Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Thích Thiền Ba La Mật Thứ Đệ Pháp Môn [釋禪波羅蜜次第法門] »» Bản Việt dịch quyển số 8 »»

Thích Thiền Ba La Mật Thứ Đệ Pháp Môn [釋禪波羅蜜次第法門] »» Bản Việt dịch quyển số 8

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.66 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.8 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Thiền Ba La Mật

Kinh này có 12 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 |
Việt dịch: Thích Đạt Ma Ngộ Nhất

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

*C. THÔNG MINH THIỀN
Nay luận về pháp thiền này, chia làm ba phần:
- Giải thích danh từ
- Luận vị thứ
- Thuyết minh tu chứng
GIẢI THÍCH DANH TỪ
Sở dĩ thiền này tên là Thông minh thiền hay còn gọi là Thông minh quán, vì trước kia phương pháp quán này phát xuất từ Kinh Đại Tập, trong đó vốn không có danh mục này, về sau các thiền sư bên Ấn Độ khi tu chứng được, muốn chỉ dạy cho người mà không biết gọi là danh từ gì. Muốn sắp đặt trong Căn bản thiền nhưng phương pháp và tướng mạo lại bất đồng. Nếu đối chiếu với “Thập lục đặc thắng” thì thấy danh mục lại hoàn toàn không tương quan, nếu sắp đặt trong “Bát bối xả, Bát thắng xứ” thì phương pháp quán hạnh lại khác biệt. Sắp đặt lui tới cũng không tương ưng, cho nên các thiền sư lập riêng một danh mục, gọi là thiền “Thông minh quán” hoặc có thuyết nói trong Kinh Hoa Nghiêm cũng có danh mục này.
Giải thích chữ “Thông”, nghĩa là từ khi bắt đầu tu tập, đã quán thông cả ba việc, như khi quán hơi thở tức là quán thông cả sắc và tâm, nếu quán sắc thì đã quán thông cả hơi thở và tâm, nếu khi quán tâm thì quán thông cả sắc và hơi thở. Do pháp quán này thanh tịnh sáng suốt, có thể tâm nhãn khai mở, chẳng bị các mê mờ che đậy; hoặc công năng quán một liền thông đạt cả ba, có thể thấy rõ thấu triệt không chướng ngại, nên gọi là Thông minh.
Lại nữa, nếu hành giả khéo tu pháp thiền này, nhất định sẽ được khai phát Tam minh, Lục thông. Trong Kinh Đại Tập có ghi: “Pháp hành Tỳ-kheo khi tu pháp thiền này, muốn được thần thông liền có được thần thông”. Nay nói “Thông” nghĩa là có khả năng chứng đắc Lục thông. “Minh” nghĩa là có thể phát sinh Tam minh. Đây là từ trong nhân nói quả, nên gọi là Thông minh quán.
HỎI: Các thiền khác cũng có thể khai phát Tam minh, Lục thông, vì sao chỉ riêng thiền này được gọi là Thông minh?
ĐÁP: Các thiền khác tuy cũng có phát thần thông, nhưng không thuận lợi và nhanh chóng như pháp thiền này, nên chỉ riêng thiền này được gọi là Thông minh.
HỎI: Như trong Kinh Đại Tập cũng có chỗ giải thích riêng ý nghĩa tên của thiền này. Kinh ghi: “Nói thiền, là nhanh chóng nên gọi là Thiền, nhanh rất nhanh, trụ luôn thường trụ, tịch tịnh, quán diệt, đạt cảnh giới xuất ly, ấy tên là Thiền”. Vì sao nay lại lập danh mục riêng?
ĐÁP: Kinh Đại Tập tuy có nói đến thiền này, ý nghĩa rất rõ, mà tên gọi vẫn còn lờ mờ, chẳng có danh mục chính xác, nên nay mới lập danh từ là Thông minh.
LUẬN VỊ THỨ
Thiền này không có thứ vị riêng biệt, cũng giống như lập thứ vị của Tứ thiền, Tứ không vậy, nhưng đối với trong mỗi mỗi tầng thiền, lại có thêm pháp định và quán thù thắng xuất thế gian, có khả năng nhanh chóng khai phát Vô lậu và Tam minh, Lục thông. Thiền này ở hậu tâm (tâm niệm cuối cùng của mỗi thiền định) của Phi tưởng định, diệt các tâm số, nhập Diệt thọ tưởng định, cho nên chẳng đồng với Tứ thiền, Tứ không. Vì sao? Vì định Tứ thiền và Tứ không thì mờ tối lại chấp nơi sở chứng, không có công năng trí tuệ, thần thông. Nên thứ vị tuy đồng với Tứ thiền, Tứ không, mà trí tuệ quán chiếu lại khác biệt, sợ người học hiểu lầm nên lập danh mục riêng, tuy danh từ thì khác mà thứ vị lại đồng.
HỎI: Nếu thiền này được nhập Diệt tận định, so với Cửu thứ đệ định có gì khác nhau?
ĐÁP: Khi tu Thông minh thiền, do tâm tâm không gián đoạn, nên cũng được gọi là Cửu thứ đệ định. Nhưng thiền này chẳng phải đầy đủ các pháp như Cửu thứ đệ định, đến phần sau sẽ tự hiểu. Nếu đối chiếu với phần giải thích Cửu định và Bát giải của thuyết Thành Thật Luận(1) cũng là đã đầy đủ vậy.
THUYẾT MINH TU CHỨNG
Thiền này không lập thứ vị riêng, chỉ theo thứ vị của Tứ thiền, Tứ không, để biện luận tu chứng của nó.
Có ba hạng:
- Hạ căn tu chứng năm chi của Sơ thiền
- Trung căn tu chứng Sơ thiền
- Thượng căn tu chứng Sơ thiền.
HẠ CĂN TU CHỨNG NĂM CHI CỦA SƠ THIỀN
Như Kinh Đại Tập ghi: “Nói Sơ thiền của thiền này gọi là Cụ, cũng gọi là Ly. Ly tức là lìa Ngũ cái, Cụ là đầy đủ cả Ngũ chi. Ngũ chi là: Giác, Quán, Hỷ, An, Định”.
Thế nào là Giác? “Như tâm, Giác, Đại giác, Tư duy, Đại tư duy, quán đối với tâm tính”, ấy gọi là Giác.
Thế nào là Quán? “Quán tâm, Hành đại hạnh, Biên hành, Tùy ý”, ấy gọi là Quán.
Thế nào là Hỷ? “Như thật tri, Đại tri, Tâm động đến tâm”, gọi là Hỷ.
Thế nào là An? “Tâm an, Thân an, Thọ an, thọ đối với các xúc lạc”, ấy gọi là An.
Thế nào là Định? “Tâm trụ, Đại trụ, đối với các duyên tâm không động loạn, không có sai lầm, điên đảo”, ấy gọi là Định”.
Đây là phần tóm lược của Kinh Đại Tập giải thích tướng tu chứng Sơ thiền của Thông minh quán. Do kinh này nói công đức năm chi, rất khác với các kinh, nên cần phải giải thích riêng.
- Giải thích “Như tâm”: tức là phương tiện đầu tiên để khai phát Sơ thiền, cũng tức là định Vị đáo địa, nhưng muốn chứng được định Vị đáo địa thì phải tu tập. Tu tập thế nào? Hành giả từ khi mới tu pháp an tâm, đồng thời quán cả ba việc là hơi thở, sắc và tâm đều bình đẳng.
Quán ba việc là nhất định phải quán hơi thở trước. Quán thế nào? Nghĩa là hành giả ngồi nhiếp tâm, điều hòa hơi thở, nhất tâm quán hơi thở, tưởng hơi thở ra vào khắp toàn thân. Nếu trí tuệ sáng suốt nhạy bén, liền biết hơi thở vào không tích tụ, hơi thở ra không phân tán, chẳng có chỗ đến, không có chỗ đi, tuy nhiên vẫn biết rõ hơi thở ra vào khắp thân như gió trong hư không, chẳng có tự tính. Đây là giới thiệu sơ lược pháp quán hơi thở của “Như tâm”.
- Giải thích quán Sắc như: Hành giả đã biết hơi thở nương nơi thân, không thân thì chẳng có hơi thở, nên cần phải quán Sắc thân. Sắc thân này vốn tự chẳng có, đều do nhân duyên vọng tưởng của đời trước, chiêu cảm “tứ đại tạo sắc” của đời này, như vật giữa hư không, tạm gọi là thân. Hành giả nhất tâm quán từ đầu đến chân, ba mươi sáu vật, tứ đại, tứ vi, mỗi cái chẳng phải là thân. Tứ vi(2), Tứ đại cũng đều chẳng thật, đã tự chẳng có làm sao có thể sinh ra sáu phần của thân thể và ba mươi sáu vật? Thân thể đã là không, lúc này tâm hành giả chẳng còn phân biệt, tức là thông đạt Sắc như.
- Giải thích quán Tâm Như: Hành giả nên biết, do có tâm nên có sắc thân, đi đứng di chuyển, nếu chẳng có tâm này, thì ai phân biệt sắc tướng, sắc này nhân gì mà sinh? Hành giả quán thân này do nhân duyên mà có, sinh diệt nhanh chóng, không thấy chỗ dừng trụ, cũng không tướng mạo, chỉ có danh từ, danh từ cũng không, tức là đạt Tâm Như. Hành giả nếu biết rõ tự tính của hơi thở, sắc và tâm đều như như, đây gọi là Như Tâm.
Lại nữa, nếu khi hành giả quán hơi thở, biết hơi thở là chẳng thể được, liền thông đạt Sắc và Tâm tự tính vốn rỗng lặng. Vì sao? Vì cả ba pháp chẳng lìa nhau, khi quán Sắc, Tâm cũng như thế! Nếu quán hơi thở mà đồng thời chẳng quán Sắc và Tâm thì không thể chứng được tất cả các pháp. Vì sao? Vì nếu cả ba việc này hòa hợp, mới có thể sinh ra tất cả Ấm, Giới, Nhập, những đau khổ, phiền não, hành nghiệp thiện, ác v.v… qua lại trong năm đường, lưu chuyển chẳng dừng nghỉ. Nếu thấu đạt ba việc này vốn không sinh, thì tất cả các pháp tự rỗng lặng. Đây là đã giới thiệu sơ lược về tướng tu tập của Như tâm.
NÓI RÕ TƯỚNG CHỨNG SƠ THIỀN CỦA THÔNG MINH QUÁN
Pháp thiền này cũng chứng đầy đủ hai thứ định: Dục giới và Vị đáo địa.
Hành giả quán sát như trên biết rõ cả ba thứ tự tánh là Không, nên nội tâm lặng lẽ an trụ nơi Chân Như, rỗng rang sáng suốt, đây gọi là Định dục giới. Sau khi chứng đắc định này, tâm nương nơi Chân Như lặng lẽ nhập định, cùng tương ưng với chân như. Do trì giữ tâm như thế, nội tâm an định bất động, rỗng rang, chẳng còn thấy tướng sai biệt của ba pháp: Thân, Hơi thở và Tâm, tất cả giống như hư không, nên gọi là Như Tâm, đây tức là định Vị đáo địa của Thông minh thiền.
Kế tiếp giải thích tướng Sơ thiền phát. Như trích dẫn đoạn kinh ở trước, cần phải giải thích đầy đủ tướng chứng của công đức năm chi. Nay căn cứ Giác chi làm gốc, sau khi giải thích ý nghĩa Giác chi rõ ràng, mới giải thích tiếp bốn chi khác, từ đó đối chiếu sẽ hiểu.
Giác, Đại giác: Sở dĩ kinh nói: “Giác, Đại giác” là cảm giác nhận biết của căn bản thiền, nhận biết hiện tượng xúc phát sinh, nên gọi là Giác, việc này đã có nói ở phần trước, chỉ có sâu hay cạn mà thôi! Khi tâm nhãn bỗng nhiên khai mở sáng suốt, hành giả thấy rõ tướng ra vào của hơi thở, tâm niệm và sắc thân, nên gọi là Đại giác. Trên đây chỉ giải thích sơ lược chưa phải là ý chính.
Lại nữa, nay cần chia chẻ ý nghĩa Giác và Đại giác. Giác là trạng thái giác ngộ của thế gian, Đại giác là trạng thái giác ngộ xuất thế gian, đây là giải thích đối với Chân đế và Tục đế, trong đó cũng có ý nghĩa Hữu lậu và Vô lậu.
Thế gian có ba loại:
*1/ Căn bản thế gian: Tức là thân và tâm của một đời.
*2/ Nghĩa thế gian: Tức là biết rõ thân tâm đời này cùng nghĩa lý tất cả pháp ở ngoài có sự tương quan.
*3/ Sự thế gian: tức là khi phát năm thứ thần thông, có khả năng thấy những chủng loại chúng sinh và tất cả sự việc của thế gian.
Thế gian đã có ba loại thì đối với Xuất thế gian cũng có ba loại. Vì sao? Vì căn tính chúng sinh có Hạ, Trung, Thượng và lợi độn khác nhau, cho nên tuy đồng chứng Sơ thiền này, mà cảnh giới lại có sâu cạn khác nhau, vì thế phải lấy ba nghĩa phân chia làm ba bậc chứng Sơ thiền chẳng đồng để giải thích.
*1/ Căn bản thế gian
Giải thích về tướng năm chi: Giác và Đại giác thành tựu Sơ thiền.
Chia ra hai ý:
A. Tướng chứng Sơ thiền phát
B. Giải thích tướng sai biệt 5 chi
A. TƯỚNG CHỨNG SƠ THIỀN PHÁT
Chia làm ba bậc:
I- Sơ chứng
II- Trung chứng
III- Hậu chứng
I- TƯỚNG SƠ CHỨNG
Khi bắt đầu phát Sơ thiền, hành giả bỗng thấy chín vạn chín ngàn (99.000) lỗ chân lông trên thân thể của mình trống rỗng, hơi thở ra vào các lỗ chân lông khắp thân thể. Tuy nhiên chỉ có tâm nhãn mới có thể thấy được tướng hơi thở ra vào khắp thân, khi hơi thở vào không tích tụ, khi ra chẳng phân tán, chẳng có chỗ đến cũng không đi về đâu.
Hành giả lại thấy rõ 36 vật trong thân. 36 vật đó là: tóc, lông, móng, răng, ghèn, nước mắt, nước miếng, nước dãi, phẩn, tiểu, cáu bẩn, mồ hôi, da dày, da mỏng, máu, thịt, gân, mạch, xương, tủy, mỡ tảng, mỡ sa, não, màng, gan, mật, ruột, bao tử, lá lách, thận, tim, phổi, sinh tạng, thục tạng, đàm đỏ, đàm trắng. Trong 36 vật này, mười thứ thuộc vật ở ngoài, hai mươi sáu thứ thuộc vật ở trong thân. Trong đó hai mươi hai thứ thuộc về đất, mười bốn thứ thuộc về nước.
Hành giả thấy tướng đất, nước, gió rõ ràng. Lại thấy các vật đều bị hơi nóng nung đốt, thì thấy tướng lửa rõ ràng. Quán xét Tứ đại như bốn con rắn ở chung một lồng, tính tình lại khác nhau! Giống như người mổ bò, chia thịt ra bốn phần, nhìn kỹ thì bốn phần thịt này chẳng liên quan nhau, hành giả nghĩ tưởng thân thể của ta và những đống thịt này đâu có gì khác nhau, nên sinh tâm sợ hãi tỉnh ngộ.
Lại nữa, hành giả không những chỉ thấy tính chất 36 vật nơi thân và Tứ đại là giả hợp bất tịnh, mà còn có thể nhận biết năm tướng bất tịnh. Đó là:
1/ Tự tướng bất tịnh: Thấy mười vật bất tịnh ở ngoài thân, sinh tâm nhàm chán.
2/ Tự tánh bất tịnh: Thấy hai mươi sáu vật bất tịnh ở trong thân.
3/ Chủng tử bất tịnh: Tự nhận biết thân này do tinh huyết của cha mẹ hợp thành, là chủng tử của thân.
4/ Sinh xứ bất tịnh: Khi thân này ở bào thai, nằm ở giữa sinh tạng và thục tạng.
5/ Cứu cánh bất tịnh: Sau khi chết bỏ ngoài nghĩa địa, tự nó tan hoại, hôi thối, ô uế.
Nên biết thân này từ thỉ đến chung, đều do bất tịnh tạo thành, chẳng có gì đáng ưa thích, thật là nhàm chán. Ta xưa nay chẳng khác gì kẻ mù, đắm chấp nơi thân hôi thối bất tịnh, tạo nghiệp trong sinh tử, nhiều vô lượng kiếp, hôm nay mới giác ngộ, trong lòng cảm thấy buồn vui lẫn lộn.
Năm tướng bất tịnh này trong Ma Ha Diễn có nói rất tường tận. Hành giả lại biết tâm thức trong thiền định, duyên theo các cảnh giới, niệm niệm không dừng, các tâm số pháp dấy khởi liên tục, tướng trạng mỗi niệm cũng đều khác nhau, đây gọi là tướng sơ chứng của Sơ thiền.
II- TƯỚNG TRUNG CHỨNG
Hành giả trụ trong định, tam-muội từ từ thâm sâu, biết rõ hơi thở trong ngũ tạng phát ra các tướng hơi thở từ các lỗ chân lông có các màu sắc: xanh, vàng, đỏ, trắng, đen v.v... tùy theo mỗi tạng mà có màu sắc riêng biệt. Nếu hơi thở từ năm căn vào, thì sắc tướng cũng bất đồng, vì những hình tướng màu sắc như thế rất nhiều.
Hành giả lại thấy thân này, những thứ da dày, da mỏng, cơ thịt, đều có 99 lớp, 360 đốt xương to, xương nhỏ và tủy đều có 99 lớp. Giữa xương và thịt có rất nhiều vi trùng 4 đầu, 4 miệng, 99 đuôi, hình tướng chẳng giống nhau, cho đến ngôn ngữ, âm thanh và những hoạt động đi ra, đi vào của chúng, hành giả đều biết rõ.
Hành giả thấy sọ não, cũng chia ra làm bốn phần, mỗi phần có bốn lớp. Ngũ tạng trong thân thể, có từng lớp ngăn che nhau, giống như hoa sen, các kẽ hở rỗng hoát, trong ngoài thông nhau, đều có 99 lớp. Giữa mỗi vật có 80 nhóm vi trùng sinh sống trong đó, tranh giành lẫn nhau. Nếu khi nội tâm hành giả thật yên tĩnh vi tế, thì trong định có thể nghe được âm thanh ngôn ngữ của chúng, hoặc nhân đây chánh định khai phát, thông hiểu tất cả ngôn ngữ chúng sinh.
Các mạch máu trong thân, mạch tim là chủ, từ mạch tim sinh ra bốn mạch lớn, mỗi mạch lớn có mười mạch nhỏ, trong mỗi mạch nhỏ đều có mười mạch, hợp tất cả là 400 mạch máu. Từ đầu đến chân tổng cộng là 404 mạch. Trong đó có hơi gió và máu huyết trôi chảy, trong các mạch máu này, cũng có rất nhiều vi trùng sinh sống ở đây.
Hành giả biết trong thân và ngoài thân đều chẳng thật. Giống như những bẹ cây chuối. Lại quán tâm niệm chạy theo cảnh duyên mà có bốn thứ: Thọ, Tưởng, Hành, Thức bất đồng.
III- TƯỚNG HẬU CHỨNG
Trí tuệ và tam-muội của hành giả càng lâu, càng thâm sâu, thanh tịnh, sáng suốt, nhạy bén. Lại thấy hơi thở điều hòa, sắc tướng bình đẳng không hai, giống như ngọc lưu ly, chẳng có màu xanh, vàng, đỏ, trắng; cũng thấy hơi thở ra vào là sinh diệt vô thường, rỗng lặng.
Lại thấy thân thể đổi mới không dừng. Vì sao? Vì ăn uống thuộc về Tứ đại ở bên ngoài, khi đưa vào bụng nuôi dưỡng thân thể, Tứ đại mới sinh trưởng, lúc này các tế bào cũ theo đó mà diệt mất. Ví dụ như các loại cây cỏ, nẩy chồi non thì lá già tự rụng, thân thể cũng như thế. Chỉ những kẻ ngu không hiểu biết, chấp thân thể là thường, người có trí tuệ trụ trong tam-muội, biết thân này biến đổi vô thường, sinh sinh, diệt diệt chẳng có tự tính, do đây mà giác ngộ Sắc tức là Không.
Lại khi một niệm sinh khởi, liền có 60 sát-na(3) sinh diệt. Hoặc có người nói, có 600 sát-na sinh diệt nhanh chóng, mà thật tế sát-na cũng chẳng có tự tính, cho nên tâm niệm cũng Không.
B. GIẢI THÍCH TƯỚNG SAI BIỆT CỦA NĂM CHI
Năm chi là: Giác, Quán, Hỷ, An, Định
I- Giác
Trong kinh nói Giác chi là “Giác, Đại giác, Tư duy, Đại tư duy, Quán đối với tâm tính”. Dùng năm câu này để giải thích tướng trạng của Giác.
- Giải thích “Giác, Đại giác”. Do lấy cảnh giới của thế gian và xuất thế gian để phân tích, nên có hàm nghĩa của hai thứ Giác bất đồng. Cảnh giới thế gian tức là tướng Dị; cảnh giới xuất thế gian tức là tướng Như. Tướng Như và Dị tức là tên gọi khác của Chân đế và Tục đế vậy.
Nay dùng phương pháp quán để dễ thấy cảnh giới sâu cạn. Hiện tại y nơi Luận Ma Ha Diễn phân chia có ba bậc thượng, trung, hạ. Như và Dị đã có ba thứ, nên Giác và Đại giác cũng chia làm ba thứ vậy. Theo Luận Ma Ha Diễn nói:
“Phân biệt giả danh gọi là Dị; phân biệt pháp thật của Tứ đại vốn đồng một thể gọi là Như bậc hạ.
Phân biệt địa đại khác với ba đại gọi là Dị; Phân biệt cả Tứ đại đều là vô thường, sinh diệt như nhau, gọi là Như bậc trung.
Biết vô thường sinh diệt gọi là Dị; biết sinh diệt vốn Không, gọi là Như bậc thượng”.
Nay đem tướng chứng Thông minh thiền chia thành ba phẩm: hạ, trung, thượng để giải thích tướng sâu cạn của pháp quán.
a) Giải thích Giác bậc hạ: hành giả nhận biết hơi thở ra vào có sâu cạn, những màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng bất đồng, gọi là Giác. Nhận biết hơi thở này giống như gió, gọi là Đại giác. Nhận biết 36 vật mỗi thứ chẳng đồng gọi là Giác. Nhận biết cả ba đại như nhau, gọi là Đại giác. Nhận biết tâm số rất nhiều, gọi là Giác, nhận biết bốn thứ: thọ, tưởng, hành, thức đồng nhau, gọi là Đại giác. b) Giác bậc trung: hành giả nhận biết phong đại, gọi là Giác. Nhận biết hơi thở sinh diệt vô thường, gọi là Đại giác. Nhận biết ba đại riêng biệt gọi là Giác. Nhận biết ba đại đều vô thường, gọi là Đại giác. Nhận biết thọ, tưởng, hành, thức chẳng đồng, gọi là Giác. Nhận biết bốn thứ đều vô thường, sinh diệt, gọi là Đại giác.
c) Giác bậc thượng: hành giả nhận biết hơi thở vô thường là bất đồng, vì hơi thở này có tám tướng luôn thay đổi, nên vô thường. Tám tướng là: sinh, trụ, dị, diệt, sinh sinh, trụ trụ, dị dị, diệt diệt. Do tám tướng này luôn thay đổi, nên nhận biết thể tướng hơi thở khác nhau, gọi là Giác. Nhận biết hơi thở vốn rỗng lặng, tám tướng chẳng khác nhau, gọi là Đại giác.
Nhận biết cả ba đại còn lại, cũng có tám tướng bất đồng, gọi là Giác. Nhận biết cả ba đại này, xưa nay vốn rỗng lặng, không có tám tướng sai khác, gọi là Đại giác. Nhận biết tâm niệm thay đổi như tám tướng, mỗi thứ đều sai khác, gọi là Giác. Nhận biết tâm ấy xưa nay rỗng lặng, không có tám tướng khác nhau, gọi là Đại giác. Vì sao? Nếu tám tướng tức là tâm, tâm tức là tám tướng, thì hoại tướng hữu dư. Vì sao? Vì hơi thở và sắc pháp, chính là tám tướng, tám tướng cũng chính là hơi thở và sắc pháp, tám tướng đã chẳng khác, nên hơi thở, sắc và tâm cũng chẳng khác.
Nếu như thế, thì khi nói về tâm, tức phải nói đến hơi thở và sắc pháp. Nhưng thật tế chẳng như thế! Vì làm rối loạn tướng thế gian. Ví như có người gọi đem lửa đến, người ta lại đem nước đến. Nếu cho rằng tâm tức là hơi thở và sắc, thì sự sai lầm cũng giống như thế.
Lại nữa, nếu lìa tâm mà có tám tướng, lìa tám tướng mà có tâm, đây là biểu thị tâm không phải là tám tướng, tám tướng chẳng phải là tâm. Nếu tâm chẳng phải tám tướng, thì tâm chỉ có danh mà không tướng, đã không tướng chẳng thể gọi là tâm. Nếu tám tướng lìa tâm, thì tám tướng không có chỗ thay đổi, do đó cũng không thể gọi là tám tướng. Vì tám tướng chẳng có chỗ dời đổi.
Hành giả quán xét tỷ mỉ, thì nhận biết tâm cùng tám tướng vốn tự là Không, cũng chẳng phải nương nơi vật khác mà có tự tính. Tự tính như hư không, chẳng có tướng đồng hay bất đồng. Đây gọi là Đại giác.
Hơi thở và sắc pháp cũng phân tích như thế. Trên đây là giới thiệu sơ lược về Giác và Đại giác của thượng phẩm.
- Giải thích “Tư duy, Đại tư duy”: Đây lại nói tiếp Giác và Đại giác ở trước. Vì sao? Vì tướng sơ tâm giác ngộ Chân đế và Tục đế, gọi là Giác và Đại giác. Hậu tâm lại tiếp tục tư duy quán sát, cho nên gọi là Tư duy, Đại tư duy. Kế sau Giác gọi là Tư duy, sau Đại giác gọi là Đại tư duy, nghĩa này cũng dễ hiểu, nên chẳng giải thích nhiều.
- Giải thích “Quán đối với tâm tính”: tức là xoay lại quán tâm Tư duy và Đại tư duy. Vì sao? Hành giả tuy hiểu được cảnh giới hiện tiền, nếu không thể xoay lại, quán chiếu thấu đạt tâm tính, thì chẳng thể hội được đạo chân thật. Như nay xoay lại quán chiếu tâm, là từ tâm quán chiếu phát sinh, hay là chẳng phải tâm quán chiếu sinh. Hoặc từ quán tâm phát sinh, hoặc chẳng phải từ tâm quán chiếu phát sinh, cũng đều có lỗi. Nên biết, tâm quán chiếu rốt ráo là rỗng lặng, Trên đây đã giải thích năm câu của Giác chi xong.
II- QUÁN
Kinh ghi: “Hoặc Quán tâm, Hành đại hành, Biên hành, Tùy ý”.
Quán tâm: tức là Quán đối với tâm tính đã giải thích ở trước.
Hành đại hành: Hàng Thanh văn lấy Tứ đế làm đại hạnh. Khi quán tâm tức là đã đầy đủ chánh quán của Tứ đế. Vì sao? Nếu người chẳng biết bản tâm, nên không hiểu rõ vô minh, tạo các phiền não và nghiệp chướng, gọi là Tập đế. Do nhân duyên của Tập đế, nhất định chiêu cảm quả báo khổ của sắc thân đời vị lai, gọi là Khổ đế. Nếu có thể quán tâm tính, tức là đã đầy đủ Giới, Định, Huệ, tu 37 phẩm trợ đạo, nên gọi là Đạo đế. Hoặc có chánh quán thì hiện tiền các phiền não chẳng sinh, quả báo khổ vị lai cũng diệt, đây gọi là Diệt đế. Trên đây là pháp hành của hàng Thanh văn, gọi là “hành”. Nếu hàng Duyên giác quán chiếu 12 nhân duyên, gọi là “Đại hành”. Nếu là hàng Bồ-tát liền nhập vô sinh chính đạo chánh quán, chứng định tịch tịnh, Lưu Ly tam-muội, nơi vô lượng lỗ chân lông, thấy chư Phật vô lượng mà nhập vào địa vị Bồ-tát. Trên đây đã giải thích sơ lược tướng “Đại hành” đắc đạo của hàng Tam thừa.
Biên hành: khi công phu quán chiếu chưa thuần thục, nhạy bén, lại càng tinh tấn quán Tứ đế, nên gọi là “Đại hành”. Nay công phu quán chánh đạo đã thuần thục, có thể trải qua các phương diện để quán chiếu Tứ đế, mà phát xuất 16 pháp quán, đây gọi là “Biên hành”.
Tùy ý: Nếu là “Biên hành”, tuy ở trong định, có thể thấy được các hiện tượng, nhưng khi xuất thiền định, thì chẳng cùng cảnh giới trong định tương ưng. “Tùy ý” là không quản nhập định hay xuất định, có thể tùy ý thấy các pháp, không cần dụng tâm quán chiếu mà tự thành, chẳng phải do tác ý, đây gọi là “Tùy ý”. Trên đây đã giải thích sơ lược tướng trạng của Quán chi.
III- HỶ
Kinh ghi: “Như chân thật tri, Đại tri, Tâm động đến tâm, gọi là Hỷ”.
Như chân thật tri: Tức là quán chiếu tâm tính, và quán chân lý Tứ đế, như đã nói ở trước. Nếu tâm quán xét Tứ đế, dừng trụ trong các duyên biết rõ lý của sự tướng, nên gọi là “Chân thật tri”.
Đại tri: Nếu tâm hoát nhiên khai ngộ, từ trong nội quán hiểu thấu được lý thể, tâm sinh hoan hỷ, đây gọi là “Đại tri”.
Tâm động đến tâm: Khi được pháp hoan hỷ thì tâm bị dấy động, nếu chấp theo pháp hỷ này tức là sai lầm. Nay hành giả hiểu được pháp hỷ vốn là không, liền biết được tự tính của pháp hỷ, gọi là “đến tâm”.
Trên đây đã giải thích sơ lược công đức Hỷ chi.
IV- AN
Kinh ghi: “Nếu Thân an, Tâm an, Thọ an, Thọ đối với lạc xúc, ấy gọi là An chi”.
Thân an: Tức là hiểu được tự tính của sắc thân, nên chẳng bị thân nghiệp làm dao động, thì thân được an ổn.
Tâm an: Tức là liễu đạt được tâm tính, chẳng bị tâm nghiệp làm xao động, tâm được khoái lạc.
Thọ an: Tâm có thể quán chiếu gọi là Thọ. Do biết các thọ chẳng phải thọ, nên đoạn trừ các thọ, chứng được khoái lạc an ổn.
Thọ đối với xúc lạc: Tức là hai thứ khoái lạc ở thế gian và xuất thế gian, do tâm cảm thọ đối với khoái lạc.
V- ĐỊNH
Kinh ghi: “Nếu Tâm trụ, Đại trụ, Chẳng loạn khi đối duyên, Chẳng lầm, Chẳng có điên đảo, ấy gọi là Định”.
Tâm trụ: Tức là an trụ trong thiền định thế gian, chuyên trì giữ tâm không tán loạn.
Đại trụ: Trụ trong Chân như, tức là thiền định xuất thế gian, an trụ trì giữ tâm không tán loạn.
Chẳng loạn khi đối duyên: Chỉ nhất tâm an trụ, có thể phân biệt các tướng ở thế gian mà tâm không bị tán loạn.
Chẳng lầm: Biết rõ Chân như, nên đối với pháp hư dối không còn khởi tâm chấp trước.
Chẳng có điên đảo: Nếu tâm chấp thiên lệch về các pháp tướng ở thế gian, tức là chấp theo chỗ thấy Có mà trầm luân trong sinh tử, không thể giải thoát được. Nếu tâm chỉ thiên chấp về tướng Chân như, tức là chấp theo chỗ thấy Không, phá bỏ thuyết nhân quả của thế gian, chẳng tu pháp lành, đây chính là sự sai lầm rất đáng sợ. Hành giả đã khéo thông đạt đạo lý Chân đế và Tục đế, nên có thể xa lìa hai thứ tà kiến.
Lại nữa, nếu hàng Nhị thừa chứng được tâm này, phá trừ bốn thứ tri kiến điên đảo: (Thường, lạc, ngã, tịnh) của thế gian, nên gọi là “Bất điên đảo”. Nếu là bậc Bồ-tát chứng được định này có thể phá trừ tám thứ điên đảo, đó là bốn thứ kiến chấp thế gian và bốn thứ kiến chấp của hàng Nhị thừa, nên gọi là “Bất điên đảo”.
Hành giả khi mới thành tựu Giác chi, biết thân và hơi thở chẳng thật, giống như những bẹ cây chuối. Nay được nhất tâm an trụ, thì thành tựu Định chi. Khi tâm đã tịch lặng, rỗng rang và vi tế, liền nhận biết tướng hơi thở và sắc thân này vốn không thật, chẳng khác nào đống bọt nước.
Trên đây đã giới thiệu sơ lược pháp hành của hành giả căn cơ bậc hạ, tu chứng được Sơ thiền của Thông minh quán.
Chú thích Quyển 8:
(1) Thành Thật Luận: Luận 16 quyển do ngài Ha-lê-bạt- ma (Harivarman) soạn, ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào khoảng năm 411-412 đời Dao Tần, được xếp vào Đại chính tạng, tập 32. Đây là kinh điển căn bản của Tông Thành Thật. “Thành thật” nghĩa là “Thành sự thật Tứ đế”. Kiến giải của luận này, tức cho rằng diệt hết ba tâm: Giả danh, Pháp và Không, thì đạt đến cảnh giới Niết-bàn. Lập trường của luận này là y cứ vào Nhị thế (quá khứ, vị lai) vô luận, Tính bản bất tịnh luận, Vô ngã luận, đồng thời chủ trương Nhân, Pháp đều Không. Giáo thuyết toàn luận chẳng những bao trùm các giáo lý quan trọng của Phật giáo bộ phái (Phật giáo Tiểu thừa) mà còn bao hàm kiến giải Đại thừa.
(2) Tứ vi còn gọi là Tứ trần: sắc, hương, vị, xúc. Nếu hợp với Tứ đại gọi là (Bát sự câu sinh) tạo thành cơ thể con người.
(3) Sát-na: thời gian rất ngắn như giây lát, phút chốc.
Có nhiều thuyết khác nhau, theo Luận Đại Trí Độ thì 1 khảy móng tay có 60 sát-na. Theo Phẩm Quán Không trong Kinh Nhân Vương thượng, do ngài Cưu-ma-la-thập dịch, 1 sát-na có 900 lần sinh diệt.
TRUNG CĂN TU CHỨNG SƠ THIỀN
*2/ Nghĩa thế gian
Nói về bậc trung căn tu chứng năm chi của Sơ thiền. Chia làm hai phần:
A. Giải thích nghĩa thế gian
B. Giải thích nghĩa thành giác
A. GIẢI THÍCH NGHĨA THẾ GIAN
Chia làm hai ý:
I- Ngoại thế gian
II- Nội thế gian
I- NGOẠI THẾ GIAN
Chia làm ba phần:
1. Nhân duyên căn bản thế gian
2. Tính tương quan giữa Nội thế gian và Ngoại thế gian
3. Vương pháp chính trị trong thân
1. Nhân duyên căn bản thế gian
Khi hành giả mới chứng được Sơ thiền, đã chứng kiến tướng thân tâm của căn bản thế gian, lúc này có người được thấy đạo, hoặc chưa thấy đạo. Nay hành giả muốn biết rõ quả báo thân tâm của đời này phát sinh như thế nào. Lúc này hành giả an trụ trong chánh định, trí tuệ rất sáng suốt, nhạy bén, quán Tứ đại, Ngũ ấm và 36 vật ở nội thân. Trong thâm tâm hành giả nguyện ước, muốn biết nguyên nhân vì sao có thân này. Do sức tam- muội, trí tuệ, phước đức, thiện căn, hành giả liền tự biết rõ thân mạng của mình, đều do nghiệp lực trì giữ năm giới của đời trước mà có được.
Khi còn ở thân trung ấm, nghiệp lực này chẳng đoạn chẳng diệt. Trong lúc cha mẹ giao hợp, nghiệp lực biến thành Thức, thức chấp vào tinh huyết kết hợp của cha mẹ, lớn bằng hạt đậu cho đó là thân của mình. Tâm thức gá vào trong vật này, liền có đầy đủ thân căn, mạng căn, tâm thức. Trong tâm thức có đầy đủ tính của Ngũ thức (5 thần). Vật này cứ bảy ngày biến đổi một lần, mới đầu giống như váng sữa, từ từ lớn dần như quả trứng gà, do nhân duyên nghiệp lực nên cấu tạo thành thân này.
Trước tiên lấy Ngũ tạng trong thân, sắp xếp cho Ngũ thức. Lúc này hành giả biết là do giữ giới sát nên tạo thành tạng Gan trong thân, Hồn nương nơi đây. Do giữ giới không trộm cướp, nên tạo thành tạng Thận ở trong thân, Chí nương nơi đây. Do giữ giới không dâm dục, nên tạo thành tạng Phổi trong thân, Phách nương ở đây. Do giữ giới không vọng ngữ, nên tạo thành tạng Lách trong thân, Ý nương ở đây. Do giữ giới không uống rượu nên tạo thành tạng Tim trong thân, Thần nương ở đây.
Năm thứ thần: Hồn, Chí, Phách, Ý, Thần cũng còn gọi là Ngũ thức, khi nhà cửa Ngũ tạng đã xây dựng xong thì thần thức có chỗ nương náu, khi có chỗ nương rồi thì cần được nuôi dưỡng. Nghiệp lực ngũ giới, có công năng biến hóa ra thần khí và lục phủ (6 phủ) trong cơ thể, lục phủ có công năng nuôi dưỡng Ngũ tạng và toàn thân.
Phủ nghĩa là chỗ nương tựa. Mật là phủ của Gan, có công năng chứa nước thành khí tưới mát cho Gan; Tiểu tràng (ruột non) là phủ của Tim, tim màu đỏ tiểu tràng cũng màu đỏ, tim đưa dẫn khí huyết, tiểu tràng cũng thông khí huyết, tưới mát cho tim, đưa máu khắp thân thể; Đại tràng (ruột già) là phủ của Phổi, phổi màu trắng nên đại tràng cũng màu trắng, Đại tràng có công năng bài trừ những tạp vật để làm lợi ích cho Phổi; Bao tử là phủ của Lách, bao tử màu vàng, lách cũng màu vàng, bao tử có tác dụng tiêu hóa thức ăn, màu vàng thông khắp các tạng phủ; khí của Lách có khả năng thâm nhập vào tứ chi; Bàng quang là phủ của Thận, thận màu đen bàng quang cũng màu đen, Bàng quang đưa khí ướt tưới tẩm cho Thận, có tác dụng lợi tiểu khiến ruột được vận hành.
Tam tiêu(1) hợp thành một Phủ, mỗi cái đều có tác dụng riêng. Thượng tiêu chủ về nước bọt, thuộc khí sạch ấm. Trung tiêu chủ về thông huyết mạch, thuộc khí của tinh thần. Hạ tiêu chủ thông về Đại tiện, công dụng của tam tiêu làm lợi ích cho thân khí ở trên và dưới.
Thần thức của Ngũ tạng chia ra đối trị Lục phủ. Khí của lục phủ lại hình thành thần thức của ngũ tạng, chủ trị toàn thân. Do Phủ và Tạng nuôi dưỡng lẫn nhau mà sinh ra bảy thể: (xương, tủy, gân, ruột, máu, cơ thịt, da).
- Thận sinh ra xương và tủy, vì thận thuộc về Thủy (nước), vì trong nước có cát và đá, cát đá là ý nghĩa của xương tủy.
- Gan sinh ra gân và ruột, vì gan thuộc Mộc (cây), cây là chằng giữ cho đất, nên mộc phát sinh gân và ruột.
- Tim sinh ra huyết mạch, vì tim màu đỏ thuộc về máu, tác dụng thông thần khí, thần khí này là sự vận hành tự nhiên.
- Lách sinh ra cơ thịt, vì lách thuộc về tính Địa đại (đất) nên cơ thịt cũng thuộc về Địa đại.
- Phổi sinh ra da, vì phổi ở trên các tạng, nên da cũng nằm bề ngoài thân thể.
Đây là Ngũ tạng sinh bảy thể, cũng còn gọi là bảy chi. Phổi ví như quan Đại phu nên ở trên cao, trừ bỏ các thứ bất nhân nghĩa ở dưới. Gan ví như quan Đô úy, giữ gìn an ninh. Tim ở trung ương cung cấp các loại cần thiết. Lách ở khoảng giữa quân bình Ngũ vị(2). Thận là nơi quan trọng ở dưới, có công năng khiến tứ khí tăng trưởng.
Bảy thể hợp thành thân:
Xương làm trụ cột, Tủy làm dầu mỡ, Gân làm dây chằng, Mạch lưu thông, dùng Huyết để tưới tẩm, Thịt để bao bọc, Da để che đậy. Do những nhân duyên đó mà có thân thể, đầu, tay, chân. Xương ngoài gọi là Răng, Thịt dư thành Lưỡi, Gân dư thành móng tay, móng chân, Máu dư thành Tóc, Da thừa thành Tai, Thức thần ở trong nội thân.
Do nhân duyên trì giữ giới luật, nên năm căn của bào thai được khai nở, do “Tứ đại thanh tịnh tạo sắc(3)” biến thành năm căn. Năm căn này khi đối diện với sắc trần, dùng thức phân biệt năm thứ sắc trần, phát sinh ra ý thức, khi sắc trần diệt hết, thức quay về trong ngũ tạng. Khi 4 đại, 12 nhập, 18 giới đã thành tựu đầy đủ là Quả báo của một đời. Trên đây đã giải thích sơ lược nguyên nhân quả báo một đời và ý nghĩa căn bản thế gian.
HỎI: Nếu nói ý thức từ trong thân sinh ra, ở giữa năm căn, ý thức riêng biệt với năm trần, nghĩa này cùng với ngoại đạo có gì khác nhau?
ĐÁP: Kinh Tịnh Danh ghi: “Không xả bỏ tám thứ tà kiến mà nhập bát chánh đạo”. Cũng nói rằng: “62 thứ tà kiến là chủng tử Như Lai” ý nghĩa lời nói này thế nào? Những ý nghĩa này trong Kinh Đề Vị(4) nói rất rõ ràng, vì sao? Vì chẳng phải có người tạo tác. Nếu ý nghĩa này chưa được rõ ràng, đến phần sau sẽ giảng rõ.
2. Tính tương quan giữa Nội thế gian và Ngoại thế gian
Khi hành giả dùng tam-muội, trí tuệ và sức phát nguyện, nhất tâm quán sát thân này, biết thân này cùng với thế gian và vũ trụ có sự tương quan lẫn nhau. Vì sao? Vì hình tướng của thân có thể ví như vũ trụ: đầu tròn ví dụ là Trời, chân bằng ví như Đất, chỗ trống trong thân ví như Hư không, hơi ấm trong bụng ví như mùa Xuân mùa Hạ, chất cứng của xương lưng giống như mùa Thu, Đông, 4 chi của thân là bốn mùa, 12 đốt xương lớn là 12 tháng, 360 đốt xương nhỏ là 360 ngày.
Mũi miệng đưa hơi thở ra vào, như gió trong các hang động, ao hồ trong núi thổi ra, con mắt ví như mặt trăng, mặt trời, khi nhắm mắt là ban đêm, mở mắt là ban ngày. Tóc là sao mai, mi mắt là sao bắc đẩu. Huyết mạch là những sông ngòi, Xương cốt là đá ngọc, Da thịt là đất, Lông là rừng cây.
Ngũ tạng trong thân, giống như Ngũ tinh(5) trên trời, Ngũ nhạc(6) dưới đất, âm dương Ngũ hành(7), Ngũ đế(8) ở thế gian. Ngũ tạng là năm thần thức, là năm đức tu hành, vận hành của Bát quái(9), là Ngũ hình(10) trị tội, năm thức là năm vị quan, có thể thành năm đám mây biến thành năm rồng. Tim là chim Khổng tước, Thận là rùa Huyền vũ, Gan là Rồng xanh, Phổi là Hổ trắng, Lách là Câu trần. Năm loài chúng sinh này, thâu nhiếp toàn bộ các loài cầm thú ở thế gian. Cũng biểu thị cho năm tính (ngũ âm): Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ(11), vì tất cả muôn vạn tính, cũng đều bao hàm trong đó.
Đối với kinh sách đó là Ngũ kinh(12), vì tất cả sách vở đều từ Ngũ kinh mà ra. Nếu đối với công xảo tức là Ngũ minh(13), Lục nghệ(14), vì tất cả kỹ thuật công nghệ đều bao hàm trong đó. Nên biết thân này tuy nhỏ, nhưng ý nghĩa lại cùng trời đất tương ưng, sắc thân này không chỉ là năm ấm thế gian, mà cũng là quốc độ thế gian.
3. Vương pháp (pháp luật) chính trị trong thân
Hành giả ở trong Tam-muội, do nguyện lực và trí tuệ, nhận biết trong thân: Tim là vị Đại vương, dùng nhân nghĩa trị thiên hạ, ngự ở trong cung, có quân hộ vệ hai bên; Phổi là quan Tư Mã; Gan là quan Tư Đồ; Lách là quan Tư Không; Thận là biển cả, trong biển có rùa thần hít thở nguyên khí, có thể hô mây hoán vũ, đưa hơi khí vào khắp tứ chi; Tứ chi là nhân dân, bên phải là quan Tư mạng, bên trái là quan Tư lục(15), chủ quản tính mạng muôn dân, Thái nhất quân(16) ở chính giữa, cũng là người trụ cột. Thiên đại tướng quân bảo vệ Vua, chủ quản ngàn vạn đại thần trong thân. Thái nhất quân có tám vị sứ giả cùng cộng tác, xưng là Cửu khanh(17).
Hai bên tam tiêu, bên tả là Xả, bên hữu là Ấp, chủ quản gian tặc. Thượng tiêu đưa hơi khí lên đỉnh đầu, Trung tiêu là tông miếu, cung điện, Vua ngự trong đó, trị dân trị nước.
Nếu tâm vua thực hành đúng chánh pháp, bầy tôi liền tuân theo, nền chính trị được thanh bình. Do đó ngũ tạng điều hòa, lục phủ thông suốt, thích hợp, tứ đại an ổn, không có các bệnh tật phiền não, được thọ hưởng lâu dài.
Nếu tâm vua hành phi pháp, thì quần thần làm loạn, giết hại lẫn nhau, do tâm hành điều xấu ác khiến tứ đại không điều hòa, các căn đều bị bế tắc, cuối cùng phải ôm bệnh mà chết.
Kinh nói: “mất Hồn tức loạn, mất Phách tức cuồng, mất Ý thì mê, mất Chí thì quên, mất Thần thì chết”. Nên biết lập vương pháp chính trị của thế gian, cũng là pháp trong thân thể, đạo lý này trong Kinh Đề Vị nói rất rõ ràng.
II- NỘI THẾ GIAN
Phần trước nói nghĩa tương quan ngoại thế gian. Vì sao? Trước khi Phật chưa ra đời, các bậc thần tiên có trí thế gian cũng thông đạt pháp này, gọi là nghĩa tương đối, nên trước là nói về nghĩa ngoài thế gian vậy. Các vị Thần Tiên tuy là thế trí biện thông(18), có khả năng thông đạt pháp thế gian. Nếu trụ nơi phân biệt này, cũng chỉ là tâm vọng tưởng, không thấy được pháp chân thật, đối với Phật pháp chưa phải là bậc Thánh nhân, họ vẫn còn là phàm phu, luân hồi trong tam giới, 25 cõi, chưa thoát khỏi sinh tử. Nếu họ giáo hóa chúng sinh, chỉ gọi là Cựu y, cũng gọi là thầy thuốc thế gian. Nên Kinh Niết Bàn nói: “Cách trị bệnh của thầy thuốc thế gian, bệnh lành rồi lại phát. Nếu Như Lai trị bệnh, khi lành bệnh sẽ không tái phát”. Ý này phần sau sẽ nói rõ.
Nay giải thích nghĩa Nội thế gian, tức là sau khi Như Lai xuất thế, giảng rộng nội dung ý nghĩa danh tự của nhiều pháp môn, để hóa độ chúng sinh. Hành giả ở trong định, nội tâm muốn hiểu được tướng tương đối và cốt yếu của giáo lý Như Lai, do sức thiện căn, tam-muội và trí tuệ liền biết phương tiện. Vì sao? Như Phật nói ý nghĩa của 5 giới là đối với 5 tạng, như đã nói ở trước. Như 4 đại, 5 ấm, 12 nhập, 18 giới, Tứ đế, 12 nhân duyên, thảy đều ở trong thân thể.
Nghe nói đến Tứ đại liền biết ý nghĩa đối với Ngũ tạng, như Phong đại đối Gan, Hỏa đại đối Tim, Thủy đại đối Thận, Địa đại đối Phổi, Lách.
Nghe nói Ngũ ấm liền biết là đối Ngũ tạng: Sắc ấm đối Gan, Thức ấm đối Lách, Tưởng ấm đối Tim, Thọ ấm đối Thận, Hành ấm đối Phổi, tuy không sắp đặt danh từ theo thứ lớp, mà ý nghĩa lại có tương quan lẫn nhau.
Nếu nghe nói đến 12 nhập, 18 giới cũng biết là đối với Ngũ tạng, ý nghĩa 10 nhập, 15 giới, suy xét tự có thể thấy. Nhị nhập và Tam giới thì cần phân tích thêm.
- Toàn bộ năm thức đều thuộc về Ý nhập giới.
- Năm trần ở ngoài và pháp trần ở trong là Pháp nhập giới, đây gọi là Nhị nhập và Tam giới có sự tương quan qua lại lẫn nhau.
- Khi năm thức mới sinh, gọi là năm căn, năm căn tiếp xúc pháp trần ở ngoài phát sinh ý thức, gọi là Ý thức giới.
Hoặc nghe nói đến năm căn biết là đối năm tạng: Ưu buồn là đối gan, Khổ não đối tim, Hỷ đối phổi, Lạc đối Thận, Xả đối Lách.
Nguyên nhân năm căn và tam giới cũng có liên quan, như Ưu buồn đối Dục giới, Khổ đối Sơ thiền, Hỷ đối Nhị thiền, Lạc đối Tam thiền, Xả đối Tứ thiền, cho đến Tứ không định cũng đều gọi Xả câu thiền. Nên biết tam giới cũng là ngũ tạng, ý nghĩa có sự tương quan.
Hoặc nghe nói đến Tứ sinh (4 loài chúng sinh: thai, thấp, hóa, noãn) cũng biết có liên quan đến ngũ tạng, vì Dục giới có đủ ngũ căn, ngũ căn lại liên quan với ngũ tạng, ngũ tạng lại cùng tứ đại tương quan, tứ đại đối tứ sinh. Tất cả loài sinh bằng trứng (noãn sinh) phần nhiều thuộc về tính Phong đại, nên thân có thể bay lên. Tất cả loài sinh nơi ẩm ướt (thấp sinh) thuộc về tính Thủy đại, vì thân sinh ra từ chỗ ướt. Các loài sinh bằng thai (thai sinh) phần nhiều thuộc về tính Địa đại, vì thân nặng trì trệ. Các loài biến hóa (hóa sinh) phần nhiều thuộc về tính Hỏa đại, vì bản thể của Hỏa (lửa) từ Không mà bỗng nhiên có, đồng thời Hỏa cũng phát ánh sáng.
Như Lai vì muốn hóa độ bốn loài chúng sinh trong tam giới, nên giảng nói pháp Tứ đế, 12 nhân duyên, Lục độ ba-la-mật, phải biết ba pháp này là những viên thần dược, để đối trị ngũ tạng, ngũ căn, ngũ ấm của chúng sinh.
Vì sao? Khi Phật giảng nói về lý Nhất tâm và Tứ đế, nên biết Tập đế đối với tạng Gan, là nhân mới bắt đầu sinh khởi. Khổ đế đối Tim vì quả khổ đã thành tựu. Đạo đế đối Phổi vì kim cương có thể cắt đứt. Diệt đế đối Thận vì mùa đông tàng trữ, từ có biến hoại thành không. Nhất tâm là đối Lách, vì có thể khai thông Tứ đế, cho đến 12 nhân duyên và Lục ba-la-mật, nếu hành giả suy xét có thể hiểu vậy.
Ba thứ pháp tạng này, bao hàm tất cả các giáo lý của Như Lai, cho nên nếu tâm hành giả sáng suốt, nhạy bén, quán xét thân tướng của mình, có thể hiểu rõ tất cả danh và nghĩa trong Phật pháp.
Nên Kinh Hoa Nghiêm nói: “Hiểu rõ thân này, tức là thông đạt tất cả”. Đây là nói về trường hợp ý nghĩa thế gian và nội thân có sự tương quan lẫn nhau. Do hàm ý trong đó rất thâm thúy vi tế, không nên nói với người chưa ngộ.
B. GIẢI THÍCH Ý NGHĨA THÀNH GIÁC
Giác cũng có ba phẩm: Hạ, Trung, Thượng.
I- GIÁC, ĐẠI GIÁC CỦA HẠ PHẨM
- Giác: hành giả trụ trong thiền định, nội tâm vắng lặng, biết rõ ý nghĩa tướng nội thế gian và ngoại thế gian, phân biệt mỗi thứ danh nghĩa bất đồng, tức là tướng riêng biệt khác nhau, nên gọi là “giác ngộ nghĩa thế gian”. Biết rõ nghĩa thế gian nên gọi là Giác.
- Đại giác: biết tất cả danh nghĩa ngoài thế gian, tuy khác nhau nhưng không có thật thể, chỉ nương theo ngũ tạng mà có. Như nhân nơi tạng Gan, nói là do trì giới bất sát. Các pháp như: Sao Mộc, Thái sơn, Thanh sắc, Mộc, Hồn, Nhãn thức, Nhân, Mao, Giác tính, Chấn động v.v... chẳng khác gì Gan. Ý nghĩa của Gan cũng chẳng khác các pháp Bất sát (không sát sanh) v.v… tức là Như, nên gọi là Đại giác. Hành giả biết các pháp vốn là Như, bốn tạng còn lại ý nghĩa cũng vậy.
II- GIÁC, ĐẠI GIÁC CỦA TRUNG PHẨM
- Giác: Hành giả biết tạng Gan tuy là giống như các pháp Bất sát v.v… Nhưng Gan chẳng phải
là các tạng: Phổi, Thận, Tim, Lách v.v… hành giả biết rõ sự sai biệt trong đó, nên gọi là Giác.
- Đại giác: Hành giả biết các pháp và tạng Gan v.v… là vô thường sinh diệt, bốn tạng còn lại, cũng vô thường sinh diệt, đây gọi là Đại giác.
III- GIÁC, ĐẠI GIÁC CỦA THƯỢNG PHẨM
- Giác: Hành giả biết các pháp như: Gan v.v…
có tám tướng riêng biệt, gọi là Giác.
- Đại giác: Hành giả biết rõ các pháp như: Gan v.v… vốn là rỗng lặng, chẳng có tướng sai khác, đây gọi là Đại giác.
Phân biệt Giác, Đại giác và tướng thế gian, xuất thế gian, tuy nhiên đồng với ở trước, mà cũng có chỗ bất đồng, nếu hành giả nghiên cứu kỹ sẽ thấy.
Kế tiếp là giải thích ý nghĩa Tư duy và Đại tư duy, Quán đối tâm tính, cũng đại khái như đã nói ở trước. Trên đây là giới thiệu sơ lược Giác chi của Sơ thiền và nghĩa thế gian. Còn các pháp như: Quán, Hỷ, An, Định v.v… cũng phân tích như thế.
Chú thích Quyển 8B:
(1) Tam tiêu: danh từ đông y, nói về 3 vị trí trên cơ thể con người: Thượng tiêu (miệng trên của dạ dày), Trung tiêu (phần giữa dạ dày) và Hạ tiêu (miệng trên bàng quang).
(2) Ngũ vị: ngọt, chua, đắng, cay, mặn.
(3) Tứ đại thanh tịnh tạo sắc: (thuộc về Thể đại) Tứ đại: 4 yếu tố tạo thành vật chất (sắc pháp) nên tứ đại còn gọi là Sắc năng tạo, các sắc pháp được tạo thành thì gọi là Tứ đại sở tạo, chữ Đại có 3 nghĩa:
1/ Thể đại: thể tính tứ đại trùm khắp tất cả sắc pháp.
2/ Tướng đại: hình tướng tứ đại rộng lớn, như núi, biển, gió, lửa. 3/ Dụng đại: công dụng rộng lớn của tứ đại, như Tam tai.
(4) Kinh Đề Vị (Đề Vị Ba Lợi Kinh, Đề Vị Ngũ Giới Kinh
- trích 1491 tđphhq): kinh gồm có 2 quyển, do Ngài Đàm Tĩnh soạn vào thời Bắc Ngụy (Trung Quốc). Nội dung kinh này nói về việc sau khi thành đạo, Đức Phật đến vườn Lộc Uyển, giữa đường Ngài thuyết Ngũ giới, Thập thiện cho 500 thương nhân như Đề-vị Ba-lợi v.v… nghe. Ông Đề-vị chứng được Bất khởi pháp nhẫn, 200 thương nhân được Nhu thuận pháp nhẫn, 300 thương nhân được quả Tu- đà-hoàn. Kinh này thất lạc nên không lưu truyền, nhưng nhờ các sách trích dẫn rất nhiều nên có thể biết được nội dung của kinh.
(5) Ngũ tinh: tên của 5 ngôi sao quan trọng: Kim tinh, Mộc tinh, Thủy tinh, Hỏa tinh, Thổ tinh.
(6) Ngũ nhạc: 5 hòn núi tiêu biểu cho 5 phương của
Trung Quốc. Hoắc sơn (Nam nhạc) Hoa sơn (Tây nhạc) Hằng sơn (Bắc nhạc) Thái sơn (Đông nhạc) Tung sơn (Trung nhạc).
(7) Ngũ hành: (hành là chuyển vận) 5 chất: kim, mộc, hỏa, thủy, thổ. Năm thứ này chuyển vần tương sinh tương khắc lẫn nhau.
(8) Ngũ đế: 5 vị vua ngày xưa ở Trung Quốc, có hai thuyết: một thuyết gọi Thái Hiệu, Hoàng Đế, Thần Nông, Thiếu Hiệu, Chuyên Húc. Còn một thuyết thì nói: Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế, Đường Nghiêu, Ngu Thuấn là ngũ đế (tđhvtn).
(9) Bát quái: tám quẻ. Chữ do Phục Hy đặt ra và gồm có 8 dấu hiệu: càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài.
(10) Ngũ hình: 5 phương thức để trừng phạt kẻ phạm tội ngày xưa đại khái như: đánh bằng roi, gậy, xử tử, đày, nhốt một nơi kín.
(11) Lục nghệ: sáu tài nghệ mà những kẻ trí thức ngày xưa cần phải biết: Lễ, Nhạc, Xạ (bắn) Ngự (cầm cương xe) Thư (viết chữ đẹp) Số (tính toán).
(12) Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ: là 5 âm chính trong âm nhạc.
(13) Ngũ minh: 5 môn học ở Ấn Độ thời cổ: 1/ Thanh minh: Môn học ngôn ngữ văn chương. 2/ Công xảo minh: Công nghệ kỹ thuật, lịch toán. 3/ Y phương minh: Môn y dược, chú pháp. 4/ Nhân minh: Môn lý luận.
5/ Nội minh: Nội điển, tông chỉ của tông phái mình.
(14) Ngũ kinh: 5 bộ sách quan trọng của Trung Quốc mà các nhà Nho dùng để học hay nghiên cứu: Kinh dịch, Kinh thơ, Kinh thi, Kinh lễ, Kinh xuân thu.
(15) Tư đồ, Tư không, Tư mạng, Tư lục: những chức quan ở Trung Quốc thời Đường, Ngu. Trông coi về nghi lễ, ghi chép, tương đương Bộ trưởng thời nay.
(16) Thái nhất quân: Thái là rất lớn, Quân là vua, mẹ vua là Thái hậu, cứ lên một tầng là thêm một chữ Thái.
(17) Cửu khanh: 9 chức quan khanh đời xưa Trung Quốc gồm có: Trủng tể, Tư đồ, Tôn bá, Tư mã, Tư khấu, Tư không, Thiếu sư, Thiếu phó, Thiếu bảo.
(18) Thế trí biện thông: trí thông minh lanh lợi về mặt thế tục của hàng phàm phu, là 1 trong 8 nạn. Hàng phàm phu chỉ thích học theo kinh sách ngoại đạo, không tin nhận chánh pháp xuất thế, trở thành chướng ngại cho việc tin hiểu Phật pháp và tu thiền định xuất thế. Cũng có người cho rằng Thế trí biện thông là giàu kiến thức thế gian, giỏi luận biện, khéo xử thế. Trong Đại thừa nghĩa chương 8 (Đại 44, 629 thượng) ghi: “Vì Thế trí biện thông chỉ làm tăng thêm điều ác cho nên gọi là Nạn, tà kiến này trái với chánh đạo”.
THƯỢNG CĂN TU CHỨNG SƠ THIỀN
*3/ Sự thế gian
Khi hành giả ở trong định Sơ thiền, chứng được Lục thần thông, thấy sự việc ở thế gian rất rõ ràng phân minh, như xem thấy trái xoài trong lòng bàn tay. Đây là mắt thấy những sự việc hiện tiền, chẳng đồng như nói ở trước. Lấy nghĩa này mà suy ngẫm so sánh để phân biệt sự thế gian.
Giải thích Sự thế gian, chia làm hai ý:
A. Thấy sự tướng của thế gian
B. Ý nghĩa thành tựu năm chi giác quán
A. THẤY SỰ TƯỚNG CỦA THẾ GIAN
Hành giả bậc thượng căn, do phước đức và trí tuệ đều sáng suốt linh lợi, khi chứng Sơ thiền, có hai nguyên nhân chứng được năm thứ thần thông đó là Tự phát và Tu đắc.
I- TỰ PHÁT
Khi hành giả chứng nhập Sơ thiền, quán sát kỹ ba việc thế gian: hơi thở, thân và tâm, thì có thể thông đạt tướng nghĩa thế gian. Khi hiểu biết nghĩa thế gian, trí tuệ chánh định của hành giả càng thêm thâm sâu và linh lợi, do đó thần thông liền khai phát. Lúc này hành giả được Tứ đại thanh tịnh của Sắc giới tạo thành nhãn căn. Dùng tâm nhãn thanh tịnh có thể nhìn thấy thấu triệt tất cả sắc pháp khắp mười phương, phân biệt những sự tướng rất rõ ràng, tâm không loạn động, gọi là Thiên nhãn thông. Còn Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông v.v… cũng lại như thế.
Khi hành giả chứng được năm thần thông, có thể thấy rõ tất cả sắc và tâm của ba đời khắp cả mười phương, và sự sai biệt bất đồng của các cảnh giới, thấy những chủng loại chúng sinh chẳng đồng, cõi nước cũng khác nhau. Đây gọi là dị kiến sự thế gian. Nên kinh có nói: “Thâm tu thiền định, được ngũ thần thông”.
II- TU ĐẮC
Nghĩa là chứng được năm thứ thần thông thấy sự thế gian, trong Kinh Đại Tập nói: “Pháp hành Tỳ-kheo, chứng được Sơ thiền, sau khi nhập thiền định muốn được Thần túc thông, nên tu pháp Sổ tức, trụ tâm nơi chóp mũi, quán hơi thở ra vào, thấy rõ hơi thở vào ra nơi 99.000 lỗ chân lông, thấy thân thể rỗng suốt, cho đến Tứ đại cũng đều rỗng không. Do quán chiếu như thế, nên xa lìa sắc tướng, chứng được Thần túc thông. Cho đến Tứ thiền cũng đều như thế”.
- Thế nào là Pháp hành của Tỳ-kheo tu được Thiên nhãn thông? Nếu có Tỳ-kheo khi chứng được Sơ thiền, quán hơi thở ra vào, thấy sắc pháp chân thật. Sau khi thấy sắc pháp, lại suy nghĩ rằng: “Ta muốn thấy các sắc pháp cả ba đời”, do ý mong muốn được trông thấy thì liền thấy, cho đến Tứ thiền cũng lại như thế.
- Thế nào là Pháp hành Tỳ-kheo tu được Thiên nhĩ thông? Này Kiều Trần Như, nếu có Tỳ-kheo chứng được Sơ thiền, quán hơi thở ra vào, lại quán âm thanh, cho đến Tứ thiền cũng lại như thế.
- Thế nào là Pháp hành Tỳ-kheo tu được Tha tâm thông? Nếu có Tỳ-kheo quán hơi thở ra vào, khi chứng được Sơ thiền, tu Xa-ma-tha (Chỉ) Tỳ-bà-xá-na (quán), ấy gọi là Tha tâm trí, cho đến Tứ thiền cũng lại như thế.
- Thế nào là Pháp hành Tỳ-kheo tu được Túc mạng thông? Này Kiều Trần Như, nếu có Tỳ-kheo quán hơi thở ra vào, khi được Sơ thiền, liền chứng Thiên nhãn thông. Sau khi được Nhãn thông rồi, dùng Thiên nhãn quán từ khi mới có “Ca-la-la(1)” ở bào thai và quán sự sinh diệt của năm ấm, cho đến Tứ thiền cũng như thế”.
Sau khi chứng được năm thứ thần thông, có thể thấy được mười phương ba đời, chúng sinh phàm phu và Thánh nhân trong chín đường, chủng loại và cõi nước đều có hình tướng khác nhau. Đây gọi là tu đắc thần thông, thấy sự thế gian thông đạt vô ngại.
B. Ý NGHĨA THÀNH TỰU NĂM CHI GIÁC QUÁN
Giải thích Giác, chia làm ba phẩm:
I- Hạ phẩm Giác và Đại giác
II- Trung phẩm Giác và Đại giác
III- Thượng phẩm Giác và Đại giác
I- HẠ PHẨM GIÁC VÀ ĐẠI GIÁC
- Giác: dùng Thiên nhãn thông thấy thấu suốt các sắc tướng, phân biệt các chủng loại chúng sinh
chẳng phải một, những cõi nước cũng có sai biệt bất đồng, danh từ khác nhau, nên gọi là Giác.
- Đại giác: Giác ngộ tất cả sở hữu của thế gian chỉ là hư giả, quán sát kỹ Tứ đại đều không và thấy thế gian có sự sai biệt khác nhau, hành giả thấy rất rõ ràng nên gọi là Đại giác. Bốn thứ thần thông khác cũng như thế.
II- TRUNG PHẨM GIÁC VÀ ĐẠI GIÁC
- Giác: dùng Thiên nhãn thông thấy sắc tướng của Tứ đại, liền biết tự tính mỗi đại đều khác nhau, nên gọi là Giác.
- Đại giác: biết rõ Tứ đại là vô thường sinh diệt, bản tính không có sai biệt, nên gọi là Đại giác. Bốn thứ thần thông còn lại cũng như thế.
III- THƯỢNG PHẨM GIÁC VÀ ĐẠI GIÁC
- Giác: dùng Thiên nhãn thông, thấy rõ pháp vô thường có tám tướng (sanh, diệt, nhất, dị, có, không v.v…) khác nhau, gọi là Giác.
- Đại giác: giác ngộ tám tướng xưa nay vốn là rỗng lặng, một tướng cũng không có, nên gọi là Đại giác. Bốn thứ thần thông khác cũng như thế.
Đây là nói dùng năm thứ thần thông để thấy Giác và Đại giác của sự thế gian. Trường hợp tư duy, đại tư duy, quán đối với tâm tính và tướng thành tựu Giác chi cũng đại khái như đã giải thích ở trên vậy.
Bốn chi như: Quán, Hỷ, An, Định cũng phân biệt mỗi thứ đều như thế.
Hành giả nên biết, nếu hàng Thanh văn, Duyên giác chứng được thiền này, nương nơi định này mà chứng được: Bất hoại giải thoát, Vô ngại giải thoát, Tam minh, Lục thông, nên gọi là Thông minh quán.
Nếu hàng Bồ-tát Đại Sĩ an trụ ở thiền này, liền chứng được Vô ngại Đà-la-ni(2), cho đến Tứ thiền cũng lại như thế.
NHỊ THIỀN
Khi thâm nhập vào Nhị thiền cho đến định Phi tưởng Phi phi tưởng, Diệt tận định, cảnh giới càng sâu và huyền diệu, sự tướng rất nhiều, không thể nói hết được. Nay chỉ trích trong kinh điển để giải thích những ý chính mà thôi. Kinh ghi: “Nhị thiền cũng còn gọi là Ly, cũng gọi là Cụ. Ly là xa lìa ngũ cái, Cụ là đầy đủ cả ba chi: Hỷ, An, Định”.
Giải thích
Hành giả trụ ở tâm cuối của Sơ thiền, do nhàm chán giác và quán của Sơ thiền làm tán động tâm, nên muốn nhiếp tâm vào định, buông bỏ giác quán. Biết các tầng thiền trước đều chẳng thật, quán kỹ ba pháp: Hơi thở, Sắc và Tâm, nhất tâm trụ vào đó, giác quán tự diệt, nội tâm thanh tịnh liền phát Đại hỷ tam-muội, trong định hành giả thấy thân thể như bọt nước, tức là thành tựu Nhị thiền.
TAM THIỀN
- Kinh ghi: “Tam thiền cũng gọi là Ly, cũng gọi là Cụ, Ly là xa lìa ngũ cái, Cụ là đầy đủ năm chi: Niệm, Xả, Huệ, An, Định”.
Giải thích
Sau khi hành giả chứng Nhị thiền, nhàm chán tâm vui mừng tán động, nên nhiếp tâm buông bỏ. Hành giả cũng biết các tầng thiền trước đều chẳng thật, do nhất tâm quán sát, niệm vui mừng diệt mất, liền phát sinh cảm giác an lạc cả toàn thân, trong định hành giả thấy sắc thân như mây nổi, tức là thành tựu Tam thiền.
TỨ THIỀN
- Kinh ghi: “Tứ thiền còn gọi là Ly, cũng gọi là Cụ. Ly là xa lìa ngũ cái, Cụ là đầy đủ bốn chi: Niệm, Xả, Bất khổ bất lạc, Định”.
Giải thích
Sau khi chứng được Tam thiền rồi, thì nội tâm hành giả nhàm chán cảnh giới khoái lạc, nên nhất tâm buông bỏ. Cũng biết Tứ thiền vốn chẳng thật, quán sát tự tính của ba pháp (hơi thở, sắc, tâm), mà được rỗng rang thanh tịnh, sáng suốt, trí tuệ tam-muội cùng xả đồng thời phát sinh, nội tâm không vui mừng, cũng chẳng có niệm ác, hành giả chánh tâm an trụ trong định này, thấy rõ thân thể như hình bóng, tức là thành tựu Tứ thiền.
ĐỊNH HƯ KHÔNG XỨ
- Kinh ghi: “Quán nhàm chán sắc thân, xa lìa thân tướng và tất cả thân xúc, hỷ xúc, lạc xúc. Phân biệt sắc tướng, xa lìa sắc ấm, nhất tâm quán hư không vô lượng, đây gọi là Tỳ-kheo chứng đắc định Hư Không xứ”.
Giải thích: chia làm hai nghĩa:
1. Quán chung thiền định bậc thấp và cao
Kinh ghi: “Quán nhàm chán sắc thân, xa lìa thân tướng”. Nghĩa là biết rõ thân của Dục giới tội lỗi rất nhiều, các phần thân thể đều không thật. Ba thứ cảm xúc: “thân xúc, hỷ xúc, lạc xúc” là để đối xứng Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, suy xét pháp đối này có thể thấy rõ.
“Phân biệt sắc tướng” nghĩa là phân biệt sắc thân của Dục giới, cho đến sắc pháp của Tứ thiền, mỗi một thứ đều khác nhau và chẳng thật, đồng thời cũng biết rõ định Hư không cũng chưa lìa khỏi sắc pháp.
“Xa lìa sắc ấm, nhất tâm quán hư không vô lượng” như nói trong căn bản thiền, sau khi diệt ba thứ sắc pháp liền cùng hư không tương ưng.
2. Quán từ định Hư không xứ trở lên
“Quán nhàm chán sắc thân, xa lìa thân tướng”, tức là nhàm chán sắc thân như bóng như hình, che đậy ngăn chướng tâm niệm. Quán sắc thân như bóng này cũng là không vậy. Ba thứ cảm xúc nơi thân thể: Thân, Hỷ, Lạc cùng Hỷ căn có khác nhau, vì Hỷ căn đã không còn khởi tác dụng. Đây là do sắc pháp của Tứ thiền khởi cảm xúc, nên tâm sinh ba thứ xúc vậy.
“Phân biệt sắc tướng” tức là quán sắc thân như bóng và cảm xúc Hỷ Lạc của Tứ thiền, đều là hư dối chẳng thật.
“Xa lìa sắc ấm và quán hư không vô lượng” cũng như đã nói ở trên.
ĐỊNH THỨC XỨ
- Kinh ghi: “Nếu có Tỳ-kheo tu Xa-ma-tha (Chỉ), Tỳ-bà-xá-na (Quán), quán tâm ý thức, tự biết thân này không thọ ba thứ cảm thọ, do được xa lìa ba thứ thọ này, nên Tỳ-kheo ấy chứng được định Thức xứ”.
Giải thích
“Tâm ý thức” tức là hành giả xả bỏ định Hư không, duyên nơi ba pháp: Thân, Hơi thở và Tâm, nhập vào định Thức xứ, dùng trí tuệ tam-muội thâu nhiếp tâm. Tuy biết ba pháp ấy vốn chẳng thật, vì muốn lìa bỏ định Hư không xứ, nên nhất tâm duyên nơi thức, nhập vào định Thức xứ vậy”.
Câu “Tự biết thân này, không thọ ba thứ cảm thọ”, nghĩa là tuy định Hư không xứ đã lìa xả bỏ “thân bất tịnh” trong Tứ niệm xứ là: (thân, thọ, tâm, pháp) nhưng còn ba thọ sau là (thọ thị khổ, tâm vô thường, pháp vô ngã) nhưng định Thức xứ thì lại duyên nơi Thức để nhập định, có khả năng lìa bỏ cả bốn thứ thọ này. Vì bốn thọ ấy đều thuộc nơi Thức, cho nên nói “Tự biết thân này, không thọ ba thứ cảm thọ”, cũng có thể nói là “không thọ Khổ, Lạc và không Khổ, không Lạc vậy”. Khi được xa lìa ba thứ thọ này, gọi là chứng cảnh giới định Thức xứ.
ĐỊNH THIỂU THỨC XỨ (VÔ SỞ HƯU XỨ)
- Kinh ghi: “Nếu có Tỳ-kheo, quán cả ba đời đều là Không, biết tất cả hành cũng sinh cũng diệt! định Hư không xứ và định Thức xứ cũng sinh cũng diệt, quán như thế rồi, lần lượt quán Thức của định Thức xứ. Nghĩ rằng: “Thức này, cũng không phải là Thức, cũng chẳng phải không phải Thức, nếu nói không phải là Thức, tức là rỗng lặng. Tại sao ta lại muốn đoạn trừ Thức này? Đây gọi là chứng được định Thiểu thức xứ”.
Giải thích
“Quán ba đời đều Không, biết tất cả các hành cũng sinh cũng diệt” tức là quán chiếu định Thức xứ và Tâm số pháp của các tầng định cao và thấp, đều là tướng hữu vi sinh diệt, hư giả chẳng thật!
“Lần lượt quán Thức”, tức là quán định Thức xứ.
“Cũng chẳng phải là thức, chẳng phải không phải là Thức”, tức là biết các pháp là Không, không thể được vậy.
“Nếu chẳng phải Thức, tức là rỗng lặng, tại sao ta lại muốn đoạn Thức này”. Đây là phương tiện dùng niệm để diệt Thức. Duyên nơi chỗ chẳng phải Thức, mà được nhập định Thiểu thức xứ vậy.
ĐỊNH PHI TƯỞNG
- Kinh ghi: “Nếu có Tỳ-kheo, có phi tâm tưởng, tự suy nghĩ: ‘Tưởng này là khổ là hữu lậu, là ung nhọt, là chẳng tịch tịnh. Nếu ta có thể đoạn trừ định Phi tưởng phi phi tưởng, mới gọi là tịch tịnh’. Nếu có Tỳ-kheo có thể đoạn trừ định Phi tưởng phi phi tưởng như thế, gọi là chứng được Vô tưởng giải thoát. Vì sao? Vì Tỳ-kheo này tư duy: Nếu có thọ tưởng, hoặc thức tưởng, xúc tưởng, không tưởng và phi tưởng phi phi tưởng v.v... cũng đều gọi là Tưởng thô. Nếu ta nay tu Vô tưởng tam-muội thì có thể đoạn dứt vĩnh viễn các Tưởng này. Do hành giả thấy định Phi tưởng Phi phi tưởng là chỗ tịch tịnh. Sau khi nhập định này rồi, do không thọ và chẳng bám chấp tất cả, nên có thể phá trừ Vô minh, sau khi phá trừ vô minh rồi, gọi là chứng quả A-la-hán”.
Giải thích
“Có phi tâm tưởng” tức là định Vô tưởng vậy.
“Là khổ, là hữu lậu v.v...” tức là quán chiếu tai họa sai lầm của định Vô tưởng vậy.
“Nếu ta có thể đoạn trừ Phi tưởng phi phi tưởng, ấy là tịch tịnh”. “Phi tưởng”: tức là định Phi tưởng: “Phi phi tưởng”, tức là đã thấy tai họa sai lầm của các tầng định ở trước nên cần phải đoạn trừ. “Ấy gọi là tịch tịnh” tức là sau khi phá định phi tưởng, nên chứng được Niết-bàn tịch tịnh vậy.
“Nếu có Tỳ-kheo có thể đoạn trừ phi tưởng, chứng được Vô tưởng giải thoát”, tức là tất cả thiền định trong Tam giới, đều gọi là Tưởng, nay đoạn trừ các tưởng này, chứng đắc Vô tưởng tam-muội, như thế có thể ở trong định Phi tưởng, phá trừ vô minh, phát vô lậu, đắc quả A-la-hán, chứng Niết- bàn vậy. Pháp hành của Tỳ-kheo nếu thuyết minh từ Thọ tưởng v.v… trở xuống, cũng giải thích ý nghĩa như đã nói trên.
Kinh lại có chép rằng: “Ba tầng định ở trước, hàng phàm phu và ngoại đạo cũng có thể đoạn, từ tầng định thứ tư trở về sau, thì thế tục không thể đoạn. Phàm phu ở trong định Phi tưởng xứ, tuy lìa được các phiền não thô, nhưng lại có 10 pháp vi tế. Do định này không có các phiền não thô, nên tất cả hạng phàm phu chấp cho là đã chứng được Niết-bàn”.
Giải thích
Đây là nói trí tuệ của phàm phu, ở trong định Phi tưởng không thể phát Vô lậu vậy. Kinh lại có nói: “Kiều Trần Như! Nếu có Tỳ-kheo tu tập thánh đạo, chán lìa Tứ thiền, định Tứ không, quán nhập diệt tận định trang nghiêm”.
Giải thích như sau: “Đây là nói pháp quán tưởng của Thông minh thiền, sau cùng được nhập định Diệt thọ tưởng”, ý nghĩa này khi đến phần giải thích Bát bối xả sẽ nói cụ thể. Hành giả tu pháp môn này, nhưng không chứng nhập Niết-bàn, tiếp tục tu tất cả Phật pháp, có đầy đủ phương tiện đại bi, dùng sáu thứ thần thông hóa độ chúng sinh. Trên đây là lấy một pháp môn để thuyết minh về Đại thừa.


Chú thích Quyển 8C:
(1) Ca-la-la: tên gọi số lượng rất nhỏ.
(2) Vô ngại Đà-la-ni (Tổng trì vô ngại): là 1 trong 3 thứ vô ngại: biện tài, trí tuệ thông đạt, tổng trì.
Nghĩa là Bồ-tát được đại tổng trì, không mất thiện pháp, không sinh ác pháp, đối với tất cả ngôn ngữ các pháp phân biệt điều biết rõ vô ngại.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 12 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Truyền thuyết về Bồ Tát Quán Thế Âm


Tự lực và tha lực trong Phật giáo


Kinh Đại Bát Niết-bàn - Tập 2


Giọt mồ hôi thanh thản

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.14.251.248 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập