Người Việt Nam thường hay quan niệm rằng: “Sống Gởi Thác Về”. Họ chỉ nói đơn giản thế thôi. Câu nói chỉ có 4 chữ ấy bao gồm một triết lý sâu xa của Đạo Phật. Đầu tiên nói về ý niệm vô thường của cuộc sống. Sau đó cho biết cuộc sống này trước đó đã có sự sống và sau khi chết lại còn sự sống khác tiếp tục nữa.
Đức Phật đã dạy về vô thường, khổ, không và vô ngã, nhưng chấp nhận lời dạy ấy phải trải qua hàng ngàn năm người ta mới hiểu và hành trì được. Vì một triết lý cao siêu như thế không đơn giản để hội nhập vào một dân tộc chỉ trong vòng một thời gian ngắn mà có được. Vô thường, vì cuộc sống này không chắc thật, nên gọi là gởi. Chữ gởi ở đây cũng có nghĩa là tạm bợ thôi. Gởi thân này ở cõi trần thế 10 năm, 20 năm, 50 năm hay dẫu cho đến một trăm năm đi chăng nữa, cũng chỉ là một cuộc sống tạm bợ thôi, không có gì chắc thật hết. Nhưng sau khi chết, người Việt Nam nói chung và người Phật tử nói riêng đều mong muốn trở về. Vậy họ sẽ trở về đâu? Ở đây là một thế giới vô hình. Có thể về lại nguyên thỉ của đất trời vạn vật, mà cũng có thể về với Phật, với Thánh, với Tiên. Hay gần hơn nữa là về với Ông Bà Tổ Tiên.
Trong Thiền Tông có một công án hay cho các Thiền sinh phải thực tập suy nghĩ rằng: “Trước khi cha mẹ chưa sinh ra, ta là ai?” Câu hỏi này khiến cho người học đạo phải đập nát vỏ vô minh mới có thể khám phá ra chân lý được. Do vậy, người bình dân chỉ nói chung chung và hiểu tổng quát thôi, chứ không đi vào từng chi tiết cụ thể.
Mọi người Việt Nam đều quan niệm rằng có một cái gì đó trước khi cha mẹ sinh ra mình. Cho nên người Việt Nam cũng thường hay nói: Cha mẹ sinh con, trời sinh tánh. Điều ấy đúng, nhưng chữ trời ở đây dùng để chỉ cho những đấng tối cao, cao hơn trên đầu của loài người, chứ không nhất thiết phải là một vị giáo chủ của các tôn giáo khác. Họ tin rằng cha mẹ chỉ là một cái nhân tác hợp để sinh ra một người con với trọn vẹn vóc dáng, hình hài, nhưng cha mẹ chắc chắn rằng không thể sinh được tinh thần của người con. Mà cái tánh ấy, chính là sự tái sanh của một kiếp luân hồi nào đó.
Sự sống của chúng ta giống như một cái bóng đèn. Bóng đèn ấy có nhiều hình tướng khác nhau như dài, ngắn, tròn, vuông. Hoặc giả có nhiều màu sắc khác nhau và độ sáng cũng có nhiều mức độ khác nhau, nhưng đến một hôm nào đó bóng đèn này bị hư đi và màu sắc cũng phai nhạt vì trải qua thời gian năm tháng đã sử dụng. Nhìn lại thân thể của chúng ta cũng vậy, đâu có khác gì những bóng đèn kia. Có người có thân hình cao, có người thấp, có người đẹp, có người xấu v.v... nhưng tất cả đều là thân thể của một con người. Bóng đèn hư cũng có nghĩa là thân thể con người phải mất. Nhưng chắc chắn một điều là dòng điện vẫn còn tồn tại cũng như tâm thức không thể mất hẳn đi được. Vì lẽ, nếu thay một bóng đèn khác thì bóng đèn lại sáng. Cũng như thế ấy khi tâm thức va chạm với sự ước muốn của đối phương, tâm thức ấy sẽ nhập vào và trở thành cái đối tượng sẽ có tiếp tục, có thể là người, có thể là động vật, mà cũng có thể sinh ra vào những thế giới khác ngoài con người. Tất cả đều do những nguyên nhân của chúng ta đã tự tạo từ kiếp này hay kiếp trước mà thôi.
Như vậy có thể nói rõ ra rằng: Không ai tự sinh, mà cũng không ai tự diệt cả. Tất cả đều lệ thuộc vào nhân duyên của một việc hay một sự việc. Vì lẽ ấy mà cụ Nguyễn Du cũng đã diễn tả trong truyện Kiều rằng:
“Có trời mà cũng tại ta,
Tu là cội phúc, tình là dây oan.”
Ta sống ở đây giữa đất trời bao la của thế giới, ta là nhân chứng của mọi vật, ta cũng có thể cao thượng, mà ta cũng có thể yếu hèn như bao nhiêu sinh linh khác. Chỉ có con đường tu tâm dưỡng tánh mới là con đường phúc đức. Ngoài ra những chuyện tình lẩm cẩm của thế gian đều là những sợi dây oan trái cột chặt cuộc đời mình vào những nỗi khổ triền miên không lối thoát ấy. Dầu cho đó là mối tình vương giả của vua chúa hay mối tình của những kẻ lãng tử không nhà không cửa đi chăng nữa, tất cả cũng chỉ là những sợi dây oan nghiệt của cuộc sống mà thôi.
Nhưng ở đời mấy ai được toại nguyện với cuộc sống của mình? Ở bất cứ một hoàn cảnh nào, một địa vị nào trong xã hội đi chăng nữa, họ cũng không thỏa mãn. Nếu nguyện ước không thành, họ đâm ra trách trời, trách người, nhưng chưa ai tự trách mình để thấy rằng việc gì cần phải làm ngay. Bởi thế trong truyện Kiều, một tác phẩm bằng thơ dài hơn mấy ngàn câu theo tinh thần Tam giáo Phật, Lão, Khổng, cụ Nguyễn Du cũng đã kết luận như sau:
“Đã mang lấy nghiệp vào thânCũng đừng trách lẫn trời gần trời xaThiện căn ở tại lòng taChữ tâm kia mới bằng ba chữ tàiLời quê góp nhặt dông dàiMua vui cũng được một vài trống canh.”Người nào biết an phận với cuộc sống của mình và nghĩ rằng kết quả của sự sống ngày hôm nay là do chính mình đã gây tạo từ nhiều đời nhiều kiếp, thì người ấy sẽ an lạc mà tiếp tục đoạn hành trình còn lại. Nếu kẻ nào không biết chân lý này, dầu có sống trên nhung lụa, vật chất dư thừa, họ vẫn cảm thấy thiếu và thấy đau khổ như thường. Chúng ta khi gặp hoạn nạn, hay trách trời, trách người, nhưng rất hiếm người tự trách mình. Câu này có nghĩa là hãy tự quán chiếu nội tâm của mình. Phải nhìn vào bên trong mới biết mình là ai, chứ cứ nhìn mãi bên ngoài thì chỉ hiểu người khác mà sẽ không bao giờ hiểu được chính mình.
Cái căn lành ấy đã sẵn có nơi tâm của mình rồi, không nên chạy đi tìm kiếm ở nơi nào xa xôi nữa. Dầu người nào có lịch lãm trên chiến trường hay thương trường, kịch trường đi chăng nữa, đến một ngày nào đó cũng phải gác kiếm từ quan thôi. Cái tài thao lược nó có giới hạn của tuổi tác. Còn cái tâm nó lại thay đổi qua rất nhiều giai đoạn của cuộc đời, ngay cả trước hoặc sau khi sinh ra. Do vậy mà hãy lo tu sửa cái tâm này.
Nguyễn Công Trứ, một vị tướng, một nhà thơ lớn của Việt Nam sau khi thể nghiệm cuộc đời đã đưa ra được những tư tưởng sống như sau:
Tri túc, tiện túc, đãi túc hà thời túcTri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhànNghĩa là:
Biết đủ liền đủ, chờ đủ sẽ không bao giờ đủBiết nhàn liền nhàn, chờ nhàn sẽ không bao giờ nhàn.Đây là tư tưởng của Nho giáo đã ảnh hưởng vào tâm trạng của sĩ phu cũng như nhân dân Việt Nam trong cuộc sống hằng ngày. Người nào biết đủ tức biết sống. Vì sự mong cầu không bao giờ có điểm cuối cùng. Tư tưởng này của Nho gia cũng tương hợp với Phật Giáo. Do vậy mà Đạo Phật khi được truyền vào Việt Nam đã được dân tộc Việt Nam chấp nhận một cách dễ dàng. Nhìn về các xứ có đời sống vật chất tân tiến như Âu Châu và Mỹ Châu, từ đó chúng ta cũng có thể nhìn qua tận các xứ nghèo nàn của Phi Châu hoặc một phần đất của Á Châu. So sánh giữa người nghèo và người giàu, cách sống và nhân cách của con người ở những nơi ấy ra sao?
Tại Mỹ Châu và Âu Châu người ta có một cuộc sống đầy đủ về vật chất, nếu không nói là dư thừa, nhưng con người có hài lòng với hiện tại không? Mọi người đều đi tìm cái gì lợi ích hơn, sung sướng hơn, giàu có hơn, tiện nghi hơn v.v... nhưng tất cả cũng chỉ để cung phụng cho tấm thân tứ đại giả hợp này mà thôi. Trong khi đó thì tâm hồn họ hầu như rỗng tuếch. Niềm tin về tôn giáo bấp bênh, tâm trí bị rối loạn, nhiều cuộc tự sát đã xảy ra, luân lý đạo đức, học đường bị suy đồi một cách trầm trọng. Đó là cái giá phải trả khi con người sống chạy theo đà văn minh vật chất.
Nhìn về các dân tộc đói khổ khác của Phi Châu hoặc một vài nước tại Á Châu, chúng ta thấy họ khổ sở về vật chất, nhưng lúc nào trên môi của họ cũng nở một nụ cười khoan dung, độ lượng, trong khi đó tại Âu Mỹ tìm những nụ cười như thế rất là hiếm. Mặc dầu họ nghèo về vật chất, nhưng nội tâm của họ rất phong phú. Vì trong họ còn chứa cái gì đó có tính cách uyên nguyên thuộc về đất trời vạn hữu.
Người Việt Nam cũng khổ đau không thua gì các dân tộc trên thế giới. Suốt gần một thế kỷ 20 này, người Việt Nam đã bị chết bởi chiến tranh chừng 11.000.000 người, đồng thời cũng sanh ra gấp 3 hay 4 lần thư thế. Cái khổ về vật chất và cả tinh thần lại tăng lên nhiều lần hơn nữa, nhưng người Việt Nam cũng phải biết quên đi quá khứ mà sống. Nếu cứ níu kéo lại quá khứ, chẳng khác nào đi tìm một vật, biết rằng không thể nào tìm được, nhưng vẫn đi tìm. Đó là điều vô nghĩa vậy.
Trong dân gian Việt Nam cũng có một quan niệm sống rất đơn giản là: Ở hiền, gặp lành. Cũng chỉ 4 chữ như “Sống gởi thác về” như bên trên đã trình bày, nhưng đây là một triết lý sống của dân tộc. Vì nếu trong đời trước hoặc đời này ăn ở hiền lành phước đức, thì chính đời này hoặc đời sau sẽ gặt hái được những thành quả tốt đẹp về mọi mặt trong cuộc sống. Điều này cũng ứng hợp với câu “Thiện hữu thiện báo, Ác hữu ác báo” trong kinh điển nhà Phật. Nghĩa là làm việc lành sẽ được quả báo tốt và làm việc ác sẽ bị quả báo xấu.
Người Việt Nam và có lẽ mọi người trên thế giới cũng đều hiểu như thế, nhưng thực hành đúng theo lời dạy đạo đức này, mỗi dân tộc lại có cách làm khác nhau. Có người vì vô minh che khuất mà hành động một cách mù quáng để thủ lợi về mình. Có người vì áp lực phe nhóm mà phải làm những điều trái với lương tâm đạo đức, nhưng tất cả đều không qua chữ nghiệp và lòng ham muốn của con người không biết dùng đúng chỗ. Cũng may là thế gian này còn có học đường, còn có tôn giáo, còn có luật pháp. Nếu không, có lẽ thế giới này sẽ đi vào một cơn đại nạn biến thiên của lịch sử ghê gớm lắm, chưa từng thấy xảy ra.
Nhìn về quá khứ, con người sống nơi rừng sâu núi thẳm. Tuy vật chất không phát triển khả quan như ngày hôm nay, nhưng tâm hồn ai ai cũng thảnh thơi trong sáng, sống hòa hợp với thiên nhiên. Còn bây giờ cuộc sống ở thị thành quá đầy đủ tiện nghi, nhưng nhìn qua nhìn lại mỗi người đều sống trên một hải đảo cô đơn xa lạ, mặc dầu là vợ chồng, con cái sống trong một gia đình với nhau. Họ gần nhau trong gang tấc, nhưng tâm thức thì xa nhau trong muôn vạn dặm.
Trong bất cứ ngôi chùa nào của Việt Nam cũng đều có thờ ông Thiện và ông Ác. Ông Thiện có trách nhiệm phò hộ, giúp đỡ cho những người sống ngay thẳng trung trực. Ông Ác sẽ trừng trị những người sống ngoài vòng pháp luật và đạo đức. Khi mà nền văn minh nhân bản của nhân loại chưa đạt đến những sự tinh tế của luật pháp như ngày hôm nay, thì tư tưởng thưởng phạt của các tôn giáo cũng là một cán cân công lý để nghiêm trị những người không đi đúng theo con đường đạo đức.
Người Việt Nam sống một đại gia đình, nhiều khi gồm cả 5 thế hệ cùng cư ngụ dưới một mái nhà, nên gọi là ngũ đại đồng đường. Đó là ông bà cố, ông bà nội, cha mẹ, con cái và cháu chắt. Sống như thế thể hiện được một tinh thần cộng hữu và dễ cảm thông nhau hơn. Chia sẻ những khó khăn khi một thành viên trong gia đình gặp phải. Ví dụ như khi đau ốm hay bận việc.
Xã hội Á Châu, nhất là xã hội Việt Nam tất cả đều sống về nông nghiệp, nên ruộng đồng là chính. Họ tự canh tác bằng sức lao động để sống, để nuôi bản thân và gia đình. Có thể họ xem gia đình là một quốc gia thu hẹp. Nơi ấy không có tiền trợ cấp xã hội khi bị thất nghiệp hoặc tiền trợ cấp thuốc men, nhưng chính con cái của họ là một nguồn tài trợ rất dồi dào. Họ quan niệm rằng: Cha mẹ có công sinh ta ra, khi lớn lên người con ấy phải có bổn phận đi làm lụng và phụng dưỡng cha mẹ cho đến khi già khi chết và rất ít người con nào ở Việt Nam mà không lo phụng dưỡng cha mẹ. Thỉnh thoảng cũng có một số người con bất hiếu, nhưng rất hiếm thấy.
Trong khi đó các xã hội Âu Mỹ thì ngược lại. Ai cũng muốn sống riêng lẽ một nhà, một mình, một xe v.v... tất cả đều thuộc về chủ quyền riêng, ngay cả tiền bạc của vợ chồng. Con cái nuôi lớn lên đến 18 tuổi thì ra ở riêng. Tất cả đều trông chờ vào xã hội. Nếu đứa trẻ ấy biết lập thân, sẽ thành người. Nếu không, sẽ bị hư đốn và là một gánh nặng của xã hội. Đó là gánh nặng đạo đức bị băng hoại.
Các nhà tâm lý học ngày nay cũng xác nhận rằng một đứa trẻ bú sữa mẹ và một đứa trẻ bú sữa bò, khi lớn lên, tình cảm của 2 đứa trẻ này đối xử với mẹ rất khác nhau. Vì cái tình thương và nhân cách sống của mẹ chúng, ảnh hưởng lên chúng rất nhiều. Nói như thế không có nghĩa là chuộng cũ bỏ mới, mà nói ra để rút một bài học kinh nghiệm trong sự sống hằng ngày.
Nhưng đó là xã hội nông nghiệp ngày xưa, nếu trong tương lai xã hội Việt Nam phát triển về công nghiệp và đời sống nông thôn không còn coi trọng nữa, thì cái luân lý đạo đức ấy cũng chẳng khác gì các xã hội Tây Phương trong hiện tại.
Nhìn chung giữa 2 quan điểm Đông và Tây. Ở phía nào cũng có cái tích cực và tiêu cực của nó, nhưng nếu nhìn dưới nhãn quan của Phật Giáo có lẽ dễ kết luận hơn. Nghĩa là dầu sống dưới bất cứ chế độ nào, hoàn cảnh nào, mà con người không biết đủ thì người đó vẫn khổ như thường. Có thể cả 2 mặt, vật chất và ngay cả tinh thần. Ở đây xin nêu ra một câu chuyện cổ dân gian Việt Nam có liên quan đến mọi vấn đề trong cuộc sống cũng như nhân quả của Phật Giáo để người đọc có một cái nhìn cụ thể hơn.
Chuyện kể rằng:
“Có một gia đình nọ có 2 người con trai, khi cha mẹ sắp qua đời, cha mẹ gọi 2 người con đến để chia của, nhưng người anh ỷ thế mình lớn nên lấn hiếp em và giành phần lớn ruộng đất về mình, chỉ chia cho em mình một thửa đất nhỏ trên đó có một cây khế rất sai trái.
Vợ chồng người anh đã giàu có nhờ ruộng đất của cha mẹ để lại mà còn sanh tánh tham lam bỏn xẻn, nên chẳng bao lâu gia đình người anh lại còn có tiền của nhiều hơn. Trong khi đó người em an phận sống với thửa vườn của mình. Bỗng một hôm có một con chim phượng hoàng cực lớn từ đâu đến đậu trên cây khế, ăn sạch những quả khế chín. Người em thấy vậy đứng dưới gốc khế khóc than rằng: “Nhà chúng tôi chỉ có mỗi cây khế này, nếu chim ăn hết thì biết lấy gì để sống!” Phượng hoàng nghe như vậy thì vừa ăn vừa nói rằng: “Ăn một quả khế, trả một cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng.” Vợ chồng người em nghe chim nói thôi không than khóc nữa. Hôm sau, phượng hoàng lại đến ăn khế. Ăn xong, chim sà xuống đất bảo người em leo lên lưng để chim đưa đi. Phượng hoàng vượt biển xa, bay qua nhiều vùng đất lạ rồi cuối cùng từ từ đáp xuống một hòn núi, nơi đó chỉ thấy toàn là vàng bạc và kim cương, người em tha hồ chọn lựa. Sau khi nhặt đầy đủ một túi 3 gang tay, phượng hoàng lại mang người em về lại quê hương cũ.
Từ ngày ấy chàng ăn nên làm ra và giàu có hơn cả vợ chồng người anh của mình gấp bội. Một hôm chị dâu của chàng sang nhà chàng thăm chơi, mới lấy làm lạ, hỏi tại sao cậu em chồng giàu có đến thế? Người em thật thà kể lại chuyện mình giàu lên là nhờ cây khế và chim phượng hoàng. Thế là người chị dâu về bàn với chồng mình nên đem ruộng vườn nhà cửa đổi lấy lại cây khế của người em.
Năm sau, đến mùa khế chín, lại thấy phượng hoàng đến ăn. Vợ chồng người anh cũng giả vờ than khóc như người em trước đây, phượng hoàng liền nói: “Ăn một quả khế, trả một cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng.” Khi nghe vậy, người vợ nổi lòng tham liền bàn với chồng, túi chỉ 3 gang đựng sao được nhiều vàng, chúng ta nên may gấp đôi để lấy cho được nhiều.
Thế rồi phượng hoàng cũng chở người anh đi, trải qua các núi đồi trùng điệp, cuối cùng cũng đến ngọn núi có toàn là vàng bạc và kim cương. Sau khi nhặt xong những của quý này vào đầy cái túi 6 gang, chàng còn tìm cách nhét đầy quanh mình những vật quý giá này. Phượng hoàng cũng đưa người anh về lại quê xưa, nhưng vì lẽ vàng quá nhiều, bay đến nửa đường thì không đủ sức bay nữa nên đành thả rơi chàng xuống đất. Thế là chàng đã chết vì lòng tham của mình. Ở nhà, người vợ chờ chồng mãi cũng héo mòn, một ngày nọ cũng ra người thiên cổ.
Trong khi đó gia đình người em sống một cuộc sống hạnh phúc với gia tài sự nghiệp phong phú ấy.”
Đây là một câu chuyện cổ tích dân gian Việt Nam nhưng nó đượm màu sắc tôn giáo, nhất là vấn đề nhân quả. Có nghĩa là càng tham lam bao nhiêu thì càng gặt hái nhiều khổ đau bấy nhiêu. Càng an phận bao nhiêu thì cuộc sống càng được an lạc bấy nhiêu. Không tham lam ích kỷ thì kết quả sẽ không khổ đau sầu muộn. Nếu không tự chế sự ham muốn của mình thì kết quả lại rất phũ phàng.
Cũng có một số câu chuyện khác liên quan đến vấn đề luân lý đạo đức, nhằm nhắc nhở con người như sau:
Sống làm vợ khắp người taChết xuống âm phủ làm ma không chồng.”Câu trên nói về nhân của sự việc. Câu dưới nói về kết quả của sự việc. Khi còn sống, người đàn bà ấy có một cuộc sống buông thả, lẳng lơ. Lúc làm vợ người này, lúc làm tình kẻ khác, gây cho biết bao nhiêu khổ đau về sự trắc nết của mình, nhưng nào đâu có hay biết. Đến khi chết, chắc chắn thần thức không được đi lên cõi cao hơn rồi, mà phải đi xuống. Đi xuống ở đây để chỉ cảnh giới khổ đau hơn cảnh giới của loài người và cốt yếu là để trả quả của đời trước, những gì mà đương sự đã gây ra. Đó là việc không có chồng con hoặc người thân bên cạnh. Đây là một hình phạt thuộc về nhân nào quả nấy ở trần gian hay ngay cả nơi địa ngục và đây cũng là một bài học luân lý rất xứng đáng cho những người đàn bà trắc nết.
Cũng có nhiều câu chuyện nghịch lý trong cuộc sống, nhưng đó là sự thật trong bao nhiêu sự thật của cuộc đời. Đó là việc: “Cứu vật, vật trả ơn. Cứu nhơn, nhơn trả oán.” Có một câu chuyện kể rằng:
“Một người học trò nghèo đi thi không đậu, giữa đường gặp một ông Thầy tướng số. Ông ta bảo rằng: Tôi thấy tướng cậu sẽ chết yểu, chắc sống không còn bao lâu nữa đâu. Người học trò nghe vậy buồn lắm, nhưng cũng lửng thửng về nhà. Khi đi qua sông gặp một bầy kiến đang bị trôi giữa dòng nước, chàng thư sinh thấy tội nghiệp, nên vớt bầy kiến lên bờ. Đoạn trở về nhà trong vô tư và chờ ngày mãn số. Chàng chờ đến 3 tháng sau, rồi 4 tháng, 5 tháng rồi 6 tháng, nhưng thần chết cũng không đến gọi chàng đi. Chàng bèn trở lại chốn xưa gặp ông Thầy tướng số cũ. Ông Thầy ấy cũng ngạc nhiên, không hiểu làm sao chàng có thể sống mãi cho đến ngày nay. Sau đó chàng mới kể đầu đuôi ngọn ngành những việc gì chàng ta đã làm trong thời gian mấy tháng trước đó. Đúng ra số chàng phải chết, nhưng nhờ cứu thoát bầy kiến kia khỏi sự chết, mà mạng sống của chàng lại được kéo dài thêm ra. Như vậy nhờ cứu vật, mà vật đã mang lại sự sống cho mình. Trong khi cứu người mà không được phước, trái lại còn bị oan khiên nữa. Nên mới có câu “Làm ơn mắc oán” là thế đấy. Ví dụ như giữa Thúy Kiều, Từ Hải và Hồ Tôn Hiến là một bằng chứng rất hùng hồn về việc này.
Kiều vì nghe lời khuyên của Hồ Tôn Hiến buộc Từ Hải phải về với triều đình để được yên thân và Kiều thấy có lý và chỉ nghĩ đơn thuần là khi Từ Hải về hàng với triều đình thì mọi việc sẽ êm đẹp, nhưng đâu có ngờ Kiều đã mắc mưu Hồ Tôn Hiến. Cuối cùng thì Từ Hải đã bị chết oan và thân phận của Kiều cũng ba chìm bảy nổi nơi sông Tiền Đường.
Cũng có nhiều cách sống khác mà người Việt Nam vốn xem trọng danh dự hơn là của cải và ơn nghĩa đối với họ là một phần quan trọng trong cuộc sống đạo đức hằng ngày nên mới có câu: “Người làm ơn nên quên, kẻ chịu ơn nên nhớ.” Nếu đã làm phước giúp người, cứu người ra khỏi cảnh khổ đau thì hãy nên quên đi những gì đã làm. Vì đó chỉ là hành động “Thi ân bất cầu báo”. Trong khi đó kẻ chịu ơn được cứu mạng có bổn phận phải ghi nhớ suốt đời. Ở Á Châu đặc biệt là ở Việt Nam người ta không trả ơn bằng tiền bạc, bằng một bó hoa để cảm ơn, bằng một tấm thiệp như Âu Mỹ, mà là một cách sống. Nhân cách sống ấy phải phù hợp với văn hóa và đạo đức của dân tộc Việt Nam. Vì lẽ ấy mà cũng đã có nhiều câu ca dao từ Phật Giáo mà thành hình như:
“Dầu xây chín đợt phù đồKhông bằng làm phước cứu cho một người”“Chín đợt phù đồ” ở đây được hiểu là một ngôi tháp chín tầng. Nếu xây được một ngôi chùa, ngôi tháp nguy nga đồ sộ như thế nhưng không cứu được một người qua cơn đói khổ, chết chóc thì công đức xây chùa ấy không bằng công đức của việc cứu người. Vì lẽ mạng sống của con người quan trọng hơn tài sản của cải gấp ngàn vạn lần.
Mọi người ai ai cũng sợ rằng sau khi chết sẽ đi vào chỗ xấu xa, tội lỗi, nên khi còn sống ai cũng cố gắng làm những việc phước đức. Vì “hùm chết để da, người ta chết để tiếng” là vậy. Cọp beo, hổ sói là những loài thú vật hung dữ, nên khi chết bị người ta lột da để trang trí hay làm ghế ngồi v.v... Còn người ta, nếu lúc còn sống mà ăn ở ác đức với con cháu, xóm giềng thì khi chết không ai tiếc thương, lại còn bị chửi bới, nguyền rủa nữa. Tiếng tốt thì ít ai biết đến. Nếu có biết cũng mau quên đi, nhưng tiếng xấu thì muôn đời vẫn còn bị nguyền rủa. Vì vậy nên trong dân gian Việt Nam cũng có câu:
“Tiếng lành đồn gầnTiếng dữ đồn xa”là vậy. Việc tốt dầu làm suốt đời cũng không đủ. Còn việc xấu, chỉ lỡ lầm một chút tội lỗi thôi, là ta có thể sa vào địa ngục rồi.
Cũng có nhiều người nghĩ rằng khi sống phải nhờ vào nhà cửa mà cư trú, nhưng khi chết phải là nấm mồ. Vì vậy có nhiều người Việt Nam giàu có đã xây nhiều ngôi mộ lớn như ngôi nhà lúc còn sống. Vì họ nghĩ rằng: Chết chưa phải là hết, mà chết mới chỉ là một sự nghỉ ngơi mà thôi. Do vậy mà khi chết người thân cũng còn cúng giỗ những đồ ăn, đồ uống cho người chết mà lúc còn sống họ hay thích những món đó. Nhưng cũng có nhiều người muốn che miệng thế gian, nên khi chết thì cúng kiếng rất linh đình. Còn khi sống thì đối xử với cha mẹ rất tệ bạc. Bởi vậy nên miệng đời mới mai mỉa rằng:
“Sống không cho ănChết làm văn tế ruồi”Lúc sống mới là quan trọng, nếu làm con, biết hiếu đễ, phụng dưỡng cha mẹ, ấy mới là điều hiếu thảo, tốt đẹp. Nếu để chờ cho cha mẹ chết mới khóc lóc kể lể, làm đám ma cho lớn. Điều ấy không có ý nghĩa nào cả. Đối với người chết đã không hưởng được gì, mà đối với người còn sống, họ thấy rằng, làm như thế cũng chỉ để “che mắt thế gian” là cùng.
Mọi người bình dân Việt Nam, không nhất thiết phải là một Phật tử, đều quan niệm rằng: Sự sống là một cái gì hiển nhiên, nhưng sự chết là một cái gì còn tồn tại. Bởi vậy cho nên cụ Nguyễn Du đã nói trong truyện Kiều rằng:
“Thác là thể phách, còn là tinh anh”
là vậy. Thể phách đây chính là thân xác này. Thân xác này được cấu tạo bởi bốn chất lớn. Đó là đất, nước, gió và lửa. Bốn sự hòa hợp này đến một lúc nào đó cũng phải tan rã. Đất trả về cho đất. Nước trở lại với sông hồ, ao biển. Gió trở lại với thiên nhiên và lửa trở lại với hơi ấm.
Nhưng còn một cái gì đó linh thiêng hơn nữa. Đó là tâm thức hay linh hồn. Cái này sẽ còn mãi. Còn mãi không có nghĩa là linh hồn bất tử, mà còn mãi vì lẽ tâm thức ấy sẽ luân chuyển trong 6 nẻo luân hồi để đi đầu thai trong vòng lục đạo, ở cõi cao hơn hoặc thấp hơn. Do vậy mà mỗi khi cúng bái, người còn sống hay đứng trước bàn thờ người chết vái rằng: Xin ông (bà, cô, dì v.v...) sống khôn thác thiêng, về đây phù hộ cho gia đình con cháu được mạnh giỏi làm ăn v.v... Như vậy quả thật đã chết, nhưng vẫn còn sống. Vì chính người chết ấy còn có bổn phận phải trở lại chăm sóc cho gia đình ở phần tâm linh kia mà. Chắc chắn là vậy. Vì lẽ trong “Liễu sanh thoát tử “ của Phật Giáo cũng đã diễn tả rất rành rẽ về những trạng thái trước khi chết, trong khi chết và sau khi chết. Tâm thức ấy vẫn còn quyến luyến với gia đình, thân nhân, bằng hữu. Do vậy mà ở Á Châu, đặc biệt ở Việt Nam ít có người nào tổ chức mừng sinh nhật của mình, mà gia đình thường hay tổ chức ngày cúng kỵ của cha mẹ hay anh em hằng năm để con cháu có cơ hội nhớ lại cội nguồn. Đây có lẽ cũng là một điểm dị biệt to lớn đối với Âu Mỹ. Vì lẽ người Á Châu, đặc biệt là người Việt Nam tin có luân hồi và tái sanh, nên không coi trọng ngày sanh, mà rất trân quý ngày mất của thân nhân mình. Bằng chứng là có nhiều người Á Châu khi bị hỏi sinh ngày nào tháng nào năm nào, họ chỉ đoán chừng là năm đó tháng đó ngày đó, không chắc chắn lắm. Có thể nhiều người Âu Mỹ nghĩ rằng bị chiến tranh loạn lạc, hoặc giả tại quê nhà không có lịch, nên cha mẹ không biết ngày sanh của con cái mình. Điều ấy chưa hẳn đúng. Vì lẽ trong gia đình có bao nhiêu ngày giỗ, từ tháng giêng đến tháng chạp, họ đều nhớ rất rõ ràng là thân nhân của họ mất vào ngày mấy tháng mấy năm mấy.
Ngược lại ở Âu Châu, người ta xem trọng ngày sinh nhật, đãi đằng tiệc tùng rất to lớn. Đám tang cũng thế, nhưng sau khi chết rồi, ít có gia đình nào lo cho người chết đến 100 năm, nhưng ở Việt Nam thì có đấy. Vì mỗi năm đều có cúng giỗ ông Tổ, ông Cố cho đến đời con, đời cháu, đời chắt, đời chít. Do vậy mà có thể kéo dài hàng trăm năm sau khi chết. Còn ở Âu Mỹ có lẽ người ta tin rằng người chết đã đi về Thiên Đàng hay đã đi vào một nơi khác, nên họ đã chẳng thờ người chết, như người Việt Nam vẫn đang thờ.
Cũng có nhiều cặp vợ chồng sống rất hạnh phúc bên nhau nên hay thề thốt rằng:
“Sống đồng tịch đồng sàngChết đồng quan đồng quách”Khi sống ngồi chung nhau một ghế, nằm chung nhau một giường, thì khi chết cũng nên đồng một quan tài và đồng một huyệt mộ. Nói là nói vậy, chứ không biết có được bao nhiêu cặp vợ chồng hạnh phúc như thế. Nhiều người khi mới yêu nhau thì thương nhau thắm thiết. Trong khi thương yêu nhau, dầu cho chuyện gì có xấu xa xảy ra trong cuộc sống cũng nói “một sự nhịn chín sự lành”, nhưng thời gian lâu ngày sống chung đụng với nhau, sanh ra nhiều tật xấu, khiến cho cả 2 bên đều không chịu đựng nổi, một ngày nào đó phải đưa nhau ra tòa. Khi ra tòa ly dị, chẳng có bên nào nói được cái tốt của bên kia cả, mà tất cả chỉ đổ lỗi cho nhau và nói tất cả những cái xấu của nhau ra giữa công chúng để được phân giải. Điều ấy thật mâu thuẫn với những gì đã giao ước lúc ban đầu. Kể cũng thật là tội nghiệp cho một kiếp nhân sinh. Tại sao con người đó, hình hài đó, mà qua thời gian chung sống đã đi đến những đổ vỡ khó hàn gắn như vậy. Ở đây có thể giải thích cho chữ nghiệp và nhân duyên có lẽ dễ hiểu hơn. Còn duyên thì sống chung đụng với nhau, hết duyên thì đường ai nấy đi vậy.
Ở Á Châu ngày xưa trong đó có Việt Nam, các tòa án chưa được hình thành thì làng xã và miệng đời cũng là một quan tòa rất trung thực. Do vậy mà nhà nào có chuyện gì cơm không lành, canh không ngọt thì phải “đóng cửa dạy nhau”, chứ ít ai dám làm cho gia cương xào xáo như xã hội văn minh ngày nay.
Vua Lê Thánh Tôn, một ông vua rất hiền đức, hay giả dạng nông dân để ra đồng thăm dân chúng làm việc và theo dõi cách sống của nhân dân có hài lòng không khi sống dưới sự trị vì của ông vào thế kỷ 16. Ông có để lại một bài thơ bất hủ nhan đề là: “Miếu Vợ Chàng Trương”. Ở đây chúng ta có thể theo dõi câu chuyện này qua bài thơ Đường luật sau đây:
“Nghi ngút đầu gành tỏa khói hươngMiếu ai như miếu vợ chàng TrươngNgọn đèn dầu tắt đừng nghe trẻLàn nước chi cho lụy đến nàngChứng quả có đôi vầng nhật nguyệtGiải oan chi mượn đến đàn tràngQua đây mới biết nguồn cơn ấyKhéo trách chàng Trương khá phụ phàng.”Câu chuyện này được diễn lại bằng văn xuôi như sau: Ở một làng quê nọ, người chồng nghe theo lệnh vua nên đã ra đi tòng quân nhập ngũ, giúp vua ổn định cõi bờ. Khi ra đi thì vợ mình mang thai, nhưng chàng không biết. Đứa con ở nhà được sinh ra và khi lớn lên một hai tuổi nó bắt đầu hỏi đến bố của nó ở đâu, thì mẹ nó thường hay chỉ cái bóng của mình in lên vách mỗi đêm khi ánh đèn dầu soi rọi lên và đứa trẻ cũng yên trí rằng: Bố mình chỉ có tối mới về chứ ban ngày thì không có.
Sau một thời gian chinh chiến tạm yên, người chồng trở về tìm lại vợ xưa thì biết rằng nàng đã sinh ra cho mình một mụn con trai, chàng mừng quá mới a sầm tới con và xưng là bố đã về. Đứa con nhanh nhẩu đáp: Bố tôi không có ban ngày, chỉ ban đêm mới đến thôi. Khi nghe như vậy người chồng tỏ vẻ nghi ngờ vợ mình và đã thổ lộ tâm tư qua những lời nặng nhẹ làm cho nàng phải tủi hổ và không biết giải thích làm sao cho chàng hiểu, nên đã tìm cái chết, nhảy xuống sông tự tử.
Đêm hôm sau chàng ngồi ôm con dưới ánh đèn dầu, buồn bã ru con thì đứa con chợt nhìn lên vách và qua ánh đèn dầu soi tỏ, gọi ảnh trên tường là Bố con đã về rồi đó. Lúc ấy người chồng mới vỡ lẽ, thì than ôi, người vợ đã chết rồi. Vì thế vua Lê Thánh Tôn mới có ý trách người chinh phu là vậy. Nếu chàng hiểu biết thì phải hỏi cặn kẽ thực hư nơi người vợ và người vợ, có lẽ là một người đàn bà Việt Nam, biết chịu đựng và hy sinh hạnh phúc của mình cho chồng và không muốn cho chồng hiểu mình là người thay lòng đổi dạ, nên mới chọn cái chết để giải quyết sự việc. Chuyện kể này trong dân gian Việt Nam gọi là: “Thiếu Phụ Nam Xương” và đã được diễn tả thành kịch cũng như cải lương, ai xem cũng chạnh lòng. Nhưng có phải chết là xong đâu? Vì còn bao nhiêu vấn đề khác còn lại mà người chồng kia phải giải quyết, như phải nuôi con cho khôn lớn và ai lo gia nghiệp cho mình đây, khi mà trong gia đình không có bóng dáng của một người đàn bà?
Xét lại người đàn ông kia cũng tệ bạc nữa. Vì lẽ không biết tâm lý của người vợ một chút gì cả. Mặc dầu đã sống với nhau được một mụn con rồi. Nếu cả 2 bên đều có sự giải thích và hội ý với nhau, làm gì có xảy ra chuyện ấy, mà vợ chồng sẽ đoàn viên vui vẻ dưới một mái ấm gia đình có con cái quây quần.
Đây là một câu chuyện xưa xảy ra tại Việt Nam cách đây hơn 400 năm về trước. Không biết trong hiện tại một việc tương tự như vậy xảy ra người chồng hay vợ phải giải quyết như thế nào, chứ chắc chắn rằng chết để thủ tiết như người xưa thì không còn nữa. Ở đây, cái nhân phẩm và giá trị đạo đức của con người trong xã hội nó cao hơn bất cứ tài sản của cải nào mà con người hiện có.
Cái tư cách của con người trong khi sống mới là điều đáng quý. Vì vậy mà tục ngữ Việt Nam cũng có câu:
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”
hay:
“Ăn cây nào, rào cây ấy”
Vì không có người trồng cây thì làm sao chúng ta có được quả ngọt ngày hôm nay. Khi ăn chúng, phải nhớ công người trồng ra chúng và ở trong một môi trường nào, một xã hội nào đi chăng nữa, phải luôn luôn bảo vệ cho gia đình mình, cho dân tộc mình và nhất là cho quốc gia, xã hội. Đây là một tinh thần cộng đồng rất quan trọng mà trong các xã hội đang phát triển như Việt Nam cần phải tôn trọng cũng như gìn giữ.
Đạo đức không là một lâu đài nhiều tầng, nhưng một cuộc sống thiếu đạo đức thì cuộc sống đó vô nghĩa. Vì con người không phải chỉ sống với gạo cơm, quần áo mà còn phải sống cho có tình có nghĩa với gia đình, với xóm làng và với cộng đồng trong xã hội nữa. Xã hội ngày nay đã khác xa xã hội ngày xưa rất nhiều rồi, nhất là về các quan điểm sống, chết, hôn nhân, tôn giáo, cưới hỏi, ma chay, tiệc tùng v.v... Nhưng nếu không có cái cũ thì sẽ không bao giờ có cái mới. Vì người xưa vẫn thường nói rằng: “Giấy rách phải giữ lấy lề” mà. Sách không đẹp, mặc cho sách, nhưng gáy sách và lề sách nên giữ lại. Vì lẽ nếu không có những trang chữ a, b, c bắt đầu, thì người học trò không thể trở thành sinh viên, tiến sĩ, bác sĩ được. Muốn vậy phải: “Uống nước nhớ nguồn.” Nếu không như thế thì con người không còn là một con người thuần túy nữa. Đã là người Việt Nam, nhất là một người Phật tử phải mở rộng tầm mắt và sự hiểu biết để chấp nhận mọi người, mọi loài dưới dấu hiệu tình thương của chư Phật và chư vị Bồ Tát thì mọi việc sẽ trở lại hiền hậu hơn cũng như ý nghĩa hơn. Ngay cả sự sống cũng như sự chết.