Chúng ta không làm gì được với quá khứ, và cũng không có khả năng nắm chắc tương lai, nhưng chúng ta có trọn quyền hành động trong hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Nụ cười biểu lộ niềm vui, và niềm vui là dấu hiệu tồn tại tích cực của cuộc sống.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Hãy lặng lẽ quan sát những tư tưởng và hành xử của bạn. Bạn sâu lắng hơn cái tâm thức đang suy nghĩ, bạn là sự tĩnh lặng sâu lắng hơn những ồn náo của tâm thức ấy. Bạn là tình thương và niềm vui còn chìm khuất dưới những nỗi đau. (Be the silent watcher of your thoughts and behavior. You are beneath the thinkers. You are the stillness beneath the mental noise. You are the love and joy beneath the pain.)Eckhart Tolle
Thành công có nghĩa là đóng góp nhiều hơn cho cuộc đời so với những gì cuộc đời mang đến cho bạn. (To do more for the world than the world does for you, that is success. )Henry Ford
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Ta sẽ có được sức mạnh của sự cám dỗ mà ta cưỡng lại được. (We gain the strength of the temptation we resist.)Ralph Waldo Emerson
Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích.Sưu tầm
Khi bạn dấn thân hoàn thiện các nhu cầu của tha nhân, các nhu cầu của bạn cũng được hoàn thiện như một hệ quả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Những Đêm Mưa »» Chương 10. Cái thang »»

Những Đêm Mưa
»» Chương 10. Cái thang

Donate

(Lượt xem: 1.315)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Những Đêm Mưa - Chương 10. Cái thang

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Đã ba hôm trời mưa tầm tã, Trang không còn thấy thích thú vì cái giếng nước trong vườn đã gần đầy lên đến miệng nữa. Trời xám xịt và đất thì mòng mọng những nước. Cả nhà cứ nhắc mãi trận lụt năm trước: “Nước vào trong nhà đến năm tấc và làm hư bao nhiêu là đồ đạc!”

Tân mách chị:

- Chị ạ, hai đứa em không phải đi học. Cả ngày chỉ ngồi trên giường cao xếp thuyền giấy thả chơi vui ghê! Được nghỉ học những năm ngày.

Mẹ Trang phàn nàn:

- Lúc nước bắt đầu rút là phải quét liền, không thì bùn đọng lại khó rửa sạch được. Năm ấy có ai ngờ là nước lại vào đến nhà. Mẹ đang ngủ đến nửa đêm thức dậy thấy guốc dép nổi lềnh bềnh trong phòng cả rồi!

Mấy hôm nay tuy chưa hẳn là lụt to nhưng chợ không họp nữa nên trong bữa cơm không có thịt cá rau tươi, chỉ có cá khô, mắm, muối sả, cá hộp kho lại. Trang bực mình vì phải là tã cho con. Mà con bé Li Li cứ lúc nào trời mưa là tã ướt gấp đôi những ngày nắng ráo, thế mới khổ mẹ nó.

Đến sáu giờ tối nước mưa xuống không chảy đi đâu được nữa. Tất cả các cống rãnh thông nước đều tràn đầy lênh láng khắp vườn. Chảy không kịp, nước đọng lại trong sân. Một lúc sau nước trong sân cũng không phải chỉ là nước mưa vì tất cả các ao hồ lân cận cũng lên cao tràn thêm vào. Nước lên dần dần từng bậc thềm, rong rêu ở các hồ nổi trên mặt nước lùa vào từng đám. Trang bắt đầu thấy lo ngại, chạy hết chỗ này đến chỗ kia khắp các thềm nhà để xem chừng mực nước. Mưa vẫn tầm tã không ngớt, trời ảm đạm mờ mịt không cho ai một tia hy vọng gì.

Lúc trời tối hẳn, Trang bắt đầu dọn đồ đạc lên nhà trên ngủ vì phòng của nàng thấp nhất nên nước vào trước.

Mẹ Trang bảo:

- Làm gì mà cuống cuồng lên thế? Thì cũng như năm trước, hay quá lắm là gấp đôi chứ gì, đã chết ai!

Mẹ Trang có vẻ bình tĩnh lắm, bà giục mọi người đi ngủ, bà cũng ôm bé Thu, ru hời ru hỡi như mọi đêm.

Trang đang ngủ bỗng giật mình thức dậy lúc 12 giờ khuya, nàng tưởng như mình đang ngủ đò, chung quanh giường nước mênh mông và sóng vỗ chợp chờn. Trong tiếng mưa đổ rào rào dữ dội xuống mái ngói, từ xa vẳng lại những tiếng kêu cứu, kêu đò, tiếng gọi nhau đủ các thứ tiếng không phân biệt được. Trang chỉ biết tất cả các thanh âm ấy hòa lẫn thành một tiếng kêu thảm thiết lẫn trong tiếng mõ đổ hồi liên thanh.

Trang hoảng hốt đánh thức Lạc, người ở gái, dậy cùng nàng khênh một chiếc chõng tre đặt lên giường, bế hai con nằm xuống. Xong nàng đến phòng bên cạnh gọi em Tân và Tấn. Hai đứa bé nằm cong queo ngủ ngon lành, không biết tấm phản chúng đang nằm sắp sửa nổi lên mặt nước.

Mẹ Trang cũng đã thức dậy, bà xếp dọn một ít đồ đạc và nói rất bình tĩnh:

- Không sao đâu con ạ, nhà mình ở cao nhất xóm. Nếu vùng này mà ngập thì quanh đây còn ai sống nữa!

Đồ đạc trong tủ bà chỉ dọn từng dưới lên từng trên.

Ở nhà giữa, anh Bê đang cẩn thận xếp những chồng sách của ba Trang lên mặt bàn: Ba Trang chỉ huy mọi việc, giọng ông vẫn còn mạnh bạo:

- Sách từng thấp trong tủ lớn tạm cho lên trên bàn. Đồ đạc trong tủ đổi lên từng cao nhất. Sách tủ thấp phải dọn lên tủ cao, sách mà ướt là không còn giá trị gì nữa!

Cô Tư cũng đã thức dậy, cô ngồi trên giường ông, co cả hai chân lên giường, mồm ngậm điếu thuốc Cẩm Lệ to tướng. Cô không dám nhúng chân xuống nước, vì nghe người ta nói đang có chửa, lội nước bạc, tức là nước lụt sẽ hư thai.

Thấy Trang lăng xăng lội lên lội xuống khắp nhà mẹ Trang gắt:

- Trời ơi, con có chịu ngồi yên một chỗ cho mẹ nhờ không? Đẻ mới dậy chưa đủ trăm ngày mà đã dám lội nước bạc. Bộ muốn chết bỏ con lại đó cho mẹ nuôi sao? Me nuôi một mình con Thu đã mệt gần ngất ngư, chỉ còn da bọc xương, con muốn giết mẹ cho mau chết nữa à!

Mực nước vẫn cao vùn vụt, trong tiếng mưa,tiếng mõ dồn dập đổ hồi, muôn ngàn tiếng kêu thảm thiết làm Trang càng bối rối hoảng hốt thêm. Nhìn cái nhà năm gian rộng mênh mông và đầy những đồ đạc quí giá đối với riêng mỗi người, Trang không biết nên bỏ thứ gì, cứu thứ gì. Trang cũng sợ lội nước lỡ ốm chết bỏ con, nhưng nhà còn ai nữa đâu!

Một người cha già ốm liệt giường liệt chiếu, một cô hầu non chỉ biết õng ẹo làm vui lúc bình yên nhưng không thể nhờ cậy được lúc tai nạn, và giờ phút này cô chỉ sợ hư thai, không dám nhúng chân xuống nước, Bé Thu và bé Mỹ còn phải đút cơm, bé Lili mới sinh chưa được trăm ngày, hai đứa em trai mồ côi mẹ mới 7, 8 tuổi, tuổi chỉ biết ăn và chơi, không giúp ích gì được.

Tất cả được đặt ngồi trên giường cao vì mực nước đã lên quá đầu bọn trẻ rồi. Chỉ còn anh Bê một con sâu rượu và cũng là một cây bệnh ngày thường, nhưng lúc này anh còn cố gượng đứng vững để sắp tủ sách vì anh biết Ba rất quí sách. Mẹ Trang chỉ băn khoăn về mấy cái bàn thờ và những bộ Kinh Phật, bà không biết nên dọn gì, cuối cùng bà thắp mỗi bàn thờ một nén nhang. Hai người ở gái, một đã phải ngồi trông trẻ con sợ nó trở mình ngã xuống nước, chỉ còn một lo dọn gạo củi, nước.

Trang đang giúp anh Bê khuân dọn sách, bỗng nghe cô Tư cười the thé nói:

- Hê hê hê, anh Bê ơi, còn cái tủ đồ tây của cụ nữa, vô dọn mau lên!

Anh Bê bực mình gắt:

- Thế cô ngồi đấy làm gì mà không giúp xếp dọn một chút cho giãn gân cốt. Tôi có phải là Phật bà Quan Âm đâu mà có những ba mươi sáu cánh tay.

Cô Tư ngồi yên không cử động. Chốc chốc cô lại gọi:

- Anh Bê, đem thêm vài miếng gạch vô đây chêm chân giường, nước sắp ngập cụ rồi, hê hê hê, lụt chi lạ!

Cô vẫn ngồi co chân trên giường không dám nhúng xuống nước. Đồ đạc riêng của cô chỉ có mấy cái vali, cô đã cẩn thận gác lên xà nhà từ ban tối. Gói thuốc lá Cẩm Lệ cô cũng đã cẩn thận bỏ trong túi, bây giờ phận sự của cô chỉ còn lo giữ cái thai.

Mẹ Trang đang dọn đồ đạc trên nhà thờ Phật cũng chốc chốc gọi với:

- Con ơi, bàn thờ Phật sắp đổ!

- Bê ơi, tủ áo gấm của cụ …

- Bê ơi...

Ba Trang nằm yên mãi cũng sốt ruột lên tiếng:

- Bê ơi, sách quí mà bị ướt rồi là không còn giá trị gì nữa!

- Chị ơi, em đói khóc đây này!

- Chị ơi, giường em sắp ngập đến nơi!

- Chị ơi.. Bê ơi...

Anh Bê và Trang hết chạy lên lại chạy xuống, hết chạy xuống lại chạy lên, người đã mệt mỏi nghe thế càng bối rối thêm. Riêng Trang nghe tiếng con khóc như xé ruột. Nàng tìm được một cái bàn cao, khênh lên phản và bế bọn trẻ con đặt nằm ngồi ngổn ngang. Phản có ba tấm ván, hai tấm trong và ngoài có chân bàn đè nặng nên đứng yên, còn tấm giữa không có gì chận, nổi lên mặt nước rồi bắt đầu từ từ đi du lịch khắp phòng.

Mực nước bây giờ lên vùn vụt chứ không còn lên chậm rãi như trước nữa. Trang thấy nước mắt mình đọng đầy trên mi, nàng nghẹn ngào chỉ muốn khóc oà lên...

- Anh Bê khiêng hộ cái va li với tôi một tay.

Rồi nàng phàn nàn một mình:

- Ai mất hết đồ đạc cũng còn lại cái xác nhà, còn tôi tất cả “giang sơn” chỉ ở trong vali này, trôi hết thì mẹ con chẳng còn một manh!

Bỗng tiếng cô Tư thét lên:

- Trời ơi, giường cụ hỏng chân rồi!

Cả nhà nghe thế hoảng hốt vội nhấc một chiếc bàn cao đặt ba Trang lên, và cùng phụ lực khênh chiếc bàn lên giường. Cái chân sưng của ông bị động làm ông đau đớn khổ sở lịm đi.

Mẹ Trang đứng hẳn lên lò sưởi để chuyền sách lên nóc tủ với anh Bê. Mấy tấm ván đầy sách giữa nhà bị nước đội hỏng chân, cả tấm ván nổi lềnh bềnh trên mặt nước, xê dịch một lúc rồi chìm dần xuống đáy. Nước bây giờ càng lên càng nhanh, đi từ đầu phòng đến cuối phòng, lúc trở lại mực nước đã khác hẳn.

Anh Bê vò đầu bứt tai:

- Thôi hỏng rồi, mở cửa ra sân kêu cứu đi thôi!

Nhưng dù có đánh trống đánh mõ cũng vô ích. Ai cũng biết giờ phút này tất cả mọi người đều lo lấy thân mình chưa xong, mong gì ai giúp được ai! Nếu cả gia đình Trang có tận lực la hét thì cũng chỉ góp thêm vài tiếng vang thê thảm lẫn vào muôn ngàn tiếng kêu cứu khác vẳng lại từ bốn phía.

Trời tối đen, mưa vẫn tầm tã, điện bỗng nhiên tắt làm cho mọi người lại càng khủng khiếp thêm trong lúc nguy hiểm. Cõi sống và cõi chết bỗng giáp gần nhau đến nỗi người ta cảm thấy không còn biên giới nữa!

Thấy con mèo mướp lội vùn vụt dưới nước kêu gào một cách rùng rợn, Trang bắt để nó lên bàn. Trang tưởng nó tìm chỗ lánh nạn, nhưng nó không chịu ngồi yên. Nó vùng vẫy cào vào tay Trang rồi lại nhảy xuống nước lội xuôi lội ngược kêu gào như phát điên, thì ra nó đi tìm đàn con. Trang rất ngạc nhiên vì con mèo này xưa nay vẫn có tiếng sợ nước, thì ra tình yêu con đã làm cho dù một con vật, cũng có những hành động suốt đời chưa từng biết.

Ba giờ sáng, rồi bốn giờ sáng, nước đã lên đến cổ. Mỗi một giây phút trôi qua người ta đều hy vọng đó là cái giây phút nước đứng rồi rút lui. Nhưng không thể được, khi trời cứ mưa tầm tã như thế này. Có lúc Trang đã tưởng là nước như không bao giờ có thể đứng lại, và tất cả mọi người chỉ còn cầu nguyện trước giờ chết mà thôi.

Mẹ Trang đang sắp mấy cuốn Kinh Phật trên bàn bỗng kêu thét lên. Cái bàn thờ Phật của bà đổ nhào xuống nước. Tượng Phật và kinh kệ nổi lềnh bềnh. Bà cố chạy theo vớt lại được vài tập giấy ướt nhàu.

Trong lúc hoang mang đến cùng cực gần như tuyệt vọng, Trang bỗng chợt nhìn lên bốn phía. Cái lỗ vuông nhỏ cỡ vừa một người chui lọt trên trần nhà để người thợ điện trèo lúc xem xét dây điện, làm Trang nảy ra một ý nghĩ:

- Cái thang, phải đi tìm cái thang nhanh lên!

Gia đình ông bà Túy hàng xóm đập cửa ở nhà ngang bồng bế nhau lếch thếch lội sang vì nhà ông thấp hơn nên nước đã lên quá đầu. Trong lúc họ xem nhà Trang là nơi cứu mệnh thì gia đình Trang cũng xem ông Túy như cứu tinh. Ông để thằng con trai bé và bà vợ chửa gần ngày ngồi yên trên một chiếc bàn cao ngất ngưởng xong cùng Trang bàn cách leo lên trần nhà. Bây giờ ông Túy là người khỏe mạnh độc nhất mà tất cả mọi người đặt hy vọng vào.

Ôâng Túy trèo lên trần nhà trước xem những tấm ván trần mỏng manh xưa nay chỉ dùng để làm đẹp cho cái nhà có đủ sức chịu đựng không. Ông gật đầu ra hiệu và Trang bắt chước ông, một chân đạp lên cánh cửa lớn, hai tay nàng giơ lên bám được trần nhà. Mọi người không ai dám bắt chước. Tân và Tấn đứng trên bàn chuyền lên cho nàng một ít chăn chiếu khô để sửa soạn chỗ nằm cho ba. Ông Túy trở xuống mở cửa lội ra sân đi tìm cái thang.

Cái thang nằm nổi trên mặt nước tận ngoài góc vườn nhưng may chưa trôi mất. Cái thang đã cũ vẫn thường dựng cạnh gốc cây trầu không một ai để ý, bây giờ được mọi người thiết tha cầu khẩn đến.

Một lúc sau ông Túy đem được thang vào nhà, mọi người thở ra mừng rỡ, cảm thấy con đường sống chưa mất. Ông Túy cẩn thận đặt cái thang cạnh tường, ông đứng dưới bế từng đứa bé chuyền lên, Trang ở trên đỡ lấy đặt xuống ván. Năm đứa trẻ đã lên hết nhưng mẹ Trang khôngchịu lên, cô Tư vẫn ngồi co chân không chịu cử động, còn ba Trang thì cố nhiên không thể nào ngồi dậy được.

Ông Túy trèo lên trần nhà cáu kỉnh bảo Trang:

- Chị làm thế nào thì làm, tôi đã năn nỉ hết sức mà ông cụ không chịu lên, bảo chân đau không nhúc nhích được. Cả cái cô kia cũng vậy, không chịu “dời gót ngọc”. Bộ muốn “bất cầu đồng sanh, cầu đồng tử” chắc! Còn bà cụ thì ông cụ không lên nên bà cũng không chịu lên. Nước đã ngập đến cổ mà mỗi người còn ôm một cục chướng như thế thì chỉ có ngồi mà đợi chết!

Tiếng mẹ Trang than thở:

- Suốt đời tôi cặm cụi khổ sở mấy chục năm trời mới gây dựng được cái cơ nghiệp này! Thực trời hại tôi! Trời muốn làm hại tôi hay sao hở trời!

Trời đâu có đây để trả lời bà, chỉ nghe tiếng Trang năn nỉ. Trong lúc khổ tâm bà đâm ra mất hẳn lý trí, bà gắt:

- Tao không đi đâu cả! Gia tài sự nghiệp mất thì tao cũng chết! Tao chết theo với Phật, Thánh, kinh kệ, bàn thờ ông bà...

Bà đang nói bỗng thét lên, chiếc bàn bà đang ngồi bây giờ chỉ còn một mình nhẹ quá hỏng chân bập bềnh nổi lên mặt nước. Bà nhanh tay nắm được cánh cửa tủ nên khỏi ngã. Ông Túy vội vàng xuống đỡ lên thang. Người bà ốm nhỏ nên Trang nắm được cánh tay mẹ kéo qua cái lỗ vuông dễ dàng. Bà đã lạnh cóng cả người, nằm vật xuống sàn không còn biết ai là ai chung quanh.

Lúc này không còn thì giờ để chiều chuộng hay “trưng cầu dân ý” nữa, Trong lúc nguy hiểm cần phải có sự chỉ huy cương quyết rõ ràng, mặc dầu ba Trang không chịu đi, Trang vẫn nhất định bắt ông Túy và anh Bê khênh ông đi. Ban đầu ông còn chống cự, nhưng mỗi cử động đều làm ông đau đớn, kết quả ông đành nằm yên cho ai làm gì thì làm. Ông Túy và anh Bê đỡ ông lên tấm ván, khênh đi chậm rãi, dò dẫm từng bước một.

Trang ở trên nhìn xuống cảm thấy từng tiếng tim mình đập, chỉ sợ một trong hai người đuối sức sẩy tay hay hụt chân thì chỉ có Trời cứu. Nước đã lên đến cằm. Anh Bê nguời thấp nhỏ phải đi nhón gót chân, mệt mỏi và lạnh cóng cả người, anh mím môi cắn răng cố đi từng bước cho thật vững chắc. Đang đi bỗng nhiên anh dừng lại ấm ớ kêu:

- Tôi uống nước. Chết tôi rồi!. Trời ơi!... Ai cứu... cụ với!

Anh cố gượng thêm vài bước may đã đến được chân thang. Phải khó nhọc vất vả vô cùng mới xê dịch được ba Trang từ tấm ván lên vai ông Túy. Ông cõng ba Trang và bước lần lần từng bước lên thang. Cái thang cũ kỹ rít lên và kêu trèo trẹo dưới sức nặng của hai người cùng trĩu lên một lúc. Ở trên nhìn xuống, Trang nghe như tim mình ngừng đập, nàng nín thở tưởng chừng thêm một hơi thở của mình cũng thêm sức nặng và cái thang sẽ chịu không nổi mà gãy mất. Vận mệnh của cha nàng nằm trên chiếc thang tàn tật ấy, thực trong suốt một đời người không ai ngờ đến. Còn được vài nấc, bà Túy và Trang ở trên nắm được cánh tay ông, hai người cùng gồng người gắng hết sức lực kéo lên. Đồng thời bên dưới ông Túy cũng xuất toàn lực, phùng mang trợn mắt,vừa đun vừa đẩy...

Ba Trang lên đến được trần nhà, nỗi đau đớn xác thịt hành hạ ông đến mức độ tê tái không còn cảm giác. Ông như người mất hồn, mặt mày tái mét nằm vật xuống tấm ván Trang đã sắp sẵn.

Ông Túy xoa tay cười nói có vẻ thỏa mãn:

- Thực là kỳ tích, kỳ tích! Một bà chửa, ngày thường đi chợ “khênh” một bó rau muống bằng nắm tay cũng kêu nặng, kêu mệt “khênh” không nổi, và một cô “suyễn kinh niên” trói không chặt con gà, thế mà hôm nay “khênh” à quên xách nổi ông cụ một tạ lên thang gác! Hì hì hì, mình vai u thịt bắp như thế này mà cõng cũng nặng oải ba sườn, gần trẹo cả cổ!

Châu và Lạc, hai người ở gái cũng đã có chỗ ngồi yên. Trang đợi kéo nốt cô Tư nhưng đợi mãi vẫn không thấy. Anh Bê đứng run rẩy thở lấy sức dưới chân thang, còn ông Túy nghe mẹ Trang nói có một chai rượu ngâm thuốc bổ trong tủ, ông quyết trở xuống lặn tìm cho bằng được.

- Hu hu hu, có ai cứu tôi với! Trời ơi, Có ai cứu tôi với!

Ba Trang lúc này đã tỉnh táo hơn, nghe cô Tư kêu cứu có vẻ thương xót lắm. Anh Bê đứng bên dưới cáu kỉnh:

- Cô ấy từ tối đến giờ hi hi mãi chán nên bây giờ đổi ra hu hu! Cô cao hơn tôi những một cái đầu, có chân thì tự đi cũng được, tàn tật già yếu bé bỏng gì mà phải đợi ai khênh. Mà giá có uống vài ngụm nước cũng không chết đâu!

Ba Trang thều thào cất giọng năn nỉ:

- Ông Túy ơi, bây giờ chỉ có một mình ông, trăm sự đều nhờ ông cả. Ông làm phúc làm đức đưa dì ấy lên kẻo tội nghiệp, bụng mang dạ chửa!

Anh Bê lẩm bẩm:

- Người ta chửa gần đẻ đến nơi đã phải lội suốt đêm cũng chẳng sao, đằng này chỉ mới có vài tháng.

Ba Trang vẫn ngọt ngào:

- Ông Túy, trăm sự nhờ ông, tính mệnh dì nó ở trong tay ông, suốt đời chúng tôi sẽ không quên ơn ông...

Bà Túy giãy nảy lên:

- Mau mau lên đi anh Túy ơi! Thôi đừng tìm rượu nữa! Ngâm nước từ đêm đến giờ, không khéo lạnh mà chết đấy! Ba vạn cũng bỏ!

Ba Trang vẫn năn nỉ:

- Chỉ còn có ông, ông làm ơn...

Ông Túy dù vợ không bằng lòng, anh Bê dù mệt mỏi đến đâu, kết quả cũng phải đi khênh cô Tư. Lên được đến nơi giọng cô không còn rên rỉ nữa! Cô cất tiếng cười the thé:

- Hê hê hê, tui không hề ướt lấy một cái vảy. Gói thuốc Cẩm Lệ cũng còn khô ran! Có thời chi lạ!

Trang lấy mấy chiếc áo len đã cứu được chia cho mọi người. Anh Bê ngồi run rẩy trong bộ quần áo ướt sũng những nước, hai hàm răng anh đánh vào nhau cầm cập, mặt anh tái ngắt và người cứng đờ ra. Anh thay được áo xong nằm vật xuống ván mê đi.

Cô Tư trông thấy thế lại cười rú lên:

- Hê hê hê, mình đi cũng được nhưng ai dại chi mà đi. Lỡ ướt lạnh chết thiệt thân mình chớ thân ai! Ba vạn cũng bỏ, gói thuốc Cẩm Lệ vẫn còn là được!

Bất giác Trang rùng mình. Trong cảnh nguy hiểm,đầy những tiếng kêu cứu thảm thiết, tiếng mõ kêu cứu dồn dập lẫn trong tiếng mưa đổ rào rào xuống mái ngói, tiếng cười của cô nghe lanh lảnh đến rợn người!

Suốt từ đêm, Trang phải làm việc và dùng nhiều sức nên lúc này cả người đau đớn mệt mỏi như bị dần từng đốt xương. Nàng tìm một góc và nằm lăn xuống ván. Tuy nằm nhưng Trang vẫn nghe rõ tiếng cha rên rỉ, tiếng cười hê hê từng hồi của cô Tư và những lời phàn nàn của mẹ:

- Thực là trời hại tôi! Thôi còn chi nữa! Kinh kệ mất hết, Phật tượng bể hết, áo quần trôi hết rồi còn chi! Trời, cả cơ đồ sự nghiệp của tôi! Già hơn sáu chục tuổi đầu rồi mà còn phải trông thấy cái cảnh như thế này! Thảm! Bộ kinh Pháp Hoa của tôi mới thỉnh, bây giờ có bạc vạn cũng không tìm đâu ra!...

Bà chưa nói dứt lời bỗng cô Tư quát lên hỏi con Châu:

- Châu, sao mi không lo cất mấy cái trứng gà để dành cho cụ xơi hở. Bây giờ cụ đói, mới làm sao?

Con Châu cười lạnh lùng:

- Thế sao cô không lo? Cô ngồi đó làm chi? Tôi làm bao nhiêu là công việc, nào gạo cơm than củi, khiêng vác từ đêm đến giờ! Bộ tôi ở không đấy hẳn!

- Ai biểu mi ngu! Mi lo khiêng vác không biết mấy thứ đồ đạc mà rốt cuộc đồ đạc đều ướt, mi cũng bị ướt như chuột lột. Còn tau không lo chi cả mà đồ đạc của tau không ướt, người tau cũng khô ran! Hê hê hê!

- Phải, người ta thì “Lấy chồng phải gánh giang sơn nhà chồng” còn cô thì “Sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi”!

Ba Trang rên rỉ:

- Thôi bỏ đi, bỏ đi, chuyện nhỏ mọn!

Ông không muốn ai nói động đến cô Tư, nhất là động đến sự vô dụng của cô trong cơn hoạn nạn.

Không biết con Châu đã lấy can đảm ở đâu ra, để cãi nhau tay đôi với cô Tư, chính nó cũng không tự biết. Có lẽ trong lúc tai nạn, nó đã làm tròn phận sự như một phần tử của gia đình, còn cô Tư vô dụng quá nên nó mất lòng kính nể.

Bà Túy gắt với ông Túy:

- Cái áo gấm của tôi anh để đâu? Còn cái đồng hồ tay nữa! Lại còn cái gói tã ướt của con... anh để mất thì liệu hồn.

Ông Túy mắng át:

- Thôi thôi, tôi xin các bà. Dẹp cái lọ mắm thối lại đi. Mới vừa lo chết dưới kia chưa được mười lăm phút. Lên đến đây cũng chưa chắc đã sống đâu mà vội giở trò tiếc của. Ấy may mà chỉ lụt chứ không bão, nếu cả lụt lẫn bão thì ngồi đây sẽ được gặp Ông Bà Tổ tiên ngay lập tức!

Đấy là sự thực, cũng như những lời họ nói cũng toàn là sự thực. Trong lúc này không ai nghĩ đến những câu che đậy khách khí giả dối nữa! Trang chua chát nghĩ thầm:

- Lúc lòng người ta cởi mở thì chỉ được trông thấy toàn những cái gì đâu!

Trang gượng đứng dậy mở cánh cửa sổ thông hơi nhìn ra. Bên ngoài cảnh vật mờ trong mưa. Trời đã sáng nhưng ánh sáng như hòa lẫn với mưa thành một thứ màu mờ mịt. Mặt nước dâng cao lấp cả những mái nhà thấp chung quanh xóm. Trên mặt nước chỉ còn những tàu lá chuối rách nát ủ ê, một vài ngọn cây cau trong vườn còn đứng vững được, vươn lên mặt nước, phần nhiều đều ngả nghiêng hay đổ hẳn. Mấy con chó vừa lội vừa kêu ăng ẳng một cách thê thảm, cố bám vào những chiếc rương hòm ngổn ngang trôi lẫn với củi ván.

Xa xa, ngoài đám nước bạc mênh mang, một người đàn ông cõng một đứa bé trên vai, đứa bé vẹo đầu sang một bên, mặt nó sát hẳn với mặt nước, có lẽ nó ngất đi, hay nó đã chết, nhưng người ấy biết hay không biết vẫn mải miết bơi. Ngoài xa nữa, rải rác từng người, ôm thân cây chuối hay mảnh ván mặc cho dòng nước đưa đẩy. Vài chiếc bè lờ đờ trên mặt nước, mặc dầu tiếng kêu cứu từ dưới nước, trên các mái nhà, khắp mọi nơi vẫn không ngớt, họ hình như không nghe thấy gì cả. Họ còn mải lo tìm vớt những đồ vật từ bốn phương trôi dạt lại! Nghìn năm một thuở cơ mà!...

- Trời ơi, còn cái phẫu tôm chua để trong tủ đồ ăn, có ai cứu cho tôi với không? Bây giờ dù có mấy trăm bạc cũng không làm được một phẫu như thế! Trong tủ lại còn hai cái bánh Trung Thu!

- Sách! Sách ướt là không còn giá trị gì nữa! Hàng bốn, năm chục năm trời sưu tầm!

- Trời, cái ống sáp môi của tui..

- Trời!...

Không lúc nào ông trời bị người ta kêu réo ầm ĩ như lúc này! Từ tiếng kêu cứu mạng cho đến ống sáp môi, lọ tôm chua...

Trang thấy ngao ngán lạ lùng, nàng không cần quay lại cũng biết ai đã nói ra.

- Tôi đã bảo mà! cái đồng hồ mới tinh hảo của tôi thế là quên trong tủ. Nó mà hư thì anh liệu hồn!

- Xin các bà đi! Đồ đạc của các bà khô ráo mà các bà chết thì để mà liệm hay để mà thờ? Nước còn lên nữa thì chưa chắc đã sống đâu! Đừng lên giọng tiếc của vội!

Trang lấy chiếc áo dài quấn chặt người con bé Lili.

Tạm thời Trang chỉ sợ nó lạnh. Lúc nước mới lên đến bụng, nàng đã đi tìm hộp sữa khuấy uống một cốc đầy. Nàng đủ cương sữa để bé Lili bú suốt đêm nay. Con Mỹ sà vào lòng mẹ kêu đói. Trang chợt nhớ đến chiếc bánh ngọt mẹ chia cho lúc ngồi trên bàn, Trang chỉ vờ cắn một góc rồi gói vào chiếc khăn tay cột lên đầu. Trang tháo khăn ra thì chỉ còn một nắm bột vụn. Mỹ vui mừng, hai bàn tay bé nhỏ nắm chặt tay Trang cúi xuống liếm bột bánh một cách ngon lành. Trang rũ khăn ra vét nốt chỗ còn sót. Bé Mỹ lại cầm tay mẹ liếm sạch, cả những kẽ tay nó cũng không chừa. Ngày thường bao giờ nó cũng đòi ăn những chiếc bánh nguyên vẹn, nếu chỉ vỡ một góc nó cũng chê ít không chịu ăn, nhưng bây giờ dù bé bỏng nó cũng biết có chuyện gì đặc biệt lạ lùng xảy ra không dám quấy. Thấy hết nó bắt chước mẹ rũ khăn, tìm không có chút bánh nào nó phụng phịu:

- Me! Me! Em ăn không no, em không uống nước!

Đó là câu nói độc nhất lúc nó còn muốn ăn thêm.

- Me! Me! Em ăn không no, em không uống nước.

Nhưng bây giờ làm gì có nước mà uống dù em đói hay em no, và mỉa mai thay, dù bên ngoài nước vẫn mênh mông...

Mỗi người tự tìm một chỗ ngồi dễ chịu trên những chiếc đòn ngang trên trần nhà, không ai dám bước chân vào những tấm ván mỏng mảnh sợ sập xuống. Bé Mỹ vẫn ôm cánh tay mẹ:

- Me! Em ăn không no, em không uống nước!

Trang bỗng chợt nhớ ra:

- Cái thang đâu! Còn cái thang đâu rồi?

Phải kéo nó lên kẻo trôi mất, đợi lúc nước rút còn khối công việc phải làm.

Ông Túy nhìn xuống thấy cái thang vẫn tựa chân tường vội vàng kéo lên. Cùng một lúc mọi người đều nhìn cái thang gãy: Cái thang cứu mệnh!

Ông Túy đặt nó nằm dài cạnh cửa sổ. Cái thang đã gãy nát, nhiều chỗ phải chắp nối và quấn giây thép chằng chịt ở mỗi bực thang. Cái thang vẫn suốt ngày dựng bên gốc cây trầu leo trên mình cây vông trụi lá, lâu lâu nó lại bị ném từ nơi này sang nơi khác. Khi người ta hái trầu thì nó bị ném sang gốc cây ổi, khi Tân và Tấn trèo ổi thì nó bị gạt sang gốc cây mít hay đá hẳn xuống đất.

Cái thang cứ nằm lì dưới đất như ăn vạ cho đến khi mẹ Trang trông thấy bảo con Châu dựng lại, nó mới kéo lê sền sệt ném trả vào gốc cây trầu. Cái thang không hề có được một chút tín nhiệm nào. Cả đến người thợ lúc trèo lên trần nhà sửa dây điện cũng chỉ đánh đu vào cánh cửa mà lên chứ không dám dùng nó. Thế mà giờ đây nó đã cứu cả nhà! Nó bỗng hóa ra đáng kính, đáng yêu, anh hùng trong mắt mọi người.

Ở dưới nhà chốc chốc lại có tiếng đồ vật đổ xuống nước và mỗi lần như thế mẹ Trang lại than thở:

- Thôi còn chi nữa! Cả gia tài sự nghiệp của tôi!

Chỗ chân sưng của ba Trang lại đau nhức dữ dội. Ông rên rỉ một lúc rồi mê lịm hẳn đi. Khi ba Trang không rên nữa thì đến lượt những người khác rên. Những ai có lội nước đều cất tiếng rên, ban đầu còn gắng rên se sẻ, cuối cùng không còn nể nang gì nữa, mạnh ai nấy rên và càng ngày càng to. Trang cũng thế, nàng thấy cả người mỏi như dần, nhất là hai bắp chân và đùi, từng thớ thịt đều như tê cứng lại và đau đớn đến nỗi không thể trở mình được.

Suốt từ sáng cho đến chiều mọi người nằm co quắp trên những thanh gỗ ngang mê man không biết đến bên ngoài, không biết ngày giờ và cũng không biết đến đói khát...

Dần dần trời tối hẳn lại, nhưng mưa vẫn còn nặng hạt. Tiếng kêu cứu và tiếng mõ, tiếng súng báo hiệu vẫn còn vẳng lại xa xa. Cả nhà không ai nói gì, bỗng nhiên bà Túy kêu lên:

- Chết tôi rồi! Trời ơi, tôi đau bụng!

Hai tay bà ôm chặt lấy cái bụng to tướng đã gần ngày cất tiếng rên rỉ. Bác sĩ hôm kia đã nói bà sắp đẻ trong vài ngày, nghĩa là tình trạng như một trái cây đã chín tới, chỉ còn đợi nó rụng xuống mà thôi!

Ông Túy hốt hoảng:

- Ấy chớ! Đừng đẻ ra đây nhá! Dại dột đẻ ra bây giờ thì chết cả mẹ lẫn con chứ không chơi đâu! Gắng nín đến mai may ra còn hy vọng sống!

- Ối trời ơi! Đau chết tôi, đau chết mất thôi, ối ối..

Bà Túy đang ôm bụng rên la bỗng bật cười:

- Không sao đâu, tôi không đẻ bây giờ đâu! Ôi trời, đau quá, đau quá!...

Tân và Tấn còn bé, mình nhỏ nhẹ nên nằm lăn ra ván ngủ. Chúng chỉ thấy khổ vì phải nhịn đói suốt ngày, và lại còn khát nữa! Từ ngày mẹ chết, chúng nó không còn ai để vòi vĩnh nên cũng đã thành thói quen ngoan ngoãn, và nhất là trong lúc này chúng biết không thể có gì hơn được nên đành ôm nhau nằm ngủ. Mọi người cũng dần dần ngủ, hay nói cho đúng hơn là mê đi trong tiếng mưa, trong sự mệt mỏi cùng cực của thể xác và tâm hồn.

Sáng hôm sau lúc trời mờ sáng thì nước đã rút chỉ còn ngang đầu gối và mưa cũng đã tạnh hẳn. Cái thang lại được đặt xuống rất cẩn thận nhẹ nhàng, và mọi người cố hết sức kéo lê thân hình mỏi mệt dò lần từng bước thang xuống bắt tay vào công việc dọn dẹp.

Bên dưới, cả một cảnh tượng tàn phá thảm hại hiện ra, tất cả, cái gì cũng đổ vỡ bẩn thỉu. Sách vở bị nước đưa đẩy tản mác đi khắp cả các phòng và nát ra từng mảnh. Cả một tủ đựng cốc chén đổ vỡ. Các rương và tủ quần áo lúc dỡ ra thì chúng đã tự nhuộm thành một thứ màu lem luốc không tên.

Mẹ Trang ngẩn ngơ cầm một chiếc áo màu bùn bẩn thỉu ướt sũng những nước, ngắm mãi không thôi. Đó là chiếc áo nhung màu rượu chát mới nhất và cũng là chiếc áo đẹp nhất của bà, bây giờ nó giống hệt như một con mèo bị nhúng nước bùn, từng đám nhung xoắn tít lấy nhau không còn những ánh tuyết êm dịu óng ánh nữa. Bà nhìn lên bức ảnh bán thân treo trên tường cao, bức ảnh chụp lúc bà mới hai mươi lăm tuổi, lúc bà còn trẻ đẹp... Trang đến cạnh mẹ se sẻ nói:

- Me ạ, con mua cho mẹ một chiếc áo nhung khác.

Bà lắc đầu gượng cười:

- Không con ạ, có phải mẹ tiếc chiếc áo nhung đâu!

Bà rơm rớm nước mắt tiếp theo:

- Suốt đời mẹ từ lúc trẻ cho đến bây giờ, mẹ đã hy sinh hết cả cho chồng, cho con, cho gia đình. Mẹ có tiếc gì đâu! Trải qua bao nhiêu lần lên bổng xuống trầm, mẹ đã bảo toàn được cảnh nhà, và giúp đỡ cho ba con không phải là ít. Cho đến ngày nay, các con đều đã trưởng thành tản mát tất cả bốn phương, mẹ thì già, mẹ chỉ còn có một người chồng mà nay cũng không còn là của mình nữa! Có lẽ nào mẹ lại tiếc một chiếc áo nhung!

Bà ngừng một lát thở dài:

- Mẹ đã cố hết sức mà rốt cuộc không cứu vớt được gì cả! Nhưng dầu sao mẹ cũng đã tận lực. Nay mai mẹ sẽ... ra đi..., và đời sẽ quên mẹ như mẹ quên chiếc áo nhung này, nhưng thôi mẹ chỉ nói chừng ấy, con phải tự tìm hiểu thêm cho nhiều mà định liệu đời con...

- Hê hê hê, đồ của tôi không ướt lấy một cái vảy, hê hê hê... Cả mấy con gà con cũng tự trốn được không chết lấy một con, chi lạ, thiệt là có thời!

Nghe tiếng cười hê hê của cô Tư, Trang thấy cả người nổi gai. Trang nhìn cô và cảm thấy hơi là lạ. Tuy ống son của cô không mất nhưng sáng nay cô chưa trang điểm, trông chán chường tàn tạ quá chừng. Trang đã quen nhìn cô với đôi má đỏ rực như hoa phượng, môi cũng đỏ chói, son đánh sát vành môi mỏng dính, có hai khóe thực dài. Gương mặt gầy, lưỡng quyền cao, bộ mặt lúc nào cũng đánh phấn trắng bệch của cô tăng thêm sự trái ngược của đôi bàn tay đen xương xẩu và lúc nào cũng nhơm nhớp đầy mồ hôi.

Ban đầu Trang thấy chướng mắt cái lối trang điểm có vẻ hình nộm ấy nhưng sau nhìn quen Trang cũng thấy cô đẹp, một vẻ đẹp mê hồn các ông già, nhưng thiếu tính chất dịu dàng thùy mị của những người đàn bà với sứ mệnh đem lại hạnh phúc thịnh vượng cho gia đình.

Ngoài sân thấp thoáng bóng những người láng giềng đến hỏi thăm. Họ ở những nơi thấp hơn nên tản cư ngay từ lúc mới bắt đầu lụt, nay mới trở về.

Mọi người tranh nhau kể lể:

- Tôi bị trôi tất cả quần áo đồ đạc, bây giờ chỉ còn một manh này.

- Tôi bị sập cả cái nhà bếp, nhà ngang.

- Tôi trôi mất cả bầy heo hai chục con.

- Tôi...

- Ấy, dưới kia người ta trôi sạch cả làng, cho đến vững như cột đình cũng không còn!

- Có một gia đình bám lên mái nhà tranh bị trôi tuốt ra sông Hương, lúc trôi ngang dưới cầu Trường Tiền bị gạt cả xuống nước. Hà hà, thì ra chúng mình vẫn còn có phúc!

- Nào về lo sửa máy vô tuyến điện trước, nghe thiên hạ nói dóc chơi. Mình kêu cứu khản cả cổ cũng chẳng có con ma nào biết đến, chứ nghe bản báo cáo thì chắc là cả một đội thủy binh đi cứu nạn dân và kết quả tốt đẹp ghê lắm!

- Thế nào, cụ có việc gì không, cô Trang có mất mát gì không?

Mẹ Trang chỉ gian nhà:

- Các ông các bà xem đấy, may mà còn gian nhà và cái thân già này!

Trang định trả lời mất sạch cả, nhưng cái cảnh người đàn ông cõng đứa con chết trên lưng, mải miết bơi trên mặt nước mênh mang không bờ bến hiện ra trước mắt nàng. Trang ôm chặt hai con vào lòng trả lời:

- Không, không, tôi không hề mất chút gì. Cả cái gia tài của tôi vẫn còn nguyên vẹn.

Tiếng rên của ba Trang, từ trong phòng vẳng ra nhắc nàng nhớ đến ấm nước đang đun dở để pha trà cho ông. Trang đứng dậy xuống bếp cho thêm củi. Con Châu đang vo gạo bảoTrang:

- Này chị, nghe bà Bá bên cạnh đang khóc ông ấy. Hay quá! Em nghe từ sáng đến giờ vẫn chưa hết, dài hơi ghê!

Trang lắng tai nghe. Tiếng bà sang sảng chẳng khác lúc bà chửi mất gà tí nào.

- Hơ hơ, hờ hờ, ông ơi là ông ơi! Ông chết đi ông bỏ tui, ông bỏ tòa ngang dãy dọc. Ông ơi là ông ơi! Ông sống giàu có năm đụn bảy kho mà chết vừa đói vừa lạnh. Tui biểu ông ăn mấy miếng khoai khô rồi đi mà ông cũng không ăn. Ông nóng ruột đi tìm cháu ông để đến nỗi ôm cây mà chết giữa đường. Tui đã chắp tay tui lạy ông, biểu ông đừng đi, một hai ông cũng cứ đi. Hơ hơ! Hờ hờ! Tổ cha đứa mô rứa mà hắn dám nói tui xui ông đi vớt củi rều, để ông lạnh, ông đuối sức ông chết! Ông ơi! Lúc sống hà tằn hà tiện, con cá to cũng không dám ăn, chừ ông chết rồi tui cúng nem cúng chả cho ông ích chi! Ông ơi! Hơ hơ! Hờ hờ...

Bỗng nhiên bà đổi giọng quát người ở:

- Mới, mi còn đợi chi mà không đi vo thúng gạo ướt xay bột đi, để lâu chua lè ra tau bắt mi ăn cho hết đó.

Ấm nước đã sôi, Trang đổ vào bình rồi đun ấm khác.

Những cành tre nổ lốp bốp, ánh lửa đỏ ấm áp reo vui. Cái thang đã được chặt ra để nấu vì tất cả than củi đều bị ướt hết không dùng được. Cái thang anh hùng, cái thang cứu mệnh hôm qua! Nếu biết suy nghĩ chắc nó tưởng rằng sau cái “ân cứu mệnh” người ta sẽ đặt nó trong viện bảo tàng hay cho vào lồng kính xếp chung với bàn thờ tổ tiên để ghi công ơn nó... Nhưng thực ra trên đời mấy ai biết tri ân, mấy ai còn nhớ đến những tai nạn đã qua! Khi người ta chết hụt xong, phần đông đều tưởng rằng “Mạng mình to lắm. Có lẽ Ông Trời còn dành để dùng vào một sự nghiệp vĩ đại gì đây!” Vậy thì cái thang dù suốt đời đã tận tụy hy sinh, thì dù có phải hy sinh cho đến phút cuối cùng cũng là lẽ dĩ nhiên.

Mai đây người ta sẽ đặt làm một cái thang mới, chắc chắn đẹp đẽ, xứng đáng để trao gởi tính mệnh lúc cần dùng đến, cũng là một lẽ dĩ nhiên nữa. Còn cái thang cũ kỹ, gãy nát, trước khi trở về với tro bụi, vẫn nấu chín cơm sôi nước, hiến thân một lần cuối cùng, lại càng là một lẽ dĩ nhiên và hợp lý vô cùng.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 12 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.8.200 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...