Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Vãng Sanh Tập [往生集] »» Bản Việt dịch quyển số 1 »»

Vãng Sanh Tập [往生集] »» Bản Việt dịch quyển số 1

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Tập Vãng Sanh

Kinh này có 3 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 |
Việt dịch: Thích Nguyên Lộc - Thích Thọ Phước

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Hiệu đính: Định Huệ
Đức Thế Tôn vừa thành Chính giác, Ngài liền nói pháp Phật thừa[2] cho tất cả chúng hữu tình nghe. Sau đó, nhận thấy Phật thừa khó phù hợp với tất cả căn cơ nên từ trong pháp Nhất thừa, Ngài diễn nói thành pháp Tam thừa[3]; rồi từ trong pháp Tam thừa ấy trình bày pháp môn Tịnh độ.
Nay cách Phật ngày càng xa, tình trần ngày càng nặng, nên người siêng năng tiến tu không thể phát sinh sự tỏ ngộ để bước lên bậc thánh, còn kẻ biếng nhác thì lang thang trôi nổi trong hiểm họa trầm luân. Vậy, không nhờ vào pháp môn Tịnh độ này thì dựa vào đâu để chóng được thoát khỏi sinh tử? Thật vĩ đại thay! Bởi vậy nên nói, để trị chứng bệnh trầm kha trong thời mạt pháp ắt cần phải có vị linh dược hữu hiệu. Nhưng ngẫm lại, xưa hiệu nghiệm thì nhiều mà nay hiệu nghiệm lại rất ít; vậy lỗi ấy do đâu? Cũng là do miệng thì nói cầu sinh Tịnh độ mà tâm thì lưu luyến Ta-bà, và vì lòng kiên trì, chí dũng mãnh, sự liễu ngộ không bằng người xưa. Nghe nói, ngày xưa có truyện Vãng sinh, nhưng trải qua nhiều năm bị thất lạc nên không còn thấy. Song cũng có nhiều đoạn còn sót lại được ghi rải rác trong sách của các nhà trứ tác trong và ngoài Phật giáo. Nay tôi theo sự hiểu biết của mình tùy trường hợp chọn lấy hoặc bỏ bớt, chỉ chọn những mẩu chuyện có nhân quả rõ ràng, trải qua nhiều ngày mới chép lại thành thiên sách này, và đây chỉ là một phần mười trong số trăm nghìn truyện mà thôi.
Nay nhằm năm Giáp Thân (1584) đâu dám so với quốc sư Trung Phong[4] ở nơi đô hội, tôi bế quan ở am Thượng Phương mới chọn lấy rồi theo từng loại trong số ấy và sắp theo thứ tự trước sau. Lại chứng minh pháp môn này các bậc thánh đều hướng về, và bổ sung vào các việc cảm ứng vãng sinh của người đương thời. Sách này tổng cộng có khoảng 166 truyện và xen giữa các truyện có lời giải thích để làm sáng tỏ cái nghĩa hàm ẩn trong đó. Vì thế đặt nhan đề là “Vãng sinh tập”, với mục đích khiến cho kẻ tăng người tục khi xem qua tập sách này liền nói: “Tôi cũng nhờ tu giải thoát như thế mà vãng sinh, tôi cũng nhờ thuần nhất như thế mà vãng sinh, tôi cũng nhờ cảm ứng tinh thần như thế mà vãng sinh, tôi cũng nhờ đại bi, đại nguyện như thế mà vãng sinh, tôi cũng nhờ sửa lỗi mạnh dạn chuyển cái nghiệp sắp bị đọa như thế mà vãng sinh, tôi nhờ như vậy mà sinh vào thượng phẩm, tôi nhờ như vậy mà sinh vào trung phẩm, hạ phẩm”. Tôi chỉ khảo xét lại chuyện xưa, kiểm nghiệm lại chuyện nay để làm chứng cứ cho người tu tịnh nghiệp.
Một hôm, có một vị khách đến thăm tôi, ông xem qua chưa được vài truyện, bỗng nói:
- Tịnh độ do tâm, ngoài tâm không có Tịnh độ, vãng sinh Tịnh độ là chuyện ngụ ngôn, ngài cho là thật có sinh ư? Như vậy há không trái với ý nghĩa vô sinh[5] sao?
Tôi đợi ông ta bình tĩnh lại, từ từ nói với ông ta:
- Nói sao dễ dàng thế! Nếu cho là vô sinh mà thôi thì tất cả đoạn diệt, chẳng lẽ còn có duy tâm. Nếu thật ngộ vô sinh thì sinh cũng đâu trở ngại gì! Sinh vốn đã không thật có, cho nên suốt ngày sinh mà chưa từng sinh. Vả lại, ông đã dứt hết tâm hữu lậu chưa?
Người khách đáp:
- Chưa.
- Ôi! Tâm hữu lậu chưa dứt thì mầm mống sinh vẫn còn. Nguồn gốc sinh chưa dứt thì phải sinh vào một nơi nào đó mờ mịt trong biển khổ của tam giới[6]. Vậy không cầu sinh về Tịnh độ thì sinh về đâu? Nhọc nhằn trong sáu đường[7], tiêu dao nơi chín phẩm[8], lợi và hại cách nhau một trời một vực, có lẽ vì ông chưa nghĩ tới mà thôi. Nếu dùng những lời lẽ hoa mỹ luận bàn để tranh cao thấp, việc ấy tôi cũng làm được, nhưng sở dĩ tôi không làm như thế là e sinh ra tranh cãi, đối với người biết giá trị của chính pháp thì tai nghe pháp, ba nghiệp phải thực hành. Nếu ông thật không cho lời nói của tôi là sai, thì ngay Tịnh độ là Phật thừa. Bởi vì chưa từng gián cách mảy lông thì làm sao có sự trái ngược.
Người khách kia ngồi ngay ngắn suy nghĩ, trong lòng hoang mang nên tự quên địa vị của mình, bất giác nước mắt tuôn đầm đìa, buồn rầu và nghẹn ngào, rồi chỉnh đốn y phục kính cẩn đọc đến hết quyển. Ngoài ra, ông còn chí thành lễ bái, tha thiết cầu xin được khắc bản sách này. Cuối cùng tập sách này cũng được khắc thành.
Tôi xin thuật lại việc này từ đầu đến cuối là như thế!
Mùa hạ, niên hiệu Vạn Lịch thứ mười hai (1584), sa-môn Châu Hoằng[9] ở Hàng Châu ghi.
MỤC LỤC
Quyển 1:
- Sa-môn vãng sinh
Quyển 2:
- Vua quan vãng sinh
- Xử sĩ vãng sinh
- Ni tăng vãng sinh
- Phụ nữ vãng sinh
- Người ác vãng sinh
- Súc sinh vãng sinh
Quyển 3:
- Chư thánh đồng qui
- Sinh tồn cảm ứng
I. SA-MÔN VÃNG SINH
1. Đời Tấn, Tổ sư Huệ Viễn
Sư người Lâu Phiền, Nhạn Môn, thông suốt sáu kinh[10], rất giỏi về học thuyết Trang tử và Lão tử. Khi sư nghe pháp sư Đạo An[11] giảng kinh Bát-nhã, hoát nhiên đại ngộ, nhân đó sư xin xuất gia và thờ ngài Đạo An làm thầy. Đến niên hiệu Thái Nguyên thứ sáu (382), sư qua Tầm Dương, thấy cảnh Lô Sơn[12] thoáng đãng, là nơi thích hợp cho việc tu hành, sư vừa nghĩ như vậy, liền cảm đến sơn thần nên hiện điềm mộng. Vào một đêm, mưa gió sấm chớp, gỗ trong rừng tự bay đến, quan thứ sử Hoàn Y xây dựng một ngôi chùa ở đó, đặt tên là Thần Vận.
Vì ngài Huệ Vĩnh[13] ở Tây Lâm trước, cho nên chỗ sư Huệ Viễn ở gọi là Đông Lâm. Sư ở Đông Lâm suốt ba mươi năm không xuống núi, một lòng cầu sinh Tây phương. Sư và các vị cao tăng, học giả nổi tiếng đạo Nho hơn một trăm bốn mươi người cùng lập đạo tràng Tịnh Xã, ngày đêm sáu thời ngồi thiền, tụng kinh không ngừng, lắng tâm quán tưởng. Sư ba lần được thấy Phật, nhưng sư âm trầm không nói.
Mười chín năm sau, vào một đêm cuối tháng bảy, sư ở trên đài Bát-nhã mới xuất định, thấy Đức Phật A-di-đà khắp cả hư không, trong hào quang có vô lượng hóa Phật, có bồ-tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí đứng hầu hai bên. Lại thấy có dòng nước phát ra ánh sáng, phân làm mười bốn nhánh phun lên trút xuống, diễn nói diệu pháp. Đức Phật dạy: “Ta vì sức bản nguyện nên đến an ủi ngươi, bảy ngày sau ngươi sẽ sinh về nước Ta”. Sư lại thấy các vị như Phật-đà-gia-xá[14], Huệ Trì[15], Huệ Vĩnh, Lưu Di Dân[16] ở bên cạnh Đức Phật. Các vị ấy chắp tay chào và nói: “Ngài phát nguyện trước, nhưng sao lại đến muộn thế?”. Sư biết đến lúc phải đi, nên nói với chúng đệ tử: “Lúc ta mới đến ở đây đã ba lần thấy Phật, nay lại thấy lần nữa, nên ta nhất định vãng sinh về Tịnh độ”. Đến giờ, sư ngồi ngay ngắn và thị tịch. Bấy giờ, nhằm ngày mùng 6 tháng 8 niên hiệu Nghĩa Hi thứ mười hai (417).
Ghi chú:
Trước đời Tấn, pháp môn Tịnh độ tuy được biết ở Trung Quốc, nhiều vị hết lòng xiển dương và ra sức hành trì, khiến cho mọi người đều biết. Từ ngài Huệ Viễn, trải qua muôn đời sau, những người đệ tử tu theo pháp môn Tịnh độ đều suy tôn ngài là thỉ tổ pháp môn này. Có thể nói: “Đức Thích-ca nói thế giới phương Tây (Cực lạc), Phật A-di-đà hiện thân ở cõi nước phương Đông (Ta-bà)”. Công đức ấy không lớn ư! Ngày xưa tôi đến Lô Sơn uống nước suối Hổ Khê, ngắm nhìn đền Tam Tiếu, lui tới tham quan những di tích của mười tám bậc hiền đức, thấy thật qui mô, đủ cho muôn vị tăng ở, nhưng chính điện, phòng xá bị bụi phủ kín, chuông trống im lìm, cảnh trí hoang vu, cửa nẻo đóng kín, bếp núc nguội lạnh. Than ôi! Các bậc hiền đức mất rồi, sự nghiệp không người nối tiếp!
2. Đời Tấn, Thích Huệ Vĩnh
Sư người Hà Nội, xuất gia lúc mười hai tuổi. Sau đó, sư và ngài Huệ Viễn cùng theo học với pháp sư Đạo An. Niên hiệu Thái Nguyên thứ nhất (376), sư chống tích trượng đến Lô Sơn. Quan thứ sử Đào Phạm cúng nhà làm thành chùa Đông Lâm để sư ở; chấm dứt quan hệ thế gian, dốc lòng tu tâm dưỡng tính.
Niên hiệu Nghĩa Hi thứ mười (415), sư phát bệnh, bỗng chỉnh sửa y áo, tìm giày định đi, đồ chúng kinh ngạc hỏi. Sư đáp: “Phật đến đón ta”. Sư vừa nói dứt lời liền thị tịch, có hương thơm lạ bảy ngày mới dứt. Vua Đường Huyền Tôn truy phong cho sư thụy hiệu Giác Tịch đại sư.
Ghi chú:
Khi sư Huệ Vĩnh mới vào đạo, liền cùng ngài Huệ Viễn và những huynh đệ khác sáng lập đạo tràng Tịnh Xã, để làm phép tắc cho muôn đời. Sư cũng noi theo tông Tịnh độ của tổ Huệ Viễn. Đến lúc mạng chung, sư thấy Phật đến rước. Hai ngài trước sau đều có điềm lành xuất hiện như nhau, nếu muốn chứng minh điềm vãng sinh thì nên lấy hai ngài làm chuẩn mực.
3. Đời Tấn, Thích Đàm Thuận
Sư người Hoàng Long, lúc nhỏ theo pháp sư La-thập[17] giảng giải kinh điển. Pháp sư La-thập khen: “Người này có khí chất lạ!”. Sau đó, sư vào Lô Sơn tu tịnh nghiệp. Bấy giờ, có hiệu uý là Lưu Tôn Hiếu ở Ninh Man xây một ngôi chùa ở Giang Lăng, thỉnh sư về trụ trì. Sư xiển dương pháp môn Niệm Phật tam-muội. Vào niên hiệu Nguyên Gia thứ hai (425) đời Tống, sư từ biệt đồ chúng, ngồi ngay ngắn mà thị tịch, có hương thơm lạ khắp phòng.
4. Đời Tấn, Thích Tăng Duệ
Sư người Kí Châu, là người có chí cầu học. Sư lặn lội đường xa, cuối cùng tìm đến Thiên Trúc. Sau đó lại trở về Quan Trung, theo pháp sư La-thập thụ học kinh điển. Sư đến tu tại đạo tràng Bạch Liên xã[18] Lô Sơn. Vào niên hiệu Nguyên Gia thứ mười sáu (439), bỗng nhiên sư nói với đồ chúng: “Ta sắp đi!” Nói xong, sư quay mặt về hướng tây chắp tay mà thị tịch. Đồ chúng thấy trước giường của sư xuất hiện hoa sen màu vàng, nhưng chỉ trong chốc lát đã biến mất. Đồng thời, có ánh sáng năm màu và hương thơm từ phòng bay ra.
5. Đời Tấn, Thích Đàm Hằng
Sư người Hà Đông, thuở nhỏ theo ngài Huệ Viễn xuất gia, thông suốt tất cả nội điển và ngoại điển. Sau đó, sư tự tìm đến Lô Sơn, chuyên tâm niệm Phật.
Đến niên hiệu Nghĩa Hi thứ mười bốn (419), sư ngồi ngay thẳng chắp tay niệm Phật mà thị tịch.
6. Đời Tấn, Thích Đạo Bỉnh
Sư người Dĩnh Xuyên, lúc nhỏ theo học ngài Huệ Viễn, thông hiểu kinh, luật, lời nói đi đôi với việc làm, tu Niệm Phật tam-muội, tâm không gián đoạn.
Đến niên hiệu Nghĩa Hi thứ mười bốn (419), thái thú Dự Chương tên Vương Kiền vào núi đỉnh lễ và thỉnh sư nối tiếp sự nghiệp của ngài Huệ Viễn, được mọi người kính ngưỡng.
Niên hiệu Nguyên Gia thứ mười hai, sư nhóm chúng niệm Phật, rồi lên tòa ngồi mà thị tịch.
Ghi chú:
Lời nói và việc làm hợp nhất. Có thể nói rằng, tâm khẩu đều niệm Phật. Nghe lời nói thì đúng, nhưng xét việc làm thì sai mà muốn vãng sinh, toan dối gạt ai?
7. Đời Tấn, Thích Đàm Sân
Sư người Quảng Lăng, lúc nhỏ theo ngài Huệ Viễn, siêng năng tu tịnh nghiệp và giảng thuyết rất giỏi. Sư chú thích kinh Duy-ma lưu hành ở đời. Niên hiệu Nguyên Gia thứ mười bảy, sư ngồi ngay thẳng niệm Phật mà thị tịch.
8. Đời Tấn, Thích Đạo Kính
Sư người ở Lang Da[19], nhưng Tổ tiên của sư đến cư ngụ ở Giang Châu. Nhờ đó, năm mười bảy tuổi, sư theo ngài Huệ Viễn xuất gia, thông hiểu kinh luận, một ngày nhớ cả vạn lời, dốc lòng niệm Phật, suốt ngày không dừng. Niên hiệu Vĩnh Sơ thứ nhất (420) đời Tống, sư nói với đồ chúng: “Thầy ta ban lệnh, ta phải ra đi”. Nói xong, sư ngồi ngay ngắn niệm Phật mà thị tịch. Bấy giờ, đồ chúng thấy ánh sang chiếu khắp căn phòng, trải qua một thời gian lâu mới dứt.
Ghi chú:
Tuổi trẻ tài cao, thông minh nhưng không ỷ lại mà còn dốc lòng niệm Phật. Chẳng phải đời trước đã sớm gieo nhân Tịnh độ ư? Ngày nay, những vị sa-di mới xem sơ qua kinh luận đã sinh ngã mạn, khoe khoang, còn người lớn tuổi không biết đi về đâu, cực chẳng đã mới bàn luận về tây phương thì đã muộn rồi vậy.
9. Đời Tấn, Phật-đà-bạt-đà-la
Phật-đà-bạt-đà-la[20], Trung Quốc dịch là Giác Hiền, người nước Ca-duy-vệ[21] thuộc dòng họ của vua Cam Lộ Phạn. Năm sư lên mười sáu tuổi đã học hết các kinh, hiểu rõ thiền, luật. Vào đời Diêu Tần có sa-môn Trí Nghiêm đến Tây Vực, mời sư sang Trường An. Khi đến Trường An, sư giảng pháp ở Đông Cung và luận đạo với pháp sư La-thập. Sau, vì sư có ý muốn trở về nước bằng đường biển, nên bị vua đuổi đi. Sư tìm đến Lô Sơn tham gia trong đạo tràng Bạch Liên xã của ngài Huệ Viễn. Sư dịch các bộ kinh như Quán Phật tam-muội[22] v.v… Vào niên hiệu Nguyên Gia thứ sáu (429), đời Tống, sư niệm Phật mà thị tịch.
10. Đời Tấn, Thích Tăng Tế
Sư đến Lô Sơn theo học với ngài Huệ Viễn, sau khi đạt được mục đích liền thốt lên: “Làm rạng rỡ đại pháp, việc ấy ở pháp môn Tịnh độ này!”. Từ đó về sau, sư ròng rã, tha thiết, mong sinh về Tịnh độ. Ngài Huệ Viễn trao cho sư một ngọn đuốc và dặn: “Ông phải vận tâm cầu sinh về Tịnh độ”. Sư cầm ngọn đuốc ngồi tựa vào ghế, dừng tâm lắng ý, không xao động; sư lại nhóm họp đồ chúng tụng kinh Tịnh độ. Đến canh năm, sư trao lại ngọn đuốc cho đệ tử là Nguyên Bật và dặn phải theo chúng mà hành đạo. Bỗng chốc, sư thấy mình cầm ngọn đuốc bay lên hư không, gặp Phật A-di-đà, được Đức Phật đón và đặt lên lòng bàn tay, rồi đưa sư đi dạo khắp mười phương. Sau đó, sư sực tỉnh vừa buồn, vừa tủi, tự nhủ: “Tứ đại[23] chỉ là bệnh, khổ”. Đêm sau, bỗng nhiên sư đứng dậy, mắt nhìn lên hư không như nhìn thấy một điều gì đó, rồi thình lình nằm trở lại, vẻ mặt tự nhiên vui tươi và nói với người bên cạnh: “Ta đi đây!”. Nói dứt lời, sư nằm nghiêng bên phải mà thị tịch. Lúc ấy thời tiết oi bức, trải qua ba ngày thân thể không những không biến đổi mà còn có hương thơm ngào ngạt.
Ghi chú:
Ngài Tăng Tế nhờ thầy chỉ dạy mà được vãng sinh Tịnh độ. Vì thế, trợ niệm lúc lâm chung ai dám nói là không có công hiệu! Mặc dầu quàng tang trong lúc trời oi bức, nhưng thân thể vẫn phát ra hương thơm lạ. Đây là kết quả của việc giữ phạm hạnh tinh chuyên.
11. Đời Tấn, Thích Huệ Cung
Sư người Phong Thành, Dự Chương, là bạn đồng học với các ngài Huệ Lan, Tăng Quang v.v… Hai ngài Huệ Lan, Tăng Quang chuyên tâm cầu sinh Tịnh độ, cho nên khi lâm chung đều có cảm ứng lạ. Suốt năm năm liền, sư Huệ Cung dốc lòng, tha thiết lễ bái cầu sinh về Cực lạc, niệm Phật không gián đoạn và thấy được Đức Phật A-di-đà cầm đài vàng đến đón. Bấy giờ, sư Huệ Cung ngồi trên đài vàng, thấy Huệ Lan, Tăng Quang v.v… ngồi trên đài Quang Minh và nói với ngài Huệ Cung: “Trưởng lão đã được sinh vào thượng phẩm, chúng tôi không còn gì vui hơn, tiếc nỗi đời ngũ trược[24] dài lê thê mà chúng ta gặp nhau muộn quá”. Huệ Cung nghe vậy, vô cùng vui vẻ, tinh thần phấn khởi mà thị tịch.
12. Đời Tấn, Thích Huệ Kiền
Sư xuất gia từ nhỏ, giới hạnh nghiêm minh. Vào niên hiệu Nghĩa Hi (405), sư đến cư trú tại chùa Gia Tường ở huyện Sơn Âm, tỉnh Giang Tây, ra sức nuôi dạy đồ chúng. Sau đó, sư mắc bệnh, một lòng cầu sinh Cực lạc; sư thành tâm cầu khẩn bồ-tát Quán Thế Âm. Bấy giờ, phía bắc ngôi chùa có vị ni tên Tịnh Nghiêm, đức độ sâu dày, siêng năng tu tập. Vào một đêm, Tịnh Nghiêm nằm mộng thấy bồ-tát Quán Thế Âm từ cửa thành phía tây đi vào, thân chiếu ánh sáng như mặt trời mặt trăng, có tràng phan, bảo cái, bảy báu trang nghiêm. Tịnh Nghiêm kinh ngạc đỉnh lễ và hỏi:
- Đại sĩ đi đâu?
Đáp:
- Ta đến chùa Gia Tường rước Huệ Kiền.
Tuy Huệ Kiền bị bệnh nặng, nhưng thần sắc không biến đổi, thị giả đều nghe có hương thơm lạ. Sau đó sư an nhiên thị tịch.
Ghi chú:
Lúc lâm chung thấy Đức Phật, hoặc có người nghi đó chỉ là tâm vọng tưởng của chính mình. Nay có người cũng thấy là thế nào! Nên biết sự cảm ứng đạo giao không thể nghĩ bàn. Hãy cẩn thận với lời nói!
13. Đời Tấn, Thích Tăng Hiển
Sư người Thiên Trúc, một hôm sư đi về hướng nam đến Giang Tả, thì bị bệnh nặng, hết lòng cầu sinh Tây phương, nỗ lực không ngừng. Sau đó, sư thấy Đức Phật A-di-đà chiếu ánh sáng vào thân mình, bệnh tật có thuyên giảm, liền ngồi dậy tắm rửa và nói cho mọi người nghe về việc mình thấy Phật, đồng thời trình bày thuyết nhân quả, lời lẽ ý nghĩa thiết thực. Sáng sớm hôm sau, sư ngồi ngay thẳng mà thị tịch.
Ghi chú:
Tì-kheo biếng nhác, khi có bệnh thì nói: “Sức tôi suy yếu, đợi bình phục lại, sau đó mới niệm Phật”. Nhưng họ không biết niệm Phật chính là vượt qua sự già, bệnh; có bệnh mà chuyên tâm niệm Phật chính là lúc thích hợp để thấy rằng, nhờ sức niệm Phật không những hết bệnh mà còn được vãng sinh.
Quí thay!
14. Đời Tấn, Thích Huệ Thông
Sư theo thiền sư Huệ Thiệu ở Lương Châu để học thiền, nhưng lại chuyên tâm cầu sinh Cực lạc. Một hôm, sư bị bệnh nhẹ, an trụ trong thiền định thấy một người hình tướng rất đẹp nói với sư: “Giờ lành đã đến!”. Một lát sau, sư thấy Đức Phật A-di-đà phóng hào quang rực rỡ. Sau khi xuất định, sư đem việc ấy kể với những người đồng học. Kể xong, sư an nhiên thị tịch. Lúc sư tịch có hương thơm lạ suốt ba ngày mới dứt.
15. Đời Tấn, Thích Pháp Lâm
Sư người Lâm Ngang, giữ giới luật tinh nghiêm. Sư cư ngụ tại chùa Linh Kiến ở Thành Đô, chuyên tu tịnh nghiệp, thường trì tụng hai kinh A-di-đà[25] và Quán Thế Âm. Một hôm, trong lúc tụng kinh, sư bỗng thấy một vị sa-môn thân hình to lớn, đứng sừng sững trước mặt. Đến niên hiệu Kiến Vũ thứ hai (305), sư mắc bệnh, nhưng luôn chuyên tâm lễ bái, cầu sinh về Tây phương, và thấy các vị hiền thánh xuất hiện trong hư không, sư chắp tay mà thị tịch.
Ghi chú:
Ngài Pháp Lâm tụng kinh, có một vị sa-môn xuất hiện trước mặt; đó là vì lòng chí thành nên được cảm ứng chứ không có gì lạ. Sư nhất định được vãng sinh Tây phương mà không còn bị ràng buộc vào việc này. Vì thế, người tu tịnh nghiệp chớ có vướng vào việc mong cầu.
16. Đời Tống, Thích Đàm Giám
Suốt đời sư, nếu có làm được chút việc thiện gì đều hồi hướng về Tây phương, cầu mong gặp Phật. Một hôm, khi sư đang nhập định thì thấy Đức Phật A-di-đà dùng nước vẫy vào mặt và nói: “Ta rửa sạch bụi bẩn cho ngươi, gội rửa tâm niệm, thân khẩu cho ngươi, khiến tất cả đều được trong sạch”. Sư lại thấy trong bình mọc lên một hoa sen, và thấy Đức Phật lấy hoa sen ấy trao cho sư. Sau khi xuất định, sư từ biệt tăng chúng trong chùa. Đêm càng về khuya, mọi người thấy sư vẫn một mình đi bộ dưới hành lang niệm Phật, đến canh năm thì tiếng niệm Phật của sư càng lớn và kéo dài đến sáng. Đệ tử của sư theo lệ thường đến thỉnh an, nhưng sư vẫn ngồi yên không cử động và nhìn thẳng vào đệ tử mà thị tịch.
17. Đời Tề, Thích Tăng Nhu
Sư học các kinh như: Phương đẳng v.v… nhưng chỉ lấy việc cầu sinh Tịnh độ làm mục đích chính. Ngày sắp thị tịch, sư thấy một nghìn Hóa Phật; trong phòng, ngoài phòng đều nghe hương thơm lạ. Sư quay mặt về hướng tây đỉnh lễ rồi thị tịch.
18. Đời Tề, Thích Huệ Quang
Sư người Lạc Dương. Sư sớ giải các kinh như: Hoa nghiêm[26], Niết-bàn[27], Thập địa kinh luận[28] v.v… Sư am hiểu tường tận ý nghĩa cốt tủy của Quyền giáo và Thật giáo[29]. Một hôm, sư đang bệnh nặng, bỗng thấy các vị trời đến rước. Sư nói: “Ta chỉ nguyện sinh về Cực lạc thôi!”. Bỗng chốc sư thấy vô số hóa Phật ở cõi Tịnh độ khắp cả hư không. Lúc ấy, sư nói: “Xin Đức Phật tiếp nhận con, cho con được toại nguyện!”. Nói xong, bỗng chốc sư thị tịch.
Ghi chú:
Ở cõi trời có nhiều thú vui và có cả người nữ, chẳng phải là nơi giải thoát. Người xưa nói: “Cho dù tu tập được sinh lên cõi trời Phi Phi Tưởng cũng không bằng sinh về Tây phương!”. Vì thế, có người tán thán cõi Tịnh độ như sau: “Người được sinh vào thượng phẩm tức là đạt đến bờ giải thoát, còn người sinh vào hạ phẩm vẫn hơn kẻ sinh ở cõi trời”. Nay sư trong giờ phút lâm chung cận kề mà vẫn xác định rõ ràng, chắc chắn ước nguyện của mình, nên đáng được ca tụng là người vừa sáng suốt, vừa dũng mãnh.
19. Thích Huệ Tấn
Sư trụ ở chùa Cao Tòa, phát nguyện tụng kinh Pháp hoa và chép một trăm bộ kinh; sư nguyện đem công đức ấy cầu mong được sinh về Cực lạc. Một thời gian sau, sư nghe trên hư không có tiếng bảo rằng: “Nguyện của ông đã đủ, nhất định sẽ được vãng sinh”. Về sau, sư không bệnh mà thị tịch.
20. Đời Lương, Thích Đạo Trân
Sư trụ ở Lô Sơn, chuyên tu tịnh nghiệp. Một đêm, sư nằm mộng thấy một người chèo thuyền trên biển, sư hỏi:
- Làm sao đến được nước của Phật A-di-đà?”.
Sư xin đi theo người kia, người chèo thuyền nói:
- Ông chưa làm phòng tắm và chưa tụng kinh A-di-đà nên không thể đi được.
Sau khi thức dậy, sư liền làm phòng tắm cho tăng và tụng kinh A-di-đà, suốt một năm không gián đoạn. Một hôm, bỗng có một cái đài bằng bạch kim giáng xuống mặt hồ trong phòng của sư. Sư âm thầm ghi lại việc này và đặt vào hòm kinh. Đêm sư thị tịch, từ lưng chừng núi trở lên như có hàng nghìn ngọn đuốc đang hừng hực cháy; ánh sáng của những ngọn đuốc đan xen nhau sáng rực cả một vùng, người dân trong thành từ xa đều trông thấy. Mọi người cho rằng đó là các vua tế lễ. Sáng hôm sau, họ mới hay tin sư thị tịch. Sau này xem lại trong hòm kinh mới biết đó là điềm cảm ứng của sư. Có lẽ sư sinh về Tịnh độ đã lâu rồi.
Ghi chú:
Tổ Huệ Viễn ba lần nhìn thấy Phật A-di-đà, nhưng không nói một lời; sư Đạo Trân được cái đài bằng bạch kim giáng xuống bên hồ mà vẫn lặng thinh. Người xưa tài đức sâu dày như thế! Những kẻ có kiến thức nông cạn, vừa được chút điều lạ đã vội vàng khoe khoang. Nhỏ thì mất những gì mình có; lớn thì làm tăng thêm sự sai quấy của mình. Lẽ nào không cẩn thận sao!
21. Đời Hậu Ngụy, Thích Thần Loan
Thuở nhỏ sư đến núi Ngũ Đài, cảm điềm linh dị nên phát tâm xuất gia, nhưng sư lại thích thuật “Trường sinh bất tử”, do đó, sư thụ trì bộ kinh dạy tu tiên, gồm mười quyển của Đào Ẩn Cư[30] trao cho. Sau này, sư gặp Bồ-đề-lưu-chi và hỏi:
- Phật giáo có thuật “Trường sinh bất tử” không?
Bồ-đề-lưu-chi cười đáp:
- Thuật “Trường sinh bất tử” là của đạo Phật. Rồi Tam tạng Bồ-đề-lưu-chi trao cho sư quyển kinh Thập lục quán và nói: “Ông tu theo quyển kinh này thì không còn sinh vào ba cõi, lui tới trong sáu đường[31]. Đó mới gọi là “Trường thọ”; trải qua số kiếp nhiều như cát sông Hằng, không có gì sánh được. Đây là thuật “Trường sinh bất tử” của đạo Phật.
Sư vô cùng vui mừng, liền đốt kinh Tiên của Đào Ẩn Cư, nỗ lực tu tịnh nghiệp; dù gặp lúc thời tiết nóng bức hay giá rét, hoặc những khi có bệnh, sư cũng không xao lãng việc tu tập. Vua nước Ngụy ban cho sư hiệu là Thần Loan. Vào một đêm nọ, trong phòng sư bỗng nhiên xuất hiện một vị tăng người Ấn Độ nói với sư:
- Tôi là Long Thọ, từ lâu ở cõi Tịnh độ, vì thấy ông cũng muốn cầu sinh về Tịnh độ nên mới đến gặp.
Sư tự biết thời khắc đã đến, nên tập hợp đại chúng lại và dạy: “Nhiều lao nhọc không có ngày ngưng nghỉ, những sự khổ đau ở địa ngục không thể không lo sợ; chín phẩm tịnh nghiệp không thể không siêng tu”. Nhân đó, sư bảo các đệ tử cùng đồng thanh niệm Phật, rồi sư xoay mặt về hướng tây đỉnh lễ mà thị tịch. Lúc ấy, đại chúng nghe có tiếng nhạc trời từ hướng tây vọng lại, kéo dài rất lâu mới dứt.
Ghi chú:
Có đạo sĩ từng nói: “Đạo Phật có chết, thần tiên trường sinh”. Nay Bồ-đề-lưu-chi nói: “Đạo Phật có pháp trường sinh, thần tiên không có”. Sự lập luận này tuy đơn giản, nhưng lưu truyền muôn thuở. Pháp sư Thần Loan bỏ tà về chính như cởi đôi giày xấu. Há chẳng phải kiếp trước có tạo nhân tốt sao!
22. Đời Tùy, Đại sư Trí Giả
Sư Trí Khải, hiệu là Trí Giả Đại Sư, người Dĩnh Châu. Lúc nhỏ, sư thấy tượng Phật, Bồ-tát liền đỉnh lễ, gặp chư tăng thì xá chào. Năm mười tám tuổi, sư xuất gia tại chùa Quả Nguyện, sau đó, theo học với Đại thiền sư Huệ Tư ở núi Nam Nhạc. Nhân duyên hoằng dương Phật pháp đã mãn, sư đến trụ tại chùa Thạch Thành ở Diệm Đông. Lúc sắp thị tịch, sư nói với chúng đệ tử: “Tôi biết mạng sống đến đây, không thể sống thêm nữa; hôm nay phải từ biệt mọi người”. Sư liền đọc tựa đề kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật xong, lại nói: “Đức Phật dùng bốn mươi tám lời nguyện để trang nghiêm cõi Tịnh độ; cõi ấy có ao sen và cây báu, dễ vãng sinh mà không có người vãng sinh. Như người vừa thấy tướng xe lửa[32] hiện ra, sinh lòng hối cải còn được vãng sinh, huống gì người chuyên tu giới, định, tuệ thì thánh hạnh, đạo lực, công đức ấy không mất”.
Sư Trí Lãng hỏi:
- Không biết đại sư chứng đến giai vị nào? Sau khi từ giả cõi đời này sinh về đâu?
Sư đáp:
- Tôi không thống lĩnh đồ chúng thì đắc Lục căn thanh tịnh[33], vì hao tổn sức để làm lợi ích cho người, chỉ lên giai vị ngũ phẩm; ông hỏi tôi sinh về đâu ư? Các thầy và bạn của tôi đều đang hầu cận bồ-tát Quán Thế Âm, họ sẽ đến đón tôi. Nói xong, sư niệm danh hiệu Tam bảo, như nhập thiền định.
Ghi chú:
Đại sư đạo cao đức trọng, là một nhà giáo quán[34], được muôn đời kính ngưỡng, nhưng lúc sư xả báo thân này chỉ một lòng cầu sinh về Tây phương. Ngoài ra, sư còn viết lời sớ của kinh Quán Vô Lượng Thọ và trước tác bộ Thập nghi luận. Sư một đời ân cần dạy dỗ đồ chúng, chí nguyện ấy có thể thấy được. Hoặc có người nói: “Kinh sớ lấy tâm quán làm tông, như vậy, Tịnh độ không có thật ư?”. Ôi! Đại sư cho rằng, dùng tâm quán Phật thì không thể nói là không có Phật; nếu không có Phật thì tâm làm sao quán? Chính báo thế nào thì y báo thế ấy. Người học tông Thiên Thai phải hiểu rõ điều này.
23. Đời Tùy, Thích Pháp Hỉ
Sư thường trì tụng Phương đẳng sám pháp. Một hôm, có một con trĩ[35] đến đòi đền mạng. Lúc đó có một vị thần trách rằng: “Pháp sư sẽ vãng sinh Tịnh độ, làm saođền mạng cho ngươi được”. Sau này, trong lúc bệnh, sư phát nguyện đem tất cả công đức tạo được trọn đời hồi hướng vãng sinh Tây phương. Rồi sư chí tâm niệm Phật, liền thấy chư Phật và bồ-tát đến rước và ngồi thẳng thị tịch.
Ghi chú:
Trong kinh ghi: “Những nghiệp đã gây tạo, dù trải qua trăm nghìn kiếp cũng không mất, khi hội đủ điều kiện thì phải tự chịu quả báo”. Sư vô ý tạo nghiệp ác, nhưng vì được vãng sinh Tịnh độ nên không đền mạng cho con trĩ. Bởi vì, một khi đã được sinh về Tịnh độ thì vĩnh viễn không còn bị luân hồi thì làm gì có điều kiện để gặp lại? Nếu như người đã chứng quả vô sinh nhẫn rồi trở lại Ta-bà làm lợi ích cho chúng sinh, dù phải đền nợ cũ thì dẫu bị dao bén chặt đầu, cũng giống như chém gió xuân. Đâu thể nói giống với hàng phàm phu trong sáu đường được!
24. Thích Quán Đỉnh
Sư người Chương An, là đệ tử của đại sư Trí Giả, hằng ngày chỉ chuyên tâm niệm Phật. Lúc sư sắp thị tịch, trong phòng có hương thơm lạ. Sau khi sư căn dặn đồ chúng xong, bỗng ngồi dậy chắp tay niệm danh hiệu Phật A-di-đà và bồ-tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí rồi an nhiên thị tịch.
25. Đời Tùy, Thích Huệ Thành
Sư người Chi Giang, thường tụng kinh A-di-đà, tu pháp quán cõi Tây phương suốt ba mươi năm, thường ngồi không nằm. Mỗi khi sư nhập định đều thấy hoa sen và cây báu ở cõi Tịnh độ. Đêm sư thị tịch, có người nằm mộng thấy sư ngồi trên hoa sen, lẳng lặng đi về hướng tây.
26. Đời Tùy, Thích Đạo Dụ
Sư ở chùa Khai Giác, thường niệm danh hiệu Phật A-di-đà, ngày đêm không bỏ, và sư có tạo một tượng Phật chỉ cao ba tấc. Sau đó, sư nhập định thấy Đức Phật dạy:
- Ngươi tạo hình của Ta nhỏ vậy sao?
Sư bạch:
- Bạch đức Thế Tôn! Tâm lớn tức là tượng lớn; tâm nhỏ tức là tượng nhỏ. Nói xong, sư thấy hình tượng Phật khắp cả hư không.
Đức Phật bảo:
- Ngươi hãy tắm rửa sạch sẽ, lúc sao mai mọc, Ta sẽ đến rước ngươi.
Đến giờ đã định, quả thật thấy Đức Phật đến, ánh sáng chiếu khắp phòng, sư ngồi thẳng mà thị tịch.
Ghi chú:
Tâm lớn tức là tượng lớn; tâm nhỏ tức là tượng nhỏ. Như vậy, tâm nhơ uế tức mọi thứ đều nhơ uế; tâm trong sạch thì mọi thứ đều trong sạch. Sư Đạo Dụ thấy một Đức Phật đầy khắp cả hư không. Trước đó, các sư Tăng Nhu, Huệ Quang cũng thấy nhiều Đức Phật khắp cả hư không. Bởi vì, một tức là nhiều, nhiều tức là một, chẳng có sự hơn kém nhau.
27. Đời Tùy, Thích Trí Thuấn
Sư đến Lô Sơn nối gót ngài Huệ Viễn tu tịnh nghiệp. Niên hiệu Đại Nghiệp thứ nhất (605), sư giảng bộ kinh Quán Vô Lượng Thọ xong thì phát bệnh. Trong lúc ây, sư thấy chim anh vũ, khổng tước niệm Phật, Pháp, Tăng, và nghe được âm thanh vi diệu. Sư bảo các đệ tử: “Ngày nay ta vãng sinh”. Nói vừa dứt lời, sư an nhiên thị tịch.
28. Đời Tùy, Thích Huệ Hải
Sư ở chùa An Lạc, Giang Đô, rất giỏi kinh luận, chuyên tâm niệm Phật. Bấy giờ, có một vị tăng tên Đạo Thuyên từ Tề Châu đến, có mang theo một bức họa Phật A-di-đà, nét vẽ sắc sảo, ở Trung Quốc chưa có. Khi hỏi thì vị ấy đáp: “Đây là do bồ-tát Ngũ Thông trụ chùa Kê-đầu-ma ở Thiên Trúc, bay lên hư không, đến thế giới An lạc kia, vẽ Đức Phật rồi mang về đây”. Sư cảm động trước sự gặp gỡ này, nên cung kính đỉnh lễ, liền thấy ánh sáng rực rỡ lạ kì. Lúc ấy, sư theo mẫu đó mà vẽ lại một bức và siêng năng niệm Phật nguyện sinh về nước Đức Phật kia. Sau đó, sư bị bệnh nhẹ, vào một đêm, bỗng nhiên sư ngồi dậy như thường lệ, xoay mặt về hướng tây đỉnh lễ xong, ngồi kiết-già đến sáng và thị tịch, dáng vẻ nghiêm trang như đang còn sống.
Ghi chú:
Thế giới Cực lạc cách đây mười vạn ức cõi Phật, cũng không thể nương vào hư không mà đến được. Vì lòng chí thành của Huệ Hải nên cảm đến Đức Phật. Việc ấy Đạo Thuyên làm sao biết được! Đó chẳng phải là sư Huệ Hải được xếp vào bậc hiền thánh của Tịnh độ rồi sao!
29. Đời Tùy, Thích Pháp Trí
Sư xuất gia từ nhỏ, nhưng đến lúc tuổi già mới nghe được pháp môn Tịnh độ, thì sư cho rằng, không pháp môn nào hơn pháp môn này. Sư liền nói với mọi người: Tôi nghe trong kinh dạy: “Phạm một tội Đột-kiết-la[36] sẽ bị đọa vào địa ngục một trung kiếp, điều đó đáng tin”. Sư lại nói: “Một lần niệm danh hiệu Phật A-di-đà, diệt được tội nặng sinh tử trong tám mươi ức kiếp, tôi không tin điều ấy?”.
Bấy giờ, có một người thông hiểu Phật pháp nói với sư: “Ông là người đại tà kiền[37]! Tất cả đều là lời Phật dạy, sao không tin được!”. Nghe vị kia nói vậy, sư liền ngồi trên đài Đâu-suất ở chùa Quốc Thanh, đêm ngày siêng năng niệm Phật. Một hôm, sư bỗng từ biệt tất cả đồ chúng và nói: “Tôi vãng sinh Tây phương”. Nửa đêm, sư không bệnh mà thị tịch. Bấy giờ, có ánh sáng màu vàng chiếu soi vài trăm dặm, người đánh cá trên sông cho là trời sáng, nhưng họ đợi rất lâu trời mới sáng. Sau đó, họ mới biết là do điềm lành vãng sinh của sư.
Ghi chú:
Đức Phật dạy: “Lời nói của Ta như mật đựng trong chén, giữa và xung quanh đều ngọt, nên các ngươi phải tin nhận”. Cho nên tin một điều ác nhỏ sẽ đọa vào địa ngục, mà không tin niệm một danh hiệu Phật được sinh về Tây phương; điều này thật đáng gọi là tà kiến. Những năm gần đây, người thích trì chú, nghe nói công dụng của thần chú có thể dời núi lấp biển, sai khiến quỉ thần, cầu chi được nấy, vì thế nên vội tin. Khi nghe nói đến công đức của cõi Tịnh độ, có thể thẳng tiến lên bậc thánh, vượt qua ba cõi, thờ ơ không để ý đến. Họ là những người tà kiến, thật là đáng thương!
30. Đời Đường, hòa thượng Thiện Đạo
Vào khoảng niên hiệu Trinh Quán (627-649), sư gặp thiền sư Tây Hà Xước lập đạo tràng Cửu Phẩm. Sư vui vẻ nói: “Đây là con đường tắt thẳng đến quả vị Phật, còn tu các pháp môn khác cũng như đi đường vòng khó mà thành tựu; chỉ có pháp môn niệm Phật này mới nhanh thoát khỏi sinh tử”. Vì thế, cần phải siêng năng chịu khó, ngày đêm lễ Phật tụng kinh, đồng thời khích lệ đại chúng tu tập. Mỗi khi sư vào thất quì lạy, niệm Phật nếu chưa kiệt sức thì không dừng nghỉ; khi ra thất thì diễn thuyết cho mọi người nghe về pháp môn Tịnh độ. Hơn ba mươi năm sư không ngủ, có thức ăn ngon thì đưa xuống nhà bếp, đồ ăn dở để mình dùng. Sư đem tiền tín thí cúng dường chép một trăm nghìn quyển kinh A-di-đà và vẽ ba trăm bức tranh toàn cảnh Tịnh độ, sửa sang những phòng ốc bị hư, đốt đèn sáng luôn, ba y một bát, không sai người mang, chỉ đi một mình, vì sợ bàn chuyện thế tục. Người được sư giáo hóa rất đông; có người tụng kinh A-di-đà mười vạn đến năm mươi vạn biến, có người một ngày niệm danh hiệu Phật một vạn đến mười vạn lần, người đắc Niệm Phật tam-muội, người được vãng sinh Tịnh độ nhiều không sao kể xiết. Có người hỏi:
- Niệm Phật sẽ vãng sinh Tịnh độ chăng?
Sư đáp:
- Niệm Phật cầu sinh Tịnh độ cũng giống như ông mong muốn điều gì thì sẽ đạt được điều đó.
Nói xong, sư niệm Phật một tiếng thì có một luồng ánh sáng từ trong miệng phát ra; niệm mười đến một trăm lần cũng phát ra ánh sáng như vậy. Sư làm một bài kệ để khuyên mọi người:
Dần dà tóc bạc da nhăn
Mắt mờ đi đứng khó khăn
Dẫu cho vàng ngọc đầy nhà
Đâu khỏi già yếu bệnh khổ
Dù ông có bao nhiêu vui
Cũng không tránh khỏi vô thường
Chỉ có tu theo đường tắt
Phải niệm Phật A-di-đà.
Rồi sư lại nói với mọi người: “Thân này thật đáng chán, ta sắp vãng sinh rồi”. Sư liền trèo lên cây liễu, xoay mặt về hướng tây cầu nguyện: “Xin Phật tiếp dẫn con, bồ-tát giúp đỡ con, khiến cho con không mất chính niệm, được vãng sinh Tịnh độ!”. Nói xong, sư buông tay rơi xuống và thị tịch. Hoàng đế Cao Tông biết được việc ấy, ban cho chùa một bức hoành đề chữ: “Quang Minh”.
Ghi chú:
Hòa thượng Thiện Đạo, được người đời truyền tụng là hóa thân của Phật A-di-đà. Sư không những tự mình thực hành tinh nghiêm mà còn làm lợi ích rộng khắp chúng sinh muôn đời sau, khiến mọi người phát khởi lòng tin. Nếu sư không phải hóa thân của Phật A-di-đà thì cũng là các ngài Quán Âm, Phổ Hiền. Thật tốt đẹp thay! Thật vĩ đại thay!
31. Đời Đường, Thích Trí Khâm
Sư chuyên tu thiền định và xướng lạy danh hiệu của một vạn năm nghìn vị Phật, đến một trăm lần. Về sau, sư đứng trước tháp A-dục vương ở Liễu Châu, đốt một cánh tay để cầu sinh Tịnh độ. Vào lúc nửa đêm, đệ tử của sư là Tăng Hộ thấy trước sân tự nhiên có ánh sáng, liền hỏi:
- Người nào cầm đuốc đó? Hỏi đến ba lần như thế.
Bỗng trong hư không có tiếng bảo:
- Ta đến đón thiền sư Trí Khâm.
Tăng Hộ liền mở cửa sổ ra, thấy thân Phật chiếu sáng, có tràng phan, bảo cái khắp cả hư không và thấy sư bước từ từ theo Phật.
Ghi chú:
Việc đốt thân, đốt tay trong kinh đại thừa thường nhắc đến, nhưng đây là việc làm của bồ-tát đạt được sức nhẫn, chứ chẳng phải việc làm của hàng sơ phát tâm. Người cầu sinh về Tây phương, phải học theo hạnh tham thiền, lễ Phật của sư Trí Khâm, nhưng không nhất định phải học theo việc đốt tay của sư. Những người can đảm đốt tay để trị các tật xấu, việc ấy cũng rất nhiều. Người xưa nói: “Khéo học theo gương Liễu Hạ Huệ[38]”. Không nhất thiết phải đốt tay!
32. Đời Đường, pháp sư Ngũ Hội[39]
Niên hiệu Đại Lịch thứ hai (767), sư Pháp Chiếu trú tại chùa Vân Phong ở Hành Châu, thường lấy từ bi, nhẫn nhục, trì giới, thiền định làm tông chỉ. Một hôm, sư thấy trong bát cháo hiện ra mây lành năm sắc, trong mây hiện ra một ngôi chùa Đại Thánh Trúc Lâm. Sau đó, sư đến Ngũ Đài Sơn thấy có ánh sáng lạ, quả thật ở đó có một ngôi chùa tên là Trúc Lâm. Lúc sư bước vào giảng đường thì thấy bồ-tát Văn-thù ngồi ở hướng tây, bồ-tát Phổ Hiền ngồi hướng đông, đại chúng vây quanh nghe hai ngài thuyết pháp. Sư đỉnh lễ và thưa:
- Vào đời mạt pháp[40] kẻ phàm phu phải tu pháp môn nào?
Ngài Văn-thù đáp:
- Tất cả các pháp môn tu không gì bằng pháp môn Niệm Phật. Ta do niệm Phật mà đắc Nhất thiết chủng trí[41].
Sư lại hỏi:
- Phải niệm như thế nào?
Ngài Văn-thù đáp:
- Ở thế giới Tây phương có Đức Phật A-di-đà và nguyện lực của Ngài không thể nghĩ bàn. Ông phải niệm liên tục không để gián đoạn, nhất định sẽ được vãng sinh.
Sau này, vào đầu tháng chạp, tại đạo tràng Tịnh nghiệp ở viện Hoa Nghiêm, sư mới nhớ lại lời của hai vị Đại sĩ thụ kí cho mình được vãng sinh, liền nhất tâm niệm Phật. Một hôm, sư chợt thấy một vị tăng tên Phật-đà-ba-lị nói: “Đài sen của ông chờ sẵn, ba năm sau hoa sẽ nở”. Đến lúc sắp mạng chung, sư nói với đại chúng: “Tôi đi đây”. Nói vừa dứt lời, sư ngồi ngay thẳng và thị tịch.
Lúc sư đến ở chùa Hồ Đông mở Ngũ Hội niệm Phật[42], cảm ứng tướng mây lành và lầu gác báu, lại thấy Đức Phật A-di-đà và hai vị bồ-tát khắp cả hư không. Lại nữa, Ngũ Hội niệm Phật ở Tinh Châu này cảm đến cung vua, hoàng đế Đại Tông cũng nghe tiếng niệm Phật. Vua bèn sai người đi tìm thì thấy sư đang giảng dạy rất nhiều người, liền mời vào kinh thành để dạy cho những người trong cung niệm Phật. Khi dạy cho mọi người trong cung niệm Phật, sư cũng lập Ngũ Hội, nên gọi sư là Ngũ Hội pháp sư.
Ghi chú:
Cảm điềm mộng trước, thấy cảnh trí sau, điều này rõ ràng thật đáng tin. Như thế, các pháp môn tu khác không bằng pháp môn Niệm Phật, là lời của ngài Văn-thù chỉ dạy. Việc ấy không đáng tin sao!
Báo ba năm trước hoa sen đã chờ sẵn là chỉ cho lúc mới khởi lòng tin, đang ở trong nhụy hoa sen, tùy theo mình siêng năng hay lười biếng mà hoa tươi hoặc héo, điều này không đủ để tin ư! Than ôi! Thầm hiện điềm linh dị phù hợp với lời thụ kí của bồ-tát Văn-thù mà sư lập nên Ngũ Hội niệm Phật, âm thanh thấu suốt Cửu trùng. Há chẳng phải nhờ vào bi nguyện mà sinh ra sao!
33. Đời Đường, pháp sư Đài Nham Khang[43]
Sư người Tiên Đô, Tấn Vân. Năm mười lăm tuổi, sư làu thông kinh Pháp hoa[44] và Lăng-nghiêm[45]
Vào niên hiệu Trinh Quán (627-649), sư đến trụ tại chùa Bạch Mã[46] ở Lạc Dương, sư thấy trong chính điện có một bản văn phát ra ánh sáng, liền tìm hiểu nguồn gốc, mới biết là bản văn Tây Phương Hóa Đạo của hòa thượng Thiện Đạo. Sư cầu nguyện: “Nếu tôi có duyên với cõi Tịnh độ thì khiến cho ánh sáng phát lại lần nữa”; sư vừa nói dứt lời, có ánh sáng lấp lánh. Sư phát nguyện: “Dù trải qua nhiều kiếp gian khổ, chí nguyện của tôi cũng không thay đổi”. Sư liền đến nhà thờ hòa thượng Thiện Đạo tại chùa Quang Minh ở Trường An lễ bái, bỗng thấy một pho tượng bay lên hư không và nói: “Ông y theo lời dạy của ta mà giáo hóa chúng sinh, sau này công đức thành tựu, sẽ sinh về cõi Cực lạc”. Sau đó, sư đến Tân Định, tiền hóa duyên được đem dụ những đứa trẻ niệm Phật, cứ một câu niệm Phật là cho một đồng tiền. Một năm sau, tất cả mọi người không kể lớn nhỏ, giàu nghèo, khi gặp sư họ đều niệm A-di-đà Phật. Do vậy mà tiếng niệm Phật truyền khắp đường sá.
Sau, sư đến núi Ô Long[47] lập đạo tràng Tịnh Độ, nhóm chúng niệm Phật, mỗi khi thăng tòa, sư niệm Phật một tiếng, đại chúng thấy một Đức Phật từ trong miệng bay ra; niệm Phật mười tiếng thì có mười Đức Phật bay ra. Sư nói: “Ai thấy Phật ắt sẽ được vãng sinh”. Lúc ấy trong pháp hội có vài nghìn người, nhưng có một số người không thấy Phật, họ đau xót tự trách, nhờ đó mà tinh tấn tu tập niệm Phật nhiều hơn.
Đến ngày mùng 3 tháng 10 niên hiệu Trinh Nguyên năm hai mươi mốt (805), sư dặn dò chư tăng, ni và Phật tử: “Mọi người phải khởi tâm ưa thích ở cõi Tịnh độ, sinh lòng nhàm chán, lìa xa cõi Diêm-phù-đề[48]. Lúc này, người nào thấy ánh sáng của tôi chính là đệ tử của tôi”. Sư liền phóng ra ánh sáng lạ nhiều màu và thị tịch. Tháp của sư được an trí tại đài Tử Nham, nên gọi sư là Đài Nham pháp sư.
Ghi chú:
Có người nghi ngờ việc Phật từ trong miệng sư bay ra, họ cho là điều quái lạ. Than ôi! Đức Thế Tôn lúc gặp voi say, trên đầu năm ngón tay Ngài xuất hiện năm con sư tử ánh sáng màu vàng, Thế Tôn nói: “Ta đâu có tâm chế ngự voi! Vì từ vô lượng kiếp đến nay, Ta tu pháp từ bi, nhẫn nhục, tự nhiên có năm con sư tử xuất hiện, Ta cũng không hay biết”. Nay thấy Đức Phật từ trong miệng pháp sư Đài Nham Khang bay ra, đây cũng từ vô lượng kiếp đến nay, do lòng kính ngưỡng dẫn đến mà thôi. Đâu có gì lạ! Ở thế gian có những vị thầy tà dạy mọi người, ban đêm ngồi đốt hương chí thành cầu nguyện sẽ thấy Đức Phật hiện, cho là có cảm ứng. So sánh giữa hai việc tà và chính thật xa vời, người tu tịnh nghiệp không thể không hiểu rõ điều này.
34. Đời Đường, Thích Tự Giác.
Sư người Chân Châu, thường phát nguyện: “Nguyện nhờ bồ-tát Quán Thế Âm mà thấy được Đức Phật A-di-đà”.
Bấy giờ, sư đúc một pho tượng bồ-tát Quán Thế Âm cao bốn mươi chín thước để hoàn thành chí nguyện. Đêm đó, vào canh ba, sư bỗng thấy hai luồng ánh sáng màu vàng, Đức Phật A-di-đà từ trong luồng ánh sáng ấy bước xuống, có hai vị bồ-tát đi hai bên. Đức Phật đưa tay xoa đầu sư và nói: “Ông giữ trọn lời nguyện không thay đổi, lấy việc lợi ích chúng sinh làm đầu thì sẽ được vãng sinh, ai cũng được toại nguyện!”.
Về sau, vào tối 15 tháng 7 năm mười một (795), sư thấy một hình người giống như Thiên vương hiện thân trong đám mây và nói với Sư rằng: “Kì hạn vãng sinh về cõi Cực lạc của ngài đã đến”. Nghe xong, Sư ngồi kiết-già trước tượng bồ-tát Quán Thế Âm mà thị tịch.
35. Đời Đường, Thích Thiện Trụ
Sư người Doanh Châu. Đến niên hiệu Vũ Đức thứ ba (621), sư bị bệnh nặng, liền nói với mọi người: “Tôi một đời chính tín, không lo không vãng sinh Tịnh độ”. Sư liền cầm phất trần quơ bụi trong phòng, đốt hương cung kính; tuy bệnh nằm từ lâu, nhưng sư bỗng ngồi dậy chắp tay và nói với thị giả: “Ông hãy thiết lập bàn Phật và đỡ tôi ngồi dậy”, rồi sư tự trình bày tội lỗi của mình trước Phật mà sám hối. Hồi lâu, sư nói: “Đức Thế Tôn ra đi”. Sư cúi thân xuống giống như đưa tiễn, rồi nằm xuống và nói: “Vừa rồi Đức Phật A-di-đà đến, các ngươi có thấy không? Không lâu nữa ta sẽ vãng sinh”. Lát sau, sư thị tịch.
36. Đời Đường, Thích Thần Tố
Sư người Minh Điều, An Ấp, lấy việc diễn giảng làm sự nghiệp, danh tiếng sánh ngang với ngài Đạo Kiệt. Một đời hành đạo, sư luôn nghĩ về Tây phương.
Niên hiệu Trinh Quán thứ hai (629), mọi người thỉnh sư trụ trì ở chùa Thê Nham. Đến ngày 23 tháng 2 năm thứ mười bảy (644), sư triệu tập đại chúng lại và nói lời tạm biệt, ngồi kiết-già trang nghiêm và bảo mọi người tụng phẩm Quán Âm Phổ Môn hai biến, riêng sư thì niệm danh hiệu Phật A-di-đà. Sau đó, sư lại bảo một người xướng, mọi người cùng hòa theo. Đến nửa đêm, sư ngồi ngay thẳng an nhiên thị tịch. Tuy da thịt tan rã hết, nhưng xương cốt vẫn giữ tư thế ngồi như cũ.
37. Đời Đường, Thích Huệ Tuyền
Sư xuất gia ở Tương Xuyên, từng truyền bá Tam luân đại kinh[49]. Đến ngày mùng 8 tháng 4 niên hiệu Trinh Quán hai mươi ba (650), vào một đêm sư nằm mộng thấy sơn thần đến bảo: “Không bao lâu nữa pháp sư sẽ vãng sinh về Tây phương!”.
Đến ngày 14 tháng 7, sư giảng kinh Vu-lan bồn[50] vừa xong, chắp tay lại và nói: “Lúc sống thụ nhận vật của tín thí, nay cần phải bỏ hết, dù vật nhỏ như cọng lông trở lên đều đem ra giúp cho người nghèo khổ, cô độc trong mười phương và các đạo khác”. Nói xong, Sư ngồi trên pháp tòa mà thị tịch.
Ghi chú:
Thuở xưa, ngài Đạo Sinh thuyết pháp vừa xong, đại chúng thấy cây phất trần rơi xuống đất, ngài ngồi tựa trên ghế mà thị tịch, giống như đang nhập định. Sự việc của sư Huệ Tuyền cũng giống như thế. Than ôi! Ngày thường sống không có đạo lực, đến lúc sắp mạng chung có thể gắng sức được ư!
38. Đời Đường, Thích Hoài Ngọc[51]
Sư người Thai Châu, luôn mặc áo vải thô, ngày ăn một bữa, thường ngồi không nằm, tụng kinh A-di-đà ba mươi vạn lần, mỗi ngày niệm danh hiệu Phật năm vạn tiếng.
Đến niên hiệu Thiên Bảo thứ nhất (742), sư thấy Đức Phật và bồ-tát khắp hư không, có một người cầm đài bạc đến rước sư. Sư nói: “Tôi một đời niệm Phật, thệ ngồi được đài vàng, tại sao không như ý?”. Lúc ấy, thánh chúng liền biến mất. Từ đó, sư càng thêm tinh tiến niệm Phật hơn; hai mươi mốt ngày sau, có người đưa đài vàng đến và nói: “Vì ngài tinh tiến niệm Phật nên được sinh về Thượng phẩm! Ngài hãy ngồi ngay thẳng mà chờ đợi”.
Ba ngày sau có ánh sáng lạ khắp phòng, sư nói với đệ tử: “Tôi vãng sinh về Tịnh độ”. Nói xong, sư mỉm cười mà thị tịch. Quận Thái thú là Đoàn Hoài Nhiên làm kệ khen rằng:
Pháp sư niệm Phật lên sơ địa
Phật quốc sênh ca hai lần đến
Chỉ có cây hòe xưa trước cửa
Đài vàng máng nặng khiến cành oằn.
Ghi chú:
Có người nói: “Đài bạc đến rồi ẩn mất, đài vàng theo ý nguyện lại đến, đâu thể nào quả báo không có căn cứ? Bởi vì người lựa chọn”. Có người thông hiểu đáp: “Đây chính là nghĩa vạn pháp do tâm, theo cảm mà có ứng”. Vả lại, xe lửa địa ngục đã xuất hiện mà nhất tâm niệm Phật mười tiếng còn được vãng sinh, thiên chúng đến rước. Hết lòng thệ nguyện sinh về Tịnh độ, tướng thiện ác, thánh phàm ngăn cách mà còn có thể chuyển nghiệp trong chốc lát, huống gì vàng bạc giá trị không khác nhau bao nhiêu!
39. Đời Đường, Thích Đạo Ngang
Sư người ở quận Ngụy, thờ pháp sư Linh Dụ làm thầy. Sư thường đến ở chùa Hàn Lăng Sơn giảng kinh Hoa nghiêm và Địa luận thấu suốt ngọn ngành, chí cầu sinh về Tây phương, nguyện sinh An Dưỡng. Sau đó, sư tự biết mình sắp đến ngày mạng chung, dự tính vào tháng 8, nhưng mọi người chưa hay biết. Đến ngày mùng 1 tháng 8, thân không mắc bệnh, bỗng sư hỏi đại chúng đã đến giờ Ngọ trai chưa? Hỏi xong, sư lên tòa cao, thân có tướng lạ, trong lò hương có mùi thơm lạ, hướng dẫn đại chúng thụ giới bồ-tát, lời lẽ khẩn thiết, người nghe run sợ. Sư ngửa mặt lên cao trông thấy thiên chúng rất đông thổi tiêu, đánh đàn reo rắt. Sư nói với thiên chúng: “Trời Đâu-suất-đà[52] đến nghinh đón tôi, nhưng thiên đạo là gốc của sinh tử tôi không muốn sinh lên trời, chỉ cầu sinh Tịnh độ, tại sao sự chí thành của tôi không được toại nguyện?”. Sư vừa nói xong, nhạc trời liền biến mất. Sư lại thấy người mang hương hoa, đàn hát từ phương tây đông đúc như mây, bay nhãy mà đến vây quanh trên đỉnh đầu, tất cả đại chúng đều trông thấy. Sư nói: “Nay Đức Phật và thánh chúng ở cõi Tây phương đến rước, việc này mới đúng với ý nguyện của tôi”. Chỉ thấy tay cầm lư hương buông xuống, sư liền ngồi trên tòa cao mà thị tịch, dưới chân có hàng chữ Phổ Quang Đường… mọi người xa gần đều kinh ngạc, ngợi khen.
Ghi chú:
Khước từ cõi trời mà cầu sinh Tịnh độ. Ngày trước có Quang Công, sau này có Hồng Công và Đạo Ngang. Bởi vì ba người này trong lúc khẩn cấp mà còn có thể dạy luật cho bốn chúng, ngồi trên tòa cao mà thị tịch. Tướng lành quá nhiều làm hoa mắt, kinh tâm mọi người. Ôi! Lạ lùng thay!
40. Đời Đường, Thích Đạo Xước
Sư người Vấn Thủy, Tinh Châu, xuất gia năm mười bốn tuổi, học tập kinh, luận, sau đó theo ngài Toản thiền sư học thiền, theo ngài Thần Loan học về pháp môn Tịnh độ. Một hôm, có vị tăng nhập định thấy tràng hạt của sư Đạo Xước như núi lớn bảy báu. Thường ngày, sư giảng Vô lượng thọ quán kinh[53] gần hai trăm lần, mọi người tay lần tràng hạt, miệng niệm danh hiệu Phật A-di-đà. Hoặc đến lúc nghỉ ngơi, sư vào một cái hang trong rừng sâu, ngày đêm sáu thời cung kính lễ bái không chút xao lãng. Một ngày niệm Phật lấy bảy vạn biến làm định số.
Đến ngày mùng 8 tháng 4 niên hiệu Trinh Quán thứ hai (629), sư thị tịch. Khi mọi người nghe tin sư tịch đến chật cả chùa trong núi, họ thấy hóa Phật trụ trên hư không, hoa trời rải xuống.
41. Đời Đường, Thích Bảo Tướng
Sư người Trường An, Ung Châu, xuất gia năm mười chín tuổi, tu hạnh đầu-đà[54], đêm ngày sáu thời lễ bái, sám hối được bốn mười năm. Ban đêm sư tụng kinh A-di-đà bảy biến, niệm Phật sáu vạn tiếng. Đến khi sư mắc bệnh, nhưng vẫn tụng kinh niệm Phật không bỏ. Sư dặn dò đại chúng: “Niệm Phật là điều trước tiên, chớ để một đời luống qua vô ích, ta sẽ đợi các ngươi ở cõi Tây phương”. Sư lại nói: “Thiêu thi thể ta, không cần khắc bài minh vào tháp”. Nói xong, sư thị tịch.
Ghi chú:
Ngài Hoài Ngọc một ngày niệm Phật năm vạn câu, ngài Đạo Xước niệm bảy vạn câu, nay ngài Bảo Tướng niệm sáu vạn câu. Ba vị này đều là bậc cao tăng, những thời khóa mỗi ngày có số lượng nhất định. Nay bỗng có người nói: “Đây là việc làm của bọn đàn ông, đàn bà ngu dốt”. Làm sao có thể như thế được!
42. Đời Đường, Thích Duy Ngạn
Sư người Tinh Châu, lấy cõi Tịnh độ làm nơi hướng đến. Sư hành trì bộ Phương đẳng sám, siêng năng không nài bệnh tật. Một hôm, sư thấy hai vị bồ-tát Quán Thế Âm và Thế Chí hiện trong hư không, sư gọi hoạ sĩ đến vẽ, nhưng họ không thể vẽ được; bỗng có hai người xuất hiện, tự nói rằng họ vẽ được; khi vẽ xong họ liền biến mất.
Bấy giờ, sư nói với các đệ tử: “Nay ta vãng sinh, có ai đi cùng không?”. Lúc ấy có một đứa trẻ xin đi theo. Sư bảo đứa trẻ từ biệt cha mẹ; cha mẹ cho rằng đứa trẻ nói giỡn nên không tin. Một lát sau, đứa trẻ tắm rửa, chỉnh trang quần áo vào đạo tràng niệm Phật và mạng chung. Sư vỗ lưng nó và nói: “Bé con! Sao ngươi lại vãng sinh trước ta!”. Nhân đó, sư cầm bút viết lời ca tụng hai vị bồ-tát này có lời nguyện: “Dùng tay từ bi cứu vớt chúng sinh về cõi Tây phương Cực lạc”. Viết xong, sư thị tịch.
Ghi chú:
Việc của sư Duy Ngạn không phải mê hoặc. Chẳng phải đứa trẻ kia tu tịnh nghiệp từ lâu thì làm sao vãng sinh một cách thần kì như thế? Ông không thấy mười niệm nhất tâm bất loạn sẽ được thành tựu ư? Nếu không như vậy thì do căn lành kiếp trước của đứa trẻ đã thuần thục. Người tu tịnh nghiệp, nếu đời này không được vãng sinh, suy xét việc này có thể tự an ủi mình vậy.
43. Đời Đường, Thích Tăng Huyễn
Sư người Tinh Châu, lúc đầu niệm danh hiệu bồ-tát Di-lặc, cầu sinh lên cõi trời Đâu-suất. Năm chín mươi tuổi, sư gặp thiền sư Đạo Xước, được nghe Thiền sư giảng về Tịnh độ, sư mới hồi tâm chuyển ý niệm Phật, một ngày chí thành lễ một nghìn lạy, không chút lười biếng. Về sau, lúc bị bệnh, sư bảo chúng đệ tử: “Đức Phật A-di-đà trao cho tôi y thơm, bồ-tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí cho tôi xem tay báu. Tôi đi đây”. Sư nói xong và thị tịch. Lúc đó, có hương thơm lạ bảy ngày không hết.
Bấy giờ, có hai vị pháp sư Khải Phương, Viên Quả chứng kiến việc này, đồng thời hai ngài bẻ nhành dương liễu đặt trong tay bồ-tát Quán Thế Âm ở chùa Ngộ Chân và thệ nguyện rằng: “Nếu chúng tôi có duyên với cõi Tịnh độ, sau bảy ngày cành dương này không bị héo!”. Đến ngày thứ bảy, nhưng cành dương vẫn tươi. Ngài Khải Phương, Viên Quả vui mừng, ngày đêm quán tưởng niệm Phật không bỏ. Một hôm, hai ngài chợt thấy mình đến ao bảy báu, vào trong màn báu, thấy Đức Phật A-di-đà và hai vị bồ-tát ngồi trên đài hoa báu, ánh sáng rực rỡ. Ngài Khải Phương, Viên Quả đỉnh lễ, Đức Phật dạy: “Người nào niệm danh hiệu Ta đều sinh về nước Ta”. Lại nghe Đức Thích-ca Thế Tôn và ngài Văn-thù bồ-tát dùng âm thanh vi diệu xưng tán cõi Tịnh độ; thấy ba bậc thềm báu; bậc thềm thứ nhất dành cho cư sĩ, thứ hai dành cho tăng và tục, thứ ba là dành riêng cho chư tăng. Lại nói: “Người nào chí tâm niệm Phật đều được sinh về cõi Cực Lạc!”. Năm ngày sau, hai ngài bỗng nghe tiếng chuông và nói: “Tiếng chuông thức tỉnh chúng ta”. Hai ngài đều thị tịch.
Ghi chú:
Đến lúc tuổi già mới tu Tịnh độ mà còn được vãng sinh, người tuổi trẻ có thể biết. Hai ngài Khải Phương, Viên Quả nghe việc vãng sinh của sư Tăng Huyễn mà phát tâm. Lúc lâm chung có hiện điềm lành. Thấy người khác vãng sinh, mình cũng mong được vãng sanh, là nghĩa này vậy.
44. Đời Đường, Thích Hoài Cảm
Sư cư trú ở chùa Thiên Phước, Trường An, vào đạo tràng Niệm Phật hai mươi mốt ngày mà không thấy điềm lành, tự hận mình nghiệp chướng sâu dày, muốn nhịn ăn để chết. Đại sư Thiện Đạo không cho, đồng thời khuyên sư tu tập tinh tiến thêm ba năm. Sư y theo lời dạy của đại sư Thiện Đạo siêng năng tu tập. Sau đó, sư thấy tượng Phật màu vàng, liền chứng Niệm Phật tam-muội. Sư soạn bộ luận Quyết nghi, gồm 7 quyển. Lúc sắp mạng chung, sư chắp tay và nói: “Phật đến đón ta!”, sư liền thị tịch.
Ghi chú:
Ngạn ngữ có câu: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Vì ta chứng kiến việc của Hoài Cảm, nên mới khuyên nếu người nào tự ràng buộc mình thì phải suy nghĩ lại việc đó.
45. Đời Đường, Thích Đức Mĩ
Sư cư trú tại Tây viện chùa Hội Xương. Pháp sư xây Sám đường để tu Bát-chu tam-muội[55], suốt mùa hạ không nằm, ngồi, hoặc ba năm không nói một lời, hoặc làm như hạnh của bồ-tát Thường Bất Khinh, đỉnh lễ bảy chúng, ăn mặc giản dị, chấm dứt vọng tưởng thế gian, chuyên quán niệm Tây phương, tụng kinh A-di-đà suốt đời không dừng nghỉ. Một thời gian sau, Pháp sư vào phòng xưng niệm danh hiệu Phật A-di-đà mà an nhiên thị tịch.
Ghi chú:
Chấm dứt vọng tưởng thế gian thì tâm nhiễm ô không còn. Chuyên nghĩ về Tây phương thì nhân Tịnh độ thành tựu. Người xưa có câu: “Tâm ái không nặng thì không sinh Ta-bà, niệm Phật mà không nhất tâm thì không sinh Tịnh độ”. Quả thật đúng như lời nói sao!
46. Đời Đường, Thích Biện Tài
Sư người Tương Dương, thầm tu Tịnh độ hai mươi năm, nhưng chưa từng khoe khoang. Sư chỉ nói riêng với quan Hộ nhung Nhậm Công Thiện: “Biện Tài tôi sẽ sinh về Tịnh độ, kì hạn mười năm nữa!”. Một hôm, sư sai đệ tử đến báo với Nhậm Công Thiện rằng: “Kì hạn của thầy tôi đã đến”. Nhậm Công Thiện đến, sư nói: “Tôi đi đây”. Sư ngồi kiết-già mà thị tịch. Lúc ấy, đại chúng nghe tiếng nhạc từ phía tây đến và hương thơm lạ lan tỏa khắp nơi.
47. Đời Đường, Thích Thọ Hồng
Sư người Phần Dương, thường niệm Phật cầu sinh Tịnh độ. Đến lúc sắp mạng chung, sư thấy đồng tử ở cõi trời Đâu-suất đến nghinh đón. Sư nói: “Ta cầu sinh Tây phương, không sinh lên cõi trời”. Sư liền bảo đại chúng niệm Phật, bỗng sư nói: “Đức Phật từ phương tây đến”. Nói xong, sư thị tịch.
48. Đời Đường, Thích Pháp Tường
Sư cư trú tại chùa Đại Hưng Quốc[56] ở kinh đô Lạc Dương, tu pháp môn Tịnh độ ba mươi năm, hễ có một chút lợi ích, sư đều hồi hướng về Tịnh độ. Lúc sư bệnh, chúng đệ tử nghe tiếng sư niệm Phật rất to, họ lại thấy trên bức tường phía tây trong phòng có ánh sáng như tấm gương, trong đó hiện ra cảnh Tịnh độ, chim Ca-lăng-tần-già vỗ cánh bay. Lúc ấy sư an nhiên thị tịch.
Ghi chú:
Sư Pháp Tường thấy chim Ca-lăng-tần-già, lúc trước ngài Trí Thuấn thấy chim oanh vũ, khổng tước. Có người nghi: “Tại sao các ngài không thấy Phật mà thấy các loại chim?”. Trong kinh dạy: “Vì các loài chim đều do Đức Phật A-di-đà biến hóa ra”. Cho nên biết, y báo, chính báo đều là tướng Tịnh độ. Họ vui mừng không còn nghi nữa.
49. Đời Đường, Thích Đại Hạnh
Sư cư trú tại Thái Sơn, tu Phổ Hiền sám pháp ba năm, cảm ứng đến bồ-tát Phổ Hiền hiện thân. Đến lúc tuổi già, sư xem trong Đại tạng, đồng thời phát nguyện thuận tay lấy được một quyển kinh A-di-đà, ngày đêm đọc tụng, đến nửa đêm ngày thứ hai mươi mốt, sư thấy cảnh giới lưu li hiện ra, Đức Phật và hai vị bồ-tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí hiện thân. Hoàng đế Hi Tông nghe được việc này, liền ban chiếu mời sư vào cung ban hiệu “Thường Tinh Tấn Bồ-tát”. Một năm sau, đất lưu li lại xuất hiện một lần nữa, ngay hôm ấy sư thị tịch, có hương thơm lạ trải qua vài tuần, thân thể của sư không hư hoại.
Ghi chú:
Đất lưu li từ trên xuống dưới trong suốt, do phúc đức thanh tịnh của sư mà cảm ứng. Như ngài Huệ Vĩnh, Tăng Huyễn có hương thơm lạ bảy ngày, ngài Huệ Thông thì ba ngày, nay sư Đại Hạnh trải qua mấy tuần, ai cũng cho đó là hương thơm của Phạm hạnh[57]!
50. Đời Đường, Thích Minh Chiêm
Đến lúc tuổi già sư mới niệm Phật cầu sinh Tịnh độ. Có người cho là sư chậm trễ. Sư nói: “Mười niệm nhất tâm bất loạn vẫn được gặp Phật, tôi lo gì!”. Một thời gian sau, sư bị bệnh, bèn thiết lập trai đàn cúng dường ở chùa Hưng Giáo và từ biệt mọi người. Bấy giờ, quan Bộc Xạ Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối đều có mặt. Lúc mặt trời quá ngọ, sư chỉnh trang pháp phục, oai nghi niệm Phật, bỗng sư thốt lên: “Đức Phật và hai vị bồ-tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí đến”. Sư đứng nghiêm trang chắp tay thị tịch.
51. Thiền sư Vĩnh Minh Thọ
sư họ Tiền làm vua ở Ngô Việt, người ở đất Dư Hàng, Hàng Châu, theo thiền sư Thúy Nham xuất gia tại núi Tứ Minh. Sau sư đến núi Thiên Thai tham kiến quốc sư Đức Thiều, tu tập thiền định ngộ được bản tâm, thường hành Pháp hoa sám, vào nữa đêm, sư nằm mộng thấy bồ-tát Phổ Hiền và tự nhiên trong tay sư có cành hoa sen. Sư suy nghĩ, chắc là vì nguyện xưa chưa thành, nên sư đến trước hai vị thầy của mình là Đức Thiều, Thúy Nham và làm hai cái thẻ; một cái ghi: “Nhất tâm thiền định”; một thẻ ghi: “Vạn hạnh tu Tịnh độ”, rồi sư một lòng cầu nguyện và rút bảy lần đều trúng thẻ “Vạn hạnh tu Tịnh độ”. Từ đó, sư một lòng chuyên tu Tịnh độ. Sau này, sư ở chùa Vĩnh Minh, thời khóa mỗi ngày làm một trăm lẻ tám việc lợi ích. Đêm đến, sư vào núi kinh hành niệm Phật, mọi người xung quanh đều nghe có tiếng nhạc trời. Vua Trung Ý khen rằng: “Từ xưa người tu cầu về Tây phương chưa có ai chuyên tâm khẩn thiết như sư!”. Vua bèn xây dựng ngôi bảo điện “Tây Phương Hương Nghiêm”, để tỏ lòng thành của mình. Sư trụ trì ở chùa Vĩnh Minh được mười lăm năm, có một nghìn bảy trăm đệ tử. Sư thường truyền giới bồ-tát cho đại chúng, cúng thí thức ăn cho quỉ thần, phóng sinh các loài, tất cả đều hồi hướng trang nghiêm Tịnh độ, mọi người kính phục và tôn sư là Di-lặc hạ sinh.
Đến ngày 26 tháng 2 niên hiệu Khai Bảo thứ tám (975), sáng sớm sư đốt hương và dạy dỗ đại chúng xong, ngồi kiết-già mà thị tịch.
Sau này có một vị tăng từ Lâm Xuyên đến nhiễu quanh ngôi tháp của sư nhiều năm. Có người thắc mắc hỏi nguyên do. Vị tăng nói: “Lúc ta bệnh đi vào âm phủ, thấy bên trái đại điện có thờ pho tượng một vị tăng, Diêm Vương cung kính đỉnh lễ, ta hỏi nhỏ một người “Tượng này là ai?”. Người ấy đáp: “Đó là thiền sư Vĩnh Minh Thọ ở Hàng Châu. Diêm Vương vì trọng đức của sư cho nên cung kính đỉnh lễ”.
Ghi chú:
Sư Vĩnh Minh mang tâm ấn trực chỉ của Thiền tông được truyền từ Ấn Độ sang, nhưng lại chuyên tâm cầu sinh Tịnh độ. Hạnh nguyện của sư rộng lớn vô cùng, chẳng những làm lợi cho mình mà còn làm lợi cho người. Sư là gương sáng cho muôn đời. Sư là Di-lặc hạ sinh ư! Thiện Đạo tái sinh ư!
52. Đời Tấn, Thích Chí Thông
Sư họ Thạch, người Phượng Tường. Một hôm, thấy nghi thức Tịnh độ của đại sư Trí Giả, sư không cầm được sự vui mừng và tự hứa là không xoay mặt về hướng tây khạc nhổ, không ngồi quay lưng về hướng tây, chuyên tâm niệm Phật. Sau này, sư thấy chim bạch hạc, khổng tước sắp thành hàng từ hướng tây bay xuống, lại thấy hoa sen hé nở ở trước mặt, sư nói: “Chim bạch hạc, khổng tước là cảnh Tịnh độ, tướng sáng của hoa sen là chỗ ta sẽ sinh về. Cõi Tịnh độ đã hiện ra rồi!” Nói dứt lời, sư đứng dậy lễ Phật và thị tịch. Lúc làm lễ trà tì có mây lành năm màu xuất hiện bay vòng quanh rồi trùm lên ngọn lửa và xá-lợi xếp lớp như vảy cá nơi thân sư.
Ghi chú:
Khạc nhổ tránh hướng tây, ngồi không quay lưng hướng tây, hết lòng như vậy thì không việc gì không thành tựu! Nay dùng tâm khinh mạn, tâm hời hợt mà muốn vãng sinh Tây phương thì rất khó. Có người nói: “Sao mà chấp quá vậy!” Ôi! Quán mặt trời lặn ở hướng tây[58]. Vì việc vãng sinh trong kinh ghi chép rất rõ ràng. Vả lại, Trí Giả đại sư lúc mới sinh ra đã ngồi kiết-già xoay mặt về hướng tây, thậm chí các bậc hiền tu Tịnh nghiệp đều ngồi xoay mặt về hướng tây thị tịch, những trường hợp như thế, không chấp mà được như vậy sao! Người có tâm tham đắm cảnh ô trược, trọn đời an nhiên ở trong đó, vừa nghĩ đến cõi Cực lạc, lại lo là chấp trước thì quá điên đảo. Ôi! Sao kì lạ quá!
53. Đời Tống, Thích Ngộ Ân
Sư người ở đất Thường Thục, Cô Tô. Năm mười ba tuổi, sư nghe tụng kinh A-di-đà, liền xin xuất gia, ngày ăn một bửa, không lìa y bát, không cất tiền bạc của báu, nằm nghiêng bên phải, thường ngồi kiết-già, mỗi khi bố-tát, sư đều rơi lệ. Sư luôn dạy mọi người lấy tịnh nghiệp Tây phương và tông chỉ Nhất thừa viên giáo. Có người nghi ngờ nói: “Như vậy là không phù hợp với căn cơ”. Sư nói: “Chỉ kết pháp duyên với mọi người thôi”.
Đến ngày mùng 1 tháng 8 niên hiệu Ung Hi thứ hai (985), vào một đêm, sư thấy có luồng ánh sáng màu trắng từ dưới giếng chiếu ra, liền bảo với chúng đệ tử: “Ta sắp mạng chung”. Từ đó, sư nhịn ăn, không nói chuyện, chỉ nhất tâm niệm Phật. Một hôm, sư nằm mộng thấy một vị sa-môn cầm lò hương bằng vàng nhiễu quanh phòng sư ba vòng, tự nói mình là Quán Đỉnh đến đây rước ông. Sau khi tỉnh mộng, sư gọi chúng đệ tử đến, họ vẫn nghe mùi hương lạ kéo dài đến hai mươi lăm ngày mới hết. Sau khi giảng cho chúng đệ tử nghe cốt tủy của pháp chỉ quán và ý nghĩa pháp quán tâm xong, sư ngồi ngay thẳng thị tịch. Lúc ấy, mọi người nghe tiếng đàn, sáo, chuông du dương trên hư không từ từ xa dần đi về hướng tây.
Ghi chú:
Không tham tiền tài, ăn uống, tâm ý trong sạch ngay thẳng; nằm ngồi không cẩu thả, tâm luôn cung kính cẩn thận, không lìa y bát là giữ tâm trân trọng, bố-tát rơi lệ, là tín tâm khẩn thiết. Bốn tâm này đều là nhân Tịnh độ, nên sư được vãng sinh. Cho đến lúc khuyên bảo mọi người, sư cũng nói về Tây phương Tịnh độ và Nhất thừa viên giáo, đồng thời sư cũng thực hành pháp ấy. Sư Ngộ Ân quả là người thâm nhập pháp môn Niệm Phật!
54. Đời Tống, Viên Tịnh Thường pháp sư
Sư người Tiền Đường, xuất gia lúc bảy tuổi. Trong thời gian giáo hóa, sư trụ tại chùa Nam Chiêu Khánh. Sau đó vì mến mộ phong cách của Lô Sơn, sư cắt máu chép phẩm Tịnh Hạnh trong kinh Hoa nghiêm, đồng thời đổi “Liên xã” thành “Tịnh Hạnh”. Các vị sĩ đại phu dự hội tự xưng là đệ tử Tịnh Hạnh, trong đó Vương Văn Chính công là người đứng đầu. Bấy giờ, các quan, khanh, bá, mục hơn một trăm hai mươi người và có khoảng một nghìn vị tì-kheo tham dự. Quan Hàn lâm Tô Dị Giản viết bài tựa phẩm Tịnh Hạnh. Ông ta nói: “Dù tôi trải tóc để cho người bước lên, hoặc khoét thân để cầu pháp vẫn không từ nan, huống gì cống hiến một chút học thức nhỏ nhoi này mà tiếc sao!
Đến ngày 12 tháng 1 niên hiệu Thiên Hi thứ tư (1020), sư ngồi ngay thẳng niệm Phật, lúc ấy có rất nhiều người hô to là Đức Phật đến. Sư an nhiên thị tịch.
Ghi chú:
Sơ tổ Huệ Viễn, nhị tổ Thiện Đạo, sau này có ngài Nam Nhạc, Ngũ Hội, Đài Nham, Vĩnh Minh, cuối cùng là tổ thứ bảy của tông Tịnh độ. Các ngài giáo hóa hưng thịnh rực rỡ từ xưa đến nay. Tuy nghiên, xét về mặt tự tu thì không vị nào chẳng siêng năng tinh tiến và lấy đó để dạy người, còn sa-môn ngày nay chỉ biết khuyên người mà không biết khuyên mình mà muốn được như các bậc tiền bối, há không điên đảo sao!
55. Đời Tống, Thích Tịnh Quán
Sư cư trú tại am Tịch Quang, Gia Hòa, tu Tịnh độ sám pháp hơn mười năm. Sư nói với đệ tử: “Hai mươi bảy ngày nữa ta sẽ mạng chung”. Hai ngày trước khi đi, sư thấy hoa sen màu hồng, ngày sau lại thấy sen vàng khắp tịnh thất, trong mỗi hoa sen đều có đứa bé hóa sinh ngồi trên đó và có giải lụa đẹp buộc. Ngày cuối cùng, sư vào khám ngồi ngay thẳng bảo đại chúng niệm Phật, trong chốc lát thì sư thị tịch.
Ghi chú:
Người niệm Phật biết trước giờ mình chết; bởi vì nghiệp duyên ở cõi Ta-bà vừa dứt thì thắng duyên ở Tịnh độ sẵn chờ, cho nên tự nhiên thánh cảnh hiện ra. Như ngài Huệ Viễn biết trước bảy ngày nữa sẽ ra đi; nay sư Tịnh Quán biết hai mươi bảy ngày nữa sẽ lìa trần, cả hai đều giống nhau.
Người đời sống không lo tu nhân tích đức; đến khi chết sắp phải chịu khổ lại lo trau chuốt, trang điểm, đó chỉ làm trò cười cho người trí. Thế nhưng, người tự thiêu thì chấn động khắp nơi mà không biết đó là thân cận ma quỷ, tin theo tà bậy nên bị trôi lăn trong đường ác; thật đáng xót thương! Những kẻ ngu muội kia còn làm cho những người không biết chính đạo cung kính, ngưỡng mộ và cầu khẩn với họ; việc này tai hại thật khủng khiếp!
Tôi tập họp những mẫu chuyện vãng sinh, vì sao không có bất cứ người nào đang sống mà đốt thân mình? Mong các bậc trí giả xem xét tập truyện này và truyền bá khắp nơi, ngỏ hầu cứu vớt những kẻ ngu muội.
56. Đời Đường Từ Vân sám chủ
Sư Tuân Thức người sống ở huyện Lâm Hải, Thai Châu, học cao hiểu rộng, nổi tiếng tỉnh Chiết Giang. Sư một lòng cầu sinh Tịnh độ, thường tu tập Bát-chu tam-muội, học tập cực khổ suốt chín mươi ngày đến nổi bị nôn ra máu, lúc vào đạo tràng, hai chân lở loét, sư lấy cái chết để bày tỏ tâm nguyện của mình.
Bỗng một hôm, sư nằm mộng thấy bồ-tát Quán Thế Âm đưa ngón tay vào miệng sư lôi ra mấy con trùng, đồng thời trên đầu ngón tay nước cam lồ tuôn ra và rót vào miệng sư. Khi tỉnh lại, sư cảm thấy thân tâm mạnh khỏe, vui vẻ bệnh tật tiêu trừ. Sư liền viết ra bộ Tịnh Độ quyết nghi hạnh nguyện và Tịnh Độ sám pháp lưu hành ở thế gian. Vào niên hiệu Thiên Thánh (1032) đời Tống, lúc sắp thị tịch, sư đốt hương lễ Phật, xin chư Phật chứng minh việc vãng sinh Tịnh độ của mình. Đến chiều tối, sư ngồi ngay thẳng thị tịch, mọi người thấy có một ngôi sao lớn rơi xuống trên đỉnh Linh Thứu. Người đương thời gọi sư là Từ Vân sám chủ.
Ghi chú:
Sư siêng năng khổ nhọc, việc soạn ra sám văn, rồi chẳng những tự mình thực hành mà còn để lại muôn đời sau, xưa này chỉ có một người mà thôi. Cho đến được bồ-tát Quán Thế Âm đưa tay vào miệng lấy côn trùng ra rồi rót nước cam lồ vào miệng. Không siêng năng chí thành làm sao có thể được như vậy!
57. Đời Tống, Tông Thản sớ chủ
Sư Tông Thản người Lê Thành, Lộ Châu. Năm mười lăm tuổi, sư nổi tiếng khắp các nơi giảng kinh thuyết pháp. Về già, sư cư trú tại thị trấn Thanh Đài, Đường Châu, chuyên tu niệm Phật cầu sinh Tịnh độ, ba nghiệp[59] thanh tịnh, giữ bốn oai nghi[60] tề chỉnh, chưa từng lãng quên.
Đến ngày 27 tháng 4 niên hiệu Chính Hòa thứ tư (1113), sư nằm mộng thấy Đức Phật A-di-đà dạy: “Ngươi chỉ còn thuyết pháp sáu ngày nữa, sẽ được vãng sinh Tịnh độ!”. Khi thức dậy, sư kể việc này cho đại chúng nghe. Đến ngày mùng 4 tháng 5, sư nhóm chúng và dạy: “Nhân duyên có hợp thì có tan chắc chắn có lúc phải chia tay; cõi Tịnh thù thắng, ta chỉ đợi một lát nữa, xin đại chúng niệm Phật giúp ta vãng sinh!”. Nói xong, sư ngồi ngay thẳng thị tịch, bầu trời vang rền tiếng sấm, mây trắng bao phủ mặt đất ba ngày mới tan. Lúc ấy, trên tay sư cầm chuỗi mã não, chuỗi quấn quanh tay, đại chúng cố gở nhưng không được. Việc cảm ứng của sư rất nhiều, được ghi chép đầy đủ ở các bản khác.
Ghi chú:
Sấm là tiếng rống của pháp âm, mây là bóng mát từ bi, chuổi mã não trên tay gở không được là biểu thị sức mạnh của niệm lực.
58. Đời Tống, Từ Chiếu Tông chủ
Sư Tử Nguyên, hiệu Vạn Sự Hưu người Ni Sơn, Bình Giang. Lúc nhỏ, sư tu tập pháp chỉ quán, trong lúc thiền định nghe tiếng quạ kêu thì ngộ đạo. Sư làm kệ tụng rằng:
Hơn hai mươi năm tìm trên giấy
Tìm đi tìm lại mãi trầm ngâm
Bỗng nhiên nghe được tiếng quạ kêu
Mới biết trước kia dụng tâm sai.
Từ đó, sư hết lòng giáo hóa, khuyên người niệm Phật, thay thế cho tất cả chúng sinh trong pháp giới lễ Phật sám hối, cầu sinh Tịnh độ. Sư lập lên Bạch Liên Sám đường, giảng về tứ độ[61], tam quán[62], tuyển Phật đồ[63], khai thị yếu chỉ Liên tông; dù gặp thuận duyên hay nghịch cảnh, sư cũng không động niệm. Cao Tông hoàng đế nghe tiếng, cho mời sư vào cung, ban hiệu là “Từ Chiếu”. Sau này, ngày 23 tháng 3, tại Đạc Thành, sư nói với chúng đệ tử: “Nhân duyên giáo hóa của ta đã hết, đến lúc phải ra đi”. Nói xong, sư chắp tay thị tịch. Sau khi trà tì, thâu được vô số xá-lợi. Tháp của sư được vua ban hiệu là “Tối Thắng”.
59. Đời Tống, Thích Pháp Trì
Sư cư trú ở chùa Hóa Độ, thường tu Di-đà sám, nguyện mau lìa khỏi Diêm-phù, sớm sinh về Tịnh độ. Về sau, sư chỉ bị bệnh nhẹ, nhưng lại sụt sùi, rơi lệ, mong Đức Phật rũ lòng tiếp dẫn! Sư cố gắng niệm Phật không dứt, bỗng thấy thân Phật cao một trượng sáu đứng ở trên ao, sư tự nói: “Ta đã được sinh lên trung phẩm!”, đồng thời xoay mặt về hướng tây thị tịch.
Ghi chú:
Người đời không ai mà không muốn sống lâu, nay sư muốn mau mạng chung để cầu sinh Tịnh độ, chẳng phải quá chán rồi sao? Tuy nhiên, người phát nguyện thì có thể được. Còn những người nhảy xuống biển hoặc gieo mình từ trên vách núi xuống hay chất củi tự thiêu đều là ma sự.
60. Đời Tống, Thích Bản Như
Sư hiệu Thần Chiếu, cư trú tại chùa Thừa Thiên, Đông Sơn và kết giao với quận thú Trương Tuân. Một hôm, sư thăng tòa thuyết pháp và từ biệt đại chúng. Sau khi rời khỏi tòa, sư ngồi ngay thẳng thị tịch.
Bấy giờ, người đánh cá trên sông thấy có một vị tăng đứng trên đám mây lành đi về hướng tây. Năm sau, mở tháp ra thấy dung mạo của sư vẫn giống như lúc còn sống, có hoa sen mọc trước tháp.
61. Đời Tống, Pháp sư Cơ
Sư theo học với ngài Bảo Vân, cư trú tại chùa Thái Bình Hưng Quốc, siêng năng niệm Phật. Một hôm bị bệnh, sư dạy cho chúng đệ tử về yếu chỉ của pháp môn Tịnh độ, bỗng đại chúng thấy ở phương tây chiếu sáng, trên không trỗi nhạc. Sư nói: “Đức Phật A-di-đà và hai vị bồ-tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí cùng đến”. Nói dứt lời, sư nằm nghiêng bên hông phải, xoay mặt về hướng tây mà thị tịch. Chúng đệ tử nằm mộng thấy Phật A-di-đà thụ kí cho sư làm “Siêu Thế Như Lai”; có người thấy sư ngồi trên đài hoa sen xanh. Thiền sư Pháp Trí khen rằng: “Sư nằm bệnh nói yếu chỉ, lâm chung thấy Phật A-di-đà, thật là đáng kính!”.
Ghi chú:
Có người nghi rằng: “Cơ pháp sư tại sao được thụ kí?”. Ôi! Chính sư thấy đức Như Lai Vô Lượng Quang, lại được Phật hiện tiền thụ kí thành Phật. Ông biết điều đó chăng!
62. Đời Tống, Thích Nhược Ngu
Sư cư ngụ tại Tiên Đàm, Vân Xuyên, xây dựng lầu Vô Lượng Thọ, siêng năng tu tập và khuyên kẻ tăng, người tục niệm Phật suốt ba mươi năm. Sư kết bạn với hai vị Đạo Thế, Tắc Chương. Đạo Thế là một thi sĩ nổi tiếng, nhưng rất ham danh, còn sư Nhược Ngu và Tắc Chương chỉ việc thực hành đem lợi ích cho chúng sinh. Một hôm, sư nằm mộng thấy một vị thần đến nói: “Bạn đồng học của ông là Tắc Chương đắc Phổ Hiền hạnh nguyện tam-muội, đã sinh về Tịnh độ, ông ấy đang đợi ông”. Sư nghe nói như thế, tắm rửa, chỉnh trang pháp phục, bảo đại chúng tụng kinh Quán Vô Lượng Thọ, sư ngồi ngay thẳng và nói: “Tịnh độ đã hiện ra trước mắt, ta đi đây”. Sư nói kệ xong và thị tịch. Nói kệ rằng:
Xưa nay không nhà trở về đâu
Trong mây có lối ai hay biết
Nước chảy, trăng tà núi phía tây
Chính là lúc hết mộng Tiên Đàm.
Sư lại nói:
Trên không lưới báu dính nghì hao
Trong mộng thấy ao sen bảy báu
Đến được Tây phương nơi an ổn
Không còn điều gì phải hoài nghi.
Ghi chú:
Sư Nhược Ngu, Đạo Thế và Tắc Chương là bạn thân với nhau, nhưng Đạo Thế vì đam mê thi phú, theo đuổi danh vọng nên không được vãng sinh Tịnh độ. Người nào muốn rủ bỏ tài trí văn chương, xa lìa duyên trần, cầu sinh Tịnh độ thì phải ghi nhớ điều này.
63. Đời Tống, Thích Thủ Chân
Sư người Vĩnh Hưng. Sư thường giảng luận Khởi tín và Pháp giới quán[64]. Mỗi ngày vào lúc nửa đêm, Sư thường ngồi kiết bí mật ấn Vô Lượng Thọ Phật Vãng Sinh và luôn nhớ nghĩ về Tây phương. Vào một đêm, trời vừa hừng sáng, sư tự biết mình đến cõi Tịnh độ, liền mở mắt ra thì thấy Đức Phật, sư quì xuống trước Đức Phật và bạch: “Bạch Đức Thế Tôn! Bốn mươi tám lời nguyện của Ngài có thể độ con!”. Sư mang hoa hương vào chính điện cúng dường Phật. Cúng dường xong, sư ngồi ngay thẳng mà thị tịch.
64. Đời Tống, Thích Trí Lễ
Sư hiệu Pháp Trí, cư ngụ tại Nam Hồ. Sư soạn bộ Diệu tông sao để giải thích sáng tỏ ý nghĩa của quán tâm, quán Phật. Vào ngày rằm tháng 2 mỗi năm, sư lập hội bố-thí, trì giới, niệm Phật, có khoảng một vạn người đến tham dự. Sư lại soạn bộ Dụng tâm giải để nói về Nhất tâm tam quán[65] và ý nghĩa của Tứ tịnh độ. Sau đó, đến ngày mùng 1 tháng Giêng, sư lập Quang minh sám, lễ hội cử hành đến ngày mùng 5, sư bỗng nhóm đại chúng lại thuyết pháp. Thuyết pháp xong, sư niệm danh hiệu Phật A-di-đà mấy trăm tiếng, rồi an nhiên thị tịch.
Ghi chú:
Sư Tri Lễ soạn bộ Diệu tông sao, nói về tịnh quán, hoằng dương giáo pháp tông Thiên Thai, nhưng lúc mạng chung, ngồi niệm Phật mà thị tịch. Há giống với kẻ chỉ biết nói suông ư?
65. Đời Tống, Thích Hữu Nghiêm
Sư cư trú ở chùa Sùng Thiện, Xích Thành, Thai Châu, sư theo học giáo nghĩa Thiên Thai với ngài Thần Chiếu. Những năm gần cuối đời, sư dựng một thảo am dưới gốc cây Tra, nên gọi là Tra Am. Suốt đời chuyên tu tịnh nghiệp, sư có trứ tác Hoài an dưỡng cố hương thi, được lưu truyền đến bây giờ. Mùa hạ tháng 4, niên hiệu Kiến Trung Tĩnh Quốc thứ nhất (1101), trước lúc lâm chung, sư thấy trong ao báu có hoa sen lớn, nhạc trời từ bốn phương trỗi lên và sư làm bài thơ Tiễn quy Tịnh độ để dạy chúng. Bảy ngày sau, sư ngồi kiết-già thị tịch, trên đỉnh tháp của sư có ánh sáng như mặt trăng, chiếu sáng suốt ba đêm mới hết.
Ghi chú:
Thuở xưa, sư Pháp Tường có ánh sáng như gương hiện trên tường nhà, nay sư Hữu Nghiêm có ánh sáng như mặt trăng hiện trên đỉnh tháp; đây đều là điềm lành của những bậc có thân tâm trong sáng. Hoặc có vị hiện điềm lành ánh sáng chiếu khắp phòng; có vị hiện điềm lành ánh sáng màu vàng chiếu dài trên sông hàng trăm dặm. Ôi! Những việc như thế lẽ nào là giả sao!
66. Đời Tống, Thích Huệ Minh
Sư hiệu Hối Am, học đạo với ngài Tuệ Quang. Những năm cuối đời, sư ở lại chùa Thường Chiếu, Súc Sơn, chuyên tu tịnh nghiệp; mỗi ngày sư tụng kinh Pháp hoa, Lăng-nghiêm, Viên giác và niệm danh hiệu Phật A-di-đà vạn câu.
Vào mùa xuân, năm Kỉ Mùi niên hiệu Khánh Nguyên (1195), sư bị bệnh và gọi đệ tử lại dặn: “Ta học kinh Đại thừa, cầu sinh Tịnh độ, nay nguyện kia đã thành tựu”. Nói rồi, sư ngồi xếp bằng thị tịch. Lúc ấy, mọi người nghe có nhạc trời từ phía tây vọng lại, cứ vang mãi trên đầu; thiêu xong có vô số xá-lợi năm màu.
67. Đời Tông, Sư Tán
Sư người Ung Châu, là một vị xuất gia trẻ tuổi. Năm lên mười bốn tuổi, sư đã bắt đầu niệm Phật không dứt, bỗng nhiên sư bệnh nặng và qua đời. Một lát sau, sư sống lại, nói với thầy và cha mẹ: “Phật A-di-đà đã đến rồi, con theo Ngài đây”. Những người bên cạnh thấy trong hư không xuất hiện đài báu, có ánh sáng lạ năm màu; sư nhìn về hướng tây và thị tịch.
67. Đời Tùy, Hai vị Sa-Di
Ở Vấn Châu có hai vị sa-di đều chuyên tâm niệm Phật. Sau đó, vị sa-di lớn tuổi hơn đột ngột qua đời. Vị ấy sinh về Tịnh độ, gặp Đức Phật và hỏi:
- Bạch đức Thế Tôn! Có một vị sa-di trẻ tuổi cùng tu với con, có được sinh về cõi Tịnh độ hay không?
Đức Phật đáp:
- Nhờ người kia khuyên răn nên ông mới phát tâm; nay ông có thể trở về, siêng năng niệm Phật nhiều hơn, thì ba năm sau sẽ cùng sinh về Tịnh độ”.
Đến kì hạn, hai người đều thấy Phật đến, trời đất chấn động, hoa trời tung bay, hai người thị tịch cùng một lúc.
68. Đời Tống, Thích Liễu Nhiên
Sư hiệu Trí Dũng, ở chùa Bạch Liên được hai mươi bốn năm. Một đêm nọ, sư mộng thấy hai con rồng bay lượn đùa giỡn trên không trung, một con biến làm vị thần đến nói với sư: “Bảy ngày nữa sư sẽ vãng sinh”. Sau khi tỉnh dậy, sư nhóm chúng thuyết pháp. Sư nói, Đại thư ghi: “Nhờ sức niệm Phật mà được sinh về Cực lạc, tất cả mọi người nên siêng năng niệm Phật”. Nói xong, sư tắm rửa thay y phục và bảo mọi người tụng kinh A-di-đà, khi mọi người tụng đến đoạn “Tây phương thế giới”, bỗng nhiên sư thị tịch. Lúc ấy, những người trong chùa Năng Nhân đều nghe có tiếng nhạc trời và ánh sáng chiếu lên như ngọn đuốc, tỏa sáng cả bầu trời.
69. Đời Tống, Thích Tư Chiếu
Sư là nhà nghiên cứu tôn giáo, nhưng chuyên tâm tu tịnh nghiệp, mỗi đêm vào canh tư, sư thức dậy niệm danh hiệu Phật lớn tiếng, làm cho những tì-kheo lười biếng không được ngủ yên. Sư y theo bốn mươi tám lời nguyện của tì-kheo Pháp Tạng[66], tập hợp kẻ tăng người tục mở hội niệm Phật suốt ba mươi năm. Vào một ngày kia, sư mắc bệnh, nằm mộng thấy thân màu vàng một trượng sáu của Đức Phật, liền nhóm họp đại chúng niệm Phật. Bỗng dưng, sư cố sức niệm Phật cùng mọi người rồi đưa tay kiết ấn và ngồi thị tịch. Sau khi thiêu xong, răng và xâu chuỗi của sư không bị cháy.
70. Đời Tống, Thích Trí Liêm
Sư cư ngụ ở chùa Hóa Độ, Thượng Ngu, lúc trẻ sư đi khắp nơi tham học tất cả các tông phái, đến khi lớn tuổi, sư chuyên tâm niệm Phật cầu sinh Tây phương. Tháng 8 mùa thu, mới đổi niên hiệu Khánh Nguyên (1195), sư từ biệt chúng và nói: “Tôi mộng thấy Phật A-di-đà và thấy đại chúng vây quanh nghe Ngài thuyết pháp, Đức Phật dạy: “Này các thiện nhân! Các người phải chuyên tâm tu tịnh nghiệp cầu sinh về nước Ta”. Và tôi đã thấy được tướng tốt của Phật; nhất định tôi sẽ vãng sinh”.
Nói xong, sư làm bài kệ:
Nhạn bay ngang trời
Bóng in dưới nước
Không sinh không diệt
Hoa sen nước kia.
Viết xong bài kệ, sư quay người về hướng tây kiết ấn và thị tịch.
71. Đời Tống, Thích Trí Thâm
Sư hiệu Từ Xuyên, học ở Hải Nguyệt, sau đó trở về Gia Hòa mở Trưởng Đường cung cấp các thứ cần dùng cho mọi người suốt hai mươi năm để họ chuyên tâm niệm Phật. Sư thường lấy pháp môn tu tịnh nghiệp chỉ dạy mọi người; người được vãng sinh rất đông. Sau đó, bỗng nhiên sư phát bệnh, nhưng khách đến thăm hỏi, sư vẫn tiếp chuyện như ngày thường. Khi khách vừa ra khỏi cửa thì sư thị tịch. Có người thấy đám mây tía bay về hướng tây và biến mất.
72. Đời Tống, Thích Pháp Nhân
Sư cư trú tại chùa Quảng Thọ, Tây Minh, chuyên tâm niệm Phật cầu sinh Tịnh độ suốt ba mươi năm. Sau đó, sư có bệnh, tập họp đại chúng tụng kinh Quán Vô Lượng Thọ và niệm danh hiệu Phật A-di-đà, đến đêm thứ ba sư nói với chúng đệ tử: “Tôi sắp đi đây!”. Có người thỉnh sư để lại kệ tụng, sư viết:
Tôi với Di-đà vốn không hai
Hai và không hai thảy đều lìa
Tôi thấy Di-đà như thế ấy
Cảm ứng đạo giao khó nghĩ bàn.
Viết xong, sư gắng gượng dậy ngồi ngay thẳng và thị tịch.
Ghi chú:
Tâm ta niệm danh hiệu Phật A-di-đà thì nhất định vãng sinh về nước của Ngài. Tức dùng phàm tâm mà thấy được Phật tâm, thì việc sinh về nước của Phật đâu có gì khác! Đâu có gì khác nên lìa hai, rõ ràng nên lìa không hai, lìa hai nên không tìm cầu từ người khác, lìa không hai nên không ngại việc cầu sinh Tịnh độ. Lìa hai nên phàm tình dứt sạch, lìa không hai nên thánh giải đều quên. Như thế người thấy được Phật thì suốt ngày là Ta-bà, suốt ngày là Tịnh độ; niệm niệm Thích-ca ra đời, thời thời Di-lặc hạ sinh, ấy mới thật là người đã thấy được Phật Di-đà. Ngược lại, nếu không được như vậy thì hằng ngày tuy đối mặt, nhưng cách xa như mây trắng ở nghìn dặm.
73. Đời Tống, Thích Trí Tiên
Sư hiệu Chân Giáo, cư trú tại chùa Bạch Liên[67], giảng đạo suốt mười ba năm. Sư thường hướng về phương tây đỉnh lễ và niệm danh hiệu Phật A-di-đà, chưa từng xao lãng. Sư nhờ chư tăng ở Quán Đường tụng kinh A-di-đà, tụng chưa hết quyển thì sư đã thị tịch. Chư tăng ở chùa Năng Nhân[68] gần đó đều nghe tiếng nhạc trời vang vọng. Sáng sớm hôm sau, mọi người mới biết sư thị tịch.
74. Đời Tống, Thích Tông Lợi
Sư cư trú tại Bích Chiểu, Tân Thành, tu Niệm Phật tam-muội suốt mười năm. Về sau, sư vào núi Đạo Vị dựng một thảo am đặt tên là Nhất Tướng. Sư ở đó hơn mười năm. Một hôm, sư gọi đệ tử đến và nói: “Ba ngày liền tôi thấy hoa sen xanh khắp trên hư không”. Sư lại nói: “Đức Phật đến”. Nói rồi, sư làm bài kệ:
Tôi chín mươi tuổi đầu bạc trắng
Trên đời trăm tuổi mấy ai nào
Đạo nhân Nhất Tướng về chốn cũ
Đài vàng quét sạch, thoát càn khôn.
Nói xong, sư an nhiên thị tịch.
75. Đời Tống, Thích Tề Ngọc
Sư hiệu Tuệ Giác, lúc đầu sư trụ tại chùa Bảo Tạng, Sáp Xuyên và đã sáng lập hội Tịnh Độ ở đây. Sau đó, sư đến trụ tại Thượng Trúc. Một hôm, vào nửa đêm sư đến trước tượng Đức Phật A-di-đà đỉnh lễ và niệm danh hiệu Ngài. Một ngày kia, sư gọi vị thủ tọa đến nói: “Trước giường của tôi xuất hiện nhiều tháp báu, đó không phải là nguyện của tôi. Tôi muốn sinh về Tịnh độ thôi, ông có thể vì tôi mà nhóm họp đại chúng niệm Phật chứ!”. Vị thủ tọa liền thỉnh chuông, tăng chúng nhóm họp hơn trăm vị, sư nói: “Tôi đã thấy Phật”. Nói dứt lời, sư nhắm mắt ngồi ngay thẳng thị tịch.
Ghi chú:
Nhiều tháp báu cũng là nước Phật. Vì sao sư Tề Ngọc cho là không phải ý nguyện? Thuở xưa, hoàng hậu Vi-đề-hi xem khắp cõi Tịnh độ, nhưng chỉ cầu sinh An Dưỡng. Bởi vì không chuyên tu thì công đức không thành tựu; biết như thế mới bàn đến Tây phương.
76. Đời Tống, Thiền sư Viên Chiếu Bản
Sư Tông Bản người Vô Tích, Thường Châu. Ban đầu, sư theo tu học với thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài. Sư niệm Phật có chút tỉnh ngộ. Sau đó, sư dời về Tịnh Từ, phụng chiếu chỉ vào trụ trì chùa Tuệ Lâm ở Đông Kinh và sư được vua mời vào điện Diên Hòa để tuyên dương yếu chỉ Thiền. Hằng ngày, sư mật tu tịnh nghiệp. Pháp sư Lôi Phong Tài xuất thần đến Tịnh độ thấy một hoa sen rất đẹp, hỏi ra mới biết hoa sen này đợi thiền sư Tịnh Từ Bản sinh về. Lại có ngài Tư Phúc Hi đến chùa Tuệ Lâm đỉnh lễ sư và cúng vàng rồi đi. Mọi người hỏi nguyên do, sư nói: “Tôi ở trong định thấy hoa sen vàng”. Có người nói: “Là đợi sư Tịnh Từ Bản”. Lại có vô số hoa sen và có người nói: “Là đợi những người được sư độ”. Hoặc có những bông hoa bị héo. Có người nói: “Đó là những người đã thoái chí”. Có người xin sư truyền bí quyết làm sao để được nêu tên ở liên cảnh. Sư cười đáp: “Dù ở tại tông môn cũng nên chuyên tu Tịnh độ”. Về sau, sư ngồi ngay thẳng mà thị tịch. Sư được vua ban tên thụy là Viên Chiếu thiền sư.
Ghi chú:
Thuở xưa, ngài Trung Phong[69], Thiên Như[70] cho Thiền và Tịnh độ lý tuy là một nhưng dụng công thì không thể đồng thời. Ngày nay, có người nói: “Thiền, Tịnh song tu là thế nào?”. Bởi vì chữ “kiêm” có hai nghĩa: chữ kiêm có nghĩa là hai chân cùng lúc bước lên hai chiếc thuyền, thì thật không thể được. Chữ kiêm có nghĩa là viên thông không ngăn ngại thì có gì là không thể? Huống hồ, ngoài thiền không có Tịnh độ, thì Tịnh độ chính là tâm; vốn chẳng phải hai thứ. Sao lại gọi đó là “kiêm” được!
77. Đời Tống, thiền sư Đại Thông Bản
Sư Thiện Bản nhờ thi kinh Hoa nghiêm mà được xuất gia. Sư vâng chiếu vua đến trụ trì chùa Pháp Vân và được ban hiệu là Đại Thông. Sau đó, sư trở về chùa Tượng Ổ ở Hàng Châu chuyên tu tịnh nghiệp. Một hôm, trong lúc nhập định, sư thấy Phật A-di-đà hiện thân màu vàng. Sáng hôm sau, sư nói với đệ tử: “Tôi chỉ sống được ba ngày nữa thôi”. Đến thời gian đã định, sư ngồi ngay thẳng quay về hướng tây niệm Phật và thị tịch.
78. Đời Tống, luật sư Linh Chi Chiếu
Sư Nguyên Chiếu cư trú tại Linh Chi, truyền bá luật học, dốc lòng tu tịnh nghiệp, niệm Phật mãi không dừng. Một hôm, sư bảo đệ tử tụng kinh Quán Vô Lượng Thọ và phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện. Sư ngồi ngay thẳng thị tich. Lúc ấy, ngư dân ở Tây Hồ đều nghe trên hư không có tiếng nhạc.
79. Đời Tống, luật sư Thanh Chiếu
Sư Huệ Hanh trụ ở chùa Diên Thọ, Vũ Lâm. Ban đầu, sư theo luật sư Linh Chi học luật và chuyên tu tịnh nghiệp suốt mười sáu năm. Sư thường khuyên mọi người nên siêng năng niệm Phật. Sư xây bảo các, tôn trí tượng Tam thánh[71] rất đẹp. Bấy giờ, có người làm công quả tên Hữu Giang nằm mộng thấy tòa báu từ trên hư không bay xuống và nghe có tiếng nói: “Luật sư Huệ Hanh sẽ ngồi trên tòa này”. Bấy giờ, có cư sĩ Hữu Tôn ở Thích Xã biết trước giờ sắp chết nên đến từ biệt sư, rồi ông trở về nhà kiết ấn và qua đời. Sư đến đốt hương và trở về nói với đệ tử: “Hữu Tôn đã đi, ta cũng đi đây!”. Nói xong, sư tập hợp chúng niệm Phật và sư nói bài kệ:
Miệng luôn niệm Di-đà
Niệm niệm tưởng bạch hào
Giử tâm không lui sụt
Chắc chắn sinh An Dưỡng.
Nói kệ xong, sư ngồi ngay thẳng thị tịch. Sư được người đời sau suy tôn là Thanh Chiếu luật sư.
Ghi chú:
Sáu mươi năm chuyên tu tịnh nghiệp, lúc lâm chung hiện điềm lành, đâu có gì đáng nghi. Có người cậy sức lúc còn trẻ, gây nhiều tội lỗi nên không có được điềm lành vãng sinh Tịnh độ. Thật là lầm lạc biết bao!
80. Đời Tống, Thích Tư Mẫn
Sư từng thụ giới pháp với luật sư Linh Chi, chuyên tâm niệm Phật suốt hai mươi năm. Sau này mắc bệnh, sư thỉnh chúng tăng tụng kinh Quán Vô Lượng Thọ nửa tháng, nhưng mới tụng được ba ngày thì sư thấy hóa Phật khắp cả hư không. Lúc thị tịch sư niệm Phật, tiếng vang khắp bốn phương. Mặc dù thi thể được an trí trong khám giữa trời hè oi bức trải qua bảy ngày, nhưng vẫn không bị đổi màu, lại có hương thơm lan tỏa khắp hư không.
81. Đời Tống, Thích Hi Trạm
Sư người Sơn Âm. Lúc nhỏ, sư là một Nho sinh, bỗng nhàm chán đời sống thế tục, bỏ đi xuất gia. Sư cùng với tì-kheo Oánh xây dựng điện Vô Lượng Thọ Phật ở Nguyễn Đỗ và chuyên tu tịnh nghiệp. Sư không bao giờ ngồi quay lưng về phía tây. Sau đó, sư thường thấy Phật và hai vị bồ-tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí. Vào một đêm nọ, sư ngồi ngay thẳng quay mặt về phương tây kiết ấn niệm Phật và an nhiên thị tịch.
82. Đời Tùy, pháp sư Đăng
Sư thường giảng kinh Niết-bàn ở chùa Hưng Quốc, Tinh Châu. Những người đến nghe giảng, sư đều khuyên họ niệm Phật cầu vãng sinh. Sư thị tịch vào niên hiệu Khai Hoàng thứ mười hai (592). Lúc sư thị tịch có hương thơm lạ lan tỏa khắp hư không, đến lúc tẩn liệm có ánh sáng và mây thơm bủa khắp thôn làng.
83. Thích Tăng Nhai
Sư ở chùa Đa Bảo, Ích Châu, dốc lòng tu tịnh nghiệp, đốt năm ngón tay để cúng dường Tam thánh Tây phương.
Có người hỏi:
- Sư đau không?
Sư đáp:
- Tâm đã không đau, lẽ nào tay lại đau sao!
Đến lúc sư thị tịch hoa trời rải xuống như mưa. Mọi người thấy sư chia y bát, tích trượng cho năm sáu trăm tì-kheo rồi bay lên hư không ẩn mất.
84. Đời Tống, pháp sư Tăng Tạng
Sư người Phần Châu, suốt đời không nhận sự lễ bái của kẻ tăng người tục. Sư chuyên tu Tịnh độ. Lúc sư sắp thị tịch, có thiên chúng thứ lớp trỗi nhạc đến rước, nhưng sư không theo. Đến khi thấy Phật A-di-đà đến, sư mới từ biệt đại chúng và thị tịch.
85. Đời Tống, pháp sư Cô Sơn Viên
Sư Trí Viên cư ngụ tại Cô Sơn, Tây Hồ, thông hiểu các kinh, chuyên tâm niệm Phật cầu sinh Tịnh độ. Sư sớ giải bộ kinh A-di-đà và làm lời sao cho bộ Tây tư để khuyến khích mọi người phát tâm niệm Phật cầu sinh Tịnh độ. Khi sư thị tịch, đệ tử đem bình bát của sư hợp táng cùng thi thể. Mười lăm năm sau, do mưa lâu ngày núi lở, mộ của sư cũng bị quật lên khỏi lòng đất; người ta nhìn thấy bình bát và thi thể của sư chẳng những vẫn như xưa mà móng tay, chân và râu tóc dài ra thêm.
Ghi chú:
Danh tiếng của sư mãi về sau vẫn còn truyền tụng không ngớt, thế vì sao nói lâm chung không được vãng sinh? Cứ xét những điềm lành hiện ra khi sư lâm chung cũng quá đủ để chứng minh cho việc tu tập của sư rồi. Chính vì nghiệp lành kiên cố nên việc được vãng sinh là chắc chắn, đâu còn nghi ngờ gì nữa!
86. Đời Tống, Thích Nguyên Tịnh
Sư người đất Hàng, xuất gia lúc mười hai tuổi. Sau này, sư cư trú tại chùa Long Tỉnh. Thời bấy giờ, các bậc hiền tài như Triệu Thanh Hiến, Tô Văn Trung rất kính trọng sư. Lúc sắp thị tịch, sư vào am Phương Viên và nói với mọi người: “Bảy ngày nữa tôi rủ bỏ nợ trần, sở nguyện đã thành tựu”. Bảy ngày sau, sư nói kệ dạy đại chúng, rồi ngồi kiết-già thị tịch.
87. Đời Tống, Dụ Di-đà
Sư Tư Tịnh, hiệu Tịnh Độ Tử, họ Dụ, người Tiền Đường. Buổi sáng, sư hầu Anh pháp sư và giảng kinh Pháp hoa. Buổi chiều chuyên tâm niệm Phật. Những lúc rảnh rỗi, sư vẽ tượng Phật. Mỗi lần vẽ, sư vào tịnh thất yên tĩnh tập trung quán tưởng, đến khi nào thấy được ánh sáng của Phật A-di-đà mới đặt bút xuống vẽ.
Đến niên hiệu Thiệu Hưng, nhằm năm Đinh Tị (1137), sư ngồi ngay thẳng nhất tâm niệm Phật suốt bảy ngày và an nhiên thị tịch.
Ghi chú:
Trước khi vẽ tượng Phật đều quán tưởng Phật, có mấy người làm được việc như vậy! Bởi vì, có thể vẽ người có mặt người thân hổ chứ đâu thể vẽ người ở Tịnh độ! Như vậy, họa sĩ vẽ tượng Phật, vì sao không được vãng sinh?
Có người hỏi: “Có chắc người vào thất đều hoàn toàn thanh tịnh; quán tưởng đều hoàn toàn vắng lặng không? Huống gì họa sĩ vẽ ra muôn hình vạn trạng! Sư Dụ Di-đà cho đến lúc già chỉ quán Phật, vẽ Phật, chứ không vẽ bất cứ tranh ảnh gì khác. Việc vẽ Phật của sư đến nay vẫn còn lưu truyền chớ chẳng phải là những lời lẽ bịa đặt.
88. Thích Mông Nhuận
Sư tự Ngọc Cương, đắc pháp với thiền sư Cổ Nguyên. Những năm cuối đời, sư về ở am Bạch Liên trên đỉnh Phong Hoàng, đóng cửa niệm Phật. Lúc lâm chung có hóa Phật đến đón và hương thơm lạ phảng phất khắp phòng.
89. Đời Nguyên, Thích Vân Ốc
Sư Thiện Trụ, tự Vân Ốc, người đất Tô, bế quan ngày đêm sáu thời niệm Phật. Sau đó, sư mắc bệnh rất lâu mà không thuyên giảm. Khi sư thị tịch có hương thơm lạ phảng phất khắp phòng. Sư có soạn hai tác phẩm là: An Dưỡng tr uyện và Cốc hưởng tập được lưu truyền ở đời.
90. Đời Nguyên, Chỉ Quán Chủ
Sư tự Biệt Tông, người ở đất Hàng, giới đức cao vời. Sư dựng Quán Thất ở phía nam núi Long, chuyên tu Niệm Phật tam-muội. Mặc dầu, trong lúc chạy loạn, sư vẫn không quên niệm Phật. Một hôm, sư không có bệnh, sau khi tắm rửa sạch sẽ ngồi ngay thẳng và thị tịch. Trong tập Hành nghiệp của pháp sư Chi Vân Nhân có ghi rất rõ việc này.
91. Đời Tống, Thích Đàm Ý
Sư người Tiền Đường, làm nghề thầy thuốc, đến lúc tuổi già chuyên tu Niệm Phật tam-muội. Sư đem tiền của dành dụm được bấy lâu cúng Phật và thiết trai cúng dường chư tăng, tạo tượng, xây nhà tắm; sư làm như thế suốt hai mươi năm. Sau đó, sư bị bịnh nhẹ nhưng không dùng thuốc mà chỉ mời bảy vị tì-kheo đến niệm Phật. Niệm đến ngày thứ hai thì sư thấy hoa sen lớn như tòa nhà, sang ngày thứ ba thì thấy vị tì-kheo người Ấn Độ đến bên giường hỏi thăm. Đến lúc nửa đêm, mọi người nghe tiếng niệm Phật nhỏ dần và thấy Sư an nhiên thị tịch.
92. Đời Tống, Thích Thái Vi
Lúc nhỏ sư xuất gia với pháp sư Pháp An ở Tiền Đường. Thầy vừa trao cho sư quyển kinh A-di-đà, chẳng mấy chốc sư đã thuộc lòng. Đến khi thụ giới Cụ túc xong, sư chỉ đóng cửa niệm Phật, siêng năng không chút xao lãng. Sư thường đi dạo phía sau núi. Một hôm, bỗng sư nghe tiếng sáo liền hoát nhiên khai ngộ. Vì thế, sư luôn giữ bên mình một ống sáo để tự vui. Có một người tên Lăng Giám Bạc cũng chuyên tu tịnh nghiệp, ông ta gọi sư là Tịnh Độ hương trưởng. Một hôm, ông ta đến gõ cửa và thưa với sư:
- Tịnh Độ hương đệ muốn gặp Ngài.
Sư nói:
- Ngày mai sẽ gặp nhau ở Tịnh độ. Bấy giờ phải gấp rút niệm Phật thôi.
Sáng hôm sau, mọi người lấy làm lạ, vì không thấy sư đến khất thực. Họ cùng nhau đến xem thì thấy ống sáo, bình bát, ghế ngồi đều đã bị đốt cháy và sư ngồi kiết-già trên đất thị tịch.
Ghi chú:
Luôn giữ ống sáo bên mình để tự vui, vì thế người xưa tạm ghi lại và cho đó là nguyên nhân khiến sư tỏ ngộ. Từ đó, sư chỉ dùng ống sáo để làm Phật sự mà thôi. Thiền sư Câu-chi được công án “Thiền một ngón tay” của hòa thượng Thiên Long nên suốt đời chỉ đưa ngón tay để dạy người. Ngài Đoan thấy múa sư tử mà tâm bừng sáng nên thường mặc y năm màu. Ngoài ra, những kẻ đọc kinh Lăng-nghiêm sai lệch mà không chịu sửa đổi cách ngắt câu. Những hạng người này là bọn si mê, càn bướng. Đừng bắt chước theo họ.
93. Đời Tống, Thích Dụng Khâm
Sư trụ ở chùa Thất Bảo, thuộc Tiền Đường. Sư theo học luật với ngài Đại Trí. Một hôm, sư nghe ngài Đại Trí dạy chúng: “Sống thì hoằng truyền luật học, chết sinh về Cực lạc, người xuất gia học đạo phải làm như vậy mới gọi là tròn hạnh nguyện”. Sư liền phát tâm cầu sinh Tịnh độ, một lòng không thay đổi. Mỗi ngày sư niệm Phật ba vạn câu. Sư từng xuất thần đến cõi Tịnh độ, thấy Phật và bồ-tát có nhiều tướng lạ. Một hôm, sư gọi thị giả lại và bảo: “Ngày mai tôi về Tây phương”, rồi Sư nhóm chúng niệm Phật. Sáng sớm hôm sau, sư ngồi ngay thẳng chắp tay nhìn về phương tây và thị tịch.
94. Đời Tống, Cửu Pháp Hoa
Sư người Minh Châu, thường tụng kinh Pháp hoa và nguyện sinh về Tịnh độ, cho nên người đương thời gọi sư là Cửu Pháp Hoa. Vào niên hiệu Nguyên Hựu thứ tám (1093), năm ấy sư tròn tám mươi mốt tuổi, một hôm sư ngồi ngay thẳng mà thị tịch. Trải qua ba ngày, bỗng nhiên sư sống lại và nói với các đệ tử: “Tôi đã thấy cảnh Tịnh độ, giống như trong kinh nói, trên mỗi đài sen đều có ghi tên của những người sẽ vãng sinh. Một đài vàng ghi tên Huân Công tại viện Quảng Giáo ở phủ Thành Đô, một đài ghi tên Tôn Thập Nhị Lang ở Minh Châu; một đài ghi tên “Khả Cửu” và một đài bạc ghi tên Từ Đạo Cô ở Minh Châu. Nói dứt lời, sư lại thị tịch. Năm năm sau, Từ Đạo Cô qua đời, lúc ấy có hương thơm lạ phảng phất khắp phòng. Mười hai năm sau thì đến lượt Tôn Thập Nhị Lang qua đời, có nhạc trời từ trên không trung đến đón rước. Những gì xảy ra đều giống như lời của sư Khả Cửu đã nói.
Ghi chú:
Ghi tên trên hoa sen, có việc này là vì nhiều người đã chứng kiến. Là giả sao! Là thật sao! Ôi! Dùng huyễn tâm niệm huyễn Phật; lấy huyễn hoa ghi huyễn danh, cho đến được thụ kí thành Phật; thế thì có cái gì chẳng phải huyễn? Tôi đây cũng huyễn sinh vậy! Như thế, vì sao phải bàn luận là giả hay thật!
95. Đời Nguyên, Thích Tổ Huy
Sư trụ ở Thành Phật Các thuộc quận Tứ Minh, khi gặp bất cứ ai cũng chỉ nói câu: “A-di-đà Phật thuyết diệc thuyết bất đắc”. Vì thế, người đương thời gọi sư là “Thuyết Bất Đắc hòa thượng”. Bấy giờ, vợ chồng huyện ủy huyện Ngân là Vương Dụng Hưởng rất sùng kính sư. Một hôm, sư đến nhà từ biệt vợ chồng họ và nói: “Ngày mai tôi đi”. Sáng hôm sau, mọi người nhóm họp đông đủ, sư vào điện Phật ngồi ngay thẳng và nói muốn ăn dưa chín. Sau khi ăn hết trái dưa, sư niệm Phật và thị tịch.
96. Đời Minh, Thích Sở Kì
Sư người ở đất Thục, dốc lòng tin về Tây phương. Một hôm, sư đến Yên Kinh (Bắc Kinh), tình cờ nghe được tiếng trống trên lầu, bỗng nhiên đại ngộ. Đầu niên hiệu Hồng Vũ thứ ba (1371), sư phụng chiếu đến kinh đô thuyết pháp, nhà vua rất vui. Về sau, sư xây một cái thất đặt tên là Tây Trai và chuyên tâm tu tịnh nghiệp. Sư từng thấy hoa sen lớn đầy cả thế giới, Đức Phật A-di-đà ngồi trên hoa sen và có các bậc thánh giả ngồi xung quanh. Trước khi thị tịch, sư làm bài kệ dạy chúng và nói: “Tôi đi đây!” Có người hỏi:
- Thầy đi đâu?
Sư đáp:
- Về Tây phương.
Có người lại hỏi:
- Tây phương có Phật, đông phương không có Phật sao?
Sư hét lớn một tiếng rồi an nhiên thị tịch.
97. Đời Minh, Thích Bảo Châu
Sư thường qua lại vùng Gia Hòa và quận Hàng, dù mùa hạ hay mùa đông, sư cũng chỉ mặc một y. Sư khất thực để sống, không ngủ một nơi nào cố định. Hằng ngày sư chỉ niệm Phật mãi không ngớt. Nếu có ai gọi sư mới trả lời, rồi tiếp tục niệm Phật; sư không bao giờ nói lời vô bổ. Sau đó, ở chùa Hải Môn bỗng xuất hiện một người giống như kẻ điên, ở lại trong chùa hơn nửa tháng, bị chư tăng quở trách: “Những gì ông làm hằng ngày nên làm gương cho người đời, vì sao ông lại như thế?” Sư nói: “Nói như vậy thì tôi đi đây!”. Sau khi tắm xong, sư an nhiên đứng mà thị tịch.
Tổng Luận
Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói có ba bậc vãng sinh. Trong đó, bậc thượng dành cho người bỏ nhà, lìa xa đời sống thế tục làm sa-môn, một mực chuyên tâm niệm danh hiệu Phật A-di-đà. Bỏ nhà, lìa xa đời sống thế tục là thân xuất gia. Một mực chuyên tâm niệm Phật là tâm xuất gia. Thân tâm đều thanh tịnh, lo gì không được vãng sinh Tịnh độ!
Có tì-kheo ngông cuồng tự cho rằng: “Chỉ có hai chúng tại gia mới được tiếp dẫn vãng sinh Tịnh độ, ta là sa-môn, vì sao bị xem thường như thế!”. Hoặc có người nói: “Chỉ có những vị căn tính chậm lụt trong hàng tăng lữ mới được tiếp dẫn vãng sinh Tịnh độ, ta thông pháp, ngộ tông, vì sao bị xem thường như thế!”
Ôi! Những kẻ ngông cuồng ấy, chẳng những xa lìa chư Tổ mà còn cách biệt các bậc trưởng lão. Có người truyền bá kinh pháp, tiếng tăm chấn động trời người; có người nắm giữ tâm ấn Tổ sư làm cho đạo pháp lưu truyền mãi muôn đời. Những người chẳng biết gì về tông và giáo, chẳng phải sa-môn. Ngoài những kẻ không biết gì về Tịnh độ, chẳng có tông và giáo, chẳng phải sa-môn, ta đều cho đó là hạng người ngông cuồng.
Quyển 1 Hết


Chú thích:
[1] Vãng sinh tập往生集: tác phẩm, 3 quyển, do ngài Châu Hoằng soạn vào đời Minh, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 51. Nội dung tác phẩm này là gôm chép tên tuổi những vị vãng sinh Tây phương người Trung Quốc và Ấn Độ.
[2] Phật thừa 一乘 (S: ekayāna): Nhất thừa.
[3] Tam thừa 三乘 (S: Trini tayāna): ba xe, dụ cho ba pháp môn chuyên chở chúng sinh vượt qua sinh tử đến bờ Niết-bàn. Đó là: Thinh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ-tát thừa.
[4] Trung Phong中峰: tức là quốc sư Phổ Ứng (1263-1323) ở núi Thiên Mục, tên Minh Bản, hiệu Trung Phong, quê Tiền Đường, đệ tử thiền sư Cao Phong Nguyên Diệu.
[5] Vô sinh 無生: thật tướng không sinh diệt của tất cả các pháp. Tất cả các pháp tồn tại không thật thể, là không, cho nên không thế nói là sinh diệt, biến hóa.
[6] Tam giới 三界: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.
[7] Sáu đường 六道: sáu đường thụ sinh tùy theo nghiệp lực của chúng sinh. Đó là: Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh, A-tu-la, Nhân, Thiên.
[8] Chín phẩm 九品: chín bậc: Thượng thượng, thượng trung, thượng hạ; Trung thượng, trung trung, trung hạ và Hạ thượng, hạ trung, hạ hạ.
[9] Châu Hoằng 珠宏: cao tăng Trung Quốc, người Hàng Châu, họ Thẩm, tự là Phật Huệ, hiệu Liên Trì. Thuở nhỏ Sư theo Nho học, đến tuổi trung niên quy y Phật giáo. Sư xuất gia với ngài Vô Môn Tính Thiên ở Tây Sơn, thụ giới Cụ túc với ngài Vô Trần ở Chiêu Khánh, và đi tham học khắp bốn phương. Năm 1571, Sư đến trụ tại một ngôi chùa hoang trong núi Vân Thê, Hàng Châu; Sư tinh tiến tu hành niệm Phật tam muội, giáo hóa kẻ xa gần, người đến học rất đông đảo khiến chùa này dần dần trở nên hưng thịnh. Sư chủ trương tu Tịnh độ, cật lực bài xích kẻ cuồng thiền và ra sức xiên dương Thiền Tịnh song tu. Vì thế, đạo phong của Sư ngày càng lan xa. Cuối đời khi phát bệnh, Sư càng siêng năng tu tịnh nghiệp, soạn 32 đìều bất tường để cảnh tỉnh mình và người, Sư viết ba điều đáng tiếc, mười điều đáng khen để sách tiến đồ chúng. Năm 1612, Sư thị tịch, thọ 81 tuổi.
[10] Sáu kinh 六經: Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc, Xuân Thu.
[11] Đạo An 道安: cao tăng Trung Quốc, sống vào thời Đông Tấn, họ Vệ, người Phù Liễu, Thường Sơn Chính Định, tỉnh Hà Bắc. Sư xuất gia năm mười hai tuổi, thông minh hơn người. Sư nghiên cứu học tập kinh luận, tinh thông kinh A-hàm, A-tì-đạt-ma, kiến thức siêu quần, nối pháp ngài Phật Đồ Trừng. Về sau, phương bắc loạn lạc, sư cùng thầy lần lượt đi lấn nạn khắp nơi, rồi ở lại Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc thuyết giảng giáo hóa mười lăm năm. Sau này, vua Phù Kiên nghe danh sư, liền đem quân vây đánh Tương Dương, thỉnh sư về trụ chùa Ngũ Trùng tại Trường An, tôn làm thầy. Sư chỉnh đốn lại những kinh luận dịch ra chữ Hán, biên soạn thành bộ Tổng lí chúng kinh mục lục. Ngoài ra, sư còn dốc sức phiên dịch kinh điển, viết lời tựa và chú thích các kinh, tổng cộng được hai mươi hai bộ, chia phần giải thích kinh điển ra làm phần tựa, phần chính tông và phần lưu thông. Sư còn chế lập nhiều nghi thức tăng đoàn, hành qua, lễ sám v.v… và định lấy họ Thích làm họ chư tăng. Sư thị tịch vào năm 385.
[12] Lô Sơn 廬山: núi ở huyện Cửu Giang, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Phía bắc giáp Trường Giang, phía đông giáp hồ Phàn Dương. Đây là một thánh địa mà cao tăng nhiều đời về kết am, lập chùa, hoằng dương tông phong cực thịnh.
[13] Huệ Vĩnh 慧永: cao tăng Trung Quốc, sống vào đời Tấn, họ Phan, người Hà Nội (Hà Nam). Sư xuất gia năm mười hai tuổi, thờ ngài Trúc Đàm Hiện làm thầy, sau đó sư cùng Huệ Viễn thụ học với ngài Đạo An. Khoảng năm 376 – 396, sư đến Tầm Dương, được người đất Quận thỉnh trụ trì chùa Tây Lâm ở Lô Sơn. Sư thường xem kinh điển, giỏi giảng thuyết. Năm 414, sư bị bệnh nặng, nhưng vẫn giữ gìn giới luật, không chút giải đải, trước khi thị tịch, sư vén y chắp tay nói với đồ chúng: “Phật đã đến”, rồi an nhiên thị tịch, hưởng thụ 83 tuổi.
[14] Phật-đà-gia-xá 佛陀耶舍 (S: Buddhayaśas): cao tăng, người nước Kế Tân, thuộc miền bắc Ấn Độ, sang Trung Quốc dịch kinh vào đời Đông Tấn, là thầy của ngài Cưu-ma-la-thập. Sư xuất gia năm mười ba tuổi, năm hai mươi bảy tuổi mới thụ giới cụ túc. Sư siêng năng đọc tụng kinh điển, thông suốt cả Tiểu thừa lẫn Đại thừa. Năm 408, sư đáp lời thỉnh cầu của ngài La-thập, đến Trương An hỗ trợ ngài La-thập dịch kinh Thập trụ, Tứ phần Tăng giới bản, luật Tứ phần. Sư cùng ngài Trúc Phật Niệm dịch kinh Trường A-hàm, ngài Đạo Hàm bút thụ. Sau, sư trở về nước Kế Tân dịch kinh Hư không tạng (1 quyển), gởi khách buôn mang đến cho chư tăng ở Lương Châu. Vì sư có râu đỏ, lại khéo dịch luận Tì-bà-sa, nên người đời gọi sư là Xích Ti Tì-bà-sa.
[15] Huệ Trì 慧持: cao tăng Trung Quốc, sống vào thời Đông Tấn, họ Giả, là em của ngài Lô Sơn Huệ Viễn, người Lâu Phiền, Nhạn Môn, huyện Kinh, Sơn Tây. Lúc nhỏ Sư thông minh mẫn tiệp, làu thông kinh sử, có tài văn chương. Năm mười tám tuổi, sư cùng anh đỉnh lễ ngài Đạo An cầu xuất gia, học thông Tam tạng và ngoại điển. Sau, sư cùng ngài Huệ Viễn đến Lô Sơn. Năm 399, sư đến Ba Thục, tham quan thắng cảnh Nga Mi, rồi trụ tại tịnh xá Long Uyên, hoằng truyền Phật pháp. Lúc sắp lâm chung, sư dặn dò đệ tử (Đại 50, 362 thượng): “Kinh dạy: Giới như ruộng tốt, thiện pháp từ đây sinh; trong các oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, các ông nên cẩn thận”. Sư thị tịch năm 412, thụ 76 tuổi.
[16] Lưu Di Dân 劉遺民: cư sĩ Phật giáo Trung Quốc, thuộc tông Tịnh Độ, sống vào đời Đông Tấn, người Bành Thành (huyện Đông Sơn, tỉnh Giang Tô), tên Trình Chi, tự Trọng Ân. Lúc đầu, ông làm Phú Tham quân, rồi Huyện lệnh ở Nghi Xương, Sài Tang. Sau đó, ông vào Lô Sơn thờ ngài Huệ Viễn làm thầy, cất một thất riêng trong núi chuyên tu Thiền pháp suốt mười lăm năm, nhiều lần cảm hào quang của Phật. Ông cùng với ngài Huệ Viễn kết Bạch Liên xã ở chùa Đông Lâm, thệ nguyện vãng sinh Tịnh độ, làm Lô Sơn Bạch Liên Xã Thệ Văn (được đưa và Lạc Bang Văn loại 2) đến nay vẫn còn truyền tụng. Mùa đông năm 410, ông biết trước giờ lâm chung nên đốt hương, lễ Phật, ngồi ngay thẳng xoay mặt về hướng Tây mà vãng sinh, hưởng dương 59 tuổi.
[17] Cưu-ma-la-thập 鳩磨羅什 (S: Kumârajiva): cao tăng Trung Quốc, sống vào đời Đông Tấn, người nước Qui Tư (Khasa, Tân Cương), là một trong bốn nhà dịch kinh lớn. Cha mẹ sư là người có đức hạnh, sau đều xuất gia theo đạo Phật. Sư thông minh từ thuở bế, bảy tuổi xin mẹ vào đạo. Sau sư đến Thiên Trúc, tham học khắp các bậc danh túc. Sư học rộng nhớ dai, tiếng tốt vang khắp năm xứ Thiên Trúc. Khi trở về nước, sư được vua tôn làm thầy. Từ tháng 4 năm Quí Mão (403), sư lần lượt dịch các kinh, luận như: Trung luận, Bách luận, Thập nhi môn luận (3 bộ này gọi chung là Tam Luận)…. Sư ở Trường An được mười hai năm thì thị tịch, hưởng thụ 70 tuổi.
[18] Bạch Liên xã 白蓮社: hội đoàn Bạch Liên lấy sự niệm Phật làm tôn chỉ tu hành, bắt nguồn từ việc lập hội niệm Phật của ngài Huệ Viễn đời Đông Tấn. Tháng 7 năm 402, có 123 người, gồm các vị Huệ Vĩnh, Huệ Trì, Đạo Sâm, Lưu Di Dân, Tông Bính, Lôi Thứ Tông… cùng nhau thiết trai trước tượng Phật Vô Lượng Thụ thờ ở đài Bát-nhã chùa Đông Lâm, đồng thệ nguyện lập hội Niệm Phật chuyên tu niệm Phật Tam-muội để cầu vãng sinh Tây phương. Do ao trong chùa có trồng nhiều hoa sen trắng, hơn nữa, hội lại nguyện cầu sinh về hoa sen nên hội lấy tên là Bạch Liên xã.
[19] Lang Da瑯琊: tên đất, thuộc phần phía tây của tỉnh Sơn Đông; cũng là tên của một ngọn núi ở phía tây tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
[20] Phật-đà-bạt-đà-la佛馱跋陀羅 (S: Buddhabhadra): (359-429) cao tăng Ấn Độ, sống vào thế kỉ V, người ở thành Na-ha-lợi, họ Thích, là con cháu của vàu Cam Lộ Phạn ở thành Ca-tì-la-vệ, người đời gọi là Thiên Trúc thiền sư.
[21] Ca-duy-vệ迦維衛 (S: kapilavastu): Cg: Ca-tỳ-la-vệ: đô thành nơi đức Phật đản sinh và cũng là vương quốc của dòng họ Thích-ca, nay là Tilorakot, Ta-rai, Nepal. Theo truyền thuyết, thỉ tổ của phái Số luận là tiên nhân Ca-tỳ-la cũng ở xứ này nên lấy tên ông đặt tên nước. Thành Ca-tỳ-la-vệ bị vua Tỳ-lưu-ly nước Kiều-tất-la phá hủy nên điêu tàn. Năm 1895, các nhà khảo cổ tìm thấy phế tích thành Ca-tỳ-la-vệ gần làng Ruminide.
[22] Kinh Quán Phật tam-muội 觀佛三昧經 (S: Buddha-dhyāna-samādhisāgara-sūtra): Cg: Quán Phật tam-muội Hải kinh: kinh 10 quyển, 12 phẩm, do ngài Phật-đà-bạt-đà-la dịch vào đời Đông Tấn, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 15. Nội dung kinh này nói về việc Đức Phật thuyết pháp để độ cho Phụ vương là Duyệt-đầu-đàn và Di mẫu là Kiều-đàm-di tại rừng Ni-câu-lâu-đà, thành Ca-tỳ-la-vệ, Ngài dạy trụ Quán Phật Tam-muội, đồng thời cho rằng Tam-muội này có công đức sâu rộng, có năng lực đưa đến giải thoát.
[23] Tứ đại 四大: bốn yếu tố tạo thành vật chất, gồm có: địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại.
[24] Ngũ trược 五濁: năm thứ cặn đục khởi lên trong Kiếp giảm. đó là: kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sinh trược, mạng trược.
[25] Kinh A-di-đà 阿彌陀經: gồm 1 quyển, do ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào thời Dao Tần, Trung Quốc. Nội dung kinh nói về cõi Cực lạc phương tây trang nghiêm thù thắng, đồng thời khuyên người niệm danh hiệu Phật A-di-đà cầu vãng sanh. Đây là một trong ba bộ kinh quan trọng của giáo nghĩa Tịnh độ.
[26] Kinh Hoa nghiêm華嚴經 (S: Buddhàvatamsaka-mahãvaipulya): bộ kinh trộng yếu của Phật giáo Đại thừa, cũng là pháp môn tự nội chứng mà Như Lai tuyên thuyết cho các Bồ-tát thượng vị như bồ-tát Văn-thù, bồ-tát Phổ Hiền, sau khi Ngài thành đạo dưới cội Bồ-đề.
[27] Kinh Niết-bàn涅槃經 (S: Mahã-parinirvãna-Sũtra): kinh, bốn mươi quyển, do ngài Đàm Vô Sấm dịch vào năm 412 đời Bắc Lương, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 12. Nội dung kinh này giảng thuyết về giáo nghĩa Như Lai thường trụ, chúng sinh đều có Phật tính, hạng Xiển-đề thành Phật…
[28] Thập địa kinh luận十地經論: luận, mười hai quyển, do ngài Thế Thân người Ấn Độ soạn, ngài Bồ-đề-lưu-chi, Lặc-na-ma-đề dịch vào đời Bắc Ngụy, được xếp vào Đại chính tạng, tập 26. Nội dung giải thích các giai vị tu hành của bồ-tát, cho rằng mười địa dung nhiếp tất cả thiện pháp; trong đó, ba địa đầu nói về thiện pháp thế gian, bốn địa kế nói về tướng trạng tu hành của Tam thừa, ba địa cuối cùng nói về giáo pháp Nhất thừa.
[29] Quyền giáo và Thật giáo權教,實教: Quyền giáo chỉ cho giáo pháp quyền biến phương tiện chưa liễu nghĩa. Thật giáo là giáo pháp chân thật rốt ráo liễu nghĩa.
[30] Đào Ẩn Cư陶隱居: hiệu của Đào Hoằng Cảnh, vì ông ẩn cư ở Giang Nam.
[31] Sáu đường (Lục đạo 六道): thiên, nhân, a-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
[32] Xe lửa火車: đây là một thuật ngữ của Phật giáo. Xe lửa là loại xe chở tội nhân vào địa ngục, xe này tự phát ra lửa, trên xe có quỷ tốt áp giải tội nhân.
[33] Lục căn thanh tịnh六根清淨: sáu căn thanh tịnh không bị nhiễm ô. Tông Thiên Thai nói giai vị Thập tín, trong Biệt giáo gọi là Lục căn thanh tịnh.
[34] Giáo quán教觀 (Thuậtngữ): tức giáo tướng và quán tâm. Giáo tướng là là giáo pháp suốt một đời của đức Thích-ca, mà mình phân tích, phán đoán theo tông nghĩa. Quán tâm là quan niệm về chân lí do tông phái mình lập ra. Như tông Thiên Thai lấy Ngũ thời bát giáo làm Giáo tướng, lấy Nhất tâm tam quán làm Quán tâm.
[35] Con trĩ雉: là một giống gà hoang hay còn chỉ cho gà rừng.
[36] Đột-kiết-la突吉羅 (S: duṣkṛta): tên tội trong giới luật, tức những tội nhẹ như ác tác, ác thuyết. Là 1 trong 5 thiên, 1 trong 6 tụ giới. Trong 250 giới tì-kheo, tội này bao gồm 2 giới bất định, 100 giới chúng học, 7 giới diệt tránh.
[37] Tà kiến邪見 (S: Mithyā-dṛṣṭi): thấy biết sai lầm, chủ yếu chỉ cho hạng người phủ nhận đạo lí nhân quả tứ đế.
[38] Liễu Hạ Huệ柳下惠: là một quan đại phu nước Lỗ thời Xuân Thu. Tưong truyền rằng vào một đêm giá rét khủng khiếp có một cô gái bị lạnh đến xin tá túc nhà ông, vì cứu cô gái ông ta ôm cô gái ngủ suốt đêm nhưng không khởi dục tình.
[39] Pháp sư Ngũ Hội 五會法師: tức là sư Pháp Chiếu.
[40] Mạt pháp末法 (S: saddharma-vipralopa): thời đại Phật pháp suy đồi, 1 trong 3 thời kì Chính, Tượng và Mạt pháp.
[41] Nhất thiết chủng trí一切種智 (S. sarvathā-jñāna): trí tuệ chỉ có Phật mới chứng được. Tức là dùng một loại trí tuệ mà biết nhân chủng của tất cả các pháp và tất cả chúng sinh, đồng thời cũng là trí thấu suốt tướng tịch diệt và hạnh loại sai biệt của các pháp.Một trong ba trí.
[42] Ngũ hội niệm Phật五會念佛: năm hội niệm Phật được phân biệt theo âm điệu cao thấp và nhịp phách nhanh chậm. Nghi thức niệm Phật này do ngài Pháp Chiếu mô phỏng theo sự diễn tả “Gió thổi cây báu phát ra năm thứ âm thanh” mà lập ra làm cho kẻ đạo người đời ham thích cõi Tịnh độ. Năm hội niệm Phật này có tác dụng; trừ 5 khổ, dứt 5 cái, đoạn 5 đường, thanh tịnh 5 nhãn, đầy đủ 5 căn, thành tựu 5 lực, chứng Bồ-đề, đầy đủ 5 giải thoát, có thể mau chóng thành tựu 5 phần pháp thân…
[43] Pháp sư Đài Nham Khang 臺岩康法師: tức sư Thiếu Khang.
[44] Kinh Pháp hoa法華經, Cg: Diệu pháp liên hoa kinh: kinh, 7 quyển hoặc 8 quyển, gồm 28 phẩm, do ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào đời Hậu Tần, được xếp vào Đại chính tạng, tập 9. Nội dung chủ yếu là khai thị cho chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến, tức đề xướng thuyết Tam thừa qui nhất Phật thừa. Kinh này dung hòa kiến giải Tiểi thừa và Đại thừa, dùng nhiều phương tiện để hiển bày giáo pháp vi diệu của Đức Phật.
[45] Kinh Lăng-nghiêm楞嚴經: Gđ: Đại Phật đỉnh Như Lai mật nhân tu chứng liễu nghĩa chư Bồ-tát vạn hạnh thủ Lăng-nghiêm kinh. Kinh 10 quyển, do ngài Bát-thích-mật-đế, người Thiên Trúc dịch vào đời Đường, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 19. Nội dung kinh này ban đầu thuật chuyện ngài A-nan bị dâm thuật làm hại, liền sai ngài Văn-thù-sư-lợi dùng thần chú đến hộ trì.
[46] Chùa Bạch Mã白馬寺: chùa ở phía đông huyện Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, được xây dựng vào năm 75 triều đại vua Minh Đế đời Đông Hán.
[47] Núi Ô Long (Ô Long sơn 烏龍山): núi ở cách thành Nghiêm Châu (nay là huyện Kiến Đức, tỉnh Chiết Giang), Trung Quốc 3 km về phía bắc. Vào năm 794, pháp sư Thiếu Khang, một trong năm vị tổ Tịnh độ, từng vào núi này lập đạo tràng Tịnh độ, nổi tiếng ở đời.
[48] Diêm-phù-đề閻浮提 (S. Jambu-dvīpa): cõi nước có trồng nhiều cây Diêm-phù và sản xuất ra vàng Diêm-phù-đàn. Diêm-phù-đề vốn chỉ cho Ấn Độ, về sau chỉ chu8ng cho thế giới nhân gian.
[49] Tam luân đại kinh三輪大經 : tức là kinh của ba thời giáo: A-hàm, Bát-nhã, Pháp hoa.
[50] Kinh Vu-lan bồn盂蘭盆經(S: Ullambana-sūtra): kinh 1 quyển, do ngài Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn, Trung Quốc, là kinh điển thuộc Phương Đẳng bộ, được xếp vào Đại chính tạng, tập 16. Nội dung kinh này, đại đệ tử của Phật là Mục-kiền-liên vì bất nhẫn khi thấy mẹ bị đọa vào đường ngạ quỉ, chịu khổ, nên ngài thưa hỏi Phật các giải cứu, Phật dạy ngày rằm tháng 7 là ngày chúng tăng Tự tứ, hãy dùng thức uống ăn ngon quí, ngũ quả cúng dường Phật tăng trong 10 phương thì mẹ ông sẽ được thoát li khổ nạn.
[51] Hoài Ngọc懷玉: cao tăng Trung Quốc, thuộc tông Tịnh độ, sống vào đời Đường, họ Cao, người Đan Châu (Ninh Hải, tỉnh Chiết Giang). Sư ở chùa Dũng Tuyền, Thái Châu (Lâm Hải, tỉnh Chiết Giang), giữ gìn giới luật rất nghiêm minh. Sư tụng kinh A-di-đà 30 vạn lần, mỗi ngày niệm danh hiệu Phật năm vạn tiếng, ngày mùng 9 tháng 6 năm 742, sư nằm mộng thấy Thánh tượng cõi Tây phương, biết mạng chung, sư liền viết bài kệ:
“Thanh tịnh trong sáng không bụi nhơ.
Hoa sen thượng phẩm là cha mẹ
Tôi nay tu hành trải nhiều kiếp
Hiện ở Diêm-phù nhàm các khổ
Một đời khổ hạnh vượt mười kiếp
Xa hẳn Ta-bà về Tịnh độ”.
Viết kệ xong, sư thị tịch. Quan Thái Thú là Đoàn Hoài Nhiên làm kệ ngợi khen và an táng sư rất trọng hậu.
[52] Trời Đâu-suất-đà兜率陀天: cõi trời thứ tư trong sáu tầng trời cõi Dục, rộng tám vạn do tuần, vị trí ở giữa trời Dạ-ma và trời Lạc Biến Hóa, cách trời Dạ-ma mười sáu vạn do tuần. Tuổi thọ của chư thiên ở cõi trời này khoảng 4.000 năm, mộ ngày một đêm ở đây tương đương với 400 năm ở nhân gian.
[53] Vô lượng thọ quán kinh無量壽觀經. Cg: Quán Vô Lượng Thọ kinh: kinh 1 quyển, do ngài Cương-lương-da-xá dịch vào đời Lưu Tống, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 12. Nội dung kinh này thuật lại việc Đức Phật nhận lời thỉnh của của phu nhân Vi-đề-hi, thị hiện Tịnh độ Tây phương Cực Lạc, đồng thời nói tu Tam phước, Thập lục quán là pháp để được vãng sinh.
[54] Hạnh Đầu-đà頭陀行( S: dhūta-guṇa): khổ hạnh tu tập để để dứt bỏ sự tham trước y phục, ăn uống, chỗ ở v.v… ngõ hầu điều phục thân tâm.
[55] Bát-chu Tam-muội般舟三昧 (S: Pratyutpannasamādhi): một loại chính định thành tựu nhờ thực hiện pháp môn tu tập vừa đi vừa niệm Phật vừa quán tưởng. Thực hành Tam-muội này trong khoảng thời hạn qui định (7-90 ngày) thì sẽ thấy được chư Phật.
[56] Chùa Đại Hưng Quốc大興國寺: chùa ở huyện Đại Lệ, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, là một trong những ngôi chùa Đại Hưng Quốc ở bốn mươi lăm châu được kiến tạo trong thời gian Tùy Văn Đế trùng hưng Phật pháp.
[57] Phạm hạnh梵行 (S: brahma-caryā): hạnh thanh tịnh của người xuất gia, tại gia tu tập.
[58] Quán mặt trời lặn ở hướng tây: theo pháp quán đầu tiên trong kinh Quán Vô Lượng Thọ.
[59] Ba nghiệp (Tam nghiệp 三業, S: trīṇi karmāṇi): thân, khẩu, ý.
[60] Bốn oai nghi (Tứ oai nghi 四威儀, S: catur-vidhā īryā-pathāḥ): bốn oai nghi: đi, đứng, năm, ngồi. Đây là phép tắc mà tì-kheo, tì-kheo-ni phải tuân giữ, tức là những công tác đi, đứng, nằm, ngồi hang ngày phải nghiêm cẩn, không được buông lung và giải đãi để giữ gìn sự nghiêm túc và trang trọng.
[61] Tứ độ四土: bốn cõi Phật theo chủ trương của ngài Trí Khải thuộc tông Thiên Thai. 1. Phàm thánh đồng cư độ; 2. Phương tiện hữu dư độ; 3. Thật báo vô chướng ngại độ; 4. Thường tịch quang độ.
[62] Tam quán三觀: Không quán, Giả quán và Trung quán của tông Thiên Thai lập ra.
[63] Tuyển Phật đồ選佛圖: bức họa du hí được vẽ theo lí chuyển mê khai ngộ bằng cách danh tướng của Phật giáo.
[64] Pháp giới quán法界觀: pháp quán về chân lí của pháp giới do ngài Đỗ Thuận, sư tổ của tông Hoa Nghiêm lập ra. Pháp quán gồm có ba lớp: 1. Chân không quán: Quán pháp giới vốn không có thật tính, sắc tức là không, không tức là sắc, không vắc không ngăn ngại nhau, pháp quán này tương đương với Pháp giới quán. 2. Sư vô ngại quán: Quán sự pháp sai biệt và lí tính bình đẳng mà tồn tại một cách hiển nhiên, hai thứ ấy tương tức tương nhập, viên dung vô ngại hòa hợp nhau. Pháp quán này tương đương với Lí sự vô ngại pháp giới. 3. Châu biến hàm dụng quán: Quán tát cả mọi sự mọi vật dung nhiếp lẫn nhau, tự tại vô ngại. Pháp quán này tương đương với sự sự vô ngại pháp giới.
[65] Nhất tâm tam quán一心三觀: trong một niệm tâm mà viên tu ba quán Không, Giả, Trung nhất tâm chi tâm năng quán; Tam quán là Không quán, Giả quán, Trung quán. Biết rõ một tâm niệm vốn bất khả đắc bất khả thuyết mà trong nhất tâm tu cả ba quán: Không, Giả, Trung nên gọi là Nhất tâm tam quán. Đây là phép quán của tông Thiên Thai.
[66] Tì-kheo Pháp Tạng法藏比丘 (S: Bhikṣu Dharmakara): tiền thân của Phật A-di-đà.
[67] Chùa Bạch Liên白蓮寺: chùa ở phía tây huyện Thanh Phố, Giang Tô, phía nam huyện Côn Sơn, bên cạnh hồ Điện Sơn ở núi Điện, Trung Quốc. Khoảng năm 1163-1164, đời Tống, chùa này được sư Tử Nguyên lập, ban đầu chùa có tên là Bạch Liên Quán Đường, tứ chúng đệ tử trong chùa được Sư hướng dẫn tu pháp môn Thập lục quán để cầu sinh Tịnh độ, do đó chùa còn có tên Bạch Liên sám đường. Khoảng năm 1165-1173, vua Hiếu Tông ban cho chùa tấm bảng hiệu là Bạch Liên tự.
[68] Chùa Năng Nhân能仁寺: chùa ở dưới ngọn Đơn Phương, phía tây dãy núi Nhạn Đãng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Tươnng truyền, vị tổ khai sơn chùa này là ngài Nặc-cự-na. Năm 976, đời Tống, sư Toàn Liễu kết am Phù Dung để ở, năm 999, mới xây dựng chíh điện, năm 1001, chùa cất thêm ngôi tháp Bách Bảo, được vua ban tên là chùa Thừa Thiên. Đến năm 1142, Quận thú Diêm Khâu Hân tâu lên vua xin đổi thành Năng Nhân Thiền viện, trở thành đại đạo tràng ở vùng núi Nhạn Đãng.
[69] Trung Phong中峰: tức thiền sư Minh Bản
[70] Thiên Như天如: tức thiền sư Duy Tắc, đệ tử của ngài trung Phong Minh Bản.
[71] Tam thánh三聖: Phật A-di-đà, bồ-tát Quán Thế Âm, bồ-tát Đại Thế Chí.

« Kinh này có tổng cộng 3 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Chắp tay lạy người


Kinh Kim Cang


Những tâm tình cô đơn


Bát-nhã Tâm kinh Khảo luận

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 13.59.58.14 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập