Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
CHƯƠNG VII
NĂM TÔNG PHÁI THIỀN
Tăng hỏi: Ngài Đạt Ma từ Ấn sang “chỉ thẳng nhứt tâm”. Do đâu từ đời Lục Tổ về sau lại chia làm năm phái? Mỗi nhà riêng lập môn đình và bày ra những tướng lạ sai khác nhau?
ĐÁP: Như vàng làm ra đồ vật, mỗi vật đều là vàng. Giống như lủa chia các đèn, nhưng mỗi đèn đều là lửa. Tuy cành sung lá thanh nhưng mà rễ nó vốn một thể. nếu mắt trí rỗng sáng thì tự nhiên rõ pháp không hai.
1- TÔNG LÂM TẾ
HỎI: Chủ trương Tông Lâm Tế như thế nào?
ĐÁP:
Lâm Tế gia phong
Bạch niêm thủ đoạn
Thí như sơn băng
Cơ tợ điện quyện
Xích thủ sát nhơn
Độc chưởng truy mạng
Bổng hát giao tri
Chiếu dụng tề hành
Tân chủ lịch nhiên
Nhơn cảnh tung đoạt
Nhứt thiết sai biệt danh tướng
Bất ly hướng thượng nhứt trứ.
DỊCH:
Thói nhà Lâm Tế
Nắm rõ thủ đoạn
Thí như núi lở
Cơ như điện chớp
Tay không giết người
Tay độc tìm mạng
Gậy, hét lẫn dùng
Chiếu dụng đều hành
Chủ khách rõ ràng
Người cảnh đều đẹp
Tất cả danh tướng sai khác
Không lìa một lối hướng thượng.
HỎI: Thế nào là tám loại gậy? (bát bổng)
ĐÁP: Gậy thưởng, gậy phạt, gậy tung, gậy đoạt, gậy ngu si, gậy hàng ma, gậy tảo tích, gậy vô tình.
HỎI: Thế nào là gậy thưởng?
ĐÁP: Khi người học hỏi một câu, lời rất thân thiết và khế hợp với Đaọ, Sư liền đánh, gọi là gậy thưởng.
HỎI: Thế nào là gậy phạt?
ĐÁP: Khi người học cùng thầy hỏi đáp, tuỳ ý nói loản, xúc phạm người, Sư liền đánh, gọi là gậy phạt.
HỎI: Thế nào là gậy tung?
ĐÁP: Người học được “một biết nửa hiểu” nói một câu, có một chút tương ưng. Sư liền đánh, gọi là gậy tung.
HỎI: Thế nào là gậy đoạt?
ĐÁP: Người học bị “Tạp độc nhập tâm”, nói câu hợp đầu (có vẻ phù hợp), cho là đắc ý. Sư liền đánh, gọi là gậy đoạt.
HỎI: Thế nào là gậy ngu si?
ĐÁP: Người học chủ khách không phân, tà chánh không rõ, mở miệng nói bướng. Sư liền đánh gọi là gậy ngu si.
HỎI: Thế nào là gậy hàng ma?
ĐÁP: Người học nhận cảnh giới ma, nói lời ma quỷ điên cuồng cho là chứng đạo. Sư liền đánh mạnh, gọi là gậy hàng ma.
HỎI: Thế nào là gậy tảo tích? (quét dấu vết)
ĐÁP: Người học chẳng rơi vào phàm tình mà kẹt vào Thánh giải, chẳng lìa hang ổ. Sư liền đánh gọi là gậy tảo tích.
HỎI: Thế nào là gậy vô tình?
ĐÁP: Nói phải cũng đánh, nói chẳng phải cũng đánh, mở miệng cũng đánh, không mở miệng cũng đánh, tất cả đều chẳng còn, gọi là gậy vô tình.
HỎI: Dưới gậy chuyển thân được đạo lý gì?
ĐÁP: Bữa ngay đầu một gậy toàn thân rơi thoát, ý thức tan tành, chơn thường bày bộ một mình. Hàng lợi cơ thì chuyển thân, kẻ căn độn thì điểm trán. Vừa trải qua sự suy nghĩ liền thành một loạt ma mị.
HỎI: Thế nào là bốn loại hét? (tứ hát)
ĐÁP: Một hét như bảo kiếm vua Kim Cang. Một hét như Sư tử ngồi. Một hét như cây sào dò bóng cỏ. Một hét mà không có công dụng của hét.
HỎI: Thế nào là bảo kiếm vua Kim Cang?
ĐÁP: Hay chém ý thức, tình phàm thánh đều hết, lẽ chơn thường riêng chiếu.
HỎI: Thế nào là Sư tử ngồi?
ĐÁP: Hai kiến chấp đoạn thường cùng tất cả tham lậu. Ngồi rống một tiếng làm cho ngói bể băng tiêu.
HỎI: Thế nào là cây sào dò bóng cỏ?
ĐÁP: Như gương chiếu hình tượng đẹp xấu, chơn ngụy, tự nhiên bày mặt thật.
HỎI: Thế nào là không công dụng của tiếng hét?
ĐÁP: Ý thức vừa khởi động, một tiếng hét làm cho tan nát. Chuyển tìm lại tiếng hét, tiếng hét cũng chẳng dùng.
HỎI: Dưới tiếng hét lãnh ngộ, được ý chỉ gì?
ĐÁP: Ra oai một tiếng chẳng có chẳng không, khởi vốn không khởi, rơi vốn không rơi, hội được như vậy, gượng gọi là chánh giác.
HỎI: Thế nào là bốn loại chiếu dụng?
ĐÁP: Một, trước chiếu sau dụng. Hai, trước dụng sau chiếu. Ba, chiếu dụng đồng thời. Bốn, chiếu dụng chẳng đồng thời.
HỎI: Thế nào là trước chiếu sau dụng?
ĐÁP: Trong tự chứng phần dùng trí ứng vật, dùng trí huệ phân biệt tà chánh. Trước bảo: “Nói mua!” đợi suy nghĩ liền hét.
HỎI: Thế nào là trước dụng sau chiếu?
ĐÁP: Trong tự chứng phần. Trước dùng huệ phân biệt, sau dùng trí dứt hết. Trước dựng một ngón tay. Lại hỏi: Hội không?
HỎI: Thế nào là chiếu dụng đồng thời?
ĐÁP: Trong tự chứng phần, trí chẳng lìa huệ, huệ chẳng lìa trí. Đánh cho một gậy hỏi: Lại biết đau nhức chăng?
HỎI: Thế nào là chiếu dụng chẳng đồng?
ĐÁP: Trong tự chứng phần, trí là trí giám, huệ là huệ dụng. Sự yên lặng giây lâu. Tăng suy nghĩ, Sư bèn về phương trượng.
HỎI: Thế nào là bốn loại chủ khách?
ĐÁP: Một là khách trong khách. Hai là chủ trong khách. Ba là khách trong chủ. Bốn là chủ trong chủ.
HỎI: Thế nào là khách trong khách?
ĐÁP: Hướng vào sự, trái lại với lý, tự mê muội bản chơn.
HỎI: Thế nào là chủ trong khách?
ĐÁP: Sự chẳng lìa lý, nhiệm vận toàn chơn.
HỎI: Thế nào là khách trong chủ?
ĐÁP: Lý hay thành sự, chẳng rơi vào thiên không.
HỎI: Thế nào là chủ trong chủ?
ĐÁP: Lý hay thành sự, chẳng rơi vào thiên không.
HỎI: Thế nào là chủ trong chủ?
ĐÁP: Bỏ sự hướng lý, chỉ nhắm vào bổn chơn.
HỎI: Thế nào là chủ khách gặp nhau, phân biệt chánh tà?
ĐÁP: Thầy cùng người học, thêm một lớp khóa vàng. Người học khen thiện gọi là “khách xem khách”. Nếu làm thầy người mắt mình chẳng trong, bị người hiểu khinh lờn, gọi là “khách xem chủ”, mắt thầy trong sáng hay cướp món ăn của người đói, cùng nhổ gốc bệnh cho người, gọi là “chủ xem khách”. Thầy nghiệm xét người, người học bám cảnh chủ bày vẽ, mà khách bất động, gọi là “chủ xem chủ”.
HỎI: Thế nào là bốn liệu giảng?
ĐÁP: Một là đoạt nhơn chẳng đoạt cảnh. Hai là đoạt cảnh chẳng đoạt nhơn. Ba là nhơn cảnh đoạt cả hai. Bốn là nhơn cảnh đều chẳng đoạt.
HỎI: Thế nào là đoạt nhơn chẳng đoạt cảnh?
ĐÁP: Chỉ tự tâm mình không (rỗng) ngại gì ngoại cảnh? Kẻ hạ căn bực hạ đến, đoạt pháp chẳng đoạt cảnh.
HỎI: Thế nào là đoạt cảnh chẳng đoạt nhơn?
ĐÁP: Chẳng trụ vào cảnh bên ngoài, chỉ tâm chiếu soi một mình. Kẻ hạ căn bậc trung đến, đoạt cảnh chẳng đoạt pháp.
HỎI: Thế nào là nhơn cảnh đoạt cả hai?
ĐÁP: Tâm và cảnh đều không (rỗng), thì vọng từ đâu mà có? Hàng trung căn bực thượng đến, cảnh, pháp, nhơn đều đoạt.
HỎI: Thế nào là nhơn cảnh đều chẳng đoạt?
ĐÁP: Tâm tự trụ tâm, cảnh tự trụ cảnh. Hàng thượng căn bậc thượng đến, cảnh pháp đều chẳng đoạt.
HỎI: Thế nào câu thứ nhứt tiến được kham cùng Phật, Tổ làm Thầy?
ĐÁP: Một niệm chẳng sanh, muôn duyên đều không lặng.
HỎI: Thế nào là câu thứ hai tiến được kham cùng người trời làm thầy?
ĐÁP: Một niệm do duyên mà khởi lên, chẳng tiếp tục hai niệm.
HỎI: Thế nào là câu thứ ba tiến được tự cứu chẳng xong?
ĐÁP: Niệm phân biệt vừa sanh khởi, tánh tròn sáng tự mờ.
HỎI: Thế nào là đệ nhứt huyền?
ĐÁP: Bản tánh không lặng.
HỎI: Thế nào là đệ nhị huyền?
ĐÁP: Chơn trí lặng lẽ mà chiếu soi.
HỎI: Thế nào là đệ tam huyền?
ĐÁP: Diệu dụng không ngại.
HỎI: Thế nào là thể trung huyền, cú trung huyền, huyền trung huyền?
ĐÁP: Thể trung huyền là bản tánh không lặng. Cú trung huyền là trong lời mà không lời. Huyền trung huyền là vượt ngoài mọi suy nghĩ.
HỎI: Thế nào là đệ nhứt yếu?
ĐÁP: Chơn thể dứt tuyệt dấu vết.
HỎI: Thế nào là đệ nhị yếu?
ĐÁP: Dụng lớn khôn ngằn.
HỎI: Thế nào đệ tam yếu?
ĐÁP: Một bên cùng ở giữa đều chẳng lập.
HỎI: Thế nào là mười trí đồng chơn?
ĐÁP: Sư ra oai hét một tiếng, hỏi rằng: “đấy là trí thứ mấy”?
HỎI: Thế nào là đồng nhứt chất?
ĐÁP: Tất cả sum la vạn tượng do sự ấn định của một pháp.
HỎI: Hai, thế nào là đồng đại sự?
ĐÁP: Trong ánh sáng của tịch chiếu không thiếu cũng không thừa.
HỎI: Ba, thế nào là tổng đồng tham?
ĐÁP: Loài hữu tình, loài vô tình đều đồng một pháp giới.
HỎI: Bốn, thế nào là đồng chơn trí?
ĐÁP: Các pháp đều bình đẳng, vật và ngã đều nhất như.
HỎI: Năm, thế nào là đồng biến phổ?
ĐÁP: Lớn thì bao trùm pháp giới, nhỏ thì chẳng chứa mũi kim.
HỎI: Sáu, thế nào là đồng cụ túc?
ĐÁP: Trăm ngàn pháp môn chẳng lìa tấc vuông.
HỎI: Bảy, thế nào là đồng đắc thất?
ĐÁP: Nơi thánh chẳng được, ở phàm chẳng mất.
HỎI: Tám, thế nào là đồng sanh sát?
ĐÁP: Rải ra muôn vật đều phát sanh. Thu vào thì lấp cảnh bít hang.
HỎI: Chín, thế nào là đồng âm hẩu?
ĐÁP: Nói khéo hay nói dụng đều trở về đệ nhứt nghĩa.
HỎI: Mười, thế nào là đồng đắc nhập?
ĐÁP: Muôn pháp nhứt tâm, đồng trở về bất nhị, tiếp theo đó, ngài xè hai tay ra nói: “Một trí nầy cùng cái mâm kia bưng ra”.
HỎI: Thế nào là đệ nhứt quyết của Phần Dương?
ĐÁP: Tánh thể vốn lặng.
HỎI: Thế nào là đệ nhị quyết?
ĐÁP: Trí dụng riêng chiếu.
HỎI: Thế nào là đệ tam quyết?
ĐÁP: Tịch chiếu không hai.
HỎI: Thế nào là cửu đái của Phù Sơn?
ĐÁP: Đái là cột, bó lại, nghĩa là bao gồm.
HỎI: Thế nào là “Chánh pháp nhãn tạng đái”?
ĐÁP: Pháp hội Linh Sơn, Phật chưa nói một chữ, cuối cùng Phật đưa cành hoa, ngài Ca Diếp nhận gánh vác.
HỎI: Thế nào là “Phật pháp Tạng đái”?
ĐÁP: Ba Tạng giáo điển cùng năm Tông phái Thiền đều phát xuất từ nhứt tâm.
HỎI: Thế nào là lý quán đái?
ĐÁP: Không kiếp trở về trước, mượn gọi là chánh vị.
HỎI: Thế nào là lý quán đái?
ĐÁP: Không kiếp trở về trước, mượn gọi là chánh vị.
HỎI: Thế nào là “Sự quán đái”?
ĐÁP: Theo dòng đời được lẽ diệu, ứng với muônvật mà được toàn chơn.
HỎI: Thế nào là “Lý sự tung hoành đái”?
ĐÁP: Tùy duyên mà không hề biến đổi, chẳng biến đổi mà tùy duyên.
HỎI: Thế nào là “Khuất phục thùy đái”?
ĐÁP: Chẳng trụ vô vi, chẳng bỏ hết hữu vi. Đi trong phi Đạo, mà thông đạt Phật đạo.
HỎI: Thế nào là “Diệu hiệp kiêm đái”?
ĐÁP: Đại dụng hiện tiền, chẳng câu chấp nơi tiểu tiết, muôn sự muôn vật đều là diệu trí.
HỎI: Thế nào là “kim châm song tỏa đái”?
ĐÁP: Mở mang Phật sự mà chẳng nhờ tạo tác. Bàn tay tín đưa lại, chẳng ràng chẳng buộc.
HỎI: Thế nào là “Bình hoài thường nhật đái”?
ĐÁP: Không thành có thể cầu, không phàm có thể xả. Một tâm thản nhiên lặng lẽ tự hết. Dựng một ngón tay lên nói: “Một đái nầy xem mặt trình nhau”.
2- TÀO ĐỘNG TÔNG
HỎI: Chủ trương của Tông Đào Động như thế nào?
ĐÁP:
Tào Động gia phong
Đạo khu miên mật
Ứng cơ tiếp vật
Ngữ kỵ thập thành
Kim châm song tỏa
Ngọc tuyến ám xuyên
Chánh thiên hồi hỗ
Ngũ vị công huân
Nội ngoại thiệu đẳng
Tam chủng sấm lậu
Nhứt thiếu sai biệt
Bất ly bổn phận.
DỊCH:
Thói nhà Tào Động
Then đạo khít khao
Ứng cơ tiếp vận
Lời kiên mười thành
Kim vàng đều khóa
Chỉ ngọc thầm may
Chánh thiên hồi hỗ
Năm vị công huân
Trong ngoài tiếp nối
Ba loại sấm lậu
Hết thảy sai biệt
Chẳng lìa bổn phận.
HỎI: Thế nào là chánh trung thiên?
ĐÁP: Lý hay thành sự.
HỎI: Thế nào là thiên chung chánh?
ĐÁP: Sự chẳng lìa lý.
HỎI: Thế nào là chánh trung lai?
ĐÁP: Lý vốn không tịch.
HỎI: Thế nào là thiên trung chí?
ĐÁP: Sự, dụng không dấu vết.
HỎI: Thế nào là kim trung đáo?
ĐÁP: Sự lý đều mất.
HỎI: Năm vị công huân như thế nào?
ĐÁP: Năm vị công huân là: Hướng, phụng, công, cộng công, công công.
HỎI: Thế nào là Hướng?
ĐÁP: Hướng đến việc nầy, không cho gián đoạn.
HỎI: Thế nào là Phụng?
ĐÁP: Như kính bậc trưởng thượng, thừa sự phụng hành không lúc nào dừng.
HỎI: Thế nào là Công?
ĐÁP: Có dụng hay không dụng đều gọi là công huân cả.
HỎI: Thế nào là Cộng Công?
ĐÁP: Khi dụng thì không dụng, không dụng tức là dụng.
HỎI: Thế nào là Công Công?
ĐÁP: Đã không công dụng được đại giải thoát.
HỎI: Thế nào là chuyển công tựu vị?
ĐÁP: Dụng chẳng lìa thể.
HỎI: Thế nào là chuyển vị tựu công?
ĐÁP: Thể hay phát dụng.
HỎI: Thế nào là Công vị tề thi?
ĐÁP: Thể Dụng đều bày.
HỎI: Thế nào là Công vị câu ẩn ?
ĐÁP: Thể dụng đều mất.
HỎI: Thế nào là “Đản sanh Vương tử” ?
ĐÁP: Căn bổn đại trí vốn tự hiện thành.
HỎI: Thế nào là “Triêu sanh Vương tử” ?
ĐÁP: Không nhờ tu chứng, thế nào là về gốc?
HỎI: Thế nào là “Mạt sanh Vương tử” ?
ĐÁP: Có tu có chứng chẳng phạm công huân.
HỎI: Thế nào là “Hóa sanh Vương tử” ?
ĐÁP: Đại dụng hiện tiền ai dám đương đầu?
HỎI: Thế nào là “Nội sanh vương tử” ?
ĐÁP: Đạt bổn hoàn nguyên chơn như pháp giới.
HỎI: Thế nào gọi là ba thứ đọa?
ĐÁP: Một là mang lông đội sừng, gọi là loại đọa. Hai là chẳng đoạn thinh sắc, gọi là tùy đọa. Ba là chẳng thọ thực, gọi tôn quí đọa.
HỎI: Thế nào là mang lông đội sừng
ĐÁP: Chẳng mặc áo bổn lai, cần đi trong dị loại.
HỎI: Thế nào là chẳng đoạn thinh sắc?
ĐÁP: Sáu trần không chán, về đồng chánh giác.
HỎI: Thế nào là chẳng thọ thực?
ĐÁP: Lý còn chẳng giữ việc khác ra gì?
HỎI: Thế nào gọi là “ba loại sấm lậu” ?
ĐÁP: Một là kiến sấm lậu, hai là tình sấm lậu, ba là ngữ sấm lậu
HỎI: Thế nào là kiến sấm lậu?
ĐÁP: Không đổi chánh vị, rơi tại một sắc.
HỎI: Thế nào là tình sấm lậu?
ĐÁP: Mắc kẹt hai bên, sóng thức trôi đi.
HỎI: Thế nào là ngữ sấm lậu?
ĐÁP: Thể diuệu chẳng tròn, thốt ra lời ám muội.
HỎI: Thế nào là ba đường tiếp người?
ĐÁP: Điểu đạo, huyền lồ, triển thủ.
HỎI: Thế nào là điểu đạo (đường chim) ?
ĐÁP: Hư không, không vui không giận.
HỎI: Thế nào là huyền lộ?
ĐÁP: Chữ bát thiếu hai phết. (không chữ)
HỎI: Thế nào là triển thủ?
ĐÁP: Chữ nhứt hai đầu rũ. (thành chữ công)
HỎI: Thế nào là chánh vị nhứt sắc?
ĐÁP: Diệu thể vô hình.
HỎI: Thế nào là Đại công nhứt sắc?
ĐÁP: Dụng lớn không ngằn.
HỎI: Thế nào là trí công minh vị?
ĐÁP: Sóng vốn là nước.
HỎI: Thế nào là tá vị minh công?
ĐÁP: Nước hay dậy sóng.
HỎI: Thế nào là tá tá bất tá tá?
ĐÁP: Sóng và nước chẳng hai.
HỎI: Thế nào là toàn siêu bất tá tá?
ĐÁP: Sóng và nước đều trong lặng.
3- TÔNG VÂN MÔN
HỎI: Chủ trương của Tông Vân Môn như thế nào?
ĐÁP:
Vân Môn gia phong
Cô nguy tỉnh tuấn
Cách ngoại đề tê
Tiểu trừ tình kiến.
Tm cú quan kiện
Nhứt tự cơ phong
Bắc đẩu tàng thân
Kim phong thể lộ.
Trụ trượng bột khiêu
Phật tổ thoái hậu.
Trản tử thuyết pháp
Ma ngoại tìm hình
Nhứt thiết ngữ ngôn
Tổng qui hướng thượng.
DỊCH:
Thói nhà Vân Môn
Cô nguy cao vót
Nêu lên dáng ngoài
Cắt trừ tình kiến.
Ba câu khóa cửa
Một chử mũi nhọn
Bắc Đẩu ẩn thân
Gió vàng thể lộ.
Cầm trượng nhảy vọt
Phật Tổ lui sau.
Trản tử nói pháp
Ma ngoại ẩn hình
Hết thảy ngôn ngữ
Gồm về hướng thượng.
HỎI: Thế nào là câu “bao trùm càn khôn” (hàm cái càn khôn cú) ?
ĐÁP: Bao trùm thái hư, ngang suốt ba mé.
HỎI: Thế nào là câu “Cắt đứt các dòng” (tiệt đoạn chúng lưu cú) ?
ĐÁP: Một niệm chẳng sanh, muôn pháp tự dứt.
HỎI: Thế nào là câu “theo nước đuổi sóng” (tùy ba trục lãng cú) ?
ĐÁP: Theo dòng được diệu, ứng vật toàn chơn.
HỎI: Thế nào là nhứt tự quan (cửa một chữ) ?
ĐÁP: Vượt ngoài sự suy nghĩ, chẳng rơi vào hang ổ.
HỎI: Thế nào là Tông Đề Bà?
ĐÁP: Hiện bày trâu trắng, đông xúc tây chạm.
HỎI: Thế nào là suy mao kiếm?
ĐÁP: Muôn sự muôn vật, ngói bể băng tiêu.
HỎI: Ý Tổ, ý kinh là đồng hay khác?
ĐÁP: Chạm chẳng được mà trái chẳng xong.
HỎI: Thế nào là “Bắc đẩu lý tàng thân” ?
ĐÁP: Không dấu vết.
HỎI: Thế nào là “Thể lộ gió vàng” (thể lộ kim phong) ?
ĐÁP: Toàn thân hiện.
4- TÔNG QUI NGƯỠNG
HỎI: Chủ trương Tông Qui Ngưỡng thế nào?
ĐÁP:
Qui ngưỡng gia phong
Cơ dụng viên dung
Thết trung nghiệm nhơn
Cú năng hãm hổ.
Viên tướng sai biệt
Minh lai ám hợp
Cảnh xuất tam sanh
Lưỡng khẩu nhứt thiệt.
Phụ tử hòa xướng
Đạo truyền thiên cổ.
DỊCH:
Thói nhà Qui Ngưỡng
Cơ dụng viên dung
Trong thất nghiệm người
Câu hay hãm hổ.
Tướng tròn sai khác
Sáng đến hợp tối
Gương hiện ba sanh
Một lưỡi hai miệng.
Cha con đồng xướng
Đạo truyền thiên cổ.
HỎI: Thế nào gọi là ba loại sanh?
ĐÁP: Ba loại sanh là tưởng sanh, tướng sanh và lưu chú sanh.
HỎI: Thế nào là tưởng sanh?
ĐÁP: Ý thức bên trong.
HỎI: Thế nào là tướng sanh?
ĐÁP: TRần cảnh bên ngoài.
HỎI: Thế nào là lưu chú sanh?
ĐÁP: Không gián đoạ.
HỎI: Sao gọi là mật nghĩa của viên tướng (tướng tròn).
ĐÁP: Mật nghĩa của viên tướng có sáu loại: một là viên tướng, hai là ám cơ, ba là nghĩa hải, bốn là tự hải, năm là ý hải, sáu là mặc luận.
HỎI: Lấy già làm thể?
ĐÁP: Vẽ một hình tròn (O) đấy là thể
HỎI: Lấy gì làm dụng?
ĐÁP: Vẽ một hình tròn giữa có một đường thẳng từ trên xuống dưới, đấy là dụng.
HỎI: Lấy gì làm trí?
ĐÁP: Vẽ một hình tròn ở giữa có chữ sơn, đấy là trí.
HỎI: Trong tướng tròn viết chữ Ngưu, chữ Phật, chữ Nhơn, chữ Tư, chữ Thập,chữ Vạn, một điểm, một nét, bán nguyệt, khuyết nguyệt … chẳng nhứt định, đấy là ý chỉ gì?
ĐÁP: Đưa tay tiếp người, nêu rõ hay ngầm, chẳng lìa thể dụng, lý sự chủ khách, sanh sát, buông hay nắm, quyền thật, ẩn hiện, đồng dị, tổng biệt, ngầm ấn bản tâm. Đấy gọi là một nghĩa của Tam muội ẩn thân. Phải là người thật tỏ ngộ mới hiểu suốt được cơ nầy. Bọn môn đồ của nghĩa giải khó hiểu được liền.
HỎI: Thế nào là “mở mắt ngước nhìn” (bình phục mục ngưỡng thị)?
ĐÁP: Chạm chẳng được mà trái chẳng xong.
HỎI: Thế nào là một lưỡi hai miệng?
ĐÁP: Chẳng được có lời cũng chẳng được không lời.
HỎI: Thế nào là trước nhiên đăng (nhiên đăng tiền)?
ĐÁP: Thể tịch.
HỎI: Thế nào là chánh nhiên đăng?
ĐÁP: Tịch chiếu (lặng lẽ và chiếu soi).
5- TÔNG PHÁP NHÃN
HỎI: Chủ trương của Tông Pháp Nhãn thế nào?
ĐÁP:
Pháp Nhãn gia phong
Đối chứng thí dược
Thùy cơ tốc lợi
Tảo trừ tình giải.
Lục tướng nghĩa môn
Hội qui tánh địa
Vạn tượng chi trung
Toàn thân độc lộ.
Tam giới duy tâm
Vạn pháp duy thức
Trực siêu dị kiến
Viên dung chơn tế.
DỊCH:
Thói nhà Pháp Nhãn,
Đối bịnh cho thuốc
Phương tiện bén nhạy
Quét sạch tình giải.
Sáu tướng nghĩa môn
Gom về tánh địa
Ở trong muôn tượng
Toàn thân một đường.
Ba cõi duy tâm
Muôn pháp duy thức
Vượt thẳng dị kiến
Chan hòa chơn tế.
HỎI: Thế nào là sáu tướng nghĩa?
ĐÁP: Sáu tướng nghĩa là: Tổng, biệt, đồng, dị, thành, hoại.
HỎI: Thế nào là Tổng?
ĐÁP: Nhứt tâm chơn như gồm nhiếp các pháp.
HỎI: Thế nào là biệt?
ĐÁP: Tâm sanh các pháp, nhưng các pháp không phải một.
HỎI: Thế nào là đồng?
ĐÁP: Pháp do tâm sanh, tâm pháp không hai.
HỎI: Thế nào là dị?
ĐÁP: Pháp là pháp tướng, tâm là tâm lý.
HỎI: Thế nào là thành?
ĐÁP: Tâm sanh các pháp, pháp hay thành sự.
HỎI: Thế nào là hoại?
ĐÁP: Gom pháp về tâm, tâm không (rỗng) pháp mật.
HỎI: Tứ liệu giản của Thiều Quốc Sư như thế nào?
ĐÁP: Tứ liệu giản của Thiểu Quốc Sư là: Văn văn, văn bất văn, bất văn văn, bất văn bất văn.
HỎI: Thế nào là văn văn?
ĐÁP: Lặng lẽ (tịch) nhưng mà thường hay chiếu soi (chiếu).
HỎI: Thế nào là văn bất văn ?
ĐÁP: Chiếu soi nhưng mà thường lặng lẽ.
HỎI: Thế nào là bất văn văn?
ĐÁP: Tịch chiếu không hai.
HỎI: Thế nào là bất văn bất văn?
ĐÁP: Tịch chiếu đều mất.
Sư nói thâm: Giáo ngoại biệt truyền, Tông chỉ hướng thượng, quả như vậy ư? Nếu chỉ như thế có thể gọi là khẩu truyền, có gì kỳ đặc? Còn nếu chẳng như thế lại làm sao sanh? Hãy tham! CHƯƠNG VIII
MƯỜI LOẠI MA LÀM LOẠN CHÁNH ĐỊNH
Sư nói: Ngộ đạo tu thiền chẳng phải là việc nhỏ. Những loại ma trong, ma ngoài làm não loạn chánh định, một chút không chủ tể, liền tham trước cảnh ái, do cảnh kích động mà rơi vào lưới ma. Vốn là nhơn lành mà trở lại phải chuốc quả ác. Kẻ sơ học đời sau hãy cẩn thận và đề phòng vậy.
Tôi xin nêu ra mười điều đã biện biệt về nghĩa ma. Tự soi tự xét về thiên ma và tâm ma. Dùng huệ quán chiếu tiêu diệt ma nghiệp. Tâm cấu nếu tịnh các chướng tự nhiên dứt, sợ gì thiên ma nào dám loạn chánh? Nay đem mười loại ma và thuật rõ ràng ở sau: một là ma túc oan, hai là ma ngoại hoặc, ba là ma phiền não, bốn là ma sở tri, năm là ma tà kiến, sáu là ma vọng tưởng, bảy là ma khẩu nghiệp, tám là ma bịnh khổ, chín là ma hôn trầm, mười là thiên ma. Mười loại ma chướng nầy hay làm nhiễu loạn người tu hành chơn chánh. Người ngộ đạo nên thận trọng đó.
HỎI: Thế nào là ma túc oan?
ĐÁP: Ma túc oan gọi là nghiệp chướng. Từ những kiếp lâu xa cho đến đời nầy, sanh ra trong kiếp phàm phu, bất trung bất hiếu, bất nhơn bất nghĩa. Sát sanh trộm cắp, dâm dục, vọng ngữ, tham lam, giận dữ và si ái. Kết nhiều oan gia, ngày nay gặp gỡ, muốn học đạo lớn bị chúng xâm nhiễu chẳng an, hay làm chướng việc thánh, chẳng được thành tựu. Phải sanh tâm quý chí thành sám hối, tha thiết cầu tam bảo buông sức thần gia hộ. Tất cả những nghiệp từ trước tự tiêu tự diệt, tất cả oan gia tự lui hay tan mất, mau được vô lậu, chóng làm lợi khắp chúng sanh, mau được vô lậu, chóng chứng bồ đề. Người tham thiền phải tự sám hối đó.
HỎI: Thế nào là ma ngoại hoặc?
ĐÁP: Ma ngoại hoặc (làm ngoại hoậc bên ngoài), gọi là nhơn chướng. Kẻ tiểu nhơn không có căn lành, sang hèn chẳng đồng, làm não loạn định tâm chẳng được an ổn. Việc nầy không riêng một cớ nào, tất cả đều do thiếu quyền biến, hoặc kém lễ nghi, hoặc do tự cao, hoặc tự ngã mạn, hoặc nói thẳng, hoặc hạnh thô, hoặc nương thế lực, hoặc khoe tài, hoặc nói ác, hoặc khen mình,hoặc chê người, hoặc thiếu vẻ ôn hoà, hoặc không cung kính, hoặc độ lượng không rộng rãi, hoặc thiếu nhẫn nại. Cho nên chuốc cái chẳng tin mà hoặc loạn sự tu hành, sanh tâm động niệm, che lấp cái bản minh. Kẻ sĩ một đạo cần yếu phải thấp xuống mà lui về nuôi đức, mới khỏi được nhơn chướng. Kẻ hậu học đời sau phải khoan tâm và nhẫn nại đó.
HỎI: Thế nào gọi là ma phiền não?
ĐÁP: Ma phiền não là sự chướng. Sự chướng nếu chẳng trừ hay làm lộn xộn việc chánh tu. Thế nào là phiền ? Thế nào là não ?
Phiền thì đuổi theo ngoại cảnh, não thì sanh ở nội tâm. Người tu thiền nhứt định phải đoạn phiền não. Phiền não chẳng trừ sạch tánh định khó hiện. Thấy người nữ mà sanh tâm là dâm tâm phiền não. Thấy sự giết hại mà sanh tâm là ác tâm phiền não. Thấy tài lợi mà sanh tâm là đạo tâm (tâm trộm) phiền não. Thấy vật mà sanh tâm là tham tâm phiền não. Thấy người sanh khinh thường là ngã tướng phiền não. Thấy kẻ thấp sanh kiêu ngạo là tự đại phiền não. Thấy nghịch cảnh sanh sân là khuể tâm phiền não. Thấy thuận cảnh sanh vui là tùy hỷ phiền não. Thấy kẻ oán sanh tâm ghét là hận tâm phiền não. Thấy người thân sanh thương là tư tâm phiền não. Tất cả những cái thấy bên ngoài mà bên trong sanh thủ xả đều là phiền não, không thể nào mà nói ra cho hết được. Kẻ tham thiền nhất định phải trừ sự chướng. Sự chướng nếu chẳng không (rỗng) làm não loạn chánh định. Người học đời sau, tại sao chẳng đoạn nó ?
HỎI: Thế nào gọi là ma sở trị?
ĐÁP: Ma sở trị gọi là lý chướng, lý chướng nếu chẳng trừ hay làm loạn chánh định. Sở tri là thế nào mà lỗi như thế? Biết (tri) ta được ngộ, biết ta thông thiền, biết ta rõ giáo, biết ta hội lý, biết ta học nhiều, biết ta hiểu nhiều, biết ta trì giới nghiêm túc, biết ta được định, biết ta phát huệ, biết ta được thần thông, biết ta được lẽ mầu, biết ta chứng đạo, biết ta thành Phật, muôn ngàn điều biết (Sở tri) gọi đó là lý chướng. Lý chướng nếu chẳng trừ pháp chấp chẳng quên. Pháp chấp chẳng quên thì chơn tâm chẳng hiện. Người tu thiền định nhứt định phải dứt trừ lý chướng.
HỎI: Thế nào là ma tà kiến?
ĐÁP: Ma tà kiến là chấp chướng. Chấp chướng chẳng trừ ắt rơi vào định tà. Tà kiến như thế nào mà loạn chánh định như vậy? Chấp tánh chẳng hoại, gọi sự chấp ấy là hữu kiến (thấy có). Chấp tánh vốn không (rỗng) gọi sự chấp ấy là vô kiến (chấp không). Chấp vốn không chết gọi sự chấp ấy là thường kiến. Chấp theo khí mà diệt gọi sự chấp ấy là đoạn kiến. Chấp từ không sanh ra có là tự nhiên kiến. Chấp từ khí (hơi) hóa ra hình là tà nhơn kiến. Tự như chẳng có chẳng không, tức có tức không. Tất cả những tà chấp, tà kiến nhơn duyên tự nhiên… đều chẳng lìa không hữu, đoạn thường hai đầu. Tự chướng bốn lý đến rơi vào đường tẻ. Người tham thiền phải biết mà ngộ lẽ nầy.
HỎI: Thế nào là ma vọng tưởng?
ĐÁP: Ma vọng tưởng gọi là Tự chướng. Tự chướng chẳng không (rỗng), thì sanh diệt chẳng dừng, điên đảo tán loạn, che chướng bản tâm. Người tham thiền cần phải làm cho rỗng không cái chướng nầy. Nay nêu ra một hai điều để làm sáng tỏ cái vọng chướng, như: vọng tưởng ngộ đạo, vọng tưởng tu chứng, vọng tưởng đắc định, vọng tưởng phát huệ, vọng tưởng nhiều hiểu biết, vọng tưởng hay làm văn, vọng tưởng về danh đạt, vọng tưởng về sự cúng dường nhiều, vọng tưởng làm thầy, vọng tưởng chư tăng qui hướng, vọng tưởng tiếp nối tổ vị, vọng tưởng trụ một ngôi chùa, vọng tưởng hoằng đạo, vọng tưởng về tác phẩm lưu truyền, vọng tưởng về kẻ nối dòng, vọng tưởng về sự nhập tháp, vọng tưởng thần thông, vọng tưởng huyền diệu, vọng tưởng kỳ đặc, vọng tưởng quái lạ, vọng tưởng trường sanh, vọng tưởng hoàn đồng, vọng tưởng bay lên, vọng tưởng thành Phật,… các vọng chẳng không (rỗng), động niệm làm trái với lẽ nhơn. Người mới học mộ đạo dứt vọng làm gốc.
HỎI: Thế nào là ma khẩu nghiệp?
ĐÁP: Ma khẩu nghiệp gọi là cuồng chướng, nếu chẳng dè dặt lời nói mà buông ý lắm mồm, thì tán tâm loạn niệm chẳng được tịnh tâm. Khẩu nghiệp do đâu mà lỗi nó quá nhiều? Bởi ưa bàn huyền nói diệu, giảng giải (kinh), nói tông (thiền), tự khoe rằng đã được ngộ, chê kẻ khác ngu mê, luận về sở trường sở đoản của người, nói sự phải quấy của người.ngâm thi vịnh phú, mở miệng xướng càn, bình luận chuyện xưa nay, bàn chuyện đất nước hưng phế, xưa kia là người hiền kẻ ngu, nay là kẻ ác người thiện. Chẳng quan hệ đến việc ta mà rống lời tranh luận chuyện được mất của người. Vô cớ chê khen, nói những cảnh dục khiến người sanh yêu. Nói chuyện bất bình khiến người sanh giận. Chê sau lưng, khen trước mặt. Tất cả những lời nói lợi hại khiến người quên mất chánh niệm. Người tham thiền cần yếu phải gắng gìn giữ, chẳng những ít lời nuôi đức mà lại khiến tâm chẳng loạn. Kẻ sơ cơ tu hành cẩn thận và kiêng giữ việc nầy.
HỎI: Thế nào là ma bệnh khổ?
ĐÁP: Ma bệnh khổ gọi là khổ chướng. Thân nhiều tật bệnh đều do nghiệp đời trước, hoặc do mất sự điều hoà mà biến sanh trăm thứ bệnh, chẳng được thọ dụng, làm cho người học đạo có sự chướng ngại. Nay tôi nêu lên mấy điều phải tự đề phòng: Điều hoà tỳ vị, tiết chế và chọn thức ăn uống, ít đắm mùi vị nồng hậu, lại phải cữ vật sống và lạnh. Khi đói chớ đọc tụng, lúc no chớ gánh vác nặng. Sau khi ăn chớ ngủ, tối cữ ăn no, thích ăn đồ thối nát, ưa ăn đồ chiên đồ xào, thích ăn ngũ vị, dùng nhiều vật quấy. Toạ Thiền nơi đất ẩm, ngủ nơi chỗ gió, đang ra mồ hôi mà nhảy vào nước, thích ấm tham mát, đang lúc gió mà tắm rửa, nằm trần ngoài trời, đói quá no quá, vui quá giận quá, lạnh quá nóng quá, mưa lớn sương nhiều. Bịnh nội thương ngoại cảm, tất cả đều do mất sự điều hoà nên sanh những bệnh hoạn, làm cho thân chẳng được yên. Kẻ hậu học phải biết mà dự phòng và tránh bệnh.
HỎI: Thế nào là ma hôn trầm?
ĐÁP: Ma hôn trầm gọi là thuỳ chướng (chướng về ngủ). Thuỳ chướng chẳng luyện trừ, hôn trầm quá nặng, chơn tâm chẳng sáng, huệ tánh chẳng phát khởi, rơi vào chỗ mờ tối của núi đen và hang ma. Nguyên nhơn của bệnh hôn trầm kia như thế nào? Sự hôn chướng nầy phần lớn cho ăn nhiều, tham nhiều vị ngon, nói nhiều làm tán khí, hình lao tì yếu, tinh thần chẳng trong lặng, độc khí hỗn loạn, ngu si nhiều giận tức, lười biếng buông lung. Chẳng nhớ nghĩ việc sanh tử chỉ tham an lạc. Kẻ hậu học khi dụng công nên phát tinh tấn: mang dùi chích thịt, cho đầu chạm vào cây cột, lễ Phật đốt đèn, đứng nơi nguy hiểm, đi kinh hành, khổ thân mài luyện ma ngủ mới nhẹ, nếu chẳng như vậy mặc tình ngủ nghỉ, thì chơn tâm chẳng sáng. Người tham thiền nên dũng mãnh hàng phục ma ngủ.
HỎI: Thế nào là đại thiên ma?
ĐÁP: Đại thiên ma chẳng đồng với các chướng. Bởi do tu hành đúng đắn, sắp chứng đạo quả, tâm tinh thuần thông suốt, lặng yên chẳng động, làm kinh động thiên ma và cung điện của quỉ thần đều sụp đổ, cõi đất rung động, ma chúa kinh hãi, loài yêu quái ở cây, ở đá cũng hoảng sợ. Tất cả loài ma mị đều có ngũ thông đồng đến não loạn, chẳng cho người vào thánh vị. Chúng biến ra những điều quái lạ, hoá ra những cảnh dục để làm loạn thiền định của người tu. Người tu nếu tâm sanh ra thủ xả ma liền được tiện lợi, mà người tu thì thọ hại. Tự phát điên cuồng, cho là đã thành Phật. Còn sống thì bị hãm vào nạn vua, lúc chết đoạ vào vô gián ngục. Kẻ sĩ tham thiền chánh niệm rõ ràng, trí huệ chiếu sáng, một lòng chẳng động, mặc tình chúng tác quái ta chẳng thèm thấy nghe, dùng chánh định hàng phục, ma tự nhiên tiêu diệt. Kẻ tu học đời sau phải cẩn thận và tự phân biệt cho rành rõ ma sự nầy.
Ở trên đã được nên lên mấy điều ma sự, nếu muốn hiểu cho khúc chiết rõ ràng, nên xem kinh Lăng Nghiêm nói về ma nghiệt trong ngoài. Tất cả những dị kiến, mỗi mỗi đều rõ ràng, khi hạ thủ dụng công chẳng rơi vào lưới ma, mà chứng thẳng quả Phật. CHƯƠNG IX
DẪN CHỨNG LỜI KINH
Muôn pháp về tâm hỏi đáp rõ ràng. Bậc thượng căn vừa xem qua liền ngộ bản tâm, kẻ trung hạ căn ngu độn nghi ngờ bài báng chẳng tin, nên dẫn lời kinh của Phật để chứng minh hầu đaọn trừ những nghi hoặc, tin một cách thành thật chẳng lầm. Hoặc có người được ngộ, y lời dạy mà vâng làm, vào thẳng tòng lâm của Cổ phật, vượt ngang qua bờ cõi then chốt của Tổ Sư. Có thể bảo ngay nơi nhục nhãn mà viên thông Phật nhãn, ngay nơi tâm phàm mà hiển chơn tâm. Nay thuật lời trong kinh Phật và lời của Tổ sư để ấn chứng chánh lý qui tâm.
Kinh Bát Nhã nói: “Hết thảy chư Phật đồng ở một chỗ, gom về cảnh giới vô lậu và tự tánh thanh tịnh”.
Kinh Hoa Nghiêm nói: “Lời lẽ thuyết pháp (của Như Lai), kẻ tiểu trí vọng phân biệt, nên sanh chướng ngại, chẳng rõ ở tự tâm. Không rõ tự tâm làm sao biết chánh đạo? Kẻ kia dùng tư tưởng điên đảo nên tăng trưởng tất cả điều ác”.
Kinh Lăng Già nói: “Đệ nhất nghĩa đế chỉ là tâm. Vô vàn tướng bên ngoài, tất cả đều không có. Kẻ phu kia chấp trước vào ác kiến, khi dối tự tha, không thấy rõ được chỗ trụ như thật của hết thảy các pháp. Đại Huệ! Hết thảy các pháp như thật, ấy nghĩa là hay liễu đạt lý duy tâm sở hiện”.
Kinh Tứ Thập Nhị Chương nói: “Người xuất gia làm sa môn, (phải) đoạn dứt ham muốn, khử trừ khát ái, biết được nguồn tâm của mình, đạt được lý gốc của Phật, ngộ pháp vô vi, bên trong không sở đắc, bên ngoài không sở cầu, tâm không hạn cuộc nơi đạo, cũng không tạo nghiệp, vô niệm vô tác, phi tu, phi chứng, phải trải qua các ngôi thứ mà tự cao tột. Đó gọi là Đạo!”
Kinh Bảo Vân nói: “Hết thảy các pháp, tâm là trên hết. Nếu biết tâm thì có thể biết được tất cả các pháp”.
Bài kệ trong Kinh Nhơn Quả nói: “Tạo tất cả thiện ác đều từ tâm tưởng sanh. Cho nên người xuất gia chơn chánh đều lấy sự minh tâm làm gốc”.
Kinh Niệm Phật Tam Muội nói: “Tâm như kim cang, với ngừoi thiệncăn hay xuyên thấu tất cả pháp. Tâm như áo Ca lân đề, với người thiện căn hay mềm dẻo. Tâm như bể cả, với người thiện căn hay nhiếp các giới tu. Tâm như đá bằng phẳng, với người thiện căn hay đứng giữ tất cả sự nghiệp. Tâm như núi chúa, với người thiện căn hay phát sanh tất cả pháp lành. Tâm như cõi đất, với người thiện căn hay gánh vác và gìn giữ sự nghiệp cho chúng sanh”.
Kinh Định Ý nói: “Trong thiền định chẳng dính mắc trong ngoài, cũng không ở giữa, đó gọi là nhứt tâm”.
Kinh Bảo Khiếp nói: “Văn Thù sư lợi bảo Xá lợi Phất rằng như hoả tai cháy mạnh trong hằng sa kiếp, rốt lại cũng không đốt được hư không. Xá Lợi Phất! Cũng như vậy, mỗi mỗi chúng sanh tạo tội ngũ nghịch, cùng nghiệp chẳng lành trong hằng sa kiếp, nhưng mà tâm tánh họ rốt lại cũng chẳng thể nhơ”.
Bài kệ torng Kinh Đại hư không tạng Bồ tát sở vấn nói:
Hư không lìa sanh diệt
Pháp giới không tới lui
Các pháp nương tâm mà trụ.
Trong không, không có sắc phi sắc
Tâm tánh cũng như vậy
Hư không chỉ giả danh
Tâm ý thức cũng như vậy.
Bài kệ Kinh Lăng Già nói:
Các pháp không pháp thể
Mà nói chỉ là tâm
Chẳng thấy dược tự tâm
Mà khởi ra phân biệt.
Kinh Xuất Diệu nói: “Người thân mặc giáp giới luật, mà tâm không có gươm trí huệ, thì không làm tan hoại được bọn đầu sỏ kiết sử. Cho nên biết, nếu chẳng quán tâm cho diệu huệ thành tựu, thì không thể chặt đứt được căn bản vô minh”.
Kinh Niết Bàn nói: “Sư tử rống ấy là nói một cách quyết định rằng tất cả chúng sanh dều có Phật tánh. Nếu biết tự tâm mình Phật tánh đầy đủ, thì ngoài tánh lại có pháp đáng cầu ư?”.
Kinh Pháp Hoa Tam Muội nói: “Không dính mắc, không chỗ nương, không hệ luỵ vào tâm tịch diệt, ban tánh như hư không. Đó gọi là vô thượng đạo”.
KỆ CỦA BẢY ĐỨC PHẬT
Bài kệ của Phật Tỳ Bà Thi nói:
Thân từ trong vô tướng thọ sanh,
Dụ như huyễn, xuất các hình tượng.
Người huyễn, tâm thức xưa nay không,
Tội phước đều không, không chỗ trụ.
Bài kệ của Phật Thi Khí nói:
Tạo các pháp lành vốn là huyễn,
Tạo các nghiệp ác cũng là huyễn.
Thân như hòn bọt tâm như gió,
Huyễn hiện không nguồn, không thật tánh.
Bài kệ của Phật Tỳ Xá Phù nói:
Vay mượn bốn đại ngỡ là thân,
Tâm vốn không sanh nhơn cảnh có.
Cảnh trước nếu không tâm cũng không.
Tâm như huyễn khởi rồi diệt.
Bài kệ của Phật Câu Lưu Tôn nói:
Thấy thân không thật là Phật thấy
Rõ tâm như huyễn là Phật rõ.
Rõ được thân tâm bản tánh không.
Người nầy cùng Phật có khác gì?
Bài kệ của Phật Câu Na Hàm Mâu Ni nói:
Phật chẳng thấy thân biết là Phật.
Nếu thật có biết riêngkhông Phật.
Người trí hay biết tội tánh không,
Thản nhiên chẳng sợ việc sanh tử.
Bài kệ của Phật Ca Diếp nói:
Hết thảy chúng sanh tánh thanh tịnh,
Từ xưa không sanh không thể diệt.
Ngay thân tâm nầy là huyễn sanh.
Trong huyễn hoá không tội, không phước.
Bài kệ của Phật Thích ca Mâu ni nói:
Huyễn hoá không nhơn cũng không sanh,
Đều là tự nhiên thấy như vậy.
Các pháp thảy đều tự hoá sanh,
Huyễn hoá không sanh, không chỗ sợ.
LỜI CHƯ TỔ
Bài kệ của sơ Tổ Bồ đề đạt ma nói:
Chớ thấy ác mà sanh chán,
Chớ thấy thiện mà sanh ưa,
Chẳng bỏ trí mà gần ngu,
Chẳng lbỏ mê mà đốn ngộ.
Đạt đạo lớn chừ quá lượng,
Thông Phật tâm chừ vô số,
Chẳng cùng phàm thánh đồng vai,
Siêu nhiên gọi đó là TỔ.
Nhị Tổ nói: “Tâm nầy là Phật, tâm nầy là pháp, pháp và Phật không hai. Tăng bảo cũng vậy”.
Tam Tổ nói: “Mắt nếu chẳng ngủ các mộng tự trừ. Tâm nếu không khác muôn pháp nhứt như. Nhứt như thể mầu, như vậy quên duyên, muôn pháp đều thấy, trở về tự nhiên”.
Tứ Tổ nói với Ngưu đầu Pháp Dung rằng: “Trăm ngàn cửa diệu đồng về gang tấc, hằng sa công đức gom ở nguồn tâm. Tất cả định môn, huệ môn và hạnh môn đều đầy đủ, thần thông diệu dụng đều ở nơi tâm ông”.
Ngũ Tổ nói: “Muốn biết pháp yếu, tâm là căn bản của mười hai bộ kinh. Chỉ có pháp nhứt thừa, pháp nhứt thừa là nhứt tâm vậy. Chỉ giữ nhứt tâm tức là tâm chơn như môn. Hết thảy các pháp chẳng ra ngoài tự tâm, chỉ tự tâm biết tâm không hình sắc. Chư Tổ chỉ lấy tâm truyền tâm, bậc liễu đạt ấn khả, không pháp gì riêng”.
Lục Tổ nói: “Hết thảy các ngươi tự tâm là Phật, chớ có hồ nghi. Ngoài tâm không có một pháp có thể dựng lập, đều là tự tâm sanh muốn thứ pháp. Kinh nói: “Tâm sanh muôn ngàn pháp sanh”. Pháp kia không hai, tâm kia cũng vậy. Đạo kia thanh tịnh không có các tướng. Ông chớ quán thanh tịnh và không (rỗng) tâm kia Tâm nầy không hai, không thể thủ xả, đi đứng nằm ngồi đều một trực tâm tức là tịnh độ. Y lời nói ta nhứt định ông sẽ được bồ đề”.
TUYỆT QUÁN LUẬN CỦA ĐẠI SƯ NGƯU ĐẦU PHÁP DUNG
HỎI: Thế nào là tâm?
ĐÁP: Chỗ quan sát của sáu căn đều là tâm.
HỎI: Tâm chỗ nào?
ĐÁP: Tâm ngay chỗ diệt.
HỎI: Gì là thể?
ĐÁP: Tâm là thể.
HỎI: Gì là Tông (chủ)?
ĐÁP: Tâm là Tông.
HỎI: Gì là gốc?
ĐÁP: Tâm là gốc.
HỎI: Thế nào là định huệ đồng vui?
ĐÁP: Tâm tánh lặng lẽ là định, thường hiểu rõ cái lặng lẽ ấy là Huệ.
HỎI: Gì là trí?
ĐÁP: Cảnh dấy lên mà hiểu rõ là trí.
HỎI: Gì là cảnh?
ĐÁP: Tự thân tâm tánh là cảnh.
HỎI: Gì là thư (rải ra)?
ĐÁP: Dụng chiếu soi là thư.
HỎI: Gì là quyện (cuốn lại)?
ĐÁP: Tâm lặng lẽ không đến đi là quyện. Rải ra thì đầy khắp pháp giới, cuốn lại thì dấu vết khó tìm.
HỎI: Gì là pháp giới?
ĐÁP: Không bờ mé để chỉ bày được gọi là pháp giới.
Thiền sư Trù nói: “Hết thảy duyên bên ngoài gọi là tướng định, sự phải quấy sanh diệt, tất cả đều do tự tâm. Nếu tự tâm mà vô tâm ai ngại gì phải quấy? Năng sở đều không, tức các tướng đều lặng”.
Bài kệ của Bàng Cư Sĩ nói:
Muôn pháp từ tâm khởi,
Tâm sanh muôn pháp sanh.
Sanh sanh chẳng rõ có,
Tới lui uổng tu hành.
Nhắn gửi người tu đạo.
Không sanh, có chẳng sanh.
Nếu hay đạt lý nầy,
Chẳng động, thoát hầm sâu.
Bài ca của Hòa Thượng Đằng Đằng:
Tu đạo, đạo không thể tu,
Hỏi pháp, pháp không thể hỏi.
Người mê không ngộ sắc không,
Kẻ đạt vốn không nghịch thuận.
Tám muôn bốn ngàn pháp môn,
Rốt lý chẳng hơn gang tấc.
Phiền não chính là Bồ đề,
Hoa sạch sanh nơi bùn nhớp...
Chớ dối, chơi châu huyện khác.
Thiền sư Ngọa Luân nói: “Thấu đáo được tâm tánh kia trạm nhiên rỗng suốt, xưa nay chẳng sanh, cũng chẳng diệt, nào phải gom ép. Chỉ biết tâm khởi vọng, tức là phải hướng nơi phản chiếu lại nguồn tâm, không có gốc rễ tức là chỗ vô sanh. Vì vô sanh nên tâm tịch tĩnh vô tướng vô vi”.
Bài tụng của thiền sư Trí Đạt nói:
Cảnh lập, tâm liền có,
Tâm không, cảnh chẳng sanh.
Nếu đem tâm cột cảnh,
Tâm cảnh cả đều mà,
Cảnh tâm mỗi tự dừng,
Tâm cảnh tánh thường trong.
Ngộ cảnh tâm không khởi,
Mê tâm cảnh đồng hành,
Nếu mê tâm tạo cảnh,
Tâm cảnh loạn tung hoành,
Ngộ cảnh tâm vốn tịnh,
Biết tâm cảnh vốn trong.
Biết tâm không cảnh tánh,
Rõ cảnh tâm không hình.
Cảnh rỗng tâm lặng lẽ,
Tâm chiếu cảnh im lìm.
Đại sư Phổ Ngạn nói: “Đại đạo rộng lớn, chỉ một chơn tâm. Thiện ác chớ nghĩ thần trong, vật hiện, lại có lo gì?”.
Hòa Thượng Qui Sơn nói: “Các pháp trong ngoài đều chẳng thật, từ tâm hóa sanh, tất cả đều giả danh. Mặc tình pháp tánh châu lưu (trôi khắp), chớ đoạn cũng chớ tiếp tục”.
Hòa thượng Hoàng Bá nói: “Chỉ ngộ nhứt tâm lại không một pháp nhỏ có thể được. Đây tứ là chơn Phật. Phật cùng chúng sanh một tâm không khác. Chẳng bằng ngay nơi lời tự nhận giữ cái bổn pháp. Pháp nầy tức là tâm, ngoài tâm không pháp. Tâm nầy tức là pháp, ngoài pháp không tâm”.
Hòa thượng Ngưỡng Sơn nói: “Đốn ngộ tự tâm không tướng, dụ như hư không. Nương nơi căn mà phát minh, tức là bản tâm đủ hằng sa diệu dụng, không có chỗ gìn giữ riêng, không có chỗ an lập riêng, tức là quê nhà, tức là nước nhà”.
Hòa thượng An Quốc nói: “Kinh nói nên không có chỗ trụ mà sanh tâm. Không chỗ trụ ấy là chẳng trụ sắc, chẳng trụ thinh, chẳng trụ mê, chẳng trụ ngộ, chẳng trụ thể, chẳng trụ dụng. “Mà sanh tâm” ấy tức là tất cả chỗ mà hiển nhứt tâm. Nếu trụ vào thiện mà sanh tâm tức là điều thiện hiện. Nếu trụ vào ác mà sanh tâm tức là đều ác hiện, vậy thì bổn tâm liền ẩn mất. Nếu không chỗ trụ thì mười phương thế giới chỉ một tâm. Tin biết gió phan chẳng động, tâm ấy động”.
Hòa thượng Qui Tông nói: “Ngay tâm nầy là Phật, tột đáy chỉ có tánh. Sơn hà đại địa một pháp ấn định, là thần chú lớn chơn thật không dối, là bản nguyên của chư Phật, là cội gốc và là xương tủy của bồ đề. Phật thế nào mới phải? – Ngay lời nói nầy là phải, lại không người khác. Kinh nói: “Ví như một hình sắc tùy theo cái nhìn của chúng sanh mà có muôn ngàn tên. Tất cả pháp chỉ là một pháp, tùy chỗ mà mang tên”.
Bài kệ trong Luận Bảo Tánh nói:
Như hư không biến khắp cả,
Mà hư không chẳng phân biệt.
Tự tâm và vô cấu tâm,
Cũng không phân biệt cùng khắp.
Pháp sư Phục Lễ nói: “Xét về ý nghĩa của nghiệp, thì nghiệp do tâm khởi, tâm là dụng của nghiệp, nghiệp dẫn tâm thọ sanh, tâm theo nghiệp tạo cảnh. Vậy thì nhơn nghiệp mà thọ thân, thân trở lại tạo nghiệp. Từ tâm tạo cảnh, cảnh lại sanh tâm. Như bóng theo hình mà ngay hay cong, như vang theo tiếng mà có lớn hay nhỏ”. CHƯƠNG X
KHUYÊN IN BỐ THÍ
Sự phu diễn chánh pháp công đức vượt hơn hằng sa. Lưu truyền chí lý, phúc lợi hơn hư không lớn. Hằng sa vô số, hư không lớn vô ngần. Việc lợi sanh thí pháp công đức vượt hơn hai thí dụ nầy – Cớ sao công đức vô lượng như vậy? – Một là làm cho người chưa tin trở thành chánh tín, nhiếp về một niệm chẳng dong ruổi tìm cầu bên ngoài. Hai là khiến người đã tin giúp thành quán lực, lý và hạnh kiên cố, mau chứng bồ đề, giống như đi xe rộng lớn. Dựng lập Bảo Phường (tàng kinh các). Như đi thuyền chắc chắn đến bờ giác.
Kinh Lăng Nghiêm nói: “Phật bảo A Nan! Nếu lại có người mang bảy báu chứa đầy cả mười phương hư không, đem dâng cho chư Phật như vi trần, và thừa sự cúng dường mà tâm không chút sơ sót, ý ông nghĩ sao? Người nầy dùng nhơn duyên bố thí cho chư Phật như vậy được phước nhiều chăng?”
A Nan đáp: Hư không vô tận, trân bảo vô ngằn. xưa có chúng sanh thí Phật bảy quan tiền, khi xả thân còn được làm vị chuyển luân vương. Huống lại hiện tại, hư không vô cùng, Phật độ đầy khắp mà đều thí trân bảo, thì cùng kiếp nghĩ bàn cũng không hết được cái phước của người nầy, rằng sao lại có bờ mé?
Phật bảo A Nan! Chư Phật Như Lai, nói không hư dối. Nếu lại có người thân tạo đủ bốn trọng tội và mười ba la di tội, chỉ trong chớp mắt liền trải qua địa ngục A Tỳ ở phương nầy hay phương khác, cho đến địa ngục vô gián khắp mười phương đều trải qua. Nếu người nầy chỉ khởi một niệm rằng “đem pháp môn nầy khai thị cho chúng sanh ở mạt kiếp”, thì tội chướng người nầy liền theo niệm ấy mà tiêu diệt. Biến địa ngục khổ mà họ đã thọ thành nước an lạc, được phước còn hơn người bố thí bảy báu trước gắp trăm, ngàn, muôn ức, như vậy cho đến tính, đếm, thí dụ không thể kịp. Tán thán và hoằng dương kinh nầy lợi ích không ngằn”.
Kinh Kim Quang Minh nói: “Thí pháp cho người có năm điều lợi ích thù thắng. Những gì là năm? Một là pháp thí gồm lợi, tài thí không bằng. Hai là pháp thí hay làm cho chúng sanh ra khỏi ba cõi, còn phước của tài thí chẳng ra khỏi dục giới. Ba là pháp thí hay tịnh pháp thân, còn tài thí của tăng trưởng nơi sắc. Bốn là pháp thí vô tận, còn tài thí có chừng. Năm là pháp thí hay đoạn được vô minh, còn tài thí chỉ đè được tham ái. Cho nên, nầy thiện nam tử! Công đức vô lượng vô biên khó thể thí dụ”.
Lại Kinh Kim Cang nói: “Bố thí bảy báu đầy khắp tam thiên đại thiên thế giới, chẳng bằng thọ trì bốn câu kệ và vì người khác giảng nói thì phước của người ấy còn hơn sự bố thí bảy báu kia”.
Như có người thiện nam tín nữ nào, phát tâm khắc bản in bố thí truyền bá, khiến pháp giới chúng snah đốn ngộ tối thượng thừa, đều đến cõi Phật, đồng chứng bồ đề, thì công đức vô biên, khó nói hết.
Vạn pháp qui tâm lục
Nói thẳng chẳng dấu diếm
Hay mở mắt thanh tịnh
Khéo chỉ tâm niết bàn.
Ba đạo từ đây vào
Trăm nhọc chớ tìm ngoài
Có người in trăm bản
Hơn thí một thuyền vàng. HẾT
LỜI BẠT
Nhứt tâm là tổng tướng của muôn pháp, muôn pháp là biệt tướng của nhứt tâm. Tâm có hai loại chơn vọng chẳng đồng. Nương vào chơn tâm mau chứng bồ đề. Đuổi theo vọng tâm thì trôi nổi trong sanh tử. Chơn tâm vọng tâm nên biết là bản thể. Chơn tâm là cái biết mầu nhiệm: không biết mà biết. Vọng tâm là cái biết của thức: có biết mà biết. Không biết mà biết thì viên minh tịch chiếu. Có biết mà biết thì niệm niệm sanh diệt.
Đại sư khởi lòng từ, mượn văn vấn đáp để biện minh chơn tâm, chỉ trần nẻo tu chứng. Từ đầu chí cuối mỗi lời đều khế lý. Quyển Lục nầy truyền bá ở đời như ngọn đèn sáng suốt hay phá được đêm dài vạn kiếp, mà thẳng đến Bảo sở. Thực là pháp quí, hẳn là pháp quí. Tôi xem quyển Lục nầy không thôi, và lại đọc nó đề làm lời bạt.
Thể Như Cư Sĩ Lưu Phương kính bạt.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.94.180 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.