Mới đó mà Sư Cụ nhập thất cũng đã đúng tám năm rồi. Thời gian ấy trôi qua một cách nhanh chóng. Hai tịnh hạnh nhân càng già hơn xưa, trong khi hai chú Ngộ Đạo và Ngộ Tánh càng ngày càng lớn khôn chững chạc. Họ không còn là bạch diện thư sinh như khi còn là một nho sinh nữa. Nhưng dưới lớp áo nâu sồng, họ vẫn là những con người bằng da bằng thịt, ai trông thấy cũng rất ngưỡng mộ. Có lẽ vì cái dáng đẹp trai bên ngoài của hai chú.
Một hôm hai chú lên đồi hái củi đem về chùa. Trên đường đi, họ trao đổi với nhau rằng:
- Này Ngộ Đạo! Đệ thấy ở chùa như thế có thích không?
- Dẫu có thích hay không thì đệ cũng phải ở thôi, chứ cha mẹ đâu có mà nương nhờ. Đâu phải như huynh còn gia đình để thăm viếng.
- Huynh muốn hỏi là đệ có thấy gì thay đổi nơi nội tâm và ngoại hình hay không?
- Ừ, thì dĩ nhiên là có.
- Nhưng có cái gì?
- Thì có cái như sư huynh có đó.
- Cái đó thì sanh ra trong đời này ai mà chẳng có.
- Ví dụ như ăn, uống, ngủ nghỉ và mộng mơ v.v...
- Tại sao những câu kinh lời kệ không giúp cho ta quên đi kiếp nhân sinh này nhỉ?
- Tại huynh trước khi đi xuất gia chắc đã vương vấn vào nợ trần?
- Điều ấy chẳng phải, nhưng...
- Nhưng cái gì hả sư huynh?
- Việc này khó nói lắm.
- Đệ vẫn nghe Sư Cụ dạy rằng: “Mọi sự ham muốn trong cuộc đời này nó cũng giống như một cơn ngứa vậy thôi. Nếu ta càng gãi thì sẽ càng ngứa. Tốt nhất là đừng gãi.”
- Ừ! Đúng vậy! Nhưng chữ tốt nhất thật là khó đấy. Ta vẫn cảm thấy cõi lòng sao sao ấy. Đệ có thấy thế chăng?
- Thỉnh thoảng đệ vẫn thấy, nhưng quên đi rất mau. Vì đệ không để ý đến nó nữa. Vả lại việc gì đến, mình cứ để cho nó đến và việc gì đi cứ để cho nó đi, đâu có gì mà phải luyến tiếc. Cứ chấp nhận là xong.
- Nếu thế ai muốn lấy đệ làm đối tượng thì đệ nghĩ sao?
- Dĩ nhiên là trong “tam thập lục kế” mình phải chọn một. Còn huynh?
- Ta vốn yếu mềm trước sắc đẹp.
- Mà cái gì đẹp vậy sư huynh?
- Cái gì cũng đẹp hết.
- Nhưng Sư Cụ dạy cho chúng ta biết rằng “tất cả những thứ ấy không có thật tướng” mà.
- À, à... này đệ hãy nhìn xem.
Cả hai huynh đệ đều đưa mắt qua bên trái để nhìn thấy hai con rắn đực và cái đang cuốn quýt xoắn tròn lại với nhau, như chẳng muốn rời, mặc dù có bóng người đứng gần đó. Ngộ Đạo thì cuối đầu xuống, trong khi đó Ngộ Tánh vẫn cứ nhướng đầu lên để xem màn cuối ra sao. Ngộ Tánh bỗng giật mình khi nghe tiếng gọi của Ngộ Đạo:
- Này huynh.
- Cái gì thế?
- Thôi chúng ta hãy về đi!
Trên đường về, hai chú vẫn chuyện trò với nhau về mọi lẽ tử sanh, ân ái trong cuộc đời và xa xa đâu đó trên cành cây có một cặp chim uyên ương đang thỏ thẻ với nhau. Rồi nhìn lên cao hơn nữa, có cặp ngỗng trời đang sánh nhau bay về tổ. Ngộ Tánh thấy chúng hạnh phúc lắm. Trong khi đó chính mình, mặc dù ở chùa lâu nay, nhưng chưa thấy được cái hạnh phúc thật sự là gì? Mắt và tâm không ăn khớp nhau, nên Ngộ Tánh té chúi nhũi về phía trước khiến Ngộ Đạo phải chồm đến để đỡ sư huynh mình.
Thỉnh thoảng hai chú vẫn thấy một cặp bò rừng, một cặp bọ hung, một cặp chuồn chuồn, chúng vẫn kết chặt vào nhau, để tạo nên nòi giống cho những thế hệ kế tiếp. Còn người tu, Ngộ Tánh quay lại hỏi Ngộ Đạo:
- Có khi nào đệ thấy trong lòng an lạc và hạnh phúc không?
- Có chứ!
- Khi nào vậy?
- Khi nào chúng ta đang hiện hữu, lúc ấy chúng ta hạnh phúc.
- Vậy thì hạnh phúc là gì?
- Là cái mà người ta đang có, chứ không phải cái mà người ta đang tìm.
- Vậy sao?
- Ai sẽ làm chủ được mình khi đứng trước một giai nhân?
- Mình sẽ làm chủ lấy mình chứ còn ai nữa.
- Nếu đệ gặp một người đẹp thì đệ sẽ làm sao?
- Đệ sẽ quán mọi pháp không thật tướng. Mọi cái, ngay cả thân này thật ra cũng chỉ là một cái túi dơ thôi. Đâu có gì gọi là đẹp, khi nó chết đi rồi, để đó chừng ba ngày không chôn là thối. Vì nó chỉ là một hợp tướng của đất, nước, gió, lửa mà thôi.
- Nếu vậy, có người đẹp đến ôm đệ thì sao?
- Thì cứ để cho họ ôm. Còn huynh?
- Chắc là huynh sẽ chạy trốn.
- Chạy trốn đâu bằng đối diện. Hãy tự đối diện với mình và với nàng, thì mới rõ được tất cả những thật tướng của cuộc đời.
- Nói thì dễ chứ gặp thực tế, chẳng phải đơn giản đâu.
- Đúng thế! Nhưng dễ hay khó vẫn do lòng mình thôi…
Họ vừa đi vừa nói chuyện như thế và về đến cổng tam quan trước chùa lúc nào chẳng hay biết. Bỗng đâu hai tịnh hạnh nhơn xuất hiện, ngỡ rằng việc gì đã xảy ra với Sư Cụ trong thất, nhưng không ngờ được báo tin rằng:
- Chỉ còn ba ngày nữa là công nương con gái quan tể tướng của triều đình sẽ đi chùa, cầu nguyện cho mẫu thân đang bị bệnh.
Cả hai tịnh hạnh nhân lo lắng lắm và hỏi rằng:
- Bây giờ sư phụ đang nhập thất, chùa mình phải tính sao đây?
- Thì cô ấy cứ tới chùa chứ có sao?
- Ai là người sẽ tiếp đón?
- Dĩ nhiên là chúng tôi. Ngộ Đạo và Ngộ Tánh này.
- Còn lễ nghi thì sao?
- Vẫn như xưa nay như Sư Cụ thường dặn.
Cả mấy ngày sau đó, trong ngoài chùa được quét dọn tươm tất như chưa bao giờ việc ấy từng xảy ra với ngôi chùa Sắc Tứ Hưng Phước này. Ngộ Đạo thì mong rằng giá như Sư Cụ ra thất trong lúc này thì hay biết mấy, còn Ngộ Tánh thì ngược lại, vì Ngộ Tánh có chủ đích riêng của mình. Điều này có lẽ Sư Cụ cũng thừa biết nên Ngài chẳng có động tịnh gì cả, để xem thử hai người đệ tử của mình trưởng thành như thế nào trong nội tâm và cơ thể. Sư phụ mới an lòng để ra đi một cách tự tại được. Khi tuổi già không cho phép Sư Cụ ở lại mãi với cõi đời này.
Sáng hôm sau, cổng tam quan của chùa mở sớm và hôm nay cả ba cánh cửa đều mở hết. Vì dầu sao công nương cũng là con gái của bậc đệ nhất quốc công của triều đình đương đại, chỉ thua công chúa một bậc thôi. Vả lại, cha nàng và cả gia tộc nàng đều hộ trì ngôi chùa Hưng Phước từ mấy trăm năm nay. Do vậy việc đón rước để làm lễ cầu nguyện tại chùa là điều tất yếu vậy.
Từ ngoài cổng chùa, sau khi xuống kiệu, nàng đã được các tỳ nữ dìu vào bên trong cổng tam quan. Nàng vẫn có thói quen đi bên mặt không vào cửa giữa, mặc dù hai cánh cửa giữa cũng được mở tung ra. Có lẽ nàng ngại hay vì sanh ra trong gia đình quyền quý và nho giáo, nên nàng vẫn được ăn học lễ nghi như thế.
Đèn đuốc bên trên chánh điện đã được đốt lên sáng trưng. Khói hương trầm nghi ngút hòa quyện với gió ban mai, hòa lẫn với tiếng chuông, làm cho không khí nơi chánh điện vốn đã trang nghiêm, nay lại càng trang nghiêm hơn nữa. Trong khi hai chú Ngộ Đạo và Ngộ Tánh y áo sa-di sẵn sàng đứng đón để trao nhang cho nữ tỳ. Đoạn, nữ tỳ trao lại cho công nương, con quan Tể Tướng. Ngộ Tánh thầm suýt xoa:
- Ôi! Người đâu mà đẹp thế!
Suýt chút nữa là Ngộ Tánh buộc miệng nói ra như thế rồi, nhưng dừng ngay kịp vì biết rằng trước mặt mình còn có nhiều người nữa.
Sau khi khấn vái và cắm ba cây nhang lên, nàng cúi xuống ba lần lễ lạy và sau đó cả hai chú dâng lời cầu nguyện cho mẫu thân của công nương, tức vợ quan Tể Tướng.
Cả chánh điện mọi người đều đứng lên và công nương liếc mắt nhìn qua chú Ngộ Đạo, bỗng dưng như bị điện giật, nàng tự nhủ thầm rằng:
- Người đâu mà đẹp thế. Tại sao phải xuất gia như vậy, ẩn mình vào chốn thiền môn để làm gì?
Trong khi đó chú Ngộ Đạo vẫn không có một dấu hiệu hay tín hiệu nào có được sự cảm xúc như nàng.
Buổi lễ Phật cầu nguyện của công nương hôm đó đã xong, và mọi sinh hoạt tại ngôi chùa Sắc Tứ Hưng Phước Tự vẫn bình lặng như mọi ngày, chỉ có một người trong hai người lúc nào cũng như thấp thỏm chờ mong một cái gì đó, nên trông thấy có vẻ khổ tâm lắm. Đó là chú Ngộ Tánh.
Sư Cụ tuy ở trong thất, nhưng cũng đoán biết được kết quả của buổi lễ Phật hôm ấy rồi, và cũng còn hay tin rằng một trong hai đệ tử xuất gia của mình, bây giờ không còn siêng năng tụng kinh niệm Phật, ngồi Thiền, lễ bái nữa, đó là Ngộ Tánh. Mỗi lần nhìn về phía liêu tây của hai chú, Ngài trầm ngâm suy nghĩ và Ngài muốn cho các chú được yên tâm tu học, nên đã có kế hoạch sắp truyền ra, nhưng để xem mây nước trôi nổi đến đâu, lúc ấy Ngài mới có quyết định. Vả lại Ngài cũng đã quá biết rằng xưa nay “đệ tử tầm sư dị, sư tầm đệ tử nan”, nên Ngài cố dùng uy lực của mình để độ người Nho sinh ấy. Hắn vốn cũng là con nhà lành, chỉ vãn cảnh chùa đôi ba lần đã sinh ra mến cảnh, và mong học hỏi nơi cửa Thiền, nên đã phát nguyện xuất gia. Điều ấy hẳn quý thôi! Nhưng đúng là cái nghiệp. Cái nghiệp này nó nặng gấp ngàn cân. Vật nặng mình có thể đỡ được, chứ nghiệp nặng, mỗi người phải tự xoay xở lấy để mà bước ra.
Một hôm, chú Ngộ Đạo vào bên cạnh giường của sư huynh mình và cất tiếng hỏi:
- Tại sao huynh không dậy tụng kinh mà cũng chẳng cơm cháo gì hết vậy. Có cần đệ này giúp gì chăng?
- Cái huynh cần chắc đệ không giúp gì được.
- Sao lạ thế?
- Ờ, thì trên đời có nhiều cái lạ lắm.
- Nhưng đệ nhìn thấy huynh có gì đó bí ẩn.
- Đã gọi là bí ẩn thì làm sao nói ra được.
- Thế nhưng người ta có thể cảm nhận được mà.
- Vậy đệ hãy cảm nhận giùm đi.
- Chắc là vương vấn rồi chứ gì?
- Đệ nói vương vấn cái gì?
- Thì sư huynh hẳn biết rồi mà.
- Bây giờ ta muốn đệ giúp ta một việc.
- Giúp việc gì, nếu không ngoài khả năng của đệ.
- Ta muốn gặp công nương.
- Huynh có đường đột không đấy? Có được lệnh Sư Cụ chưa? Nhất là sự dị nghị của thế gian và nhà của quan Tể Tướng kín cổng cao tường, đâu phải tới lui lúc nào cũng được. Vả lại chúng ta là những người xuất gia, đi đến cửa quan để làm gì? Nếu họ biết việc đường đột ấy thì chỉ khổ thân cho cả đám.
- Nhưng bây giờ biết làm sao hơn, hay sư đệ mang lá thư này tìm cách trao cho cô nữ tỳ hôm nọ, rồi nhờ cô ấy trao giùm cho công nương chắc cũng được.
- Việc này không có đệ rồi đó.
Nói xong Ngộ Đạo bước ra khỏi phòng rồi tự suy nghĩ về buổi lễ Phật hôm ấy của tiểu thư. Sau khi gặp tiểu thư rồi, tâm hồn của sư huynh mình dường như đờ đẫn ra. Ngồi đâu quên đó, lúc nào nhìn gương mặt cũng như mất hồn, đã đánh rơi một cái gì đó, nhưng ngẫm lại cho cùng trên đường sanh tử này, ta đã rơi bao nhiêu lượt như thế rồi nhỉ. Kết hợp rồi chia ly, chia ly rồi kết hợp. Lúc thương nhau thì nói đẹp, nói hay. Lúc ghét nhau chẳng có lời xấu nào chẳng dùng đến. Quả là con người có muôn vạn cách nói để che đậy những hành vi tội lỗi của mình, mà vốn bị cái ái tình, cái tình cảm, cái nghiệp duyên nó đã làm cho không có cơ hội thoát ra khỏi. Ngẫm phận mình, tuy là một đứa con hoang bị mẹ bỏ rơi trước cửa chùa và nhờ Sư Cụ nuôi nấng dạy dỗ đã gần hai mươi năm qua, trong tâm của mình vẫn dửng dưng với mọi việc xảy đến, trước mắt hoặc sau lưng mình. Ví dụ như tiểu thư ấy đẹp như thế nào, thì mình chẳng rõ biết, nhưng sư huynh thì ví như “cá lặn chim sa”, rõ ràng là mỗi người nghĩ mỗi khác về việc này. Bởi vậy cho nên cái này có người cho là đẹp thì người kia bảo xấu và ngược lại cũng vậy. Vậy xấu hay đẹp là do quan niệm về nghiệp lực nó chiêu cảm, chứ đâu phải là tại con người. Ví như câu chuyện của Tổ Bát Nhã Đa La đời thứ 27 bên Ấn Độ, đã hỏi Bồ Đề Đạt Ma trước khi đi xuất gia và nhận làm đệ tử của Ngài. Khi được biết là viên ngọc quý nhất của triều đình đã được vua cha tặng cho Tổ Bát Nhã Đa La, trong khi hai ông anh thì tiếc rẻ. Còn đến lúc hỏi Ngài thì Ngài bảo còn một loại quý hơn ngọc nữa, đó là cái tâm của con người.
Đúng là vậy, cho nên sau này Bồ Đề Đạt Ma mới được truyền y bát. Nếu trả lời chỉ có ngọc kia là quý, thì chỉ được ngôi vua mà thôi. Vậy thì rõ ràng là việc đẹp xấu, có giá trị hay không là do trình độ hiểu biết nhân duyên và nghiệp lực của mỗi người.
Riêng tiểu thư con quan Tể Tướng thì chẳng khá gì hơn, sau khi đi dâng hương làm lễ cầu nguyện cho mẹ về dinh mấy hôm nay cũng nằm liệt giường liệt chiếu. Gia nhân nghĩ rằng nàng lậm gió lậm sương nhưng không phải, xem mặt mày trở nên hốc hác lạ thường, biếng ăn mất ngủ. Đúng là một người đã lậm tình. Nhưng tình chi một thứ tình quái lạ. Ở chốn triều ca, có không biết bao nhiêu công tôn vương tử đi cầu hôn mà chẳng màng đến, bây giờ sau khi lễ Phật về, lại lậm tình bởi một người đã xuất gia, muốn thoát vòng tục lụy. Quả là điều nghịch lý. Bây giờ quan Tể Tướng phải tính sao đây. Nếu không, việc này mà loan truyền ra bên ngoài thì là cả một vấn đề khó xử.
Ban đầu mẹ của tiểu thư tưởng nàng chỉ ốm nắng do trái gió trở trời, nên đã mời biết bao nhiêu lương y đến. Nhưng nàng cũng chẳng uống một giọt thuốc nào. Có vị biết tâm bệnh của nàng nên khuyên hãy tìm cho được người nàng thích thì mọi chuyện sẽ yên. Khi hỏi mãi mới biết rằng tiểu thư đã để ý đến chú Ngộ Đạo, chỉ mới nhìn dáng hình chú ấy trong chiếc áo nâu sồng là đã đem lòng thương ngay, nhưng làm sao bây giờ để giải bày tâm sự ấy cho cha mẹ và chú hiểu được lòng mình. Thế là trống đánh xuôi mà kèn lại thổi ngược là ý này chăng? Có biết bao người thương ta mà ta không để ý đến, thế mà ta phải lòng một kẻ xuất gia. Tâm sự ấy tiểu thư đã thổ lộ hết cho người nữ tỳ thân cận để tìm cách giúp nàng.
Khi mẹ vào giường bệnh, nàng chẳng dám nói sự thật, chỉ ấm ớ cho qua chuyện. Đến khi gạn kỹ người hầu của nàng, thì bà mới biết đầu đuôi câu chuyện. Sau khi suy đi tính lại nhiều lần, bà cũng chẳng tìm ra một phương cách nào cả. Dẫu sao đi nữa, gia đình bà cũng là một gia đình Phật Tử thuần thành. Danh dự ấy, niềm tin vào Tam Bảo lâu nay của gia đình như thế, không lẽ bây giờ hạ mình nơi cửa Phật để giải bày tâm sự của con gái mình chăng? Chắc điều ấy không thể được vì tội lỗi lắm. Nếu mình không khuyên một người đi xuất gia được thì mình cũng không nên làm cho một người đã xuất gia rồi trở lại với đời sống của thế nhân, mà vốn cuộc đời này đâu có cái gì đẹp hơn là con người muốn thoát tục? Sau khi suy nghĩ như vậy, bà vào lại bên giường con gái và cất tiếng gọi:
- Con ơi! Con muốn gì?
- Điều con mong muốn chắc con không dám trình bày.
- Mẹ đã hiểu cả rồi. Nhưng cớ sự ra nông nổi này thì phải giải quyết sao đây?
- Biết làm sao bây giờ nữa, nếu con không gặp và không thương được người con yêu thì con sẽ chết.
Nghe đến chết là bà mẹ cuống cuồng lên và tìm cách cầu cứu nơi chồng mình. Hôm nay quan Tể Tướng không vào triều. Một mình ông ngồi trên bộ sập gụ xưa có chạm hình tứ quý để uống trà và đọc truyện Đông Chu Liệt Quốc. Thấy bà vào, ông đỡ chiếc kiếng cận giơ lên cao rồi khẽ hỏi:
- Bà vào đây có chuyện gì?
- Chắc mọi việc ông đã rõ. Về con gái nhà mình chứ còn gì nữa?
- Nhưng bây giờ ăn làm sao, nói làm sao với bàng dân thiên hạ đây?
- Ông thì bao giờ cũng thể diện hết. Nhưng nếu con mình nó chết thì sao.
- Để từ từ tôi suy nghĩ đã, đừng đem cái chết của con ra mà hù doạ.Thật sự ra, những người nói chết thường ít dám chết lắm. Chỉ có những kẻ âm thầm không nói gì hết, kẻ đó mới đáng quan tâm.
- Theo ông nghĩ thì chúng ta phải làm sao?
- Bà để đó tôi sẽ tính.
Suốt đêm đó ông không ngủ. Không phải ông giận gì con gái cưng của mình hay ông không tìm ra phương pháp giải cứu được trận này, vốn ông là một vị tướng của triều đình tả xông hữu đột, nơi nào ông cũng thắng cả. Còn bây giờ trận giặc của gia đình, ông chẳng biết phải tiến thối sao đây. Phải chi là quân địch lúc nào tấn công, lúc nào rút lui ông đều rành rẽ, nhưng đây là chuyện của con mình, một chuyện theo ông khó chấp nhận được.
Cũng có lúc ông nghĩ rằng thôi mình nên biên thư để tỏ bày tự sự của con mình cho Sư Cụ chùa Hưng Phước biết mà liệu định. Vì trước khi đi xuất gia, Sư Cụ Từ Tâm cũng là một quan văn trong sạch ở chốn triều ca. Việc ấy chẳng khó gì khi trao đổi ý kiến. Nhưng xét cho cùng ông lại thôi và cứ để cho dòng suy tư tiếp tục hướng đến một cõi xa xăm nào đó.
Trong khi đó chú Ngộ Đạo ở chùa vẫn hồn nhiên như lứa tuổi đôi chín vừa lớn lên trong cuộc đời. Thỉnh thoảng còn đi đến trước cửa phòng của sư huynh mình và ngâm bài thơ rằng:
“Sư vừa cất tiếng nam-mô,
Bỗng đâu có bóng một cô bước vào.
Tim sư rộn rực nôn nao,
Bỏ chuông, bỏ mõ, ra vào chẳng yên.”
Ngộ Đạo vừa ngâm vừa đãi tiếng cuối cùng thật dài khiến cho Ngộ Tánh nằm trong phòng cũng bật cười. Không biết đây là tâm sự của Ngộ Tánh hay là của tiểu thư. Nghĩ một chặp Ngộ Đạo ngâm tiếp.
“Tim này ví xẻ làm đôi,
Trót dâng cúng Phật, chao ôi còn nàng.
Lung linh dưới ánh trăng vàng,
Như Lai Điều Ngự trên làn tóc em.”
Hai câu sau chót mới là tuyệt vời, đa phần ta quán Phật ra em, nhưng ở đây thì quán em ra Phật. Không biết giờ đây sư huynh của mình có quán được như thế chăng?
Đêm hôm ấy, Ngộ Tánh nằm mơ thấy đức Hộ Pháp về bảo rằng:
“Phàm mọi việc ở đời đều có nhân có quả. Tất cả đều kết thành một chuỗi dài Thập Nhị Nhân Duyên, mà trong ấy vô minh đứng đầu. Bởi vì chúng ta chính từ vô minh phiền não mà trổi dậy trong cõi luân hồi, nhưng cũng nhờ vô minh phiền não mà ta thành Vô thượng Bồ-đề. Ở trong sự khổ đau tục lụy nếu ta nhận chân rõ được nguyên nhân và hậu quả, ta sẽ thấy rõ đường đi nẻo về, còn nếu không chịu nhận ra bản lai diện mục của mình là ai, thì mãi vẫn còn quay cuồng trong chốn sanh tử tử sanh ấy. Trong Luận Đại Thừa Khởi Tín và Luận Đại Trí Độ, chư Tổ Sư truyền thừa cũng đã dạy cho chúng ta rõ ràng là tâm này vốn thanh tịnh bình đẳng, giác ngộ, nhưng cái tánh giác từ vô thỉ kiếp ấy ta không giữ gìn mà quên đi, lo lăng xăng vào ra đâu đó, rồi mãi vui say với ngũ dục gồm: tài, sắc, danh, thực, thùy, rồi quên bản tâm mình vốn thanh tịnh. Bây giờ chỉ cần cắt hẳn dây ái ân, đoạn lìa việc sanh tử là Niết Bàn Diệu Tâm sẽ ngự nơi tâm của mình. Hãy đừng bắt bóng mà quên hình. Vì hình ảnh đẹp của giai nhân đó, nó cũng là ảo ảnh của cuộc đời mà thôi. Tại sao ngươi đã dám từ bỏ con đường danh lợi của một nho sinh vào chùa xuất gia đầu Phật, đã là một bậc đại nhân rồi, mà bây giờ mới chỉ thoáng qua một hình ảnh mỹ miều mà ngươi đã quên đi cái ngũ trược ác thế ấy. Đời này vốn chẳng có gì vui. Hãy cố gắng lên đi. Vì chỉ có con đường tu mới có thể giải thoát sanh tử được.
Ngươi hãy nhìn xem, lâu đài, cung điện, ngai vàng, vợ đẹp, con ngoan. Tất cả đều do tứ đại hợp thành. Từ đất người ta xây lên bao nhiêu cung vàng điện ngọc, nhưng qua bao nhiêu cuộc bể dâu của lịch sử rồi đất ấy cũng trả lại cho đất mà thôi. Thân này cũng thế, chỉ là một cái túi da đựng không biết bao nhiêu đồ phế thải bên trong. Nào ruột non, ruột già, lá lách, bàng quan, tụy tạng, gan, mật, mỡ, đờm v.v... ôi thôi là đủ thứ. Những cao lương mỹ vị ta mới dùng hôm qua, đến ngày sau thải ra ruộng đồng ta đã chẳng dám nhìn lại, thì sắc đẹp cũng chỉ thế thôi. Sắc đẹp không đánh đổ được niềm tin, sắc đẹp không giữ được ngai vàng. Sắc đẹp chỉ đem lại khổ đau và tục luỵ. Điều ấy chắc thật như thế. Xưa nay ít có người nào ham sắc mà ngộ đạo bao giờ. Như ngươi học Luật chắc cũng đã biết rõ. Ngày xưa Vua Trụ vì ham vui nơi rượu và sắc đẹp mà mất nước. Còn mình là người tu tuy không có giang sơn to lớn, nhưng không lẽ cũng để đánh mất cái bản tâm vốn thanh tịnh ấy ư?
Còn nữa, việc đi xuất gia vốn do ngươi tự chọn, chứ đâu có ai bắt ép, mà vốn ý nghĩa của hai chữ xuất gia nó quan trọng lắm. Đầu tiên là ra khỏi nhà thế tục. Cái nhà ấy sáng vui, chiều buồn, tối giận, khuya hờn. Rồi lại cứ tiếp diễn như thế. Cái nhà mà có cả bao nhiêu niềm vui lẫn nỗi buồn chen lẫn với nhau đó, ngươi đã một lần ra khỏi rồi. Bây giờ ngươi lại muốn trở lại chăng? Mà cái nhà ấy vốn đã quá nhiều phiền não. Nói rộng ra là cái xã hội này đây, đâu có gì vui. Tất cả cái gì cũng là lợi danh, danh lợi, mạnh được, yếu thua. Nơi chốn quan trường cũng thế. Sức mạnh nằm ở nơi kẻ có quyền thế, tiền bạc. Còn lẽ phải vẫn còn nằm chờ sau bức màn nhung. Ngươi có hiểu điều ta nói chăng?
Còn nghĩa thứ ba của việc xuất gia cao cả hơn nữa. Đó là ra khỏi ba cõi, mà ba cõi này vốn không yên, giống như trong nhà lửa vậy. Ngươi đã có lần học trong luận A Tỳ Đàm, Phật đã nói về sự hình thành của thế giới này rồi, do Sư Cụ Từ Tâm dạy và Ngộ Đạo đã kể qua. Ngươi còn nhớ nữa chăng? Khi tiểu tam tai đến và đại tam tai tới thì giàu nghèo sang hèn gì cũng chẳng còn gì cả. Lúc ấy chỉ có người biết tu là còn sống sót mà thôi. Từ cõi người cho đến cõi chư Thiên ở Vô sắc giới, cõi nào dẫu đẹp đến bao nhiêu đi chăng nữa mà không tu thì cũng lâm vào đại nạn như thường. Tại sao ngươi đã được vớt lên thuyền Bát Nhã rồi mà còn muốn trèo xuống trở lại thế gian đầy khốn khổ kia?”
Ngộ Tánh toát mồ hôi sau khi la ú ớ mấy câu chữ được chữ mất: “Con đã... con đã chuẩn bị rớt xuống rồi. Hãy cứu con với!”
Nghe tiếng la lớn bên cạnh giường mình, Ngộ Đạo tỉnh dậy lần qua giường Ngộ Tánh hỏi xem việc gì đã xảy ra. Ngộ Tánh bị đánh thức liền ngồi dậy và kể lại tự sự câu chuyện của Đức Hộ Pháp Vi Đà đã báo mộng nhắc nhở mình cho Ngộ Đạo nghe và văng vẳng đâu đây vẫn còn nghe những lời quở trách ấy.
- Đó, huynh thấy chưa. Hộ Pháp Vi Đà chùa mình linh lắm đấy! Việc của huynh làm và huynh đang mơ tưởng Hộ Pháp đều biết hết mà.
- Biết mà tại sao không giúp cho ta?
- Giúp là giúp kéo huynh ra khỏi chỗ bùn dơ tục luỵ, chớ không lẽ giúp xe lại duyên nợ cho anh ở một thuở xa xôi nào đó trong kiếp luân hồi? Thôi huynh ơi! Hãy quên nàng ấy đi. Họ là con nhà quan. Còn mình chỉ là kẻ tu hành không hơn không kém. Đúng là:
Cái vòng tục lụy cong cong,
Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào.
- Tại sao vậy huynh? Theo đệ nghĩ thì đâu có cái gì mà làm cho huynh say đắm như vậy?
- Bộ đệ không thấy cô ta đẹp sao?
- Dĩ nhiên là đẹp. Nhưng kết quả của cái đẹp ấy là gì? Nào ai biết được. Huynh còn nhớ câu chuyện bà vợ thứ của vua Tần Bà Sa La chăng?
- Chuyện như thế nào, đệ thử kể xem.
- Nguyên là thứ phi vua Tần Bà Sa La đẹp tuyệt vời. Lúc nào bà ta cũng rất hãnh diện về sắc đẹp ấy. Một hôm trong pháp hội tại Trúc Lâm Tịnh Xá, Đức Phật biết căn cơ ngộ đạo của bà ta đã đến và để trừ khử cái tâm cao ngạo về sắc đẹp kia nên Đức Phật liền hóa ra một nàng tiên đẹp hơn bà ta nữa. Bà ta rất ngưỡng mộ, đồng thời cũng rất lấy làm xấu hổ. Vì có người đâu mà đẹp hơn 10 lần mình như thế, mà lâu nay bà ta cứ nghĩ chỉ có mình bà là đẹp nhất ở cái thành Ma Kiệt Đà này thôi. Đoạn đức Phật hóa ra một người con gái đẹp như bà. Lúc này bà ta rất vui, vì có người cũng giống bà. Sau đó Phật hóa ra một người con gái xấu xí cũng từ người đẹp ấy, rồi cuối cùng một đống xương khô, cái nào cũng rã rời riêng lẽ, chẳng có cái nào liền với cái nào. Từ đó bà tỉnh ngộ về “vô thường” và sau khi nghe Phật thuyết pháp bà đã xin Phật và nhà vua xuất gia. Chính sự xuất gia của bà đã làm cho bao nhiêu vương tôn, công tử trong xứ Ma Kiệt Đà lúc bấy giờ rất ngạc nhiên và khâm phục. Cuối đời bà chứng được quả A La Hán. Phật đặt tên cho bà là Aya Khema, trong Trưởng Lão Ni Kệ có chép lại câu chuyện này. Bộ Huynh không nhớ sao?
- Chỉ nhớ loáng thoáng thôi. Còn bây giờ ta chỉ nhớ có một người.
- Lại một người nữa, bộ huynh không sợ Hộ Pháp Vi Đà trách sao? Thôi hãy nằm tịnh dưỡng đi, đệ sẽ mang cháo vào cho sư huynh sau khi đã dâng đồ dùng sáng cho Sư Cụ trước cửa thất.
Trong khi mang cháo vào cho Sư Huynh Ngộ Tánh dùng thì Ngộ Đạo ngẫm nghĩ lại mà giựt mình. Mới đó mà Thầy nhập thất cũng đã hơn 8 năm rồi. Trong 8 năm ấy không biết bao nhiêu là việc thay ngôi đổi chủ ở bên ngoài. Không biết là Sư Cụ có hiểu hết không. Chứ còn Ngộ Đạo chứng kiến không biết bao nhiêu nỗi thăng trầm của nhân thế. Bao nhiêu việc thay ngôi đổi chủ và cũng từ trong sự khổ đau của nhân thế ấy Ngộ Đạo đã nắm vững vàng lý đạo nhiều hơn. Bây giờ Ngộ Đạo đã tự tin lấy mình và quyết đi cho đến đích cuối nẻo tử sinh trong cuộc sống vốn đầy khổ đau tục luỵ này. Ngộ Đạo tiếp tục suy nghĩ. Phàm cái gì mình ham thích, cái ấy nó ít đến với mình. Ví dụ bướm đang đậu mình đến bắt thì nó bay. Còn mình không thích cái gì đó tại sao nó cứ gần gũi mình. Có lẽ vì vậy mà trong tám nỗi khổ, đức Phật có nói về “oán tắng hội khổ” hoặc “ái biệt ly khổ” cũng là những điều nhức nhối cho kiếp nhân sinh này lắm. Đã biết đời là khổ rồi, nên mới xuất gia học Đạo như Ngộ Tánh kia. Thế mà cái pháp danh ấy Sư Cụ đã cố ý cho anh ta thấy ra cái tánh của mình. Vốn tánh ấy có khả năng thành Phật, nhưng sao huynh Ngộ Tánh chẳng thấy, chỉ thấy chi cái khổ sở trong kiếp nhân sinh, lại còn bảo mình làm ông tơ bà nguyệt nữa. Thôi cái ấy em xin chừa.
- Sư huynh ơi! Cháo đây. Sư huynh hãy ngồi dậy đi. Hôm nay trông đỡ nhiều rồi đó. Chẳng có ai thương mình đâu. Chỉ có cơm cháo thương thôi. Sư huynh rán dùng vài chén là khoẻ liền hà. Cháo này do hai vị tịnh hạnh nhơn ở nhà trù nấu đó. Còn riêng em thì nêm nếm cho vừa miệng sư huynh đó. Nào hãy gắng lên.
- Nhưng bệnh ta đâu phải thuộc về thân mà ăn cháo?
- Nếu thuộc về tâm huynh cứ tự chữa đi chứ ai mà chữa được.
- Có chứ.
- Ai vậy?
- Tiểu thư.
- Tiểu thư, tiểu thư lúc nào cũng tiểu thư hết. Tiểu thư cũng chết lên chết xuống kia kìa.
- Ủa bộ tiểu thư cũng tương tư à?
- Chắc vậy.
- Mà tương tư ai vậy.
- Chứ còn ai vào đó nữa, ngoại trừ sư huynh, vì sư huynh lớn và đẹp trai nữa này. Chắc là tiểu thư phải lòng sư huynh rồi đó.
- Có chắc vậy không?
- Phải chờ thời gian và năm tháng trả lời.
- Sự chờ đợi của ta bây giờ mỗi phút giây là nó dài như hàng thế kỷ. Đệ có cách gì giúp ta chăng?
- Có
- Có? Có cách gì?
- Hãy ăn cháo đi, sau khi khỏe mạnh sẽ có tin vui.
Thế là từ đó trở đi Ngộ Tánh mạnh hẳn ra không cần ăn cháo nữa, mà mỗi ngày chàng nho sinh hôm nào cũng lên phía trước tượng Đức Hộ Pháp Vi Đà để cầu nguyện. Chẳng biết Ngộ Tánh đã cầu gì, nhưng lâu lâu lại thấy như tha thiết lắm và cuối cùng thì đứng lên lạy xuống nhiều lần.
Trong khi đó tiểu thư con quan tể tướng bệnh trạng cũng giảm dần. Vì thời gian và quan san cách trở. Nàng cũng có nhiều niềm vui khác nên đã quên đi một chú tiểu mang tên Ngộ Đạo đẹp trai ngày nào tại chùa Sắc Tứ Hưng Phước Tự. Cha mẹ nàng rất mừng. Vì biết đâu ông bà cha mẹ nhiều đời đã giúp cho gia đình này trong cơn nguy khốn ấy được toại nguyện.