Trong cuộc sống, điều quan trọng không phải bạn đang ở hoàn cảnh nào mà là bạn đang hướng đến mục đích gì. (The great thing in this world is not so much where you stand as in what direction you are moving. )Oliver Wendell Holmes
Thiên tài là khả năng hiện thực hóa những điều bạn nghĩ. (Genius is the ability to put into effect what is on your mind. )F. Scott Fitzgerald
Thành công không được quyết định bởi sự thông minh tài giỏi, mà chính là ở khả năng vượt qua chướng ngại.Sưu tầm
Thương yêu là phương thuốc diệu kỳ có thể giúp mỗi người chúng ta xoa dịu những nỗi đau của chính mình và mọi người quanh ta.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Chúng ta không học đi bằng những quy tắc mà bằng cách bước đi và vấp ngã. (You don't learn to walk by following rules. You learn by doing, and by falling over. )Richard Branson
Sự vắng mặt của yêu thương chính là điều kiện cần thiết cho sự hình thành của những tính xấu như giận hờn, ganh tỵ, tham lam, ích kỷ...Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối, mà thực sự là biểu hiện của sức mạnh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Bất lương không phải là tin hay không tin, mà bất lương là khi một người xác nhận rằng họ tin vào một điều mà thực sự họ không hề tin. (Infidelity does not consist in believing, or in disbelieving, it consists in professing to believe what he does not believe.)Thomas Paine

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Đạo lý nhà Phật »» I. PHẬT LÀ GÌ »»

Đạo lý nhà Phật
»» I. PHẬT LÀ GÌ

Donate

(Lượt xem: 5.594)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Đạo lý nhà Phật - I. PHẬT LÀ GÌ

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

1. Trông qua xã hội tu Phật

“Đánh tan tục niệm hồi chuông sớm,

Gõ vỡ trần tâm tiếng mõ trưa.”


Đó là cái lạc thú của kẻ nhà thiền. Những hôm trời trưa lúc tối, ngồi trong am mà niệm kinh, gõ mõ, không còn biết gì đến mùi chung đỉnh, bấy giờ dưới chợ búa, con người những bốn chôn theo đường danh nẻo lợi mà làm cho “bể ái xem ra nước đục lờ”. Một mình với một bầu thế giới tinh sạch, này cỏ đẹp, nọ hoa tươi, trên chim reo, dưới cá gọi, sau khi tư tưởng về đạo lành, bèn ngắm xem cảnh thiên nhiên của tạo vật, rồi hít vào cái thanh khí êm tịnh nơi am mây, há không phải là cảnh thâm trầm ở cửa Phật sao?

“Chở mây quanh quất lồng hương Phật,

Gõ đá vang lừng lối nhạc Tiên.”


Dầu không phải đem thân nương cửa Bồ-đề, mà mấy người chẳng hưởng được cái lạc thú của những chùa xưa miếu cổ? Từng thấy bao người dưới thành thị là những kẻ lả lơi hoa nguyệt, mà khi dạo cảnh đến chốn am mây, trông lên tượng cốt rỡ ràng, xem ra quang cảnh nghiêm trang đằm thắm, ở trên là trời rộng thênh thang, ở dưới thì cây cỏ bát ngát xanh tươi, bèn cảm xúc mà lạy Phật khấn Trời. Trong trí họ bấy giờ mới tưởng thấy sự giả dối ở miền trần tục kia!

Hàng nho học, sĩ phu, phần đông là những người ham mồi phú quí, áng công danh, mà khi lên đến Thiền đường, cũng khiếp vì sự cao thượng, tinh vi ở chốn Không môn vậy. Quan phó nguyên soái trong Hội Tao Đàn đời vua Lê Thánh Tôn, một hôm làm thơ tặng tiểu ni chùa Bà Đanh, có câu rằng:

“Chày kình một tiếng tan niềm tục,

Cực lạc là đây chín rõ mười...”


Còn vua thường là hạng người ham mê sự vui sướng ở cung điện lâu đài, với cả ngàn cung phi mỹ nữ, với cuộc rượu tiệc trà, còn biết gì đến đạo lý? Mà đến khi tới chùa xưa cảnh cũ, cũng cảm ít phần:

“Tới nơi thấy cảnh thấy người,

Tuy vui đạo Phật chưa nguôi lòng trần!”


Ấy là lời vua Lê Thánh Tôn ngâm tặng cô tiểu ni chùa Bà Đanh, nhận rằng chính mình dẫu làm vua cũng mộ cảnh tịnh, vui đạo từ. Cho biết cái tâm lành của ta hễ gặp cảnh trong sạch thì nó phát ra ngay! Cái Phật tánh ở trong mỗi người gặp phải dịp thì nó hiện ra chớ chẳng không. Ai mê dục tới đâu, ai luyến mến tới đâu, cũng có hồi tỉnh tâm!

Còn đến kẻ trầm tư mặc tưởng, kẻ thanh tĩnh xét suy, kẻ nhà thiền mộ đạo thì cái thân sống là để lo về đạo và để tế độ chúng sanh. Lòng từ bi lên đến cực điểm, các ngài đâu còn biết lo lắng gì đến sự trần gian, thì sự khoái lạc mới là chân thật, hoàn toàn. Như vị ni cô chùa Non Nước là một cô gái tuyệt sắc, đúng tuần cập kê, nhưng rất mộ đạo. Anh ruột là vua Minh Mạng bảo về lấy chồng, cô muốn từ chối bèn làm một bài thơ, bảo nếu ai họa được, cô sẽ lấy người ấy làm chồng:

“Thế sự nhìn xem rối cuộc cờ,

Càng nhìn càng ngắm lại càng dơ,

Đánh tan tục niệm hồi chuông sớm,

Gõ vỡ trần tâm tiếng mõ trưa.

Chu tử ngán mùi, nên vải ấm,

Đỉnh chung lợm giọng, hóa chay ưa.

Lên đàn cứu khổ toan quay lại,

Bể ái trông ra nước đục lờ!”


Xem suốt bài thơ ấy, ta thấy rõ là một người dâng cả tâm hồn cho đạo, ngán vì cuôc thế dơ bẩn, tanh hôi. Thôi đành gởi thân nơi am mây cửa Phật mà mõ trưa chuông sớm! Tuy bà là em ruột nhà vua, nhưng bà không thiết gì đến mồi phú quí. Bà quyết tìm đạo để cứu khổ những chúng sanh đang chìm nổi nơi bể tình ái. Lòng mộ đạo của cô cao đến cực điểm, phát hiện ra trên bài thơ, làm cho cả thảy những tay văn hay chữ giỏi đương thời đành phải bó tay không họa nổi! Có kẻ nói rằng nhờ có Phật hộ niệm cho bà, nên trong bài thơ ấy bà dứt mùi tục lụy một cách vô cùng quả quyết.

Lạc thú của nhà thiền rất thâm trầm, chẳng những là vì chiêm ngưỡng tượng Phật trang nghiêm, từ bi, chẳng những là vì không màng đến bã công danh mà gõ mõ tụng kinh cùng vui thích với những phong cảnh u nhàn, mà thâm trầm nhất là về tâm, về ý vậy.

Nhà sư đã có chí về đạo thì lo gì chẳng được lạc thú hoàn toàn? Những hôm trời khuya cảnh vắng, chỉ nghe có tiếng gió thoảng với tiếng dế giun, một mình ngồi trong am mà suy nghĩ đến cuộc hư không của phù thế, thấy mình lướt ra khỏi lưới dục bẫy tình thì khoái biết bao! Hoặc là tưởng đến chư tổ nhiều đời đã qua trải thân lo về đạo lý, như tưởng đến đức Đạt Ma Tổ Sư từ bên Tây thiên qua Đông độ để truyền bá đạo tâm, tưởng đến ngài Huyền Trang không quản đường xa hiểm trở mà sang tận Tây phương để thỉnh Kinh chầu Phật, tưởng đến vua A-dục bênh vực cho Phật giáo mà làm thành nền đạo đức to tát hơn hết ở Ấn Độ, cùng là tưởng đến lắm vị có công lao với đạo Phật. Tưởng đến những bậc xưa nay xả thân vì đạo, thường hành từ bi, như vậy há không phải là một cái lạc thú thâm trầm của con nhà học Phật sao?

Tư tưởng hiền lành tuồng như nén hương thơm trên bàn Phật, lần lần tỏa ra mà hòa với tinh thần của chư Phật và chư Bồ-tát ở khắp mười phương, mà hình tượng đang được thờ phụng ở chùa! Bấy giờ cái không khí chẳng là êm đềm, thích đáng lắm sao?

Biết đâu những tư tưởng từ bi ấy chẳng ảnh hưởng cho phần đông chúng sanh? Bao người khi trông thấy một vị sư tươi tỉnh, oai nghi, hòa nhã, êm đềm, khi về phát tâm tưởng nhớ mãi trong lòng! Bèn nghĩ đến điệu hiền hậu, ôn hòa, nhớ cuộc thanh tĩnh nơi am, nhớ quang cảnh thuần hậu ấy, thì tấm lòng xao xuyến bồn chồn vì thế sự cũng nguôi đi dần. Họ bèn trông lên những điều giải thoát cao thượng. Như thế thì xã hội những người tu Phật, học Phật há chẳng phải là một xã hội chứa đầy sự khoái lạc tinh anh đó sao?

Nói gì đến các vị tu hành đắc quả, các bậc Phật Thánh giáng trần, thì các ngài sống an hòa, hỷ lạc biết bao! Cõi thế mà các ngài ở cũng là cảnh Niết-bàn, nơi Tịnh độ rồi, cần gì tìm kiếm đâu xa! Tấm lòng của các ngài là từ bi bác ái, hành động của các ngài là sự cứu vớt, tế độ, giáo hóa chúng sanh. Các ngài trông ra chỉ thấy điều lành, các ngài làm ra chỉ làm điều lành. Nếu chúng ta được cái tâm của các ngài thì ngay ở cõi này, chúng ta cũng thấy khoái lạc rồi. Nếu chúng ta ra sức tế độ chúng sanh như các ngài, thì ta lãnh lấy cái phận sự của các ngài, ta hòa làm một với các ngài, ta cũng là người trong xã hội Phật, Thánh rồi chớ sao?


2. Phật



Phật, hay Phật đà, Bụt đà là tiếng phiên âm theo Phạn Buddha. Tức là bậc được giác ngộ, sáng suốt hoàn toàn.

Về tiếng Phật, người Á Đông hiểu rộng hơn người Âu Tây. Nghe đến tiếng Phật, họ thường chỉ nghĩ đến đức Phật Thích-ca. Còn đối với người Á Đông, tiếng Phật chẳng những là chỉ đức Thích-ca, mà còn chỉ chung cho những vị đã đắc đạo hoàn toàn nữa. Chư Thánh từ bậc A-la-hán, Duyên giác, Bồ-tát cho chí đức Phật Như Lai, đức Thế Tôn, những người bình dân đều gọi chung là Phật hết. Có khi cũng gọi riêng là Phật A-la-hán, Phật Duyên giác, Bồ-tát, Phật Như Lai, Phật Thế Tôn. Như vậy là hiểu nôm na, cho rằng các vị ấy dầu khác bậc nhau, chớ đều đắc quả Phật hết. Chư vị A-la-hán, Duyên giác, Bồ-tát đều là những vị đã thành tựu, đắc quả, song còn phải qua nhiều thời gian về sau mới lên ngôi Chánh giác, Phật Như Lai, Thế Tôn.

Nói cho chính xác, tiếng Phật để chỉ riêng đấng hoàn toàn giác ngộ, hoàn toàn thành tựu, giống như đức Thích-ca Như Lai. Thầy chung của chúng ta. Ngài thành Phật cách đây trên hai ngàn rưỡi năm.

Từ xưa đến nay, từ đời vô thỉ đến bây giờ, đã có rất nhiều vị Phật ra đời. Thỉnh thoảng trong năm ba ngàn năm. Một vài mươi ngàn năm, có một đấng siêu phàm giáng thế, tỏ sáng hoàn toàn cái trực giác nơi mình, bèn dìu dắt, giáo hóa chúng sanh. Từ trước đến nay, đã có biết bao người thành Phật rồi, giả như: Tỳ-bà-thi, Thi-khí, Tỳ-xá, Ca-la Ca-tôn-đại, Câu-na-hàm Mâu-ni, Ca-diếp, Nhiên Đăng.v.v... Chư vị ấy gọi là Phật quá khứ.

Và hiện nay, trong các cõi thế giới, cũng có biết bao các đấng thành Phật. Ở cõi Ta-bà này, có đức Thích ca Mâu-ni. Và ở trăm ngàn vạn ức cõi thế trong vũ trụ, có vô số chư Phật khác. Người ta gọi các vị này là Phật hiện tại.

Rồi về sau, trên cõi thế giới của chúng ta với trên các cõi khác, sẽ có những bậc siêu phàm khác xuất hiện và thành Phật. Những đấng này hiện thời là chư đại Bồ-tát hằng đi khắp nơi mà cứu nạn cứu khổ cho chúng sanh và đem đạo lý mà giáo hóa họ. Các ngài đã đắc nhập quả Phật, sẽ lần lượt lên ngôi Bát-nhã của đức Như Lai. Giả như ở cõi của chúng ta đây, người sẽ thành Phật tiếp theo đức Thích-ca là đức Di Lặc, hiện là một vị Đại Bồ-tát. Chư Phật này, người ta gọi là Phật vị lai.

Các nhà học Phật gọi chung chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai là chư Phật Tam thế. Những người tụng niệm, trì kinh hằng ngày khấn nguyện chư Phật trong các đời đã qua, hiện tại và sẽ tới. Người ta tin rằng chư Phật Tam thế thường hộ trì những người thành kính, nhất tâm tưởng Phật. Nhất là các ngài thường tiếp trợ những ai đứng ra bênh vực, truyền bá pháp Phật. Người học Phật Đại thừa nhận rằng vũ trụ là một cảnh tương tế, bao giờ chư Phật trong ba đời cũng sẵn lòng độ cho chúng sanh được về bến giác. Bao giờ ánh sáng của chư Phật cũng soi thấu các nơi, tư tưởng lành của chư Phật cũng tỏa ra các nơi, người tu tập thành tâm thành tín nhờ đó mà dễ tỏ sáng và lướt đến cõi lành.

Đối với chư Phật Tam thế, có chư Phật mười phương. Mười phương trong vũ trụ: Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn phương kế cận Đông bắc, Tây bắc, Tây nam, Đông nam, và hai phương trên, dưới, đều có chư Phật hết, cõi Ta-bà của chúng ta ở về phương Đông bắc, có đức Thích-ca Như Lai. Lại ở các cõi thế giới khác trong các phương, cũng có chư Phật khác. Và vô số chư Phật ở khắp mười phương trong vũ trụ, hằng tiếp dẫn và cứu độ chúng sanh. Từ trước tới nay và về sau, đã có, hiện có và sẽ có biết bao các vị Phật ngự nơi ngôi Bát-nhã trên các cõi thế giới trong mười phương.

Cho nên gọi chung chư Phật, người ta gọi là chư Phật ba đời và mười phương. Ấy là chư Phật khắp cả các nơi và từ trước tới sau. Nói ngay ra, ở chỗ nào cũng có Phật, và bao giờ cũng có Phật hết. Cái ánh sáng ấy, cái sức lành ấy ở đâu cũng có, lúc nào cũng có. Nó soi tỏ, nó kích thích cho tất cả chúng sanh, nó ở vào trong tất cả chúng sanh. Cho đến những hạng sa đọa như các loài ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh, cũng đều có quả Phật nơi mình. Cho nên người ta cũng gọi mười cảnh tấn hóa của các chúng sanh là mười cảnh Phật. Mười cảnh ấy, bắt từ trên kể xuống là: 1. Phật, 2. Bồ-tát, 3. Duyên giác, 4. Thanh văn, 5. Tiên 6. Thần, 7. Người, 8. Ngạ quỷ, 9. Địa ngục, 10. Súc sanh. Chúng sanh trong mười cảnh Phật này đều chứa cái quả Phật nơi lòng. Cái quả Phật ấy, cái tánh Phật ấy, cái chân như ấy, với kẻ còn mê dục thì nó chưa tỏ ra; mà với kẻ từ bi, thông thái thì nó sáng rỡ. Và đến chừng nó tỏ rõ hoàn toàn thì mình thành Phật, Phật Như Lai, Phật Thế Tôn. Các chúng sanh, dẫu trụy lạc, sai lầm thế mấy, cũng có cái quả Phật ở trong, nên có ngày sẽ giác ngộ. Cái cảnh hiện thời của họ là cái tạm thời, họ sẽ nương từ đó mà lướt lên, lướt mãi cho đến ngày đến bậc Chánh giác. Vì vậy nên những nhà học Phật thâm thúy mới gọi rằng: “Mê dục tức Bồ-đề, Luân hồi tức Niết-bàn”. Người ta cũng nói rằng: “Chúng sanh tức Phật, Phật tức chúng sanh”. Hoặc là: “Chúng sanh là Phật chưa thành.”

Chúng ta đây, mỗi người đều có sẵn cái gốc lành, cái quả Phật. Vậy chúng ta hãy tập ăn ở cho lành, làm việc phước thiện, siêng năng đọc tụng kinh sách, và chúng ta hãy thường tưởng Phật, chiêm nghiệm, suy nghĩ, tham thiền để mau mở thông cái quả Phật ấy nơi ta.

Rồi đến một ngày nọ, một đời nọ, chúng ta sẽ được toàn giác, như thầy của chúng ta là đức Thích-ca Mâu-ni chớ chẳng không.


3. Thầy của chúng ta, Phật Thích-ca



Những người học Phật, tu Phật thường niệm: “Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật”. Ấy đó, tức Phật Thích-ca là Bổn sư, là thầy gốc của chúng ta. Ngài giáo hóa cho ta thành tựu bằng pháp môn của ngài. Những pháp môn ấy trước thì ngài thuyết, sau lại có ghi trong kinh điển, gồm chung có ba tạng là Kinh, Luật và Luận, thường gọi là Tam tạng. Những bậc tu hành xuất gia, tỳ-kheo và tỳ-kheo ni thường tự nhận mình là Thích tử. Tức các bậc ấy là con Phật về phần tinh thần, pháp giáo. Và những ai dầu tu xuất gia hay tu tại gia mà thành tâm học Phật đều được nhận mình là Thích tử, Phật tử cả.

Đức Thích-ca là thầy của ta, cha lành của ta. Vì tôn kính ngài, cho nên các Phật tử đều xưng ngài là đức Bổn sư, đức Phật tổ, đức Từ phụ.

Ngài giáng thế, thành Phật và dìu dắt chúng sanh ở cõi Á Đông, nơi miền Ấn Độ trên hai ngàn năm trăm năm rồi. Trọn quyển “Truyện Phật Thích-ca” của tôi soạn có biên rõ sự tích của ngài. Ngài là Phật hiện tại, nối chí chư Phật quá khứ để trao Pháp Phật quả Bồ-đề cho chúng sanh. Trong khi chưa có đức Phật sau, Phật vị lai, ngài là thầy của chúng ta, tuy ngài đã tịch rồi. Ngài ở trong một cảnh giới khác đã đành, song sức lành của ngài thường ủng hộ những người tu Phật. Và pháp giáo của ngài để lại cho giáo hội Tăng già mà ngài sáng lập ra và truyền lại, cũng đều có thể tiếp độ chúng sanh. Ngôi Tam bảo là Phật, Pháp, Tăng bao giờ cũng có trụ ở cảnh trần mà hộ trợ kẻ tu trì.

Nhiều nhà tu học có mật hạnh thường được thấy chân thân của đức Thích-ca. Hoặc là họ thấy Phật hiện ra trong khi họ ngủ; hoặc là họ thấy Phật trong cơn niệm tưởng, tham thiền.

Tu đến thành Phật Thế Tôn, Phật Như Lai, thật không phải dễ. Biết bao công hạnh, biết bao phước đức ban bố cho đời! Đức Thích-ca đắc nhập quả Phật trong vô lượng vô biên kiếp rồi, song ngài còn đi hành đạo Bồ-tát, cứu nạn cứu khổ cho chúng sanh. Mãi cho đến khi lên bậc Như Lai, ngài còn phán rằng ngài chưa dứt hành đạo Bồ-tát, tức là ngài còn lướt thuyền Bát-nhã trên biển mê mà cứu vớt chúng sanh! Biết bao đời, ngài làm Bồ-tát vì chúng sanh. Chẳng quản lúc nào, cảnh nào, ngài vẫn đưa tay ra mà giải thoát, độ đời. Sanh ra trong hạng thú cầm, tự mình đày xuống dưới miền địa ngục, dấn thân vào loài ma quỷ đói khát, ngài cam phần cực nhọc, quyết cứu vớt những chúng sanh sa đọa! Làm thân đàn bà con gái, chịu sự đớn đau của phái yếu, sanh ra trong cung cấm, hoặc trong cửa quyền, cũng sanh ra trong nhà thường dân lao động, mà làm con gái và thê thiếp của người. Ngài đã từng giáo hóa đạo lành cho hàng phụ nữ và các hạng người quanh mình. Cũng có khi ngài vì phương tiện mà làm thần để độ chư thần và làm tiên để độ chư tiên. Sự từ bi của ngài không thể lường, công đức của ngài vô tận. Nên ở ngôi Phật Như Lai, ngài được tất cả chúng sanh sùng bái, tôn kính.

Chúng ta đây, ví như chúng ta có thành Phật, được lên bậc Như Lai, thì cũng vì chúng sanh, để giáo hóa, độ tận chúng sanh vậy. Kẻ nào mong thành Phật cho mình thì không bao giờ thành được. Mà Phật giáo hóa chúng sanh những hạng nào? Tất cả các hạng. Trong đời ngài, những khi thuyết pháp các nơi trong cõi Ấn Độ, các hạng tiến hóa đều tựu lại nghe. Chư Đại Bồ-tát ở các cõi thế giới du hành đến; chư tiên, chư thánh, chư thần từ các tầng trời hiện xuống; cho đến các loài yêu ma, quỷ mị cũng đều rủ nhau đến chung chạ với loài người mà hoan nghinh, cúng dường, thờ trọng Phật, vì ngài nói rất hay, dạy rất đúng. Người ta phân các bậc chúng sanh nghe Pháp ra làm bốn hạng, gọi chung là Tứ chúng. Đó là: tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di. Tỳ-kheo, tỳ-kheo ni là chư những vị xuất gia đàn ông với đàn bà. Còn ưu-bà-tắc, ưu-bà-di là những người cư sĩ đàn ông với đàn bà, tức là những hạng chưa thọ đủ giới cụ túc.

Đức Phật tùy dùng phương tiện mà dạy cho tứ chúng, dạy cho họ tấn hóa lên đường huệ. Lắm khi ngài giảng một bài mà hai hạng xuất gia và tại gia đều được nhờ hết. Lần lần như vậy, những người hiểu đạo và hành trì lần lượt chứng đắc các quả A-la-hán, Duyên giác, Bồ-tát. Hàng tại gia cư sĩ tinh tấn tu học cũng có thể lần lượt chứng các quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, là những thánh quả trước quả vị A-la-hán. Cũng có những vị cư sĩ chứng quả Duyên giác và quả vị Bồ-tát nữa. Tại gia cư sĩ lắm người là Bồ-tát giáng thế chớ chẳng không. Giả như vua Tần-bà-sa-la hộ trợ ngôi Tam bảo, ông nhà giàu Tu-đạt, hiệu là Cấp Cô Độc đứng ra lập tinh xá và hằng cung cấp cho Phật với giáo hội Tăng già; lại như ông Duy-ma-cật tuy ở địa vị cư sĩ mà đạo hạnh và trí huệ rất cao, tài biện luận làm cho đức Văn-thù đại trí phải kính phục.

Với hạng xuất gia, Phật khuyên tinh tấn giải thoát mà đạt Niết-bàn. Như vậy, sống một cách thanh tịnh, ở theo giới hạnh và năng tham thiền cho thoát khỏi cảnh trần. Với hạng tại gia, Phật khuyên cúng dường chư Tăng có đạo hạnh, niệm tưởng Phật, giữ lễ phép với cha mẹ, chồng vợ, thầy chủ, anh em, bè bạn. Như vậy thì được công đức dành để về các đời sau, chừng ấy sẽ hưởng sự giàu sang, tước lộc, hoặc nâng mình lên cảnh trời, nơi ấy được an nhàn khoái lạc.

Với hạng xuất gia, trong bậc Thanh văn, Phật dạy thi hành Tứ Diệu đế: 1. Khổ đế, 2. Tập đế, 3. Diệt đế, 4. Đạo đế. Trong bậc Duyên giác, Phật dạy quán sát Thập nhị nhơn duyên: 1. Vô minh, 2. Hành, 3. Thức, 4. Danh sắc, 5. Lục nhập, 6. Xúc, 7. Thọ, 8. Ái, 9. Thủ, 10. Hữu, 11. Sanh, 12. Lão tử. Trong bậc Bồ-tát, Phật dạy hành sáu đại hạnh, gọi là Lục Ba-la-mật đa hay Lục độ: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí huệ.

Với hạng tại gia cư sĩ, Phật cũng khuyên giữ một ít phần hành của chư vị xuất gia. Về sau, Phật không phân biệt Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát, cũng không phân biệt xuất gia với tại gia, ngài muốn cho mỗi người đều đắc quả Phật, nhập huệ Phật, nên ngài dạy ai nấy đều hành Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên và Lục độ. Như vậy để thành Phật và hưởng Niết-bàn trọn vẹn, đời đời. Vì ngài cho rằng mỗi người, xuất gia hay tại gia, đàn ông hay đàn bà, đều sẽ thành Phật và đắc Niết-bàn, chẳng trừ ai hết.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 8 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Đại Bát Niết-bàn - Tập 2


Chớ quên mình là nước


Vào thiền


Kinh Duy-ma-cật (Hán-Việt)

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.93.183 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...