Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Lời tựa
Hay thay! Liễu Hà Đông nói: “Nho giáo căn cứ vào lễ để lập ra nhân-nghĩa. Phật giáo dùng giới luật để giữ gìn định-tuệ”. Trong năm thời xướng giáo của đức Thế Tôn, thì kinh Phạm võng được xếp trước các kinh. Khi Thế Tôn thị tịch ở Song thọ, thì phải nhờ kim ngôn nơi giới học. Vì thế, học giới là con mắt của trời, người, là bến, cầu của phàm, thánh, chứ không có thuyết nào khác. Thế nhưng, vì sao chính pháp từ lâu đã suy vi, đến nỗi các giới đàn đóng kín, phải nhờ hai tổ ta là Linh Cốc, Thiên Hoa nương sức nguyện Đại thừa mà mở lại các giới đàn đã hoang phế, khiến cho tăng, ni khắp nơi đều biết lãnh thụ giới pháp? Từ đó, đạo mạch Nam Sơn trùng hưng rực rỡ. Nhưng đến khi thầy tôi thị tịch, thì hoàn toàn không có người chủ trương Luật học. Vì thế, nên ba học dần xa xôi, không ai biết tôn sùng ngưỡng mộ.
Thầy bổn sư giáo thụ của tôi là hòa thượng Kiến Nguyệt Thể, giữ tâm sắt đá, đủ thể kim cang, am tường năm bộ, đã nối tiếp ngài Thiên Hoa. Thầy tôi cảm khái, vì ngày nay trong nước đều truyền giới, khai đàn rất nhiều, nhưng hỏi về học xứ thì họ đều mờ mịt, như chưa từng nghe biết.
Tôi xem xét các giới đàn, thì thấy nghi thức và phép tắc rất sơ sài, tầm thường, không đúng qui chuẩn. Bởi chỉ trong vòng bảy ngày mà người thụ giới đã hoàn tất ba đàn. Trong đó, lại không phân biệt Đại thừa và Tiểu thừa và hai bộ tăng-ni cũng không chia khác. Họ xem thường việc tỏ bày sám hối, cho pháp yết-ma là văn xưa; lại không biết khai-già, việc vấn nạn chỉ làm qua loa, đại khái. Sau khi giới đàn giải tán, ghi tên họ trên ca-sa; ba nghiệp hoang sơ, giới bổn buộc kĩ lại ở lầu gác. Giới pháp của chư Phật xem giống như trò đùa của trẻ con, khiến cho tì-ni bị hủy hoại nặng nề.
Hòa thượng thương xót họ, nên bên trong chú trọng thân hành trì, bên ngoài nghiêm cẩn tác pháp, đồng thời siêng năng biên soạn để làm lợi ích cho đời sau. Ngoài luật đã chế định về bố-tát của Đại thừa và Tiểu thừa mà tăng phải hành trì, ngài còn biên soạn bộ Truyền giới chính phạm.
Qui tắc của ba đàn, đều có điều lớn, điều nhỏ, khoa nghi của bảy chúng thì rõ ràng và có thứ lớp. Siêng năng chỉ bày thì người trí-kẻ ngu đều được gội thấm đề-hồ, cẩn trọng yết-ma thì giới khinh-trọng được phân biệt đến từng điều nhỏ. Như thế thì không trái với bản xưa, mà lập ra khuôn phép mới. Giống như bảy việc bên sông Hô Đà, gươm giáo, áo giáp bỗng nhiên mới; ba quân bổ trợ các mặt, cờ hiệu đồng thời biến hóa. Đồng ý rằng thiên tụ là kim chỉ nam, nhưng mộc-xoa mới là mặt trời sáng tỏ.
Khi bản này lưu thông, được dùng làm phép tắc, thì không chỉ người chuyên môn truyền luật có đủ quy củ noi theo, mà người thiền luật song hành đều biết được phép tắc. Từ đây, cách thức đăng đàn tập thành, lại chẳng phải là sách chế định phép tắc ngày trước. Người xưa nói: “Lễ nhạc của ba đời đều đầy đủ hết ở nơi đây”.
Hễ người chiếm vị đăng đàn, ví như tâm vẫn giữ được hai lợi, thì mến thích sự tinh nghiêm của giới luật; đối với giới pháp sợ bảy tụ lỗi lầm, thì nhàm ghét các sư thô lậu đương thời. Nên nắm vững điều này đến mai sau thì mới được”.
Ngày Tị thượng tuần tháng ba, năm Canh Tí, niện hiệu Thuận Trị, đệ tử đồng môn giới Hiển Đốn ở Thiên Hoa núi Vân Cư, Nam Khang kính ghi.
QUYỂN 1
1. Đàn thứ nhất: Cách thức xin giới và sám hối trước khi truyền giới Sa-di
1.1. Tập hợp chúng ở tịnh đường
Muốn tác pháp, trước hết phải kết giới. Nếu ba lớp giới tướng đúng như pháp thì không có việc gì trở ngại, cho đến có thể làm thành tất cả mọi việc. Vì thế, luật qui định, chỗ Tăng cư trú đều phải căn cứ vào việc kết giới. Tăng hoằng truyền những chế định của luật, há vượt qua những điều này sao?
Người mới phát tâm vào già-lam theo Tăng xin giới, trước phải tập hợp Tăng, nêu phương hướng và kết giới xong. Tiếp theo là xin hòa thượng chỉ dạy ngày giờ. Sau khi hòa thượng chỉ định ngày giờ liền thưa với thầy dẫn lễ và tập hợp chúng ở tịnh đường. Tiếp theo là thông báo cho hai vị thầy a-xà-lê biết trước, rồi mới được vào phòng lễ thỉnh.
Khi kết giới, phải đuổi những người mới cầu giới ra ngoài, đến nơi mắt không thấy, tai không nghe. Nếu nơi nào từ lâu đã hành luật, giới trường xác định, thì không cần theo kì hạn xướng phương hướng.
Ghi chú:
Mấy ngày trước khi truyền giới sa-di, thầy dẫn thỉnh nhờ tịnh nhân quét dọn pháp đường. Ở giữa pháp đường đặt một chỗ ngồi và đốt hương, đèn cúng dường. Đến giờ, bảo tịnh nhân đánh kiền-trĩ. Nếu không có tịnh nhân thì sa-di cũng có thể làm thay việc này. Đánh kiền-trĩ bao nhiêu tiếng, phải theo pháp của Tăng dạy trong luật, đều có qui định. Nay chỉ tập hợp chúng nhỏ, nên chỉ cho phép đánh ba tiếng. Những trường hợp khác đều phải theo luật, không cần phải nói rõ ràng, cụ thể. Những người cầu giới, nghe tiếng kiền-trĩ tập hợp rồi, trước tiên chọn bốn người đến đỉnh lễ thầy dẫn lễ, lễ một lễ. Khi đã đến pháp đường, những người cầu giới đồng loạt lễ ba lễ và đứng dậy, người đứng đầu, chắp tay thưa:..
Chúng con tên… hôm nay phát tâm, chí cầu tịnh giới, nhưng vì tình trần che khuất đã lâu, không biết hướng về đâu, cúi xin các vị thầy dẫn lễ, vì người, không từ lao nhọc, rủ lòng dẫn đạo.
Thầy dẫn lễ nói:
Quí thay! Các người mới vào cửa luật, chưa rõ oai nghi, phép tắc, nay tôi sẽ giúp các người thưa với hai thầy a-xà-lê, đến phương trượng lễ thỉnh hòa thượng. Hòa thượng sẽ khai đạo cho các người. Tôi đã dò xét được sắp đến lúc hòa thượng lên tòa truyền mười giới sa-di cho các người. Bốn người đứng trước trong những người này bước ra, theo tôi cầu thỉnh hai thầy a-xà-lê, những người khác đứng yên.
Ghi chú:
Mọi người đều hướng về phía thầy dẫn lễ, đỉnh lễ một lễ rồi đứng ra hai bên.
1.2. Thưa với hai thầy
Nếu theo luật chế định thì khi truyền mười giới sa-di, chỉ thỉnh hòa thượng và yết-ma a-xà-lê, chứ không nói thỉnh giáo thụ a-xà-lê. Nhưng luật qui định, độ sa-di mười giới phải căn cứ theo ba độ tuổi:
- Từ 7 tuổi đến 13 tuổi thuộc hạng sa-di Khu ô.
- Từ 14 tuổi đến 19 tuổi đúng thật là sa-di Ứng pháp.
- Từ 20 tuổi trở lên đều thuộc sa-di Danh tự.
Nay những người cầu giới, tuổi đã đồng với sa-di Danh tự, vốn có ý muốn thụ giới cụ túc thành Tăng, nên nhờ vào danh vị của sa-di mới thích hợp tiến lên tì-kheo đại giới. Do đó, nếu không dạy bảo thì không biết rõ oai nghi; cho nên, phải cùng nhau thỉnh. Nếu có hai hạng người trên thụ giới sa-di, thì phải tuân theo những luật định.
Từ khi thỉnh hai vị thầy a-xà-lê đến tịnh đường đến đây, thì người thỉnh và người được thỉnh chớ đứng lẫn lộn nhau, để cho việc dạy bảo người sơ học được thuận tiện.
Ghi chú:
Một thầy dẫn lễ dẫn hai người đến phòng thầy yết-ma. Đến rồi, thầy dẫn lễ bước lên đỉnh lễ thầy yết-ma một lễ rồi đứng qua bên trái. Sau đó, thầy bảo hai người kia đỉnh lễ ba lễ. Thầy yết-ma nhận lời thỉnh rồi, theo đến pháp đường. Cách thức thỉnh thầy giáo thụ cũng giống như vậy.
Thầy dẫn lễ nói:
Các thiện nam tử, hãy cùng nhau đỉnh lễ ba lễ, quì gối, chắp tay.
Ghi chú:
Thầy dẫn lễ thay thế những người ấy thưa:…
Những người kia tên… muốn vào sáng mai xin quí đại đức truyền mười giới sa-di, nay thỉnh thầy yết-ma nhín chút thời gian cùng đến phương trượng kính thưa hòa thượng, từ bi cứu giúp. Cúi xin thầy yết-ma mở bày phương tiện, chứng giám những kẻ ngu này.
Thầy yết-ma nói:
Này các thiện nam tử, lòng tin giới khó phát, nhưng ý chí giữ giới còn khó hơn gấp bội, các người đã phát tâm thụ giới rồi, mong muốn giữ gìn thanh tịnh, đều là sớm gieo nhân lành, nên nay mới gặp hội đặc biệt này. Tôi sẽ thay các người đến phương trượng, thưa lại với hòa thượng và trình bày lời thỉnh cầu chân thành, thiết tha của các người, để hòa thượng truyền mười giới sa-di cho các người.
Thầy dẫn thỉnh nói:
Tất cả đứng dậy! Nghe tiếng khánh, đỉnh lễ ba lễ, chia thành hàng.
Ghi chú:
Người đón rước đưa thầy yết-ma trở về phòng. Lại thỉnh thầy giáo thụ. Cách thức thỉnh giống như trên. Nhưng trong lời thưa, chỉ thay đổi hai chữ ‘giáo thụ’ thôi.
Thầy giáo thụ nói:
Này thiện nam tử! Tin là cội gốc để vào đạo, giới là gốc để thành tựu các điều thiện. Nay các người đã chán đời sống thế tục, bỏ nhà, cầu thụ tịnh giới, cội gốc của phép tắc vốn có căn cứ, là công đức xuất thế, tự nhiên phát sinh, ắt cần phải siêng năng nổ lực, cẩn thận trước sau, duyên lành này thật khó gặp, đều là hạt giống lành từ nhiều đời trước. Tôi thay các người đến phương trượng, thưa lại với hòa thượng và trình bày lời thỉnh cầu chân thành, thiết tha của các ông, để hòa thượng truyền mười giới sa-di cho các người (Việc đỉnh lễ cũng như thế).
1.3. Xin giới và khai đạo
Luận Tì-bà-sa của Tát-bà-đa bộ ghi: “Đối với những người sắp thụ giới, trước phải nói pháp cho họ nghe và giảng dạy cho họ hiểu”.
Ở đây ý muốn nói là thúc giục họ phát tâm; ấy là muốn cho người hiểu rõ mục đích của giới. Nay chỉ dùng hình tướng y và bát để truyền thụ giới thể trọn vẹn. Nếu thật sự cho rằng chấp sự, mê lí thì hoàn toàn không biết phải giữ kĩ tướng y, bát. Đây chính là trình bày tác dụng của dừng lại và hành động (chỉ và tác). Nếu có thể bên trong giới thể nghiêm trang thì các nghiệp nhiễm ô tự nhiên đoạn trừ. Bên ngoài nhờ vào y, bát mà oai nghi mới được yên tĩnh. Rồi sau, tính-tướng đều đủ, ngoài-trong như nhau; ngõ hầu đạt được định-tuệ, đầy đủ phạm hạnh.
Cho nên Đại luận ghi: “Thích tử! Thụ cấm giới là tính của sa-môn, cạo tóc, cắt vải, may y là tướng của sa-môn”. Chính là điều mà ở đây muốn nói. Cho nên, nay ở trước những người chưa thụ giới sa-di đỉnh lễ hòa thượng, hòa thượng sẽ chỉ dạy cho các người. Cách thức thưa thỉnh ấy sẽ được lặp lại trong lúc truyền thụ giới, nên nay không nói thêm.
Ghi chú:
Thỉnh hòa thượng thì cần phải đủ chín người. Một người đứng đầu cầm hương đi trước, vị dẫn lễ đánh dẫn khánh cùng tám người đi theo sau. Hai vị thầy lại đi sau họ. Đến phương trượng rồi, vị dẫn lễ và những người đến thỉnh đứng hai hàng. Hai vị thầy đỉnh lễ hòa thượng rồi đứng qua hai bên. Người thỉnh đỉnh lễ ba lễ, rước hòa thượng đến pháp đường, lên tòa. Hai vị thầy đến trước đỉnh lễ hòa thượng ba lễ rồi ngồi.
Thầy dẫn lễ nói:
Cắm hương lên, trở về chỗ cũ, tất cả xếp hàng, theo thứ tự hướng lên trên, nghe tiếng khánh, đỉnh lễ ba lễ, quì gối, chắp tay.
Thầy yết-ma nói:
Các thiện nam tử! Các người đã phát khởi lòng tin, cầu thụ tịnh giới, tất cả những lời xin giới, nay vị đứng đầu sẽ chí thành thưa: (Người đứng đầu thưa:..).
Ngưỡng bạch hòa thượng từ bi tiếp nhận, đệ tử chúng con tên… dù mang hình thức xuất gia đã lâu, nhưng thẹn vì chưa thấm giới pháp ấy, mà chỉ gọi Thích tử suông, trà trộn vào hàng ngũ của Tăng. Cho nên, nay chúng con cúi mình trước quí ngài, cầu mong quí ngài rủ lòng thương xót ban cho đệ tử chúng con tên… giới phẩm thanh tịnh, như pháp tinh tu, theo lời hành trì, hồi hướng ba hữu, chúng con vô cùng chí thành cầu khẩn.
Thầy dẫn lễ nói:
Đỉnh lễ một lễ.
Hòa thượng vỗ thủ xích và nói:
Tại gia, xuất gia, trong đó vốn không có nhân và hiếu; được niệm, mất niệm, trong đó không động đến tơ hào; thấy, nghe, biết, không có gì chẳng phải là pháp thân thanh tịnh; sáng, tối, sắc, không đều là diệu độ viên dung. Thế thì, người người đều đầy đủ, mỗi mỗi đều như thế. Nhiễm-tịnh vốn chẳng khác, há có tướng lấy-bỏ ư?
Tại sao ở trong chỗ không có sự ràng buộc lại cầu giải thoát? Không thể nào một chúng sinh mê chướng, thức tính ngu muội mà có thể đem diệu thể của nhất chân lầm chia làm thân chúng sinh và thân mình; lấy giác trường bất nhị dối cho là nhà mình, nhà người. Vì nương vào đây nên bị trói buộc trong tham ái, buông thả theo sân si, chìm đắm trong trần lao, luân hồi không dứt, từ mê chứa mê, không suy nghĩ, không soi sáng lại, lấy khổ vào khổ, mãi không chán lìa.
Cho nên, tất cả các Đức Phật xuất hiện ở thế gian, vì thương xót, cứu vớt tất cả chúng sinh bị chìm đắm. Ngài biết chúng sinh tham dục, phần nhiều vì có nhà, nên chỉ bày cho chúng sinh biết con đường xa lìa để chúng xuất gia. Biết chúng sinh bị trói buộc là đều do thích ân ái, nên Ngài chỉ cho chúng sinh biết đường giải thoát để chúng bỏ ân ái.
Vì thế, kinh Hoa nghiêm ghi: “Người nào không biết pháp xuất gia, ưa thích sinh tử, không cầu giải thoát, cho nên Bồ-tát bỏ nước, bỏ tài sản, vì chúng xuất gia, cầu đạt được sự tịch tĩnh”. Kinh Bảo tích ghi: “Không có người tại gia tu tập đạo vô thượng chính giác. Vì sao? Vì người tại gia tham tích chứa, người xuất gia hay xả bỏ; người tại gia còn thấy có người và mình; người xuất gia bình đẳng; người tại gia còn bị nhơ uế, người xuất gia đạt được tịch tĩnh; người tại gia bị cuốn hút bởi pháp ác, người xuất gia được cuốn hút bởi pháp thiện; người tại gia bị chìm đắm trong bùn lầy ái dục, người xuất gia thoát khỏi bùn lầy ái dục”.
Từ đây mà biết, muốn cầu thánh đạo, trước tiên cần phải xuất gia. Cho nên, đức Thế Tôn Thích-ca của chúng ta từ cõi đời ứng tích, nửa đêm vượt thành, thúc ngựa trắng vượt trên không, đến rừng xanh, cắt tóc; lôi âm đã chấn động; năm người được độ đầu tiên gọi là thiện lai tì-kheo; mưa pháp mới thấm, pháp yết-ma truyền khắp bốn phương. Mãi đến nay con người mới nhận được sự ban bố ấy.
Này các thiện nam tử! Nhờ các ông đã gieo trồng nhân lành từ trước, nên nay mới gặp được thánh ân, lìa bỏ tham dục, xuất gia, thành tựu tướng của Tăng. Người có tâm tốt lên đàn thụ giới nếu không biết nghĩa của giới là gì, thì chỉ có ‘danh’ lên đàn, chứ không có ‘thật’ thụ giới, uổng phí một đời mà thực chất chỉ là bạch y. Vì thế, trước khi thụ giới, tôi chỉ dạy cho các ông biết về ý nghĩa bốn loại giới pháp, giới thể, giới hành, giới tướng của sa-di, để tâm các ông được sáng tỏ, để truyền thụ đúng pháp, để biết cách hành trì, không trái luật qui định.
Giới pháp chính là khi đức Phật bảo tôn giả Xá-lợi-phất độ La-hầu-la xuất gia đầu tiên. Ngài chế mười chi tịnh giới, hai mươi bốn môn oai nghi và trong vòng mười hai năm vì vô sự tì-kheo đặt ra các học xứ, và đặt ra tất cả tùy luật oai nghi v.v… cho sa-di.
Giới thể chính là lúc các ông chính thức thụ giới, dùng tâm hiện tiền của thức thứ sáu, khi liên tưởng đến đã qui y Tam bảo rồi và duyên với tất cả cảnh của tình và phi tình. Trên cảnh sở duyên ấy phát thệ muốn ngăn ngừa điều ác, thệ muốn tu công năng thiện.
Giới hành chính là các ông không ai không thích an nhàn, ghét mệt nhọc; chán phức tạp, muốn đơn giản. Nay các ông đã bước đầu vào đạo, thì trước tiên phải thực hành các phép thờ thầy; tiếp theo phải làm các việc của Tăng-già. Cho đến, các hành nghiệp nhỏ nhặt khi sớm-tối, lúc động-định đều căn cứ theo giới mà thực hành. Cho nên, gọi đó là giới hành.
Các ông không ai không sinh ra, lớn lên ở tục đế, hình chất v.v… giống với phàm phu. Nay may mắn đạt được giới phẩm, bên trong thì có đức từ hòa, bên ngoài thì mặc y truy man. Lại được ở chung với đại chúng, tới lui đều mong được thong dong; đạo nghiệp xuất thế, nhờ giới mới thành; bị chút trái ngược liền gọi vi phạm. Cho nên, gọi đó là giới tướng.
Các ông có thể tin, hiểu, suy nghĩ; suy nghĩ rồi giữ gìn; cung kính, tuân theo luật định, bảo vệ, vun bồi gốc đức; ngõ hầu, trên khế hợp ý chỉ mà Như Lai dùng giới thâu nhiếp chúng sinh, dưới không thẹn với danh tiếng dứt nhiễm, từ bi cứu giúp. Có thật các ông có thể chí thành tiếp nhận phụng hành đúng như pháp không?
Nay tôi sai các vị thầy dẫn lễ thay các ông trước thỉnh giáo thụ a-xà-lê kiểm tra y, bát. Tiếp theo thỉnh yết-ma a-xà-lê chỉ dẫn các ông sám hối, tẩy rửa thân tâm. Nếu y, bát đúng phép, thân không có trở ngại, thì ngày mai lên đàn truyền mười giới sa-di cho các ông và làm bậc thềm của giới tì-kheo.
Thầy dẫn lễ nói:
Các thiện nam tử hãy đồng đứng lên, nghe tiếng khánh, lễ tạ ba lễ, chia thành hàng. Những người đón thỉnh bước ra khỏi hàng đưa hòa thượng trở về phương trượng.
Ghi chú:
Hai thầy lui xuống dưới, đỉnh lễ ba lễ rồi, cùng thầy dẫn lễ, tất cả chúng đưa hòa thượng về phương trượng. Rồi trở lại pháp đường, đỉnh lễ hai thầy lần nữa. Đỉnh lễ xong, dẫn hai người đưa thầy về phòng. Tiếp theo là lễ tạ các vị thầy dẫn lễ. Sau đó, theo thứ tự giải tán, và đợi kiểm tra y rồi làm phép yết-ma.
1.4. Kiểm tra y, bát
Nếu luận về qui cách của y sa-di, thì theo luận Tì-bà-sa của Tát-bà-đa bộ ghi: “Sa-di được phép chứa hai y trên và dưới. Một cái tương đương với y An-đà-hội, để đắp khi đi qua lại; một cái tương đương với y Uất-đa-la-tăng, để được thanh tịnh vào chúng”. Trong bộ luật Căn bản ghi: “Sa-di nhận y man điều, nếu đủ hai mươi tuổi thì có thể truyền giới cận viên. Nhưng thầy của những vị ấy phải chuẩn bị đủ ba y và một bát cho họ”.
Nói ‘tương đương’ tức không giống như y năm điều của tì-kheo phải cắt thành một miếng dài, một miếng ngắn; y bảy điều cắt hai miếng dài, một miếng ngắn may thành; giống như bờ ruộng. Nhưng chỉ thụ trì tên gọi năm, bảy điều, chứ không cắt may thành tướng năm điều, bảy điều.
Ở đây gọi ‘y man điều’ là y không có điều tướng. Đến khi thụ cận viên, phải xin thầy vải, rồi mới cắt thành điều tướng. Về ý nghĩa thì hợp với qui định của luật, luận. Nói chung là như thế.
Nhưng ở đây không bàn về ba loại sa-di, mà tự ý cắt ba y thành hình thửa ruộng, cũng không xét rõ chúng bắt đầu từ lúc nào. Phải theo tập quán từ xa xưa, chứ chưa thể thay đổi liền được.
Từ năm Bính Tuất, tôi bắt đầu truyền giới và từ từ giảng giải Tì-ni, đến mùa đông năm Giáp Ngọ mới bỏ cách thức hiện tại theo cách thức xưa. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng thực hành theo những điều Phật chế định. Trong thời gian ấy, tôi cũng áp dụng các phương tiện, như nếu người muốn thụ giới sa-di từ 7 tuổi đến 19 tuổi thì nhất định phải đắp y trơn. Nếu người đủ 20 tuổi trở lên, quyết chí đăng đàn thụ cụ, thì không phải chỉ giữ những việc của sa-di mà thôi. Nhưng cũng không được vượt qua thứ tự tiến lên, không được vượt cấp.
Vì thế, ở trong bản giới tạm cho phép thụ trì hai y có hình thửa ruộng, chỉ không cho phép đắp y Tăng-già-lê mà thôi. Do đó, nay truyền giới sa-di thiếu một trong ba y là không được. Đợi sau khi các nghi thức xin giới hoàn tất, hòa thượng nói: “Trước tiên nhờ thầy giáo thụ kiểm tra y bát, tiếp theo nhờ thầy yết-ma kiểm tra thân thể”.
Theo trong luật, khi thụ giới tì-kheo, Tăng sai thầy giáo thụ dẫn những người sắp thụ giới đến chỗ khuất và hỏi: “Ba y, một bát này có phải của các ông không?” Đây gọi là kiểm tra y, bát. Nhưng nay mới truyền giới sa-di mà đã kiểm tra y, bát, làm như vậy dường như là quá sớm. Song, theo thời gian, chẳng còn giống như xưa, lòng người dối trá càng nhiều, vốn họ mượn y, bát, nhưng khi hỏi: “Y, bát này có phải của ông không” thì họ trả lời là phải. Và sau khi thụ giới xong, họ đem trả lại cho chủ cũ. Như vậy, tức là làm rối loạn qui tắc của các bậc thánh trước, là lừa dối tịnh chúng ở trên đường. Cho nên, nếu không kiểm xét trước, thì thầy và trò khó tránh tội. Vì thế, nay đặt ra nghi thức này, là việc rất cần thiết.
Ghi chú:
Hòa thượng khai đạo xong, nghỉ một chút, lại đánh kiền chùy. Người mới xin giới cùng ôm y, bát đến nơi tác pháp. Khi ấy, thầy dẫn lễ bảo mọi người ngồi theo thứ tự, đem y, bát đặt lên bàn, nhớ lấy đúng y của mình và đứng theo thứ bậc, đừng để xảy ra lẫn lộn, dẫn đến mất oai nghi. Hai vị thầy dẫn lễ dẫn năm người đi thỉnh sư, một người cầm hương, bốn người kia đi theo sau. Đợi đến khi các sư đến đường, ngồi vào chỗ ngồi mới thôi.
Thầy dẫn lễ nói:
Dâng hương lên, trở về vị trí, cùng nhau hướng lên trên, nghe tiếng khánh, đỉnh lễ ba lễ, quì gối, chắp tay.
Ghi chú:
Hai thầy dẫn lễ hướng lên trên cùng hỏi thăm, rồi trở về vị trí, chắp tay thưa.
Thiện nam tử! Tuy hình dáng các ông giống sa-di, nhưng tâm chưa thấm nhuần giới pháp; đã cầu giới luật của sa-di, thì phải mặc pháp phục xuất thế. Cho nên, nay tôi vâng lời hòa thượng chỉ dạy, thay các ông mời thầy kiểm tra y, bát; những lời vị ấy hỏi, các ông phải lắng nghe kĩ.
Thầy giáo thụ vỗ thủ xích, nói: “Điều cốt yếu của người xuất gia là lấy giới hành làm đầu; điều kiện chính của việc thụ giới, y, bát là gốc.” Bởi vì, dáng vẻ cử chỉ của hàng Thích tử khác xa người trần tục. Tâm lượng của hàng Thích tử không giống với phàm tình. Nếu đủ ba y mới xứng đáng biểu trưng cho tính-tướng nương tựa nhau; một bát không lìa, mới đáng cầu ít mà biện đạo.
Nay các ông muốn xin giới phẩm, nếu không có y, bát, mà mượn của người khác, thì dù thụ giới rồi, cũng không đắc giới. Nếu giới sư biết mà vẫn cố truyền giới, thì rơi vào trường hợp phi pháp. Cho nên, trước khi thụ giới, tôi phải kiểm tra tất cả. Nếu các ông đầy đủ những điều kiện chính thì tướng xuất gia thành tựu, có thể gọi là đúng pháp, đúng luật, đúng như Phật dạy, làm cho các ông đều đắc giới thanh tịnh, là hàng Thích tử chân thật (vỗ thủ xích một cái).
Nay tất cả y, bát ở trước mặt có phải tự các ông sắm sửa không? Mọi người đáp: Dạ phải.
Thầy giáo thụ nói tiếp: Mọi người đều có đủ ba y, bát thì rất tốt. Nhưng sợ trong đây lẫn lộn ba y cũ rách và y được dệt bằng lụa năm màu chính. Tuy nay chỉ cho phép sa-di thụ trì hai y, nhưng các ông đều đã đủ tuổi, không lâu nữa sẽ lên bảo đàn, mong thụ giới cụ túc được viên mãn, cho nên phải kiểm tra trước, chớ để gần đến giờ rồi thì làm qua loa đại khái.
Đối với bát mà các ông đã sắm sửa, cần phải đúng cách thức mới được thụ trì. Nếu người mới xa trần thụ giới, liền đắp những ca-sa cũ rách, thì phải biết nhân tâm cầu giới của người ấy không tốt. Nếu người mới chán đời sống thế tục xuất gia, liền chọn loại lụa quí trọng thì người ấy chưa trừ được thói quen thích tốt đẹp. Như ba y của tôn giả Ca-diếp vá hàng trăm miếng; như tôn giả Kiều-trần-như mặc y vải bố giá năm tiền; như ngài Hành Nhạc suốt đời chỉ mặc bằng vải bông; ngài Nam Sơn dứt hẳn tơ lụa; các tổ Ấn Độ, Trung Quốc trong sạch, tiết kiệm như thế. Những người tầm thường như chúng ta đây, có thể không thể bắt chước sao? Vì thế, nay tôi phải đứng ra, kiểm tra kĩ từng người, để tiện thưa lại với hòa thượng.
Thầy dẫn lễ nói: “Các thiện nam tử, lễ một lễ rồi đứng dậy. Rồi mỗi người trở về chỗ để y, bát của mình, đợi thầy đích thân đến kiểm tra kĩ”.
Ghi chú:
Thầy (giáo thụ) bước ra, các thầy dẫn lễ đi theo kiểm tra kĩ từng người một. Nếu có trường hợp y bị cũ rách, y mượn, y dệt may bằng loại lụa có màu sặc sỡ, thì thầy giáo thụ lựa lời dạy bảo, làm cho họ vui vẻ theo luật chuẩn bị lại. Nếu vì tình riêng mà làm trái với luật thì không phải bậc thầy gương mẫu. Những người biết pháp há không cẩn thận sao? Kiểm tra xong, thầy giáo thụ và thầy dẫn lễ đều trở về chỗ của mình.
Thầy giáo thụ vỗ thủ xích nói:
Tôi đã kiểm tra y, bát của các người rồi. Cũng may y, bát của các người đều đầy đủ, đúng pháp và đủ điều kiện, mong rằng có thể thụ tịnh giới. Đêm nay phải chí thành sám hối, để ngày mai đến đàn nhận giới.
Thầy dẫn lễ nói:
Này các thiện nam tử, tất cả đều xếp hàng ngay ngắng, nghe tiếng khánh, đỉnh lễ ba lễ, rồi đứng dậy chia thành hàng để những người đưa đón, đưa các thầy giáo thụ trở về phòng. Những người khác đứng yên tại chỗ.
Ghi chú:
Đưa các thầy trở về phòng như thường lệ rồi, những người ấy trở lại chỗ để y và cùng lễ lạ các thầy dẫn lễ một lễ; rồi mọi người lấy y, bát của mình theo thứ tự mang về chỗ cũ, thầy dẫn lễ đi theo sau.
Mục đích của việc kiểm tra y, bát này là đề phòng những vật dụng hằng ngày không đúng pháp, chứ không phải vì y, bát của những tì-kheo đã qua đời mà đặt ra pháp già nạn. Gần đây, có lời truyền sai lầm rằng y, bát của những tì-kheo đã qua đời, người sống không được sử dụng. Những trường hợp ấy đều chưa biên tập vào Tì-ni, nên không biết vì sao.
Theo pháp yết-ma phân chia y, vật của tì-kheo đã qua đời được ghi trong Luật: “Phàm các tì-kheo tuy nương Tam bảo xuất gia, nhưng tài, vật đều nhờ Tăng mới có, nên không chia cho Phật, Pháp mà chỉ xung vào hai bộ Tăng và phải yết-ma phân chia những tài, vật đó. Nếu chưa yết-ma mà lấy riêng thì mắc tội với mười phương Tăng. Nếu trong khi đang làm pháp yết-ma mà lấy riêng thì mắc tội với hiện tiền Tăng. Nếu đó là tài vật do Tăng tập hợp, hòa hợp như pháp bạch nhị yết-ma trao cho, thì ai nói là không dùng? Còn nếu nói y của người chết không được sử dụng, nhưng Đức Phật cho phép những tì-kheo hành hạnh đầu-đà được dùng những y phục của người mất, giặt sạch, khâu vá, may y phấn tảo. Vậy ý này làm sao hiểu cho thông? Vì vật của tì-kheo đã qua đời, ít thấy và cũng ít nghe nói đến, nên cứ theo luật yết-ma rồi tự nhiên sử dụng.
Ngày nay, thường thấy y vật của sư trưởng qua đời để lại những người đệ tử tiếp nhận như con thừa hưởng tài sản của cha, không phân chia cho chúng, mà hoàn toàn không biết đó là trộm vật của Tăng, lấy làm tài sản của mình. Giống như lấy thuốc độc dụ người, lại còn cho rằng cam-lộ; thật đáng thương!”
Nhân nêu lên sự tuyên truyền sai lầm, nên ở đây giải thích thêm.
1.5. Tỏ bày tội lỗi và sám hối
Quá trình người mới thụ giới tự nói tội có nhiều sai khác; về ý nghĩa ước lượng nhân-pháp có bốn trường hợp: 1. Vừa mới xuất gia liền xin thụ giới; 2. Cạo tóc đã lâu, nay mới xin thụ giới; 3. Xuất gia đã lâu năm mà chỉ giữ năm giới, nay muốn tiến tu, nên xin thụ cụ túc giới; 4. Lúc còn ở nhà đã từng thụ năm giới và đã thụ giới ưu-bà-tắc Bồ-tát, nay lại xuất gia, xin thụ đại giới. Căn cứ vào bốn trường hợp trên, đến giờ tác pháp phải chia làm ba môn, chứ không được đánh đồng tất cả, mà làm cho thuốc và bệnh trái nhau; và làm cho ba yếu tố: nhân, pháp, sự đều thành sai trái.
- Xét trường hợp xin giới thứ nhất: Nếu căn cứ theo pháp yết-ma thụ mười giới của ngài Nam Sơn thì phải hỏi già nạn. Thế nhưng, chỉ hỏi năm tội nghịch, gọi là giới chướng. Nếu người ấy phạm năm tội nghịch thì ngăn hoặc đuổi; vì luật qui định không cho phép. Đối với người phạm bốn khí căn bản như giết hòa thượng a-xà-lê v.v… không cần phải hỏi rõ. Vì sao? Vì khi người kia mới xuất gia, liền xin thụ giới, mà chưa biết Tam sư, nên bốn khí cũng chưa thụ trì. Vì thế, không có thầy có thể giết, không có giới có thể phá; và chỉ xét kĩ năm tội nghịch, chứ không hỏi bảy tội nghịch.
- Xét trường hợp xin giới thứ hai: Hỏi về sự chướng ngại của giới, tuy không đủ bảy tội nghịch, nhưng về nghĩa có sáu tội nghịch. Bởi vì, xa lìa đời sống thế tục đã lâu, hầu thầy nhiều năm; vì thế, theo luật, thì phải thêm một câu hỏi ‘giết xà-lê’ nữa. Vả lại, năm bậc a-xà-lê trong luật thì thầy cạo tóc là người đứng đầu. Nếu người nào phạm, theo pháp thì không cho thụ, theo lí phải đuổi.
- Xét trường hợp xin giới thứ ba và thứ tư: Theo các kinh, luật, bảy loại tội nặng, bốn khí căn bản, theo lí phải hỏi kĩ. Vì những người xuất gia, tại gia kia đã từng nhận giới phẩm, nên mỗi người đều có hòa thượng a-xà-lê và nhận giữ mỗi mỗi việc trong bốn khí căn bản. Đã không khác với hai hạng người trên thì nên tập hợp riêng một nhóm để xem xét họ.
Bốn cách vấn nạn vừa nêu ở trên, đều tuân theo luật qui định. Nhưng thời bấy giờ không có Phật ở đời, năm trược giao xen nhau, hoặc phạm vào quốc cấm, muốn nương vào cửa không; nếu không xét kĩ và chứng minh rõ ràng thì làm sao có thể gọi là pháp môn nội hộ. Vì thế, nay trình bày tổng quát mục này, đặc biệt thêm vào phần ‘hỏi rõ mười điều ác’. Những người có trách nhiệm ở các ti sở phải hết sức cẩn thận với những việc này.
Cách thức tác pháp sám hối ấy, hoặc cử hành ngay trong ngày, hoặc để cách đêm. Nếu vì luật đường tối vắng, cách xa nơi ồn ào, người cầu giới ít. Nếu không có những nguyên nhân khác thì phải cử hành pháp sám hối ngay trong ngày ấy. Nhưng trước phải xem xét, sám hối, tiếp theo mới nhận giới pháp. Tuy luật đường ở nơi hẻo lánh, nhưng người cầu giới nhiều, thì hoặc tập hợp hàng trăm người, cho đến gấp đôi số đó và có việc thuộc về Tam bảo v.v… thì có thể cách đêm sám hối. Sáng sớm ngày hôm sau thụ giới, nếu luật đường gần với thôn, thành, thì không kể là người cầu giới nhiều hay ít, chỉ cần đúng lượng và hợp căn cơ. Đúng ngày hoặc qua đêm tùy nghi tác pháp đều được.
Nếu xét hỏi người sám hối phải cách đêm thì vào lúc đầu đêm phải trải một chỗ ngồi trong nhà yết-ma và cúng dường hương, hoa. Lại đặt một cái bàn lệch một bên sau tòa chính. Đợi thầy thư kí ghi chép số người rồi, bảo mọi người đốt đèn đuốc sáng rực như ban ngày; khói hương ngào ngạt, che trùm như mây, nhờ không khí trang nghiêm này khiến cho lòng người kính cẩn, tự nhiên không che giấu những lỗi lầm xưa và trình bày hết những sai phạm. Lúc tác pháp, nếu có bạch y và dân chúng xen vào thì vị thầy dẫn lễ kia phải tìm cách mời họ ra, làm cho mọi người đều được vui vẻ.
Ghi chú:
Đến giờ, đánh kiền chùy, tập hợp những người cầu giới. Nghi thức thỉnh thầy yết-ma được tiến hành như thường lệ. Sau khi các thầy đến điện đường, lễ Phật, lên tòa rồi, đốt hương, dâng hương, cử tán.
Thầy dẫn lễ nói:
Dâng hương lên! Những người đón rước bước ra khỏi hàng, đỉnh lễ ba lễ, đứng dậy, chắp tay. Các giới tử cùng tụng thần chú Đại bi với tôi. Nhờ sức thần chú này mà làm cho đàn tràng được thanh tịnh, xa lìa các ma chướng.
Ghi chú:
Khi tụng thần chú, mọi người chớ có làm thinh để cầu an ổn và phải biết mỗi mỗi người đều có đàn tràng, đều có ma chướng. Nếu không chí thành mà tụng niệm thì làm cho tội lỗi trước tăng thêm. Tụng chú xong.
Nam Mô Cam Lộ Vương Bồ-tát ma-ha-tát (3 lần).
Thầy dẫn lễ nói:
Này các thiện nam tử! Các người hãy bước lên phía trên, xếp hàng, nghe tiếng khánh, đỉnh lễ ba lễ, quì gối, chắp tay, lắng nghe, chớ suy nghĩ gì khác. Hôm nay hòa thượng sai chúng tôi dọn dẹp pháp đường sạch sẽ, đốt hương, trải tòa, cung thỉnh luật sư…. làm thầy a-xà-lê xét tội, sám hối cho các người.
A-xà-lê là phiên âm tiếng Phạn. Trung Quốc gọi là Quỹ phạm hay cũng gọi là Chính hành. Quỹ phạm có nghĩa là có thể làm khuôn phép cho người học đời sau; đúng nghi thức, đúng phép tắc, vì để tu hành. Chính hành có nghĩa là uốn nắn làm cho đệ tử đúng đắn, tâm ngay, hành thẳng, vì hướng đến chân chính; tẩy rửa thân phàm phu thành đạo khí; cắt cỏ ái để phát hoa tâm; tất cả đều nhờ vị thầy này chỉ dạy đúng như luật; theo pháp sám hối. Nếu không nhờ vị thầy rửa sạch ba nghiệp, giúp hiển bày nhân chính thì chỉ nhìn biển lớn Phật pháp mà thoái lui. Nay may mắn gặp được thầy, giống như người bệnh gặp được thầy thuốc. Vì thế một lòng tha thiết thỉnh cầu.
Lẽ ra về văn thỉnh sư các người phải tự trình bày, nhưng vì sợ các người không làm được nên nay tôi hướng dẫn các người. Các người tự nói pháp danh của mình. Những lời khác các người đều nói theo tôi.
Đại đức một lòng nhớ nghĩ, đệ tử chúng con tên là… nay thỉnh đại đức làm a-xà-lê xét tội, nhận sám hối cho chúng con, xin đại đức làm a-xà-lê xét tội, sám hối cho chúng con. Chúng con nương theo đại đức được sám hối đúng pháp. Xin thương xót cho chúng con (thỉnh như thế 3 lần, lạy 3 lần).
Thầy a-xà-lê vỗ thủ xích nói:
Tính thể tròn sáng, vốn không sinh diệt, tình trần che tối, nên mới có phàm-thánh. Vì thế, phải mau mau thức tỉnh, có thể tùy thời tiến tu. Nhưng, cửa ngõ đầu tiên để vào đạo cốt ở chỗ biến nhiễm thành tịnh. Nếu tâm nhiễm chưa đoạn thì nghiệp ác từ đó mà sinh; niệm tịnh hiện tiền thì phạm hạnh mới lập. Nay tôi đến pháp đường vì để sám hối ba nghiệp cho các ông; đây cũng chính là cách biến nhiễm thành tịnh. Bởi, bốn châu, sáu đường, chỉ có loài người ở Nam Diêm-phù-đề mới thật sự gần giai vị với Phật và dễ tiến tu.
Hôm nay, các ông may mắn được tham dự vào hàng ngũ xuất gia, hầu mong vượt qua ba cõi. Trộm nghĩ các người từ khi sinh đến nay, ở trong các hữu hoặc tạo nghiệp nhân bất thiện sâu dày; đã ngăn trở con đường xuất thế, còn trở ngại dịp tốt để thụ giới. Vì thế, cần phải rửa sạch cái bình lưu li, mới có thể đựng đầy sữa sư tử. Giờ này, các người ở trước giảng đường sám hối, giống như trời quang mây tạnh, hình ảnh rõ ràng; giống như đứng trước đài gương sáng thì mặt mày đều hiện rõ. Các người đều phơi bày tâm can, thành khẩn bỏ cũ theo mới, có thể ở trước tôi, mỗi mỗi dốc hết lòng thành bày tỏ, nếu biết mình có tội thì phải hổ thẹn; nếu người nào không thổ lộ, cố tình che giấu thì dù có thụ giới cũng không đắc giới. Vì sao? Vì nhiễm-tịnh đan xen, tội-phúc lẫn lộn, thì không ích lợi gì cho đạo. Như vậy thì làm sao chứng đạo?
Điều quan trọng của việc sám hối phải có sức tin lớn, phải sinh hổ thẹn mạnh. Kinh Niết-bàn ghi: “Có hai bạch pháp, có thể cứu chúng sinh; một là ‘tàm’, hai là ‘quí’”. Tàm là tự xấu hổ với mình. Quí là thổ lộ với người.
Kinh Tạp A-hàm ghi: “Nếu ở thế gian không có hai pháp ‘tàm và quí’ thì trái ngược với đạo thanh tịnh, thuận với sinh, già, bệnh, chết. Vì thế, nên sinh tâm ‘tàm-quí’ và tin sâu nghiệp quả”. Nay các người mới bước vào cửa giới luật, nên không biết danh tướng của giới chướng; danh tướng mà không biết thì cũng giống như là không quan tâm. Cho nên, trước tôi theo kinh, luật trình bày rõ ràng cho các ông biết. Các ông phải lắng nghe và suy nghĩ kĩ, suy xét mình có hay không có, trong chốt lát, rồi thứ tự xếp hàng, thổ lộ hết sự thật (vỗ thủ xích một cái).
Giới chướng tức là những gì mà ý căn các ông nhớ nghĩ từ xưa đến nay.
- Năm tội nghịch và mười nghiệp ác: là những tội nghiệp rất nặng.
- Sáu tội nghịch và mười nghiệp ác: là những tội nghiệp rất nặng.
- Bảy tội nghịch, mười nghiệp ác và bốn tội nặng: là những tội căn bản nặng.
Nếu người nào phạm một trong những điều đó thì gọi là giới chướng. Đây chính là những điều mà luật định và ngăn cấm, không cho thụ giới. Dẫu có nhân duyên cho phép cứu giúp thì vẫn phải chia làm cơ và giáo để thích hợp với môn sám hối.
Nếu là người thượng trí, căn tính lanh lợi thì phải tu thiền định sâu, làm cho gốc tuệ phát sáng; quán thân-tâm như huyễn, năng-sở đều không, rõ tự tính chân thường, các pháp không thật, một niệm tương ưng, hợp với lí như như, chứng nhập Vô sinh. Đây là lí sám thuộc tuệ môn. Chẳng nên cho rằng phiền não vừa dứt, liền nói bước vào đạo tràng giải thoát. Tính nghiệp chưa sạch không mà vội cho rằng đã vào biển tịch diệt. Trường hợp này cần phải lí quán rõ ràng, thật chứng vô sinh mới được gọi là hoa tội rơi rụng.
Nếu hàng trung và hạ căn thì cần phải tuân theo Đại thừa phương đẳng, huân tu pháp sám hối, quán thể của ba luân là không tịch, dứt duyên ảnh của sáu trần, định thời gian để tiến tu đạo nghiệp, hoặc bảy ngày, mười bốn ngày, cho đến một tháng, một năm, cầu mong thấy được tướng tốt. Nếu không thấy được tướng tốt thì cần phải khổ luyện thêm, thành khẩn tăng gấp đôi, hoặc nỗ lực suốt đời, ắt phải lấy việc thấy tướng tốt làm kì hạn. Đây là sự-lí sám thuộc định môn.
Chớ để thân lễ sám mà tâm tán loạn, chớ tham gia các việc đời để được nổi tiếng. Đâu vì trong một vài ngày, một ít điều thiện mà thoát khỏi những điều cực ác, nghiệp nặng.
Tội nghịch là không thuận với lí, bội ơn, quên đức, quay lại làm điều nghịch hại, nên khó trốn tránh pháp luật của thế và xuất thế gian.
* Năm tội nghịch:
- Làm thân Phật chảy máu
Phật là bậc trời trong trời, thánh trong thánh, vạn đức trang nghiêm, đầy đủ mười hiệu, vì chúng sinh mà trải qua vô lượng kiếp đến nay tu hành, chứng ngộ diệu pháp vô thượng, từ bi hỉ xả cứu giúp tất cả chúng sinh và làm cho chúng sinh trong ba cõi, chín hữu cùng thành tựu đạo Chính giác.
Bốn sinh, sáu đường không còn luân hồi. Cho dù núi Tu-di có thể nghiêng đổ, biển lớn có thể cạn, ơn nặng của Pháp vương suốt kiếp khó báo đáp. Nếu đã không biết ơn, báo đức, kính lễ, cúng dường, mà trái lại nghịch hại làm thân Phật chảy máu thì tội ấy không ai có thể cứu được. Vì thế Phật dạy: “Làm thân Phật chảy máu gọi là giới chướng”.
Như trong các kinh, luật thường dẫn chuyện Đề-bà-đạt-đa hại Phật để nói về tội nghịch ấy. Đề-bà-đạt-đa vì tâm ác mà ném đá hại Phật. Hòn đá vỡ vụn, một mảnh nhỏ trúng ngón chân Phật. Nay tuy Đức Phật đã nhập diệt rồi, nhưng câu hỏi “làm thân Phật chảy máu” vẫn còn hỏi mãi. Nếu khởi tâm giận dữ, xấu ác, hủy hoại tất cả tượng Phật, tháp báu thờ xá-lợi Phật và các kinh điển Đại thừa thì tội ấy cũng giống như vậy, còn gọi là cực ác.
- Giết cha và giết mẹ
Giết là nói kẻ dưới giết người trên. Cha-mẹ là chỗ dựa của con cái. Theo lí phải nỗ lực hiếu thuận, không được làm trái ý cha-mẹ; mùa đông thì làm cho cha-mẹ được ấm, mùa hè thì làm cho cha-mẹ được mát; tối thì xếp đặt cho yên chỗ, sớm thăm hỏi sức khỏe; hết lòng phụng dưỡng, hầu hạ không gián đoạn. Như thế mới tạm gọi là đạo làm con. Chỉ mới báo đáp được chút ít ơn sinh dưỡng, lẽ nào lại sinh tâm ác độc, sân hận, dối gạt giết hại cha-mẹ?
Kinh Địa tạng ghi: “Nếu có chúng sinh bất hiếu với cha-mẹ, hoặc đến giết hại, thì chúng sinh đó sẽ rơi vào địa ngục Vô gián.” Vì thế, Phật dạy: “Giết cha, giết mẹ gọi là giới chướng.”
- Giết hòa thượng
Hòa thượng Trung Quốc dịch la Lực sinh. Đạo lực tam thừa, năm phần pháp thân đều nhờ oai đức của hòa thượng mà sinh ra. Tức là vị bổn sư mà mình đắc giới. Cha mẹ ở thế gian chỉ sinh ra sắc thân, ơn đã vô cùng, huống gì cha mẹ xuất thế gian, làm giới thể phát sinh, ơn ấy làm sao báo đáp cho hết. Vì thế, đức Phật dạy cho hàng đệ tử cách hầu hòa thượng. Việc ấy ở trong luật quy định rất nghiêm ngặt, rõ ràng. Bởi vì, ơn của hòa thượng vô cùng sâu rộng; lẽ ra phải thực hành đúng như luật định, trái lại khởi tâm sân hận, ác độc giết hại hòa thượng nên Đức Phật dạy: “Giết hòa thượng gọi là giới chướng.”
- Giết a-xà-lê
Tiếng Phạn gọi là a-xà-lê, Trung Quốc dịch là Quỹ phạm. Theo luật quy định, thì có năm hạng a-xà-lê, đều có thể làm gương mẫu, phép tắc cho người học đời sau. Vì các vị ấy uốn nắn, thúc đẩy việc tu hành.
Một, a-xà-lê cạo tóc, có khả năng làm cho ta bỏ đời sống thế tục, xa lìa trần cảnh, chán khổ hướng đến đời sống thanh tịnh, an vui. Hai, a-xà-lê yết-ma, có khả năng làm cho đạo khí của ta được thanh tịnh, phát sinh giới thể. Ba, a-xà-lê giáo thụ, có khả năng làm cho ta thay đổi những hành động thô tháo, oai nghi được chỉnh tề. Bốn, a-xà-lê y chỉ, có khả năng biết rõ tì-ni, giỏi về các pháp khai-già. Năm, a-xà-lê thụ kinh, có khả năng giúp cho ta nghe, huân tập bát-nhã và tư duy tu tập để ngộ nhập .
Năm bậc a-xà-lê này đều có ân đức như đã nói ở trên. Đó là thật những bậc thầy dẫn đường xuất thế giỏi, thật là những bậc thiện tri thức cho chân thân tuệ mạng. Giả sử dốc hết tâm lực hầu hạ nhiều năm vẫn chưa báo đáp được chút ít ân mà các vị ấy đã làm cho ta thấm nhuần sữa pháp . Huống gì, chúng ta lại sinh tâm ác, tâm sân giết hại những vị ấy sao? Vì thế đức Phật dạy: “Giết a-xà-lê gọi là giới chướng.”
- Giết a-xà-lê
A-xà-lê là phiên âm của tiếng Phạn, Trung Quốc dịch là Quỹ phạm. Nay người vặn hỏi ấy không phải là hai vị a-xà-lê yết-ma và giáo thụ khi các người thụ giới, cũng không phải vị a-xà-lê mà các người y chỉ sau khi thụ giới, mà đó là hai vị a-xà-lê cạo tóc và dạy kinh cho các người. Vì hai vị a-xà-lê ấy giúp các người thoát khỏi hố tình ái sâu thẳm, gần gũi Tam bảo, nghe pháp lìa dục, hiểu rõ lí nhất chân. Ân đức như thế, chẳng những không hết lòng báo đáp mà trái lại còn khởi tâm giận hờn, tâm xấu ác rồi giết hại họ. Vì thế, đức Phật dạy: “Giết a-xà-lê gọi là giới chướng.”
- Phá yết-ma chuyển pháp luân tăng
Yết-ma là chỉ cho các tì-kheo thanh tịnh, cùng ở trong một phạm vi, hòa thuận như nước hòa với sữa, cùng một bố-tát, cùng một yết-ma, gọi là chuyển tịnh giới pháp luân. Những vị ấy đều là những bạn tu, xa lìa trần cấu, là bậc trí cứu đời, nắm giữ ba học, là rường cột của Phật pháp, giáo hóa, làm lợi ích cho chúng sinh, làm thuyền bè trong biển khổ.
Nếu ở thế gian không có Tăng bảo thì làm sao truyền bá được Phật pháp? Tuệ mệnh nhờ ai mà được nối tiếp? Bởi vì, tì-ni còn thì chính pháp mới tồn tại lâu dài. Vì thế mà người, trời nhiều thêm, đường ác giảm bớt. Nếu như không biết tôn kính, cầu học mà trái lại sinh tâm giận hờn, tâm xấu ác phá hoại. Vì thế, Đức Phật dạy: “Phá yết-ma chuyển pháp luân tăng gọi là giới chướng.”
- Giết A-la-hán
A-la-hán là bậc đã vượt qua các hữu, chứng quả Vô sinh, nói pháp, dứt trừ si mê cho chúng sinh, đi khất thực để chúng sinh gieo trồng phúc tuệ; có khả năng đạt được lợi ích trong đời hiện tại, hưởng quả báo trong đời tương lai. Vậy nên, đã không sinh tâm cung kính, nghĩ khó gặp mà trái lại còn sinh tâm giận hờn, oán ghét giết hại. Vì thế, Đức Phật dạy: “Giết A-la-hán gọi là giới chướng.”
Đây là tên gọi và ý nghĩa của năm, sáu, bảy tội nghịch.
* Mười điều ác
Ác chính là bất thiện. Vì chúng sinh mê thật tướng, theo hư vọng, chấp trước sai lầm, gặp cảnh trái ý, đi đứng buộc ràng, từ ba nghiệp gây ra mười tội ác; vì nhân tích tập sâu dày nên tương lai chuốc lấy quả báo khổ.
- Sát sinh
Giết có hai trường hợp: tự tay giết hoặc sai người giết. Tất cả chúng sinh đều lấy ba thứ: thức, hơi thở, hơi ấm làm mạng căn. Ba thứ ấy không tan rã thì gọi mạng còn. Nếu ba thứ ấy chia lìa thì gọi mạng mất. Hoặc vì oán ghét, ôm hận mà giết chúng sinh cùng một loài. Hoặc vì tham vị, bồi bổ mà giết chúng sinh khác loại. Nếu thương tổn lòng từ giảm, tâm ác tăng, cố ý đoạn mạng chúng sinh thì không hợp với đức cứu giúp chúng sinh của bậc thượng thánh. Vì làm tổn giảm lòng nhân đồng thể của chính mình. Đây là điều ác thứ nhất.
- Trộm
Trộm là lấy trộm tài vật của người khác. Vì nó là điều kiện sinh sống của con người nên gọi là ngoại mạng. Nhưng tài vật ấy có hai loại khác nhau ở nhà và ở chùa.
Vật ở nhà: hoặc là cha mẹ, bà con, hoặc là đàn hộ quen biết nhau, hoặc không thân, không quen biết v.v… Vật của người, thuộc sở hữu của người đều không được lấy trộm.
Vật ở chùa: hoặc là vật thuộc Phật, Pháp, hoặc vật thuộc về Tăng. Vật thuộc về Phật, Pháp như: chạm khắc hương tượng, tranh Phật, tượng Phật, in ấn kinh sách, chép kinh văn. Trong đó, những vật trang nghiêm.
Vật thuộc về chúng Tăng: theo Nam sơn sự sao, vật được chia làm bốn loại: 1. Vật thuộc về thường trụ thường trụ: đó là nhà bếp, nhà kho, phòng, tất cả hoa quả, cây cối, vườn, rừng, người giúp việc, súc vật v.v… không cùng một cương giới, thì chỉ được nhận dùng chứ không được phân chia, bán. Cho nên mới lặp lại hai lần ‘thường trụ thường trụ’. 2. Vật thuộc về mười phương thường trụ: như thức ăn cúng cho Tăng mỗi ngày, vốn là vật chung của mười phương, tùy thời nhận dùng, nhưng chỉ thuộc địa phương đó. 3. Vật thuộc hiền tiền Tăng: vật được người cúng dường cho Tăng. Vật ấy chỉ thuộc Tăng hiền tiền ở chỗ ấy chứ không thuộc Tăng ở mười phương. 4. Vật thuộc về hiện tiền Tăng ở mười phương: là những vật dụng thông thường của năm chúng tì-kheo, tì-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di ni v.v… qua đời để lại. Tuy là Tăng mười phương hiện tiền nhưng ai nấy đều có phần trong đó. Nếu chúng đã yết-ma chia xong rồi, có người đến trễ nên không có phần.
Phải biết tài vật của Tam bảo đều do tín thí cúng. Tín thí kia vì cầu quả báo an vui đời sau nên đời này mới gieo trồng ruộng phúc. Nhân quả mà sai lầm thì nghiệp quả theo thân. Huống gì trộm lấy làm vật sở hữu của mình. Vì thế, gọi là trộm là ác thứ hai.
- Dâm
Dâm là dâm dật. Đây là việc làm rất xấu xa ở thế gian, cũng là cội gốc luân hồi sinh tử của chúng sinh. Hoặc hành dâm với những nam nữ trong sáu hàng thân thuộc và những nam nữ không phải người thân. Hoặc phá phạm hạnh của người khác; cho đến, làm nhơ uế tăng già-lam; hoặc chiếm đoạn trinh khiết, làm nhơ tiếng tốt của người kia. Vì nghiệp nhân ấy nên bị rơi vào địa ngục Vô gián, chịu đủ mọi khổ sở. Vì thế, gọi dâm dục là ác thứ ba.
- Nói dối
Nói dối là đặt ra những lời giả dối vì muốn người khác tin. Nói dối có đại-tiểu khác nhau. Đại vọng ngữ là chưa đắc mà nói đã đắc, chưa chứng mà nói đã chứng. Vì tham danh lợi mà bày ra những trò lạ để mê hoặc mọi người, nên gọi là đại vọng ngữ. Tiểu vọng ngữ là không thấy mà nói thấy, thấy mà nói không thấy, nghe mà nói không nghe, không nghe mà nói nghe. Vì ngạo mạn, dối trá, xem thường người trước nên gọi là tiểu vọng ngữ. Tự lừa dối mình, lừa dối người, nịnh nọt không ngay thẳng, cho nên gọi vọng ngữ là ác thứ tư.
- Nói hai lưỡi
Nói hai lưỡi là tuyên truyền việc này việc kia, tranh phải-trái, hoặc mục đích nhỏ mà kết quả lớn, hoặc ngăn chặn người hơn mình, làm cho hai bên hiềm khích nhau, trước mặt người thì khen, sau lưng người thì hại, khiến cho kẻ trên, người dưới chống trái nhau, li gián những người thân, gây oán thù không thể kêu oan, biết đức của mình bị thiếu. Cho nên, gọi nói hai lưỡi là ác thứ năm.
- Nói lời thô ác
Nói lời thô ác là nói ra những lời thô tục, để làm nhục người khác; hoặc vì tham dục không vừa lòng; hoặc vì nói giỡn rồi sinh giận hờn; quên hết cương thường, đánh mất luân lí, không theo tôn ti trật tự, tùy tiện chê bai, xúc phạm làm người không vui, còn mình thì đắc ý. Cho nên, gọi nói lời thô ác là ác thứ sáu.
- Nói lời thêu dệt
Nói lời thêu dệt là nói những lời lẽ trái với chân lí, trau chuốt ngôn từ; hoặc vì khoe tài năng của mình, tùy theo tình huống mà lừa dối người; hoặc vì hủy hoại danh đức người khác mà nói lời ca tụng, làm cho người thấy nghe, tạo sự chú ý và lung lạc ý chí. Cho nên, gọi nói lời thêu dệt là ác thứ bảy.
- Tham dục
Tham dục là ưa thích những ái nhiễm, khát khao không dừng. Người đời thì dùng công danh, phú quí, mưu toan, để thỏa mãn nhu cầu. Người xuất gia thì dùng lợi dưỡng, tiếng tăm, tự làm việc tà mạng, chạy theo, bám víu vào tình cảnh không dừng. Nghe việc bố thí thì bỏn xẻn từng mảy may; thấy những thú vui thì bám dính hơn keo, sơn; tìm cầu bằng được không sợ nghiệp khổ. Cho nên, gọi tham dục là ác thứ tám.
- Sân hận
Sân hận là việc làm và tâm tư trái ngược nhau, buông thả tính bạo ác; hoặc khi ở nhà vì danh lợi, tài sản, tham cầu không thỏa mãn mà sinh ra sân hận. Hoặc khi đã xuất gia vì bốn thứ cần dùng như y phục, thức ăn, ngọa cụ, thuốc tìm cầu khó được, nên sinh bực tức. Kinh ghi: “Mỗi khi Bồ-tát nổi tâm sân thì lập tức trăm vạn cửa chướng mở ra.” Cho nên, gọi sân hận là ác thứ chín.
- Tà kiến
Tà kiến là ngu si không có chính tuệ. Những sự hiểu biết phần nhiều đều thiêng lệch. Vì không hiểu pháp Tứ đế khổ, tập, diệt, đạo, nên có nhận định sai lầm về hữu kiến, vô kiến, thường kiến, đoạn kiến; bác bỏ không có nhiễm-tịnh, không có nhân-quả; hủy diệt thiện căn xuất thế; dập tắt lửa chính tín; tâm tà dày đặc. Như giáo phái Thiên chúa Bạch Liên ở Trung Quốc chủ trương vô vi, nhìn ngón tay, nghe mùi hương v.v… thì không những làm cho mình bị mù quáng mà còn làm cho người mù quáng theo, nên tất cả đều rơi xuống hầm hố. Còn sống thì chịu hoa báo, bị hình phạt của vua, chết chịu quả báo bị trói buộc trong địa ngục; dù cho một nghìn Đức Phật xuất hiện ở thế gian cũng không sám hối được. Cho nên, gọi tà kiến là ác thứ mười.
Đây là tên gọi và ý nghĩa của mười điều ác.
Ghi chú:
Nếu xét hai cách cầu giới thứ nhất và thứ hai thì không cần hỏi bốn tội nặng căn bản dưới. Liền ngay sau đó, văn ghi: “Này các thiện nam tử… Nay các người đã nghe lời của tôi v.v…” Nếu xét hai cách cầu giới thứ ba và thứ tư thì phải hỏi bốn tội căn bản. Vỗ thủ xích nói:… .
Bốn tội nặng căn bản: “Các người khi còn ở nhà đã từng thụ năm giới ưu-bà-tắc và sáu giới trọng, hai mươi tám giới khinh của Bồ-tát. Hoặc sau khi đã xuất gia đã thụ năm chi tịnh giới. Nhưng trong đó, bốn giới trọng: giết, trộm, dâm, đại vọng ngữ trước là những giới căn bản thuộc mười giới của sa-di, giới cục túc của tì-kheo và tam tụ đại giới của Bồ-tát.” Nếu sau khi đã được truyền trao và lãnh thụ rồi mà không cố giữ, hễ phạm mỗi một giới thì không được thụ lại mười giới cụ túc và đại giới Bồ-tát. Nhưng tội sát, trộm, dâm, nói dối so với tội giết, trộm, dâm, nói dối trong mười điều ác đã nói trước thì khổ báo tăng gấp bội. Vì phá tịnh giới của Phật chế. (Vỗ thủ xích và nói: … )
Các thiện nam tử! Nay các người đều đã nghe lời của tôi, mỗi người đều đã hiểu; trong các nghiệp ác nói ở trên, nếu có phạm nghiệp nào thì dốc lòng trình bày với tôi, không được che giấu điều gì. Nếu có chút ít lỗi lầm vẫn gọi là giới chướng. Thí như tẩy giặt chiếc áo cũ phải giặt cho sạch, không còn bụi nhơ thì mới có thể nhuộm lại được. Nay tôi lần lượt hỏi từng người một, các ông theo thứ tự bước ra, mỗi người hãy thành thật trả lời (Vỗ thủ xích một cái).
Thầy dẫn lễ nói:
Các thiện nam tử! Tất cả cùng đứng lên, nghe tiếng khánh, đỉnh lễ ba lễ và đứng làm hai bên.
Ghi chú:
Nếu người thụ giới nhiều thì cho ba người cùng trình bày một lần. Nếu ít thì theo thứ tự từng người một trình bày. Đã làm thầy nhận sám hối chớ vì ngồi lâu mà tỏ vẻ mỏi mệt, chớ nhận sám hối một cách lê đễnh, mà phải dạy người không biết mỏi mệt, phải ân cần dạy bảo. Là thầy dẫn lễ đã vì người mà bổ sung pháp môn rồi, cũng chớ ngại mệt nhọc. Mọi người đã đứng thành hàng rồi, ba người đứng đầu hàng bước đến trước thầy đứng một hàng ngay ngắn.
Thầy dẫn lễ nói:
Các thiện nam tử! Nghe tiếng khánh, đỉnh lễ ba lễ (nếu nhiều người thì lễ một lễ cũng được), quì gối, chắp tay. Các ông ba nghiệp chí thành, nói theo tôi.
Nam Mô Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo (3 lần).
Mỗi người tự nói pháp danh của mình.
Thầy giáo thụ vỗ thủ xích, nói:
Các thiện nam tử! Nay trước tôi hỏi các ông.
- Năm tội nghịch là giới chướng. Tiếp theo hỏi các ông mười ác là nghiệp nặng (Xét lần thứ nhất rồi hỏi lại điều ấy).
- Sáu tội nghịch là giới chướng. Tiếp theo hỏi các ông mười ác là nghiệp nặng (Xét lần thứ hai rồi hỏi lại điều ấy).
- Bảy tội nghịch là giới chướng. Tiếp theo hỏi các ông mười ác là nghiệp nặng và bốn tội nặng căn bản (Xét lần thứ ba, thứ tư và hỏi lại điều ấy).
Ghi chú:
Văn dưới nêu ra bảy tội nghịch. Nếu xét năm tội nghịch, sáu tội nghịch thì đối chiếu với trên để áp dụng cho trọn vẹn và hiệu quả.
Ghi chú:
Trong năm tội nghịch thì tội làm thân Phật chảy máu đứng thứ năm. Trong sáu tội nghịch thì tội làm thân Phật chảy máu đứng thứ nhất.
Thầy giáo thụ vỗ thủ xích, hỏi:
Tội thứ nhất, các ông có làm thân Phật chảy máu không?
Ghi chú:
Nếu có thì nói có, nếu không thì nói không. Người đứng bên cạnh không được chỉ họ trả lời có-không. Vì sợ đến khi hỏi không biết trả lời thế nào nên trước đó đã chỉ dẫn rõ ràng cụ thể, nay các ông phải tự nói, tôi không cần dạy các ông trả lời nữa. Các lần hỏi sau cũng giống như đây.
Thiện nam tử! Các ông nên biết, giáo pháp của Thích-ca Như Lai thời kì chính pháp một nghìn năm đã qua, thời kì tượng pháp một nghìn năm cũng đã qua. Thời gian mười nghìn năm của thời kì mạt pháp này cũng đã trải qua hơn sáu trăm năm rồi. Tuy không có người làm thân Phật chảy máu, nhưng có người vì tâm giận dữ, vì ác tâm mà hủy hoại hình Phật điêu khắc, tượng tranh, tượng đúc, tượng nặn và hủy hoại tháp thờ xá-lợi của Phật, hủy hoại Đại thừa thật tướng bát-nhã, hủy hoại văn kinh liễu nghĩa viên đốn, thì cũng giống như tội làm thân Phật chảy máu. Các ông có từng làm những việc ấy không? (Có hay không trả lời lại đúng sự thật).
Ghi chú:
Trong năm tội nghịch thì tội giết cha là đứng thứ nhất, tội giết mẹ đứng thứ hai. Trong sáu tội nghịch thì tội giết cha đứng thứ hai, tội giết mẹ đứng thứ ba.
Thứ hai, ông có giết cha không?
Thứ ba, ông có giết mẹ không?
Ghi chú:
Có người ba cha, tám mẹ, nên chỉ khi nào giết cha-mẹ ruột mới gọi là tội nghịch. Giết những cha-mẹ nuôi tuy không phải tội nghịch, nhưng cũng đều thuộc trong trường hợp hỏi về ác giết.
Thứ tư, ông có giết hòa thượng không?
Ghi chú:
Thành thật trả lời như trên. Cật vấn này chỉ thuộc trong bảy tội nghịch, trong năm tội nghịch và sáu tội nghịch không có.
Ghi chú:
Trong sáu tội nghịch thì tội giết a-xà-lê xếp thứ tư.
Thứ năm, ông có giết a-xà-lê không?
Ghi chú:
Trong trường hợp này như trên đã trình bày có năm loại a-xà-lê, lại thêm a-xà-lê năm giới. Như người tại gia từng thụ giới Bát quan trai, thì có a-xà-lê Bát quan trai giới. Tương tự như vậy, tùy người kia từng thụ giới gì thì hỏi a-xà-lê đó.
Ghi chú:
Trong năm tội nghịch thì tội phá yết-ma chuyển pháp luân tăng xếp thứ tư. Nhưng trong sáu tội nghịch thì tội phá yết-ma chuyển pháp luân tăng xếp thứ năm.
Thứ sáu, ông có phá yết-ma chuyển pháp luân tăng không?
Ghi chú:
Trong vấn nạn này có hai trường hợp: một là phá tăng luân; hai là phá yết-ma tăng. Có chỗ nói: “Phá hòa hợp tăng”. Gọi là ‘phá hòa hợp tăng’ là bao gồm cả hai trường hợp trên. Vì phá thì không hòa; hòa thì không phá. Ở đây nói phá tức là trái ngược với đạo lục hòa. Đức Phật dạy: “Phá hòa hợp tăng có hai trường hợp; một là nói dối; hai là nói tương tợ”. Hoặc yết-ma, hoặc phát thẻ, nếu muốn phá tăng luân thì phải có ít nhất chín tì-kheo; trong đó một tì-kheo tự cho mình là Phật và chỉ có người nam mới có thể làm được; hoặc ở trong cương giới hoặc ngoài cương giới đều có thể phá hoại được. Trường hợp phá này là phá Tục đế Tăng, chỉ giới hạn tại Nam Diêm-phù-đề, phạm thâu-lan-giá nghịch tội, không thể sám hối được.
Nếu phá yết-ma Tăng thì phải có ít nhất tám người, không cần tự xưng mình là Phật. Người nữ cũng có thể làm được và ở chung trong một cương giới nhưng làm pháp yết-ma bố-tát khác. Trường hợp phá này là phá đệ nhất nghĩa Tăng, thông với ba thiên hạ, phạm thâu-lan-giá không nghịch tội, có thể sám hối. Nhưng nói là phá Tăng luân, là việc của Đề-bà-đạt-đa. Nay không có tội này. Việc phá yết-ma Tăng có lẽ cũng gồm luôn phá luân Tăng.
Ghi chú:
Trong năm tội nghịch thì tội giết A-la-hán xếp thứ ba. Trong sáu tội nghịch thì tội giết A-la-hán xếp thứ sáu.
Thứ bảy, ông có giết A-la-hán không?
Các ông đã không phạm trong năm, sáu, bảy tội nghịch này rồi, còn mười điều ác nay tôi sẽ hỏi các ông (Vỗ thủ xích một cái).
- Thứ nhất, ông có từng giết hại mạng sống những nam nữ đồng loại không?
Ông có giết hại mạng sống của tất cả súc sinh khác loài không?
Ghi chú:
Trong trường hợp thẩm xét này: Hoặc khi còn ở nhà từng đoạn mạng người, hoặc vướng vào pháp luật và những trường hợp có liên quan đến những việc quan trọng như pháp môn v.v… thì phải ngăn cản họ lại. Trong trường hợp vặn hỏi này phải suy xét kĩ lưỡng đến cùng, chớ hỏi một cách qua loa. Những tội ác nặng như dâm v.v… ở sau cũng giống như tội này.
Nếu đoạn mạng súc sinh v.v… chỉ cần thiết tha sám hối, chứ không giống như trường hợp bị ngăn cản.
Nếu đã xuất gia rồi, tuy chưa thụ giới, nhưng đối với việc giết hại nhất định không được làm. Nếu đoạn mạng người thì nhất định phải ngăn cản và đuổi ra. Nếu giết mạng chúng sinh thì cho sám hối.
Nếu là người tại gia, người xuất gia, sau khi thụ giới phạm những điều ấy thì căn cứ vào bốn tội căn bản mà phân biệt là nhẹ hay nặng.
Hỏi: Sự nặng-nhẹ của tội giết vốn đã thuộc trong bốn tội căn bản. Vậy ở đây không cần hỏi nữa?
Trả lời: Vì đã hợp thành mười điều ác, vì tránh không làm lộn xộn pháp số.
Nếu gộp chung vào bốn tội căn bản để hỏi thì pháp số mười ác vốn đã thiếu và người chưa thụ giới thì cần gì hỏi?
- Thứ hai, ông có lấy trộm tất cả vật có chủ ở thế gian không?
Ông có lấy trộm tài vật thuộc về Phật, Pháp, Tăng không?
Ghi chú:
Trong trường hợp thẩm xét này: nếu người chưa xuất gia cùng với đồng bọn trộm cướp vật quí của quan, dân v.v… Những người này luật pháp khó dung thứ, luật Phật cũng không nhận. Người nào lấy trộm vật của Tam bảo, theo kinh Thiện sinh, trong bảy giới chướng nặng, thì trộm vật của hiện tiền Tăng cũng bị ngăn cản.
Nếu người xuất gia khi chưa thụ giới lấy trộm vật có chủ ở thế tục và tất cả vật của Tam bảo, là không sợ pháp luật, không tin nhân quả, không sợ địa ngục, là chẳng phải đạo khí thật. Những người như vậy cũng phải ngăn cản. Nếu người tại gia, người xuất gia sau khi thụ giới phạm phải những việc này thì thuộc bốn tội căn bản sau.
Thứ ba, ông có hành dâm với những người nam-nữ là bà con và không phải bà con không?
Ông có phá phạm hạnh người khác và làm nhơ uế tăng già-lam không?
Ghi chú:
Trong trường hợp thẩm xét này: Khi người chưa xuất gia hành dâm với những người thân như bác, chú, anh, em, cháu bên phía cha và hành dâm với cô, dì, chị, em, cháu gái bên mẹ; hoặc phá giới hạnh thanh tịnh của tì-kheo-ni. Hai trường hợp này, theo kinh Thiện sinh, trong bảy giới chướng nặng thì việc hành dâm với người thân, làm nhơ phạm hạnh của tì-kheo-ni, đều bị ngăn cản.
Người đã xuất gia rồi, tuy chưa thụ giới, nhưng đối với việc này nhất định không được làm. Nếu cùng với tất cả nam nữ bà con và không phải bà con làm việc bất tịnh ấy, cho đến làm nhơ uế tăng già-lam, cũng bị ngăn cản. Nếu người tại gia, xuất gia, sau khi thụ giới mà phạm những việc bất tịnh này thì đều thuộc bốn tội căn bản sau.
- Thứ tư, ông có nói mình đắc thiền, đắc định, được thần thông không?
Có phải sau khi ông cạo tóc và ở chung với Tăng, vốn chưa thụ giới mà nói dối là tì-kheo, rồi cùng với chúng Tăng bố-tát chung một nơi, cùng yết-ma, cùng hưởng lợi dưỡng, nhận sự cúng dường, lễ bái không?
Ghi chú:
Trong trường hợp thẩm xét này: Người nào khi chưa thụ giới mà nói dối là đã ngộ đạo, khinh khi hiền thánh, xem thường sa-môn; tuy nay đã xuất gia nhưng chẳng phải là pháp khí chân thật, cũng khó thụ giới và theo lí nên ngăn cản.
Nếu đã xuất gia, nhưng chưa thấm nhuần giới phẩm mà dối xưng là tì-kheo, bố-tát, yết-ma chung với chúng, cùng hưởng lợi dưỡng; chưa từng ngộ đạo mà nói dối là đã ngộ đạo; nếu chỉ phạm một lần thì hoặc có thể khai cho; nếu thường xuyên khinh khi tất cả thì hoặc ngăn cản, hoặc đuổi họ đi.
Nếu người tại gia, xuất gia, sau khi thụ giới mà phạm những việc này thì thuộc bốn tội căn bản sau.
- Thứ năm, ông có rêu rao chuyện phải-trái, xúi giục người này, người kia, li gián ân ái, làm tổn hại gia sản của người khác, khiến người buồn khổ, không được an vui không?
Sau khi cạo tóc và ở chung với chúng, ông có từng châm chọc hai đầu khiến cho kẻ trên người dưới không hòa thuận không?
Ghi chú:
Trong trường hợp thẩm xét này: Nếu khi còn tại gia, từng nói những lời li gián, châm chọc, làm cho dính líu đến mạng người, khiến người kia ôm hận đến chết, phải chịu oan không rửa hận được, thì phải ngăn cản họ. Nếu người nào có thể thay đổi tính, biết sai, sinh hổ thẹn, thiết tha thành khẩn thì có thể cho thụ giới.
Nếu đã xuất gia rồi, không kể hướng đến kẻ tăng, người tục nói lời hai lưỡi này làm cho họ không hòa thuận, làm liên lụy đến mạng người, gia đình, thì cũng phải ngăn cản họ. Đồng thời, họ phải thật lòng, thành khẩn tự trách, bỏ những thói quen xấu ấy, không tái phạm nữa, mới có thể cho thụ giới.
- Thứ sáu, ông có xem thường tất cả, chê bai người trên, kẻ dưới, nói lời thô lỗ, làm cho người phải chịu nhục, ôm hận không?
Ghi chú:
Trong trường hợp thẩm xét này: không kể là khi còn tại gia hay xuất gia, hễ người nói lời thô ác này phải tìm cách chỉ dạy, trách mắng, khuyến khích, khiến họ biết sai để sửa lỗi; đồng thời, làm cho họ luôn sinh tâm từ nhẫn, không còn tạo nghiệp ác khẩu nữa, mới cho phép họ thụ giới.
- Thứ bảy, ông có nói lời vu khống, dùng văn chương bóng bảy, trái nghịch chân lí; người không có đức ca tụng là có đức; người có đức chê bai không có đức; lừa gạt người khác, khiến họ mất chính trí, tà kiến tăng mạnh không?
Ghi chú:
Trong trường hợp thẩm xét này: không kể người tại gia hay xuất gia, thụ giới hay chưa thụ giới, hễ từng làm những việc mất đức, bại luân này liên quan đến chính sự quốc gia; người làm trở ngại pháp môn thì không được thụ giới. Vì đề phòng người đời chê cười và bảo vệ trọn vẹn tôn đức của tăng luân. Nếu có thể phát thệ không tái phạm nữa và hết lòng tiến tu đạo nghiệp thì có thể cho thụ giới.
- Thứ tám, có phải vì chạy theo những thú vui trần cảnh mà ông từng sinh tâm không biết chán, không từ bỏ, chỉ muốn được cho mình không cần biết người khác bị tổn hại, không bố thí mảy may, đánh mất lòng nhân từ, cho đến, không phụng dưỡng cha, mẹ, thầy, kẻ trên, người dưới trong họ hàng không?
Ghi chú:
Trong trường hợp thẩm xét này: Là người xuất gia, điều trước tiên là không sở hữu bất cứ vật gì, dứt hết những bó buộc, nếu còn tham cầu không biết chán, không thỏa mãn, không chu cấp, thì cách đạo rất xa. Nay là thời mạt pháp, Tăng phần đông giống như tục, việc của mình làm không xong, lại xen vào chuyện thế tục. Cho nên, trước khiến cho họ hổ thẹn, biết đủ, sau đó, giữ giới để bảo vệ. Vả lại, giới là gốc của chính thuận giải thoát. Giả sử, có ai không thể thoát khỏi sự cám dỗ của các cảnh, thì nghiệp thiện không biết nương vào đâu, cho nên, dễ dàng chấp nhận cho họ thụ giới, mà phải chỉ dạy họ tẩy rửa tâm trước, mới mong gieo trồng hạt giống đạo vào được.
- Thứ chín, có phải vì gặp nghịch cảnh mà ông từng nhiều lần nổi giận dữ, buồn giận mình và người, nguyền rủa thần minh, oán hận trời đất, mắng chửi cha, mẹ, thầy không?
Ghi chú:
Trong trường hợp thẩm xét này: Phàm người xuất gia phải kiềm chế tâm mình, cố gắng tu nhẫn, giả sử có gặp tình huống trái ý thì phải tự kiềm chế. Vì một khi đối diện với nghịch cảnh, liền kích thích lửa sân; nên hoặc là nguyền rủa thần minh, hoặc oán hận trời đất, cho đến, mắng chửi cha mẹ, thầy; người ở trong đời khi phạm còn bị hình phạt; huống gì người xuất gia tu đạo lẽ nào lại chấp nhận những việc vô trí, giận dữ, xúc não này ư? Vì thế nhất định phải xét hỏi.
- Thứ mười, ông có từng gần gũi thầy tà, theo học tập tà giáo, nói kinh, xướng kệ, nhìn ngón tay, nghe hương, hiểu sai chân lí, dẫn dụ nhiều người làm thầy, làm trò, hại mình và hại người không?
Ghi chú:
Trong trường hợp thẩm xét này: Là người xuất gia trước phải hiểu biết rõ bốn đế, bốn quả, sau tu tập theo Bát chính đạo, mới có thể xa lìa các pháp tà vậy, hư dối. Nếu tà kiến không trừ thì khó thụ được tịnh giới. Giả sử, đã thụ giới rồi, e rằng sẽ làm những việc phá nội-ngoại đạo. Vì thế, trước khi thụ giới, phải thẩm xét lại thật kĩ. Nếu có những người như vậy thì phải dùng các cách mạnh bạo đè nén và nhổ sạch gốc tà, làm cho họ chính tín kiên cố, rồi sau đó mới truyền giới cho họ. Nếu vẫn còn do dự bên này bên kia, sức tin không định thì phải ngăn cản họ. Vì bảo vệ pháp môn nên phải tuyển chọn những người có chính tín. Gần đây, những người ngu tà càng nhiều, nên càng phải thẩm xét kĩ.
Này các thiện nam tử! Các ông đã không phạm bảy tội nghịch, mười điều ác, nhưng với bốn tội nặng căn bản cần phải hỏi.
Ghi chú:
Phải xét hai tội thứ ba, thứ tư rồi mới hỏi bốn tội căn bản. Như văn ở dưới nói. Nếu xét hai tội nặng thứ nhất và thứ hai thì không cần phải hỏi nữa. Văn ở dưới trình bày bốn giới sát, trộm, dâm, nói dối, tức là kết thúc v.v…
Các thiện nam tử! Vừa rồi tôi đã hỏi các ông về mười điều ác thuộc giới chướng, người nào không phạm những điều ác thì người đó là pháp khí thanh tịnh. Các ông đỉnh lễ rồi đứng lên.
Ghi chú:
Thầy dẫn lễ bảo những người ấy đỉnh lễ một lễ rồi ra khỏi đàn giới. Rồi gọi hàng thứ hai tiến lên trên.
- Thứ nhất, các ông có phạm giới sát không?
Ghi chú:
Ở đây ý nói, người nào đoạn mạng đồng loại thì gọi là phá giới căn bản, không cho phép thụ giới nữa. Nếu giết mà không chết thì xử trị người đó theo luật đã định và không gọi là phá giới căn bản. Nếu cố ý đoạn mạng khác loài thì chỉ dạy họ sám hối tội đột-kiết-la. Nếu giết mà chưa chết thì cũng phạm tội đột-kiết-la. Nếu không có ý giết nhưng vì lỡ làm bị thương thì thực hành pháp sám hối tội đột-kiết-la tự trách tâm. Đồng thời, từ đó về sau không tái phạm. Hoặc khi còn tại gia thụ sáu giới trọng và hai mươi tám giới khinh của Bồ-tát ưu-bà-tắc, thì không kể cùng loài hay khác loài, nếu vì giận dữ mà đoạn mạng thì đều gọi là phá giới căn bản. Điều này được trình bày rõ ràng trong bộ Đại thừa thập nhị môn phân biệt huyền nghĩa.
- Thứ hai, các ông có phạm giới trộm không?
Ghi chú:
Ở đây nói, nếu trộm đủ năm tiền thì gọi là phá giới căn bản, không cho thụ giới lại. Nếu trộm dưới năm tiền, cho đến trộm một tiền thì chỉ dạy họ sám hối tội đột-kiết-la. Nếu trộm hơn năm tiền thì căn cứ theo số tiền mà định tội và rất khó chấp nhận cho sám hối. Điều này được trình bày rõ ràng trong bộ Đại thừa thập nhị môn phân biệt huyền nghĩa.
- Thứ ba, các ông có phạm giới dâm không?
Ghi chú:
Ở đây ý nói năm chúng xuất gia hoàn toàn chấm dứt dâm dục, hai chúng tại gia chỉ chấm dứt quan hệ bất chính. Nhưng chúng tại gia không được quan hệ không đúng lúc, không đúng chỗ. Không đúng lúc là lúc giữa trưa, hoặc sáu ngày trai, hoặc vào ngày bát vương, hoặc trong ba tháng trai của năm, hoặc từ khi vợ có mang đến sau khi vợ sinh v.v… Không đúng chỗ là trừ hai đường đại tiện, tiểu tiển và miệng. Nếu xét trường hợp cho phép khai thì chỉ khái cho người Bồ-tát tại gia; còn đối với người xuất gia thì nhất định không cho phép. Nếu bảy chúng thụ giới rồi mà làm việc bất tịnh này thì đều gọi là phá giới căn bản. Nếu người nào không có tâm ham thích và làm không thành thì xử trị theo luật, mà không gọi phá giới căn bản. Điều này được trình bày rõ ràng trong bộ Đại thừa thập nhị môn phân biệt huyền nghĩa.
- Thứ tư, các ông có phạm giới nối dối không?
Ghi chú:
Ở đây ý nói, nếu tự cho mình đắc pháp thượng nhân, đắc thiền, đắc định, đắc quả, trời, rồng, quỷ, thần đến cúng dường v.v… khi nói với người, lời nói rõ ràng thì gọi là phá giới căn bản. Nếu nói không rõ ràng thì có thể cho phép sám hối diệt tội. Điều này được trình bày rõ ràng trong bộ Đại thừa thập nhị môn phân biệt huyền nghĩa.
Này các thiện nam tử! Vừa rồi tôi đã nói mười điều ác thuộc về giới chướng và bốn tội nặng căn bản, người nào không phạm những điều ấy thì gọi là tịnh khí. Các ông đứng lên và lui ra.
Thầy dẫn lễ nói:
Tất cả cùng đứng lên, nghe tiếng khánh, đỉnh lễ ba lễ (nếu nhiều người thì lễ một lễ cũng được), ra khỏi giới trường lên chính điện đỉnh lễ Phật. Đợi khi nào đánh kiền chùy thì cùng chúng vào giảng đường sám hối, hồi hướng. (Khi giới tử đỉnh lễ xong, thầy dẫn lễ xướng: … )
Hàng thứ hai bước ra và phát lồ sám hối.
Ghi chú:
Cứ như thế, có bao nhiêu hàng lần lượt thẩm xét xong, đánh kiền chùy ba tiếng, người cầu giới từ từ vào giảng đường, xếp hàng giống như trước.
Thầy dẫn lễ nói:
Tất cả tiến lên trước xếp hàng, nghe tiếng khánh, đỉnh lễ ba lễ, quì gối, chắp tay.
Này các thiện nam tử! Vừa rồi, các ông đều đã trình bày những lỗi lầm xưa của mình với tôi rồi; giờ các ông phải suy nghĩ trong nhà sám hối, trên đất già-lam đều có Tam bảo quang lâm, vạn thần che chở, ngũ nhãn thấy hết, lục thông biết hết. Ví như, nếu còn có lỗi lầm gì chưa nói ra thì các ông cứ bày tỏ hết nổi lòng với tôi. Giống như giặt chiếc áo cũ, dù đã tẩy vết nhơ rồi, nhưng phải tẩy đi tẩy lại thì mới dễ nhuộm màu khác. Cho nên, nay tôi hỏi lại, các ông hãy trả lời lại; nếu không có lỗi lầm gì thì đó là pháp khí chân tịnh; nếu có lỗi lầm thì khó nhận giới phẩm (Vỗ thủ xích một cái). Các ông đều đã nói tội xong rồi phải không?
Ghi chú:
Ở đây, có trường hợp trước quên, nhưng sau đó nhớ lại, nên mới trả lời: “Con chưa nói xong”. Lúc ấy, vị giới sư vỗ thủ xích hỏi: “Ông có việc gì chưa nói xong? Bấy giờ các người hãy nói thật với tôi. Tôi sẽ căn cứ theo năm tội nghịch, sáu tội nghịch và bảy tội nghịch trước và tùy theo căn cơ mà thẩm xét kĩ, để xác định là nhẹ hay nặng để thư kí biết mà ghi tên người, tội trạng vào trong sổ sách.” Người kia đến trước giới sư hỏi thăm và trình bày mọi việc. Nếu phạm tội nhẹ thì ngay nơi tòa lập tức cân nhắc và bỏ qua. Nếu phạm tội nặng thì trình lên hòa thượng. Hoặc có trường hợp tùy theo căn cơ mà khéo cứu giúp. Những điều gì chưa biết thì căn cứ theo cách tác pháp trong Đại thừa phương đẳng.
Này các thiện nam tử! Tuy các ông đã phát lộ rồi, nhưng đó chỉ làm những việc làm ở hiện tại. Nhưng từ vô thỉ đến nay khi chưa biết Phật, khi chưa nghe Pháp, khi chưa gặp Tăng, các ông đã mang vô lượng thân hình, gây ra vô lượng tội nghiệp, tâm trí mê muội, không hay không biết. Chỉ có chư Phật, Bồ-tát hiểu biết thấu suốt, tội ác nhiều-ít, hoặc nhẹ hoặc nặng. Nay các ông hướng về Tam bảo khắp mười phương, tha thiết ân cần, chí tâm quán tưởng, nghe tôi nói, một lần nữa tỏ bày sám hối và mỗi người tự nói pháp danh của mình (Mọi người nói pháp danh rồi).
Thầy truyền giới đọc bài kệ:
Nghiệp ác đã tạo từ xa xưa
Do tham, sân, si đời quá khứ
Đều từ thân, miệng, ý phát sinh
Sám hối tất cả các tội chướng.
Nghiệp ác đã tạo từ xa xưa
Do tham, sân, si đời quá khứ
Đều từ thân, miệng, ý phát sinh
Nay ở trước Phật xin sám hối.
Nghiệp ác đã tạo từ xa xưa
Do tham, sân si đời quá khứ
Đều từ thân, miệng, ý phát sinh
Sám hối tất cả các tội căn.
Ghi chú:
Trong các nghi thức thụ giới đều có bốn câu kệ này để sám hối tội lỗi từ vô thỉ, chứ chẳng phải chỉ nêu lên sự hòa thuận cho qua loa thôi đâu. Phàm làm thầy thì phải có tâm bi lớn cứu khổ. Là người cầu sám hối phải có ý niệm tin sâu hổ thẹn. Chỉ cần cất lên một tiếng sám hối này thì âm thanh đã vang đến khắp cõi nước Phật như cát sông Hằng; chỉ vận dụng một niệm này thì hình hài liền có mặt trước tất cả Phật. Nhưng thật sự, ta không đến, Phật không lại mà do cảm ứng đạo giao, năng và sở đều vắng lặng. Lại nguyện đem công đức sám hối này thí cho tất cả chúng sinh trong pháp giới, nghiệp chướng đều tiêu trừ, cùng ra khỏi biển khổ. Nêu lên sự hòa thuận như vậy gọi chung là Phổ Hiền nguyện thực hành sám hối chân thật.
Sám hối công đức thật tuyệt vời
Bao nhiêu phúc lành đều hồi hướng
Nguyện cho chúng sinh bị chìm đắm
Chóng sinh cõi Phật Vô Lượng Quang
Mười phương ba đời tất cả Phật
Tất cả Bồ-tát ma-ha-tát
Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật.
Từ trên đến đây các ông đã tỏ bày sám hối xong. Giờ đây các ông hãy giữ tâm mình vắng lặng, chuẩn bị y, bát đầy đủ. Và phải học kinh sách được ghi trong luật, mỗi mỗi điều phải tìm hiểu, hỏi han, cung kính, hầu hạ hòa thượng, sáng sớm lên tòa xin thụ mười giới sa-di.
Hỏi: Các ông đều có thể thực hành theo lời dạy được không?
Trả lời: Chúng con nguyện thực hành theo lời dạy.
Ghi chú:
Trong trường hợp tra hỏi này, nếu không có ai phạm tội trọng và bị ngăn thì theo như thông thường cho phép thụ giới. Nếu có người pham tội nặng và bị ngăn thì giới sư phải đến ở trước chúng nói với họ rằng: …
Nay trong chúng có người tên …. phạm tội nặng, bị ngăn. Đó là tội chướng rất nặng, trong luật Phật chế nghiêm cấm, nên tôi không dám tự ý quyết định. Sáng sớm mai tôi sẽ trình với hòa thượng và hội đồng thượng tọa sư Tăng. Người nào có thể đề cử được thì theo luật chỉ dạy cho thích hợp căn cơ và hòa thượng tự có cách giải quyết. Nếu người nào không thể đề cử thì dù có Phật xuất hiện ở đời cũng khó cứu giúp. Các ông cần phải sinh hổ thẹn sâu sắc, không thể cho là bình thường. Ông hãy theo chúng tạm lui ra.
Thầy dẫn lễ nói:
Tất cả đồng đứng lên, nghe tiếng khánh, lễ tạ ba lễ và đứng thành hàng.
Bấy giờ, những người thỉnh sư đưa giới sư về phòng.
Ghi chú:
Những người đưa giới sư về phòng rồi, trở lại trong giảng đường yết-ma. Những người mới cầu thụ giới cùng đỉnh lễ tạ các vị thầy dẫn lễ, thư kí ba lễ. Để báo đáp công giúp đỡ việc tác pháp, việc sám hối được thành tựu, thầy dẫn lễ dẫn tất cả mọi người lên điện dạy họ suốt đêm lễ Phật, mỗi người hết sức chí thành, chớ sinh lười biếng.
1.6. Trình tội và cân nhắc
Ghi chú:
Nếu trong quá trình xét hỏi mà có người phạm tội nặng thì sáng hôm sau các thầy dẫn lễ và hội đồng thư kí trước hết đến các phòng kiểm tra kĩ số người bao nhiêu, rồi tập hợp họ lại một chỗ và bảo họ: “Các người hãy hướng về các thầy dẫn lễ và các thầy thư kí, lễ một lễ rồi đứng sang một bên”.
Thầy dẫn lễ nói:
Đêm hôm qua xét hỏi trong giảng đường yết-ma, tôi ghi những điều các ông trình bày vào sổ sách rồi, nhưng có việc này rất quan trọng, nên nay tôi dẫn các ông đến phòng của thầy yết-ma cầu xin rủ lòng thương xót. Đồng đến phương trượng trình bày với hòa thượng. Các ông hãy đi theo tôi.
Ghi chú:
Những người phát lộ theo các vị thầy dẫn lễ, thầy thư kí đến phòng thầy yết-ma và theo thông lệ đỉnh lễ và tự nguyện tha thiết cầu xin tác pháp cứu giúp.
Thầy yết-ma nói:
Các ông đã tự trình bày lỗi lầm rồi, có thể nói là biết hổ thẹn với những tội đã gây ra, nhưng thiện-ác là do tâm, tội-phúc tự mình gánh chịu. Điều may mắn là các ông tự xét biết lỗi lầm ấy, nên tôi nghĩ sẽ có cách cứu giúp. Huống gì các ông đã chí thành cầu xin, nay tôi đành lòng nào ngồi nhìn sao? Các ông hãy theo tôi cùng đến phương trượng, để xem có xin được hay không, còn tùy vào sự chỉ dạy của hòa thượng.
Ghi chú:
Nghe thầy yết-ma nói vậy, mọi người đỉnh lễ một lễ, đứng lên theo các thầy cùng đến phương trượng. Bấy giờ, thầy dẫn lễ để những người có tội kia đứng đợi ngoài cửa, còn mình thì vào báo cho vị thị giả biết để vị ấy thưa với hòa thượng. Hòa thượng ra khỏi phương trượng lên tòa. Khi ấy, thầy yết-ma tiến tới đỉnh lễ một lễ. Tiếp theo thầy dẫn lễ, thầy thư kí đồng đỉnh lễ ba lễ và trình sổ ghi tội lên hòa thượng. Hòa thượng mở ra xem và sai thị giả mời các thầy a-xà-lê và những vị đứng đầu các ban đến phương trượng. Đến rồi, tất cả cùng lễ hòa thượng ba lễ rồi theo thứ tự đứng thành hai hàng. Bấy giờ, thầy dẫn lễ gọi những người có tội đang đứng bên ngoài tiến vào, đến trước mặt hòa thượng và theo phép thường đỉnh lễ, quì gối, chắp tay.
Hòa thượng vỗ thủ xích, nói:
Các ông đã phát tâm tốt cầu xin giới pháp rồi sao lại gây ra tội nặng, làm nhơ uế đạo khí? Theo luật thì cấm nghiêm ngặt, xã hội thì không chấp nhận, nhưng nếu các ông có thể hổ thẹn lớn, phát đạo tâm lớn thì nay tôi và hội động Tri luật sư tăng căn cứ theo Đại thừa phương đẳng sám pháp phá lệ cứu giúp các ông.
Trong kinh Tam thiên chư Phật danh ghi: “Phật dạy: ‘Nếu có chúng sinh nào muốn trừ bốn cấm tội nặng, muốn sám hối được năm tội nghịch, mười điều ác, muốn trừ được tội cực nặng hủy báng pháp không căn cứ thì phải siêng năng lễ kính danh hiệu của năm mươi ba Đức Phật và hồng danh vạn đức của ba nghìn chư Phật. Bởi vì, các Đức Phật là đạo sư của ba cõi, cha lành của bốn loài, cứu giúp mọi nỗi khổ, ban cho tất cả niềm vui, chỉ cần chúng sinh có mảy may điều lành thì Phật liền duỗi tay cứu vớt’”.
Trong khi lễ sám phải tắm rửa, thay y phục sạch sẽ, hương đèn đầy đủ; hoặc bảy ngày đến bốn mười chín ngày cầu thấy được hảo tướng. Nếu thấy được hảo tướng và điềm ánh sáng xuất hiện thì biết rằng tội đã diệt, không còn nghi ngờ gì nữa, và vẫn là đạo khí thanh tịnh. Nếu như trong khi lễ sám mà tâm không ngay thẳng, hoặc không thành kính, không tin tội-phúc, không sợ địa ngục thì dù lòng từ của Đức Phật có trùm khắp, nhưng ứng cảm khó giao. Giống như dù trăng sáng ở trên không nhưng không hiện trong nước đục.
Chẳng phải như thế hay sao? (Vỗ thủ xích một cái).
Hỏi: Các ông có thể làm như thế được không?
Trả lời: Có thể làm được.
Hòa thượng quay sang hàng tăng hỏi: ‘Các đại đức, nay theo giáo pháp Phương đẳng cho phép những người kia sám hối được không?
Tăng chúng đồng trả lời: Được.
Hòa thượng nói tiếp: Các đại đức đã đồng lòng cân nhắc và đều nói: ‘Được.’ Giờ đây, thầy dẫn lễ ở tại chính điện đó chọn chỗ và sắp đặt để họ chí thành nhiếp tâm lễ sám. Sau khi lễ sám xong, quay trở lại và thưa tiếp.
Ghi chú:
Như thường lệ, thầy dẫn lễ chỉ dạy họ đỉnh lễ. Đỉnh lễ xong, đứng yên một bên cửa đợi. Các thầy a-xà-lê hướng lên trên lễ bái, đợi hòa thượng đi vào phòng, rồi sau đó mới giải tán. Tiếp theo, thầy dẫn lễ đưa họ đến từng nơi để lễ tạ. Tức là đưa họ đến trước những nơi có an trí Phật để họ lễ sám. Lễ sám xong, trước tiên phải thưa với vị thầy dẫn lễ ở chính điện đó. Nếu ai thấy hảo tướng thì nói thấy hảo tướng; nếu ai không thấy hảo tướng thì nói không thấy hảo tướng.
Tiếp theo thầy dẫn lễ dẫn họ đến phòng của thầy yết-ma và cũng thưa như thế. Rồi dẫn họ đến từng phòng, đỉnh lễ thỉnh đại chúng đồng tập hợp ở phương trượng. Khi đại chúng đã tập hợp ở phương trượng rồi, thầy dẫn lễ đưa những người lễ sám đến đứng ngoài cửa, đợi hòa thượng ra khỏi phòng, lên tòa và đại chúng đỉnh lễ ba lễ. Bấy giờ, thầy dẫn lễ gọi những người kia tiến vào, như thường lệ đỉnh lễ ba lễ, chắp tay, quì gối.
Hòa thượng căn cứ theo những điều đã hỏi kĩ.
Hỏi: “Trong số những người lễ sám kia có người nào từng thấy tướng hảo chưa?” Dù có người trả lời đã từng thấy, nhưng vẫn phải theo như trong kinh nói nguyên nhân thấy tướng hảo, để xem xét họ có thật đã thấy tướng hảo không. Nếu thật sự họ đã thấy tướng hảo thì chấp nhận cho họ thụ giới. Nếu người nào nói “hình như và nói không thấy tướng hảo” thì hòa thượng rửa tay, đốt hương, đích thân viết ba cái thẻ: một thẻ ghi cho phép thụ giới; một thẻ ghi sám hối lại; một thẻ ghi không cho phép thụ giới. Viết xong, hòa thượng dẫn chúng lên điện và đem ba cái thẻ đặt trước Đức Phật. Hòa thượng niêm hương, đỉnh lễ niệm thầm: ….
Ngưỡng bạch đại giác Thế Tôn và tất cả Bồ-tát trong pháp giới khắp mười phương, hôm nay có người tên… ở quận… tỉnh…. phát tâm xin con là tì-kheo… thụ tịnh giới. Người kia đã tạo nghiệp cực ác (phạm … trọng già, hủy phá…. giới cấm). Con tì-kheo… không dám cố ý làm trái với luật định, tùy tiện cho thụ giới và đã tuân theo Đại thừa phương đẳng dạy bảo họ đỉnh lễ hồng danh các Đức Phật, khen ngợi thánh hiệu vạn đức, cầu thấy tướng hảo. Những người kia đã đỉnh lễ, nhưng vẫn chưa thấy được tướng hảo, hoặc sợ chướng sâu, tin cạn, ba nghiệp không chí thành; nên nay con đến trước chư Phật, Bồ-tát thay họ khẩn cầu, cúi xin các ngài đừng bỏ chúng sinh, từ bi tiếp nhận, làm cho đạo khí của những người kia thanh tịnh, tội nghiệp tiêu trừ, được lãnh thụ giới pháp, như luật tu hành, hoàn toàn không còn hủy phá cấm giới, không tạo những nghiệp ác hữu tình, cùng vào trong biển tì-ni của Như Lai, đầy đủ đoạn đức, viên mãn pháp thân; nay lấy ba thẻ làm chuẩn, chư Phật chứng giám không có lòng riêng, khẩn cầu thương xót, xin rủ lòng từ tiếp nhận.
Ghi chú:
Hòa thượng vận tưởng vái thầm như thế xong, đỉnh lễ ba lễ. Tiếp theo đại chúng cũng phát tâm đại bi cứu khổ, vái thầm và đỉnh lễ ba lễ như thế. Đây là nghi thức của pháp môn Phổ Hiền hành, chứ đừng nghĩ rằng theo số đông. Đại chúng đỉnh lễ xong đứng hai bên. Thầy dẫn lễ gọi những người cầu sám hối tiến lên, dạy họ chí thành phát nguyện, vận tâm quán tưởng, đỉnh lễ thường trụ Tam bảo khắp pháp giới ba lễ, quì gối.
Ở trước Phật rút lấy một cái thẻ, mở ra cho mọi người thấy. Nếu người nào rút được thẻ cho phép thụ giới thì cho phép thụ giới với chúng. Nếu người nào rút được thẻ sám hối lại thì phải như pháp sám hối lại. Sám hối xong mới cho phép thụ giới, mà không cần rút thẻ lại. Nếu người nào rút được thẻ không cho phép thụ giới thì càng cần phải sám hối và phải khổ công nhiều hơn nữa và không giới hạn thời gian, mà phải lấy kì hạn khi nào rút được thẻ được cho thụ giới làm hạn định. Như thế một lần, hai lần, cho đến mười lần. Nhất nhất như trên tập chúng tác pháp. Đức Phật chế định chấm dứt không được có tình cảm riêng tư. Nếu đầu tiên thẩm xét, sám hối qua loa thì sau khi thụ giới rồi há có thể giữ được sao? Cho nên, nay trong nghi thức nhiều lần tác pháp chớ ngại việc phiền phức. Nếu không còn lỗi lầm thì làm cho thầy trò đều thanh tịnh, mình người đều được lợi ích. Để dựng lại ngọn cờ giới rực rỡ của thời mạt pháp và lắng trong biển pháp tì-ni.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.221.20.159 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.