Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Hãy thận trọng với những hiểu biết sai lầm. Điều đó còn nguy hiểm hơn cả sự không biết. (Beware of false knowledge; it is more dangerous than ignorance.)George Bernard Shaw
Nếu muốn có những điều chưa từng có, bạn phải làm những việc chưa từng làm.Sưu tầm
Hào phóng đúng nghĩa với tương lai chính là cống hiến tất cả cho hiện tại. (Real generosity toward the future lies in giving all to the present.)Albert Camus
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Bằng bạo lực, bạn có thể giải quyết được một vấn đề, nhưng đồng thời bạn đang gieo các hạt giống bạo lực khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra. (It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH Y HỌC THƯỜNG THỨC »» Viêm gan - Biết để sống tốt hơn »» CHƯƠNG VII: CHAI GAN »»

Viêm gan - Biết để sống tốt hơn
»» CHƯƠNG VII: CHAI GAN

Donate

(Lượt xem: 11.687)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Viêm gan - Biết để sống tốt hơn - CHƯƠNG VII: CHAI GAN

Font chữ:

I. Một vài khái niệm cơ bản

Khi bị viêm mạn tính kéo dài vì bất cứ một lý do nào, lá gan của chúng ta sẽ dần dần bị xơ hóa theo thời gian.

Nhiều nguyên nhân khác nhau có thể làm cho các tế bào gan bị viêm hoặc tổn thương. Nếu không được điều trị ngay hoặc ngăn chặn những nguyên nhân gây tổn hại đến tế bào gan, gan sẽ dần dần bị xơ (liver fibrosis). Xơ gan là bước đầu tiên để tiến dần đến chai gan (cirrhosis).

Nghiện rượu có thể là một trong những nguyên nhân chính gây ra xơ gan và chai gan. Ngoài ra, như trong trường hợp của đa số các nước châu Phi và châu Á, siêu vi viêm gan B và siêu vi viêm gan C cũng là những nguyên nhân hàng đầu gây ra xơ gan và chai gan.

Xơ gan (liver fibrosis) là một tên gọi để chỉ tình trạng của gan khi mà cơ cấu bình thường bắt đầu bị thay đổi bởi những tế bào xơ chạy ngang dọc, xen kẽ giữa những tế bào gan. Nếu được chữa trị sớm trong giai đoạn này, gan có thể sẽ được bình phục hoàn toàn.

Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng xơ gan kéo dài lâu năm sẽ làm chai gan (cirrhosis). Tình trạng của lá gan vào giai đoạn này là đã phải “bó tay” không còn có thể điều trị được nữa. Vì thế, nó sẽ mặc nhiên tiến triển theo thời gian và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác nhau.

Vì không thể điều trị cho gan được nữa, nên giải pháp duy nhất để thay đổi tình huống là ghép gan cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, cho dù không thể điều trị được thì cũng vẫn còn có một số thuốc men, biện pháp có thể dùng đến để giúp bệnh nhân bị chai gan tiếp tục sống một cách tốt đẹp hơn.

1. Viêm gan cấp tính (acute inflammation)

Đây là trường hợp lá gan đột nhiên bị thương tổn nặng nề do một tác nhân nào đó. Khi bị viêm gan cấp tính, các tế bào gan sẽ bị sưng lớn lên hơn mức bình thường. Điều này làm giãn lớp màng bọc Gibson quanh lá gan, khiến cho bệnh nhân có thể sẽ bị đau âm ỉ hoặc thấy hơi tức ở vùng bụng trên, bên phải – vị trí của lá gan. Có lẽ đây là thời điểm duy nhất mà bệnh nhân có thể có những cảm giác đau đớn, khó chịu. Nhưng những cảm giác này đôi khi lại có thể rất nhẹ, nên đa số bệnh nhân dù đã bị viêm gan rất nặng mà vẫn không hề hay biết.

Sau khi gan bị viêm, một số tế bào gan không cần được điều trị cũng có thể tự nhiên trở lại “bình thường”, như trong đa số các trường hợp của bệnh viêm gan do siêu vi gây ra.

Tuy nhiên trong một số trường hợp kém may mắn, lá gan sẽ tiếp tục bị tàn phá. Một số tế bào gan chết dần, để lại những tế bào sẹo. Lá gan dần dần teo nhỏ lại. Màng bọc Gibson không còn bị kéo giãn ra nữa, nên bệnh nhân không còn cảm thấy đau đớn. Điều nguy hiểm là, tuy không có một triệu chứng gì cả nhưng bệnh đã chuyển dần sang một giai đoạn nguy hiểm hơn. Đó là xơ gan.

2. Xơ gan

Đây là kết quả của việc lá gan bị viêm kéo dài qua nhiều năm. Trong một số ít trường hợp, bệnh có thể tiến triển một cách nhanh chóng, nhưng thông thường thì quá trình diễn tiến từ viêm gan đến xơ gan, rồi qua chai gan sẽ cần một thời gian từ nhiều tháng đến nhiều năm. Thời gian trung bình thường quan sát thấy là khoảng 20 năm. Tốc độ phát triển của bệnh phụ thuộc vào tình trạng tổn thương của lá gan, sức tàn phá của bệnh và phản ứng của cơ thể khi gan bị kích thích liên tục và lâu dài.

Khi bị tấn công liên tục bởi siêu vi, cơ thể sẽ tìm cách “cô lập hóa” những vùng tổn thương bằng những mô xơ (fibrotic tissue). Những mô xơ này được dùng như những bức bình phong bao bọc quanh các tế bào gan đang bị viêm. Vì thế, cấu trúc của gan sẽ dần dần bị thay đổi, với những mô xơ lan rộng khắp nơi, chạy ngang dọc, xen kẽ lẫn nhau chia những tế bào gan còn lại thành những nốt (nodule) nhỏ.

Tùy theo vị trí và mối liên quan giữa những mô xơ này với cấu trúc của lá gan, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng biểu hiện khác nhau.

Nếu ống dẫn mật bị tắt nghẽn hoặc thắt chặt lại bởi những mô xơ, bệnh nhân sẽ bị vàng da.

Nếu những mô xơ phát triển quanh tĩnh mạch gan, các mạch máu này sẽ bị siết lại từ từ, gây ra tăng áp suất tĩnh mạch cửa (portal hypertension). Đây là một hậu quả vô cùng tai hại, sẽ gây ra hàng loạt những biến chứng dây chuyền như lớn lá lách (splenomegaly), giãn các tĩnh mạch thực quản (esophageal varicose), tích tụ dịch trong xoang phúc mạc ... Khi bị cổ trướng (ascites) bệnh có thể trở thành nguy hiểm hơn.

Trong giai đoạn gan mới bắt đầu bị xơ, bệnh vẫn còn có thể chữa trị được. Khi được phát hiện và điều trị đúng phương pháp, kịp thời, những mô xơ này có thể sẽ mất dần, và các triệu chứng kể trên cũng sẽ không còn nữa. Nếu không được điều trị một cách thích đáng, bệnh sẽ chuyển sang một giai đoạn mới nguy hiểm hơn, đó là chai gan.

Điều cực kỳ nguy hiểm là đa số các bệnh nhân bị xơ gan thường không có bất cứ một triệu chứng nào rõ rệt, trong khi bệnh vẫn mỗi ngày một nặng thêm. Ngay cả các biện pháp thăm khám thông thường đôi khi cũng không phát hiện được gì. Thời gian càng trôi đi, cơ hội để có thể điều trị dứt bệnh sẽ mất dần đi. Vì thế, việc phát hiện bệnh sớm qua thăm khám và xét nghiệm máu định kỳ có tầm quan trọng tuyệt đối trong việc phòng ngừa và điều trị xơ gan. Tất cả những đối tượng nghi là có nguy cơ bị xơ gan nhất thiết đều phải được theo dõi thích đáng để phát hiện kịp thời ngay mọi diễn tiến của bệnh.


II. Chai gan

1. Các triệu chứng

Chai gan (liver fibrosis) có thể được xem là kết quả cuối cùng khi phản ứng của gan đối với các tổn thương kéo dài hoàn toàn không còn mang lại hiệu quả nào. Cơ thể đã bó tay trước căn bệnh, và y học hiện nay cũng bó tay khi bệnh đã chuyển biến đến giai đoạn này. Người ta gọi đây là một tiến trình không thể hồi phục được nữa (irreversible process), hay nói nôm na là “hết thuốc chữa”.

Khi chuyển sang giai đoạn chai gan, các mô xơ trở nên chằng chịt hơn, biến những mô liên kết (connective tissue) thành những vết sẹo lớn chạy ngang dọc, chia lá gan thành những nốt nhỏ (nodule). Những nốt nhỏ “lẻ loi” này là tập hợp của các tế bào gan còn sống sót hoặc mới được tái sinh.

Một khi gan đã bị chai, bệnh sẽ bước vào giai đoạn “bất khả phục hồi”, tiếp tục tăng trưởng một cách liên tục và không ngừng. Và điều tất nhiên là bệnh mỗi ngày một nặng hơn, gan mỗi ngày một chai nhiều hơn.

Tuy nhiên, ngay cả trong giai đoạn “hết thuốc chữa” này, các tế bào gan vẫn tiếp tục “anh dũng chiến đấu”, tìm cách tự hồi phục bằng phương thức tái sinh và tăng trưởng những tế bào còn sót lại, tái tạo những mạch máu mới (revascula¬rization). Nhưng tiếc thay, những nỗ lực này cũng chỉ giúp bệnh nhân sống thêm một thời gian ngắn ngủi, trừ khi có thể được ghép gan (liver transplant) thành công.

Tùy theo vị trí của các mô xơ và mô sẹo, chai gan sẽ đưa đến những hậu quả và biến chứng khác nhau. Mỗi một hậu quả sẽ đưa đến một số biến chứng khác sau.

Điều đáng chú ý là, ngay cả trong trường hợp gan đã bị chai rất nặng, nhiều bệnh nhân vẫn tiếp tục sống một cách khỏe mạnh và không hề có bất cứ một triệu chứng nào đáng kể. Thậm chí khi thử máu tổng quát định kỳ, men gan ALT vẫn có thể hoàn toàn bình thường. Vì thế, điều bất ngờ gây kinh ngạc có thể sẽ xảy ra cho cả bác sĩ lẫn bệnh nhân, khi bệnh bỗng nhiên bộc phát một cách bất thình lình. Đây cũng là lý do thường xuyên khiến cho một số bác sĩ không thể phát hiện và dự báo được tiến triển của bệnh.

Những triệu chứng thông thường nhất của chai gan, nếu có, thường rất mơ hồ với những cơn mệt mỏi không có nguyên nhân rõ rệt. Bệnh nhân có thể cảm thấy bần thần, khó chịu, không có sự ham muốn làm bất cứ việc gì. Người trở nên yếu đuối, biếng ăn, giảm trọng lượng cơ thể... Tay chân có thể mất cảm giác; lưỡi bị nóng rát. Bụng có thể đau ran ở chấn thủy hoặc phần bụng trên bên phải – vị trí của lá gan.

Ở một số bệnh nhân, da bắt đầu mất đi vẻ hồng hào, mặt có thể bị sạm đen. Nhiều mạch máu li ti như những mạng nhện (spider angiomata) xuất hiện trên khắp cơ thể, nhất là trước ngực và sau lưng. Khi nước bắt đầu ứ đọng lại trong cơ thể, bệnh trở nên nguy ngập hơn. Bệnh nhân có thể tử vong một cách nhanh chóng và dễ dàng.

2. Hậu quả

Như đã nói từ đầu, gan đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của chúng ta. Vì thế, chai gan sẽ gây tổn thương cho nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể. Các hậu quả dây chuyền thường gặp nhất do chai gan gây ra cho các cơ quan và hệ thống khác của cơ thể có thể kể ra như sau:

– Hệ tiêu hóa

 Xuất huyết đường ruột dẫn đến đi cầu phân đen, ói ra máu.

 Lở loét bao tử, ruột non và ruột già.

 Đau bụng, ăn kém ngon, buồn nôn, ói mửa... Thức ăn không được hấp thụ và tiêu hóa một cách dễ dàng, dẫn đến thiếu dinh dưỡng, giảm trọng lượng cơ thể rất nhanh.

 Cổ trướng (ascites)

– Hệ thần kinh

 Gan thanh lọc và loại trừ các chất độc, chất cặn bã, khi gan bị chai chất độc không bị đào thải mà tan dần vào trong máu. Tế bào não do đó bị tê liệt, gây ra những triệu chứng như bần thần, buồn phiền, chán nản, mất ngủ, mau quên, không tập trung tư tưởng được, dễ cáu gắt, thay đổi tính tình...

 Mất khả năng định hướng, mất tự chủ, nói năng lảm nhảm, khó hiểu, chân tay run lẩy bẩy... Khi nặng hơn, bệnh nhân trở nên lừ đừ, buồn ngủ, loạn trí, rồi bất tỉnh và chết (hepatic encepha¬lopathy).

– Máu

 Máu trở nên loãng, chậm đông đặc, làm cho bệnh nhân dễ xuất huyết bao tử hơn.

– Lá lách

 Sưng lớn, dễ vỡ.

– Thận

 Thận giữ muối và nước nhiều hơn bình thường nên người bị sưng phù. Nước ứ đọng khắp nơi trong cơ thể.

 Thận mỗi ngày một yếu. Khi thận hoàn toàn bị hư, bệnh nhân buộc phải được lọc thận. Trường hợp này gọi là hội chứng gan-thận (hepatorenal synd¬rome).

– Nội tiết

 Giảm năng tuyến sinh dục (hypo¬gonadism). Chất steroid giảm dần gây ra chứng loãng xương (osteoporosis), chứng hiếm muộn. Bệnh nhân nam trở nên bất lực – mất khả năng hoạt động tình dục, chân tay yếu đuối, bắp thịt teo nhỏ lại, vú nở lớn như phụ nữ (gynecomastia). Bệnh nhân nữ thì kinh nguyệt trở nên thất thường.

 Rối loạn chức năng tuyến giáp (thyroid). Gan là cơ quan chính trong việc chuyển hóa các kích thích tố (hormone) của tuyến giáp, vì thế bệnh nhân chai gan có thể sẽ bị giảm năng tuyến giáp (hypo¬thyroidism) hoặc tăng năng tuyến giáp (hyperthyroidism). Vì thế bệnh nhân có thể bắt đầu bằng triệu chứng của bệnh tuyến giáp làm việc thái quá rồi từ từ chuyển sang triệu chứng của người với tuyến giáp không hoạt động đúng cách, và ngược lại.

 Tụy tạng (pancreas): 60% bệnh nhân chai gan sẽ không dung nạp được chất đường (glucose intolerance) và hơn 20% sẽ bị tiểu đường (diabetes). Vì thế, một khi gan bị chai thì bệnh tiểu đường của người viêm gan trở nên nặng hơn.

– Phổi

 Hơi thở có mùi ngọt lờ lợ như trái cây, đôi khi giống như mùi rượu lên men.

 Nước có thể ứ đọng trong xoang phế mạc (pleural effusion) gây ra ngộp thở. Hơn nữa, các mạch máu trong phổi cũng có thể bị thay đổi làm sự trao đổi dưỡng khí trở nên khó khăn. Bệnh nhân bị khó thở. Áp suất máu trong phổi tăng dần đưa đến lớn tim.



° ° °



Thông thường, bệnh nhân cũng có thể bị chảy rất nhiều máu qua các tĩnh mạch trướng thực quản (esophageal varices) bị vỡ. Để cầm máu, người ta luồn một kim nhỏ qua ống soi bao tử rồi tiêm thuốc vào các tĩnh mạch trướng của thực quản. Phương thức cầm máu này, danh từ y khoa gọi là endoscopic sclerotherapy.

Thay vì tiêm thuốc, người ta cũng có thể dùng một dụng cụ đặc biệt gắn lên trên ống soi bao tử để cột những tĩnh mạch trướng này mà không cần mổ xẻ, gọi là endoscopic banding ligation.

Trong những trường hợp mất máu quá nhiều, người ta có thể dùng cả hai phương pháp chích thuốc và cột bằng dây. Để kết quả cầm máu được khả quan và duy trì hiệu quả lâu dài hơn, người ta thường phải soi bao tử và tiêm thuốc hoặc cột dây vào những tĩnh mạch trướng của thực quản từ 6 đến 7 lần nữa trong vòng nhiều tuần lễ kế tiếp.

Trên lý thuyết cả hai phương pháp này đều hiệu quả ngang nhau, nhưng nếu dùng chung với nhau, kết quả cầm máu có thể được khả quan hơn. Sau khi tiêm khoảng 8 phân khối (cc) chất ethanolamine, các tĩnh mạch thực quản sẽ không còn bị chảy máu nữa.

3. Xác định và điều trị

Cho tới nay, để xác định tình trạng chai gan thì phương pháp sinh thiết gan vẫn là phương pháp chính xác và duy nhất. Trong phương pháp này, người ta lấy một số tế bào gan của bệnh nhân và khảo sát dưới kính hiển vi điện tử.

Tuy nhiên, trong số các triệu chứng lâm sàng thì sự hiện diện của tĩnh mạch trướng có thể được xem là một dấu hiệu quan trọng cho thấy gan đã bị chai.

Người ta cho rằng khi gan bị chai, những triệu chứng thường bị gây ra bởi 2 lý do chính:

1. Áp suất tĩnh mạch cửa quá cao.

2. Tế bào gan đã bị tổn thương quá nặng, không còn hoạt động một cách đắc lực.

Với cách nhận định này, phương thức chữa trị chai gan đã có nhiều thay đổi trong những năm gần đây.

– Tăng áp suất tĩnh mạch cửa (portal hypertension)

Đây là biến chứng thường gặp và cũng là nguy hiểm nhất của bệnh viêm gan mạn tính. Sau khi dinh dưỡng từ thức ăn trong ruột non và ruột già được hấp thụ, chúng sẽ đi thẳng vào gan qua tĩnh mạch cửa (portal vein) của gan. Sau khi được tế bào gan chế biến thành nhiều chất khác nhau, chúng sẽ theo những tĩnh mạch lớn để quay trở về tim, và từ đó được phân phối cho toàn cơ thể.

Tĩnh mạch cửa này cũng nhận máu từ nhiều cơ quan khác trong hệ thống tiêu hóa như tụy tạng (pancreas), bao tử (stomach), thực quản (esophagus) màng treo ruột (mesenterium), ruột non (small intestinne), ruột già (colon), hậu môn (anus) và lá lách (spleen).

Vì thế, khi tĩnh mạch cửa này bị bế tắc, nhiều biến chứng sẽ xẩy ra. Một vài thí dụ điển hình là xuất huyết từ các tĩnh mạch trướng, nước ứ đọng lại trong bụng (cổ trướng), sưng lá lách...

° Tĩnh mạch trướng (varices)

Khi bị viêm lâu năm, các mạch máu của gan bị những mô xơ ép chặt lại. Sự lưu thông của máu qua những tĩnh mạch này trở nên ngày một khó khăn hơn. Áp suất tĩnh mạch cửa dần dần tăng cao. Vì thế, máu sẽ bị ứ đọng lại ở nhiều cơ quan khác nhau.

Lúc bấy giờ cơ thể sẽ tìm cách chuyên chở máu về tim qua những con “đường vòng” khác. Những đường vòng này là những mạch máu đã được tạo hình trong thời kỳ phôi thai (embryonic channels), khi hệ thống tiêu hóa của thai nhi chưa tích cực hoạt động. Vì những mạch máu “phụ” này có bán kính nhỏ hơn tĩnh mạch cửa rất nhiều, nên chẳng bao lâu chúng sẽ “quá tải” với số lượng máu quá nhiều. Có lẽ đây là hậu quả nguy hiểm nhất khi áp suất tĩnh mạch cửa bị tăng quá cao.

Khi phải chuyên chở một số lượng máu quá nhiều từ bụng về tim, những mạch máu nhỏ vừa nói trên sẽ giãn to ra và dễ vỡ. Chúng được gọi là những mạch trướng (varices). Quan trọng nhất là mạch trướng thực quản (esophageal varices), mạch trướng bao tử (gastric varices) và mạch trướng hậu môn (rectal varices). Người ta ước đoán rằng mỗi năm có khoảng 5 đến 8% bệnh nhân bị chai gan sẽ bị tĩnh mạch trướng thực quản. Như những “quả bom nổ chậm”, những mạch trướng này có thể vỡ tung và chảy máu bất cứ lúc nào.

Hơn nữa, vì sự tuần hoàn nuôi dưỡng hệ thống tiêu hóa bị ứ đọng và tắt nghẽn, màng bao tử và ruột già có thể bị viêm đỏ, loét lở và chảy máu. Vì vậy, không sớm thì muộn bệnh nhân chai gan cũng sẽ bị xuất huyết bao tử. Họ có thể đang sống một cách rất bình thường bỗng dưng cảm thấy khó chịu, bụng đau tức rồi ói ra máu hoặc đi cầu phân đen như mực. Trong những trường hợp này, bệnh nhân cần phải được đưa vào bệnh viện ngay lập tức.

° Cổ trướng (ascites)

Đây là một trong những biến chứng thường xuyên nhất của chai gan. Hay nói cách khác, chai gan cũng là nguyên nhân số một đưa đến cổ trướng. Trong trường hợp này một số dung dịch bị ứ đọng và tích tụ trong xoang phúc mạc, làm bụng trở nên căng phồng. Khoảng hơn 30% bệnh nhân chai gan, nhất là chai gan do viêm gan siêu vi C, sẽ bị cổ trướng trong vòng 10 năm.

Ban đầu bệnh nhân có cảm tưởng như mình đang thay đổi, “phát tướng”, với bụng “mập” hơn một chút. Sau đó quần áo mỗi ngày một chật hơn. Rồi bụng có thể lớn rất nhanh và rất lớn như người đang mang thai. Nước cũng có thể ứ đọng ở hai chân. Song song theo đó, bệnh nhân còn cảm thấy ngày một mệt mỏi hơn, trở nên lười nhác, không muốn hoạt động, ngay cả với những hoạt động thiết yếu như ăn, uống... Lâu ngày sẽ giảm trọng lượng cơ thể, trở nên thiếu dinh dưỡng một cách trầm trọng. Khi bụng bị quá căng, bệnh nhân cảm thấy nặng nề, đau đớn, khó thở...

Với số nước ứ đọng trong xoang phúc mạc, ruột non bị nổi “bồng bềnh” trong một điều kiện “di chuyển tự do”, nên có thể dẫn đến sa ruột (hernia), hoặc nguy hiểm hơn là bị tắt ruột (hernial incarceration). Khi ruột bị nghẽn, bụng bỗng dưng đau khủng khiếp, và nếu không được can thiệp kịp thời, phần ruột bị xoắn có thể sẽ bị thối và làm độc. Bệnh nhân có thể tử vong một cách dễ dàng.

Một trong những biến chứng khác khi nước bị ứ đọng trong bụng là nhiễm trùng phúc mạc (bac-terial peritonitis). Đây cũng là một biến chứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện kịp thời. Vì thế sự hiện diện của chứng cổ trướng nơi bệnh nhân đang bị xuất huyết bao tử là một dấu hiệu không tốt. Nhiễm trùng phúc mạc thường gây tổn thương lan qua những hệ thống khác như thận, phổi, tim ...

Rút nước từ bụng của bệnh nhân cổ trướng (paracentesis) là một phương thức điều trị đã được sử dụng từ đầu thế kỷ thứ 18. Trong phương pháp này, một ống cao su nhỏ sẽ được đưa thẳng vào bụng để rút nước ra. Cách thức thực hiện rất đơn giản với một ít thuốc tê để tiêm vào da và một vài ống chích đặc biệt để hút nước. Để giảm thiểu những biến chứng hiếm hoi như chảy máu và thủng ruột, vị trí hút nước thường được ấn định trước bằng máy siêu ân (ultrasound).

Thông thường sau khi rút nước ra, bệnh nhân cảm thấy rất dễ chịu và có thể thở lại một cách dễ dàng. Bụng không còn đau tức nữa. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có tính cách tạm thời mà thôi. Ngay sau đó bụng sẽ sưng trướng trở lại một cách nhanh chóng. Vì thế, người bị chai gan nên tránh ăn quá nhiều muối và uống quá nhiều nước.

Ngoài xuất huyết từ những mạch trướng và những biến chứng gây ra từ cổ trướng, bệnh nhân chai gan có thể bị “hành hạ” bởi những hậu quả khi tế bào gan bị hủy hoại làm cho khả năng hoạt động của gan hoàn toàn bị tê liệt.

– Tế bào gan bị hủy hoại

Khi thực hiện việc sinh thiết gan (liver biopsy), người ta có thể nhận diện được sự tiến triển của bệnh viêm gan một cách trực tiếp và rõ ràng. Như chúng ta đã biết, khi gan bị viêm mạn tính, một số tế bào gan sẽ bị hủy hoại dần dần. Những tế bào còn lại họp thành từng nhóm, nằm xen kẽ giữa những mô xẹo chạy ngang dọc. Dần dần, các nhóm tế bào này cũng “chết dần”, nên khả năng hoạt động của gan sẽ ngày một kém đi.

Khả năng chế biến các chất quan trọng trong máu và chất đạm giảm dần. Thậm chí nước cũng ứ đọng khắp nơi trong cơ thể. Bệnh nhân dễ bị cảm cúm và các chứng bệnh khác vì cơ thể giảm sức đề kháng. Do thiếu chất mật (bile), sự tiêu hóa, hấp thụ thức ăn, nhất là các chất dầu mỡ, cũng trở nên khó khăn hơn. Vì thế người bệnh thường cảm thấy rất mệt mỏi, khó chịu sau mỗi bữa ăn và dần dần trở nên biếng ăn. Ban đầu, người bệnh có thể chỉ tránh những thực phẩm nhiều dầu mỡ, nhưng lâu dần sẽ có cảm giác “sợ sệt” trước mỗi bữa ăn.

Người chai gan nhất thiết sẽ bị thiếu dinh dưỡng một cách trầm trọng. Điều này là do nơi cơ thể không còn khả năng hấp thụ dinh dưỡng. Các loại sinh tố (vitamin) tan trong mỡ như sinh tố A, sinh tố D, sinh tố E, sinh tố K... đều bị thiếu hụt lâu dài. Đặc biệt, khi thiếu sinh tố K, máu trở nên loãng hơn, và độ đông máu thấp nên bệnh nhân dễ bị chảy máu hơn.

Vì gan là cơ quan chính để giải độc cho cơ thể, nên khi gan suy yếu, độc tố sẽ tồn tại trong máu và gây tổn hại cho tất cả các tế bào, nhất là các tế bào não. Người bệnh trở nên kém minh mẫn, trí nhớ giảm dần. Cơ thể và hơi thở trở nên nặng mùi. Chất mật vàng (bilirubin) tăng dần nên da và mắt trở nên vàng, mặt sạm đen... Một cách tổng quát, bệnh nhân cứ mỗi ngày một yếu đi.


4. Kết luận

Chai gan là giai đoạn cuối cùng khi gan đã bị viêm quá lâu năm. Người bị chai gan trong những giai đoạn đầu tiên thường không có một triệu chứng nào đáng kể. Nhưng một khi bộc phát, bệnh trở nên trầm trọng một cách nhanh chóng, và làm suy sụp hầu như tất cả những cơ quan, hệ thống khác trong cơ thể. Tuy một số thuốc men có thể dùng trong việc chữa trị cho người bệnh chai gan, nhưng bệnh nhân chắc chắn sẽ đi dần đến cái chết một cách tương đối nhanh chóng nếu như không được ghép gan (liver transplantation).

Tuy nhiên, ghép gan là một phương pháp rất tốn kém và không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được. Người cho gan thì ít, người nhận gan thì nhiều, nên không phải ai cũng có may mắn được nhận gan của người khác cho một cách kịp thời. Vì thế, đa số bệnh nhân dù có đủ điều kiện để xin được ghép gan cũng vẫn phải chờ đợi khá lâu. Và thời gian chờ đợi này đôi khi làm cho việc thực hiện ghép gan trở nên quá muộn.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 10 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Giải thích Kinh Địa Tạng


Đường Không Biên Giới


Phật Giáo Yếu Lược


Báo đáp công ơn cha mẹ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.21.93.108 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...