Hiểu biết và trí tuệ
136. Không ai và chẳng có gì có thể giải thoát cho bạn. Chỉ có sự hiểu biết của chính bạn mới giải thoát cho bạn mà thôi.
137. Tên khùng và vị A La Hán đều biết mỉm cười: nhưng vị A La Hán biết tại sao mình mỉm cười còn tên khùng thì không.
138. Người trí quán sát người khác, nhưng quán sát với trí tuệ chứ không phải với si mê. Quán sát với trí tuệ có thể học hỏi nhiều, nhưng quán sát với si mê thì chỉ tìm thấy lỗi của người khác mà thôi.
139. Điều phiền toái thực sự là biết mà không làm. Không biết nên không làm là chuyện thường, nhưng biết mà không chịu làm thì đó là một vấn đề.
140. Nghiên cứu sách vở không quan trọng lắm. Dĩ nhiên kinh điển là đúng nhưng không diễn đạt hết chân lý. Kinh điển là ngôn từ, chữ viết; mà ngôn từ và chữ viết khả năng diễn đạt có giới hạn. Chẳng hạn như danh từ "sân hận" không thể diễn tả được trạng thái nóng nảy, giận hờn; cũng như nghe tên một người, khác với gặp người ấy. Chỉ có kinh nghiệm của chính bạn mới đem lại đức tin thực sự.
141. Nếu nhìn sự vật với trí tuệ nội quán thì sẽ không bị dính mắc vào chúng. Tốt hay xấu đến, vui hay buồn đến hãy nhìn chúng rồi để chúng ra đi thì bạn sẽ không dính mắc. Dầu tham lam hay sân hận có đến đi nữa bạn cũng dùng trí tuệ để nhìn thấy bản chất vô thường của chúng và để chúng tự ra đi. Nếu phản ứng lại chúng, yêu hay ghét chúng, thì rắc rối sẽ xảy ra. Phản ứng, không những chứng tỏ bạn là người không có trí tuệ mà còn làm cho đau khổ gia tăng.
142. Hiểu biết chân lý thì sẽ không còn suy nghĩ và trở thành người có trí tuệ. Không hiểu biết thì suy nghĩ sẽ nhiều hơn trí tuệ hoặc chẳng có chút trí tuệ nào. Suy nghĩ nhiều mà không có trí tuệ sẽ đau khổ tận cùng.
143. Thiên hạ ngày nay chẳng muốn tìm hiểu chân lý. Họ học hỏi chỉ để có sự hiểu biết cần thiết hầu nuôi thân, cấp dưỡng gia đình và chăm sóc lẫn nhau mà thôi. Đối với họ thì sự thông minh, linh lợi có giá trị hơn trí tuệ.
Giới hạnh
144. Hãy thận trọng trong việc giữ gìn giới luật. Cốt tủy của giới luật là sự hổ thẹn. Nếu còn hoài nghi thì hãy khoan phát biểu ý kiến, khoan làm. Đó là giới luật. Không còn hoài nghi thì mới trong sạch, thanh tịnh.
145. Có hai trình độ thực hành giáo pháp. Gìn giữ giới luật là phần căn bản đầu tiên. Giới luật đem lại hạnh phúc, thoải mái và hòa hợp. Thứ đến - tích cực hơn - không liên quan đến sự thoải mái - đó là thực hành giáo pháp để tỉnh thức và giải thoát tâm mình ra khỏi mọi ràng buộc. Giải thoát tâm là cội nguồn của từ bi và trí tuệ.
146. Giới hạnh là cha mẹ của giáo pháp nẩy nở trong chúng ta. Giới hạnh cung cấp thức ăn bổ dưỡng và chỉ cho ta hướng đi đích thực.
147. Giới hạnh là điều kiện căn bản để tạo nên một thế giới hài hòa, trong đó con người thực sự sống như một con người chứ không phải như loài cầm thú. Giữ gìn giới luật là điều chính yếu trong việc hành thiền. Giữ gìn giới luật, phát triển lòng từ ái, tôn trọng tha nhân, thận trọng trong lời nói và hành động; đó là gia tài của bạn. Nếu dùng giới luật làm căn bản cho mọi hành động thì tâm bạn sẽ hiền hòa, trong sáng và yên tĩnh. Thiền sẽ dễ dàng phát triển trên mảnh đất này.
148. Săn sóc và giữ gìn giới luật như người làm vườn săn sóc và giữ gìn cây cối. Không bị dính mắc vào cây lớn, cây nhỏ, cây quan trọng và cây không quan trọng. Một số người muốn đi đường tắt. Họ nói: "Bỏ qua thiền định, đi ngay vào thiền minh sát; bỏ qua giới luật, đi ngay vào thiền định". Chúng ta có nhiều lý do để bào chữa cho lòng tham ái của chúng ta.
149. Chánh tinh tấn và trí tuệ không phải là chuyện bên ngoài mà là sự bền tâm tỉnh thức và tự chế bên trong. Thế nên, sự bố thí, nếu được làm với ý tốt có thể đem lại hạnh phúc cho mình và cho người. Nhưng giới hạnh phải là gốc rễ thì lòng từ thiện này mới trong sáng, thanh tịnh.
150. Đức Phật dạy chúng ta làm điều lành, lánh xa điều ác, giữ tâm trong sạch. Việc hành thiền của chúng ta cũng vậy: "làm lành, lánh dữ".
Những điều xấu xa có còn tồn tại trong tâm bạn không? Dĩ nhiên là còn! Thế thì tại sao không quét dọn nhà cửa cho sạch sẽ.
Trong việc thực hành đúng đắn thì làm lành lánh dữ là việc làm tốt đẹp, nhưng có hạn chế, vì cuối cùng chúng ta phải bước qua cả tốt lẫn xấu. Giải thoát bao gồm tất cả, nhưng không dính mắc gì cả. Từ sự không dính mắc này, tình thương và trí tuệ lưu chuyển một cách tự nhiên.
151. Chúng ta phải bắt đầu ngay nơi chúng ta hiện đang có mặt, trực tiếp và đơn giản. Hai bước đầu tiên là hoàn thành giới luật và chánh kiến. Rồi bước thứ ba là trí tuệ, nhổ gốc rễ phiền não, sẽ tự nhiên xuất hiện. Cũng như lúc đèn được thắp sáng thì chẳng cần phải lo lắng đến việc xóa tan bóng tối. Chẳng cần thắc mắc bóng tối đã đi phương nào. Chúng ta chỉ biết đang có ánh sáng.
152. Có ba mức độ giữ giới. Đầu tiên là thọ giới từ vị thầy. Thứ đến là giữ giới và sống trong giới. Cuối cùng, ở mức cao nhất - bậc thánh nhân - các Ngài chẳng cần nghĩ đến giới luật, đến đúng sai. Chân giới hạnh đến từ trí tuệ, hiểu thấu đáo Tứ Diệu Đế. Hành động của các Ngài phát xuất một cách tự nhiên từ sự chứng ngộ này.
153. Nhiều nhà sư hoàn tục đi vào chiến trận, lăn mình vào đầu tên mũi đạn. Họ muốn như vậy. Họ muốn đi. Hiểm nguy đến từ mọi phía nhưng họ vẫn chuẩn bị để đi. Họ sẵn sàng chết trong bom đạn nhưng không ai chịu chết vì giữ gìn giới luật. Lạ lùng thật.
Linh tinh
154. Một người học trò của Ajahn Chah bị đau đầu gối phải mổ. Mặc dầu bác sĩ nói chắc là chỉ độ vài tuần đầu gối sẽ trở lại bình thường, nhưng mấy tháng sau chân vẫn còn đau. Khi gặp Ajahn Chah, người học trò than phiền: "Họ bảo là không lâu. Không phải như thế này." Ajahn Chah cười nói: "Nếu không phải như thế này thì sẽ không phải như thế này."
155. Nếu có người cho bạn một trái chuối vàng rực, no tròn và thơm ngọt nhưng độc, bạn có ăn không? Không! Vậy tại sao Đức Phật dạy dục lạc ngũ trần là thuốc độc mà bạn vẫn cứ muốn nhét cho đầy bụng?
156. Hãy nhìn phiền não của bạn và nhận ra chúng là nọc rắn hổ mang. Bạn không dám đụng đến rắn vì biết rằng rắn có thể cắn chết bạn. Cũng vậy, hãy nhìn thấy sự độc hại trong vật độc hại và sự hữu dụng trong vật hữu dụng.
157. Chúng ta luôn luôn không thỏa mãn. Ăn trái ngọt ta nhớ vị chua. Ăn trái chua ta nhớ vị ngọt.
158. Nếu trong túi bạn để vật hôi thối thì đi đến đâu bạn cũng ngửi thấy mùi hôi thối; đừng than phiền rằng chỗ này hôi hay chỗ kia hôi.
159. Phật giáo Đông phương ngày nay chẳng khác nào một cội cây to lớn nhưng chỉ trổ những trái nhỏ, không hương vị. Phật giáo Tây phương chẳng khác nào một cây non nớt, chưa ra hoa kết trái nhưng có khả năng trổ những trái to và ngọt.
160. Ngày nay người ta suy nghĩ thật nhiều. Có nhiều điều để họ say mê thích thú nhưng không có điều gì thật sự trọn vẹn.
161. Không phải chỉ cần gọi nước lã là rượu thì nước lã tức khắc thành rượu ngay. Bạn biết rõ điều đó. Vậy mà khi muốn uống rượu, bạn bảo rượu là nước lã và uống tự nhiên; như vậy có phải là điên khùng không?
162. Người ta thường có thói quen nhìn ngắm bên ngoài. Chẳng hạn như khi nhìn giảng đường này, họ sẽ nói: "Giảng đường này thật lớn !" Thật ra nó chẳng lớn chút nào. Nó lớn hay không, tùy theo quan niệm của ta mà thôi. Thật ra, giảng đường này nó chỉ vậy thôi, chẳng lớn mà cũng chẳng bé. Thế nhưng, người ta luôn luôn chạy theo cảm quan của mình. Người ta bận rộn nhìn và đánh giá mọi vật chung quanh mà không có thì giờ để nhìn vào chính mình.
163. Nhiều người chán nản mệt mỏi và biếng nhác trong việc hành thiền. Dường như họ chẳng muốn giữ Phật Pháp trong tâm. Thế nhưng, có ai chưởi mắng họ, họ sẽ nhớ mãi suốt đời. Vậy mà khi giáo pháp dạy họ phải điều hòa, phải thu thúc và phải nhiệt tâm thực hành thì họ quên mất tiêu. Tại sao không giữ giáo pháp trong tâm? Giữ chi những lời mắng chưởi đó?
164. Cho mình hơn người là trật rồi. Cho mình bằng người cũng trật nữa. Cho mình thua người cũng trật luôn. Nghĩ mình hơn người thì kiêu căng sẽ nổi dậy. Nghĩ mình bằng người sẽ thiếu kính trọng khiêm nhường. Nghĩ mình thua người sẽ nhụt chí thiếu tự tin.