Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Phân Biệt Công Đức Luận [分別功德論] »» Bản Việt dịch quyển số 1 »»

Phân Biệt Công Đức Luận [分別功德論] »» Bản Việt dịch quyển số 1

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.4 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.4 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Luận Phân Biệt Công Đức

Kinh này có 5 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 |
Việt dịch: Nguyên Huệ

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Kệ thứ nhất được lập đã nói: “Tôn giả Ca-diếp đã tư duy về gốc của chánh pháp” (Ca-diếp tư duy chánh pháp bản): Nghĩa là tư duy về ngôn giáo của kinh pháp là hết sức nhiều. Lấy gì để nhận biết? Tôn giả Ca-diếp tức dùng sự đối chiếu để làm sáng rõ về chỗ nhiều ít. Pháp so sánh khởi đầu từ mười con lừa, nói: Sức của mười con lừa không bằng sức của một con lạc đà thường. Sức của mười con lạc đà thường không bằng sức của một con voi thường. Sức của mười con voi thường không bằng sức của con voi Tế cước. Sức của mười con voi Tế cước không bằng sức của một con voi Đạo thực. Sức của mười con voi Đạo thực không bằng sức của một con voi Liên hoa. Sức của mười con voi Liên hoa không bằng sức của một con voi Thanh liên hoa. Sức của mười con voi Thanh liên hoa không bằng sức của một con voi Hồng liên hoa. Sức của mười con voi Hồng liên hoa không bằng sức của một con voi Bạch liên hoa. Sức của mười con voi Bạch liên hoa không bằng sức của một con voi Tuyết sơn. Sức của mười con voi Tuyết sơn không bằng sức của một Hương tượng. Từ lừa đến Hương tượng là một phần. Tám vạn bốn ngàn Hương tượng như thế là để so sánh với phần bên ngoài, bên trong nơi kinh sách. Đầy đủ số lượng Hương tượng như vậy là để đối chiếu với các sự việc được ghi chép mà Tôn giả A-nan đã nghe, đã nhận biết. Về phần thô là có thể cùng so sánh để nhận biết về số lượng lớn. Còn muốn mỗi mỗi thứ được diễn đạt bằng văn tự thì trọn đời cũng không thể thông suốt. Tư duy về kinh pháp là hết sức rộng lớn. Làm sao sẽ khiến chúng được lưu hành rộng khắp thiên hạ để cho ngàn đời chúng sinh nhận được ân ích của chánh pháp? Xét sâu đạt lý. Ai có thể soạn thuật pháp? Chỉ có Tôn giả A-nan mới có thể kết tập được.
Tôn giả Ca-diếp tức thì đánh kiền chùy tập hợp chúng. Bấy giờ, liền có tám vạn bốn ngàn chư vị A-la-hán, vâng lệnh đến họp. Những vị nầy đều là bậc vô lậu, là câu giải thoát. Sở dĩ triệu tập các bậc Hiền Thánh ấy là để chư vị đều có thể nhập định diệt tận. Các vị nhập định diệt tận là có thể khiến cho chúng sinh hiện đời được phước, cứu độ mọi thứ khổ ách. Các bậc A-la-hán trong đại thiên thế giới, số lượng khó có thể nêu tính, trừ các vị ở ba đường, mỗi mỗi đều gấp bội. Nay chỉ chọn lấy hàng câu giải thoát lợi căn, có thể dùng định diệt tận độ thoát chúng sinh. Do đó xưng là phước điền.
Lấy gì để làm rõ? Ngày xưa, Thiên Đế-thích phước hết sắp mạng chung, năm điềm suy hiện ra, tâm liền sợ hãi, muốn cầu cứu giúp, đang muốn đi đến chỗ Phật để cầu cứu. Nhớ nghĩ về ân Phật vốn rộng lớn khoan hòa, sợ không kịp để hóa giải thọ mạng. Liền nghĩ tới Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, cũng sợ là không thể cứu mạng. Chỉ có Tôn giả Đại Ca-diếp, do diệu lực của định diệt tận, có thể tức thì cứu kịp nguy ách. Liền đi đến trụ xứ của Tôn giả Ca-diếp. Lúc nầy, Tôn giả Ca-diếp sắp sửa đi tới các nhà nghèo. Phước độ nhớ nghĩ kỹ, đang muốn hiện ra thân trời, nhưng e sợ Tôn giả không nhận vật thí của mình, nên ở giữa đường hiện làm túp lều cỏ, với người bệnh ốm yếu ở trong ấy. Tôn giả Ca-diếp đến khất thực. Người bệnh liền duỗi cánh tay để cho thức ăn. Tôn giả Ca-diếp dùng bát nhận lấy, biến thành cam lồ, Đế-thích bèn hiện trở lại thân trời, ở trong hư không, Tôn giả Ca-diếp bảo: Sao lại vọng ngữ, lừa dối ta chăng?
Trời đáp: Không vọng ngữ. Tôi chí thành dâng thí. Tôi là Thiên Đế, năm điềm suy hiện đến, mạng sắp chấm dứt, nên tới đây để cầu nguyện, xin cứu giúp mạng tôi.
Tôn giả Ca-diếp liền im lặng nhận lời.
Thiên Đế đến chỗ Phật nghe pháp, chốc lát liền ngủ, ngủ rồi liền thức, Phật bảo Thiên Đế: Vừa rồi ông đã chết, nay đã sống trở lại, không còn mạng chung nữa. Trở lại thân như cũ.
Đây tức là chỗ cảm ứng từ diệu lực nơi định diệt tận của Tôn giả Ca-diếp. Tôn giả Ca-diếp sở dĩ xem diệu lực của định diệt tận là tối thắng, vì Tôn giả vốn là Phật Bích-chi. Phàm là pháp của Phật Bích-chi thì không thuyết pháp để giáo hóa, chỉ chuyên dùng thần túc để cảm ứng, biến hiện từ Tam-muội. Tôn giả Đại Ca-diếp tuy đã thủ chứng A-la-hán, nhưng thức gốc vẫn còn, nên vừa chọn lấy tám vạn bốn ngàn chúng đức, công sức có thể tạo được cảm ứng ngang với mình.
Vấn nạn: Tôn giả Ca-diếp, do gốc là Phật Bích-chi nên nói diệu lực của định kia là thù thắng. Còn các vị A-la-hán nầy cũng đều là Phật Bích-chi chăng?
Đáp: Tuy không phải là Phật Bích-chi, nhưng đã hành tập khắp về định diệt tận, nên nơi diệu lực là đồng, nên nói Tôn giả Ca-diếp và chúng Tăng là ruộng phước của chúng sinh.
* Kệ viết: Đều đắc La-hán, tâm giải thoát: Là bậc Câu giải thoát.
* Kệ viết: Đã thoát buộc chấp, làm phước điền: Nghĩa là Tôn giả Ca-diếp đã triệu tập tám vạn bốn ngàn chúng, đều chứng đắc Câu giải thoát. Do định diệt tận có thể khiến chúng sinh nơi đời hiện tại thoát khổ, về sau đạt được Niết-bàn, nên viết là: Làm phước điền.
* Kệ viết: Tập bốn bộ: Là nói lược, lý hợp bốn bộ là tiêu biểu. Lại có tám bộ người trời: Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Trưởng giả, Sa-môn, Tứ Đại vương, Tam Thập Tam thiên, Ma vương, Phạm vương. Đó là tám bộ, cộng có mười hai bộ.
* Nói bốn bộ: Là bước đầu nêu phần chính yếu.
* Các pháp thâm diệu: Nghĩa là mười hai nhân duyên. Đức Phật vì Tôn giả A-nan nói mười hai nhân duyên là hết sức sâu xa vi diệu. Tôn giả A-nan thưa: Nhân duyên nầy có gì là thâm diệu? Phật bảo: Chớ nói là không thâm diệu. Chính ông, có lúc vào đời trước cũng nói là không thâm diệu.
Xưa có vua A-tu-luân thân cao tám vạn do-tuần, hai môi trên dưới cách nhau ngàn do-tuần. Vua có con trai nhỏ, luôn yêu quý đứa bé nầy, bế để ngồi trên đầu gối. Biển sâu ba trăm ba mươi sáu vạn dặm, vua A-tu-luân đứng trong ấy nước chỉ ngang nơi rốn của bụng. Đứa bé thấy cha như thế nên cho biển là cạn, muốn được đi vào nước. Vua cha bảo: Không thể! Vì biển sâu khiến con bị chìm. Đứa bé cứ muốn được vào nước. Vua cha liền buông đứa con, chìm tận đáy biển, nên hoảng sợ kêu la. Người cha bèn đưa cánh tay nắm lấy trở lại kéo ra khỏi nước. Bảo: Ta đã nói là con không thể vào được, mà con không tin.
Hiện tại những gì là tương tợ? Vua A-tu-luân thời ấy nay là thân Ta. Đứa bé chính là ông (A-nan). Ngày trước không tin về biển sâu, nên nay không tin. Ông chỉ tư duy vô minh duyên hành, hãy còn không thể hiểu rõ, huống hồ là hiểu rõ về ba mươi bảy phẩm.
Đức Như Lai đã nói về bốn thứ không thể nghĩ bàn. Những gì là bốn? Đó là, chúng sinh không thể nghĩ bàn. Thế giới không thể nghĩ bàn. Loài rồng không thể nghĩ bàn. Phật không thể nghĩ bàn.
Sở dĩ thế giới không thể nghĩ bàn: Ngày trước, Tôn giả Mãn-nguyện-tử và một Phạm-chí cùng luận bàn. Phạm-chí tự nói: Tôi từng đi đến một ao nước, ngồi nơi bờ suy nghĩ, thấy có bốn thứ quân binh kéo tới, đi vào trong khoảng trống của đóa hoa sen. Liền tự kinh ngạc, không biết mình bị hoa mắt hay là thật có. Nói với người khác, họ đều không tin, tôi bèn đi tới trụ xứ của Phật thưa lại sự việc đã thấy như thế, Phật bảo: Đấy là sự thật không phải là hư vọng. A-tu-luân khởi bốn thứ binh đánh nhau với chư Thiên. A-tu-luân không thắng nổi nên thối chạy vào trong khoảng trống của hoa sen tự ẩn nấp. Đây không phải là chỗ suy lường có thể đạt tới, nên nói là thế giới không thể nghĩ bàn. Thế giới, hoặc cho là Phạm-thiên tạo ra, hoặc cho là do sáu trời tạo nên.
Phạm-chí lại nói: Phạm-thiên do ai tạo? Hoặc nói: Phạm-thiên có cha. Hoặc nói là tự tạo. Nói có cha: Tức cha là hoa sen. Có chỗ nói: Hoa sen từ đâu sinh ra? Đáp: Từ trong rốn của Ưu-đà-duyên sinh ra. Ưu-đà-duyên từ đâu sinh ra? Đáp: Từ nơi vua Tán-sa sinh ra. Lại nói: Vua Tán-sa sinh ra từ tộc họ nào? Đáp: Sinh ra từ chủng tộc Sát-đế-lợi. Lại nói: Phạm-thiên là chủng tộc Bà-la-môn, nay nói do Sát-đế-lợi sinh ra, có thể nói như thế được chăng? Lại nói: Thời gian kiếp thiêu đốt, phần thô có thể được riêng. Do đâu nói như thế? Đáp: Vào lúc kiếp thiêu đốt, từ biên giới của đất trở lên đến mười lăm cõi trời, hoàn toàn bị thiêu rụi hết. Điều tương tợ như thế có thể nhận biết. Nhưng lại có từ tầng trời mười sáu trở lên đến cõi trời Ba Mươi Ba thì còn. Khoảng nầy, tuy thế giới khác bị thiêu đốt, vẫn còn. Do đấy mà nói lại không thể nhận biết. Đó là thế giới không thể nghĩ bàn.
Hoặc nói: Sau kiếp thiêu đốt, nước bổ sung cho xứ lửa. Gió Tùy-lam thổi, tạo ra cung điện xong, dưới thấp có đất màu mỡ, đám chư Thiên trên cõi trời Quang Âm du hành vui chơi tới vùng đất kia, dần dần nếm thử thứ đất màu mỡ ấy, thân tướng bèn trở nên nặng nề, không thể quay lại trụ xứ. Ăn nhiều đất đó thì hóa làm người nữ, chuyển giảm trở thành mảnh mai, thích ăn bánh làm bằng bột gạo lấy từ đất. Mất thần túc, ánh sáng, đám chư Thiên kia trở lại làm người, hành thiện sinh cõi trời, hành ác bị đọa vào ba đường dữ, lưu chuyển nơi năm nẻo, không có thường định. Giả sử muốn biết cùng tận về nguyên do, cội rễ của một người hãy còn không thể nhận biết, huống chi là hết thảy chúng sinh mà có thể lường xét được? Đó là chúng sinh không thể nghĩ bàn.
Do đâu nói loài rồng là không thể nghĩ bàn? Phàm khởi mây, tuôn mưa đều do nơi rồng. Mưa là từ mắt tai mũi miệng của rồng phát ra, hay là từ nơi thân phát ra? Hoặc là từ nơi tâm xuất phát?
Dựa vào núi Tu-di để trụ có năm loại trời, cũng có thể tuôn mưa. Vì sao riêng rồng tuôn mưa trời? Mưa trời là sương mù mịn rơi xuống. Hạt to rơi xuống là “Mưa rồng”.
Những gì là năm loại trời? Thứ nhất là trời Khúc cước. Thứ hai là trời Đảnh thượng. Thứ ba là trời Phóng dật. Thứ tư là trời Nhiêu lực. Thứ năm là trời Tứ vương. Lúc A-tu-luân dấy binh lên đánh với trời, trước là cùng với trời Khúc cước đánh nhau, chẳng được, sau đấy mới đến trời Đảnh thượng. Tiếp theo tới trời Phóng dật cùng trời Tứ vương, cho đến trời Ba Mươi Ba. Bên dưới trời Tứ vương, lúc muốn chiến đấu thì dùng mưa để cự địch, lại không có binh khí. Có hai loại mưa: Có mưa hoan hỷ. Có mưa giận dữ. Mưa tuôn điều hòa là hoan hỷ. Sấm chớp, sét đánh liên hồi là giận dữ. A-tu-luân cũng tuôn mưa. Trời cũng tuôn mưa. Rồng cũng tuôn mưa. Mỗi mỗi thứ đều tạo ra mưa, lý không thể định, nên nói rồng tuôn mưa là không thể nghĩ bàn.
Phật là không thể nghĩ bàn: Thời trước, Phật ở tại tĩnh thất, các vị Phạm-thiên đông nhiều như Hằng hà sa, đi đến trụ xứ của Phật, muốn biết Phật đang an trú trong Tam-muội nào, nhưng không thể biết được. Thần túc như thế là đã biến hiện các sự việc bí mật. Hàng Nhị thừa đã không thể nghĩ bàn, huống chi là hàng phàm phu há có thể xét đoán được!
Tôn giả A-nan suy cử trước hết là Tôn giả Ca-diếp, nói: Bậc Niên trưởng có thể đảm nhận công việc vì chúng sinh diễn nói pháp. Sở dĩ như thế vì Đại đức là bậc Tôn trưởng cựu học, hiểu biết nhiều, được Đức Thế Tôn ủy thác, vì chúng sinh đời vị lai, nhằm khiến cho chánh pháp trụ lâu ở đời, do đấy Đức Như Lai đã dành cho nửa tòa ngồi. Tôn giả đã là vị Thượng tọa của chúng Tăng, trí tuệ lại gồm rộng. Xin Tôn giả rủ lòng từ bi tuyên thuyết Pháp bảo!
Các Sư nước ngoài nói: Tôn giả Ca-diếp sở dĩ không thuyết pháp là vì trong bốn biện tài, Tôn giả không có từ biện.
Lại nói: Tôn giả vốn là Phật Bích-chi, chỉ dùng thần túc hóa hiện. Lần đầu không diễn nói pháp, Tôn giả Ca-diếp đáp: Xin nhường. Tự bảo: Mình già yếu, các căn tối tăm, phần nhiều đều quên cả. Thưa: Pháp chân thật của bốn đế há có thể suy vong chăng? Ví như kim cương không thể hao tổn. Bốn đại sinh tử mới có tăng giảm thôi.
Các nhà thuộc Tát-bà-đa lại nói: Chín loại A-la-hán có thối chuyển. Do bao nhiêu sự nên thối chuyển? Có bốn sự:
1. Tuổi tác già cả.
2. Bệnh tật khổ bức.
3. Thích du hành phương xa.
4. Dùng thuốc không thuận hợp.
Do bốn sự nầy mới có việc nhầm, quên.
Bậc diệu tuệ của Chân đế há có thể quên sao? Tôn giả Ca-diếp khuyên Tôn giả A-nan: Ông nay đang lúc còn trẻ trung, khỏe mạnh, lại thêm có nhiều trí như văn trí v.v…, nắm giữ chung, ghi nhớ giỏi, Đức Phật mỗi lẫn thuyết giảng kinh thường giao phó dặn dò ông. Thế nên ông nên tuyên thuyết kinh pháp rộng khắp.
Do đâu biết Tôn giả A-nan có nhiều trí?
Thời trước, phía Đông thành Xá-vệ, có cây Ni-câu-loại to lớn, bóng mát che trùm năm trăm cỗ xe. Trong thành có Phạm-chí thông thạo về toán thuật, ở trong chín mươi lăm loại là bậc nhất. Một hôm, Phạm-chí gặp Tôn giả A-nan tại dưới bóng cây Ni-câu-loại ấy, nói với Tôn giả: Người ta nói: Trong số đệ tử của Cù-đàm, thầy là vị có trí tuệ bậc nhất, có việc ấy chăng? Tôn giả A-nan đáp: Cũng có hiểu biết ít nhiều. Phạm-chí nói: Xin được hỏi một việc: Cây to nầy, thân, đoạn, cành, lá mỗi thứ có bao nhiêu? Tôn giả A-nan ngẩng đầu nhìn lên cây, liền đáp: Cây nầy, thân, đoạn, cành, lá đều có từng ấy. Nói xong liền ra đi. Phạm-chí ở sau, suy nghĩ: Sa-môn nầy tất không biết về số lượng nên mới đáp như thế. Nay nên thử xem. Liền leo lên cây, ở mấy chỗ hái lá, tất cả có sáu mươi lá, đem giấu nơi mô đất. Tôn giả A-nan khất thực trở về. Phạm-chí lại hỏi: Tôi vừa quên mất số lượng thầy đã nói trước đây, Tôn giả A-nan ngẩng đầu nhìn lên cây, lại nhìn khắp, rồi nói: Cây nầy số lá vì sao bị thiếu? Phạm-chí hỏi: Thiếu bao nhiêu lá? Tôn giả A-nan bảo: Thiếu sáu mươi lá. Phạm-chí liền chấp tay bái tạ: Thật chưa từng có! Lại hỏi: Thầy là A-la-hán chăng? Đáp: Không phải. Là A-na-hàm, Tư-đà-hàm chăng? Đáp: Cũng không phải. Là Tu-đà-hoàn chăng? Đáp: Vì sao hỏi như thế? Phạm-chí lại hỏi: Thầy có Thầy dạy chăng? Tôn giả A-nan đáp: Có chứ. Thái tử con vua Chân Tịnh xuất gia tu thành Phật, tức là Thầy của tôi. Phạm-chí tâm niệm: Đây là nhờ trí của Thầy, không phải là chỗ nhận biết của chính mình. Bèn đi theo Tôn giả A-nan đến chỗ Phật, cầu làm Sa-môn, liền chứng đắc A-la-hán. Do đấy nên biết Tôn giả A-nan có nhiều trí.
Tôn giả A-nan sở dĩ suy tôn Tôn giả Ca-diếp trước tiên, vì Tôn giả Đại Ca-diếp đã là Thượng tọa, lại là chỗ tôn kính, thời xưa, trong năm trăm đời luôn là cha của mình. Túc mạng đã biết kính ngưỡng, gắn bó nên tình nghĩa càng sâu.
Tôn giả Đại Ca-diếp sở dĩ luôn ân cần đối với Tôn giả A-nan, là do từ xa xưa, duyên tích chứa sâu dày, ân còn chưa báo đáp hết. Lại thêm Tôn giả A-nan vốn đa văn, nhiều trí, ghi nhớ giỏi, đối với chúng là hơn hết, nối hợp các sách vở đến tám vạn loại chẳng ai hơn. Hai vị cùng cần nương dựa nhau đề cùng tạo lợi ích. Nếu hai vị bỗng dưng gặp được ngàn cân vàng thẻ, lúc ấy cùng bàn tạo thế, hợp sức để mang về thì được dụng lớn. Có thể cho hai Tôn giả Ca-diếp, A-nan, kết hợp trí là đúng với dụ kia. Hai người cùng hợp sức thì Pháp bảo trường tồn.
Lúc nầy, Tôn giả A-nan nói kinh là vô lượng, ai là người có thể gôm hợp lại đầy đủ làm một nhóm? (Kinh vô lượng là mười hai bộ kinh) Bèn gọi là mười sự. Hoặc nói mười sự, bèn luận hai sự. Hoặc nói ba sự, mới luận mười một sự. Trên dưới không thứ lớp, không tạo được một nhóm. Hoặc có người nói: Đức Như Lai thuyết pháp, hoặc nói về giáo pháp khuyên dạy. Hoặc nói về việc đoạn trừ kiết. Hoặc nói về việc sinh trong cõi trời, người. Theo đấy mà nói, lại không thể làm một nhóm. Tôn giả A-nan suy nghĩ: Một nên theo một. Hai theo hai. Ba, bốn, năm, sáu cho đến mười, đều khiến sự loại cùng bày rõ.
Hoặc có người bảo: Lý không thể như thế. Xét như lời Phật nói không thể theo thứ lớp đối chiếu. Tôn giả A-nan lại suy xét: Kinh pháp là vô cùng rộng lớn, nên phân làm ba nhóm. Tôn giả A-nan riêng khởi ý nghĩ nầy. Trời Thủ-đà-hội mật báo với Tôn giả A-nan: Đúng là nên tạo làm ba phần. Liền như lời trời đã báo cho biết, phân làm ba phần: Một phần là Khế kinh. Phần hai là Tỳ-ni. Phần ba là A-tỳ-đàm. Khế kinh là pháp do Phật thuyết giảng. Hoặc vì chư Thiên, Đế vương. Hoặc vì các đám ngoại đạo, dị học, theo sự mà phân biệt, đều được mở bày, lãnh hội.
Khế kinh cũng như sợi chỉ khâu nối kết nghĩa lý khiến thành pháp hành, nên gọi là Khế kinh.
Tỳ-ni là luật ngăn cấm. Vì hai bộ Tăng, nói về việc ngăn chận điều ác, thâu giữ điều sai trái. Hoặc có hai trăm năm mươi sự, hoặc có năm trăm sự. Dẫn pháp để phòng gian, như kho bí mật của nhà vua, không phải Sở ty của các quan bên ngoài, nên gọi là Nội tạng. Tạng Giới luật nầy cũng như thế, không phải là chỗ nghe thấy của các Sa-di, Thanh tín sĩ, Thanh tín nữ (Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di), nên xưng là Luật tạng.
A-tỳ-đàm là pháp lớn. Sở dĩ nói lớn vì đại tuệ của bốn đế, dấu hiệu của các pháp, đoạn trừ các thứ tà kiến, vô minh, si mê sâu dày, nên viết là pháp lớn. Cũng gọi là pháp không gì sánh bằng (vô tỷ). Tám trí, mười tuệ, chánh kiến vô lậu, vượt chướng ngại của ba cõi, không gì sánh kịp nên gọi là Pháp vô tỷ. Tôn giả Ca-chiên-diên-tử soạn tập các kinh, rút tóm tuệ chính yếu, trình lên Phật và được chấp thuận nên gọi là Pháp tạng lớn.
Tôn giả A-nan lại tư duy: Nghĩa của ba Tạng nầy cùng với ba giải thoát tương ưng. Thế nào là Khế kinh? Lý của diệu tuệ cùng với không thuận hợp. Tỳ-ni chế ngự ác, lẽ sâu xa ngang với vô tướng. Chánh kiến của pháp lớn, dấu vết đúng với vô nguyện. Nên gọi là ba Tạng, ba giải thoát, dấu nẻo sâu xa diệu hợp.
Tôn giả A-nan lại suy xét: Khế kinh là gốc lớn, nghĩa phân bốn đoạn, vì sao văn nghĩa lẫn lộn? Phải nên dùng sự, lý cùng đến, lớn nhỏ cùng theo thứ lớp. Thứ nhất là Tăng nhất, tiếp đến gọi là Trung, thứ ba gọi là Trường, Thứ tư gọi là Tạp.
Dùng một làm gốc, lần lượt đến mười. Một, hai, ba theo sự tăng lên nên gọi là Tăng nhất.
Trung là không lớn, không nhỏ, không dài, không ngắn, sự hợp ở trung nên gọi là Trung.
Trường là nói sự lâu xa, qua kiếp không dứt, gốc ngọn nguyên do, sự trải bảy Phật, Thánh vương bảy báu, nên gọi là Trường.
Tạp là các kinh đoạn, kết, khó tụng khó nhớ, sự nhiều chi li, vui thích khiến quên, nên gọi là Tạp.
Tôn giả A-nan soạn hợp ba Tạng xong, chọn lấy mười kinh làm một kệ. Sở dĩ như thế là vì người tụng tập của đời vị lai, e sẽ quên, nhầm, thấy tên gọi nhớ gốc, suy xét tự tỏ, nên dùng mười kinh làm một kệ. Gọi là Tạp tạng, vì không phải một người nói. Hoặc Đức Phật thuyết giảng, hoặc các đệ tử thuyết giảng, hoặc chư Thiên tán tụng. Hoặc nói về túc duyên đã sinh khởi của Bồ-tát trong ba A-tăng-kỳ, văn nghĩa chẳng phải là một mà nhiều hơn nơi ba Tạng, nên xưng là Tạp tạng.
Lúc Phật tại thế, vua A-xà-thế hỏi Phật về hành sự của Bồ-tát, Đức Như Lai đã vì nhà vua thuyết pháp đầy đủ. Ví như vua hỏi Phật: Sao gọi là pháp? Đáp: Pháp tức là Bồ-tát tạng. Các chánh kinh Phương Đẳng, đều là sự trong Bồ-tát tạng. Ngày trước, thời Phật tại thế đã gọi là Đại sĩ tạng. Tôn giả A-nan soạn tập tức nay là bốn Tạng, hợp lại mà nói là năm Tạng. Hoặc có nghĩa của một pháp, cũng sâu xa khó trì khó tụng, không thể nhớ nghĩ (một pháp tức là pháp không), vắng lặng không tiếng không vang, không tâm, không niệm, an nhiên không tưởng, là “tối đệ nhất không”, nghĩa không hai. Không dung nạp để có thể xét lường, nên viết là khó trì. Không ngôn từ để có thể đối đáp, nên gọi là khó tụng. Không ý để có thể tư duy nên nói là không thể nhớ. Gọi là nghĩa sâu xa, sự việc là như thế.
Lại nữa, một pháp là gốc của các số. Một là số đầu, mười là số sau cùng. Sau cùng nơi mười lại từ một khởi. Hiện đến ngàn vạn luôn bắt đầu nơi một. Như thế, các số một không thể cùng tận. Trong các kinh, hoặc một nghĩa một pháp một hành một sự, mỗi mỗi đều cùng hợp theo, không mất đầu mối, nên nói như vậy.
Hai pháp là theo hai: Hoặc nói thiện ác, hoặc nêu chỉ, quán, hoặc gọi danh, sắc. Chỉ là hư, quán là thật. Chỉ là định của Tam-muội, an nhiên diệt tưởng, mênh mông bặt nghĩa, nên gọi là hư. Quán sở dĩ nói là thật, là do phân biệt có hành, thị phi tốt xấu, thức riêng biết rõ, ý không lẫn lộn, nên gọi là thật.
Ba pháp là dựa theo ba. Ba là bố thí, công đức, tư duy. Ba hành nầy là pháp thế tục sinh thiên. Hành ba môn giải thoát là pháp đi đến Niết-bàn. Có ba pháp, ba hành, ba phước, ba phần pháp thân, ba, ba cùng hợp theo, dụ như những viên ngọc nối kết.
Bốn pháp căn cứ nơi bốn. Năm cũng thế. Năm pháp tiếp đến sáu. Sáu tiếp đến bảy, tám pháp nghĩa rộng, chín tiếp tới thứ mười. Pháp từ mười đến mười một. Các số như thế đều đồng hai, ba loại sự hợp theo. Tôn giả A-nan tức thì lên tòa. Tòa là tòa Sư tử. Trong kinh sở dĩ dùng dụ về tòa Sư tử, vì sư tử là vua trong loài thú, thường ở nơi vùng đất cao, không trú nơi chốn thấp trũng, nên dụ cho tòa cao. Lại chọn lấy tính chất vô úy. Tôn giả A-nan nghe biết rộng vô lượng, ở trong hàng Thanh-văn là một mình cất bước không sợ, nên nói là tòa vô úy. (Tôn giả A-nan lên tòa cao như thế). Bồ-tát Di-lặc khen: Lành thay! Vui thay! (Bồ-tát Di-lặc sở dĩ hiện xuống là sợ Tôn giả A-nan kết hợp pháp Bồ-tát tại ba Tạng, là Đại, Tiểu không riêng), nói vàng, thâu thạch cùng xâu kết, do đấy ân cần khuyến thỉnh phân bộ. Xưa, Thánh vương Đại thiên có đủ bốn Phạm đường, lần lượt được nối tiếp, cho đến tám vạn bốn ngàn vua, đều có Phạm đường, duy chỉ có một người Đại thiên là bậc Đại sĩ, số còn lại đều là “Tiểu tiết”. Theo đấy mà nói, Đại thừa khó thực hiện, phần nhiều là hướng về Thanh-văn. Bồ-tát Di-lặc cũng nhận biết Tôn giả A-nan phân làm ba Tạng, nhưng còn sợ hàng hậu học chuyên tập pháp không, đoạn kiết thủ chứng, do đấy đã hiển dương Đại thừa, phân làm Tạng riêng, nên giảng nói về các hành của sáu Độ, là đề mục chính yếu của hàng Đại sĩ. Giảng: Thí có hai loại: Có tín thí. Có khủng bố thí. Lập căn được nhẫn tức gọi tín thí. Uy lực bức bách, không do bản tâm gọi là khủng bố thí. Tín thì thành độ. Sợ tức cầu phước. Đạo tục khác nhau, không đợi ngôn từ mà tự riêng khác. Người kia bảo: Người thí đầu mắt là bảy trụ trở lên. Thí của cải vật dụng, là sáu trụ trở xuống. Từ đấy thối chuyển, không rơi vào sinh tử mà mong tới Niết-bàn. Lấy gì để làm rõ? Trong Đại Phẩm Bản Vô, nói: Sáu mươi Bồ-tát đắc đạo La-hán, chính là sự việc ấy.
Giới như kim cương là giới Đại thừa. Giới như gạch ngói là giới Tiểu thừa. Vì sao? Vì kim cương là không thể hủy hoại. Thời trước, có Bồ-tát là một Tỳ-kheo đoan nghiêm hơn người, ra đi khất thực, giữa đường gặp một cô gái xinh đẹp. Cô gái nhìn Bồ-tát liền khởi tâm dục, mong làm vợ chồng, lại tự suy nghĩ: Ở đây cùng nhau nêu bày thì không thể được, chỉ cùng ngồi gần, ta liền phát tâm vô thượng. Bồ-tát nhận biết tâm của người nữ, nên tiến đến trước, cùng ngồi. Chốc lát, người nữ như muốn xích gần tới trước. Tỳ-kheo im lặng không đáp. Lại xích gần lần nữa. Như cố ý thản nhiên, Tỳ-kheo tức vì người nữ thuyết giảng pháp không: Mắt vốn từ đâu tới, rồi đi về chốn nào? Muốn nói là từ cha mẹ đến chăng? Lúc chưa hội hợp, cũng không có mắt nầy, về sau đến khi tan hoại lại đi về nơi đâu? Theo đấy mà nói, mắt không thật có. Năm căn cũng thế. Cô gái hoát nhiên hiểu rõ không, đắc Tu-đà-hoàn. Đáng lẽ cùng nói có mới lại nêu giảng về không. Pháp của Bồ-tát là nên vào có mà nói về không, do đấy là không hoàn toàn hợp với bản ý.
Tôn giả A-nan lúc ấy thấy Tỳ-kheo nầy cùng ngồi với người nữ là phạm oai nghi của Tỳ-kheo, liền trở về bạch Phật: Con vừa thấy có Tỳ-kheo cùng ngồi với người nữ. Đức Phật do đã biết trước nên chỉ im lặng. Tỳ-kheo kia biết Tôn giả A-nan đã thưa với Đức Thế Tôn, nên nghĩ mình đúng ra là không đi đến, nhưng sợ có kẻ phỉ báng sẽ mắc tội, đang muốn hiện biến hóa, vì Phật vốn không cho phép, nên Tỳ-kheo ấy bèn bay thẳng tới chỗ Phật. Phật bảo Tôn giả A-nan: Vị Tỳ-kheo ông vừa thấy phạm luật, hiện là vị Tỳ-kheo đã bay đến đây. Ông từng thấy người phạm dục có thể bay được chăng? Tỳ-kheo nầy vừa rồi đã cùng với người nữ cùng ngồi một chỗ, vì lúc đó do người nữ tâm niệm: Nếu Tỳ-kheo nầy cùng ngồi với ta, ta sẽ phát tâm vô thượng! Tỳ-kheo ấy đã nhận biết tâm ý của người nữ, nên cùng ngồi, tức thì thuyết giảng về pháp không, phân biệt mắt không, năm căn còn lại cũng thế. Người nữ tức sợ hãi nên đắc quả Đạo tích (Tu-đà-hoàn). Do tâm sinh sợ hãi, sợ sinh tử nên chứng đắc Tiểu thừa. Nếu Tỳ-kheo kia, vừa rồi vì người nữ nói về hành có, hoàn thành bản tâm. Do sự việc nầy nên biết, Bồ-tát đó chưa thành nhưng không thối chuyển đối với việc quán xét người, tâm chưa hoàn toàn khéo léo. Đó gọi là giới kim cương. Gọi là người hành nhẫn độ là gặp mắng nhiếc, hủy báng đều im lặng thọ nhận, không đáp trả. Bồ-tát hành nhẫn, thường dùng từ v.v… bình đẳng với mình, người. Mình người đã bình đẳng thì oán thân không hai. Nên kinh nói: Từ của Tiểu thừa là từ ở ngoài da. Từ của Đại sĩ là thấu đến xương tủy. Lấy gì để làm rõ?
Như có người chặt đứt chân tay của Bồ-tát, máu tuôn ra kia liền biến thành sữa, tức là chứng cớ của tâm từ. Tỳ-kheo hành nhẫn nhục đạt được sự việc như vậy. Dụ như người mẹ sinh con, liền có sữa xuất hiện. Từ ấy do niệm đã cảm ứng, tự nhiên biến thành.
Đại sĩ như thế, nhập Tam-muội Từ, nên có thể cảm ứng thành sữa. Hành từ tột cùng, tuy cầm nắm cung tên, nhưng chúng sinh lại đến nương dựa nơi mình. Hành từ không thấu đáo, tuy không cầm đao gậy, nhưng kẻ trông thấy đều bỏ chạy. Do chứng cớ ấy, nên Đại, Tiểu có khác nhau đã tự tìm tới. Bồ-tát tạo hành thiện ác, nghĩa là tinh tấn làm các công đức thiện, còn hành ác, cũng như ngày xưa Đồng tử Hỏa Man phỉ báng Phật Ca-diếp, nói: Sa-môn đầu trọc có đạo gì. Đạo khó chứng đắc đã có thể đắc đạo. Do đấy, nên về sau phải thọ nhận sáu năm khổ nhọc rồi mới đắc đạo. Trong giáo pháp để lại, các Tỳ-kheo thường tranh luận về việc nầy. Cũng như miệng không thể nói mà phải nói để đáp lại. Sáu năm khổ hạnh là không thể hành mà hành báo. Đó là Bồ-tát thân miệng hành ác. Thiền định là đi vào nẻo tịch tĩnh, an nhiên bất động. Trí tuệ nhận biết số lượng như vi trần cùng Hằng hà sa số. Nhớ nghĩ, ghi chép là không thể tính kể. Tuệ sáng hiểu rõ là không thể cùng tận. Sự việc của sáu Độ vô cực (Ba-la-mật) nầy đều ở tại Bồ-tát tạng, không nên hợp với ba Tạng. Tôn giả A-nan muốn khiến Đại, Tiểu khác nhau là có nhân duyên. Những người kia không cùng biết, lý ấy tự không, khó có thể làm sáng rõ. Đại sĩ nghi về không: là không thủ chứng, nên gọi là hồ nghi.
HẾT - QUYỂN 1

« Kinh này có tổng cộng 5 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.226.34.78 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập