Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tì Kheo Ni [Truyện,Truyền] [比丘尼傳] »» Bản Việt dịch quyển số 3 »»

Tì Kheo Ni [Truyện,Truyền] [比丘尼傳] »» Bản Việt dịch quyển số 3

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.29 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.37 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Truyện Các Vị Tỳ Kheo Ni

Kinh này có 4 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 |
Việt dịch: Chúc Giải - Huệ Hạnh - Diệu Tuyền

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Truyện 37: NI SƯ PHÁP DUYÊN Ở TĂNG THÀNH, ĐÔNG QUAN
Ni sư họ Du, người Tăng Thành, Đông Quan.
Niên hiệu Nguyên Gia thứ chín (432), ni sư mười tuổi, em gái ni sư là Pháp Thải chín tuổi, đều chưa biết gì về Phật pháp.
Ngày mồng 08 tháng 02 năm ấy, ni sư và người em bỗng đi đâu mất, ba ngày sau mới trở về và thưa với cha mẹ:
- Hai chị em con vừa lên cung trời ở Tịnh độ, gặp Phật và được Ngài thuyết pháp khai thị.
Ngày rằm tháng 09, hai chị em lại ra đi, mười ngày sau mới trở về, thì có khả năng viết sách bằng tiếng Ấn Độ và biết tụng kinh. Thấy người Ấn Độ nói nói năng, đùa giỡn, hai chị em cũng đều hiểu rõ.
Ngày rằm tháng giêng năm thứ mười (433), hai chị em lại đi lần nữa. Những người làm ruộng thấy hai chị em theo gió bay thẳng lên trời. Lần này, cha mẹ lo lắng, cúng thần, cầu phước thì một tháng sau hai chị em mới về. Khi trở về, hai chị em đã xuất gia, mặc pháp phục, đem tóc về và thưa với cha mẹ:
- Chúng con được gặp Phật và các vị tì-kheo-ni. Đức Phật bảo: “Nhờ nhân duyên đời trước, nay các con xứng đáng làm đệ tử của Ta”. Dứt lời, Đức Phật đưa tay xoa đầu chúng con thì tóc tự rụng và Ngài đặt pháp danh con là Pháp Duyên, em con là Pháp Thải. Khi chúng con sắp trở về, Đức Phật bảo: “Các con nên lập tinh xá, Ta sẽ trao kinh cho các con”.
Sau khi về nhà, hai chị em dẹp bỏ đền thờ thần, sửa lại thành tinh xá, đọc tụng suốt ngày đêm. Tối nào cũng có ánh sáng năm màu chiếu sáng trên đỉnh núi giống như ánh sáng của ngọn đuốc.
Từ đó về sau, dung nghi, cử chỉ của hai chị em đều cao đẹp, thanh nhã, giọng tụng kinh ngân vang, trong sáng. Các vị ni ở kinh đô không ai tụng kinh hay hơn hai chị em này.
Các quan thứ sử Vi Lãng, Khổng Mặc đều hạ mình đến cúng dường, nghe hai chị em thuyết giảng và rất kính phục. Nhân đó, người dân trong nước đều phụng thờ chính pháp.
Vào niên hiệu Kiến Nguyên (479-482), ni sư viên tịch, thọ năm mươi sáu tuổi.
Truyện 38: NI SƯ ĐÀM TRIỆT Ở CHÙA NAM VĨNH AN
Không rõ ni sư người xứ nào. Thuở nhỏ, ni sư là đệ tử của ni sư Phổ Yếu và cùng sống với thầy ở chùa Nam Vĩnh An. Ni sư Phổ Yếu là người giữ đạo thanh bạch, tu học rất giỏi và nổi tiếng vào thời ấy.
Ni sư là người có hạnh thanh cao, thật thà, không ngừng cầu học và mong muốn thông hiểu toàn bộ nghĩa lí sâu xa của Phật pháp. Khi chưa thụ giới, ni sư đã nghiên cứu kinh, luận. Sau khi thụ giới cụ túc, ni sư học tất cả các bộ luật, có khả năng đảm đương mọi việc và rất giỏi về thuyết giảng, phân tích tỉ mĩ những điểm tinh tế, nghiên cứu tường tận yếu chỉ sâu mầu.
Các vị ni lớn nhỏ đều tôn ni sư làm thầy. Ni sư tùy căn cơ mà dùng phương tiện tiếp độ, nên số người nương theo ni sư tu học rất đông. Các phụ nữ con nhà quyền quí cho đến những người thấp kém không ai không kính trọng ni sư.
Niên hiệu Vĩnh Minh thứ hai (484), đời Tề, ni sư viên tịch, thọ sáu mươi ba tuổi.
Truyện 39: NI SƯ TĂNG KÍNH Ở CHÙA SÙNG THÁNH
Ni sư họ Lí, người Cối Kê, đến ngụ cư tại huyện Mạt Lăng. Khi ni sư còn trong thai mẹ, gia đình ni sư mở trai hội, thỉnh vị tăng ở chùa Ngõa Quan và ni Đàm Chi ở chùa Siêu Tây đến cúng dường. Tình cờ hai vị ấy chỉ vào đứa bé trong thai mẹ và gọi là đệ tử. Người mẹ thay con mình gọi hai vị ấy là thầy và thưa:
- Sau này, đứa bé được sinh con ra dù trai hay gái, con đều cho xuất gia.
Ngày sắp sinh, người mẹ mộng thấy có vị thần đến bảo:
- Bà nên mở hội thụ trì tám pháp trai giới.
Vâng lời dạy, trong lúc người mẹ đang sửa soạn thiết trai thỉnh tăng thì đứa bé chào đời. Bà lại nghe giữa không trung có tiếng vọng lại:
- Nên cho đứa bé làm đệ tử của ni sư ở chùa Kiến An.
Người mẹ vâng làm theo lời dạy.
Khi lên năm, sáu tuổi, nghe người khác tụng kinh, ni sư cũng tụng theo kịp và ghi nhớ rõ ràng. Ni sư đọc mấy trăm quyển kinh và ngày càng hiểu sâu nghĩa lí vi diệu. Ni sư ăn uống đạm bạc, nghiêm khắc với bản thân, nên tiếng tốt dần vang xa.
Đến giữa niên hiệu Nguyên Gia (424-453), quan thứ sử Khổng Mặc ở quận Lỗ đi trấn nhậm ở Quảng châu và mời ni sư cùng đi. Tình cờ ni sư gặp các ni sư người Ấn Độ như Thiết-tát-la v.v... đang đến kinh đô nước Tống, đều là những vị có tiết tháo cao vời, nên ni sư xin được thụ giới và thấu rõ lẽ vô thường.
Nhân đó, ni sư muốn đi thuyền, vượt biển sang Ấn-độ để chiêm bái di tích của Đức Phật, nhưng tăng tục đều ngăn cản, nên ni sư lưu lại ở Lĩnh Nam hơn ba mươi năm. Đạo phong của ni sư dần tỏa sáng khiến những kẻ hung tàn cũng thay đổi tâm tính, mười ba gia đình đem vườn, nhà cúng dường cho ni sư và cùng nhau xây chùa ở Triều Đình, đặt tên là Chúng Tạo.
Tống Minh đế nghe danh tiếng của ni sư, từ xa sai sứ đến nghinh đón. Kẻ tăng người tục ở Phiên Ngu đều buồn rầu, lưu luyến. Khi ni sư về đến kinh đô, vua ban sắc cho ni sư trụ trì chùa Sùng Thánh. Tăng tục đều vâng theo những điều ni sư chỉ dạy.
Ông Nhạc Tuân ở Đan Dương cũng phát tâm sửa ngôi nhà của mình thành chùa và cúng dường cho ni sư. Sau, ni sư dời về ở đó.
Văn Huệ đế và Cánh Lăng Văn Tuyên vương[1] đời Tề đều khâm phục đức hạnh của ni sư và cúng dường không ngớt.
Vào ngày mồng 03 tháng 02 niên hiệu Vĩnh Minh thứ tư (486), ni sư viên tịch, thọ tám mươi bốn tuổi, nhục thân của ni sư được an táng ở phía nam Chung sơn[2]. Các đệ tử dựng bia, quan trung thư thị lang Ngô Hưng Thẩm soạn bài văn để ghi lên bia.
Truyện 40: NI SƯ TĂNG MÃNH Ở CHÙA TỀ MINH, DIÊM QUAN
Ni sư họ Sầm, người Nam Dương. Tổ tiên của ni sư dời đến sống ở huyện Diêm Quan, tới ni sư là đời thứ năm. Tằng tổ[3] nhậm chức chính viên lang Dư Hàng lệnh vào đời Tấn . Gia đình ni sư đời đời theo đạo Hoàng Lão, lại còn kính tin tà thần, nên dù tuổi nhỏ, ni sư đã thấy đau buồn và có ý nguyện xuất gia theo đạo Phật.
Năm ni sư mười hai tuổi, người cha qua đời. Ni sư đau xót, gào khóc thảm thiết đến nổi thổ ra máu, chết giấc, hồi lâu mới tỉnh lại. Sau ba năm cư tang cha, ni sư trình bày tính bất diệt[4] và xin từ biệt mẹ đi xuất gia.
Từ đó, ni sư giữ giới hạnh thanh tịnh, một lòng cung kính thờ thầy, ăn uống đạm bạc chỉ cốt duy trì mạng sống. Ni sư siêng năng tụng kinh, lễ Phật, sám hối chưa từng lười mỏi, thường ăn năn về những lỗi lầm đã tạo trước đây, nên chí thành lễ sám đến rơi nước mắt. Ni sư thường làm những việc mà người khác không thể làm được. Nghe danh tiếng của ni sư, Trương Đại, người quận Ngô, làm quan thứ sử ở Ích châu, rất quí trọng và tôn ni sư làm thầy.
Niên hiệu Nguyên Huy thứ nhất (473), đời Tống, ni sư Tịnh Độ sang đất Ngô và mời ni sư rời khỏi kinh thành, đến sống tại chùa Kiến Phúc. Từ sáng tới tối, ni sư đọc hết kinh này đến kinh khác, rồi theo đó thuyết giảng, chưa bao giờ cảm thấy biếng lười, mỏi mệt. Ni sư là người học rộng, nhớ lâu, kinh điển vừa nghe qua thì đã ghi nhớ đầy đủ. Do đó, ni sư thông hiểu tường tận về kinh, luật, lại luôn tọa thiền nhiếp niệm, nên cuộc sống vô cùng an lạc.
Niên hiệu Kiến Nguyên thứ tư (482), đời Tề, do mẹ bệnh, nên ni sư sửa căn nhà phía đông thành chùa, đặt tên là Tề Minh. Ni sư cho xây dựng điện Phật, xung quanh trồng trúc thành từng hàng, trong ngoài đều thanh tịnh tựa như cõi tiên. Gặp người đói thì ni sư cho thức ăn, gặp kẻ lạnh thì ni sư cho y phục.
Ở phía nam ngôi chùa có một người thợ săn. Mỗi lần thấy ông ta, chim thú sợ hãi, kéo nhau chạy vào chùa ni sư, nhưng chó, chim ưng lại đuổi theo bắt chúng, nên ni sư lấy thân mình để chận lại. Tuy thân thể ni sư bị chim chó cắn mổ, nhưng chim thú nhờ vậy mà được thoát nạn.
Mấy mươi người sống chung với ni sư đã hơn ba mươi năm, nhưng chưa từng thấy ni sư lộ vẻ buồn giận.
Niên hiệu Vĩnh Minh thứ bảy (489), ni sư viên tịch, thọ bảy mươi hai tuổi.
Cùng thời ấy, có ni sư Tăng Viện là em họ của ni sư, cũng nổi tiếng là người có hiếu, hạnh nghiệp cao vời, trí tuệ sâu lắng.
Truyện 41: NI SƯ DIỆU TRÍ Ở CHÙA HOA NGHIÊM
Ni sư họ Tào, người Hà Nội, bẩm tính thông minh, có lòng độ lượng, giữ gìn giới cấm như bảo hộ minh châu, thường tu hạnh nhẫn nhục, không làm trái ý mọi người. Dù bị người não hại, nét mặt ni sư vẫn luôn vui vẻ. Suốt năm, ni sư chuyên tâm tu học, trọn ngày không chút sầu muộn, tinh thông pháp tướng, nên được mọi người tôn kính.
Vừa xây dựng xong thiền đường, Tề Vũ đế ban chiếu mời ni sư về giảng kinh Thắng Man và kinh Tịnh Danh. Lúc ni sư thuyết giảng, nhà vua đích thân đến nghe mấy lần và nêu ra nhiều câu hỏi, song ni sư lí giải, phân tích trôi chảy, không hề bị bế tắc hay hoãn lại, nên luôn được vua khen ngợi, bốn chúng kính phục. Từ đó, Cánh Lăng Văn Tuyên vương đời Tề ban cho vùng đất ở Chung sơn làm nơi an táng các vị danh tăng thạc đức.
Niên hiệu Kiến Vũ thứ hai (495), ni sư viên tịch, thọ sáu mươi bốn tuổi, nhục thân được an táng tại chùa Định Lâm.
Người họ Giang, vợ của thị trung Vương Luân ở Lang Da, đời Nam Tề, có làm bài văn khen ngợi ni sư được khắc trên bia đá dựng bên trái ngôi mộ.
Truyện 42: NI SƯ TRÍ THẮNG Ở CHÙA KIẾN PHÚC
Ni sư họ Từ, người Trường An. Gia đình ni sư ngụ cư ở Cối Kê đã ba đời.
Năm lên sáu tuổi, ni sư theo mẹ là người họ Vương, rời khỏi kinh đô, đến viếng chùa Ngõa Quan. Nhìn thấy ngôi chùa được trang trí bằng các thứ báu vô cùng trang nghiêm, đẹp đẽ, ni sư chạnh lòng rơi lệ, mong được xuất gia. Thấy vậy, người mẹ hỏi nguyên do, ni sư trình bày đầy đủ ý nguyện của mình. Người mẹ bảo:
- Con còn quá nhỏ, nên mẹ chưa thể cho phép xuất gia.
Cuối đời Tống, đất nước nhiều tai họa, nhân dân bị thất nghiệp, tình thế rối ren kéo dài đến nhiều năm, nên gần hai mươi tuổi, ni sư mới được xuất gia và sống ở chùa Kiến Phúc. Ni sư thường tu học một mình, không giao du với ai, lánh xa thế tục, chán bỏ lệ thường. Đối với kinh Đại niết-bàn, chỉ nghe giảng dạy một lần, ni sư đã có thể thụ trì. Sau, ni sư nghiên cứu luật tạng, cũng không phải nhọc sức hai lần. Học các môn tổng trì[5], ni sư đều thay đổi đề mục và tự biên soạn mấy mươi quyển nghĩa sớ, ngôn từ ngắn gọn mà chỉ thú sâu xa, ý nghĩa ẩn kín mà chân lí nhiệm mầu.
Ni sư sống thanh cao, vững chãi, gần nhơ uế vẫn không ô nhiễm, gặp gian khó cũng chẳng sờn lòng. Vào niên hiệu Đại Minh (457-464), có một thanh niên gạt ni sư, hẹn đợi ni sư ở đầu cầu, muốn mưu toan làm điều bất chính. Ni sư giữ lòng kiên định, lập chí vững vàng, thẳng thắn nói cho mọi người cùng biết và họ đã bắt thanh niên kia giao cho quan. Quả ni sư là người giữ gìn giới luật tinh nghiêm như giữ viên minh châu.
Lần nọ, có vị tăng Tông Huyền Thú, đệ tử của pháp sư Đàm Bân ở chùa Trang Nghiêm và người trực điện Phật canh giữ lơ đễnh đã để kẻ trộm lấy mất chuỗi ngọc của bồ-tát và cái chậu bằng bảy báu, ngay cả vật dụng trong phòng pháp sư Đàm Bân cũng không còn gì cả, chỉ trừ y và bát. Pháp sư vừa buồn vừa giận, phải nghỉ giảng và đóng cửa phòng suốt ba ngày. Ni sư kể cho bốn chúng đều biết và quyên góp chỉ trong vòng mười ngày thì sắm lại đầy đủ cho pháp sư. Với đức độ, ni sư đã cảm hóa được mọi người và làm nên nhiều việc đều như thế.
Nghe đức hạnh cao vời của ni sư, Tề Văn Huệ đế cho người mời ni sư vào kinh đô. Mỗi lần vào cung, ni sư đều thuyết giảng các kinh. Quan tư đồ Cánh Lăng Văn Tuyên vương cũng kính phục ni sư gấp bội.
Với ý chí tinh thành tợ vàng ròng, tấm lòng trong trắng như ngọc kha tuyết, ni sư răn dạy ni chúng rất nghiêm minh, nên được mọi người tin tưởng, khiến vua ban chiếu ni sư làm chủ chùa. Từ đó, mọi người đều quí mến ni sư, phụng thờ như bậc thầy khả kính.
Một hôm, nhân lúc thụ giới bồ-tát với pháp sư Tăng Viễn ở chùa Định Lâm, thấy bên cạnh pháp tòa có đặt lò hương, ni sư định đến đốt hương, pháp sư ngăn lại và nói: “Con không cần đốt, chỉ chí thành là đủ rồi”. Vậy mà từ trong lò phảng phất ra khói hương thơm ngát. Mọi người đều khen: “Nhờ lòng thành của ni sư nên đã ứng hiện như thế”.
Vào niên hiệu Vĩnh Minh (483-493), ni sư thiết trai cúng dường. Trong lúc đang nhất tâm cầu nguyện, bỗng nghe giữa hư không có tiếng khảy móng tay, ni sư liền chắp tay, lắng nghe.
Ở chùa đã ba mươi năm, ni sư chưa từng đi dự trai hội, cũng không bước đến nhà quyền quí. Ni sư luôn thích ở những nơi vắng vẻ để nhiếp niệm quán chiếu, nên ít người biết đến.
Văn Huệ đế đặc biệt cúng dường ni sư đầy đủ mọi thứ cần dùng. Ni sư đem những phẩm vật này dùng vào việc xây dựng phòng xá, tự viện cho khang trang, đẹp đẽ. Ni sư còn đổi y bát lấy tiền để đúc bảy tượng vua đời Tống, Tề bằng đá và an trí tại chùa Nhiếp Sơn.
Niên hiệu Vĩnh Minh thứ mười (492), khi đang nằm trên giường bệnh, ni sư bỗng thấy xe vàng, nhà ngọc đến nghinh đón. Đến ngày rằm tháng tư , ni sư bảo các đệ tử:
- Nay thầy từ biệt các con.
Nghe vậy, các đệ tử đều buồn khóc. Lúc đó, ni sư vén áo bày ngực, thì nơi ngực có một chữ “Phật” được viết bằng kiểu chữ thảo với sắc thái trắng tươi, đường nét sáng rỡ.
Vào giờ ngọ ngày mồng 08, ni sư viên tịch, thọ sáu mươi sáu tuổi, nhục thân được an táng tại Chung sơn.
Thời gian ni sư bị bệnh, Văn đế cúng dường thuốc thang; đến lúc ni sư qua đời, vua cũng lo liệu đầy đủ.
Truyện 43: NI SƯ TĂNG CÁI Ở CHÙA THIỀN CƠ
Ni sư họ Điền, người Quân Nhân, nước Triệu. Cha ni sư tên là Hồng Lương, giữ chức thái thú Thiên Thủy. Xuất gia từ thuở nhỏ, làm đệ tử của ni sư Tăng Chí và sống ở chùa Hoa Lâm, Bành Thành, ni sư không màng đến lợi dưỡng, cũng không bận tâm tới những lời khen chê.
Niên hiệu Nguyên Huy thứ nhất (473), châu mà ni sư đang sinh sống bị bọn giặc phương bắc đến xâm chiếm, nên ni sư cùng bạn đồng tu là ni sư Pháp Tiến đi về phương nam, đến kinh đô và sống tại Diệu Tướng ni tự. Nơi đây, ni sư được nghe nhiều kinh luật, nghiên cứu tường tận yếu chỉ sâu xa, chuyên tu thiền định suốt cả ngày đêm. Dù thời tiết nóng hay lạnh, ni sư vẫn không thay đổi y phục theo mùa; quanh năm cũng không thay đổi món ăn mới lạ, chỉ dùng rau quả đạm bạc vào buổi trưa.
Sau, ni sư theo học với thiền sư Ẩn và thiền sư Thẩm. Cả hai vị đều khen ni sư là người sớm tỏ ngộ.
Vào niên hiệu Vĩnh Minh (483-493), đời Tề, ni sư dời đến chùa Thiền Cơ để hoằng truyền pháp môn thiền quán. Tăng, tục đến học đạo ngày càng đông, nên ni sư xây riêng một thiền phòng ở bên trái ngôi chùa và tọa thiền ở đó. Khi xả thiền, ni sư hết lòng chỉ dạy mọi người không biết mỏi mệt.
Cánh Lăng Văn Tuyên vương tên là Tiêu Tử Lương đời Tề quanh năm cúng dường ni sư mọi thứ cần dùng. Tuy ni sư đã lớn tuổi, nhưng tâm chí vẫn không lui sụt; cả ngày thì tĩnh tâm, suốt đêm thì không ngủ.
Niên hiệu Vĩnh Minh thứ mười một (493), ni sư viên tịch, thọ sáu mươi bốn tuổi.
Vào thời ấy, cũng trong chùa này có ni sư Pháp Diên, họ Hứa, người Cao Dương, là người tinh tiến và có đạo hạnh, cũng nổi tiếng về thiền định.
Truyện 44: NI SƯ PHÁP TOÀN Ở CHÙA ĐÔNG THANH VIÊN
Ni sư họ Đái, người Đan Dương, là người đoan chính, thích nơi yên tĩnh và rất siêng tu định tuệ.
Thời gian đầu, ni sư theo ngài Tông Viện nghiên cứu nhiều kinh sách. Sau, ni sư thờ thiền sư Thẩm và thiền sư Ẩn làm thầy, nhờ vậy mà tinh thông thiền quán; ban ngày thì đọc sách, suy gẫm nghĩa lí, ban đêm thì quán chiếu cảnh giới vi diệu. Đối với giáo nghĩa sâu xa của Đại thừa, ni sư đều có khả năng giảng nói; đối với các pháp tam-muội[6] sâu kín, ni sư là bậc thầy tài giỏi.
Ni sư chỉ dùng rau quả đạm bạc, y phục vừa đủ che thân, thường dẫn dắt những người chưa hiểu đạo, khuyên dạy kẻ hậu học. Từ đó, số người theo nghe giảng và tu học với ni sư ngày càng đông, chùa lại rộng lớn, nên việc quản lí gặp nhiều khó khăn.
Niên hiệu Thái Thỉ thứ ba (467), đại chúng đề nghị chia thành hai chùa. Bấy giờ, ni sư Bảo Anh yêu cầu xây thiền phòng và bảo tháp ở phía đông, nên bắt đầu chia thành chùa Đông Thanh Viên.
Niên hiệu Thăng Minh thứ hai (478), ni sư Bảo Anh viên tịch. Đại chúng phần lớn là hàng sơ cơ, lại chưa có người đáng trọng vọng, nên tập trung lại thành một và ni sư làm chủ chùa. Bấy giờ, ni chúng lớn nhỏ cùng vui vẻ, thương yêu và đối xử bình đẳng với nhau.
Niên hiệu Long Xương thứ nhất (494), ni sư viên tịch, thọ tám mươi ba tuổi.
Vào thời ấy, cũng trong chùa này còn có các ni sư Tịnh Luyện, Tăng Luật, Tuệ Hình, đều là những vị nổi tiếng về tu học.
Truyện 45: NI SƯ TỊNH HUY Ở CHÙA PHỔ HIỀN
Ni sư họ Dương, người Kiến Khang, luôn dốc chí tu đạo và thành khẩn cầu pháp. Khi mới thụ giới cụ túc, ni sư theo học với ngài Tế Viện, chuyên tâm nghiên cứu nghĩa lí sâu xa của giáo nghĩa Đại thừa. Sau khi đủ mười tuổi hạ, ni sư trở thành bậc thầy tài giỏi. Văn Huệ đế và Cánh Lăng Văn Tuyên vương đời Tề đều kính phục ni sư.
Niên hiệu Vĩnh Minh thứ tám (490), Cánh Lăng Văn Tuyên vương mời ni sư về nhà ông để giảng kinh Duy-ma. Sau, ông dựng chùa và mời ni sư làm chủ chùa. Suốt hơn hai mươi năm ở chùa ấy, mọi người lớn nhỏ đều kính trọng ni sư như phụng thờ cha mẹ và có hơn bốn trăm người theo làm đệ tử.
Niên hiệu Vĩnh Minh thứ mười (492), ni sư viên tịch, thọ bảy mươi hai tuổi.
Vào lúc ấy, cũng trong chùa này còn có các ni sư Tăng Yếu, Quang Tịnh, đều là những vị nổi tiếng về tu học và hành đạo.
Truyện 46: NI SƯ ĐÀM GIẢN Ở CHÙA PHÁP ÂM
Ni sư họ Trương, người Thanh Hà, là đệ tử của ni sư Pháp Tịnh. Sau, ni sư sang vùng Hoài Hải để học đạo và hoằng truyền chính pháp. Với chí nguyện cứu độ rộng khắp, lúc nào ni sư cũng nghĩ đến người trước, rồi sau mới tới mình.
Niên hiệu Kiến Nguyên thứ tư (482), đời Tề, ni sư dựng tinh xá Pháp Âm, tu tập thiền định và thông đạt tam-muội. Từ đó, đức hạnh của ni sư vang dội khắp nơi, sự nghiệp giáo hóa ngày càng lan rộng. Kẻ tăng, người tục đều kính ngưỡng và cúng dường ni sư rất nhiều.
Lúc ấy, có pháp sư Tuệ Minh vốn sống ở chùa Đạo Lâm, rất thích sự yên tĩnh. Vào niên hiệu Vĩnh Minh (483-493), pháp sư được Văn Huệ đế và Cánh Lăng Văn Tuyên vương đến cúng dường. Từ đó, phần lớn các vị tăng nghĩa học[7] thường thích giảng kinh luận hay tới lui, làm ồn náo, nên pháp sư muốn đi khỏi nơi này. Thấy vậy, ni sư cúng dường pháp sư ngôi chùa ấy, còn mình thì vào núi Bạch, dựng am tranh để che mưa gió, đến giờ thì đi khất thực, nhận lấy sự cúng dường của mọi người. Ni sư thường nhặt củi chất thành đống để lo việc công đức sau này.
Vào đêm 18 tháng 02 niên hiệu Kiến Vũ thứ nhất (494), ni sư ngồi trên đống củi ấy, châm lửa tự thiêu, xả thân sinh tử này để cúng dường tam bảo. Thấy lửa bốc lên, những người ở làng bên cạnh kéo nhau đến cứu, nhưng vừa tới nơi thì toàn thân ni sư đã bị cháy rụi. Kẻ tăng, người tục vô cùng thương tiếc, khóc than, làm chấn động cả vùng núi ấy. Mọi người nhặt lấy xương còn sót lại và xây tháp cúng dường.
Truyện 47: NI SƯ TỊNH KHUÊ Ở CHÙA PHÁP ÂM
Ni sư họ Chu, người Tấn Lăng. Tổ tiên của ni sư ba đời đều ngụ cư tại huyện Kiến Khang. Thuở nhỏ, ni sư thông minh hơn người, nghe ít, hiểu nhiều, không thích giao du với người đời và sớm phát nguyện xuất gia.Vì thương con, nên cha mẹ bằng lòng cho ni sư được toại nguyện.
Thế là, ni sư xuất gia, làm đệ tử của ni sư Pháp Tịnh và sống ở chùa Pháp Âm. Ni sư là người có đức hạnh vẹn toàn, tâm lượng sâu xa, không ai có thể suy lường được. Ni sư tinh thông kinh, luật; đối với các pháp thiền, mật của ba thừa[8], không pháp nào ni sư không thông hiểu. Ni sư xả thân, quên ăn, thường tu khổ hạnh và tinh tiến tu học các môn tổng trì, đáng làm khuôn phép cho đời. Sự trao truyền, chỉ dạy của ni sư phần lớn đều dẫn dắt mọi người hướng tâm về Phật đạo.
Thời gian đầu, ni sư ở chung với ni sư Đàm Giản tại chùa Pháp Âm. Sau, hai ni sư vào núi Bạch, sống dưới gốc cây, từ đó sự nghiệp giáo hóa ngày càng lan rộng.
Vào đêm mồng 08 tháng 02 niên hiệu Kiến Vũ thứ nhất (494), cả hai ni sư cùng thiêu thân. Tăng tục hay tin, đi đến, ai cũng nghẹn ngào thương tiếc. Mọi người nhặt lấy xá-lợi, xây tháp cúng dường tại vùng đất ấy.
Truyện 48: NI SƯ TUỆ TỰ Ở CHÙA TẬP THIỆN
Ni sư họ Chu, người Cao Bình, Lư Khâu. Ni sư được mọi người trọng vọng noi theo nhưng không dám thân gần. Ai cũng thấy ni sư có dáng như đấng trượng phu, không giống như phụ nữ bình thường. Mỗi khi bàn luận hay nói điều gì, ni sư dùng lời lẽ thẳng thắn, không hề e dè, kiêng tránh.
Mới bảy tuổi, ni sư đã ăn chay, thụ trì tám pháp trai giới và có ý chí dõng mãnh.
Năm mười tám tuổi, ni sư xuất gia, sống ở chùa Tam Tằng, Kinh châu, giữ giới hạnh đầy đủ, nên tăng tục đều khen ngợi.
Thuở ấy, ở Giang Lăng có ni sư Ẩn, là người có đức hạnh nổi tiếng cả miền Tây, nhưng khi gặp ni sư, vị ấy lại càng kính phục. Thế là, hai vị tâm đồng ý hợp, quên cả tuổi tác cùng giúp nhau tu học, từng ở chung vào một mùa hạ tu tập pháp Bát-chu[9], cho dù thân tâm khổ nhọc mà ngày đêm không ngơi nghỉ.
Lúc Thẩm Du Chi làm quan thứ sử, ông sa thải toàn bộ tăng ni, nên ni sư lánh nạn sang vùng hạ đô[10]. Đến khi ông Thẩm bị thất bại, ni sư trở lại miền Tây.
Cuối niên hiệu Thăng Minh (477-479), đời Tống, thái úy đại tư mã Dự Chương vương, người nước Tề là Tiêu Nghi ra trấn nhậm vùng Thiểm Tây, Kinh châu, biết ni sư là người có đạo hạnh, nên ông cho người đến thỉnh ni sư về kinh đô và cúng dường đầy đủ tứ sự[11].
Bấy giờ, có thiền sư Huyền Sướng từ đất Thục đến Kinh châu, ni sư liền theo sư học thiền pháp, nghiên cứu tận cùng nghĩa lí vi diệu. Thiền sư thường khen ni sư là người có căn lành sâu dày từ nhiều đời trước.
Ni sư đã khéo am hiểu về hạnh tu thiền, lại ăn uống đạm bạc, giữ giới hạnh trong sạch, nên vương phi Dự Chương và những người trong cung rất kính tin, cùng theo ni sư học thiền pháp. Mỗi lần thụ nhận phẩm vật cúng dường, ni sư liền ban phát cho mọi người, không bao giờ có tâm cất chứa. Từ đó, tấm lòng cao cả của ni sư vang khắp kinh đô, nhưng ni sư không vì những tài vật ấy mà quan tâm đến người họ Tiêu.
Tiêu vương muốn ni sư cùng ngài trở lại kinh đô, nên cho xây một tinh xá ở phía đông dinh Đông Điền, đặt tên là chùa Phúc Điền và mời ni sư về đây ở để thường vào dinh giảng pháp.
Vào một hôm trong niên hiệu Vĩnh Minh thứ chín (491), ni sư nói:
- Bỗng nhiên tôi bị bệnh nặng, nhưng không đến nổi nguy kịch, chỉ không muốn ăn.
Từ đó, hình hài ngày càng tiều tụy, ni sư tha thiết trở về chùa. Về đến chùa, ni sư liền bình phục. Chưa đầy mười ngày, Tiêu vương lại thỉnh ni sư vào dinh. Vừa vào dinh, ni sư lại bị bệnh như trước mà không rõ nguyên nhân. Không bao lâu, vương qua đời, bệnh của ni sư vẫn không khỏi.
Bấy giờ, gần vùng Đông Điền, Vũ đế cho xây thêm chùa Tập Thiện và mời chư ni ở chùa Phúc Điền về chùa Tập Thiện; còn chùa Phúc Điền thì nhường lại cho vị đạo sĩ người Ấn Độ tên là A-lê. Người trong dinh thường đến cúng dường và đọc tụng kinh chú cùng với vị đạo sĩ, nên ni sư dời đến sống ở chùa Tập Thiện. Từ đó, ni sư không bước chân vào dinh suốt mấy năm ròng.
Thời ấy, mọi người trong và ngoài dinh đều kính trọng ni sư. Họ thường khuyên ni sư hãy tạm đến dinh; sau đó, nhân dịp Trúc phu nhân muốn thỉnh ni sư đến để cúng dường, ni sư mới vào dinh. Trước tiên, Trúc phu nhân sai người đến hỏi ý ni sư. Ni sư nói:
- Tốt lắm! Bần đạo đã lớn tuổi rồi. Giờ đây, nhân ý nguyện chân thành của Trúc phu nhân, tôi vào dinh một lần để từ biệt các phu nhân.
Thế là, ni sư đến dự. Sau khi thụ trai, ni sư xin giấy, bút và viết bài thơ:
Người đời vì không biết
Gọi tôi là bà Chu
Phu nhân thỉnh bảy ngày
Cúng dường không gián đoạn[12].
Viết thơ xong, ni sư vừa nói vừa cười với mọi người mà vẫn giữ nét thanh cao không khác với ngày thường. Nhân đó, ni sư nói lời từ biệt:
- Hôm nay, nhân có việc đến đây nên tôi xin chào từ biệt. Tôi đã lớn tuổi rồi, không có dịp để vào dinh nữa.
Lúc ấy, trong người ni sư rất khỏe. Hơn một tháng sau khi rời chùa Tập Thiện để đến thiền phòng, ni sư nói là bị bệnh, nhưng vẫn không có biểu hiện gì khác lạ và kéo dài trong vài ngày sau thì ni sư viên tịch. Hôm ấy nhằm ngày 20 tháng 11 niên hiệu Vĩnh Nguyên thứ nhất (499). Ni sư thọ sáu mươi chín tuổi. Nhà họ Chu viết lời tựa khen ngợi ni sư.
Thời đó còn có ni sư Đức Thịnh, là người có đạo đức và ý chí hợp với ni sư, cùng hành đạo và tu quán, là người vâng theo lời dạy của ni sư.
Truyện 49: NI SƯ SIÊU MINH Ở CHÙA TỀ MINH, TIỀN ĐƯỜNG
Ni sư họ Phạm, người Tiền Đường[13]. Người cha quá cố của ni sư lúc nhỏ học ở trường quốc tử giám. Gia đình ni sư đời đời phụng thờ Phật pháp.
Thuở nhỏ, ni sư thông minh hơn người, có chí hướng thượng, học ngũ kinh[14], giỏi về văn nghĩa. Là người chính trực, biết lễ nghĩa, nên ni sư được mọi người kính trọng.
Năm ni sư hai mươi mốt tuổi, người chồng qua đời, ni sư ở vậy thờ chồng. Có người cùng làng đến cầu hôn nhưng ni sư một mực từ chối. Từ đó, ni sư xuất gia và sống ở chùa Sùng Ẩn với tinh thần sáng suốt và nhận thức rõ ràng về đạo lí.
Một hôm, nghe ở chùa Bắc Trương, huyện Ngô, có pháp sư Đàm Chỉnh là người có đạo đức, chuyên tu khổ hạnh, ni sư đến xin thụ giới cụ túc.
Sau, ni sư đến Đồ sơn, nghe pháp sư Tuệ Cơ giảng nói các kinh, liền nghiên cứu nghĩa lí kinh văn. Vừa nghe qua, ni sư đều ghi nhớ rõ ràng. Tất cả quan dân ở vùng Tam Ngô đều kính trọng ni sư. Sống ở đây không lâu, ni sư trở lại chùa Tề Minh, huyện Tiền Đường.
Niên hiệu Kiến Vũ thứ năm (498), ni sư viên tịch, thọ hơn sáu mươi tuổi.
Cùng thời ấy còn có ni sư Pháp Tạng, cũng nổi tiếng là người có học thức và đạo hạnh.
Truyện 50: NI SƯ ĐÀM DŨNG Ở TINH XÁ PHÁP ÂM
Ni sư là chị của ni sư Đàm Giản, là người có bẩm tính cương trực, không ai có thể làm lay chuyển, thường lấy việc tu thiền, trì luật làm sự nghiệp, không quan tâm đến việc ăn mặc. Thời gian sống ở tinh xá Pháp Âm, ni sư hiểu sâu lẽ vô thường, quí trọng nếp sống giải thoát.
Niên hiệu Kiến Vũ thứ nhất (494), ni sư cùng ni sư Đàm Giản vào sống trong núi Bạch.
Đêm rằm tháng 02 niên hiệu Vĩnh Nguyên thứ ba (501), ni sư chất củi, tự thiêu thân để cúng dường tam bảo. Người đương thời nghe thấy tin này, đều phát đạo tâm, cùng nhặt lấy xương còn sót lại và xây tháp cúng dường.
Truyện 51: NI SƯ ĐỨC LẠC Ở CHÙA TỀ HƯNG, HUYỆN DIỆM
Ni sư họ Tôn, người Tì Lăng[15]. Cao tổ của ni sư tên là Dục Tấn, làm quan thứ sử ở Dự châu[16]. Vừa sinh ra, ni sư đã có hai cái răng. Khi lớn lên, ni sư thường ở trong phòng tối, không cần đèn nến mà vẫn thấy rõ mọi vật.
Ni sư mong được xuất gia, cha mẹ rất thương yêu nhưng không dám ngăn cản chí nguyện con mình. Đến năm ni sư tám tuổi, cha mẹ cho phép hai chị em cùng xuất gia, làm đệ tử của ni sư Tấn Lăng Quang. Sau khi thụ giới cụ túc, hai chị em cùng đến kinh đô để học đạo và sống ở chùa Nam Vĩnh An. Ni sư chuyên tâm, tinh tiến suốt ngày đêm để nghiên cứu kinh luật và luận đàm hợp với giáo điển. Tống Văn đế thường khen ngợi ni sư.
Niên hiệu Nguyên Gia thứ bảy (430), sa-môn Cầu-na-bạt-ma người Ấn Độ sang trung Quốc. Đại tướng quân đời Tống cho xây chùa Vương Viên[17] và mời sa-môn về ở đây. Sau đó, đến niên hiệu Nguyên Gia thứ mười một (434), có hơn mười vị tì-kheo-ni người nước Sư-tử[18] sang Trung Quốc. Ni sư lại theo ngài Tăng-già-bạt-ma xin thụ lại giới cụ túc.
Đến năm thứ hai mươi mốt (444), các ni sư cùng chùa là Pháp Tịnh, Đàm Lãm, do bị mắc mưu của Khổng Hi Tiên, đã làm thương tổn thanh danh, hủy mất giới pháp, phá hoại chùa chiền, li tán ni chúng, nên ni sư dời đến chùa Đông Thanh Viên, tham học pháp thiền sâu xa, nghiên cứu giáo nghĩa vi diệu.
Đến khi Văn đế thăng hà, ni sư đi về phía đông đến Cối Kê, sống tại tinh xá Chiếu Minh ở núi Bạch, huyện Diệm[19]. Người học nhóm họp, ni sư đều chỉ dạy tận tường; từ đó, đạo pháp hưng thịnh ở vùng đông nam.
Niên hiệu Vĩnh Minh thứ năm (487), đời Tề, Trần Lưu và Nguyễn Kiệm là những Phật tử thuần thành, đã sửa ngôi nhà của mình thành tinh xá Tề Hưng và cúng dường ni sư.
Ni sư sống có phép tắc, nên lớn nhỏ đều mến phục. Chư ni xa gần kính mộ đạo phong của ni sư, nên đều đến xin y chỉ. Đồ chúng có hơn hai trăm người, nhưng ni sư không cất chứa phẩm vật cúng dường mà quanh năm vẫn dư dả, ni chúng nhiều vô kể và đều được phân phát bình đẳng.
Niên hiệu Vĩnh Nguyên thứ ba (501), ni sư viên tịch, thọ tám mươi mốt tuổi.
Lúc ấy, ni sư Tăng Mậu, họ Vương, người Bành Thành, là người sống có tiết độ, ăn uống đạm bạc, lấy việc tu khổ hạnh làm sự nghiệp, đã đem những đồ vật của ni sư tặng tinh xá Trúc Viên để làm vật kỉ niệm.


Chú thích:
[1] Cánh Lăng Văn Tuyên vương 竟陵文宣王: quan tư đồ đời Nam Tề (479-502), tên Tiêu Tử Lương.
[2] Chung sơn 鍾山: núi ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, cao 468 mét.
[3] Tằng tổ 曾祖: ông tổ bốn đời, tức ông cố nội.
[4] Tính bất diệt 不滅性: bản chất thường trụ, không sinh, không diệt của các pháp.
[5] Tổng trì 總持 (S: dharani; Hâ: đà-la-ni): năng lực của trí tuệ tóm thâu, giữ gìn vô lượng Phật pháp không để cho quên sót.
[6] Tam-muội 三昧 (S: samādhi): trạng thái thiền định, tâm an trụ vào một chỗ, một cảnh.
[7] Nghĩa học 義學: học về lí luận và giải thích danh tướng.
[8] Ba thừa 三乘 (S: trīṇi yānāni): ba xe, dụ cho ba pháp môn chuyên chở chúng sinh vượt qua sinh tử đến bờ niết-bàn. Ba thừa là Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa.
[9] Bát-chu 般舟 (S: pratyutpanna): pháp môn tu tập vừa đi vừa niệm Phật vừa quán tưởng.
[10] Hạ đô 下都: thủ đô thứ nhì, chỉ thành phố lớn bậc nhì trong nước.
[11] Tứ sự 四事: bốn món cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày của chúng tăng. Đó là y phục, thức ăn uống, ngọa cụ, thuốc men; hoặc chỉ cho y phục, thức ăn uống, ngọa cụ, phòng xá.
[12] Bài thơ này còn mười chữ nữa nhưng ni sư chỉ nói qua, nay tôi không nhớ rõ.
[13] Tiền Đường 錢塘: tên huyện thời xưa, nay thuộc tỉnh Triết Giang.
[14] Ngũ kinh 五經: năm bộ sách quan trọng của Nho giáo, gồm kinh Thi, kinh Thư, kinh Dịch, kinh Lễ và kinh Xuân thu.
[15] Tì Lăng 毘陵: tên một vùng đất thời xưa ở Trung Quốc.
[16] Dự châu豫州: một trong chín châu thời xưa ở Trung Quốc.
[17] Chùa Vương Viên王園寺: chùa ở phía bắc chùa Chỉ Viên.
[18] Nước Sư Tử師子國: nay là đảo Tích-lan.
[19] Diệm 剡: tên huyện ngày xưa, thuộc phía tây nam huyện Thặng, tỉnh Triết Giang ngày nay.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 4 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Chớ quên mình là nước


Vì sao tôi khổ


An Sĩ toàn thư - Khuyên người bỏ sự tham dục


Học đạo trong đời

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.139.239.25 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập