Nếu kiên trì, bạn sẽ thành công;
và bạn sẽ tìm được niềm vui
khi vượt qua được các chướng ngại.
Hellen Keller
Bên trong những yếu đuối và khiếm khuyết mà ta nhận thức được có ẩn chứa chiếc chìa khóa để nhận biết sức mạnh thực sự của chúng ta. Bằng cách đối mặt với các cảm xúc phiền não và những vấn đề bất ổn xảy ra trong đời sống, chúng ta khám phá một kinh nghiệm sảng khoái lan rộng cả bên ngoài lẫn bên trong. Nếu như trước đây tôi không đối mặt với sự khủng hoảng và bất an đã bám theo tôi trong suốt thời thơ ấu, hẳn tôi đã không thể ở vào địa vị như ngày nay. Hẳn tôi sẽ không bao giờ có được sự can đảm hay sức mạnh để bước lên máy bay, đi vòng quanh thế giới, và ngồi trước một cử tọa toàn những người lạ mặt để trao truyền vốn trí tuệ mà tôi đã học được, không chỉ qua kinh nghiệm bản thân tôi, mà còn là qua kinh nghiệm của những bậc đại sư chân chính, những người dẫn dắt và là những bậc thầy của tôi.
Tất cả chúng ta đều là Phật. Nhưng chúng ta lại không nhận biết điều đó. Về nhiều phương diện, chúng ta bị khép chặt trong một cái nhìn hạn hẹp về chính mình và về thế giới chung quanh, được tạo ra qua những điều kiện văn hóa xã hội, giáo dục nuôi dưỡng trong gia đình, kinh nghiệm cá nhân và khuynh hướng sinh lý cơ bản, vốn luôn hình thành những phân biệt và đo lường kinh nghiệm hiện tại cũng như hy vọng, sợ hãi trong tương lai, dựa trên kho tàng ký ức được lưu trữ trong các tế bào thần kinh.
Một khi bạn tự mình phát nguyện sẽ nuôi dưỡng một sự tỉnh giác nhận biết về tánh Phật của mình, chắc chắn bạn sẽ bắt đầu nhận thấy những thay đổi trong kinh nghiệm hằng ngày. Những việc trước đây thường gây phiền muộn sẽ mất dần khả năng làm bạn rối rắm. Bạn sẽ có một trực giác bén nhạy, khôn ngoan hơn, sống thanh thản hơn và chân thành, cởi mở hơn. Bạn sẽ bắt đầu nhận biết các chướng ngại như là những cơ hội để bạn tu tập tăng tiến hơn. Rồi khi ảo giác về sự giới hạn và dễ thương tổn của bạn dần dần mất đi, bạn sẽ khám phá từ sâu thẳm trong nội tâm mình sự vĩ đại thực sự của tự thể: Bạn là ai và là gì?
Và tuyệt vời nhất là, khi bạn bắt đầu thấy được tiềm năng của chính mình, bạn cũng sẽ bắt đầu nhận thấy tiềm năng ấy ở tất cả mọi người quanh bạn. Tánh Phật không phải là một phẩm tính đặc biệt chỉ dành riêng cho một số ít người được ưu tiên. Dấu hiệu chân thật của việc nhận biết tánh Phật nơi mình là nhận ra rằng tánh Phật ấy thực sự bình thường như thế nào - đó là khả năng nhận biết tất cả chúng sinh đều có tánh Phật, cho dù không phải ai cũng nhận biết được tánh Phật nơi chính họ. Vì thế, thay vì khép kín lòng mình trước những người quát tháo bạn hay có hành vi nào đó khác hơn gây hại cho bạn, bạn sẽ thấy mình trở nên cởi mở hơn. Bạn nhận biết rằng họ không phải là những kẻ điên khùng, mà cũng là những con người giống như bạn, luôn mong muốn được hạnh phúc và an bình. Họ xử sự như những kẻ điên khùng vì họ chưa nhận biết được bản thể chân thật của họ và đang bị chế ngự bởi những cảm giác yếu đuối và sợ hãi.
Bạn có thể bắt đầu tu tập với ước nguyện đơn giản là để hoàn thiện chính mình, để làm tất cả mọi việc một cách tỉnh thức hơn và để rộng mở cõi lòng với người khác một cách sâu sắc hơn. Động cơ thúc đẩy là yếu tố riêng lẻ quan trọng nhất quyết định kinh nghiệm của bạn là an lành hay đau khổ. Trí tuệ và từ bi thật ra luôn phát triển song hành. Càng có sự chú tâm và quán chiếu sâu xa sự việc, bạn sẽ càng thấy dễ khởi tâm bi mẫn. Và càng rộng mở tâm hồn với mọi người, bạn sẽ càng sáng suốt hơn và duy trì được sự chú tâm nhiều hơn trong tất cả những việc bạn làm.
Bất cứ khi nào bạn cũng có thể chọn lựa, hoặc là theo đuổi chuỗi tư tưởng, cảm xúc và cảm giác vốn củng cố nhận thức về bản thân mình như là yếu đuối và giới hạn, hoặc là luôn ghi nhớ rằng bản thể chân thật của mình vốn là thanh tịnh, không do tạo tác và không thể bị tổn hại. Bạn có thể tiếp tục chìm trong giấc ngủ vô minh hoặc nhớ lại rằng bạn vẫn đang và vốn thường tỉnh giác. Dù chọn cách nào thì bạn cũng đang hiển bày bản chất vô hạn của tự tánh chân thật. Vô minh, yếu đuối, sợ hãi, sân hận và tham muốn đều là những biểu hiện từ tiềm năng vô hạn của tánh Phật. Không có gì vốn sẵn mang tính chất đúng sai trong những chọn lựa như thế. Kết quả tu tập theo Phật giáo chỉ đơn giản là để nhận biết được rằng những phiền não nói trên hay khác nữa cũng đều chỉ là những chọn lựa sẵn có với ta không hơn không kém, bởi vì bản chất chân thật của ta vốn có phạm trù vô hạn.
Chúng ta chạy theo vô minh vì chúng ta có khả năng đó. Chúng ta sống tỉnh giác cũng vì chúng ta có khả năng đó. Luân hồi và Niết-bàn chỉ là những cách nhìn khác nhau dựa trên sự chọn lựa của ta về cách thức quan sát và nhận hiểu kinh nghiệm của mình. Niết-bàn không có gì huyền bí và luân hồi cũng không có chi xấu xa hay sai trái. Nếu bạn cứ khăng khăng tự nghĩ về mình như là hạn hẹp kém cỏi, sợ sệt, dễ tổn thương, hay bị khủng hoảng bởi kinh nghiệm quá khứ, hãy biết rằng đó chỉ là do sự chọn lựa của bạn. Cơ hội để bạn trải nghiệm khác hơn về chính mình vẫn luôn luôn sẵn có.
Về cơ bản, con đường tu tập theo đạo Phật đưa đến một chọn lựa giữa sự quen thuộc và thực tiễn. Việc duy trì những mô thức quen thuộc trong tư tưởng và hành vi chắc chắn là cho ta một cảm giác thoải mái và ổn định nào đó. Việc bước ra khỏi phạm vi thoải mái và quen thuộc ấy tất yếu đòi hỏi ta phải chuyển vào một phạm trù kinh nghiệm xa lạ, có thể là mang dáng vẻ thực sự đáng khiếp sợ, một phạm trù khó chịu nửa vời như tôi đã trải nghiệm trong lúc nhập thất. Bạn không biết là nên quay về với những [kinh nghiệm] quen thuộc nhưng đáng sợ, hay là nên tiếp tục dấn bước tiến lên về phía những [kinh nghiệm] có vẻ như đáng sợ chỉ vì chúng không quen thuộc.
Trong một ý nghĩa nào đó, sự phân vân không xác quyết khi đứng trước chọn lựa thừa nhận tiềm năng trọn vẹn của mình rất tương tự với những gì mà nhiều đệ tử của tôi đã kể lại về sự chấm dứt một cuộc tình đau đớn: có một cái gì bất đắc dĩ, một cảm giác thất bại đi kèm theo sự chia tay ấy.
Khác biệt chính giữa việc cắt đứt một cuộc tình đau đớn với việc bước vào con đường tu tập theo Phật giáo là khi bước vào tu tập, bạn đang chấm dứt một cuộc tình đau đớn với chính bản thân mình. Khi bạn thừa nhận tiềm năng chân thật của mình, bạn dần dần thấy mình giảm bớt việc thường xuyên hạ thấp chính mình, quan niệm về chính mình trở nên tích cực và lành mạnh hơn, sự tự tin và niềm vui sống sẽ tăng thêm. Đồng thời bạn sẽ bắt đầu nhận ra rằng mọi người xung quanh bạn đều có cùng một tiềm năng ấy, dù họ có biết điều đó hay không. Thay vì ứng xử với họ như những mối đe dọa hay những đối thủ, bạn sẽ thấy mình có khả năng nhận biết và cảm thông với những nỗi sợ hãi, khổ đau của họ. Bạn sẽ tự nhiên ứng xử với họ theo cách chú trọng vào những giải pháp cho các vấn đề bất ổn chứ không phải là tự thân các bất ổn đó.
Xét cho cùng, trí tuệ sáng suốt hoan hỷ trở thành một chọn lựa giữa sự không thoải mái khi trở nên tỉnh giác nhận biết về những phiền não của mình với sự không thoải mái khi bị phiền não chi phối, sai sử. Tôi không thể nói chắc với bạn rằng việc đơn thuần trụ tâm trong sự tỉnh giác nhận biết những tư tưởng, cảm giác và cảm thọ, đồng thời nhận biết chúng như là sự hỗ tương tạo tác của chính thân tâm bạn, bao giờ cũng là một kinh nghiệm dễ chịu. Trong thực tế, tôi lại có thể bảo đảm khá chắc chắn rằng sự quán chiếu bản thân theo cách này có đôi khi sẽ là một kinh nghiệm cực kỳ khó chịu.
Nhưng điều đó cũng đúng khi ta bắt đầu bất kỳ một kinh nghiệm mới nào, dầu đó là đi tập thể thao, bắt đầu một việc làm mới hay bắt đầu theo một chế độ ăn kiêng. Những tháng đầu tiên bao giờ cũng khó khăn. Việc học hết tất cả các kỹ năng cần thiết để thành thạo một công việc không phải dễ dàng; động viên chính mình đi tập thể thao không phải là dễ dàng; tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh mỗi ngày không phải là dễ dàng. Nhưng sau một thời gian, những khó khăn sẽ giảm bớt, bạn sẽ bắt đầu có cảm giác vui thích hay thành tựu, và toàn bộ nhận thức của bạn về chính mình sẽ bắt đầu thay đổi.
Sự tu tập thiền quán cũng vận hành giống như thế. Trong những ngày đầu tiên, bạn có thể cảm thấy rất tốt, nhưng sau khoảng một tuần, sự tu tập trở thành một thử thách. Bạn không thể sắp xếp được thời gian, tư thế ngồi thiền không thoải mái, bạn không thể tập trung, hay chỉ là bạn cảm thấy mệt mỏi... Bạn đã chạm phải một bức tường, giống như những vận động viên điền kinh cũng gặp phải khi họ cố chạy thêm nửa dặm nhiều hơn mức tập luyện thông thường. Cơ thể lên tiếng: “Mình không thể chạy nữa”, nhưng tâm trí lại bảo “Mình nên chạy thêm”... Cả hai tiếng nói đều không dễ chịu cho lắm; trong thực tế, cả hai lựa chọn như thế đều khó đáp ứng.
Phật giáo thường được gọi là “trung đạo”, vì cho ta sự chọn lựa thứ ba. Nếu bạn thực sự không thể chú tâm vào một âm thanh hay một ngọn nến thêm một giây nào nữa, thì dù thế nào cũng phải dừng lại ngay. Nếu không, thiền tập sẽ trở thành một món nợ đời. Cuối cùng rồi bạn sẽ nghĩ rằng: “Khổ chưa, đã 7 giờ 15 rồi! Ta phải ngồi xuống để vun trồng sự tỉnh giác!” Chưa ai đã từng tiến bộ theo cách đó.
Mặt khác, nếu bạn nghĩ là mình có thể tiếp tục thêm một, hai phút nữa, tất nhiên là hãy tiếp tục. Bạn có thể ngạc nhiên bởi những gì mình học được. Bạn có thể khám phá một tư tưởng hay cảm giác nào đó ẩn sau sự chống kháng mà bạn không muốn thừa nhận. Hay bạn có thể đơn giản biết được rằng bạn thực sự có khả năng an trụ tâm lâu hơn bạn vẫn tưởng. Chỉ riêng khám phá này thôi đã có thể giúp bạn tự tin hơn rất nhiều.
Nhưng điều kỳ diệu nhất là bất kể bạn tu tập được bao lâu hay áp dụng phương pháp nào, mọi pháp môn thiền tập của Phật giáo cuối cùng đều làm sinh khởi tâm từ bi. Mỗi khi quán sát tâm thức, bạn không thể nào không nhận biết sự tương đồng giữa bạn với những người khác xung quanh. Khi bạn cảm nhận khát vọng hạnh phúc của chính mình, bạn không thể không thấy biết cùng một khát vọng ấy nơi người khác, và khi bạn quán sát rõ ràng sự sợ hãi, sân hận hay ác cảm nơi chính mình, chắc chắn bạn sẽ thấy rằng mọi người xung quanh bạn cũng đều cảm thấy cùng một sự sợ hãi, sân hận và ác cảm như thế.
Đó là trí tuệ - không phải trong ý nghĩa kiến thức sách vở, mà là trong sự tỉnh giác của trái tim, trong sự nhận biết về mối tương quan kết nối giữa ta với mọi người khác, và trong lộ trình tiến đến an vui.