Sáng ngày đầu năm dương lịch, chúng tôi thức đậy sớm, tinh thần khoan khoái, dễ chịu. Mỗi người trong chúng tôi đều có cảm giác một sự gì sẽ đến, làm cho chúng tôi nghĩ rằng những kinh nghiệm đã qua của mình chỉ là những bước đầu trên con đường sắp tới.
Trong khi chúng tôi ngồi tụ họp chung quanh bàn ăn điểm tâm, chúng tôi thấy xuất hiện một người mà chúng tôi đã từng gặp một lần trong một làng nhỏ trên đường đi đến đây. Sau khi chào hỏi xã giao, người ấy nói:
– Các bạn đã đến với chúng tôi trên một năm nay. Các bạn đã cùng đi ngao du và sống chung với chúng tôi. Vì biết rằng các bạn sẽ ở lại đến tháng tư hay tháng năm nên tôi đến để mời các bạn viếng thăm một ngôi đền đục trong núi đá ở bên ngoài làng này.
Chúng tôi được cho biết rằng người ta đã phải dùng lối kiến trúc đặc biệt đó để bảo vệ cho ngôi đền khỏi bị quấy nhiễu bởi những toán cường đạo thường hay cướp phá vùng này. Những bọn cướp này đôi khi xuống tận làng mạc, thôn ấp để ăn hàng. Người khách ấy nói:
– Làng này cũng đã bị hủy diệt nhiều lần, nhưng dân làng đã tránh khỏi tai họa nhờ trú ẩn trong ngôi đền. Các vị chân sư đã bảo vệ ngôi đền này theo yêu cầu của dân làng và để gìn giữ nhiều tài liệu văn kiện mà các ngài xem là vô giá. Từ khi có sự bảo vệ của các ngài, những vụ cướp bóc đã chấm dứt, dân làng không còn bị tấn công bất ngờ và mọi người đều sống bình yên. Người ta nói rằng một số tài liệu nói trên đã có từ những thời đại văn minh đầu tiên của con người. Đó có lẽ là những tài liệu cổ của giống người Naacals, cũng gọi là các “huynh đệ thánh thiện”, đã xuất hiện từng đến Miến Điện để dạy dỗ dìu dắt những bộ lạc thổ dân Nagas ở đó. Những tài liệu đó dường như chứng minh rằng tổ tiên của giống người này là tác giả của bộ sách Surya Siddhanta và các Thánh kinh Phệ-đà thời thái cổ. Sách Surya Siddhanta là tác phẩm cổ xưa nhất mà người ta được biết về khoa thiên văn. Còn những Thánh kinh Phệ-đà thì không ai có thể xác quyết được là có từ bao giờ, chỉ biết là rất sớm. Không phải tất cả tài liệu văn kiện của ngôi đền này đều là những bản chánh, vì nhiều tài liệu trong số đó đã được sao chép lại từ một nguyên bản cùng lúc với những tài liệu cổ của xứ Babylone và được mang đến đây để được gìn giữ an toàn. Có rất ít khách đến viếng thăm ngôi đền này, hầu hết là những vị chân sư đã đạt được ít nhiều kết quả tu tập trên con đường giác ngộ tâm linh.
Người khách ấy còn nói tiếp:
– Ngày hôm nay đối với các bạn là ngày bắt đầu một năm mới. Theo quan điểm thông thường, năm cũ đã thuộc về dĩ vãng, không còn trở lại được nữa, trừ phi là ở trong tư tưởng, do những ký ức còn lưu lại về mọi sự sung sướng, đau buồn hay những công trình đã thực hiện. Một trang trong quyển lịch đời của chúng ta đã được xé bỏ. Trái lại, theo cách nhìn của chúng tôi thì khác hẳn. Chúng tôi xem năm vừa qua như một giai đoạn tiến bộ nối thêm vào những thành quả đã thực hiện được. Nó là cái gạch nối đưa chúng tôi đến những công việc chưa thực hiện và một sự phát triển tốt đẹp hơn, đến một thời kỳ giác ngộ và hứa hẹn lớn lao hơn, một thời kỳ mà mỗi kinh nghiệm kế tiếp sẽ làm cho chúng tôi trở nên sáng suốt hơn, tỉnh giác hơn và mở rộng lòng thương yêu hơn. Có thể các bạn sẽ nghĩ rằng: “Làm sao để được như vậy?” Nhưng câu trả lời của chúng tôi sẽ là: “Hãy tự mình tìm ra những kết luận của mình, hãy chọn lựa cách sống riêng của mình.”
Vị trưởng nhóm của chúng tôi nói:
– Chúng tôi rất mong sẽ được nhìn thấy và hiểu biết.
Người khách lại nói tiếp:
– Kể từ bây giờ sẽ có những bài học đúng đắn cho những kẻ không nhìn thấy, không hiểu biết, không hiểu ý nghĩa và mục đích của một đời sống chân chính. Đó không phải là một cuộc đời khổ hạnh, khắc khổ, sống cô lập hay buồn thảm, mà là một cuộc đời hoạt động trong sự vui tươi, một cuộc đời mà mọi sự buồn rầu, đau khổ đều bị vĩnh viễn loại trừ.
Kế đó, ông ta lại nói với một giọng ít nghiêm trang hơn:
– Các bạn đã bày tỏ ý muốn được nhìn thấy và hiểu biết. Nhìn thấy các bạn tụ họp như thế này, tôi chợt nghĩ đến một câu nói trong Kinh Thánh: “Khi nào hai hay ba người trong các ngươi nhân danh Ta mà hội họp, thì Ta luôn có mặt một bên họ.”
Một cuộc đời tu hành khổ hạnh, xa lánh thế tục để ẩn mình trong những tu viện hẻo lánh không phải là một điều thực sự cần thiết. Một cuộc đời như thế không hẳn đã có thể giúp cho hành giả đạt tới sự giác ngộ tâm linh thật sự và đạt đến trí tuệ sáng suốt chân chính.
Tuy vậy những quan niệm đam mê vật chất và si mê từ lâu đời luôn ảnh hưởng đến đời sống của con người. Con người đã đi xa dần những chân lý của của sự sống, chính vì luôn muốn vun đắp cho cái bản ngã nhỏ hẹp của mình. Họ dần dần chìm đắm trong những quan niệm tà kiến sai lầm và cuối cùng không khỏi rơi vào một trong những ảnh hưởng của các tà giáo, bàng môn tả đạo.
Cuộc nói chuyện chấm dứt và chúng tôi lên đường đến viếng thăm ngôi đền. Tại đây, chúng tôi gặp bốn vị trong số các bậc chân sư đã đến đây trước chúng tôi. Sau một lúc trò chuyện, tất cả chúng tôi đều ngồi xuống và người khách đã đưa chúng tôi đến đây lại nói tiếp:
– Hầu hết những người Âu Mỹ đều tôn sùng đức Jesus như một thần tượng, và đó là điều hết sức sai lầm. Lẽ ra họ phải xem ngài như sự biểu hiện của một lý tưởng, thay vì tôn thờ ngài như một thần tượng. Đó là hai việc hoàn toàn khác nhau. Thay vì tạo ra những hình tượng bằng gỗ đá để tôn thờ, sùng bái, người ta nên xem cuộc đời ngài như một tấm gương sống động và cố gắng sống theo như ngài. Trong ý nghĩa đó thì họ sẽ thấy rằng ngay cả đến nay đức Jesus vẫn đang hiện hữu trong mỗi con người, và không hề chết đi trong cái thể xác đã từng bị đóng đinh trên cây Thập tự. Theo cách hiểu đó thì ngài vẫn luôn hiện hữu trong tâm tưởng của mỗi một con người, chừng nào mà họ vẫn còn thấy có gì đó để học hỏi và noi theo trong tấm gương sống động của đời ngài. Sự lầm lạc to lớn của đa số người là họ nghĩ rằng cuộc đời đức Jesus đã kết liễu trong tai nạn đau khổ và chết đi trên cây thánh giá. Và vì đối với họ ngài chỉ là một người đã chết, nên họ dễ dàng lãng quên ngài. Họ lãng quên ngài ngay cả khi vẫn luôn quỳ lạy và cầu nguyện với ngài mỗi ngày như một con chiên ngoan đạo!
Tới đây, người khách lạ ngừng nói, tất cả đều đắm chìm một lúc trong một cơn im lặng thâm trầm, kế đó có một thứ ánh sáng mà chúng tôi chưa nhìn thấy bao giờ bỗng tỏa chiếu khắp gian phòng. Chúng tôi nghe một giọng nói, lúc đầu dường như vọng lại từ đằng xa và không được rõ ràng. Sau khi giọng nói ấy làm cho chúng tôi chú ý và tất cả những tư tưởng của chúng tôi đều hướng về đó thì nó trở nên hoàn toàn rõ rệt và vang rền thành những âm vang trong sáng và thánh thót như tiếng chuông ngân. Một người trong chúng tôi lên tiếng hỏi:
– Ai nói đó?
Vị trưởng nhóm của chúng tôi đáp:
– Hãy im lặng, đó là đó lời dạy của một đấng giác ngộ.
Khi đó giọng nói lại tiếp tục và chúng tôi bắt đầu nghe rõ từng tiếng:
– Khi ta nói “Ta là là chân lý, ta là sự sống,” ta không hề có ý nói đến cái bản ngã nhỏ hẹp mà người đời gọi là “của ta”; rằng chỉ có duy nhất mình ta mới là ánh sáng, là chân thật và đáng được tôn thờ. Ta chỉ muốn nói lên một sự thật với toàn thể nhân loại rằng, chân lý vốn luôn hiện hữu trong mỗi con người, bởi vì mỗi con người luôn sẵn có bản tâm tròn đầy và sáng suốt. Hiểu rõ được bản tâm ấy là điều kiện trước tiên để đạt đến một tâm thức tĩnh lặng, sáng suốt và giải thoát.
Bằng cách sống cuộc đời thánh thiện với một tâm hồn hồn nhiên, chân thật và nhẫn nhục, mỗi con người đều có thể trở nên một nhân vật thiêng liêng xứng đáng cho người khác tôn sùng. Nhưng sự tôn sùng một nhân vật thánh thiện không mang lại cho người ta bất cứ lợi ích nào. Người ta cần phải biết noi theo và giữ gìn cái lý tưởng của người ấy, tự mình thực hiện cái chân lý trọn vẹn giống như người ấy, và sau cùng đạt được chính cái mục đích mà người ấy đã đạt đến. Chỉ có như vậy thì tự thân mỗi người mới nhận ra được chân lý và tự mình đạt tới sự giải thoát chân thật. Như vậy đó, chân lý chưa bao giờ rời xa con người, chỉ có con người mê muội nên mới càng lúc càng rời xa chân lý.
Không có bất cứ sự mầu nhiệm hay bí ẩn nào bao quanh những giáo lý mà người đời gọi là siêu việt, vì thật ra tất cả chỉ là sự biểu hiện vô cùng đơn giản của lòng thương yêu: thương yêu tất cả nhân loại và thương yêu đến cả muôn loài.
Giọng nói ngưng lại, và các vị chân sư bỗng nhiên xuất hiện đầy khắp trong ngôi đền. Đó không phải là một cảnh tượng xa xôi, huyền ảo. Đó là một khung cảnh rất thật. Chúng tôi thật sự có mặt trong gian phòng lúc ấy và chúng tôi đã nói chuyện với nhiều người trong số các chân sư. Chúng tôi đã bắt tay chào hỏi và thậm chí đã chụp ảnh các vị. Các vị đã hiện diện giữa nhóm chúng tôi, và chúng tôi đã vây quanh các vị. Sự khác biệt duy nhất giữa các vị với chúng tôi là các vị được bao phủ quanh mình bằng một thứ hào quang đặc biệt. Hào quang đó dường như là cái nguồn xuất phát ra ánh sáng chiếu khắp phòng. Thân thể các vị có những rung động ưu ái tốt lành và tỏa ra chung quanh một sự nhiệt thành và ấm áp của tình thương.
Sau khi các vị chân sư đã từ biệt ra đi, gian phòng dường như vẫn còn giữ lại một phần sự ấm áp và ánh sáng của các ngài. Sau đó, mỗi khi chúng tôi bước vào phòng này, chúng tôi đều cảm thấy như vậy.
Một ngày nọ, vài người trong nhóm chúng tôi hội họp tại đó, trao đổi cảm tưởng lẫn nhau và vị trưởng nhóm chúng tôi nói:
– Gian phòng này thật là kỳ diệu!
Anh ta đã biểu lộ đúng cái cảm tưởng chung của tất cả chúng tôi, nên không ai nói thêm điều gì nữa.
Khi chúng tôi trở lại đó vào mùa thu năm sau, gian phòng giống như một nơi linh điện và chúng tôi ngồi tĩnh tâm tại đó trong nhiều giờ.
Sau cuộc gặp gỡ đầu tiên đó, chúng tôi đợi cho các vị chân sư đều bước ra khỏi phòng rồi mới đứng dậy ra về. Chúng tôi theo cầu thang đi xuống phòng dưới và đi theo con đường hầm để ra ngoài đường.
Chúng tôi đi về làng và trở về nhà trọ. Tại đây chúng tôi còn ngồi nói chuyện đến tận nửa đêm. Sau khi các vị quan khách đã ra về, chúng tôi tụ họp quanh bà chủ nhà, và mỗi người đều đến bắt tay bà để cám ơn về buổi tối đặc biệt đó. Một người trong chúng tôi nói:
– Tôi chỉ có một cách duy nhất để phát biểu những tư tưởng và cảm nghĩ của tôi, là nói rằng những quan niệm vật chất thiển cận của tôi đã hoàn toàn tan vỡ đến nỗi tôi sẽ không bao giờ còn thấy lại một mảnh vụn nhỏ nhặt nào!
Dường như bạn tôi đã thức động đến những tư tưởng thầm kín của tất cả mọi người trong nhóm. Về phần tôi, tôi không nói gì về những cảm nghĩ của mình và cũng không hề nghĩ đến việc thuật chuyện lại cho ai nghe. Việc đó tôi để tùy nơi sự tưởng tượng của độc giả.
Khi chúng tôi chào bà chủ nhà trước khi đi ngủ, không ai thốt ra thêm một lời nào nữa. Mỗi người đều có cảm tưởng rằng một thế giới hoàn toàn mới lạ đã mở ra ngay trước mắt mình. Chúng tôi lui về phòng riêng trong đêm đó với ý nghĩ rằng mình đã trải qua một ngày đầu năm tốt đẹp nhất trong đời.
lll
Sáng ngày hôm sau, vào lúc ăn điểm tâm, chúng tôi hỏi bà chủ nhà và được biết rằng những cuộc tụ họp của các chân sư nơi ngôi đền thiêng đó không phải là một điều bất thường. Bà nói rằng bà vẫn thường đến tham dự cùng với các bạn hữu của bà.
Ngày hôm đó, bà chủ nhà và hai phụ nữ khác quyết định đi đến ngôi đền với chúng tôi. Khi chúng tôi vừa ra khỏi nhà, có hai người đàn ông đi theo chúng tôi. Một người nói với bà chủ nhà rằng có một đứa trẻ trong làng bị bệnh và nhờ bà đến chữa trị. Chúng tôi bỏ dở lộ trình và đi theo hai người đàn ông đến nhà đứa trẻ, thì thấy một em bé thật sự đang ốm nặng.
Bà chủ nhà của chúng tôi liền tiến tới và đưa hai tay ra. Mẹ em bé bế em lên đặt vào trong vòng tay của bà. Gương mặt đứa bé liền sáng lên, rồi nhăn nhó lại trong một lúc. Sau vài phút, nó ngủ thiếp đi. Công việc chữa bệnh đơn giản chỉ có thế! Bà chủ nhà trả em bé lại cho người mẹ và chúng tôi ra đi đến ngôi đền.
Người ta đưa chúng tôi đi qua nhiều phòng trong ngôi đền. Trong lúc nói chuyện, chúng tôi được biết rằng một trong hai người đàn ông đã đi theo chúng tôi hồi sớm này là con cháu của một trong các bậc chân sư có gương mặt còn trẻ mà chúng tôi đã gặp tại ngôi làng cũ, nơi trú ngụ của Thánh Jean Baptiste ngày xưa. Chúng tôi đã nhắc đến vị chân sư ấy, là tác giả của các bản văn kiện cổ nói về thánh Jean.
Trong khi chúng tôi trở lại gian phòng thứ nhất, vị trưởng nhóm của chúng tôi hỏi rằng, một điều ước nguyện có thể nào thực hiện được chăng. Bà chủ nhà đáp rằng, mọi điều mong ước được bày tỏ dưới một hình thức toàn vẹn đều sẽ được thực hiện. Bà nói thêm rằng, sự mong ước là một hình thức cầu nguyện, và một hình thức cầu nguyện toàn vẹn sẽ luôn luôn được đáp ứng. Một lời cầu nguyện luôn luôn được đáp ứng chỉ có thể là toàn vẹn, bởi đó nó rất khoa học, và nếu nó đúng tinh thần khoa học, lẽ tất nhiên nó phải theo một định luật đúng đắn. Bà chủ nhà nói tiếp:
– Định luật ấy có thể phát biểu như thế này: Lời cầu nguyện được đáp ứng tùy theo mức độ của đức tin. Nói một cách khác, bất luận là bạn mong ước điều gì khi bạn cầu nguyện, bạn hãy tin chắc rằng bạn đã nhận được những điều mong ước đó, rồi bạn sẽ có. Nếu chúng ta biết chắc rằng những gì ta cầu nguyện đã được đạt đến, chúng ta cũng sẽ biết rằng chúng ta đã hành động một cách chân thật và đúng đắn. Và khi điều mong ước được thực hiện, chúng ta biết rằng định luật ấy đã ứng nghiệm. Còn nếu điều ta cầu nguyện không được đáp ứng thì ta biết rằng ta đã cầu nguyện không đúng cách. Lỗi ấy không phải nơi sự cầu nguyện, mà ở nơi cách thức cầu nguyện của chúng ta.
Bây giờ, bạn hãy đi sâu vào chính tâm hồn bạn, không thành kiến, không sợ hãi và không nghi nan, với một tâm hồn vui vẻ, tự do và biết ơn, và biết rằng những gì bạn cần dùng, những gì bạn cầu mong, bạn đã được rồi đấy. Bí quyết ở đây là sự nâng tâm hồn, đạt đến trạng thái tâm thức hòa nhập với nhịp sống của toàn vũ trụ, nghĩa là không còn bị trói buộc trong cái bản ngã nhỏ nhoi, hèn kém mà người đời vẫn luôn gọi là “của ta”. Với trạng thái tâm thức này, mọi tư tưởng đều trở nên thuần khiết và mạnh mẽ, không còn chịu sự chi phối, lay động của bất cứ yếu tố ngoại cảnh nào, cho dù đó có là sự chống đối của toàn thể thế giới. Chính sức mạnh tinh thần của những tư tưởng thuần khiết và mạnh mẽ vô biên này sẽ giúp bạn đạt được một cách chắc chắn những điều mà bạn cầu nguyện.
lll
Trong suốt hai tháng trường sau đó, chúng tôi miệt mài nghiên cứu một loạt những tấm bia đá cổ xưa được xếp thành hàng trong một gian phòng kín của ngôi đền. Những bia đá này có khắc cổ tự và những hình biểu tượng hàm súc nhiều ý nghĩa thâm sâu. Một người bạn già tên là Chander Sen đi theo chúng tôi và giảng giải cho chúng tôi nghe những ý nghĩa của các bia đá cổ.
Một ngày đầu tháng ba, như thường lệ chúng tôi đến gian phòng nói trên và tiếp tục đắm chìm trong công việc nghiên cứu. Chúng tôi đều thắc mắc là không thấy bóng dáng Chander Sen đâu cả, cho dù đã quá giờ mà ông lão vẫn đến đây như thường lệ. Bỗng chúng tôi nghe có tiếng người vang lên:
– Chào các bạn!
Tiếng chào này kéo chúng tôi ra khỏi sự chú ý vào công việc đang làm. Chúng tôi quay lại phía cửa vào và nhìn thấy đức Tuệ Minh. Sự xuất hiện của ngài làm chúng tôi ngạc nhiên, vì chúng tôi tưởng là ngài đang ở một nơi cách đây một ngàn năm trăm cây số!
Trước khi chúng tôi kịp định tĩnh tinh thần, đức Tuệ Minh đã bước tới gần và bắt tay chúng tôi. Ngài nói với giọng thân mật:
– Các bạn không phải chờ đợi Chander Sen nữa. Ông ta có việc và phải đi vắng khỏi đây trong ít lâu. Nhưng khi trở về, có lẽ ông ta sẽ giúp các bạn được nhiều việc hơn. Một khắc đồng hồ sau, trong khi chúng tôi đang trò chuyện thì một người bạn tôi bước đến gần cửa sổ nhìn ra ngoài và nói hình như có nhiều người lạ mặt đã vào làng. Ngạc nhiên, chúng tôi đều đi ra để nhìn xem. Thật vậy, quả là một điều rất hiếm xảy ra khi thấy những người khách lạ đi bộ đến làng, vì lúc ấy là giữa mùa đông. Chúng tôi liền kéo nhau về làng để xem chuyện gì đã xảy ra.
Khi về đến làng, chúng tôi thấy một nhóm vài người đến từ một thôn nhỏ cách đó chừng độ năm chục cây số. Họ có mang theo một người đi lạc trước đó ba ngày trong một cơn bão tuyết và bị cóng lạnh đến mức hầu như không còn cử động được nữa. Đức Tuệ Minh bước đến gần, đặt một bàn tay trên đầu người ấy và đứng yên trong một lúc. Dường như có một luồng hơi ấm kỳ diệu đang tỏa ra quanh ngài, và luồng hơi ấm đó cũng theo bàn tay ngài mà nhanh chóng truyền sang cho nạn nhân. Trong chốc lát, người ấy hất tấm chăn phủ ra và đứng dậy. Nhiều người trong số các bạn anh ta đứng trố mắt nhìn một cách vô cùng kinh ngạc. Một vài người khác bỏ chạy vì hoảng sợ. Trong khi đó, nạn nhân vừa được cứu chữa có vẻ hoang mang, ngơ ngác. Dường như anh ta không hiểu được chuyện gì đã xảy ra cho chính bản thân mình.
Chúng tôi quay trở lại nhà trọ với một tâm trạng khó tả, và chúng tôi đã thức đến nửa đêm hôm đó để bàn luận về những việc vừa xảy ra.
Trong khi bàn luận, một người bạn tôi nêu câu hỏi rằng địa ngục ở đâu và có thật có những ác quỉ hay không? Đức Tuệ Minh trả lời dường như không cần suy nghĩ:
– Địa ngục và ác quỉ không có một nơi chốn nào nhất định, mà chỉ hiện hữu trong tư tưởng si mê của người đời. Những thứ ấy luôn xuất hiện đúng ở nơi mà con người đặt để cho chúng. Các bạn đều là những người có học thức, vậy các bạn có thể nào tìm thấy chăng một vị trí địa dư xác định nào cho địa ngục và ác quỉ trên quả địa cầu này? Và nếu như chúng ta đã lục soát khắp cả vũ trụ mà vẫn không tìm thấy bất cứ nơi chốn nào là địa ngục, là chỗ trú ẩn của ác quỉ, vậy chúng ta buộc phải nhìn nhận rằng địa ngục và ác quỉ chỉ xuất hiện ở những chỗ nào có con người và nó chỉ có những quyền năng mà chính con người đã gán cho nó. Các nhà phù thủy hay các pháp sư thường nói rằng họ có thể xua đuổi tà ma ra khỏi một con người nào đó, nhưng thật ra không hề có bất cứ một loại tà ma quỉ quái nào nhập vào con người, trừ phi chính người ấy đã tự ý mong muốn một chuyện như vậy. Sự hiện hữu và quyền năng duy nhất của cái gọi là tà ma chính là cái quyền năng mà con người đã tưởng tượng ra và gán ghép cho chúng.
Một lúc sau, câu chuyện bắt đầu hướng đến vấn đề sự hiện hữu của Thượng đế, và một người bạn tôi nêu câu hỏi:
– Như vậy, thật ra thì Thượng đế có thật hay không, và nếu có thì bản chất thật sự của ngài là như thế nào?
Đức Tuệ Minh đáp:
– Tôi có thể hiểu được tầm mức quan trọng của câu hỏi đó. Thật ra, bạn đang muốn xác định rõ ràng một vấn đề mà suốt nhiều thế kỷ qua con người vẫn chưa từng xác định được một cách rõ ràng. Ngày nay, thế giới đang bị xáo trộn bởi nhiều tư tưởng trái ngược. Người ta chỉ biết tìm hiểu mọi vấn đề thông qua các danh từ mà chính họ đã đặt ra để gọi tên nó. Người ta suy diễn một sự việc để hình thành khái niệm tương ứng với sự việc đó, rồi đặt ra một tên gọi cho khái niệm vừa hình thành. Nhưng ngay khi tên gọi vừa được xác định thì người ta lại quên mất đi bản chất thật sự của vấn đề, mà chỉ nhận hiểu vấn đề ấy bằng vào cái tên gọi rỗng tuếch mà họ vừa đặt ra cho nó. Thật là buồn cười, phải không các bạn? Nhưng chính cái vòng luẩn quẩn này đã trói chặt con người trong bao nhiêu thế kỷ qua, đã dựng lên một bức rào cản kiên cố ngăn cách giữa con người và thực tại. Con người đã tự mình che phủ thực tại bằng chính những khái niệm và tên gọi do họ đặt ra, để rồi không bao giờ còn có khả năng tiếp xúc thực sự với thực tại đang hiện hữu đó. Bằng cách đó, con người hiện nay thực sự có thể hiểu được những gì về Thượng đế? Chẳng qua chỉ là một tên gọi do họ đặt ra mà thôi! Và nếu bạn đang nói đến Thượng đế theo cách này, thì sự hiện hữu của một Thượng đế như thế liệu có quan hệ gì đến cuộc sống của chúng ta? Thật ra, nếu chúng ta có thể vất bỏ đi tất cả những khái niệm và định kiến chật hẹp đang chất đầy trong tâm trí, chúng ta sẽ hoàn toàn có khả năng tiếp xúc được với sự sống quanh mình một cách giản dị và chuẩn xác. Khi đó, chúng ta sẽ nhận ra được rằng có một nguyên lý chung luôn tác động, ảnh hưởng đến vạn vật quanh ta. Nguyên lý đó ngự trị khắp nơi trong vũ trụ, trong mọi sinh vật cũng như mọi hiện tượng. Trong mỗi sinh vật, nguyên lý ấy được biểu hiện thành cái gọi là tinh thần, nên tinh thần ấy vốn là toàn năng, toàn trí và toàn thông. Nhưng con người không nhận biết được điều này! Họ tự mình tách rời ra khỏi cái nguyên lý chung của toàn thể, ôm giữ lấy một phần nhỏ nhoi và gọi đó là “của mình”, rồi trong khi cố tìm mọi cách để bảo vệ, vun bồi cho cái bản ngã đó, họ liên tục gây tổn hại đến vô số những sinh linh khác. Vì thế, họ ngày càng trở nên xa cách với bản thể chân thật của chính mình. Nếu vì thói quen mà các bạn muốn đặt ra một tên gọi, thì chính phần tâm thức toàn năng, toàn trí và toàn thông mà tôi vừa nói đến đó chính là cái mà bạn nên gọi là Thượng đế. Và Thượng đế hiểu theo cách này thì quả thật là vẫn luôn hiện hữu khắp quanh ta và ngay trong lòng chúng ta. Bản chất của một Thượng đế như thế là gì ư? Đó chính là sự sống! Sự sống vốn là trường cửu, bất biến, nên đó chính là Thượng đế trong vũ trụ này. Bạn có thể nhìn thấy tôi chết đi, mọi người khác quanh bạn chết đi, nhưng đó thật ra không phải là sự chấm dứt của đời sống, mà chỉ là sự chuyển tiếp của sự sống từ một hình thái này sang một hình thái khác mà thôi. Từ thuở khai thiên lập địa đến nay, sự sống chưa từng chấm dứt! Vậy thì cái chết liệu có ý nghĩa gì nếu không phải chỉ là sự đe dọa đối với những tâm thức nhỏ nhen, hạn hẹp? Khi bạn hiểu Thượng đế theo nghĩa này, thì Thượng đế chính là nguyên nhân trực tiếp của tất cả mọi sự tốt lành ở chung quanh chúng ta. Cũng có thể nói là nguyên nhân của mọi sự sống mà ta nhìn thấy quanh ta; là nguồn gốc của tình thương yêu bao la rộng khắp, có khả năng duy trì và hợp nhất tất cả mọi hình thái khác nhau của đời sống. Như vậy, Thượng đế là một nguyên lý vi diệu chứ không phải là một cá thể riêng biệt, không phải là một nhân vật riêng rẽ có sự hiện hữu tách biệt với mỗi người trong chúng ta. Sự tôn sùng Thượng đế như một cá nhân siêu việt chỉ là kết quả của một quan niệm sai lầm nảy sinh trong trí óc của những kẻ ngu dốt. Và điều ấy cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều sự sai lầm khác mà các bạn có thể thấy trên thế gian này.
Đức Tuệ Minh ngừng một lúc, và một người bạn tôi thưa hỏi:
– Thưa ngài, nếu không có một đấng Thượng đế toàn năng hiện hữu một cách tách biệt và khách quan để thưởng phạt con người, thì những việc làm tốt lành hay xấu ác của mỗi con người sẽ có ý nghĩa như thế nào? Người ta sẽ nhận được gì khi làm điều thiện, và do đâu mà phải chịu trừng phạt khi làm việc xấu ác?
Đức Tuệ Minh nở một nụ cười tươi sáng và nói:
– Cám ơn về câu hỏi của bạn. Tôi biết là có rất nhiều người trong nhân loại vẫn luôn thắc mắc tương tự như vậy. Và chính do nơi những người này mà có sự hình thành của cái gọi là một “đấng toàn năng thưởng phạt”. Những người này cần thấy được – cho dù trong thực tế là không bao giờ có – một sự thưởng phạt cụ thể nào đó, do một ai đó đứng ra làm chủ cho họ, vì bản thân họ không bao giờ có đủ đức tin vào chính mình. Và trong một chừng mực nào đó thì việc dựng lên một “đấng toàn năng thưởng phạt” như vậy – cho dù không thật có – là hết sức cần thiết để giữ cho một phần lớn trong nhân loại không sa đọa vào những điều xấu ác, để đưa họ đến gần hơn với con đường hiền thiện, và như vậy cũng có nghĩa là cứu thoát họ trở về với cội nguồn của sự sống. Phải, tôi có thể nói là chỉ có một con đường đưa đến sự toàn thiện mới cứu thoát được con người ra khỏi những khổ đau truyền kiếp mà họ đang chịu đựng. Con người sinh ra từ sự toàn thiện và phải trở về với sự toàn thiện nếu như không muốn chìm đắm mãi mãi trong sự si mê và đau khổ.
Nguyên lý của sự sống là phổ quát và bao trùm khắp vũ trụ, nên tất cả mọi con người đều hòa nhập thành một thể thống nhất trong nguyên lý mầu nhiệm vô biên ấy... Vì thế, các bạn hãy nhận thức một cách đúng đắn rằng bản thân mình là một phần tử không tách rời của sự sống vô biên. Các bạn hãy chấp nhận tự nguyện hy sinh vì sự lợi ích chung của toàn thể. Các bạn hãy tập làm điều lành mà không cần suy nghĩ, tính toán đến hậu quả. Các bạn hãy tập từ bỏ mọi ham muốn nhỏ nhen và từ bỏ mọi thứ của cải vật chất không thường tồn của trần gian. Hãy làm như vậy một cách thoải mái và tự do. Đó không phải là một sự quên mình hay cam tâm sống cuộc đời bần cùng khắc khổ, bởi vì bạn càng cho ra bao nhiêu những gì bạn có thì bạn sẽ nhận thấy rằng bạn lại càng có được nhiều hơn để cho ra. Đôi khi, dường như bạn rơi vào những trường hợp phải cho đi tất cả, thậm chí đến cả sự sống của mình. Nhưng nếu bạn vượt qua được thử thách đó, bạn sẽ thấy rằng những ai chỉ muốn duy trì sự sống của chính mình sẽ sớm đánh mất nó. Và bạn sẽ vui mừng mà nhận thấy rằng sự sống mà bạn vui lòng hy sinh cho kẻ khác lại chính là sự sống mà bạn luôn gìn giữ được.
Khi đó bạn sẽ biết rằng nhận lãnh có nghĩa là cho ra một cách rộng rãi, phóng khoáng. Ngay cả khi bạn phải hy sinh sự sống hữu hình hữu hoại này, thì một đời sống cao cả hơn sẽ xuất hiện. Và một đời sống như thế là một sự thành tựu lớn lao không phải cho riêng mình, mà là cho tất cả. Bạn nuôi dưỡng lòng thương yêu để cảm thông với những khổ đau, những nhu cầu cấp bách của thế gian. Khi bạn làm được điều đó, bạn sẽ có thể giúp đỡ người khác một cách vô tư mà không hề khoe khoang tự phụ. Bạn có thể tự mình mang đến nguồn ân huệ thiêng liêng cho những tâm hồn khát khao chân lý, và nguồn ân huệ ấy sẽ không bao giờ cạn kiệt. Nếu được, bạn hãy sử dụng khả năng thuyết giảng đạo lý để mang lại nguồn an ủi cho những kẻ khổ đau tìm đến với bạn, mang lại sự bình an và nguồn hy vọng cho những kẻ bệnh tật, những kẻ mệt mỏi chán nản trong cuộc sống, và tất cả những ai đang bị những đau khổ của cuộc đời đè nặng trong tâm hồn. Bạn có thể thức tỉnh những kẻ mù quáng, những tâm hồn sa đọa, giúp họ cảm thấy rằng bao giờ cũng luôn sẵn có một con đường tốt đẹp để họ vươn đến và vững bước đi lên...
Kế đó, đức Tuệ Minh nói rằng ngài phải đến nhà một huynh đệ khác trong làng ngay chiều hôm đó. Tất cả chúng tôi đều đứng dậy tiễn ngài. Đức Tuệ Minh ban ân huệ cho tất cả chúng tôi và rời khỏi gian phòng cùng với hai người khác.