Để có đôi mắt đẹp, hãy chọn nhìn những điều tốt đẹp ở người khác; để có đôi môi đẹp, hãy nói ra toàn những lời tử tế, và để vững vàng trong cuộc sống, hãy bước đi với ý thức rằng bạn không bao giờ cô độc. (For beautiful eyes, look for the good in others; for beautiful lips, speak only words of kindness; and for poise, walk with the knowledge that you are never alone.)Audrey Hepburn
Người vấp ngã mà không cố đứng lên thì chỉ có thể chờ đợi một kết quả duy nhất là bị giẫm đạp.Sưu tầm
Những ai có được hạnh phúc cũng sẽ làm cho người khác được hạnh phúc. (Whoever is happy will make others happy too.)Anne Frank
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Ngu dốt không đáng xấu hổ bằng kẻ không chịu học. (Being ignorant is not so much a shame, as being unwilling to learn.)Benjamin Franklin
Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng người khác. (If you want to go fast, go alone. If you want to go far, go together.)Ngạn ngữ Châu Phi
Khi gặp chướng ngại ta có thể thay đổi phương cách để đạt mục tiêu nhưng đừng thay đổi quyết tâm đạt đến mục tiêu ấy. (When obstacles arise, you change your direction to reach your goal, you do not change your decision to get there. )Zig Ziglar
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Thành công có nghĩa là đóng góp nhiều hơn cho cuộc đời so với những gì cuộc đời mang đến cho bạn. (To do more for the world than the world does for you, that is success. )Henry Ford
Hạnh phúc và sự thỏa mãn của con người cần phải phát xuất từ chính mình. Sẽ là một sai lầm nếu ta mong mỏi sự thỏa mãn cuối cùng đến từ tiền bạc hoặc máy điện toán.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tường giải kinh Duy-ma-cật »» CHƯƠNG 13. PHẨM PHÁP CÚNG DƯỜNG »»

Tường giải kinh Duy-ma-cật
»» CHƯƠNG 13. PHẨM PHÁP CÚNG DƯỜNG

Donate

(Lượt xem: 1.071)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tường giải kinh Duy-ma-cật - CHƯƠNG 13. PHẨM PHÁP CÚNG DƯỜNG

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Y GIÁO PHỤNG HÀNH

CHÂN CÚNG DƯỜNG

KINH VĂN

Bấy giờ, Thích-đề Hoàn-nhơn ở trong chúng bạch Phật rằng: Con dù theo Phật và Văn-thù-sư-lợi nghe nói trăm nghìn thứ kinh mà chưa từng nghe kinh điển bất khả tư nghị tự tại thần thông quyết định thật tướng. Như con hiểu nghĩa lý của Phật nói, nếu có chúng sanh nào nghe kinh pháp này mà tin hiểu, thọ trì, đọc tụng thì quyết được pháp này không nghi. Huống chi đúng như lời nói mà tu hành, thời người đó ngăn bít các nẻo ác, mở cửa lành, thường được chư Phật hộ niệm, hàng phục ngoại đạo, dẹp trừ ma oán, tu đạo Bồ-đề, an ở đạo tràng, noi theo dấu vết thật hành của Như Lai.

Phẩm này và phẩm sau là phần lưu thông của bản kinh, vì lý do này bản Phạn văn chỉ có một phẩm cuối, bao gồm cả hai phẩm Pháp Cúng Dường và Chúc Lụy của các bản Hán văn. Truyền bá từ lúc trước cho đến về sau, gọi là lưu. Quảng bá sâu rộng, không chướng ngại, là thông. Phẩm này các bản Hán cùng có tựa là Pháp Cúng Dường.

Kinh Hoa Nghiêm viết: “Thiện nam tử! Trong sự cúng dường, cúng dường pháp là tối thắng. Cách cúng dường đó là: như lời dạy mà tu hành, làm lợi ích chúng sanh, nhiếp hóa chúng sanh, thay chúng sanh chịu khổ, siêng tu căn lành, không bỏ sự nghiệp Bồ Tát, không rời bồ-đề tâm.”

Muốn làm đúng lời Phật dạy, trước hết phải hiểu thấu rõ ràng minh bạch, kế là y giáo phụng hành, theo chỗ hiểu mà tu, tu để trưởng dưỡng chỗ hiểu. Làm lợi ích chúng sanh là quảng bá Phật pháp, ví như mồi châm ngọn đèn pháp bảo lan truyền vô tận khắp pháp giới. Làm được như thế là hợp với bổn nguyện của chư Phật, được ba thứ tự tại là tâm tự tại, tuệ mạng tự tại và thân mạng tự tại. Tiến hơn nữa là nhiếp thọ chúng sanh; dùng thân giáo, ngôn giáo, ý giáo tiếp cận chúng sanh để giúp đỡ, hướng dẫn hoặc đồng hành trên đường tu. Thay chúng sanh chịu khổ là bằng cách nào đó chia sẻ nỗi đau khổ chúng sanh đang chịu đựng, như bố thí, san sẻ tài vật, hoặc để chúng sanh trút mọi phiền não vào mình. Siêng tu thiện căn là phương pháp cụ thể lúc nào cũng áp dụng trong pháp cúng dường, vì đó là gốc lành thành tựu sự tu, cần phải luôn tưới tẩm. Thiện căn đó chính là 11 thiện tâm sở mà Tướng tông có nói. Siêng tu là tinh tấn. Tinh là chuyên nhất, thuần không tạp. Tấn là tiến bộ. Do chuyên nên tiến bộ. Không bỏ sự nghiệp Bồ Tát là luôn hoằng pháp lợi sanh. Không rời bồ-đề tâm là luôn giữ chánh niệm tỉnh giác từng sát-na, luôn quan sát điều phục thân tâm. Trong các sự cúng dường, cúng dường pháp là thù thắng nhất vì chư Phật ba đời đều tôn kính pháp, vì pháp là phương tiện đưa chúng sanh tới giải thoát. Cúng dường pháp phải không gián đoạn, niệm niệm trải khắp thân khẩu ý; là theo chiều dài của thời gian vô tận. Cúng dường pháp là cúng dường tất cả chúng sanh trong pháp giới, vì mỗi chúng sanh là một vị Phật; đó là cúng dường theo chiều rộng của không gian vô cùng.

Bấy giờ, Thích-đề Hoàn-nhơn (Śakra Devānāmindra), còn gọi là Đế thích, từ trong chúng bước ra thưa thỉnh Phật là mở đầu cho phẩm kinh. Đế thích là vua cõi trời Đao-lợi và là một trong những vị đại hộ pháp của Phật pháp. Cuối phẩm trước là lời tán thán của Xá-lợi-phất đại diện cho trí tuệ đệ nhất trong hàng tăng chúng. Ở đây, Đế thích đại diện cho hàng cư sĩ có đại phước báo. Gọi là đại vì phước báo ấy lớn hơn rất nhiều so với phước báo của vị thiên chủ. Đại phước báo đó là cơ duyên nghe được kinh điển bất khả tư nghị tự tại thần thông quyết định thật tướng chưa từng có này.

Lúc Phật thành đạo, ngài quán sát căn cơ chúng sanh khó mà hiểu được đạo pháp nhiệm mầu, phân vân muốn im lặng. Thiên đế và chư thiên các tầng trời hiện thân thỉnh Phật vì chúng sanh mà chuyển pháp luân. Chấp thuận lời thỉnh cầu đó, và để hợp căn cơ chúng sanh, Phật phương tiện khai mở thời A-hàm. Nay căn cơ chúng sanh đã thuần thục, sẵn sàng tiếp nhận pháp Đại thừa, nên mới có việc cư sĩ Bảo Tích hỏi về hạnh Bồ Tát trang nghiệm tịnh độ và việc Xá-lợi-phất khởi nghi để Phật hiện quốc độ thanh tịnh. Những sự kiện đó là lòng khát ngưỡng của chúng sanh đang chín muồi, là cơ duyên cho Duy-ma-cật triển khai đại pháp chưa từng có. Từ đây có thể nói kinh này do Duy-ma-cật tiên phong mở đầu cho các kinh Phương đẳng. Đế thích là một trong hàng cư sĩ đầu tiên nghe kinh Đại thừa do chính Duy-ma-cật cũng là một cư sĩ thuyết. Vai trò của cư sĩ trong Phật sử đã xác định rõ ràng, đây là điểm ít người lưu ý tới.

Lời tán thán của Đế thích bao gồm đủ ý nghĩa của bản kinh. Bất khả tư nghị là lý thậm thâm. Tự tại thần thông là sự diệu dụng. Quyết định thật tướng là cứu cánh. Kinh điển là phương tiện. Quả thực thế, từng câu từng chữ trong kinh đều viên mãn ý nghĩa thù thắng. Khuy Cơ tán thán: “Tự tại tức là thần thông, là sự thù thắng. Quyết định thật tướng tức là lý thù thắng, cũng là hai thù thắng tự lợi và lợi tha. Đây là sở thuyên, kinh là năng thuyên.”

Năng thuyên là Duy-ma-cật thuyết. Sở thuyên là nội dung kinh. Chỗ thuyết của Duy-ma-cật có đúng như pháp không là do Phật ấn chứng. Chỗ Phật ấn chứng có thể thấy rất rõ trong lời của Đế thích: Như con hiểu nghĩa lý của Phật nói. Đó là nghĩa lý liên hệ với bản kinh, tức là những nghĩa Phật nói ở phẩm Phật quốc, phẩm Phương tiện, phẩm Hạnh Bồ Tát, và phẩm Thấy Phật A-súc.

Ở phẩm Phật quốc, nghĩa lý đó là tùy kỳ tâm tịnh tắc Phật độ tịnh và tất cả chúng sanh là cõi Phật của Bồ Tát; tức nói nguyên tắc là sự. Ở phẩm Phương tiện, nghĩa đó ẩn trong lời giới thiệu trí tuệ, công đức và hạnh nguyện của Duy-ma-cật với hội chúng; tức nêu điển hình, gương mẫu của sự. Ở phẩm Hạnh Bồ Tát là Phật sự và pháp môn Tận, Vô tận giải thoát; tức nói lý thâm nhập sự. Ở phẩm Thấy Phật A-súc, Phật xác nhận muốn được cõi Phật nên học cái đạo của đức Vô Động Như Lai; chỉ ra sự ở vạn pháp là phương tiện hành nguyện của pháp thân. Do đó kinh này chủ về sự, lấy cư sĩ tại gia làm đối cơ, tuyệt nhiên không có chút gì so sánh các thừa giáo. Cần thấy rõ điều này thì cách hiểu kinh văn sẽ không sai lạc. Trong kinh này, Phật nói không nhiều, nhưng đó là tất cả tinh túy của bản kinh được đúc kết thành thực tiễn hành sự.

Kinh là do Duy-ma-cật thuyết; pháp là Phật chỉ bày cách làm có liên hệ chặt chẽ với chỗ thuyết của Duy-ma-cật. Nếu có chúng sanh nào nghe kinh pháp này mà tin hiểu, thọ trì, đọc tụng thì quyết được pháp này không nghi tức nhất định sẽ thành tựu. Kinh văn nói: quyết được pháp này không nghi, là trên quả mà nói. Bản Huyền Trang dịch là: người đó chắc chắn là pháp khí, không nghi ngờ gì cả; đây là trên nhân mà nhận định. Đoạn kinh văn tiếp theo là nói quả đức của y giáo phụng hành, chính là xác quyết điều kiện của thành tựu là lý sự viên dung; chẳng phải là nhà học giả nghiên cứu sâu xa Phật pháp mà trong sinh hoạt đời sống hằng ngày của riêng mình lại không ở vạn sự mà làm như Phật sự.

Nếu thực sự làm được như lời nói, quả đức không sao kể xiết. Người như thế sẽ do liễu biệt thiện ác mà ngăn bít các nẻo ác, hướng dẫn chúng sanh không rơi vào tam đồ bát nạn; mở cửa lành tức ngũ thừa: nhân, thiên, Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát làm phương tiện vào nhất thừa Phật đạo. Nói như Tăng Triệu, ngăn chặn cái ác là chỉ, thông lối điều lành là hành thiện; tức là tu chỉ quán, đắc tam-muội, tâm thường giác, gọi là thường được chư Phật hộ niệm. Được Phật hộ niệm đây còn là không bỏ sự nghiệp Bồ Tát, không rời bồ-đề tâm, như Kinh Hoa Nghiêm ghi bên trên.

Trong pháp cúng dường có bảy điều như Kinh Hoa Nghiêm nói ở trên, năm điều trước là sự hành, hai điều sau là tâm niệm không bỏ Bồ Tát nghiệp và không lìa tâm bồ-đề. Do tâm ý làm chủ việc làm nên ở quả đức, trí liễu biệt thiện ác và tâm được chư Phật hộ niệm được nói đến trước, các việc phục ma, trừ oán, tu đạo nói sau. Ngoại đạo bị hàng phục, là tà luận dị thuyết do chấp trước phân biệt, cũng dụ như cảnh trần bên ngoài. Ma oán bị dẹp trừ chính là vọng tâm bên trong. Sửa đổi chuyển hóa thân tâm là tu đạo bồ-đề, giác ngộ vạn pháp tức Phật pháp nên không đâu không là đạo tràng tu học, không gì không là dấu tích hiện thân của chư Phật điểm hóa cho chính mình. Tu đạo bồ-đề là nhân, an ở đạo tràng là hạnh, noi theo dấu vết thật hành của Như Lai là quả; ở quả mà vẫn lưu lại việc làm.

CÔNG ĐỨC CỦA Y GIÁO PHỤNG HÀNH

KINH VĂN

Bạch Thế Tôn! Nếu có người thọ trì, đọc tụng, đúng như lời nói tu hành, con sẽ cùng các quyến thuộc cúng dường hầu hạ. Ở nơi tụ lạc, thành ấp, núi rừng, đồng nội, chỗ nào có kinh này, con sẽ cùng các quyến thuộc đồng đến chỗ đó nghe thọ kinh pháp. Những người chưa tin, sẽ làm cho họ sanh lòng tin, người đã tin rồi, chúng con sẽ ủng hộ.

Phần lưu thông của các kinh điển Phật giáo thường có chư thiên, chư long thần hộ pháp bước ra từ hội chúng phát nguyện bảo hộ kinh và ủng hộ người thọ trì như pháp. Chư vị hộ pháp nguyện âm thầm bảo vệ người đúng như lời nói tu hành, bảo đảm họ có cuộc sống đầy đủ để vững tâm tiến tu. Những bậc chân tu không cầu mà vẫn được chư vị ẩn thân bảo hộ. Nơi nào có kinh này và người truyền bá kinh đều an ổn. Nơi nào kinh này đang được tuyên thuyết, chư vị hộ pháp sẽ cùng các quyến thuộc đồng đến chỗ đó nghe thọ kinh pháp. Tại sao? Vì chư vị muốn làm gương mẫu thu hút chúng sanh cùng đến để cùng tiếp nhận nghĩa kinh mà được lợi lạc lớn.

Đại sư Đạo Tuyên (596-667), được xem là sơ tổ Luật tông Trung Hoa, chuyên tu giới luật nghiêm minh, ngày ăn một bữa, oai nghi vẹn toàn, đạo cao đức trọng, cảm ứng được vị trời Lục Huyền Sướng ngày ngày hiện thân cúng dường. Một đêm nọ, ở chùa Tây Minh, sư đang đi chợt vấp phải bậc thềm suýt ngã bỗng từ đâu xuất hiện một thiếu niên chạy đến đỡ lấy nên vô sự. Sư hỏi ra thì mới biết đó là Na Tra thái tử, con của Bắc Đẩu thiên vương lâu nay vẫn âm thầm hộ trì bảo vệ mình. Một hôm, đại sư Khuy Cơ có việc đi ngang và ghé thăm Đạo Tuyên, và hôm đó sư chẳng thấy vị trời thường hay cúng dường bữa ăn đâu cả. Hôm sau, khi ngài Khuy Cơ đã rời đi, vị trời kia hiện đến và cáo lỗi. Sư hỏi ra thì mới biết là do có Khuy Cơ là vị nhục thân Bồ Tát nên vị trời kia không thể đến gần được vì hào quang của Bồ Tát và sự hiện diện của các thiên thần hộ pháp ngăn cản.

Được cúng dường hầu hạ là thân đầy đủ bình yên. Cùng nghe thọ kinh pháp là tâm an lạc. Chúng sanh y giáo phụng hành là nhân cúng dường Phật thì sẽ được quả là thân tâm an lạc. Do thân tâm an lạc mà chẳng thiếu chẳng lo, như thế sẽ khiến người khác thuận theo sanh lòng tin là bước đầu phát đại tâm vô thượng.

Nguyện bảo hộ của Đế thích cũng là cúng dường pháp; chính là để quảng bá lưu thông kinh này, tức truyền trao Phật tri kiến cho chúng sanh. Đạo Sinh nói: “Kinh nói Phật tuệ, thì tuệ ở nơi kinh. Kinh đã có tuệ thì đó là pháp thân Phật.”

KINH VĂN

Phật nói: Hay thay! Hay thay! Thiên đế! Như lời ông nói, ta sẽ giúp cho ông được vui thêm. Kinh này rộng nói đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác bất khả tư nghị của chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai. Vì thế Thiên đế, nếu có gã thiện nam, người thiện nữ thọ trì, đọc tụng, cúng dường kinh pháp này, thời chính là cúng dường chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai vậy.

Hai lần Phật ngợi khen: Hay thay! Hay thay! Là Phật xác nhận hai điều Đế thích vừa nói: một là, kinh này chưa từng có; hai là, lợi ích của y giáo phụng hành. Phật chính thức xác nhận: như lời ông nói; và hoan hỷ tán trợ Đế thích, tăng thêm lòng tin cho chúng hội. Kinh này rộng nói đạo Vô thượng tức lý thâm sâu và thù thắng; nếu chúng sanh làm theo được, nhất định thành chánh đẳng chánh giác như Phật không khác. Do lý sự viên mãn như vậy gọi là bất khả tư nghị. Chư Phật đều xuất sanh từ đó nên nói kinh pháp này là của chư Phật ba đời. Phật pháp thường trụ là do đây. Cũng có thể hiểu là do văn tư tu mà thành tựu quả Bồ-đề; văn tư là đã nghe và hiểu thấu, thuộc quá khứ, tu là hiện tại đang tinh tấn công phu, nhất định sẽ có ngày mai thành tựu. Đây là gom hai nghĩa y giáo phụng hành và lưu thông kinh pháp thành nghĩa pháp cúng dường viên mãn. Y giáo phụng hành là tôn kính cúng dường hóa thân Phật. Lưu thông kinh Phật là quy y cúng dường pháp thân. Chúng ta xem cách Phật gọi chúng sanh đang tu hành là thiện nam tử (Kulaputra), thiện nữ nhân (Kuladuhitri), không phải là không có chủ ý. Thiện là cội gốc lành của chúng sanh, chính là tánh Phật trong mỗi một chúng ta, cũng là danh xưng chung cho tánh đức. Căn bản của thiện là thập thiện nghiệp đạo. Không đoạn ác tu thiện, dứt khoát không thể là thiện nam, thiện nữ.

KINH VĂN

Thiên đế! Giả sử có các cõi Như Lai đầy khắp cõi tam thiên đại thiên như mía, tre, lau, lúa, mè, rừng bụi, nếu có gã thiện nam, người thiện nữ nào hoặc một kiếp hoặc không đầy một kiếp cung kính tôn trọng, ngợi khen cúng dường, dâng các món cần dùng cho đến sau khi các đức Phật diệt độ, đem xá lợi toàn thân của mỗi Phật dựng tháp bảy báu, ngang rộng bằng cõi tứ thiên hạ, cao đến trời Phạm thiên, bảo tháp trang nghiêm rực rỡ, dùng tất cả hoa, hương, anh lạc, tràng phan, kỹ nhạc tốt đẹp bậc nhất, hoặc một kiếp, hoặc ít hơn một kiếp mà cúng dường; Thiên đế! Ý ông nghĩ sao, người đó làm việc phước có nhiều chăng?

Thích-đề Hoàn-nhơn thưa: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều, phước đức của người đó dẫu có trăm nghìn ức kiếp nói mãi cũng không hết được.

Phật bảo Thiên đế: Phải biết gã thiện nam, thiện nữ đó nghe kinh điển bất khả tư nghị giải thoát này tin hiểu, thọ trì đọc tụng, tu hành, thì phước đức hơn người làm việc cúng dường kia. Vì sao? Quả Bồ-đề của chư Phật đều từ kinh này sanh ra. Tướng Bồ-đề không có hạn lượng, do nhân duyên đó nên phước đức cũng không có hạn lượng.

Ngay chỗ mở đầu của đoạn kinh văn này, chúng ta nên lưu ý Phật nói: Giả sử có các cõi Như Lai đầy khắp cõi tam thiên đại thiên như mía, tre, lau, lúa, mè, rừng bụi. Giả sử là không thật, nên cõi nước hỗn tạp các thứ loài mà ta thấy, là chẳng có thật nghĩa. Nếu chúng ta thấy đúng như kinh pháp chỉ ra như vậy mà tôn kính cúng dường Phật thì đó là chân thật cúng dường; tức là sự hiện hữu của các cõi nước chỉ là giả thuyết. Nhưng không mấy người nhận ra chân nghĩa này, nên Phật vẫn lấy việc cúng dường sinh thân Phật và phụng thờ xá lợi, tức nghĩa tài cúng dường để dẫn dắt chúng hội vào nghĩa pháp cúng dường.

Phật muốn nói đến công đức vô lượng của việc cúng dường pháp nên trước đem phước đức của tài cúng dường để Đế-thích so sánh. Quả báo của tài cúng dường là sanh vào cõi trời, người. Hóa thân là huyễn hóa nên dù dâng nhiều tài bảo đầy khắp tam thiên cũng chỉ được phước đức huyễn hóa, chẳng thể rời sanh tử. Pháp thân là thật tướng bất sanh bất diệt, cho dù không thể thật thấy trước mắt, nhưng ở hóa thân mà tin hiểu, thọ trì như pháp tức là đã gieo liễu nhân thành tựu quả rốt ráo là thực chứng Bồ-đề; đây là ở kinh này mà thực hành chân cúng dường pháp.

Liễu nhân đó là tin hiểu, là tu ý nghiệp; là thọ trì như pháp, tức tu thân nghiệp; là đọc tụng, tức tu khẩu nghiệp. Đem cả ba nghiệp mà buông xả và chuyển hóa thì phước đức hơn hẳn người chỉ hạn cuộc trong thực hành tài thí. Vì sao? Quả Bồ-đề của chư Phật đều từ kinh này sanh ra. Chỗ khéo nói của Phật là trước bày ra cái nhiều, sau nói đến sự vượt hạn lượng; đạo lý nhân quả tương xứng là đây.

THÂM TÂM CÚNG DƯỜNG

KINH VĂN

Phật bảo Thiên đế: Về quá khứ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, lúc ấy ở đời có Phật hiệu là Dược Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn. Cõi nước tên Đại Trang Nghiêm, kiếp tên là Trang Nghiêm. Phật sống lâu 20 tiểu kiếp, chúng Thanh văn tăng có 36 ức na do tha, chúng Bồ Tát tăng có 12 ức. Thiên đế! Lúc đó có vị chuyển luân thánh vương tên là Bảo Cái đầy đủ bảy báu, cai trị cả bốn thiên hạ. Vua có một nghìn người con tốt đẹp mạnh mẽ, hay dẹp trừ các kẻ oán địch.

Lúc đó, vua Bảo Cái cùng quyến thuộc cúng dường Dược Vương Như Lai, dâng cúng các đồ cần dùng đến mãn năm kiếp. Qua năm kiếp rồi, vua bảo nghìn người con rằng: Các ngươi cũng phải đem thâm tâm cúng dường Phật như ta vậy.

Khi đó nghìn người con đều vâng mạng lịnh của vua cha cúng dường Dược Vương Như Lai, dâng cúng tất cả đồ cần dùng cũng mãn năm kiếp.

Đây là đoạn kinh văn nói về tài cúng dường để dẫn vào pháp cúng dường sẽ nói phía sau. Chúng sanh vô thủy vô chung nên từ quá khứ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp đã có Phật; đây là Phật hiện hữu bất khả tư nghị. Bấy giờ có Phật hiệu là Dược Vương Như Lai. Duy-ma-cật bệnh vì chúng sanh bệnh. Kinh này được thuyết cũng vì để chữa bệnh cho chúng sanh. Chúng sanh có vô lượng phiền não nên muốn trị bệnh cho chúng sanh, cần phải là người thông suốt y học cao tột. Phật là vị thầy thuốc đó nên gọi là Dược Vương, do chúng sanh bệnh mà đến, gọi là Như Lai.

Phật có mười danh hiệu viên mãn:

- Như Lai (Tathāgata) là bậc không từ đâu đến và chẳng đi về đâu;

- Ứng cúng (Arhat), là bậc đáng được tôn kính cúng dường;

- Chánh biến tri (Samyakṣambuddha), là bậc thông suốt vạn pháp đúng như thật;

- Minh hạnh túc (Vidyā-caraṇa-saṃpanna), là bậc có đầy đủ trí tuệ và đức hạnh;

- Thiện thệ (Sugata), là bậc khéo đi lại trong ba cõi mà không bị ràng buộc;

- Thế gian giải (Lokavid), là bậc thấu suốt đại thiên thế giới và các loài chúng sanh hữu tình, vô tri, tường tận rõ biết nhân quả của ba cõi;

- Vô thượng sĩ (Anuttarapuraṣa), là bậc tối thượng, không ai có thể vượt qua;

- Điều ngự trượng phu (Puruwadamysārathi), là người có khả năng điều phục chúng sanh;

- Thiên nhân sư (Devamanuṣyānāṃ śāstṛ), là bậc thầy của trời người;

- Phật Thế Tôn (Buddhalokanātha), là bậc đại giác đáng được thế gian tôn kính.

Lý do nêu mười hiệu của Phật là để hiển quả đức viên mãn. Đây cũng là lý do Phật Dược Vương là người giải thích cặn kẽ về pháp cúng dường; vì đã làm được nên hiển quả đức, và do làm được nên mới có thể chỉ bày nhân.

Thập hiệu là chánh báo quả đức cao tột, y báo tương ưng nên cõi nước có tên là Đại Trang Nghiêm. Một cõi thanh tịnh, tất cả cõi đều thanh tịnh. Sát-na uy nghi, tất cả thời đều uy nghi, nên kiếp có tên là Trang Nghiêm. Pháp số 10 tượng trưng cho sự viên mãn, như trên nói về thập hiệu. Số 20 là bội số của 10, là viên mãn gấp bội. Phật sống lâu 20 tiểu kiếp, tức nói thọ mạng của Phật gấp bội sự viên mãn, chính là nghĩa thường trụ, bất sanh bất diệt.

Phật Dược Vương giáo hóa chúng tăng gồm Bồ Tát và Thanh văn là nhất thừa thu nhiếp hai thừa. Bồ Tát ở lục căn, lục trần mà sáng tỏ nghĩa thức vốn không, thức không thì các pháp chẳng sanh; ở thập nhị xứ mà được viên thông nên nói chúng Bồ Tát có 12 ức na-do-tha. Chúng Thanh văn đã phá ngã chấp, chưa chứng pháp vô sanh rốt ráo, do vẫn còn thấy căn trần đến với nhau sanh thức, thức còn sanh nên pháp còn sanh diệt qua ba đời; thập nhị xứ qua ba đời, nên nói chúng Thanh văn có 36 ức na-do-tha.

Lúc đó có vị chuyển luân thánh vương tên là Bảo Cái. Bảo Cái là lọng báu che trùm mười phương thế giới, không một châu báu nào mà không có, nên nói là: đầy đủ bảy báu, cai trị bốn thiên hạ. Tên của vị luân vương này mang nghĩa biểu pháp, có liên hệ đến việc vua cúng dường. Sự cúng dường của vua đến mãn năm kiếp cũng có nghĩa biểu pháp. Sắc là một kiếp. Từ sắc, thọ... đến thức là đủ năm kiếp. Vạn pháp duy thức, nên có đủ năm ấm tức thế giới hiện ra đầy đủ, chẳng thiếu thứ gì. Hiện ra đầy đủ các pháp mà pháp chẳng hề tạp loạn, cấu nhiễm, pháp vẫn hằng thanh tịnh, nên vua có tên là Bảo Cái. Chân thực buông xả năm ấm là cúng dường trọn năm kiếp vậy. Chính vì tâm cúng dường sâu xa của vua đối với Phật, nên vua khuyên bảo các vương tử: Các ngươi cũng phải đem thâm tâm cúng dường Phật như ta vậy.

Theo nghĩa trên, nếu ngay đây chúng ta thể hội thâm tâm của vị luân vương này, thì đoạn kinh văn trên chính là nói về pháp cúng dường. Nhưng nếu còn kẹt vào sắc tướng thì nghĩa lý kinh ngừng lại ở sự cúng dường tài vật châu báu; cần phải có Phật Dược Vương chỉ bày về sau.

KINH VĂN

Có một người con của vua tên là Nguyệt Cái ngồi một mình suy nghĩ rằng: Có việc cúng dường nào thù thắng hơn việc cúng dường này chăng?

Do sức oai thần của Phật, ở giữa hư không có vị trời nói rằng: Thiện nam tử! Pháp cúng dường là hơn hết các việc cúng dường.

Nguyệt Cái liền hỏi: Sao gọi là pháp cúng dường?

Vị trời đáp: Ông đến hỏi đức Dược vương Như Lai sẽ nói rõ thế nào là pháp cúng dường.

Vương tử Nguyệt Cái thể hiện tâm trạng nửa mê nửa tỉnh như chúng ta muốn vươn lên nhưng mịt mù phương hướng. Suy nghĩ của vị vương tử này về pháp cúng dường thù thắng chính thực là nỗi niềm mong muốn kiến đạo của những chúng sanh muốn vượt thoát khỏi sắc tướng, mà kinh văn dụ là tài vật châu báu bố thí cúng dường. Do tâm niệm hướng thượng này mà cảm ứng trong hư không vang lên lời chỉ lối của một vị trời: Pháp cúng dường là hơn hết các việc cúng dường. Và như đã nói trên, muốn thu hái quả đức của sự cúng dường, chỉ do Dược Vương Như Lai, người đã thành tựu viên mãn, mới có thể chỉ bày cách gieo nhân đúng như pháp. Hay nói cách khác, muốn thành Phật thì chỉ có Phật mới có thể chỉ dẫn.

TÙY THUẬN DUYÊN KHỞI

THÍCH NGHĨA PHÁP CÚNG DƯỜNG

KINH VĂN

Tức thì Nguyệt Cái vương tử đi đến chỗ Dược Vương Như Lai cúi đầu lễ dưới chân Phật, đứng qua một bên bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Trong việc cúng dường, pháp cúng dường là hơn hết. Thế nào gọi là pháp cúng dường?

Phật dạy rằng: Thiện nam tử! Pháp cúng dường là kinh thâm diệu của chư Phật nói ra, tất cả trong đời khó tin khó nhận, nhiệm mầu khó thấy, thanh tịnh không nhiễm, không phải lấy suy nghĩ phân biệt mà biết được.

Đây là kẻ còn mịt mờ phương hướng, muốn tìm đường đi đúng đắn nên tìm hỏi người đã đến nơi. Chư Phật là bậc đã giác ngộ pháp thật tướng nên có thể nói ra kinh thâm diệu. Kinh đây là tên chung chỉ cho giáo pháp chư Phật ba đời thuyết làm nhân cho chúng sanh khởi hạnh thọ trì. Gọi là thâm sâu vì kinh rốt ráo liễu nghĩa, thu nhiếp tạng giáo, thông giáo và biệt giáo. Tạng giáo là tam tạng kinh, luật, luận chủ yếu nhiếp độ nhị thừa, chỉ bày tứ đế và pháp nhân duyên sanh. Thông giáo là Đại thừa sơ khởi dùng chung cho ba thừa, hiển bày chân đế, tu lục độ, chứng vô sanh. Biệt giáo là Đại thừa chung cục, xiển dương nhất thiết pháp không, chủ yếu dạy đặc biệt riêng cho từng hạng như Bồ Tát lợi căn thông với biệt và viên giáo, hoặc Bồ Tát độn căn thông với tạng giáo. Kinh giáo ấy gọi là vi diệu, vì là viên giáo hiển bày thật tướng trung đạo, lý sự viên dung nhiếp vào Phật thừa. Gọi là vi diệu vì kinh giáo ấy vượt ngoài cảnh giới của ngôn từ, nên văn tuệ không thể đạt. Kinh giáo vượt ngoài cảnh giới của tư duy, nên tư tuệ cũng chẳng thể đến. Kinh là pháp vô tướng nên vô nhiễm thanh tịnh, vốn sẵn có, nên chẳng phải do tu mà đắc.

Kinh hiển bày pháp thật tướng, chẳng phải là các tướng chúng sanh đang cho là thật có. Vì ngược với chúng sanh nên khó tin nhận. Nếu đã tin nhận, theo được chỗ vi diệu của kinh mà thọ trì, thì tự thấy được pháp thân chính mình; đây là chỗ nhiệm mầu khó thấy. “Khó tin là như trong một hạt vi trần có cả đại thiên kinh quyển. Người không tin là lý thật tướng chỉ ở trong tâm, không phải nhọc tìm đâu xa, gần mà không biết, nên nói là không tin, nên gọi là khó tin.” (Trạm Nhiên) Như trên nói, chẳng phải do văn tư tu mà có thể đắc pháp thật tướng vô tướng nên chẳng thể lấy suy nghĩ phân biệt mà biết được. Tuy là cảnh giới bất nhị, ngoài phân biệt nhưng quyết định do tu các công đức mà có thể đạt chỗ không thể nghĩ bàn.

KINH VĂN

Kinh này nhiếp về pháp tạng của Bồ Tát, ấn đà-la-ni ấn đó, cho đến bất thối chuyển, thành tựu sáu độ, khéo phân biệt các nghĩa, thuận pháp bồ-đề, trên hết các kinh.

Kinh này là tên chung cho các kinh Phương đẳng viên giáo do nhân duyên chúng sanh với Bồ Tát đạo đã thuần thục, nên đều nhiếp về pháp tạng của Bồ Tát. Pháp tạng đó là kho tàng kinh giáo thành tựu đạo Bồ Tát, là thể tướng quyết định nghĩa rốt ráo, nên gọi là đà-la-ni ấn chứng. Đà-la-ni là tổng trì gìn giữ kinh giáo như pháp bảo, gọi là ấn. Theo kinh giáo thọ trì, thực hành các nghĩa lý đi đến giải thoát bất khả tư nghị, gọi là chứng. Lại nữa, giữ gìn các điều thiện, ngăn các điều ác là ấn; y giáo phụng hành chắc chắn được bất thối chuyển, thành tựu sáu độ là chứng. Đã có ấn chứng thì thành tựu giải thoát nhất định không sai.

Kinh này là các kinh phương đẳng viên giáo đều được ba đời chư Phật thuyết minh viên mãn. Quá khứ Phật Dược Vương đã nói, hiện tại Duy-ma-cật thuyết được Phật Thích-ca ấn chứng, tương lai Bồ Tát Di-lặc xiển dương lưu thông. Chính vì vậy, kinh này cũng có thể được hiểu cụ thể là bản kinh chúng ta đang xem; đặc biệt là từ đây cho đến hết phẩm này, kinh văn hoàn toàn hiển lộ tất cả chỗ dụng. Ngay ở một kinh này, phải thấy tất cả kinh chư Phật thuyết là tùy phương tiện nói lý thật tướng. Vì kinh thuận trí tuệ vô tướng nên muốn hiểu cần phải khéo phân biệt pháp tướng ở đệ nhất nghĩa mà không động. Ở một kinh mà liễu nghĩa rốt ráo thì có thể gọi kinh ấy trực chỉ giác ngộ, nghĩa là thuận pháp bồ-đề, trên hết các kinh.

KINH VĂN

Vào đại từ bi, lìa các việc ma và các tà kiến, thuận pháp nhân duyên, không ngã, không nhơn, không chúng sanh, không thọ mạng, không, vô tướng, vô tác, vô khởi, làm cho chúng sanh ngồi nơi đạo tràng mà chuyển pháp luân.

Bản Huyền Trang trước đoạn này ghi: “Giữ gìn hoàn hảo những gì đáng giữ gìn, thực hành theo pháp bồ-đề phần; bảy giác chi đích thân dẫn đầu.” Đây là chẳng bỏ căn bản tu học mà đắm mình trong những thuyết lý cao xa. Bồ-đề phần là ba mươi bảy phẩm trợ đạo, trong đó có thể chọn ra những pháp tu cơ bản nhất về giới, định, tuệ là bảy giác chi: trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, niệm, định, xả. Bảy giác chi này là những tâm sở biệt cảnh và những tâm sở thiện, tức những trạng thái tâm lý tích cực mà chúng ta có thể sử dụng và phát huy. Điều này cho thấy Phật giáo chú trọng thực tế giáo dục tâm tánh, không phải tự trói buộc trong những danh từ triết lý hoa mỹ hay lý luận siêu hình viển vông chẳng một chút ích lợi gì.

Vào đại từ bi là hệ quả tất nhiên của sự quán chiếu ta và chúng sanh như thật, với đầy đủ năm ấm. Chẳng thể chối bỏ đau khổ phiền não mà tự thương xót mình và muôn loài sống, khởi bi nguyện tự độ và độ tha. Từ bi chẳng phải tự nhiên có, mà lưu xuất từ trí chứng a-lại-da tâm là gốc vọng động hằng chuyển, là tất cả tướng tướng hiện chuyển đều là chỗ biến hiện của thức. Thấy được chỗ này là cảm. Đồng thời thấy được tất cả tướng tướng đều là ba mươi hai ứng hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm với đầy đủ ba mươi hai tâm từ thường hiện diện quanh ta; thấy được như thế gọi là ứng. Cảm ứng đạo giao đó không thể nghĩ bàn. Chỉ trong cảm ứng trọn vẹn như vậy mới có thể làm được như kinh văn bản Huyền Trang ghi: “Giảng nói khai thị đại từ đại bi, cứu giúp đem sự an lạc đến các hữu tình.”

Vào đại từ bi là do thấu suốt nhân quả, do hiểu biết nghĩa thức huân tập tất cả các chủng tử sanh quả dị thục. Do đó lý thì tuy không bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, nhưng về sự thì thuận pháp nhân duyên, phải xa lìa các việc ma là sự chướng hay phiền não chướng, và đoạn dứt các tà kiến tức lý chướng hay sở tri chướng. Chúng ta thường nghe nói kinh Lăng-nghiêm là khai trí tuệ, nhưng vẫn có chương cực kỳ quan trọng là Thanh Tịnh Minh Hối Chương, dạy chúng ta phải nghiêm trì không phạm sát, đạo, dâm, vọng. Nói pháp có, là nghĩa pháp nếu tuyệt đối có thực thì chẳng bao giờ mất đi, tức là không có sanh diệt. Nói pháp không, theo nghĩa không tuyệt đối, cũng là không có sanh diệt. Quan niệm cách nào cũng trái với nhân duyên. Đạo lý sâu xa chẳng nghiêng về có, cũng chẳng ngã về không. Đó chính là thuận theo nhân duyên, chẳng bài trừ nhân quả, không phá duyên khởi.

Nếu không thuận nhân duyên thì chẳng thể tu chứng nhị không là ngã không và pháp không. Thông qua duyên khởi mới thấy nhất thiết pháp không, tức nghĩa: không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ mạng, không, vô tướng, vô tác, vô khởi. Nói về thuận theo nhân duyên, bản dịch của Huyền Trang có thêm một đoạn mà nếu bỏ qua, ta sẽ thiếu sót để hiểu lý vạn pháp giai không, nhân quả bất không: “Phân biệt xiển dương lý duyên khởi sâu xa; biết rằng trong không có ngã, ngoài không có hữu tình; đối với hai bên và chặng giữa không có thọ mạng, không có người nuôi dưỡng; hoàn toàn không có chút tánh bổ-đặc-già-la.” Có thể Huyền Trang căn cứ trên quan niệm về bổ-đặc-già-la thắng nghĩa của Độc-tử bộ mà dịch đoạn kinh này; quan niệm này xuất hiện từ sau thế kỷ hai. Bổ-đặc-già-la (Pudgala) là chủ thể nhất định có trong tái sinh và giải thoát. Tư tưởng này là do sa môn tên Độc tử (Vātsī-putrīyāḥ) cho rằng trong mỗi chúng sanh nếu không có một tự ngã thì luật nhân quả không đứng vững vì không có người tạo nhân và nhận quả, cũng không có tái sanh và giải thoát. Tự ngã này không phải ngũ uẩn, cũng không rời ngũ uẫn, được xác định là có trên cơ sở ngũ uẩn. Tự ngã này được xác định là có trên cơ sở tương tục của sự tái sanh. Tự ngã này cũng được xác định là có trên cơ sở của sự giải thoát. Không cần phải nói, quan niệm về Bổ-đặc-già-la vẫn chưa thoát khỏi nghĩa duy thức, còn bị trói buộc trong hành tướng của thức a-lại-da. Phải biết do giả thuyết nên nói có thức. Thức tái sanh không thật, cũng không hư; vì ngăn chấp ngã nên nói: hoàn toàn không có chút tánh Bổ-đặc-già-la.

Các lối chấp ngã được Luận Thành Duy Thức gom lại thành ba loại chấp.

- Một là, chấp ngã chẳng phải tức uẩn, chẳng phải lìa uẩn như Độc tử bộ, Chính lượng bộ và Kinh lượng bộ chủ trương như trên; nếu như vậy thì chẳng thể nói ngã là hữu vi (là uẩn nên là hữu vi) hay vô vi (lìa uẩn nên là vô vi). Lại nữa, lối chấp như vậy không thể thành lập, vì ngã bị chấp chỉ là giả danh không thực, như cái bình không phải là đất nhưng không lìa đất mà có. Lối chấp này chính là như Huyền Trang nói là chấp chặng giữa.

- Hai là, chấp ngã tức uẩn, như phàm phu thấy mình có thân, có cảm xúc và suy nghĩ; lối chấp này cũng sai vì uẩn là biến dịch, không thường, không nhất.

- Ba là, chấp ngã lìa uẩn, cho ngã là bản thể chu biến, lượng như hư không, hoặc lượng bất định tùy thân mà lớn nhỏ, hoặc lượng cực nhỏ biến động trong thân; lối chấp này làm lẫn lộn các ngã ở các hữu tình, chẳng thể nói là đồng hay khác, và hơn nữa chẳng thể xác nhận ngã nào tạo nhân, ngã nào chịu quả.

Hai lối chấp ngã là uẩn và ngã lìa uẩn, Huyền Trang gọi là chấp đối với hai bên. Ba lối chấp ngã như vậy không thể xác định chủ thể.

Không có chủ thể là ngã, là chúng sanh đang luân hồi, nhưng không diệt tận tướng ngã, tướng chúng sanh, vì nếu thế sẽ chẳng có pháp giải thoát. Do đó, ngay ở pháp tướng mà tương ưng với pháp tánh, xa lìa phân biệt chấp trước, chứng pháp vô sanh; đây chính là nghĩa của việc làm cho chúng sanh ngồi nơi đạo tràng mà chuyển pháp luân. Phải tùy thuận ở pháp tướng duyên khởi mới có thể đoạn trừ vọng tưởng duyên sanh. “Phàm muốn diệt tà, cần phải quán sát pháp mười hai nhân duyên, trên dưới đều như thế, cho nên căn cứ theo nhân duyên để luận về nhiếp phục đối trị.” (Huệ Viễn)

Đạo tràng là nơi tu hành và thành đạo, chẳng đâu xa mà là ngay ở cảnh giới sanh diệt trước mắt. Do nghĩa này mà thế gian từ chỗ cùng khổ, đầy cấu nhiễm bỗng chuyển mình thành sân khấu để diễn viên chúng sanh biểu diễn đủ mọi vai tuồng. Đạo tràng còn là trường học nơi lý nghĩa kinh thành giáo. Kinh là quán, nhiếp, thường, pháp. Khi thành giáo, thì chúng sanh nhờ đó có thể thấu suốt mọi lý lẽ, nhiếp phục mọi sinh hoạt, thường tu như trí chứng và khắp ba cõi đều nương tựa được. Ngồi nơi đạo tràng là kim cang tam-muội, là tâm như như bất động, là nơi an trú rốt ráo, là tự tánh triển chuyển vạn pháp; tức tự tâm là nơi pháp luân thường chuyển, là nhân hay sanh vạn pháp. Chỗ này bản Huyền Trang dịch là: “Kinh pháp ấy đưa người đến diệu giác, chuyển bánh xe pháp”; là quả bồ-đề diệu giác từ đó chúng sanh giác ngộ và tiếp nối tuệ mạng chư Phật, chuyển bánh xe pháp không cùng tận.

Do đó, câu kinh văn: ngồi nơi đạo tràng mà chuyển pháp luân, trên nhân hay quả đều có thể nói thông suốt. Làm cho chúng sanh được như vậy là do thuận pháp nhân duyên. Chúng ta phải hết sức lưu ý chỗ này: thuận pháp nhân duyên là điểm cốt lõi nhất của pháp cúng dường, ngoài nghĩa y giáo phụng hành chúng ta đã nói bên trên, hai nghĩa này không thể tách rời nhau.

KINH VĂN

Chư thiên, long thần, càn-thát-bà thảy đều ngợi khen, đưa chúng sanh vào pháp tạng của Phật, nhiếp tất cả trí tuệ của hiền thánh, diễn nói cách tu hành của Bồ Tát, nương theo nghĩa thật tướng của các pháp, tuyên bày các pháp vô thường, khổ, không, vô ngã, tịch diệt.

Đoạn kinh văn này có cách trình bày rất súc tích các nghĩa lý sâu xa, nên cần kết hợp đối chiếu thêm với bản dịch của Huyền Trang mới có thể thích nghĩa thông suốt.

Trên đã nói thuận pháp nhân duyên hiểu sâu nhân quả. Nhân duyên sanh thì trùng trùng phức hợp, thiên biến vạn hóa. Thâm hiểu duyên khởi là không lầm tánh biến kế chấp, không mê tánh y tha khởi, trí tuệ kỳ diệu như có thần thông. Do đó đến đây kinh văn nói chư thiên, long thần, càn-thát-bà, đại diện cho chúng sanh thâm hiểu lý duyên khởi thảy đều ngợi khen. Vì sao? Vì họ đã hiểu không có thật ngã luân hồi nhưng giả ngã vẫn không thể rời nhân duyên sanh. Nghĩa là nhân duyên sanh tức vô sanh; vô sanh không rời nhân duyên sanh. Sanh và vô sanh không phải là hai, ngã và vô ngã bất nhị.

Đưa chúng sanh vào pháp tạng của Phật; có hai nghĩa là thấy rõ tất cả pháp sanh ra đều từ Như Lai tạng duyên khởi, cũng nghĩa là kinh pháp thâm diệu có thể độ thoát chúng sanh. Như đã nói, kinh pháp là nhân, thọ trì là hạnh, kinh văn từ đây về sau là nói về quả chứng. Tôn kính cúng dường chư Phật là trọn vẹn từ nhân đến quả; tức là phải thấu suốt kinh pháp, tu hành như giáo, giác ngộ và độ tận chúng sanh, hệt như chư Phật ba đời đã làm, đang làm và sẽ làm. Do đó bản Huyền Trang ghi: “Hướng dẫn chúng sanh cúng dường đại pháp, làm viên mãn đại pháp thí cho chúng sanh.” Hướng dẫn chúng sanh là thâm nhập kinh tạng, tu hành như pháp, là nhân. Nhân như vậy thì quả chắc chắn là viên mãn đại pháp thí, là tự giác, giác tha hay giác hạnh viên mãn. Hợp hai nghĩa này là chính như kinh văn đã viết: Vào pháp tạng của Phật.

Pháp tạng ấy là chỗ ba thừa đều quy về, là nơi chúng sanh nương tựa chuyển phàm thành thánh; gọi là nhiếp tất cả trí tuệ của hiền thánh. Chỗ này bản Huyền Trang ghi: “Tất cả thánh hiền đều thọ trì.” Vì đó là giáo nghĩa thật tướng cùng tột. Pháp tạng của chư Phật duy nhất nói lý thật tướng nhiếp tất cả trí tuệ của hiền thánh, khiến tất cả chúng sanh rốt ráo sau cùng thành Phật, là diễn nói cách tu hành của Bồ Tát, mà Huyền Trang ghi: “Khai mở tất cả diệu hạnh của Bồ Tát.” Vì sao? Vì kinh là giáo, nhân nơi giáo mà thành Phật.

Cứu cánh là Phật quả nên nương theo kinh pháp có thể thành tựu đạo vô thượng bồ-đề. Kinh văn viết: Nương theo nghĩa thật tướng của các pháp. Bản Huyền Trang cũng cùng nghĩa chứng đắc cứu cánh, nhưng lại dịch là: “Kinh pháp ấy làm chỗ quy về pháp nghĩa chân thật”; tức là nghĩa chân thật pháp thân là chỗ các thừa giáo cùng hội tụ về. Nếu ngay ở pháp tướng trùng trùng mà ngộ thật tướng thì là viên đốn. Nếu chẳng được vậy, thì nương tựa nghĩa thật tướng của kinh pháp mà tuyên bày các pháp vô thường, khổ, không, vô ngã, tịch diệt; đó là mở lối tiệm tu cũng cùng về một đích. Nếu không nương vào nghĩa thật tướng thì khi nghe nói pháp vô thường lại sanh kiến chấp vô thường là pháp vĩnh viễn. Nếu không nơi thật tướng, lại rơi vào chấp mê tánh y tha khởi là thật, không thấy tánh vọng tưởng duyên sanh, thế giới này biến động vô tận là sự thực không thể ngừng, nên khổ không thể đoạn. Mặt khác, nếu không hiểu nghĩa thật tướng, lại chấp tánh vọng tưởng duyên sanh, phủ bác duyên khởi, ta và thế giới trở nên trống rỗng và đoạn diệt. Chính do nương nghĩa thật tướng mà tuyên thuyết các pháp ấn một cách tự tại vô ngại, không rơi vào chấp trước thiên kiến. Tức là có thể nói các pháp vô thường mà không chấp vô thường, thế gian là khổ nhưng chẳng thật là khổ, thế giới vốn không nhưng lại chẳng phải không, ta vốn chẳng có nhưng cùng với chúng sanh và Phật đồng một pháp thân, giải thoát là tịch diệt nhưng chẳng phải là đoạn diệt.

KINH VĂN

Cứu độ chúng sanh hủy phá giới cấm, làm cho tà ma ngoại đạo và người tham lam chấp trước đều sợ sệt; chư Phật, hiền thánh đều ngợi khen; trái cái khổ sanh tử, chỉ cái vui Niết-bàn, chư Phật ba đời ở trong mười phương đều nói ra. Nếu người nghe những kinh như thế mà tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, dùng sức phương tiện phân biệt giải nói, chỉ bày rành rẽ cho chúng sanh, giữ gìn chánh pháp đó gọi là pháp cúng dường.

Giới cấm là phương tiện phòng phi chỉ ác. Tăng Triệu nói: “Những người hủy bốn trọng cấm và phạm năm tội nghịch, pháp Tiểu thừa chẳng thể cứu độ. Các ma, ngoại đạo, người tham trước tài sắc, pháp Tiểu thừa chẳng thể diệt hết. Cứu được, diệt được chỉ có kinh sâu xa Đại thừa phương đẳng.” Vì đối với họ, tội là tội, dâm nộ si là dâm nộ si, ngũ dục và cảnh trần hoàn toàn chân thực.

Phá huỷ giới cấm là do ngu si mà tự gây đau khổ cho mình. Nếu biết tánh tam độc vốn chẳng thể nhiễu loạn tâm mình thì chúng sanh chẳng gieo ác nhân để gặt ác quả; là được cứu độ, thoát khỏi phiền não chướng. Tin lầm tà ma ngoại đạo, nảy sinh tham lam chấp trước là do mê muội chỗ thấy, nghe, hiểu biết. Nếu nhìn thấu cảnh trần là vọng tưởng tức đã phá được sở tri chướng. Bản Huyền Trang dịch chỗ này rất rành mạch: “Diệt trừ tất cả xan tham, phá giới, sân hận, biếng nhác, vọng niệm, ác tuệ, sợ hãi, tất cả tà luận ngoại đạo, ác kiến, chấp trước”; ta thấy rất rõ dụng ý tu pháp lục độ, đắc trí bát-nhã, đoạn nhị chướng. Cát Tạng có cùng ý kiến nhưng diễn đạt hơi khác: “Ngoại đạo là kiến, kẻ tham trước là ái, kinh sâu xa có thể chuyển các ái và kiến này thì ái và kiến sinh sợ hãi.” Kiến là cảnh trần sở tri, ái là nội tâm phiền não. Y theo kinh giáo mà xa lìa ái kiến này, tức là vượt qua nhị chướng, được giải thoát.

Phiền não chướng là nội ma. Sở tri chướng là ngoại ma. Kinh pháp là vũ khí hữu hiệu nhất để chiến thắng các ma, nên chư Phật, hiền thánh đều ngợi khen. Huyền Trang dịch tiếp rất rõ: “Kinh sách ấy phát sinh thế lực tăng thượng pháp lành cho hữu tình chiến thắng tất cả quân ma, được chư Phật, thánh hiền khen ngợi.” Sự ngợi khen sâu sắc hơn nếu ta thấy được lý lẽ thậm thâm hơn. Phật và ma, thánh hiền và phàm phu tuy bất nhị, nhưng chẳng thể đánh đồng. Quyết định liễu biệt rõ ràng, nên kinh văn viết: trái cái khổ sanh tử, chỉ cái vui Niết-bàn. Đây là kinh giáo thuận theo nhân duyên phát huy hết tác dụng, mở ra muôn vàn đường lối phương tiện thiện xảo khác nhau cùng đưa về lý chân thật pháp thân. Dù cho có vô lượng chư Phật cũng đều làm như nhau; là nghĩa: chư Phật ba đời ở trong mười phương đều nói ra.

Kinh pháp, thuyết giáo của chư Phật lưu xuất từ tự tánh. Phật nói một âm, chúng sanh tùy theo tâm lượng của mình mà được lợi ích. Lợi ích tột cùng nhất chúng sanh có thể được là do biết sử dụng tự tánh mà nghe kinh. Vì sao? Vì kinh tức là tất cả pháp, chẳng một pháp nào không phải là kinh. Do đó, đối với tất cả pháp, phải biết rõ ràng minh bạch. Trong tánh biết vẫn có sự liễu biệt; là phân biệt diệc phi ý như đại sư Huyền Giác nói, không phải là cái biết trơ trơ mặc kệ.

Do nghĩa trên mà kinh văn viết: nếu người nghe những kinh như thế; chính là có ý nói dùng tánh của thức là liễu biệt để thông suốt vạn pháp; tức khởi dụng diệu quán sát trí. Có liễu biệt tường tận mới tin hiểu thật tướng là vô tướng. Có tin hiểu mới thọ sanh tử mà vẫn trì niết bàn. Có thọ trì là ngày ngày miệng đọc tụng, là nghĩa biểu pháp trong sanh tử mà nhiếp thân nghiệp. Thân nghiệp đã nhiếp, không còn bị thúc đẩy tạo tác ác nhân là do công phu định lực có phần thành tựu, sanh hậu đắc trí phương tiện liễu biệt minh bạch thiện ác; nên kinh viết: dùng sức phương tiện phân biệt giải nói. Có liễu biệt rõ ràng mới có thể chỉ bày rành rẽ cho chúng sanh giữ gìn chánh pháp.

Chỉ bày rành rẽ không có nghĩa là ta làm thầy, người là học trò, ta đã hiểu chỉ cho người chưa hiểu; không phải nghĩa này. Nguyên bản ghi: “為諸眾生分別解說,顯示分明,守護法故 - Vị chư chúng sanh phân biệt giải thuyết, hiển thị phân minh, thủ hộ pháp cố”; nghĩa là vì chúng sanh, tức là đối với vạn pháp do nhân duyên sanh, phải liễu biệt sáng tỏ, theo đúng không mất nghĩa như của pháp. Nghĩa lý này quan trọng, cần phải thấy mới có thể thuận theo nhân duyên. Chúng sanh là pháp tướng duyên khởi, khi hiện tướng đúng là như vậy không khác. Do đó nếu thuận theo nhân duyên thì có thể xoay chuyển vạn pháp. Xoay chuyển vạn pháp không phải là bài trừ nhân quả, mà do tin sâu nhân quả mà có thể chuyển đổi vận mệnh, hoặc vượt hơn, có thể chuyển phàm thành thánh. Vì sao có thể làm được điều này? Vì vạn pháp đều là chánh pháp. Chánh pháp ấy là chân tâm tự tánh của chính ta năng sanh vạn pháp. Thấu suốt điều này là giữ gìn chánh pháp, gọi là giác tự tâm. Giác tự tâm, đó là pháp cúng dường vậy.

Hơn nữa, giác tự tâm năng sanh vạn pháp, mới biết các pháp chính là ta. Các pháp chính là ta; đồng nghĩa với ta và nhân quả bất nhị. Ta hôm nay là quả của ta hôm qua và là nhân của ta ngày mai. Hiểu như vậy mới biết nhân duyên của Duy-ma-cật đến từ pháp thân đại sĩ ở cõi Diệu Hỷ. Hiểu như vậy mới tin tôn giả Đề-bà-đạt-đa đang ở địa ngục mà vui sướng như ở các cõi trời. Vì sao? Vì các ngài chẳng bị trói buộc, cũng chẳng xa lìa mà tự tại thị hiện trong nhân quả vậy.

HỢP LUẬN NGHĨA CÚNG DƯỜNG

KINH VĂN

Lại theo các pháp đúng như lời nói tu hành, tùy thuận mười hai nhân duyên, lìa tà kiến, được vô sanh nhẫn, quyết định không có ngã, không có chúng sanh mà đối với quả báo nhân duyên không trái không cãi, lìa các ngã sở.

Nhân duyên phát khởi phẩm này là do Đế thích tán thán kinh mà phát nguyện ủng hộ cúng dường chúng sanh nào y kinh này, tức kinh Duy-ma-cật sở thuyết, mà tu hành như pháp. Phật cũng ấn chứng rằng kinh này rộng nói đạo vô thượng của chư Phật ba đời, là kinh điển bất khả tư nghị giải thoát. Từ đó dẫn tới Phật kể chuyện thâm tâm cúng dường của vua Bảo Cái đối với Dược Vương Như Lai đến mãn năm kiếp. Đó là pháp cúng dường đi từ chân nghĩa là y giáo phụng hành đến thâm nghĩa là buông bỏ năm ấm. Chân nghĩa y giáo phụng hành, đoạn ác tu thiện, chuyển hóa ba nghiệp là sự viên dung. Thấu suốt năm ấm rỗng không, chẳng tiếc nuối buông xả là lý viên dung. Trong một niệm do lý mà chứng ngộ pháp thân, gọi là viên. Nếu chưa có định hướng đúng đắn thì theo chỉ bày của hóa thân Phật Dược Vương mà tu hành, gọi là đốn. Lý chẳng ngại sự, sự thành tựu lý, tức lý sự viên dung. Viên bao hàm đốn, đốn quy về viên, tức viên đốn bất nhị.

Bên trên là thích luận nghĩa pháp cúng dường. Đây là phần hợp luận. Thích luận là căn cứ theo sát kinh văn mà giải thích, đi sâu vào phân tích. Hợp luận là tổng hợp ý kinh thành điểm cốt lõi nhất. Lời dạy của Phật Dược Vương bên trên và ở đây có điểm chung là tùy thuận pháp nhân duyên. Do đó tùy thuận nhân duyên sanh là trọng điểm của phẩm kinh này. Vì tùy thuận mười hai nhân duyên mà có thể tu hành sửa sai thành đúng, liễu biệt rõ ràng, chứng tất cả pháp vô sở hữu, quy về vô sở đắc. Nhất định phải thông qua duyên khởi mới chứng nhị không.

Kinh văn viết: Lại theo các pháp đúng như lời nói tu hành, tùy thuận mười hai nhân duyên, đó là trên nhân quán sâu nhân duyên mà nói quả là chân tu. Bản dịch của Huyền Trang viết: “Người cúng dường pháp nghĩa là với các pháp phải điều phục như pháp, với các pháp phải tu hành như pháp; tùy thuận theo duyên khởi, xa lìa các tà kiến”;[1] đó là trên nhân thấy lý thật tướng, dụng công như pháp, được quả là do tùy thuận nhân duyên khi đang tu. Hai cách nói nhưng cùng một nghĩa. Lại theo các pháp; nghĩa là như thị. Đúng như lời nói tu hành là nghĩa như thị. Tùy thuận mười hai nhân duyên cũng là nghĩa như thị. Nếu thấy nghĩa như thị, tức hiểu rõ pháp cúng dường.

Thuận theo duyên khởi, lìa tà kiến là khéo hiểu pháp pháp không phải nhân duyên, cũng không phải không nhân duyên. Không phải nhân duyên là tất cả tướng là vọng tưởng duyên sanh, tuyệt nhiên chưa hề có; là các pháp không do kết hợp mà sanh, chỉ là do vọng tưởng mà có. Trong sự dính mắc giữa ta và chúng sanh, không phải nhân duyên là chẳng có ta, cũng chẳng có người; không phải không nhân duyên là sự dính mắc đó khi hiện tướng thì không đổi không khác. Ở các pháp là tánh y tha khởi không phải không có; mười pháp giới khi hiện tướng thì đúng là như vậy, vì chẳng có gì tự nhiên mà có, phải do nguyên nhân từ quá khứ, tức nhân như vậy, gồm đủ các điều kiện hình thành là duyên như vậy, thì chắc chắn quả phải như vậy. Có thể nói duyên khởi chính là động dụng của tự tánh. Nếu là giác, gọi là chân tâm, là Như Lai tạng duyên khởi. Nếu bất giác, gọi là vọng tâm, là a-lại-da duyên khởi.

Mười hai nhân duyên khởi từ vô minh. Vô minh là si, sinh hành; hành sinh thức; thức sinh danh sắc; danh sắc sinh lục nhập; lục nhập sinh xúc; xúc sinh thọ; thọ sinh ái; ái sinh thủ; thủ sinh hữu; hữu dẫn đến sanh và lão tử. Quán nhân duyên mới biết do tâm bất giác vọng động nên sanh nghiệp tướng vô minh. Vọng tưởng là vô minh. Từ vọng tưởng khởi hai thứ phân biệt và chấp trước. Phân biệt là si, chấp trước là ái, nên Duy-ma-cật đã nói ở trước: từ si có ái, bệnh tôi sanh. Si ái đại diện cho thập nhị nhân duyên, đã sanh thì sanh sanh diệt diệt bất tận.

Thế nhưng si ái là vọng tưởng, chẳng thật có, cũng chẳng thể nhiễu loạn tự tâm. Nếu ngộ tánh của vô minh là minh, thì cả chuỗi mắc xích thập nhị nhân duyên từ vô minh đến lão tử đều là Phật chủng cả. Đó là quán sâu nhân duyên sanh mà được vô sanh nhẫn. Trong tiến trình sanh tử tuyệt nhiên tìm không thấy ai là người sanh tử, kinh văn nói: quyết định không có ngã, không có chúng sanh là vậy. Tuy thân chánh báo này đã sanh, nhưng thực là vô sanh.

Đã khéo hiểu nghĩa không phải nhân duyên, không phải không nhân duyên như trên, tuy không thấy có ta và chúng sanh mà thuận theo nhân quả. Nghĩa không chẳng trái với có, nên không tranh cãi. Bản dịch của Huyền Trang ghi: “Không chống đối với lý nhân duyên, không tranh cãi, không sanh dị luận.”[2] Vì sao? Vì ngã không thật có, nên chẳng tranh biện phần thắng về mình. Ứng lý duyên khởi tức không mà chẳng thấy có hai tướng đối đãi có không, sanh diệt, thường đoạn, nên chẳng rơi vào hí luận. Ta còn không có, huống gì cái thuộc về ta? Cái thuộc về ta tức y báo, là hoàn cảnh sống của ta, diễn biến cuộc đời ta, là hạnh phúc và đau khổ đến với ta; tất cả đều không thực. Do đó, kinh văn nói: lìa các ngã sở. Bản dịch của Huyền Trang ghi: “Tách rời ngã và ngã sở không bị lệ thuộc”[3] nghĩa là không chấp trước tướng ngã, là chính mình, và tướng thế gian, là cái ta phải chiếm đoạt làm cái của mình. Lìa hai tướng ngã và ngã sở, tức là không bị các pháp xoay chuyển, không bị lệ thuộc vậy.

PHÁP TỨ Y

KINH VĂN

Y theo nghĩa không y theo lời, y theo trí không y theo thức, y theo kinh liễu nghĩa không y theo kinh không liễu nghĩa, y theo pháp không y theo người.

Cũng do thuận nhân duyên, không chối bỏ tướng thế gian, nên trong quan hệ đối nhân tiếp vật, nếu không muốn các pháp chuyển, cần phải có nơi y chỉ. Do đó kinh văn tiếp theo nói pháp Tứ y (catvāri pratisaraṇāni), là bốn nơi cho chúng ta nương tựa trên đường tu hành.

Pháp thế gian và xuất thế gian, chân vọng đều bất khả đắc. Thấy chỗ vô sở đắc là y theo nghĩa. Còn dựa vào ngôn từ lý luận mà biện minh cho tướng mình đang thấy, nghe, hiểu biết là y ngữ. Pháp Phật không nhất định, tùy cơ mà thuyết. Giáo của Phật là phương tiện, ứng với mức hiểu biết của chúng sanh mà lập. Hiểu lý như vậy mà tiếp nhận giáo khế lý là y theo nghĩa. Cát Tạng viết: “Lời là giáo, nghĩa là lý. Vốn dùng giáo mà giải thích lý, như nhờ ngón tay chỉ mặt trăng, cho nên cần phải nương vào lý, chẳng nương vào giáo.”

Lời nói là văn tự ngữ ngôn. “Lý thậm thâm không thể dùng ngôn ngữ diễn đạt, chân lý đệ nhất nghĩa không vướng vào âm thanh văn tự.” (Kinh Đại Tập). Do vậy, y nghĩa là nương tựa vào lý trung đạo, phá trừ mọi điên đảo, thành tựu vạn hạnh, hiển lộ thật tướng. Thật tướng ấy là Tam bảo thường trụ. Phật dạy: “Y theo nghĩa không y theo lời là thế nào? Này Ca-diếp! Nghĩa là giác liễu, là nghĩa đầy đủ. Nghĩa đầy đủ là Như Lai, Pháp cùng Tăng đều thường trụ không biến đổi.” (Kinh Đại Bát Niết-bàn) Như Lai là giác, Pháp là chánh, Tăng là tịnh. Cái duy nhất trên đời đầy đủ ba tánh đức ấy không phải là bản tâm ta thì là gì?

Chấp vào văn tự ngữ ngôn thì mê mờ lý chân thật. Tuy nhiên, lý thì thường còn, ngôn ngữ thì biến hóa. Khéo dùng cái biến hóa để thể nhập cái thường hằng, duy chỉ có bậc giác ngộ mới làm được. Ví dụ ở phẩm Quán chúng sanh, Duy-ma-cật bằng ngôn ngữ đưa ra 30 ví dụ hướng dẫn ta quán chúng sanh như huyễn để hiểu không có chúng sanh tướng; kế đến, cũng bằng ngôn ngữ, đối đáp giữa Văn-thù và Duy-ma-cật chỉ bày cách quán chúng sanh như thật, đi đến gốc vô trụ là thức biến, chỉ ra chẳng phải không có tướng chúng sanh; sau cùng đối thoại của thiên nữ và Xá-lợi-phất hiển nghĩa chân thật là thật tướng của tất cả tướng là tướng hóa sanh từ chân tâm tự tánh; đây cũng do nghĩa của lời nói mà hiển lý. Chỉ một ví dụ này thôi, chúng ta đủ thấy sự nhịp nhàng của ba phép quán dẫn vào thật tướng trung đạo.

Do không loại trừ tính hữu dụng của ngữ ngôn, thiết nghĩ chúng ta cũng nên nói qua về các cách thuyết pháp Phật cho là đúng đắn. Theo kinh Đại Bát Niết-bàn, Phật nói về ba cách giải đáp và ba cách giảng nói pháp.

Ba cách giải đáp là: quyết định mà đáp, phân biệt hay theo lời hỏi mà đáp, yên lặng mà đáp. Quyết định mà đáp là lời thuyết pháp đúng với mọi căn cơ; như nói gieo ác nhân chắc chắn gặt ác quả, hay nói Phật là bậc Nhất thiết trí. Phân biệt hay theo lời hỏi mà đáp là tùy theo căn cơ, nhân duyên hoặc khúc mắc của chúng sanh mà nói; như do chúng sanh muốn thoát khổ nên nói tứ đế, do đạo quả Thanh văn tuy đã thành thục, nhưng vẫn còn khúc mắc nên nói kinh Phương đẳng. Yên lặng mà đáp, có hai cách là thuận hay nghịch mà nói và chẳng nói chẳng giải; như do chúng sanh chấp có nên nói không, hay do chúng sanh chấp không nên nói có, hoặc như khi Văn-thù hỏi về pháp bất nhị, Duy-ma-cật im lặng. Thuận hay nghịch mà đáp là để ngăn dứt thiên kiến. Chẳng trả lời là triệt để phá chấp trước vào cả hai tướng đối đãi.

Ba cách giảng nói pháp là: tùy tự ý ngữ, tùy tha ý ngữ, tùy tự tha ý ngữ. Tùy tự ý ngữ, là do tự chứng mà thuyết pháp; như Phật nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, hoặc như các đệ tử trong hội Lăng-nghiêm trình bày chỗ viên thông, ai cũng nói lời chánh thuyết. Tùy tha ý ngữ là do căn cơ người nghe mà phương tiện nói pháp, như do chúng sanh mê sanh tử mà thuyết Niết-bàn; hoặc là do đối cơ luận có nhiều mâu thuẫn, theo đó phá luận rồi nhân đó thuyết pháp; như Luận Thành Duy Thức phá ba lối chấp ngã đã nói bên trên, hay như Phật phá bỏ thất xứ trưng tâm mà A-nan nói trong hội Lăng-nghiêm. Tùy tự tha ý ngữ là lời thuyết tùy theo chỗ chứng của đối cơ hợp với chỗ tự chứng; như nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh nhưng bị phiền não che lấp mà không thấy.

Từ trên mà thấy y theo nghĩa không y theo lời, là phá bỏ chấp trước chứ chẳng phải bác bỏ văn tự ngữ ngôn. Nếu chẳng có ngôn từ thì không có kinh pháp và giáo thuyết, chúng ta nương vào đâu mà tu học?

Ngôn ngữ giới hạn bởi tánh biến kế sở chấp nên không thể diễn bày lý tột cùng. Ngôn là lời nói. Ngữ là danh từ. Danh từ và lời nói đều do thức phân biệt giả lập, chẳng thể đạt pháp tướng chân thật. Vả lại, căn trần còn kết hợp, thì pháp tướng là y tha khởi, và chỉ là tướng phần của thức, không phải là tướng chân thật. Không tin vào tướng phần của thức là không y theo thức. Hơn nữa, thức là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, là nhân của phiền não chướng và sở tri chướng nên chẳng theo. Nói nghĩa không y theo thức trước là làm sáng tỏ nghĩa y theo trí. Y trí là tâm thanh tịnh trên căn bản giác ngộ vạn pháp bình đẳng. Y thức là tâm phân biệt chấp trước, dính mắc trần cảnh khởi niệm sanh phiền não tham sân si. Dùng ba pháp quán giả, không, trung nhập lý thật tướng là y trí. Bình đẳng đối với chúng sanh vì pháp tánh hằng thanh tịnh và vì tâm tánh thường liễu biệt rõ ràng; đây mới chân thật là y theo trí không y theo thức.

Thế nào là y theo kinh liễu nghĩa không y theo kinh không liễu nghĩa? Liễu nghĩa (nītārtha) là giáo lý được trình bày tường tận, trọn vẹn không thiếu sót, là pháp nghĩa bộc lộ rốt ráo, nghĩa cứu cánh hiển thị đầy đủ, chẳng gì là ẩn mật giấu kín. Chấp vào văn tự là không liễu nghĩa. Do trí liễu biệt mà thấu suốt ý tại ngôn ngoại là liễu nghĩa. Kinh không liễu nghĩa là kinh pháp tùy thuận căn cơ chúng sanh, là phương tiện dẫn dắt từng bước; như nói chán sanh tử, cầu Niết-bàn... Kinh không liễu nghĩa chưa diễn bày hết nghĩa thâm sâu nhưng vẫn có tác dụng tạm giải thoát chúng sanh khỏi sanh tử. Do đó mà hiện hóa thành là kinh không liễu nghĩa, hiển bày thật tướng trung đạo bất nhị là kinh liễu nghĩa.

Thế nào là y theo pháp không y theo người? Pháp đây có hai nghĩa: một là giáo pháp Phật, hai là vạn pháp. Theo nghĩa thứ nhất, pháp là quy tắc, giúp người có chỗ đắc ngộ. Quy tắc có tính quyết định không đổi, nên nương tựa thì có thể chứng ngộ. Giáo pháp của Phật tương ưng pháp tánh, hay xứng tánh nên là quy tắc nên theo. Chỗ sở đắc của người có sai đúng, cạn sâu; ưng theo Thanh văn thì thành Thanh văn, ưng theo Bồ Tát thì thành Bồ Tát, ưng theo thần tiên thì thành thần tiên, ưng theo ma thì thành ma, do vậy chẳng nên theo người. Chỗ này bản Huyền Trang viết: “Y theo tánh [pháp] mà không y theo sự thấy có sở đắc của bổ-đặc-già-la.”[4] Pháp có thể liễu biệt, người khó mà phán đoán. Pháp được thuyết đúng như pháp thì người dù là hạ tiện cũng nên nghe. Pháp được thuyết mà không giúp ích gì cho sự giải thoát thì dù là người có địa vị hay học vị cao cũng chẳng nên theo.

Theo nghĩa pháp là vạn pháp, y pháp là thấy Phật thường trụ ngay nơi ta, là khế hợp pháp tánh như như. Pháp tánh ấy là Phật biến khắp pháp giới. Kinh Đại Bát Niết-bàn viết: “Nếu là người không biết không thấy pháp tánh thời không nên nương tựa.” Pháp là thật tướng thanh tịnh. Ngộ được thật tướng ấy thì dù dòng pháp bất thiện đang triển chuyển ở người này, ta cũng không nên sanh tâm phê phán bài xích, vì thực không có người bất thiện. Hoặc dòng pháp thiện lành, tốt đẹp đang thị hiện ở người kia, ta cũng chẳng nên sanh tâm yêu mến, cầu cạnh, vì thực không có người cao quý. Trong pháp vị, tất cả pháp đều bình đẳng. Thấy pháp tánh bình đẳng là y pháp. Thấy được người người bình đẳng nên bất y nhân. Thuận theo duyên khởi, liễu biệt các pháp tướng đang sai biệt mà không khởi niệm là y pháp. Thấy pháp tánh và nhân tướng bình đẳng, tánh tướng không hai mới thực là y theo pháp không y theo người.

Thứ tự của tứ y tùy theo kinh luận mà có sự sắp xếp khác nhau. Dưới đây dựa theo chú giải của Huệ Viễn trong Duy-ma kinh nghĩa ký mà ghi lại.

Có chỗ nói: y pháp, y kinh liễu nghĩa, y nghĩa, y trí; như Luận Thành Thật. Đó là căn cứ theo quán nhập văn tư tu. Quán pháp thật tướng, thâm nhập kinh liễu nghĩa; là chỗ y cứ của các bậc giác ngộ thành tựu đạo Bồ-đề. Y pháp, y kinh là tu văn tuệ. Y nghĩa thậm thâm khởi trí tuệ tư duy sâu sắc là tu tư tuệ.

Có chỗ nói: y pháp, y nghĩa, y trí, y kinh; như kinh Đại Bát Niết-bàn diễn ý từ thể khởi dụng, trên quả nói nhân. Từ thể khởi dụng là từ pháp thật tướng và nghĩa pháp thân mà khởi nhất thiết chủng trí thuyết các kinh liễu nghĩa. Trên quả nói nhân là từ ba quả đức pháp thân, giải thoát và bát-nhã mà chỉ bày chúng sanh nương vào lý và giáo, tức y trí và y kinh, mà tu giải thoát.

Có chỗ xếp theo thứ tự: y nghĩa, y pháp, y kinh, y trí; như Luận Địa Trì, là nhiếp pháp khởi tu. Nhiếp pháp là nương theo lý nghĩa được giáo pháp giải thích. Khởi tu là y kinh liễu biệt từng phần mà thâm nhập nghĩa lý của kinh pháp, không phân biệt Đại thừa hay Tiểu thừa vì tất cả kinh là liễu nghĩa. Ngược lại, có sự phân biệt thừa giáo là không liễu nghĩa. Nương vào sự không phân biệt này mà tu trí tuệ bình đẳng, vì tất cả nghĩa, tất cả pháp, tất cả kinh đều đưa về nhất thừa Phật đạo.

Có thứ tự xếp: y nghĩa, y trí, y kinh, y pháp; như kinh này. Huệ Viễn viết: “Nghĩa là lý thể, là chỗ nương để thành tựu các đức”, “trí là trí chứng nương vào nghĩa để thành tựu các đức”, “kinh là giải thích nghĩa... do giải thích mà hiển bày”, “pháp là hành pháp, tức là trí nương nơi hành pháp mà tu thành”.

Thứ tự sắp xếp tứ y có khác nhau là do nghĩa chủ đạo của từng kinh luận và vì mục đích giáo hóa chúng sanh đạt được nghĩa chủ đạo đó. Ví như Kinh Niết-bàn nói về thật nghĩa của Niết-bàn, về nghĩa thường trụ của Tam bảo và Phật tánh nên nói y pháp, y nghĩa, y trí, y kinh. Kinh Duy-ma-cật sở thuyết này do hiển nghĩa duy tâm sở hiện, duy thức sở biến mà chỉ bày Phật sự, nên nói y nghĩa, y trí, y kinh, y pháp. Từ đây mà biết Phật pháp chẳng phải là khuôn khổ nhất định.

Tóm lại, pháp tứ y là bốn nơi chúng ta có thể nương tựa để thuận theo nhân duyên mà tu hành đúng đắn không sợ bị lạc lối. Phật dạy: “Thế nên nay Như Lai nói bốn điều y chỉ như vậy. Pháp chính là pháp tánh. Nghĩa chính là Như Lai thường trụ chẳng biến đổi. Trí là rõ biết tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Liễu nghĩa là thấu rõ tất cả kinh điển Đại thừa.” (Kinh Đại Bát Niết-bàn)

VÔ VÔ MINH DIỆC VÔ VÔ MINH TẬN

KINH VĂN

Thuận theo pháp tướng, không chỗ vào, không chỗ về. Vô minh diệt hết, thời hành cũng diệt hết, cho đến sanh; diệt hết, thời lão tử cũng diệt hết. Quán như thế thì mười hai nhân duyên không có tướng diệt, không có tướng khởi; đó gọi là pháp cúng dường hơn hết.

Bắt đầu đoạn kinh văn này, bản Huyền Trang dịch là: “Theo tánh tướng đó mà giác ngộ hiểu các pháp, nhập vào vô tạng nhiếp, diệt A-lại-da”;[5] trong khi ở đây ghi: Thuận theo pháp tướng, không chỗ vào, không chỗ về. Đối chiếu hai cách dịch này sẽ giúp ta hiểu rõ nghĩa kinh hơn.

Thuận theo pháp tướng là khi các pháp hiện tướng, nhất định là như thị; nhân như vậy, duyên như vậy, quả phải là như vậy không khác. Đó là thuận theo nhân duyên. Nhưng phải biết pháp hiện tướng không phải là mới có, không mới sanh ra, không mới đến với thế giới này; gọi là không chỗ vào. Khi đốt bùng lên một bếp lửa, tướng lửa chẳng phải mới sanh ra. Nhưng tướng đó cũng chẳng thật, vì nếu là thật, thì trước kia sao không hiện, bây giờ mới hiện? Bây giờ hiện có, nhưng biến động từng sát-na, và sau này diệt mất, chẳng thể nói được tướng đó về đâu; gọi là không chỗ về. Khi pháp diệt, tướng nó không diệt, như dập tắt lửa rồi nhưng tướng lửa không mất, vì nếu thật mất ta không thể thấy nó nơi khác hoặc sau này. Không mới sanh ra là không chỗ vào. Không diệt tận là không chỗ về. Không sanh là vô sở hữu. Không diệt là vô sở đắc. Nếu có thể nói được, chỉ có thể nói pháp pháp là không.

Nhìn dòng sông, chỉ là một dòng chảy liên tục không ngừng, đâu là thật tướng của dòng sông? Đối với các loài thủy tộc, tánh của nước là dung nạp, tướng của sông là thế giới. Đối với loài người, tánh nước là ngăn ngại, tướng sông là dòng chảy. Như vậy chẳng phải tánh tướng của sông là vô sở hữu, vô sở đắc sao? Cùng là một dòng sông, đối với loài này thì tánh tướng là thế này, đối với loài kia thì tánh tướng thế kia. Như vậy dòng sông đang hiện chẳng phải là hư vọng sao? Một pháp là vậy, tất cả pháp cũng là vậy.

Các pháp hiện ra như vậy là do bất giác vọng động mà tam tế tướng đồng biến hiện. Bất giác chính là nghiệp tướng, còn gọi là hiện thức a-lại-da. Vọng động là chuyển tướng, còn gọi là phân biệt sự thức gồm mạt-na thức, ý thức và tiền ngũ thức. Hiện thức và phân biệt sự thức duyên nhau không ngừng làm hiện tướng cảnh giới, tựa như pháp thật có bên ngoài. Sự duyên nhau không ngừng đó là là thức huân tập các chủng tử và biến hiện không thể nghĩ bàn. Trong kinh Lăng-già, Phật gọi là bất tư nghị huân và bất tư nghị biến, là nhân của hiện thức, tức a-lại-da.

Thức thể chân thật là chân thức, tổng nhiếp hiện thức và phân biệt sự thức. Chân thức ví như gương. Hiện thức ví như tánh sáng của gương. Phân biệt sự thức là tất cả hình tướng hiện trong gương. Tánh sáng của gương không thể rời gương mà có; thể của tánh sáng là gương, cũng như chân thức là thể của a-lại-da. Tự mê tánh sáng mà khởi ra kiến phần tướng phần các thứ hư vọng chẳng thực. Đây là chỗ niệm niệm sanh diệt không ngừng, tức ba thức vọng tưởng, phân biệt, chấp trước lưu chuyển, lay động sanh kiến, lấy tướng hư vọng do vọng tưởng từ vô thủy làm chỗ nương, làm nhân tự nuôi lớn chính mình. Hãy nhìn vào tâm thức của chính ta, niệm niệm sanh diệt, chỗ nào là ta?

Pháp pháp là không, nên pháp chẳng thực xuất sanh từ a-lại-da. Cảnh giới không thực, nên cảnh chẳng thể là quả dị thục của thức thứ tám. Vì sao? Vì đã là không, thì chẳng gì có thể thu nhiếp được; ví như chẳng gì có thể nhốt được hư không. Không gì thu nhiếp pháp không, thì tạng thức a-lại-da cũng không, gọi là vô tạng nhiếp. Vì tánh tướng các pháp đều không nên các chủng tử dị thục tuy được nhiếp vào a-lại-da, nhưng thực ra không có gì được nhiếp; nên bản Huyền Trang gọi là nhập vào vô tạng nhiếp, trên đây nói là không chỗ vào, không chỗ về. Do đó, không chỗ vào, không chỗ về, ngoài nói nghĩa pháp hiện tướng như trên còn nói nghĩa của a-lại-da. Chỗ này, bản dịch của Huyền Trang nói nghĩa quyết định hơn: diệt a-lại-da. Nghĩa là chỗ xuất sanh của thế giới, chúng sanh và nghiệp quả là vọng tưởng điên đảo, không thực, là gốc không có gốc. Tin hiểu được chỗ này thì vọng diệt, nhất chân hiện tiền.

Bồ Tát Thế Thân ngay khi bắt đầu bộ luận Duy thức tam thập tụng nói:

由假說我法,  
有種種相轉。
彼依識所變,  
此能變唯三:
謂異熟、思量,  
及了別境識。

Do giả thuyết ngã pháp,
Hữu chủng chủng tướng chuyển.
Bỉ y thức sở biến,
Thử năng biến duy tam:
Vị dị thục, tư lượng,
Cập liễu biệt cảnh thức.[6]

Do giả nói ngã pháp,
Có đủ loại tướng chuyển.
Chúng do thức biến ra,
Ba thứ thức năng biến:
Là dị thục, tư lượng,
Cùng thức liễu biệt cảnh.

Thức năng biến có ba là a-lại-da (dị thục năng biến), mạt-na (tư lượng năng biến) và ý thức (liễu biệt cảnh năng biến). Tất cả tướng hiện có và biến động đều do thức. Thức tức là ngã, gọi đích danh là a-lại-da. A-lại-da lại là không thực. Vì là giả nên tạm gọi là ngã để luận các tướng. Bất giác là a-lại-da. Vọng động là mạt-na và ý thức. Cả ba thức này cùng khởi, làm tăng thượng duyên cho nhau. Tánh của ba thức là y tha khởi, tướng chúng là hư vọng nên bất khả đắc. Tuy là giả nhưng thể của chúng lại là thật. Tuy tự mê tánh sáng mà khởi các tướng hư vọng, nhưng thể của gương là thật, do thật mới có tánh sáng. Thật thể này không thể chỉ bày được, chỉ do trí lực thuận theo duyên khởi mà quán sát tự tâm và ngoại cảnh, đến kim cang địa thì dị thục mới không, tự chứng chân thức mà sáng tỏ thực không có a-lại-da. Khuy Cơ viết: “Ngộ nhập chân như không có sở nhiếp tạng diệt thức A-lại-da” là nghĩa như vậy. Tuy nói là diệt a-lại-da, nhưng đây là cách nói phương tiện rộng mở niềm tin cho chúng sanh tu hành, vì chúng sanh nghe a-lại-da có thể diệt mới phát đại tâm. Thực ra a-lại-da chẳng phải chân, chẳng phải phi chân nên không có chuyện diệt hay không diệt. Hiểu chỗ này là hiểu kinh văn tiếp theo nói nhân duyên sanh hay duyên khởi không có tướng tận hay không tận vậy.

A-lại-da là thức vọng tưởng, là nghiệp tướng vô minh đã diệt, thì chuỗi mười hai nhân duyên từ vô minh đến lão tử bị đoạn đứt, như kinh văn tiếp theo: Vô minh diệt hết, thời hành cũng diệt hết, cho đến sanh; diệt hết, thời lão tử cũng diệt hết. Huyền Trang ghi: “Trừ khử vô minh cho đến lão tử, dứt trừ sầu bi khổ não.”[7] Đây là quán nhân duyên theo thế hoàn diệt hay nghịch quán. Chúng ta để ý kinh văn trước nói như pháp tu hành, tùy thuận mười hai nhân duyên, chính là quán nhân duyên theo thế lưu chuyển hay thuận quán. Thuận quán xuyên suốt thì hiểu nghĩa Duy-ma-cật nói: từ nơi si mà có ái, bệnh tôi sanh. Thuận quán sẽ thấy đã sanh là sanh bất tận, sanh rồi diệt, diệt rồi sanh đến tột cùng. Lý sanh bất đoạn như ở phẩm Phật đạo, Văn-thù nói từ thân kiến là một, sanh ra hai là si ái, rồi tam độc, tứ đảo, ngũ cái, lục nhập, thất thức xứ, bát tà, cửu não, thập bất thiện, cho đến sáu mươi hai kiến chấp và vô lượng tướng. Tư tưởng triết học cổ đại Trung quốc đã ghi lại lý lẽ sanh hóa vô tận này trong kinh Dịch bằng những đồ hình biểu trưng: “Dịch hữu thái cực. Thái cực sinh lưỡng nghi. Lưỡng nghi sinh tứ tượng. Tứ tượng sinh bát quái.”

Thuận quán nhân duyên thành thục và rốt ráo sẽ nhận ra duyên khởi tức không, được pháp vô sanh. Nghĩa là tất cả tướng đều là vọng tưởng duyên sanh, hay như Huệ Viễn viết: “Cho đến tướng nhân duyên cũng chẳng có, gọi là diệt tận.” Đây là chỗ thuận quán chuyển thành nghịch quán. Nghịch quán rốt ráo thì tướng sanh diệt chẳng phải thực. Tướng sanh chẳng thực thì xưa nay không một vật. Tướng diệt chẳng thực thì pháp giới chúng sanh không có tướng tận. “Pháp vô sanh, nay cũng vô diệt, gọi là tướng vô tận. Không có pháp để diệt tận, gọi là rốt ráo diệt.” (Huệ Viễn) Pháp pháp không có tướng tận, nghĩa là các pháp có tướng giải thoát, không bị ràng buộc và chẳng có tánh ràng buộc. Hiểu được nghĩa này thì bản tâm chẳng còn gì vướng mắc, không phải giải thoát là gì?

Tăng Triệu viết rất sâu sắc: “Phàm sinh diệt là sinh nơi chẳng diệt, rốt ráo thường diệt thì tất cả đều diệt, đều diệt thì diệt mà không có chỗ diệt, diệt không có chỗ diệt là nghĩa vô tận.” Diệt là sinh nơi chẳng diệt là xét nghĩa sanh diệt chính là chuyển hóa, ví dụ như cây đốt thành tro, lửa tắt thành khói. Rốt ráo thường diệt thì tất cả đều diệt; chính là nghĩa vô thường hủy hoại, dụ như cây đốt, lửa tắt, hiện tướng vạn vật rồi sẽ mất. Đều diệt thì diệt mà không có chỗ diệt; nghĩa là hiện tướng tuy mất nhưng pháp tướng chẳng mất, như ví dụ ngọn lửa này tắt, nhưng lửa muôn đời vẫn là lửa. Diệt không có chỗ diệt là nghĩa vô tận; cũng là nghĩa thế gian tướng thường trụ, là nghĩa duyên khởi chẳng dứt. Đây là chỗ tánh y tha khởi nhập vào tánh viên thành thật. Pháp tướng thường trụ nên tất cả hiện tướng đều thanh tịnh không hề cấu nhiễm. Tất cả tướng tịch tịnh, là vô vô minh, pháp tướng thường trụ gặp duyên thì khởi, là vô vô minh tận. Vì khởi cái thấy có sanh nên phàm phu là vô minh. Vì khởi thấy có diệt nên nhị thừa có tướng tận của vô minh. Do đó bản Huyền Trang có thêm câu: Nguyện các hữu tình lìa bỏ các kiến thú. (願諸有情捨諸見趣 - Nguyện chư hữu tình xả chư kiến thú.) Quán như thế thì mười hai nhân duyên không có tướng diệt, không có tướng khởi. Quán suốt nhân duyên sanh, chẳng chấp chẳng lìa thì trí tuệ Bát-nhã hoàn toàn hiển lộ, nên gọi là pháp cúng dường hơn hết.

VIÊN MÃN CON ĐƯỜNG BỒ TÁT

KINH VĂN

Phật bảo Thiên đế: Vương tử Nguyệt Cái theo Phật Dược Vương nghe pháp như thế rồi được pháp nhu thuận nhẫn, liền cởi y báu và đồ trang sức nơi thân cúng dường Phật và bạch rằng:

Bạch Thế Tôn! Sau khi Như Lai diệt độ con sẽ thực hành pháp cúng dường để gìn giữ chánh pháp, nguyện nhờ oai thần của Như Lai thương xót gia hộ cho con được hàng phục ma oán tu hạnh Bồ Tát.

Phật biết trong tâm niệm của ông mà thọ ký rằng: Về đời sau này ông giữ gìn thành trì chánh pháp.

Vương tử Nguyệt Cái lắng nghe Phật Dược Vương nói pháp như thế. Nghe pháp như thế, tức pháp thuận theo duyên khởi, thuận theo pháp tướng, mà hiểu thấu lý lẽ vô vô minh diệc vô vô minh tận, và đắc nhu thuận nhẫn. Buông xuống ngã tướng là nhu. Không còn chấp pháp, thuận theo nhân duyên, không trái nghịch là thuận. Tuy chưa thể chứng nhập thật tướng, nhưng đã có tín tâm vững vàng, vô ngại, không đoạn trừ giả tướng là nhẫn. Nghe là thiền tập phản văn văn tự tánh, chứng tánh viên thông. Pháp tức pháp tánh. Như thế là tự tánh tương ưng pháp tánh. Đây chính là kiến tánh vậy.

Phàm phu đối với khổ mà chịu đựng là khổ nhẫn. Hiền nhân dù chưa kiến đạo mà vẫn một lòng vượt qua phiền não; đây là hàng thập tín nhờ đại tín tâm mà được kham nhẫn. Theo Kinh Nhân vương hộ quốc Bát-nhã Ba-la-mật-đa,[8] bước vào hàng thập trụ là thánh thai huân tập chủng tánh Bồ Tát điều phục ba nghiệp được phục nhẫn. Bồ Tát tinh tấn vượt lên hàng thập hạnh, thập hồi hướng, phục nhẫn phát triển thành mười tâm nhẫn: giới nhẫn, định nhẫn, tuệ nhẫn, giải thoát nhẫn, giải thoát tri kiến nhẫn, không nhẫn, vô tướng nhẫn, vô nguyện nhẫn, vô thường nhẫn và vô sanh nhẫn (đây mới chỉ là vô sanh nhẫn sơ khởi, chưa phải là vô sanh nhẫn rốt ráo). Mười tâm nhẫn này là tín nhẫn. “Lại nữa, Bồ Tát ở ngôi tín nhẫn, nghĩa là ở địa Hoan hỷ, địa Ly cấu và địa Phát quang... Bồ Tát ở ngôi thuận nhẫn, nghĩa là ở địa Diệm tuệ, địa Nan thắng và địa Hiện tiền... ở ngôi tịch nhẫn, Phật và Bồ Tát đều nương vào nhẫn này.”[9] Ở đây kinh văn nói vương tử Nguyệt Cái được pháp nhu thuận nhẫn tức là vào hàng Bồ Tát tứ địa.

Nhu thuận nhẫn biểu hiện qua đối nhân tiếp vật thì thuận theo nhân duyên, không còn phân biệt tự tha, không còn chấp trước pháp tướng và cảnh giới, đã thực sự buông bỏ ngã và ngã sở. Do đó kinh văn nói vương tử Nguyệt Cái cởi y báu và đồ trang sức nơi thân cúng dường Phật và phát nguyện lực sau khi Phật diệt độ sẽ thực hành pháp cúng dường đúng như pháp; tức y giáo phụng hành tùy thuận duyên khởi, như đã nói bên trên. Kinh văn đi từ kiến tánh thẳng vào hàng tứ địa là muốn nhấn mạnh nghĩa pháp cúng dường, vì thế mới tiếp theo là vương tử phát nguyện.

Mục đích của pháp cúng dường là giữ gìn chánh pháp. Thủ hộ và phát huy chánh pháp là để tiếp nối tuệ mạng và thành tựu nguyện lực của chư Phật, cũng là của chính mình. Giữ gìn là để cúng dường và ngược lại, cúng dường cũng là thủ hộ. Bằng cách nào nhiếp thọ pháp Phật? Đó là nhờ oai thần của Như Lai thương xót gia hộ; đây là nương vào tự tánh Phật và tánh đức từ bi mà tự độ và độ tha. Do trí tuệ và từ bi mà hàng phục ma oán; tức trừ bỏ tập khí vô minh phiền não và tu hạnh Bồ Tát; tức là xả bỏ ngã tưởng và pháp tưởng, khởi bi nguyện độ sanh.

Phật biết rõ nguyện lực Bồ Tát của Nguyệt Cái xuất phát từ trực tâm, thâm tâm và Bồ-đề tâm mà ấn chứng sự thành tựu về sau. Do quán nhân biết quả nên nói thọ ký. Phật thọ ký cho vương tử Nguyệt Cái sẽ giữ gìn thành trì chánh pháp. “Chánh pháp như thành trì, hành giả như người sống trong thành trì.” (Khuy Cơ) Luôn bảo vệ thành và cuộc sống của mình và mọi người, chính là tự độ và độ tha vậy. Sự thọ ký này cũng là giới thiệu kinh văn tiếp theo nói về việc làm và thành tựu của vương tử Nguyệt Cái.

KINH VĂN

Này Thiên đế! Vương tử Nguyệt Cái lúc đó thấy được pháp thanh tịnh, nghe Phật thọ ký, đem lòng chánh tín xuất gia tu tập các pháp lành, tinh tấn không bao lâu chứng ngũ thông, đủ đạo hạnh Bồ Tát, được môn đà-la-ni, biện tài vô ngại. Sau khi Phật diệt độ, ông dùng sức thần thông, tổng trì biện tài đã chứng được y theo pháp của Dược Vương Như Lai đã nói mà ban bố ra mãn mười tiểu kiếp.

Đây là cụ thể nói về việc làm của vương tử Nguyệt Cái sau khi nghe Phật Dược vương thuyết pháp cúng dường. Đó là quá trình bắt đầu bằng giác tự tâm và hướng đến thành tựu viên mãn nên diễn ra từ khi Phật Dược Vương còn tại thế, dụ cho giác hành hiện khởi, cho đến sau khi Phật diệt độ, dụ cho sự thành tựu rốt ráo. Do đó, câu quan trọng nhất trong đoạn kinh văn trên là: đủ đạo hạnh Bồ Tát; tức là quá trình từ kiến đạo, tu đạo đến chứng đạo và hành đạo.

Sự viên mãn của quá trình này bắt đầu từ thấy được pháp thanh tịnh, sanh tâm hoan hỷ hay kiến đạo vị, trụ Hoan hỷ sơ địa. Bản dịch của Huyền Trang chỗ này ghi: Nghe được Phật thọ ký, vương tử Nguyệt Cái vui mừng khôn xiết. (時彼王子得聞授記歡喜踊躍 - Thời bỉ vương tử đắc văn thọ ký hoan hỷ dũng dược.) Đây giống như lúc Duy-ma-cật nói ở hội pháp thí: Vì tâm hoan hỷ, khởi gần bực hiền thánh. Kiến đạo là kiến tánh, thấy rõ chân tâm tự tánh, thì chân trí phát sanh và phiền não dứt trừ; nên kiến đạo còn gọi là chính tánh ly sanh. Theo Tướng tông, kiến đạo gồm chân kiến đạo và tướng kiến đạo. Luận Thành Duy Thức viết: “Chân kiến đạo chứng duy thức tánh, tướng kiến đạo chứng duy thức tướng.” Chân kiến đạo chứng lý duy thức, dẫn phát căn bản trí, tướng kiến đạo nhiếp thuộc hậu đắc trí. Kiến đạo là Bồ Tát sơ trụ thành tựu bố thí ba-la-mật, nên bên trên kinh văn nói Nguyệt Cái vui mừng cởi bỏ những thứ trói buộc tự thân là y báu và đồ trang sức để cúng dường Phật; tức xả ly cấu nhiễm, bước vào tu đạo vị.

Do thấy các pháp vốn thường thanh tịnh là chứng nhân không, pháp không. Do chứng nhị không nên vương tử này phát chánh tín xuất gia, nghĩa là hậu đắc trí khởi dụng xả bỏ nhị chướng là phiền não và sở tri. Đây là tướng kiến đạo biểu hiện thành việc tu tập các pháp lành mà đại biểu chính là các pháp ba-la-mật. Xuất gia tu tập là bước vào tu đạo vị, thọ trì giới hạnh, quyết định xả bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước; chính là chỗ Duy-ma-cật trước kia nói với trưởng giả Thiện Đức: Vì pháp xuất gia, khởi thâm tâm. Đây là Bồ Tát trụ Ly cấu nhị địa.

Thâm tâm là tu hành như pháp, do trí chứng mà y giáo phụng hành; như Duy-ma-cật lúc trước nói ở hội pháp thí: Vì đúng theo chỗ nói mà làm. Cũng do trí chứng lý duyên khởi mà không chống trái với chúng sanh, tùy thuận các dòng pháp đang chuyển; tức là vì pháp vô tránh, khởi chỗ yên lặng. Không trái nghịch, hành mười tâm nhẫn như trên, tức tu định, là vì đi tới Phật tuệ khởi tọa thiền, trụ Phát quang tam địa.

Bồ Tát trụ tam địa đắc tứ thiền bát định và ngũ thông. Tứ thiền bát định đã nói qua ở chương ba, phần đối thoại với Xá-lợi-phất. Chứng ngũ thông là đã chuyển hóa tiền ngũ thức thành Thành sở tác trí; cũng có thể hiểu là do lục căn thanh tịnh mà đắc ngũ thông, chỉ trừ lậu tận thông thì duy chỉ có Phật do đoạn tận vọng tưởng vô minh mới có. Theo Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thập Địa thứ 26, Bồ Tát trụ tam địa đã vượt qua tứ thiền bát định, đắc ngũ thông: “Bồ Tát này được vô lượng sức thần thông có thể chấn động đại địa. Một thân hiện nhiều thân, nhiều thân làm một thân, hoặc ẩn hoặc hiện”; đây là thần túc thông. Về thiên nhĩ thông thì: “Thiên nhĩ của Bồ Tát này thanh tịnh hơn tai người, nghe được cả tiếng trời người nhẫn đến tiếng muỗi mòng.” “Bồ Tát này dùng tha tâm trí biết tâm chúng sanh khác đúng như thật”; là tha tâm thông. “Bồ Tát này nhớ biết vô lượng đời trước sai khác nhau”; là túc mạng thông. “Bồ Tát này thiên nhãn thanh tịnh hơn mắt người” có thể thấy chúng sanh đường lành đường dữ theo nghiệp mà đi; là thiên nhãn thông.

Bồ Tát trụ tam địa thành tựu nhẫn nhục ba-la-mật, được nhu thuận nhẫn như Nguyệt Cái vương tử bước vào Diệm tuệ tứ địa. Như đã nói trong chương bốn: “Đây là giai đoạn quyết liệt, triệt để nhất của sự buông bỏ, xa lìa tánh y tha khởi và biến kế chấp, và của sự chứng ngộ từng phần pháp thân... Đây cũng là giai đoạn thống nhất giữa từ bi và trí tuệ. Trong trình tự thập địa Bồ Tát, giai đoạn này bao gồm từ địa thứ tư đến địa thứ bảy.” Kinh văn nói: tinh tấn không bao lâu chứng ngũ thông. Tinh tấn là xác nhận tính quyết định của Diệm tuệ tứ địa phải thành tựu tinh tấn ba-la-mật. Không bao lâu; là thời gian vượt qua từ địa thứ tư đến địa thứ bảy để bước vào vị bất thối của Bất động bát địa. Chứng ngũ thông ở đây không phải là chứng những thần thông đã kể trên, vì như trên trích Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thập Địa, Bồ Tát tam địa đã chứng được ngũ thông. Không có lý khi vương tử Nguyệt Cái được nhu thuận nhẫn vào tứ địa rồi lại phải tu thêm ít lâu mới được thần thông. Vì vậy, chứng ngũ thông đây là nghĩa biểu pháp cho sự chứng đắc cả năm địa từ tứ địa đến bát địa, chẳng bao giờ rời niệm nhất thiết chủng trí trên đường viên mãn đủ đạo hạnh Bồ Tát. Hơn nữa, hiểu như vậy văn kinh mới khế hợp và thông với nghĩa của câu kế, được môn đà-la-ni, biện tài vô ngại, vốn là chỗ tu tập và thành tựu của Bồ Tát bát địa.

Ở Diệm tuệ tứ địa, trí tuệ Bồ Tát rực lửa đốt sạch nhị chướng, thành tựu tinh tấn ba-la-mật bước vào Nan thắng ngũ địa. Ở ngũ địa, Bồ Tát chứng đạo bất nhị, thành tựu thiền định ba-la-mật, bước vào Hiện tiền lục địa. Ở lục địa, Bồ Tát chứng chân như hiện tiền, thành tựu trí tuệ ba-la-mật, nơi Niết-bàn vô trụ bước vào con đường Viễn hành thất địa độ sanh vô tận. Ở thất địa, Bồ Tát chứng nhất như, thâm nhập vô tướng, thành tựu phương tiện ba-la-mật vào Bất động bát địa. Bồ Tát bát địa lìa tất cả tướng, tất cả tưởng phân biệt chấp trước, vào tất cả pháp như tánh hư không, đắc Vô sanh pháp nhẫn, được pháp vô công dụng hạnh. Ở bát địa, Bồ Tát bất thối chỉ có quyết tâm độ sanh tức nguyện ba-la-mật. Từ tứ địa đến bát địa chính là vượt qua năm địa nên gọi là chứng ngũ thông. Bồ Tát bát địa “tu tập Như Lai trí tuệ, nhập các môn đà-la-ni tam muội Như Lai bí mật pháp, quán sát bất tư nghị đại trí tánh thanh tịnh có đủ thần thông quảng đại vào thế giới sai biệt tu tập thập lực vô úy, bất cộng, theo chư Phật chuyển pháp luân, chẳng bỏ đại bi bổn nguyện lực được nhập Bồ Tát đệ cửu Thiện tuệ địa.” (Kinh Hoa Nghiêm)

Bồ Tát cửu địa khai mở trí lực Như Lai, dùng tứ vô ngại trí khai thị vô biên pháp tạng, thuyết pháp vô tận. Nhất thiết chủng trí nhiếp tất cả pháp nên kinh văn viết: được môn đà-la-ni. Đà-la-ni còn có nghĩa là nhiếp tất cả tông vào giáo thể là âm thanh, là tổng trì tất cả pháp môn. Thu nhiếp tất cả tông vào giáo thể như là thiền tông có pháp môn phản văn văn tự tánh; mật tông dùng âm thanh, mẫu tự thu nhiếp ba nghiệp; tịnh tông lấy câu niệm Phật nhiếp cả sáu căn, tịnh niệm tương tục, tâm niệm hay miệng niệm, trí biết rõ ràng, tai nghe tường tận. Đà-la-ni liên hệ với âm thanh, lấy âm thanh nhiếp thọ tất cả pháp và văn nghĩa. Do hiểu một pháp, một văn, một nghĩa mà thấu suốt tất cả pháp và vô lượng văn nghĩa. Được đà-la-ni là tự thọ dụng giải thoát bất tư nghị. Biện tài vô ngại là lấy âm thanh thuyết pháp độ sanh, là phần tha thọ dụng cho chúng sanh vậy.

Sau khi Phật diệt độ; là nghĩa viên mãn đạo hạnh, vì đạo hạnh chưa đầy đủ thì chẳng diệt độ. Đây là nói vương tử Nguyệt Cái kế thừa tiếp nối tuệ mạng và nguyện lực của Như Lai. Từ những thành tựu từ sơ địa đến cửu địa, như kinh nói: dùng sức thần thông, tổng trì biện tài đã chứng được, sau khi thành tựu lực ba-la-mật ở cửu địa, Bồ Tát vào Pháp vân thập địa. La-thập nói: “Vì có sức thần thông nên hiện tiền có thể biết hết các tâm, nhờ sức văn trì nên chẳng quên điều đã nghe, nhờ sức biện tài nên hay bình đẳng vì người thuyết pháp. Có ba sức này nên hay tuyên truyền cùng khắp pháp tạng mà Như Lai để lại.” Bồ Tát thập địa khởi ra nghiệp tuệ, biết rõ tất cả pháp hư vọng chỉ là danh tướng, tùy thuận duyên khởi mà vào bình đẳng, vào môn nhất tướng vô tướng, dứt trừ luôn một tướng ấy, thành tựu trí ba-la-mật, chứng ngộ pháp thân mà vào ngôi đẳng giác. Đẳng giác là các giai vị Bồ Tát từ tam hiền, thập địa, đến nhất sanh bổ xứ, 41 tầng bậc đều bình đẳng, đều là chánh đẳng chánh giác. Vì sao? Vì pháp vốn bình đẳng, và các ngài đều chứng đắc pháp ấy. Do nghĩa bình đẳng mà kinh văn không nói riêng về ngôi đẳng giác; đây là chỗ tròn đầy của đạo Bồ Tát. Và pháp bình đẳng đó cũng là pháp của Dược Vương Như Lai đã nói. Y theo pháp đó mà tu hành trải qua trọn vẹn mười địa, tức là nghĩa câu kinh văn: ban bố ra mãn mười tiểu kiếp.

KINH VĂN

Tỳ-kheo Nguyệt Cái giữ gìn Phật pháp, siêng tu tinh tấn ngay đời đó hóa độ được trăm muôn ức người ở nơi đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác không còn thối lui, mười bốn na-do-tha người phát hẳn tâm Thanh văn, Duyên giác và vô lượng chúng sanh được sanh về cõi trời.

Đoạn này là nói về thành tựu của Nguyệt Cái, đại biểu cho Bồ Tát đi trọn mười chặng đường từ sơ đến thập địa. Chẳng phải thành công rồi mới độ sanh, vì như đã nói tu hành và độ sanh không phải là hai. Do đó thành tựu của vị vương tử này là ở ngay đời đó. Chúng ta lưu ý Bồ Tát thành tựu không có nghĩa là đạt được cái gì cho mình, mà là hóa độ được vô vàn chúng sanh. Chính vì Bồ Tát không thấy có Phật để thành, nên bên trên Phật Dược Vương không thọ ký thành Phật mà chỉ ấn chứng Bồ Tát về sau thủ hộ chánh pháp. Kinh văn xác nhận tỳ-kheo Nguyệt Cái giữ gìn Phật pháp đúng như lời Phật.

Kinh Lăng-già viết: “Có năm vô gián chủng tánh. Thế nào là năm? Nghĩa là Thanh văn thừa vô gián chủng tánh, Duyên giác thừa vô gián chủng tánh, Như Lai thừa vô gián chủng tánh, bất định chủng tánh và các biệt chủng tánh.” Chủng là hạt giống từ vô thủy cùng với pháp hiện hành huân tập mà tạo thành tánh. Tuy nói là năm chủng vô gián nhưng đồng pháp tánh, nên chủng tánh có thể chuyển đổi, không nhất định cứ mãi như vậy. Ví như nhất-xiển-đề tuy đã đoạn dứt căn lành nhưng tâm chuyển và gặp duyên cũng có thể tu thành Phật.

Chủng tánh, nói cách khác là căn cơ của chúng sanh. Nguyệt Cái đã thành tựu trong việc giáo hóa chúng sanh gồm đủ mọi căn cơ. Trăm muôn ức người ở nơi đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác không còn thối lui; là chúng sanh có căn cơ Bồ Tát hay chủng tánh Phật dễ hiển lộ. Mười bốn na-do-tha người phát hẳn tâm Thanh văn, Duyên giác; là chúng sanh có căn cơ nhị thừa. Trong năm chủng tánh vô gián nói trên, bất định chủng tánh là chúng sanh có căn cơ bất định, tùy thuận được nghe thừa giáo nào thì nương theo đó. Biệt chủng tánh là nói chung cho phàm phu và ngoại đạo có tà kiến chấp ngã trong năm uẩn, chấp pháp và cảnh giới bên ngoài là thực có. Đối với chúng sanh kiên trì chấp trước này, Bồ Tát phương tiện dùng thiên thừa mà giáo hóa, nên kinh văn nói: vô lượng chúng sanh được sanh về cõi trời. Trạm Nhiên viết: “Trăm vạn người phát bồ-đề tâm là dùng viên giáo mà nói, mười bốn na-do-tha người phát tâm nhị thừa là dùng phương tiện mà dẫn dụ.”

KINH VĂN

Thiên đế! Vua Bảo Cái lúc ấy đâu phải người nào khác, hiện nay thành Phật hiệu là Bảo Diệm Như Lai, còn một nghìn người con của vua chính là một nghìn vị Phật trong đời Hiền kiếp, mà Đức Ca-la-cưu-tôn-đà thành Phật trước hết đến vị Phật thành rốt sau hiệu là Lâu-chí, còn Nguyệt Cái tỳ-kheo chính là thân ta đây. Như thế, Thiên đế! Phải biết cái yếu điểm pháp cúng dường là hơn hết trong việc cúng dường, bậc nhất không chi sánh kịp. Này Thiên đế! Phải lấy pháp cúng dường mà cúng dường các đức Phật.

Vua Bảo Cái là thâm tâm cúng dường làm nhân, mà thâm nghĩa đã nói bên trên. Nhân nào quả nấy. Nhân là cúng dường Phật đúng như pháp, quả là hiện nay thành Phật hiệu là Bảo Diệm Như Lai. Bảo Diệm là trí tuệ quý báu tối thượng của Như Lai rực lửa, tức Nhất thiết chủng trí. Nói Nguyệt Cái tỳ-kheo là tiền thân, đó là nêu gương mẫu điển hình cho việc thực hành pháp cúng dường viên mãn nên bây giờ thành Phật Thích-ca. Chẳng những riêng Phật Thích-ca, mà vua Bảo Cái và một ngàn người con đều do thực hành pháp cúng dường mà thành Phật. Vì vậy mà nói pháp cúng dường là hơn hết trong việc cúng dường, bậc nhất không chi sánh kịp. Một ngàn người con là một ngàn vị Phật đời Hiền kiếp cùng một liễu nhân là thuận theo nhân duyên y giáo phụng hành mà thành Phật. Trong đó có bốn vị đã xuất thế là Phật Ca-lưu-tôn, Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, Phật Ca-diếp và Phật Thích-ca. Thứ tự ngàn vị Phật trong tương lai sẽ xuất thế bắt đầu từ Di-lặc Tôn Phật đến vị cuối cùng là Phật Lâu-chí. Đoạn kinh văn này nói về ngàn vị Phật chính là ấn chứng sự viên mãn của Bồ Tát đạo là Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

_______________________________

CHÚ THÍCH

[1] Nguyên văn: “法供養者, 謂於諸法如法調伏, 及於諸法如法修 行, 隨順緣起離諸邪見。 - Pháp cúng dường giả, vị ư chư pháp như pháp điều phục, cập ư chư pháp như pháp tu hành, tùy thuận duyên khởi ly chư tà kiến.” Xem Đại Chánh tạng, Tập 14, số 476, trang 586, tờ c, dòng 24-25. Việt dịch: Thích Nữ Tịnh Nguyên.

[2] Nguyên văn: “於諸因緣無違無諍不起異議 - ư chư nhân duyên vô vi vô tránh bất khởi dị nghị”. Xem Đại Chánh tạng, Tập 14, số 476, trang 586, tờ c, dòng 27. Việt dịch: Thích Nữ Tịnh Nguyên.

[3] Nguyên văn: “離我我所無所攝受 - ly ngã, ngã sở, vô sở nhiếp thọ”. Xem Đại Chánh tạng, Tập 14, số 476, trang 586, tờ c, dòng 27-28. Việt dịch: Thích Nữ Tịnh Nguyên.

[4] Nguyên văn: “依趣法性終不依於補特伽羅見有所得 - y thú pháp tánh, chung bất y ư bổ-đặc-già-la kiến hữu sở đắc”. Xem Đại Chánh tạng, Tập 14, số 476, trang 587, tờ a, dòng 1-2. Việt dịch: Thích Nữ Tịnh Nguyên.

[5] Nguyên bản: “如其性相悟解諸法, 入無藏攝滅阿賴耶。 - như kỳ tánh tướng ngộ giải chư pháp, nhập vô tạng nhiếp diệt a-lại-da”. Xem Đại Chánh tạng, Tập 14, số 476, trang 587, tờ a, dòng 2-3. Việt dịch: Thích Nữ Tịnh Nguyên.

[6] Duy Thức Tam Thập Luận Tụng (唯識三十論頌), Bồ Tát Thế Thân tạo, Pháp sư Huyền Trang Hán dịch. Xem Đại Chánh tạng, Tập 31, số 1586, trang 60, tờ a, dòng 27-29.

[7] Nguyên bản: “息除無明乃至老死, 息除愁歎憂苦熱惱。 - Tức trừ vô minh nãi chí lão tử, tức trừ sầu thán ưu khổ nhiệt não.” Xem Đại Chánh tạng, Tập 14, số 476, trang 587, tờ a, dòng 3-4. Việt dịch: Thích Nữ Tịnh Nguyên.

[8] Nhân Vương Hộ Quốc Bát-nhã Ba-la-mật-đa kinh (仁王護國般若波羅蜜多經), 2 quyển, Tam tạng Bất Không Hán dịch, thuộc Đại Chánh tạng, Tập 8, số 246.

[9] Kinh Nhân Vương Hộ Quốc Bát-nhã Ba-la-mật-đa, quyển 1, Việt dịch: Thích Nữ Tịnh Nguyên.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 15 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Giai nhân và Hòa thượng


Đường Không Biên Giới


Hoa nhẫn nhục


An Sĩ toàn thư - Khuyên người niệm Phật cầu sinh Tịnh độ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.188.198.91 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...