai việc này đều đi ngược với nguyên lý duyên sinh, nhưng việc thứ nhất bạn có thể dễ dàng hiểu được, trong khi việc thứ hai lại là sai lầm của đại đa số con người.

Điều kỳ lạ là, rất nhiều người trong chúng ta dành thời gian nghiên cứu, học hỏi về thuyết tương đối của Albert Einstein để có thể nhận biết chính xác hơn về thế giới vật chất quanh ta, nhưng lại ít người tìm hiểu về nguyên lý duyên sinh để có thể nhận biết một cách chính xác hơn về mọi sự vật, hiện tượng trong đời sống!

Khi bạn thấu triệt được nguyên lý duyên sinh, bạn sẽ có thể rèn luyện được khả năng nhận biết sự việc không giới hạn trong những gì nhìn thấy, mà luôn có sự mở rộng đến những gì tương quan. Hơn thế nữa, vì nguyên nhân sâu xa thực sự của vấn đề đã được nhận biết, nên bạn sẽ không còn bực tức hay oán giận đối với những nguyên nhân cạn cợt bên ngoài của sự việc. Mọi sự việc đều diễn ra theo tiến trình kết hợp các điều kiện nhân duyên, nên chúng ta không thể khởi tâm yêu ghét đối với một trong số các nhân duyên đó.

Nhờ nhận biết được tính chất duyên sinh của mọi sự vật, hiện tượng, chúng ta không còn cảm thấy khó chịu hay bực tức đối với mọi sự việc không tốt xảy đến cho mình, và cũng không còn say mê, tham đắm đối với những sự vật mà ta cho là tốt đẹp, đáng yêu. Điều đó mang lại cho ta một trạng thái tâm thức luôn bình thản và sáng suốt, luôn nhận biết và đón nhận mọi sự việc xảy đến cho mình một cách an nhiên tự tại. Đó chính là khả năng nhẫn nhục được gọi là “đế sát pháp nhẫn”.

Trong mức độ nhẫn nhục này, thực ra cũng không có cả sự nhẫn chịu. Bởi vì mọi việc đều diễn ra do tiến trình kết hợp và tan rã của các nhân duyên, nên chúng ta chỉ nhận biết và an nhiên chấp nhận chứ không có gì gọi là chịu đựng. Khi một cảm giác đau đớn sinh khởi, ta nhận biết sự sinh khởi của nó do những nhân duyên nhất định, và biết rằng nó sẽ mất đi khi các nhân duyên không còn nữa. Vì thế, ta có thể an nhiên nhận biết sự tồn tại và qua đi của nó mà không có bất cứ sự bực tức, khó chịu hay oán hận nào cả. Và một sự chấp nhận hoàn toàn tự nhiên như thế không phải là một sự chịu đựng theo nghĩa đen của từ ngữ.

Đối với tất cả mọi trạng thái đau khổ hay những sự tổn hại do người khác gây ra, ta cũng đều có thể đón nhận theo cách tương tự như thế. Trong ý nghĩa này, chúng ta có thể thấy là nại oán hại nhẫn và an thọ khổ nhẫn đều đã được bao hàm trong đó.

Như đã nói, nguyên lý duyên sinh đưa đến nhận thức rằng mọi sự vật không hề thực có sự sinh ra và diệt mất. Vì thế, nguyên lý này cũng được gọi là vô sinh hay vô sinh diệt, và pháp nhẫn nhục đạt được do sự thấu triệt nguyên lý này cũng được gọi là Vô sinh pháp nhẫn.

Vô sinh pháp nhẫn cũng là quả vị chứng đắc đầu tiên của hàng Bồ Tát, khi mà mọi sự oán ghét, thù hận đều hoàn toàn tan biến, và vị Bồ Tát có thể sinh khởi tâm từ bi bình đẳng đối với tất cả chúng sinh.

Nhưng nói thật lòng, khi viết lại những dòng này theo ý nghĩa được đọc thấy trong kinh điển, tôi cũng không dám mong rằng sẽ có bạn đọc nào đó nhân nơi đây mà đạt đến mức độ Vô sinh pháp nhẫn của hàng Bồ Tát. Tuy nhiên, tôi thật sự có hy vọng và chân thành mong ước rằng tất cả chúng ta – các bạn và tôi – đều có thể nhận biết được sự chính xác và hợp lý trong những gì được mô tả ở đây, và vì thế mà có thể chấp nhận những điều này như một khuôn mẫu hướng đến trong sự học hỏi vươn lên hoàn thiện bản thân mình. Chỉ cần được như vậy thôi, chắc chắn bạn sẽ thấy rằng có rất nhiều vấn đề trước đây giờ bỗng nhiên không còn nghiêm trọng nữa, nhiều sự căng thẳng cũng không còn nữa, và nhất là sẽ có rất nhiều người quanh ta bỗng trở nên hiền hòa, dễ mến, hoặc ít ra cũng không còn đáng ghét như trước đây!


    « Xem chương trước «      « Sách này có 10 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 52.14.7.103 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...