Niềm vui cao cả nhất là niềm vui của sự học hỏi. (The noblest pleasure is the joy of understanding.)Leonardo da Vinci
Mất tiền không đáng gọi là mất; mất danh dự là mất một phần đời; chỉ có mất niềm tin là mất hết tất cả.Ngạn ngữ Nga
Mục đích của đời sống là khám phá tài năng của bạn, công việc của một đời là phát triển tài năng, và ý nghĩa của cuộc đời là cống hiến tài năng ấy. (The purpose of life is to discover your gift. The work of life is to develop it. The meaning of life is to give your gift away.)David S. Viscott
Cho dù không ai có thể quay lại quá khứ để khởi sự khác hơn, nhưng bất cứ ai cũng có thể bắt đầu từ hôm nay để tạo ra một kết cuộc hoàn toàn mới. (Though no one can go back and make a brand new start, anyone can start from now and make a brand new ending. )Carl Bard
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Khởi đầu của mọi thành tựu chính là khát vọng. (The starting point of all achievement is desire.)Napoleon Hill
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Thành công không được quyết định bởi sự thông minh tài giỏi, mà chính là ở khả năng vượt qua chướng ngại.Sưu tầm
Cho dù người ta có tin vào tôn giáo hay không, có tin vào sự tái sinh hay không, thì ai ai cũng đều phải trân trọng lòng tốt và tâm từ bi. (Whether one believes in a religion or not, and whether one believes in rebirth or not, there isn't anyone who doesn't appreciate kindness and compassion.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu muốn tỏa sáng trong tương lai, bạn phải lấp lánh từ hôm nay.Sưu tầm

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Dưới cội Bồ-đề »» PHẦN HAI »»

Dưới cội Bồ-đề
»» PHẦN HAI

Donate

(Lượt xem: 3.860)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Dưới cội Bồ-đề - PHẦN HAI

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Thời gian cứ lặng lờ trôi qua, hết hạ sang thu, hết đông sang xuân, ánh sáng chân lý của Đấng Giác Ngộ ngày càng lan tỏa ra khắp xứ Ấn Độ và các nước lân cận. Chỉ cần ba trăm năm sau thôi là người ta đã thấy được điều đó. Bây giờ, cây bồ-đề nơi thành Gaya vẫn vươn cao cành, tỏa rộng thêm và che rợp cả khu Đại Tháp. Lúc bấy giờ, Kim Cương Tòa nơi Đức Phật thành đạo vẫn còn thô sơ lắm, vì nơi đây không có những chùa viện lớn xây dựng để ghi dấu tích nơi Đức Phật thành đạo, mãi cho đến triều đại Chandragupta, khoảng năm 321 trước Tây lịch, tức 305 năm sau khi Đức Phật thành đạo. Đây gọi là vương triều Khổng Tước, tượng trưng cho sức mạnh của Ấn Độ lúc bấy giờ, nhà vua mới để tâm đến.

Đến năm 270 trước Tây lịch thì Vua A-dục có công thống nhất Ấn Độ. Ông đã tiếm quyền của người anh là Susmana nhân lúc vua cha băng hà và lên ngôi Hoàng Đế. Sau bốn năm làm vua, ông đã giết người em cùng mẹ là Để Tu và 99 người em khác mẹ để bảo vệ ngai vàng của mình. Ông không được vua cha yêu quý bằng người anh ruột của mình là Susmana. Nhân lúc nước Taksasi có loạn, vua cha phái ông đến đó để dẹp loạn, nhưng binh khí và lính tráng cấp cho không đủ nên ông đã chiến đấu một cách phi thường mới thắng được nhiều trận quan trọng. Sau đó hát khúc khải hoàn ca. Vua cha rất lo sợ, muốn trừ hậu hoạn trước, nhưng cũng không được. Thôi cứ phó thác cho vận trời. Do vậy mà trong huynh đệ mới phát sinh ra việc thanh toán đẫm máu với nhau để chiếm được ngai vàng.

Khi đến xứ Taksasi, ông đã giết chết không còn một người. Trong khi say men chiến thắng, cũng là lúc ông gặp được ý trung nhân và sau này ông phong làm hoàng hậu. Chính nhờ hoàng hậu rất nhân từ nên đã chinh phục ông và góp với ông nhiều ý kiến thắm đượm lòng từ bi, nên bên cạnh người đẹp, ông đã yên ổn một phần nào.

Đức Phật nhập Niết-bàn đã hơn 350 năm rồi, nhưng tiếng tăm và đức độ của Ngài vẫn còn vang dội trên xứ Ấn Độ. Do vậy ông đâm ra ganh tỵ với Phật. Trong thâm tâm ông nghĩ không ai có tài đức hơn ông. Do vậy một hôm ông cho gọi người hầu cận đến bảo:

- Hãy sửa soạn lương thực và xa mã cho ta, để ngày mai ta cùng đoàn tùy tùng đến thành Gaya.

- Muôn tâu Bệ Hạ! Xin tuân lệnh, nhưng để làm gì và đi bao lâu thì Bệ Hạ hồi cung?

- Từ đây đến đó rất xa, đi về chắc cần đến nửa tháng. Còn đi để làm gì thì các ngươi đến đó sẽ biết.

- Muôn tâu Thánh Thượng! Nơi đó đâu có bể cả, sông dài hay gian thần đạo tặc gì mà khiến cho Bệ Hạ phải nhọc thể như thế?

- Ta nghe nói đến danh Cồ-đàm xưa nay. Nay ta muốn biết đến chỗ người ấy thành đạo và vì lý do gì mà mọi người cho đến hôm nay, sau hơn 350 năm vắng bóng trên cõi trần vẫn còn có nhiều người khát ngưỡng? Không! Chính ta, ta mới là người được tôn vinh như thế. Vì ta đã thắng được tất cả.

- Bẩm Hoàng thượng! Giáo lý của Đạo Phật rất cao siêu mầu nhiệm. Tuy đã thắng tất cả, nhưng bệ hạ khó thắng tự chính mình. Do vậy huynh đệ mới tương tàn và ai nghe danh bệ hạ cũng khiếp sợ.

Một vị cận thần tâu như vậy.

- Ngươi hãy câm đi! Ta mới là người chiến thắng tất cả.

- Muôn tâu Hoàng thượng! Hạ thần được nghe rằng: Giáo lý của Đấng Đạo Sư ấy dạy: “Chiến thắng muôn quân không bằng tự chiến thắng chính mình, tự chiến thắng mình mới là chiến công oanh liệt nhất.”

- Lại thêm một người muốn chết nữa. Ngươi không sợ lưỡi gươm báu của ta hả?

- Kính xin Bệ Hạ hãy dừng lại những ý nghĩ bất kính ấy đối với một bậc đã giác ngộ.

- Thôi các ngươi hãy im đi! Ngày mai xa giá lên đường!

Thế là mọi việc chuẩn bị đã xong. Trên từ vua đến hoàng hậu và các quan đại thần cũng như dưới đến tả hữu quân lính và xe ngựa đều rầm rộ xuất hành, trông giống như một đoàn quân sắp xông pha vào trận mạc.

Đường đi gập ghềnh khổ sở, vua và hoàng hậu ít quen cực nhọc này nên cũng tự suy nghĩ rằng: Đức Phật là một Đông Cung Thái Tử, nhưng tại sao phải bỏ ngôi báu để đi xuất gia, Còn vợ con thì chẳng đoái hoài đến. Tại sao thế? Và đến nơi rừng sâu núi thẳm như thế này để làm gì và tại sao lại được giác ngộ?

Mấy ngày sau thì xa giá đã đến nơi Kim Cương Tòa, nơi Đức Phật thành đạo. Vua A-dục tỏ ra thất vọng. Vì chẳng thấy có ai bên cạnh đó. Cũng như chẳng có cái gì ghi dấu lại nơi thành đạo này, ngoại trừ Kim Cương Tòa và cây bồ-đề đang tỏa bóng mát che phủ khắp cả một vùng. Nhà vua đâm ra ghen tức với cây bồ-đề và nói rằng:

- Chính mi! Chính mi đã giúp đỡ cho người con dòng họ Thích ấy! Ta sẽ sát phạt ngươi. Ngươi có sợ ta chăng?

Cây bồ-đề vẫn im lìm trong khoảng không gian cô tịch. Tuy nhiên nhìn kỹ có một sự sống động lạ thường. Thay vì sự trả lời là những cái cúi đầu nhân ái khi có những tiếng gió động lướt qua trên những cành non vừa thay lá.

- Này ba quân! Đây là lệnh hãy nghe cho kỹ! Các ngươi hãy chặt phá cây bồ-đề này và không còn giữ lại một tàn tích gì cả cho ta. Xong đâu đó hãy đem ra phía trước để đốt cho sạch, không để lại một cành lá nào.

- Muôn tâu Bệ hạ! Xin tuân lệnh.

Thế là cây bồ-đề từng mảnh rồi từng mảnh, từng cành rồi từng cành..., tất cả đều đã bị chặt sạch sẽ trong mấy tiếng đồng hồ. Đến khi đem đi đốt thì những điều lạ lại xuất hiện.

- Muôn tâu Bệ Hạ! Ngài hãy xem kìa! Tự dưng nơi lửa cháy kia đã phát sanh ra những tia hào quang linh động!

- Đâu thể nào có vấn đề ấy.

- Xin Bệ Hạ hãy nhìn kỹ xem.

- Đúng rồi! Đúng là một phép lạ. Tại sao lại có sự kiện ấy nhỉ?

Rồi Đức Vua trầm ngâm không nói một lời. Đoạn mới cho gọi một vị cận thần có thâm tín với Phật Giáo vào hỏi chuyện.

- Ngươi có biết tại sao có việc kỳ diệu ấy chăng?

- Muôn tâu Bệ Hạ. Giáo lý của Đạo Phật là giáo lý giác ngộ và giải thoát, lấy từ bi để hóa giải hận thù. Còn Bệ Hạ...

- Thì sao?

- Dạ thưa...

- Ngươi cứ nói tiếp.

- Dạ thưa! Vì say men chiến thắng, có bao giờ bệ hạ nghĩ đến đạo đức cho muôn dân đâu và ngay cả cây Bồ-đề này là hiện thân của sự giác ngộ của bao đời chư Phật mà bệ hạ cũng không kiêng nể. Do vậy mà điềm lành ấy xuất hiện để cảnh tỉnh bệ hạ đó.

- Ngoài ra giáo lý ấy còn có gì quan trọng?

- Trong kinh Đại Bát Niết-bàn Đức Phật có huyền ký rằng: Sau khi ta nhập diệt, nếu có kẻ nào đến nơi Tứ Động Tâm. Đó là nơi ta sinh ra, nơi ta thành đạo, nơi ta thuyết pháp lần đầu tiên và nơi ta nhập Đại Niết-bàn thì cũng giống như là gặp ta lúc còn tại thế. Bệ Hạ đến đây đã không có tâm cung kính mà còn có tâm cao ngạo tự mãn, nên đã không gặp được Đấng Đại Giác đó thôi. Cho nên pháp mầu kia là một sự cảnh tỉnh.

- Nếu đúng là vậy thì hãy cho ta thấy một điều kỳ diệu nữa, ta mới phát lòng tin.

Đêm đó đức vua nằm không chớp mắt và suy nghĩ rất nhiều về ánh sáng tỏa ra khi đốt những cành lá bồ-đề. Bỗng nhà Vua chợp mắt lúc nào chẳng hay và lúc ấy có một chư Thiên từ cõi trời Tứ Thiên Vương trong cõi Dục hiện ra nói:

- Tâu bệ hạ! Nếu bệ hạ muốn thấy một điềm lành xuất hiện nữa thì ngay sáng mai bệ hạ hãy cho người hầu cận đem sữa tưới vào gốc cây bồ-đề đã chặt rồi thì sẽ thấy.

- Nhưng thấy cái gì?

- Thì ngày mai Bệ Hạ sẽ chứng kiến điềm lành ấy.

Nhà Vua choàng tỉnh dậy, như có ai khe khẽ gọi bên tai mình. Nhà Vua mở mắt lớn ra thì thấy hoàng hậu và nhà vua đem giấc mơ ấy kể cho hoàng hậu nghe.

Sáng sớm tinh sương hôm ấy nhà vua đã chứng kiến một cảnh lạ kỳ chưa từng thấy trong đời. Đó là khi đổ sữa vào gốc cây bồ-đề đã chặt hôm qua, thì kỳ lạ thay, từ dưới đất, ngay nơi gốc cây đã bị chặt ấy bỗng tức thời mọc lên một cây khác, bắt đầu đâm chồi nảy lộc trước sự chứng kiến của đức vua. Thế là vua và hoàng hậu cùng với các cận thần quỳ xuống bên gốc cây bồ-đề ấy để đảnh lễ và nhà Vua đã lập lại 3 lần câu:

Kể từ nay đến suốt đời con xin quy y Phật, kể từ nay đến suốt đời con xin quy y Pháp, kể từ nay đến suốt đời con xin quy y Tăng.

Đoạn vua cho xa giá hồi cung và trên đường về trong đầu óc miên man suy nghĩ về những pháp mầu và nghĩ phải có một cách gì đó để tạ ơn Tam Bảo đã soi sáng cho sự tỉnh thức của mình.

Nhà vua nghĩ rằng: Chỉ có xây dựng những bảo tháp bằng đá và cho chạm trổ lên đó những dòng chữ ghi dấu những nơi xuất hiện quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật thì sau này có người kiếm tìm mới biết đâu là thật hư. Ngoài ra, vua cũng cho xây nhiều chùa để chư Tăng Ni có nơi tu tập và giữ gìn những bảo tháp xá-lợi ấy. Kết quả là có 84.000 bảo tháp và 84.000 ngôi chùa đã được xây dựng trong suốt mấy mươi năm đức vua trị vì và cũng chính nhờ Ngài Hải tỳ-kheo mà đức vua hiểu được Đức Phật đã huyền ký là sau hơn 350 năm Đức Phật nhập diệt, sẽ có một vị vua như thế ra đời.

Vua nghe vị Hải tỳ-kheo nhắc lại câu chuyện của đời mình, sinh ra cảm động và khóc lóc sầu thảm, than trách tại sao mình không được sanh ra lúc Phật ra đời. Sau đó đích thân Vua đã đến thành Vương Xá, xứ Ma-kiệt-đà để lấy 4 thăng xá-lợi Phật mà Vua A-xà-thế đã chôn giấu và lấy hết tất cả xá-lợi được chôn giấu ở 6 nơi khác. Vua sai làm 84.000 chiếc hộp báu, mỗi hộp đựng một viên xá-lợi, lại làm 84.000 chiếc vò báu, 84.000 chiếc lọng báu, 84.000 tấm lụa, làm đồ trang sức, rồi chọn ngày cung thỉnh chư Tăng đến mỗi tháp như thế cung nghinh xá-lợi nhập bảo tháp và ra những chiếu chỉ để nhân dân phụng thờ xá-lợi, chùa tháp cũng như hộ trì chư Tăng.

Ngày nay nếu ai đến chiêm bái vườn Lam-tỳ-ni, nơi Thái Tử đản sanh, thì sẽ thấy trên cây trụ đá Vua A-dục có cho khắc những dòng chữ như sau:

“Đây là nơi Đản Sanh của Thái Tử Tất Đạt Đa.

Trẫm (Asoka) miễn một phần bảy thuế cho dân làng này.”

Chính nhờ Vua A-dục đã cho dựng tháp và các trụ đá trước Tây lịch 250 năm, rồi đến đầu thế kỷ 7 vào năm 628 sau Tây lịch, Ngài Huyền Trang từ Trung Quốc đã sang Ấn Độ, đi đến đâu Ngài cũng ghi chép lại thật rõ ràng về những trụ đá Vua A-dục dựng còn sót lại. Nghĩa là từ khi dựng cho đến khi Ngài Huyền Trang có mặt tại Ấn Độ khoảng chừng hơn 800 năm. Sau khi về lại Kinh Đô Trường An vào năm Trinh Quán thứ 19, Ngài Huyền Trang đúng 50 tuổi, tức năm 645. Ngay năm sau, tức là năm 646, Ngài đã thuật lại cho đệ tử mình chuyến hành trình gian khổ suốt 17 năm trường gồm 4 năm đi về và 13 năm học tại Đại Học Nalanda cũng như chiêm bái các nơi khác. Lại trải qua 19 năm phiên dịch Kinh điển, đến năm 664 thì Ngài viên tịch, để lại không biết bao nhiêu là bản kinh đã phiên dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán và một bộ ký sự “Đại Đường Tây Vức Ký”.

Sau này các học giả Âu Mỹ có dịch bộ ký sự này sang tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Nga, nên theo đó mà khai quật những di tích lịch sử mà ngày trước Vua A-dục đã dựng lên, gồm những tháp và bia ký kỷ niệm.

Ngay cả Đại Tháp bồ-đề ngày nay mà chúng ta thấy đó, cao 50 mét, nhưng theo các nhà khảo cổ học phương Tây thì chỉ có phần trên cùng của tháp và nền tháp là còn nguyên vẹn. Còn thân giữa của tháp chỉ mới được xây dựng lại khoảng 200 năm về trước. Thời gian trải qua mấy ngàn năm, phong sương cùng tuế nguyệt, vật đổi sao dời, quả đất chuyển đổi, nên ngày nay khách hành hương khi vào trong Đại Tháp sẽ thấy rằng chúng ta đang đi xuống dưới mặt đất để vào đảnh lễ. Điều ấy có nghĩa là, chân tháp bị chôn sâu dưới mặt đất. Còn bên ngoài chúng ta thấy mặt đất bình thường cao hơn cả năm sáu thước. Thật là bất khả tư nghì và nếu không có Vua A-dục cho xây dựng 84.000 bảo tháp ngày trước, thì ngày nay đâu còn lưu lại dấu vết gì.

Phật lịch 2548 (Dương lịch 2004) cũng là năm Liên Hiệp Quốc đã lấy ngày Vesak Rằm Tháng Tư làm lễ kỷ niệm Đản Sanh, Thành Đạo và nhập Đại Bát Niết-bàn và cũng trong năm này UNESCO là một tổ chức gồm nhiều nước thành viên trên thế giới cũng đã công nhận bồ-đề Đạo Tràng là di sản văn hóa thế giới, cần phải được trân trọng bảo quản giữ gìn. Công đức ấy là do Vua A-dục cho xây chùa dựng tháp mà thành và đã trải qua hơn 2.300 năm lịch sử.

Sau khi lên ngôi vua 17 năm, nhà vua đã chủ trương việc kết tập kinh điển lần thứ 3 tại thành Hoa Thị gồm có 1000 vị trưởng lão, tụng lại tất cả những kinh, luật, luận trong suốt 9 tháng thì xong. Trong lần kết tập này, các Ngài chỉ đọc tụng để nhắc lại những lời Phật dạy qua 2 lần kết tập trước. Lần đầu do Ngài Ma-ha Ca-diếp chủ tọa, cách sau Phật nhập diệt 7 ngày, gồm có 500 vị A-la-hán. Lần kết tập thứ 2 cách Phật nhập diệt 100 năm, tại thành Tỳ-xá-ly. Do có 10 việc phi pháp nổi lên, nên Ngài Da-xá đã triệu tập 700 vị Thánh Chúng ở vườn Ba-lị-ca để rà soát Luật tạng cho được chuẩn xác. Lần thứ 3 là do vua A-dục chủ trương. Lần này Ngài Mục-kiền-liên Tử-đế-tu chủ tọa và lần thứ 4 cách Phật nhập diệt 400 năm do nhà vua Ca-nị-sắc-ca xứ Kiền-đà-la ở thành Ca-thấp-di-la chủ trương, có 500 vị A-la-hán kết tập và Ngài A-la-hán Ca-chiên-diên làm Thượng Thủ. Đây là thời kỳ Kinh, Luật, Luận đã được viết thành văn tự. Theo các nhà sử học Tây phương thì đó là vào năm 85 trước Tây lịch.

Sau khi kết tập lần thứ ba rồi, Đức Vua A-dục phái Ngài Majihantika (Mạt-xiển-đề) đến nước Kế Tân (Kasmina) và xứ Gandhara (Kiền-đà-la), phái Ngài Mahisamandala (Ma-hệ-sa Mạt-đà-la), Ngài Lặc-khế-đa (Rakkhita) đến nước Ba-na-sa-tư (Varanasi), phái Ngài Đàm-vô-đức (Yonaka-dhammarakkhita) đến nước A-ba-lan-đa-ca (Aparantaka), phái Ngài Ma-ha Đàm-vô-đức (Mahadhamana-rakkhita) đến nước Ma-ha Lặc-xá (Ma-ha-raha), phái Ngài Ma-ha Bột-khí-đa (Maharakkhita) đến Tẩu-la Thế Giới (Yonaloka=Hy Lạp), phái Ngài Mạt-thị-ma (Majihima) đến nước bên núi Tuyết Sơn (Himavantapoda), phái Ngài Tu-na-ca-va (Sonaka) và Uất-đa-la (Uttaka) đến đất Kim (Suvarra-bhumi) thuộc Miến Điện, phái Ngài Ma-hi (Mahinda) đến nước Sư Tử (Lanka-Tích Lan). Tất cả những sự kiện này trong luật Thiện Kiến ghi rất rõ ràng.

Như thế phải nói rằng, nhà vua là một bậc minh quân hàng đầu trong lịch sử Phật Giáo thế giới và lịch sử Ấn Độ và có lẽ vì thế mà cho đến ngày nay lá cờ quốc gia của Ấn Độ 3 màu xanh, đỏ, trắng, trên ấy có hình bánh xe chuyển pháp luân của Đức Phật. Mặc dầu trong hiện tại (2004) xứ Ấn Độ có đến 800.000.000 người theo Ấn Giáo và Phật Giáo chưa đến 1.000.000 người, thế mà hình ảnh hoằng pháp lợi sanh của vua A-dục sau khi Phật nhập diệt vẫn còn hiện hữu. Quả thật là pháp Phật nhiệm mầu.

Ngày đó mà nhà Vua đã phái các vị đạo cao đức trọng ra khỏi biên giới của Ấn Độ như Miến Điện, Tích Lan, Hy Lạp, đến tận cả Trung Đông ngày nay để hoằng pháp, thì phải biết rằng uy tín của nhà vua cũng như giáo lý của Đạo Phật lúc ấy ảnh hưởng không biết bao nhiêu mà kể trong nhân gian và trong xã hội đời thường.

Trong những vị đi xa này có 2 người con của vua A-dục. Đó là Công Chúa Shanghamita và Hoàng Thái Tử Mahinda. Điều ấy chứng tỏ rằng trên từ vua cha cho đến con cái, hoàng tộc đã được ảnh hưởng bởi giáo lý nhiệm mầu của đấng Thế Tôn. Còn hoàng hậu thì sao chẳng thấy đề cập đến?

Một triều đình như thế thì chắc hoàng hậu không có vui. Vì cả ngày lẫn đêm nhà Vua vẫn bên chồng kinh sách, nghiên cứu thâm sâu nội điển và nhiều khi luận bàn với những vị quốc sư cho đến thâu đêm và dường như nhà vua đã bỏ quên hoàng hậu nơi hậu cung. Có nhiều đêm hoàng hậu chỉ một mình, chẳng biết tâm sự với ai nên cũng ghen tuông với Đức Phật. Bà nghĩ rằng chính Đức Phật là nguyên nhân để cho Đức Vua bỏ bê bà ta. Thỉnh thoảng lắm nhà Vua mới ghé thăm một chút, rồi về nơi tịnh dưỡng của mình.

Vào một đêm trăng rằm sáng tỏ Hoàng Hậu đến cạnh bên Đức Vua và thỏ thẻ như sau:

- Muôn tâu Thánh Thượng! Tiện thiếp có điều gì sai trái mà lâu nay chẳng thấy Hoàng Thượng đoái hoài? Vả chăng Hoàng Thượng đã quên chánh cung rồi?

- Chắc chắn là không phải. Nhưng nay ta vừa bận việc triều chính lẫn việc đạo, nên mới ít thăm nom ấy thôi. Còn Hậu thì tuổi cũng đã cao. Nên tĩnh tâm mà tu niệm.

- Lúc nào tiện thiếp cũng chỉ nghe toàn là đạo đức, là luân lý. Có khi nào Hoàng Thượng nhắc lại những năm nơi sa trường, những lúc thắng trận khải hoàn ca. Nơi đó vẫn có sự đóng góp của tiện thiếp. Sao vậy Bệ Hạ?

- Những việc ấy chỉ là thời còn son trẻ. Còn nay thì ta đã già và chỉ có giáo lý của Đức Phật mới làm cho ta an lạc được. Còn mọi thứ trên đời này chẳng qua chỉ là giả tạm mà thôi.

- Ngay cả Hậu này chăng?

- Đúng thế! Dầu là Hậu đi chăng nữa, một ngày nào đó thân cát bụi sẽ trả về cho cát bụi. Còn lại tâm thức sẽ đi đầu thai ở chốn nào? Đó là chưa kể lúc còn trai trẻ ta đã giết không biết bao nhiêu vạn sinh linh, giờ đây ta hối hận lắm.

- Cả hoàng nhi và hoàng nữ Bệ Hạ cũng tóm thâu luôn.

- Dĩ nhiên những đứa con hiền lành của chúng ta do nghe pháp mà hiểu cúng dường, rồi phát tâm xuất gia, chứ đâu có ai ép buộc chúng bao giờ. Hậu thử nghĩ lại xem.

Hoàng Hậu không còn đối đáp với Đức Vua nữa mà buồn bã trở lại hậu cung, trong đầu óc đang có một vài tính toán.

Một hôm Hoàng Hậu cho mời những cung nữ thân tín vào và ra lệnh:

- Các ngươi hãy chuẩn bị xa giá và lương thực cho ta trong bảy ngày và ngày mai chúng ta ra đi.

- Muôn tâu Hoàng Hậu! Tiện tỳ xin vâng lệnh, nhưng đi đâu thưa Hoàng Hậu?

- Đi báo thù!

- Báo thù?

- Đúng vậy! Đi báo thù.

- Lâu nay chúng nô tỳ thấy Hoàng Hậu hiền lành chẳng thù oán với ai. Ngay cả có 2 người con cũng cho đi xuất gia thì chắc hẳn lòng từ bi của Hoàng Hậu độ lượng lắm!

- Ngươi hãy im đi! Hãy vào trong gọi 4 tên đại lực sĩ ra đây cho ta.

- Xin vâng lệnh.

Từ bên ngoài hậu cung 4 tên đại lực sĩ đi vào và ra mắt Hoàng Hậu.

- Kính xin lịnh bà cho tôn ý.

- Ta muốn các ngươi ngày mai cùng ta lên đường và nên chuẩn bị đem theo rìu, rựa, giáo, mác cho thật bén.

- Để làm gì thưa Hoàng Hậu?

- Đến đó rồi các ngươi sẽ biết.

Ngày hôm sau cả đoàn tùy tùng lên ngựa, theo sau long xa tứ mã của Hoàng Hậu. Đi suốt cả mấy ngày đường mới đến bên dòng sông Ni Liên. Từ đây đường đi gập ghềnh cho nên tất cả đều xuống xe đi bộ. Chỉ riêng Hoàng Hậu một mình một ngựa tiến đến nơi Kim Cương Tòa và ra lệnh:

- Hãy chặt đứt cây bồ-đề này đi! Chính mi đã quyến rũ chồng con ta. Ngày đêm chồng ta chỉ cận kề bên mi và chẳng còn đoái hoài đến ta nữa. Từ nay mi sẽ không còn sức quyến rũ nữa. Quân bay đâu! Hãy tiến vào chặt lấy.

- Chúng thần vâng lệnh.

Đây cũng là cơ hội để những người bà-la-môn lâu nay vốn ganh tị với Phật Giáo ra tay chặt phá, chẳng chút nhân nhượng. Riêng những người Phật Tử theo hầu thì vừa đau xót vừa làm cho có lệ. Một hồi sau, cây bồ-đề không còn một cành lá nào nữa. Hoàng Hậu rất hả dạ và cho mọi người ra về.

Tự nhiên, Hoàng Hậu bỗng thấy đau xốn ở đầu, mỏi ở lưng và cổ, rồi đột quỵ xuống chẳng biết vì lý do gì. Nhìn khắp chung quanh, thấy nơi đây vẫn hiền lành yên tĩnh. Trong thâm tâm Hoàng Hậu trách thầm - Ngỡ rằng ông Cồ-đàm cũng từ bi nhân hậu, nhưng sao lại trách phạt ta. Mọi người chung quanh bu đến rồi các tỳ nữ đỡ Hoàng Hậu lên ngựa. Đêm ấy Hoàng Hậu nằm mơ thấy:

- Ta là Tứ Thiên Vương từ cõi trời đến, báo cho ngươi biết rằng: Mặc dầu Đức Thế Tôn thị tịch đã 350 năm rồi. Chồng ngươi đã một lần chặt bỏ cây bồ-đề này vì ganh tức với hão danh uy quyền của thế tục và nhờ sau đó đã hồi tâm, nên ngày nay đã trở thành một bậc minh quân hiền đức. Còn ngươi nếu không sám hối thì ngươi sẽ liệu thân.

- Hóa ra không phải ông Cồ-đàm trừng phạt?

- Đức Phật thương tất cả loài hữu tình nên chẳng làm việc đó. Chỉ có chúng ta ở trên thượng giới, đã vì Phật Pháp mà phát tâm bảo hộ, giúp đỡ nên đã thức tỉnh và trừng phạt ngươi. Ngươi hãy mau tỉnh thức.

- Nhưng ta phải làm thế nào?

- Ngày mai ngươi hãy ra lệnh cho chính những người bà-la-môn đã chặt phá cây bồ-đề hôm qua mang sữa đổ vào gốc cây thì tự nhiên cây sẽ mọc lên như cũ.

- Xin tuân lệnh.

Đêm ấy Hoàng Hậu hối cải vô ngần và nghĩ rằng ngoài cõi này, ngoài loài người trên trái đất này, còn không biết bao nhiêu là chư Thiên và những chúng sanh ở cõi khác cũng hộ trì Đức Phật. Do vậy ta phải sám hối ngay từ bây giờ. Đoạn Hoàng Hậu quỳ xuống, ngửa mặt lên trời khấn nguyện:

- Con là Chánh Cung của Vua A-dục. Vì chẳng có lòng tin, lại thêm sự ganh tị nhỏ mọn mà mới sanh tâm ác độc như thế. Kính mong Đức Thế Tôn từ bi chứng minh cho con.

Bỗng đâu từ trên không trung một luồng hào quang nhập vào đầu của Hoàng Hậu. Bà tỉnh táo lại như cũ và trời chưa sáng đã thân hành đến cội bồ-đề cùng với những người bà-la-môn đã chặt phá cây ngày hôm qua, đem sữa tưới lên đó. Lạ kỳ thay! Những dòng sữa ngọt tưới đến đâu thì ngay từ nơi gốc cây ấy những cành lá xanh mơn mởn lại vươn lên như đứa trẻ thật chóng lớn. Hoàng Hậu và đoàn tùy tùng quỳ xuống đảnh lễ cây bồ-đề, đoạn cho xa giá trở lại Hoàng Cung.

Khi Đức Vua A-dục thấy Hoàng Hậu vắng bóng nhiều ngày mà chẳng biết đi đâu, nên một hôm mới gọi cận vệ đến để hỏi:

- Ngươi có biết lý do tại sao mà Hoàng Hậu vắng mặt ở hậu cung chăng?

- Muôn tâu Hoàng Thượng! Bầy tôi sợ phạm thượng lệnh, bị chém đầu, nên không dám trình bày sự thật.

- Ngươi cứ tường trình ta rõ. Tội chết sẽ tha cho.

- Muôn tâu Hoàng Thượng! Có mật báo về cho hay là Hoàng Hậu đã cùng với cung nữ và bốn vị đại lực sĩ bà-la-môn đem giáo mác đến thành Gaya để chặt cây bồ-đề nơi Đức Phật thành đạo rồi.

- Có lẽ nào? Hậu ta vẫn nhân từ, đâu có khi nào trái ý ta. Sao hôm nay lại ngông cuồng như thế?

- Hạ thần cũng chẳng rõ. Nhưng chắc rằng Hoàng Hậu rất buồn, vì Hoàng Thượng sau khi hướng về Phật Pháp, ngày đêm chỉ cận kề bên kinh điển và cây bồ-đề. Chứ ít đoái hoài đến Hoàng Hậu. Có lẽ đây là lý do chính vậy.

- Nhưng ta đã già rồi và đâu có phước đức nào hơn phước đức tạo chùa, xây tháp, đúc tượng, giúp đỡ Tăng Ni tu học để chuộc lại những lỗi lầm xưa mà ta đã gây tạo ngày trước. Chắc Hậu ta đã rõ điều này?

- Đúng vậy! Muôn tâu Thánh Thượng! Nhưng tâm chúng sanh khi chưa liễu ngộ giáo lý của Đấng Thế Tôn thì còn chấp ngã và chưa chịu chấp nhận những sự hiện hữu khác nơi mình.

- Ngươi nói đúng.

Đức Vua phán như thế.

Trên đường hồi cung, Hoàng Hậu rất lo sợ, vì biết rằng nếu Đức Vua hay được điều này thì chắc rằng cũng không yên. Tuy nhiên Hoàng Hậu đã có cách.

Rồi một hôm Đức Vua gọi Hoàng Hậu vào bảo:

- Ta biết Hậu rất thương hai con, dầu cho hai con đã xuất gia rồi, nhưng Hậu vẫn một mực lo tứ sự cúng dường đầy đủ. Nay ta có việc muốn nói với Hậu đây.

- Xin Bệ Hạ cứ giải bày.

- Phật Pháp ngày càng được phát triển. Ta có cử nhiều phái bộ đi về phía bắc, phía tây, phía nam và phía đông của nước chúng ta, mục đích là đem giáo lý nhiệm mầu của Đức Thế Tôn qua truyền dạy cho các nước lân bang để họ quy ngưỡng về Phật Pháp và cũng vì lý do ấy mà ta cũng định cho hai con đi sang đảo quốc Sư Tử để truyền đạo, không biết Hậu nghĩ sao?

- Thật sự ra trước đây tiện thiếp rất căm tức với giáo lý của Đức Phật. Vì giáo lý ấy mà Bệ Hạ và hai con đã bỏ bê Hậu, nhưng bây giờ thì tiện thiếp đã rõ rồi và thiếp có một điều muốn giải bày cùng Bệ Hạ.

- Điều gì thế?

- Đó là việc tiện thiếp đã ra lệnh chặt cây bồ-đề nơi Đức Phật thành đạo để cho hả dạ này. Nhưng ngờ đâu...

- Thật ra việc ấy ta đã rõ.

- Ai trình tâu Bệ Hạ?

- Đâu có việc gì qua khỏi mắt ta đâu. Tuy nhiên việc của Hậu làm đã có Tứ Thiên Vương giáo huấn. Thiết nghĩ ta không cần phải nói thêm nữa. Như Hậu biết, nội Tổ ta thuộc triều đại Chandragupta đã làm không biết bao nhiêu việc phước thiện cho đời. Do vậy mà ta mới kế thế Vương nghiệp cho đến ngày nay. Mặc dầu thân phụ ta không thích cho ta lên làm Vua, nên đã có ý đưa ta ra biên thùy và cô lập tại đó, để chết mòn đi, nhưng ngờ đâu Hoàng Thiên vẫn còn có mắt, do đó ta đã hát khúc Khải Hoàn Ca. Trong khi anh ta, Thái Tử Susmana tuy hiền hậu, nhưng rất nhu nhược. Không thể thống nhất giang sơn này. Do vậy mà ta đã hạ sát để lên ngôi. Chưa hết, 99 người em khác mẹ cũng không còn. Do vậy bây giờ ta hối hận lắm. Dĩ nhiên chúng ta nhờ phúc báu mới được làm Vua, nhưng đồng thời nếu ta không ăn năn tội lỗi của ngày xưa thì chắc rằng nghiệp lực, nhân quả ấy vẫn theo ta hoài. Cho nên Hậu hãy để ta rảnh tay lo những việc phước thiện.

- Xin quân Vương chớ sầu lo và Hậu này xin cảm ơn tấm lòng độ lượng của Bệ Hạ, đã không trách cứ về việc đốn phá cây bồ-đề, lại còn khuyên nhủ tiện thiếp chung vai cùng Bệ Hạ để lo việc phước đức tế độ muôn dân, đồng thời để chuộc lại những lỗi lầm đã gây ra trong kiếp này và nhiều kiếp trước nữa.

Hai người giờ đây như hình với bóng. Khi nhà Vua làm phước ở đâu thì Hoàng Hậu cũng có mặt ở đó. Khi nhà Vua vào tinh xá để cúng dường cho chư Tăng thì Hoàng Hậu cũng theo hầu và rất rộng lòng bố thí cho những người nghèo khổ.

Do vậy mà nghĩa trọng thâm ân ấy vẫn còn vang vọng khắp chốn Hoàng Cung cũng như trong dân gian thuở bấy giờ. Tất cả của cải trong kho báu, tiền bạc, ngọc ngà, lương thực v.v... Vua và Hoàng Hậu từ từ cho đem tất cả ra để bố thí và cúng dường trai tăng, hoặc xây chùa tháp. Tiếng lành ấy càng ngày càng vang dội khắp đó đây.

Một hôm, Thái Tử Mahinda và Công Chúa Sanghamita sau khi đã đi xuất gia, từ tự viện trở về Hoàng Cung xin ra mắt Vua Cha và Mẫu Hậu.

- Các con chẳng cần thi lễ. Vì giờ đây các con là người xuất gia rồi.

- Tuy nhiên các con vẫn là con của Phụ Vương và Mẫu Hậu.

- Đúng thế! Các con đã quên rồi chăng? Khi thọ giới sa-di và sa-di ni các con đã lạy tạ ơn cha mẹ rồi, thì giờ đây không còn phải quỳ lạy nữa.

- Xin thâm tạ Phụ Vương và Mẫu Hậu và có việc gì xin Phụ Vương và Mẫu Hậu truyền dạy.

- À! Này Mahinda con trai trưởng của ta và Sanghamita Công Chúa thân yêu của ta. Nếu hai con không đi xuất gia thì ngai vàng này đã vào trong tay các con. Giờ đây đối với hai con, ngai vàng chỉ tạo nên khổ đau và công danh phú quý chỉ là ảo ảnh của cuộc đời. Như các con thấy đó, ngày nay Phật Pháp đã được truyền bá khắp mọi nơi. Ta muốn hai con hãy đến xứ Tích Lan, các con nghĩ sao?

- Dĩ nhiên chúng con phải vâng lệnh Phụ Vương và chúng con cũng đang chờ ý của Mẫu Hậu nữa.

- Nếu là ngày trước thì ta đã chẳng vui chút nào. Nhưng bây giờ thì ta đã hiểu thêm một ít giáo lý của Đức Phật, nên ta rất vui lòng để cho các con đi. Nhưng Hậu có ý này xin Bệ Hạ xét phân.

- Hậu cứ nói.

- Mỗi một vị ra đi đến một nước khác như thế, ngoài kinh điển khẩu truyền ra, ta nên cho mỗi vị Đại Sư một nhánh cây bồ-đề mang đến xứ họ để tạo niềm tin thì chắc chắn rằng nhân dân và Phật Tử xứ đó sẽ vui vẻ đón nhận và tạo niềm tin cho họ nhiều hơn nữa.

- Điều đó ta đã nghĩ từ lâu, nhưng hôm nay nghe Hậu nhắc đến ta cũng mừng. Vì có thêm một người nữa để chăm lo cho Phật Pháp.

Hoàng Hậu bẽn lẽn cúi đầu xuống đất như thầm nhớ lại một điều gì, đoạn tiếp tục câu nói khi nãy còn dở dang.

- Tiện thiếp xin Hoàng Thượng xá tội cho việc chặt phá cây bồ-đề. Nếu không thì cành lá bây giờ sum sê nhiều lắm và chắc rằng mỗi vị ra đi sẽ nhận được một nhánh lớn hơn.

- Ta ngày xưa cũng thế thôi. Nhưng Đức Phật cũng đã dạy rằng...

- Dạ sao thưa Bệ Hạ?

- Ngài dạy rằng: Ở trên đời này chỉ có hai hạng người đáng quý. Hạng người thứ nhất là không bao giờ tạo tội lỗi và hạng người thứ hai là đã gây ra tội rồi và biết sám hối về những tội lỗi xưa. Như thế cả hai chúng ta đều nằm vào trong trường hợp thứ hai. Còn trường hợp thứ nhất thì chắc chẳng phải rồi.

- Nghe nói Bệ Hạ và các con làu thông kinh sách. Vậy có câu chuyện gì hay, xin kể cho tiện thiếp nghe với.

Công Chúa Sanghamita chen vào:

- Con xin kể để hầu Mẫu Hậu.

- Con cứ tiếp tục.

- Ngày ấy không xa, cách đây chừng hơn 350 năm khi mà Đức Phật còn tại thế. Sau khi Ngài chỉnh y ngay ngắn đi vào thành khất thực, theo thứ lớp mà đi xin. Sau đó về lại trụ xứ, rửa chân, trải tòa rồi dùng ngọ trong chánh niệm. Sau khi dùng xong Ngài bắt đầu thuyết pháp cho đại chúng nghe. Có khi là Vua, có khi là các quan và có khi là những người bình dân, nhưng hôm ấy thì Đức Phật không thuyết pháp mà Ngài chỉ lắng nghe những điều xầm xì nơi chúng tỳ-kheo và của các vị đệ tử nhỏ trong đoàn.

Sau khi khuyên lơn đủ điều cả hai nhóm, nhưng nhóm nào cũng không chịu nhường nhịn, nên Ngài đã vào rừng...

- Rôi sao nữa con? Thật là khổ tâm cho Đức Phật.

- Con xin kể tiếp đây. Câu chuyện xảy ra nơi tinh xá là có một vị tỳ-kheo chuyên hành trì giới luật, khi vào trong phòng tắm thấy một tỳ-kheo khác chỉ chuyên thuyết pháp, còn luật thì ít thông suốt, nên sau khi tắm rồi vị ấy để ngửa cái chậu tắm lên. Thế là vị tỳ-kheo giữ luật đã quở trách và vị tỳ-kheo thuyết pháp đó đã xin sám hối.

Ngỡ đâu như thế là xong, nhưng khi về lại hậu liêu của mình, vị tỳ-kheo giữ luật đem chuyện ấy nói với đệ tử của mình. Thế là câu chuyện càng ngày càng vỡ to ra, không ai ngăn cản nổi.

- Rồi sao nữa?

- Dĩ nhiên là cũng đến tai của những đệ tử của Thầy hay thuyết pháp kia và cả hai bên lớn tiếng cãi vã nhau, nên hôm đó sau khi độ ngọ, Đức Phật quyết định đi vào trong rừng sâu để hành thiền.

Khi vào rừng Đức Phật cũng gặp một con khỉ già buồn bã đến trước Ngài và than rằng:

- Con cái bây giờ lớn rồi, chúng tranh nhau chí chóe và xem lời khuyên của người mẹ không ra gì.

Khỉ già tủi thân lắm và đem tâm sự ấy kể lên cho Đức Phật nghe.

Rôi một hôm khác có một con voi đầu đàn cũng đến bên Đức Phật để bày tỏ sự cung kính và thổ lộ tâm tư của mình rằng: Những con voi con bây giờ càng ngày càng lớn, chúng đánh nhau dữ dội, khuyên can không được. Cho nên voi già mới vào đây.

Thế là từ đó voi cùng khỉ có bạn. Mỗi sáng tinh sương sau khi nằm bên Đức Thế Tôn lúc Ngài tọa thiền thì chúng, đứa đi tìm thức ăn, đứa đi tìm đồ uống để về dâng lên Đức Phật và Ngài đã sống như thế trong rừng tại xứ Kosabi đến ba tháng.

- Nhưng khi ấy thì các vị tỳ-kheo sống như thế nào?

- Dĩ nhiên không còn hình bóng của Đức Phật thì ai cũng buồn. Buồn nhất là những vị cư sĩ, hoàng thân quốc thích muốn đến cúng dường cho Đức Phật hằng ngày mà chẳng gặp được Ngài. Khi hỏi Ngài đã đi đâu, thì được biết câu chuyện đã xảy ra như trên. Thế rồi các vị cư sĩ ấy mới ra một điều kiện. Nếu quý Thầy cả hai nhóm, không vào rừng thỉnh Phật về lại thì chúng cư sĩ sẽ không cúng dường tứ vật dụng cho chư tăng nữa.

Khi đó cả hai nhóm cùng hứa là sẽ vào thỉnh Đức Phật về lại tinh xá.

Hôm đó có rất đông, từ đệ tử lớn đến những vị đệ tử nhỏ của Đức Phật đến trước nơi Ngài ngồi trong rừng, đầu, mặt cúi sát đất đảnh lễ rồi dâng lời cung thỉnh.

- Rồi Đức Phật có về không con?

- Dĩ nhiên là phải có điều kiện, thưa Mẫu Hậu.

- Con hãy kể nhanh lên, mẹ nóng lòng để được biết đây. Điều kiện gì thế?

- Đức Phật bảo các vị đệ tử rằng: Ta sẽ về với điều kiện tất cả các ngươi phải chấp nhận pháp lục hòa sau đây:

* Thứ nhất là thân hòa đồng trú. Nghĩa là cùng hòa thuận với nhau, sống chung với nhau trong một tinh xá, một chùa, một Đại Tùng Lâm hay xa hơn nữa trong làng xóm và quốc thổ.

* Thứ hai là khẩu hòa vô tranh. Nghĩa là miệng hòa không tranh cãi nhau. Người này phải tập hạnh lắng nghe lời nói, ý kiến của người kia, không được tranh cãi.

* Thứ ba là ý hòa đồng duyệt. Nghĩa là có những ý kiến dầu khác nhau đi chăng nữa, phải mang ra trước đại chúng mà duyệt lãm qua, để đi đến một điểm chung.

* Thứ tư là kiến hòa đồng giải. Nghĩa là những ý kiến hay chỗ thấy nghe phải đem ra cùng giải bày cho nhau nghe.

* Thứ năm là giới hòa đồng tu. Nghĩa là Tăng hay Ni sống nơi một trụ xứ phải lấy giới làm Thầy và hãy cùng hòa mình vào đó để mà tu học.

* Điều thứ sáu cũng là điều cuối cùng. Đó là lợi hòa đồng quân. Nghĩa là tài sản, của cải của đàn-na cúng dường cho chư tăng phải nên chia điều ra. Có như thế mới hòa hợp được.

- Đây chỉ là những điều kiện căn bản. Nếu cả hai bên đồng ý thì ta mới về sống chung với Tăng đoàn. Nếu không ta sẽ ở đây vì có con voi già và con khỉ kia cũng cùng tâm trạng với ta, ta chẳng lẻ loi đâu.

Đức Phật ôn tồn bảo thế.

Tất cả các thầy tỳ-kheo lớn cho đến những đệ tử nhỏ cũng đã dập đầu khấu tạ, vâng lời Phật dạy và đồng xướng lên thật lớn rằng:

- Chúng con xin y giáo phụng hành.

Đức Vua, Hoàng Hậu, Mahinda sau khi nghe xong câu chuyện rất hoan hỷ và khen công chúa Sanghamita rằng:

- Quả thật nhà ta có người con gái đại tài!

Sanghamita thầm cảm ơn và cúi đầu xuống. Đoạn Hoàng Hậu nhìn qua Đức Vua và hỏi rằng:

- Đó là bài học mà Đức Phật dạy cho chúng xuất gia. Còn tại gia chúng ta thì sao?

- Dĩ nhiên là cũng có thể áp dụng được vậy, Đức Vua trả lời thế. Cũng giống như ta và hậu đó, nếu lâu nay ta không áp dụng tinh thần lục hòa này vào cuộc sống hằng ngày thì làm sao giữa ta và hậu có thể còn tồn tại cho đến ngày nay.

Hoàng Hậu hiểu ý nên nguýt yêu chồng, rồi nhìn qua phía hai con nói:

- Phụ Vương và Mẫu hậu rất hãnh diện về hai con và mong rằng hai con khi đi đến xứ Tích Lan xa xôi ấy, với kiến thức Phật học đã hiểu được, hãy đem ra trang trải cho đời và hãy đem cây bồ-đề ấy trồng nơi đất kia, mong rằng một ngày nào đó cành lá sẽ sum sê như cây gốc nơi xứ của mình vậy.

- Chúng con xin vâng lời của Phụ Vương và Mẫu hậu.

Sau khi hai người con thân yêu nhất đã đi khỏi chốn hoàng cung rồi thì chỉ còn hai thân già và ngày đêm luôn luôn bên cạnh nhau như hình với bóng. Có khi cùng làm phước bố thí với nhau bên cạnh những người nghèo. Có khi ngự triều để lắng nghe những lời tâu của các quan cận thần. Đôi khi ngự đi khắp nơi khắp chốn để thăm viếng dân chúng và coi sóc những bảo tháp chưa xây cất xong. Thật là hạnh phúc! Thật là cao cả.

- Muôn tâu Hoàng Thượng! Hôm nay hậu có điều muốn tâu. Kính mong Hoàng Thượng đại xá cho sự đường đột này.

- Được! Hậu cứ nói.

- Muôn tâu! Hoàng Thượng có biết không, trong quá khứ để chiến thắng lên làm Vua, Bệ Hạ và ngay cả hậu này hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đã gây ra không biết bao nhiêu sự khổ nhọc lầm than cho nhân sinh. Đã có không biết bao nhiêu người chết oan uổng và những hồn oan ấy không được siêu thoát, đêm đêm đã hiện về báo mộng. Vậy thiếp đề nghị Bệ Hạ cùng bá quan nên tổ chức một lễ trai đàn bạt độ cho những người chết trên không, trên đất liền, trên sông sâu biển cả và trong rừng. Không biết là ý Bệ Hạ như thế nào?

- Quả thật ta và triều đình có một Hoàng Hậu đúng là mẫu nghi của thiên hạ. Hậu không những đã lo cho ta, cho hai con, cho sơn hà xã tắc, cho những người sống khổ đau thiếu thốn, mà còn lo cho cả những người đã chết oan uổng trong chiến trận vừa qua nữa. Ta đề nghị nên đi đến Bồ-đề Đạo Tràng, nơi đó Đức Thế Tôn đã giác ngộ và cũng chính nơi đây ta đã cho xây cất Đại Tháp để kỷ niệm Kim Cương Tòa mà Đức Phật đã thành đạo, tiện làm lễ khánh thành và cũng chính nơi đây ta cũng như hậu vì không hiểu Phật Pháp nên đã hai lần hạ lệnh đốn cây bồ-đề này. Những lỗi lầm ấy, nhân cơ hội này chúng ta sẽ sám hối luôn.

- Thật là tuyệt vời, tiện thiếp cũng đã có ý định như vậy.

Thế là lễ trai đàn chẩn tế cầu siêu bạt độ đã được bắt đầu và nguyên nhân của câu chuyện như sau:

Khi Đức Phật ngự trên Linh Thứu Sơn tại xứ Ma-kiệt-đà thì Ngài A-nan làm thị giả. Hang động của Ngài A-nan cách nơi ở của Đức Phật chừng vài chục bước. Do đó trước khi ai muốn đến gặp Phật, phải gặp Ngài A-nan trước. Đó cũng là một trong 5 điều mà Ngài A-nan đã phát nguyện khi làm thị giả cho Đức Phật. Một hôm Ngài A-nan đang nhập định thì bị Ma Vương vây nhiễu và bảo rằng:

- Chỗ này là chỗ của chúng tôi ở lâu nay. Sau khi Ngài đến đây ở, lại còn trì chú, quán sát về vô thường cho nên chúng tôi nhức đầu quá. Xin Ngài đừng trì chú nữa, hãy để cho chúng tôi yên với.

Ngài A-nan run người lên và chính Đức Phật đã từ trên đỉnh núi Linh Thứu dùng thần lực lấy tay để lên đầu Ngài A-nan an ủi vỗ về, bảo rằng đừng sợ. Đó chỉ là ma cảnh mà thôi. Sau đó Ngài A-nan tiếp tục nhập định thì thấy hình Ngài Bồ Tát Quan Âm thị hiện thành vị thần mặt đen le lưỡi dài để cứu khổ chúng sanh chốn địa ngục. Ngài bèn bạch Phật và Phật bảo nên cúng cơm cháo cho cô hồn. Cũng do tích này mà trong khoa nghi chẩn tế có câu:

Nan-đà Tôn Giả nhân tập định,

Cứu khổ Quan Âm thị Diện Nhiên.

Cũng chính nhờ Ngài A-nan mà cả người sống lẫn người chết đều được lợi lạc. Nhưng Ngài trong kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất tại động Thất Diệp sau 7 ngày Đức Phật nhập diệt, là người bị quở phạt nhiều nhất.

Ngày ấy chỉ có 12 loại cô hồn nên văn triệu thỉnh chỉ có chừng ấy. Nếu ngày nay Phật còn tại thế Ngài sẽ còn chỉ vẽ thêm nhiều loại cô hồn nữa.

Loại thứ nhất là thỉnh những vị “lũy triều đế chúa” tức là những ông vua trong các triều đại đã qua. Trong khi làm vua đã giết không biết bao nhiều là người vô tội để củng cố quyền uy của mình. Hoặc giả khi hai triều đại thay đổi cũng có không biết bao nhiêu ông vua chết oan.

Mấy đời chín lớp ở cao,
Non sông muôn dặm thâu vào một tay.
Thuyền chiến phút đổi thay vượng khí,
Xe loan còn rủ rỉ oan thinh.

Ôi thôi!
Đỗ quyên kêu trót tàn canh,
Máu hờn nhuộm mãi trên cành đào hoa.

Nghe đến đó Hoàng Hậu và Vua A-dục lạnh ớn người. Lẽ dĩ nhiên các vị Pháp sư lúc ấy triệu thỉnh bằng tiếng Ấn Độ. Còn văn vần trên đây là được soạn dịch lại do cố Hòa Thượng Bích Liên, người Việt Nam chúng ta biên soạn. Nhưng khi đã được thỉnh mời thì cô hồn nào cũng tụ tập lại được. Ngay cả nhà vua, khi sống thì có không biết bao nhiêu uy quyền, nhưng khi chết đi rồi thì hồn oan không đi đầu thai được. Lúc còn sống thì “Non sông muôn dặm thâu vào một tay”, còn khi chết rồi có muốn nắm lại quyền lực, có muốn thâu gọn giang sơn cũng chả được một tí nào. Do vậy Hoàng Hậu rất tủi thân và càng tỏ ra hối hận nhiều hơn.

Câu thỉnh thứ hai là thỉnh đến những võ quan hay tướng tá như sau:

“Ngàn cân lực cử đảnh vàng,
Thân trường thành vững trăm ngàn dặm khơi.
Trướng hùm lạnh uổng đời hãn mã,
Khói lan tràn nào gã phan long.

Ôi thôi!
Ngựa nhà chiến tướng vắng không,
Hoa hèn cỏ nội một vùng buồn thiu.”

Khi còn làm tướng tá thì da ngựa bọc thây, cố chiến đấu để bảo vệ giang sơn đất nước. Khi thất trận thì thà chết chứ không hàng. Khi chết rồi thì ngựa cũng buồn mà cây cỏ cũng chả vui lây.

Việt Nam chúng ta cũng có nhiều ông tướng tài từ dựng nước đến nay trải qua mấy ngàn năm lịch sử. Trong đó có ông Trần Bình Trọng đời nhà Trần ở thế kỷ 13 là can cường hơn cả. Khi bị quân Mông Cổ bắt thì ông đã nói: “Thà làm quỷ nước Nam chứ không làm Vương đất Bắc.”

Trần Bình Trọng anh hùng ngàn thu trước,
Đem tấm thân bảy thước chống sơn hà.
Mãi lo đền nợ nước với tình nhà,
Trong tâm khảm nặng tình yêu Tổ Quốc.

Nhưng than ôi! Tài trai dầu thao lược,
Hùm thiêng kia không địch được bầy hồ.
Vì sa cơ nên bị bắt cầm tù,
Tan mộng đẹp anh hùng đành thất thế.

Lũ giặc thấy người tài nên rất nể,
Đem quan sang tước trọng dụ Ngài hàng.
Quân bây lầm dầu dâng cả ngai vàng,
Khó lay chuyển vì lòng ta thờ cố quốc.

Hễ bắt được ta thôi chớ nói gì lâu,
Cứ đem chém ta không hề than tiếc.
“Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm Vương đất Bắc.”

Loại cô hồn thứ ba được triệu thỉnh là “bách quận danh thần” hay những quan văn ngày xưa. Gồm những ông tứ trụ triều đình, quan huyện, quan phủ v.v...

“Nhà châu quận xa lòng phụ mẫu,
Chốn nước trời theo dấu thần tiên.
Ôi thôi!
Chinh chinh biển loạn sông nghiêng,
Mờ mờ hồn bướm ly miền dương quan.”

Những ông quan văn tay mềm chân yếu, nhưng khi phê bằng mực đỏ vào những bản án của con dân là cả một sự khổ thân. Họ sống làm quan xa gia đình chỉ có niềm vui rượu chè và nữ sắc, nên cần phải có nhiều tiên. Mà tiền đâu dễ có, nếu không qua sự đút lót. Do vậy chuyện đúng cũng có thể thành sai, chuyện sai cũng có thể thành đúng. Do vậy ngày xưa và cho đến nay hay mãi cho đến đời sau nữa, gương xử án của Bao Công ở Trung Quốc vẫn là bài học cho ngàn đời. Mặc dầu thân ông đen đúa, nhưng lòng của ông trinh bạch trắng tinh như tấm lụa đào. Còn nhiều ông quan mặt tuy trắng nhưng lòng dạ thì đen đúa hơn quạ, diều hâu, cho nên chết xuống không đi đầu thai được. Bây giờ phải triệu thỉnh về để nghe kinh và nhờ Phật lực gia hộ sẽ siêu sanh hoặc đầu thai về cõi khác.

Loại cô hồn thứ tư là những thư sinh học chữ Hán, sinh viên, học sinh ngôn ngữ của nước mình. Đây là thỉnh “bạch ốc thư sinh”.

“Tan lửa đóm tiếc dày công học,
Mòn đĩa nghiên uổng nhọc chí bền.
Ôi thôi!
Lụa hồng bảy thước đề tên,
Đất vàng một cụm lấp nền văn chương.”

Ngày xưa việc tổ chức thi cử rất rườm rà. Các sĩ tử ở Ấn Độ chắc cũng phải thế, phải đi đến kinh đô nơi vua ngự mới có trường thi. Cho nên Trung Quốc, Việt Nam cũng không ra khỏi định mệnh này. Trước khi đi thi phải dùi mài kinh sử, những mong chiếm bảng vàng để làm rạng danh cha mẹ và quê hương, nhưng không ngờ đâu công danh chưa tỏ rạng thì đã ra người thiên cổ. Bên nấm mồ ở chốn kinh kỳ ấy chẳng ai hương khói. Cho nên bây giờ triệu thỉnh về đây.

Không phải ai đi thi cũng thi đậu cả. Cho nên thi đậu là một vinh dự lớn cho bản thân mình. Riêng quê hương xứ Quảng Nam được xưng là xứ Ngũ Phụng Tề Phi là xứ văn chương lỗi lạc. Đó cũng là nhờ năm 1898, cách đây hơn 100 năm, khoa thi Đình năm Mậu Tuất đời Thành Thái thứ 10 đã diễn ra ở Huế. Quảng Nam có 5 người đi thi thì 5 người đều đỗ đầu. Cho nên Vua Thành Thái mới phong cho danh hiệu là “5 con phụng cùng bay” là vậy. Đó là:

- Tiến Sĩ Phạm Liệu (1873-1937)

- Tiến Sĩ Phan Quang (1873-1939)

- Tiến Sĩ Phạm Tuấn (1852-1917)

- Phó Bảng Ngô Truân (1873-1899)

- Phó Bảng Dương Hiển Tiến (1866-1907)

Tuy đỗ cao, đỗ đầu như vậy nhưng vẫn có người chết non mới 26 tuổi như Phó Bảng Ngô Truân. Ông Phó Bảng Dương Hiển Tiến cũng mới 41 tuổi. Còn 3 vị Tiến Sĩ kia thì 64, 66 và 65, chưa ai lên được tuổi 70 để gọi là “thất thập cổ lai hy”. Như thế quả thật đường công danh tuy rạng rỡ, nhưng nước nhà đang tao loạn, các ông cũng khổ nhọc với dân sinh, nên có lẽ vì thế mà tuổi thọ không cao chăng?

Loại cô hồn thứ năm là các vị tăng ni, được gọi là “xuất trần thượng sĩ”, câu thỉnh được các pháp sư gia trì cũng như các vị kinh sư xướng lên từng 2 câu như sau:

“Cửa kinh trăng thảm lạnh lùng,
Nhà Thiền leo lét đèn chong canh dài.”

Và:

“Không đàm bí mật chơn thuyên
Nói về chuyện khổ chẳng chuyên tu hành.”

Khi đi xuất gia, ai cũng mang chí cao nguyện cả để lập thân lập hạnh, nhưng khi vào chùa thì nghiệp cũ trong vô lượng kiếp đã nối tiếp hiện ra, nên khi ngồi bên song cửa để xem kinh sách thì chuyện đời xưa đã hiện về, trông vẻ thê lương ảm đạm, gợi nhớ tình xưa, bây giờ lại chiếc bóng. Miệng thì nói chuyện bí mật tánh không, khổ, vô thường, nhưng chính mình lại đang bị cái ái nhiễm, cái không ấy nó hành hạ. Do đó khi chết xuống chẳng siêu thoát. Do vậy mà đây cũng là cơ hội để triệu thỉnh họ về để nghe kinh, lắng sâu niềm tục lụy nhằm giải thoát kiếp luân hồi này.

Đến loại cô hồn thứ sáu là những huyền môn, đạo sĩ, những người luyện linh đơn, hay những loại tu theo ngoại đạo phạm chí, những người bói toán, thiên văn địa lý. Chuyện của người thì rõ, nhưng chuyện của mình thì không. Ai hỏi đến mình thì chỉ có câm lặng, hoặc nói trớ đi việc khác.

Ôi thôi!
Lò hương lâm quán lạnh sương,
Tiêu đàn gió lạnh thổi tàn hạnh hoa.

Ấn Độ ngày xưa và ngay cả cho đến bây giờ vẫn có rất nhiều người tu theo những đạo mê tín cũng như bên Trung Quốc hay Việt Nam. Do vậy mà đây cũng là cơ hội để nhắc nhở cho họ quay về nẻo thiện.

Hạng cô hồn thứ bảy là thương gia lữ khách, những người đi buôn xuôi bán ngược để kiếm lời, rồi bị chết oan khiên ở dọc đường, không có người hương khói. Câu triệu thỉnh được nhắc rằng:

“Thân sương gió thịt chôn bụng cá,
Bước đá mây xương rã đường đê.

Ôi thôi!
Vía theo mây bắc sề sề,
Hồn theo ngọn nước xuôi về biển đông.”

Đây cũng là hạng ra khơi chết biển chìm thuyền. Chẳng thấy được quê hương cố quốc. Do vậy nhờ những lời triệu thỉnh này mà hồn oan sẽ đến đàn tràng nghe kinh để siêu sanh giải thoát.

Hạng người thứ tám là chiến sĩ trận vong. Đây là những người: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách.” Cho nên khi có lệnh gọi là đã khăn gói lên đường. Ngày đi thì có ngày về lại không. Câu triệu thỉnh được xướng lên rằng:

“Cờ điều phất ngọn tương tranh,
Trong chòm mũi bạc đem mình chống đương.
Gan ruột nát theo trường kim cổ,
Da thịt rơi đầy chỗ can qua.

Ôi thôi!
Cát vàng văng vẳng tiếng ma,
Mờ mờ xương trắng ai mà nhặt cho.”

Quả thật là thế! Vốn tự ngàn xưa cho đến nay đã có không biết bao nhiêu cuộc chiến chinh như thế mà có không biết bao nhiêu người trai trẻ đã ra đi chiến đấu rồi gởi thân nơi chiến trường. Chết rồi chẳng có ai chôn, nên xương phơi như thế. Do vậy cô hồn sẽ theo lời triệu thỉnh này mà về đây thọ thực, nghe kinh.

Hạng thứ chín là những sản phụ khi sinh con chẳng may chết cả mẹ lẫn con. Nên cũng thỉnh về đây để nghe kinh giải thoát.

“Vần cung phụng phút chường hung kiến,
Tuồng ngõa chương rơi rớt mẹ con.

Ôi thôi!
Nhành hoa nở trận mưa tuôn,
Đương khi trăng tỏ gặp luồng mây xâm.”

Trong kinh Báo Ân Phụ Mẫu và kinh Vu Lan Bồn, Đức Phật cũng đã dạy rõ điều này và khi sinh con ra chẳng có cha mẹ nào chẳng thương, chẳng lo dạy dỗ, nhưng khi sinh ra mà bị chết oan như thế thì quả là một nghiệp chướng của nhiều đời chẳng nhẹ chút nào.

Hạng cô hồn thứ mười là những kẻ điếc, đui, câm, ngọng, tôi tớ, nô tỳ bị chết trong khi đang làm việc cho chủ của mình.

“Cần lao thất mạng thương nô,
Đố kị thương thân tỳ thiếp.
Khinh Tam Bảo tội dường cát bãi,
Nghịch song thân ác dẫy cõi người.

Ôi thôi!
Đêm trường thăm thẳm bóng ma,
Cửa mù thui thủi như tòa bóng đêm.”

Khi còn sống thì tránh cha lánh mẹ để lập thân, nhưng chẳng may rơi vào chốn lầu hồng, rồi làm vợ lẽ cho người ta. Đôi khi cả câm, cả ngọng và điếc, đui, mù nữa. Tội ấy là do đời trước phỉ báng Tam Bảo mà đời này lại cũng chẳng có lòng tin, nên mới ra nông nỗi ấy.

Hạng thứ mười một là cung phi mỹ nữ. Có nhiều người con gái đẹp bị tiến cung, nhưng suốt đời chẳng được vua đoái hoài đến, nên nhiều khi đã tự tử. Hồn oan ấy vẫn còn vất vưởng đâu đây.

“Hồn vân vũ tan vườn kim cốc,
Ruột trăng hoa héo dọc Mã Ngôi.

Ôi thôi!
Phong lưu ngày trước đâu rồi,
Xương khô lạnh lẽo trên chồi cỏ cây.”

Khi Hoàng Hậu nghe xướng những câu như thế, lạnh cả đến tóc gáy của mình. Vì khi nghĩ đến số phận của những nhi nữ trong cung cấm của mình. Chỉ có chánh cung Hoàng Hậu là được cận kề bên vua, chứ còn những cung phi khác thì số phận của họ oan nghiệt biết chừng nào. Hoàng Hậu nghĩ đến họ mà giọt vắn giọt dài, châu sa đẫm lệ.

Hạng cô hồn thứ mười hai cũng là hạng cô hồn cuối cùng thời đó, là những người đi xin ăn, tù nhân bị án tử hình, bị thú dữ ăn thịt, ngộ độc, tự sát, tai trời, ách nước v.v... cũng được triệu thỉnh về đây tất cả.

“Lại thỉnh kẻ cơ hàn khất cái,
Cùng tù nhân mang phải trọng hình.
Gặp tai nước lửa hại mình,
Hoặc vương hùm sói tan tành thịt xương.”

Đó là tất cả những loại cô hồn cần phải mời thỉnh về với đàn tràng chiêu mộ và cuối cùng vị Gia Trì ngồi giữa đọc rằng:

“Tôi nay thừa oai thần chư Phật, xin mời tất cả quỷ thần trong ba nẻo sáu đường. Nguyện cho tất cả các bộ loại quỷ thần nhờ năng lực Như Lai, vào giờ này được hấp thụ pháp vị cam lồ ngon nhất của Phật, ăn uống no đủ, phát tâm Bồ-đề xa lìa tà hạnh. Nhờ vậy không còn phải luân hồi trong các ác đạo, ba nghiệp thân, miệng, ý thanh tịnh, chứng đạo Bồ-đề.”

Sau đó vị Gia Trì tiếp tục khai thị cho cô hồn về chân lý nòng cốt của Phật là:

“Tất cả các đau khổ tội ác đều do vô minh, ái nhiễm mà ra. Ánh sáng từ bi của Phật chiếu cùng khắp, như mặt trời không soi sáng cho riêng ai, chỉ tại người mù không thấy. Bây giờ hãy từ bỏ vô minh cố chấp, nương theo ánh từ quang của Phật, tức thì được giải thoát khỏi các đường dữ.”

Đó là những lời khai thị của vị Gia Trì. Hôm đó chắc chắn rằng các cô hồn đêu được lợi lạc. Riêng Đức Phật, Pháp thân vẫn còn đó nên đã chứng biết cho việc làm của Vua A-dục và Hoàng Hậu. Đây là lần đầu tiên mà một Đại Trai Đàn Chẩn Tế như thế được thực hiện kể từ khi Đức Phật thị hiện ra đời.

Hoàng Hậu và Đức Vua sau khi dự Đại Lễ Trai Đàn Chẩn Tế về thì an lạc vô cùng và trong triều ngoài nội, nơi nơi đều loan tin tán dương đức độ của Vua cũng như Hoàng Hậu, không những đã lo cho người sống mà còn lo cho người chết nữa.

Thế nhưng trong triều cũng có những vị cận thần ngầm ý không thích Phật giáo lắm, như Đại Thần Da Xá chẳng hạn. Ông ta theo Bà-la-môn giáo, nên một hôm ở giữa triều ông ta đã tâu rằng:

- Muôn tâu Thánh Thượng! Ngài là một bậc vua nhân từ đức độ. Từ lâu nay trong lịch sử Ấn Độ chúng ta chưa có vị nào như Đức Vua, nhưng hạ thần thấy Ngài quá cung kính chư Tăng, nhiều khi đảnh lễ thái quá và lúc nào cũng chỉ có đạo Phật. Còn những đạo khác thì không quan tâm.

Đức Vua giơ tay ra tỏ ý ngăn chặn câu nói của Da Xá và nói:

- Ta đã hiểu ý ngươi. Nhưng việc ấy thì có sao đâu?

- Bệ Hạ là bậc đứng đầu trong thiên hạ. Cái đầu của Bệ Hạ cao quý hơn cả. Tại sao Bệ Hạ lại đi lạy những kẻ ăn xin, không gia đình ấy, làm cho chúng hạ thần rất khó xử.

Đức Vua nghe xong trầm ngâm không nói lời nào. Một hồi lâu Vua A-dục ra lệnh:

- Các khanh hãy nghe đây! Đúng vào 8 giờ sáng mai khi lâm triều tất cả các quan đều mang đến cho ta một cái đầu của súc vật. Đầu con gì cũng được. Ví dụ như đầu trâu, đầu bò, đầu chó v.v... Riêng quan Đại Thần Da Xá mang đến cho ta một cái đầu người.

Mọi người khi nghe vua phán xong đều tiu nghỉu rụng rời, không biết tại sao hôm nay Vua lại ra lệnh như thế.

Thế rồi ngày mai đúng hẹn, mọi người lục tục kéo nhau đến triều như những lần khác, nhưng lần này trên tay của các quan thì nặng thêm một vật. Nếu ai đó cố ý xem thì sẽ thấy có nhiều đầu con vật mà máu me còn đẫm ướt, trông thật tội nghiệp. Đoạn tất cả họ đều vào triều nội. Rồi một vị quan văn tâu:

- Muôn tâu Thánh Thượng! Đúng như lời dạy của Đức Vua hôm qua, hôm nay chúng hạ thần đã mang đến mỗi người một cái đầu con vật...

Vua tỏ ý vừa lòng và nhác trông qua Da Xá hất hàm hỏi:

- Còn Đại Thần Da Xá thì sao?

- Bệ Hạ vạn tuế, hạ thần vẫn y lệnh.

- Tốt lắm! Tất cả các ngươi hôm nay khỏi lâm triều mà mọi người hãy mang tất cả đầu những con vật ấy ra chợ bán đi, kể cả cái đầu người của Da Xá.

Sau khi bán xong, kẻ được nhiều, người được ít, ai ai cũng thong thả về lại cung điện. Riêng Da Xá thì không. Hạ giá đến bao nhiêu đi chăng nữa cũng chẳng có ai dám đến để hỏi mua cái đầu người kia. Thế rồi đến buổi tan chợ, Da Xá cũng phải mang cái đầu người ấy về triều. Vua A-dục thấy vậy chẳng nói gì và bảo Da Xá ngày mai hãy mang ra chợ tiếp tục bán nữa. Rồi ngày mốt ngày kia chẳng có ngày nào bán được, mà cái đầu người ấy mỗi ngày càng hôi thối thêm hơn. Da Xá muốn bỏ đi. Nhưng bỏ chẳng được. Vì sợ lệnh phạm thượng khi quân. Cuối cùng rồi Da Xá cũng tâu với Vua rằng:

- Muôn tâu Thánh Thượng! Có lẽ cái đầu người này không thể bán được.

- Tại sao vậy? Vậy thì cái đầu người sau khi cắt rời khỏi thân xác rồi, có còn giá trị gì chăng? Có bằng đầu những súc vật kia chăng?

- Thật quả chẳng bằng. Tâu Bệ Hạ.

- Vậy thì tại sao ngươi không cho ta đảnh lễ chư Tăng? Cũng cái đầu ấy, nhưng được phước đức vô cùng. Ngươi có hiểu điều ấy chăng?

- Bệ Hạ dạy quả thật quá đúng, nhưng hạ thần lâu nay vì cố chấp, vả lại cũng không phục những vị Tăng, nên mới có ý khuyên Bệ Hạ như thế. Nào ngờ...

- À! Đúng rồi. Chắc ngươi nghĩ rằng chư Tăng Ni là những kẻ không có công ăn việc làm nên mới đi xin ăn chứ gì? Đâu phải vậy, mà trong đó có cả những bậc Hoàng thân quốc thích nữa kia mà! Ngay cả Thái Tử Mahinda và Công Chúa Sanghamita con trai và con gái ta đó, đâu có nghèo khó gì. Có thể ở đời, sống cuộc sống đế vương, quá dư thừa, đâu cần phải đi khất thực? Khất thực là một hạnh của người tăng sĩ, đâu phải là một việc làm không ý nghĩa. Nếu vậy, ngươi có thể đi xin một ngày thử xem sao.

Nghe đến đó Đại Thần Da Xá đã giãy nảy lên và lấy hai tay khoa khoa như có ý không thể thực hành được và tâu:

- Muôn tâu Thánh Thượng! Như thế cũng đã đủ lắm rồi. Xin Bệ Hạ đừng đày đọa hạ thần này nữa. Nhọc lắm cho tấm thân già này.

- Thế thì từ nay trở về sau, nếu ngươi thấy ta làm một việc phước đức gì, nhất là việc cúng dường và đảnh lễ chư Tăng v.v... không được phép bàn ra tán vào. Đã không thi lễ thì thôi. Hãy đừng “cản duyên thiện sự”. Đó là việc cao quý mà. Tốt hơn cái đầu, khi nó bị đem đi bán mà chẳng được.

- Muôn tâu Thánh Thượng. Đó là một bài học luân lý mà hạ thần sẽ ghi nhớ suốt đời, không bao giờ dám tái phạm. Kính mong Bệ Hạ đại xá cho.

- Ta sẽ không đề cập đến vấn đề này nữa.

Từ đó trở đi trong triều ngoài nội đâu đâu cũng lo làm phước, bố thí cúng dường. Người nghèo thì được nhà Vua và Hoàng Hậu giúp đỡ. Các quan lại ít tham ô hơn. Thuế má ít đánh nặng lên đầu lên cổ dân chúng, khi bị hạn hán, đói kém mất mùa. Vì Vua đã đem đạo từ bi của Phật dạy ra áp dụng cho trong triều ngoài nội, nên mới được vậy.

Quả thật từ sau khi Đức Phật giác ngộ đến nay đã hơn 350 năm chưa có một vị vua nào áp dụng triệt để đạo đức học, luân lý học được hoàn hảo như thế.

Một cuộc sống thanh bình an lạc của nhân dân Ấn Độ đã kéo dài tiếp theo đó hàng mấy trăm năm, mặc dầu Đức Vua A-dục đã băng hà.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 8 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tư tưởng Tịnh Độ Tông


Bức Thành Biên Giới


Chuyện Vãng Sanh - Tập 2


Quy Sơn cảnh sách văn

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.227.72.27 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...