Hãy nhớ rằng, có đôi khi im lặng là câu trả lời tốt nhất.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Yêu thương và từ bi là thiết yếu chứ không phải những điều xa xỉ. Không có những phẩm tính này thì nhân loại không thể nào tồn tại. (Love and compassion are necessities, not luxuries. Without them humanity cannot survive.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chúng ta thay đổi cuộc đời này từ việc thay đổi trái tim mình. (You change your life by changing your heart.)Max Lucado
Bạn đã từng cố gắng và đã từng thất bại. Điều đó không quan trọng. Hãy tiếp tục cố gắng, tiếp tục thất bại, nhưng hãy thất bại theo cách tốt hơn. (Ever tried. Ever failed. No matter. Try Again. Fail again. Fail better.)Samuel Beckett
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Cuộc sống là một sự liên kết nhiệm mầu mà chúng ta không bao giờ có thể tìm được hạnh phúc thật sự khi chưa nhận ra mối liên kết ấy.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Dưới cội Bồ-đề »» PHẦN BỐN »»

Dưới cội Bồ-đề
»» PHẦN BỐN

Donate

(Lượt xem: 3.367)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Dưới cội Bồ-đề - PHẦN BỐN

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Đời người không dài lắm, nhiều lắm cũng chỉ đến trăm năm là cùng. Trong trăm năm đó nếu chia ra làm 3 hay bốn giai đoạn và mỗi giai đoạn là 33 năm hay 25 năm thì thử nhìn lại xem ta đã được những gì?

Giai đoạn đầu và giai đoạn cuối thật ra ít có người nào làm được chuyện gì cho hữu ích. Vì lẽ lúc trẻ chỉ tốn “cơm cha, áo mẹ, chữ thầy”, chưa đủ khả năng để làm được gì. Còn lúc già rồi thì “lại như con nít”, bệnh tật, lú lẫn, điếc v.v... chỉ có báo khổ những người trong gia đình, chứ nào có ích chi?

Vậy thì thời gian ở khoảng giữa của tuổi thọ ấy, ta đã làm gì được cho ta và cho người khác?

Tôi tự chia cuộc đời mình ra làm 4 giai đoạn, nhưng không phải ở tuổi một trăm năm, mà ở tuổi 70 thôi. Thời gian đầu đi học, thời gian thứ hai ra làm việc, thời kỳ thứ ba nhập thất, viết sách, dịch kinh, ở ẩn và thời kỳ cuối đời niệm Phật để cầu vãng sanh. Không biết chia như thế có lẩm cẩm không, chứ riêng cá nhân mình thì tôi đã hướng cái hướng đi ấy phải được thực hiện như thế.

Năm 1989, trong khi xây dựng chùa Viên Giác tại Hannover Đức quốc, tôi cũng đã trải qua nhiều thử thách gian nan. Mặc dầu năm nào cũng an cư kiết hạ, lạy Phật trong 3 tháng và ngày nào cũng dậy sớm lúc 5 giờ 30 phút và cùng đại chúng lên chánh điện lúc 5 giờ 45 phút để ngồi Thiền và trì tụng Thần Chú Thủ Lăng Nghiêm, hầu như không thiếu một ngày nào, nhưng tự lực yếu quá nên gánh vác việc xây dựng ấy khó khăn.

Bỗng đâu có Thầy Huyền Diệu xuất hiện và Thầy ấy có khuyên là tôi nên đi Ấn Độ một lần để có thêm lực gia trì từ chư Phật. Ban đầu tôi vẫn còn chần chừ. Vì nghĩ rằng chùa đang xây dang dở, không ai trông nom. Phần khác thì tài chánh lúc ấy cũng eo hẹp. Nhưng cuối cùng rồi tôi cũng đã liên lạc được với Hòa Thượng Minh Tâm trụ trì chùa Khánh Anh ở Paris Pháp quốc để cùng đi.

Lúc ấy, Ấn Độ đối với tôi sao mà xa xôi quá. Nghèo đói, bẩn thỉu, bệnh tật v.v... làm cho tôi nản lòng. Mới đặt chân xuống phi trường New Delhi đã thấy nóng bức, khó chịu. Mẫu điền đơn nhập cảnh phải khai đến tên ông nội, bà nội của mỗi người. Chắc chưa có một quốc gia nào trên thế giới như Ấn Độ thuở ấy cả. Đi từ New Delhi xuống nhà ga Gaya bằng xe lửa phải mất hơn 20 tiếng đồng hồ, dơ nhớp, bụi bặm và phải chen chúc với người là người, đặc biệt là những người ăn xin. Bước đầu tiên ấy tôi đã chê liên tục, làm Thầy Huyền Diệu cứ động viên hoài.

Rồi một sáng tinh sương cuối năm 1989, nghĩa là cách Phật Nhập Diệt cũng đã gần 2.500 năm, Hòa Thượng Minh Tâm, tôi và Thầy Huyền Diệu có mặt nơi chùa Việt Nam và sau đó Thầy ấy dẫn sang Đại Tháp Bồ-đề, nơi Đức Phật đã giác ngộ. Sau khi tụng một thời kinh ngắn và xướng lạy đảnh lễ nơi Kim Cương Tòa và cây bồ-đề, chúng tôi vào bên trong để cụng đầu mình vào gốc cây.

Hòa Thượng Minh Tân bật khóc nức nở mà bình thường tôi chưa bao giờ thấy điều đó. Rôi đến phiên tôi cũng thế, nước mắt lưng tròng. không biết là khóc thương cho số phận của mình hay vì cảm động khi đến nơi Thánh Địa? Có lẽ cả 2 lý do ấy chăng? Cho nên những nơi có lưu dấu chân Phật, gọi là Thánh địa và Động tâm cũng đúng thôi.

Tôi ngồi chờ nhặt những lá bồ-đề rơi rụng để đem về làm quà cho quý cô, quý chú và quý Phật Tử tại chùa. Tôi ngồi đấy lâu lắm, để chiêm nghiệm lại cuộc đời Đức Thế Tôn. Rồi sau đó Thầy Huyền Diệu hướng dẫn chúng tôi đến trước một Thánh Tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, nằm trên tường Đại Tháp, đối diện với cây Bồ-đề. Thầy Huyền Diệu bảo rằng: “Quý vị nên lập một lời nguyện rồi đứng cách xa tượng chừng 12 thước, nhắm mắt lại rồi đi thẳng. Nếu lời nguyện sẽ được thành tựu thì quý vị sẽ đi thẳng đến được giữa tượng. Nếu không thành tựu thì một dẫn lực sẽ đưa quý vị đi lệch sang trái hoặc sang phải. Xin quý vị làm trong sự thành tâm.”

Tôi nghe thế như cởi mở được tấm lòng. Vì về đất Phật lần này tôi chỉ có 3 lời nguyện thôi. Nếu những nguyện ấy mà không thành thì tôi cũng chẳng biết phải làm sao.

Lời nguyện thứ nhất là xin Bồ Tát gia hộ cho con làm sao cho ngôi chùa Viên Giác xây xong trọn vẹn. Lời nguyện này tôi đi đúng ngay giữa tượng.

Lời nguyện thứ hai là cho con đầy đủ nghị lực để đi suốt con đường tu của mình. Lời nguyện này dẫn lực cũng đã đưa tôi đi thẳng đến tượng.

Lời nguyện thứ ba là “xin cho những chướng duyên phiền não đừng đến với con”, thì sau khi nhắm mắt bước đi, chân tôi tự động bị dẫn lệch về phía bên trái của tôn tượng. Tôi không buồn, nhưng biết rằng cuộc đời tu hành của mình chắc cũng còn nhiều phong ba bão táp lắm. Mặc dầu đã nghiệm lại rằng mình chẳng gây ra cho ai khổ đau thì mình làm sao gặt những quả xấu được. Thế nhưng có lẽ quả đâu của kiếp trước còn sót lại, nên chuyện “cứu vật vật trả ơn, cứu nhơn nhơn trả oán”, tôi cũng đã bị vấp phải khoảng 15 năm sau đó. Đúng là việc ấy tôi chẳng chờ đợi, nhưng phải chấp nhận thôi. Vì bên mình, tôi đã có luận Bảo Vương Tam Muội giúp rồi. Tôi vui vẻ trả quả và chấp nhận trả quả nếu còn dư lại ở đời trước và sám hối tội lỗi của mình trong nhiều kiếp đã gây nên. Thế là tâm tôi thanh tịnh, chẳng có phiền não nào có thể làm cho tôi khó chịu cả.

Lần đó tôi và Hòa Thượng Minh Tâm được Thầy Huyền Diệu hướng dẫn đi hết Tứ Động Tâm cũng như Vườn ông Cấp Cô Độc, nền nhà của chàng Vô Não v.v... Có đi đến Lam-tỳ-ni nữa, nhưng lần ấy ít giờ quá chúng tôi không đi thăm Cung Thành Ca-tỳ-la-vệ và dòng sông A-nô-ma. Trong ý đinh ninh rằng đã lỡ một cơ hội.

Sau khi đi Ấn Độ về tôi bị cảm nắng, cảm sương. Vừa ngồi viết quyển “Lòng Từ Đức Phật” mà vừa chùi nước mũi liên tục trong mười mấy ngày mới viết xong quyển ấy. Trong đó tôi cũng đã diễn tả những cảnh khổ, khó nhọc, dơ nhớp của xứ Ấn Độ, nên ai đọc đến cũng ngán, không dám đi Ấn Độ nữa và tôi cũng có viết là sẽ không bao giờ đi Ấn Độ lần thứ hai. Thế nhưng đến nay (2004) tôi đã đi thêm 6 lần và dĩ nhiên từ đây về sau còn nữa, chứ không phải chỉ chừng ấy lần mà thôi. Vậy do đâu mà như thế? Xin trả lời đơn giản là “phép Phật nhiệm mầu”.

Không phải chỉ riêng mình tôi, mà bao nhiêu người khác đi Ấn Độ cũng vậy, không phải chỉ một lần mà đã đi nhiều lần như thế. Hỏi họ tại sao thì mỗi người trả lời mỗi cách, nhưng chung quy là không có phép nhiệm mầu nào hơn phép Phật cả.

Sau này có Hạnh Tấn và Hạnh Nguyện ở Ấn Độ, tôi cũng đã tổ chức mấy chuyến hành hương nữa để quý Thầy ấy hướng dẫn đoàn và lần ấy của năm 1994 tôi quyết phải đi thăm dòng sông A-nô-ma cho được. Vì từ nhỏ trong Gia Đình Phật Tử Hà Linh ở xã Xuyên Mỹ, quận Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam nơi tôi sinh ra và đã sinh hoạt từ năm 1958 đến năm 1964, đêm rằm và mồng một nào chúng tôi cũng quây quần dưới ánh trăng hay dưới ngọn lửa hồng để sinh hoạt, chơi Morse, hát ca. Trong đó có bài hát Dòng A-nô-ma như sau:

“Dòng A-nô-ma sóng nhấp nhô bờ lau xanh
Nhìn dòng nước biếc Thích-ca Ngài lòng vững bền
Thôi đi con hãy về để ta vui ánh vàng
Ta đã quyết tìm đạo sáng cứu chúng sanh
A-nô-ma vẫn còn nhớ ghi gương sáng ngời
Nơi Lam-tỳ-ni vườn ghi bao ngày vui.
Thành Ca-tỳ-la sống yên vui đời Tịnh Vương
Người người sung sướng Thích Ca Ngài vừa ra đời
Muôn chim hót mừng đóa hoa thơm ngạt ngào
Muôn hào quang ngời rạng chiếu khắp núi sông
Cây vô ưu đến nay chúng sanh luôn nhớ hoài... ”

Đại khái là như vậy. Các Gia Đình Phật Tử Việt Nam đang sinh hoạt tại các châu lục vẫn còn đang hát bài này. Nếu ai đó cần xem lại thì giở những bản nhạc ra sẽ tìm được nguyên bài. Riêng tôi chỉ nhớ vậy và từ ấy đến nay cũng gần 50 năm rồi, đâu có ít ỏi gì. Rồi sau này tôi có xem một tấm hình của Đức Bổn Sư trước khi đi xuất gia, bỏ lại vòng vàng xuyến ngọc cũng như Công Chúa Da-du-đà-la phía sau mình. Dưới tấm hình ấy có ghi câu tiếng Đức là: “Alles verlassen, um alles zu haben”. Nghĩa là: “Xả bỏ tất cả, sẽ được tất cả”. Trông tấm hình rất đẹp và đã để lại nơi tâm thức của tôi nhiều ý nghĩa hay ho.

Bây giờ tôi đã đứng nơi cung thành Ca-tỳ-la-vệ rồi. Đường đi từ Lam-tỳ-ni vào đây khá vất vả. Không biết ngày trước Thái Tử đi xe ngựa, chắc cũng chỉ vậy thôi chứ bây giờ không khá hơn được mấy. Chúng tôi được giới thiệu với một số người thuộc dòng họ Thích-ca vẫn còn sống nơi đó và khi vào bên trong Cung Điện, chỉ còn trơ nền móng. Về phía đông có ghi mấy hàng chữ bằng tiếng Ấn Độ và tiếng Anh là: “Nơi đây Thái Tử Siddharta đã vượt thành xuất gia tìm đạo.” Đến đây để nhớ lại người xưa như Bà Huyện Thanh Quan vào cuối thế kỷ thứ 18 đã có bài thơ nhan đề là Thăng Long Thành Hoài Cổ:

“Tạo hóa gây chi cuộc hí trường,
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.”

Ngày ấy cách đây đã 2.500 năm rồi. Nơi đây thuở ấy là lầu đài cung điện, có cung phi mỹ nữ, có những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, nhưng giờ đây đâu còn lại được gì. Tôi cảm nhận được cái vô thường của nhân thế và tang thương của cuộc đời. Quả thật chẳng ai ngờ. Nếu ngày xưa Thái Tử Tất Đạt Đa chỉ bằng lòng với vị trí làm vua thì ngày nay đâu có ai nhọc công đến đây để mà tìm dấu vết. Nếu có chăng cũng chỉ là người Ấn Độ. Nhưng Ngài đã quyết chí ra đi tìm đạo, nên con người ấy ngày nay là con người của thế giới chứ không phải chỉ có riêng biên cương Ấn Độ mà thôi. Do đó có không biết bao nhiêu đoàn hành hương đã về đây để tìm lại dấu xưa.

Khi tôi hỏi người hướng dẫn - người Ấn Độ - là sông A-nô-ma ở đâu, thì anh ta có vẻ ngơ ngác. Hình như anh ta chẳng biết con sông này, nên khi hỏi một người lớn tuổi hơn, đang làm nhiệm vụ khai quật cổ tích tại đó, thì ông ta chỉ về hướng bắc của cung thành và bảo là ở đó. Nhưng giờ đây chỉ có những thửa ruộng với mạ non xanh rờn, đâu còn thấy “sóng nhấp nhô” nữa? Nhưng chúng ta đoán chắc một điều là dòng sông ấy không xa cung thành Ca-tỳ-la-vệ là bao và phải là hướng nam chứ không thể hướng bắc của dãy Hy Mã Lạp Sơn được.

Tiện đây xin chép lại bài thơ về cuộc đời của Đức Phật, chẳng biết ai sáng tác và tự bao giờ, không có tên tác giả và cũng chẳng biết là tôi đã thuộc tự thuở nào. Có lẽ là trước khi đi xuất gia (1964) để mọi người cùng thưởng lãm. Nếu được cứ học thuộc lòng chứ bài này ít thấy đăng trong sách báo nào nữa cả:

“Ngày mồng tám vang lừng trên thế giới,
Cả chúng sanh kỷ niệm Đấng cha hiền.
Ngài là một Đấng Thiêng Liêng,
Con Vua Tịnh Phạn tên là Đạt Đa.
Ca Tỳ La Vệ quê nhà,
Sanh ngày mồng tám chính là tháng tư.
Ngài là đáng bậc Bổn Sư,
Chẳng ham phú quý không màng giàu sang.
Nào là điện ngọc ngai vàng,
Cung phi mỹ nữ và nàng Da-du.
Ngài xem như đám sương mù,
Như dây ràng buộc cuộc đời của ta.
Thà rằng lỗi đạo mẹ cha,
Giã con từ vợ quyết ra tìm đường.
Ngài cho vạn vật vô thường,
Hôm qua còn đó nay thì mất đi.
Cảnh đời mãi mãi sầu bi,
Không sao thoát khỏi phạm vi luân hồi.
Sanh già bịnh chết ai ôi,
Công danh phú quý cũng qua một thời.
Ngài khuyên tất cả ai ơi,
Càng cao danh vọng càng dày gian nan.
Cho hay hoa nở rồi tàn,
Pháo kia nổ lớn lại tan xác nhiều.
Thế rồi Ngài quyết một điều,
Thoát vòng tục lụy dắt dìu chúng sanh.
Nửa đêm vắng vẻ cung thành,
Ngài cùng Xa-nặc đồng hành xuất gia.
Đến nơi dòng nước Nô-ma,
Ngài thề cắt tóc để mà đi tu.
Đêm khuya vắng vẻ mịt mù,
Nhờ về báo lại Da-du, Phụ Hoàng.
Nói rằng ta quyết một đàng,
Tìm đường giải thoát cứu đời chúng sanh.
Rồi Ngài lên núi một mình,
Ra công tu luyện chịu đời gian nan.
Biết bao nông nỗi cơ hàn,
Vùi thân sương gió một đàng mà tu.
Hằng ngày ra sức công phu,
Tham thiền nhập định gốc cây bồ-đề.
Mai sau Ngài mới trở về,
Để cùng hóa độ dắt dìu chúng sanh.
Thị thành cho đến xóm làng,
Vui lên đón lấy đạo vàng Thích Ca.
Nghe theo lời dạy người cha,
Cứu người ra khỏi đường tà sông mê.
Chúng sanh thành kính quay về,
Nương theo giáo lý một bề tu thân.
Ngài gieo khắp hết xa gần,
Thế là Ngài thọ tuổi trần tám mươi.
Chúng sanh hớn hở reo cười,
Đón chào kính lạy người cha hiền lành.”

Đứng ở cửa Đông nơi Thái Tử vượt thành, tôi cũng nhớ lại mấy câu đối thoại trong một vở kịch nhan đề là “xuất gia” kể chuyện của Thái Tử mấy mươi năm về trước.

Thái Tử sau khi đánh thức người giữ ngựa Kiền Trắc là Xa-nặc dậy thì trong cơn mơ màng xa-nặc hỏi rằng:

- Trời tối nhân gian mờ mịt quá,

Giờ này Thái Tử định đi đâu?

- Ta phải đi tìm ra ánh đạo,

Cứu chúng sanh mù mịt muôn màu.

Vâng! Đúng thế! Chính vì nhân gian, thế thái nhân tình đang vui say nơi bãi danh mùi lợi, nên Thái Tử phải ra đi. Đi để tìm chân lý, đi để ánh đạo được rạng ngời. Bài hát “Đêm đã đến rồi” cũng thế, đã thúc giục chí hướng xuất trần của Thái Tử:

“Đêm đến đã lâu rồi!

Đêm nay nơi hoàng cung, chí xuất trần Ngài đã quyết.

Lòng vì bao chúng sanh, quyết hy sinh đời cấm cung...”

Những bài hát như thế làm cho tuổi trẻ của chúng tôi đã say mê và bây giờ về lại quê cha thấy bùi ngùi cảm động quá. Không biết có nhân duyên gì mà đã được bao lần đi, rồi bao lần đến. Đến đây để gục đầu vào Kim Cương Tòa, vào cội bồ-đề, gục đầu khóc nức nở như đứa trẻ lên ba khi lỡ phạm một lỗi lầm gì. Những giọt nước mắt ấy đã đổ ra nơi thành Câu-thi-na, khi thấy hình ảnh của Đức Phật đang nhập diệt. Đã có không biết bao nhiêu người khóc như thế, từ những bậc chân tu cho đến những người mới biết Đạo Phật lần đầu tiên. Từ những ông bà già cho đến những em Phật tử theo ba mẹ về chiêm bái xứ Phật. Đến đây rồi, ai cũng khóc.

Chính nơi ấy, nơi Đức Phật thành đạo, ngày nay hằng ngày vào mùa đông cũng như mùa hạ, có hàng trăm, hàng ngàn vị tăng sĩ và cư sĩ đảnh lễ “tam bộ nhứt bái” quanh tháp và cây bồ-đề. Hay có những vị lạy cả 1.000 đến 3.000 lạy mỗi ngày bằng lối ngũ thể đầu địa. Nghĩa là đứng lên lạy xuống, đầu, mặt cùng tứ chi, cả năm vóc đều sát đất. Cả người Ấn Độ lẫn người Phật tử Tây phương, cả người Thái lẫn người Tích Lan, ai đến đây cũng chỉ có một niềm tin. Người thì mặc áo vàng, kẻ mặc áo nâu, người dâng hương, kẻ dâng hoa, người gục đầu vào tường thành tháp để kể lễ, người đi trì bình khất thực trong Đại tháp.

Cứ ngồi lặng yên chừng một tiếng đồng hồ nơi Đại tháp này thì ta thấy mọi sinh hoạt được diễn ra một cách nhịp nhàng. Thỉnh thoảng có những ông lớn tới, họ cũng là Phật tử, nhưng là những yếu nhân nên được bảo vệ cẩn thận. Họ là chư Tăng đến từ Thái Lan và Phật tử hôm đó dâng y Kathina cho cả hàng 500 vị. Họ là những thí chủ thuần thành đến từ Việt Nam, Đại Hàn, Nhật Bản, Đài Loan v.v... có người đến đây rất sớm. Từ 3 giờ sáng, cửa chính Đại tháp đã được mở. Có người xin ngồi thiền suốt đêm trong khuôn viên Đại Tháp. Có người tham dự buổi lễ định kỳ của chư Tăng Nam Tông đang trông coi tháp từ 5 giờ 30 đến 6 giờ sáng. Từ 6 giờ sáng cho đến 7 giờ sáng là giờ mở cửa gốc bồ-đề, nơi Kim Cương Tòa, bất cứ ai cũng có thể vào đảnh lễ. Buổi tối, sau thời kinh chiều, người ta mở cửa gốc cây bồ-đề một lần nữa từ 19 đến 20 giờ.

Ngày xưa người ta còn cho đốt nến chung quanh Đại Tháp và trong nhà đốt nến của Tây Tạng gần cây bồ-đề, nhưng nay thì không còn nữa. Vì các nhà thực vật học sợ tổn hại cây bồ-đề, cho nên đã dời nhà đốt nến ra phía sau gần hồ cá, nơi có tượng Đức Phật đang tham thiền có Thần Long che chở ấy.

Khung cảnh về đêm nơi đây rất thanh tịnh, mát dịu. Những ánh nến lung linh làm sáng ngời Đại Tháp, nhắc lại một đêm nào Đức Phật đã chứng ngộ nơi đây. Để cung kính và thắp sáng tuệ giác của Phật nên Phật tử Nam tông hay Bắc tông, Tây Tạng hay Việt Nam... tất cả đều đến đây với tâm thành kính.

Đại Đức Thích Minh Tánh, người có xuất xứ từ Na Uy và Đan Mạch, đệ tử của Hòa Thượng Thích Minh Tâm tại Pháp, mỗi năm sang Ấn Độ 3 đến 6 tháng và mỗi ngày Thầy ấy lạy chừng 1.000 đến 3.000 lạy, tùy theo thời tiết mát hay nóng. Theo Thầy ấy cho biết, đã lạy gần 1 triệu lạy rồi, theo cách lạy của Tây Tạng, nghĩa là ngũ thể đầu địa. Có lẽ đây là vị thầy Việt Nam lạy nhiều nhất, so với trong cũng như ngoài nước, chưa có ai làm được như vậy.

Quý vị thử tưởng tượng, một bộ kinh Pháp Hoa dày gần 700 trang, nếu tụng từ sáng đến tối thì hết 1 bộ, nhưng nếu lạy mỗi ngày 300 lạy thì phải hơn 200 ngày mới xong 77.000 lạy, khi phát tâm lạy kinh mỗi chữ mỗi lạy. Đó là chưa kể những ngày trái gió trở trời, đau ốm nữa. Còn nếu lạy một bộ kinh Đại Bát Niết-bàn gồm 2 quyển dày, mỗi chữ mỗi lạy thì cũng chừng 500.000 lạy là cùng. Còn ở đây Thầy Minh Tánh đã lạy được gần 1 triệu lạy. Quả là bất khả tư nghì. Nói thì dễ nhưng thực hành thì khó lắm, không phải ai cũng làm được. Chướng duyên nhiều lắm.

Có nhiều cô hay quý Phật tử hay than rằng: Sao Phật Giáo Việt Nam mình không giống như Phật Giáo Tây Tạng hay không có những vị Sư chứng đạo, vãng sanh để làm gương cho Phật Tử tu học. Thật ra nói như thế không đúng hẳn. Nếu nhìn lại lịch sử Phật Giáo nước nhà, ta sẽ thấy những vị Sư như Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường ở chùa Đậu ngoài Bắc Việt Nam, sau khi thị tịch đã còn lưu lại chơn thân xá-lợi. Và nghe đâu Ngài Quảng Trí ở Ninh Bình tịch đã 300 năm, mới đây xá-lợi của Ngài nguyên cả khối hình ngồi thiền định cũng đã được tìm ra. Xa xưa hơn nữa, có hai vị tăng vào triều Trần và Lý cũng đã nhập đại định như thế. Ngoài ra có vô số người tu theo pháp môn Tịnh Độ đã được vãng sanh. Dĩ nhiên là những tài liệu hướng dẫn không có nhiều, nên Phật tử chúng ta ít có dịp tiếp cận đến. Nếu có, chắc rằng mọi người Phật tử sẽ vững tâm hơn để hạ thủ công phu và tiếp tục con đường giải thoát của mình.

Phật giáo Việt Nam chúng ta cần phải thể hiện việc hành trì nhiều hơn nữa. Không có tông nào hơn tông nào, phái nào hơn phái nào cả. Điều khác nhau là có hành trì miên mật, dứt khoát hay không mà thôi. Kẻ tu theo Tịnh Độ cứ lấy câu niệm Phật A-di-đà làm chính, người theo Thiền cứ việc tọa thiền, kẻ tu theo Mật Tông cứ việc trì chú v.v... Nghĩa là người nào đã lập nguyện rồi thì cứ thế mà hạ thủ công phu. Có nhiều Thầy, Cô Việt Nam ở trong lẫn ở ngoài nước, ngày nay sau khi lên làm trụ trì, thủ tọa rồi thì không còn hành trì Lăng Nghiêm nữa, Thiền cũng chẳng quan tâm, câu niệm Phật cũng chỉ có khi chùa có Phật sự như cầu an hay cầu siêu... Như vậy thì quả thật chưa đủ, phải gia tâm nhiều hơn nữa cho việc tu và việc học.

Phật Giáo Tây Tạng thực ra không phải đặc biệt hơn Phật Giáo Việt Nam hay Nhật Bản. Điều đặc biệt là chư Tăng của họ hành trì rất miên mật. Ngay cả Đức Đạt-lai Lạt-ma, theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng được tôn xưng là một vị hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm mà mỗi ngày vẫn hành trì từ 4 đến 6 tiếng đồng hồ, trước khi thăng tòa thuyết pháp hoặc chứng minh đàn tràng. Còn Phật Giáo Việt Nam chúng ta phải nói thẳng ra rằng những vị ẩn tu và hành trì miên mật như thế trong hiện tại rất ít.

Riêng tôi cũng như bao nhiêu người Tăng sĩ Việt Nam khác thôi, nhưng được may mắn là sống ở ngoại quốc từ hơn 32 năm qua (1972 - 2004), đã học ở Nhật Bản và đi khắp nơi trên thế giới, kể cả thăm tứ đại danh sơn ở Trung Quốc và đi các xứ Phật Giáo khác, nên năm 2003 sau khi giao lại chùa chiền cho đệ tử Hạnh Tấn trụ trì, tôi quyết chia thời giờ mỗi năm 3 tháng về Úc để tịnh tu, dịch kinh, viết sách và hành trì.

Nơi đây có Hòa Thượng Thích Bảo Lạc là bào huynh của tôi đang trụ trì chùa Pháp Bảo ở Sydney, đã dành nhiều ưu ái cho Thầy trò chúng tôi nhập thất nơi Tu Viện Đa Bảo trên núi đồi ở Campbelltown, cách thành phố chừng 40 km.

Mỗi ngày tôi được rất nhiều an lạc, khi trải lòng mình vào những trang kinh chữ Hán dịch sang tiếng Việt. Tôi cũng rất an tịnh khi mỗi đêm trì 21 biến Đại Bi, một biến kinh Kim Cang và 3 tràng hạt niệm Phật. Cứ như những giọt suối thanh lương rót vào lòng mình. Tôi chỉ mong có được chút phước báo nào thì hồi hướng đến cha mẹ, anh em, sư trưởng, đàn na tín thí và chúng sanh thì mãn nguyện lắm rồi. Còn mình sẽ được gì trước và sau khi chết khỏi cần nhắc đến. Vì chúng ta luôn biết rằng, nếu nhân tốt thì quả sẽ tốt thôi. Không bao giờ có quả thật tốt khi nhân xấu hoặc ngược lại. Tôi tin thế và cứ vững tâm mà hành trì.

Ở trên núi đồi này có nhiều điều huyền bí mầu nhiệm lắm. Năm rồi (2003) sau khi mãn 3 tháng nhập thất tại đây, phái đoàn về lại Đức thì cả bầy két màu lông sặc sỡ, giống như chiếc áo của Đức A-di-đà sà lên trên xe của chúng tôi như để tiễn đưa. Rồi bây giờ (2004) sau gần một năm trở lại, vào mỗi buổi sáng khi chúng tôi hành trì kinh Lăng Nghiêm thì những con két đẹp kia đã bay đậu trên mái hiên để nghe kinh. Thỉnh thoảng kêu lên vài tiếng như chứng tỏ rằng chúng đang hiện diện nơi ấy.

Trong rừng này có rất nhiều loại động vật lớn. Ví dụ như con kỳ đà, nhiều con mình dài hơn 1 thước và nếu cân thì chắc cũng vài chục kí-lô. Chúng hay ra phía bìa rừng dùng những cây trái ăn dư trong ngày và khi chúng tôi đi chúng cũng buồn. Lần này đến đây chúng lại vui vẻ đón chào bằng nhiều cách khác nhau.

Theo dự tính của chính phủ Úc thì đến năm 2025 chính phủ sẽ gặp khó khăn về lượng nước dự trữ. Đó là điều thực tế. Vì ở Úc có nhiều ngày nắng đến 47°C, họ không cho tưới cây và nhiều năm có những đàn cừu bị bắn chết, vì lẽ chúng thiếu nước uống. Riêng tại Tu Viện Đa Bảo này cũng không có nước máy. Chỉ hứng nước mưa để tắm, giặt giũ, tưới cây v.v... còn nước uống thì phải đun sôi nước mưa hoặc ra siêu thị mua nước chai về để uống. Tuy nhiên năm rồi (2003) và năm nay trời vẫn mưa đều nên hồ nước chứa năm nay (2004) đầy ắp và ngay khi tôi đang viết tay những trang này trong khi Thầy Đồng Văn và các chú xuống chùa Pháp Bảo thì trời bên ngoài vẫn còn mưa nặng hạt, khiến cho núi đồi xanh hẳn lên và chắc chắn là muông thú trong rừng cũng mừng lắm. Vì chúng đang tắm được ơn mưa móc của đất trời.

Ngày 23 tháng 12 năm 2004 này là ngày đánh dấu 25 năm thành lập Hội Phật Giáo Việt Nam tại New South Wales và chùa Pháp Bảo. Mới đó mà đã 25 năm rồi. Đúng là thời gian và thủy triều chẳng đợi chờ ai. Năm này Hòa Thượng Thích Bảo Lạc đang ở vào tuổi 63 còn tôi ở vào tuổi 56. Trong thời trung niên chúng tôi đã hiến dâng hết cho Phật pháp. Đến giai đoạn này, còn 2 năm nữa khi Hòa Thượng Bảo Lạc ở Úc được 25 năm thì Thầy ấy sẽ cử Thầy Đệ Tử Thích Phổ Huân trụ trì. Còn Hòa Thượng sẽ lui về ngôi vị Phương Trượng. Điều ấy cũng thật là hay. Vì như thế tuổi trẻ mới có cơ hội tiến thân và đóng góp phần mình vào sự phát triển Phật Giáo nơi đây.

Nhớ ngày nào vào cuối năm 1979, lần đầu tiên tôi có dịp đặt chân đến xứ Úc này, từ Đức sang thăm viếng một người quen ở Brisbane. Lần ấy đến đây tôi chỉ qua trong trung chuyển để đi tiếp Brisbane, nhưng có nhiều người báo tin là tôi một tăng sĩ Phật Giáo hiện có mặt tại Úc, nên anh Lê Thắng Tiến lúc bấy giờ được bầu vào ngày 23 tháng 12 năm 1979 là chức vụ Hội Trưởng của Hội Phật Giáo Việt Nam tại New South Wales, có ý mời tôi ghé thăm, nói một bài pháp và cho ý kiến về việc thành lập Niệm Phật Đường nơi đây.

Tôi đã chẳng ngại về những kinh nghiệm nhỏ bé của mình khi học lại từ Hòa Thượng Thích Minh Tâm ở Pháp, nên đã giúp chỉ cho họ cách đóng tiền cúng dường định kỳ hằng tháng và cho mượn Hội Thiện, chùa mượn mỗi cổ phần 300 Úc kim không lấy lời trong thời gian dài và sau đó rút thăm để được trả lại.

Sau khi thăm Brisbane nơi nhà anh Phụng, chị Hà, Bác Phúc, anh Cát, chị Giang v.v... cùng những vườn cây ăn trái của Bác Hai, tôi rất thích và qua cách tổ chức của Đạo Hữu Trương về Hội Phật Giáo tại đó, tôi đã về lại Sydney để tham dự một phiên họp quan trọng tại một nhà hàng Việt Nam của anh Tiến. Lúc đó tôi nhớ là đầu năm 1980 và có độ chừng 30 vị đến tham dự.

Lần đầu tiên kêu gọi đóng góp cho mượn Hội Thiện độ gần 9.000 Úc kim qua những người hiện diện để lập chùa. Lúc ấy nếu tôi nhớ không lầm thì 1 Úc kim bằng khoảng 3 US đô-la hoặc 3 Đức Mã gì đó. Một số tiền đầu tiên hứa cúng và cho mượn như vậy là lớn lắm. Sau đó tôi chỉ vẽ cho cách thuê nhà để làm Niệm Phật Đường và sau đó tôi trở lại Nhật thăm Thầy Bảo Lạc sau 3 năm tôi ở Đức đã có giấy tờ tỵ nạn và đã được định cư chính thức ở xứ ấy.

Khi tôi về lại Nhật thì ở bên Sydney quý Bác và quý anh chị em đang chuẩn bị đi tìm nhà để thuê làm Niệm Phật Đường. Còn tôi về lại Nhật có một nhiệm vụ tương đối cũng quan trọng. Đó là thỉnh Thầy Bảo Lạc sang Úc. Lúc ấy (1980) Thầy đã học xong Đại Học và đang chuẩn bị hành trang đi Hoa Kỳ. Tiện thể tôi mới bàn và mời Thầy sang Úc để lãnh đạo tinh thần đồng bào Phật Tử nơi đây.

Thầy Bảo Lạc hỏi tôi rằng:

- Ở Úc có những gì?

- Có nhiều điều lắm, nhất là khí hậu tốt. Mùa này bên đó là mùa hè cả 40°C, trong khi Đông Kinh lạnh giá. Lại có mít, có xoài, có rau muống, có chôm chôm, có mía, có rau thơm v.v... và v.v...

- Vậy chắc là tôi không đi Mỹ nữa, sẽ đi Úc.

- Vì ở Mỹ đã có nhiều Thầy rồi. Vả lại ở Mỹ quá rộng mà chư Tăng cũng đông nên có lẽ chưa cần đến mình. Trong khi ở Úc đang cần đến một vị lãnh đạo tinh thần. Thầy nên chấp thuận và Như Điển sẽ nhờ anh Khôi, Giáo sư tại Đại Học New South Wales cùng với anh Lê Thắng Tiến và anh Công lấy chữ ký của Hội Viên, sau đó đưa qua Bộ Ngoại giao Úc để can thiệp, chắc là nhanh lắm.

Tôi biết Thầy Bảo Lạc đồng ý vì lúc ấy Thầy nghe có nắng ấm và có những cây trái quê hương cũng như một Cộng đồng người Việt thuở ấy (1979) có đến 100.000 người mà chưa có vị lãnh đạo tinh thần nào của Phật Giáo cả, nên Thầy thuận cũng là lẽ tự nhiên. Thật là:

“Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp,

Quê nhà một góc nhớ mênh mông.”

Tâm trạng của chúng tôi lúc ấy là tâm trạng nhớ quê hương, nên những nơi nào có gợi nhớ quê hương là muốn tìm đến. Quê Hương, hai từ ấy thật khó định nghĩa, nhưng khi mất đi rồi thì thấy gắn bó lạ kỳ.

Từ năm 1975 đến 1985, chúng tôi ở ngoại quốc thuở ấy liên lạc về quê hương rất khó và ngược lại cũng thế. Một lá thư của Cụ thân sinh tôi khi người còn sinh tiền gởi đi Nhật từ Đà Nẵng năm 1976 mà 6 tháng sau mới đến. Tôi nhìn trên dấu ấn bưu điện là đầu tiên thư ra Hà Nội, chuyển tiếp đến Bắc Kinh, rồi sang Nga và từ Nga chuyển lại Tokyo, Nhật Bản. Khi bóc thư ra tôi chẳng đọc được dòng nào, vì giấy đục hơn giấy đi cầu và chữ thì nhòe nhoẹt.

Thuở ấy đâu có ai nghĩ là những thế giới cộng sản làm hòa với thế giới tư bản. Nhưng từ 1986 rồi 1989 đến nay, sự giao thương của thế giới đảo ngược hoàn toàn gần như là 180 độ. Bởi vậy, Phật nói rất nhiều lần trong nhiều kinh điển khác nhau, đặc biệt trong kinh Kim Cang, là các pháp không có tướng nhất định. “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng.” Phàm cái gì có hình tướng đều là hư vọng, vì giả hợp và không thường tồn. Vì vậy, cái đúng của hôm qua cũng có thể là cái sai của hôm nay và cái sai của hôm nay cũng có thể là cái đúng của ngày mai. Ai nắm được nghĩa chơn thật này thì hiểu được Đạo Phật.

Hòa Thượng Bảo Lạc là một trong những du học Tăng cuối cùng ở Nhật trước năm 1975 và ngày nay những người sinh viên Tăng Ni thuở ấy, kẻ thì đã ra đi về miền An Dưỡng như Hòa Thượng Thích Thiền Định, Hòa Thượng Thích Minh Lễ ở Pháp, Thầy Thích An Thiên ở Úc... Số còn lại như Hòa Thượng Trí Hiền, Hòa Thượng Chơn Thành, Hòa Thượng Nguyên Đạt v.v... tất cả hầu như đã trên 60 tuổi. Chỉ còn có mỗi mình tôi là “già nhất trong lớp trẻ và trẻ nhất trong lớp già”. Rồi một ngày nào đó già, bịnh, chết cũng sẽ đến thôi. Ai tránh được?

Hòa Thượng Bảo Lạc trước khi sang Nhật có đi dạy Việt Văn nhiều năm ở các trường Bồ-đề Hạnh Đức, Giác Ngộ ở Sài Gòn, nên cũng đã có nhiều học trò liên lạc với Thầy trong thời gian Thầy ấy ở Nhật. Thật đúng câu:

“Đón đưa bao kẻ qua sông,

Nhớ quên mặc kệ vẫn ông chèo đò.”

Làm thầy dạy học hay thầy trong đạo cũng giống như thế thôi. Dạy học là bổn phận, còn ai quên ai nhớ thì mặc lòng. Riêng việc của mình, mình cứ phải làm cho xong thôi. Còn đến, đi, còn, mất là chuyện thường tình của nhân thế.

Sau 3 tháng, thủ tục đón Thầy Bảo Lạc qua Úc đã xong. Khi tôi về lại Đức thì được báo tin như vậy. Tôi rất mừng và đồng thời cũng được biết rằng Hội Phật Giáo tại New South Wales đã thuê xong một nơi để làm Niệm Phật Đường. Cả mấy việc quan trọng như thế đã xong và để dành một sự ngạc nhiên cho Thầy Bảo Lạc, nên ngôi chùa ấy chưa đặt tên, dành ưu tiên cho Thầy ấy.

Riêng tôi cuối năm 1980 qua Úc lại một lần nữa và cùng với anh Phước đi thỉnh tượng Quán Thế Âm bằng gỗ ngoài siêu thị đem về thờ và tượng ấy ngày nay đang thờ trên Quán Âm Các trong hồ sen của chùa Pháp Bảo.

Thầy Bảo Lạc đến Úc đầu năm 1981. Đến hôm nay (2004) cũng đã 23 năm rồi. Trong 23 năm đó, Hòa Thượng đã đóng góp công sức của mình không ít cho ngôi chùa Pháp Bảo mới được xây dựng chính thức từ năm 1984 đến nay và cũng đã đúng 20 năm rồi. Đến năm 2006 là năm thứ 25 Thầy ở Úc. Có lẽ một lễ nghi lớn sẽ được cử hành vào lúc ấy.

Trong sân chùa Pháp Bảo ngày nay có một cây bồ-đề cành lá sum sê tỏa rộng cả một khu đất trong vườn. Chắc cây này cũng chưa được 20 năm, nhưng đất ở Úc rất tốt nên cây bồ-đề tượng trưng cho sự giác ngộ mau đâm chồi ra quả. Chẳng bù lại với tôi, trong Tổ Đường chùa Viên Giác tại Hannover cũng trồng một cây bồ-đề có gốc gác từ Tích Lan đem qua, đã 25 năm rồi mà chiều cao chưa được 1 mét. Quả là 2 thế giới khác nhau một trời một vực.

Cội bồ-đề tại Ấn Độ và các xứ mới phát triển nhanh không cần săn sóc, chăm bón gì. Trong khi ở trời Âu lạnh giá, phải chăm sóc thường xuyên, nhưng cây ấy vẫn cằn cỗi. Hay là tôi không có tay trồng cây mà chỉ có tay trồng người?

Trong sân chùa Pháp Bảo có một hồ sen rất đẹp. Mùa hè của Úc vào tháng 12 dương lịch, hoa khoe sắc thắm và xông ngát hương thơm, chẳng khác gì nơi quê hương thân yêu của mình hay những xứ Á Châu khác. Trong vườn chùa còn có những cây hoa anh đào Nhật Bản trông rất xinh và thường cho hoa vào mùa xuân, tháng 10 hằng năm. Xứ Úc là thế. Trong khi Âu Châu và Á Châu mùa hè thì tại đây mùa đông. Ngược lại, khi tại Âu Châu tuyết phủ nhiều vào mùa đông tháng 12, tháng 1 hằng năm thì tại Úc nhiệt độ lên đến chừng 40°C. Bởi vậy, mỗi năm 3 tháng của tôi ở Úc là 3 tháng lý tưởng nhất và tôi vẫn thường nói với mọi người là mỗi năm tôi có đến 2 mùa hè mà chẳng có mùa đông nào cả.

Công việc dịch kinh, viết sách, nhập thất, hành trì có lẽ kéo dài chừng 10 năm nữa. Lúc ấy tuổi cũng đã cao, dành thì giờ niệm Phật có lẽ có nhiều lợi ích hơn. Khi ấy mắt càng ngày càng kém, tai càng ngày càng nặng, lưng càng ngày càng mỏi thì đành để cho thế hệ đệ tử, đồ tôn tiếp nối con đường của mình đã đi. Như thế tôi cũng đã mãn nguyện lắm rồi.

Tôi và Hòa Thượng Thích Bảo Lạc là 2 anh em ruột, sanh ra trong một gia đình gồm 5 trai, 3 gái. Tôi là con út trong gia đình và kém Thầy Bảo Lạc 7 tuổi. Tôi phải nói rằng: Nếu gia đình tôi không nhờ Phật pháp chuyển đổi và Thầy Bảo Lạc cũng như tôi không nhờ đi xuất gia, thọ trì ơn Tam Bảo và ơn chúng sanh thì chắc chắn chúng tôi không có được ngày hôm nay. Vì vậy tất cả những gì chúng tôi có được ngày hôm nay, đều là nhờ ơn Tam Bảo sắp đặt cả.

Những anh chị tôi đã già, có người đã về bên kia cõi tử sinh và trong dòng họ thì ít có cơ hội ra nước ngoài. Còn chúng tôi thì chưa có cơ hội về nước, nên thế hệ thứ hai, thứ ba trong tộc họ hầu như không rõ mặt. Ngày xưa Đức Phật và chư vị Tổ Sư có lẽ cũng thế thôi. Vì khi đã xuất gia rồi thì gia đình không còn liên hệ mật thiết nữa. Có một điều đáng nói ở đây là làng tôi có đến 50 người đi xuất gia và suốt gần 50 năm qua chỉ có vài người ra đời, còn bao nhiêu vẫn tiếp tục tu. Cho nên nhiều bậc kỳ lão mới nói rằng: “Những làng khác thì phát tài, phát lộc, còn làng Xuyên Mỹ của chúng tôi đang phát đức.” Đúng là “ở có đức không sức mà ăn”, ông bà mình ngày xưa vẫn nói vậy. Cho nên tôi mong rằng cái đức ấy vẫn lan tỏa khắp trong làng, trong dòng họ và xa hơn nữa là trong nước và ngoài nước.

Đúng với câu:

Xứ Quảng Nam chưa mưa đã thấm,
Rượu hồng đào chưa nhắm đà say.

Ngày nay người Quảng Nam có mặt khắp nơi trên thế giới và cũng hãnh diện mình là con dân của Xứ Quảng nói riêng cũng như con dân Việt Nam nói chung, đang làm rạng danh cho nòi giống. Những nhà thơ, nhà văn nổi danh, theo đó là thế hệ thứ 2, thứ 3 ở ngoại quốc đã tiến vào các lãnh địa khoa học, y khoa, chính trị, tôn giáo v.v... rất được thế giới lưu tâm.

Phải nói rằng năm 1975 là một mốc lịch sử, một sự kiện đau thương của dân tộc, nhưng nếu không có năm 1975 thì Phật Giáo hẳn không có 600 ngôi chùa đang hiện diện khắp năm châu như hôm nay và cũng không có hơn 2 triệu người đã bỏ nước ra đi tìm tự do, trong đó cũng có nhiều Tăng Ni.

Đến đây rồi thì phải làm một điều gì đó, như Nguyễn Công Trứ đã nói “Phải có danh gì với núi sông”, nên bất cứ ai trong những người ra đi cũng muốn làm một điều gì đó để đền ơn sông núi, ơn quốc gia, Thầy Tổ, ơn cha mẹ, ơn Tam Bảo, ơn chúng sanh. Nếu gia đình đó là một người thợ thì họ xem như thế hệ bắt cầu. Họ hy sinh cho con cái, đi làm lụng kiếm tiền để nuôi con ăn học. Phần khác, họ lo tần tảo gởi về giúp cho những thân nhân còn kẹt lại Việt Nam. Nếu là một gia đình thương gia thì họ sẽ tiếp tục bỏ vốn ra để đầu tư sau khi đã tìm hiểu kỹ thị trường nơi đó. Nếu là giáo chức thì họ sẽ chăm lo đời sống học tập của gia đình mình. Nếu là những quân nhân, chính trị gia v.v... thì họ sẽ tiếp tục con đường tranh đấu của họ. Họ ra đi không phải vì miếng cơm manh áo mà họ đã ra đi vì 2 chữ Tự Do đã bị đánh mất nơi quê hương.

Cũng như thế đó, năm 1640 nhà Thanh đã cướp ngôi nhà Minh bên Trung Quốc, những người không muốn cộng tác với nhà Thanh thì họ ra đi tỵ nạn. Họ đã đến Hội An, Việt Nam đầu tiên vào thời chúa Nguyễn Phước Nguyên ở Đàng Trong đang trị vì. Rồi chúa Nguyễn đã thức thời biết trọng dụng kẻ sĩ và thương người Trung Hoa trong cơn nguy biến ấy nên đã cho mở ra làng Hoa Kiều ở Hội An. Một số tướng tài khác như Mạc Cửu thì đưa vào Hà Tiên để khai khẩn đất hoang và tạo nên công ăn việc làm tại đó.

Chúa Nguyễn Phúc Nguyên không những trọng dụng họ mà còn lập nên một làng lấy tên là làng Minh Hương, nghĩa là quê hương của người thờ nhà Minh. Làng ấy nay vẫn còn tại Hội An và trải dài suốt 400 năm lịch sử và ngày nay Hội An đã được tổ chức UNESCO công nhận là một di sản văn hóa thế giới.

Năm 1975, người Việt lũ lượt bỏ nước ra đi, đến Hoa Kỳ là nhiều nhất, hơn 1 triệu người. Họ đã thành lập thành phố Sài Gòn Nhỏ (Little Saigon) tại Garden Grove, tiểu bang California. Họ sống ở đó, một mặt hội nhập vào đời sống văn hóa, chính trị, tôn giáo của nước sở tại, đồng thời họ cũng không quên bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của Việt Nam. Nếu họ giữ gìn thì mấy trăm năm sau nữa, thành phố với tên Sài Gòn Nhỏ (Little Saigon) sẽ còn hiện hữu nơi đất Hoa Kỳ như người Hoa thờ nhà Minh đã đến Hội An Việt Nam hồi đầu thế kỷ 17.

Những ngày đầu của thế kỷ 17, có lẽ có nhiều sự trình tâu của người Minh Hương nên chúa Nguyễn đã cho người sang Trung Hoa thỉnh mời Ngài Hòa Thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán và Ngài Nguyên Thiều đến xứ Đàng Trong. Đầu tiên, quý Ngài đến Hội An rồi sau đó đến Bình Định. Tiếp theo là chính quý Ngài đã đích thân về lại Trung Quốc mời thêm 9 vị Đại Sư nữa sang Kinh Đô Huế, thuở ấy chỉ mới có chùa Thiên Mụ là tiêu biểu, làm giới đàn để truyền giới cho những người xuất gia Việt Nam của chúng ta. Trong đó có 3 Ngài ở lại quê hương mình để tiếp tục lãnh đạo tinh thần cho Phật Tử của người Hoa lẫn người Việt, nhưng sau đó thì Ngài Minh Hải Pháp Bảo và Ngài Minh Lượng vào lại Hội An để xây chùa Chúc Thánh và chùa Vạn Đức. Có lẽ nơi đây có nhiều người Hoa và do sự yêu cầu của Hoa kiều làng Minh Hương lúc bấy giờ nên các Ngài đã ở lại và Tông phái Minh Hải Chúc Thánh đã truyền thừa từ đó đến nay, từ Trung vào Nam, từ Nam ra hải ngoại như Thái Lan, Nhật Bản, Úc Đại Lợi, Hoa Kỳ, Đức Quốc v.v... Còn Ngài Minh Hoằng Tử Dung thì ở lại Huế để khai sơn chùa Từ Đàm và truyền cho Ngài Thiệt Diệu Liễu Quán. Phái Thiền này ngày nay cũng đang có mặt khắp nơi tại trong cũng như ngoài nước. Riêng phái Nguyên Thiều thì truyền từ Bình Định trở vào Nam và ngày nay cũng có một số danh tăng tại hải ngoại.

So ra cuộc ra đi của người Minh năm 1640 với người Việt ra đi vào năm 1975 cũng giống nhau thôi. Dĩ nhiên, hai thời điểm tuy có khác nhau, nhưng lý tưởng của những cuộc ra đi ấy giống nhau và dù ở xa quê hương đất tổ, nhưng họ vẫn giữ nề nếp gia phong của Trung Quốc. Họ lập chùa Ngũ Bang và các Hội quán để gặp gỡ nhau và nói ngôn ngữ của quê hương mình cũng như xây trường học dạy tiếng Trung Hoa và tiếng Việt cho thế hệ thứ 2 được sinh ra tại đó. Họ lấy chữ hiếu làm đầu. Đây là đạo của thánh hiền, nhờ thế mà họ vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, dầu cho họ ở bất cứ nơi nào trên quả địa cầu này.

Trong chữ Hán, chữ hiếu (孝) gồm chữ lão (老) và chữ tử (子) ghép lại. Lão nghĩa là già, tử nghĩa là trẻ. Người già sinh ra trước, có bổn phận lo cho người trẻ và người trẻ sinh ra sau thừa hưởng sự giáo dục của người già, nên khi lớn khôn rồi có bổn phận phải lo cho người già. Đó là Đạo học của Đông phương nói chung và của đạo Khổng hay của người Minh Hương nói riêng.

Riêng việc cung thỉnh chư Tăng Ni đến trụ xứ của họ đã định cư ở Hội An cũng tương tự như việc người Việt Nam đã định cư nơi Úc rồi sau đó sang Nhật để cung thỉnh Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, để lo cho đời sống tinh thần của người Phật Tử tại đây. Không thể về lại Việt Nam để cung thỉnh, vì lúc ấy Việt Nam chưa mở của tự do (1980). Vả lại Hòa Thượng Thích Bảo Lạc ra đi du học trước năm 1975 từ miền Nam Việt Nam, nên sang Nhật thỉnh qua Úc vẫn là điều hữu lý.

Sau đó, những vị Hòa Thượng Thích Tắc Phước, Hòa Thượng Thích Huyền Tôn, Hòa Thượng Thích Như Huệ, Thượng Tọa Thích Quảng Ba, Thượng Tọa Thích Phước Nhơn, Thượng Tọa Thích Trường Sanh và nhiều Đại Đức, Ni Sư khác đã đến Úc và Tân Tây Lan bằng con đường tỵ nạn vượt biển để đến các đảo tại Đông Nam Á Châu trước, sau đó mới làm đơn hoặc được bảo lãnh để vào Úc định cư.

Sau năm 1990, khi phong trào tỵ nạn không còn nữa thì quý Thầy, Cô ra đi theo thủ tục bảo lãnh của Giáo Hội. Cho nên số ấy hiện ở Úc và các nơi khác trên thế giới không nhỏ.

Làn sóng những người ra đi sau năm 1975, cả Nam lẫn Bắc Việt Nam, để tỵ nạn và đã đến được các nước tự do ở Mỹ Châu, Âu Châu và Úc Châu định cư chính thức, kéo dài cho đến năm 1995, khi các trại tạm cư tại các nước Đông Nam Á Châu không còn hoạt động nữa. Trong số hơn 2 triệu người ra đi vào thời gian này, có hơn 500.000 người chết chìm trên biển cả hay giữa rừng sâu. Tiếp theo đó, những người này làm đơn đoàn tụ cho thân nhân mình như vợ chồng, con cái vị thành niên để đoàn tụ gia đình.

Ngoài ra còn một số người Việt định cư ở Âu Châu sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ năm 1989, sau 40 năm chia đôi Đông Tây Đức, đa số những thanh niên, thanh nữ đi lao động trả nợ cho Liên Xô và Đông Âu tràn sang Âu Châu để xin tỵ nạn. Số này riêng nước Đức là 50.000 người. Kể cả các nước Âu Châu độ chừng 100.000 người, đa phần là những người Bắc sinh sau năm 1954. Nếu người miền Nam, miền Trung có mặt cùng chỉ là số ít và thuộc về những gia đình có tiền, có thế lực hoặc có liên hệ với chính quyền nên mới đi được các nước Đông Âu như thế.

Trong khi đó, ở Úc và Mỹ Châu thì không có những người tỵ nạn loại này, nhưng lại có những người đi theo chính sách nhân đạo (HO), nghĩa là lo cho gia đình của những quân nhân đã chiến đấu trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa với người Mỹ và đồng minh, nên các nước này mở mối từ tâm để đón nhận họ.

Trong 3 đợt ra đi ấy, đợt đầu có nhiều điều kiện nhất, vì họ không phải lo toan với chiến tranh, nghèo đói v.v. vả lại họ có sở học và sở tu, nên khi đến các nước thứ 3 để xin tỵ nạn là họ hội nhập liền.

Đợt thứ 2 đa phần gặp sóng to gió lớn trên biển Đông, một phần sống chín phần chết, cho nên khi đến định cư họ lo tạo mọi điều kiện cơ sở vật chất để hội nhập vào quê hương mới.

Theo chỗ chúng tôi biết, trong khoảng 20 năm từ 1975 đến 1995 đã có khoảng 600 Tăng Ni ra đi từ Việt Nam, chết trên biển cả và ra đời độ chừng 400 vị, chỉ còn lại khoảng 200 vị đang hành đạo khắp nơi. Trong 200 vị ấy, kể cả Châu Âu và Châu Mỹ mới chỉ có 3 vị ra Tiến Sĩ và 10 vị học Cao Học, 20 vị đậu Cử nhân. Như thế con số này vẫn còn khiêm tốn lắm.

Đợt thứ 3 cũng có một số người phát tâm xuất gia, nhưng số ấy chưa được 20 người. Cộng thêm với số đi du học tại Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan kể từ sau 1994 đến nay thì hiện tại số ấy cũng có trên 200 vị hiện ở tại Á Châu và một vài nước Âu Mỹ, nhưng số này đa phần học xong ở các nước Á Châu là về lại Việt Nam.

Như thế, việc ra đi của người Việt Nam có nhiều lý do khác nhau và chỉ tạm chia ra 3 giai đoạn, 3 hoàn cảnh như thế để thấy sự khác biệt. Nếu chia tỉ mỉ như những nhà xã hội học thì còn nhiều loại và nhiều hoàn cảnh khác nhau nữa.

Năm 1778, sau khi Quang Trung Nguyễn Huệ dấy binh ở Tây Sơn, Bình Định thì cho quân ra Hội An đánh chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn thua chạy vào Gia Định, rồi sau đó tiếp tục chạy qua Thái Lan. Chúa Trịnh ở miền Bắc cũng không nằm yên tại đó, nên đã đem binh vào Hội An để đánh Quang Trung Nguyễn Huệ. Quân của Nguyễn Huệ thua tan tành phải chạy về Bình Định. Còn quân của Chúa Trịnh vẫn tiếp tục ở Quảng Nam. Trong đoàn quân này có cụ Nguyễn Nghiễm là thân phụ của cụ Nguyễn Du. Cả 2 dòng họ Nguyễn này đều làm quan dưới thời Chúa Trịnh ngoài Bắc để thờ vua Lê, nhưng sau khi Gia Long Nguyễn Ánh, hậu duệ của 9 đời Chúa, từ Chúa Nguyễn Hoàng thế kỷ 17 đã có mặt tại miền Trung, từ Thái Lan trở về với sự giúp sức của Pháp thì các mặt trận của Nguyễn Huệ, Chúa Trịnh đều bị thua. Kẻ bị đày, người đầu hàng, kẻ không chịu ra làm quan, trong đó có cả cụ Nguyễn Du. Cho nên Đoạn Trường Tân Thanh hay Kim Vân Kiều Truyện là tiếng kêu xé lòng của cụ giữa 2 thế lực mạnh và yếu đã ra đời. Cái nào là chính nghĩa cũng khó nói, cho nên cụ đã mang tất cả tâm sự của mình để viết nên truyện Kiều theo mẩu chuyện Thanh Tâm tài tử của đời nhà Minh bên Trung Quốc là vậy.

Gia Long lên ngôi Hoàng Đế năm 1802 và triều nhà Nguyễn làm vua cho đến năm 1954, gồm có 13 vua. Như thế, 150 năm của lần này và 200 năm của 9 vị chúa thì tổng cộng triều Nguyễn cũng đã ngự trị trên quê hương chúng ta gần 350 năm lịch sử. Trong khoảng thời gian ấy biết bao nhiêu là vinh nhục, sử sách đã kể nhiều rồi, thiết tưởng ở đây không cần nói thêm nữa. Nhưng cũng chính trong những năm chinh chiến giữa Gia Long và Nguyễn Tây Sơn ấy mà tại Thái Lan ngày nay chúng ta có được 17 ngôi chùa Việt Nam. Khi đi tỵ nạn như thế Gia Long cũng đã mang theo một số các vị tăng sĩ hữu danh. Vì họ chẳng muốn cộng tác với Nguyễn Huệ Quang Trung cũng như chúa Trịnh vua Lê ở Đàng Ngoài, nên họ đã an phận ở đất Thái. Bây giờ sau 200 năm vắng bóng các Chúa, các Vua đã ra đi, chỉ còn lại hình ảnh của những ngôi chùa. Nơi đó ngày đêm vẫn còn vang lên lời kinh tiếng mõ khắp kinh đô Bangkok ngày nay.

Cho hay vật đổi sao dời là thế. Tình đời nghĩa đạo, thế sự nhiễu nhương. Thời nào cũng có anh hùng hào kiệt, thời nào cũng có gian thần, nịnh thần và cái đúng cái sai cũng chỉ có giá trị vào một thời điểm nào đó thôi, chứ không phải là giá trị miên viễn trên cuộc đời này. Ví dụ như đứng về phương diện lịch sử thì Quang Trung Nguyễn Huệ là anh hùng dân tộc, vì đã đại thắng quân Thanh, đuổi họ chạy về Tàu, nhưng đứng về phương diện kẻ mạnh khi đã chiếm được quyền hành thì Nguyễn Ánh gọi Nguyễn Huệ là Ngụy Tây Sơn. Đã là Ngụy thì không còn chơn chính nữa dưới một triều đại khác. Cho nên những ai đã cộng tác và phò tá triều đại đó thì bị đày ải hoặc bị giết chết, thủ tiêu v.v... và v.v... Rồi lịch sử đã lập lại sau năm 1975, kẻ đã thắng xem người bại là Ngụy. Nhưng chữ Ngụy đó nó cũng chỉ đúng với người chiến thắng thôi, chứ nó không hoàn toàn đúng với lịch sử của dân tộc. Nếu không có ngày 30.04.1975 thì làm sao có một Little Sài Gòn ở California, có 600 ngôi chùa ở ngoại quốc, như người Minh Hương đã có mặt tại Hội An vào năm 1640? Họ đã mất, nhưng họ vẫn còn. Sự còn ấy là còn “chót vót một ngôi chùa” như cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã nói.

Triều đại nào, chính thể nào rồi cùng trôi qua, chỉ có sự hiểu biết, giác ngộ, lòng từ bi, vị tha là luôn còn lại với đời. Điều ấy lịch sử đã chứng minh và đã được lặp lại nhiều lần chứ không phải chỉ một lần như lịch sử Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên hay của những dân tộc khác trên thế giới.

Nhìn mây bay, nhìn gió thổi, nhìn bóng cây rung theo chiều gió, nghe tiếng chim kêu, thấy hình ảnh của những con vật 4 chân, nhiều chân đang sinh hoạt tại núi đồi của Tu Viện Đa Bảo này, tôi thấy mình như hòa lẫn vào trong không gian ấy và rất tự tại giở từng trang kinh để chiêm nghiệm và biết rằng:

“Chúng sanh, chúng sanh giả, Như Lai thuyết phi chúng sanh, thị danh chúng sanh.” (Kinh Kim Cang)

Nghĩa là "những chúng sanh ấy, theo Đức Như Lai nói là chẳng phải chúng sanh, đó mới là chúng sanh." Vì tất cả những gì có hình tướng đều hư vọng, chỉ có những gì vượt lên khỏi hình tướng thì cái ấy mới là chơn thật nghĩa, chơn thật ngữ vậy.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 8 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




An Sĩ toàn thư - Khuyên người bỏ sự giết hại


Lược sử Phật giáo


Vua Là Phật, Phật Là Vua


Lục tổ Đại sư - Con người và huyền thoại

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 13.58.232.94 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...