Niềm vui cao cả nhất là niềm vui của sự học hỏi. (The noblest pleasure is the joy of understanding.)Leonardo da Vinci
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Trời sinh voi sinh cỏ, nhưng cỏ không mọc trước miệng voi. (God gives every bird a worm, but he does not throw it into the nest. )Ngạn ngữ Thụy Điển
Mục đích của đời sống là khám phá tài năng của bạn, công việc của một đời là phát triển tài năng, và ý nghĩa của cuộc đời là cống hiến tài năng ấy. (The purpose of life is to discover your gift. The work of life is to develop it. The meaning of life is to give your gift away.)David S. Viscott
Kỳ tích sẽ xuất hiện khi chúng ta cố gắng trong mọi hoàn cảnh.Sưu tầm
Chỉ có hai thời điểm mà ta không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Đó là lúc ta sinh ra đời và lúc ta nhắm mắt xuôi tay.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Bạn nhận biết được tình yêu khi tất cả những gì bạn muốn là mang đến niềm vui cho người mình yêu, ngay cả khi bạn không hiện diện trong niềm vui ấy. (You know it's love when all you want is that person to be happy, even if you're not part of their happiness.)Julia Roberts
Trực giác của tâm thức là món quà tặng thiêng liêng và bộ óc duy lý là tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội tôn vinh tên đầy tớ và quên đi món quà tặng. (The intuitive mind is a sacred gift and the rational mind is a faithful servant. We have created a society that honor the servant and has forgotten the gift.)Albert Einstein
Khi ý thức được rằng giá trị của cuộc sống nằm ở chỗ là chúng ta đang sống, ta sẽ thấy tất cả những điều khác đều trở nên nhỏ nhặt, vụn vặt không đáng kể.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Nghệ thuật sống - Pháp thiền do Thiền sư S. N. Goenka giảng dạy »» Chương 6. Tu tập định tâm »»

Nghệ thuật sống - Pháp thiền do Thiền sư S. N. Goenka giảng dạy
»» Chương 6. Tu tập định tâm

Donate

(Lượt xem: 10.498)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Nghệ thuật sống - Pháp thiền do Thiền sư S. N. Goenka giảng dạy - Chương 6. Tu tập định tâm

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

Hoặc nghe giọng đọc Thanh Cúc dưới đây:

Chúng ta giữ giới (sila) để cố gắng kiểm soát lời nói và việc làm của mình. Tuy nhiên nguyên nhân của khổ đau lại nằm trong hành vi của ý. Chỉ riêng việc kiềm chế lời nói và việc làm sẽ vô ích nếu trong tâm ta vẫn tiếp tục sôi sục những thèm muốn, chán ghét, những ý tưởng bất thiện. Tự mình phân tán thân, khẩu, ý theo cách như thế, chúng ta sẽ không bao giờ hạnh phúc. Sớm muộn gì rồi tham lam và sân hận cũng sẽ bùng phát và chúng ta sẽ phạm giới, gây hại đến người khác và chính mình.

Về mặt tri thức, ta có thể hiểu rằng hành động bất thiện là sai trái. Nói cho cùng, mọi tôn giáo từ hàng ngàn năm qua đều thuyết giảng về tầm quan trọng của đạo đức. Nhưng khi những cám dỗ tìm đến thì tâm ý bị khống chế và người ta lại phạm giới. Một người nghiện ruợu biết rất rõ là không nên uống rượu vì ruợu gây hại cho anh ta, nhưng khi cơn thèm khát nổi lên anh ta vẫn uống rượu để rồi say khướt. Người đó không thể ngăn được chính mình vì anh ta không kiểm soát được tâm ý. Nhưng khi ta học được cách dừng lại những hành vi bất thiện của tâm ý thì việc kiềm chế những lời nói và việc làm bất thiện trở nên dễ dàng.

Vì bất ổn phát sinh từ tâm ý nên ta phải đương đầu với nó ở bình diện tinh thần. Để làm như vậy, ta phải thực hành bhāvanā, nghĩa đen là “phát triển tâm”, hay nói theo ngôn ngữ thông thường là thiền. Ngay từ thời Đức Phật ý nghĩa của từ bhāvanā đã trở thành mơ hồ khi sự hành thiền đi vào lãng quên. Gần đây bhāvanā được dùng để chỉ bất cứ sự phát triển tinh thần hay sự thăng hoa tâm linh nào, và còn để chỉ ngay cả những hoạt động như đọc, nói, nghe, nghĩ về Dhamma. “Meditation” (thiền) là từ thông dụng nhất trong Anh ngữ dùng để dịch chữ bhāvanā, thậm chí còn được dùng một cách cởi mở hơn để chỉ nhiều hoạt động, từ sự thư giãn tinh thần, quán tưởng và sự tự do kết hợp, cho đến sự tự kỷ ám thị. Tất cả đều khác xa ý nghĩa mà Đức Phật muốn nói qua từ ngữ này. Ngài dùng bhāvanā để những cách tu tập tâm ý cụ thể, những kỹ thuật chính xác để chú tâm và thanh lọc tâm.

Bhāvanā gồm có hai phần tập luyện: định (samādhi), và tuệ (paññā). Tập định tâm còn được gọi là “phát triển an tĩnh” (samatha-bhāvanā), tu tuệ được gọi là “phát triển tuệ giác” (vipassana-bhāvanā). Sự thực hành bhāvanā bắt đầu với định, là phần thứ hai trong Bát Thánh Đạo. Đây là một cách tu tập thiện lành để kiểm soát các tiến trình của tâm, để làm chủ tâm ý của chính mình. Ba phần của Bát Thánh Đạo trong sự tu tập này là: chánh tinh tấn (nỗ lực chân chánh), chánh niệm (ý thức chân chánh) và chánh định (định chân chánh).


Nỗ lực chân chánh (Chánh tinh tấn)

Nỗ lực chân chánh là bước đầu của sự thực tập bhāvanā. Tâm dễ bị sự vô minh chế ngự, cũng như dễ bị thèm muốn hay chán ghét chi phối. Bằng cách nào đó, chúng ta phải luyện tâm cho mạnh mẽ để nó trở nên vững vàng, ổn định, thành một công cụ hữu ích để xem xét bản chất của chúng ta ở mức độ tinh tế nhất nhằm phát hiện và loại trừ nghiệp của mình.

Một bác sĩ muốn chẩn đoán bệnh của một bệnh nhân sẽ phải lấy mẫu máu và quan sát dưới kính hiển vi. Trước khi quan sát, ông phải chỉnh kính hiển vi hướng vào tiêu điểm thích hợp, rồi cố định vị trí tập trung này. Sáu đó ông mới có thể khảo sát mẫu máu và tìm ra nguyên nhân gây bệnh, rồi xác định phương cách trị liệu thích hợp để chữa khỏi bệnh. Cũng vậy, chúng ta phải học cách chú tâm, giữ tâm chuyên chú vào một đối tượng mà thôi. Bằng cách này chúng ta biến tâm thành một công cụ để khảo sát thực tại tinh tế nhất của chính ta.

Đức Phật đã chỉ nhiều kỹ thuật để định tâm, mỗi cách thích hợp cho một hạng người tới gặp ngài để tập luyện. Nhưng phương pháp thích hợp nhất để tìm hiểu thực tại nội tâm mà chính Ngài đã từng áp dụng là ānāpāna-sati, “ý thức về hơi thở.”

Hơi thở là một đối tượng chú tâm lúc nào cũng sẵn có cho mọi người, vì chúng ta ai cũng phải thở, từ khi chào đời cho đến khi chết. Nó là đối tượng thiền phổ quát được mọi người chấp nhận và dễ tiếp cận. Để tập bhāvanā, thiền giả ngồi trong một tư thế thoải mái, lưng thẳng, mắt nhắm. Thiền giả phải ở trong một căn phòng yên lặng, ít bị phân tâm. Khi rời bỏ thế giới bên ngoài để quay vào với thế giới nội tâm, thiền giả thấy rằng hoạt động nổi bật nhất là hơi thở; bởi vậy mà thiền giả chú tâm vào đối tượng này: hơi thở vào, ra qua lỗ mũi.

Đây không phải là một lối tập thở, mà là tập về ý thức. Ta không điều khiển hơi thở, nhưng là ý thức nó ở trạng thái tự nhiên: hơi thở ngắn hay dài, nặng nề hay nhẹ nhàng. Ta chú tâm tâm vào hơi thở càng lâu càng tốt, đừng để bị xao lãng làm gián đoạn dòng ý thức.

Khi thực hành thiền, chúng ta sẽ thấy ngay việc làm được như trên thật khó biết bao. Ngay khi ta vừa cố gắng chú tâm vào hơi thở, thì ta đã bắt đầu lo lắng vì chân đau. Khi ta vừa cố gắng đè nén được những ý nghĩ mông lung, thì tâm ta lại đầy ắp cả ngàn chuyện: nào là những kỷ niệm, những dự tính, những hy vọng hay sợ hãi. Tâm ta chú ý đến một trong những sự kiện này, và một lúc sau ta mới nhận biết ta đã quên bẵng đi hơi thở. Chúng ta lại cương quyết bắt đầu lại, và một lúc sau ta lại thấy tâm vuột đi mà ta không hay biết.

Ai là người làm chủ ở đây? Ngay khi ta mới thực tập thì ta đã thấy rõ rằng tâm ở ngoài vòng kiểm soát của ta. Tâm giống như một đứa bé được nuông chiều, vớ lấy một món đồ chơi, chơi chán rồi lại đổi hết món này đến món khác. Tâm không ngừng nhảy từ một ý nghĩ, một đối tượng của sự chú tâm sang cái khác, trốn chạy khỏi thực tại.

Đây là một thói quen đã ăn sâu vào tâm khảm, và tâm ta đã hoạt động như vậy suốt cuộc đời. Nhưng khi ta bắt đầu nghiên cứu về bản tánh thực của mình, sự trốn chạy này phải được chấm dứt. Ta phải thay đổi thói quen của tâm và học cách sống với thực tại. Chúng ta bắt đầu bằng sự định tâm vào hơi thở. Khi thấy tâm lang thang thì ta kiên nhẫn và bình tĩnh kéo nó về với hơi thở. Nếu thất bại, ta lại cố gắng làm lại. Chúng ta tiếp tục lặp đi lặp lại sự luyện tập này một cách vui vẻ, không căng thẳng, không nản lòng. Dầu sao thì thói quen của cả đời không thể thay đổi trong một vài phút. Công việc đòi hỏi sự thực hành liên tục, nhiều lần, và sự nhẫn nại, bình tĩnh. Đây là phương cách phát triển ý thức về thực tại. Đây là nỗ lực chân chánh.

Đức Phật nêu ra bốn loại nỗ lực chân chánh (Tứ chánh cần):

 Ngăn không để cho điều xấu ác, bất thiện khởi sinh;

 Từ bỏ những điều xấu ác nếu đã khởi sinh;

 Phát khởi những điều hiền thiện chưa có;

 Duy trì những điều hiền thiện không xao lãng, làm chúng phát triển và đạt đến sự hoàn thiện.

Do thực hành ý thức về hơi thở, chúng ta đã thực hành cả bốn nỗ lực chân chánh như trên. Chúng ta ngồi xuống và chú tâm vào hơi thở, không để cho các ý nghĩ xen vào. Làm như vậy chúng ta khởi xướng và duy trì được trạng thái hiền thiện của sự tự ý thức. Chúng ta giữ cho chính mình không bị rơi vào sự xao lãng, đãng trí hay mất dấu thực tại. Nếu một ý nghĩ xuất hiện, ta không đuổi theo nó mà đưa sự chú ý quay về với hơi thở. Bằng cách này, chúng ta phát triển khả năng chú tâm vào một đối tượng và chống lại sự phân tâm: hai phẩm tính thiết yếu của định.

Ý thức chân chánh (Chánh niệm)

Quan sát hơi thở cũng là một cách thực hành ý thức chân chánh. Chúng ta khổ là do vô minh. Chúng ta phản ứng vì không biết mình đang làm gì và vì không biết rõ thực tại của mình. Tâm ta mất nhiều thì giờ vào những mơ mộng, ảo tưởng, làm sống lại những kinh nghiệm thích thú hay khó chịu và dự tính tương lai một cách sợ hãi hay hăng say. Trong khi đắm chìm trong thèm muốn hay chán ghét, chúng ta không ý thức được những gì hiện đang xảy ra, cũng như không biết mình đang làm gì. Thực ra thì giây phút này, hiện tại mới thực sự là quan trọng nhất đối với chúng ta. Chúng ta không thể sống trong quá khứ, vì nó đã qua. Chúng ta không thể sống trong tương lai, vì nó ở ngoài tầm tay. Chúng ta chỉ có thể sống trong hiện tại.

Nếu chúng ta không ý thức về những hành động của mình trong hiện tại, chúng ta không tránh khỏi tái phạm những lỗi lầm trong quá khứ và không bao giờ có thể đạt được những ước muốn cho tương lai. Nhưng nếu có thể phát triển khả năng ý thức được hiện tại, chúng ta có thể dùng quá khứ như một hướng dẫn cho những hành động của mình trong tương lai, như vậy chúng ta có thể đạt được mục đích.

Dhamma là con đường của bây giờ và ngay tại đây. Bởi vậy chúng ta phải phát triển khả năng ý thức được giây phút hiện tại. Chúng ta cần một phương pháp để chú tâm vào thực tại ngay lúc này. Kỹ thuật anapana-sati (ý thức về hơi thở) chính là phương pháp này. Thực hành phương pháp này sẽ phát triển sự ý thức về chính mình ngay tại đây và ngay bây giờ: Ngay tại lúc này thở vào, ngay tại lúc này thở ra. Do thực hành ý thức về hơi thở, chúng ta nhận biết được thực tại.

Một lý do nữa để phát triển ý thức về hơi thở là vì chúng ta muốn thể nghiệm sự thật tối hậu. Chú tâm vào hơi thở có thể giúp ta khám phá được những gì mà chúng ta không biết về bản thân, để mang những gì ở vô thức lên ý thức. Nó như một nhịp cầu nối liền vô thức và ý thức, vì hơi thở hoạt động cả ở vô thức lẫn ý thức. Chúng ta có thể thở theo một lối đặc biệt, có thể điều khiển hơi thở. Chúng ta cũng có thể ngưng hơi thở một lúc. Tuy nhiên khi chúng ta ngưng điều khiển thì hơi thở vẫn tiếp tục hoạt động như thường.

Ví dụ, chúng ta có thể cố ý thở hơi mạnh một chút để ta có thể chú tâm được một cách dễ dàng. Ngay khi ý thức về hơi thở đã rõ ràng và vững rồi, thì ta để cho hơi thở tự nhiên, dù là mạnh hay nhẹ, sâu hay nông, ngắn hay dài, nhanh hay chậm. Chúng ta không làm một cố gắng nào để điều khiển hơi thở, ta chỉ cố gắng ý thức về nó mà thôi. Bằng cách duy trì được ý thức về hơi thở tự nhiên, chúng ta bắt đầu quan sát hoạt động tự động của cơ thể, một hoạt động thường là không cố ý. Từ sự quan sát thực tế thô thiển của hơi thở cố ý, chúng ta tiến đến sự quan sát sự thật tinh tế hơn của hơi thở tự nhiên. Chúng ta đã bắt đầu vượt ra ngoài thực tế bề ngoài đến sự ý thức về thực tế tinh tế hơn.

Một lý do nữa để phát triển sự ý thức về hơi thở là để thoát khỏi tham, sân, si (thèm muốn, chán ghét, vô minh), trước hết ta phải ý thức về chúng. Trong công việc này, hơi thở sẽ giúp chúng ta, vì hơi thở là phản ánh tâm trạng của ta. Khi tâm ta bình an và yên tĩnh thì hơi thở ta điều hòa và nhẹ nhàng. Nhưng khi bất tịnh nảy sinh trong tâm như giận dữ, hận thù, sợ hãi hay đam mê thì hơi thở trở nên thô thiển, nặng nề và gấp rút. Nhờ vậy, hơi thở đã báo động cho chúng ta biết về trạng thái của tâm và cho phép chúng ta bắt đầu đối phó với nó.

Còn một lý do nữa để chúng ta thực hành sự ý thức về hơi thở. Vì mục đích của chúng ta là làm sao để tâm thoát khỏi những bất tịnh, nên chúng ta phải cẩn thận để mỗi bước tiến đến đích phải thanh tịnh và thiện lành. Ngay trong giai đoạn đầu để phát triển samadhi (định), chúng ta phải dùng một đối tượng quan sát thiện lành. Hơi thở là đối tượng này. Chúng ta không thể có thèm muốn và chán ghét đối với hơi thở, và vì hơi thở là một thực tế, hoàn toàn thoát khỏi ảo tưởng, ảo giác. Vì vậy hơi thở là một đối tượng thích hợp cho sự chú tâm.

Giây phút khi hoàn toàn chú tâm vào hơi thở thì tâm thoát khỏi thèm muốn, chán ghét, vô minh. Dù thời gian thanh tịnh này có ngắn ngủi đến đâu thì nó cũng có một năng lực rất mạnh vì nó thách thức tất cả những dữ kiện quá khứ của ta. Tất cả những nghiệp tích lũy này bị khuấy động và bắt đầu xuất hiện như những khó khăn về thân cũng như về tâm. Những khó khăn này làm cản trở nỗ lực phát triển ý thức. Chúng ta có thể thấy nóng lòng muốn tiến bộ, hay tức giận, chán nản vì sự tiến bộ có vẻ chậm chạp, đấy là một hình thức của thèm muốn và chán ghét. Đôi khi vừa ngồi xuống thiền ta đã bị trạng thái hôn mê áp đảo và ta ngủ thiếp đi. Có lúc ta thấy bồn chồn đến nỗi đứng ngồi không yên hay tìm cớ để khỏi thiền. Nhiều lúc nghi ngờ gặm nhắm ý chí hành thiền - sự nghi ngờ quá độ, vô lý về người thầy, về giáo huấn, hay về khả năng hành thiền của chính mình. Khi đột nhiên phải đối diện với những khó khăn đó, chúng ta có thể nghĩ đến bỏ thiền cho xong chuyện.

Vào những lúc như vậy chúng ta phải hiểu rằng, những trở ngại này khởi lên chỉ là phản ứng đối với sự thành công của chúng ta trong việc thực tập ý thức về hơi thở. Nếu chúng ta kiên trì thì chúng sẽ dần dần biến mất. Lúc đó sự hành thiền của chúng ta trở nên dễ dàng hơn, vì ngay trong giai đoạn khởi đầu này, một vài tầng lớp của nghiệp cũ đã bị xóa bỏ khỏi bề mặt của tâm. Và như vậy, ngay khi ta mới chỉ tập ý thức về hơi thở, chúng ta đã bắt đầu thanh lọc tâm và tiến gần hơn đến sự giải thoát.

Định chân chánh (Chánh định)

Chú tâm vào hơi thở phát triển sự ý thức về giây phút hiện tại. Duy trì sự ý thức này từng giây từng phút, càng lâu càng tốt, là định chân chánh.

Trong đời sống bình thường, những hoạt động hằng ngày cũng đòi hỏi sự chú ý, nhưng không nhất thiết là định chân chánh. Một người có thể chú hết tâm vào việc thỏa mãn những khoái cảm hay trì hoãn những mối lo sợ. Một con mèo chăm chú rình lỗ chuột, sẵn sàng để vồ khi chuột xuất hiện. Một tên móc túi chăm chú rình bóp của nạn nhân, chỉ chờ cơ hội tốt để lấy. Một đứa bé trong đêm tối nằm trên giường nhìn trân trân kinh hãi vào một góc buồng, tưởng tượng ra những con quái vật đang ẩn núp trong bóng tối.

Tất cả những sự chú ý này không phải là định chân chánh, loại định có thể đưa ta đến giải thoát. Samadhi (định) phải có sự chú tâm vào một đối tượng hoàn toàn thoát khỏi thèm muốn, chán ghét, vô minh.

Khi thực hành sự ý thức về hơi thở, ta thấy việc duy trì được sự ý thức không gián đoạn thực là một việc khó khăn. Mặc dầu ta đã cương quyết chú tâm vào hơi thở, nhưng nó vẫn vuột đi mà ta không hề hay biết. Chúng ta thấy mình như một người say ruợu, cố gắng đi cho thẳng nhưng vẫn bước xiên xẹo. Sự thật thì chúng ta đã say vì vô minh và ảo giác, và vì vậy chúng ta cứ tiếp tục đi lạc vào quá khứ, tương lai, hay thèm muốn, chán ghét. Chúng ta không thể nào ở yên trên con đường thẳng để giữ vững sự ý thức.

Là người hành thiền, điều tốt cho chúng ta là không nên chán nản hay thối chí khi phải đối diện với những khó khăn này. Ngược lại, ta phải hiểu rằng cần có thời gian để thay đổi những thói quen đã ăn sâu trong tâm khảm tự bao nhiêu năm nay. Muốn có kết quả, chúng ta chỉ có cách tập đi, tập lại nhiều lần, liên tục, kiên nhẫn và kiên trì. Công việc chính của chúng ta là khi tâm đi lang thang thì ta lại kéo nó về lại với hơi thở. Nếu làm được như vậy, thì chúng ta đã tiến được một bước quan trọng trong việc sửa đổi cái tâm hay đi lang thang. Và bằng cách tập đi tập lại, ta có thể kéo sự chú tâm trở lại ngày một nhanh chóng hơn. Dần dần khoảng thời gian xao lãng càng lúc càng ngắn đi và khoảng thời gian có ý thức càng lâu hơn.

Khi sự chú tâm đã vững mạnh, chúng ta cảm thấy thoải mái, sung sướng, tràn đầy nhựa sống. Dần dần hơi thở thay đổi, nó trở nên êm, đều, nhẹ và nông. Có lúc hình như hơi thở đã ngưng hẳn. Thật ra, tâm ta đã trở nên an tĩnh, cơ thể cũng trở nên yên tĩnh và sự biến dưỡng giảm đi, vì vậy chỉ cần ít dưỡng khí.

Trong giai đoạn này, nhiều người có thể có những kinh nghiệm bất thường như thấy ánh sáng hay ảo ảnh trong khi ngồi nhắm mắt, hay nghe thấy những âm thanh khác thường. Tất cả những kinh nghiệm siêu nhiên ấy là dấu hiệu cho biết tâm đã định ở một mức độ cao. Những hiện tượng này tự chúng không có một tầm quan trọng nào và chúng ta không nên để tâm đến chúng. Đối tượng của sự ý thức vẫn là hơi thở. Ngoài nó ra còn có những điều khác đều làm ta phân tâm. Chúng ta cũng không nên mong muốn có những kinh nghiệm này; chúng xuất hiện với người này, và có thể không xuất hiện với người khác. Tất cả những kinh nghiệm khác thường này chỉ là những cột mốc ghi dấu sự tiến triển trên con đường. Đôi khi những cột mốc này bị che lấp làm ta không thấy được, hay có thể ta mải mê trên con đường đến nỗi ta vượt qua mà không nhận thấy chúng. Nếu chúng ta lấy những cột mốc đó làm đích mà bám vào thì chúng ta không còn tiến bộ nữa. Thật ra có vô số những cảm giác bất thường để trải nghiệm. Những ai thực hành Dhamma không nên tìm kiếm những kinh nghiệm đó mà phải có tuệ giác về bản tánh của chính mình để có thể giải thoát khỏi khổ đau.

Vì vậy chúng ta tiếp tục chỉ chú tâm vào hơi thở. Khi tâm càng định thì hơi thở càng nhẹ nhàng hơn, và sự theo dõi càng trở nên khó khăn hơn nên ta cần phải cố gắng nhiều hơn để duy trì sự ý thức. Bằng cách này, chúng ta tiếp tục luyện tâm, làm cho sự định tâm được bén nhạy và biến nó thành một dụng cụ để thâm nhập thực tế bề ngoài để quan sát thực tế vi tế nhất ở bên trong.

Có nhiều kỹ thuật khác để phát triển sự định tâm. Hành giả có thể được dạy chú tâm vào một tiếng bằng cách tụng niệm tiếng đó, hay vào một hình ảnh, hay làm đi làm lại một động tác. Làm như vậy hành giả hòa nhập vào đối tượng của sự chú tâm, và đạt được trạng thái xuất thần. Hành giả cảm thấy lâng lâng dễ chịu, nhưng khi trạng thái đó không còn nữa, người đó lại trở về với đời sống bình thường với những khó khăn như trước. Những kỹ thuật này tạo nên một lớp bình an và an lạc ở bề mặt của tâm, nhưng không tới được những bất tịnh ở tầng lớp sâu bên dưới. Những đối tượng chú tâm được dùng trong những kỹ thuật này không liên quan gì với thực tại của hành giả. Trạng thái ngây ngất, sảng khoái mà hành giả có được là giả tạo, chứ không nảy sinh một cách tự nhiên từ đáy sâu của tâm đã thanh tịnh. Samadhi chân chánh không thể là cơn say tâm linh. Nó phải thoát khỏi mọi sự giả tạo và ảo tưởng.

Ngay trong giáo huấn của Đức Phật cũng có nhiều trạng thái xuất thần, nhập định - jhana - có thể đạt được. Chính Ngài đã được dạy tám tầng thiền định trước khi giác ngộ, và Ngài tiếp tục thực tập chúng suốt đời. Tuy nhiên những trạng thái nhập định này không thể giải thoát Ngài được. Bởi vậy, khi Ngài dạy về những trạng thái này, Ngài đã nhấn mạnh công dụng của chúng chỉ như những viên đá lót đường đưa tới sự phát triển tuệ giác. Hành giả phát triển khả năng định không phải để kinh nghiệm trạng thái cực lạc hay ngất ngây, mà là để rèn luyện tâm thành một dụng cụ để quan sát thực tế của chính mình và loại bỏ những điều kiện (nghiệp) đã gây nên khổ. Đó chính là định chân chánh.

Vấn Đáp

Câu hỏi: Tại sao thiền sư dạy thiền sinh chú tâm vào hơi thở (ānāpāna) ở lỗ mũi thay vì ở bụng?

Thiền sư S. N. Goenka: Vì đối với chúng ta thực hành ānāpāna chỉ là để sửa soạn cho sự thực hành Vipassana, và trong loại Vipassana này chúng ta cần một sự chú ý đặc biệt mạnh. Vùng chú ý càng nhỏ thì sự tập trung càng mạnh. Bụng quá rộng để có thể phát triển tới độ tập trung mạnh như vậy. Mũi là nơi tập trung thích hợp nhất. Vì vậy mà Đức Phật đã hướng dẫn chúng ta tập trung ở đấy.

Khi thực hành ý thức về hơi thở, chúng ta có thể đếm, hay nói “vào” khi chúng ta hít vào, và “ra” khi chúng thở ra không?

Không. Không được nói liên tục. Vì nếu bạn thêm một tiếng vào sự ý thức về hơi thở, thì dần dần tiếng đó sẽ chiếm ưu thế, và bạn sẽ quên bẵng hơi thở. Rồi bạn có hít vào hay thở ra bạn cũng nói “vào”. Và bạn thở ra hay hít vào, bạn cũng nói “ra”. Tiếng này trở thành câu thần chú. Chỉ nên chú ý vào hơi thở, hơi thở đơn thuần, không gì ngoài hơi thở.

Tại sao tập samadhi lại không đủ để giải thoát?

Vì sự thanh tịnh của tâm phát triển được bằng samadhi là do sự dồn nén chứ không phải do sự diệt trừ hết nghiệp. Cũng giống như một người làm cho nước bùn thành nước trong bằng phèn chua. Chất phèn đã làm bùn kết tủa, lắng xuống, để lại nước ở phía trên trong suốt. Cũng thế, samadhi đã làm những lớp trên của tâm trở nên trong sáng, nhưng những bất tịnh vẫn còn tích tụ ở vô thức. Những bất tịnh tiềm ẩn này phải bị loại bỏ để được giải thoát. Và muốn làm như vậy, ta phải thực hành Vipassana.

Quên hẳn quá khứ và tương lai, và chỉ chú ý đến hiện tại thì có hại hay không? Nói cho cùng, đó không phải là cách sống của loài vật sao? Người nào quên đi quá khứ, chắc chắn sẽ lặp lại những điều trước đây.

Kỹ thuật này không dạy bạn quên hẳn quá khứ, hay không quan tâm đến tương lai. Nhưng vì tâm có thói quen ngụp lặn triền miên trong ký ức từ quá khứ, hay trong thèm muốn, hay có những dự tính, sợ hãi về tương lai và vô minh về hiện tại. Thói quen không lành mạnh này làm cho đời sống thành khổ sở. Nhờ có thiền, bạn học cách đứng vững trong thực tại. Với căn bản vững chắc này bạn có thể vận dụng những chỉ dẫn cần thiết từ quá khứ và chuẩn bị những dự tính thích hợp cho tương lai.

Tôi nhận thấy khi tôi hành thiền mà tâm tôi đi lung tung, một thèm muốn bắt đầu, và tôi nghĩ là tôi không được thèm muốn, thế là tôi bồn chồn vì tôi đang thèm muốn. Tôi phải đối phó với tình trạng đó như thế nào?

Tại sao lại phải bồn chồn vì thèm muốn? Hãy chấp nhận sự kiện đó: “Hãy xem, đang có thèm muốn” - thế thôi. Và bạn sẽ thoát khỏi tình trạng đó. Khi bạn thấy tâm mình đi lang thang, bạn chấp nhận, “Kìa, tâm tôi đang đi lang thang”, và tự động tâm bạn trở lại với hơi thở. Đừng tạo nên sự căng thẳng vì lòng thèm muốn hay vì tâm đi lang thang. Nếu làm như vậy, bạn lại gây ra sự chán ghét mới. Hãy chấp nhận nó. Thế là đủ.

Tất cả những kỹ thuật thiền Phật giáo đều đã được biết đến trong yoga. Vậy điều gì là thực sự mới lạ trong cách thiền do Đức Phật chỉ dạy?

Phái yoga là sự phát triển về sau. Patanjali sống vào khoảng 500 năm sau thời Đức Phật, và lẽ dĩ nhiên kinh điển yoga chịu ảnh hưởng của giáo huấn của Đức Phật. Dĩ nhiên tập yoga có từ trước thời Đức Phật, và chính Ngài cũng đã thực hành trước khi Ngài giác ngộ. Tuy nhiên, tất cả những kỹ thuật này chỉ hạn hẹp trong giới và định. Định chỉ đạt tới tầng thiền (jhana) thứ tám, vẫn còn trong phạm vi kinh nghiệm cảm giác. Đức Phật tìm thấy tầng thiền jhana thứ chín, đó là Vipassana, tầng thiền phát triển tuệ giác, đưa thiền giả đến mục đích tối hậu, siêu việt mọi kinh nghiệm cảm giác.

Tôi thấy mình hay khinh rẻ người khác. Xin thầy cho biết có cách nào tốt để sửa đổi tật xấu này không?

Bằng cách hành thiền. Nếu tự ngã quá lớn, bạn coi rẻ người khác, làm giảm sự quan trọng của người khác và tăng tầm quan trọng của mình lên. Nhưng thiền sẽ làm tiêu tan bản ngã, và bạn sẽ không còn làm gì để làm tổn thương người khác nữa. Hãy hành thiền, và vấn đề sẽ tự động được giải quyết.

Nhiều khi tôi cảm thấy tội lỗi về những việc tôi đã làm.

Cảm thấy có tội không giúp gì được cho bạn; nó chỉ gây hại mà thôi. Tội lỗi không có chỗ đứng trên con đường của Dhamma. Khi bạn thấy mình hành động sai quấy, hãy chấp nhận mà không cần phải biện minh hay giấu giếm gì cả. Bạn có thể gặp một người bạn kính trọng và nói, “Tôi đã phạm lỗi này. Trong tương lai tôi sẽ cẩn thận không tái phạm nữa.” Sau đó bạn hành thiền, và bạn sẽ thấy bạn có thể thoát khỏi sự khó khăn đó.

Tại sao tôi cứ nâng cao bản ngã? Tại sao tôi cứ cố gắng là “tôi”?

Vì vô minh nên tâm đã bị điều kiện hóa để làm như vậy. Nhưng Vipassana có thể giải thoát cho bạn khỏi điều kiện có hại ấy. Thay vì chỉ nghĩ đến mình, hãy học cách nghĩ đến người khác.

Làm sao có thể làm được như vậy?

Trước hết phải nhận biết mình là người ích kỷ và chỉ nghĩ đến mình như thế nào. Nếu bạn không nhận thức được sự thật này, thì bạn không thể thoát khỏi sự điên cuồng, chỉ yêu bản thân. Hành thiền lâu rồi bạn sẽ nhận thức được rằng, ngay cả tình yêu của bạn đối với người khác thật ra cũng chỉ là yêu bạn mà thôi. Bạn sẽ hiểu, “Tôi yêu ai? Tôi yêu người đó vì tôi mong mỏi cái gì từ người đó. Tôi mong mỏi người đó hành xử theo cách tôi muốn. Nhưng khi người đó hành động khác đi thì tôi không còn yêu người đó nữa. Vậy thì thật sự tôi yêu người đó hay yêu tôi?” Câu trả lời sẽ trở nên rõ ràng, không phải bằng tri thức, mà bằng sự thực hành Vipassana. Và một khi đã có sự nhận thức trực tiếp này, thì bạn bắt đầu thoát khỏi tính ích kỷ của mình. Và rồi bạn học cách phát triển tình yêu thật sự đối với người khác, tình yêu vị tha, một chiều, cho mà không mong được đền đáp.

Tôi làm việc ở một nơi có rất nhiều người vô gia cư chìa tay để xin tiền lẻ.

Ở phương Tây cũng vậy sao? Tôi tưởng ăn xin chỉ có ở những nước nghèo!

Tôi thấy phần đông những người đó đều nghiện ngập. Tôi không biết cho họ tiền có phải là khuyến khích họ dùng ma túy hay không?

Bởi vậy phải biết chắc chắn món tiền bạn cho phải được sử dụng đúng đắn. Nếu không thì chả có ích gì cho ai cả. Thay vì bạn cho tiền những người đó, bạn giúp họ khỏi nghiện ngập, thì bạn thật sự đã giúp họ. Bất cứ hành động nào của bạn cũng phải làm với trí tuệ.

Khi thiền sư nói “Hãy hạnh phúc”, thì đối với tôi, mặt trái của nó là “Hãy buồn”.

Tại sao phải buồn? Hãy thoát khỏi buồn rầu.

Đúng thế, nhưng tôi tưởng chúng ta đang tập để được quân bình.

Quân bình làm bạn hạnh phúc. Nếu bạn mất quân bình, bạn buồn khổ. Hãy bình tâm. Hãy hạnh phúc!

Tôi tưởng là “Hãy bình tâm, không là gì cả.”

Không, không. Quân bình làm bạn hạnh phúc chứ không phải không là gì cả. Bạn trở nên tích cực khi bạn có một tâm quân bình.

Chè sữa

Hai đứa nhỏ nghèo nàn sống bằng cách ăn xin từ thành thị đến thôn quê. Một đứa bị mù từ khi lọt lòng mẹ, và đứa kia giúp đỡ nó; chúng cùng nhau ăn xin độ nhật.

Một ngày kia, đứa bé mù bị ốm. Bạn nó bảo: “Mày ở đây nghỉ. Tao sẽ đi xin cho cả hai, và sẽ mang thức ăn về cho mày.” Rồi nó đi ăn xin.

Ngày hôm đó, nó xin được một món rất ngon, một loại chè bằng sữa theo kiểu Ấn Độ. Thằng bé chưa bao giờ được ăn nên nó rất thích. Nhưng chẳng may nó không có đồ đựng để mang về cho bạn, nên nó đã ăn hết.

Khi trở về nó bảo bạn: “Tao xin lỗi, hôm nay tao xin được món chè sữa ngon tuyệt nhưng không mang về cho mày được.”

Đứa bé mù hỏi bạn: “Chè sữa là gì?”

“À, nó màu trắng. Sữa màu trắng.”

Bị mù từ khi mới sinh nên thằng bé mù không hiểu: “Trắng là gì?”

“Mày không biết trắng là gì sao?”

“Không, tao không biết.”

“Nó trái với đen.”

“Vậy đen là gì?”

Nó cũng không hiểu đen là gì.

“Ồ, mày cố mà hiểu, trắng!”

Nhưng thằng bạn mù không thể nào hiểu được. Bạn nó nhìn quanh và thấy con hạc trắng. Nó bắt con hạc đến cho bạn nó và nói: “Trắng giống như con chim này.”

Không có mắt, đứa bé giơ tay sờ con chim, “À, bây giờ tao hiểu trắng là gì rồi! Nó mềm.”

“Không, không, trắng không liên quan gì đến mềm cả! Trắng là trắng! Mày hãy cố mà hiểu.”

“Nhưng mày bảo tao trắng trông giống như con hạc này, và tao sờ thấy nó mềm. Vậy chè sữa mềm. Trắng nghĩa là mềm.”

“Không phải, mày chưa hiểu, hãy thử lần nữa đi.”

Một lần nữa thằng bé mù lại sờ con hạc từ mỏ, cổ, thân, đến đuôi, “À, bây giờ tao hiểu rồi. Nó cong quẹo. Chè sữa là cong quẹo.”

Thằng bé mù không thể hiểu được, vì nó không có khả năng để thể nghiệm trắng là gì.

Cũng vậy, nếu bạn không có khả năng thể nghiệm sự thật đúng như thật, thì thực tế luôn luôn sẽ là cong quẹo đối với bạn.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 14 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Học đạo trong đời


Mục lục Đại Tạng Kinh Tiếng Việt


Tổng quan về các pháp môn trong Phật giáo Tây Tạng


San sẻ yêu thương

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.116.62.198 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (273 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (4 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...