Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Tôi tìm thấy hy vọng trong những ngày đen tối nhất và hướng về những gì tươi sáng nhất mà không phê phán hiện thực. (I find hope in the darkest of days, and focus in the brightest. I do not judge the universe.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chấm dứt sự giết hại chúng sinh chính là chấm dứt chuỗi khổ đau trong tương lai cho chính mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Hãy dang tay ra để thay đổi nhưng nhớ đừng làm vuột mất các giá trị mà bạn có.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Một số người mang lại niềm vui cho bất cứ nơi nào họ đến, một số người khác tạo ra niềm vui khi họ rời đi. (Some cause happiness wherever they go; others whenever they go.)Oscar Wilde
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Bhutan có gì lạ »» Chương V. Nụ cười Hoàng Hậu »»

Bhutan có gì lạ
»» Chương V. Nụ cười Hoàng Hậu

Donate

(Lượt xem: 3.092)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Bhutan có gì lạ - Chương V. Nụ cười Hoàng Hậu

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Vào lúc 9 giờ 30 sáng ngày 25 tháng 4, phái đoàn của chúng tôi đã đến Văn phòng của ông Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa, tên là Sangay Wangchug. Trong tương lai, nếu có ai muốn đi Bhutan đều phải thông qua ông này và không phải qua Bộ Ngoại Giao Bhutan nữa.

Hôm ấy, thầy Kinga T. Dorji cũng có mặt. Thầy là một trong hai thầy đã ở tại Hannover trong thời gian 6 tháng, nên biết chúng tôi. Khi gặp thì ai cũng vui mừng.

Mới đầu thì ông Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa nói tiếng Bhutan, rất đúng phép xã giao và rất lịch sự, rồi để cho một trong hai thầy Bhutan dịch ra tiếng Anh. Hai thầy này cũng đã cùng với ông sang Hà Nội vào năm 1994, nên quý Thầy ấy cũng biết ít nhiều về Việt Nam trước khi đến Đức.

Được biết ông Bộ trưởng là một học giả tiếng Pali và nhiều ngôn ngữ khác tại Á Châu cũng như Anh ngữ. Sau một hồi thông dịch thì ông lại tự nói tiếng Anh một cách lưu loát. Ông đã du học tại Tích Lan và rất rành về Phật Giáo. Nghe đâu ông trước đây cũng là một tu sĩ và đã hoàn tục. Ông có dáng người cao ráo, lịch thiệp và rất hiểu về người ngoại quốc.

Cung Văn Hóa của ông nằm trong cung điện của nhà Vua, có lính gác hầu hai bên cửa vào và cũng là nơi làm việc của chư Tăng nữa. Như phần tổng quát chúng ta thấy các Hội Đồng Cố Vấn Hoàng Gia và các Bộ đều có sự hiện diện của Tăng Sĩ. Do vậy nơi cung điện này được chia ra 3 phần chính:

- Phần bên ngoài có chánh điện trang nghiêm, là nơi để Vua, Hội Đồng Bộ Trưởng và chư Tăng lễ Phật trước khi hội họp.

- Phía bên phải là văn phòng của chư Tăng.

- Phía bên trái từ ngoài nhìn vào là nơi làm việc của các Bộ.

Cả hai bên khi vào cổng đều có lính hầu và được kiểm soát rất chặt chẽ. Ví dụ như tất cả mọi người ra vào đều bị kiểm soát qua tia quang tuyến như các máy rà tại phi trường. Nơi đây cũng không được chụp hình hoặc quay phim. Nếu có, chỉ ở phía bên ngoài, chứ bên trong thì tuyệt đối cấm. Xe ngoại giao chở chúng tôi đi thẳng vào cửa chính, đỡ tốn công đi bộ và vì thế cho nên có nhiều người để ý, hình thức thì giống như một tăng sĩ, nhưng thực tế là một tu sĩ ở cấp bậc ngoại giao. Bởi vậy có lúc những người Đức đi cùng gọi tôi là Minister Ehrwurdiger cũng có nghĩa tương đương như vậy. Đây chỉ là ngôn ngữ ngoại giao mà.

Sau khi dùng trà sữa Bhutan thì chúng tôi được ông Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa tiễn biệt ra cổng và sau đó chạy xe đến thăm Tu viện Dechenphodrang ở gần đó.

Tu viện đã được xây dựng tại Thimphu cách đây 350 năm nên rất cũ kỹ. Trong hiện tại, tu viện này có 350 vị Tăng sinh, học từ Sơ cấp đến Trung cấp. Lên Trung cấp thì học nhiều môn học khác nhau như: thiền, văn học, Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng. Còn những lớp nhỏ bên dưới học lễ nhạc cũng như học Anh văn, tiếng Tây Tạng và tiếng Bhutan.

Đa phần người ngồi học không có bàn ghế và có môn học không có bảng đen để viết, mà mỗi chú tiểu như thế có một tấm bảng nhỏ, chỉ lớn hơn quyển tập, đổ cát có pha màu đen vào đó. Sau khi lấy cọ viết chữ rồi, lại xóa đi và viết tiếp những dòng chữ khác. Trông rất tội nghiệp và khổ hạnh. Vì thế Sư Bà Diệu Tâm có đặt câu hỏi là: Tại sao không ngồi trên bàn mà ngồi dưới đất vậy cho cong lưng? Thì được trả lời rằng: Chính những chú tiểu này phải vượt qua những cám dỗ về tiện nghi đó, và đây chỉ là những thử thách nhỏ ban đầu của một người tu trên đoạn đường sanh tử ấy.

Phòng học cũng là phòng ngủ và đôi khi cũng làm cả phòng ăn. Do đó vấn đề vệ sinh tại nơi đây phải nói rằng không được khả quan lắm. Hầu như các tu viện hoặc Phật Học Viện lớn tại Việt Nam ngày xưa cũng thế, nhưng ít ra mỗi người cũng có một cái đơn, tức là chiếc giường nhỏ vừa đủ nằm. Ở đây thì hầu như không có. Trông các chú tiểu rất hồn nhiên và như thế tôi đã nhớ về thời quá khứ xa xưa gần 40 năm về trước khi còn hành điệu ở Chùa Phước Lâm và Viên Giác tại Hội An, có lẽ cũng chỉ đỡ hơn chút xíu thôi.

Phái đoàn cũng mang theo kẹo và chocolate từ Đức, cho nên ở đây có cơ hội để phát cho mỗi chú tiểu một cây. Chú nào cũng cười và giơ hai tay ra đón nhận. Biết đâu trong những người ấy sẽ có người là những bậc Đại Sư danh tiếng trong tương lai, sẽ phổ độ quần sanh, cho nên mọi người đã cúng dường một cách rất trịnh trọng và không phân biệt người nào cả.

Tôi nhớ lại ngày xưa khi còn hành điệu tại Chùa Tổ Phước Lâm ở Hội An cũng khổ cực không ít. Nguyên Phước Lâm là một đồi cát mà trong chùa thì trồng rất nhiều cây cảnh và rau quả để dùng. Do vậy các chú tiểu chúng tôi mỗi ngày phải gánh nước tưới cây 2 lần như thế. Mỗi lần đổ nước xuống, chỉ thấy một cái vèo thôi, nước thấm đi đâu hết. Còn phân thì cũng chẳng có. Do vậy cây cối lên không xanh mượt như những vùng đất màu mỡ khác.

Để tạo kinh tế tự túc cho chùa, Thượng Tọa Thích Như Vạn, tức Bổn Sư của Thầy Hạnh Tuấn ở Mỹ, đã có một nhà làm nhang để phát hành. Mỗi tuần, mỗi một chú tiểu như chúng tôi phải làm ra 10.000 cây nhang. Ai muốn làm lúc nào cũng được, miễn đủ 10.000 cây nhang thì thôi. Thuở ấy Chú Hạnh Thu làm Chúng Trưởng, Chú Hạnh Đức, mà bây giờ là Thượng Tọa Thích Hạnh Đức trụ trì Chùa Sơn Linh ở Bà Rịa, là những người phác họa chương trình cho học chúng chúng tôi.

Chùa Tổ Phước Lâm tại Hội An trùng tu vào năm 1964, thuở ấy tôi mới vào xuất gia, tâm hồn còn rất thơ ngây trong trắng ở lứa tuổi 14 tuổi rưỡi, cho nên mọi việc cực nhọc rồi cũng qua đi. Đến năm sau thì tôi lại về Chùa Viên Giác.

Khi còn ở Chùa Phước Lâm, trong khi còn làm chùa, học chúng chúng tôi kéo xe bò lên Cẩm Hà để chở gạch và cát về làm chùa. Suốt đoạn đường đi thôi thì hò hát vui nhộn, nhất là những đêm có trăng. Cũng có nhiều người làm công quả và sau này xuất gia như chú Quảng tức Thượng Tọa Thích Hạnh Thiền ngày nay đang làm chánh đại diện Hội An, chú Huân tức Thượng Tọa Thích Thị Tập, hình như là Hạnh... gì đó tôi quên đi rồi. Vì những vị này xuất gia sau tôi và sau này ít còn liên lạc nữa.

Ngày ấy sao mà vui quá, bây giờ hình ảnh tuổi thơ cứ còn lởn vởn trong đầu óc khi có một dịp nào đó thì nó hiện lên liền, nhất là lúc này đây đang thăm Tu Viện Phật Giáo tại Bhutan này. Thế rồi ngày lại tháng qua gần 40 cái mùa xuân thu mưa nắng như thế, riêng tôi thì đã ở ngoại quốc đến năm thứ 30 rồi. Hồi ấy anh em học chúng rất đông, mấy chục người. Bây giờ chỉ còn lại bốn năm người cùng trang lứa mà thôi. Quả thật là “đời tu như bông xoài, trứng cá”, đi đến cuối chặng đường chẳng được bao nhiêu.

Từ năm 1966 đến 1968, tôi làm điệu tại chùa Viên Giác, Hội An. Thuở ấy Viên Giác chỉ có Sư Phụ và 3 chú tiểu với tôi là bốn. Sau này có một bà tịnh hạnh nhân nữa làm công quả. Như vậy chùa cũng không có gì là đông, nhưng mỗi tháng 4 lần tôi và chú Ngô phải xay đậu hủ, sau đó là “boòng” đậu hủ và nấu cũng như ép đậu hủ để cho vị tịnh hạnh nhân này đem ra chợ Hội An bán lấy tiền mua tương chao cho chùa. Đó cũng là một kế hoạch kinh tế tự túc nhỏ của Thầy tôi.

Cối đá càng nặng bao nhiêu, tôi càng phải trườn theo độ nhạy của nước và đậu khi chú Ngô cho đậu vào miệng cối. Nhiều lúc thân tôi phải trải dài lên cần xay như thế để tạo lực cân bằng. Sau này tôi chưa có dịp về lại Viên Giác, nhưng Sư Phụ tôi trước khi viên tịch, Người có bảo rằng hãy giữ cái cối đá ấy để sau này tôi có về lại nước, thấy đó mà hồi tưởng lại kỷ niệm những ngày làm đậu của thuở còn học trò.

Nhiều người thấy bàn tay tôi dài và thân hình tôi cao lớn hỏi tôi tại sao ăn chay mà được như vậy? Tôi bảo rằng: Đó là nhờ gánh nước tưới cây tại chùa Phước Lâm và xay đậu làm đậu hũ ở chùa Viên Giác tại Hội An đấy! Ai cũng nhăn mặt cười và có lẽ họ không tin tôi, hay đó chỉ là cái cười xã giao để đáp lễ mà thôi.

Từ 1968 đến 1972 thì tôi ở Sàigòn chẳng có gì vui, chỉ lo vùi đầu học và tu, cốt lấy bằng Tú Tài để đi ngoại quốc. Rồi thời gian cứ như thế mà trôi, từ thuở xuân xanh đến lúc bạc đầu như thế này mới thấy được những kỷ niệm rất nhỏ của ngày xưa, bây giờ lại quý giá vô vàn.

Kỷ niệm không là vàng bạc châu báu, nhưng nó giúp người ta có một cái nhìn về quá khứ một cách trìu mến dễ thương. Dễ gì có ai dùng quyền lực hay tiền bạc có thể mua được hay chiếm đoạt những ký ức hồn nhiên ấy? Bởi thế nhiều người lúc về già rồi mới ngồi viết hồi ký. Lúc ấy kho tàng của tuổi thơ sẽ sống dậy và có nhiều người đã trở thành văn sĩ lúc tuổi về chiều. Có nhiều người bảo tôi tại sao Thầy không viết hồi ký của tuổi thơ? Tôi bảo rằng: Tuổi thơ của tôi chẳng có gì đáng viết, chỉ là một chú mục đồng mà thôi. Hay lúc ấy tôi cũng chỉ là chú tiểu vô danh, đâu có gì để mà viết, nhưng biết đâu sau này lại cần đến những dữ kiện nhỏ nhặt này.

Sau khi thăm Tu Viện Dechenphodrang, chúng tôi được xe đưa đến Thư Viện Quốc Gia. Người Giám Đốc Thư Viện đã giới thiệu với chúng tôi những loại sách, kinh mà Thư Viện hiện có.

Sau đó ông ta đưa chúng tôi đi xem từng khu một. Ví dụ như nơi chụp Microfilm để bảo quản tốt hơn là giữ lại những bảng kinh bằng gỗ như thế. Cũng có một số nơi các nghệ nhân đang tu bổ lại những bảng gỗ đã khắc kinh lâu đời, bỏ vào trong những hòm thiếc để bảo quản trong khí hậu khắc nghiệt tại xứ này.

Trong Thư Viện này có một số bộ kinh đã có mặt cả ngàn năm, đa phần bằng tiếng Tây Tạng và tiếng Phạn. Chỉ có một ít kinh sách tiếng Anh và chữ Hán. Chữ Nhật thỉnh thoảng có vài quyển. Còn tiếng Việt hầu như hoàn toàn không có quyển nào. Trông thật đáng thương cho dân tộc như dân tộc Việt Nam vậy. Một dân tộc có 4.000 năm văn hiến và 2.000 năm lịch sử Phật Giáo mà sự giao lưu văn hóa với các nước cận Á như thế thì còn giới hạn quá. Quả là điều đáng lưu tâm vậy.

Sau đó phái đoàn chúng tôi trở về khách sạn để ăn trưa và chiều hôm đó còn đi thăm 2 nơi nữa mới đến lúc diện kiến Hoàng Hậu.

Vào lúc 14 giờ, phái đoàn đến trường dạy nghề Zoriz Chusum để xem những nghệ nhân vẽ và tạc tượng Phật. Có nhiều lớp học khác nhau. Mỗi lớp có một thầy giáo chuyên môn hướng dẫn. Ở đây đa phần là cư sĩ, thỉnh thoảng mới thấy một vị tu sĩ ngồi tạc tượng Phật.

Khi chúng ta nhìn một hình tượng như thế, chúng ta nghĩ rằng đơn giản hoặc chúng rập khuôn với nhau, nhưng không phải vậy. Cứ mỗi một hình tượng như thế phải có một chiều bình hành, hoặc lục giác hoặc hình tam giác cân, để người họa có thể căn cứ vào đó mà vẽ chân mày, mắt, mũi hoặc môi miệng. Đúng là một kỹ thuật tạo hình vậy. Có một số người trong đoàn muốn mua một số quà kỷ niệm, nhưng ở đây không còn bán lẻ nữa nên phái đoàn phải di chuyển sang một tiệm khác ở đối diện bên đường.

Trời bắt đầu vần vũ mưa, chúng tôi đang lo ngại nhất là những người mặc áo dài đẹp đẽ chuẩn bị vào Hoàng Cung. Cạnh đó có người Bhutan nói rằng khi tiếp đón khách quan trọng mà có mưa thì rất tốt. Theo truyền thống của Bhutan, chỉ những bậc Đại Sư mới tạo ra được khung cảnh ấy. Tôi chỉ nghe và biết vậy, chứ với tôi trường hợp này chỉ là ngẫu nhiên mà thôi.

Đến thăm trường thuốc y học truyền thống của Tây Tạng có nhiều người cũng thích, vì hợp với nghề nghiệp của mình, trong đó có đạo hữu Diệu Đông, vừa tốt nghiệp Hóa học vừa tốt nghiệp Dược, nên những danh từ y học vừa xem qua là đạo hữu hiểu rành. Những cây cỏ tại đây đa phần được tuyển chọn từ vùng Hy Mã Lạp Sơn. Các máy móc trang thiết bị tại đây hầu hết do Ấn Độ cung cấp. Cách sắp xếp tương đối sạch sẽ và ngăn nắp, có lẽ vì là một trường thuốc. Nếu môi trường ở đây mà nhiễm trùng thì quả là một đại họa cho người dùng thuốc.

Sau khi viếng trường thuốc xong, phái đoàn chúng tôi chia làm 2 nhóm. Một nhóm 8 người trở về lại khách sạn nghỉ ngơi và nhóm 11 người chuẩn bị đến Hoàng Cung để diện kiến Hoàng Hậu. Tất cả chúng tôi đều muốn đi, nhưng vì số khách có giới hạn, hoặc e rằng phải khổ công nhọc sức cho những người phục vụ, nên chúng tôi chỉ giới hạn như vậy thôi.

Thị tỳ của Hoàng Hậu đến tận khách sạn để liên lạc bằng điện thoại không dây cho biết là phái đoàn đã chuẩn bị, phái đoàn đã vào ngõ, phái đoàn đã xuống xe v.v... đúng là cung cách của Hoàng Gia. Những nhân viên Bộ Ngoại Giao cũng đã túc trực trước cửa cung và những quà biếu thì đi qua một ngõ khác để được qua máy rà kiểm soát.

Trời hôm ấy mưa nên những cây dù bây giờ trở nên đắc dụng. Khi đến cửa, chúng tôi trông thấy mọi người ở đó tất cả đều có cử chỉ rụt rè cung kính. Đây là cảm giác lần đầu khi tôi bước đến cung son này. Lễ nghi ấy chắc mọi người phải học. Người ta phải học cách ăn làm sao, nói làm sao, nhìn làm sao và nhất là cách cười phải làm sao cho chủ và khách có được một sự cảm thông. Tôi gọi đó là cung cách của triều đình.

Hôm đó Hoàng Hậu ra tận cửa để nghinh đón. Tôi đi đầu và cầm một khăn trắng để trao qua Hoàng Hậu và Hoàng Hậu chắp tay lại chào với cái mỉm cười sơ ngộ. Hoàng Hậu mặc áo quốc phục màu tím hoa cà. Trông dáng Hoàng Hậu chỉ vào tuổi ngoài 40, rất trẻ và phải nói rằng duyên dáng, dịu dàng, đẹp tự nhiên. Nhất là nụ cười mà sau này người nào cũng để ý đến. Hoàng Hậu có một nụ cười thật tươi và thật xinh.

Trước khi vào đây, tôi được các vị bên Bộ Ngoại Giao lưu ý là chắc chỉ được tiếp 15 phút mà thôi. Nghĩa là sau khi nhận quà cũng như chào hỏi là phái đoàn trở về. Nhưng hôm đó có lẽ là ngoại lệ, gần đúng 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới rời chốn cung son này.

Căn phòng khách bài trí rất hài hòa. Đầu tiên Hoàng Hậu tiếp chúng tôi ở một gian phòng khách rộng rãi đủ chỗ cho 16 người và sau khi chụp hình thì sang một phòng khác.

Căn phòng nào cũng trang hoàng bằng lụa bản xứ, từ ghế ngồi cho đến màn cửa, nhất nhất đều uy nghi, chứng tỏ uy quyền của Hoàng Đế vẫn có ở đâu đó.

Nhìn thấy cung cách chào của những người Bhutan cũng khác. Vì họ biết Hoàng Hậu của họ là ai và là địa vị gì của dân tộc Bhutan cho nên họ rất khúm núm, ngay cả những tu sĩ của họ cũng thế. Còn chúng tôi thì rất tự nhiên. Tuy cũng có giữ lễ ít nhiều vì chúng tôi biết rằng chúng tôi đang đối diện với một bậc được gọi là mẫu nghi thiên hạ.

Tôi trân trọng đưa bài diễn từ của tôi cho anh Kunzang xem trước khi đọc trước Hoàng Hậu, nên đoạn văn này có vài chỗ được thêm vào sau. Vì những người bên chính phủ, nhất là những người có trách nhiệm với EXPO 2000, họ cũng muốn Hoàng Hậu biết đến họ. Bài này do Thầy Hạnh Tấn soạn bằng tiếng Anh qua sự góp ý của tôi.

Tôi ngồi cùng ghế chánh với Hoàng Hậu và đọc một bài diễn văn ngắn với nội dung như sau:

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính thưa Hoàng Hậu Bệ Hạ và các vị Bộ Trưởng

Thưa tất cả quý vị,

Tôi thật lấy làm sung sướng được có mặt tại Vương Quốc của quý vị ngày hôm nay. Đây là một việc bất khả tư nghì của giáo lý Đức Phật. Vì chỉ thông qua mối liên hệ giữa những người con Phật mà người tỵ nạn Phật Tử Việt Nam chúng tôi tại Đức mới có thể nhận được những sự tiếp đón cao quý của Hoàng Hậu và các vị Bộ Trưởng, cũng như được tiếp đón những người thợ từ Bhutan tại chùa của chúng tôi khi họ đến Đức để xây dựng Chùa Bhutan tại khu EXPO.

Ngôi chùa Bhutan không những chỉ là một biểu tượng của Vương Quốc Bhutan mà còn là niềm tự hào của mọi người Phật Tử. Tôi rất lấy làm tiếc rằng đã không thể đích thân tiếp đón Hoàng Hậu, bởi vì tôi đã có những việc quan trọng tại Pháp, khi Hoàng Hậu đến Đức. Vì thế, tôi muốn nhân cơ hội này để nói lời cảm ơn về việc Hoàng Hậu đã thăm viếng chùa chúng tôi và về những tặng vật giá trị của Hoàng Hậu.

Ở đây tôi cũng xin cảm ơn một cách công khai những người của chính phủ đã xây dựng Chùa Bhutan tại EXPO 2000. Ngoài ra tôi cũng muốn đề cập đến ông Phuntsho và ông Kunzang Trinley là những người đầu tiên đã đến Đức và chẳng bao lâu trở thành những người bạn của cộng đồng người Việt Nam chúng tôi.

Với cơ hội này phái đoàn của chúng tôi rất hân hạnh được thăm viếng quê hương của Hoàng Hậu và tôi cũng sẽ được hướng dẫn đi thăm nhiều nơi của Bhutan, vì tôi nghe rằng có nhiều nơi và nhiều việc tốt đẹp tại quê hương này vẫn còn được gìn giữ.

Tôi biết rằng Bhutan là một quốc gia Phật Giáo, nên là người Phật Tử tôi muốn biết nhiều về hoạt động Phật Giáo tại xứ này, đặc biệt trong phạm vi giáo dục. Tôi hy vọng có thể giúp một vài việc cho những người tăng sĩ của Bhutan.

Thay mặt cho phái đoàn chúng tôi, xin chân thành cảm ơn sự tiếp đón nồng hậu của Hoàng Hậu.

Tôi nguyện cầu Đức Phật và ba ngôi Tam Bảo gia hộ cho mọi người và cho quốc gia của Hoàng Hậu đặc biệt giữ lại những truyền thống cao đẹp đó.

Trân trọng kính chào.

Namo Shakya Muni Buddha


Bản Anh ngữ như sau:

Respected Your Majesty, Ministers,

Ladies and Gentlemen:

I am really glad to be in your Kingdom today, this is due to a mystery of Buddha’s Dharma. Then only through the Buddhist connection we, the refugee Vietnamese Buddhist in Germany, were able to receive your Highness’ Ministers and to accommodate the Craftsmen in our monastery, when they came to Germany to build the Temple in the Expo ground.

The Bhutanese Temple was not just the symbol of the Kingdom of Bhutan, but also a pride of the entire Buddhist people. I extremely regret not to be able to receive your Majesty, The Queen, by myself due to an important work in France, when you were in Germany. Therefore, I would like to use this opportunity to express my thanks for visit to my monastery and for your valuable presents.

At this time, I wish to thank those officials who were responsible for the building of the Bhutanese pavilion for Expo 2000. Particular, I want to mention Mr. Phuentshok and Mr. Kuenzang Trinley, who were our partners when they came first to Germany and soon became friends to our Vietnamese community.

In this occasion my delegation and I are of great interest in visiting your country and would like to request for a guide throughout the interesting places of Bhutan. I have heard many nice things about the country and its splendid custom.

We know the Kingdom of Bhutan as a Buddhist country, and a Buddhist I also would like to know more about the Buddhist activities in Bhutan, especially in the field of education. I hope, we could be of some help to our brothers in Dharma.

In the name of the whole group I would like also to express my thanks for your kind reception.

I wish you all the blessing of Buddha and the triple Gems may always bless your country that it would remain in its extraordinary condition.

Thank you very much.


Sau khi tôi đọc xong bài diễn văn đó thì mắt Hoàng Hậu như ngời lên ánh sao và Hoàng Hậu cười thật tươi như hoa xuân đang rạng nở. Vì thế sau này mọi người mới bảo rằng: “Đúng là nụ cười Hoàng Hậu.” Tôi đảo mắt nhìn xem quý vị Bộ Trưởng và hai thầy người Bhutan ngồi xa xa phía trước, thấy họ cũng tỏ vẻ hài lòng.

Bây giờ thì chúng tôi đàm đạo thoải mái và trà nước cũng như món xôi đặc biệt được dọn lên. Hoàng Hậu hỏi chuyện từng người và Hạnh Hảo đã giới thiệu một cách không mỏi mệt. Người nào không nói rành tiếng Anh thì cũng có Hạnh Hảo thông dịch lại. Hôm ấy tôi đã thấy rõ đĩa vàng chén ngọc là gì. Tất cả đồ đem ra dọn đãi khách đều là những gì quý giá của Hoàng Gia. Mọi người đều uống trà của Bhutan và dùng xôi màu vàng có tính cách truyền thống.

Phái đoàn nói chuyện rất lâu, tôi rất sốt ruột nhìn đồng hồ và trông sang các vị trong Bộ Ngoại Giao ngồi xa phía trước đó, nhưng quý vị này ra dấu hiệu hài lòng và cứ tiếp tục nói chuyện không có gì phải lo cả. Vì Hoàng Hậu đang vui. Có lẽ nơi cung son Hoàng Hậu ít có người nói chuyện chăng? Hay với người Bhutan lúc nào cũng dạ dạ thưa thưa, khúm núm rụt rè. Còn chúng tôi một phái đoàn đến từ Âu Châu, ăn nói tự nhiên nên Hoàng Hậu không còn nghĩ đến thì giờ nữa. Nhiều lúc còn phá cười lên khi có một vài người nói lạc điệu. Ví dụ chú Hạnh Định nói tiếng Anh và giới thiệu về nước Na Uy, nơi mà chú đã có cơ hội định cư ở đó nhiều năm. Nước Na Uy về môi sinh tốt như Bhutan. Nào là có thác nước, có cảnh đẹp và cuối cùng thì chú bảo rằng: Nếu Hoàng Hậu đi sang đó thì chú sẽ là người hướng đạo cho Hoàng Hậu. Do vậy mà Hoàng Hậu cười và mọi người đều cười theo. Theo phép ngoại giao thì không nên nói những lời như thế. Vì giữa các quốc gia có giao hảo với nhau, đều có các cơ quan ngoại giao lo vấn đề này làm sao mà cho tới mình làm được việc đó.

Sau khi dùng trà nước, xôi, thì chúng tôi xin phép chụp hình chung với Hoàng Hậu. Hoàng Hậu rất tự nhiên, không có gì khách sáo cả. Nếu là người nữ thì Hoàng Hậu ngồi sát vào và còn cụng đầu gần nhau nữa. Nếu là người nam thì có một chút khoảng cách. Nếu là người Âu Châu thì Hoàng Hậu càng tự nhiên hơn.

Quà biếu hôm đó là 4 tấm tranh sơn mài lớn tạo thành tấm chắn gió để trong nhà và một hoa sen bằng pha lê tuyệt đẹp. Đây là món quà từ xa xôi mang đến để tặng Người. Một món có xuất xứ từ Đức và một món có xuất xứ từ Việt Nam chuyển sang Pháp, rồi từ Pháp sang Đức, để sau đó từ Đức bay qua Thái Lan và Bhutan. Đúng là một chặng đường dài cả mấy chục ngàn cây số.

Trước khi ra về thì Hoàng Hậu chắp tay cúi đầu và còn đem đầu mình cụng vào đầu tôi nữa. Thật là một việc làm mà tôi không ngờ, nhưng đồng thời tôi cũng không né tránh. Vì đó là việc tự nhiên. Vả lại cũng là truyền thống của Bhutan khi đã trở nên quen thuộc. Tôi có hỏi những người sau đó có làm như vậy không thì họ hỏi có chuyện ấy thật sao? Có lẽ tùy theo từng người mà Hoàng Hậu chia tay như vậy chăng? Đến nỗi sau này có lần nói chuyện tại chùa Vạn Hạnh ở Hòa Lan, Thầy Thông Trí còn bảo rằng: Thấy Thượng Tọa và Hoàng Hậu ngồi chung một ghế và được đối xử như một bậc quân vương, khiến ai thấy cũng ghen lây. Không biết điều ấy có thật không, nhưng với tôi lúc ấy tâm chẳng có gì dao động. Mà lạ thay, sau khi đi chuyến Bhutan về có nhiều người và nhiều thầy đau tim. Theo Thầy Thông Trí nói thì vì Hoàng Hậu quá đẹp cho nên ai cũng cảm. Nhưng điều ấy không phải, ai cũng đau tim vì leo núi quá cao. Nơi ở bình thường đã là cao 3.000 mét rồi. Càng leo cao hơn nữa thì không khí càng loãng hơn. Do vậy mà khó thở, chứ tuyệt nhiên không phải vì Hoàng Hậu.

Tối đó tại một khách sạn gần bên có tổ chức một buổi chiêu đãi Self-Service rất trang trọng. Đầu tiên thì nói chuyện bên lề. Sau khi mọi người đến đông đủ thì ông Thủ Tướng bắt đầu nói những lời cảm ơn phái đoàn và tặng quà lưu niệm. Hôm đó tôi cũng nói, nhưng vì không có soạn sẵn trước, nên đã phát âm sai một vài chữ, mà khiến ra nghĩa khác. Do vậy có người cười. Ngày hôm sau tôi xin lỗi ông Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa, nhưng ông ta nói rằng: Đôi khi tôi cũng vậy. Vì tiếng Anh đâu có phải là tiếng mẹ đẻ của chúng ta. Đó đúng là một câu an ủi có tính cách ngoại giao.

Ông Thứ Trưởng Ngoại Giao đến trễ và ngồi bên tay trái tôi. Còn ông Thủ Tướng thì ngồi bên tay mặt. Mọi người nói chuyện rất tâm đắc. Họ hỏi về việc gặp Hoàng Hậu ban chiều ra sao, nhưng thật ra thì họ đã biết hết rồi. Xứ Bhutan này rất nhỏ, mà thủ đô hình như cũng chỉ 30.000 dân nên đâu có nhiều hơn thành phố Laatzen ở gần chùa. Do vậy mà chuyện gì trong sân ngoài ngõ người ta cũng dễ rõ thôi. Nhiều lúc chúng tôi còn thấy họ theo dõi mình nữa là đằng khác. Vì mọi chuyện của chúng tôi làm họ đều biết cả. Kể cả những dự định chưa có làm. Đúng là “bức tường có tai” như cách ngôn Pháp đã hay dùng. Tóm lại thì cuộc ngoại giao ban chiều tại Hoàng Cung cả Bộ Văn Hóa và Bộ Ngoại Giao rất hài lòng. Còn hai Thầy bên Tôn Giáo thì dĩ nhiên là vui rồi. Vì ít khi vào đến chốn ấy, mà lần này còn ngồi chụp hình với Hoàng Hậu nữa. Quả là điều hy hữu mà có lẽ quý vị ấy cũng chẳng mong đợi.

Đồ ăn của Bhutan cũng ngon lắm, nhất là những măng tây cũng như các rau cải địa phương, nhưng ngược lại trái cây thì hiếm. Những trái chuối, trái táo rất nhỏ, trông thảm thương. Trong khi ở Âu Châu những loại như thế chỉ có bỏ, còn ở tại xứ núi đồi này là vàng, là của quý.

Mấy ngày đầu thì ai dùng cũng ngon, nhưng những ngày sau ai cũng thêm tô mì gói và những lát bánh mì ăn với mứt theo kiểu Tây phương trông có vẻ nhẹ nhàng hơn. Ở đây được một cái là núi cao, nên khí hậu rất mát về đêm. Nhiều khi cần phải sưởi nữa, nhưng không có muỗi và không có những sinh vật nhỏ ở xứ nóng như những nước Á Châu khác.

Ông Thứ Trưởng Ngoại Giao ngồi bên tôi cũng nói rằng ông đang ăn chay. Trước đây ông học tại Mỹ và cũng đã nhiều năm ăn chay như thế. Ông khoe rằng con ông còn nói được tiếng Thái và tiếng Lào nữa. Cả nhà cũng ăn chay. Do vậy khi phái đoàn đến từ Âu Châu mà ăn chay như chúng tôi, ông cũng không ngạc nhiên mấy. Có điều là họ chiên bơ hơi nhiều nên có nhiều lúc tôi rất mệt và ăn không còn thấy ngon nữa. Nhiều lúc chỉ cần chén cháo là đủ rồi. Đúng là mỗi dân tộc có một đời sống và thói quen khác nhau, chẳng ai giống ai được. Mà cái gì đã trở thành truyền thống rồi thì người ta khó thay đổi lắm, nhất là những gì mà người ta đã chấp nhận lâu đời rồi.

Ông Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao cáo từ về trước vì có tiệc khác và chúng tôi cũng như một số vị Bộ Trưởng khác thì còn ở lại lâu hơn, để cuối cùng rồi cũng phải ra về với bao niềm vui. Vì mỗi người đã trao đổi với nhau về một câu chuyện có ý nghĩa nào đó.

Buổi tiệc hôm đó do chính phủ khoản đãi nên các thực khách toàn là những người đại diện cho dân. Tuy không đông lắm, nhưng hầu như những nhân vật quan trọng tôi đều đã gặp qua. Mọi người ra về để dỗ một giấc ngủ ngon, vì ngày mai còn phải đi một chuyến xa hơn như thế nữa.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 12 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.255.198 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...