Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tị Nại Da [鼻奈耶] »» Bản Việt dịch quyển số 3 »»

Tị Nại Da [鼻奈耶] »» Bản Việt dịch quyển số 3

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Tỳ Nại Da

Kinh này có 10 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
Việt dịch: Thích Tâm Tịnh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Pháp TĂNG-TÀN thứ nhất
Phật du hành đến vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ tôn giả Ca-lưu-đà-di (Ca-lưu-đà-di có nước da đen, là em họ của A-Nan) kiết hạ ở Kỳ-hoàn, giữ việc quét dọn phòng ốc. Ở trong phòng đặt giường, phía trước đặt bình tắm, bên ngoài lại có bình tắm. Ðến giờ, vị ấy đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực rồi trở về, cất y bát, nghỉ ngơi.
Ca-lưu-đà-di có tâm dâm dục rất mạnh, nhớ đến người phụ nữ ở gia đình vừa cúng thức ăn, ý dâm của vị ấy càng thêm mạnh mẽ. Vị ấy liền dùng tay thủ dâm làm xuất tinh và lập tức rửa tay, tắm rửa, quét dội phòng. Cho đến khi mãn hạ thì việc ấy xảy ra đến ba lần.
Khi ấy, các Tỳ-kheo bạn của Ca-lưu-đà-di kiết hạ ở Câu-tát-la. Sau khi mãn hạ, vào ngày y phục đã được may vá xong, họ đắp y mang bát đến vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ. Các Tỳ-kheo đến chỗ Tỳ-kheo Ca-lưu-đà-di lễ bái, hỏi thăm nhau rồi ngồi qua một phía. Các vị ấy hỏi Ca-lưu-đà-di:
- Thế nào, Ca-lưu-đà-di! Sức khỏe có dồi dào không? Trong mùa hạ có bị khổ nhọc không? Khất thực có dễ dàng không?
Ca-lưu-đà-di đáp:
- Ở đây tôi phải quét dọn phòng ốc,... (cho đến kể đầy đủ việc thủ dâm).
Các Tỳ-kheo đáp:
- Này Ca-lưu-đà-di! Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện nói sự bất tịnh của dâm, của việc hướng về dâm dục, nghĩ đến dâm dục và sự thiêu đốt của dâm, nói về sự dơ bẩn của dâm dục... Vậy mà vì sao thầy lại phát sanh ý dâm dục?
Các Tỳ-kheo hết sức quở trách, can gián. Sau khi quở trách, khuyên răn xong, họ đến chỗ Thế Tôn, bạch với Thế Tôn đầy đủ việc ấy. Thế Tôn biết mà vẫn hỏi Ca-lưu-đà-di:
- Việc ấy có thật không?
Ca-lưu-đà-di bên trong thì hổ thẹn, bên ngoài thì ngượng ngùng, rời khỏi chỗ ngồi, sửa áo bày vai phải, quỳ gối sát đất, chấp tay bạch với Thế Tôn rằng:
- Ðúng vậy, thưa Thế Tôn.
Thế Tôn bảo:
- Này kẻ ngu! Ta đã dùng vô số phương tiện nói về sự bất tịnh của dâm dục, của sự hướng về dâm dục, nghĩ đến dâm dục, sự thiêu đốt của dâm, nói về sự dơ bẩn của dâm dục, vậy mà vì sao kẻ ngu như ngươi lại dùng tay này nhận sự cúng dường của trưởng giả, rồi lại dùng tay này để thủ dâm?!
Phật dùng vô số phương tiện để quở trách, dạy dỗ ông ta và nhân việc ấy Ngài tập hợp chúng Tăng, vì muốn đầy đủ mười công đức nên kiết giới cho Sa-môn:
- Các Sa-môn nên đề phòng việc này: Tỳ-kheo nào nhớ nghĩ và thủ dâm, xuất tinh thì phạm Tăng-già-bà-thi-sa.
Thế Tôn du hành đến vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.
Khi ấy, có một Tỳ-kheo kiết hạ ở Kỳ-hoàn nằm mộng bị xuất tinh. Sau khi thức giấc, vị ấy phân vân không biết mình có bị phạm Tăng-già-bà-thi-sa không, liền hỏi các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo không biết, liền đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:
- Xuất tinh trong mộng không có tội. Tỳ-kheo nào thủ dâm xuất tinh - trừ chiêm bao - Tăng-già-bà-thi-sa.
Khi ấy, tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Thế Tôn:
- Có mấy trường hợp xuất tinh phạm Tăng-già-bà-thi-sa?
Thế Tôn đáp:
- Dùng tay trái, tay phải thủ dâm, phạm Tăng-già-bà-thi-sa. Bảo người khác dùng tay thủ dâm cũng vậy. Dùng chỗ cong giữa hai khuỷu tay của người khác để thủ dâm, hoặc khoảng giữa khi co đầu gối, khoảng giữa hai nách, hai bên rốn, khoảng giữa háng và khoảng giữa hai mông, khoảng giữa cổ và hai vai, trong y ở những chỗ co duỗi trên thân, nằm sấp trên giường nệm để thủ dâm, vẽ người nữ, tạc tượng người nữ bằng gỗ làm chỗ để thủ dâm xuất tinh thì phạm Tăng-già-bà-thi-sa.
Phật ở tại vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc thành Xá-vệ.
Lúc ấy, tôn giả Nan-đà đi vào thành Xá-vệ với ý dâm rất mạnh. Có người vợ của một trưởng giả dùng tay vịn chân Nan-đà đảnh lễ. Tay người nữ mềm mại làm Nan-đà bị xuất tinh rơi trên tay cô ấy. Người nữ liền đưa tay xoa lên đảnh và nghĩ: "Ta đã được lợi ích lớn mới làm cho tôn giả Nan-đà phát sanh ý dâm mạnh mẽ đến như vậy".
Vốn có phạm hạnh đầy đủ, không có ý phạm giới, Nan-đà liền phân vân không biết mình có phạm Tăng-gìa-bà-thi-sa hay không, liền hỏi các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo không biết, liền đến bạch đầy đủ với Thế Tôn. Nhân việc ấy, Thế Tôn liền tập hợp chúng tăng. Thế Tôn biết nhưng vẫn hỏi Nan-đà:
- Việc ấy có thật không?
Tôn giả Nan-đà bên trong hổ thẹn, bên ngoài ngượng ngùng, liền sửa áo, bày vai phải, quỳ gối phải sát đất, chấp tay bạch Thế Tôn rằng:
- Ðúng vậy, thưa Thế Tôn.
Khi ấy ở trước mọi người, Thế Tôn khen Nan-đà rằng:
- Lành thay! Nan-đà mới có thể đầy đủ phạm hạnh như vậy. Người thực hành phạm hạnh được quả báo, được công đức lớn.
Lúc ấy, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Các tộc tánh tử, trông thấy Nan-đà có ai có thể chê là không khôi ngô không? Thầy ấy có thân thể mềm mịn, sức khỏe hơn người, ý dâm rất mạnh, ai có thể hơn Nan-đà được?
Này các Tỳ-kheo, tộc tánh tử Nan-đà đóng kín các căn, ăn uống biết đủ, ban đêm không để mất thời khóa, tâm định bất loạn. Nan-đà có thể tu phạm hạnh thanh tịnh suốt đời.
Tộc tánh tử Nan-đà làm sao có thể đóng kín các căn? Ðối với tộc tánh tử Nan-đà, khi mắt thấy sắc thì ý không tham đắm. Giả sử thấy sắc thì vị ấy như người không đủ nhãn căn, sẽ nghĩ đến pháp ác, bất thiện, vô minh, lo buồn, ý không hướng đến nên phòng hộ được nhãn căn.
Tai, mũi, lưỡi, thân, ý xúc chạm với pháp, biết rồi không sanh đắm nhiễm. Giả sử ý căn phát sanh nhiễm trước, vị ấy sẽ nghĩ đến pháp ác, bất thiện, vô minh, lo buồn, ý không hướng đến thì phòng hộ được ý căn.
Ðó là cách tộc tánh tử Nan-đà đóng kín các căn.
Tộc tánh tử Nan-đà làm cách nào để biết đủ trong việc ăn uống?
- Tộc tánh tử Nan-đà biết đủ khi ăn thức ăn, không có tâm tham ăn, không cầu có nhan sắc và sức mạnh, không có ý mong mềm mại. Lý do ăn là vì muốn thân thể tồn tại lâu dài, để diệt bệnh cũ và không sanh bệnh mới, và việc hành đạo được an vui.
Giống như có người bị lở loét phải dùng dầu để bôi lên. Lý do bôi dầu là muốn cho vết loét được lành. Cũng vậy, tộc tánh tử Nan-đà biết đủ trong ăn uống, không có tham ăn, cho đến thích được hành đạo.
Ví như có người bôi mỡ vào cốt bánh xe, lý do bôi mỡ là vì chở nặng. Cũng vậy, tộc tánh tử Nan-đà ăn uống biết đủ, không có tham ăn cho đến thích được hành đạo. Ðó là cách tộc tánh tử Nan-đà biết đủ trong ăn uống.
Tộc tánh tử Nan-đà không để mất thời khóa vào ban đêm bằng cách nào? - Ban ngày tộc tánh tử Nan-đà đi kinh hành, tọa thiền. Ban đêm cũng kinh hành, tọa thiền. Ðầu đêm vị ấy kinh hành, tọa thiền, chế phục tâm không cho ngủ. Giữa đêm vị ấy xếp y thượng thành bốn lớp trải trên ghế, gối đầu bằng Tăng-già-lê, hông phải sát đất, hai bàn chân gác lên nhau, cẳng chân duỗi thẳng, giữ ý nghĩ nơi ánh sáng. Ðến khi nào mới sáng? Cuối đêm vị ấy liền dậy kinh hành, tọa thiền, chế phục tâm. Ðó là cách tộc tánh tử Nan-đà không để mất thời khóa vào đầu đêm, cuối đêm.
Tộc tánh tử Nan-đà làm sao để niệm định không loạn? - Tộc tánh tử Nan-đà nếu muốn nhìn phía Ðông thì giữ thân ngay thẳng, vừa tư duy vừa nhìn về phía Ðông, không có ý loạn động. Nếu muốn nhìn phía Nam, Tây, Bắc thì cũng giữ thân ngay thẳng, vừa tư duy vừa nhìn, không có ý loạn động.
Tộc tánh tử Nan-đà nếu có thọ, tưởng xuất hiện thì luôn tỉnh thức theo dõi; hành, thức cũng vậy. Thọ, tưởng... chưa phát sanh thì không cho phát sanh. Thọ, tưởng... đã phát sanh thì lần lượt diệt trừ. Ðó là cách tộc tánh tử Nan-đà niệm định không loạn.
Vì vậy, Nan-đà xuất tinh không có tội. Nếu ai lại xuất tinh như vậy thì cũng không có tội. Từ nay về sau, các Tỳ-kheo phải mặc y lót bên dưới.
Thủ dâm nghĩa là một mình phát sanh ý tưởng, hoặc tự mình, hoặc xúc chạm thân thể kia để thủ dâm. Ðó là thủ dâm.
Phật ở tại vườn Na-câu-đà, thuộc thành Ca-duy-la-việt, nước Thích-ky-sấu.
Vào ngày thứ năm, tôn giả Ca-lưu-đà-di đang trực nhật, chợt có các nữ trưởng giả vào vườn để tham quan các phòng ốc. Tôn giả Ca-lưu-đà-di cầm chìa khóa đứng ở ngoài cửa, nói rằng:
- Các chị hãy đến đây, vào trong vườn này mà tham quan. Bên trong có ao tắm, suối...
Các phụ nữ liền vào vườn tham quan và mở cửa các phòng để vào xem. Khi đến phòng tối, Ca-lưu-đà-di liền ôm chầm các phụ nữ, tán tỉnh, hôn hít, rờ rẩm thân thể. Các phụ nữ ấy có người thuận theo, có người không thuận. Người không thuận theo, đi ra nói với các Tỳ-kheo:
- Ở nơi an ổn thường không có lo sợ mà lại có nỗi lo sợ lớn.
Các Tỳ-kheo hỏi:
- Có lo sợ gì?
Các cô ấy liền đem sự việc trình bày đầy đủ với các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo không biết phải trả lời làm sao, liền đến bạch đầy đủ việc ấy với Thế Tôn. Thế Tôn biết mà vẫn hỏi Ưu-đà-di (tức Ca-lưu-đà-di) rằng:
- Việc ấy có thật không?
Ưu-đà-di bên trong thì hổ thẹn, bên ngoài thì ngại ngùng, liền sửa áo bày vai phải, quỳ gối phải sát đất, chấp tay bạch Thế Tôn rằng:
- Thật vậy, thưa Thế Tôn.
Thế Tôn bảo:
- Trước đây Ta đã vì người ngu mà dùng vô số phương tiện nói về sự bất tịnh của dâm dục, của việc hướng về dâm dục, niệm dâm, sự bùng cháy và dơ bẩn của dâm dục. Vậy vì sao ông lại làm thế?
Này Ưu-đà-di! Trước đây Ta chưa từng nói với vua Ưu-điền về sự bất tịnh của dâm dục hay sao? Vua Ưu-điền hỏi Ta:
"Thưa Cù-đàm, các Tỳ-kheo trẻ tuổi xinh đẹp vừa mới vào pháp luật, đầy đủ các căn, mắt mũi tinh anh, da mềm mại như hoa đào, làm sao có thể tịnh tu phạm hạnh, trọn đời không phạm đến các phụ nữ khác?".
Khi ấy, Ta bảo vua: "Ðối với các Tỳ-kheo, ai giống mẹ thì sẽ gọi là mẹ, giống chị em thì gọi là chị em, ai giống con gái thì gọi là con gái. Vì lý do đó, các Tỳ-kheo trẻ tuổi xinh đẹp cho đến tu phạm hạnh trọn đời không phạm nữ sắc".
Vua lại hỏi: "Thế Tôn! Tâm con người rất giàu vọng tưởng. Giả sử người giống mẹ chúng ta gọi là mẹ, cho đến giống con thì gọi là con, nhưng tâm vẫn chạy theo thế gian thì sao? Còn có cách gì khác giúp các Tỳ-kheo trẻ tuổi xinh đẹp tịnh tu phạm hạnh suốt đời không?"
Thế Tôn đáp: "Này đại vương! Ta đã bảo các Tỳ-kheo hãy quán sát thân này, từ ngón chân cho đến mí tóc, quán sát đủ thứ bất tịnh đang phơi bày trên thân. Trong thân này có: tóc, lông, móng, răng, cấu bẩn, da, thịt, máu, gân, mạch, xương, tủy, tim, gan, lá lách, thận, phổi, ruột, bao tử, bụng, phân, nước tiểu, mỡ, lá mỡ, mật, nước mắt, nước miếng, nước dãi, não, màng bọc... Này đại vương! Vì lý do này các Tỳ-kheo trẻ tuổi có thể tu phạm hạnh trọn đời".
Vua lại hỏi:
"Bạch Thế Tôn! Tâm này rất giàu vọng tưởng. Giả sử chúng ta quán sát sự cấu bẩn này mà vẫn cho là sạch thì còn có cách gì khác để các Tỳ-kheo trẻ tuổi tu phạm hạnh trọn đời không?"
Thế Tôn nói:
"Này đại vương! Các Tỳ-kheo phải đóng kín các căn, giữ niệm không cho vọng động, ý không tán loạn. Giả sử mắt thấy sắc thì không cho tham đắm. Nếu mắt thấy sắc mà có tham đắm thì phải nghĩ đó là pháp bất thiện, vô minh, buồn rầu, khổ não... để mắt không thân cận thì giữ gìn được nhãn căn.
Tai, mũi, lưỡi, thân, ý khi tiếp xúc với pháp cũng không có đắm nhiễm như vậy. Giả sử có ý tham đắm thì hãy nghĩ đó là pháp bất thiện, vô minh, buồn rầu,... để ý không thân cận nên giữ gìn được ý căn.
Này đại vương! Ðó là cách các Tỳ-kheo trẻ tuổi tu phạm hạnh trọn đời".
Vua bạch Thế Tôn:
"Nếu có pháp này thì các Tỳ-kheo trẻ tuổi có thể tu phạm hạnh trọn đời. Khi vào trong cung, nếu con không hộ trì thân, các căn không chánh niệm, ý không chuyên nhất, tâm sẽ chạy theo pháp dâm dục của thế gian. Nếu con hộ trì thân, các căn chánh niệm, ý chuyên nhất, tâm không tán loạn, không hướng về pháp dâm dục của thế gian. Vì thế việc này rất kỳ lạ, đặc biệt. Thưa Thế Tôn! Ai nghe lời này của Sa-môn Cù-đàm mà lại không bảo hộ các căn? Nay con quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tỳ-kheo Tăng. Xin Thế Tôn cho phép con làm Ưu-bà-tắc, trọn đời không sát sanh và thọ ba quy y".
Lúc ấy, Thế Tôn bảo Ưu-đà-di:
- Người đời còn có thể như vậy, chỉ có kẻ ngu mới không giữ gìn được việc ấy. Người giống như mẹ thì ta gọi là mẹ, cho đến người giống con gái cũng như vậy.
Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách, dạy dỗ Ưu-đà-di, tập hợp chúng Tăng, vì muốn đầy đủ mười công đức nên kiết giới cho các Tỳ-kheo:
- Tỳ-kheo nào với ý dâm mạnh mẽ, dùng tay sờ mó người nữ, hoặc cầm bàn tay, nắm cánh tay, nắm tóc và xoa, vuốt, nắm các phần khác của cơ thể như cổ tay... thì phạm Tăng-già-bà-thi-sa.
Khi ấy, tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Phật:
- Ôm người nữ đi đến mấy chỗ thì phạm Tăng-già-bà-thi-sa?
Thế Tôn bảo:
- Tỳ-kheo nào với ý dâm mạnh mẽ, bồng người nữ từ trong nhà đặt lên mình voi thì phạm Tăng-già-bà-thi-sa; hoặc bồng từ lưng voi đặt xuống lưng ngựa, từ trên lưng ngựa bồng đặt xuống xe, từ trên xe bồng đặt xuống kiệu, từ trên kiệu bồng đặt lên giường, từ trên giường bồng đặt lên giường dây, từ giường dây bồng đặt xuống ghế dựa, từ trên ghế dựa bồng đặt xuống đất, từ dưới đất lần lượt bồng ngược trở lại, cho đến đặt vào trong nhà thì phạm Tăng-già-bà-thi-sa. Trừ khi đó là mẹ, chị em ruột, bệnh nhân và không có ý đắm nhiễm thì không phạm.
Phật ở tại vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, có các Tỳ-kheo kiết hạ ở nước Câu-tát-la. Mãn hạ, sau khi khâu vá y phục xong, họ đắp y mang bát đến thành Xá-vệ. Cách Xá-vệ không xa, có con sông tên A-chỉ-lại-bạt-dề. Họ dừng chân ở bờ phía Nam sông ấy. Nước sông chảy rất xiết.
Lúc ấy có các phụ nữ thưa các Tỳ-kheo rằng:
- Xin các thầy hãy đưa giúp chúng con qua sông.
Các Tỳ-kheo đáp:
- Các chị nên biết, Thế Tôn không cho phép đưa người nữ qua sông.
Các người nữ liền nắm tay nhau đi xuống sông và bị nước cuốn trôi, liền oán trách nói:
- Này các thầy! Ai có lòng từ hơn những Thích tử? Chúng tôi đang bị chìm, xin hãy đến cứu giúp!
Các Tỳ-kheo thương xót, liền đến nắm tay cứu vớt. Các Tỳ-kheo đều hoài nghi, không biết mình có phạm Tăng-già-bà-thi-sa không. Họ liền hỏi các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo không biết nên đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:
- Không có ý đắm nhiễm thì không phạm tội, vì dùng tâm từ đến cứu. Nếu lại có người bị chìm thì hoặc nắm tóc, hoặc nắm y, không được cầm nắm thân thể. Khi gặp nạn lửa cũng vậy.
Có một người nữ đi cạnh khe núi hiểm trở, có Tỳ-kheo nắm tay dẫn qua, Tỳ-kheo liền sanh nghi, không biết mình có phạm Tăng-già-bà-thi-sa không, liền đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:
- Không có ý đắm nhiễm thì không phạm tội. Nếu lại gặp trường hợp như vậy thì lấy y bao tay lại rồi nắm cánh tay dẫn qua.
Phật ở tại vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.
Lúc ấy, tôn giả Ca-lưu-đà-di cư trú ở Kỳ-hoàn. Có các nữ trưởng giả đến tham quan vườn tược, phòng ốc, ao tắm. Ca-lưu-đà-di cầm chìa khóa mở các cửa phòng và nói:
- Các chị hãy vào xem ao tắm,
Các phụ nữ liền đến xem vườn tược, ao tắm. Ưu-đà-di cùng các phụ nữ nói chuyện một hồi về sự khoái lạc của dâm dục và việc vui thích với nhau. Trong số các phụ nữ ấy có người bằng lòng, có người không bằng lòng. Những người không bằng lòng liền ra thưa với các Tỳ-kheo:
- Tôi thường nghe nói đây là nơi an ổn, không lo sợ, mà sao thật đáng sợ.
Các Tỳ-kheo hỏi:
- Có gì đáng sợ?
Các phụ nữ bạch với các Tỳ-kheo đầy đủ việc trên. Lúc ấy, Ưu-đà-di đi ra và cũng nói với các Tỳ-kheo như vậy. Các Tỳ-kheo liền quở trách Ưu-đà-di:
- Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện nói về sự hướng về dâm dục, niệm dâm, sự bừng cháy của dâm, sự dơ bẩn của dâm...
Sau khi quở trách xong, các Tỳ-kheo đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn biết nhưng vẫn hỏi tôn giả Ưu-đà-di:
- Việc ấy có đúng như các Tỳ-kheo đã bạch không?
Ưu-đà-di bên trong hổ thẹn, bên ngoài thì ngượng ngùng, sửa áo bày vai phải, quỳ gối phải sát đất, chấp tay bạch Thế Tôn rằng:
- Ðúng vậy, thưa Thế Tôn.
Thế Tôn bảo:
- Ta đã dùng vô số phương tiện nói về sự bất tịnh của dâm dục, của sự hướng về dâm dục, niệm dâm, sự thiêu đốt, sự dơ bẩn của dâm. Vì sao thầy lại ca ngợi dâm dục và sự vui thích với nhau?
Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách, dạy dỗ Ưu-đà-di, rồi tập hợp chúng Tăng vì muốn đầy đủ mười công đức nên kiết giới cho các Tỳ-kheo:
- Tỳ-kheo nào với ý dâm dục mạnh mẽ, hướng về người nữ ca ngợi việc dâm dục và sự vui thích với nhau, dùng lời xấu xa nói với nhau và nhìn nhau bằng ánh mắt lẳng lơ, dù người đó lớn hay nhỏ thì Tỳ-kheo phạm Tăng-già-bà-thi-sa.
Phật ở tại vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.
Khi ấy, các Tỳ-kheo đều đến thôn Yùết-nhị-ca (làng dâm) khất thực. Thấy họ đến đó, các trưởng giả đều chê trách:
- Các Thích tử này thật sai sót, đã tự xưng là tốt mà lại vào làng dâm này, như người dâm dục vào đó vì dâm, cũng như vào nhà các người phụ nữ, các thiếu nữ là vì muốn lấy vợ.
Các Tỳ-kheo đem việc ấy bạch đầy đủ với Thế Tôn.
Thế Tôn bảo:
- Có năm chỗ Tỳ-kheo không nên đến. Năm chỗ ấy là:
1- Nhà bán dâm.
2- Nhà thiếu nữ.
3- Nhà quả phụ không đứng đắn.
4- Quán rượu.
5- Nhà trộm cướp.
Ðó là những nơi Tỳ-kheo không nên đến, không được vào. Tỳ-kheo nào vào những nơi đó thì phạm tội.
Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-đôïc, thuộc nước Xá-vệ. Nơi ấy có một Bà-la-môn sanh một cô con gái nhan sắc xinh đẹp không ai sánh bằng. Do bé gái ấy xinh đẹp nên mẹ đặt tên là Thiện Quang.
Lúc mới sanh, thầy tướng Bà-la-môn xem tướng và tiên đoán rằng: "Cô gái này sẽ giao thông với năm trăm người".
Khi cô ấy lên mười sáu tuổi, mọi người nghe lời tiên đoán là cô ấy sẽ giao hội với năm trăm người nên không ai dám cưới. Có một người vượt biển, vào buôn bán ở thôn ấy. Trông thấy cô ấy xinh đẹp, liền phát sanh ý dâm, mới hỏi đó là con gái nhà ai.
Ðáp:
- Ðó là con gái của Bà-la-môn.
Lại hỏi:
- Ðã có chồng chưa?
Ðáp:
- Chưa.
Lái buôn nói:
- Nếu vậy, tôi sẽ cưới làm vợ.
Ðáp:
- Cô gái này mọi thứ đều tốt, chỉ có một việc không tốt.
Hỏi:
- Ðó là việc gì?
Ðáp:
- Lúc mới sanh, thầy tướng Phạm chí tiên đoán rằng: cô ấy sẽ giao hội với năm trăm người.
Người lái buôn nghĩ: "Nhà ta không có ai vào, chỉ có các Thích tử, nhưng các Thích tử không có ý này".
Người lái buôn liền cưới cô ấy làm vợ. Chưa được bao lâu, có thương nhân muốn vào biển tìm châu báu. Thường pháp của nước ấy là thương nhân nào đã vào biển nhiều lần thì được cử làm người dẫn đường. Nếu người ấy không chịu thì sẽ bị vua ép buộc.
Lúc ấy, thương nhân kia đến bảo thương nhân ấy:
- Anh hãy dẫn chúng tôi đi tìm châu báu.
Thương nhân ấy liền bảo người giữ cửa rằng:
- Tôi phải vào biển tìm châu báu, đừng cho người khác nghỉ đêm ở đây, trừ các Thích tử, bởi vì các Thích tử không có ý dâm dục.
Ngay ngày hôm đó họ đi vào biển. Có Sa-môn, Bà-la-môn nào vào nhà ấy khất thực, cô vợ liền đùa cợt, nói sự vui thích của dâm dục và bảo hãy đến cùng cô ta làm việc bất tịnh.
Các Tỳ-kheo không biết phải làm sao và đều phân vân nên đến bạch với Thế Tôn đầy đủ việc ấy. Thế Tôn đáp:
- Các Tỳ-kheo không nên vào khất thực ở nhà như vậy. Nếu vào khất thực thì không được ngồi, không được nói chuyện. Vì sao vậy? - Nhà như vậy sẽ làm hư hoại phạm hạnh. Nếu ai ngồi chung nói chuyện dâm thì phạm Tăng-già-bà-thi-sa.
Vì ý dâm quá mạnh, ngay ngày hôm ấy, vào lúc chiều tối, người nữ ấy bị chết. Thi thể cô ta được trang điểm rồi khiêng bỏ ngoài gò mã. Có năm trăm tên cướp đi qua gò mã, thấy thi thể của người nữ này liền phát sanh ý dâm và cùng nhau làm việc bất tịnh, đúng như trước đây người Bà-la-môn đã tiên đoán. Do đã đùa cợt với Sa-môn, Bà-la-môn nên cô ấy sanh vào ba đường ác, làm vợ các con rồng ở sông Tỳ-đát-thổ, phía Bắc nước Thiên Trúc và thường giao hội với năm trăm con rồng.
Phật ở tại vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ có các nữ trưởng giả đến xem phòng ốc, vườn cây. Nhóm sáu Tỳ-kheo bảo các nữ trưởng giả:
- Chúng tôi là con của quốc vương, xinh đẹp không ai bằng. Thân thể thơm tho, tinh tấn vô hạn, là người đứng đầu ở trong pháp. Các cô hãy cùng chúng tôi vui đùa thỏa thích với nhau. Cúng dường thân là pháp đứng đầu trong pháp bố thí cúng dường.
Trong số các phụ nữ ấy có người bằng lòng, có người không bằng lòng. Người không bằng lòng đi ra nói với các Tỳ-kheo:
- Ở nơi thường an ổn, không lo sợ mà lại rất đáng sợ.
Các Tỳ-kheo hỏi:
- Có việc gì vậy?
Các phụ nữ thưa đầy đủ việc ấy với Tỳ-kheo. Tỳ-kheo không biết làm sao, liền đến bạch với Thế Tôn. Thế Tôn biết mà vẫn hỏi nhóm sáu Tỳ-kheo:
Việc ấy có đúng vậy không?
Các Tỳ-kheo bên trong thì hổ thẹn, bên ngoài thì ngượng ngùng, liền sửa áo bày vai phải, quỳ gối phải sát đất, chấp tay bạch Phật rằng:
- Ðúng vậy, thưa Thế Tôn.
Thế Tôn bảo:
- Sao vậy kẻ ngu kia! Ta đã nói dâm như rắn độc cắn người. Thà bị rắn độc, rắn hổ mang độc, trăn đen độc cắn, chứ không giao hội với các phụ nữ dòng Sát-lợi, Bà-la-môn, trưởng giả. Tuy họ rất xinh đẹp và ăn mặc rất đẹp, nhưng thà gieo mình vào lửa chứ không giao hội với họ.
Ta chẳng đã nói dâm như đống củi lớn, phóng lửa đốt đống củi lớn thì ngọn lửa sẽ rất mạnh mẽ. Thà gieo mình vào trong đống lửa ấy chứ không giao hoan với các phụ nữ Bà-la-môn, trưởng giả, Sát-lợi.
Ta chẳng đã nói dâm dục như hố lửa sâu, như hố rất sâu đựng đầy lửa, chỉ có than hồng, không có khói. Thà gieo mình vào hố ấy chứ không giao hoan với phụ nữ Sát-lợi, Bà-la-môn, trưởng giả.
Dâm dục như con chó gặm xương, như con chim giành miếng thịt (miếng thịt nhỏ xíu nhưng chim phải chịu khổ rất nhiều), như mật dính trên lưỡi dao, dâm dục cũng như vậy.
Như vua ra lệnh bắt người bị tội tra khảo mỗi ngày ba lần thì người ấy bị thương hàng trăm vết, dâm dục cũng như vậy. Dâm dục cũng như chiếc bình, bên ngoài được sơn vẽ rất đẹp, bên trong đựng đồ hôi thối bất tịnh, như hương hoa độc, ngửi vào mũi thì chết.
Thà uống thuốc độc chứ không hướng về dâm dục. Như người chơi đàn, chỉ có âm thanh rỗng không. Cũng như đại thọ gắn kiếm, lên xuống đều bị đâm như kẻ thù, giặc cướp không có ý tốt, như nước phẩn sôi ở địa ngục Khôi-hà, dâm dục cũng như vậy.
Ta chẳng đã nói dâm dục là đầu mối của sự đấu tranh, đưa đến quan huyện, nịnh hót, gièm pha, mê hoặc, lừa dối, làm vô số việc ác, tất cả các việc ấy đều do dâm sanh ra.
Ta đã dùng vô số phương tiện nói về sự bất tịnh của dâm, của việc hướng về dâm, nghĩ về dâm, sự thiêu đốt và sự dơ bẩn của dâm. Vì sao các thầy tạo việc ác ở trong đó?
Thế Tôn dùng vô số phương tiện dạy dỗ, quở trách nhóm sáu Tỳ-kheo và nhân việc ấy Ngài tập hợp chúng Tăng, vì muốn đủ mười công đức nên kiết giới cho các Tỳ-kheo:
- Tỳ-kheo nào với ý dâm mạnh mẽ, ở trước người nữ tự khen thân xinh đẹp, lại nói mình là Tỳ-kheo tinh tấn, là bậc tối thượng tịnh hạnh trong pháp,... Tỳ-kheo nào làm như vậy phạm Tăng-già-bà-thi-sa.
(Một là Bạt-nan-đà, hai là Nan-đà, được sanh thiên. Ca-lưu-đà-di, Xiển-nộ - tức Xa-nặc - khi Phật đã nhập diệt, nghe theo A-Nan nên đắc đạo và nhập Niết-bàn. Mã-sư, Phất-na-bạt sanh vào loài rồng)
Phật Thế Tôn ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc.
Lúc ấy, vào sáng sớm, tôn giả A-Nan đắp y, mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Khất thực xong, vị ấy ra khỏi thành. Lúc ấy là tháng cuối mùa Hạ, trời rất nóng. Tôn giả A-Nan đi trên đường thì khát nước. Giữa đường có con gái Chiên-trà-la tên Bát-kiết-đề đang múc nước giếng. A-Nan liền đến giếng xin nước và nói:
- Này chị, tôi cần nước, hãy cho tôi ít nước.
Cô ấy bảo A-Nan:
- Tôi thuộc họ Ma-đăng -già.
A-Nan nói:
- Tôi không hỏi giai cấp Chiên-trà-la hay chẳng phải Chiên-trà-la. Tôi đang cần nước, hãy cho tôi xin nước.
Cô gái đáp:
- Thầy thuộc dòng họ cao quý, là đệ tử đứng đầu của Sa-môn Cù-đàm, được vua Ba-tư-nặc kính trọng, là thầy của Mạc-lợi phu nhân. Còn tôi thuộc dòng họ Chiên-trà-la nên không dám mang nước cho ngài.
A-Nan bảo cô ấy:
- Tôi không hỏi cô thuộc họ Chiên-trà-la hay chẳng phải Chiên-trà-la. Tôi đang cần nước, hãy mau đem nước cho tôi.
Cô ấy đáp:
- Nếu cần nước thì sẽ có ngay.
Lúc ấy, người nữ lấy tay bụm nước rưới lên chân A-Nan, rồi lại bưng nước rưới tay A-Nan. Sau khi rưới tay chân A-Nan, cô ấy liền sanh ý dâm dục.
Tôn giả A-Nan uống nước xong liền lên đường.
Khi A-Nan đã đi không bao xa, Bát-kiết-đề liền mang bình nước trở về nhà thưa với cha mẹ:
- Xin cha mẹ hãy cho con lấy Sa-môn A-Nan làm chồng.
Người mẹ nói:
- A-Nan là con nhà vua Chuyển-luân, dòng Sát-lợi, Thích chủng. họ Cù-đàm; quốc vương, đại thần đều biết, là đệ tử của Sa-môn Cù-đàm, được vua Ba-tư-nặc kính trọng, là thầy của Mạc-lợi phu nhân. Còn chúng ta là dòng Chiên-trà-la thấp hèn, làm sao có thể lấy A-Nan làm chồng được?!.
Cô gái bảo mẹ:
- Nếu không lấy được A-Nan làm chồng thì con sẽ uống thuốc độc, hoặc dùng dao tự sát, hoặc thắt cổ tự tử.
Người mẹ bảo con gái rằng:
- Ở đây cũng có thần chú Ma-đăng-già, có thể dời mặt trời, mặt trăng xuống đất, cũng có thể gọi vua trời Phạm thiên xuống, huống gì là Sa-môn A-Nan mà không làm cho đến đây được sao?! Việc gì thần chú này cũng làm được, trừ khi A-Nan bị chết, hoặc sống mà bất lực, hoặc được Sa-môn Cù-đàm bảo hộ thì ta không thể làm gì được.
Nghe xong, cô gái hết sức vui mừng, liền đứng dậy tắm rửa, trang điểm thân thể, mặc y phục trắng, trải ngọa cụ... trông mong A-Nan đến.
Lúc ấy người mẹ cũng tắm rửa, mặc y phục trắng, lấy phân bò trét lên đất, lấy chỉ ngũ sắc kết thành sợi dây, đổ nước đầy bốn bình, đựng đầy bốn chén máu, chứa đầy chén bốn loại nước thơm, đựng đầy bốn chén mật, dựng đứng bốn cây đao lớn trên nền phân bò, ở bốn góc nền dựng bốn mũi tên, đốt tám ngọn đèn sáng, lấy bốn đầu lâu của người chết thoa lên đó các loại hương, lấy hoa rải lên đất, cầm cái lư đốt hương, nhiễu ba vòng rồi hướng về phương Ðông, quỳ xuống, tụng chú thuật Ma-đăng-già.
Khi ấy, ở Kỳ-hoàn, A-Nan chợt hoảng hốt, bị chú thuật trói như cá mắc câu, như voi đi theo cái móc. Tôn giả A-Nan bị chú thuật dẫn đến nhà Chiên-trà-la.
Người mẹ bảo con gái:
- A-Nan đã đến. Con muốn làm gì thì sẽ tuân theo ý con.
Trông thấy A-Nan đến, Bát-kiết-đề hết sức vui mừng, liền đến ôm A-Nan đặt ngồi trên giường, vén y, rờ mó, vuốt ve A-Nan giống như lực sĩ dùng tay nắm con dê nhỏ lông dài, con dê phải đi theo tay người ấy.
Bấy giờ tôn giả A-Nan thấy mười phương đều tối tăm như thể mặt trời mặt trăng bị tay của A-tu-luân La-hầu che kín, không còn phát sáng. A-Nan bị chú thuật khống chế, không cử động được. Mặc dù A-Nan có sức mạnh của đại lực sĩ (sức mạnh bằng sức mạnh của mười lực sĩ, sức mạnh của Câu-di cũng như A-Nan) nhưng vì bị chú thuật khống chế nên không thể cử động được.
Lúc ấy, tôn giả A-Nan niệm năng lực Thánh đạo đế nên tỉnh trở lại. A-Nan suy nghĩ: "Con bị nguy khốn, sao Thế Tôn không thương xót con?!".
Biết A-Nan bị chú thuật Chiên-trà-la khống chế, Phật liền nói kệ:
- Phật là bậc tôn quý nhất thế gian
Chắc chắn không ai có thể hơn Phật
Phật là bậc đứng đầu trong trời người
Vua các pháp, là ruộng phước tốt nhất.
Nếu nghĩa bài kệ này là đúng thì A-Nan được giải thoát khỏi nhà Chiên-trà-la.
Pháp là cao quý nhất ở thế gian
Chắc chắn không gì có thể hơn pháp.
Pháp đáng tôn trọng nhất trong trời người
Dứt hết trói buộc, mãi mãi yên vui.
Nếu nghĩa bài kệ này là đúng thì xin cho A-Nan được thoát khỏi nhà Chiên-trà-la.
Tăng là bậc cao quý nhất thế gian
Chắc chắn không ai có thể hơn Tăng
Tăng là bậc đứng đầu trong trời người
Là ruộng phước tốt đẹp hơn tất cả.
Nếu nghĩa bài kệ này là đúng thì xin cho A-Nan được thoát khỏi nhà Chiên-trà-la.
Khi Phật tụng kệ xong, các dụng cụ được bày ra trong đàn tràng trì chú ở nhà Chiên-trà-la như: dao, mũi tên bị gãy nát, bình hủ bị vỡ, đèn tắt, đầu lâu vỡ tung, gió lốc thổi xoay vần làm mọi người không thấy nhau. Chú thuật Chiên-trà-la mất tác dụng.
Người mẹ bảo con gái:
- Ðây chắc là do thần lực của Sa-môn Cù-đàm gây nên. Mọi thứ đều vỡ tung, chú thuật mất tác dụng.
Lúc ấy A-Nan suy nghĩ: "Ðây chắc là do năng lực ân đức của Thế Tôn".
Tôn giả A-Nan được giải thoát, giống như con voi lớn sáu mươi tuổi say rượu, hung bạo, thân lớn, ngà dài, được thoát khỏi cái cùm chân bằng sắt, từ thành chạy về núi rừng hoang vắng; A-Nan cũng vậy, nhờ Thế Tôn tụng Phật ngữ mà vị ấy được giải thoát khỏi nhà Chiên-trà-la và chạy về Kỳ-hoàn.
Cô gái nọ đuổi theo A-Nan, đến cửa cổng tịnh xá Kỳ-hoàn và nói rằng:
- A-Nan là chồng tôi! A-Nan là chồng tôi!
Như trâu nghé theo mẹ không rời nửa bước, cũng vậy, cô gái này theo sát A-Nan không lìa một phút giây nào.
Tôn giả A-Nan đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát đất, bạch đầy đủ với Thế Tôn. Thế Tôn bảo:
- Trong các pháp, Ta thấy không gì gây mê hoặc, dối trá bằng người nữ. Người nữ này cũng vậy. Vì sao vậy? - Do tâm dâm dục trói buộc tâm ý. Vì thế, này A-Nan! Ông cần phải hết sức tỉnh giác, đừng để bị lục dục lôi kéo.
Lúc ấy, vào sáng sớm, tôn giả A-Nan đắp y, mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Cô gái ấy cũng đuổi theo sau và nói với các trưởng giả rằng:
- A-Nan là chồng tôi. A-Nan là chồng tôi.
Khất thực xong, A-Nan trở về chỗ Phật, bạch với Phật rằng:
- Ðến đâu cô ấy cũng nói với các trưởng giả để bôi nhọ con. Con không biết phải làm sao?!
Thế Tôn bảo:
- Ông hãy đến cùng nói chuyện, giống như nói chuyện với chị em ruột vậy. Vì sao thế? - Vì người nữ ấy sẽ là Tỳ-kheo ni.
Lúc ấy, người nữ đó đến chỗ Phật, bạch Thế Tôn rằng:
- Xin Thế Tôn trả Sa-môn A-Nan cho con để con lấy làm chồng.
Thế Tôn đáp:
- Nếu muốn A-Nan thì hãy làm Tỳ-kheo ni trong pháp của Ta, Ta sẽ gả A-Nan cho.
Nghe vậy, cô ấy hết sức vui mừng, nói rằng:
- Thế Tôn đúng là đạo sư. Thế Tôn đúng là đạo sư.
Thế Tôn hỏi:
- Cô có cha mẹ không? Ðã từ giã cha mẹ chưa?
Cô ấy đáp:
- Có cha mẹ nhưng chưa từ giã cha mẹ.
Thế Tôn bảo:
- Cô hãy đi từ giã cha mẹ rồi trở lại đây.
Cô ấy liền đứng dậy, đến chỗ cha mẹ, thưa với cha mẹ hết thảy mọi việc. Nghe xong, cha mẹ cô ấy hết sức vui mừng. Vốn đã trồng căn lành và sắp đắc đạo nên người mẹ bảo con gái:
- Con muốn theo đạo thì cứ theo. Cha mẹ cũng muốn cùng đến để gặp Thế Tôn.
Cha mẹ và cô ấy đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát đất rồi đứng qua một phía. Lúc ấy vì cô gái này, Thế Tôn thuyết pháp cho đại chúng nghe, dùng vô số phương tiện để thể hiện ý nghĩa các pháp như nghĩa mềm mại, nghĩa bố thí, nghĩa trì giới, nghĩa sanh thiên, nghĩa bất tịnh của dâm dục, nghĩa các kiết sử làm phát sanh các căn, nghĩa xuất gia, nghĩa các đạo phẩm. Thế Tôn giảng pháp bốn Thánh đế: khổ, tập, diệt, đạo. Ngay tại chỗ ngồi, cô gái ấy hiểu được pháp bốn Thánh đế. Cha mẹ cô ta đắc đạo A-na-hàm, cô ấy đắc đạo Tu-đà-hoàn.
Giống như tấm vải trắng dễ nhuộm màu, khi nghe pháp họ cũng vậy.
Khi ấy, cha mẹ cô ta chấp tay bạch Phật:
- Từ nay trở đi, con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y chúng Tăng. Xin hãy cho con làm Ưu-bà-tắc, trọn đời không sát sanh.
Bát-kiết-đề hiện đời đắc quả, cô ấy đảnh lễ sát chân Phật, chấp tay bạch Thế Tôn rằng:
- Xin Thế Tôn tha thứ cho những lỗi lầm của con. Xin Như Lai đừng quở trách con. Con như trẻ con, như người ngu si, người không biết thiện ác, đã có ý không tốt đối với A-Nan. Xin hãy tha thứ và cho con nhập đạo làm Tỳ-kheo ni để được nương tựa Thế Tôn, tu hành phạm hạnh.
Thế Tôn bảo A-Nan:
- Ông hãy cùng hai Tỳ-kheo ni đưa cô gái này đến chỗ các Tỳ-kheo ni kiết hạ, bảo với Ma-ha-bát-chá-bát-đề Cồ-đàm-di rằng: "Thế Tôn bảo cho cô gái này xuất gia thọ giới Cụ-túc".
Vâng lời Thế Tôn, A-Nan dẫn hai Tỳ-kheo ni và cô gái ấy đến chỗ Bát-chá-bát-đề Cồ-đàm-di và nói rằng:
- Thế Tôn dạy cho cô gái này xuất gia thọ giới Cụ-túc.
Ðại Ái Ðạo hỏi A-Nan:
- Sao vậy A-Nan?! Thế Tôn cho phép cô gái Chiên-trà-la theo đạo hay sao?
A-Nan đáp:
- Cồ-đàm-di, cô gái này đã đắc quả, vì sao không hành đạo được?
Ðại Ái Ðạo liền cạo tóc cho cô ấy xuất gia, thọ giới Cụ-túc, dạy oai nghi phép tắc. Cô ấy đắc tám giải thoát và đắc đạo A-la-hán.
Lúc ấy, Ðại Ái Ðạo dẫn cô ấy và năm trăm Tỳ-kheo ni đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một phía. Thế Tôn quán sát tâm ý của cô Bát-kiết-đề rồi hỏi:
- Cô còn muốn lấy A-Nan làm chồng không?
Tỳ-kheo ni ấy xấu hổ, quỳ xuống bạch Phật rằng:
- Tôn giả A-Nan là anh con, cùng học một pháp, cũng như nước hợp với sữa.
A-Nan phân vân không biết mình có phạm Tăng-già-bà-thi-sa không, liền hỏi các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo cũng không biết nên đến hỏi Phật. Thế Tôn đáp:
- A-Nan không phạm tội. Ðó là do chú Ma-đăng-già làm mê hoặc. Nếu có ai bị chú thuật mê hoặc nữa thì cũng không có tội.
TỲ NẠI DA
Hết quyển ba

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 10 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tổng quan kinh Đại Bát Niết-bàn


Vì sao tôi khổ


Dưới bóng đa chùa Viên Giác


An Sĩ toàn thư - Khuyên người niệm Phật cầu sinh Tịnh độ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.217.183.10 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập