Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt,
luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
7. Báng pháp và vãng sanh.
Hỏi: Kinh Pháp Hoa nói: “Những người phỉ báng kinh này thường sanh vào những xứ hiểm nạn, vĩnh viễn không được gặp Phật.” Vì sao trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ, những kẻ báng pháp lại được vãng sanh Tịnh độ, gặp Phật nghe pháp, vĩnh viễn xa lìa cảnh khổ. Nếu vậy, tại sao lại nói thường sanh vào những xứ hiểm nạn? (54)
Đáp: Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Những kẻ ngu này, không việc ác nào không làm, phải bị đọa vào địa ngục, chịu khổ vô cùng.” Kế đến kinh nói: “Nếu niệm mười danh hiệu Phật, được vãng sanh Tịnh độ.” Nếu cho rằng người ác ấy thường sanh vào chỗ hiểm nạn, không thể thoát ra, và nếu thường phải cư trú chỗ hiểm nạn, thì làm sao vãng sanh Tịnh độ? Cho nên, khi tội chưa trừ diệt thì quả báo đó là vô cùng tận, nếu tội bị trừ diệt, thì quả báo đó là có cùng tận. Tuy thường sinh vào chỗ hiểm nạn, nhưng nếu tội diệt, thì ngại gì mà không được thấy Phật! Lại nữa, thiền sư Tín Hành dẫn chứng ý nghĩa của kinh văn, mục đích muốn chứng minh rằng chúng sanh giai đoạn ba có tội không thể trừ diệt, không được vãng sanh Tịnh độ, hơn nữa, thiền sư cũng dẫn chứng rất nhiều kinh điển để chứng minh kẻ tà không thể vãng sanh. Không biết chúng sanh giai đoạn hai có phỉ báng Kinh Pháp Hoa hay không? Nếu phỉ báng thì có thường sanh vào chỗ hiểm nạn hay không? Niệm Phật có được vãng sanh Tịnh độ hay không? Nếu cho rằng được vãng sanh, thì không thể dùng Kinh Quán Vô Lượng Thọ làm chứng cứ. Nếu không được vãng sanh, thì chúng sanh giai đoạn hai phỉ báng Chánh pháp cũng không được vãng sanh, vì sao lại cứ muốn chứng minh chỉ có chúng sanh giai đoạn ba là không được vãng sanh?
9. Phật pháp đúng căn cơ.
Hỏi: Kinh Duy Ma Cật nói: “Bồ tát thành tựu tám pháp, ở nơi thế giới này tu hành không bị chướng ngại, được vãng sanh Tịnh độ.” Thiền sư Tín Hành cho rằng tám pháp này là giáo pháp vãng sanh Tịnh độ dành cho chúng sanh giai đoạn ba, còn giáo pháp của Kinh Quán Vô Lượng Thọ, v.v…, là giáo pháp vãng sanh dành cho chúng sanh giai đoạn hai. Hiện nay, chúng sanh phần lớn thuộc về giai đoạn ba, làm sao học tập giáo pháp vãng sanh dành cho chúng sanh giai đoạn hai? (55)
Đáp: Bổn ý thành lập giáo pháp của thiền sư Tín Hành là dùng “Phật pháp thích đáng căn cơ” làm tông chỉ, cho đây là chỉ quy để thấu hiểu lời Phật dạy, và xem thường kiến giải của các học giả xưa nay. Thật ra, thiền sư dùng ba nghĩa này, nếu tìm trong giáo nghĩa thì đúng là pháp môn thích hợp căn cơ, một là thời gian, hai là nơi chốn, ba là người tu tập. Nếu xét kỹ sự thành lập ba môn này của thiền sư quả thật là vô cùng tuyệt diệu, thích đáng. Thế nhưng chư đại đức cổ kim, đều có học vấn uyên bác, thông thạo nội điển ngoại điển, thấu rõ ý nghĩa bán tự mãn tự, thâm hiểu chỗ thâm sâu của pháp môn, vượt đến chỗ cùng cực của bí tạng, chưa hề có ai phán định tông chỉ giống như thiền sư. Vả lại, thiền sư tự thiết lập ý nghĩa, nhưng lại đi trái ngược với ý thú. Vì sao? Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Hôm nay, đức Như Lai vì bà Vi Đề Hy và tất cả chúng sanh ở đời vị lai”, đây là thời ác. “Bị giặc phiền não xâm nhiễu mà nói nghiệp thanh tịnh”, đây là người ác. “Đây là sự giáo hóa chúng sanh ở cõi uế trược”, đây là chỗ ác. Kinh Quán Vô Lượng Thọ hội đủ ba nghĩa, lẽ ra phải là Phật pháp thích đáng căn cơ, thế mà thiền sư lại nói không phải. Đây là có ý gì? Tám pháp của Kinh Duy Ma Cật không nói đến đời vị lai, đây là không phải thời ác. Bồ tát thành tựu tám pháp: đây là không phải người ác. Đây là sự giáo hóa chúng sanh cõi trược uế: đây là chỗ ác. Kinh Duy Ma Cật chỉ có một nghĩa, thiếu hai nghĩa kia, sao lại cho là thích đáng căn cơ. Đây là có ý gì?
10. Chuyên tu và tạp tu.
Hỏi: Kinh Bồ Tát Xử Thai, quyển thứ hai, nói: “Về phía tây cách cõi Ta Bà mười hai ức na do tha cõi Phật có cõi nước Giải Mạn. Xứ đó khoái lạc, ca xướng kỹ nhạc, y phục lộng lẫy, hương hoa trang nghiêm, v.v… Các chúng sanh phát nguyện sanh về cõi Phật A Di Đà đều bị lạc vào cõi nước Giải Mạn mà không vãng sanh Cực Lạc. Trong ngàn vạn ức chúng sanh, hoạ hoằn chỉ có một người vãng sanh Cực Lạc.” Kinh này là minh chứng cho sự khó vãng sanh. Vì lý do gì hiện nay lại khuyến khích mọi người vãng sanh cõi Phật ấy? (56)
Đáp: Vì có lời kinh như vậy, cho nên Hòa thượng Thiện Đạo khuyến tấn bốn chúng chuyên tu Tây Phương tịnh nghiệp, bốn tu[1] không thoái chuyển, ba nghiệp không tạp nhạp, phế bỏ những ước nguyện và hành trì khác, mà chỉ chuyên hành một hạnh Tây Phương. Trong những người tu tạp hạnh, vạn người không được một người vãng sanh, còn những người chuyên tu thì ngàn người tu, ngàn người được vãng sanh.Như phần sau của kinh nói: “Vì sao? Do vì giải đãi lười biếng, lòng tin không vững chắc. Phải biết những người tu hạnh tạp nhạp, lòng tin không kiên cố, cho nên sanh vào cõi nước Giải Mạn.” Lời này giống hệt Kinh Bồ Tát Xử Thai đã nói. Nếu không tu tạp nhạp, chuyên tu tịnh nghiệp, đây là lòng tin vững chắc, ắt sẽ vãng sanh về cõi Cực Lạc, khéo phù hợp với ý chỉ của Kinh Tùy Nguyện Vãng Sanh. Kinh ấy nói: “Chúng sanh cõi Ta Bà phần nhiều đều tham sân si, ít người có lòng tin chân chánh, phần lớn tu tập tà pháp, không tin Chánh pháp, không thể chuyên nhất, tâm ý tán loạn không chí hướng. Các cõi Tịnh độ mười phương thật sự không có sự sai biệt, vì muốn cho hành giả chuyên tâm vào một cõi, cho nên Đức Phật đặc biệt khen ngợi cõi Cực Lạc mà thôi! Các hành giả tùy thuận nguyện cầu của họ mà được vãng sanh.” Cho nên biết rằng nếu tu tạp nhạp sẽ sanh vào cõi Giải Mạn, còn như chuyên tu thì sẽ vãng sanh cõi nước Cực Lạc. Điều này càng hiển rõ sự chuyên tu sẽ được vãng sanh. Đâu phải vì sanh Cực Lạc là khó mà không ai được vãng sanh về đó! Lành thay các hành giả Tịnh độ, không thể không chuyên tâm vào hành nghiệp của mình. Vả lại, rất ít người vãng sanh về Báo độ, mà phần lớn vãng sanh về Hóa độ. Cho nên Kinh Bồ Tát Xử Thai và Kinh Quán Vô Lượng Thọ tuy nói khác nhau, nhưng hàm ý không mâu thuẫn.
11. Thăng trầm của sự niệm Phật.
Hỏi: Kinh Quán Tam Muội Hải nói: “Năm trăm người thuộc dòng họ Thích trong đời quá khứ đều là anh em, học tập kinh điển ngoại đạo, không tin Phật pháp. Phụ vương thương xót, bèn giảng cho họ nghe pháp Mười hai nhân duyên cùng Phật pháp sâu xa, bọn họ không tin mà còn sanh lòng hủy báng. Đến khi sắp chết, bọn họ nhận chịu nhiều sự khổ não. Người cha thương xót, e rằng bọn họ sẽ phải đọa địa ngục A tỳ, bèn khuyên bọn họ niệm Phật. Các người con sắp chết, khởi lòng kính trọng, tùy thuận lời cha dạy, niệm Nam mô Phật. Người cha lại khuyên niệm Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng. Sau khi các người con mạng chung, nương vào công đức niệm Phật, đều được sanh lên cõi trời, hưởng thọ khoái lạc. Sau khi nghiệp báo cõi trời đã hết, nhân vì nghiệp phỉ báng Chánh pháp đời trước, bèn đọa vào địa ngục A tỳ, nhận chịu sự khổ khốc liệt.” Y theo lời kinh, lâm chung niệm Phật, tuy được sanh lên cõi trời, tội báng pháp không trừ diệt, vẫn bị đọa vào địa ngục. Làm sao các hành giả vãng sanh Hạ phẩm hạ sanh niệm Phật một tiếng, liền được diệt tội, vãng sanh Tây Phương, vĩnh viễn không còn trầm luân, không còn bị đọa ác đạo, thường hưởng thọ khoái lạc, cho đến khi thành Phật. Đều là niệm Phật, tại sao có thăng trầm khác biệt như vậy? (57)
Đáp: Bọn họ tuy niệm Phật được sanh cõi trời, nhưng chỉ biết hưởng thọ khoái lạc, đam mê ngũ dục, không biết tiếp tục tu thiện, đến lúc phước báo niệm Phật hết, lại bị đọa ba đường ác. Hiện nay, vãng sanh Cực Lạc, sau khi hoa nở, gặp Phật nghe pháp, dần dần tiến tu các đạo phẩm, thường hành sáu Ba la mật, các tội khiên từ vô thỉ, đều lần lần tiêu diệt, các hạnh nguyện thù thắng càng ngày càng tăng trưởng, trăm ngàn tam muội đều hiện trước mắt, quán sát nhân không pháp không, thấu rõ pháp vô sở đắc. Làm sao có thể so sánh chúng sanh của trời cõi Dục, nơi mà nam nữ chỉ hưởng thọ dục lạc, phóng túng sáu căn, tạo tội thập ác, với chúng sanh vãng sanh cõi Cực Lạc!! Lại nữa, bọn họ tuy niệm Phật nhưng chưa ân cần hổ thẹn sám hối và phát tâm Vô thượng Bồ đề cầu sanh Tịnh độ. Vả lại, Bổn nguyện của Đức A Di Đà có nói: “Chúng sanh vãng sanh Cực Lạc, nếu còn đọa ba đường ác, thì tôi sẽ không thành Phật.” Hơn nữa, những người con đó không hề chí tâm tha thiết mà chỉ vì nghe lời dạy của cha mà niệm, cho nên tội chưa trừ diệt, chỉ tạm thời sanh cõi trời, rồi lại đọa ác đạo. Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ, phần Hạ phẩm hạ sanh nói: “Hành giả phải niệm đủ mười niệm tội mới trừ diệt.” Bọn họ không chí tâm, lại niệm có một niệm, cho nên tội không trừ diệt, sanh thiên rồi vẫn còn đọa ác đạo. Ví như mắc nợ, người chủ nợ lớn nhất đến trước để kéo đi. Phước lực của niệm Phật lớn, cho nên tạm thời sanh thiên, nhưng tội báng pháp rất nặng, thành thử vẫn kéo xuống ác đạo. Ý nghĩa của hai kinh có những sự khác biệt như vậy.
12. Niệm Phật trừ ma.
Hỏi: Kinh nói: “Trong tâm có ba độc tham sân si thì sẽ chiêu cảm ma quỷ từ bên ngoài vào.” Hiện nay nói Niệm Phật Tam Muội được thấy Đức Phật A Di Đà, đến lúc lâm chung thấy Phật và thánh chúng đem hoa đến rước. Hành giả vãng sanh là phàm phu, trong tâm đầy đủ ba độc, như vậy Phật và thánh chúng đến rước có phải là quỷ thần giả hiện hay không? (58)
Đáp: Nếu tâm có tam độc, tu hành Niệm Phật Tam Muội thấy được Phật A Di Đà, đến lúc lâm chung thánh chúng đến nghinh đón đều là quỷ thần giả hiện, thì tất cả chúng sanh đầy đủ tham sân si, dù không đắc Niệm Phật Tam Muội, hoặc không tu hạnh nghiệp Tây Phương, thì thường phải thấy Phật, và khi lâm chung đều phải thấy Phật A Di Đà mang hoa đến rước. Nếu cho rằng không thấy Phật, Phật không đến rước, thì người đó ắt không có ba độc tham sân si. Hơn nữa, chí tâm xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà, tu hành nghiệp Tây Phương, trì trai giữ giới, v.v…, là nhân của ba độc tham sân si, hay không phải là nhân của tham sân si? Nếu là nhân cho ba độc tham sân si, vì lý do gì niệm Phật tu thiện lại sanh khởi ba độc? Nếu vậy, đức Thế Tôn không nên khuyên chúng sanh niệm Phật, v.v… Vả lại, tu thiện niệm Phật chiêu cảm quỷ thần, thì phá trai phá giới ắt không chiêu cảm cảnh tướng ma quỷ! Còn nếu trì trai giữ giới không phải là nhân cho ba độc, thì đó là pháp để trừ diệt ba độc. Tôi tu pháp diệt ba độc mà chỉ thấy ma quỷ, còn ông chưa từng tu pháp diệt ba độc, tại sao ông lại chưa từng thấy Phật?
Nếu dùng đoạn văn này làm chứng cứ để phán quyết nhất định là ma, và người không còn ba độc ắt không bị ma quấy nhiễu, tại sao tôn giả A Nan bị ma làm mê hoặc, không thỉnh đức Thế Tôn tiếp tục an trụ tại thế gian, và tôn giả Ưu Ba Cúc Đa trong khi nhập định lại bị thiên ma lấy vòng hoa choàng lên đầu? Cho nên biết rằng không phải ba độc tham sân si nhất định chiêu cảm ma quỷ, và những người không còn ba độc không bị ma quấy nhiễu. Tại sao lại cứ cho rằng lâm chung thấy Phât đều là quỷ thần ma giả hiện. Lại nữa, nếu ba độc chiêu cảm ma quỷ, tại sao lại chỉ biến hình Phật mới gọi là chiêu cảm cảnh tướng ma. Kinh Đại Niết Bàn nói: “Trong đời vị lai, ma biến hiện thành thân tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, thân Phật, v.v…, đến mê hoặc hành giả.” Đức Phật dạy các đệ tử phải biết biện biệt lời dạy của Phật và lời dụ hoặc của ma, làm cho mọi người nhận thức rõ. Chúng sanh đọa lạc vào cảnh giới ma, phần lớn là y theo lời dụ hoặc, chứ đâu phải hoàn toàn bị hình tướng làm thác loạn. Cho nên Kinh Quán Vô Lượng Thọ dạy rằng trong lúc tu mười sáu pháp quán, giả như cảnh giới thanh tịnh hiện tiền, không luận là tà hay chánh, nếu trong lúc quán tưởng mà nghe âm thanh giảng nói diệu pháp thì Đức Phật dạy phải xuất định, nhớ kỹ không quên những lời dạy trong định, sau đó đem so sánh với kinh điển để biện định tà chánh.
Căn cứ vào kiến giải của ông, những cảnh tướng biến hiện đều là ma, đây là do thân ông có tà độc tham sân si. Dù thân Phật là do ma biến hiện, đây là do pháp của tôi chân chánh mà hiện ra cảnh ma, thấy thân Phật đến não loạn, hay là do pháp của tôi không chân chánh, tăng trưởng tà pháp, chiêu cảm ma hiện đến? Nếu do pháp chân chánh mà hiện ra cảnh ma, thì lại càng phải chuyên tâm niệm Phật, bởi vì niệm Phật là pháp khiến xuất ly cảnh giới ma. Còn như pháp không chân chánh, tăng trưởng tà độc tham sân si mà lại chiêu cảm ma hiện thân Phật, thì bọn đồ tể, chiên đà la, v.v…, chuyên làm việc ác, ắt phải thường thấy chư Phật mười phương hiện thân. Lúc bọn họ lâm chung, thân tâm ắt phải an lạc, mắt nhìn thấy chư Phật mang hoa đến rước. Nếu đúng như vậy thì Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói về chín phẩm vãng sanh, thánh chúng đến tiếp dẫn ắt phải là pháp ba độc tham sân si. Nếu các thánh chúng đến nghinh tiếp đều là ma, thì Kinh Quán Vô Lượng Thọ ắt không phải là pháp Phật, mà là pháp ma. Vả lại, nếu ba độc tham sân si chiêu cảm ma đến, cần gì phải thấy Phật đến mới gọi là ma đến, nguyện vãng sanh Tây Phương mới gọi là chiêu cảm quỷ thần đến. Thế nhưng, bốn mươi tám nguyện của Đức A Di Đà, tiếp dẫn tất cả chúng sanh phạm tội ác vãng sanh, đây là điều mà kinh Phật nói rõ ràng. Những điềm lành về cảnh tướng vãng sanh, xưa nay đã được ghi chép trong các truyện ký, nào là tiếng nhạc thánh thót, mùi hương vi diệu, tướng lành hiển hiện, lẽ nào đây là những
điều bịa đặt hay sao? Phần VII: So sánh sự hơn kém giữa cõi Đâu Suất và cõi Cực Lạc.
1. So sánh giữa hai cõi.
Hỏi: Tịnh độ Tây Phương so với Nội viện Đâu Suất có gì hơn kém? (59)
Đáp: Sự hơn kém giữa hai cõi thật hiển nhiên, những bậc thức giả đều biết rõ, cần gì phải hỏi thêm. Các bậc cổ đức đã soạn Luận Tịnh Độ [2], trong đó đã phân tách sự hơn kém, ở đây không phiền giải thích. Thế nhưng các bậc cổ đức soạn luận, trình bày vẫn còn sơ lược, hiện nay sẽ dùng mười hai nghĩa để làm rõ thêm chi tiết: (1) chủ, (2) xứ, (3) quyến thuộc, (4) thọ mạng, (5) nội ngoại, (6) thân sắc, (7) tướng hảo, (8) ngũ thông, (9) bất thiện, (10) diệt tội, (11) thọ lạc, (12) thọ sanh.
1) Chủ: Chủ trời Đâu Suất (Bồ tát Di Lặc) vẫn còn là phàm phu, tuy được gọi là Nhất sanh bổ xứ, nhưng chưa chứng đắc quả Phật (Diệu giác). Tuy sẽ thành Phật, nhưng hiện nay chỉ hiện hóa thân. Chủ cõi Cực Lạc là Đức Phật A Di Đà đã thành Chánh giác, cư trú tại cõi Tịnh độ, phần nhiều hiện thân thọ dụng (báo thân). Sự thật mà nói, hiện hóa thân hay hiện báo thân không có sự hơn kém. Thị hiện độ chúng sanh, thầy (Phật) trò (Bồ tát Đẳng giác) khác biệt, tức là một bên hiện nay đã thành Phật, một bên tương lai sẽ thành Phật, một bên là Báo thân Phật, một bên là Hóa thân Phật, một bên đã viên mãn, một bên chưa viên mãn, một bên hiện cõi diệu, một bên hiện cõi thô, cảnh tướng hoàn toàn khác biệt. Đây là nghĩa thứ nhất.
2) Xứ: Cảnh Đâu Suất ở cõi Ta Bà trược uế, vẫn còn dục lạc nam nữ; cõi Cực Lạc là Tịnh độ ở phương khác, thù thắng vi diệu. Bàn về sự hơn kém, không cách nào ví dụ được. Sự đẹp xấu giữa hai bên quả thật rõ ràng. Đây là nghĩa thứ hai.
3) Quyến thuộc: Trời Đâu Suất có trời nam và trời nữ, còn cõi Cực Lạc thì không có người nữ. Từ đây hình dung ra, hành giả tự biết bên nào đẹp, bên nào xấu, bên nào hơn, bên nào kém. Sự cách biệt giữa hai cõi như trời với đất. Đây là nghĩa thứ ba.
4) Thọ mạng: Thọ mạng ở cõi trời Đâu Suất là bốn trăm năm, mỗi ngày trên đó là bốn trăm năm ở cõi người. Như vậy các vị trời Đâu Suất thọ mạng bằng 400x30x12x400 = 57,060,000 (năm mươi bảy triệu sáu mươi ngàn) năm ở cõi người, nhưng vẫn có trường hợp chết yểu, như vậy làm sao so sánh với thọ mạng vô lượng a tăng kỳ kiếp ở cõi Tây Phương Cực Lạc. Thọ mạng dài ngắn bất đồng, không thể so sánh. Đây là nghĩa thứ tư.
5) Nội ngoại: Trời Đâu Suất có hai viện, nội viện và ngoại viện. Những vị trời sống trong nội viện được gần gũi ngài Di Lặc là bậc Bồ tát Nhất sanh Bổ xứ, cho nên vĩnh viễn được bất thoái chuyển, còn những vị trời sống ở ngoại viện thì đam mê ngũ dục, không tránh khỏi trôi lăn trong sanh tử luân hồi. Ngài Giác Sư Tử, em trai ngài Thế Thân, còn bị sanh nơi ngoại viện. Ngài Thế Thân đạo hạnh ngang với ngài Vô Trước, cũng cầu vãng sanh Nội viện, cho nên biết rằng sanh vào Nội viện là một điều khó khăn. Phần lớn đều sanh nơi Ngoại viện, tiếp tục tạo thập ác, tu hành thoái chuyển, đọa lạc vào ba đường ác, không bằng vãng sanh Tây Phương, dù là hạ phẩm hạ sanh, khi hoa sen nở sẽ gặp ngài Quán Thế Âm, nghe giảng các pháp thật tướng sâu xa, pháp trừ diệt tội chướng, vĩnh viễn không bị luân hồi. Dùng đây để hình dung, làm sao có thể so sánh được. Đây là nghĩa thứ năm.
6) Thân sắc: Các vị trời Đâu suất, thân sắc tuy thanh tịnh vi diệu, thế nhưng đến lúc lâm chung, các tướng chết hiện ra, như là chảy mồ hôi nách, hoặc là quang minh ẩn mất, làm sao có thể so sánh với cõi Tây Phương, toàn thân bằng vàng, quang minh chiếu rọi hàng trăm ngàn do tuần. Kinh Vô Lượng Thọ dùng thí dụ dung mạo kẻ ăn mày so sánh với vị đế vương, cho đến dung mạo của vị trời Tha hóa tự tại nếu so sánh với các chúng sanh ở cõi Cực Lạc thì tướng mạo quang minh của họ chẳng khác gì đống mực đen để cạnh núi vàng ròng. Đẹp xấu khác nhau. Đây là nghĩa thứ sáu.
7) Tướng hảo: Thân tướng các vị trời tuy đoan nghiêm, đâu có thể so sánh với chúng sanh cõi Cực Lạc, thân tướng thù thắng trang nghiêm, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt. Không có cách nào mô tả sự hơn kém giữa hai bên được. Đây là nghĩa thứ bảy.
8) Ngũ thông: Trong phần Bốn mươi tám nguyện của Phật A Di Đà có nói: “Nếu tôi thành Phật, chúng sanh trong cõi nước tôi đắc được ngũ thông, hoặc thấy, hoặc nghe, tối thiểu là trăm ngàn vạn ức cõi Phật, v.v…” Các vị trời Đâu Suất, dù cho có ngũ thông chăng nữa cũng chỉ trong phạm vi hạn hẹp của cõi Ta Bà mà thôi. Giả sử có sanh vào Nội viện đi nữa, nếu chưa chứng quả thánh, chưa có kinh nào nói đến việc họ đi cúng dường, phụng sự chư Phật mười phương. Dùng đây so sánh, đây là nghĩa thứ tám.
9) Bất thiện: Các hành giả sanh về Nội viện của ngài Di Lặc là phàm phu sống trong cõi Dục. Tuy gần gũi bậc Nhất sanh bổ xứ, được nghe pháp Đại thừa, nhưng họ vẫn còn đầy phiền não. Vì không được bổn nguyện nhiếp thọ nên vẫn còn khởi tâm bất thiện, gây tạo ác nghiệp. Các chúng sanh cõi Tịnh độ không có những cảnh duyên ác này, hơn nữa nhờ nương vào bổn nguyện của Phật mà tội chướng tiêu trừ. Đây là nghĩa thứ chín.
10) Diệt tội: Kinh Di Lặc Thượng Sanh nói: “Người nào niệm một danh hiệu ngài Di Lặc sẽ diệt trừ được một ngàn hai trăm kiếp tội ác sanh tử; nghe danh hiệu ngài, chắp tay cung kính trừ được năm mươi kiếp tội ác sanh tử; kính lễ Đức Di Lặc sẽ diệt trừ được một trăm kiếp tội ác sanh tử”, làm sao sánh được với niệm một danh hiệu Phật A Di Đà trừ diệt được tám mươi ức kiếp tội ác sanh tử, vãng sanh Tây Phương! Đây là nghĩa thứ mười.
11) Thọ lạc: Các vị trời Đâu Suất bị ngũ dục trói buộc, còn các chúng sanh nơi cõi Cực Lạc được tự tại, không còn ưu sầu khổ não nữa. Đây là nghĩa thứ mười một.
12) Thọ sanh: Các vị trời Đâu Suất thọ sanh vào thân thể nam nữ, còn các chúng sanh cõi Cực Lạc chỉ thọ sanh vào hoa sen, hoặc thọ sanh vào cung điện bảy báu. Đây là nghĩa thứ mười hai.
Ở đây dùng mười hai nghĩa để nêu rõ sự hơn kém. Nếu trình bày chi tiết ắt sẽ nhiều vô lượng. Tuy hai cõi có sự hơn kém như vậy, thế nhưng kinh Phật đều khuyên vãng sanh về cả hai cõi. Tùy theo nguyện vọng của hành giả, y theo lời dạy tu hành, ắt sẽ được như sở nguyện. Kính mong hành giả Tây Phương đừng chê bai Đâu Suất, và hành giả Đâu Suất cũng chớ phỉ báng Tây Phương. Mỗi người tùy theo lòng ái mộ, tu tập pháp môn mà mình ưa thích, không nên thị phi, đây mới là Phật pháp, còn nếu chê bai lẫn nhau, thì hai bên đều tạo nghiệp ma, chẳng những không được vãng sanh mà còn bị trầm luân tam đồ ác đạo. Khuyên các hành giả hãy tự nỗ lực.
2. Sự dị đồng giữa hai cõi.
Hỏi: Các bậc học giả đều biết rõ Cực Lạc thù thắng hơn Đâu Suất trăm ngàn ức lần, nhưng lại e rằng Cực Lạc là cõi Tịnh độ phương xa, ít người có thể vãng sanh. Các bậc đại đức xưa nay vì cho rằng Cực Lạc khó vãng sanh nên đã nguyện sanh về Đâu Suất. Hiện nay lại khuyên tu pháp môn Cực Lạc là có ý gì? Đây là điều chúng tôi vô cùng thắc mắc, kính xin giải thích cho chúng tôi đỡ nghi hoặc! (60)
Đáp: Vấn đề này quả là rất tế nhị. Các bậc đại đức xưa nay, học nhiều hiểu rộng, thấu rõ Đại thừa Tiểu thừa, đối với vấn đề này đôi khi còn phải trù trừ, huống chi tôi là một người học vấn kém cỏi, không rõ thị phi, đâu dám biện định vấn đề thâm thúy như vậy. Thế nhưng, bằng cách tìm hiểu kinh điển, chúng ta cũng có thể bàn sơ lược ý chỉ của vấn đề. Nếu so sánh Kinh Di Lặc Thượng Sanh nói về hành nghiệp vãng sanh Đâu Suất, và các kinh Quán Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Thọ, Xưng Tán Tịnh độ, v.v..., nói về hành nghiệp vãng sanh Cực Lạc, chúng ta có thể thấy rõ sự đồng dị giữa hai bên. Hơn nữa, hành môn vãng sanh Đâu Suất và vãng sanh Tây Phương có mười lăm điểm tương đồng và tám điểm khác biệt.
Mười lăm điểm tương đồng: (1) Quán hạnh: Đối với hành giả vãng sanh Đâu Suất, Kinh Di Lặc Thượng Sanh nói: “Thường tưởng nghĩ đến sự khoái lạc thượng diệu của cõi trời Đâu Suất, như vậy gọi là chánh quán, nếu không thì gọi là tà quán.” Đối với hành giả vãng sanh Tây Phương, Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Trong các pháp quán đất báu, cây báu, ao báu, Phật, Bồ tát, v.v…, nên quán sát như vậy thì gọi là chánh quán, nếu không thì gọi là tà quán.” Đây là tùy theo sở nguyện, quán sát cõi vãng sanh, y chánh trang nghiêm của cõi trời, cõi Phật. (2) Trì giới: Kinh Di Lặc Thượng Sanh nói: “Nên trì giới cấm của Phật.” Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Thọ trì Tam quy, đầy đủ giới thể, không phạm oai nghi.” (3) Thập thiện: Kinh Di Lặc Thượng Sanh nói: “Suy tư và tu hành pháp thập thiện.” Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Có lòng nhân từ, không sát hại, tu hành nghiệp thập thiện.” (4) Sám hối: Kinh Di Lặc Thượng Sanh nói: “Nghe danh hiệu đại bi của Bồ tát Di Lặc, năm vóc sát đất, thành tâm sám hối, các ác nghiệp sẽ mau được thanh tịnh.” Kinh Cổ Âm Vương nói: “Sáu thời chuyên niệm, năm vóc sát đất, v.v…” (5) Tạo lập hình tượng hữu vi công đức: Kinh Di Lặc Thượng Sanh nói: “Tạo lập hình tượng, cúng dường hương hoa, y phục, tràng phan bảo cái.” Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Tu tập pháp lành, phụng trì trai giới, xây chùa đúc tượng, cúng dường sa môn, treo phướng thắp đèn, rải hoa thắp hương.” (6) Thánh đến tiếp dẫn: Kinh Di Lặc Thượng Sanh nói: “Bồ tát Di Lặc phóng ánh sáng giữa chặn mày, cùng các vị trời rải hoa mạn đà la, đến nghinh tiếp hành giả.” Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Phật A Di Đà phóng đại quang minh chiếu thân hành giả, cùng các vị Bồ tát đưa tay tiếp dẫn.” (7) Xưng niệm danh hiệu: Kinh Di Lặc Thượng Sanh nói: “Nếu xưng niệm danh hiệu Di Lặc trong một khoảnh khắc.” Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Nếu chắp tay niệm Nam mô A Di Đà Phật trong một khoảnh khắc.” (8) Lễ bái: Kinh Di Lặc Thượng Sanh nói: “Lễ bái, nghĩ nhớ đến Đức Di Lặc.” Luận Vãng Sanh nói: “Thân nghiệp cung kính lễ bái Đức Phật A Di Đà.” (9) Hồi hướng phát nguyện: Kinh Di Lặc Thượng Sanh nói: “Đem công đức này hồi hướng nguyện sanh về nơi ngài Di Lặc.” Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Đem công đức này hồi hướng nguyện sanh về cõi Cực Lạc.” (10) Đọc tụng kinh điển: Kinh Di Lặc Thượng Sanh nói: “Đọc tụng kinh điển.” Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Đọc tụng kinh điển Đại thừa Phương đẳng.” (11) Vãng sanh: Kinh Di Lặc Thượng Sanh nói: “Trong khoảng khảy ngón tay được sanh về cõi trời Đâu Suất.” Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Trong khoảnh khảy ngón tay (hoặc nói: trong khoảng một niệm, hoặc nói: trong khoảnh lực sĩ co duỗi cánh tay) vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc.” (12) Thấy thánh chúng: Kinh Di Lặc Thượng Sanh nói: “Thấy Đức Di Lặc.” Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Thấy thân Phật đầy đủ tướng hảo trang nghiêm.” (13) Quy kính: Kinh Di Lặc Thượng Sanh nói: “Cúi đầu đảnh lễ.” Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Liền xuống đài sen vàng chắp tay lạy Phật.” (14) Nghe pháp: Kinh Di Lặc Thượng Sanh nói: “Chưa ngẩng đâu lên đã nghe pháp âm.” Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Ánh sáng, rừng báu diễn thuyết diệu pháp.” (15) Bất thoái: Kinh Di Lặc Thượng Sanh nói: “Bất thoái chuyển nơi đạo Vô thượng Bồ đề.” Kinh A Di Đà nói: “Các hành giả vãng sanh đều là bậc Bất thoái chuyển.”
Tám điểm khác biệt: (1) Bổn nguyện: Bồ tát Di Lặc vốn không lập thệ nguyện tiếp dẫn hành giả vãng sanh Đâu Suất. Bồ tát tỳ kheo Pháp Tạng phát bốn mươi tám nguyện tiếp dẫn chúng sanh. Không thệ nguyện giống như khúc gỗ trôi sông, có thệ nguyện giống như lái thuyền du ngoạn. (2) Quang minh: Tu nghiệp vãng sanh Đâu Suất, Đức Di Lặc không phóng ánh sáng nhiếp thọ. Tu nghiệp vãng sanh Tây Phương, Đức Phật A Di Đà phóng ánh sáng bạch hào, ánh sáng lỗ chân lông, ánh sáng viên quang, v.v…, nhiếp thọ hành giả ngày đêm không rời. Có ánh sáng nhiếp thọ giống như đi dạo lúc ban ngày, không ánh sáng nhiếp thọ giống như mò mẫm trong đêm tối. (3) Thủ hộ: Các hành giả tu nghiệp vãng sanh Đâu Suất không được Bồ tát Di Lặc đến thủ hộ, còn hành giả tu nghiệp vãng sanh Tây Phương thì được sự thủ hộ của Đức A Di Đà, v.v…. Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Vô số hóa thân của Phật Vô Lượng Thọ cùng Quán Thế Âm, Đại Thế Chí thường đến nơi hành giả.” Kinh Xưng Tán Tịnh Độ nói: “Ắt sẽ được hằng hà sa chư Phật mười phương nhiếp thọ.” Kinh Thập Vãng Sanh nói: “Đức Phật A Di Đà khiến hai mươi lăm vị Bồ tát thường đến thủ hộ hành giả.” Được thủ hộ như du hành với đám đông, không sợ bị cướp giật, không được thủ hộ giống như đi đường vắng một mình, ắt bị gian phi cưỡng đoạt. (4) Hiện tướng lưỡi: Vãng sanh nội viện Đâu Suất, mười phương chư Phật không hiện tướng lưỡi chứng minh, còn lúc khuyên vãng sanh Cực Lạc, mười phương chư Phật đều hiện tướng lưỡi chứng minh. Nếu như Đâu Suất dễ vãng sanh, Cực Lạc khó vãng sanh, việc gì mà chư Phật mười phương phải chứng minh, khuyến khích. (5) Chúng thánh: Những người tu nghiệp vãng sanh Đâu Suất không có chư thánh thủ hộ. Những hành giả tu nghiệp vãng sanh Tây Phương thì có các vị Bồ tát Hoa Tụ, Bồ tát Sơn Hải Huệ, v.v…, phát nguyện gần gũi thủ hộ. (6) Diệt tội: Kinh Di Lặc Thượng Sanh nói: “Xưng niệm danh hiệu Đức Di Lặc trừ diệt được một ngàn hai trăm kiếp tội sanh tử.” Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Xưng niệm Nam mô A Di Đà Phật, mỗi niệm trừ diệt được tám mươi ức kiếp tội sanh tử.” (7) Tội nặng: Kinh Di Lặc Thượng Sanh nói: “Nếu thiện nam tử thiện nữ nhân phạm các giới cấm, tạo các nghiệp ác.” Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Nếu có chúng sanh tạo nghiệp bất thiện, ngũ nghịch thập ác, làm đủ việc không lành.” Những chúng sanh tạo tội ngũ nghịch ắt sẽ không được sanh về Đâu Suất nhưng lại được vãng sanh Cực Lạc. (8) Giáo thuyết: Nếu cho rằng Đâu Suất dễ sanh, Cực Lạc khó sanh, đây là dùng kiến giải phàm phu để phán đoán kinh Phật. Nếu tra cứu cặn kẽ, ắt không thấy có kinh điển nào nói về điều này. Ngay bậc chứng Tứ quả cũng mờ mịt khi nhập thai, và các bậc Bồ tát Thập địa còn mê muội khi cách ấm, huống chi là những học giả phàm phu, tập khí dẫy đầy, sự mờ mịt về kiến giải và tu tập đến đời nào mới được giải tỏa, dù có miệt mài cầu học, cũng chỉ giống như những kẻ rờ voi, làm sao có đủ khả năng khải định lời Phật khiến cho mọi người tin tưởng. Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Cắt đứt đường năm cõi, nẻo ác tự nhiên đóng, đạo thăng tiến vô cùng, dễ sanh nhưng không người (chịu vãng sanh).” Đây quả là lời dạy rõ ràng của Phật.
Phần trên, xét mười lăm điều tương đồng còn không thể nói Cực Lạc khó vãng sanh, huống chi xét tám điều khác biệt mà vẫn nói Cực Lạc là khó vãng sanh hay sao? Kính thỉnh quý học giả tra cứu giáo lý để có thể giải trừ nghi hoặc về sự vãng sanh khó dễ của hai pháp môn Đâu Suất và Cực Lạc. Nếu nghiên cứu tận cùng, đối với một môn, hoặc khen hoặc chê, đều là phương tiện khuyến khích người sơ cơ vào đạo, khiến họ xa lìa sự ngu mê chấp trước mà thôi. Mong các ngài hiểu rõ ý nghĩa mà tôi muốn trình bày ở đây. Phần VIII: Sự khởi nghiệp của hành giả vãng sanh.
1. Tịnh độ nhuận sanh.
Hỏi: Căn cứ vào Luận Câu Xá, có chín loại mạng chung và thọ sanh: (1) chết ở cõi Dục, sanh ở cõi Dục; (2) chết ở cõi Dục, sanh ở cõi Sắc; (3) chết ở cõi Dục, sanh ở cõi Vô sắc, v.v…, cho đến (9) lúc sắp chết ở cõi này sắp sanh ở cõi kia, khởi phiền não nhuận sanh ở cõi kia. Hiện nay, vãng sanh Cực Lạc thì khởi phiền não nào để nhuận sanh? (61)
Đáp: Có hai cách giải thích: (1) Nếu chưa lìa lòng dục của cõi Dục mà vãng sanh Tây Phương, thì khởi tâm ái cõi Dục mà nhuận sanh; nếu đã lìa lòng dục của cõi Dục được định cõi Sắc mà vãng sanh, thì khởi tâm ái cõi Sắc mà nhuận sanh; nếu đã lìa tâm ái của cõi Sắc được định cõi Sắc, những người thoái chuyển sẽ khởi phiền não cõi Dục cõi Sắc mà nhuận sanh; những người không thoái chuyển ắt sẽ không vãng sanh Tịnh độ, bởi vì những người này cho rằng Tịnh độ thuộc về cõi Dục hoặc cõi Sắc. Có người cho rằng cõi Tịnh độ tuy không thuộc về cõi Dục hoặc cõi Sắc, nhưng là cõi có hình tướng, hành giả tuy đắc được định và xa lìa phiền não của cõi Sắc, cũng không thể vãng sanh cõi Tịnh độ có hình tướng. (2) Có người giải thích rằng hành giã vãng sanh Tịnh độ, lúc sắp mạng chung, Phật A Di Đà đến tiếp dẫn, dùng lòng từ bi gia hộ, khiến cho tâm hành giả không còn điên đảo. Nếu khởi phiền não thì gọi là điên đảo. Thế nhưng muốn thọ sanh thì phải cần đến phiền não. Hành giả vãng sanh Tịnh độ dùng chủng tử phiền não để nhuận sanh. Hỏi: Các bậc thánh hữu học mới có thể bàn đến dùng chủng tử phiền não để nhuận sanh, còn các hành giả vãng sanh vẫn còn là phàm phu thì làm sao bàn đến vấn đề dùng chủng tử để nhuận sanh? Đáp: Nếu căn cứ vào việc thọ sanh ở cõi uế, phàm phu chỉ có thể dùng phiền não hiện hành để nhuận sanh, bởi vì phiền não của họ mãnh liệt, khi mạng chung hầu hết đều điên đảo. Còn các hành giả vãng sanh Cực Lạc đều nhờ vào sự gia trì của Đức Phật A Di Đà, tâm không điên đảo, phiền não không sanh khởi, không thể so sánh với các trường hợp thọ sanh bình thường ở cõi uế. Tuy trong kinh không bàn đến điều này, chúng ta suy ngẫm ý nghĩa có thể suy đoán ra. Nhưng nếu cho rằng các hành giả vãng sanh vẫn còn sanh khởi phiền não thì cũng không phải là sai lầm.
2. Duyên sanh có không.
Hỏi: Hành giả vãng sanh bị nhiếp trong mười hai chi của tam giới, không biết phần vị duyên sinh ở cõi Tịnh độ bị nhiếp trong pháp nào? (62)
Đáp: Có hai cách giải thích. (1) Cõi Tịnh độ bị nhiếp trong tam giới: Những hành giả vãng sanh chưa dứt phiền não, chi vô minh và hành thuộc về cõi Dục, các chi thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ cũng thuộc về cõi Dục. Các chi ái, thủ và hữu đã thuộc về cõi Dục, chả lẽ các chi sinh, lão, tử lại không thuộc về cõi Dục hay sao? Nếu hành giả đã xa lìa tâm dục của cõi Dục, đắc được tâm cõi Sắc, thì mười hai chi đều thuộc về cõi Sắc. (2) Cõi Tịnh độ không bị nhiếp trong tam giới: Như phần trên đã giải thích. Mười hai chi là căn cứ vào tam giới mà nói, cho nên đối với cõi Tịnh độ không phân biệt mười hai chi. Hơn nữa, mười hai chi này, ngay trong cõi uế còn chưa nhiếp hết tất cả mọi pháp, chẳng hạn như chỉ có biệt định nghiệp mới thọ biệt báo quả, điều này không thuộc vào mười hai chi. Cho nên biết rằng phần vị duyên sanh không nhiếp tất cả các pháp.
3. Phiền não không khởi.
Hỏi: Nếu các hành giả vãng sanh Tịnh độ không khởi ác nghiệp có phải là không khởi phiền não hay chăng? Các Bồ tát Sơ địa vẫn còn các phiền não phá giới vi tế, Bồ tát Tam địa vẫn còn sanh khởi ngã chấp, Bồ tát Thất địa trở xuống vẫn còn có tâm thương Phật, thương Pháp. Làm thế nào các hành giả vãng sanh Cực Lạc vẫn còn là phàm phu mà có thể không sanh khởi các phiền não ác? (63)
Đáp: Các phàm phu vãng sanh Cực lạc tuy vẫn còn đầy phiền não, do vì không gặp ác cảnh, thành thử cũng không ngại gì khi cho rằng họ không sanh khởi phiền não. Chẳng hạn, đối với mười nghiệp ác, chúng sanh địa ngục chỉ sanh khởi năm nghiệp ác là tham, sân, tà kiến (si), ác khẩu và ỷ ngữ. Địa ngục thuộc về ba đường ác mà còn có thể ngăn năm nghiệp ác (sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói đâm thọc) không cho hiện hành, huống chi cõi Tịnh độ mà lại không có năng lực ngăn các ác nghiệp không cho sanh khởi hay sao?
4. Phiền não câu sanh sinh khởi.
Hỏi: Chúng sanh Cực Lạc không còn khởi tất cả phiền não, hay vẫn còn sanh khởi phiền não hữu phú vô ký? (64)
Đáp: Những phàm phu cõi Tịnh độ vẫn còn sanh khởi câu sanh (mê lý) phiền não, bởi vì họ chưa thể ngộ được diệu lý sâu xa của chân như thực tướng; tuy thế, họ không còn sanh khởi phân biệt (mê sự) phiền não. Trong luận nói rằng phân biệt ngã kiến là do tin vào tà giáo mà phát sanh, trên cõi Cực lạc không có tà kiến cho nên phân biệt phiền não không còn hiện khởi. Ngã kiến là gốc của phiền não, hiện nay không sanh khởi ngã kiến cho nên cũng không còn sanh khởi phiền não. Còn câu sanh phiền não, vì không nương vào tà giáo để sanh khởi, cho nên dù có sanh khởi cũng không ngại gì. Luận Đối Pháp cho rằng câu sanh phiền não tùy tiện sanh khởi, nếu phát khởi ác hành thì là một loại bất thiện pháp, còn ở cõi Cực Lạc, tuy câu sanh phiền não sanh khởi, nhưng lại không phát khởi ác hành, cho nên phiền não sanh ra thuộc về loại hữu phú vô ký. Trong kinh không nói đến “bất thiện”, cũng không nói đến “hữu phú”, mà chỉ nói “không có bất thiện”, nhưng đây cũng không có nghĩa là không khởi phiền não. Vả lại, “thương Phật thương Pháp” cũng là một loại phiền não pháp chấp.
5. Vãng sanh bất thoái.
Hỏi: Kinh A Di Đà cho rằng những chúng sanh vãng sanh Cực Lạc đều là bậc A bệ bạt trí, hoặc cho rằng họ toàn là chánh định tụ, không có tà định tụ hoặc bất định tụ, thế nhưng, giai vị A bệ bạt trí không phải là phàm phu, còn chánh định tụ là những bậc đã chứng thánh quả. Hiện nay, lẽ nào những phàm phu vãng sanh Tịnh độ lại là thánh nhân. Chả lẽ bọn họ trong khoảnh khắc vượt quá a tăng kỳ kiếp để trở thành Bồ tát Sơ địa. Vả lại, các phàm phu còn thoái chuyển, vãng sanh Tịnh độ không thể lập tức trở thành A bệ bạt trí, hoặc giả, những kẻ thuộc tà định tụ và bất định tụ không thể trong khoảnh khắc trở thành chánh định tụ. Nếu bọn họ không chứng đắc A bệ bạt trí thì trái ngược với ý nghĩa của Kinh Quán Vô Lượng Thọ, còn nếu chứng đắc thì lại trái ngược ý nghĩa của các kinh luận khác. Hai ý nghĩa trên mâu thuẫn nhau. Xin giải thích nghi vấn này. (65)
Đáp: Hai ý nghĩa vừa nêu quả thật có sự mâu thuẫn. Thế nhưng, cõi uế cõi tịnh cùng căn cơ của người vãng sanh đã có sự sai khác, cho nên mới có sự phán định về sự bất đồng giữa chánh định tụ và tà định tụ, hoặc sự cao thấp của các giai vị a bệ bạt trí, v.v... Hơn nữa, cõi Ta Bà ô trược, thánh ít phàm nhiều, tin ít nghi nhiều, những hành giả căn cơ hành trì cạn cợt thường gặp nghịch duyên, hoặc bị gió tà lay động, đều bị thoái chuyển. Các kinh luận nói có bốn loại thoái chuyển: (1) tín thoái, (2) vị thoái, (3) chứng thoái, và (4) hành thoái. Tín thoái, nghĩa là trong mười giai vị của Thập tín, năm giai vị đầu do vì thoái chuyển nên sanh khởi tà kiến, đoạn thiện căn, v.v..., còn năm giai vị sau thì không như thế. Vị thoái, nghĩa là trong mười giai vị của Thập trụ, sáu giai vị đầu còn bị thoái chuyển trở thành Nhị thừa (Thanh văn, Bích chi phật), bốn giai vị sau thì không còn vấn đề đó. Chứng thoái, nghĩa là các vị Bồ tát Tam hiền (chưa lên Thập địa) đối với giai vị đã chứng đắc vẫn còn có sự thoái thất, các Bồ tát Thập địa thì không như thế. Hành thoái, nghĩa là các Bồ tát từ Thất địa trở xuống, đối với sự nghe pháp hành trì vẫn còn sanh tâm khiếp sợ, không thể tu học, không thể trong mỗi niệm đều tu tập công hạnh thù thắng, đôi lúc còn khởi lên các phiền não hữu lậu, sanh tâm chấp ngã chấp pháp, v.v... Các Bồ tát Bát địa trở lên đã vào a tăng kỳ thứ ba thì không còn bốn loại thoái chuyển này, trong mỗi công hạnh đều tu tập đầy đủ tất cả công hạnh, trong mỗi thời khắc niệm niệm liên tục thường quán vô lậu nhân không pháp không, không hề có một niệm sanh khởi tâm hữu lậu thiện ác vô ký. Các vị Bồ tát Bát địa trở lên đầy đủ bốn sự bất thoái cho nên gọi là Bồ tát A bệ bạt trí, còn các vị Bồ tát từ Thất địa trở xuống vì không đầy đủ bốn sự bất thoái cho nên không được gọi là A bệ bạt trí.
Từ một phương diện khác mà nói, Bồ tát Sơ địa (Hoan hỷ địa) bước vào a tăng kỳ thứ hai, tham dự vào dòng thánh (tương đương với Sơ quả), đoạn trừ hai chướng phân biệt về kiến đạo, chứng đắc “biến mãn chân như” và bách pháp minh môn, đầy đủ hai loại chứng bất thoái và hành bất thoái, cũng được gọi là bậc A bệ bạt trí. Từ đây lên đến bậc Bồ tát Thất địa vẫn còn hai chướng “thương Phật, thương Pháp” hiện tiền, đôi khi vẫn còn hiện khởi tâm ý hữu lậu, v.v..., chưa chứng được hành bất thoái, cũng có thể gọi là chưa chứng giai vị A bệ bạt trí, nhưng vì đã chứng đắc một phần bất thoái nên cũng vẫn được gọi là Bồ tát A bệ bạt trí. Các kinh như Bồ Tát Anh Lạc Bổn Nghiệp, v.v..., cho rằng Bồ tát đệ lục trụ (chánh tâm trụ) vẫn còn có thể thoái thất tâm Vô thượng Bồ đề để trở thành Nhị thừa, chẳng hạn như trường hợp ngài Xá Lợi Phất, v.v... Các bậc Thập trụ trở lên chỉ còn ba loại: vị thoái, chứng thoái và hành thoái, mà không còn tín thoái, và do vì chứng được một phần bất thoái nên cũng được gọi là A bệ bạt trí. Nếu y vào Luận Đại Thừa Khởi Tín, v.v..., từ Sơ Phát tâm trụ trở lên đều gọi là Vị bất thoái. Các Bồ tát Thập tín được gọi là ngoại phàm, cũng gọi là phàm phu lông nhẹ, giống như sợi lông nhẹ bị gió thổi bay tứ phía, cho nên có sự thoái chuyển. Bồ tát Thập trụ không còn là lông nhẹ nữa, bởi vì thiện căn đã vững chắc, không còn bị gió tà lay chuyển, nhập vào giai vị nội phàm, không còn vị thoái cho nên gọi là Bồ tát A bệ bạt trí. Ở cõi Ta Bà trược ác này, các Bồ tát Thập tín bị gió tà lay chuyển, thoái thất Bồ đề tâm, thoái thất Bồ tát hạnh, trôi lăn ba đường ác nên không được gọi là A bệ bạt trí. Ở cõi Tịnh độ, các Bồ tát từ Sơ tín đến Ngũ tín, và tất cả chúng sanh chưa lên giai vị Thập tín, lòng tin tuy chưa vững chắc, giống như lông nhẹ, nhưng vì không có gió tà lay động khiến họ thoái thất tâm Bồ đề, tạo các nghiệp nặng, trôi lăn nẻo ác; hơn nữa, cõi Tịnh độ không có những cơ duyên làm thoái chuyển, mà chỉ có nhân duyên thù thắng khiến đạo nghiệp tăng tiến, cho nên các Bồ tát này tuy chưa nhập giai vị A bệ bạt trí nhưng cũng được gọi là A bệ bạt trí. Trong các giai vị thoái pháp, tư pháp, hộ pháp, trụ pháp, và kham đạt pháp, các hàng thánh nhân hữu học vô học, nếu là bậc độn căn, đều có thể gọi là thoái chuyển. Nếu sinh trong loài người, gặp đủ năm thoái duyên, nghĩa là bệnh lâu, đi xa, giải quyết tranh tụng, việc tăng sự, tập tụng, thì dù đã đắc thánh đạo, đã đoạn trừ phiền não, gặp những thoái duyên này, cũng có thể thoái chuyển, sanh khởi phiền não. Nếu sanh trên cõi trời, không có năm thoái duyên này, dù chưa đạt đến “bất động tánh”, nhưng do thiếu thoái duyên, nên cũng không bị thoái chuyển, hoặc sanh khởi phiền não. Trên phương diện thể tánh, các vị này tuy khác với các bậc đã chứng được bất động tánh, nhưng trên phương diện “bất thoái tu hoặc”, thì cũng không khác gì các bậc đã chứng bất động tánh. Trường hợp ở đây cũng tương tự như vậy, các hành giả vãng sanh Tịnh độ, không gặp thoái duyên, tuy họ chỉ là các Bồ tát thập tín giả danh, v.v..., đều được gọi là A bệ bạt trí. Ở trong cõi uế, các bậc Noãn, Đỉnh của Tiểu thừa, hoặc các bậc Thập tín, v.v..., của Đại thừa, do vì căn tánh bất định, nếu gặp ác duyên, có thể bị thoái chuyển, tạo nghiệp ngũ nghịch, nhập vào tà định tụ. Tà, có nghĩa là bị thọ quả báo trong ba đường ác. Định, nghĩa là nhân của nghiệp ngũ nghịch. Nếu có người tạo nhân ngũ nghịch, chắc chắn sẽ bị đọa thẳng vào ba đường ác, cho nên gọi là tà định tụ. Nếu họ gặp nhân duyên thù thắng, tu đạo, sẽ được gia nhập giai vị bất thoái chuyển, gọi là chánh định tụ. Chánh, nghĩa là chứng quả Niết bàn, lìa sự trói buộc. Định, nghĩa là vô lậu thánh đạo, nhân, pháp đều không. Tu đắc thánh đạo, nhất định sẽ chứng Niết bàn chánh quả, ly hệ (lìa sự trói buộc) trạch diệt, gọi là chánh định tụ, ngoài ra đều gọi là bất định tụ, bởi vì còn có thể tạo tà định tụ, hoặc có thể tu chánh định tụ. Vì chưa dứt khoát bên nào nên gọi là bất định tụ. Ba loại chúng sanh này, số lượng không nhất định, nên gọi là tụ. Hiện nay vãng sanh Tây Phương, không còn ác duyên, hoặc giả có người đời trước tuy đã tạo nghiệp vô gián, nhập tà định tụ, hiện nay giai vị tuy thấp kém (hạ phẩm hạ sanh), nhưng toàn gặp thắng duyên, mỗi niệm đều tiến tu Đại thừa thánh đạo, quyết định không còn thoái chuyển, cho nên được gọi là chánh định tụ. Ở cõi Cực Lạc, không phải trường hợp nào cũng giống như hoàn cảnh bị thoái chuyển ở cõi Ta Bà, cho nên không thể phán định A bệ bạt trí và chánh định tụ ở cõi Cực Lạc cũng giống như trường hợp Ta Bà. Nên biết, có sự khác biệt giữa hai cõi Ta Bà và Cực Lạc về vấn đề thoái duyên và bất thoái duyên, cho nên hành giả ở cõi này (Ta Bà), dù không ở giai vị A bệ bạt trí, không phải chánh định tụ, nhưng sau khi vãng sanh về cõi kia (Cực Lạc) thì đều được gọi là A bệ bạt trí và chánh định tụ, là vì ở cõi Cực lạc không có thoái duyên và những hành giả đó quyết định không còn tạo tà định tụ.
6. Sự vui khác biệt giữa cõi tịnh và cõi uế.
Hỏi: Kinh Pháp Hoa nói: “Ham vui thành ngu si”, lại nói: “ham mê sự vui thế gian không có trí tuệ”; hơn nữa, kinh cũng dạy rằng: “nếu không nhàm chán sự khổ thì sẽ không ham cầu Niết bàn, nếu không ham cầu Niết bàn tức là ham mê sanh tử.” Nếu vậy, sự vãng sanh Tịnh độ đi ngược với những lời dạy vừa nêu trên, và hai điều này trở thành một sự chướng ngại cho sự tu hành: một là ham mê thú vui thế gian, không có tâm mong cầu xuất thế; hai là không có tâm nhàm chán sự khổ, tức là không thể chứng đắc quả Niết bàn. Đây là điều tổn hại, tại sao lại cầu vãng sanh? (66)
Đáp: Câu hỏi này không xác đáng. Ngũ dục ở cõi uế tăng trưởng tâm tham, gây tạo mười nghiệp ác, khiến chúng sanh đọa vào đường ác, cho nên kinh mới dạy rằng “ham vui thành ngu si.” Các cõi Tịnh độ tuy cũng có sự vui, nhưng đây là tùy thuận tâm xuất thế vô lậu, nghĩa là vui pháp Đại thừa, vui thiền định tam muội, v.v..., chứ không phải là những sự vui ô nhiễm, cho nên có thể chuyển đổi tâm phàm khiến hành giả tăng tiến trên đường đạo. Kinh Xưng Tán Tịnh độ nói: “Ở cõi Cực Lạc, ngày đêm thường rải các loại hoa trời vi diệu, sáng rỡ thơm tho, sắc hương mềm mại, tuy khiến mọi người thân tâm sảng khoái, nhưng không khởi tâm tham luyến, mà lại tăng trưởng vô lượng vô số những công đức không thể nghĩ bàn.” Lại nói: “Vui pháp Đại thừa, không hề thoái chuyển, vô lượng hạnh nguyện, niệm niệm tăng tiến, khiến mau chứng Vô thượng Bồ đề, v.v...” Vả lại, những hành giả vãng sanh đều là những người đã nhàm chán cõi Ta bà uế trược, mong muốn chứng đắc quả Niết bàn, cho nên mới cầu nguyện vãng sanh, hành Bồ tát hạnh. Các hành giả này đều có ý nhàm lìa sanh tử, ưa thích Niết bàn, hơn nữa lại tinh tiến dụng công, đâu cần phải mang thân bịnh khổ mới khởi tâm mong cầu tịch diệt. Hơn nữa, mong cầu Niết bàn đâu phải chỉ có tâm nhàm chán sanh tử, mà có thể là do nghe được công đức chư Phật không thể nghĩ bàn, hoặc nghe các pháp Ba la mật hoặc các đạo phẩm, hoặc quán sát các vị Đại Bồ tát du hý thần thông, hoặc ngửi diệu hương, hoặc ăn món thượng diệu, đều có thể giúp cho hành giả tăng tiến đạo nghiệp, ưa thích Niết bàn. Nên biết rằng nhàm chán sanh tử, mong cầu Niết bàn không phải chỉ có một phương cách, không nên cả quyết rằng chỉ có nhàm chán sự khổ mới có thể khởi tâm mong cầu giải thoát.
7. Siêu thánh không khổ.
Hỏi: Trong luận cho rằng nếu trong đời quá khứ tạo tội nặng thì dù có tu các phương tiện thù thắng, nhẫn đến đã chứng đắc thánh quả, cũng vẫn phải thọ quả báo định nghiệp của đời quá khứ, như trường hợp ngài A la hán Ly Việt, v.v... Hiện nay các hành giả đã tạo đủ các tội nặng, được vãng sanh Tịnh độ Tây Phương, nhưng chưa chứng được thánh quả, như vậy là họ sẽ phải thọ khổ hay không thọ khổ. Nếu như thọ khổ thì kinh không nên nói “chỉ hưởng thọ sự vui, không còn các khổ”, còn nếu không thọ khổ thì những người vãng sanh đó chưa từng khởi lên một niệm tu tập thánh đạo, làm thế nào đã tạo tội nặng mà lại vĩnh viễn không còn thọ khổ? (67)
Đáp: Ý nghĩa này không nhất định, không thể quả quyết một cách võ đoán. Những kẻ thọ khổ là người ở cõi uế trược, dù đã chứng quả thánh, nhưng thân của họ vẫn là thân nghiệp báo, mang thân nghiệp báo cho nên lãnh thọ quả báo khổ. Còn những hành giả vãng sanh Tịnh độ, mặc dù họ còn là phàm phu đầy đủ phiền não, tuy chưa chứng quả thánh, chưa bằng các bậc thánh nhân, nhưng một khi vãng sanh, được thân thanh tịnh thù thắng, thấy Phật, nghe pháp, tu hành pháp Đại thừa, và nhờ nương vào bổn nguyện của Phật A Di Đà cho nên họ có thể siêu vượt các bậc thánh ở cõi uế trược mà không phải lãnh thọ khổ báo. Ví như bậc thoái pháp chủng tánh, tuy không sánh bằng bậc tư pháp chủng tánh, nhưng bậc tư pháp chủng tánh nếu sanh vào trong cõi người, nơi có đầy đủ năm thoái duyên, vẫn có thể bị thoái chuyển, còn bậc thoái pháp chủng tánh, nếu sanh lên cõi trời, nơi không có năm thoái duyên, các vị này căn cơ tuy thấp kém, căn tánh tuy hạ liệt, nhưng lại không thoái chuyển. Cho nên biết rằng không phải vì căn tánh hạ liệt ở cõi Tịnh mà vẫn thoái, hoặc vì căn tánh thù thắng ở cõi uế mà không thoái. Trường hợp ở đây cũng tương tự như vậy. Tuy chứng đắc thánh quả, sanh vào cõi uế vẫn thọ khổ báo, còn như sanh cõi Tịnh, tuy là phàm phu, nhưng lại không phải lãnh thọ ác báo. Do sức mạnh thiện duyên gia trì nên không thọ khổ báo, ví như vua A Xà Thế nhất định không bị thọ khổ báo. Chú thích:
[1] Bốn tu: cung kính tu (tu với tâm cung kính), vô dư tu (không tu các hạnh khác), vô gián tu (tu không gián đoạn), và trường thời tu (tu lâu dài).
[2] Có lẽ ngài Hoài Cảm đề cập đến bộ Luận Tịnh Độ do ngài Ca Tài sáng tác.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.22.66.140 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.