Trước hết, cần khai thị cho thần thức trong lúc thấy hào quang của chân
tâm ngay trước khi chết. Được khai thị như thế, phần lớn những người
bình thường đã từng nghe pháp nhưng chưa chứng ngộ, hoặc ít tu tập, đều
thể nhập và an trú trong chân tâm, đạt được cõi vô sanh vô tử.
a. Thời gian khai thị
Hơi thở vừa ngưng, trí Bát-nhã thể nhập, thần thức sẽ thấy một luồng hào
quang rực rỡ. Nếu trí Bát-nhã rời bỏ thần thức, thần thức sẽ rơi vào
giai đoạn thân trung ấm, vì vậy cần tụng luận này trước khi trí Bát-nhã
rời bỏ thần thức. Thông thường, từ lúc tắt hơi tới lúc bộ tuần hoàn
ngưng hoạt động hẳn, kéo dài bằng khoảng thời gian một bữa ăn.
b. Phương pháp khai thị
Chủ lễ tốt nhất là thầy của người chết, nếu không cũng nên là bạn đồng
môn, hoặc bạn hữu cùng một kiến giải. Nếu không được như thế, chủ lễ cần
là người có thể tụng luận này rõ ràng, nhiều lần, nhắc nhở lại những gì
đã nghe từ thầy, bạn. Như thế thần thức sẽ thể nhập vào hào quang của
chân tâm. Không còn nghi ngờ gì nữa.
Trước khi tắt hơi thở, cần làm cho thần thức thấy rõ tính vô thường của
vạn pháp, bằng cách nói những lời sau đây:
“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), đây là lúc mà ngươi đi tìm
một con đường mới. Khi hơi thở vừa tắt, ngươi sẽ thấy một luồng hào
quang rực rỡ, chính là điều mà ngươi đã từng học biết. Đây chính là chân
tâm thường tịch, vắng lặng, trống rỗng như không gian, là thức vô biên
xứ. Hãy nhận ra điều này và lưu trú trong chánh niệm đó, ta khai thị cho
ngươi.”
Câu khai thị trên được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong lúc người chết
chưa tắt hơi. Khi hơi thở sắp dứt, nên lật xác nằm nghiêng bên mặt theo
thế nằm như sư tử ngủ, và bấm mạnh các mạch máu cho tới lúc mạch chấm
dứt lưu thông. Làm như thế khí Bát-nhã đã nhập vào khí lực của người
chết sẽ lưu lại thêm một thời gian và sau đó chỉ thoát ra ngoài bằng
đỉnh đầu.
Trong giai đoạn này, thần thức trông thấy hào quang của pháp thân thường
trụ sáng rực rỡ. Đối với người sống thì chỉ thấy người chết đang mê man
bất tỉnh vì khí Bát-nhã càng lúc càng giảm. Đó là giai đoạn giữa lúc tắt
thở và hệ tuần hoàn ngưng hoạt động. Giai đoạn này dài ngắn không đều,
tùy thuộc năng lực tâm linh và trình độ chứng đạo của người chết. Nó đặc
biệt kéo dài đối với những người đã tu tập thiền định hết sức bén nhạy.
Đối với những người này, cần khai thị bằng cách tụng đọc nhiều lần cho
đến khi một thứ khí màu vàng nhạt tuôn ra thất khiếu.
[14]
Đối với người có nhiều ác nghiệp, giai đoạn này rất ngắn ngủi, chỉ như
búng ngón tay. Đối với người thông thường thì sẽ kéo dài khoảng bằng
thời gian một bữa ăn. Đối với những người tu tập Mật tông và thiền định
bậc cao như Sutra, Tantra thì giai đoạn này có thể kéo dài đến bốn ngày
rưỡi. Chủ lễ cần tiếp tục khai thị để giúp thần thức thể nhập vào chân
tâm.
Nếu người sắp chết đã từng tụng đọc luận này, chủ lễ chỉ cần nhắc lại.
Nếu không, chủ lễ cần chỉ rõ tiến trình của cái chết như sau:
“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), đây là dấu hiệu của đất
đang hoại diệt trong nước, nước đang hoại diệt trong lửa, lửa đang hoại
diệt trong gió, gió đang hoại diệt trong thức... Này thiện nam (hoặc tín
nữ, nói rõ tên... ), đừng để tâm thức lưu lạc.”
Nói câu này vào bên tai người sắp chết. Rồi đọc tiếp như sau:
“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), cái gọi là sự chết đã tới,
ngươi cần tự nhủ như thế này: ‘Thời điểm tử vong của ta đã tới, nhưng
cái chết có thể giúp ta đạt được tâm thức giác ngộ. Trong tinh thần từ
bi hỉ xả, ta sẽ đạt được giác ngộ, cứu độ mọi chúng sanh. Trong ước
nguyện cứu độ chúng sanh, ta sẽ thể nhập chân tâm, đạt được tri kiến của
Phật. Nếu không thể nhập được bây giờ, ta cũng sẽ thể nhập cõi Tịnh độ
trong thân trung ấm, tất cả đều là vì chúng sanh trong vô lượng thế
giới.’ Nhất tâm chánh niệm trong tư tưởng đó, ngươi cần nhớ lại pháp môn
thiền quán đã từng tu tập.”
Vị chủ lễ cần đọc rõ tên người sắp chết, nhắc nhở tập trung vào thiền
định, không để buông lỏng một phút nào. Rồi khi hơi thở vừa tắt, vị chủ
lễ ấn mạnh vào các huyệt đạo. Nếu người chết là một vị thượng căn, chủ
lễ nói:
“Thưa ngài, pháp thân đang bắt đầu chiếu sáng, xin ngài hãy thể nhập vào
và lưu trú trong đó”.
Đối với những người bình thường, vị chủ lễ khai thị như sau:
“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), giờ đây pháp thân đang
chiếu sáng rực rỡ trước mắt ngươi, hãy nhận biết rõ. Giờ đây thức của
ngươi đang trở về bản tánh chân như, rỗng không vắng lặng, vô ngã, vô
tướng, không màu sắc, không âm thanh. Nhưng tâm thức này không phải là
sự rỗng không của cái không. Nó tự tại, diệu dụng, biến hóa không cùng.
Hai mặt này của chân như chính là từ bi và trí huệ, thể của nó là không.
Nó chính là pháp thân bất hoại. Sắc và Không không rời nhau, trong dạng
hào quang rực rỡ, vô sanh vô tử. Đó cũng là Phật tính. Hãy nhận rõ điều
này. Đó là điều quan trọng duy nhất. Nếu ngươi nhận rõ tâm thức tịch
tịnh của ngươi bây giờ chính là tâm Phật, thì ngươi đã thê nhập cõi
Phật, cõi Tịnh độ.”
Chủ lễ cần nhắc lại ba lần hoặc bảy lần đoạn văn trên. Thần thức sẽ nhớ
lại những gì đã tu học, đồng thời nhận ra rằng tâm thức của mình chính
là luồng hào quang đang chiếu sáng rực kia, và nhận ra rằng mình với
pháp thân là một không khác. Thần thức sẽ giác ngộ.
Có những trường hợp thần thức nhận ra ánh sáng của pháp thân không phải
ngay trong lần đầu mà là lần thứ hai, thời gian có kéo dài hơn đôi chút.
Nhưng nghiệp lực nặng nề có thể làm cho thần thức không thể nhập được.
Khi khí Bát-nhã bắt đầu rời bỏ khí lực của người chết, khi thì bên trái,
khi thì bên mặt, tâm thức người chết lại như thức dậy. Như trên đã nói,
giai đoạn từ lúc tắt hơi tới lúc này dài ngắn không đều, thông thường là
như thời gian một bữa ăn. Thần thức thức dậy, phân vân không rõ mình đã
chết hay chưa, và nhìn thấy rõ bà con quyến thuộc đang buồn rầu khóc
lóc.
Trong giai đoạn này, khi nghiệp lực chưa gây tác dụng và ma vương chưa
ám ảnh, chủ lễ cần tiếp tục khai thị. Tùy theo trình độ tu tập của người
chết, nếu trước đây vốn không quen nương vào vị Phật hay Bồ Tát nào thì
chủ lễ gọi tên ba lần rồi nhắc lại câu khai thị như trên. Nếu người chết
trước đây thường hay quán tưởng đến một vị Phật hay Bồ Tát nào đó thì
chủ lễ nhắc nhở như sau:
“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy nhất tâm quán tưởng
đến đức Phật... (hoặc Bồ Tát, nêu rõ danh xưng của vị ấy, chẳng hạn như
Phật A-di-đà, Bồ Tát Quán Thế Âm... ). Hãy hình dung ngài đang xuất
hiện, không có thực thể, như bóng trăng trong nước, đừng hình dung ngài
có sắc thể.”
Với đa số những người bình thường, có thể khai thị như sau:
“Hãy quán tưởng đức Đại từ Đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát.”
Với cách khai thị này, nếu trong giai đoạn trước không thể nhập được
pháp thân, thì giờ đây thần thức có thể nhận rõ ràng được cõi Phật và
thể nhập vào.
Nhưng cũng có những người chưa từng tu tập thiền quán, hoặc đã từng có
chánh kiến về pháp môn Tịnh độ, nhưng trước khi chết lại bị rơi vào
những ý tưởng sai lầm, vì thế phải chịu đọa sanh nơi ác đạo.
Đối với thần thức, tốt nhất là giác ngộ chân tâm, thể nhập pháp thân
ngay sau khi ánh sáng đầu tiên xuất hiện. Không được như thế, thì nếu
thần thức thấu hiểu được ánh sáng pháp thân khi xuất hiện lần thứ hai,
thần thức cũng được giải thoát. Như đã nói, trong lần này tâm thức bắt
đầu tỉnh dậy và tự hỏi mình còn sống hay đã chết. Nếu ở giai đoạn này,
thần thức ngộ được pháp thân thì giác ngộ được chân tâm, sẽ không bị
nghiệp lực xoay chuyển. Như ánh sáng xóa tan đêm tối, nghiệp lực sẽ bị
ánh sáng pháp thân xóa sạch, thần thức liễu ngộ. Ánh sáng pháp thân xuất
hiện lần thứ hai chính là xuất phát từ thức sáng suốt rỗng rang vô ngại.
Thần thức vào lúc đó có khả năng nghe biết như lúc còn sống. Nếu lời
khai thị có kết quả, vô minh của nghiệp lực không còn, thần thức sẽ có
đủ thần thông để tùy ý biến hiện khắp nơi.
Phương thức này có thể giúp thần thức liễu ngộ trong giai đoạn xuất hiện
lần thứ hai của chân tâm. Tuy nhiên, nếu đến đây vẫn không giác ngộ,
thần thức sẽ rơi vào thân trung ấm, có thể xem là giai đoạn thứ ba của
tiến trình sau khi chết.