Yêu thương và từ bi là thiết yếu chứ không phải những điều xa xỉ. Không có những phẩm tính này thì nhân loại không thể nào tồn tại. (Love and compassion are necessities, not luxuries. Without them humanity cannot survive.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hãy nhớ rằng hạnh phúc nhất không phải là những người có được nhiều hơn, mà chính là những người cho đi nhiều hơn. (Remember that the happiest people are not those getting more, but those giving more.)H. Jackson Brown, Jr.
Khi gặp phải thảm họa trong đời sống, ta có thể phản ứng theo hai cách. Hoặc là thất vọng và rơi vào thói xấu tự hủy hoại mình, hoặc vận dụng thách thức đó để tìm ra sức mạnh nội tại của mình. Nhờ vào những lời Phật dạy, tôi đã có thể chọn theo cách thứ hai. (When we meet real tragedy in life, we can react in two ways - either by losing hope and falling into self-destructive habits, or by using the challenge to find our inner strength. Thanks to the teachings of Buddha, I have been able to take this second way.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Sự giúp đỡ tốt nhất bạn có thể mang đến cho người khác là nâng đỡ tinh thần của họ. (The best kind of help you can give another person is to uplift their spirit.)Rubyanne
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Đừng than khóc khi sự việc kết thúc, hãy mỉm cười vì sự việc đã xảy ra. (Don’t cry because it’s over, smile because it happened. )Dr. Seuss
Bạn có biết là những người thành đạt hơn bạn vẫn đang cố gắng nhiều hơn cả bạn?Sưu tầm
Thành công là khi bạn đứng dậy nhiều hơn số lần vấp ngã. (Success is falling nine times and getting up ten.)Jon Bon Jovi
Khi tự tin vào chính mình, chúng ta có được bí quyết đầu tiên của sự thành công. (When we believe in ourselves we have the first secret of success. )Norman Vincent Peale

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Năng lực chữa lành của tâm »» 7. NHỮNG NĂNG LỰC CHỮA LÀNH - - »»

Năng lực chữa lành của tâm
»» 7. NHỮNG NĂNG LỰC CHỮA LÀNH - -

Donate

(Lượt xem: 7.458)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Năng lực chữa lành của tâm - 7. NHỮNG NĂNG LỰC CHỮA LÀNH -  -

Font chữ:

NGUỒN NĂNG LỰC

Với hầu hết việc thiền định chữa bệnh, điều rất quan trọng là dựa vào một sự ban phước hay năng lực từ “nguồn năng lực” như một trợ giúp trong iệc chuyển hóa đau khổ.

Nguồn sức mạnh là một công cụ – một phương tiện thiện xảo – có thể khơi dậy năng lực và trí huệ bên trong chúng ta để chữa bệnh. Một Phật tử có thể dùng hình tượng, sự hiện diện và năng lực ban phước của một vị thiêng liêng như đức Phật. Những người khác có thể dựa vào bất cứ thị kiến nào về Thượng Đế hay hình ảnh thiêng liêng theo sự tin tưởng của họ. Nguồn của sức mạnh có thể là bất cứ hình tướng tích cực, thiên nhiên, tinh túy, năng lực nào – mặt trời, mặt trăng, hư không, nước, sông ngòi, đại dương, không khí, lửa, cây cối, bông hoa, người, thú vật, ánh sáng, âm thanh, mùi vị – bất cứ khía cạnh nào của năng lực mà người ta có thể tìm thấy cảm ứng và sự chữa lành.

Ví dụ, người ta có thể quán tưởng trong bầu trời một quả cầu ánh sáng trong sáng, thanh tịnh, chiếu sáng và tưởng tượng nó là tinh túy thanh tịnh của vũ trụ và là hiện thân của tất cả những năng lực chữa lành.

Nói chung, hình tướng của những bậc tâm linh (như Đức Phật, Đức Mẹ Đồng Trinh ban ơn, Thánh Krishna, hay Đức Chúa Giêsu) hiệu quả hơn những hình tướng thông thường. Vì những hình tướng đó biểu hiện và hiện thân sự an vui tối hậu của chân lý vũ trụ. Tuy nhiên, nguồn sức mạnh tốt nhất cho bạn là cái bạn cảm thấy thích hợp nhất: bất cứ hình ảnh quán tưởng nào hoặc sự hiện diện gây cảm ứng ấm áp, an bình và năng lực tích cực.

Sau khi xác định một nguồn sức mạnh, điều quan trọng là để nhiều ngày suy nghĩ về nguồn sức mạnh và thiết lập một mối liên kết với năng lực của nó, trước khi chúng ta bắt đầu tu tập thiền định này. Về sau, khi thực hành những bài tập chữa bệnh thực tế (được diễn giải ở phần hai cuốn sách), chúng ta có thể làm mới lại sự liên kết với năng lực của nó bằng quán tưởng, kinh nghiệm và có sự tin tưởng sâu xa vào nó.

Nếu việc quán tưởng một nguồn sức mạnh đặc biệt lại gây ra sự gò bó, chật hẹp và căng thẳng, thì cho dù đó là đối tượng thiêng liêng thật sự, chúng ta vẫn đang nhìn nó trong cách sai lầm, với một tâm thức bám chấp đặt nền tảng trên nhầm lẫn và chấp ngã, và điều đó sẽ không giúp chúng ta xoa dịu vấn đề.

Mặt khác, khi chúng ta cảm thấy điều gì đó đúng cho mình, ta có thể thay đổi, tùy theo nhu cầu và sự lớn mạnh tâm linh, tình cảm của chúng ta.

Khi chúng ta nối kết với nguồn sức mạnh, chúng ta cần cảm thấy và nắm giữ sự bình an và năng lực mà nó tạo ra cho ta. Với thái độ đúng, bất cứ một đối tượng nào cũng có thể trở thành mạnh mẽ phi thường. Ngài Paltrul Rinpoche kể câu chuyện sau:

Một người đàn bà với lòng sùng tín lớn lao dặn con trai mình (thường xuyên đi Ấn Độ lo công việc buôn bán) đem về cho bà một vật thiêng liêng từ Ấn Độ – xứ sở của đức Phật. Người con đã quên đi, cho đến khi về gần tới nhà. Anh ta bèn lấy một cái răng từ xác con chó, gói lại trong túi lụa thêu kim tuyến, rồi đưa cho mẹ và bảo: “Mẹ ơi! con mang cho Mẹ chiếc răng của đức Phật mà Mẹ tôn kính đây!” Từ đó đến cuối đời, người Mẹ thờ phụng chiếc răng với tất cả lòng tin và tôn sùng như thể đó là răng của đức Phật. Những biểu hiện kỳ diệu xuất hiện từ chiếc răng, và đến lúc người Mẹ chết, ánh sáng cầu vồng bao quanh cơ thể của Bà như một biểu hiện của sự chứng đắc tâm linh cao.

Một số người có thể nghĩ rằng họ quá “khôn ngoan” nên không thể dựa vào một hình ảnh để giúp đỡ họ. Họ thấy rằng bất cứ hình ảnh hay quán tưởng nào cũng chỉ là một sự “giả tạo”, là một vật bên ngoài. Nhưng trái lại, việc sử dụng hình ảnh tưởng tượng giúp chúng ta rút ra được sức mạnh tiềm tàng mà chúng ta vốn đang sẵn có. Cái mà chúng ta chọn như là hình tướng hay hình ảnh của nguồn sức mạnh không mấy quan trọng, vì nó thực sự là trí huệ vốn có bên trong chính ta mà ta đang tiếp xúc. Vấn đề là ở chỗ ta tin tưởng và mở rộng ra với trí huệ đó, như là một sự tôn vinh thật tánh của vũ trụ.

Trong việc trau giồi nguồn sức mạnh, chúng ta phải nới lỏng những thái độ chật hẹp, cứng rắn và những cảm nhận tạo nhiều khó khăn cho chúng ta, và phát triển một tâm tích cực mở rộng với sự chữa lành.

Nếu nguồn sức mạnh đem đến một cảm giác ấm áp, an bình và sức mạnh cho ta khi quán tưởng về nó, chúng ta biến nó thành của ta. Giờ đây ta có thể vận dụng sức mạnh đó để chữa lành những khó khăn tình cảm, tâm thức và tâm linh của chúng ta, và phát triển sức mạnh của tâm.


ÁNH SÁNG NHƯ LÀ MỘT PHƯƠNG TIỆN CHỮA BỆNH

Thêm vào sự thiền định về một nguồn sức mạnh, chúng ta cũng có thể sử dụng trí tưởng tượng của chúng ta để quán tưởng những biểu hiện của đất, nước, gió, lửa, hư không hay ánh sáng như một cách đem lại những ban phước và những năng lực chữa bệnh. Ví dụ, chúng ta có thể thấy và cảm nhận năng lực của đất làm vững chắc và làm mạnh mẽ. Không khí có thể loại bỏ, tẩy rửa và tạo cảm ứng. Lửa có thể làm ấm áp, nồng nhiệt, chuyển hóa, tinh lọc và truyền sức mạnh. Nếu một vấn đề đặc biệt đòi hỏi phải được làm nguội đi những cảm xúc, chúng ta có thể quán tưởng sức mạnh của nước làm êm dịu và tịnh hóa.

Về tất cả sức mạnh của những yếu tố trên, ánh sáng là phương tiện đầy sức sống nhất, được sử dụng trong kinh điển đạo Phật để chữa bệnh và tiếp nhận những ban phước.

Tất cả chúng ta đều biết theo trực giác ánh sáng là lực tích cực, và dựa trên một mức độ thực nghiệm, chúng ta có thể thấy ánh sáng quan trọng trong thiên nhiên và quanh ta biết bao. Ánh sáng làm ngũ cốc và thực vật phát triển trên trái đất. Chúng ta có thể thấy lá cây trồng trong nhà hướng theo ánh sáng để nhận sự nuôi dưỡng. Ngay cả với những người không tôn giáo, một ngày nắng đẹp cũng làm họ cảm thấy như một sự ban phước, và những người làm việc văn phòng hạnh phúc hơn khi được ngồi gần cửa sổ, ở đó họ có thể nhận biết ánh sáng ban ngày và sự rộng mở bên ngoài.

Theo tính chất tâm linh, ánh sáng là trung tâm của nhiều truyền thống, việc hành lễ tại những buổi hội và lễ kỷ niệm khác với những ngọn nến, ngọn đèn trang trí hay lửa thiêng. Ánh sáng được nối kết với thiêng liêng trong một số niềm tin. Ví dụ, trong Chí Tôn ca (Bhagavad Gita) của Ấn Độ giáo, Đấng Chí Tôn hiển lộ như một hiện hữu tràn ngập ánh sáng rực rỡ. Và trong Tân Ước, Đức Jesus Christ công bố: “Ta là ánh sáng của thế giới.”

Trong quan điểm Phật giáo, ánh sáng được hiểu theo hai cấp độ, tương đối và tuyệt đối. Chúng ta có thể thấy những dạng của ánh sáng tương đối trong thế giới tự nhiên, cảm nhận sự ấm áp, quan sát và đo lường ánh sáng bằng những dụng cụ. Vượt lên ánh sáng tương đối là ánh sáng tuyệt đối hay Phật quang của nhất thể và rỗng rang. Chúng ta có thể thu thập một số hiểu biết về ánh sáng tuyệt đối từ những câu chuyện kể của người có kinh nghiệm cận tử về sự hòa nhập và trở thành một với ánh sáng rực rỡ, không còn cảm giác bản ngã bị tách biệt với sự an vui của ánh sáng phi thường này. Mặc dù chúng ta cố gắng mô tả chúng, ánh sáng tuyệt đối vượt qua giới hạn không gian, thời gian, đo lường hay khái niệm. Nó không tách biệt với tâm giác ngộ và sự rộng mở toàn bộ.

Theo những giáo lý mật truyền của phái Nyingma trong Phật giáo Tây Tạng, toàn bộ thiên nhiên là một biểu lộ của ánh sáng tuyệt đối. Tuy nhiên, vì sự chấp ngã và những tri giác nhị nguyên của chúng ta làm khởi lên từ sự bám chấp này – ý niệm về một cái “tôi” tách biệt khỏi chung quanh, về “chủ thể” khác biệt với “đối tượng” – mà thiên nhiên xuất hiện trước chúng ta như là cứng chắc và tách biệt. Trích dẫn trong Chuỗi Tràng Hạt Vàng (gSer Phreng), một luận thư Tantric cổ, Ngài Kunkhyen Longchenpa mô tả thần bí về năm “ánh sáng thuần khiết” của trí huệ chư Phật trong sự xuất hiện giữa thế gian của chúng:

Do bám chấp vào cái ngã,

Của ánh sáng xanh, trắng, vàng, đỏ và lục,

Mà chúng xuất hiện như năm nguyên tố thô (năm đại)

Hư không, nước, đất, lửa, và gió.

Mặc dù những lời dạy ấy về ánh sáng có thể khiến Phật tử quan tâm, bất cứ ai tập trung chính vào sự chữa bệnh hằng ngày của tâm không cần thiết phải lưu tâm nhiều đến chúng. Điểm cần hiểu là ánh sáng có thể là nguồn chữa bệnh và hoan hỷ vĩ đại mà người ta thực hành trong thiền quán để làm dịu đi những vấn đề của họ.

Trong những bài tập chữa bệnh rút từ giáo lý đạo Phật, bất cứ hình ảnh ánh sáng gì sống động và gây cảm hứng mà ta có thể quán tưởng đều có ích, ngay cả nếu chúng ta tri giác ánh sáng như là tương đối hơn là tuyệt đối. Vì trong đa số khái niệm của mọi người, ánh sáng thiên về rộng mở và phát triển, thiền quán về ánh sáng có thể làm buông lỏng sự chấp ngã và đem đến cho chúng ta cảm nhận an bình và rỗng rang.

QUÁN TƯỞNG ÁNH SÁNG

Luôn luôn khi chúng ta mời gọi ánh sáng hay bất cứ những phương tiện chữa bệnh nào khác, chúng ta cần phải quán tưởng một hình ảnh hay sự hiện diện, để cảm nhận những phẩm tính tích cực tốt đẹp của nó, và tin vào năng lực chữa lành của nó. Khi bạn thực hành, bạn có thể thấy rằng khả năng thiền định về ánh sáng sẽ sâu thẳm và mạnh mẽ thêm.

Bạn có thể thấy ích lợi khi cách quán tưởng ánh sáng rớt xuống như mưa trên bạn, tràn ngập và chiếu sáng thân, tâm bạn với sự nồng ấm chữa lành của nó, đem lại sự rộng mở và thơ thới cho bất cứ cái gì nó xúc chạm. Hay bạn có thể quán tưởng ánh sáng đến từ nguồn sức mạnh của mình. Có thể ánh sáng có hình dạng những tia sáng màu sắc cầu vồng. Hãy cảm nhận rằng nó hoàn toàn tràn ngập trong tâm và thân, đem lại hỷ lạc, an bình, và sự khỏe mạnh, làm ấm áp và chữa lành những phần cơ thể có vấn đề trong chốc lát, hoặc hòa tan chúng trong ánh sáng và an bình. Mỗi một phần trong cơ thể của bạn, xuống đến tận những tế bào cuối cùng, đều tràn ngập ánh sáng một cách không cố gắng. Bấy giờ hãy cảm nhận thân mình được chuyển hóa thành một thân ánh sáng, hay có thể là ánh sáng ngọn lửa rực rỡ ấm áp nếu hình ảnh này giúp được cho bạn.

Thỉnh thoảng, bạn cảm thấy cần sự an toàn và bảo vệ về mặt tình cảm. Bấy giờ bạn có thể quán tưởng ánh sáng như một hào quang hay cái lều bọc quanh thân bạn, hay ánh sáng giống như một hình vỏ trứng che chở. Những quán tưởng như vậy làm bạn thoải mái và rộng mở, thậm chí được bảo vệ. Nếu cảm thấy bị bó buộc hay bao bọc, hoặc tách biệt, bị cô lập với thế giới và người khác, hãy cố gắng mở rộng sự thiền định này hoặc buông lỏng hay làm một điều gì khác.

Thiền quán về ánh sáng có thể dùng để chữa lành những khó khăn đặc biệt, hoặc có thể giúp chúng ta cảm thấy rỗng rang và rộng thoáng hơn. Khi thiền quán về ánh sáng, chúng ta có thể quán tưởng ánh sáng phát triển vượt ngoài thân và chiếu ra ngoài không dứt. Chúng ta có thể thấy toàn thể thế giới xúc động, tràn ngập và được chuyển hóa thành ánh sáng thuần khiết và an bình. Nếu thiền quán về ánh sáng theo một cách thực sự rộng mở, chúng ta nhận ra rằng ánh sáng là vô tận, không có những ranh giới, giới hạn của thời gian, không gian.

Tùy theo nhu cầu, ta có thể thấy ánh sáng chữa bệnh trong nhiều hình thức khác nhau. Nếu bạn có một cảm xúc khó khăn gắn chặt vào một vùng đặc biệt như ngực hay cổ họng, bạn có thể đặt tay lên đó với sự quan tâm chăm sóc chữa bệnh. Chỉ bằng sự tiếp xúc nhẹ nhàng, xoa bóp hoặc chà xát những vùng đó khi bạn thở, bạn có thể xoa dịu những khó khăn. Thêm nữa, có thể quán tưởng ánh sáng chữa bệnh với nhiều màu sắc từ bàn tay của mình. Một nhà thần bí Thiên Chúa giáo đương thời, Omraam Mikhặl Avanhov, có lời khuyên:

“Khi bạn đang khổ đau lớn lao, hãy cầu xin ánh sáng giúp đỡ bạn. Hãy quán tưởng rằng từ những ngón tay của mình phát ra những tia sáng đủ màu và hướng những ánh sáng đó đến những vùng bị đau. Bạn sẽ sớm cảm thấy dần dần giảm bớt đau đớn.”

Với một số người, thiền quán về ánh sáng tạo ra quá nhiều cảm giác bay bổng hoặc trôi bềnh bồng. Nếu điều này xảy đến, hãy trở lại bằng cách quán tưởng rằng mặc dù ánh sáng chữa lành là thuần khiết, trong sáng và phổ quát, bản chất bất động, bất biến của nó làm cho nó có sức nặng.

ĐÁNH THỨC NĂNG LỰC CHỮA LÀNH

Tất cả chúng ta sở hữu năng lực vật chất và tâm linh mãnh liệt hơn nhiều so với ta nhận thức. Chúng ta có thể đánh thức sinh lực này để sử dụng trong thiền định và cuộc sống hằng ngày. Xét đến cùng thì năng lực và ánh sáng là như nhau. Để hưng vận đời sống của chúng ta, tinh thần và thể xác, ta có thể làm bùng cháy và lớn mạnh năng lực, ánh sáng và trí huệ vốn sẵn có.

Như là một thực tập đánh thức sức mạnh này, hãy thiền định về thân thể bạn như một nguồn năng lực vĩ đại. Hãy ngồi chỗ thích hợp và ấm áp, với mắt nhắm hay mở phân nửa. Thở tự nhiên và bình lặng. Từ từ quán tưởng thân thể mình như một sự vật kỳ diệu, tuyệt vời, với da, xương, cơ bắp, thần kinh, những cơ quan khác và hàng tỷ tế bào đủ loại cần thiết cho phép lạ của đời sống.

Nếu muốn, bạn có thể tưởng tượng tất cả những điều này với sự chính xác hơn của khoa học, dù rằng một cách tiếp cận như vậy là không cần thiết. Với sức mạnh chữa bệnh của thiền quán, điều then chốt là sử dụng bất cứ sự tưởng tượng nào có thể giúp bạn cảm nhận và tin tưởng rằng thân thể mình là một nơi chốn tích cực của sự phục hồi và năng lực bao la.

Lúc bắt đầu, việc quán tưởng về một tế bào trong cơ thể thật sự có lợi ích, đi vào trong tế bào đó, thấy và cảm nhận sức sống tuyệt diệu của nó. Hãy hình dung sự bao la của nó. Nó có thể lớn như toàn bộ vũ trụ.

Bạn phải thấy lợi lạc khi đem một số những phẩm tính của các nguyên tố đất, nước, gió, lửa vào sự tham thiền này – như sự phì nhiêu hay sức mạnh của đất, hay sự trong sạch, tẩy tịnh của không khí. Bạn cũng có thể thưởng thức sự phong phú và vẻ đẹp của một tế bào này bằng cách hình dung âm nhạc hay một âm thanh an bình khác, hoặc bằng sự tiếp xúc với tế bào và cảm nhận nó một cách sống động hay rung động với sức mạnh.

Sau khi dành thời gian cho một, hai hoặc ba tế bào này, bạn hãy dần dần mở rộng sự thiền định để cảm nhận sự mênh mông của thân, sức mạnh và khả năng chữa bệnh đáng ngạc nhiên của nó. Hãy cảm nhận bạn đang ở một nơi đẹp đẽ, kỳ diệu và phong phú vô tận.

Bấy giờ, trở lại và nhìn một hay vài tế bào rực rỡ và sáng sủa với ánh sáng. Hãy ghi nhận ánh sáng an bình, tuyệt diệu này, có thể thêm bằng cách tưởng tượng âm nhạc hay âm thanh vinh hiển. Hãy mở rộng sự thiền định của bạn bao gồm toàn thân bạn đang tỏa sáng rực rỡ với sức khỏe và sự ấm áp.

Sau đó, hình dung và cảm nhận rằng bất cứ sự tối tăm, lạnh giá, đau đớn, buồn phiền, căng thẳng hay sự mất hài hòa của thân, tâm đều sẽ được chữa lành bởi ánh sáng rực rỡ ấm áp này, bởi những cảm nhận của sự an bình, của những âm thanh. Tất cả mọi tế bào đều sinh động trong một sự tiếp thông với nồng ấm và hỷ lạc, giống như hàng tỷ tia sáng mặt trời tràn đầy thân thể bạn. Hãy trở lại với cảm giác này nhiều lần, an trú và sưởi ấm trong nó.

Cuối cùng bạn có thể tưởng tượng ánh sáng và năng lực chiếu ra từ cơ thể bạn, giống như ánh sáng của lửa trại trong đêm tối. Bạn phải hình dung những tia sáng phát ra từ thân thể trong một vòng hào quang bảo vệ của năng lực chữa bệnh. Sau đó năng lực chữa bệnh phát triển rộng ra tiếp xúc với những người khác hay những nơi chốn khác, tràn ngập chúng trong ánh sáng và an bình. Dần dần, nếu bạn là một thiền giả có kinh nghiệm, năng lực này có thể mở rộng ra toàn thể vũ trụ.

Dù bạn thiền định cách nào đi nữa, hãy kết thúc bằng sự buông lỏng và hòa nhập làm một với những cảm nhận của mình.

Một bài tập khác để đánh thức năng lực chữa bệnh là quán tưởng chính bạn là bổn tôn, như đức Phật hay một đấng thiêng liêng nào khác. Hãy quán tưởng bổn tôn trong bạn và kêu gọi trí huệ hiện đến trong hình thức năng lượng và sức mạnh.

ÁNH SÁNG CHỮA BỆNH VÀ NĂNG LƯỢNG TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY

Chúng ta có thể biểu hiện một sự tỉnh giác về ánh sáng và năng lượng trong từng phần đời sống chúng ta. Sự tỉnh giác này có thể chuyển cuộc sống bình thường thành một chu kỳ chữa lành.

Một sự thực hành tốt cho bất cứ ai, không kể khí chất hay kỹ năng trong thiền định, là thưởng thức ánh sáng của thiên nhiên – ánh sáng mặt trời, sự chuyển đổi tinh tế của ánh sáng trong ngày và những mùa khác nhau trong năm, những buổi hoàng hôn đẹp đẽ, ánh sáng của trăng sao, ánh sáng dịu của một ngày nhiều mây.

Chúng ta cũng có thể trau giồi một tỉnh giác về ánh sáng thuần khiết tuyệt đối trong thế giới hằng ngày, ít nhất là trên ý niệm. Khi chúng ta sống trong cuộc sống quen thuộc hằng ngày, bất cứ sự tỉnh giác nào về ánh sáng của vũ trụ có thể giúp chúng ta lòng tự tin và sức mạnh.

Vì thế, khi bạn ngồi đừng ngồi như một cục đá. Hãy ngồi trong sự thoải mái nhưng linh hoạt, với một cảm nhận thưởng thức ánh sáng và năng lượng, giống như bạn là một ngọn nến tỏa sáng.

Khi bạn suy nghĩ, đừng nghĩ với một tâm hỗn độn, tranh chấp hay thù ghét. Hãy biết rằng ánh sáng của tâm có thể khơi gợi sự trong sáng rỗng rang và thanh bình.

Khi bạn nói, hãy nói với một giọng không thô bạo cũng không yếu đuối. Giống như ánh sáng và năng lượng, giọng nói bạn phải mạnh mẽ, rõ ràng và êm dịu.

Khi bạn đi, đừng đi như một con rối bằng xương bằng thịt bị lôi kéo theo nhiều hướng bởi những sợi dây của đam mê hay dục vọng. Nếu bạn cảm nhận sự hiện diện của ánh sáng chữa bệnh và năng lượng, bạn có thể đi với cách thưởng thức chúng. Thay vì chỉ đi chậm chạp và nặng nề, nhưng qua tỉnh giác về ánh sáng, bạn có thể cung cấp năng lực và sự duyên dáng cho những cử động của bạn. Hãy thưởng thức cảm giác trải rộng của một người đang sống và mở rộng thân thể trong một tư thế thoải mái, ngay ngắn.

Khi bạn tiếp xúc với đồ vật, không nên tiếp xúc như người máy cầm nắm dụng cụ. Hãy đưa tay tới như thể năng lực chữa lành từ bàn tay bạn phát ra, tiếp xúc với đồ vật mà đồ vật đó tự nó là một nguồn ánh sáng.

Ánh sáng không chỉ ở trong ta mà ở mọi nơi quanh ta. Mặc dù ánh sáng tuyệt đối của nhất thể vượt khỏi khái niệm hay hình ảnh, chúng ta có thể cảm nhận hay hình dung ánh sáng dưới dạng tương đối của nó có thể thấy được một cách tinh tế trong không khí và môi trường quanh ta hằng ngày. Mọi cử chỉ và tư tưởng của bạn có thể hòa hợp với một thế giới của ánh sáng. Ngay cả một động tác của ngón tay bạn cũng có thể là sự phô bày, hưởng thụ và tán thưởng của ánh sáng và năng lượng.

Cũng như với sự thiền định về ánh sáng, tỉnh giác về ánh sáng trong cuộc sống hằng ngày đôi khi có thể trở thành một dạng cảm giác trôi nổi hay khó chịu. Lúc đó bạn có thể quán tưởng ánh sáng trong thân bạn, hay chỉ ở đôi chân, ánh sáng trĩu nặng. Hãy cảm nhận thân thể bạn nặng vừa đủ để không bị trôi bềnh bồng và chân bạn tiếp xúc vững chãi với nền đất chắc chắn.

Chúng ta phải nhận biết bài tập đặc biệt nào thích hợp với nhân cách và những khả năng của chính mình. Một số người trong chúng ta có thể khó khăn trong việc tiếp xúc với những cảm giác thật sự của mình, và chúng ta có thể không sẵn sàng cho việc thực hành trong đời sống hằng ngày. Nếu bạn cảm nhận sự gò bó và khép kín, đó là bạn đang thực hành sai phương thức này. Nếu cảm thấy bị choáng váng hay tâm trạng thất thường, hãy chuyển sang một thực hành bình thản hơn, hay đơn giản là có thể làm một việc gì khác.

Các thiền sinh thường hỏi tôi là những bài tập chữa bệnh này có “đúng cho họ không” hoặc họ đang làm “đúng cách” không. Bao giờ chúng ta cũng phải làm điều gì khiến ta cảm thấy thoải mái và rộng mở, đó là sự hướng dẫn chung nhất.

Tỉnh giác với ánh sáng là một cách khơi dậy năng lực chữa lành. Cũng có nhiều phương pháp khác. Những hoạt động thân thể là cách đem lại quân bình lớn cho cuộc sống và khơi dậy năng lực trong ta. Đi bộ, tập Hatha Yoga hay những bài tập khác, khiêu vũ, ca hát – tất cả những điều đó đều là tôn vinh đời sống và đem lại sức khỏe.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 20 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Hương lúa chùa quê - Phần 1: Hồi ký của Hòa thượng Thích Bảo Lạc


Chuyện Vãng Sanh - Tập 3


Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa


Rộng mở tâm hồn

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.119.141.115 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (169 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - ... ...