Để sống hạnh phúc bạn cần rất ít, và tất cả đều sẵn có trong chính bạn, trong phương cách suy nghĩ của bạn. (Very little is needed to make a happy life; it is all within yourself, in your way of thinking.)Marcus Aurelius
Điều quan trọng nhất bạn cần biết trong cuộc đời này là bất cứ điều gì cũng có thể học hỏi được.Rộng Mở Tâm Hồn
Bạn nhận biết được tình yêu khi tất cả những gì bạn muốn là mang đến niềm vui cho người mình yêu, ngay cả khi bạn không hiện diện trong niềm vui ấy. (You know it's love when all you want is that person to be happy, even if you're not part of their happiness.)Julia Roberts
Bạn có biết là những người thành đạt hơn bạn vẫn đang cố gắng nhiều hơn cả bạn?Sưu tầm
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra. (It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis
Những căng thẳng luôn có trong cuộc sống, nhưng chính bạn là người quyết định có để những điều ấy ảnh hưởng đến bạn hay không. (There's going to be stress in life, but it's your choice whether you let it affect you or not.)Valerie Bertinelli
Để chế ngự bản thân, ta sử dụng khối óc; để chế ngự người khác, hãy sử dụng trái tim. (To handle yourself, use your head; to handle others, use your heart. )Donald A. Laird
Sự thành công thật đơn giản. Hãy thực hiện những điều đúng đắn theo phương cách đúng đắn và vào đúng thời điểm thích hợp. (Success is simple. Do what's right, the right way, at the right time.)Arnold H. Glasow
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Ai cập huyền bí »» CHƯƠNG 6 : SỰ AN TĨNH Ở THÁNH ĐỊA ABYDOS »»

Ai cập huyền bí
»» CHƯƠNG 6 : SỰ AN TĨNH Ở THÁNH ĐỊA ABYDOS

Donate

(Lượt xem: 4.884)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Ai cập huyền bí - CHƯƠNG 6 : SỰ AN TĨNH Ở THÁNH ĐỊA ABYDOS

Font chữ:

Hơn bảy ngàn năm trước, khi đức giáo chủ Mahomet đem đến cho những bộ lạc du mục xứ Ả Rập đức tin nơi một đấng Thượng Đế siêu việt, thì xứ ấy đã từng có một nền tôn giáo cổ thờ những thần tượng khổng lồ bằng đá mà về sau đức Mahomet chủ trương phải dẹp bỏ. Tuy vậy những tín đồ ưu tú nhất của nền tôn giáo cổ xưa đó thật ra cũng chỉ tôn sùng có một vị Thượng đế như đức Mahomet đã khởi xướng.

Sự tín ngưỡng của họ không phải chỉ là tôn thờ thần tượng mà thôi. Những nhà Ai Cập học uyên bác ngày nay không thể biết được nhiều hơn về một tôn giáo thuộc về tiền sử có rất ít tài liệu đến nỗi không ai có thể vén tấm màn bí mật của nó, và người ta chỉ còn đưa ra những giả thuyết về những nhân vật và những sự việc xảy ra vào một thời kỳ quá khứ xa xăm như thế. Tại một vài nơi ở Ai Cập, những đền thờ cổ xưa và ngôi đền Hồi giáo ở gần sát bên nhau, chẳng hạn như tại Louqsor.

Về điểm này, xứ Ai Cập cho ta thấy một sự tương phản lạ lùng. Đã bao lần những đoàn kỵ binh hùng dũng trong các đạo binh xâm lăng Ả Rập đã từng cắm ngọn cờ màu xanh lục của đấng Tiên tri khắp xứ Ai Cập. Thời gian trôi qua, ngọn cờ màu lục đã có lúc chuyển qua các ngọn cờ màu hồng, màu trắng, màu xanh dương, rồi lại tái xuất hiện. Nhưng trong cái bối cảnh ở tận đằng sau, vẫn còn rên rĩ tiếng còi yếu ớt trong những ngôi đền cổ. Xứ Ai Cập không thể để mất đi những dấu vết nền tôn giáo cổ của họ. Dĩ vãng, giống như con chim phụng hoàng, luôn luôn xuất hiện thình lình trước mắt ta do công trình đào xới của các nhà khảo cổ.

Những di tích thần tượng bằng đá nhắc lại những thời đại cổ xưa mà người đời không còn biết đến nữa. Tuy nhiên, cái ranh giới giữa dĩ vãng và hiện tại vẫn còn mơ hồ. Những người nhạy cảm đều nhận thấy rằng cái bầu không khí cổ kính thâm nghiêm cùng sự tín ngưỡng đáng quí của những dân tộc đã biệt tích đó vẫn còn phảng phất một cách thật sự và đè nặng lên xứ này. Nếu những ngôi đền cổ của họ ngày nay chỉ còn là những di tích hoang tàn, sụp đổ, làm nơi trú ngụ của những loài dơi vỗ cánh bay lượn trong đêm tối. Nếu ở đó nay chỉ còn có một vài xác chết đã bị moi ruột, được những nhà chuyên môn thời cổ dùng hương liệu ướp xác và tẩm liệm để giữ gìn nguyên vẹn cho đến bây giờ, thì dù sao vong hồn của họ cũng còn phảng phất không xa những chốn đền đài cổ kính mà xưa kia họ đã từng quen thuộc. Cái mãnh lực, quyền uy của người chết vẫn còn tồn tại ở Ai Cập một cách bền bỉ hơn bất cứ ở xứ nào mà tôi được biết.

Cái dấu vết tinh anh tế nhị đó, tôi lại có dịp nhận thấy khi tôi ngồi xếp bằng ở một chỗ kín đáo bên trong một dãy hành lang nhiều cột trong ngôi đền Seti ở Abydos. Những hình tượng lạ lùng nhìn tôi hoặc biểu dương các tư thế trên những vách tường chung quanh. Cái ấn tượng mạnh mẽ của quá khứ xâm chiếm lấy tâm hồn tôi và đưa đến trước mắt tôi những linh ảnh của một thời đại đã bị xóa mờ trong dĩ vãng. Tôi nhìn thấy từ trong vô thức những đám rước cổ xưa đi vào đền và tiến bước một cách nhịp nhàng vào những nơi thánh điện. Tôi cảm nhận được quyền uy của những vị tăng lữ kiêm pháp sư thời cổ đã từng làm cho Abydos trở thành một trung tâm tôn thờ thần Osiris, vị thần mà họ hình dung là đội một cái mão có ba ngấn. Những lời cầu nguyện của họ đã phóng ra những tiếng vang dội đến tận trời xanh từ thế kỷ này qua thế kỷ khác. Sự hiện diện im lặng và huy hoàng của một đấng thần minh cao cả bắt đầu bao trùm lấy tôi và làm cho tôi ngây ngất.

Dưới đôi cánh che chở của sự thiêng liêng, tôi thấy rằng cuộc đời thế tục của tôi, với những dục vọng lăng xăng của nó, bắt đầu mờ dần và biến mất như cát sông lùa qua những kẽ ngón tay. Vào thời trước, Strabon đã viết:

– Tại Abydos, người ta thờ thần Osiris, nhưng trong ngôi đền này không một nhạc công nào được phép dùng nhạc khí như ống sáo hay đàn dây để mở đầu những nghi lễ cúng tế thần theo nghi thức thông thường trong những cuộc hành lễ tôn giáo.

Sự an tĩnh toát ra từ những vách tường trắng của gian phòng này, một niềm an tĩnh thần tiên mà thế giới bên ngoài không biết được và không thể hiểu. Không phải trong sự náo động ồn ào mà người ta tìm thấy những giờ phút tốt đẹp của đời mình, chỉ khi nào sự an tĩnh từ từ lướt nhẹ vào tâm hồn ta, ta mới có được sự hợp nhất sâu sắc với hạnh phúc, minh triết và quyền năng thiêng liêng.

Tôi ngồi một cách thoải mái trong góc tường, có lẽ giống như một vị tăng lữ thời xưa, một trăm thế hệ trở về trước, và để cho cái ảnh hưởng êm đềm của bầu không khí chung quanh thấm nhuần vào người tôi như một giấc mơ. Thật là một điều kỳ diệu khi cảm thấy mình được cô lập trong giây lát, quên đi tất cả những kết quả mà sự văn minh tiến bộ đã đem đến. Quên đi sự ích kỷ cố hữu của thế nhân, những sự hiểu lầm không tránh khỏi, những sự thù ghét vô lý, những sự ganh tị đắng cay luôn ngẩng đầu lên như con rắn để phun nọc và mổ vào người ta, khi ta trở về với cõi thế tục vô minh hắc ám! Tôi tự hỏi:

– Tại sao người ta phải trở về đấy nhỉ?

Sự cô đơn dường như là một điều bất hạnh đối với nhiều người trong chúng ta, nhưng một sự minh triết thâm sâu dạy cho ta biết nhìn nó như một ân huệ. Chúng ta phải vượt lên đỉnh núi cao tột của những điều mơ ước và hãy tập quen sống trong sự cô đơn. Bởi vì nếu chúng ta muốn tìm thấy sự sống tâm linh giữa đám đông người, ta sẽ thấy gì? Sự sáng suốt không có ở đó. Nếu ta muốn tìm chân lý hay sự thật, ta chỉ thấy duy có sự hư giả, dối trá.

Sự ấm áp vốn ngự bên trong tâm hồn. Người ta có thể trải qua buổi dạ hội trong một phòng khách lớn, giữa một nhóm độ ba bốn mươi người, nhưng vẫn thấy mình cô độc như ở trên bãi sa mạc Sahara. Những thân xác có thể ngồi lại gần nhau, nhưng tâm trí họ vẫn cách biệt muôn trùng, và mỗi người vẫn thấy mình cô độc.

Có người mời ta đến nhà vì phép xã giao bắt buộc, theo những lề lối thông thường, nhưng khi chúng ta đến nơi thì chủ nhà không có ở đó để tiếp ta. Ông ta chỉ để lại đó một cái xác không hồn, vì biết rằng giữa hai tâm hồn có một vực thẳm quá sâu không thể lấp bằng. Làm quen với một người như thế, thà rằng đừng quen nữa còn hơn!

Tôi đã lên dường để tìm sự bằng an thực sự trong tâm hồn, một cảnh giới bao la sâu thẳm mà những tin tức thời sự của trần gian không thể chui lọt vào. Tại sao con người không học sống cô đơn và nhận lấy những ân huệ tốt lành của một cuộc đời ẩn dật, thoát ly khỏi những điều phiền toái vô ích, ở những nơi vắng vẻ tịch mịch như ngôi đền Abydos này?

Chúng ta thường thấy xa lạ với những người từ bỏ cuộc đời thế tục để đi tìm một đời sống cao thượng hơn, trong khi sự ẩn dật của họ thật ra chỉ có mục đích là sẽ trở lại để truyền cho người thế gian một vài điều tốt lành. Tôi nhớ lại lời cam kết long trọng của tôi với những bậc mà tôi kính trọng, và tôi biết rằng sự trở về của tôi là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên điều này không làm cho tôi lo buồn, vì tôi cũng hiểu rằng bất cứ khi nào tôi thấy chán ngán cuộc đời trần gian, tôi đều có thể trở về với cái nguồn gốc thâm trầm của bản chất tâm linh và lại tìm thấy ở đó sự mát mẻ của tâm hồn, ung dung tự tại, bình an và hạnh phúc. Thật vậy, trong sự im lặng thiêng liêng đó từ trong tâm hồn, tôi có thể nghe rõ tiếng nói của nội tâm, cũng như trong cái im lặng thâm trầm của ngôi đền Abydos tôi có thể nghe những tiếng nói yếu ớt hơn của những đấng thần minh.

Khi ta sống với ngoại cảnh, ta sống giữa những hình bóng hư ảo và những sự băn khoăn, ưu phiền, nhưng khi ta hướng vào nội tâm, ta sẽ thấy những chân lý siêu việt và những niềm phúc lạc trường cửu. Chúng ta đã đánh mất đi cái nghệ thuật ngồi một mình, chúng ta không còn biết phải làm gì trong những giờ phút cô đơn. Chúng ta không biết tìm hạnh phúc trong cái kho tàng sâu kín của lòng ta, chúng ta phải bỏ tiền ra để mua lấy sự tiêu khiển từ bên ngoài, hoặc trả tiền thù lao cho những kẻ mang lại cho ta một thú vui giả tạm trong chốc lát.

Không những chúng ta không biết ngồi một mình, mà chúng ta còn không biết giữ im lặng. Nhưng nếu chúng ta biết ngồi yên trong một thời gian ngắn và sử dụng tâm trí ta theo một phương pháp nhất định, chúng ta sẽ thu hoạch được một sự minh triết sâu sắc đáng kể, và đem lại cho tâm hồn ta một sự bằng an tuyệt vời.

Tôi đã ngồi như thế trong suốt hai tiếng đồng hồ. Thời gian trôi qua, tiếng kim đồng hồ tay vẫn chạy đều đều vọng vào tai tôi, và tôi mở mắt một lần nữa. Tôi nhìn quanh, những cột trụ lớn và chắc chắn của gian phòng đỡ lấy cái trần nhà dày đặc. Những tia nắng xuyên qua các lỗ trống trên nóc chiếu vào gian phòng làm nổi bật lên những hình tượng các vị thần chạm trổ trên vách.

Người ta thấy một vị Pharaoh đứng chiêm ngưỡng một vị thần được tôn sùng vào thời đó hoặc được dắt đến trước tượng thần Osiris. Ngoài ra, còn có hàng loạt những chữ ám tự khắc trên vách, ý nghĩa rất bí hiểm và khó hiểu đối với người thường. Người ta thấy ở khắp nơi hình ảnh của vị Pharaoh đang chiêm bái, dâng hương và nhận lãnh ân huệ của các đấng thần minh.

Trong một thánh điện đặc biệt, không dành riêng cho sự thờ phượng một đấng thần linh nào nhất định, có nhiều vị thần của Ai Cập được tôn sùng. Mỗi vị có một bàn thờ riêng, thờ hình tượng được vẽ hoặc tạc trên đá, nhưng tựu trung thì thần Osiris giữ một ưu thế tuyệt đối và một cấp bậc cao tột hơn tất cả. Bảy nơi thánh điện xây bằng những tảng đá lớn được dành co các vị thần Horus và Isis, Ptah và Harakht cùng những đấng thần minh khác.

Nữ thần Isis mang tấm màn thưa che mặt, tức nữ thần Minh Triết, được hình dung tại đây với vẻ hiền từ của một đức hiền mẫu, đưa cánh tay mặt ra đặt trên vai của vị Pharaoh sùng tín. Cạnh bên ngài là một chiếc thuyền, giữa thuyền có đặt một bàn thờ chạm hình hoa sen, dòng nước nhấp nhô như sẵn sàng đưa nữ thần lên tận những cảnh giới Thiên đường là nơi cư ngụ của các đấng thần minh, các vị nữ thần và những người trần gian được các ngài ban ân huệ.

Trước cảnh tượng này, người du khách sẽ ngạc nhiên tự hỏi sao người cổ Ai Cập lại có thể quá ngây ngô để chấp nhận những sự tin tưởng đó. Những vị thần nay đã hoàn toàn biệt tích cùng với những con thuyền linh thiêng đã đưa các vị ấy lên trời.

Thật ra những chiếc thuyền ấy chỉ là những biểu tượng, yếu tố của một thứ ngôn ngữ huyền bí mà các đạo gia ưu tú của thời xưa hiểu được dễ dàng nhưng thế giới hiện đại không bao giờ hiểu nổi. Còn những đấng thần minh, đó không phải chỉ là những điều hư giả. Trong vũ trụ vô biên vô tận này, có những cảnh giới dành cho những sinh vật khác hẳn và tiến hóa cao hơn loài người. Nếu trải qua thời gian tên họ và hình dáng của những vị ấy tiến hóa và thay đổi, thì tính chất căn bản của họ cũng vẫn nguyên vẹn, bất biến. Tôi đồng ý với Plutarque khi ông ta nói rằng:

– Chỉ có bấy nhiêu vị thần chung cho tất cả mọi dân tộc khác nhau, dù là dân Hy Lạp hay một dân tộc man khai nhất cũng vậy. Cũng như mặt trời, mặt trăng, các bầu tinh tú, trời cao, đất rộng, biển cả là của chung muôn loài, thì những đấng thần minh cũng là những sở hữu chung của tất cả mọi người, dẫu rằng mỗi quốc gia hay dân tộc đặt cho các đấng ấy những tên gọi khác nhau.

Nếu những đấng ấy lọt ra ngoài tầm nhãn quang của chúng ta thì công trình của họ vẫn không phải là đã chấm dứt. Họ hoạt động trên những cõi vô hình mà chúng ta không nhìn thấy, nhưng chúng ta vẫn ở trong vòng ảnh hưởng của họ. Họ luôn quan tâm đến thế giới được giao phó cho họ. Họ vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng đến sự tiến hóa của nhân loại, dẫu rằng họ không còn xuất hiện giữa thế gian.

Tôi tin nơi các đấng thần minh, cũng như người cổ Ai Cập. Tôi cho rằng đó là những gì nằm ngoài tầm hiểu biết của nhân loại nhưng không thể phủ nhận cho là họ không có thật. Bảy nơi thánh điện trong ngôi đền Abydos chứng minh rằng người xưa đã từng dùng đến lửa và nước, dâng hương và có những nghi thức lễ bái cầu nguyện. Những cuộc hành lễ này có tính cách thờ hình tượng hoặc có tính cách tâm linh tùy theo quan niệm và ý đồ của những người hành lễ.

Người nào cho rằng những nghi thức cúng tế bề ngoài có thể thay thế cho đạo đức là đã rơi vào sự mê tín dị đoan. Người nào dùng nghi thức lễ bái như những biểu tượng để nhắc nhở, khơi dậy lòng sùng tín và sự hy sinh mà người ấy muốn hiến dâng suốt đời vì sự tốt lành của hết thảy mọi người khác sẽ là người tăng tiến đạo hạnh trong nền tôn giáo chân chính. Còn vị tăng lữ dùng những nghi lễ của khoa pháp môn cổ truyền thì gánh lấy một trách nhiệm rất lớn, vì vị ấy có thể kêu gọi đến những mãnh lực vô song thuộc về quyền năng của ác quỷ hay thiên thần.

Kẻ phàm tục không hề được phép đột nhập vào nơi thánh điện thâm nghiêm này, mà những bàn thờ thếp vàng sáng lấp lánh hồi thời cổ xưa nay đã biệt tích. Trong phần nhiều những đền cổ Ai Cập, dân chúng cũng không được phép vượt xa hơn những khoảnh sân đền rộng lớn. Đó là đặc tính của nền tôn giáo cổ Ai Cập mà chỉ có giai cấp tăng lữ là đóng vai trò cốt yếu. Những vị tăng lữ này đã từng tranh thủ và chiếm giữ uy quyền trong lúc thịnh thời, sau cùng đã mất hết cả ảnh hưởng đối với dân chúng khi nền tôn giáo cổ bắt đầu suy tàn.

Thời gian đã mang đến những sự biến đổi lạ lùng. Chiếc hòm đá của vị Pharaoh sáng lập ra ngôi đền này, cỗ quan tài đựng xác ướp của vua Seti, ngày nay đang nằm ở cách Abydos trên ba nghìn dậm đường, trong một Bảo tàng viện ở giữa thành phố Luân Đôn náo nhiệt phồn hoa. Tôi nghĩ, nếu thi hài nhà vua này được chôn sâu hơn độ ba mươi thước nữa dưới lòng đất, thì có lẽ nó đã tránh khỏi được cái lộ trình từ Ai Cập sang Anh Quốc.

Tôi đến ngồi dưới bóng mát của gian phòng có nhiều cột. Tục truyền rằng chính Abydos là nơi mà Osiris, bậc thánh nhân thời cổ Ai Cập, được tẩm liệm và chôn cất trong nghĩa địa của nhà vua ở Thinis, một thành phố ngày xưa được dựng lên ở tại đó nhưng nay đã biệt tích. Neferhotep cho biết rằng ông đã khám phá ra đền Abydos trong tình trạng điêu tàn khi ông lên ngôi Pharaoh. Ông cho biết rằng ông đã sưu tầm trong thư viện thành Heliopolis để tìm ra những tài liệu nói về ngôi đền Osiris ngày xưa được dựng lên ở Abydos. Ông nói thêm rằng sau khi đã nghiên cứu những tài liệu cổ xưa ấy, ông đã có thể phục hồi lại những nghi lễ đã mất. Những vị Pharaoh kế nghiệp ông sau đó đã dùng tài liệu này để sửa sang lại những chỗ hoang tàn, xây cất lại ngôi đền và dựng thêm nhiều kiến trúc mới chung quanh. Như thế, những đền đài cổ đã được dựng lên trong thành Thinis, nhưng rồi thời gian đã tàn phá tất cả.

Trong thời kỳ sơ khai của xứ cổ Ai Cập, những nghi lễ huyền bí của Osiris là nghi thức chính của nền tôn giáo cổ, và người ta thực hành những nghi lễ này trước tiên tại Abydos. Vì thế, nơi này ngày xưa được xem là một trong những thánh địa thiêng liêng nhất. Tôi hiểu rằng chính cái bầu không khí cổ xưa đó hãy còn phảng phất đâu đây và gây cho tôi một ấn tượng sâu xa, trong khi tôi vẫn dửng dưng đối với những nghi lễ trịnh trọng mà người ta vẫn thực hành hằng ngày trong những tòa thánh điện rất tráng lệ nhưng kém cổ xưa của vua Seti dựng lên.

Lịch sử buổi sơ khai của thánh địa Abydos có liên hệ mật thiết với tiểu sử của Osiris và thụt lùi trong vực thẳm của thời gian về thời kỳ tiền sử Ai Cập, một cái dĩ vãng xa xăm không còn dấu vết trước cả thời kỳ xuất hiện của các vị Pharaoh, nghĩa là từ thuở ban đầu.

Đó là thời kỳ xa xưa mà các đấng thần minh vẫn còn chưa biến mất khỏi tầm nhãn quang của con người, thời kỳ mà theo các sử gia Ai Cập thì những bậc thánh vương hãy còn cầm quyền cai trị dân gian. Tôi nghĩ rằng:

– Thật là huyền diệu thay! Những rung động thiêng liêng thần bí vẫn tiếp tục một cách thường xuyên ở tại đây, luôn luôn sống động và duy trì bầu không khí huyền diệu của thánh địa Abydos từ thời tiền sử, mà những tâm hồn nhạy cảm đều có thể cảm xúc được. Chính ở tại đây, Abydos, là nơi được thành lập ngôi đền chính và đầu tiên để thờ thần Osiris tại Ai Cập.

Nhưng Osiris là ai? Truyền thuyết và huyền thoại nói rằng đó là một nhân vật bị sát hại và phân thây, nhưng về sau những mảnh thi hài được chắp nối lại và người đã sống dậy. Tôi đã thiền định rất lâu để tìm hiểu vấn đề này và đợi câu trả lời... Lời giải đáp đã đến với tôi từ cái im lặng chôn sâu tự muôn đời trong dĩ vãng.

Hồi thời kỳ Atlantide, một vị thánh vương đã tiên liệu cần phải xây dựng một nơi cư trú mới cho những người đạo đức tâm linh trong thế hệ trẻ, và đã di cư họ về hướng đông, trên một vùng đất gọi là xứ Ai Cập ngày nay. Vị thánh vương ấy đã đạt đến một trình độ minh triết siêu việt, nên ngài không chỉ là một nhà lãnh đạo cai trị nhân dân như người ta hiểu theo cách thường tình của thế nhân, mà còn được suy tôn như một bậc thần thánh. Chính ngài đã sắp đặt cuộc di cư cho những phần tử ưu tú ra khỏi lục địa, trong khi châu Atlantide đang đạt tới mức độ văn minh tột đỉnh. Như vậy, sự thật là đã bắt đầu có sự chuẩn bị những vùng đất mới từ lâu trước khi châu Atlantide bị thiên tai hủy diệt hoàn toàn. Không đợi cho đến khi châu Atlantide gặp nạn, nhiều đoàn người trong số những phần tử ưu tú nhất của nhân loại đã bắt đầu di cư. Những người ở miền tây di cư sang vùng Trung Mỹ và Nam Mỹ, còn những người thuộc các đế quốc miền đông di cư sang châu Phi và đặt nền tảng cho nền văn minh cổ Ai Cập.

Những đoàn người này sửa soạn tàu bè, trương buồm lướt sóng thẳng về hướng đông. Vùng này đối với họ hãy còn xa lạ. Họ đến đó khai phá đất hoang và thiết lập nhiều vùng thuộc địa mới trên những địa điểm khác nhau dọc theo miền duyên hải Âu Phi.

Đoàn người dưới sự điều khiển trực tiếp của Osiris đã đặt chân lên vùng đất Ai Cập thời tiền sử. Họ dừng chân trên các vùng bờ biển trước khi đi ngược dòng sông Nile, vượt qua ba ngọn Kim Tự Tháp và thần tượng Sphinx, những ngôi kiến trúc và tượng đá này đã được xây cất và bỏ sót lại do đoàn người Atlantide đầu tiên đổ bộ lên Ai Cập.

Sau cùng Osiris mới dừng chân tại đó, ở một vùng cách không xa vị trí thành Abydos hiện tại. Đoàn người di cư này thấy miền Bắc Ai Cập đã có một giống thổ dân bản xứ cư ngụ. Họ được nhóm thổ dân này tiếp đón một cách hiền hòa, và vì đoàn người Atlante có một nền văn minh cao hơn, nên được thổ dân bản xứ chịu khuất phục và chịu điều khiển. Do đó mới phát sinh ra nền văn minh Ai Cập đầu tiên.

Trước khi từ giã dân chúng, Osiris đã đặt ra những nghi lễ tôn giáo thuộc về phần huyền môn mà ngài để lại cho dân Ai Cập như một di sản dài hạn, để duy trì tên tuổi, công nghiệp và giáo lý của ngài. Như vậy, dân Ai Cập thời tiền sử đã có một nền văn minh đáng kể trước khi thành phố Luân Đôn ngoi lên giữa bãi sình lầy nước đọng.

Nhiều thế kỷ trôi qua, đã đến lúc mà người ta phải phục sinh và chấn chỉnh lại nền tôn giáo cổ của Osiris. Khi đó mới xuất hiện một bậc giáo chủ, một vị thánh nhân danh hiệu là Thoth. Ngài lập ra tại thành Sais một trung tâm mới để dạy khoa huyền môn của Osiris cho những người dân Ai Cập thời tiền sử.

Nhưng còn huyền thoại về việc Osiris bị sát hại là do đâu mà ra? Tôi không thể tìm ra một câu trả lời trực tiếp. Bởi vậy tôi dành cho nó một cơn thiền định sau này. Tôi đứng dậy sửa soạn ra về.

Tôi bước qua những tảng đá lớn nhỏ không đều mà mặt đá đã mòn từ lâu. Ngày xưa, những mặt đá này có chạm trổ những hoa văn rất đẹp, nhưng bây giờ thời gian đã xóa mờ tất cả. Tôi còn nhìn một lần cuối cùng những cột trụ to lớn hùng vĩ, đầu cột trụ nhô lên cao, đã từng nâng đỡ suốt bao nhiêu thế kỷ những tảng đá lớn có chạm trổ trên nóc, và nay vẫn còn vươn mình đỡ lấy nóc đền một cách hùng dũng, oai nghi.

Thế là cuộc thăm viếng của tôi ở ngôi đền cổ đã kết thúc. Đó là thánh địa Abydos, được xem là nơi an nghỉ cuối cùng của bậc thánh nhân Osiris, nhưng thật ra thì đó là ngôi đền đầu tiên để làm lễ điểm đạo cho các vị môn đồ của phái huyền môn thời cổ Ai Cập. Tôi đã tìm được một nơi thích thú, vì tôi biết rằng cái niềm an tĩnh thiêng liêng bất diệt của nó đã xâm chiếm lấy tâm hồn tôi một cách vô hình. Nếu trong những giờ phút qua mau của cuộc đời, tôi đã có đôi khi sống được một vài khoảnh khắc bất diệt mà tôi hằng nhớ đời đời không quên, thì chỉ khi đó tôi mới ý thức rằng tôi đã không sống một cách vô ích. Ấy là những giờ phút mà tôi đã trải qua tại Abydos.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 13 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Phóng sinh - Chuyện nhỏ khó làm


Chuyện Vãng Sanh - Tập 3


Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng


Cẩm nang phóng sinh

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.139.108.48 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...