Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận.
Kinh Pháp cú
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
B. THỂ NGHIỆM CĂN TÍNH ÁC
Có bốn ý :
I- Số lượng phiền não
II- Căn tính Ác phát sinh
III- Lập phương pháp đối trị
IV- Tổng kết thành Tứ tất-đàn(1) quảng nhiếp Phật pháp I- SỐ LƯỢNG PHIỀN NÃO
Phiền não: Kinh Niết Bàn ghi: “Phiền não tức là pháp ác”. Nếu đem ra luận đủ thì có rất nhiều danh từ, nay chỉ giải thích tóm lược năm thứ ác pháp bất thiện, nếu đem ra mổ xẻ phân tích thì có vô lượng.
Năm thứ bất thiện pháp:
- Giác quán bất thiện pháp
- Tham dục bất thiện pháp
- Sân khuể bất thiện pháp
- Ngu si bất thiện pháp
- Ác nghiệp bất thiện pháp
Nếu phân chia rộng ra thì có tám vạn bốn ngàn thứ (8400), luận về căn bản phiền não, chỉ có Tam độc đẳng phần. Nếu đem năm pháp bất thiện này chia làm bốn phần phiền não, thì tam độc (tham, sân, si) thành ba phần, thuộc về Tập nhân, hai thứ bất thiện là Giác quán và Ác nghiệp chướng đạo, hợp lại thành một phần.
Vì sao? Vì Giác quán bất thiện pháp là do ba phần phiền não (tham, sân, si) phát sinh, cũng có thể gọi là Tập nhân đẳng phần; còn Ác nghiệp chướng đạo thuộc về Báo nhân đẳng phần, do gộp chung hai thứ Tập nhân và Báo nhân để giải thích, nên chỉ nói là một Đẳng phần.
Năm loại bất thiện pháp, nếu nói tổng quát chỉ có bốn phần, luận rộng ra thì có tám mươi bốn ngàn (84.000), như trong luận Ma Ha Diễn ghi: “Tham dục phiền não tổng cộng có hai mươi mốt ngàn thứ (21.000). Sân phiền não tổng cộng có hai mươi mốt ngàn (21.000) Ngu si phiền não tổng cộng có hai mươi mốt ngàn thứ (21.000). Đẳng phần phiền não tổng cộng có hai mươi mốt ngàn thứ (21.000)”. Bốn phần phiền não gộp lại tổng cộng có tám mươi bốn ngàn thứ (84.000) phiền não trần lao nên Phật thuyết tám mươi bốn ngàn pháp môn để đối trị, hiện nay chỉ lấy năm thứ ác pháp bất thiện, để luận về tướng Ác căn tính khai phát.
Vì sao? Vì phần trước giải thích tướng Thiện căn tính khai phát, cũng dùng năm thứ để luận, hiện nay giải thích về Ác căn tính phát, đâu phải chỉ căn cứ năm pháp bất thiện mà luận? Vì đây là thuốc và bệnh đối nhau, pháp tướng đồng nhau. Hành giả muốn tu thiền định, cần phải khéo phân biệt rành rõ. II- CĂN TÍNH ÁC PHÁT SINH
Có người khi tu thiền định, do tội lỗi và phiền não quá sâu nặng, tuy tâm dừng trụ nơi vắng lặng như đã giải thích ở phần trước, nhưng các thiện pháp trong và ngoài đều không có khai phát chút nào, chỉ thấy các phiền não dấy khởi. Cho nên nay giải thích trường hợp Ác căn tính khai phát, trong pháp ác khai phát, lại đưa ra năm thứ bất thiện để giải thích:
Trong một pháp bất thiện có ba trường hợp, ba nhân với năm thứ thì gồm có mười lăm pháp bất thiện.
Nếu luận về khi hành giả phát khởi pháp bất thiện, không nhất định phải theo thứ tự. Nay theo giáo môn thì y nơi thứ tự mà phân tích đầy đủ như nói ở phần trước.
1. Tướng giác quán (suy tính) khai phát
Có ba thứ:
a) Giác quán lanh lợi trong tâm khai phát
Nếu đời quá khứ hành giả không gieo trồng thiện căn, trong lúc tu thiền định các pháp thiện không khai phát, mà chỉ thấy nội tâm lăng xăng, niệm niệm không dừng, chỗ phan duyên của Tam độc cũng không cố định, có khi duyên niệm tham, có lúc duyên niệm si, có lúc duyên niệm sân. Đối với chỗ niệm khởi phan duyên rất rõ ràng, tuy phan duyên như thế dù trải qua nhiều năm tháng, mà các thiền định chẳng khai phát. Đây gọi là tướng Giác Quán lanh lợi trong nội tâm khai phát.
b) Giác Quán nửa tỉnh nửa hôn trầm phát
Nếu trong lúc hành giả thu nhiếp tâm niệm, tuy biết được phiền não giác quán, niệm niệm không dừng, khi theo duyên, hoặc sáng hoặc mờ tối, lúc tỉnh sáng thì Giác Quán phan theo duyên, nghĩ nhớ lăng xăng không dừng, lúc hôn trầm thì vô ký mờ mờ không biết rõ, nên gọi là Tướng Giác Quán nửa tỉnh nửa hôn trầm phát.
c) Giác Quán trong tâm hôn trầm phát
Nếu hành giả trong khi tu thiền định, tuy tâm lờ mờ giống như trong lúc ngủ say, trong chỗ lờ mờ đó Giác Quán lăng xăng phan theo duyên không dừng trụ, đây gọi là Tướng phiền não Giác Quán trong tâm hôn trầm phát.
2. Tướng Tham dục khai phát
Có ba tướng trạng khai phát
a) Ngoại tham dục phiền não phát
b) Ngoại nội tham dục phiền não phát
c) Nhất thiết xứ tham dục phiền não khởi
a) Ngoại tham dục phiền não phát
Lúc hành giả tu thiền định, tâm tham dục phát sinh, hoặc người nam khởi tham muốn người nữ, hoặc người nữ khởi tham muốn người nam, đắm chấp hình dáng, ngôn ngữ, cử chỉ, nội tâm sinh khởi nhiễm ô, niệm niệm không dừng trụ. Đây là tướng phiền não ngoại tham dục.
b) Ngoại nội tham dục phiền não phát
Trong lúc hành giả tu thiền định, tâm dục bị phát động, thấy hình dáng, oai nghi thư thái, sắc thần xinh đẹp, bèn khởi lòng tham ái yêu mến, hoặc lại yêu mến sắc thân của mình nên chải chuốt trang điểm, niệm niệm đắm chấp, sinh khởi các tâm tham ái, gây chướng ngại thiền định. Đây là tướng phiền não tham dục nội và ngoại.
c) Nhất thiết xứ tham dục phiền não khởi
Khi hành giả tu thiền định, không những tham dục cả nội và ngoại mà đối với tất cả cảnh giới của ngũ trần, thân thể và của cải v.v…cũng đều khởi tâm tham ái, hoặc tham muốn ruộng vườn, nhà cửa, áo quần và các vật thực ăn uống v.v... đối với tất cả các thứ đều khởi tâm tham muốn.
3. Tướng Sân hận khai phát
Có ba trường hợp
a) Phi lý sân
b) Thuận lý sân
c) Tranh luận sân
a) Phi lý sân
Khi hành giả tu thiền định, niệm sân hận tự nhiên phát khởi, dù có ai xâm phạm hay không xâm phạm, hoặc đúng lý hay không, tóm lại không có xảy ra việc gì mà tâm cũng tự nhiên khởi niệm sân giận. Đây là hiện tượng tà sân trái lý.
b. Thuận lý sân
Lúc hành giả tu thiền định, có người đến nhiễu loạn, vì thế hành giả liền khởi tâm sân giận, niệm sân giận dấy khởi không dừng, cũng ví như người trì giới luật, thấy người làm điều phi pháp, liền khởi tâm sân giận. Như trong Ma Ha Diễn ghi: “Trong cõi Phật thanh tịnh, tuy không có người tà, tham, sân, si, nhưng lại có tham sân si chân chánh”, nay nói Thuận lý chánh sân, chính là hạng người nầy vậy.
c) Tranh luận sân
Lúc hành giả tu thiền định, chấp pháp mình hiểu biết là đúng là phải, cho việc làm và lời nói của người khác là sai, nếu ý kiến người khác nói mà không thuận theo ý của mình liền nổi giận. Có những người ở thế gian, dù bị người ngoài chiếm đoạt tiền bạc, vật chất cũng có thể an nhẫn, nhưng nếu tranh luận một ý kiến mà không hợp ý liền nổi sân giận, quyết không cùng người ấy giao thiệp. Đây gọi là tướng tranh luận sân giận phát.
4. Tướng Ngu si khai phát
Có ba trường hợp:
a) Si chấp đoạn, thường b) Si chấp có, không
c) Si chấp tính thế gian
Ba tướng này đều thuộc về chấp tà kiến, không thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, cho nên gọi chung là ngu si.
a) Si chấp đoạn thường
Trong khi hành giả tu thiền định, bỗng phát khởi tư tưởng sai lầm, nội tâm phân biệt linh lợi, họ nghĩ rằng: “Đời trước của ta và các pháp diệt rồi, đời nay mới có trở lại hay là do không diệt, mà lại có?”.
Do suy nghĩ nên tâm tri kiến liền khởi truy tìm cả ba đời, nếu hành giả cho là diệt hết, liền rơi vào Đoạn kiến, nếu cho là không diệt, liền rơi vào Thường kiến. Những niệm ngu si như thế dấy khởi liên tục, vì thế phát sinh tà trí rất linh lợi, nhạy bén, suy xét mau chóng, có biện tài thông suốt, lý luận tranh cãi, tạo nhiều ác hạnh, chướng ngại chánh định xuất thế gian. Đây là tướng si chấp Đoạn kiến và Thường kiến khai phát.
b) Si chấp có không
Trong khi hành giả tu thiền định, bỗng khởi niệm tư duy phân biệt, tâm nghĩ: “Hiện tại ta và năm ấm nhất định là Có hay là Không hoặc là chẳng có, chẳng không?”. Do hành giả suy tầm như thế, tâm tri kiến liền phát, tùy theo chỗ thấy để kết luận, rồi sinh tâm chấp trước, do chỗ thấy biết tà kiến, niệm niệm không dừng, phát sinh tà trí rất linh lợi, bén nhạy, lý luận tranh cãi, dấy khởi tà hạnh làm chướng ngại chánh định không được khai phát. Đây là tướng si chấp Có chấp Không phát.
c) Si chấp tính thế gian
Trong lúc tu thiền định hành giả chợt suy nghĩ, “Do có vi trần tích tụ cho nên mới có các pháp, có các pháp liền có tứ đại, do có tứ đại mà có tên gọi chúng sinh và thế giới”? Do hành giả tư duy như thế, niệm niệm trong nội tâm dấy khởi liên tục, cho nên phát sinh trí biện tài linh lợi, có thể vấn nạn và đối đáp với người khác, tâm cao ngạo tranh chấp phải quấy, chuyên làm hạnh tà, xa đạo chân thật, thậm chí tâm suy nghĩ phân biệt từng sát-na cũng như thế, do những nguyên nhân ấy, nên hành giả không chứng được các thiền định, giả sử có phát thiền định, cũng rơi vào tà định. Đây là tướng si chấp tính thế gian phát.
5. Nghiệp ác gây chướng đạo
Có ba thứ:
a) Hôn trầm che chướng b) Ác niệm tư duy chướng
c) Cảnh giới bức bách chướng
a) Hôn trầm che chướng
Lúc hành giả dụng tâm tu thiền định, liền bị hôn trầm mờ tối không nhớ không biết gì, làm chướng ngại thiền định không được khai phát. Đây là tướng hôn trầm mờ tối ngăn chướng phát.
b) Ác niệm tư duy chướng
Khi hành giả muốn tu thiền định, tuy không bị hôn trầm mờ tối, nhưng những ác niệm bất thiện sinh khởi, hoặc nghĩ muốn tạo mười nghiệp ác, tội ngũ nghịch, muốn phá giới hoàn tục, trong nội tâm luôn luôn suy nghĩ không chút dừng dứt, vì thế gây chướng ngại các thiền định không được khai phát. Đây là tướng suy nghĩ niệm ác phát sinh chướng.
c) Tướng cảnh giới bức bách
Trong lúc hành giả tu thiền định, tuy không có xảy ra hai trường hợp như ở trên, nhưng thân thể bỗng nhiên đau nhức, hoặc có cảm giác bức bách khó chịu, hoặc mộng thấy, hoặc trong thiền định bỗng thấy người không đầu không tay chân, không mắt v.v... hoặc thấy áo quần rách nát, hoặc rơi vào hầm hố, hoặc thấy lửa thiêu đốt thân thể mình, hoặc thấy mình rơi từ trên bờ núi cao xuống, hoặc thấy bị kẹp giữa hai vách núi, hoặc gặp quỷ La-sát, hổ, sói v.v… Hoặc mộng thấy các hiện tượng xấu ác, những việc như thế, đều do những tội lỗi gây chướng đạo phát khởi bức bách hành giả, khiến hành giả lo sợ, hoặc sinh khổ não, những sự việc như thế rất nhiều không thể nói hết.
Nay đem năm pháp bất thiện này, gom lại thành ba thứ chướng đạo:
- Tham, Sân, Si: tức là Tập nhân phiền não chướng.
- Pháp giác quán não loạn trong phiền não đẳng phần: tức là bốn ấm thô, gọi là Báo chướng.
- Ác nghiệp chướng đạo: tức là Nghiệp chướng. Làm sao biết là chướng? Bởi vì đời quá khứ tạo nghiệp ác, vị lai phải chịu quả báo ác, do nghiệp giả chưa thọ quả báo, trở lại tu pháp thiện, do tính chất của ác và thiện chống trái nhau, nên nghiệp lực trợ giúp cho pháp ác dấy khởi để gây chướng ngại pháp thiện. Đây gọi là Nghiệp chướng.
- Ba loại: Tập nhân, Báo chướng và Nghiệp chướng này gây chướng ngại thiền định và trí tuệ của hành giả, khiến không được khai phát, nên gọi là Chướng. III- PHƯƠNG PHÁP ĐỐI TRỊ
Đối: nghĩa là chủ yếu nhằm vào đối tượng. Trị: nghĩa là trị liệu.
Thí dụ như dùng pháp quán bất tịnh, chủ yếu là đối trị bệnh tham đắm sắc dục, nên gọi là đối trị. Cho đến các phương pháp niệm Phật tam muội v.v… cốt yếu là dùng để đối trị Ác nghiệp chướng đạo.
Nay giải thích pháp đối trị, có sáu thứ chẳng đồng
1/ Đối trị trị
2/ Chuyển trị
3/ Không chuyển trị
4/ Kiêm trị
5/ Kiêm chuyển, kiêm không chuyển trị
1. Giải thích đối trị trị
Trong hai căn tính thiện và ác khai phát đã giải thích ở phần trước, mỗi căn tính đều có mười lăm trường hợp, nay trong pháp đối trị này cũng có mười lăm thứ.
HỎI: Như vậy đâu chẳng phải là giải thích rườm rà lắm sao?
ĐÁP: Không phải như thế, phần trước là mười lăm trường hợp kiểm nghiệm để biết, hiện nay là mười lăm phương pháp dùng đối trị, phần trước là mười lăm pháp thiện do chính mình khai phát, hiện nay là mười lăm phương pháp tu tập, cho nên không giải thích rườm rà để khỏi bị trùng lập.
a) Trị bệnh nhiều giác quán (vọng niệm)
Như trong kinh có ghi: “Người có bệnh giác quán nhiều, dạy họ tu pháp Sổ tức”, bệnh của giác quán có ba thứ, pháp quán Sổ tức cũng có ba thứ đối trị.
a.1. Đối trị Tâm giác quán lanh lợi:
Hành giả trong lúc tọa thiền, tâm linh lợi phan duyên, niệm niệm không dừng.
Phương pháp đối trị là dạy họ tu pháp Sổ tức để đối trị. Vì pháp Sổ Tức nghĩa là buộc tâm nơi hơi thở, là phương thuốc rất tốt dùng đối trị tâm loạn động, nếu hành giả đếm từ một đến mười, mà không quên nửa chừng, thì có thể nhập định, phương pháp này có công năng phá trừ tâm loạn tưởng. Pháp đếm hơi thở này có thể khiến cho nội tâm yên ổn để nhớ số đếm chặt chẽ, do nội tâm yên ổn nên mới có thể đối trị tâm linh lợi loạn tưởng, cho nên pháp Sổ Tức có công năng trừ bệnh nội tâm giác quán linh lợi.
a.2. Đối trị giác quán nửa tỉnh nửa hôn trầm
Bệnh nầy phần trước có nói.
Phương pháp đối trị là dùng pháp Tùy tức. Tùy tức nghĩa là theo dõi hơi thở ra vào, tâm duyên nơi hơi thở, do duyên theo hơi thở nên hơi thở thô thì tâm thô, nếu hơi thở nhẹ thì tâm cũng rất vi tế, hơi thở ra vào nhè nhẹ và vi tế, đoạn dứt tâm phan duyên, có thể phá trừ bệnh giác quán. Do tâm đứng lặng sáng suốt, nhận biết hơi thở ra vào dài hay ngắn rất rõ ràng, vì quán chiếu được rõ ràng nên có thể phá trừ hôn trầm. Vì thế mới nói dùng phương pháp Tùy tức để đối trị bệnh nửa tỉnh nửa mê, nếu hành giả chỉ dùng mãi một pháp sổ tức thì có lỗi thêm hôn trầm, hoặc chỉ dùng mãi một pháp quán hơi thở cũng bị dao động, cho nên hành giả phải khéo léo dùng hai phương pháp này để đối trị bệnh cho thích hợp.
a.3. Đối trị tâm giác quán hôn trầm
Tướng trạng giác quán của hôn trầm như phần trước đã nói qua.
Phương pháp đối trị là dùng pháp quán hơi thở, trong lúc hơi thở ra vào, phải xét kỹ hơi thở từ chỗ nào đến, khi thở ra thì đi về đâu, khi hít vào thì đến chỗ nào, ngay lúc hơi thở từ miệng ra cũng quán như thế, phương pháp này phần sau sẽ nói tỷ mỉ hơn. Nếu hành giả truy tìm tận nguồn gốc của hơi thở ra không phân tán, hơi thở vào không tích tụ, chẳng thấy có hình tướng cố định. Do quán chiếu được sáng suốt, trí tuệ liền khai mở, phá tan hôn trầm; nội tâm vắng lặng nương theo hơi thở, có thể phá trừ tâm tán loạn, cho nên dùng pháp quán hơi thở để trị bệnh hôn trầm và giác quán.
b) Trị bệnh tham dục
Trong kinh có nói, “Người tham dục nhiều, dạy họ pháp quán bất tịnh”, bệnh tham dục có ba thứ, vì thế có ba pháp đối trị.
b.1. Trị ngoại tham dục
Lý do bệnh này là tham đắm hình dung oai nghi, lời nói, sắc đẹp bề ngoài cho nên lửa dục thiêu đốt tâm tư không dừng.
Phương pháp đối trị là phải dạy phương pháp Cửu tưởng quán, như hành giả quán tưởng xác chết trong nghĩa địa, đồng thời cũng quán cảnh giới mà mình yêu thích, như xác chết nằm trên mặt đất, sình chướng, tan rã, máu huyết chảy ra, nước giải phân uế tràn trên đất, ruồi nhặng bu đầy, lúc ấy hành giả quán tưởng thân thể người nam hoặc nữ mà mình say đắm yêu mến cũng như xác chết thì có chỗ nào đáng yêu mến. Hành giả quán tưởng như thế, tâm dâm tự diệt dứt. Cho nên phương pháp Cửu tưởng quán có công năng đối trị bệnh tham ái tham muốn ngoại cảnh.
b.2. Trị nội ngoại phiền não tham dục
Bệnh phiền não tham dục phát sinh đã giải thích phần trước rồi.
Phương pháp trị bệnh này nên dạy họ tu quán pháp Sơ bối xả v.v… Tức là hành giả quán thân thể của mình nhơ nhớp bất tịnh, giống như xác chết, rất nhờm gớm, như vậy có thể phá trừ tâm tham ái ở thân. Lại phải quán thân bất tịnh của người khác nhơ nhớp như phần trước, tức là trừ tham ái đối với ngoại cảnh. Đây gọi là Sơ bối xả, phương pháp quán bất tịnh trong nội thân và ngoài thân, có thể phá trừ bệnh tham dâm và tâm yêu thích ở trong và ngoài.
b.3. Trị tham dục nhất thiết xứ
Tướng bệnh tham dục phát sinh như đã nói phần trước.
Phương pháp trị bệnh này nên dạy họ tu pháp quán tất cả chỗ đều bất tịnh. Nghĩa là quán tưởng các pháp và thân thể của mình, hoặc người nam người nữ, ruộng vườn, nhà cửa, áo quần, đồ ăn uống và tất cả đồ vật có ở thế gian v.v... thảy đều bất tịnh, không có chỗ nào hay vật gì có thể khiến tâm sinh khởi tham ái, lúc này tâm hành giả đối với tất cả các thứ vật chất cảm thấy nhàm chán xa lìa thì tâm tham dục không còn sinh khởi. Đây pháp đối trị bệnh tham dục tất cả chỗ.
c) Trị bệnh sân hận
Như trong kinh điển có ghi: “Người sân hận nhiều, nên dạy họ dùng phương pháp quán tâm từ để đối trị”. Bệnh sân có ba loại, phương pháp đối trị cũng có ba thứ.
c.1. Trị tâm sân: Tâm sân tức là tâm niệm luôn nghĩ nhớ những việc phi lý cả ngày lẫn đêm, muốn tìm cách để hãm hại người khác, tướng trạng tâm sân phát sinh như nói phần trước.
Phương pháp đối trị phải bảo họ dùng pháp quán Chúng sinh duyên Từ. Nghĩa là trước tiên hành giả nghĩ tưởng đến một người thân mà mình thương mến nhất, muốn họ được vui vẻ, trong thiền định hành giả thấy người thân được sung sướng vui vẻ, kế tiếp là nghĩ đến bạn bè được vui vẻ, cuối cùng là những kẻ oán thù cũng đều được sung sướng vui vẻ. Do tâm hành giả muốn chúng sinh được sung sướng, nên khởi tâm yêu mến họ, có thể phá trừ tâm sân não, oán hận đối với tất cả chúng sinh.
c.2. Trị chánh sân: Chánh sân tức là lúc bình thường thì không khởi tâm sân, nhưng thấy ai làm điều xấu ác, hay phạm giới v.v... liền dấy khởi tâm sân hận. Trường hợp bệnh chánh sân phát sinh, phần trước đã giải thích qua.
Phương pháp đối trị, nên dạy họ tu Pháp duyên từ. Nghĩa là phương pháp quán chiếu 5 uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức đều là hư dối chẳng thật, không thấy có chúng sinh, nếu không có chúng sinh thì đâu có những việc trì phạm, phải quấy? Tâm hành giả chỉ muốn đem niềm vui của Phật pháp ban cho mọi người, đối với mọi người đều sinh tâm thương mến, không nên để chúng sinh tăng thêm phiền não. Khi tâm phải quấy đã hết, tâm sân hận liền dứt. Thế nên thực hành pháp quán của Pháp duyên từ có thể đối trị bệnh Sân thuận lý.
c.3. Trị tranh luận sân hận: Trường hợp bệnh này phát phần trước đã giải thích qua.
Phương pháp đối trị nên dạy họ tu pháp quán Vô duyên từ, vì sao? Nhân vì hành giả này chấp theo chỗ thấy biết của mình là đúng, cho quan điểm của người khác là sai lầm, nếu đồng quan điểm của mình, tâm sinh vui vẻ, nếu trái quan điểm của mình liền sinh tâm sân giận. Có hành giả chấp Tứ cú (Có, Không, Cũng có cũng không, Chẳng có chẳng không), hoặc lại chấp Trung đạo, những lý luận đều có chỗ y cứ, nên có nguyên nhân để tranh luận, do cố chấp khiến tâm khởi sân giận, phương pháp đối trị là tu pháp Vô duyên từ. Lúc thực hành phương pháp này, tất cả ngôn ngữ đều dứt bặt, tâm niệm dừng diệt, đối với các pháp chẳng nên nghĩ nhớ. Nếu không nghĩ nhớ thì nhân đâu tranh luận khiến tâm sân giận? Tâm từ bao la rộng lớn và bình đẳng, đồng với niềm an lạc thanh tịnh sẵn có, lúc ấy tự nhiên không còn tâm niệm muốn não hại chúng sinh, cho nên tâm Từ có công năng ban cho chúng sinh niềm an lạc. Cũng có thể nói “Bồ-tát vì thương xót chúng sinh nên nói pháp môn Vô duyên từ”, còn gọi là Đại Từ. Nên biết tu Vô duyên từ có thể đối trị các bệnh sân giận do tranh luận.
d) Trị bệnh ngu si
Như trong kinh có ghi: “Người ngu si nhiều, dạy quán nhân duyên”.
HỎI: Pháp quán Thập nhị nhân duyên nghĩa lý rất sâu mầu, vì sao người ngu si lại dạy tu pháp quán nhân duyên?
ĐÁP: Nói ngu si, chẳng phải ngu như các loại động vật trâu, bò v.v… mà chỉ đề cập về những người có căn tính thông minh, linh lợi, phân biệt suy lường, nhưng trí tuệ không được chân chánh, tâm chấp lý tà gọi là ngu si. Bệnh ngu si có ba loại, pháp đối trị cũng có ba thứ.
d.1. Đối trị bệnh Đoạn kiến và Thường kiến
Do hành giả chấp những tư tưởng tà, hoặc khởi Thường kiến hoặc Đoạn kiến, chấp rằng không có đạo lý nhân quả, tướng trạng tà tri kiến này phần trước đã giải thích.
Phương pháp đối trị, phải dạy tu quán Thập nhị nhân duyên (12 nhân duyên) cả ba đời.
- Đời quá khứ có hai: Vô minh và Hành.
- Hiện tại có tám: Thức, Danh Sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ và Hữu.
- Đời vị lai có hai: Sinh và Lão Tử.
Đây là Mười hai nhân duyên xoay vần cả ba đời làm nhân quả lẫn nhau, chẳng thường hằng, cũng không đoạn dứt, như bài kệ trong kinh có ghi:
Bản ngã chân thật trong Phật pháp Tự tính tuy Không mà chẳng đoạn Niệm niệm nối tiếp mà chẳng thường Quả báo thiện ác cũng chẳng mất
Nếu hành giả khéo quán 12 nhân duyên, do không còn chấp Thường, không chấp Đoạn thì tâm tà kiến liền diệt dứt. Phương pháp này cũng dùng để đối trị phá trừ mê lầm Tương Tục Giả(2).
d.2. Đối trị bệnh si chấp có và không
Hành giả khởi tà niệm tư duy chấp có ngã hay không ngã, có 5 ấm hay là không có 5 ấm v.v... như phần trước đã giải thích qua.
Pháp đối trị là dạy họ dùng pháp quán quả báo 12 nhân duyên. Quả báo Mười hai nhân duyên tức là quán hiện tại trong thời gian ở trong thai mẹ mới bảy ngày (ca-la-la), gọi là Vô minh, cho đến Sinh, Lão Tử v.v... hiện tại tạo thành 5 ấm, 12 nhập, 18 giới đều từ nhân duyên phát sinh, trong thời gian ca-la-la có ba việc:
- Sinh mạng
- Noãn (trứng)
- Thần thức
Ba điều kiện này hợp thành gọi là Vô minh, vô minh đã từ nhân duyên sinh, nhưng nhân duyên vốn không có tự tính, nên không thể nói có hoặc nói không, cho đến mỗi thứ trong Mười hai nhân duyên cũng đều như thế.
Nếu hành giả hiểu rõ đạo lý tự tính chẳng phải không, chẳng phải có, liền phá trừ bệnh chấp hai bên, nên biết phương pháp quán quả báo của Mười hai nhân duyên có thể đối trị bệnh chấp Có chấp Không và cũng có thể dùng phương pháp này để đối trị phá trừ mê chấp Nhân Thành Giả(3).
d.3. Đối trị thế tính ngu si
Hành giả chấp vật cực nhỏ có thể sinh ra muôn pháp, tri kiến sai lầm này gọi là “Kế thế tính” như phần trước đã giải thích qua.
Phương pháp đối trị là tu pháp quán một niệm mười hai nhân duyên, vì sao? Vì hành giả quán trong một niệm có đầy đủ mười hai thứ nhân duyên, mà một niệm này chẳng phải mười hai nhân duyên, mười hai nhân duyên cũng chẳng phải một niệm này, nay đem một niệm để nói đủ mười hai nhân duyên, cũng từ mười hai nhân duyên để nói một niệm, nên biết một niệm vốn không có tự tính nhất định, mà đã không nhất định thì (Thế tính) cũng không thể được. Cho nên dùng pháp quán một niệm mười hai nhân duyên để phá si chấp sai lầm. Phương pháp quán một niệm mười hai nhân duyên này phần nhiều dùng để phá chấp thấy một và khác (nhất dị kiến), cũng có thể dùng để phá trừ chấp mê lầm Tương Đãi Giả(4).
e) Trị bệnh nghiệp ác gây chướng đạo
Như trong kinh điển có ghi: “Chướng ngại đạo nên dạy tu pháp niệm Phật”. Chướng đạo có ba thứ cho nên cũng có ba phương pháp đối trị.
e.1. Trị hôn trầm chướng ngại thiền định
Trường hợp bệnh hôn trầm phần trước đã giải thích qua.
Pháp đối trị là dạy họ tu quán Ứng thân Phật, trong ba mươi hai tướng(5) của Phật tùy ý chọn lấy một tướng. Ví dụ như quán tướng lông trắng giữa chặn mày của Phật. Tức là hành giả nhắm mắt lại mà quán tưởng, nếu tâm ám độn mờ tối, quán tưởng không thành tựu, phải đến trước hình tượng Phật, chuyên tâm quán tưởng một hình tướng, nhất tâm trụ vào đó nhập định. Nếu nhắm mắt quán tưởng không rõ, cần mở mắt ra để quán sát thật kỹ, sau đó mới nhắm mắt. Sau khi quán tưởng một tướng như vậy được rõ ràng, kế lại tiếp tục quán thứ tự khắp cả ba mươi hai tướng, khiến tâm nhãn(6) khai sáng, phương pháp này có công năng phá trừ tâm hôn trầm mờ tối, do công đức nhớ tưởng Phật nên có thể trừ diệt tội chướng.
HỎI: Nếu chọn một tướng để quán chiếu được rõ ràng, có thể phá trừ bệnh hôn trầm mê mờ, vì sao không tu pháp quán Cửu tưởng hoặc quán tướng xương trắng?
ĐÁP: Pháp quán Cửu tưởng và xương trắng, chỉ là quán thân bất tịnh và xác chết để tiêu trừ nghiệp tội của chúng sinh, nhưng công hiệu không mạnh, nên chẳng phải phương pháp đối trị bệnh này.
e.2. Pháp đối trị chướng ngại của tư duy
Hiện tượng phát sinh chướng ngại như giải thích ở trước.
Phương pháp đối trị là dạy họ niệm công đức của Phật. Niệm như thế nào? Hành giả dùng tâm chánh niệm, quán tưởng: Mười lực của Phật, Tứ vô sở úy, Mười tám pháp bất cộng, Nhất thiết chủng trí, chiếu khắp pháp giới, thường vắng lặng bất động, thị hiện Sắc thân khắp pháp giới để làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, công đức của Phật vô lượng, không thể nghĩ lường. Khi hành giả nhớ tưởng như thế, chính là phương pháp đối trị. Vì sao? Vì công đức nhớ tưởng Phật, phát sinh pháp thiện thù thắng từ trong tâm sở thiện. Nhớ nghĩ điều xấu ác là phát sinh từ trong tâm sở ác. Do niệm thiện có thể phá trừ niệm ác, cho nên cần nhớ tưởng Báo thân Phật.
Ví như có người xấu xí nhỏ nhoi, không trí tuệ, sống chung với người xinh đẹp, đoan chánh và có đại trí tuệ, thì tự cảm thấy xấu hổ. Ác niệm cũng như thế, nếu trong tâm thiện nhiều, thì tâm ác tự hổ thẹn dừng dứt, tưởng nhớ công đức Báo thân Phật, trong mỗi một niệm có công năng diệt trừ tất cả chướng ngại.
e.3. Đối trị cảnh giới bức bách chướng ngại
Cảnh giới nghiệp tội phát sinh phần trước giải thích qua.
Phương pháp đối trị là bảo họ niệm Pháp thân Phật. Pháp thân Phật tức là Pháp tính bình đẳng, bất sinh bất diệt, không có hình sắc, vắng lặng rỗng rang, vô vi, tịch tĩnh. Trong chỗ vô vi, đương nhiên là không có cảnh giới, không có cảnh giới thì tướng bức bách làm sao phát sinh? Nếu hành giả hiểu rõ cảnh giới vốn rỗng không, tức là pháp đối trị. Nếu niệm ba mươi hai tướng Ứng thân Phật, thì chẳng phải pháp đối trị, vì sao? Vì người này lúc chưa quán tưởng tướng này đã bị cảnh giới làm não loạn tâm, mà những người chấp tướng, phần nhiều nhân đây rơi vào cảnh giới ma, ma làm tâm họ cuồng loạn. Nay hành giả quán Không để phá trừ các cảnh giới, nếu nhớ tưởng Pháp thân Phật thì công đức vô lượng, có công năng diệt trừ các nghiệp tội cực nặng (trọng tội), đây chính là phương pháp đối trị, ý này có thể thấy rõ. Trên đây đã giải thích phương pháp đối trị trị xong.
2. Pháp chuyển trị
Trong Ma Ha Diễn Luận giải về Thập lực, Định lực, Cấu tịnh, Trí lực, có ghi: “Người tham dục bảo họ tu pháp quán tâm Từ, người sân nhiều tu quán Bất tịnh, người ngu si nhiều bảo họ quán Tư duy hữu biên hay vô biên, người tâm trạo cử tán loạn dạy họ tu Trí tuệ phân biệt, người hôn trầm dạy họ thâu nhiếp tâm niệm, nếu tu như thế, gọi là chuyển trị. Nếu chẳng phải thế gọi là Bất chuyển trị”. Đây là trái ngược với phần nói ở trên.
Hiện nay giải thích Pháp chuyển trị, có hai thứ:
a) Bệnh chuyển, pháp đối trị cũng chuyển
b) Bệnh không chuyển mà pháp đối trị chuyển
a) Bệnh chuyển, pháp đối trị cũng chuyển
Nay chỉ y theo phần trên để giải thích ý nghĩa chuyển trị thì trong phương pháp đối trị trị đã giải thích ở phần trước có nói: “Nếu người tâm tham dục nhiều bảo họ tu quán bất tịnh, sau khi tâm quán đã thành tựu, hành giả thấy cảnh bất tịnh nên tâm sinh nhàm gớm liền khởi sân giận”. Như thời Đức Phật còn tại thế, có các vị Tỳ-kheo tu tập phương pháp quán bất tịnh, sau khi quán tưởng thành tựu, các Tỳ-kheo cảm thấy chán ghét thân thể của chinh mình, liền nhờ người khác giết. Nếu người tu quán bất tịnh, phát sinh trường hợp như thế, nên bảo họ chuyển qua tu quán tâm Từ để đối trị tâm sân giận, đây gọi là chuyển trị và cũng gọi là thuốc và bệnh đều chuyển đổi. Tuy nói như thế cũng cần nên cân nhắc suy xét kỹ, vì e chưa phù hợp với giáo lý.
b) Bệnh không chuyển mà pháp đối trị chuyển
Ví như người trước kia có bệnh tham dục tuy quán bất tịnh mà không thể chuyển, nay đổi qua phương pháp quán tâm Từ để đối trị.
HỎI: Xưa nay con người thường có tâm tham muốn, ưa thích hình dáng xinh đẹp của người khác, hiện nay pháp quán tâm Từ cũng lấy hình dáng xinh đẹp của người khác, vậy thì làm sao có thể dùng tâm Từ để đối trị tâm tham dục?
ĐÁP: Giới Bồ-tát trong Kinh Phạm Võng có nói rất rõ, “Tất cả người nam đều là cha của ta, người nữ là mẹ của ta, người thọ Bồ-tát giới rồi chẳng lẽ không khởi tâm từ bi, đâu thể hành dâm dục không tiết độ, thậm chí nếu cùng Lục thân(7) hành dâm thì phạm tội Ba-la-di (tội cực nặng)”. Nếu hành giả quán tưởng nam nữ hiện tiền đều như mẹ, cha, con, cháu, thì tự nhiên khởi tâm cung kính, yêu mến, bởi vì tâm từ bi có thể phá trừ tâm tham dục, ví như người làm cha mẹ, đối với con ruột của mình không thể khởi tâm niệm phi pháp.
Lại nữa, ý nghĩa tâm Từ là ban niềm vui cho mọi người, còn tham dục là pháp bất thiện, gây thêm phiền não cho người khác, đây chẳng phải là đạo lý, không phải ban cho mọi người niềm an lạc. Do hành giả suy nghĩ như vậy nên nhất tâm tu quán tâm Từ, nếu thiền định của tâm Từ được khai phát thì có thể đối trị tâm tham dục, vì sao?
Vì pháp quán Tứ vô lượng tâm là của Sắc giới, không thể có tâm tham dục phát sinh. Đây là bệnh tuy không chuyển mà chuyển phương pháp quán khác để đối trị nó. Nay chỉ nêu đại khái một pháp quán bất tịnh để giải thích, còn mười bốn môn thiền khác cũng đều có hai ý nghĩa chuyển trị như thế.
Ngoài môn quán chuyển đổi này cũng có hai trường hợp.
- Chuyển tâm không chuyển cảnh
- Tâm cảnh đều chuyển
Hành giả nên khéo tự nghiên cứu suy tìm ý nghĩa có thể thấy vậy.
3. Không chuyển trị
Có hai ý:
a) Bệnh không chuyển, pháp quán cũng không chuyển. b) Bệnh chuyển, pháp quán không chuyển.
a) Bệnh không chuyển, pháp quán cũng không chuyển
Ví như người tham dục nhiều, tuy tu pháp quán bất tịnh mà tâm tham dục không dừng dứt, lúc ấy lại tiếp tục quán tưởng thêm, không cần chuyển đổi pháp quán khác. Hành giả lại quán thêm các cảnh: xác chết, máu mủ chảy ra, tan rã v.v... sau khi quán một xác chết nhưng không dứt niệm tham dục, cần quán thêm nhiều xác, cứ tăng thêm từ từ, thậm chí xác người đầy cả xóm, cả thành phố, cả một nước cũng đều quán tưởng bất tịnh, như trong “Thiền kinh” có giải thích rộng, hoặc phải quán xương trắng phát sáng để đối trị tham dục thì tâm tham dục mới dừng được. Nên gọi là không chuyển đổi pháp đối trị, tuy nhiên có nghĩa lý này, nếu suy cứu kỹ cũng chưa phải hàm nghĩa chính xác của giáo lý.
b) Bệnh chuyển, pháp quán không chuyển
Do hành giả có bệnh tham dục, cho nên dùng pháp quán Bất tịnh để đối trị, kết quả niệm tham dục dừng dứt, nhưng lại sinh khởi bệnh sân giận, lúc ấy hành giả không đổi pháp quán bất tịnh, chỉ chuyển qua quán xương trắng phát sáng để nhập định, thì tâm sân tự diệt trừ, đây cũng có hai trường hợp:
- Cảnh không chuyển mà tâm chuyển.
- Cảnh không chuyển mà tâm cũng không chuyển.
Ngoài ra còn 14 pháp đối trị không chuyển trị, ý nghĩa cũng tương tự như thế.
4. Kiêm trị
Phương pháp đối trị này cũng trích từ Luận Ma Ha Diễn giải thích về pháp niệm Xả trong Bát niệm. Luận nói: “Pháp thí của Bồ-tát là pháp nhân duyên, hoặc thuyết pháp hoặc hiện thần thông, hoặc phóng quang v.v... dùng những phương tiện này để làm lợi ích và độ thoát cho chúng sinh, đây gọi là pháp thí”. Khi hành pháp thí, cần khéo biết rõ chúng sinh bị phiền não nhiều hay ít, vì có chúng sinh chỉ có một bệnh phiền não, hay hai, hoặc ba thứ lẫn lộn. Nếu hạng chúng sinh chỉ có một bệnh phiền não, chỉ cần dạy họ một phương pháp đối trị, nếu có hai bệnh phiền não thì dạy hai pháp đối trị, nếu chúng sinh có ba thứ phiền não thì nói ba pháp đối trị. Đây tức là tướng Kiêm trị.
Nếu chúng sinh chỉ có một bệnh, thì dạy một pháp đối trị, như phần trước đã nói qua. Nếu chúng sinh có hai thứ bệnh nên dùng hai pháp đối trị: Như hành giả có bệnh tham dục và bệnh sân giận, lúc ấy cần dùng pháp quán Từ Bi và quán Bất tịnh cùng phối hợp để đối trị. Vì sao? Nếu chỉ dùng một phương pháp đối trị, thì chỉ trị lành một bệnh, còn một bệnh kia càng tăng mạnh, đây là sai lầm. Nay dùng cả hai phương pháp để đối trị thì bệnh đều lành, như dùng pháp quán bất tịnh kèm thêm quán Từ Bi hoặc dùng pháp quán Từ Bi kèm thêm quán bất tịnh. Tóm lại, phương pháp đối trị phải tùy theo bệnh sinh khởi mà sử dụng, ý nghĩa này cần cân nhắc suy xét cẩn thận. Pháp kiêm trị cả hai, ba, bốn, cho đến năm thứ bệnh ý nghĩa cũng đều như vậy, nay không nói hết.
5. Kiêm chuyển trị, Kiêm không chuyển trị Ý nghĩa này cũng như pháp chuyển trị và không chuyển trị, chỉ khác là đối với căn bệnh phát sinh nặng hay nhẹ, nhiều hay ít, để sử dụng phương pháp đối trị thích hợp, hành giả có thể theo ý nghĩa trong phương pháp đối trị của chuyển trị và không chuyển trị, nếu nghiên cứu kỹ sẽ thấy.
6. Không đối trị, không chuyển và không kiêm trị
Đây chính là nói về Đệ nhất nghĩa Tất-đàn. Bát-nhã chánh quán, “Bát-nhã chánh quán” này có thể đối trị cả mười lăm thứ bệnh, cũng khai phát tất cả mười lăm môn thiền, cho nên nói chẳng đối trị, chẳng chuyển, chẳng kiêm trị. Pháp tính chánh quán, tức là Pháp không thể dùng Pháp để đối trị Pháp, nên nói chẳng đối trị. Chánh quán vô lậu, không cần đối trị, do pháp quán này không đối trị một phía, thì không tăng thêm bệnh một phía, nên không cần chuyển đổi vậy.
- Năng lực của pháp Bát-nhã chánh quán có thể phá trừ chỗ có bệnh cần phá, nên không cần tu kèm thêm pháp quán nào khác, tuy pháp quán nầy không có “năng phá, sở phá” mà chỉ dùng để đối trị nên các pháp bất thiện thảy đều bị diệt trừ, gọi là Đối trị.
Trong Ma Ha Diễn ghi: “Có loại tam-muội chỉ trừ bỏ Tham dục mà không thể trừ bỏ Sân và Si. Có loại tam-muội có thể trừ bỏ cả ba thứ độc tham, sân, si”, chính là nói về Tam-muội này, là Bát-nhã chánh quán, là Đệ nhất nghĩa Tất-đàn đang nói ở đây vậy.
Bát-nhã chánh quán này, có khả năng đối trị năm thứ bệnh:
a) Chánh quán trị tham dục
Như trong Kinh Tư Ích ghi: “Người tham dục, dùng pháp quán tịnh mà được giải thoát, chẳng phải tu quán bất tịnh được giải thoát, chính Thế tôn biết rõ việc nầy”.
b) Chánh quán trị sân
Như Kinh Bát-Nhã ghi: “Có một kiếp về trước, ta (Phật) bị vua Ca Lợi Vương chặt đứt thân thể, lúc ấy ta không thấy có ta, không thấy người, không thấy chúng sinh, cho nên tâm sân giận không sinh khởi”, nên biết thật tướng có thể đối trị tâm sân giận.
c) Chánh quán phá trừ ngu si
Trí tuệ Bát-nhã có công năng phá trừ Vô minh, nên trong Kinh Niết Bàn có ghi: “Lúc sáng thì không tối, lúc tối thì không sáng”, nghĩa là khi có trí tuệ thì không có Vô minh phiền não, khi có phiền não thì không có trí tuệ.
d) Chánh quán trị giác quán
Trong tâm chánh quán không có tướng ngôn ngữ, không có tâm niệm, thì tà giác quán từ đâu sinh khởi, nên Kinh Duy Ma Cật ghi: “Làm sao dừng tâm phan duyên, bảo rằng là ‘tâm vô sở đắc’ ”.
e) Chánh quán trị tội chướng
Như trong Phổ Hiền Quán giải thích ở phần trước: “Ngồi ngay thẳng quán thật tướng, gọi là sám hối đệ nhất, các tội lỗi như sương mai, bị mặt trời trí tuệ chiếu tan không còn dấu vết”.
Thí dụ như các thứ thuốc ở thế gian, mỗi thứ tùy theo căn bệnh để chữa trị, mỗi loại thuốc chỉ có công năng chữa trị một bệnh mà thôi, chứ không thể chữa trị tất cả các bệnh vậy. Chánh quán là dụ như loại thuốc A-yết-đà có công năng chữa lành tất cả các bệnh, đây gọi là chẳng đối trị, chẳng chuyển và chẳng kiêm trị, vì pháp này cũng có công năng chứng được đầy đủ tất cả các môn thiền định. Như trong Kinh Đại Phẩm ghi: “Muốn học tất cả pháp thiện cần nên học Bát- nhã”, vì sao? Ví dụ như khi Vua ngự giá đến đâu nhất định có đại binh hộ tống theo, vì khi trí tuệ Bát-nhã khai phát thì trong một tâm đầy đủ muôn hạnh. Đây cũng như lấy (ngọc Như ý) để làm ví dụ vậy. IV- TỔNG KẾT THÀNH TỨ TẤT - ĐÀN TỔNG NHIẾP PHẬT PHÁP
Nay đem Nghiệm căn tính Ác để luận về
phương pháp đối trị, tức là đối chiếu với ý nghĩa
Tứ chủng Tất-đàn trong Luận Ma Ha Diễn.
Vì sao? Vì hiện tượng khai phát của mười lăm thứ cảnh giới bất thiện, chính là Thế giới tất-đàn, cho đến cảnh giới khai phát của thiện căn đã giải thích phần trước, cũng thuộc về Thế giới tất-đàn, vì năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới đều do nhân duyên sinh.
Kế đến là nêu rõ mười lăm thứ đối trị của thiền môn, tức là Đối trị tất-đàn, vì nội dung chính là biện biệt trường hợp phát bệnh và dùng thuốc.
Kế đến là giải thích chuyển trị và bất chuyển trị, tức là Vị nhân tất-đàn, đây là tùy theo căn duyên của người tu không đồng, để dùng phương tiện lợi ích cho chúng sinh, nên gọi là Nhân.
Kế là nói về không đối trị, không chuyển, đây chính là Đệ nhất nghĩa Tất-đàn, ý này rất rõ ràng. Nên Luận Ma Ha Diễn ghi: “Bốn thứ Tất-đàn này bao hàm tất cả Phật pháp, mười hai bộ kinh(8) và tám mươi bốn ngàn (84.000) pháp môn”. Theo lý mà suy luận, thì ý nghĩa của thiền môn rộng lớn như vậy, nên không chỗ nào mà chẳng thâu nhiếp. *3. PHÁP AN TÂM
Có năm ý:
1. Tùy phương tiện thích nghi
2. Tùy pháp đối trị đã thành tựu lập pháp an tâm
3. Tùy theo pháp môn thích hợp
4. Tùy thứ lớp lập pháp an tâm
5. Tùy chọn một pháp môn
1. Tùy phương tiện thích nghi
Sau khi nghiệm biết trong tính thiện căn phát sinh mười lăm thứ thiền định, hành giả tùy theo một pháp thiền định nào phát sinh trong mười lăm thứ ấy, sẽ biết rõ đời trước hành giả đã từng tu tập qua môn thiền đó, đời nay quay trở lại tu hành khiến thành tựu, vì thế tùy theo chỗ phát sinh pháp thiền định ấy an tâm tu tập.
Như sau khi hành giả tu thiền định các thứ Xúc phát sinh, muốn cho tâm an ổn phải tu pháp Sổ tức để an tâm. Vì sao? Vì Sơ thiền căn bản, phần nhiều là do tu pháp quán Sổ tức mà chứng được, nên biết rằng người này đời quá khứ đã từng tu thiền định bằng phương pháp quán Sổ tức, nếu hiện nay dùng pháp Sổ tức để nhập định cộng với sự hỗ trợ của duyên tu tập đời trước nên dễ dàng được khai phát thiền định; lại cộng thêm sự nỗ lực dụng công liên tục, có thể đắc định Tứ thiền, Tứ không, nhân đây chứng quả vị Tam thừa: La hán, Duyên giác, Bồ-tát, ví dụ như trường hợp Phật dạy người thợ rèn tu pháp Sổ tức là thuận theo chỗ tu tập đời trước của họ, cho nên thiện căn dễ khai phát, sau khi thiện căn phát, phải dạy họ tu pháp môn an tâm. Mười bốn thứ thiện căn còn lại, cũng tu theo pháp Tùy tiện nghi như trên, phương pháp an tâm cũng vậy.
2. Tùy pháp đối trị đã thành tựu lập pháp an tâm
Nếu hành giả trước kia có nhiều tham dục, do pháp bất thiện làm chướng đạo, muốn trị bệnh, nên tu quán bất tịnh, sau khi quán bất tịnh đã thành tựu, tuy bệnh tham dục đã trị lành nhưng vẫn chưa chứng thiền định thâm diệu, cần phải gia công nỗ lực dụng tâm tu quán bất tịnh. Sau khi quán những thứ bất tịnh thành tựu rồi, kế tiếp bỏ phần quán da thịt của xác chết, mà tu quán xương trắng phát ánh sáng thâm nhập Bát bối xả, đoạn dứt phiền não trong Tam giới, chứng quả vị Tam thừa, mới không phí uổng công phu. Nếu không tu như thế, lại tu phương pháp an tâm khác, tạo công phu mới thì việc rất khó thành tựu. Mười bốn thứ tùy đối trị thành tựu còn lại cũng giải thích phương pháp an tâm tương tợ như loại này vậy.
3. Tùy theo pháp môn thích hợp
Nếu hành giả dùng pháp đối trị đoạn trừ bệnh phiền não bất thiện ở Dục giới, có thể thông suốt cả mười lăm loại thiền không chướng ngại gì. Lúc ấy tâm hành giả tùy theo các Thiền tam-muội nào mà mình ưa thích, cứ theo môn thiền đó để an tâm tu tập, đều được khai phát và thành tựu từ đầu đến cuối, pháp tu nầy tương tợ như pháp tu trị của phái Số luận.
4. Tùy thứ lớp lập pháp an tâm
Khi những chướng ngại đã diệt trừ, có hành giả muốn tu đầy đủ các thứ thiền định từ cạn đến sâu, cần phải y theo trong pháp quán A-na-ban-na để dạy họ tu pháp Sổ tức, khi chứng được Tứ thiền căn bản và Tứ Không định rồi. Kế tiếp dạy họ tu Tùy tức, chứng Thập lục đặc thắng. Kế tiếp nên quán hơi thở, chứng được Thông minh thiền. Kế tiếp lại quán bất tịnh, chứng nhập các thiền: Cửu tưởng, Bát bối xả v.v... Sau đó lại quán tâm tính chứng nhập Cửu chủng đại thiền. Thiền định thứ lớp có giải thích rõ trong Chương 5 “Minh thiền thứ lớp”. Phương pháp tu chứng phần sau sẽ giải thích cụ thể hơn.
Hiện nay giải thích trường hợp sau khi kiểm nghiệm căn tính thiện ác và dùng phương pháp an tâm. Do có những tiện lợi cho việc tu thiền định như thế, cho nên sau đây mới giải thích tu tập thiền định như thế nào.
5. Tùy chọn một pháp môn
Muốn chứng đắc Niết-bàn và Pháp bảo chân chánh, mỗi chúng sinh cần phải từ mỗi pháp môn để tiến nhập. Sau khi mười lăm thứ thiện căn đã khai phát và dùng năm phương pháp đối trị loại trừ các chướng ngại rồi, hành giả tùy chọn một pháp môn nào dễ dàng khai ngộ, làm phương pháp an tâm tu tập, phần nhiều họ nhân đây mà chứng được Thánh quả. *4. PHÁP TRỊ BỆNH
Khi hành giả đã an tâm tu tập thiền định, nếu trước kia Tứ đại của hành giả đã có bệnh, hiện nay vì dụng tâm tu hành, khiến tâm và hơi thở giao xen kích phát thành bệnh. Hoặc có khi không khéo điều hòa ba việc là Thân, Tâm và Hơi thở, do trong ngoài chống trái lẫn nhau nên mới phát bệnh. Nay nếu người khéo dụng tâm tu tập phương pháp tọa thiền, thì (404) bốn trăm lẻ bốn bệnh tự lành. Nếu dụng tâm sai thì bốn trăm lẻ bốn bệnh sinh khởi.
Thế nên, hành giả tự tu tập hay dạy người tu, phải khéo biết nguồn gốc của bệnh, lúc tọa thiền phải khéo biết phương pháp trị bệnh nội tâm, nếu không biết phương pháp trị bệnh, một phen phát bệnh chẳng những chỉ chướng ngại sự tu hành, thậm chí tính mạng cũng khó bảo tồn.
Nay giải thích về phương pháp trị bệnh có hai
thứ:
I- Tướng bệnh phát khởi
II- Phương pháp trị bệnh thứ I- TƯỚNG BỆNH PHÁT KHỞI
Bệnh tuy có nhiều loại, tóm lược không ngoài ba
1. Bệnh do tứ đại tăng
2. Từ ngũ tạng sinh bệnh
3. Tướng ngũ căn sinh bệnh
1. Bệnh do tứ đại tăng
Do địa đại tăng thì mắc bệnh thũng kiết trầm trọng, thân thể khô gầy v.v... nên một trăm lẻ một bệnh liền phát sinh. Thủy đại tăng thì đờm dãi nhiều, ăn uống không tiêu, đau bụng v.v... nên một trăm lẻ một bệnh liền phát sinh. Hỏa đại tăng thì thân chợt lạnh, nóng, đau nhức, miệng hôi, đại tiểu không thông v.v... nên một trăm lẻ một bệnh liền phát sinh. Phong đại tăng thì thân thể lơ lửng như bị treo trong hư không, uể oải mệt mỏi, xương khớp đau nhức, phổi sưng hơi thở gấp v.v... nên một trăm lẻ một bệnh phát sinh.
Trong kinh nói: “Một đại không điều hòa thì một trăm lẻ một bệnh sinh, bốn đại không điều hòa thì bốn trăm lẻ bốn bệnh đồng phát khởi”. Khi bốn đại phát bệnh thì mỗi thứ có biểu hiện tướng mạo của nó, chính trong lúc ngồi thiền hoặc trong lúc nằm mộng, cần chú ý quan sát, vì tướng trạng của nó rất nhiều không thể nêu ra hết.
2. Từ ngũ tạng sinh bệnh
Tim sinh bệnh thì thân thể thường nóng hay lạnh nhiều, miệng khô v.v... vì tim chủ về miệng.
Phổi sinh bệnh thì thân thể trương đầy, tứ chi đau nhức, mũi nghẹt, vì phổi chủ về mũi.
Gan sinh bệnh thì trong lòng buồn rầu không vui, lo lắng, sân giận, đầu nhức, mắt nóng đỏ, vì gan chủ về mắt.
Lách sinh bệnh thì trên mặt nổi phong, khắp thân ngứa ngáy, đau nhức, ăn uống không ngon, vì lá lách chủ về lưỡi.
Thận sinh bệnh thì cổ họng ngẹn, bụng sình trướng, tai ù vì thận chủ về tai.
Năm tạng phát sinh bệnh rất nhiều, nguyên nhân phát bệnh mỗi cái cũng khác nhau, do tướng bệnh quá nhiều không thể nêu ra hết được, nếu quán xét trong lúc tọa thiền và nằm mộng sẽ biết rõ.
3. Tướng ngũ căn sinh bệnh
Bệnh về Thân: Thân thể bỗng nhiên đau nhức, khắp thân ngứa ngáy v.v...
Bệnh về Lưỡi: Nổi mụn trong lưỡi, đau nhức ăn uống không ngon.
Bệnh về Mũi: Mũi ngẹt không thông, chảy nước mũi, v.v...
Bệnh về Tai: Tai ù đau nhức, không nghe tiếng hoặc trong tai có âm thanh lùng bùng.
Bệnh về Mắt: Mắt thấy mờ mờ hoặc thấy đau nhức v.v...
Những nguyên nhân phát khởi sinh bệnh của Tứ đại, Ngũ tạng và Ngũ căn rất nhiều không thể nói hết.
HỎI: Bệnh của Ngũ căn và bệnh trong Ngũ tạng giống nhau, vì sao lại phân biệt?
ĐÁP: Vì trong lúc ngồi thiền, phương pháp trị bệnh chẳng đồng, cho nên phải nói riêng tướng mạo của từng bệnh. Nếu hành giả muốn tu thiền định, không bị phát sinh bệnh, cần phải biết rõ nguyên nhân sinh bệnh. Nguyên nhân chung của ba thứ bệnh này là do trong cảm ngoài ứng mà phát sinh, hoặc do ảnh hưởng thời tiết nóng quá hay lạnh quá, hoặc gió độc, ăn uống không cẩn thận, đây là nguyên nhân phát bệnh từ bên ngoài.
Nếu dụng tâm không được điều hòa, quán hạnh sai lạc, hoặc do nội tâm hiển hiện các cảnh giới, không có phương pháp diệt trừ, nên khiến Tứ đại, Ngũ tạng và Ngũ căn sinh bệnh, ba chỗ này phát sinh bệnh là do ở bên trong phát khởi.
Hành giả cũng cần biết, có ba thứ nguyên nhân sinh bệnh khác nhau:
- Tứ đại tăng giảm nên phát bệnh như đã nói ở trên.
- Ma quỷ hay thiên ma xúc não mà sinh bệnh.
- Nghiệp báo khiến sinh bệnh.
Những bệnh như thế, khi mới bắt đầu phát sinh bệnh, cần phải điều trị kịp thời, bệnh sẽ chóng lành. Nếu để lâu ngày, bệnh càng thêm trầm trọng, thân gầy suy yếu, chữa trị rất khó lành. II- PHƯƠNG PHÁP TRỊ BỆNH
Khi hành giả hiểu rõ nguyên nhân phát bệnh, cần tìm phương pháp để điều trị, pháp chữa trị có rất nhiều, nay nêu sơ lược không ngoài năm thứ:
1. Dùng khí và hơi thở để trị bệnh
Có thầy nói nên dùng sáu thứ khí và mười hai thứ hơi thở để trị bệnh. Sáu thứ khí:
Suy, Hô, Hy, Ha, Hư, Hứ sáu thứ khí này đều do dùng Lưỡi và Miệng chuyển động phát ra. Khi ngồi thiền có cảm giác lạnh nên dùng khí Suy, nóng thì dùng khí Hô, khí Suy trị bệnh lạnh, khí Hô trừ bệnh nóng, khí Hy trừ bệnh phong đau nhức, khí Ha trừ bệnh bức rứt, khí Hư trị tan đờm và tiêu sình trương, khí Hứ có công năng bồi bổ cơ thể suy yếu.
Nếu dùng chữa bệnh trong ngũ tạng thì hai thứ khí Suy và Hô có thể trị bệnh Tim, khí Hư trị bệnh Gan, khí Ha trị bệnh Phổi, khí Hy trị bệnh Lá lách, khí Hứ trị bệnh Thận.
Dùng mười hai thứ hơi thở có công năng trị các bệnh
1/ Hơi thở lên
2/ Hơi thở xuống
3/ Hơi thở đầy
4/ Hơi thở tiêu
5/ Hơi thở tăng trưởng
6/ Hơi thở diệt
7/ Hơi thở ấm
8/ Hơi thở lạnh
9/ Hơi thở xông lên
10/ Hơi thở gìn giữ
11/ Hơi thở điều hòa
12/ Hơi thở bồi bổ
Mười hai thứ hơi thở này, đều sử dụng bằng nội tâm quán tưởng.
Nay nói sơ lược trường hợp dùng mười hai thứ hơi thở để trị tướng bệnh.
1/ Hơi thở lên dùng trị bệnh trầm trọng.
2/ Hơi thở xuống trị bệnh lơ lửng.
3/ Hơi thở đầy trị bệnh khô gầy
4/ Hơi thở tiêu trị bệnh phù thủng.
5/ Hơi thở tăng trưởng trị bệnh lao tổn.
6/ Hơi thở diệt trị bệnh tăng thịnh.
7/ Hơi thở ấm trị bệnh lạnh.
8/ Hơi thở lạnh trị bệnh nóng.
9/ Hơi thở xông trị bệnh bế tắc không thông.
10/ Hơi thở trì giữ trị bệnh lảo đảo.
11/ Hơi thở điều hòa trị bệnh Tứ đại bất hòa.
12/ Hơi thở bồi bổ trị bệnh Tứ đại suy yếu. Nếu hành giả khéo dùng các thứ hơi thở này trị lành các bệnh, dùng sai có thể sinh các bệnh, suy xét kỹ sẽ biết. Các vị thầy dùng hơi thở để trị bệnh, có rất nhiều phương pháp, nói không thể hết, hiện nay chỉ đưa ra vài phương pháp để hiểu đại ý.
2. Dùng quán giả tưởng để trị bệnh
Như trong Kinh Tạp A Hàm có nói rộng về 72 bí pháp(9) để chữa trị thiền bệnh, nhưng người thời nay căn cơ tối cạn, đa số tu tập pháp quán tưởng không thành công, hoặc không khéo điều phục được ý tưởng, chẳng những bệnh không lành mà còn tăng thêm nhiều thứ bệnh. Cho nên người tu thiền định, phải khéo hiểu được bí yếu, dùng sức quán giả tưởng thì không bệnh nào mà chẳng lành, vì pháp bí yếu này không thể dùng văn tự để diễn tả hết được.
3. Dùng chú thuật để trị bệnh
Muôn pháp đều có pháp đối trị, người khéo dùng pháp chú thuật chữa trị, nhất định sẽ lành bệnh. Pháp chú thuật có ghi chép rất nhiều trong các Thiền kinh và Đà-la-ni, những vị thầy tu tập chú thuật, đa số giữ bí mật không tùy tiện truyền trao.
4. Dùng tâm chuyên chú nơi cảnh để trị bệnh
Có thầy nói: “Tâm là chủ của quả báo trong một thời kỳ. Ví như vị quốc vương đến đâu thì bọn giặc cướp đều giải tán, tâm vương cũng như thế, tùy theo chỗ sinh bệnh, đem tâm chuyên chú nơi đó, trải qua thời gian lâu mà tâm không tán động, thì bệnh tự lành”. Lại có thầy nói “Ở dưới rốn khoảng một tấc gọi là huyệt Đan điền, nếu đem tâm an trụ nơi đó, đa số bệnh đều được lành”. Có thầy nói “Thường an tâm dưới chân có thể trị được rất nhiều bệnh”. Có rất nhiều thuyết nói về phương pháp trị bệnh, ở đây không ghi hết.
5. Quán chiếu phân tích để trị bệnh
Dùng trí tuệ chân chánh quán chiếu kiểm soát chỗ bị bệnh, quán tưởng bệnh vốn là Không, lúc ấy các bệnh do Tứ đại tự nhiên tiêu sạch. Nếu bệnh do ma quỷ hoặc Thiên ma phá, hành giả nên lập tâm vững chắc và tụng chú quán chiếu để đối trị. Nếu bệnh do nghiệp báo cần phải tu phước và tụng sám hối, bệnh tự nhiên lành.
Năm phương pháp trị bệnh này, hành giả chỉ cần thông hiểu một phương pháp, cũng có khả năng tự tu và dạy người khác, huống gì thông đạt tất cả. Nếu không biết một pháp nào, khi sinh bệnh không thể tự đối trị, chẳng những bỏ bê sự tu hành, mà còn nguy hiểm đến tính mạng, thì làm sao tự tu và dạy người.
Thế nên người muốn tu thiền định, phải khéo thông hiểu phương pháp dùng nội tâm để trị bệnh, phương pháp rất nhiều, văn tự không thể ghi chép hết vậy. Hành giả muốn tu tập để biết, nên nghiên cứu yếu chỉ đã nói ở phần trên. Nếu chỉ y theo văn tự để thực hành, văn tự không ghi chép đầy đủ, lại nêu lên phần sơ lược, không thể làm căn cứ nhất định. Người trí thông hiểu được ý này, có thể dùng phương tiện xoay chuyển mỗi phương pháp để trị bệnh, nếu không có bậc thiện tri thức hướng dẫn thì cũng có thể dùng cấp cứu tạm thời.
HỎI: Trong lúc tọa thiền, dùng tâm trị bệnh, nhất định có hiệu quả không?
ĐÁP: Chỉ cần đủ mười pháp này nhất định có lợi ích:
1/ Tin: Tin tưởng pháp này có khả năng trị lành bệnh.
2/ Dùng: Tùy thời dùng thường hằng.
3/ Siêng: Dùng chuyên cần không ngơi nghỉ cho đến khi lành bệnh mới thôi.
4/ Thường trụ trong cảnh duyên: Tâm vi tế luôn luôn trụ nơi pháp không cho tán loạn.
5/ Quán sát nguyên nhân phát bệnh: Như đã nói ở đoạn trên.
6/ Phương tiện: Như phương pháp hít thở khéo vận chuyển tâm tưởng, khéo léo thành tựu không trái phép.
7/ Thực hành lâu dài: Nếu áp dụng chưa có lợi ích, không quản ngày tháng bao lâu, vẫn thường thực hành chẳng bỏ phế.
8/ Biết thủ xả: Biết có lợi ích liền nỗ lực chuyên cần, cái có hại thì buông xả, luôn chính chắn chuyển tâm để điều trị.
9/ Khéo gìn giữ: Khéo biết tránh những duyên khác xúc phạm.
10/ Biết ngăn chướng: Nếu được lợi ích không nên đến nói với người khác, chưa thuyên giảm chẳng sinh lòng nghi chê.
Nếu hành giả y theo mười pháp này để trị bệnh, nhất định có hiệu quả. *5. MA SỰ
Ma tiếng Phạn gọi là Ma-la, đời Tần dịch là Sát, vì nó có thể cướp đoạt của báu công đức và giết tuệ mạng của người tu hành. Nên gọi là Ma-la.
Vì sao gọi là Ma sự?
Chư Phật dùng công đức và trí tuệ độ thoát chúng sinh, khiến chúng sinh chứng nhập cảnh giới Niết-bàn, gọi là Phật sự.
Ma thường phá hoại căn lành của chúng sinh, khiến chúng sinh bị luân hồi trong vòng sinh tử, gọi là Ma sự.
Nếu người tu hành khéo an tâm nơi chánh đạo, mới biết đạo càng cao thì Ma càng thịnh, cho nên cần khéo biết rõ Ma sự.
Giải thích về Ma sự gồm có ba phần:
I- Phân biệt Ma pháp bất đồng II- Giải thích Ma sự phát tướng III- Phương pháp phá trừ Ma sự I- PHÂN BIỆT MA PHÁP BẤT ĐỒNG
Ma có bốn loại:
1. Ma phiền não
2. Ma ấm, giới, nhập
3. Ma chết
4. Thiên ma ở dục giới
1. Ma phiền não
Là tam độc tham, sân, si và chín mươi tám loại phiền não. Thủ, Hữu trong mười hai nhân duyên, lưu chuyển đến Sinh, Tử, không được tự tại. Ngũ trược(10), Ngũ cái, Ngũ triền(11), Cửu kiết(12) và Mười sáu thứ phiền não(13) v.v... đều phá hoại tâm người tu hành. Như bài kệ trong Luận Ma Ha Diễn nói:
Dục ma quân thứ nhất. Ưu sầu đội thứ hai.
Đói khát là thứ ba. Yêu mến là thứ bốn. Mê ngủ là thứ năm. Kinh sợ là thứ sáu. Nghi hối là thứ bảy. Giận hờn là thứ tám.
Tham danh là thứ chín. Ngã mạn là thứ mười. Những ma sự như thế, Dìm đắm người xuất gia, Ta dùng sức thiền trí, Phá dẹp các quân ma, Được thành Phật đạo rồi, Độ tất cả chúng sinh.
2. Ma Ấm, Giới, Nhập
Nghĩa là 5 ấm, 12 nhập, 18 giới, tất cả danh sắc ràng buộc chúng sinh, năm ấm ngăn che căn lành thanh tịnh và công đức trí tuệ người tu hành, khiến không được tăng trưởng, nên gọi là Ma.
Ấm, Giới, Nhập của cõi Dục, cho đến Giới, Ấm, Nhập của cõi Sắc và Vô sắc cũng như thế. Nếu tâm hành giả đã không thông hiểu mà lại tham chấp gọi là Ma, nếu tâm không còn chấp lại có thể quán chiếu ba cõi như hư không, không ngăn ngại. Đây gọi là phá Ma nghiệp.
3. Ma chết
Tất cả nghiệp báo sinh tử luân chuyển không dừng, đều gọi là Ma.
Nếu người muốn phát tâm tu hành, nhưng lại bị bệnh mà chết, hoặc bị kẻ khác giết hại, nên không thể tu hành, tức là đời này bỏ mất cơ hội để tu tập Thánh đạo. Nhưng đến đời sau, do nhân duyên thay đổi mà quên mất bản tâm, cũng đều gọi là Ma sự.
Lại nữa, khi hành giả muốn tu, nhưng lại sợ chết, khiến tâm tham tiếc thân mạng của mình, không dám tu Thánh đạo. Đây cũng thuộc trong phạm vi Ma sự.
4. Thiên ma ở dục giới
Là Ma vương Ba-tuần, loài ma này là oan gia của Phật pháp, nó thường lo sợ người tu hành vượt ra khỏi lãnh vực thống trị của nó, cho nên nó sai các quỷ thần quyến thuộc, quấy rối não loạn phá hoại căn lành người tu hành. Đây là Ma vương ở cõi trời Tha hóa tự tại. II- GIẢI THÍCH MA SỰ PHÁT TƯỚNG
- Nếu hiện tượng của Ma phiền não phát sinh, cũng giải thích giống như Phiền não đẳng phần và Tam độc trong căn tính Bất thiện đã nói qua ở phần trước.
- Nếu hiện tượng Ma Ấm, Giới, Nhập phát sinh, cũng giải thích giống như trong Thiện căn và Bất thiện căn, các cảnh giới của sắc và nội tâm xuất hiện đã nói ở phần trước.
- Nếu hiện tượng Tử ma phát sinh, cũng giải thích giống như bệnh và tai họa đã nói ở phần trước. Vì cớ sao? Bệnh là nguyên nhân Tử vong.
- Nếu bệnh phát sinh do Quỷ, Thần hoặc Ma, hành giả phải cần biết và phân biệt.
Nay giải thích Ma sự gồm có ba loại:
1. Ma tinh mị
Là các loài thú trong mười hai giờ, nó biến hóa những thứ hình sắc, hoặc hình người thiếu nữ, thiếu nam, người già, cho đến các hình tướng rất đáng sợ, để não loạn người tu hành. Mỗi loài xuất hiện theo giờ của nó, hành giả cần phải biết rành rõ, nếu giờ Mẹo là loài thỏ, chồn, nai đến; nếu giờ Thìn thì loài rồng, trạnh đến. Hành giả biết rõ các loài tinh thú ấy liền gọi tên nó, thì chúng đều tiêu tan, những giờ khác hình tướng của nó xuất hiện, hành giả có thể suy biết.
2. Ma đôi dịch
Ma đôi dịch cũng biến hiện ra các loài thú để xúc não người tu hành, hoặc hóa thành sâu, mọt, chúng bò trên thân thể người, nó chích, đào bới, cào cấu dưới nách, trên mặt, hoặc ôm giữ, hoặc kêu réo tạo ra âm thanh ồn náo, hoặc hóa hiện muôn hình tướng kỳ dị, để quấy rối não loạn người tu hành. Sau khi hành giả biết rõ, liền nhất tâm nhắm mắt lại, thầm mắng rằng: “Ta nay đã biết rõ ngươi, ngươi tên là Thâu-lạp-kết-chi ở trong cõi Diêm-phù-đề, ưa ăn lửa, ngửi mùi hương, là loại tà kiến phá giới trọng, ta nay giữ giới quyết chẳng sợ ngươi”. Nếu là người xuất gia nên tụng Giới bổn, nếu người tại gia nên đọc tụng Tam quy, Ngũ giới, mười giới trọng của Bồ-tát và bốn mươi tám giới khinh, thì bọn quỷ này khúm núm rút lui.
Những hình tướng gây chướng ngại người tu hành và những phương pháp đối trị phá trừ, có nói đầy đủ trong Thiền kinh.
3. Ma não loạn
Loài ma này thường hóa hiện ra ba thứ cảnh tướng để phá hoại người tu hành.
- Hóa cảnh nghịch: Hóa làm những hình tướng và cảnh giới của năm trần rất ghê rợn, khiến tâm người tu kinh sợ.
- Hóa cảnh thuận: Biến hóa những hình tướng và cảnh giới của năm trần rất ưa thích, khiến người tu sinh tâm tham đắm.
- Hóa cảnh không thuận không nghịch: Cảnh giới 5 trần rất bình thường, làm động tâm người tu hành.
Thế nên, Ma gọi là Sát, cũng còn gọi là Mũi Tên Hoa, cũng còn có tên là Năm Mũi Tên, vì nó bắn vào năm giác quan của con người, trong mỗi giác quan hiện ra ba cảnh giới để não loạn người tu, cả năm giác quan hợp lại gồm có mười lăm cảnh giới.
Trong Sắc có ba thứ cảnh giới:
- Hóa cảnh thuận trong Sắc: Hóa hình cha mẹ, anh em, hình tượng chư Phật hoặc hình dáng nam nữ xinh đẹp và những cảnh ưa thích, khiến tâm người tu đắm mến.
- Hóa cảnh nghịch trong Sắc: Hóa hiện các loài dã thú như: Cọp, Sói v.v… và hình dáng quỷ La-sát rất đáng sợ để khủng bố người tu hành.
- Hóa cảnh không thuận không nghịch trong Sắc: Tức là chỉ hóa hiện những hình tướng bình thường, không đáng ưa thích, cũng không khiến người tu hành kinh sợ, nhưng có thể gây động loạn tâm, làm mất thiền định nên gọi là Ma.
Trong 4 trần: (thanh, hương, vị, xúc) ma cũng hóa những cảnh giới thuận nghịch như thế, chỉ là hình tướng trần cảnh khác nhau mà thôi. Nếu hành giả không phân biệt được sự hư dối của tà ma, sẽ bị tà ma phá hoại công phu, tâm phát sinh cuồng loạn, làm những việc tội lỗi, thân thể lõa lồ không biết hổ thẹn. Lại còn phá hoại việc thiện của người khác, hủy báng Tam bảo, tội ác rất nhiều không thể kể hết. Có khi phát bệnh đến chết, cho nên phải cẩn thận quán xét kỹ.
HỎI: Vì sao ở đây không nói về pháp trần đối với ý căn để luận về Ma sự?
ĐÁP: Vì theo đa số mà luận, thì tất cả Ma sự phần nhiều bắt đầu từ trong 5 căn đối 5 trần mà phát sinh, cho nên chỉ nói 5 trần, nếu nghiên cứu tỉ mỉ, thì trong ý căn cũng có ba trường hợp Ma sự não loạn, suy ra có thể biết. Trong các kinh điển Đại thừa, nói những sự việc biến chuyển hư vọng trong sáu trần và trường hợp Ma sự phát khởi đối với ý căn rất rõ ràng tường tận. Cho nên Kinh Đại Phẩm có ghi: “Những loại Ma sự, nếu ai không chỉ dạy cho người tu hành biết, đây chính là Bồ-tát ác tri thức vậy”. III- PHƯƠNG PHÁP PHÁ TRỪ MA SỰ
Có ba phương pháp:
1. Hành giả cần biết rõ những giác quan thấy, nghe, giác, biết, đều là Không. Do đó hành giả không chấp nhận, không dính mắc, không lo sầu, không phân biệt thì cảnh giới không xuất hiện.
2. Hành giả chỉ cần xoay lại quán chiếu cái tâm thấy, nghe, giác, biết ấy, không có chỗ phát sinh, đã không thấy cái tâm nghe, thấy, giác, biết đó thì có chỗ nào não loạn, khi hành giả quán chiếu như thế, đối với cảnh giới đã không chấp nhận, không phân biệt thì Ma tự nhiên diệt mất.
3. Tuy hành giả quán chiếu như vậy, mà cảnh giới không diệt mất, lúc này cần chánh niệm liên tục, không sinh khởi tâm lo sợ, chấp tiếc thân mạng, tâm chánh niệm vững chắc không dao động, biết cảnh giới Ma cũng Như, cảnh giới Phật cũng Như(14) cảnh giới Ma hay cảnh giới Phật bình đẳng không hai (Ma giới như, Phật giới như, nhất như, vô nhị như). Đối với cảnh Ma cũng không xả, đối với cảnh Phật cũng không chấp, tức là Phật pháp hiện tiền, Ma tự nhiên tan hoại, đã không thấy có đến, đi, cũng không sinh tâm lo buồn hoặc vui mừng thì đâu bị ma não hại.
Lại nữa, cũng chưa từng thấy người nào trong lúc ngồi thiền, thấy ma hóa hình hổ, sói đến ăn thịt, ma chỉ biến hóa thành hổ để hù dọa, khiến tâm hành giả kinh sợ, nhưng thực tế là không có, hành giả chỉ cần biết hiện tượng đó là hư giả, khi biết rõ như thế thì tâm không còn lo sợ. Hoặc quán tưởng “Ta nay vì cầu đạo, dầu có chết hay bỏ thân mạng cũng đâu có gì mà lo sợ, thân thể của ta tùy ngươi làm gì cũng được”, tâm hành giả phải vững chắc như kim cương, không hề lay chuyển. Dù cho trải qua nhiều năm, nhiều tháng mà cảnh giới vẫn không diệt mất, cần phải trực tâm chánh niệm kiên cố, không tiếc thân mạng, không ôm lòng lo sợ.
Phải tụng kinh điển Đại Thừa Phương Đẳng, thần chú trị ma, hoặc thầm tụng niệm và hằng nhớ Tam bảo.
Nếu khi xuất định cũng phải tụng thần chú để tự đề phòng, sám hối hổ thẹn và tụng giới luật, vì Tà không can phạm được Chánh, lâu dần nó tự tiêu diệt, phương pháp đối trị hoặc sự hoặc lý rất nhiều nói không thể hết, hành giả phải khéo biết nó để dùng phương tiện trừ diệt.
Thế nên người sơ tâm tu hành, muốn học tọa thiền, cần gần gũi những bậc thiện tri thức để được chỉ dẫn pháp đối trị những chướng nạn như thế. Khi Ma nhập tâm, có công năng khiến cho hành giả cũng chứng được các Tà thiền tam-muội, cũng có Trí tuệ, Thần thông và Đà-la-ni, huống gì những cảnh giới nhỏ nhặt như nói ở trên.
Nếu muốn biết rõ cảnh Ma, nên nghiên cứu trong các kinh điển Đại thừa, trong kinh cũng có giới thiệu ít phần, nay chỉ nói đại khái để hành giả biết thâm ý việc này, không bị lầm nhận cảnh giới ma.
Nói tóm lại nếu muốn bỏ tà quay về chánh đạo, cần phải quán thật tướng của các pháp, vì thế trong Luận Ma Ha Diễn ghi: “Trừ thật tướng các pháp, còn tất cả đều là Ma sự”.
Kệ nói rằng:
Nếu nhớ nghĩ phân biệt, Tức là lưới của ma,
Không động không phân biệt, Ấy tức là pháp ấn,
Luôn nghĩ đến Thường, Đoạn, Đây chẳng phải chánh đạo. Trong pháp không phân biệt, Mà nghĩ tưởng phân biệt.
Lại nữa, giải thích tóm lược ý nghĩa phương pháp phá trừ ma bất đồng. Như trong Luận Ma Ha Diễn nói: “Do đắc Bồ-tát đạo nên phá trừ ma phiền não, do chứng được Pháp tính thân(15) nên phá trừ ma ấm, giới, nhập. Do đắc Bồ-tát đạo và Pháp tính thân nên phá Tử ma. Do đắc Bất động tam-muội nên ở trong tất cả pháp tự tại, vô trụ, có năng lực phá ma thiên tử (ma vương) cõi Tha hóa tự tại ở dục giới”.
Kinh Đại Tập ghi: “Đắc Tứ niệm xứ, tức là phá bốn thứ ma”, hai thuyết này danh từ tuy khác nhau mà ý lại đồng. Kinh Anh Lạc ghi: “Bậc Đẳng giác Như lai, đã trải qua ba thứ ma sự, chỉ còn một phẩm Tử ma”. Kinh Pháp Hoa ghi: “Hàng Nhị thừa chỉ phá được ba thứ ma, còn thiên ma dục giới là chưa thể phá”. Trong các kinh luận nhiều thuyết chẳng giống nhau, nhưng đều có thâm ý trong đó.
Nếu luận chung thì bốn thứ ma này phải đến khi chứng quả Bồ-đề mới dứt sạch. Vì cớ sao? Vì ma phiền não vô minh vi tế(16) phải có trí tuệ của Phật mới có thể đoạn trừ sạch. Ma ấm, giới, nhập, như Phật dạy ông Kiều Trần Như: “Sắc là vô thường, cần phải diệt sắc này, mới có thể chứng được sắc thường, thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế”.
Tử ma cũng giải thích như đoạn Kinh Anh Lạc đã nói phần trước. Thiên ma dục giới chỉ trong khi ngồi đạo tràng nó mới đến cùng Bồ-tát chiến đấu và hàng phục, nên biết bốn thứ ma này đến khi chứng quả Bồ-đề mới rốt ráo dứt sạch.
Tâm Bồ-tát rộng lớn, an trụ bất động, tu thiền định thâm sâu, từ lúc mới phát tâm Bồ-đề cho đến khi chứng Phật quả, hàng phục bốn ma, chuyển pháp luân làm Phật sự, quảng độ chúng sinh, tâm không lui sụt. Trong Kinh Niết Bàn có nói tám thứ ma, Kinh Hoa Nghiêm có nói mười thứ ma(17). Nếu hiểu được thâm ý này, thì bốn thứ ma bao hàm tất cả, chứ không có pháp nào khác. Các kinh luận nói về ma sự rất nhiều, ở đây chỉ giải thích sơ lược mà thôi. Chú thích Quyển 4:
(1) Tứ Tất-đàn: 4 phạm trù mà Đức Phật dùng để hóa đạo khắp chúng sinh. Theo Trí Độ Luận 1, Giáo pháp của Phật có nhiều loại sai biệt, mới nhìn vào dường như có mâu thuẫn, nhưng nếu tổng hợp giáo thuyết ấy thì có 4 Tất đàn khác nhau, đều là thật nghĩa chứ không chống trái nhau.
1/ Thế giới Tất-đàn: tùy thuận pháp thế gian mà nói nghĩa nhân duyên hòa hợp, cũng tức là dùng các sự vật thông thường ở thế gian như tư tưởng, ngôn ngữ, quan niệm để thuyết minh chân lý duyên khởi. Như thân người là do nhân duyên hòa hợp mà tồn tại nên chẳng có thật thể. Cho rằng thân người là tồn tại vốn là kiến chấp của thế tục nói chung. Phật liền thuyết pháp thích hợp với thế tục để tùy thuận mọi người, khiến cho phàm phu vui mừng mà được chánh trí thế gian, nên Tất-đàn này còn gọi là Lạc dục Tất-đàn.
2/ Vị nhân Tất-đàn: tức là tùy theo căn cơ và năng lực khác nhau của mỗi chúng sinh mà nói các pháp thực tiễn xuất thế, khiến chúng sinh phát khởi thiện căn, nên còn gọi là Sinh thiện tất-đàn.
3/ Đối trị Tất-đàn: nhằm đối trị tất cả phiền não tham, sân, si của chúng sinh, tùy bệnh cho thuốc pháp. Đây là giáo pháp để diệt trừ phiền não và ác nghiệp của chúng sinh, vì tất-đàn này có công năng đoạn trừ các điều ác của chúng sinh nên còn gọi là Đoạn ác tất-đàn.
4/ Đệ nhất nghĩa Tất-đàn: tức là phá trừ tất cả luận nghị ngôn ngữ, trực tiếp dùng Đệ nhất nghĩa để làm sáng tỏ lý thật tướng của các pháp, khiến chúng sinh chân chính khế nhập giáo pháp, nên còn gọi là Nhập lý Tất-đàn.
(2) Tương Tục Giả: các pháp đều giả danh, do sự nhân quả về mặt thời gian mà hình thành và sự tương tục của 5 uẩn đều xem là giả có, không có thật thể.
(3) Nhân Thành Giả: các pháp hữu vi đều là giả, vì do nhân duyên tạo thành.
(4) Tương Đãi Giả: các pháp giả danh đối đãi nhau để thành lập tồn tại.
(5) Ba mươi hai tướng: là Ứng thân của Phật, chúng sinh thấy Phật chỉ thấy 32 tướng của Ngài, (tướng) này Chuyển Luân Thánh Vương và mọi người cũng có hoặc đủ hay thiếu tùy theo phước đức tu tập. Nhưng 80 vẻ đẹp (Hảo) thì chỉ Phật mới có, phần hiển lộ là tướng, phần vi tế là hảo. (Hảo) hiển phát lẫn giữa các tướng. Bồ-tát Thích Ca nhờ tinh tấn mà vượt qua 9 đại kiếp, chỉ trải qua 91 kiếp đã tu tập viên mãn nghiệp Tướng Hảo. 32 tướng có nhiều thuyết khác nhau, ở đây y theo Luận Đại Trí Độ 4, đó là:
1/ Tướng lòng bàn chân bằng phẳng, mềm mại, vừa khít mặt đất.
2/ Tướng như bánh xe 1000 căm tạo bằng những vân thịt trong lòng bàn chân và tay.
3/ Tướng ngón tay, ngón chân thon dài, ngay thẳng.
4/ Tướng gót chân đầy đặn no tròn.
5/ Tướng giữa ngón tay và ngón chân đều có màng nối liền nhau, cũng giống như Nhạn chúa, hễ xòe các ngón chân thì hiện, không xòe thì không hiện.
6/ Tướng tay chân rất mềm mại như Kiếp-ba.
7/ Tướng mu bàn chân vun lên đầy đặn.
8/ Tướng xương đùi tròn thon nhỏ như Nai chúa.
9/ Tướng hai tay, khi đứng thẳng hai tay duỗi xuống dài quá gối.
10/ Tướng nam căn ẩn kín trong thân.
11/ Tướng toàn thân rất đầy đặn, cân đối gọn gàng.
12/ Tướng lông và tóc từ đầu đến chân đều xoay về bên phải, và có màu đen pha hồng, rất mềm mại, bóng mướt.
13/ Mỗi lỗ chân lông có một cọng lông màu lưu ly và tỏa ra mùi thơm vi diệu.
14/ Toàn thân sáng như màu vàng ròng.
15/ Ánh sáng toàn thân phát chiếu khắp tam thiên thế giới, bốn phía mỗi phía đều chiếu xa một trượng.
16/ Da dẻ mịn màng trơn láng, tất cả bụi bặm không dính.
17/ Thịt ở 7 chỗ: lòng hai bàn tay, hai bàn chân, hai vai và cổ đều đầy đặn mềm mại.
18/ Xương thịt dưới hai nách đầy đặn không lõm.
19/ Nửa thân trên rộng, 4 oai nghi trang nghiêm như Sư tử chúa.
20/ Trong loài người thân Phật cao lớn và ngay thẳng nhất.
21/ Tướng hai vai tròn trịa, đầy đặn, thù thắng vi diệu.
22/ Phật có 40 cái răng rất đều đặn và trắng như tuyết.
23/ Các răng của Phật đều rắp không lớn không nhỏ, khít nhau không chút kẻ hở.
24/ Ngoài 40 cái răng, hàm trên và hàm dưới mỗi hàm có hai cái răng nanh màu sắc trắng trong, sáng sạch, bén nhọn như gươm, cứng chắc như Kim cương.
25/ Hai má đầy đặn như má sư tử.
26/ Trong miệng thường có vị tối thượng trong các mùi vị.
27/ Đầu lưỡi lớn rộng mềm mỏng, le ra dài đến mé tóc.
28/ Tướng âm thanh giọng nói thanh tịnh tròn đầy như tiếng trống trời và như tiếng chim Ca-lăng- tần-già.
29/ Đôi mắt xanh biếc như hoa sen xanh.
30/ Lông mi ngay thẳng không tạp lộn.
31/ Tướng đỉnh đầu có bướu thịt nổi lên như hình búi tóc.
32/ Giữa hai đầu lông mày có sợi lông trắng sáng, mềm mại như đâu-la-miên, dài 1 trượng 5 thước, cuộn tròn lại theo chiều bên phải, thường phát ánh sáng nên gọi là hào quang.
Ba mươi hai tướng này, do thực hành 100 điều thiện thì được một diệu Tướng, còn gọi là “Bách phước trang nghiêm”.
(6) Tâm nhãn: Tâm nhãn, tức là chỉ sự thấy biết nhờ năng lực thiền định, không nhờ nhục nhãn, cũng không nhờ thiên nhãn mà chủ yếu nhờ năng lực thiền định soi thấy được chư Phật và sự trang nghiêm của các cõi Phật, hoặc thấy được các chất bất tịnh trong thân thể của mình. Theo Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật: khi vua Tần-bà-ta-la bị con trai là A-xà-thế giam trong ngục tối, ông đã dùng tâm nhãn để thấy Phật từ xa.
(7) Lục thân: 6 người thân thuộc: cha, mẹ, anh, em, vợ và con.
(8) Mười hai bộ kinh: 12 thể loại kinh được phân biệt theo hình thức trình bày và nội dung của giáo pháp.
1/ Khế kinh: ghi chép lời dạy của Phật theo thể loại văn xuôi.
2/ Trùng tụng: phần kệ tụng đọc lại.
3/ Thọ ký: đoạn văn nói về việc ấn chứng.
4/ Phúng tụng: kệ tụng ghi lại trực tiếp, không lập lại ý trước.
5/ Tự thuyết : không hỏi mà Phật tự khai thị.
6/ Nhân duyên: ghi chép nhân duyên giáo hóa.
7/ Thí dụ: dùng thí dụ để giảng nói giáo nghĩa.
8/ Bản sự: nói về đời trước của Phật và đệ tử.
9/ Bản sinh: nói về hạnh đại bi của Phật thời quá khứ.
10/ Phương quảng: Kinh nói giáo nghĩa rộng lớn cao xa.
11/ Vị tằng hữu: việc hiếm có của Phật và đệ tử.
12/ Luận nghị: phân tích thể tính các pháp và làm sáng tỏ ý nghĩa.
(9) Bảy mươi hai bí pháp: 72 bí pháp nói trong Tạp A Hàm, mỗi mỗi đều dùng phương tiện quán tâm làm pháp trị, bí pháp này tùy theo cơ duyên, nên nay chỉ nêu vài bí pháp để tham khảo.
1/ Thôn Xà Pháp (Pháp nuốt rắn): Kinh A Hàm bổn thứ nhất: “Như người ăn cơm, nuốt nhằm bóng con rắn, liền cho là rắn thật, ngày đêm tư tưởng thành bệnh, có người biết nguyên nhân, liền đem rắn chết lén bỏ vào bô đại tiện rồi hô lên là con rắn đã ra, bệnh liền lành”.
2/ Kinh A Hàm ghi: “Nước Xá Vệ có một trướng giả tên là Thần Sư, nhà có một nô tỳ diện mạo rất xấu, thường sai làm việc cực nhọc bên ngoài, như gánh nước, phát cỏ v.v... một hôm ra ngoài đồng, bên bờ suối có cây cổ thụ, trên cây có một cô gái đẹp đã thắt cổ chết, bóng hiện trong suối. Nữ tỳ thấy liền tưởng là bóng mình, vì thế bèn giận hết mọi người, tự nghĩ ta đẹp đẽ thế này làm vị phu nhân, tiểu thơ còn dư chán, cớ sao sai ta thường làm nô dịch lo việc điền viên hạ liệt thế này, bèn đập bể gàu múc nước. Về nhà, cô ta ngồi ngay ngắn trên Bảo trướng, im lặng không thèm nói, mọi người cho đó là bệnh điên cuồng, bèn hỏi cô ta, nữ tỳ đem việc đã thấy kể lại mà đáp: “Tại sao các người không thấy tôi xinh đẹp như vầy mà không được đối xử tử tế”, mọi người lấy gương đưa cho cô ta soi, tuy thấy mình xấu nhưng vẫn không tin, lại cho là gương xấu. Mọi người đã hiểu nguyên nhân, liền dẫn cô ta ra bờ suối có cô gái chết trên cây, chỉ cho tỳ nữ thấy. Do đó tâm ý sáng tỏ, sanh lòng hổ thẹn”. Nhân soi bóng mà khởi bệnh, cũng nhân thấy bóng mà hết bệnh.
Bảy mươi bí pháp trị bệnh trong Kinh A Hàm, mỗi mỗi đều như thế cả. Vì thế cổ nhân nói: “Vọng mai chỉ khát, huyền sa sung cơ” (trông me hết khát, treo cát trừ đói) đều là tướng trạng quán giả tưởng mà được lợi ích.
(10) Ngũ trược: 5 thứ cặn đục khởi lên trong tâm.
Kiếp trược, Kiến trược, Phiền não trược, Chúng sinh trược, Mạng trược.
(11) Ngũ triền: 5 thứ phiền não trói buộc tâm, tâm sở pháp và sở duyên.
(12) Cửu kiết: là 9 thứ phiền não trói buộc chúng sinh không thể thoát khỏi sinh tử. Đó là: ái, khuể, mạn, vô minh, kiến, thủ, nghi, tật, xan.
(13) Mười sáu thứ phiền não (Thập lục sử): mười sáu Tư hoặc trong 3 cõi, theo thuyết của Đại thừa Duy thức, đó là: cõi Dục có 6 hoặc: tham, sân, si, mạn, thân kiến và biên kiến, cõi sắc và vô sắc mỗi cõi trừ Sân phiền não nên có 10 thứ.
(14) Như (Như như, Chân như, Như thật): mặc dù các pháp đều có sai biệt, nhưng về mặt lý thể của chúng thì bình đẳng không khác. Lý thể bình đẳng này vốn đồng nhau, cũng gọi là Như. Như cũng là tên gọi khác của lý, vì lý này chân thật nên gọi là Chân như, vì lý này là một nên gọi là Nhất như. Kinh Bát Nhã gọi Như tức là Không, Kinh Pháp Hoa gọi Như tức là Trung.
(15) Pháp tính thân (còn gọi là Chân như): Giác tướng năng chứng làm Pháp tính thân, pháp thể sở chứng làm Pháp tính độ, vì bản thể cả hai tức là Chân như.
(16) Vô minh vi tế (còn gọi là Căn bản vô minh): tức là chỉ cho một niệm đầu tiên (Hốt nhiên niệm khởi), tức là không rõ lý Chân như bình đẳng nên chợt khởi động niệm.
Là nguyên thỉ các phiền não, là tối sơ mê vọng, vì niệm này rất vi tế khó có thể phân biệt giữa tâm sở và tâm vương.
(17) Mười thứ ma: mười loại ma ghi trong Kinh Hoa Nghiêm 42, đó là: Ngũ ấm ma, Phiền não ma, Nghiệp ma, Tâm ma, Tử ma, Thiên ma, Thất thiện căn ma, Tam-muội ma (đắm vào thiền định sở đắc là ma), Thiện tri thức ma (bỏn xẻn chánh pháp là ma) và Bất tri Bồ-đề chính pháp ma.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.129.26.204 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.