Hành động thiếu tri thức là nguy hiểm, tri thức mà không hành động là vô ích. (Action without knowledge is dangerous, knowledge without action is useless. )Walter Evert Myer
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Mạng sống quý giá này có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào, nhưng điều kỳ lạ là hầu hết chúng ta đều không thường xuyên nhớ đến điều đó!Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Chúng ta phải thừa nhận rằng khổ đau của một người hoặc một quốc gia cũng là khổ đau chung của nhân loại; hạnh phúc của một người hay một quốc gia cũng là hạnh phúc của nhân loại.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Trong sự tu tập nhẫn nhục, kẻ oán thù là người thầy tốt nhất của ta. (In the practice of tolerance, one's enemy is the best teacher.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tây Vực Ký »» Quyển 1 »»

Tây Vực Ký
»» Quyển 1

Donate

(Lượt xem: 3.832)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Tây Vực Ký - Quyển 1

Font chữ:

Quyển 1 - 34 nước

● Nước A-kì-ni ● Nước Khuất-chi ● Nước Bạt-lộc-ca ● Nước Nô-xích-kiến ● Nước Giả-thời ● Nước Phế-hãn ● Nước Tốt-đổ-lợi-sắt-na ● Nước Táp-mạt-kiến ● Nước Nhị-mạt-hạ ● Nước Kiếp-bố-đát-na ● Nước Khuất-sương-nhĩ-già ● Nước Khái-hãn ● Nước Bộ-khái ● Nước Phạt-địa ● Nước Hóa-lợi-tập-di-ca ● Nước Yết-sương-na ● Nước Đát-mật ● Nước Xích-ngạc-diễn-na ● Nước Hốt-lộ-ma ● Nước Du-mạn ● Nước Cúc-hòa-diễn-na ● Nước Hoạch-sa ● Nước Kha-đốt-la ● Nước Câu-mê-đà ● Nước Phược-già-lãng ● Nước Hột-lộ-tất-dân-kiện ● Nước Hốt-lẫm ● Nước Phược-hát ● Nước Duệ-mạt-đà ● Nước Hồ-thật-kiện ● Nước Đát-lạt-kiện ● Nước Yết-chức ● Nước Phạm-diễn-na ● Nước Ca-tất-thí


Ra khỏi lãnh thổ nước Cao Xương cũ, quốc gia đầu tiên gần nhất tên là A-kỳ-ni.

1. Nước A-kỳ-ni

Nước A-kỳ-ni, chiều đông tây gần 200 km, chiều nam bắc hơn 130 km, chu vi kinh thành khoảng 1.5-2 km. Bốn phía có núi non, đường đi hiểm trở, dễ phòng thủ. Sông suối giao nhau chằng chịt, nước được dẫn vào làm ruộng. Đất đai thích hợp với các loại lúa môn, lúa mùa, lúa mạch và các loại cây ăn quả như táo hồng, nho, lê, táo tây... Khí hậu điều hòa dễ chịu, phong tục chân chất, thẳng thắn. Chữ viết dùng chữ Ấn Độ, có thay đổi thêm bớt. Y phục dùng vải dệt từ bông vải. Đầu cắt tóc, không đội khăn. Tiền tệ thì dùng tiền vàng, tiền bạc và tiền đồng nhỏ.

Đức vua là người bản xứ, dũng mãnh nhưng ít mưu lược, thích khoe khoang bản thân. Đất nước không có kỷ cương, luật pháp không nghiêm túc. Trong vùng có hơn 10 ngôi chùa, tăng chúng hơn 2.000 vị, học theo giáo lý của phái Thuyết nhất thiết hữu (Sarvastivada) thuộc Tiểu thừa. Vì kinh giáo, luật nghi đều theo như Ấn Độ nên người học dùng thẳng kinh văn Phạn ngữ. Việc giữ giới luật rất nghiêm cẩn, thanh tịnh, chuyên cần, nhưng cho phép dùng ba loại tịnh nhục nên chỉ dừng ở mức của Tiệm giáo.

Từ đây đi tiếp về phía tây nam hơn 65 km nữa, qua một ngọn núi nhỏ, vượt hai con sông lớn, phía tây gặp một vùng đồng bằng. Đi tiếp hơn 230 km thì đến nước Khuất-chi.

2. Nước Khuất-chi

Nước Khuất-chi, chiều dài đông tây hơn 325 km, chiều nam bắc gần 200 km, chu vi kinh thành khoảng 5.5-6 km. Nơi đây thích hợp trồng các loại lúa môn, lúa mạch, lúa nước và trái cây như nho, lựu, lê, táo tây, đào, mơ tây ... Có những khoáng sản như vàng, đồng, sắt, chì, thiếc... Khí hậu ôn hòa, phong tục chân chất. Chữ viết cũng dùng chữ Ấn Độ có đôi chút cải biến. Người dân giỏi về kỹ thuật âm nhạc, nhạc cụ đàn, sáo... hơn hẳn các nước khác. Y phục dùng gấm, vải thô; đầu cắt tóc, bịt khăn hoặc đội mũ. Về tiền tệ thì dùng tiền vàng, tiền bạc và tiền đồng nhỏ. Đức vua là người Khuất-chi, kém mưu trí, bị cường thần chèn ép.

Ở đây có tục lệ vừa sinh con ra thì dùng miếng ván phẳng ép vào đầu để làm cho hình dáng dẹt lại, mỏng hơn, cho như vậy là đẹp. Trong nước có hơn trăm ngôi chùa, tăng chúng hơn 5.000 vị, học theo giáo lý của phái Thuyết nhất thiết hữu thuộc Tiểu thừa. Kinh giáo, luật nghi đều theo như Ấn Độ, nên người học kinh điển đều dùng nguyên bản Phạn văn. Họ vẫn theo Tiệm giáo nên dùng ba loại tịnh nhục, lấy việc chuyên tâm giữ mình thanh khiết, trong sạch để so sánh công phu.

Ở miền đông nước này có một tòa thành, phía bắc thành ấy có miếu thờ Phạm thiên, trước miếu có hồ rồng rất lớn.

Những con rồng ở đây thường biến hình để giao hợp với ngựa cái, sanh ra giống ngựa con gọi là long câu, bướng bỉnh, rất khó thuần phục để cưỡi. Phải đến những con ngựa con của giống long câu này mới thuần phục được để kéo xe. Do vậy nên nước này có nhiều ngựa hay.

Theo các ghi chép còn lưu lại, thời gần đây có một vị vua [cai trị ở tòa thành này], hiệu là Kim Hoa, dùng chính sách cai trị rất sáng suốt nên cảm được rồng hiện lên kéo xe cho vua. Lúc vua Kim Hoa sắp băng hà, dùng roi đánh xe chạm vào tai rồng, nhân đó rồng liền ẩn hình vào hồ mãi đến ngày nay.

Trong thành không có giếng nước, người dân phải ra lấy nước hồ. Rồng biến hình thành người, giao hợp với những phụ nữ [đi lấy nước], sanh ra con có sức mạnh, dũng mãnh khác thường, chạy nhanh như ngựa. Cứ như thế lâu ngày, dân cư trong thành ấy dần dần đều lai tạp giống rồng. Họ ỷ vào sức mạnh, tác oai tác quái, không nghe theo lệnh vua. Vua liền liên kết với quân Đột-quyết, giết hết dân trong thành, kẻ già người trẻ đều giết sạch, không sót một ai. Do vậy thành này hoang phế cho đến nay, không còn bóng người.

Về phía bắc tòa thành hoang phế này khoảng hơn 13 km, có hai ngôi chùa nằm ven sườn núi, cách nhau một con sông, cùng tên Chiếu-hỗ-ly (Cakuri), nhưng tùy theo vị trí mà gọi là Đông Chiếu-hỗ-ly và Tây Chiếu-hỗ-ly. Tượng Phật được trang trí chạm khắc rất đẹp, tinh xảo như vượt ngoài khả năng con người. Chư tăng dùng chay thanh tịnh, [trong sự tu tập luôn] chí thành gắng sức chuyên cần.

Trong điện thờ Phật ở chùa Đông Chiếu-hỗ-ly có một phiến ngọc thạch, rộng gần 70 cm, màu trắng ngả sang vàng, hình dạng như con sò biển. Trên phiến ngọc thạch này có dấu chân Phật, chiều dài khoảng 60 cm, chiều rộng khoảng 20 cm, thỉnh thoảng vào những ngày trai [dấu chân Phật] lại tỏa ra ánh sáng.

Bên ngoài cửa tây của kinh thành, hai bên đường đều có dựng tượng Phật, cao khoảng 30 mét. Cứ 5 năm lại có tổ chức một lần Đại hội ngay trước các tượng Phật này.

Mỗi năm, vào tiết thu phân lại có một thời gian khoảng mấy mươi ngày, chư tăng cả nước đều về đây tập hội. Trên từ đức vua, dưới cho đến hàng sĩ phu, thứ dân đều gác bỏ mọi công việc thường ngày [để về đây] phụng trì trai giới, nghe kinh học pháp suốt ngày không mệt mỏi. Chư tăng các chùa trang hoàng tượng Phật nghiêm trang, dùng nhiều thứ châu báu, gấm lụa để trang sức rồi dùng xe đưa tượng Phật đi, gọi là rước tượng. Có đến hàng ngàn xe như thế quy tụ về nơi đại hội.

Thường thì vào ngày rằm và ngày cuối tháng, đức vua và các vị đại thần cùng họp bàn quốc sự, thỉnh ý các vị cao tăng [về các quyết định] rồi mới công bố.

Từ chỗ hội trường này đi về hướng tây bắc, qua sông thì gặp chùa A-xa-lý-nhị. Chùa cao rộng thoáng đãng, tượng Phật được tu tạo trang hoàng rất đẹp. Chư tăng ở đây nghiêm trang, hòa nhã, tinh tấn chuyên cần không giải đãi, lại là những bậc tôn trưởng giàu đức độ, tài cao học rộng. [Do vậy] có rất nhiều người tài đức từ phương xa ngưỡng mộ tìm đến xin được lưu trú.

Nhà vua cùng các bậc đại thần, sĩ phu, thứ dân và các nhà hào phú trong nước luôn cúng dường bốn nhu cầu thiết yếu cho chư tăng, ngày càng thêm cung kính.

Theo các ghi chép còn lưu lại, xưa kia có một vị vua nước này rất sùng kính Tam bảo, muốn đi xa chiêm bái các thánh tích, liền truyền lệnh cho người em cùng mẹ khác cha thay mình chăm lo việc nước. Người em nhận lệnh, lẳng lặng tự cắt nam căn để ngừa trước việc chưa phát sinh, rồi đặt trong hộp vàng niêm kín lại, dâng lên vua. Vua hỏi: “Đây là vật gì?” Người em thưa: “Ngày nào xa giá hồi cung, xin hãy mở ra xem.” Vua liền giao cho quan chấp sự giữ và mang theo trong chuyến đi.

Ngày vua trở về, quả nhiên có kẻ muốn vu họa, tâu với vua rằng: “Đại vương giao ông ấy lo việc nước, đã làm chuyện dâm loạn trong cung.” Vua nghe qua nổi giận, muốn dùng hình phạt nghiêm khắc. Người em liền thưa: “Thật không dám trốn tránh, chỉ xin đại vương mở hộp vàng ngày trước ra xem.” Vua liền mở hộp ra, nhìn thấy [nhưng không nhận ra là gì]. Vua hỏi: “Vật gì lạ vậy? Ngươi muốn làm rõ điều gì?” Người em thưa: “Khi đại vương đi xa, lệnh cho thần chăm lo mọi việc triều chính, vì sợ mối họa sàm tấu này nên đã tự cắt nam căn trước rồi, để tự minh oan. Nay đã có chứng cứ này, xin đại vương rủ lòng soi xét.” Đức vua hết sức lạ lùng kinh sợ, [hiểu rõ lời sàm tấu] nên tình anh em càng thêm sâu đậm. Từ đó liền cho phép người em tự do ra vào cung cấm.

Về sau, người em vua có lần trên đường đi gặp một người đang lùa 500 con bò đực đi thiến. Người em vua nhìn thấy, liên tưởng đến chuyện của mình càng thêm đau buồn, liền nghĩ: “Ta nay thành người bị hoạn, lẽ đâu chẳng phải do tạo nghiệp từ đời trước?” Liền bỏ tiền ra mua hết cả đàn bò ấy [để cứu chúng].

Do sức chiêu cảm của tâm từ bi hiền thiện nên nam căn dần hồi phục như xưa. Vì hồi phục như xưa nên không ra vào trong nội cung nữa. Vua thấy lạ gạn hỏi, người em liền kể lại hết sự việc như vậy. Đức vua cho là chuyện kỳ đặc, liền xây dựng ngôi chùa A-xa-lý-nhị (có nghĩa là kỳ đặc) để xưng tán chuyện này, truyền lại tiếng thơm cho đời sau.

Từ nơi đây đi về hướng tây khoảng 195 km nữa, vượt qua một bãi cát nhỏ thì đến nước Bạt-lộc-ca.

3. Nước Bạt-lộc-ca

Nước Bạt-lộc-ca, chiều đông tây dài gần 200 km, chiều nam bắc khoảng 98 km, chu vi kinh thành khoảng 1.5-2 km. Về thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng, phong tục, dân tình, cách dùng chữ viết đều giống như nước Khuất-chi, riêng ngôn ngữ có khác biệt đôi chút. Nước này có các mặt hàng vải bông, vải sợi rất mềm mại, được các nước chung quanh ưa chuộng. Trong nước có khoảng mấy chục ngôi chùa, tăng chúng hơn ngàn vị, tu tập theo phái Thuyết nhất thiết hữu, thuộc Tiểu thừa.

Đi về hướng tây bắc của nước này khoảng 98 km, vượt qua một sa mạc có nhiều đá thì đến Lăng sơn. Đây chính là nơi khởi đầu từ phía bắc của rặng Thông Lĩnh, sông suối phần lớn đều chảy về hướng đông. Tuyết tụ nơi khe núi, mùa xuân, mùa hạ vẫn đông cứng, tuy cũng có lúc tan ra nhưng rồi đóng băng lại ngay. Đường đi hiểm trở, gió rét lạnh thê lương, thường xảy ra nạn rồng dữ hại người đi đường. Do vậy, người đi đường không được mặc áo đỏ, không mang bình đựng nước, không kêu la lớn tiếng. Chỉ một chút sơ ý phạm vào những điều này thì ngay lập tức tai họa ập đến, cuồng phong nổi dậy, cát bay đá chạy. Người đã gặp phải thì tiêu tan tính mạng, khó lòng sống sót.

Đi theo đường núi khoảng hơn 130 km thì tới hồ nước lớn Thanh trì (cũng gọi là Nhiệt hải hay Hàm hải), chu vi đến hơn 325 km, chiều đông tây dài, chiều nam bắc hẹp, bốn bên dựa núi, các dòng nước chảy dồn xuống, nước có màu xanh đen, vị mặn đắng, sóng cả mênh mông, cuồn cuộn kinh người. Trong hồ có đủ loại rồng, cá, thường xuất hiện các loài linh quái, nên khách bộ hành qua lại thường cúng tế cầu đảo, mong được phước lành. Tuy trong hồ rất nhiều loài thủy tộc nhưng không ai dám đánh bắt.

Từ Thanh trì đi về hướng tây bắc hơn 163 km nữa thì đến thành Tố Diệp nằm ven sông, chu vi khoảng 1.5-2 km. Đây là nơi các nhà buôn người Hồ từ nhiều nước đến sống chung với nhau.

Vùng này thích hợp trồng các loại lúa môn, lúa mạch, nho... Rừng cây thưa thớt, khí hậu lạnh lẽo, gió rét lạnh, người dân dùng y phục vải thô hoặc dệt bằng lông thú.

Phía tây thành Tố Diệp có mấy mươi tòa thành riêng lẻ, mỗi thành đều lập người đứng đầu, tuy không nhận mệnh lệnh chi phối lẫn nhau nhưng đều trực thuộc vua Đột-quyết.

Vùng đất từ thành Tố Diệp đến nước Yết-sương-na (Kasanna) có tên là Tốt-lợi, người dân cũng được gọi là người Tốt-lợi (Suli). Chữ viết, ngôn ngữ cũng gọi theo tên này. Chữ viết của Tốt-lợi căn bản rất đơn giản, chỉ có hơn hai mươi chữ cái, phối hợp nhau để tạo ra từ ngữ, ngày càng nhiều hơn. Có một số bản văn ghi chép, được đọc theo chiều đứng. Văn hóa được lưu tâm truyền thụ nối tiếp cho đời sau, không để dứt mất. Y phục dùng vải dệt bằng lông thú hoặc bông vải, quần áo thường vừa bó chặt sát người. Cắt tóc để lộ đỉnh đầu hoặc cạo sạch hết rồi dùng khăn lụa quấn quanh trán. Người dân vóc dáng to lớn nhưng tính khí nhút nhát, kiêu căng dối trá, thường mưu mô gian xảo, nói chung là tham lam, cầu lợi, dù là cha con với nhau cũng tính toán lợi hại. Người càng nhiều tiền càng được tôn quý, dù lương thiện tốt đẹp hay hèn hạ xấu xa cũng không phân biệt. Cho dù giàu có muôn vạn, họ vẫn ăn mặc tằn tiện thô xấu. Khoảng một nửa dân số ra sức làm nông nghiệp và nửa còn lại chuyên kinh doanh trục lợi.

Từ thành Tố Diệp đi khoảng 130 km nữa thì đến vùng đất Thiên Tuyền, vuông vức mỗi bề khoảng 65 km, phía nam là Tuyết sơn, ba mặt còn lại giáp bình nguyên, đất đai màu mỡ ẩm ướt, cây rừng sum suê. Vào tháng cuối mùa xuân, trăm hoa đua nở rực rỡ muôn phần, ao hồ suối nước có đến ngàn nơi nên mới thành tên gọi Thiên Tuyền.

Khả Hãn Đột-quyết thường đến đây tránh mùa nắng nóng. Nơi đây có bầy hươu, hầu hết đều được đeo vòng lục lạc, quanh quẩn bên người không hề sợ hãi bỏ chạy. Khả Hãn ưa thích ngợi khen việc này, hạ lệnh nếu ai giết hươu thì xử tội chết không tha, nên đàn hươu ấy được sống đến trọn đời.

Từ Thiên Tuyền đi về phía tây khoảng 45-50 km thì đến thành Đát-la-tư. Chu vi thành này khoảng 2.5-3 km, là nơi các thương gia người Hồ từ các nước đến sống chung. Nơi đây các loại cây trồng cũng như đất đai, khí hậu nói chung đều giống như ở thành Tố Diệp.

Từ đây đi về phía nam khoảng hơn 3.2 km có một thành nhỏ nằm riêng biệt, có khoảng 300 gia đình, gốc người Trung quốc, trước kia bị quân Đột-quyết cướp [bắt đi], sau mới tụ họp người cùng quê hương đến ở chung trong thành này. Họ ăn mặc, giao tiếp đều giống như người Đột-quyết nhưng ngôn ngữ, lễ nghi [Trung quốc] vẫn còn gìn giữ.

Từ thành này đi về hướng tây nam hơn 65 km thì đến thành Bạch Thủy, chu vi khoảng 1.5-2 km. Nơi đây đất đai, sản vật, phong thổ, khí hậu đều vượt hơn hẳn ở thành Đát-la-tư.

Từ đây lại đi tiếp về hướng tây nam hơn 65 km nữa thì đến thành Cung-ngự (Gongyu). Thành có chu vi chưa đến 2 km. Đây là vùng đồng bằng ẩm ướt, đất đai hết sức màu mỡ tươi tốt, cây cối sum suê rậm rạp.

Từ đây lại đi về hướng nam khoảng 13-16 km nữa thì đến nước Nô-xích-kiến.

4. Nước Nô-xích-kiến

Nước Nô-xích-kiến chu vi hơn 325 km, đất đai màu mỡ tốt tươi, việc canh tác và thu hoạch đều hoàn bị. Cây cỏ sum suê sầm uất, hoa quả rất nhiều. Nơi đây trồng nhiều nho, được người dân xem là loại trái quý. Có đến hàng trăm thành ấp, mỗi thành đều có người cai trị riêng, có giao thiệp qua lại nhưng đều độc lập, không chịu mệnh lệnh của nhau. Tuy có bản đồ phân hoạch ranh giới riêng biệt, nhưng đều được gọi chung là nước Nô-xích-kiến.

Từ đây đi về hướng tây hơn 65 km nữa thì đến nước Giả-thời.

5. Nước Giả-thời

Nước Giả-thời chu vi hơn 325 km, phía tây giáp sông Diệp, chiều đông tây hẹp, chiều nam bắc dài. Nơi đây đất đai, khí hậu cũng giống như nước Nô-xích-kiến.

Nước này có khoảng mấy chục thành ấp, mỗi nơi đều có người cai trị riêng, nhưng không có người đứng đầu, tất cả đều phụ thuộc Đột-quyết.

Từ nơi đây đi về hướng đông nam hơn 325 km thì đến nước Phế-hãn.

6. Nước Phế-hãn

Nước Phế-hãn chu vi khoảng 1.300 km, bốn bề núi non bao bọc, đất đai màu mỡ tốt tươi, hoa màu xanh tốt, trồng nhiều loại hoa quả. Nơi đây thích hợp nuôi ngựa và dê. Khí hậu lạnh lẽo, gió rét. Người dân tính tình rắn rỏi, mạnh mẽ, hình dung tướng mạo xấu xí. Ngôn ngữ khác biệt với những nước khác. Mấy chục năm qua, nước này không có vua, các thế lực trong nước tranh giành quyền lực với nhau, không ai phục ai, mỗi người đều chiếm cứ những nơi địa hình hiểm trở, phân chia ranh giới lãnh thổ riêng.

Từ đây đi về phía tây hơn 325 km thì đến nước Tốt-đổ-lợi-sắt-na.

7. Nước Tốt-đổ-lợi-sắt-na

Nước Tốt-đổ-lợi-sắt-na chu vi khoảng 460-490 km, phía đông giáp sông Diệp. Sông Diệp phát nguyên từ phía bắc rặng Thông Lĩnh, chảy về hướng tây bắc, mặt sông mênh mông, nước ngầu đục, dòng chảy xiết. Nơi đây đất đai, phong tục cũng giống nước Giả-thời. Nước này có vua cai trị, thần phục Đột-quyết.

Từ nước này đi về hướng tây bắc thì vào một vùng sa mạc lớn, tuyệt nhiên không có cỏ cây, khô khan không có nước. Không có lối mòn để đi theo, bốn phía mênh mông thật khó xác định ranh giới, phương hướng, chỉ có thể dõi nhìn dáng núi cao từ xa để tìm và dựa vào những bộ xương khô rải rác đó đây để xác định hướng đi. Vượt qua khoảng hơn 163 km thì đến nước Táp-mạt-kiến.

8. Nước Táp-mạt-kiến

Nước Táp-mạt-kiến chu vi khoảng 510-550 km, chiều đông tây dài, chiều nam bắc hẹp. Chu vi kinh thành hơn 6.5 km, hết sức hiểm trở, [địa thế phòng thủ] vững chắc, dân cư đông đúc, có nhiều mặt hàng quý, trân bảo từ nơi khác quy tụ về đây.

Nước này đất đai màu mỡ tốt tươi, việc canh tác và thu hoạch đều hoàn thiện, cây cối xanh tốt, hoa quả tốt tươi. Nơi đây có nhiều ngựa hay, hàng thủ công mỹ nghệ đặc biệt tinh xảo vượt hơn các nước khác. Khí hậu ôn hòa, dễ chịu, cư dân tính tình mạnh mẽ, táo bạo, năng động. Các nước khác đều xem đây là trung tâm, bất kể gần xa đều noi theo những phép tắc, lễ nghi, quy phạm của nước này. Vua nước này sáng suốt dũng mãnh, các nước láng giềng đều thần phục. Binh mã hùng mạnh, đông đảo, phần đông là giả-yết. Danh hiệu giả-yết đều là những chiến sĩ dũng cảm, mạnh mẽ, xem cái chết chỉ như sự trở về. Họ chiến đấu như không có đối thủ.

Từ nước này đi về hướng đông nam thì đến nước Nhị-mạt-hạ.

9. Nước Nhị-mạt-hạ

Nước Nhị-mạt-hạ chu vi ước khoảng 135-163 km, nằm lọt trong vùng khe núi, chiều đông tây hẹp, chiều nam bắc dài. Nơi đây thổ nhưỡng, phong tục tập quán đều giống như nước Táp-mạt-kiến.

Từ đây đi về hướng bắc thì đến nước Kiếp-bố-đát-na.

10. Nước Kiếp-bố-đát-na

Nước Kiếp-bố-đát-na chu vi ước khoảng 460-490 km, chiều đông tây dài, chiều nam bắc hẹp, phong tục, thổ nhưỡng đều giống như nước Táp-mạt-kiến.

Từ nước này đi về hướng tây hơn 98 km thì đến nước Khuất-sương-nhĩ-già.

11. Nước Khuất-sương-nhĩ-già

Nước Khuất-sương-nhĩ-già chu vi ước khoảng 460-490 km, chiều đông tây hẹp, chiều nam bắc dài. Nơi đây thổ nhưỡng, phong tục tập quán đều giống như nước Táp-mạt-kiến.

Từ nước này đi về hướng tây hơn 65 km thì đến nước Khái-hãn.

12. Nước Khái-hãn

Nước Khái-hãn chu vi hơn 325 km, thổ nhưỡng, phong tục tập quán đều giống như nước Táp-mạt-kiến.

Từ nước này đi về hướng tây hơn 130 km thì đến nước Bộ-khái.

13. Nước Bộ-khái

Nước Bộ-khái chu vi ước chừng 510-550 km, chiều đông tây dài, chiều nam bắc hẹp, thổ nhưỡng, phong tục tập quán đều giống như nước Táp-mạt-kiến.

Từ nước này đi về hướng tây hơn 130 km thì đến nước Phạt-địa.

14. Nước Phạt-địa

Nước Phạt-địa chu vi hơn 130 km, thổ nhưỡng, phong tục tập quán giống như nước Táp-mạt-kiến.

Từ đây đi về hướng tây nam hơn 163 km thì đến nước Hóa-lợi-tập-di-ca.

15. Nước Hóa-lợi-tập-di-ca

Nước Hóa-lợi-tập-di-ca nằm dọc theo hai bên sông Phược-sô, chiều đông tây ước chừng khoảng 7-10 km, chiều nam bắc hơn 163 km, thổ nhưỡng, phong tục tập quán giống như nước Phạt-địa, ngôn ngữ chỉ khác biệt đôi chút.

Từ nước Táp-mạt-kiến đi về hướng tây nam hơn 98 km thì đến nước Yết-sương-na.

16. Nước Yết-sương-na

Nước Yết-sương-na chu vi ước khoảng 450-480 km, thổ nhưỡng, phong tục tập quán giống như nước Táp-mạt-kiến.

Từ đây đi về hướng tây nam hơn 65 km thì vào vùng núi. Đường núi quanh co gập ghềnh, lối đi hẹp rất nguy hiểm. Vùng này không có người ở, lại cũng hiếm thấy cây cỏ, nguồn nước.

Từ núi này đi về hướng đông nam hơn 98 km thì đến cửa ải Thiết Môn, hai bên đều là vách núi cao chót vót, tuy có lối đi hẹp nhưng càng đi càng thêm hiểm trở. Vách núi đá hai bên dựng đứng có màu giống như sắt. Cửa ngăn bằng sắt, lại ghép bằng đinh sắt, có nhiều chuông lắc nhỏ cũng bằng sắt treo trên cửa. Do cửa này hiểm trở kiên cố nên có tên là Thiết Môn.

Qua khỏi Thiết Môn thì đến vùng Đổ-hóa-la.

Vùng đất này, chiều nam bắc khoảng 325 km, chiều đông tây hơn 970 km, phía đông có rặng núi Thông Lĩnh án ngữ, phía tây giáp với Ba-lạt-tư (Persia), phía nam là Đại Tuyết sơn, phía bắc là cửa ải Thiết Môn. Sông lớn Phược-sô chảy từ đông sang tây, băng ngang qua giữa vùng đất này.

Trong mấy trăm năm qua, hoàng tộc nước này không có người nối dõi, nên các thế lực trong nước tranh giành với nhau, mỗi phe đều chiếm cứ những nơi hiểm địa, tự xưng vương quyền, phân chia ra thành 27 nước. Tuy các nước này đã phân chia ranh giới, nhưng tất cả đều thần phục Đột-quyết.

Khí hậu ấm áp, sinh nhiều dịch bệnh. Khoảng cuối đông đầu xuân thường có nhiều đợt mưa dầm nối tiếp liên miên, cho nên phát sinh rất nhiều dịch bệnh trong khu vực từ Đổ-hóa-la chạy về phía nam và từ nước Lam-ba (Lampa) chạy về phía bắc.

Tăng chúng nơi đây bắt đầu an cư từ ngày 16 tháng 12, cho đến ngày 15 tháng 3 thì kết thúc, vì thời gian này có mưa nhiều. Đây cũng là ý nghĩa thiết lập giáo pháp, quy định tùy theo hoàn cảnh thực tế của mỗi nơi.

Cư dân nơi đây tính tình nhút nhát, mềm yếu, hình dáng dung mạo xấu xí, có điều cũng biết qua về trung tín, nghĩa khí nên không lừa dối, lường gạt. Cung cách ứng xử và ngôn ngữ có phần khác biệt với những nước khác. Về văn tự, căn bản có 25 mẫu tự, phối hợp tạo thành từ ngữ, đủ dùng để biểu đạt hết thảy sự vật, sự việc. Văn bản được đọc theo chiều ngang, từ trái qua phải. Số lượng văn bản khá nhiều, vượt xa hơn ở vùng Tốt-lợi. Y phục phần nhiều dùng vải dệt từ bông vải, hiếm khi dùng vải gai. Tiền tệ thông dụng là tiền vàng, tiền bạc, hình dạng khác biệt so với tiền của các nước khác.

Đi xuôi theo bờ phía bắc sông Phược-sô về phía hạ lưu thì đến nước Đát-mật.

17. Nước Đát-mật

Nước Đát-mật, chiều đông tây dài, hơn 195 km, chiều nam bắc hẹp, hơn 130 km, chu vi kinh thành hơn 6.5 km. Cả nước có hơn 10 ngôi chùa, tăng chúng hơn 1.000 vị. Các tháp thờ và tượng Phật đều có nhiều điều thần dị, nhiều sự linh ứng.

Về phía đông là nước Xích-ngạc-diễn-na.

18. Nước Xích-ngạc-diễn-na

Nước Xích-ngạc-diễn-na, chiều đông tây hơn 130 km, chiều nam bắc hơn 163 km, chu vi kinh thành hơn 3.2 km. Có 5 ngôi chùa, tăng chúng rất ít.

Về phía đông là nước Hốt-lộ-ma.

19. Nước Hốt-lộ-ma

Nước Hốt-lộ-ma, chiều đông tây hơn 32 km, chiều nam bắc hơn 98 km, chu vi kinh thành hơn 3.2 km. Vua nước này là người xứ Hề-tố, thuộc Đột-quyết. Trong nước có hai ngôi chùa, tăng chúng hơn 100 vị.

Về phía đông là nước Du-mạn.

20. Nước Du-mạn

Nước Du-mạn, chiều dài đông tây hơn 130 km, chiều nam bắc hơn 32 km, chu vi kinh thành khoảng 5-5.5 km. Vua nước này cũng là người xứ Hề-tố, thuộc Đột-quyết. Trong nước có hai ngôi chùa, tăng chúng rất ít.

Phía tây nam giáp với sông Phược-sô rồi đến nước Cúc-hòa-diễn-na.

21. Nước Cúc-hòa-diễn-na

Nước Cúc-hòa-diễn-na, chiều đông tây khoảng hơn 65 km, chiều nam bắc hơn 98 km, chu vi kinh thành hơn 3.2 km. Có ba ngôi chùa, tăng chúng hơn 100 vị.

Về phía đông là nước Hoạch-sa.

22. Nước Hoạch-sa

Nước Hoạch-sa, chiều đông tây hơn 98 km, chiều nam bắc hơn 163 km, chu vi kinh thành khoảng 5-5.5 km.

Về phía đông là nước Kha-đốt-la.

23. Nước Kha-đốt-la

Nước Kha-đốt-la, chiều đông tây khoảng 325 km, chiều nam bắc cũng khoảng 325 km, chu vi kinh thành hơn 6.5 km. Phía đông giáp với rặng núi Thông Lĩnh, rồi tiếp đến là nước Câu-mê-đà.

24. Nước Câu-mê-đà

Nước Câu-mê-đà, chiều đông tây khoảng hơn 650 km, chiều nam bắc hơn 65 km, nằm lọt vào trong rặng núi Thông Lĩnh. Chu vi kinh thành hơn 6.5 km. Phía tây nam giáp với sông Phược-sô, phía nam giáp với nước Thi-khí-ni.

Về hướng nam, qua sông Phược-sô thì có thể đến các nước Đạt-ma-tất-thiết-đế (Dharmasthiti), Bát-đạc-sang-na (Madakhshan), Dâm-bạc-kiện (Yamgan), Khuất-lang-noa (Kurana), Hứ-ma-đát-la (Himatala), Bát-lợi-át (Parghar), Ngật-lật-sắt-ma (Kishm), Hạt-la-hồ (Rahula), A-lợi-ni (Arhan), Măng-kiện (Mungan).

Từ nước Hoạt (Huoh) đi về hướng đông nam là nước Khoát-tất-đa (Khost) và nước An-đát-la-phược (Andarab). Các nước này được nói đến trong phần ghi chép hành trình quay về.

Từ nước Hoạt đi về hướng tây nam là nước Phược-già-lãng.

25. Nước Phược-già-lãng

Nước Phược-già-lãng, chiều đông tây hơn 16 km, chiều nam bắc hơn 65 km, chu vi kinh thành hơn 3.2 km.

Về hướng nam là nước Hột-lộ-tất-dân-kiện.

26. Nước Hột-lộ-tất-dân-kiện

Nước Hột-lộ-tất-dân-kiện chu vi hơn 325 km, chu vi kinh thành khoảng 4.5-5 km.

Về hướng tây bắc là nước Hốt-lẫm.

27. Nước Hốt-lẫm

Nước Hốt-lẫm chu vi hơn 260 km, chu vi kinh thành khoảng 1.5-2 km. Nơi đây có hơn 10 ngôi chùa, tăng chúng hơn 500 vị.

Về hướng tây là nước Phược-hát.

28. Nước Phược-hát

Nước Phược-hát, chiều đông tây hơn 260 km, chiều nam bắc hơn 130 km, phía bắc giáp sông Phược-sô. Chu vi kinh thành hơn 6.5 km, thường được gọi là thành Tiểu Vương Xá. Thành tuy kiên cố nhưng dân cư rất ít.

Vùng này sản vật phong phú, rất nhiều, trên đồng dưới nước đủ các loại hoa, thật khó kể ra hết. Nơi đây có hơn 100 ngôi chùa, tăng chúng hơn 3.000 vị, đều tu học theo giáo pháp Tiểu thừa.

Phía bên ngoài thành, về hướng tây nam có chùa Nạp-phược, do một vị vua trước đây của nước này xây dựng. Khắp một vùng phía bắc Đại Tuyết sơn, chỉ duy nhất chùa này là có các bậc đại sư giảng kinh viết luận truyền nối đời đời không dứt.

Tượng Phật trong chùa được làm bằng những loại trân bảo quý giá. Chùa cũng được trang hoàng bằng nhiều báu vật quý hiếm. Vì vậy, các vua lân bang tham lam đều muốn đánh cướp.

Chùa vốn có một pho tượng Tỳ-sa-môn Thiên vương rất linh ứng, có thể dựa vào đó để âm thầm gìn giữ, bảo vệ chùa.

Gần đây, vị Khả Hãn [đời trước] của Đột-quyết là Diệp Hộ, có người con trai là Khả Hãn Tứ Diệp Hộ, đã huy động toàn bộ binh lực kéo đến, dự tính bất ngờ tấn công vào chùa để cướp lấy trân bảo, báu vật. Khi còn cách chùa không xa, Khả Hãn cho dựng trại đóng quân tạm nghỉ giữa đồng. Đêm hôm đó, Khả Hãn mộng thấy Tỳ-sa-môn Thiên vương hiện ra nói rằng: “Nhà ngươi sức lực được bao nhiêu mà dám đến phá chùa?” Nói rồi dùng cây kích dài đâm một nhát xuyên từ trước ngực ra sau lưng. Khả Hãn kinh sợ tỉnh giấc, cảm thấy đau nhói nơi tim, liền kể lại cho thuộc hạ nghe về giấc mộng, rồi vội vã sai người đi thỉnh chư tăng đến để đích thân sám hối tạ tội. Nhưng thuộc hạ đi chưa kịp về thì Khả Hãn đã vong mạng.

Nơi phía nam điện thờ Phật trong chùa có một chiếc bồn tắm của Phật, có thể chứa đến hơn một đấu nước, màu sắc rực rỡ kỳ diệu, khó có thể nói được đó là kim loại quý hay đá quý. Lại có một chiếc răng Phật, dài khoảng 3.5 cm, rộng chừng 2.5-3 cm, màu trắng ngà, hình thể sáng đẹp. Trong chùa còn có một cây chổi quét của Phật, được làm bằng cỏ ca-xa, dài hơn khoảng 70 cm, vòng quanh thân chổi đo được khoảng 24 cm. Cán chổi được trang sức bằng nhiều trân bảo quý giá.

Ba báu vật này, vào những ngày lục trai, khi chư tăng và tín đồ cùng tụ họp, thường mang ra để thiết lễ cúng dường. Những lúc chí thành có sự cảm ứng liền phát hào quang.

Phía bắc chùa này có tháp thờ cao hơn 66 mét, được trang sức bằng đá kim cương cùng nhiều trân bảo quý giá. Trong tháp có xá-lợi, thường phát hào quang.

Phía tây nam chùa có một tinh xá được xây dựng rất lâu đời. Những bậc tài cao đức trọng từ phương xa về đây tu tập rất nhiều. Trong số đó, những vị chứng thánh quả nhiều không kể hết. Trước đây, các vị A-la-hán khi sắp nhập Niết-bàn thường thị hiện thần thông, mọi người đều thấy biết, nên liền dựng tháp thờ. Nền tháp san sát kề nhau, có đến mấy trăm tháp. Lại có hàng ngàn vị khác, tuy chứng thánh quả nhưng trước khi nhập Niết-bàn không thị hiện thần thông nên không ai biết để dựng tháp thờ.

Ngày nay, chư tăng ở chùa này có hơn 100 vị, ngày đêm tinh tấn tu tập chẳng hề biếng trễ, thật khó phân biệt được [trong số đó] ai là phàm, ai là thánh.

Cách kinh thành hơn 16 km về hướng tây bắc có thành Đề-vị (Trapusa). Về phía bắc thành này, cách khoảng 13 km có thành Ba-lợi (Bhallika). Trong mỗi thành này đều có một ngôi tháp cao hơn 10 mét.

Thuở xưa, đức Như Lai vừa chứng đắc quả Phật, từ gốc bồ-đề đứng dậy, sắp sửa đi đến Vườn Nai. Bấy giờ có hai vị trưởng giả nhìn thấy đức Phật thần thái uy nghiêm, dung nhan rạng rỡ, liền nghênh đón trên đường để dâng cúng gạo rang trộn mật ong. Đức Thế Tôn liền vì hai người mà thuyết giảng về phước báu trong hai cõi trời, người. Đây là những người đầu tiên được nghe về Năm giới và Mười nghiệp lành. Sau khi được nghe giảng dạy giáo pháp, họ đã thỉnh cầu Như Lai ban cho vật gì để [khi về nước có thể] thờ kính cúng dường. Đức Như Lai liền ban cho họ một ít tóc và móng tay của ngài.

Hai trưởng giả sắp về nước, liền thưa thỉnh Như Lai về nghi thức thờ kính cúng dường [Thánh vật]. Đức Phật liền lấy y tăng-già-chi xếp ngay ngắn vuông vức đặt xuống đất. Tiếp theo, ngài đặt lên đó tấm y uất-đa-la-tăng, [cũng được xếp ngay ngắn vuông vức], rồi đến tấm y tăng-khước-kỳ. Sau đó, đức Phật úp bình bát lên rồi dựng thẳng tích trượng lên trên cùng. Tất cả sắp xếp theo thứ tự như vậy tạo thành một mô hình gọi là tốt-đổ-ba.

Hai người vâng lời Phật dạy, khi về lại nơi ở của mình, mỗi người đều phỏng theo mô hình đức Phật đã chỉ dẫn mà xây dựng nên một ngọn tháp thờ [các Thánh vật]. Đây là những ngọn tháp đầu tiên trong đạo Phật.

Về phía tây thành này, cách khoảng 23 km có một ngọn tháp cao khoảng 7 mét được xây dựng từ thời Phật Ca-diếp.

Từ kinh thành đi về hướng tây nam vào vùng Đại Tuyết sơn thì đến nước Duệ-mạt-đà.

29. Nước Duệ-mạt-đà

Nước Duệ-mạt-đà, chiều đông tây khoảng 16-20 km, chiều nam bắc hơn 32 km, chu vi kinh thành hơn 3.2 km.

Về hướng tây nam là nước Hồ-thật-kiện.

30. Nước Hồ-thật-kiện

Nước Hồ-thật-kiện, chiều đông tây hơn 163 km, chiều nam bắc hơn 325 km, chu vi kinh thành hơn 6.5 km. Nơi đây có nhiều sông núi, sản xuất nhiều ngựa hay.

Về hướng tây bắc là nước Đát-lạt-kiện.

31. Nước Đát-lạt-kiện

Nước Đát-lạt-kiện, chiều đông tây hơn 163 km, chiều nam bắc khoảng 16-20 km, chu vi kinh thành hơn 3.2 km. Biên giới phía tây giáp với nước Ba-lạt-tư.

Từ nước Phược-hát đi về hướng nam hơn 32 km thì gặp nước Yết-chức.

32. Nước Yết-chức

Nước Yết-chức, chiều đông tây hơn 163 km, chiều nam bắc hơn 98 km, chu vi kinh thành khoảng 1-1.5 km. Đất đai nhiều sỏi đá, cằn cỗi, gò đồi nối tiếp nhau không bằng phẳng. Nông sản thì ít hoa quả, trồng nhiều các loại đậu, lúa mạch. Khí hậu rét lạnh, phong tục tánh khí người dân cứng rắn, mạnh mẽ.

Trong nước có hơn 10 ngôi chùa, tăng chúng hơn 300 người, đều tu học theo phái Thuyết nhất thiết hữu, thuộc Tiểu thừa.

Về hướng đông nam nước này là đi vào Đại Tuyết sơn. Núi cao khe sâu, vách đứng hiểm trở, gió tuyết quanh năm, ngay cả mùa hạ cũng đóng thành băng, tuyết phủ đầy khe, đường trơn khó vượt. Thần núi và những loài yêu quái quỷ mị đe dọa kinh hồn, cướp bóc thành đoàn, hoành hành không kiêng sợ, xem việc giết người như chuyện mưu sinh.

Đi khoảng 195 km nữa thì ra khỏi địa giới vùng Đổ-hóa-la (Tukhara), đến nước Phạm-diễn-na.

33. Nước Phạm-diễn-na

Nước Phạm-diễn-na, chiều đông tây hơn 650 km, chiều nam bắc hơn 98 km, nằm bên trong phạm vi của Tuyết sơn. Người dân dựa theo khe núi, tùy thuận địa hình để lập thành làng mạc. Kinh thành xây dựng trên hai sườn núi, nằm vắt ngang qua khe suối, chiều dài khoảng 1.5-2 km, phía bắc dựa lưng vào sườn núi cao. Nơi đây trồng được lúa mạch dài ngày, có ít hoa quả, thích hợp việc chăn nuôi gia súc, đa phần là dê và ngựa.

Khí hậu rét lạnh, tánh khí người dân cứng rắn, hung bạo. Y phục thì dùng vải da thú, vải thô dày, cũng là để phù hợp với khí hậu. Về chữ viết, ngôn ngữ, phong tục, giáo hóa cho đến việc sử dụng tiền tệ đều giống như vùng Đổ-hóa-la. Tuy ngôn ngữ có đôi chút khác biệt nhưng cung cách ứng xử cũng như hình dung tướng mạo đại lược đều giống nhau. Về niềm tin [đối với Phật pháp] thì người dân nước này hơn hẳn các nước láng giềng. Trên từ Tam bảo, dưới cho đến các vị thần linh, người dân ở đây thảy đều thành tâm cung kính, hết lòng cúng dường lễ bái. Khách buôn từ nơi khác đến, thường có chuyện thiên thần hiện điềm lành hoặc báo điềm dữ, liền tùy theo đó mà có sự khấn nguyện, cầu phước đức.

Trong nước có khoảng mấy chục ngôi chùa, tăng chúng mấy ngàn người, đều tu học theo phái Thuyết xuất thế (Lokottaravada), thuộc Tiểu thừa. Phía đông bắc kinh thành, ven sườn núi có một tượng Phật đứng bằng đá cao khoảng 45-50 mét. Tượng sắc vàng sáng chói, trang sức bằng đá quý màu sắc rực rỡ. Phía đông có một ngôi chùa do đức vua đời trước xây dựng. Phía đông của chùa có tượng Phật Thích-ca đứng, đúc bằng hợp kim đồng, cao hơn 33 mét, phải chia ra đúc riêng từng phần thân Phật rồi ghép tất cả lại để thành tượng Phật đứng này.

Về phía đông kinh thành, cách khoảng 1 km, trong khuôn viên một ngôi chùa có tượng Phật nhập Niết-bàn, chiều dài hơn 330 mét. Đức vua mỗi lần tổ chức Đại hội Vô già thì từ vợ con đến trân châu, quốc bảo, quốc khố đều mang ra bố thí cho đến hết sạch, rồi vua bố thí cả thân mạng mình [cho chư tăng]. Sau đó, quần thần bá quan phải mang vàng bạc đến chỗ chư tăng để xin chuộc vua về. Đức vua làm những việc này như nhiệm vụ chính của mình.

Từ ngôi chùa có tượng Phật nằm, đi về hướng đông nam hơn 65 km, vượt qua Đại Tuyết sơn, rẽ sang hướng đông thì gặp một hồ nước nhỏ. Nước hồ trong vắt, mặt hồ phẳng lặng soi bóng như gương. Cây cối quanh vùng rậm rạp xanh tốt. Nơi đây có một ngôi chùa, trong chùa có xá-lợi răng Phật và răng của một vị Độc giác từ thời Kiếp sơ, độ dài khoảng 1.7 cm, bề ngang khoảng 1.2 cm. Lại có răng của một vị Kim Luân Vương, dài 1 cm, rộng 0.6 cm. Lại có bình bát bằng sắt của Đại A-la-hán Thương-nặc-ca Phược-sa đã dùng trước đây, chứa được khoảng 8 đến 9 thăng. Ba di vật này của các bậc hiền thánh đều được dùng vàng bao bọc chung quanh. Lại có tấm y cửu điều tăng-già-chi của ngài Thương-nặc-ca Phược-sa. Y có màu đỏ sậm, được dệt bằng loại cỏ thiết-nặc-ca.

Ngài Thương-nặc-ca Phược-sa là đệ tử của ngài A-nan. Trong một tiền thân xưa kia, ngài dùng y dệt bằng cỏ thiết-nặc-ca cúng dường hết thảy chúng tăng nhân ngày giải hạ an cư. Nhờ phước lực này mà trong 500 đời sau đó ngài luôn được mặc loại áo này, ngay cả trong thân trung ấm cũng như sinh ấm. Đến khi ngài thọ sinh thân cuối cùng, áo này cũng xuất hiện cùng lúc với bào thai. Rồi khi ngài lớn lên mỗi ngày thì áo tự động dài rộng ra cho vừa vặn với thân hình. Đến lúc gặp Tôn giả A-nan độ cho ngài xuất gia thì áo tự nhiên biến thành pháp phục, đến lúc thọ giới Cụ túc lại biến thành y cửu điều tăng-già-chi. Khi sắp tịch diệt, ngài nhập định Biên tế, phát khởi trí nguyện lực, muốn lưu lại áo cà-sa này cho đến khi giáo pháp của Phật Thích-ca diệt mất. Sau khi giáo pháp diệt rồi thì tấm y này mới hư hoại. Ngày nay, tấm y đã thấy có đôi chút hư tổn, nên có thể tin được rằng đây là điềm báo.

Từ nước này đi về hướng đông là vào vùng Tuyết sơn, vượt qua rặng Hắc Lĩnh thì đến nước Ca-tất-thí.

34. Nước Ca-tất-thí

Nước Ca-tất-thí chu vi hơn 1.290 km, phía bắc dựa lưng vào Đại Tuyết sơn, ba phía còn lại đều giáp với rặng Hắc Lĩnh. Chu vi kinh thành hơn 3.2 km. Nơi đây thích hợp trồng các loại ngũ cốc, lúa mạch, nhiều cây trái, gỗ rừng, sản xuất nhiều ngựa hay và uất kim hương. Các loại hàng hóa hiếm lạ phần nhiều đều quy tụ về nước này.

Khí hậu nơi đây rét lạnh, nhiều gió. Người dân tính tình hung bạo dữ dằn, nói năng thô tục, thấp hèn; quan hệ hôn nhân hỗn tạp, rối loạn.

Chữ viết về đại thể giống như ở vùng Đổ-hóa-la, nhưng phong tục, ngôn ngữ, giáo dục có nhiều khác biệt. Y phục dùng vải dệt từ bông vải cũng như vải gai và da thú. Về tiền tệ có tiền vàng, tiền bạc và tiền đồng nhỏ, quy cách, hình thức khác biệt với các nước khác.

Đức vua thuộc chủng tộc sát-đế-lợi, có trí tuệ, mưu lược, dũng mãnh, mạnh mẽ, uy thế nhiếp phục các nước lân cận, thống nhất được hơn 10 nước. Vua có lòng thương dân, kính trọng và tôn sùng Tam bảo, mỗi năm đều tạo một tượng Phật bằng bạc cao 6 mét, lại tổ chức Đại hội Vô già bố thí, chu cấp cho những người nghèo khổ hoặc những người sống neo đơn, góa bụa, cô độc.

Trong nước có hơn 100 ngôi chùa, tăng chúng hơn 6.000 vị, phần lớn đều tu tập theo Phật giáo Đại thừa. Chùa tháp được xây dựng cao to rộng lớn, trang nghiêm thanh tịnh. Có khoảng mấy chục đền thờ Phạm thiên, tu sĩ theo các đạo khác có hơn 1.000 người, hoặc theo đạo lõa thể, hoặc bôi trét bùn đất lên thân hình, hoặc xâu đầu lâu người chết làm thành vòng đội trên đầu...

Về phía đông kinh thành, cách khoảng 1-1.5 km, có ngôi chùa lớn nằm dưới mạn bắc của một ngọn núi, tăng chúng hơn 300 người, đều tu tập theo giáo pháp Tiểu thừa.

Đọc trong các ghi chép xưa thấy kể rằng, thuở xưa vua Ca-nị-sắc-ca (Kanishka) của nước Kiện-đà-la (Gandhara) có uy vũ khuất phục các nước lân cận, nhiếp hóa rộng khắp đến cả phương xa, quân binh trải rộng nhiều vùng, đến tận phía đông rặng Thông Lĩnh. [Có vị Phiên vương ở] Hà Tây, [Trung quốc] vì sợ oai nên phải gửi [Thái tử sang làm] con tin. Vua Ca-nị-sắc-ca nhận con tin, đặc biệt ban lệnh đối đãi thật chu đáo, tùy theo mùa nóng lạnh mà cho thay đổi chỗ ở. Mùa đông ở nơi các tiểu quốc tại Ấn Độ, mùa hạ trở về nước Ca-tất-thí, mùa xuân và mùa thu thì ở nước Kiện-đà-la.

[Vị Thái tử từ Trung quốc sang làm] con tin như vậy, mỗi năm tùy thời tiết mà được cư trú ở ba nơi. Tại mỗi nơi ông đều xúc tiến việc xây dựng chùa. Ngôi chùa này chính là được Thái tử xây khi đến đây ở vào mùa hạ. Cho nên, các bức tranh trên tường đều có vẽ hình [vị Thái tử làm] con tin, hình dung, tướng mạo, cách phục sức chính là người Trung quốc.

Về sau, Thái tử được cho về nước, tuy sông núi cách trở xa xôi nhưng lòng vẫn nhớ đến nơi ở cũ, nên tiếp tục việc cúng dường mãi không gián đoạn.

Do vậy nên ngày nay mỗi lần tăng chúng nơi đây làm lễ nhập an cư hoặc giải an cư, đều có tổ chức pháp hội lớn, vì vị Thái tử này mà dâng lời kỳ nguyện cầu phước lành. Điều này được tiếp nối không ngừng, mãi cho đến ngày nay.

Nơi cửa đông của điện thờ Phật trong chùa này, nhìn về hướng nam có tượng Đại Thần vương. Phía dưới chân phải của tượng có chôn một kho báu, chính là kho báu của [vị Thái tử làm] con tin. Cho nên nơi ấy có khắc dòng chữ rằng: “Khi chùa hư hoại thì dùng [kho báu này] để tu sửa.”

Hồi gần đây có vị vua nước lân cận, tham lam hung bạo, nghe nói chùa này có nhiều trân bảo, liền cho đuổi hết tăng chúng đi, rồi sắp sửa khai quật kho báu. Bỗng dưng ngay lúc ấy thì hình tượng chim anh vũ trên mão của Thần vương đập cánh kêu to, cả vùng đất nơi đây chấn động, nhà vua và quân lính đều ngã lăn ra đất, thân thể cứng đờ nằm yên bất động, một hồi lâu sau mới gượng dậy được, liền quỳ lạy sám hối tội lỗi rồi kéo nhau ra về.

Phía bắc chùa này, trên đỉnh núi cao có một số gian thạch thất, là nơi [Thái tử] con tin dùng để tu tập thiền định. Trong đó cũng có chứa nhiều trân bảo đủ loại, bên cạnh có khắc bài minh, do thần dược-xoa gìn giữ bảo vệ. Nếu có người muốn khai quật lấy đi bảo vật thì thần dược-xoa sẽ biến hình thành sư tử, hoặc thành mãng xà, thú dữ, độc trùng, hoặc các hình thù quái dị để khiến người kinh khiếp. Cho nên chẳng ai dám vào trộm cắp hay cướp lấy.

Về hướng tây của những động đá này, cách khoảng 1 km, trên đỉnh núi lớn có tượng Bồ Tát Quán Tự Tại. Nếu người nào chí thành phát nguyện mong được nhìn thấy, Bồ Tát sẽ từ nơi tượng này hiện ra sắc thân mầu nhiệm để an ủi người ấy.

Về hướng đông nam của kinh thành, cách hơn 10 km, có chùa Hạt-la-hổ-la, bên cạnh có ngọn tháp cao hơn 33 mét, thỉnh thoảng vào những ngày trai có khi phát tỏa ánh sáng rực rỡ. Nơi đỉnh tháp hình thể như chiếc bình bát úp bằng đá, có một khe hở, từ trong đó thường có làn khói màu đen bay ra, tỏa hương thơm. Vào những đêm khuya tĩnh mịch, thỉnh thoảng người ta nghe có tiếng nhạc từ bên trong tháp.

Xem trong các ghi chép xưa thấy kể rằng, tháp này do một vị đại thần của nước này là Hạt-la-hổ-la xây dựng. Khi vừa hoàn tất, đêm đó vị đại thần nằm mộng thấy có người bảo rằng: “Ngôi tháp ông xây dựng vẫn chưa có xá lợi. Ngày mai sẽ có người hiến xá-lợi, nên đến chỗ nhà vua để thỉnh về.”

Sáng hôm sau, quan đại thần ấy liền vào triều, tâu lên vua rằng: “Hạ thần ngu muội chẳng lượng sức mình, dám xin có lời thỉnh cầu.”

Vua hỏi: “Khanh muốn thỉnh cầu điều gì?”

Quan đại thần thưa: “Trong ngày hôm nay nếu có người hiến dâng vật phẩm, xin ban ân cho thần được nhận món đầu tiên.”

Đức vua nói: “Được, ta chấp nhận.”

Đại thần Hạt-la-hổ-la ra đứng ngoài cửa cung chờ đợi. Không bao lâu liền có một người mang bình xá-lợi vào. Đại thần liền hỏi: “Ông muốn dâng món gì?”

Người ấy đáp: “Xá-lợi Phật.”

Đại thần Hạt-la-hổ-la liền nói: “Để ta cầm giữ giúp ông. Ông nên vào tâu vua trước.”

Hạt-la-hổ-la sợ vua vì trân quý xá-lợi mà đổi ý, không giữ lời hứa đã ban cho, nên vội vã thỉnh xá-lợi ngay về chùa, leo lên tháp. Do tâm chí thành cảm ứng, chỗ bình bát úp bằng đá trên đỉnh tháp tự nhiên mở ra, ông liền vào an trí xá-lợi, xong vội vã ra ngay, miệng tháp đóng lại làm kẹt một vạt áo. Vua sai sứ đuổi theo, vừa đến nơi thì cửa đá đã khép kín lại. Do việc này nên mới có khe hở [chỗ vạt áo], từ đó có làn khói màu đen bay ra, tỏa hương thơm.

Về phía nam kinh thành, cách hơn 13 km có thành Tập-tế-đa-phạt-lạt-từ (Svetavatālaya). Thường những khi có động đất, hoặc băng lở đổ xuống từ sườn núi, thành này vẫn không bị ảnh hưởng gì.

Lại về phía nam thành Tập-tế-đa-phạt-lạt-từ, cách hơn 10 km là núi A-lộ-nhu. Núi cao chót vót, sườn khe thăm thẳm mịt mù. Đỉnh núi này mỗi năm lại cao thêm sáu, bảy chục mét, [nghe nói] khi nào cao bằng núi Lăng-na-yết-la của nước Tào-củ-trá thì sẽ tự sụp đổ.

Truyền thuyết địa phương kể rằng: “Thuở xưa thiên thần Sồ-na từ xa đến, muốn dừng ở núi này. Sơn thần tức giận, liền làm cho khe suối đều chấn động. Thiên thần nói: “Ngươi không muốn sống chung cùng ta nên làm chấn động như vậy. Nếu ngươi chỉ cần mở lòng một chút, lấy tình chủ khách mà đối đãi với ta thì sẽ có được rất nhiều trân bảo. Nay ta sẽ đến núi Lăng-na-yết-la của nước Tào-củ-trá, mỗi năm đến lúc ta nhận lễ vật hiến cúng từ quốc vương, đại thần, ngươi chỉ có thể đứng xa mà ngóng nhìn.” Cho nên, khi núi A-lộ-nhu cao lên đến mức nào đó rồi sẽ bị sụp đổ.

Về phía tây bắc kinh thành, cách hơn 65 km thì đến Đại Tuyết sơn, trên đỉnh núi có hồ nước. Người ta đến đây cầu mưa hay cầu nắng đều được thỏa nguyện.

Xem trong các ghi chép xưa thấy chép rằng: “Thuở xưa ở nước Kiện-đà-la có vị A-la-hán thường nhận sự cúng dường của long vương ở hồ này. Mỗi ngày, đến bữa ăn giữa ngày thường dùng thần thông ngồi trên giường bay trên hư không mà đến. Có sa-di làm thị giả cho vị A-la-hán, lẻn chui xuống bên dưới rồi bám chắc vào giường, đến giờ A-la-hán ngồi trên giường, bay đến cung long vương mới nhìn thấy sa-di. Long vương nhân đó thỉnh mời sa-di ở lại dùng cơm, liền dùng cam lồ cõi trời dâng cúng vị A-la-hán, lại đem các món ăn của nhân gian cúng dường sa-di. Vị A-la-hán thọ trai xong liền vì long vương thuyết giảng giáo pháp. Sa-di như thường lệ lo rửa bát của thầy. Trong bát có dư hạt cơm [cõi trời], sa-di biết được hương vị ấy thì lấy làm lạ lùng kinh hãi, khởi lên niệm ác, oán hận thầy và giận long vương [đã không cho mình được hưởng món ăn quý lạ này].

Sa-di ấy liền khấn nguyện cho tất cả phước lực của mình hiển hiện ngay bây giờ, khiến cho long vương mất mạng để tự mình thay thế làm long vương.

Khi sa-di khấn nguyện như vậy thì long vương bị đau đầu. Vị A-la-hán thuyết pháp khuyên dạy, long vương nghe lời dạy lễ tạ sám hối, tự trách lỗi mình. Nhưng sa-di vẫn ôm lòng sân hận, không chấp nhận lời sám hối của long vương. Do vậy, khi trở về chùa, sa-di liền hết lòng chú tâm khấn nguyện như cũ. Do phước lực [từ đời trước] nên khiến cho ngay trong đêm đó sa-di qua đời, lập tức tái sinh làm Đại long vương có oai lực mạnh mẽ, liền trở lại nơi hồ nước, sát hại vị long vương cũ và chiếm lấy long cung, dùng sức mạnh thống lĩnh tất cả thuộc hạ của long vương cũ.

Do lời khấn nguyện [đầy sân hận] trước đó, Đại long vương liền làm cho mưa to gió lớn, cây cối ngả nghiêng, có ý muốn phá nát chùa.

Lúc bấy giờ, vua Ca-nị-sắc-ca thấy chuyện lạ lùng liền thưa hỏi, vị A-la-hán kể rõ mọi sự việc. Vua biết chuyện rồi liền vì vị long vương cũ mà xây dựng một ngôi chùa nơi Tuyết sơn, đồng thời xây tháp cao hơn 33 mét. Đại long vương ôm mối hận cũ, lại làm cho nổi dậy mưa to gió lớn. Nhà vua dựng chùa, xây tháp hoàn toàn do khởi tâm hoằng truyền Phật pháp, tế độ chúng sinh, Đại long vương thì do tâm sân hận mà làm việc hung bạo, khiến cho việc xây dựng chùa tháp phải 6 lần sụp đổ, đến lần thứ bảy mới hoàn thành.

Vua Ca-nị-sắc-ca xấu hổ vì 6 lần thất bại, muốn lấp hồ để phá hủy nơi cư ngụ của Đại long vương, liền kéo quân đến dưới chân Tuyết sơn. Bấy giờ, Đại long vương hết sức kinh sợ, liền biến hình thành một ông già bà-la-môn, đến lạy trước đầu voi của vua mà can ngăn rằng: “Đại vương nhờ trồng sâu căn lành, làm việc tốt đẹp từ nhiều đời trước, cho nên nay mới được làm vua cõi người, ai ai cũng quy phục. Ngày nay vì sao lại muốn giao tranh với loài rồng? Loài rồng chẳng qua chỉ là thuộc loại súc sinh, là loài hung ác hèn kém, nhưng chúng có oai lực rất lớn, không thể dùng sức mạnh để cạnh tranh. Chúng có thể cưỡi mây đạp gió, bay trên không, lặn dưới nước, sức người không thể khống chế được. Đại vương vì sao phải nổi giận với một con rồng? Nay Đại vương huy động quân binh cả nước chỉ để đánh nhau với một con rồng, nếu thắng thì cũng chẳng thêm uy phong để nhiếp phục cõi xa, còn nếu bại thì phải ôm mối nhục thua trận. Nay tôi xin vì Đại vương hiến kế, tốt nhất là nên lui binh.”

Vua Ca-nị-sắc-ca không chịu nghe theo, rồng liền quay trở lại hồ, lập tức làm cho sấm sét nổi lên, cuồng phong nhổ gốc cây cối, cát bay đá chạy, mây kéo mịt mù, tối tăm trời đất, khiến cho quân binh hốt hoảng, ngựa chiến kinh hoàng.

Khi ấy đức vua liền chí thành hướng về Tam bảo thỉnh cầu sự gia hộ, khấn nguyện rằng: “Đời trước con đã tạo nhiều phước lành, nay mới được làm vua cõi người, nhiếp phục những kẻ địch mạnh mẽ, thống lĩnh châu Thiệm-bộ. Hôm nay nếu bị loài súc sinh là con rồng này khuất phục, hóa ra là phước báu còn mỏng manh. Xin nguyện cho hết thảy phước lành con đã tạo từ xưa được hiển hiện ngay bây giờ.”

Ngay lúc ấy, từ hai bên vai của đức vua liền bốc cháy lên hai ngọn lửa lớn. Rồng lập tức phải thối lui, gió yên mưa tạnh, mây tan trời sáng. Vua ra lệnh cho quân lính cùng khiêng một hòn đá lớn, dự định lăn xuống lấp hồ.

Đại Long vương biến hình trở lại thành người bà-la-môn, thưa với đức vua rằng: “Tôi chính là long vương ở dưới ao này, nay đã sợ oai vua xin quy phục. Xin đại vương thương xót tha cho tội lỗi trước đây. Đại vương là người nuôi dưỡng, che chở hết thảy sinh linh, lẽ nào chỉ riêng với tôi lại ra tay giết hại? Nếu đại vương giết tôi, tôi với đại vương sẽ cùng phải đọa vào đường ác. Bởi vì đại vương sẽ mang tội giết hại, còn tôi thì ôm lòng oán hận, nghiệp báo rõ ràng, thiện ác đều sáng tỏ như thế.”

Đức vua liền yêu cầu rồng phải lập một bản cam kết rõ ràng, nếu sau này tái phạm sẽ xử tội không tha. Rồng thưa rằng: “Tôi vì tạo nghiệp ác nên mới sinh làm thân rồng. Tánh rồng hung ác, không thể tự kiềm chế được. Một khi tâm sân hận khởi lên thì không cách gì chế ngự được. Nay đại vương làm chùa, tôi không dám phá nữa. Nhưng xin cho một người canh phòng trên đỉnh núi sau chùa, nếu thấy mây đen nổi lên thì lập tức đánh chuông lớn. Tôi nghe âm thanh đó sẽ dứt tâm xấu ác.”

Đức vua ấy liền tiếp tục tu sửa chùa tháp, sai người trông chừng mây đen sau núi, cho đến ngày nay vẫn còn duy trì.

Xem trong các ghi chép xưa thấy nói rằng: “Trong tháp có xá-lợi từ xương thịt của Như Lai, khoảng hơn một thăng. Những sự thần kỳ biến hóa [của xá-lợi ấy] nhiều vô cùng, khó nói hết được. Có lần, trong tháp bỗng dưng có khói bốc lên, rồi không bao lâu lại có ngọn lửa lớn, người thời ấy đều cho rằng tháp kia hẳn là sẽ bị thiêu rụi. Nhưng tiếp tục quan sát không bao lâu thì tự nhiên lửa tắt, khói tan, liền thấy xá-lợi như lá phướn ngọc trắng xoắn thành hình trụ bay lên, cao đến chạm tầng mây rồi xoay vòng hạ xuống trở vào trong tháp.

Phía tây bắc kinh thành, trên bờ phía nam của sông lớn, có chùa Cựu Vương, trong chùa có xá-lợi răng sữa của đức Thích-ca lúc tuổi nhỏ thay răng, dài khoảng 0.35 cm. Phía đông nam chùa này lại có một chùa khác cũng tên là Cựu Vương. Trong chùa có xá-lợi một mảnh xương đỉnh đầu của Như Lai, rộng khoảng 3.5 cm, có màu trắng vàng, nhìn thấy rõ cả lỗ chân tóc. Lại có xá-lợi tóc của Như Lai, màu xanh biếc ửng hồng, hình xoắn xoay về bên phải, kéo dài ra khoảng 33 cm, cuộn lại khoảng 1.7 cm.

Vào 6 ngày trai trong tháng, đức vua và các đại thần đều đến dâng hoa cúng dường ba thánh vật này.

Phía tây nam của ngôi chùa có xá-lợi xương đỉnh đầu Phật, lại có chùa Cựu Vương Phi, trong đó có tháp bằng đồng vàng cao hơn 33 mét.

Truyền thuyết kể rằng, trong tháp này có xá-lợi Phật, khoảng hơn một thăng, vào đêm rằm mỗi tháng đều phát ra vầng ánh sáng tròn, chói sáng ra bên ngoài, hòa cùng ánh trăng cho đến lúc rạng đông mới dần dần thu lại rồi nhập vào trong tháp.

Phía tây nam kinh thành có núi Tỷ-la-sa-lạc, có nghĩa là “tượng kiên” (con voi kiên cố). Nơi đây có lần sơn thần hiện hình thành một con voi to lớn, nên gọi tên núi là “tượng kiên”.

Ngày xưa, khi Phật còn tại thế, sơn thần Tượng Kiên từng có lần phụng thỉnh đức Phật cùng 1.200 vị Đại A-la-hán đến đây. Trên đỉnh núi có tảng đá lớn bằng phẳng, là nơi đức Như Lai ngồi nhận sự cúng dường của thần. Về sau, vua Vô Ưu xây tháp ngay trên tảng đá này, cao hơn 33 mét, ngày nay gọi là tháp Tượng Kiên. Cũng nghe nói rằng trong tháp có xá-lợi Như Lai, ước khoảng hơn một thăng.

Về phía bắc tháp Tượng Kiên, dưới sườn núi có suối Long tuyền, chính là nơi đức Như Lai và các vị A-la-hán sau khi thọ trai xong súc miệng, tước cành dương xỉa răng, nhân tiện cắm xuống, nay mọc lên thành rừng cây um tùm. Người đời sau xây dựng một ngôi chùa ở đó, gọi tên là Bệ-đạt-khư, có nghĩa là “tước dương chi”.

Từ nơi đây đi về hướng đông khoảng 195 km, núi đồi khe suối liên tục nối nhau, núi cao chót vót hiểm trở, sau khi vượt qua ngọn Hắc Lĩnh thì vào địa giới Ấn Độ, đến nước Lam-ba thuộc miền Bắc Ấn.




Hình minh họa: Đồ họa thể hiện hành trình qua 34 nước trong Quyển 1 - Tây Vực Ký





    « Xem chương trước «      « Sách này có 15 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 13.58.224.40 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (38 lượt xem) - Hoa Kỳ (4 lượt xem) - ... ...