Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Bản Việt dịch Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận [淨土生無生論] »»

Kinh điển Bắc truyền »» Bản Việt dịch Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận [淨土生無生論]

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Luận Về Tịnh Độ Sanh, Vô Sanh

Việt dịch: Thích Hồng Nhơn

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Quy Kỉnh Tam Bảo
Cúi lạy Năng Nhơn trí viên mãn,
Cực lạc giáo chủ Đại đạo sư.
Kinh Vô lượng thọ chỉ An dưỡng,
Đại thừa liễu nghĩa thật viên đốn.
Diệu Đức, Phổ Hiển, Quán tự Tại,
Thế Chí, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng.
Mã Minh, Long Thọ và Thiên Thân,
Cõi này Lô sơn Tổ Liên Xã.
Thiên Thai Trí Giả và Pháp Trí,
Pháp sư hoằng pháp tự xưa nay.
Con nay nương về lễ Tam bảo,
Mong được âm thầm giúp đở cho.
Con nhặt mật chỉ các kinh luận,
Diễn bày Tịnh độ sanh vô sanh,
Mong cho đời sau gặp luận này,
Dứt nghi tin nhận không lui sụt.
Luận chủ tạo luận này lập thành mười môn:
1. Nhất chơn pháp giới
2. Thân cõi duyên khởi
3. Tâm cõi liên hệ nhau
4. Chúng sanh và Phật không hai
5. Pháp giới là một niệm
6. Cảnh quán hòa nhau
7. Ba quán như vậy
8. Cảm ứng tương quan
9. Kia đây luôn là một
10. Hiện tại và vị lai hòa hợp nhau
1. Nhất Chơn Pháp Giới
Khải đề:
Trong một chơn pháp tánh
Mười pháp giới đủ đầy
Bao gồm hết y chánh
Phật ta không khác gì?
Luận rằng: Nhất chơn pháp giới là tâm tánh sẳn có của chúng sanh, tâm tánh này đủ vô lượng đức, nhận vô lượng tên. Vì sao gọi là đủ vô lượng đức? Nói một cách đơn giản là tánh thể, tánh lượng và tánh cụ.
Vì sao gọi là tánh thể? Tâm tánh này lìa tứ cú, dứt bách phi, thể tánh rắn chắc, trong sạch không nhiễm, chẳng sanh chẳng diệt, thường còn không hư hoại.
Vì sao gọi là tánh lượng? Tâm tánh này dọc cùng ba đời, ngang khắp mười phương, thế giới có bờ mé, hư không không bờ mé, hư không có bờ mé, tâm tánh không bờ mé, hiện tại có bờ mé, quá khứ vị lai không bờ mé, quá khứ vị lai có bờ mé, tâm tánh không bờ mé, không cùng không cùng, không lượng không lượng.
Vì sao gọi tánh cụ? Tâm tánh này có đủ mười pháp giới là pháp giới Phật, pháp giới Bồ tát, pháp giới Duyên giác, pháp giới Thanh văn, pháp giới Trời, pháp giới Tu la, pháp giới người, pháp giới súc sanh, pháp giới ngạ quỷ, pháp giới địa ngục, đây là tên giả.
Lại có chánh báo gọi là ngũ ấm Phật, ngũ ấm Bồ tát cho đến ngũ ấm địa ngục, đây là pháp thật. Lại có y báo là quốc độ Phật, quốc độ Bồ tát cho đến quốc độ địa ngục.
Hôm nay, giải cho dễ hiểu, nên có ba thứ phân biệt: Đắc ý mà nói, chính tánh cụ là tánh thể, tánh lượng. Tánh thể lìa lỗi dứt phi. Chính tánh cụ mười pháp giới lìa lỗi dứt phi. Tánh thể thể tánh rắn chắc, thanh tịnh không nhiễm, không sanh không diệt, thường còn không hoại. Tánh cụ mười pháp giới cũng như vậy. Tánh lượng dọc cùng, ngang khắp vô tận vô tận, vô lượng vô lượng. Tánh cụ mười pháp giới cũng vậy. Ngũ ấm chánh báo đồng với tánh thể, tánh lượng, thanh tịnh, cùng khắp quốc độ, y báo cũng vậy. Ba pháp này cũng gọi là ba đế. Tánh thể tức trung đế, tánh lượng là chơn đế, tánh cụ là tục đế. Nên kinh Lăng nghiêm nói: Như Lai tạng, tâm bổn diệu viên, chẳng phải tâm, chẳng phải không, chẳng phải đất nước gió lửa, chẳng phải mắt tai mũi lưỡi thân ý, chẳng phải sắc thanh hương vị xúc pháp, chẳng phải nhãn giới, cho đến chẳng phải ý thức giới, chẳng phải vô minh, cho đến chẳng phải lão tử, chẳng phải hết vô minh cho đến chẳng phải hết lão tử, chẳng phải khổ tặp diệt đạo, chẳng phải trí, chẳng phải đắc, chẳng phải đàn na (bố thí) cho đến chẳng phải Bát lặt nhã (trí huệ), chẳng phải Đát thát A kiệt (Như Lai), chẳng phải A la Ha (ứng cúng), chẳng phải Tam da Tam bố (chánh biến tri), chẳng phải thường lạc ngã tịnh. Đây tức là vô tướng của tánh lượng, cũng là chơn đế. Nhưng Như lai tạng và Nguyên minh diệu tâm là tâm, là không, là đất nước gió lửa, là lục phàm, là nhị thừa, cho đến là Như Lai thường lạc ngã tịnh. Đây là tánh cụ mười giới, cũng là tục đế.
Như Lai tạng và Nguyên minh diệu tâm lìa tức (là) lìa chẳng phải, là tức là phi (chẳng phải) tức. Đây là tánh thể, bao gồm hết, gọi là trung đế. Lại nói: Như lai tạng là tánh sắc chơn không, tánh không chơn sắc, thanh tịnh bản nhiên, trùm khắp pháp giới, đất nước gió lửa không kiến thức đều cũng như vậy. Đất nước gió lửa không kiến thức là tánh cụ, thanh tịnh bản nhiên là tánh thể, trùm khắp pháp giới là tánh lượng. Lại nữa, đất nước gió lửa không thanh tịnh bản nhiên trùm khắp pháp giới là tánh thể, tánh lượng của quốc độ y báo. kiến thức thanh tịnh bản nhiên trùm khắp pháp giới là ngũ ấm chánh báo tánh thể tánh lượng.
Vì sao có vô lượng tên? Nói tóm lại, tâm tánh này hoặc gọi là Không Như lai tàng, hoặc gọi Chơn như, Phật tánh, hoặc gọi Yêm ma la thức, hoặc gọi Đại viên cảnh trí, hoặc gọi Bồ đề, Niết bàn.
Tánh thể tánh lượng gọi Không như lai tàng. Chính là tánh có đủ mười giới, năm ấm, quốc độ gọi Như Lai tàng. Tánh thể, tánh lượng gọi Chơn như Phật tánh, chính là tánh có đủ các thứ, gọi Chơn như Phật Tánh. Tánh thể, tánh lượng gọi Yêm ma la thức, chính là tánh này có đủ các thức gọi Yêm ma la thức. Tánh thể, tánh lượng gọi Đại viên cảnh trí là tánh này có đủ các thứ, gọi Đại viên cảnh trí. Tánh thể, tánh lượng gọi Bồ đề Niết bàn, là tánh ấy có đầy đủ các thứ gọi Bồ đề Niết bàn.
Nên có bài kệ:
Trong một chơn pháp tánh,
Mười pháp giới đủ đầy,
Bao gồm hết y chánh,
Phật ta không khác gì?
Hỏi: Nhất chơn pháp giới này, sơ tâm là đúng hay hậu tâm là đúng? Nếu sơ tâm là đúng, lẽ ra không có bảy tên, nếu hậu tâm là đúng, lẽ ra không có chín cõi, nếu sơ tâm và hậu tâm đều bỏ thì việc lập nghĩa không thành.
Đáp: Đây chính là hiển bày sơ tâm, vì sơ tâm đúng mới có hậu tâm đúng, vì hậu tâm đúng nên mới hiển bày sơ tâm đúng.
Vì sao dùng sơ tâm đúng mới có hậu tâm đúng? Như quả địa y chánh dung thông, sắc và tâm chẳng hai, mang hình chín cõi, dùng phương tiện độ chúng sanh, đều do chứng được cái gốc tâm này có đủ. Nên nói: quả địa của chư Phật dung thông, chỉ chứng lý căn bản của chúng sanh, nên mới hợp với tánh để làm ra, không cần toan tính mà có ứng nghiệm. Nếu không phải như vậy, nào khác với ngoại đạo hoặc tiểu thừa muốn có được thần thông. Nên Pháp Trí Đại sư nói: "Nghĩa của lục tức Phật, không chuyên nhất ở nơi Phật, tất cả giả thật, ba thừa người, trời, dưới đến sắc tâm, bọ hung, địa ngục đều từ lục tức Phật phân chia có trước sau. Nói về lý bọ hung từ danh tự cho đến cứu kính. Vì luận mười cõi đều thuộc lý tánh, không phải pháp giới, không được sửa đổi một điều gì, nên gọi bỏ văn tự, thì không phải chỉ hiển bày Phật, mà chín cõi cùng đồng hiển bày, đều đạt được thành quả, thì thập giới đều cứu kính. Vì sao hậu tâm đúng mới hiển bày sơ tâm đúng? Chính do quả địa của sơ tâm toàn chứng lý căn bản của chúng sanh, nên bảy thứ danh mục ở địa vị chứng quả là danh xưng đẹp đẻ của tánh đức chúng sanh. Chỉ vì chúng sanh ở mê, tánh đức không hiển bày, nên không có tên này. Nếu khi đã luận đến tánh đức, đâu thể nói chúng sanh không có, vì thế sơ tâm và hậu tâm đều thiện nên lập nghĩa thành tựu.
2. Thân và cõi duyên khởi
Khởi đề:
Trong tánh chơn pháp giới,
Không đổi, thường tùy duyên,
Ba thân và bốn cõi,
Do tâm tạo ra liền.
Luận rằng: Tánh Nhất chơn Pháp giới, văn trước đã giải rõ tánh thể, tánh lượng, tánh cụ rồi, trong giáo lý có nói: "Chơn như không đổi mà tùy duyên, tuy tùy duyên mà không thay đổi, chính là do tánh thể, tánh lượng tức tánh cụ. Như người quân tử không phải là một món đồ nhất định, đều có thể thành thứ tốt xấu. Nên bản dịch đời Tấn, kinh Hoa Nghiêm nói: "Hay theo duyên nhiễm tịnh, tạo đủ mười pháp giới." Nói trong tánh chơn như có đủ chín pháp giới, có thể tùy theo nhiễm duyên tạo thành chín pháp giới. Tánh chơn như có đủ Phật pháp giới, có thể tùy theo tịnh duyên mà tạo ra Phật pháp giới. Sở dĩ có thể sanh ra, là do bản tánh có đủ, nếu tánh không có đủ, làm sao có thể tạo ra. Thiên Thai tông nói:"Tất cả do lý có đủ, nên mới có sự dùng." Đó chính là ý này.
Nên biết rằng trong sự có mười pháp giới, ba thân, bốn cõi, đều do chơn như tùy duyên mà biến tạo ra. Đã nói chơn như chẳng biến đổi mà theo duyên, theo duyên mà không biến đổi, thì thân và độ nhiễm tịnh trong sự, đương thể nó là chơn, không thể có sự thêm hay bớt nào chừng bằng sợi tơ ở trong ấy. Kinh Lăng Nghiêm nói: "Kiến phần và tướng phần đều là tướng bị tưởng như hoa đốm giữa hư không, vốn không chỗ có. Kiến phần và tướng phần này nguyên là Bồ đề Diệu tịnh minh thể. Nếu như vậy thì Ta bà Cực lạc, chúng sanh đời này sẽ sanh về chín phẩm. Phật Di Đà đã thành, tâm ta đang chứng quả, tất cả đều do tâm tánh kiến tạo ra, trong tâm có đủ mà tạo, đâu chia cái nào năng cái nào sở, chính tâm là Phật, chính Phật là tâm. Chính tâm là cõi, chính cõi là tâm. Chính tâm là quả, chính quả là tâm, năng tạo ra nhơn duyên và sở tạo ra pháp, nơi ấy đều là tâm tánh. Vì thế, người hiểu tôn chỉ này mà cầu sanh về Cực lạc, thì sanh và vô sanh đều là chỗ chí đạo vậy.
3. Tâm và cõi liên hệ nhau:
Khải đề:
Cõi an lạc phương tây,
Mười muôn ức cách đây,
Phàm phu tâm hạ liệt,
Tâm là tịnh độ này.
Luận rằng: Kinh A Di Đà Phật dạy: "Từ đây hướng về phương tây, qua mười muôn ức cõi Phật, có một thế giới tên là Cực lạc”. Một trăm ức mặt trời mặt trăng, trăm ức núi Tu di, trăm ức biển lớn, trăm ức núi Thiết vi gọi một cõi Phật. Mười ngàn là một muôn, mười muôn là một ức. Một quốc độ Phật đã tự rộng lớn, huống là một ức quốc độ Phật, huống mười muôn ức. Như thế, quốc độ Cực lạc cảnh đây rất xa. Hàng phàm phu niệm Phật cầu sanh, chỉ cần khảy móng tay liền đến, là vì trong tâm chúng ta có đủ các cõi Phật. Nói tâm hạ liệt là tâm của người phàm phu niệm Phật, gọi là tâm sát na, nó rất nhỏ rất yếu, nên gọi là hạ liệt. Nói mười muôn ức Phật độ cách đây, là đứng về tâm hạ liệt của phàm phu mà nói, tức tâm là độ, chính độ là tâm, nên nói không có kia và đây.
Hỏi: Tâm hạ liệt ở trong một tấc vuông, làm sao bao gồm hết các cõi Phật xa kia?
Đáp: Tâm hạ liệt này, người mê muội thì nhỏ, người đạt đạo chứng quán tưởng lớn, thì chơn và vọng không hai. Bởi vì, tâm vọng này từ toàn tánh mà khởi, tánh đã không có bờ mé, tâm cũng không có giới hạn, tánh như bể cả, tâm như hòn bọt nổi, toàn bể là bọt, bọt lại về bể. Bởi vì, chơn như không thay đổi mà tùy theo duyên, tùy theo duyên mà không thay đổi. Đã nói tùy theo duyên mà không biến đổi, đâu có thể dùng chơn vọng mà hạn cuộc bởi lớn nhỏ được.
4. Chúng sanh và Phật không hai
Khải đề:
Di Đà và phàm phu,
Mê ngộ có sai khác,
Tâm chúng sanh và Phật,
Rốt ráo thật không hai.
Luận rằng: Phật A Di Đà là người đã chứng quả, thành tựu các thứ công đức như ba thân, bốn trí, mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng. Còn phàm phu là người tạo nhơn, có đủ vô lượng hằng sa phiền não, tạo tác vô lượng hằng sa nghiệp trói buộc, đang chịu vô lượng hằng sa tướng sanh tử mê ngộ, ví như viên ngọc vùi sâu vào đám bùn nhơ. Nói rốt ráo không hai, là căn cứ vào tướng mà nói, thì không hai mà có hai; ước về tánh mà luận, thì hai mà không hai, vì chư Phật là người ngộ chư Phật trong tâm chúng sanh; còn chúng sanh là mê chư Phật trong tâm chúng sanh. Sở dĩ nói ngộ là vì ngộ tánh cụ, tánh thể, tánh lượng sẳn có của chúng sanh; sở dĩ nói mê là vì mê tánh thể, tánh lượng, tánh cụ đã chứng của chư Phật. Chỗ mầu nhiệm của tâm tánh không phải chỉ nhận lấy có cái mê, vì nó mê mà không mê, điều này có chứng cớ rõ ràng: vì chúng sanh vốn có tánh thể, là pháp thân đã chứng của chư Phật. Tánh lượng là báo thân, tánh cụ là ứng thân. Các công đức mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng, đều từ ba thân này mà ra. Cổ Đức dạy: "Tâm chư Phật ở trong chúng sanh, mỗi hạt bụi đều là Cực lạc; tâm chúng sanh ở trong chư Phật, mỗi niệm đều chứng chơn. Nên Di Đà là tâm ta, tâm ta là Di Đà, khi chưa khởi niệm, sớm đã thành Phật, vừa khởi tâm niệm, công đức viên thành. Cảm và ứng hợp nhau là từ lý ấy mà ra, nên người niệm Phật công không luống uổng.
5. Pháp giới là một niệm
Khải đề:
Thể pháp giới viên dung,
Là một niệm tâm ta,
Nên tâm ta niệm Phật,
Thể pháp giới hiện ra.
Luận rằng: Khi hành giả niệm danh hiệu Phật, khi quán tưởng Phật, khi quán các thứ y, chánh, chủ, bạn, khi tu ba thứ tịnh nghiệp, khi một lòng không loạn, khi tán tâm xưng niệm danh hiệu, dù kiến tư hoặc trùng trùng lớp lớp, hằng sa phiền não vây quanh, phàm có lòng thực hành, đều do chơn như chẳng thay đổi mà ra, toàn thể chính là pháp giới. Nên Pháp Trí Đại sư nói: "Thể pháp giới tròn đầy không thể nghĩ bàn, thực hành một niệm của tâm ta, cũng là cùng bản thể, làm chúng sanh, hoặc làm Phật, làm y báo, làm chánh báo. Nếu được như vậy thì các tâm còn được, huống gì tâm niệm Phật." Cho nên hành giả, khi niệm Phật, tâm này là viên dung, thanh tịnh, bảo giác, dùng diệu tâm này để niệm đức Phật A Di Đà kia, thì ba thân của Phật kia có thân nào là không niệm, cầu về bốn cõi kia, thì cõi nào mà chẳng được sanh, chỉ tùy theo công hạnh có cạn có sâu, phẩm vị có cao có thấp mà thôi.
6. Cảnh quán hòa nhau
Khải đề:
Có mười sáu cảnh quán,
Sự và lý hiện bày,
Cùng giao thoa không ngại,
Y chánh rõ không hai.
Luận rằng: Cảnh quán hòa nhau, chính là do mọi việc đều vô ngại. Sở dĩ mọi việc đều không ngại, là vì chúng cùng một bản thể gốc như nhau. Vì pháp giới tròn đủ các thể không thể nghĩ bàn, tâm quán một niệm, cũng lại phát khởi bản thể, làm chúng sanh hoặc làm Phật, làm y báo, làm chánh báo, đều từ toàn thể mà làm ra, đâu có pháp nào không phải là pháp giới. Nên người nói: "Pháp giới một hạt bụi không nhỏ, pháp giới của một đại hải không lớn, nhiều cũng pháp giới, ít cũng pháp giới”. Vì thế, mười sáu cảnh quán của Tây phương, cùng với hai pháp giới sự và lý trong tâm ta, mỗi thứ toàn thể đều là pháp giới, như đà la võng trong cung trời Đế Thích, tuy chỗ này chỗ kia đều là một hạt châu, mà bóng nó vào trong khối các châu, tuy ảnh nó vào khối các châu, mà chiếu dùng đông và tây có sai khác. Cảnh quán cũng vậy, lấy cảnh làm sự, thì quán là lý. Lý có thể bao gồm sự, đây gọi là dùng quán lìa với cảnh; dùng quán làm sự, thì cảnh làm lý, lý có thể bao gồm sự, nên gọi là lấy cảnh hòa với quán. Hoặc quán, hoặc cảnh, cứ một cái là sự thì cái kia là lý. Hoặc một là lý, thì cái kia là sự, kia và đây cùng hòa hợp lấy nhau, như lưới châu đà la võng, nếu đã như vậy, thì khi ta quán tưởng, y báo và chánh báo đã ở trong quán của ta rồi. Ta nay thân tâm ở trong y báo và chánh báo, hiểu rõ điều này mà cầu sanh về An dưỡng. Có thể nói: Nhạn bay qua hư không, bóng chìm trong nước lạnh, nhạn tuyệt không ý để lại dấu vết, và nước không có lòng giữ bóng lại làm chi.
7. Ba quán như vậy
Khải đề:
Năng quán là ba quán,
Sở quán là ba đế,
Từ tánh để khởi tu,
Pháp vẫn là như thế.
Luận rằng: Ba đế là chơn đế, tục đế và trung đạo đế. Ba quán là không quán, giả quán và trung đạo quán. Quên tình, dứt chỗ lý giải, không có gì bằng chơn. Tùy theo duyên ứng dụng, không có gì bằng tục, dung thông có và không, không gì bằng trung. Tánh hư linh bất muội, tâm ta ở đây tự nó không.Vật đến đây liễu ứng, tâm ta đây tự nó có. Không và có hợp nhau, thì tâm ta ở đây tự nó trung. Tánh này không phải tu mà được. Tam đế chẳng phải là tam quán. Người tu phải hợp với tánh chiếu rõ ràng, nên thể đạt tâm này rỗng suốt, không có một vật gọi là không. Chiếu rõ tánh này đầy đủ muôn pháp gọi là giả. Dung thông hai bên, không phải một, không phải khác, gọi là không. Như thế thời chính chỗ hư linh mà ứng vật, chính ứng vật mà hư linh, thì không tức là giả và trung, giả tức là không và trung, trung tức là không và giả. Đây chính là hợp tánh mà tu, tuyệt đối đải mà chiếu, ba quán này thật không thể nghĩ bàn, là kim chỉ nam cho đại định Thủ Lăng Nghiêm vậy. Đó là luận riêng thì như thế, nếu luận chung thì, hoặc dùng tâm hư linh của ta làm không, dùng quán muôn vật làm giả, lấy tâm và cảnh không hai làm trung. Vật là vật của tâm ta, làm sao giả mà chẳng không; tâm là tâm của vạn vật, thì làm sao không mà chẳng giả. Chính tâm là vật, chính vật là tâm, thì làm sao trung mà chẳng có không và giả. Vì thế, quán y chánh cõi Cực lạc là ba quán của nhất tâm ra, chiếu một cảnh của Ba đế kia đều chính xác. Dùng cái nhất tâm của Ba quán ta, chiếu một cảnh của ba đế dều chính xác, nên Đại sư Hổ Khê nói: "Cảnh là diệu giả, quán là không. Cảnh quán đều quên, chính thật trung. Quên chiếu chưa từng có sau trước. Nhất tâm dung tuyệt rõ vô cùng." Như vậy còn ai nói Tam Quán pháp vẫn là như thế.
8. Cảm ứng tương quan.
Khải đề:
Tâm ta cảm chư Phật,
Di Đà ứng rõ ràng,
Cả hai đều tương quan,
Như nam châm gặp sắt.
Luận rằng: Chư Phật và chúng sanh đồng một nguồn giác, mê ngộ tuy có khác, mà lý thường bình đẳng. Nên Cổ Đức nói: "Chư Phật là Phật trong tâm chúng sanh, chúng sanh là chúng sanh trong tâm chư Phật." Căn cứ vào ý trên mà nói, thì chư Phật và chúng sanh, trong tâm không lúc nào mà không thông cảm. Chỉ khác nhau là chư Phật bất cứ lúc nào cũng muốn độ chúng sanh, mà chúng sanh cứ chạy theo mê, không hề nhớ đến Phật. Nên Bồ tát Đại Thế Chí nói: "Một người chuyên nhớ, một người chuyên quên, thì dù gặp cũng như không gặp, dù thấy cũng như không thấy; nếu con nhớ mẹ, như mẹ nhớ con, thì dù trải qua nhiều đời cũng đều gặp mặt; nếu chúng sanh, tâm nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền và tương lai, chắc được gặp Phật, cảnh Phật chẳng xa."
Chính do lý bình đẳng này, làm cho tánh tự nhiên có liên quan khai phát, nên có thể nhỗ hết khổ và cho điều vui, huống là Phật Vô Lượng Thọ, trong khi tu nhơn, đã phát 48 đại nguyện, thề trang nghiêm Cực lạc, nhiếp thọ hữu tình, nay đạo quả đã thành, công hạnh đã viên mãn, nên chúng sanh không lo gì Phật không đến đúng cảm ứng để tiếp dẫn. Chỉ cần chúng sanh có lòng tin sâu, nhớ niệm, từ từ phát nguyện, nguyện sanh về Tây phương, như nam châm gặp sắt, mặc tình hấp thụ. Tuy nam châm có thể hút sắt, mà không hút được các loại cây gổ, đồng thao, cũng không thể hút được châu ngọc. Cũng như Phật có thể độ người có duyên, mà không độ được người vô duyên. Chúng sanh có thắng duyên, dễ cảm Phật A di Đà, mà không dễ dàng cảm các đức Phật khác, đây đâu chẳng phải do thệ nguyện mà Phật A Di Đà và chúng sanh có nhiều điểm quan hệ nhau. Vì thế, người cầu sanh tịnh độ Phật A Di Đà, không thể thiếu tin, nguyện và hạnh.

9. Kia đây luôn là một.
Khải đề:
Có người khi lâm chung,
Không cho mất chánh niệm,
Hoặc thấy sáng hay hoa
Đã sanh về ao báu.
Luận rằng: Trong Vãng sanh luận có câu chuyện: Thương hàn sĩ là Hàn lâm học sĩ phát nguyện tụng chú Đại Bi mười muôn biến, nguyện sanh về Tây phương. Một ngày nọ có bệnh, chỉ niệm hiệu Phật. Bỗng ông gọi người nhà đến nói rằng: Tây phương Tịnh độ chỉ ở bên nhà phía tây, Phật A Di Đà ngồi trên tòa sen, ta thấy trong ao sen, trên đất vàng, có công nhi là đứa cháu đã mất nhiều năm trước, đang lễ bái và vui cười. Nói xong, giây sau, ông niệm Phật mà qua đời.
Câu chuyện trên cho thấy thế giới Cực lạc là một cõi ở trong tâm ta, thế giới Ta bà cũng một cõi ở trong tâm ta. Ước về cõi mà nói, từ đây đến kia có mười muôn ức cõi khác nhau, ước về tâm mà quán, thì gốc chẳng có xa gần. Chỉ vì chúng sanh, từ khi thọ sanh đến nay, bị ngũ ấm thu hẹp chơn tánh, không hợp nguồn tâm. Người niệm Phật, quả báo đã thành thục, sắp bỏ ấm thân hiện tại, sanh về hoa sen ở Tịnh độ, bỗng nhiên, ở trước mắt, cảnh giới duy tâm không có tướng kia đây lui tới. Nên kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: "Mạng sắp lâm chung, khi chưa bỏ noản xúc, một đời làm thiện ác, đồng thời hiện ra. Nếu thuần tưởng thì bay lên, liền sanh về cõi trời, nếu khi tâm bay lên, có tu phước huệ và Tịnh nguyện, tự nhiên tâm mở tỏ, thấy cõi Phật trong mười phương, tất cả Tịnh độ, tùy theo bản nguyện mà được vãng sanh." Đại sư Pháp Trí nói: "Cần biết rằng, khi sắp lâm chung, tự thấy thân mình ngồi trên đài sen vàng, đã là sanh ấm ở nước Cực lạc rồi." Đó chính là ý này.
10. Hiện tại và vị lai hòa hợp nhau.
Khải đề:
Nay hành giả niệm Phật,
Công đức luôn đủ đầy,
Trong nhơn đã có quả,
Như hoa nở nhụy bày.
Luận rằng: Người thuộc bậc viên đốn, đốn ngộ tâm tánh, không tu mà tu, tu về cõi lạc bang kia, trong tánh đã có đủ Cực lạc, nhờ tu mà được hiển phát, mà tâm tánh này dọc suốt ba đời, ngang trùm mười cõi, pháp Phật và pháp chúng sanh, pháp chánh báo, pháp y báo, pháp nhơn, pháp quả, chỉ một niệm viên thành. Vì thế, người niệm Phật gọi là toàn tánh khởi tu, toàn tu tại tánh. Toàn tánh khởi tu, tuy gọi là nhơn, toàn tu tại tánh là trong nhơn có quả, dùng chỗ đủ pháp nhơn, cùng chỗ đủ pháp quả, đồng ở một tánh, tâm tánh dung thông, không có pháp nào chẳng đủ, như hoa sen vừa nở, trong hoa đã có quả. Huống chi tâm này hằng trụ, không sanh diệt tới lui. Hôm nay, dùng tâm niệm Phật là lúc thọ sanh trong ao sen ở tương lai, nên nói, người mới phát tâm trong ao thất bảo ở Cực lạc, đã gieo một mầm sen. Nếu tinh tấn không lui sụt, thì hoa mỗi ngày sanh trưởng, hoa lần lần nở ra, tùy theo công đức người tu, mà hoa có lớn hoặc nhỏ, sáng chói nhiều ít. Trường hợp nếu việc tu bị lui sụt, hoa mỗi ngày lần lần tiều tụy. Nếu biết lỗi giải đãi, cố gắng tiến tu, hoa lại trở nên tươi đẹp như cũ. Nếu giải đãi không bỏ, không biết ăn năn cố gắng tu hành lại thì mầm tiêu, giống mục. Người gieo trồng hột giống hoa sen, thì hiện tại và vị lai hằng tồn tại, đây là nói người có chỗ trở về.

« Kinh này có tổng cộng 1 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Gió Bấc


Yếu lược các giai đoạn trên đường tu giác ngộ


Gõ cửa thiền


Phát tâm Bồ-đề

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.129.20.129 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập