Hãy học cách vui thích với những gì bạn có trong khi theo đuổi tất cả những gì bạn muốn. (Learn how to be happy with what you have while you pursue all that you want. )Jim Rohn
Trực giác của tâm thức là món quà tặng thiêng liêng và bộ óc duy lý là tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội tôn vinh tên đầy tớ và quên đi món quà tặng. (The intuitive mind is a sacred gift and the rational mind is a faithful servant. We have created a society that honor the servant and has forgotten the gift.)Albert Einstein
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Chớ khinh thường việc ác nhỏ mà làm; đốm lửa nhỏ có thể thiêu cháy cả núi rừng làng mạc. Chớ chê bỏ việc thiện nhỏ mà không làm, như giọt nước nhỏ lâu ngày cũng làm đầy chum vại lớn.Lời Phật dạy
Cơ hội thành công thực sự nằm ở con người chứ không ở công việc. (The real opportunity for success lies within the person and not in the job. )Zig Ziglar
Một số người mang lại niềm vui cho bất cứ nơi nào họ đến, một số người khác tạo ra niềm vui khi họ rời đi. (Some cause happiness wherever they go; others whenever they go.)Oscar Wilde
Sự hiểu biết là chưa đủ, chúng ta cần phải biết ứng dụng. Sự nhiệt tình là chưa đủ, chúng ta cần phải bắt tay vào việc. (Knowing is not enough; we must apply. Willing is not enough; we must do.)Johann Wolfgang von Goethe
Tôi chưa bao giờ học hỏi được gì từ một người luôn đồng ý với tôi. (I never learned from a man who agreed with me. )Dudley Field Malone
Chỉ có một hạnh phúc duy nhất trong cuộc đời này là yêu thương và được yêu thương. (There is only one happiness in this life, to love and be loved.)George Sand
Hãy sống tốt bất cứ khi nào có thể, và điều đó ai cũng làm được cả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Nghệ thuật sống - Pháp thiền do Thiền sư S. N. Goenka giảng dạy »» Chương 4: Căn nguyên của vấn đề »»

Nghệ thuật sống - Pháp thiền do Thiền sư S. N. Goenka giảng dạy
»» Chương 4: Căn nguyên của vấn đề

Donate

(Lượt xem: 8.061)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Nghệ thuật sống - Pháp thiền do Thiền sư S. N. Goenka giảng dạy - Chương 4: Căn nguyên của vấn đề

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

Hoặc nghe giọng đọc Thanh Cúc dưới đây:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Đức Phật nói: Sự thật của khổ phải được nghiên cứu đến tận cùng. Vào đêm thành đạo, ngài đã ngồi xuống với một quyết tâm chỉ đứng lên sau khi đã hiểu được nguồn gốc của khổ và phương thức diệt khổ.

Định nghĩa khổ

Ngài thấy rõ ràng khổ hiện hữu. Đây là một sự kiện không thể tránh được, dù nó đáng ghét đến mấy đi nữa. Khổ bắt đầu ngay từ lúc mới chào đời. Chúng ta không có một ký ức nào về sự sống lúc còn trong bụng mẹ, nhưng theo kinh nghiệm thông thường thì chúng ta đều khóc khi mới lọt lòng mẹ. Sinh ra đời là một nỗi khổ lớn.

Đã sinh ra đời, chúng ta bắt buộc phải bị khổ đau vì bệnh tật và già nua. Tuy nhiên, dù chúng ta có ốm đau trầm trọng, hay có tàn tạ, già yếu đến đâu, không ai muốn chết cả, vì chết là một sự khổ đau vô cùng.

Mọi sinh vật đều phải đối diện với tất cả những nỗi khổ này. Và trong suốt cuộc đời, ta còn phải gặp những loại khổ khác, những đau đớn về thể xác và tinh thần. Chúng ta gặp những điều khó chịu, và phải xa cách những điều dễ chịu. Chúng ta không được những gì ta muốn mà phải nhận lãnh những gì ta không muốn. Tất cả những trường hợp này đều là đau khổ.

Những thí dụ trên về sự đau khổ rất rõ ràng đối với những ai chịu suy nghĩ kỹ về nó. Nhưng vị Bồ Tát sắp thành Phật này không hài lòng với sự giải thích hạn hẹp của tri thức. Ngài tiếp tục tìm tòi bên trong bản thân để chứng nghiệm bản tính thực sự của khổ. Và Ngài tìm ra rằng “ràng buộc vào năm tập hợp là khổ”. Ở một mức độ thâm sâu, khổ vì mỗi chúng ta bị ràng buộc quá nhiều vào cái thân này, cái tâm này với thức, nhận định, cảm giác, hành động. Ta bám víu vào con người của mình - tâm và thân - trong khi thật ra nó chỉ là những tiến trình thay đổi. Sự bám chấp vào một cái ngã không thật, vào một điều gì đó trên thực tế luôn luôn thay đổi, đó là khổ.

Bám chấp

Có nhiều loại bám chấp. Trước hết là bám chấp vào thói quen tìm kiếm những khoái cảm. Một người nghiện dùng thuốc vì muốn hưởng thụ những khoái cảm do thuốc tạo ra, dù biết dùng thuốc sẽ trở nên càng ngày càng nghiện thêm. Cũng vậy, chúng ta nghiện sự thèm muốn. Ngay khi một thèm muốn vừa được thỏa mãn, chúng ta lại có một thèm muốn khác. Đối tượng thèm muốn chỉ là thứ yếu, thực tế là chúng ta đang tìm cách duy trì trạng thái thèm muốn liên tục, bởi vì chính sự thèm muốn này tạo cho ta một cảm giác khoái thích mà ta muốn kéo dài mãi mãi. Thèm muốn trở thành một tập quán, một bệnh ghiền mà chúng ta không thể nào bỏ được. Và cũng như một người nghiện dần dần quen lờn với thuốc và đòi hỏi một liều mạnh hơn để thỏa mãn cơn nghiện, sự thèm muốn của ta càng trở nên mãnh liệt hơn nếu ta cứ tiếp tục thỏa mãn nó. Cứ như vậy, chúng ta không bao giờ hết thèm muốn. Và khi còn thèm muốn, ta chẳng bao giờ được hạnh phúc.

Một sự bám chấp lớn nữa là cái “tôi”, bản ngã, cái hình ảnh của chúng ta có về chính mình. Đối với mỗi người chúng ta, cái “tôi” quan trọng nhất trên đời. Chúng ta hành xử giống như một cục nam châm đặt giữa những vụn sắt bao quanh: nó tự động thu hút sắp xếp các vụn sắt [trong từ trường của nó] theo một khuôn mẫu nhất định mà điểm trung tâm là chính nó. Và hầu như không hề tự xét lại mình, chúng ta đều hành động theo bản năng, cố gắng sắp đặt thế giới này theo ý thích của mình, thu hút những gì mình thích và xua đuổi những gì làm mình khó chịu. Nhưng không ai trong chúng ta là riêng lẻ giữa thế giới. Cái “tôi” này bắt buộc phải xung đột với cái “tôi” khác. Những khuôn mẫu ta tạo muốn tạo ra bị quấy nhiễu bởi “từ trường” của những “thỏi nam châm” khác, và chính ta cũng trở thành đối tượng của những lực hút hay đẩy. Kết quả chỉ có thể là khổ đau và bất hạnh.

Chúng ta không chỉ giới hạn sự bám chấp vào cái “tôi”, mà còn mở rộng ra tới cái “của tôi”, bất cứ cái gì thuộc về tôi. Chúng ta phát triển sự bám chấp mạnh mẽ vào những cái ta có, vì chúng liên quan đến chúng ta, chúng đánh bóng hình ảnh cái ‘tôi” lên. Sự bám chấp này sẽ chẳng thành vấn đề nếu những cái gọi là “của tôi” bất diệt, và cái “tôi” tồn tại để hưởng chúng đời đời. Nhưng sự thật thì sớm hay muộn cái “tôi” cũng bị tách rời khỏi cái “của tôi”. Thời điểm phân ly chắc chắn sẽ tới. Và khi nó tới, càng bám chấp vào cái “của tôi” bao nhiêu thì càng khổ bấy nhiêu.

Và sự bám chấp còn nới rộng hơn tới cả quan điểm và lòng tin. Không cần biết nội dung các quan điểm đó là gì, đúng hay sai, nếu chúng ta bám chấp thì chắc chắn chúng ta khổ. Mỗi chúng ta đều quả quyết quan điểm và truyền thống của mình là tốt nhất và cảm thấy bực bội khi nghe người khác chỉ trích. Khi chúng ta giải thích quan điểm của mình và không được người khác chấp nhận, chúng ta cũng bực tức. Chúng ta không biết rằng mỗi người đều có niềm tin riêng. Tranh cãi quan điểm nào đúng là vô ích. Nếu gạt sang bên những thiên kiến và nhìn vào thực tế thì có ích hơn. Nhưng sự bám chấp vào quan điểm đã ngăn cản không cho ta làm điều đó, nên ta vẫn tiếp tục khổ đau.

Cuối cùng là sự bám chấp vào tôn giáo và nghi thức. Chúng ta có khuynh hướng nhấn mạnh vào những nghi thức bề ngoài hơn là ý nghĩa bên trong, và cho rằng những người nào không thực hành những nghi thức đó không phải là người ngoan đạo. Chúng ta quên rằng, không có tinh túy thì hình thức bên ngoài chỉ là cái vỏ rỗng. Tụng kinh hay hành lễ đều không có giá trị gì nếu tâm còn đầy tức giận, đam mê, ác ý. Muốn thật sự là người mộ đạo, chúng ta phải phát triển thái độ tôn giáo: tâm thanh tịnh, lòng từ ái và trắc ẩn đối với tất cả. Nhưng vì chúng ta bị ràng buộc vào hình thức bề ngoài của tôn giáo nên chúng ta đặt nặng hình thức hơn tinh thần. Chúng ta đã bỏ sót cái tinh túy của tôn giáo và vì vậy chúng ta tiếp tục chịu khổ.

Tất cả khổ đau của chúng ta, dù là gì đi nữa, đều liên quan đến một trong những sự bám chấp này. Bám chấp và khổ đau luôn đi đôi với nhau.

Duyên khởi: Chuỗi nhân quả sinh ra khổ đau

Nguyên nhân của sự bám chấp là gì? Sự bám chấp phát sinh như thế nào? Tự phân tích bản tánh của mình, vị Bồ Tát sắp thành Phật thấy rằng sự bám chấp phát triển vì phản ứng tinh thần ưa thích hay chán ghét xảy ra liên tục. Phản ứng chớp nhoáng và vô tình của tâm được lặp đi lặp lại và gia tăng cường độ trong từng giây phút, làm sự lôi cuốn và xô đẩy mọi sự bám chấp của chúng ta càng trở nên mãnh liệt. Sự bám chấp chỉ là dạng phát triển của phản ứng chớp nhoáng. Đó là nguyên nhân trực tiếp của khổ.

Cái gì tạo nên yêu và ghét? Nhìn vào sâu hơn, Ngài thấy yêu và ghét phát sinh vì cảm giác. Chúng ta cảm nhận một cảm giác dễ chịu và bắt đầu thích nó; hay chúng ta cảm nhận một cảm giác khó chịu và bắt đầu ghét nó.

Tại sao có những cảm giác này? Cái gì tạo ra chúng? Quan sát nội tâm sâu xa hơn, Ngài thấy rằng chúng phát sinh vì sự xúc chạm: mắt tiếp xúc với cảnh, tai tiếp xúc với âm thanh, mũi với mùi, lưỡi với vị, thân với sự xúc chạm, tâm với ý nghĩ, xúc cảm, ý tưởng, tưởng tượng hay ký ức. Qua năm giác quan và tâm chúng ta trải nghiệm thế giới. Bất cứ lúc nào một sự vật hay hiện tượng tiếp xúc với một trong sáu giác quan này, một cảm giác phát sinh, hoặc dễ chịu hoặc khó chịu.

Nhưng tại sao sự xúc chạm lại xảy ra? Ngài thấy rằng vì có sự hiện diện của sáu giác quan - năm giác quan và tâm ý - xúc chạm bắt buộc phải xảy ra. Thế giới đầy dẫy hiện tượng không thể kể hết: cảnh sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, xúc cảm, những ý nghĩ và cảm xúc. Chừng nào sáu giác quan của chúng ta còn hoạt động bình thường thì sự tiếp xúc còn xảy ra.

Tại sao lại có sáu giác quan? Vì chúng là khía cạnh trọng yếu trong dòng luân lưu của tinh thần và vật chất. Nhưng tại sao lại có dòng luân lưu của tinh thần và vật chất này? Cái gì đã sinh ra nó? Ngài hiểu rằng tiến trình khởi sinh là vì thức, sự nhận thức đã chia tách thế giới thành “người quan sát” và “đối tượng quan sát”, chủ thể và đối tượng, “tôi” và “người khác”. Từ sự phân biệt chia tách này khởi sinh một thực thể, bắt đầu có “sinh ra”. Mỗi một khoảnh khắc thức lại nảy sinh với một hình thức tinh thần và vật chất cụ thể. Trong khoảnh khắc kế tiếp, thức lại có một hình thức hơi khác hơn. Cứ như vậy trong suốt một kiếp người, thức luân lưu và biến đổi. Cuối cùng là cái chết, nhưng thức không dừng lại ở đây: không có một khoảng dừng nào, ngay trong khoảnh khắc kế tiếp, thức nhận lấy một dạng thức mới. Từ kiếp này sang kiếp khác, đời sống này sang đời sống tiếp theo, dòng chảy tâm thức luân lưu không ngừng nghỉ.

Vậy cái gì đã tạo ra dòng luân lưu của tâm thức? Ngài thấy thức sinh ra do phản ứng. Tâm thường xuyên phản ứng, và mỗi phản ứng lại thúc đẩy dòng luân lưu của thức tiếp tục vào giây phút kế tiếp. Phản ứng càng mạnh thì sự thúc đẩy càng lớn. Phản ứng nhẹ của một giây phút chỉ duy trì dòng luân lưu của thức ở giây phút đó. Nhưng nếu phản ứng nhất thời thích hay không thích đó được tăng cường thành thèm muốn hay chán ghét thì nó được thêm sức mạnh và duy trì được dòng luân lưu của thức lâu hơn, trong nhiều khoảnh khắc, nhiều phút, nhiều giờ. Và nếu những phản ứng thèm muốn hay chán ghét đó được gia tăng cường độ mạnh mẽ hơn nữa, nó sẽ duy trì dòng tâm thức trong nhiều ngày, nhiều tháng, có thể là nhiều năm. Và nếu trong suốt một đời người, ta cứ tiếp tục lặp lại, tăng cường một số phản ứng nào đó thì chúng sẽ phát triển đủ mạnh để duy trì dòng luân lưu của thức, không chỉ từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc kế tiếp, từ ngày này sang ngày khác, từ năm này sang năm khác, mà là cả từ kiếp sống này sang kiếp sống khác.

Nhưng cái gì đã tạo nên những phản ứng đó? Quan sát ở tầng lớp thâm sâu nhất của thực tại, Ngài hiểu rằng có phản ứng là vì vô minh. Chúng ta không ý thức được sự kiện là chúng ta phản ứng, và chúng ta không biết được tính chất thật của cái mà ta phản ứng. Chúng ta không biết đến bản chất vô thường, vô ngã của sự hiện hữu của chúng ta, cũng như không biết rằng sự bám chấp vào chúng chỉ đem lại khổ đau. Không biết bản chất thật của mình, chúng ta phản ứng mù quáng. Chúng ta không biết rằng mình đã phản ứng, nên chúng ta không những tiếp tục phản ứng mù quáng mà còn tăng cường chúng. Chúng ta bị giam hãm trong thói quen phản ứng, chung quy chỉ vì vô minh.

Đây là cách bánh xe khổ đau bắt đầu xoay vần:

Nếu vô minh khởi sinh, hành (sankhara - phản ứng) hiện hữu,
Hành khởi sinh, thức hiện hữu,
Thức khởi sinh, danh sắc (tâm và thân) hiện hữu,
Danh sắc khởi sinh, lục căn (sáu giác quan) hiện hữu,
Lục căn khởi sinh, xúc (sự xúc chạm) hiện hữu,
Xúc khởi sinh, thọ (cảm giác) hiện hữu,
Thọ khởi sinh, ái (tham muốn và chán ghét) hiện hữu,
Ái khởi sinh, thủ (sự bám chấp) hiện hữu,
Thủ khởi sinh, hữu (tiến trình trở thành) hiện hữu,
Hữu khởi sinh, sinh (sự sinh ra) hiện hữu,
Sinh khởi sinh, sự hủy hoại và già, chết hiện hữu cùng với buồn rầu, than khóc, khổ thân và khổ tâm, phiền não.
Do đó toàn bộ khổ đau khởi sinh.

Bởi vì chuỗi nhân quả này - tiến trình duyên khởi - chúng ta rơi vào tình trạng hiện hữu như hiện nay và đối diện với khổ đau trong tương lai.

Cuối cùng, sự thật hiện ra rõ ràng đối với Ngài: Khổ đau bắt nguồn từ sự vô minh, không hiểu biết về thực tại bản tính thực sự của chúng ta, về hiện tượng được mang nhãn hiệu “cái tôi”. Và nguyên nhân kế tiếp của khổ là hành nghiệp (sankhara), thói quen phản ứng tinh thần. Mù quáng vì vô minh, chúng ta tạo nên những phản ứng bằng thèm muốn, chán ghét, phát triển thành sự bám chấp và dẫn đến mọi thứ khổ đau. Thói quen phản ứng là hành nghiệp (kamma), tạo thành tương lai chúng ta. Phản ứng sinh ra là do vô minh về bản tính thực sự của chúng ta. Thèm muốn, chán ghét và vô minh (tham, sân, si) là ba gốc rễ từ đó mọc lên tất cả những khổ đau trong đời.

Con đường thoát khổ

Đã hiểu rõ được khổ và nguồn gốc của khổ, vị Bồ Tát sắp thành Phật lại phải đương đầu với câu hỏi kế tiếp: Làm sao để dứt khổ? Đó là bằng cách nhớ lại luật của nghiệp (kamma), luật nhân quả: “Nếu cái này có thì cái kia có, cái này sinh từ việc cái kia sinh. Nếu cái này không có thì cái kia không có, cái này diệt vì cái kia diệt.” Không gì xảy ra mà không có nguyên nhân. Nếu nhân bị diệt thì sẽ không có quả. Bằng cách này, tiến trình khởi sinh của khổ đau có thể bị đảo ngược:

Nếu vô minh bị diệt trừ và hoàn toàn chấm dứt, hành nghiệp (sankhara -phản ứng) sẽ dừng lại;

Hành nghiệp dừng, thức sẽ dừng,

Thức dừng thì danh sắc dừng,

Danh sắc dừng thì lục căn dừng,

Lục căn dừng thì xúc dừng,

Xúc dừng thì cảm thọ dừng,

Cảm thọ dừng thì ái (thèm muốn và chán ghét) dừng,

Ái dừng thì thủ (bám chấp) dừng,

Thủ dừng thì hữu (tiến trình trở thành) dừng,

Hữu dừng thì sinh (sự sinh ra) dừng,

Sinh dừng thì sự hủy hoại, già, chết dừng, cùng với buồn rầu, than khóc, khổ thân, khổ tâm và phiền não cũng dừng.

Như vậy toàn bộ khổ đau dừng.

Nếu vô minh chấm dứt, thì sẽ không có những phản ứng mù quáng gây nên mọi loại khổ đau. Và nếu không còn khổ đau nữa, chúng ta sẽ hưởng được sự bình an thật sự, hạnh phúc thật sự. Bánh xe khổ đau có thể biến thành bánh xe giải thoát.

Đó là những gì đức Bồ Tát Siddhattha Gotama đã trải qua để đạt đến sự giác ngộ viên mãn, thành Phật. Đó là những gì Ngài dạy mọi người thực hành. Ngài nói:

Làm điều sai quấy, chính ta bị ô uế.
Làm điều đúng đắn, ta thanh lọc chính mình.

Mỗi chúng ta phải chịu trách nhiệm về những phản ứng tạo ra khổ đau cho mình. Bằng cách nhận lấy trách nhiệm, chúng ta có thể học cách diệt trừ khổ đau.

Sự luân lưu tiếp nối những kiếp sống

Đức Phật đã giải thích tiến trình tái sinh hay samsara (luân hồi) bằng Bánh Xe Duyên Khởi. Ở Ấn Độ vào thời Ngài, khái niệm này được chấp nhận như một sự dĩ nhiên. Ngày nay đối với nhiều người thì điều này có vẻ xa lạ, khó có thể đứng vững được. Trước khi chấp nhận hay chối bỏ, chúng ta phải hiểu được nó là gì.

Luân hồi (samsara) là chu kỳ của những kiếp sống lặp đi lặp lại, sự tiếp diễn của những kiếp sống quá khứ và tương lai. Những việc ta làm là động lực xô đẩy chúng ta từ kiếp này sang kiếp khác. Mỗi kiếp sướng hay khổ tùy theo những việc ta làm xấu xa hay cao thượng. Ở khía cạnh này, khái niệm trên cũng không khác gì các tôn giáo khác dạy rằng tương lai chúng ta sẽ được tưởng thưởng hay bị trừng phạt là do các hành động của ta trong đời hiện tại. Tuy nhiên Đức Phật nhận thấy rằng ngay cả những cuộc sống tốt đẹp nhất cũng vẫn còn đau khổ. Cho nên chúng ta không nên cầu mong một sự tái sinh may mắn, vì không có sự tái sinh nào là hoàn toàn may mắn. Mục đích của ta nên hướng về là sự giải thoát khỏi khổ đau. Khi chúng ta thoát khỏi vòng khổ đau rồi, chúng ta sẽ hưởng được một hạnh phúc lớn hơn tất cả mọi khoái lạc trần tục. Đức Phật dạy cách để hưởng được hạnh phúc đó ngay trong đời này.

Luân hồi (samsara) không phải như ý tưởng phổ biến là có một cái ngã hay linh hồn duy trì một tự thể cố định qua những lần tái sinh tiếp diễn. Đức Phật nói điều này không xảy ra. Ngài nhấn mạnh không có một tự thể bất biến truyền từ đời nọ sang đời kia: “Cũng giống như sữa có từ con bò, sữa đặc có từ sữa, bơ có từ sữa đặc, bơ tươi có từ bơ trong, bơ trong có từ bơ đặc, kem sữa có từ bơ trong. Khi có sữa thì sữa không được xem như sữa đặc, bơ tươi, bơ trong hay kem sữa. Cũng vậy, ở bất cứ thời điểm nào, chỉ có trạng thái hiện tại của sự hiện hữu được xem là thật, chứ không phải trạng thái ở quá khứ hay ở tương lai.”

Đức Phật không cho rằng có một tự ngã cố định luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác, cũng như không phải không có các kiếp quá khứ và tương lai. Ngài hiểu được và dạy rằng chỉ có tiến trình trở thành tiếp tục từ kiếp này sang kiếp khác khi mà những hành động của chúng ta tạo sự thúc đẩy cho tiến trình đó.

Ngay cả khi ta tin chỉ có hiện tại thì luật nhân quả vẫn đúng. Mỗi khi không ý thức được những phản ứng mù quáng của mình, chúng ta lại tạo ra khổ để ta phải hứng chịu ngay tại đây và ngay bây giờ. Nếu chúng ta loại trừ được vô minh, và không còn phản ứng mù quáng thì chúng ta sẽ hưởng được sự bình an ngay tại đây và ngay bây giờ. Thiên đàng và địa ngục ngay trong cuộc sống này, và ngay trong thể xác này. Đức Phật nói: “Ngay cả khi ta không tin có thế giới nào khác, không có sự tưởng thưởng hay trừng phạt trong tương lai đối với những hành động tốt hoặc xấu, ta vẫn có thể sống hạnh phúc bằng cách không để mình rơi vào sự thù hận, ác ý và lo lắng.”

Cho dù có tin hay không tin vào những kiếp sống quá khứ hay tương lai, chúng ta vẫn phải đối diện với những vấn đề của đời sống hiện tại, những vấn đề gây ra bởi những phản ứng mù quáng của chúng ta. Điều quan trọng nhất mà chúng ta phải làm là giải quyết ngay bây giờ những vấn đề đó, tiến bước trên con đường diệt khổ bằng cách chấm dứt thói quen phản ứng và hưởng được hạnh phúc của sự giải thoát ngay bây giờ.

Vấn Đáp

Câu hỏi: Có thể có sự thèm muốn và chán ghét thiện lành không? Chẳng hạn như ghét sự bất công, mong muốn tự do, sợ sự bạo hành?

Thiền sư S. N. Goenka: Thèm muốn và chán ghét không bao giờ có thể thiện lành được cả. Chúng sẽ luôn luôn làm cho bạn căng thẳng và khổ sở. Nếu hành động với sự thèm muốn và chán ghét, bạn có thể đạt được mục đích, nhưng bạn đã dùng một phương tiện không lành mạnh để đạt được nó. Dĩ nhiên bạn phải hành động để bảo vệ bạn khỏi nguy hiểm. Bị sự sợ hãi khống chế, bạn có thể hành động như vậy, nhưng vì hành động như vậy mà bạn đã phát triển một mặc cảm sợ hãi, nó sẽ hại bạn về lâu về dài. Hoặc với một tâm hận thù bạn có thể thành công trong sự tranh đấu chống bất công, nhưng sự hận thù sẽ trở thành một mặc cảm có hại cho tâm. Bạn phải chống bất công, bạn phải bảo vệ mình khỏi nguy hiểm, nhưng bạn có thể làm những điều đó bằng một tâm quân bình, không căng thẳng. Trong một đường lối quân bình và đầy tình thương đối với người khác, bạn có thể làm việc để đạt được kết quả tốt. Sự bình tâm luôn luôn có ích lợi và sẽ mang lại kết quả tốt đẹp nhất.

Ham muốn vật chất để làm cho cuộc đời dễ chịu hơn có gì là sai quấy?

Nếu thật là cần thiết, và nếu bạn không lệ thuộc vào nó, thì chẳng có gì là sai cả. Chẳng hạn như bạn khát nước và muốn uống nước thì chẳng có gì là độc hại. Bạn cần nước, bạn đi lấy nước để uống cho khỏi khát. Nhưng nếu nó trở thành một sự ám ảnh thì nó không giúp gì được mà còn có hại cho bạn. Bất cứ bạn cần gì, bạn hãy làm để có. Nếu bạn thất bại, hãy mỉm cười và cố gắng làm lại bằng cách khác. Nếu bạn thành công, hãy vui hưởng cái bạn có, nhưng đừng bám víu vào nó.

Thiền sư có cho việc hoạch định tương lai là thèm muốn không?

Cũng vậy, vấn đề là bạn có bị ràng buộc vào dự tính tương lai đó không. Ai ai cũng phải lo cho tương lai. Nếu dự định không thành và bạn khóc lóc, lúc đó bạn biết bạn đã bị ràng buộc vào nó. Nhưng nếu bạn thất bại mà bạn vẫn có thể mỉm cười được và nghĩ: “Ôi, ta đã cố gắng hết sức, thất bại thì có sao, ta sẽ làm lại.” - Lúc đó bạn đã làm việc với tâm buông xả và bạn vẫn hạnh phúc.

Chặn đứng Bánh Xe Duyên Khởi cũng giống như tự tử hay tự hủy diệt. Tại sao chúng ta cần phải làm như thế?

Tìm cách hủy hoại đời sống hay bám víu vào nó chắc chắn đều có hại. Thay vào đó chúng ta học cách để thiên nhiên tự lo liệu, không thèm muốn bất cứ cái gì, ngay cả sự giải thoát.

Nhưng thiền sư nói rằng một khi chuỗi sankhara (hành nghiệp) ngừng, thì sự tái sanh ngừng?

Đúng, nhưng đó là sự xa vời. Hãy quan tâm đến hiện tại. Đừng lo lắng về tương lai. Làm cho hiện tại tốt, thì tương lai đương nhiên sẽ tốt. Dĩ nhiên khi tất cả sankhara tạo ra kiếp sau đều bị diệt trừ thì không còn sinh tử nữa.

Rồi lúc đó có phải là sự hủy diệt?

Sự tiêu diệt ảo tưởng về “cái tôi”, sự diệt mất khổ đau. Đó là ý nghĩa của danh từ Niết-bàn (Nibbana): dập tắt lửa thiêu đốt. Chúng ta thường xuyên bị thiêu đốt vì thèm muốn, chán ghét, vô minh. Khi sự thiêu đốt ngưng, thì đau khổ chấm dứt. Và lúc đó chỉ còn lại sự tích cực. Nhưng lời nói không thể diễn tả được vì nó ở ngoài lãnh vực cảm nhận. Nó phải được trải nghiệm trong đời này, rồi bạn sẽ hiểu nó là gì. Rồi nỗi lo sợ về sự hủy diệt sẽ biến mất.

Ý thức lúc đó sẽ ra sao?

Sao lại quan tâm về điều đó? Nó không giúp gì cho bạn bàn luận về điều mà chỉ có thể kinh nghiệm chứ không thể diễn tả. Nó chỉ làm cho bạn xao lãng mục đích chính, đó là tập luyện để đạt đến đó. Khi bạn đạt được giai đoạn đó bạn sẽ vui hưởng nó và các câu hỏi sẽ không còn. Bạn không còn gì để hỏi: hãy tu tập để đến được giai đoạn này.

Làm sao thế giới vận hành mà không có bám chấp? Nếu cha mẹ vô tâm thì họ không quan tâm gì đến con cái. Làm sao có thể yêu thương hay tham dự vào cuộc đời mà không bám chấp?

Không bám chấp không có nghĩa là vô tâm; gọi cho đúng thì đó là “sự vô tâm thánh thiện”. Là cha mẹ, bạn phải làm tròn trách nhiệm săn sóc con cái với tất cả tình thương yêu, nhưng không bám chấp. Bạn làm bổn phận của bạn trong tình thương yêu. Giả sử bạn săn sóc một người ốm, và cho dù bạn tận tình săn sóc, người đó không qua khỏi. Bạn không nên khóc lóc, điều đó vô ích. Với một tâm quân bình, bạn tìm một cách khác để giúp người ấy. Đây là sự vô tâm thánh thiện: không phải không phản ứng cũng không phải phản ứng, mà là hành động đích thực, tích cực với một tâm quân bình.

Làm được như vậy thật khó khăn!

Đúng thế, nhưng đó là điều bạn nhất định phải học!

SỎI VÀ BƠ

Một ngày kia, một chàng trẻ tuổi khóc lóc đến gặp Đức Phật. Phật hỏi: - Này con, có chuyện gì vậy?

- Bạch Đức Thế Tôn, cha con đã chết hôm qua.

- Còn có thể làm gì được? Nếu ông ấy đã chết, khóc lóc cũng không thể làm ông ta sống lại.

- Bạch Đức Thế Tôn, con hiểu điều đó, con đến để xin Ngài giúp cho cha con.

- Này! Ta có thể làm gì được cho cha con?

- Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài giúp cho. Ngài là một người đầy quyền năng, chắc chắn Ngài giúp được cha con. Xem kìa, các giáo sĩ, những thầy cúng thường làm lễ để giúp người quá cố. Và ngay khi ở dưới này các nghi lễ được cử hành, thì ở trên kia cửa trời được mở, và người chết được vào vì có giấy phép nhập cảnh. Ngài là bậc quyền năng, nếu Ngài giúp, cha con không những được giấy nhập cảnh mà còn được thường trú và được thẻ xanh! Xin Ngài làm ơn giúp cha con!

Anh chàng đáng thương này đã quá đau buồn nên có nói lý lẽ với anh ta cũng vô ích. Đức Phật phải dùng cách khác để giúp anh ta hiểu ra. Ngài nói với anh ta, “Được, con hãy ra chợ mua hai cái nồi đất.” Anh chàng trẻ tuổi rất sung sướng, nghĩ rằng Đức Phật đã bằng lòng làm lễ cho cha mình. Anh ta chạy ra chợ và mua hai cái nồi đất. Đức Phật bảo: “Được, con đổ đầy bơ vào một nồi, còn nồi kia đổ đầy sỏi.” Chàng trẻ tuổi làm y lời. “Bây giờ con đậy nắp nồi lại cho chặt và dán kín lại rồi thả chúng xuống cái ao ở đằng kia.” Chàng trẻ tuổi làm theo lời dạy, và hai cái nồi chìm xuống đáy ao. Đức Phật bảo: “Bây giờ con lấy một cái gậy lớn, đập bể hai cái nồi đó.” Chàng trẻ tuổi mừng rỡ, nghĩ rằng Đức Phật đang cử hành một nghi lễ kỳ diệu cho cha mình.

Theo cổ tục Ấn Độ, khi một người chết, người con trai sẽ đem xác đến nơi hỏa táng để thiêu. Khi xác đã cháy được một nửa, người con lấy một cây gậy đập vỡ sọ người chết. Theo sự tin tưởng cổ xưa, khi sọ bị vỡ ở dưới trần thì ở trên kia cửa trời được mở. Do đó chàng trẻ tuổi tự nghĩ: “Ngày hôm qua, xác cha ta đã được hỏa thiêu, nên bây giờ Đức Phật muốn ta đập vỡ hai cái nồi này như một cách tượng trưng.” Chàng rất sung sướng với nghi lễ đó.

Như lời Đức Phật dạy, chàng lấy gậy đập mạnh và hai cái nồi bị vỡ ra. Lập tức bơ ở trong một nồi thoát ra và nổi lều bều trên mặt nước, sỏi ở nồi kia rơi ra và chìm xuống. Đức Phật nói: “Này con, ta đã làm xong. Bây giờ con hãy gọi những thầy cúng và những người làm phép lạ, bảo họ tụng kinh và cầu nguyện: “Sỏi ơi hãy nổi lên, nổi lên! Bơ ơi, hãy chìm xuống, chìm xuống! Hãy để ta xem sao.”

“Bạch Đức Thế Tôn, chắc Ngài chỉ nói đùa. Điều đó làm sao có thể được? Sỏi nặng hơn nước, phải chìm, làm sao nổi lên được! Đây là luật tự nhiên. Bơ nhẹ hơn nước, phải nổi lên, làm sao chìm xuống đáy được, thưa Ngài. Đây là luật tự nhiên!”

“Này con, con biết khá nhiều về luật tự nhiên, nhưng con vẫn chưa hiểu định luật tự nhiên này: Nếu suốt đời cha con gieo những nhân xấu nặng như sỏi đá thì phải đi xuống, ai có thể kéo ông lên được? Và nếu những hành động của ông nhẹ như bơ, thì ông sẽ đi lên, ai có thể kéo ông xuống được?”

Chúng ta càng sớm hiểu được luật tự nhiên và sống theo luật ấy thì chúng ta càng sớm thoát khỏi đau khổ.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 14 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Hạ


Thắp ngọn đuốc hồng


Học đạo trong đời


Tự lực và tha lực trong Phật giáo

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.174.216 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (273 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (4 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...