Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Đường Tây Vực Cầu Pháp Cao Tăng [Truyện,Truyền] [大唐西域求法高僧傳] »» Bản Việt dịch quyển số 1 »»

Đại Đường Tây Vực Cầu Pháp Cao Tăng [Truyện,Truyền] [大唐西域求法高僧傳] »» Bản Việt dịch quyển số 1

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.62 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.71 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Truyện Cao Tăng Sang Tây Vực Cầu Pháp

Kinh này có 2 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 |
Việt dịch: Hạnh Xuyến - Trung Thể - Đức Như

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Sa-môn Nghĩa Tịnh từ Tây Vực trở về, sư đã ở lại nước Phật-thệ, vùng Nam Hải, soạn Kí qui truyện và vẽ bản đồ chùa Na-lan-đà.
Xét đất Thần châu[1] từ xưa biết bao người vì pháp quên mình. Đầu tiên, pháp sư Hiển[2] khai mở con đường còn hoang vắng; đến pháp sư Huyền Trang[3] lại mở ra đại lộ. Giữa hai thời kì đó, có người đi theo hướng tây, một mình vượt qua biên ải. Người lại theo hướng nam, đơn thân đạp biển cả mênh mông. Ai cũng nghĩ tưởng đến thánh tích, mong được gieo năm vóc sát đất mà đỉnh lễ. Ai cũng muốn có ngày quay trở lại quê nhà báo đáp tứ ân để lưu danh. Thế nhưng, đường đi gian khổ, đất Phật xa xôi, nên lúa trổ mười bông, kết hạt chỉ một. Ấy là do sa mạc mênh mông với cái nắng như thiêu đốt, biển lớn vô bờ dậy sóng cả ngút trời mây. Lẻ bước vượt Thiết môn[4], dấn thân băng vạn núi; một mình qua trụ đồng[5], phó mệnh vượt Thiên giang. Có khi, đói cơm nhiều ngày, nhịn khát mấy hôm. Có thể nói, suy nghĩ nhiều khiến tinh thần rã rời; nhọc mệt quá làm thân thể tiều tụy. Dẫn đến, hơn năm mươi người đi, nhưng sống sót chỉ còn vài vị. Giả như có người đến được Tây Vực[6], nhưng do Trung Quốc không đặt chùa tại đây, nên phải phiêu bạt gởi thân làm khách, lo lắng không chốn tựa nương, lang thang khắp nẻo, không chắc ở một chốn nào. Thân không an đạo thành được ư? Than ôi! Nhưng cũng thật đáng mừng cho sự nghiệp thành tựu tốt đẹp của họ, mong tiếng thơm truyền mãi đời sau.
Nay tôi y theo những điều nghe thấy mà biên soạn về hành trạng của các vị ấy. Thứ tự sắp xếp, phần lớn căn cứ vào thời gian đi và sự còn mất trước sau mà định. Xin được liệt kê như sau:
Pháp sư Huyền Chiếu, người Thái châu.
• Pháp sư Đạo Hi, người Tề châu.
• Pháp sư Sư Tiên, người Tề châu.
• Pháp sư A-nan-da-bạt-ma, người Tân-la.
• Pháp sư Huệ Nghiệp người Tân-la.
• Pháp sư Cầu Bổn, người Tân-la.
• Pháp sư Huyền Thái, người Tân-la.
• Pháp sư Huyền Khác, người Tân-la.
• Hai vị tăng người Tân-la.
• Sư Phật-đà-đạt-ma, người Đỗ-hóa-la.
• Pháp sư Đạo Phương, người Tinh châu.
• Pháp sư Đạo Sinh, người Tinh châu.
• Thiền sư Thường Mẫn, người Tinh châu.
• Một người đệ tử của sư Thường Mẫn.
• Sư Mạt-để-tăng-ha, người Kinh châu.
• Pháp sư Huyền Hội, người Kinh châu.
• Sư Chất-đa-bạt-ma.
• Hai người con của nhũ mẫu công chúa Thổ Phồn
• Pháp sư Long.
• Pháp sư Minh Viễn, người Ích châu.
• Luật sư Nghĩa Lãng, người Ích châu.
• Một đệ tử của luật sư Nghĩa Lãng.
• Pháp sư Trí Ngạn, người Ích châu.
• Luật sư Hội Ninh, người Ích châu.
• Pháp sư Vận Kì, người Giao châu.
• Sư Mộc-xoa-đề-bà, người Giao châu.
• Pháp sư Khuy Xung, người Giao châu.
• Pháp sư Huệ Diễm, người Giao châu.
Pháp sư Tín Trụ.
• Pháp sư Trí Hành, người Ái châu.
• Thiền sư Đại Thừa Đăng, người Ái châu.
• Sư Tăng-già-bạt-ma, người nước Khương.
Sư Bỉ Ngạn và Trí Ngạn người Cao Xương.
Pháp sư Đàm Nhuận, người Lạc Dương.
• Luận sư Nghĩa Huy, người Lạc Dương.
• Ba vị tăng nước Đại Đường.
• Pháp sư Huệ Luân, người Tân-la.
• Pháp sư Đạo Lâm, người Kinh châu.
• Pháp sư Đàm Quang, người Kinh châu.
Một vị tăng nước Đại Đường.
Thiền sư Huệ Mạng, người Kinh châu.
• Luật sư Huyền Quì, người Nhuận châu.
• Pháp sư Thiện Hạnh, người Tấn châu.
Pháp sư Linh Vận, người Tương Dương.
• Thiền sư Tăng Triết, người Lễ châu và hai vị đệ tử.
Luật sư Trí Hoằng, người Lạc Dương.
• Thiền sư Vô Hành, người Kinh châu.
• Thiền sư Pháp Chấn, người Kinh châu.
Thiền sư Thừa Ngộ, người Kinh châu.
• Luật sư Thừa Như, người Lương châu.
Pháp sư Đại Tân, người Lễ châu.
Tổng cộng có năm mươi sáu vị, phần nhiều nay đã viên tịch. Ngày Tịnh tôi đến Tây Vực, chỉ gặp được 5 vị: Vô Hành, Đạo Lâm, Huệ Luân, Tăng Triết và Trí Hoằng. Đời Vũ Chu[7], niên hiệu Thùy Củng thứ nhất (685), tôi cùng sư Vô Hành chia tay tại Tây Vực. Cho đến nay, không rõ sư ở nơi nào, còn sống hay đã viên tịch!
PHÁP SƯ HUYỀN CHIẾU
Sư người vùng Tiên Chưởng, Thái châu, tên Phạn là Bát-ca-xa-mạt-để (Hán dịch Chiếu Huệ). Tuy được kế thừa tước vị của cha ông, nhưng ngay từ thuở nhỏ, sư đã từ bỏ để xuất gia. Đến tuổi trưởng thành, vì muốn lễ bái các thánh tích, sư bèn lên kinh thành tìm học kinh, luận.
Trong khoảng niên hiệu Trinh Quán[8], sư đến chỗ ngài Huyền Đăng, chùa Đại Hưng Thiện[9] học tiếng Phạn. Sau đó sư đi về phương tây, một lòng hướng đến Kì Viên[10]. Sư từ bỏ chốn cao sang mà dấn thân vào sa mạc; đạp qua Thiết môn mà trèo lên núi Tuyết[11]; súc miệng nước Hương trì để khắc ghi trọn niệm với bốn hoằng[12]; vượt lên Thông Lĩnh[13] phát dõng tâm thệ độ khắp ba cõi[14].
Hành trình qua nước Tốc-lợi, sang nước Hóa-la[15], lặn lội đến Hồ cương[16], vào nước Thổ-phồn[17]. Tại đây sư được công chúa Văn Thành[18] cho người hộ tống lên Bắc Thiên Trúc, rồi đi dần sang nước Xà-lan-đà[19]. Đường xa hiểm trở, chưa đến được nước này, đoàn của sư đã bị giặc cướp bắt. Các thương nhân tìm mọi cách báo quan nhưng không được. Thế là sư dốc lòng cầu Phật gia hộ, đêm ngủ mộng thấy có cảm ứng. Tỉnh giấc, thấy bọn giặc cướp đang ngủ say, sư âm thầm dẫn mọi người ra khỏi vòng vây, được thoát nạn.
Sư ở lại nước Xà-lan-đà bốn năm được quốc vương nước này kính trọng, thỉnh lưu lại cúng dường. Sư học kinh luật, trau dồi thêm tiếng Phạn. Khi đã tương đối thông thạo, lại tiếp tục đi về phương nam, đến Mạc-ha Bồ-đề[20] và lưu lại đây bốn mùa hạ. Tự hận mình sinh ra không gặp Phật, nên mong chiêm ngưỡng được thánh tích; cầu chân dung do đức Từ Thị[21] tạo, nên lòng thành kính vô cùng. Với lòng chí kính, sư dốc tâm nghiên cứu Câu-xá luận[22], thấu đáo nghĩa Đối pháp tạng[23], nghiền ngẫm về luật nghi, thông suốt cả luật Tiểu thừa lẫn Đại thừa.
Về sau, sư đến chùa Na-lan-đà[24], lưu lại đây ba năm, theo pháp sư Thắng Quang học các bộ Trung luận[25], Bách luận[26]. Sư lại theo đại đức Bảo Sư Tử thụ học luận Du-già thập thất địa[27]. Thiền môn trạm tịch, sư đã thấy rõ điểm then chốt, nắm tận được cương yếu. Sau đó sư tiếp tục đi lên lưu vực bắc sông Hằng, nhận được sự cúng dường của quốc vương Chiêm-ba[28]. Sư lần lượt trụ các chùa Tín Giả v.v… được ba năm. Về sau, Vương Huyền Sách, sứ giả nhà Đường, trở về nước, dâng biểu tấu về những ngôn hạnh của sư, vua bèn lệnh cho ông trở lại Tây Trúc, thỉnh Huyền Chiếu về kinh.
Trên đường về, sư ghé nước Nê-ba-la[29] được quốc vương nước này phái người đưa sang nước Thổ-phồn. Tại đây, sư gặp lại công chúa Văn Thành, được tiếp đãi trọng hậu, còn được cấp tư lương để trở về nước.
Thế là, sư từ Tây phiên[30] mà đến Đông Hạ[31]. Tháng chín sư rời khỏi Chiêm-ba, tháng giêng năm sau đã về đến Lạc Dương. Trong vòng năm tháng, sư đã vượt qua vạn dặm đường.
Đời Đường Cao tông, khoảng niên hiệu Lân Đức(664-665), vua xa giá đến Đông Lạc[32], sư phụng chiếu đến ra mắt. Vua ban sắc thỉnh sư sang nước Yết-thấp-di-la[33], tìm bà-la-môn Lô-ca-dật-đa lấy thuốc trường sinh. Bấy giờ, sư ở Lạc Dương gặp gỡ các vị tôn đức, cùng nhau luận giải sơ lược cương yếu Phật pháp; lại cùng luật sư Đạo, pháp sư Quán tại chùa Kính Ái dịch Tát-bà-đa bộ luật nhiếp[34], nhưng vì nhận sắc lệnh đi gấp nên sở nguyện không thành. Sư đành để các bản kinh luật Phạn văn lại kinh thành.
Bấy giờ, sư lại phải vượt qua sa mạc, đạp trên đá sỏi. Có lúc sư phải nghiêng người lách thân vượt qua sạn đạo[35] hiểm trở cheo leo; có lúc phải đu người vượt qua cầu dây lắc lẻo, hay phải trầm mình dưới nước để qua sông. Khi thì gặp giặc Thổ-phồn đuổi, phải ném bỏ hết hành trang mới chạy thoát. Lúc lại bị bọn Hung nô cướp mất sạch chỉ còn lại thân mạng. Đến biên giới Bắc Ấn Độ, sư gặp sứ giả nhà Đường đi cùng Lô-ca-dật-đa. Lô-ca-dật-đa lại bảo sư cùng sứ giả và một vài tùy tùng đến nước La-đồ, vùng Tây Ấn Độ để lấy thuốc trường sinh.
Hành trình đi qua Phạ-khát-la, đến Nạp-bà-tì-ha-la[36], sư tận mắt chiêm ngưỡng cái chậu dùng rửa tay của Đức Phật xưa kia và các thánh tích. Sư đến nước Ca-tất-thí, đỉnh lễ xá-lợi xương đỉnh đầu của Phật. Sư lại bày biện đầy đủ hương hoa để thỉnh bản kinh Quán lai sinh thiện ác bằng Phạn văn, rồi tiếp tục qua nước Tín-độ[37] mới đến được nước La-đồ[38]. Tại đây sư được quốc vương nước này lễ kính, sư bèn lưu lại bốn năm. Sau đó, sư đến Nam Ấn Độ lấy các thứ thuốc trở về Đông Hạ. Sư đến chiêm bái tòa kim cang rồi quay lại chùa Na-lan-đà, gặp pháp sư Nghĩa Tịnh, thỏa chí nguyện cả một đời, nguyện cùng gặp nhau ở hội Long Hoa.
Về sau, đường từ Nê-ba-la qua Thổ-phồn bị ách tắc. Còn đường từ Ca-tất-thí sang Đa-thị[39] lại khó qua. Thế là, sư đành dừng tâm nơi đỉnh Thứu[40], chôn lòng nơi Trúc uyển[41]. Tuy luôn có ước vọng truyền đăng mà chưa trọn được tâm lạc diệp. Than ôi! Khổ hạnh chí thành mà tâm lợi sinh chẳng toại; lòng muốn cỡi mây về mà gãy cánh tại Trung Thiên. Tại nước Am-ma-la-phả thuộc vùng Trung Ấn Độ, sư lâm bệnh qua đời, hưởng thọ hơn sáu mươi tuổi.
Thương thay!
Chí cao vòi vọi,
Ưu tú hơn người,
Đạp qua Tế Liễu[42],
Vượt chốn Kì Liên[43],
Sông Hằng cuộn chảy,
Vườn Trúc sum sê,
Niệm niệm ngóng trông,
Tâm tâm nhớ tưởng,
Lòng mong diễn pháp,
Chí gởi độ sinh,
Than ôi! Chẳng toại,
Thương thay! Không thành,
Lưỡng hà[44] vùi cốt,
Bát thủy[45] nổi danh,
Quí thay! Chí hạnh,
Bậc triết lợi trinh[46].
PHÁP SƯ ĐẠO HI
Sư người vùng Lịch Thành, Tề châu[47], tên Phạn là Thất-lợi Đề-bà (Trung Quốc dịch Kiết Tường Thiên), thuộc dòng dõi danh gia vọng tộc, nhiều đời kế thừa tước vị. Sư xuất gia từ thuở nhỏ, lớn lên giữ tiết tháo trong sạch.
Sư vượt sa mạc mênh mông du hóa đến Trung Thiên, băng qua những đỉnh núi cao ngất chạm mây, vì đạo pháp coi thường tính mạng. Trên đường sang Thổ-phồn gặp nhiều nguy hiểm, sợ khó giữ giới luật nên sư tạm xả, sang đến Tây Trúc mới thụ giới lại. Sư đi khắp nơi, đến Mạc-ha Bồ-đề lễ bái các thánh tích. Trải qua vài năm, sư trụ ở Na-lan-đà rồi đến nước Câu-thi[48], được quốc vương nước Am-ma-la-bạt cung kính tiếp đãi. Tại chùa Na-lan-đà, sư chuyên học Đại thừa và đã để lại đây hơn bốn trăm quyển kinh luận mới cũ mang từ nước Đường sang. Nơi chùa Thâu-bà-bạn-na[49], sư chuyên tâm nghiên cứu luật tạng, còn học tập thanh minh[50], thấu hiểu tận tường cương mục[51]. Văn chương của sư rất có thần, giỏi chữ thảo lệ[52]. Tại chùa Đại Giác[53], sư tạo một bia kí nói về nhà Đường. Bấy giờ, tôi[54] đang ở tại Tây Ấn Độ nên chưa kịp gặp mặt. Sư ở tại nước Am-ma-la-bạt bị bệnh rồi viên tịch, hưởng dương hơn năm mươi tuổi. Về sau, nhân đi chiêm bái các thánh tích, tôi thấy được căn phòng sư từng ở. Thương người chưa đạt thành chí nguyện, tôi mới cảm đề một bài thơ bảy chữ:
Quên khổ một mình riêng dấn chân
Vượt xa vạn dặm đáp bốn ân[55]
Chí nguyện truyền đăng còn chưa thỏa
Gặp cảnh khốn cùng phải bỏ thân.
PHÁP SƯ SƯ TIÊN
Sư người Tề châu, giỏi mật chú, thông tiếng Phạn. Sư cùng pháp sư Huyền Chiếu đi từ Bắc Thiên đến Tây Ấn Độ, đến thành Am-ma-la-cát-bạt, được quốc vương nước này kính trọng. Tại chùa Cư Vương, sư gặp pháp sư Đạo Hi, kết tình đồng hương, cùng lưu lại đây một mùa hạ, sau đó nhuốm bệnh rồi viên tịch, hưởng dương ba mươi lăm tuổi.
A-NAN-DA BẠT-MA
Sư người Tân-la. Vào khoảng niên hiệu Trinh Quán, sư rời Quảng Hiếp[56], Trường An để tìm cầu chính pháp và đỉnh lễ thánh tích. Tại chùa Na-lan-đà, sư nghiên cứu luật luận và sao chép các bộ kinh. Đau đớn thay! Vì không thỏa lòng mong cầu tu tập, sư rời nước Kê Quí[57] ở phương đông đến Long Tuyền[58] ở phương tây, rồi viên tịch tại một ngôi chùa ở vùng này, hưởng thọ hơn bảy mươi tuổi.
Chú thích:
[1] Thần châu 神州: chỉ Trung Quốc.
[2] Pháp sư Hiển 顯法師: ngài Pháp Hiển, cao tăng Trung Quốc, sống vào đời Đông Tấn, người Vũ Dương, Bình Dương (nay thuộc tỉnh Sơn Tây), Trung Quốc, họ Cung. Năm 399, sư cùng các ngài Huệ Cảnh, Đạo Chỉnh… rời Trường An, băng qua sa mạc, vượt Thông Lĩnh đến Thiên Trúc cầu pháp. Về sau, sư đem rất nhiều kinh Phạn về nước, cùng một số vị phiên dịch kinh, luật. Sư còn soạn bộ Phật quốc kí, thuật lại hành trình sang Ấn Độ cầu pháp.
[3] Pháp sư Huyền Trang 玄奘法師 (602-664): cao tăng Trung Quốc, sống vào đời Đường, họ Trần tên Huy, người huyện Câu Thị, Lạc Châu (nay thuộc huyện Yển Sư, Hà nam), là sơ tổ tông Pháp Tướng và là nhà phiên dịch kinh nổi tiếng nhất Trung Quốc, được người đời tôn xưng là Tam tạng pháp sư. Năm 629, ngài lên đường sang Thiên Trúc, trải qua nhiều gian nan nguy hiểm. Tại Ấn Độ, ngài tham học luận tạng với các luận sư nổi tiếng và trở thảnh một luận sư lỗi lạc, vang danh khắp Ngũ thiên. Năm 643, trở về nước, dưới sự ủng hộ của vua, ngài đã dịch được 75 bộ, gần 1335 quyển kinh, luật, luận; và còn soạn bộ Đại Đường Tây Vức kí 12 quyển, tường thuật là quá trình Tây du cầu pháp của ngài trong suốt 17 năm.
[4] Thiết môn 鐵們: cửa ải, cổng làm bằng sắt, hai bên cổng là vách đá dựng đứng, màu sắc giống thép. Nơi cửa ra vào có treo nhiều chuông bằng sắt, khi mở cửa, chuông khua rất xa để báo hiệu cho nhiều người cùng biết, là cửa ải rất hiểm trở.
[5] Trụ đồng 銅 柱: cột mốc chia ranh giới giữa Giao Chỉ và Trung Quốc, do tướng Mã Viện đời Đông Hán, khi đem quân xâm lược Giao Chỉ dựng lên.
[6] Tây Vực 西域: danh từ Tây Vực nói trong lịch sử không có phạm vi nhất định, tên gọi các nước Tây Vực cũng tùy theo sự chuyển biến của thời đại mà thay đổi. Còn danh từ Tây Vực trong lịch sử Phật giáo là chỉ cho các vùng phải đi qua khi truyền Phật giáo từ Ấn Độ sang Trung Quốc bằng đường bộ. Trong các nước, những nước có quan hệ với Phật giáo như: về phía tây Thông Lĩnh có Nhục-chi, An Tức, Khương-cư, Kiền-đà-la, Kế-tân. Về phía Đông Thông Lĩnh có Vu-điền, Chước-cú-ca, Qui-tư, Sơ-lặc, Cao Xương (nay là Thổ-lỗ-phồn). Trong đó, quan trọng nhất là hai nước Kiền-đà-la và Kế-tân.
[7] Vũ Chu 武周: triều Chu do Võ Tắc Thiên lập.
[8] Trinh Quán 貞觀: niên hiệu Đường Thái Tông (627- 649).
[9] Chùa Đại Hưng Thiện大善興寺: chùa ở phía nam, cách thành phố Tây An, tỉnh Thiểm tây, Trung Quốc khoảng 2,5 km, được xây dựng trong thời gianTùy Văn đế trùng hưng Phật giáo. Đây là ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất ở Trường An.
[10] Kì Viên 祇 園 (Gđ: Kì Thụ Cấp Cô Độc Viên 祇樹給孤獨園; S: Jetavana-anāthapiṇḍasyārāma): thánh địa của Phật giáo ở phía nam thành Xá-vệ , nước Kiều-tát-la, thuộc Trung Ấn Độ.
[11] Núi Tuyết (Tuyết lĩnh 雪嶺; Cg:Tuyết sơn; S;Himālaya): dãy núi hùng vĩ ở phía bắc Ấn Độ, quanh năm đều có tuyết phủ trên đỉnh, nên gọi là núi Tuyết.
[12] Bốn hoằng (tứ hoằng thệ ngưyện 四弘誓願): bốn nguyện rộng lớn mà hết thảy bồ-tát lúc mới phát tâm đều nguyện thụ trì, gồm:
1. Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.
2. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.
3. Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.
4. Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
[13] Thông Lĩnh 蔥嶺: rặng núi lớn ở cao nguyên Pamir (Phạ-mễ-nhĩ), phía tây nam tỉnh Tân Cương, Trung Quốc; phía nam giáp Bắc Ấn Độ, phía đông giáp nước Ô-sát (Usa) thuộc Tân Cương, phía tây giáp nước Hoạt (Kunduj) thuộc Afghanistan, phía bắc giáp Thiên Sơn, chia Tây Vực thành hai phần.
[14] Ba cõi (tam hữu 三有): cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc.
[15] Hóa-la 睹貨邏 (Gđ: Đổ-hóa-la; S: Tukhāra): tên một nước thời xưa ở tây nam cao nguyên Pamirs và thượng du sông Oxus, phía đông giáp Thông Lĩnh, tây giáp Ba-tư (nay là Iran), nam giáp Tuyết sơn, bắc giáp Thiết môn. Nước này nằm ở vùng trọng yếu từ phía đông Thổ-nhĩ-kì đến Ba Tư, Ấn Độ, vốn là một vùng đất của đế quốc Ba Tư.
[16] Hồ cương 胡疆: cương giới quốc gia của các dân tộc ít người ở miền bắc và tây Trung Quốc.
[17] Thổ-phồn 吐蕃: một dân tộc ít người vùng tây nam Trung Quốc thời xưa, cương giới nước này nay là vùng Tây Tạng.
[18] Công chúa Văn Thành 文成公主: công chúa Đại Đường. Niên hiệu Trinh Quán thứ 14 (640), Đường Thái tông đã gả công chúa cho quốc vương Thổ-phồn là Tùng-tán-can-bố, một vị vua tài đức vẹn toàn. Về sau, công chúa không chỉ là người cống hiến cho sự phát triển Phật giáo ở Thổ-phồn, mà còn có công củng cố tình hữu nghị giữa hai dân tộc Đại Đường-Thổ-phồn; giúp Thổ-phồn phát triển mạnh về kinh tế, văn hoá.
[19] Xà-lan-đà quốc 屠闌陀國 (Cg: Xà-lạn-đạt-la quốc 闍爛達羅國; S: Jālandhara): tên một vương quốc thời cổ ở Bắc Ấn Độ, nằm phía đông nước Chí-na-bộc-để (S: Cīna-bhukti), tương đương với vùng đất giữa hai con sông Sutlej và Beas, thuộc khu vực Ngũ Hà ngày nay.
[20] Mạc-ha Bồ-đề 莫訶菩提 (Cg: Bồ-đề-ca-da, Bồ-đề đạo tràng): thánh tích, nơi Đức Phật thành đạo.
[21] Từ Thị 慈氏: tức bồ-tát Di-lặc, vị bồ-tát Nhất sinh bổ xứ, được Đức Phật Thích-ca thụ kí thành Chính giác ở tương lai.
[22] Câu-xá luận 俱舍論 (Gđ: A-tì-đạt-ma Câu-xá luận): bộ luận do bồ-tát Thế Thân biên soạn, ngài Huyền Trang đời Đường dịch, 30 quyển.
[23] Đối pháp tạng 對法藏: tức luận Câu-xá, do ngài Thế Thân tạo. Vì luận Câu-xá hàm nhiếp diệu nghĩa của các bộ luận Lục túc, Phát trí v.v… nên gọi luận Câu-xá là Đối pháp tạng.
[24] Na-lan-đà 那爛陀 (S: Nālandā): ngôi chùa lớn ở nước Ma-kiệt-đà thuộc Trung Ấn Độ, cách phía đông chùa Đại Giác nơi Bồ-đề đạo tràng bảy trạm đường, do vua Thước-ca-la-a-dật-đa xây dựng sau ngày Đức Phật nhập niết-bàn.
[25] Trung luận 中論 (S: Mūlamadhyamaka-kārikā; Cg: Trung quán luận, Chính quán luận): bộ luận gồm 4 quyển, do bồ- tát Long Thụ soạn, ngài Thanh Mục giải thích, ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào đời Dao Tần, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 30.
[26] Bách luận 百論: tức Bách pháp minh môn luận.
[27] Luận Du-già thập thất địa 瑜伽十七地論 (Cg: Du-già sư địa luận; S: Yogacārabhūmi): luận này là một kho báu lớn để nghiên cứu về tư tưởng Phật giáo Đại thừa và Tiểu thừa, giải thích rộng về 17 địa sở y của hành giả Du-già.
[28] Chiêm-ba 瞻波 (S: Campā): một nước cổ ở phía nam nước Vaisali (Phệ-xá-li) thuộc Trung Ấn Độ.
[29] Nê-ba-la 泥波羅 (S:Nepāla): tên cũ của nước Nepal
[30] Tây phiên 西蕃: chỉ các nước Tây Vực và những nước nhỏ nằm phía tây Trung Quốc.
[31] Đông Hạ 東夏: phía đông của Trung Quốc.
[32] Đông Lạc東洛: chỉ thành Lạc Dương.
[33] Yết-thấp-di-la 羯濕彌囉 (Cg: Ca-thấp-di-la): đời Hán, Trung Quốc gọi là nước Kế-tân.
[34] Tát-bà-đa bộ luật nhiếp 薩婆多部律攝: bộ luật 14 quyển, do ngài Thắng Hữu người Ấn Độ soạn.
[35] Sạn đạo 棧道: đường đi trên các vùng núi non hiểm trở, dùng cây hoặc gỗ gá vào vách núi mà đi.
[36] Nạp-bà-tì-ha-la 納婆毘訶羅: Trung Quốc gọi là Tân Tự.
[37] Tín-độ 信度 (S: Sindhu): tên một vương quốc thời xưa ở Tây Ấn Độ; về sau, dùng chỉ chung toàn vùng Ấn Độ.
[38] La-đồ 羅荼 ( Cg:La-la; S: Lāṭa): một vương quốc thời xưa ở Nam Ấn Độ, tức vùng đất Gujarat (Cổ-gia-lạp), trực thuộc thành phố Bombay ở Ấn Độ ngày nay.
[39] Đa-thị 多氏: nước Đại Lương.
[40] Đỉnh Thứu : chỉ cho Linh Thứu 靈鷲 (S: Gṛdhrakūṭa; Hâ: Kì-xà-quật): núi phía đông bắc thành Vương Xá, nước Ma-kiệt-đà, Trung Ấn Độ. Đức Như Lai từng giảng các kinh Đại thừa như Pháp hoa v.v… ở núi này, cho nên núi trở thành thánh địa của Phật giáo.
[41] Trúc uyển 竹苑: chỉ cho Trúc Lâm tinh xá (S: Veṇuvana-vihāra), nước Ma-kiệt-đà, Trung Ấn Độ. Khi còn tại thế, đức Như Lai thường ngự tại đây thuyết pháp giáo hóa chúng sinh.
[42] Tế Liễu 細 柳: tên đất ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
[43] Kì Liên 祁連: tên núi ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc.
[44] Lưỡng hà 兩 河: Hai con sông lớn ở Ấn Độ: Hằng hà (Gaṅgā) và Tín-độ (Sindhu), người Ấn Độ gọi hai con sông này là Lưỡng hà. Ý chỉ Ấn Độ.
[45] Bát thủy 八水 (Cg: bát xuyên): tám con sông lớn ở hai tỉnh Cam Túc và Thiểm Tây, Trung Quốc, gồm: Kinh thủy, Vị thủy, Bá thủy, Sản thủy, Lao thủy, Quyết thủy, Phong thủy và Hạo thủy. Ý chỉ Trung Quốc.
[46] Lợi trinh 利貞: có lòng hi sinh, có tâm chân chính.
[47] Tề châu 齊 州: tên vùng đất thời Đường , nay thuộc tỉnh Sơn Đông.
[48] Câu-thi 俱尸(Gđ: Câu-thi-na-yết-la; S: Kuśinagara): tên nước hoặc đô thành ở Trung Ấn Độ, nơi Đức Phật nhập niết-bàn.
[49] Thâu-bà-bạn-na 輸婆伴娜 : chùa gần nơi Phật nhập niết-bàn.
[50] Thanh minh 青明 : một trong ngũ minh: 1. Thanh minh; 2. Công xảo minh; 3. Y phương minh; 4.Nhân minh; 5. Nội minh. Học Thanh minh: học văn tự, âm vận, ngữ pháp của một loại ngôn ngữ.
[51] Cương mục 綱目: “cương”: giềng lưới, “mục”: mắt lưới; chỉ cho phần chính và phần chi tiết.
[52] Thảo lệ 草隸: chữ Thảo và chữ Lệ. Chữ Thảo là loại chữ có từ thời Hán, dùng để viết cho nhanh. Chữ Lệ do Tần Trình Mạc đặt ra, từ nhà Hán trở về sau, các sách vở cùng sớ biểu cho tới công văn, tư văn đều dùng lối chữ ấy.
[53] Chùa Đại Giác 大覺寺 (Cg: Đại Bồ-đề tự, Đại Giác tháp): ngôi tháp lớn nằm phía đông cội bồ-đề.
[54] Tôi: chỉ ngài Nghĩa Tịnh.
[55] Bốn ân四恩: bốn ân nặng: ân cha mẹ, ân chúng sinh, ân quốc vương, ân Tam bảo.
[56] Quảng Hiếp廣脅: tên núi ở Vương thành.
[57] Kê Quí 雞貴 (S: Củ-củ-trá-y-thuyết-la): “củ- củ- trá” dịch là “kê (gà)”, “y-thuyết–la” dịch là “quí” (tôn quí), tức nước Cao Li. Tương truyền rằng, nước này rất quí gà nên đặt tên nước như vậy. Người ta cung kính cắm lông gà lên đầu để trang sức.
[58] Long Tuyền龍泉: hồ ở Na-lan-đà.
PHÁP SƯ HUỆ NGHIỆP
Sư người nước Tân-la. Vào khoảng niên hiệu Trinh Quán, sư sang Tây Vực, đến chùa Bồ-đề, chiêm bái đỉnh lễ thánh tích. Sư ở lại chùa Na-lan-đà một thời gian dài nghe giảng kinh điển. Tôi nhân việc kiểm tra những bản kinh của nhà Đường, bỗng phát hiện quyển Lương luận [1] , bên dưới có ghi rằng: “Tăng Huệ Nghiệp, người Tân-la biên soạn dưới cây Phật xỉ”, bèn hỏi thăm những vị tăng trong chùa, được biết sư đã viên tịch nơi đây, hưởng thọ hơn sáu mươi tuổi. Những quyển kinh tiếng Phạn do sư sao chép đều còn lưu tại chùa Na-lan-đà.
PHÁP SƯ HUYỀN THÁI
Sư người nước Tân-la, tên Phạn là Tát-bà-thận-nhã-đề-bà, Trung Quốc dịch là Nhất Thiết Trí Thiên. Trong khoảng niên hiệu Vĩnh Huy [2], sư từ nước Thổ-phồn qua Nê-ba-la, đến Trung Ấn Độ đỉnh lễ thánh tích cội bồ-đề và kiểm chứng kĩ kinh luận. Sau đó, sư quay về đông, đến nước Đột-đục-hồn gặp pháp sư Đạo Hi. Hai sư cùng nhau lên đường đến chùa Đại Giác. Sau đó, sư trở về Trung Quốc, không rõ viên tịch nơi nào.
PHÁP SƯ HUYỀN KHÁC
Sư người nước Tân-la. Vào niên hiệu Trinh Quán, sư cùng pháp sư Huyền Chiếu đến chùa Đại Giác. Sư từng đỉnh lễ các thánh tích, về sau nhuốm bệnh và qua đời, hưởng dương hơn bốn mươi tuổi.
HAI VỊ TĂNG NGƯỜI NƯỚC TÂN-LA
Không rõ tên tuổi của hai sư, chỉ biết từ Trường An, hai sư đến Nam Hải, rồi đi thuyền sang nước Thất-lợi-phật-thệ [3], đến nước Tây-bà-lỗ-sư. Cả hai sau đó đều bị bệnh và viên tịch.
SƯ PHẬT-ĐÀ ĐẠT-MA
Sư người nước Đổ-hóa-tốc-lợi, thân hình vạm vỡ, khí lực dồi dào, tu theo pháp Tiểu thừa, thường đi khất thực. Lúc trẻ nhân đi buôn bán, sư từng đến Trung Quốc và xuất gia tại Ích phủ. Sư thích du hành, đi khắp đất Cửu châu [4]. Về sau, sư sang Ấn Độ, đi chiêm lễ khắp các thánh tích. Tôi có gặp sư tại Na-lan-đà. Sau đó, sư lên Bắc Ấn độ rồi viên tịch nơi ấy, hưởng dương khoảng năm mươi tuổi.
PHÁP SƯ ĐẠO PHƯƠNG
Sư người Tinh châu. Sư đã vượt qua sa mạc sang nước Nê-ba-la rồi đến trụ ở chùa Đại Giác và được cử làm trụ trì vài năm. Về sau, sư trở về nước Nê-ba-la và lưu lại đến nay [5]. Có người cho rằng về sau sư khuyết giới hạnh, không học kinh điển.
PHÁP SƯ ĐẠO SINH
Sư người Tinh châu, tên Phạn là Chiên-đạt-la-đề-bà, Trung Quốc dịch Nguyệt Thiên. Cuối niên hiệu Trinh Quán, sư theo đường Thổ-phồn sang Trung quốc [6], đến chùa Bồ-đề [7] lễ bái tháp Phật. Sau đó, đến chùa Na-lan-đà, học làm đồng tử [8], được vua rất kính trọng.
Cách chùa này mười hai trạm [9] về hướng đông có Vương tự. Chúng tăng ở đây chuyên tu theo pháp Tiểu thừa. Sư ở lại chùa này nhiều năm, học ba tạng kinh luật luận Tiểu thừa, tinh thông luận Thuận chính lí [10]. Sau đó, sư mang theo rất nhiều kinh tượng, muốn trở về nước nhưng mới về đến Nê-ba-la thì nhuốm bệnh rồi viên tịch. Lúc ấy, sư khoảng năm mươi tuổi.
THIỀN SƯ THƯỜNG MẪN
Sư người Tinh châu. Từ khi cạo tóc, đắp y hoại sắc, sư luôn siêng năng tụng kinh, niệm Phật không biếng trễ, phát đại nguyện cầu sinh về Cực Lạc. Sư hành trì pháp môn Tịnh Độ, xưng niệm danh hiệu Phật A-di-đà. Khi nền tảng phúc đức đã vững, một vài tai ương đều qua khỏi. Về sau, sư đến Kinh Lạc chuyên ròng tu tập pháp môn này. Lòng chí thành cảm ứng những điềm lành, sư bèn phát nguyện sao chép đủ mười nghìn quyển kinh Bát-nhã. Bởi mong được đến Thiên Trúc lễ bái các thánh tích của Như Lai, đồng thời hồi hướng phúc đức thù thắng này, nguyện được vãng sinh, sư bèn dâng biểu lên vua, xin được sao chép và giảng thuyết kinh Bát-nhã cho dân chúng các châu. Lòng người chí thành, trời cũng thuận theo, sư nhận được sắc chỉ đi về phương nam, đến Giang Biểu sao chép kinh Bát-nhã để báo đền ân vua. Chí nguyện được thỏa, sư bèn đến vùng ven biển, đi nhờ thuyền xuôi về phương nam, đến nước Ha-lăng. Từ đây, sư tiếp tục đi nhờ thuyền đến nước Mạt-la-du, rồi tìm đường đến Trung Ấn Độ. Vì thuyền buôn chở hàng hoá quá nặng, nhổ neo chưa bao xa, bỗng gặp sóng lớn, không quá nửa ngày thì bị chìm. Trong lúc thuyền chìm dần, các khách buôn tranh giành, xô đẩy nhau leo sang thuyền nhỏ. Chủ thuyền là người có tín tâm, đã lớn tiếng gọi sư sang thuyền nhỏ. Sư đáp: “Hãy chở người khác, tôi không đi!”. Vì sao? Vì cứu chúng sinh, xem thường thân mạng là thuận theo tâm bồ-đề. quên mình giúp người là việc làm của bậc đại sĩ.
Sau đó, sư chắp tay hướng về phương tây xưng niệm danh hiệu Phật A-di-đà. Trong phút chốc, thuyền và người cùng chìm, tiếng niệm Phật cũng dứt, sư viên tịch, hưởng dương hơn năm mươi tuổi.
Một đệ tử của sư thấy vậy kêu khóc thảm thiết, cũng niệm Phật A-di-đà rồi chìm theo sư. Những người được cứu sống đã kể lại chi tiết chuyện này.
Thương thay!
Vĩ nhân cao tột,
Vì người xả thân,
Sáng như gương chiếu,
Quí tợ bảo châu.
Nhuộm cũng không đen,
Mài mà chẳng mỏng,
Dấn thân non tuệ,
Dưỡng trí bến hiền.
Ở nước mình hoằng dương Tịnh nghiệp,
Đến xứ người làm chỗ tựa nương,
Thấy cơn sóng dữ sắp chìm thuyền,
Quên mình cứu người trong gang tấc.
Xót thương muôn vật,
Ít nghĩ đến thân.
Uế thân tan trong sóng dữ,
Gìn tịch diệt.
Nguyện sinh về nước An Dưỡng,
Để lưu thần.
Đạo cả không mờ,
Đức kia há lấp!
Tỏa ánh từ rực rỡ,
Trọn trần kiếp [11] huy hoàng.
SƯ MẠT-ĐỂ-TĂNG-HA
Mạt-để-tăng-ha, Trung Quốc dịch là Sư Tử Huệ. Sư họ Hoàng Phủ, người kinh sư [12]. Sư cùng pháp sư Sư Tiên đồng đến Ấn Độ ngụ tại chùa Tín Giả. Vì không thạo tiếng Phạn, chẳng thể lĩnh hội tường tận kinh luận, nên sư muốn trở về nước. Trên đường về, ngang qua nước Nê-ba-la [13], sư gặp nạn mà viên tịch, thọ hơn bốn mươi tuổi.
PHÁP SƯ HUYỀN HỘI
Sư người đất Kinh sư, con trai của An tướng quân. Từ Bắc Ấn Độ, sư vào nước Yết-thấp-di-la. Nơi đây, sư được quốc vương xem trọng, cho phép hằng ngày cưỡi vương tượng [14] và tấu vương nhạc [15] đến chùa Long Trì để cúng dường. Đây là nơi năm trăm a-la-hán thụ cúng; cũng là nơi tôn giả Mạt-điền-địa [16] (đệ tử truyền pháp của tôn giả A-nan-đà [17]) giáo hóa long vương. Sư còn khuyên vua nước Yết-thấp-di-la ân xá cho hơn nghìn tử tù. Ra vào cung vua được vài năm, sau đó, có điều không hài lòng, sư bèn đi về phương nam, đến chùa Đại Giác lễ bái cội bồ-đề, chiêm ngưỡng hồ Mộc Chân, trèo lên đỉnh Linh Thứu, đạp qua ngọn Tôn Túc [18]. Bẩm tính thông minh, đa tài, trải qua thời gian chưa bao lâu, sư đã thông thạo tiếng Phạn. Sau đó, sư chọn một ít kinh điển, thỉnh về cố hương; nhưng đi đến nước Nê-ba-la, không may qua đời, chỉ thọ hơn ba mươi tuổi.
MỘT VỊ TĂNG
Sư cùng người dẫn đường theo bắc đạo [19] đến nước Phạ-khát-la, xuất gia tại Tân tự, nơi các sư tu theo Tiểu thừa, được đặt pháp hiệu là Chất-đa-bạt-ma. Khi sắp thụ giới cụ túc, sư không ăn tam tịnh [20], vị thầy bảo: “ Đức Như Lai cho phép ăn ngũ chính [21]. Nếu không phạm tội, sao ông không ăn?”. Sư thưa: “Các kinh điển Đại thừa đều ngăn cấm ăn thịt. Đây là thói quen, con không thể sửa đổi”. Vị thầy nói: “Ta y theo luật tạng đã được kết tập. Những điều ông nói, ta chưa từng học qua. Nếu ông vẫn cố chấp, thì ta chẳng phải là thầy ông”. Rồi buộc sư phải ăn. Sư đành che mặt vừa khóc vừa ăn. Sau đó, sư mới được thụ giới cụ túc. Vì không thông hiểu tiếng Phạn, nên sư lại theo bắc đạo trở về nước. Chẳng rõ sư đến đâu. Chuyện này do các vị tăng Bắc Ấn Độ kể lại.
HAI VỊ TĂNG
Hai sư người nước Nê-ba-la, là con của nhũ mẫu công chúa nước Thổ-phồn. Ban đầu cả hai đều xuất gia. Về sau, một người hoàn tục, một người đến ở chùa Đại Vương, giỏi tiếng Phạn cùng Phạm thư [22]. Một vị mất năm ba mươi lăm tuổi, vị kia mất năm hai mươi lăm tuổi.
Chú thích:
[1] Lương luận 梁論: tên một bộ luận. Nguyên là bộ Nhiếp Đại thừa luận, do ngài Vô Trước người Ấn Độ soạn, ngài Chân Đế đời Trần dịch, gồm ba quyển, lấy tên Lương dịch Nhiếp đại thừa luận, hay Lương luận.
[2] Vĩnh Huy 永徽: niên hiệu Đường Cao Tông (650 - 655).
[3] Thất-lợi-phật-thệ 室利弗逝 (S: Śrīboja): đô thành lớn của vùng biển Nam Hải, thủ đô nước Mạt-la-du (Malaya) đương thời, tương đương với miền đông đảo Sumatra trong quần đảo Mã Lai (Malaysia) ngày nay.
[4] Cửu châu九州: tên gọi nước Trung Quốc ngày xưa.
[5] Tại thời điểm ngài Nghĩa Tịnh viết bộ sách này.
[6] Trung quốc 中國: chỉ vùng Ma-kiệt-đà, nằm trong lưu vực sông Hằng. Vùng này xét về các phương diện như chính trị, kinh tế, văn hóa... đều là trung tâm của thế lực tân hưng ở Ấn Độ đương thời, nên được mệnh danh là Trung quốc của Ấn Độ.
[7] Chùa Bồ-đề 菩提寺: chỉ cho tháp Đại Giác.
[8] Đồng tử 童子 (S: kumāraka): đứa bé trai, chỉ cho hạnh bồ-tát. Bồ-tát luôn giữ tâm trong sáng, không có ý niệm dâm dục, ví như đứa trẻ.
[9] Trạm (dịch 驛): chỗ để truyền đưa văn thư. Thời xưa, người ta sử dụng ngựa để đưa thư, chuyển theo từng trạm một.
[10] Luận Thuận chính lí 順正理論 (Gđ: A-tì-đạt-ma Thuận chính lí luận; S: Abhidharma-nyāyānusāraśāstra): bộ luận, 80 quyển, do ngài Chúng Hiền người Ấn Độ soạn, ngài Huyền Trang đời Đường dịch, được xếp vào Đại Chính Tạng, tập 29
[11] Trần kiếp 塵劫: số kiếp nhiều như hạt bụi nhỏ.
[12] Kinh sư 京師 (Cg: kinh đô 京都): chỉ thành Trường An, kinh đô của các triều đại: Tây Hán, Tây Ngụy, Bắc Chu, Tùy, Đường.
[13] Nê-ba-la 泥波羅: nước này có rất nhiều độc dược. Vì vậy, những người đến đây, phần nhiều bị trúng độc phải mất mạng.
[14] Vương tượng 王象: xe chỉ dành riêng cho vua.
[15] Vương nhạc 王樂: âm nhạc cung đình, dùng trong các dịp lễ lạc quan trọng.
[16] Mạt-điền-địa 末田地 (Cg: Mạt-điền-địa-na; S: Madhyantika): tương truyền là vị đệ tử cuối cùng của tôn giả A-nan-đà, được phú pháp tạng làm Tổ thứ ba.
[17] A-nan-đà 阿難陀 (S: Ànanda; Hd: Khánh Hỉ): em chú bác, cũng là một trong mười vị đệ tử xuất chúng của Đức Phật, được xưng tụng là đa văn đệ nhất.
[18] Ngọn Tôn Túc (Tôn Túc lĩnh尊足嶺): núi Kê Túc, nơi tôn giả Ma-ha Ca-diếp nhập định. Vì tôn kính ngài nên gọi suy tôn núi này là Tôn Túc.
[19] Bắc đạo 北道: con đường quan trọng dùng để giao thông giữa Trung Quốc và Ấn Độ thời xưa.
[20] Tam tịnh 三淨 (Cg: tam tịnh nhục): ba loại thịt mà tì-kheo được phép ăn: 1. không thấy giết vì mình; 2. không nghe giết vì mình; 3. không nghi giết vì mình.
[21] Ngũ chính 五正 (Cg: ngũ đạm thực; S: Pañcabhojanīya): năm loại thức ăn: cơm, lúa mì, cơm sấy khô, thịt và bánh.
[22] Phạm thư 梵書 (S: Brāhmaṇa): sách giải thích thánh điển Phệ-đà của bà-la-môn giáo.
PHÁP SƯ LONG
Chẳng rõ sư người vùng nào. Vào niên hiệu Trinh Quán, sư theo con đường phía bắc sang Bắc Ấn Độ rồi đến Trung Ấn Độ. Sư tụng được kinh Pháp hoa tiếng Phạn. Về sau, sư đến nước Kiền-đà-la, bị bệnh rồi viên tịch. Các vị tăng Bắc Ấn Độ kể lại chuyện này.
PHÁP SƯ MINH VIỄN
Sư người vùng Thanh Thành, Ích châu, tên Phạn là Chấn-đa-đề-bà, (Trung Quốc dịch là Tư Thiên). Từ thuở bé, sư đã thấm nhuần đạo pháp, đến lúc trưởng thành càng gia tâm tu tập. Sư có dung mạo tuấn tú, học vấn uyên thâm, giỏi về Trung luận, Bách luận, thông cả học thuyết Trang Chu [1]. Sư từng đi qua Thất trạch [2], Tam Ngô [3], chuyên học kinh luận, tu tập thiền định. Về sau, sư đến ẩn cư trên đỉnh Lô sơn [4] trải qua một mùa hạ. Cảm thương Phật pháp bị phân phái, sư bèn đi về phương nam, đến Giao Chỉ [5], theo thuyền vượt sóng dữ qua nước Ha-lăng, rồi lại sang nước Sư Tử [6], rất được vua nước này quí trọng.
Một lần, sư lén vào nội các [7], âm thầm lấy xá-lợi răng Phật, định đem về nước xây tháp cúng dường, nhưng đã bị đoạt lại. Ý nguyện không thành còn bị lăng nhục, sư bèn bỏ đến Nam Ấn Độ.
Người dân đảo Sư Tử truyền rằng: “Trên đường đến chùa Đại Giác thì bặt tin sư. Có thể sư đã mất dọc đường, chẳng rõ thọ bao nhiêu tuổi.”
Quan dân đảo Sư Tử canh giữ xá-lợi răng Phật rất nghiêm ngặt. Họ tôn trí xá-lợi trên lầu cao, khóa chặt mấy lớp cửa, năm vị quan cùng đóng dấu niêm phong. Nếu mở một cánh cửa, sẽ gây tiếng vang dội khắp cả thành. Mỗi ngày, họ bày biện rất nhiều hương hoa để cúng dường. Nếu chí tâm cầu thỉnh thì trên hoa sẽ xuất hiện xá-lợi, hoặc hiện ánh sáng lạ; mọi người đều nhìn thấy.
Tương truyền: “Nếu để mất xá-lợi răng Phật, dân chúng đảo này sẽ bị la-sát ăn thịt”. Vì ngăn ngừa nạn này, nên họ canh phòng rất nghiêm ngặt.
Cũng có thuyết nói: “Xá-lợi này nên đưa về Trung Quốc”. Nhưng Phật lực bao trùm khắp nơi, có cảm tức có ứng, há con người có thể cưỡng chiếm được ư!
LUẬT SƯ NGHĨA LÃNG
Sư người Thành Đô, Ích châu, giỏi luật tạng, thông Du-già [8]. Từ kinh thành Trường An, sư lên đường đi khắp các vùng của Trung Quốc.
Sư có một người bạn cùng quê là sư Trí Ngạn và người em tên Nghĩa Huyền, mới hai mươi tuổi mà đã thấu đạt chân lí, uyên thâm kinh điển lại điêu luyện văn chương. Vì muốn chiêm bái thánh tích nên cả ba người cùng ra đi. Tình anh em gắn bó, cùng nhau dìu dắt; nghĩa bè bạn keo sơn, chung một chí hướng. Đến Ô-lôi, ba người đi nhờ thuyền buôn, vượt đường xa trăm trượng, đạp sóng gió muôn trùng. Thuyền đi về phương nam, hạ neo tại nước Lang-ca-thú, ba vị được quốc vương nước này tiếp đãi như khách quí. Tại đây, Trí Ngạn bị bệnh và qua đời. Sư rất đau buồn trước cảnh biệt li, nhưng cũng đành phải cùng em theo thuyền sang nước Sư Tử sưu tầm các kinh điển và đỉnh lễ xá-lợi răng Phật, rồi đi dần sang Tây Vực.
Chuyện này chỉ nghe truyền lại, cho đến nay không rõ sư đang ở đâu. Tại nước Sư Tử không ai gặp, ở Trung Ấn Độ cũng chẳng nghe tin. E rằng hồn sư đã về cõi khác, hưởng dương hơn bốn mươi tuổi.
LUẬT SƯ HỘI NINH
Sư người Thành Đô, Ích châu, phẩm hạnh thanh cao, luôn nuôi chí nguyện hoằng pháp lợi sinh. Lúc nhỏ sư đã thông tuệ, tu học khắp các đạo tràng, quí Phật lí tợ minh châu, bỏ vinh hoa như cởi giày rách. Sư đã giỏi kinh luận lại thông luật tạng, tâm muốn diễn bày chính pháp, lòng mong mỏi đến Tây Thiên. Vào niên hiệu Lân Đức, sư đến Nam Hải, rồi theo thuyền đến đảo Ha-lăng [9], lưu lại đây ba năm. Sư đã cùng với Nhã-na-bạt-đạt-la [10], vị tăng học rộng của nước này, dịch phần nói về việc trà-tì nhục thân Đức Phật sau khi Ngài nhập niết-bàn trong kinh A-cấp-ma. Phần này so với kinh Đại thừa niết-bàn rất khác nhau. Nhưng tôi xem kinh Đại thừa niết-bàn ở Tây Trúc, thấy có ghi: “Tổng cộng có hai mươi lăm nghìn bài tụng, dịch ra hơn sáu mươi quyển”; nhưng khi kiểm tra lại toàn bộ thì thấy không đủ, chỉ có phẩm Đại chúng vấn thứ nhất hơn bốn nghìn bài tụng mà thôi.
Về sau, sư dịch xong kinh A-cấp-ma, sai tăng Vận Kì mang đến Giao Chỉ, rồi dùng ngựa trạm trở về kinh thành dâng lên vua, mong muốn những sự việc chưa từng được nghe này lưu bố khắp Trung Quốc. Vận Kì từ kinh đô trở lại Giao Chỉ, báo cho đạo tục [11] biết việc hi hữu này. Được mọi người tặng vài trăm xấp vải lụa mịn, Vận Kì mang sang nước Ha-lăng báo đáp ân đức của ngài Trí Hiền và gặp lại sư. Bấy giờ, sư vừa mới sang Tây Trúc. Về sau mọi người dò la tin tức ở Ha-lăng và nghe ngóng khắp Ngũ thiên [12] cũng chẳng thấy dấu vết của sư. Theo đó cho thấy, có thể sư đã viên tịch.
Thương thay!
Hội Ninh vì pháp lên đường
Chí cầu bảo sở [13] chẳng nương hoá thành [14]
Dịch kinh thấy khác ngọn ngành
Sai người bẩm báo kinh thành biết mau.
Thân phàm tuy mất còn đâu
Danh thơm lưu mãi đạo cao rạng ngời
Hạnh nguyện bồ-tát giúp đời
Sáng soi hậu thế người trời kính tin.
Sư hưởng dương khoảng ba mươi bốn hoặc ba mươi lăm tuổi.
SƯ VẬN KÌ
Sư người Giao châu, cùng sang Tây Vực với sư Đàm Nhuận, lễ ngài Trí Hiền thụ giới cụ túc. Sau đó, sư quay về ở tại Nam Hải hơn mười năm. Sư giỏi tiếng Côn Luân [15], thông thạo Phạn ngữ. Về sau, sư hoàn tục và ở tại nước Thất-lợi-phật-thệ. Sư thường qua lại hai nơi này để tuyên dương yếu lí kinh điển và nỗ lực truyền bá giáo pháp mà người ở đây chưa từng được nghe. Lúc ấy, sư khoảng bốn mươi tuổi.
MỘC-XOA-ĐỀ-BÀ
Sư Mộc-xoa-đề-bà (Trung Quốc dịch là Giải Thoát Thiên) người Giao châu. Sư theo thuyền lớn vượt biển nam đi khắp các nước, đến chùa Đại Giác đỉnh lễ các thánh tích, không may viên tịch tại nơi này, hưởng dương khoảng hai mươi bốn hoặc hai mươi lăm tuổi.
PHÁP SƯ KHUY XUNG
Sư người Giao châu, đệ tử của ngài Minh Viễn, tên Phạn là Chất-đát-la Đề-bà. Sư cùng ngài Minh Viễn theo thuyền qua Nam Hải, đến nước Sư Tử, rồi sang Tây Ấn Độ. Tại đây, sư gặp ngài Huyền Chiếu và cùng nhau qua Trung Quốc.
Bẩm tính thông tuệ, tụng thông kinh Phạn, nên ở nơi nào sư cũng thường biên chép, giảng thuyết kinh điển. Về sau, sư lại đến đỉnh lễ cội bồ-đề rồi đến thành Vương Xá. Tại tinh xá Trúc Lâm, sư bị bệnh một thời gian dài rồi mất, hưởng dương hơn ba mươi tuổi.
SƯ HUỆ DIỄM
Sư người Giao châu, đệ tử của ngài Hành Công. Sư theo thầy đến nước Tăng-ha-la và ở lại nơi đây. Đến nay không rõ sư còn sống hay đã mất.
PHÁP SƯ TÍN TRỤ
Chẳng rõ sư người vùng nào, tên Phạn là Thiết-lạt-đà-bạt-ma. Theo lối bắc đạo sang Thiên Trúc, sư đến đỉnh lễ các thánh tích rồi trụ lại chùa Tín Giả. Tầng trên cùng của chùa này, vị trụ trì cho xây một cái thất gạch nhỏ, trải ngọa cụ quí tốt để cúng dường hẳn cho sư.
Một hôm, sư chợt nhuốm bệnh, chỉ vài ngày sau tự biết thọ mạng sắp hết, đến nửa đêm sư bỗng nói: “Có bồ-tát đưa tay đón ta đến một nơi rất tốt đẹp”. Nói xong, sư chắp tay rồi thị tịch, hưởng dương ba mươi lăm tuổi.
PHÁP SƯ TRÍ HÀNH
Sư người Ái châu [16], tên Phạn là Bát-nhã Đề-bà (Trung Quốc dịch là Huệ Thiên). Sư theo thuyền qua Nam Hải, rồi đến Tây Trúc, đỉnh lễ khắp các thánh tích. Về sau, sư lên phía bắc sông Hằng, trụ ở chùa Tín Giả rồi viên tịch tại đây, hưởng dương hơn năm mươi tuổi.
THIỀN SƯ ĐẠI THỪA ĐĂNG
Sư người Ái châu, tên Phạn là Mạc-ha-dạ-na Bát-địa-dĩ-ba. Thuở nhỏ, sư cùng cha mẹ đi thuyền đến nước Đỗ-hòa-la-bát-để và xuất gia tại đây. Về sau, sư theo Đàm Tự, sứ giả nhà Đường, đến kinh đô Trường An, lễ Tam tạng pháp sư Huyền Trang tại chùa Từ Ân [17] thụ giới cụ túc và ở lại vài năm học thông kinh điển.
Sư mong được đỉnh lễ các thánh tích, lòng nghĩ tưởng đến Tây Thiên. Sư khoan dung độ lượng, bản tính ngay thẳng, giới luật luôn bên lòng, thiền định trọn nơi tâm. Sư cho rằng: “Đắm hữu là do nương duyên, duyên đã không thì hữu liền mất. Lìa sinh là gá nơi duyên, duyên nếu thật tức trái với sinh”.
Thế là, sư đặt trọn chí nơi Vương Xá, một lòng hướng về Trúc Lâm, mong đập tan bát nạn [18], đạt được tứ luân [19]. Sư bèn mang tượng Phật, quảy kinh luận, vượt biển nam đến nước Sư Tử, đỉnh lễ xá-lợi răng Phật và chứng kiến được những điều linh dị. Sau đó, sư đến Nam Ấn Độ, rồi qua Đông Ấn Độ, đến nước Đam-ma-lập-để [20]. Vừa vào đến cửa sông, sư gặp giặc cướp, thuyền bị chìm, hành lí mất hết nhưng may mắn thoát chết. Sư ở lại nước này mười hai năm, nên thông thạo tiếng Phạn, thường tụng niệm các kinh như Duyên sinh… và tu tập phúc nghiệp [21].
Một lần nọ, nhân gặp các thương nhân, sư cùng ngài Nghĩa Tịnh theo họ đến Trung Ấn Độ. Đầu tiên, sư đến chùa Na-lan-đà, kế đến sang tòa Kim Cang rồi trở lại nước Tì-xá-li. Sau đó, sư cùng thiền sư Vô Hành đi đến nước Câu-thi-na [22].
Sư thường than: “Lòng muốn hoằng pháp nơi quê nhà, đâu ngờ chí nguyện không thành, bởi tuổi ngày một già yếu. Đời nay chẳng thỏa chí, đời sau nguyện sẽ thành”. Sư hằng nguyện sinh về cõi trời Đâu-suất, gặp gỡ đức Từ Thị. Hàng ngày, sư vẽ cây long hoa [23] có hai cành [24] làm biểu tượng để hướng về. Một lần, nhân đi hóa đạo, sư ngang qua phòng của ngài Đạo Hi từng ở trước kia. Bây giờ, người đã đi xa nhưng kinh sách Hán Phạn vẫn còn. Nhìn thấy cảnh này, sư rơi lệ than: “Xưa ở Trường An cùng nhau tu học, nay đến nước người chỉ thấy phòng không”.
Thương thay!
Than ôi! Diêm vương [25],
Sức mạnh khôn lường,
Bậc truyền nối pháp,
Cũng phải mạng vong.
Thần châu chẳng thấy,
Thánh cảnh [26] hồn nương,
Thấy chốn xưa mà rơi lệ,
Cảm áo vải mà xót lòng.
Về sau, sư viên tịch tại chùa Bát Niết-bàn, thành Câu-thi, thọ hơn sáu mươi tuổi.
Chú thích:
[1] Trang Chu 莊周 (Cg: Trang Tử): một triết gia xuất sắc thời Chiến quốc (369-286 TCN). Ông là người kế thừa và phát triển học thuyết của Lão Tử, giúp Đạo giáo ngày càng phát triển.
[2] Thất trạch 七澤: bảy đầm đẹp nổi tiếng ở Trung Quốc thời bấy giờ.
[3] Tam Ngô 三吳: tên ba vùng đất thời nhà Đường: Ngô Hưng, Ngô Quận, Đan Dương.
[4] Lô sơn 盧山: núi nằm phía nam thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc; phía bắc dựa vào Trường Giang, đông giáp hồ Ba Dương.
[5] Giao Chỉ 交阯: tức Giao Châu, nước Việt Nam dưới thời Hán Vũ đế.
[6] Nước Sư Tử 師子國 (Cg: Sư Tử châu): đảo Tích-lan ngày nay.
[7] Nội các 內閣: lầu gác trong cung vua.
[8] Du-già 瑜伽: chỉ cho luận Du-già (Gđ: Du-già sư địa luận 瑜伽師地論; S: Yogacāra-bhūmi): bộ luận do bồ-tát Di-lặc giảng, bồ-tát Vô Trước ghi lại, là kho báu lớn để nghiên cứu về tư tưởng của Phật giáo Đại thừa và Tiểu thừa.
[9] Đảo Ha-lăng 訶陵洲 (Cg: Ba-lăng): địa danh đời Đường, nay thuộc đảo Java, nước Indonesia.
[10] Nhã-na-bạt-đạt-la 若那跋陀羅 (Hd: Trí Hiền 智賢): danh tăng người nước Ha-lăng, Nam Hải, sang Trung Quốc dịch kinh vào đời Đường. Sư làu thông ba tạng, hiểu rộng giáo lí Đại-Tiểu thừa.
[11] Đạo tục 道俗: người xuất gia và người tại gia.
[12] Ngũ thiên 五天: chỉ năm vùng đông, tây, nam, bắc và trung của Ấn Độ.
[13] Bảo sở 寶所: chỗ có châu báu. Phẩm Hóa thành dụ trong kinh Pháp hoa dùng từ này để dụ cho niết-bàn cứu cánh.
[14] Hóa thành 化城 (S: ṛddhi-nagara): thành ấp do biến hóa mà có, dùng dụ cho niết-bàn của hàng Nhị thừa.
[15] Côn Luân 昆崙: chỉ các nước ở vùng Nam Hải.
[16] Ái châu 愛州: tên một châu của Việt Nam thời xưa, nay thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa.
[17] Chùa Từ Ân 慈恩寺: ngôi chùa nằm phía nam thành Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, được sáng lập vào đời Tùy, với tên gọi đầu tiên là Vô Lậu tự. Năm 648 đời Đường, lúc vua Cao tông còn làm hoàng thái tử đã sửa chữa và xây cất rộng thêm để cầu phước cho mẹ là hoàng hậu Văn Đức, cho đặt lại tên là Từ Ân tự. Đại sư Huyền Trang từ Tây Vực trở về, được cử làm Thượng tọa trông coi mọi việc trong chùa và phiên dịch kinh điển. Tại đây, ngài đã dịch hơn 40 bộ kinh.
[18] Bát nạn八難 (S: aṣṭāv akṣaṇāḥ; Cg: bát nạn xứ): tám nơi khổ nạn, chướng ngại chúng sinh đến với đạo pháp. Theo kinh Bát nạn, Trung A-hàm 29 nêu bát nạn: 1. Nạn địa ngục; 2. Nạn ngạ quỉ; 3. Nạn súc sinh; 4. Nạn sinh lên cõi trời Trường Thọ; 5. Nạn sinh ở cõi Uất-đơn-việt; 6. Nạn đui, điếc, câm, ngọng; 7. Nạn thế trí biện thông; 8. Nạn sinh trước Phật, sau Phật.
[19] Tứ luân 四輪: bốn nhân duyên dùng để đối trị tám nạn: 1.Ở chỗ tốt: được sống ở đô thị; 2. Nương người thiện: sinh ra đời gặp Phật; 3. Tự phát nguyện chân chính: đầy đủ chính kiến; 4. Gieo sẵn căn lành: các căn đầy đủ.
[20] Đam-ma-lập-để 耽摩立底 (Cg: Đam-ma-lật-để; S: Tāmralipti): tên một nước cổ miền Đông Ấn Độ, bao gồm những vùng đất gần cửa sông Hằng đổ ra biển.
[21] Phúc nghiệp 福業 (S: puṇya-karma): thiện nghiệp hữu lậu, có công năng chiêu cảm quả vui cõi trời, cõi người. Theo phẩm Tam bảo, kinh Tăng nhất A-hàm 12, đức Thế Tôn cho rằng: bố thí, trì giới, tu định được gọi là phúc nghiệp, hay tam phúc nghiệp.
[22] Câu-thi-na 拘尸那 (S: Kuśinagara): nơi Đức Phật nhập niết-bàn.
[23] Cây Long hoa 龍華樹 (S: nāgapuṣpa): có thuyết cho rằng hoa này có cánh giống như đầu rồng, nhánh giống thân rồng, nên gọi là cây Long hoa. Giống cây này thường mọc nhiều ở vùng Bangladesh hoặc hai bên bờ sông của bán đảo Ấn Độ. Trong các bộ kinh về tín ngưỡng Di-lặc, thường nói đến việc đức Di-lặc vào đương lai sẽ hạ sinh ở cõi Diêm-phù, thành Phật ở dưới cội cây này.
[24] Hai cành: biểu trưng cho hai viện: (1) Đâu-suất nội viện: trụ xứ của bồ-tát sắp thành Phật, như bồ-tát Di-lặc. (2) Đâu-suất ngoại viện: thuộc cõi Dục, nơi cư trú của thiên chúng. Người ở đây hưởng thụ nhiều dục lạc nhưng ít được nghe pháp.
[25] Diêm vương (Cg: Tử vương 死王): vua cai quản cõi địa ngục.
[26] Thánh cảnh 聖境: chỉ Ấn Độ.
TĂNG-GIÀ-BẠT-MA
Sư người nước Khương, thuở thiếu thời đã vượt sa mạc đến Nam Kinh[1]. Sư bẩm chất sùng tín Phật pháp, giới hạnh thanh cao, luôn tu tập tâm bố thí, thực hành hạnh từ bi.
Trong khoảng niên hiệu Hiển Khánh[2], sư phụng chỉ cùng sứ giả sang Tây Vực đỉnh lễ các thánh tích. Sư đến chùa Đại Giác, lập pháp hội ở toà Kim Cang, thắp đèn sáng suốt bảy ngày bảy đêm để cúng dường. Dưới cây Vô Ưu[3] ở viện Bồ-đề, sư điêu khắc tượng Phật và bồ-tát Quán Thế Âm. Ngày thiết lễ an vị tôn tượng, mọi người đều khen ngợi nét tôn nghiêm hiếm thấy.
Sau đó, sư trở về Trung Quốc, lại phụng mệnh sang Giao Chỉ tìm thuốc. Năm ấy, nước này bị mất mùa, dân chúng đói khát; hằng ngày, sư bày biện cơm nước để cứu giúp kẻ cơ khổ. Cảm thương cho cảnh khốn cùng họ, sư thường rơi lệ. Vì vậy, người bấy giờ gọi sư là bồ-tát Thường Đề (bồ-tát hay khóc). Sư chỉ nhuốm bệnh nhẹ rồi thị tịch, thọ hơn sáu mươi tuổi.
PHÁP SƯ BỈ NGẠN - PHÁP SƯ TRÍ NGẠN
Hai sư vốn là người Cao Xương[4] nhưng từ bé đã sống ở kinh đô, luôn nuôi chí hoằng dương chính pháp.
Sau khi dốc tâm nghiên cứu kinh điển, muốn sang Tây Trúc, nên hai sư đã cùng với sứ giả Vương Huyền Khuyếch giương buồm ra khơi. Giữa đường, cả hai đều nhuốm bệnh và qua đời. Những bản kinh Hán như Du-già và các kinh luận khác… hai sư mang theo, đều được lưu lại nước Thất-lợi-phật-thệ.
PHÁP SƯ ĐÀM NHUẬN
Sư người Lạc Dương[5], giỏi chú thuật, tinh thông huyền lí, thạo luật tạng, am tường y học, dung mạo tuấn tú, phong thái ung dung.
Sư đến Giang Biểu, ôm chí nguyện cứu giúp chúng sinh. Sau đó, sư đến Giao Chỉ và trụ lại đây một năm, được người tăng kẻ tục kính trọng. Về sau, sư ngược thuyền lên hướng nam, muốn sang Tây Ấn Độ, nhưng mới đến nước Bột-bồn, phía bắc nước Ha-lăng, sư bị nhuốm bệnh rồi thị tịch, hưởng dương ba mươi tuổi.
LUẬN SƯ NGHĨA HUY
Sư người Lạc Dương, bẩm tính thông minh, tư duy sâu sắc, ham muốn học hỏi, tham cầu chân lí. Sư dụng công nghiên cứu tường tận Nhiếp luận, Câu-xá luận… Thấy nghĩa lí có chỗ dị đồng, lòng sư hoang mang, muốn xem ngay bản Phạn để kiểm chứng lời lẽ sâu nhiệm. Vì thế, sư quyết tâm đến Tây Trúc, mong thành tựu chí nguyện rồi trở về quê hương. Tiếc thay! Số mạng ngắn ngủi, chí lớn chưa thành, mới đến nước Lang-ca-thú, sư bị bệnh rồi thị tịch, hưởng dương hơn ba mươi tuổi.
BA VỊ TĂNG NƯỚC ĐẠI ĐƯỜNG
Ba sư theo lối bắc đạo đến nước Ô-trường-na[6]. Nghe các vị tăng nước này kể lại rằng: “Ba sư đến lễ bái nơi thờ xá-lợi xương đỉnh đầu Phật”. Đến nay không rõ ba vị còn hay mất.
SƯ HUỆ LUÂN
Sư người Tân-la (Triều Tiên ngày nay), tên Phạn là Bát-nhã-bạt-ma (Trung Quốc dịch là Huệ Giáp[7]). Sư xuất gia tại quê hương, vì lòng mong được đỉnh lễ các thánh tích, nên đã theo thuyền đến Mân Việt[8], rồi lặn lội đến Trường An. Tại đây, sư phụng chỉ làm thị giả ngài Huyền Chiếu cùng sang Tây Trúc.
Đến Tây Trúc, sư đỉnh lễ khắp các thánh tích. Sau đó, sư trụ tại chùa Tín Giả nước Am-ma-la mười năm. Gần nơi sư ở, về hướng đông có một ngôi chùa tên là Kiện-đà-la-sơn-đồ, do người nước Đổ-hoá-la xây dựng, dành riêng cho các vị tăng cùng quê từ phương bắc đến. Chùa này rất thịnh, các món ăn thức uống được cúng dường dồi dào. Về sau, sư đến ở tại đây. Sư giỏi tiếng Phạn, tinh thông Câu-xá, nay tuổi cũng gần bốn mươi. Những vị tăng từ phương bắc đến, đều làm chủ chùa này.
Phía tây chùa Đại Giác có chùa Lũ-noa-chiết-lí-đa (Trung Quốc dịch là Đức Hạnh) của người nước Ca-tất-thí[9]. Chùa này cũng rất giàu và có nhiều bậc đạo cao đức trọng, họ đều tu theo Tiểu thừa. Các vị tăng từ phương bắc đến cũng trụ tại đây.
Cách chùa Đại Giác khoảng hai trạm đường về hướng đông bắc, có chùa tên Quật-lục-ca, do vua nước Quật-lục-ca ở phương nam xây dựng. Chùa này tuy thiếu thốn vật chất, nhưng chúng tăng giữ giới hạnh trang nghiêm. Bên cạnh chùa cũ, vua Nhật Quân cho xây dựng một ngôi chùa mới, những vị tăng từ phương nam đến, phần nhiều đều trụ ở đây. Các nước đều cho xây dựng chùa tại đây, vì từ đây có thể giao lưu với nhiều nước chung quanh. Riêng Trung Quốc không có ngôi chùa nào, nên chư tăng sang gặp nhiều khó khăn.
Cách chùa Na-lan-đà về hướng đông khoảng bốn mươi trạm, men theo lưu vực sông Hằng đi dần xuống có chùa Mật-lật-già-tất-tha-bát-na (Trung Quốc dịch là Lộc Viên); cách chùa này không xa có một ngôi chùa cũ, nay chỉ còn lại nền gạch và bảng hiệu ghi là Chi-na tự. Những người già kể lại rằng: “Chùa này do vua Thất-lợi-cấp-đa xưa kia xây dựng cho các vị tăng từ Trung Quốc đến ở”.
Trước đây, có khoảng hai mươi vị tăng nhà Đường từ vùng Thục Xuyên[10], theo đường Tang-ca, đến lễ bái Mạc-ha Bồ-đề. Nhà vua biết được, rất kính trọng, bèn cúng dường đất này làm chùa để các vị cư trú, và còn cấp cho họ một thôn lớn gồm hai mươi bốn khu. Về sau, các vị tăng này viên tịch, các thôn bị cắt chia cho người khác. Hiện nay, có ba thôn nhỏ được nhập vào đất chùa Lộc Viên.
Tính đến nay[11], chùa Chi-na có thể đã tồn tại hơn năm trăm năm. Hiện tại, vùng đất này thuộc sự cai quản của vua Đề-bà-bạt-ma vùng Đông Ấn Độ. Vua thường nói: “Nếu thiên tử Đại Đường cử vài vị tăng đến, ta sẽ xây cất lại chùa này và hoàn trả lại tất cả các thôn đã được cấp cho trước đây”. Thật đáng khen thay!
Bàn rằng: “Tổ chim thước còn dễ được, người ưa thích việc phúc thật khó gặp. Như tâm muốn làm điều lợi ích, tấu lên triều đình, hoằng dương đạo này, thật chẳng phải là việc nhỏ”.
Chùa Đại Giác ở toà Kim cang do vua nước Tăng-ha-la tạo dựng, các vị tăng nước Sư Tử xưa kia từng trụ tại đây. Cách chùa Đại Giác khoảng bảy trạm đường về hướng đông bắc là chùa Na-lan-đà, do tiên vương Thất-lợi-thước-yết-la-điệt-để tạo dựng cho tì-kheo Hạt-la-xã-bàn, người phương bắc. Nền chùa này xưa chỉ rộng hơn mười sáu mét vuông[12], các vị vua kế thừa đời sau nối tiếp xây dựng ngày một hoành tráng, các ngôi chùa trong cõi Thiệm-bộ[13] hiện nay, không đâu sánh bằng, qui mô chẳng thể thuật lại đầy đủ, chỉ có thể trình bày sơ lược qua.
Chùa này vuông vức, tương ứng với khu đất, bốn mặt đều có mái hiên thẳng, hành lang dài bao bọc giáp vòng, các phòng được xây bằng gạch. Chùa cao ba tầng, mỗi tầng cao hơn một trượng[14], đặt xà ngang lót ván, không lợp ngói, dùng gạch xây phủ lên trên làm mái. Các kiến trúc trong chùa được sắp xếp ngay thẳng, có thể tùy ý qua lại. Bức tường sau các phòng là mặt ngoài của chùa, cao khoảng ba bốn trượng, bên trên đúc tượng đầu người bằng người thật. Mặt trước của phòng tăng có đắp hình chín chim yên, mỗi phòng rộng khoảng một trượng vuông, mặt sau trổ cửa sổ trông ra hiên. Cửa phòng cao, chỉ có một cánh, không cho che rèm, từ một phòng có thể trông thấy các phòng khác. Từ ngoài nhìn vào, thì thấy trọn cả phòng, dễ dàng kiểm soát lẫn nhau, đâu thể sinh mảy may ý không tốt. Ở mỗi góc trên lầu đều bắt cầu ván để đi lại. Bốn góc trên của chùa đều xây những ngôi nhà gạch lớn, dành cho các vị thạc đức đa văn. Cổng chùa quay về hướng tây, cao vút, điêu khắc những hình tượng tinh xảo, lạ mắt. Cổng chùa nối liền với các phòng, không tách rời. Nhưng trước các dãy phòng khoảng hai bộ[15] có dựng bốn cây trụ, Cánh cổng tuy không lớn lắm, nhưng rất kiên cố. Đến giờ thụ trai, các cánh cửa đều được đóng lại, đây là ý Phật dạy phòng ngừa kẻ gian. Trong khu vực chùa, có xây những thềm gạch rộng khoảng ba mươi bộ, hoặc nhỏ hơn thì khoảng bảy bộ hay năm bộ vuông.
Vật liệu dùng lợp nóc, lót trong phòng và trước mái hiên được gia công bằng cách: Dùng các loại gạch vụn lớn bằng quả đào, quả táo trộn với đất sét dẻo đắp lên rồi lấy chày nện cho bằng; kế đó ngâm chung các thứ như đá vôi, dây gai, dầu, bã gai, vỏ cây mục trong nhiều ngày, rồi trát lên trên hợp chất đất sét, gạch vụn. Sau đó, dùng cỏ xanh phủ lên trong ba ngày; thấy sắp khô thì dùng đá nhẵn mài lại, rồi quét lên một lớp nhựa rễ dâu đỏ hoặc đan sa; cuối cùng, quét dầu lên, sáng bóng như gương. Các nơi như giảng đường, chính điện, bậc thềm đều lót theo cách này. Sau khi làm xong, dù bị người qua lại giẫm đạp mười năm, hai mươi năm vẫn không bị nứt hư; không giống như đá vôi, khi nước thấm vào liền bị rã ra. Tám chùa có cách thức xây dựng giống nơi đây.
Phía đông chùa có dành một hoặc ba phòng để an vị tôn tượng, cách phía trước không xa lập riêng một tòa cao làm điện Phật. Phía tây bên ngoài đại viện, xây dựng hàng trăm tốt-đổ-ba[16] và chế-để[17]. Các thánh tích được tôn tạo kế tiếp nhau chẳng thể kể hết, lại còn trang trí vàng ngọc quí, thật là hiếm có!
Về qui tắc ra vào của tăng đồ, trong Trung phương lục và Kí qui truyện đã thuật rõ. Trong chùa, vị thượng tọa cao tuổi nhất được cử làm tôn chủ, chẳng cần xét đến đức hạnh. Mỗi đêm, sau khi khóa các cửa, chìa khoá được giao lại cho thượng tọa tôn chủ, không lập riêng tự chủ, duy-na.
Chỉ người sáng lập chùa mới gọi là tự chủ, tiếng Phạn là Tì-ha-la-sa-nhĩ. Người quản lí việc canh giữ cổng chùa, hòa hợp chúng tăng thông báo các việc, gọi là Tì-ha-la-ba-la (Trung Quốc dịch là hộ tự). Người đánh kiền chùy và coi sóc việc ăn uống trong chùa gọi là Yết-ma-đà-na (Trung Quốc dịch là thụ sự), nói duy-na là gọi tắt.
Chúng tăng có việc, cần tập hợp đại chúng để trưng cầu ý kiến, hộ tự được cử lần lượt đến trước từng người, chắp tay trình bày sự việc. Nếu một người không đồng ý thì việc không thành. Hoàn toàn không có pháp gõ kiền chùy trước chúng để ra lệnh. Nếu ai không đồng ý, phải dùng lí lẽ để giải thích, không được cậy quyền ép buộc mọi người phải theo.
Những người thủ kho của trang, nếu ai cần sử dụng vật của thường trụ, dù chùa chỉ có hai hoặc ba người, cũng phải nói qua với vị quản lí kho, rồi chắp tay thưa trình giữa chúng. Nếu tất cả chấp thuận mới được sử dụng, như vậy sẽ không phạm lỗi tự ý dùng riêng. Nếu không thưa trước mà tự ý dùng, dù chỉ nửa thăng lúa cũng phạm lỗi, sẽ bị đuổi đi. Nếu một người cậy quyền, tự ý sử dụng đồ vật của chúng tăng, xử đoán những việc quan trọng mà không bạch với đại chúng, gọi đó là Câu-la-bát-để (Trung Quốc dịch là Gia chủ), đây chính là ung nhọt trong Phật pháp, người và quỉ thần đều oán ghét, dẫu có làm lợi ích cho chùa, nhưng sau khi chết vẫn bị tội rất nặng. Người trí ắt không làm điều này.
Ngoại đạo ban đầu có chín mươi sáu bộ phái, nay chỉ còn hơn mười bộ. Khi có trai hội chung, mỗi bộ phái tập trung riêng một chỗ, không tranh giành chỗ với tăng ni. Vì giáo pháp sai biệt, nên hạnh tu không đồng, mỗi phái tu học theo chủ thuyết của mình, không ngồi xen lẫn nhau.
Qui chế chùa này rất nghiêm khắc, mỗi nửa tháng, vị điển sự, tá sử[18] tuần tra các tăng phòng và đọc qui chế. Tên tuổi của chúng tăng không nằm trong sổ bộ của nhà vua, người nào phạm lỗi, chúng tăng tự trị phạt. Vì vậy, tăng chúng đều kính sợ lẫn nhau.
Tăng chúng chùa này, về mặt vật chất tuy thụ dụng ít, nhưng về mặt tu tập lại đạt được sự lợi ích rất lớn.
Nhớ lại lúc còn ở kinh thành, tôi từng thấy có người vẽ mô hình chùa Kì-hoàn[19], nhưng đều không có bản y cứ. Nay vì muốn truyền bá những điều mới lạ, nên tôi trình bày sơ lược như thế.
Những ngôi chùa lớn ở vùng Ấn Độ, nhà vua đều cho đặt đồng hồ nước, để dễ xác định thời gian đêm ngày. Theo luật, một đêm chia làm ba thời, chế định tăng chúng đầu và cuối đêm ngồi thiền, tụng niệm, nửa đêm tùy ý nghỉ ngơi. Cấu tạo của đồng hồ này trong Kí qui truyện đã thuật rõ.
Tuy đã trình bày mô hình của chùa, nhưng sợ không được rõ ràng nên tôi vẽ lại, mong người xem tận mắt thấy, không còn thắc mắc. Nếu có thể tấu trình lên vua, xin tạo dựng một ngôi chùa theo kiểu mẫu này, thì giữa Ấn Độ và Trung Quốc đâu có gì khác biệt. Dưới đây là bản vẽ mô hình của ngôi chùa.
Đây là mô hình của Thất-lợi Na-lan-đà Mạc-ha Tì-ha-la (Trung Quốc dịch là Cát Tường Thần Long Đại Trụ Xứ). Ở Ấn Độ, khi gọi tên vua, tên quan lớn hoặc tinh xá lớn, đều có từ thất-lợi đặt trước, có nghĩa là cát tường, tôn quí. Na-lan-đà chính là tên của rồng, vì gần chùa này có con rồng tên là Na-già-lan-đà, vì thế lấy đó làm tên. Tì-ha-la nghĩa là trụ xứ, Trung Quốc dịch: “tự”, không phải là cách phiên âm chính thức. Nếu quan sát ngôi chùa này, ta thấy nó cũng giống như bảy ngôi chùa khác, kiến trúc trước sau đều bài trí ngay thẳng, mọi người có thể qua lại dễ dàng. Phàm khi quan sát ngôi chùa, phải bắt đầu từ mặt nam, rồi ra cổng phía tây thì mới hợp lẽ. Cách mé nam cổng chùa khoảng hai mươi bộ có một tốt-đổ-ba cao hơn trăm thước, tên tiếng Phạn là Mộ-la-kiện-đà-câu-chi (Trung Quốc dịch là Căn Bản Hương điện), đây là chỗ xưa kia Đức Thế Tôn an cư trong ba tháng hạ. Cách mé bắc cổng khoảng năm mươi bộ lại có một tốt-đổ-ba lớn, do vua Huyễn Nhật xây dựng bằng gạch, cao như tháp phía nam, trang trí tinh xảo, nền bằng vàng, đất bằng các thứ báu, thật là hiếm có, bên trong thờ tượng đức Như Lai chuyển pháp luân. Phía tây nam cũng có một chế-để nhỏ, cao hơn một trượng, là nơi bà-la-môn Chấp Tước thưa hỏi Đức Phật, nên gọi là tháp Tước Li. Mé tây của Căn Bản Hương điện có cây Phật xỉ, chẳng phải là dương liễu. Gần đó có một giới đàn rộng hơn một trượng vuông, tường chắn bằng gạch cao khoảng hai thước bao bọc xung quanh, bên trong có một cái nền cao năm tấc, ở giữa có một chế-để nhỏ. Góc điện ở phía đông của giới đàn có một nền gạch, là nơi kinh hành của Đức Phật, rộng khoảng hai khủy tay, dài mười bốn mười lăm khủy tay, cao hơn hai khủy tay, trên nền tạc mười bốn mười lăm hoa sen nở bằng đá vôi, cao khoảng hai tấc, chu vi khoảng một thước, biểu trưng cho mười bốn mười lăm dấu chân Phật.
Từ chùa này, nhìn về hướng nam, cách khoảng ba mươi dặm là thành Vương Xá. Núi Linh Thứu và vườn Trúc đều nằm cạnh thành này. Hướng tây nam là chùa Đại Giác, hướng chính nam là núi Tôn Túc, đều cách chùa khoảng bảy trạm đường. Hướng bắc là thành Tì-xá-li, cách khoảng hai mươi lăm trạm đường. Hướng tây nhìn về Lộc Uyển, cách khoảng hơn hai mươi trạm đường. Hướng đông là nước Đam-ma-lập-để, cách xa khoảng sáu mươi hoặc bảy mươi trạm đường, chính là cửa biển để trở về Trung Quốc.
Chùa có ba nghìn năm trăm tăng chúng tu học. Có khoảng hai trăm lẻ một thôn trang trực thuộc chùa, do nhiều đời vua đã cúng dường vĩnh viễn, Tương truyền đây là vùng đất đầm rồng hang cọp, cách xa trời đất, đường vào xa lại hiểm nguy, lối vắng không người qua lại.Nhưng đến nay trở thành truyền thuyết, đã không còn chân thật nữa.
Theo hình mà khắc họa, y qui cách mà trình bày, đã từa tựa dáng xưa lại phảng phất nét mới. Mong rằng khi mọi người nhìn thấy, chuyên lòng quán tưởng như cảnh tượng lúc Phật đang tại thế, mà phát tâm chí thành vậy.
Chú thích:
[1] Nhất thiết hữu bộ 一切有部 (Gđ: Thuyết nhất thiết hữu bộ; S: Sarvàsti-vàdin; Gt: Tát-bà-đa): một bộ phái Tiểu thừa, được phân ra từ Thượng tọa bộ vào khoảng thời gian đầu sau khi Phật diệt độ ba trăm năm. Bộ phái này chủ trương tất cả các pháp trong ba đời đều thật.
[2] Chú tạng 咒藏 (Cg: Cấm chú tạng, Đà-la-ni tạng): những kinh điển về bí mật chân ngôn, đà-la-ni do Đức Phật nói, ngoài ba tạng kinh, luật, luận.
[3] Trượng lâm 仗林 (S: Yasti-vana): khu rừng tre, nằm ngoại thành Vương Xá nước Ma-kiệt-đà, nơi ngày xưa bà-la-môn dùng gậy tre đo chiều cao thân Đức Phật, nhưng đo mãi vẫn không tận cùng, ông bèn ném gậy chạy. Về sau, gậy ấy bén rễ mọc cây, lâu ngày trở thành rừng tre.
[4] Hộc thụ 鵠樹(Cg: Sa-la song thụ): tên cây, nơi Phật nhập niết-bàn.
[5] Minh chú 明咒 (Cg: thần chú, đà-la-ni): lời bí mật linh diệu có khả năng phá trừ ngu si tăm tối, được xướng tụng lúc tu Mật pháp.
[6] Bậc hiền: chỉ ngài Nan-đà.
[7] Minh Bột 溟 渤 (Cg: Bột Hải): vùng biển nằm giữa bán đảo Liêu Đông và bán đảo Sơn Đông, Trung Quốc.
[8] Nước Ha-lợi-kê-la 訶利雞羅國 (S: Harikela): tên một nước nhỏ ngày xưa, có lẽ là vùng Arakan của nước Miến Điện ngày nay.
[9] Tường hà 祥恆河: chỉ sông Hằng. Người Ấn Độ xem sông Hằng là một con sông thiêng, người đến đó tắm gội sẽ trừ sạch mọi tai ương, bệnh tật, được hưởng nhiều phúc lành.
[10] Hạnh Đầu-đà 頭陀行 (S: dhūta-guṇa): tu tập khổ hạnh, giảm thiểu tối đa ba nhu cầu ăn, ở, mặc. Người tu hạnh đầu-đà, phải tuân thủ mười hai hạnh: 1- Ở a-lan-nhã; 2- Thường hành khất thực; 3- Khất thực theo thứ tự; 4- Ngày ăn một bữa; 5- Không ăn quá nhiều; 6- Sau ngọ trai, không được uống nước trái cây; 7- Đắp y bá nạp; 8- Chỉ có ba y; 9- Ở trong nghĩa địa; 10- Ngủ dưới gốc cây; 11- Ngồi chỗ đất trống; 12- Thường ngồi không nằm.
[11] Hàm Hanh 咸亨: niên hiệu của vua Đường Cao Tông ( 3/670-8/674)
[12] Tây kinh 西京: kinh đô Trường An. Triều Tây Hán đặt kinh đô tại Trường An, đến triều Đông Hán dời kinh đô về Lạc Dương. Nhân đó, gọi Lạc Dương là Đông Kinh, Trường An là Tây Kinh.
[13] Cội giác 覺樹: cây bồ-đề, thánh tích Phật thành đạo.
[14] An Dưỡng 安養: chỉ cõi Cực Lạc phương tây, nơi Đức Phật A-di-đà làm giáo chủ.
[15] Sứ quân 使君: tôn xưng các vị đứng đầu châu, quận. Thời Hán, gọi quan Thứ sử là Sứ quân.
[16] Quận quân 郡君: tước hiệu vua nhà Đường phong cho vợ của những vị quan thuộc hàng tứ phẩm.
[17] Cấp Cô 給孤: tên một trưởng giả thời Phật tại thế, chuyên cấp dưỡng cho những người nghèo khổ, cô độc.
[18] Tuần 旬: Trung Quốc lấy mười ngày làm một tuần.
[19] Thời bệnh 時病: căn bệnh thời tiết lưu hành lúc bấy giờ.
[20] Hội đầu Long Hoa 龍華初會: bồ-tát Di-lặc thành đạo dưới cội long hoa, thuyết pháp trước sau gồm ba hội. Theo phẩm Tam thế đẳng, kinh Bồ-tát xử thai 2 : Long Hoa có ba hội: hội thứ nhất, bồ-tát thuyết pháp độ chín mươi sáu ức người thành đạo quả; hội thứ hai, độ chín mươi bốn ức người; hội thứ ba, độ chín mươi ba ức người.
[21] Chân tông 真宗: đạo lí chân thật.
[22] Vô sinh trí 無生智 (S:anutpādajñāna): trí biết rõ các pháp vô sinh. Tức trí tuệ cứu cánh, vô lậu, diệt tận hết cả phiền não, xa lìa sinh diệt biến hóa.
[23] Duy-ma 維摩 (S: Vimalakīrti): đệ tử tại gia của Đức Phật, là trưởng giả ở thành Tì-xá-li, Trung Ấn Độ. Ngài rất tinh thông giáo nghĩa Phật giáo Đại thừa, thân chứng cảnh giới “bất khả tư nghị”, nên rất nhiều đệ tử xuất gia của Phật không thể sánh kịp. Vì tịnh thất của ngài vuông vức mỗi bề một trượng, nên gọi là Duy-ma phương trượng.
[24] Lộc viên 鹿園( Cg: Lộc dã uỵển 鹿野苑): thánh tích Phật giáo, thuộc nước Ba-la-nại, Trung Ấn độ. Sau khi thành Phật, đức Thế tôn đến đây đầu tiên, thuyết pháp tứ đế độ năm anh em Kiều-trần-như chứng quả A-la-hán.
[25] Yết-đồ 羯荼 (S: Kaccha): một quốc gia, ở phía Bắc Sumatra (Tô-môn-đáp-lạp) thuộc lĩnh thổ nước Phật-thệ; tức Khota-raja (Khố-tháp-lạp-tra) hiện nay.

« Kinh này có tổng cộng 2 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Những tâm tình cô đơn


Phúc trình A/5630


Bức Thành Biên Giới


Truyện cổ Phật giáo

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.118.184.36 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập