Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại;
giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to!
(Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi.
Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Thánh giả Tu-bồ-đề lại suy niệm: Chư Phật lìa tất cả tưởng, chứng pháp vô tánh, vậy thế gian do tướng gì để tin, biết? Vì thế, kinh viết: Như Lai là chân ngữ, thật ngữ, như ngữ, không khác như ngữ.
Do đâu chỉ dùng bốn câu như vậy để hiển bày chư Phật chứng thật, lìa tưởng? Do trong thế gian, người cầu danh lợi, đối với pháp của bậc Thượng nhân, chưa chứng nói là chứng. Phật khác với những kẻ ấy nên nói là Chân ngữ.
Lại có hạng tham lam keo kiệt, tình nhiều giả dối, từng đạt được thần thông, tự biết đã mất, có người tới hỏi, chỉ nói phần trước đạt được. Đức Phật luôn xa lìa tâm ấy, nên gọi là Thật ngữ.
Lại có người tu đạt được định của thế gian, tâm tạm thời không sinh, cùng đồng với tịch diệt, nhưng hướng tới kẻ khác nói Ta chứng đắc Niết-bàn. Đức Phật hoàn toàn dứt trừ những thứ ngôn thuyết sai quấy ấy, nên gọi là Như ngữ.
Ở đây nói như là chọn lấy nghĩa như thị (như vậy), chỗ tùy theo chữ như, nên có thể so sánh, nhận biết, tất đồng hành. Như lúc nói về nghĩa, cùng đồng hành cùng trái nhau, cho đến nói rộng. Trong đó, đồng hành: Như bò mẹ đi tới thì bò con cũng theo đến. Như cùng như thị nên biết cũng thế.
Đây là hiển bày Đức Như Lai đoạn trừ tất cả chướng, như chỗ đã chứng sáng rõ kia, như vậy mà nói, nêu, chẳng đồng với kẻ học được thiền thế gian, nói chứng Niết-bàn, lại liền thối mất.
Vì sao lại nói “Không khác như ngữ”? Là do các kẻ phàm phu, đối với các thứ mộng huyễn, như thành Càn-thát-bà, tiếng vang, hình tượng dợn nắng khi trời nóng bức, các vòng lửa nối nhau v.v…, đối diện những thứ ấy, chấp trước, gọi là khác với như. Chư Phật thì không thế. Do đấy nói là “Không khác như ngữ”. Đây lại là thế nào? Những người tất cả hàng phàm phu đã chấp giữ thành v.v…, phi thành là có, gọi là khác với như. Như Lai chứng đắc không phải là hư vọng, có tánh không dối, nên gọi là không khác như, thế nên mọi ngôn thuyết chưa từng là hư vọng. Làm sao nhận biết được? Vì Phật đã dứt trừ sạch hết thảy các chướng, có sự chứng đắc cùng giáo pháp có thể biện minh.
Thế nào là chứng đắc? Ví như nói sắc là vô thường v.v… thì pháp của sắc hiện là vô thường v.v…
Thế nào là giáo pháp? Như có kinh nói: Đồng tử! Ta nhận biết tất cả. Thấy rõ tất cả. Lại nữa, chân v.v… là tên gọi của bốn đế, Như Lai chứng biết bốn lý thâm diệu ấy, do đó có thể thuyết giảng. Thuyết giảng mà không biết, là không có điều ấy.
+ Ở đây, chân ngữ: Là nói về các uẩn như sắc v.v… thuộc Khổ đế. Chân là khổ.
+ Thật ngữ: Là nói về nhân của khổ thật là ái thuộc Tập đế, không phải là tự tại v.v… có thể làm nhân.
+ Như ngữ: Là nói về Niết-bàn vô vi tất cả Diệt đế. Hữu vi là hư vọng, vô vi là trái lại. Như nói pháp vô vi tánh không hư vọng, gọi đó là như.
+ Không khác như ngữ: Là nói về Đạo đế. Lìa tám chi đạo, nói chứng đắc Niết-bàn, là hư dối, không thật. Đạo ấy có thể chứng đắc thật, không vọng.
Hoặc có suy niệm: Nếu chư Phật lìa tất cả tưởng, thì làm sao ở nơi pháp hiện chứng có thể nói tám chi đạo là thật? Nhập nước, lửa v.v… là vọng. Nói thật, vọng nên có tưởng phân biệt. Vì thế, kinh viết: Nầy Tu-bồ-đề! Như Lai chứng đắc pháp, thuyết giảng pháp không thật, không vọng. Nghĩa ấy là thế nào? Như Lai chứng đắc đệ nhất nghĩa, bản tánh của tất cả pháp là không sinh. Không sinh nên không từng là có, vì sao gọi là thật. Đã không sinh thì đâu có thật? Do đấy không phải là (phi) vọng. Hai cảnh thật – vọng đều không thể thủ đắc, thì đối với gì mà sinh khởi phân biệt? Pháp được nêu giảng là tánh của văn tự. Văn tự là hữu vi nên phi thật. Dựa vào đấy mà chứng đắc thật, nên phi vọng.
* Lại nữa, nghi nêu: Nếu pháp được chứng đắc là không sinh, không tánh, phi thật phi vọng, tức là thân đệ nhất nghĩa của chư Phật. Từ đấy làm nhân, ba thân thành đủ. Bồ-tát do đâu xả bỏ pháp đã chứng đắc, trụ nơi sự v.v… mà hành bố thí? Vì để loại trừ nghi vấn ấy, kinh viết: Nầy Tu-bồ-đề! Ví như có người đi vào chốn tối tăm, không thấy gì cả. Nếu Bồ-tát, tâm trụ nơi sự mà hành bố thí v.v…
Hai dụ tối sáng nầy chỉ rõ về công đức, lỗi lầm của có trụ, không trụ. Nghĩa ấy là thế nào?
Như người trong chỗ tăm tối, bỏ đường bằng phẳng, đi vào nơi không phải đường, rơi vào nẻo khó khăn hiểm trở, chịu nhiều khổ nạn, tại xứ vui thích gần đấy mà không đạt được. Nếu các Bồ-tát trụ nơi sự để hành bố thí, là bỏ con đường bằng phẳng của tánh vô đắc, để đi vào nẻo hiểm trở của hữu đắc, ở trong sinh tử nhận lấy các thứ khốn ách, cảnh giới Niết-bàn, vào lúc nào mới có thể đến được?
+ Như người có mắt: Là đạt được Nhẫn vô sinh.
+ Đêm tối đã hết: Là bỏ hẳn quả ái.
+ Ánh sáng mặt trời tỏa chiếu: Là quyết định nhận biết rõ về các pháp là vô tánh.
+ Thấy vô số sắc: Là tỏ ngộ tất cả pháp là vô sở đắc, là không diệt không sinh, không đoạn không thường, không một không khác, không đến không đi. Bồ-tát hành nơi xứ không trụ như thế, tất mau chóng thành tựu chánh giác, đắc Đại Niết-bàn.
Trong tất cả pháp tu hành ấy, có hai lợi tự, tha.
Tự lợi lại có giáo, nghĩa tu hành.
+ Giáo tu hành: Là thọ trì, đọc tụng.
+ Nghĩa tu hành: Là lắng nghe, tư duy.
Lợi tha: Nghĩa là vì người diễn nói. Như kinh nêu: Nầy Tu-bồ-đề! Nếu các thiện nam, thiện nữ, đối với phápmôn nầy, thọ trì, đọc tụng, tu tập, diễn nói, Như Lai đều nhận biết người ấy, đều thấy rõ người ấy, sinh vô lượng nhóm phước đức như thế, nhận lấy vô lượng phước đức như thế.
+ Ở đây, thọ nhận (thọ): Là tạo tâm lãnh nạp.
+ Nắm giữ (trì): Là ôn luyện, ghi nhớ không quên.
+ Đọc tụng: Là tụng rõ về văn.
+ Tu tập: Là lắng nghe cùng tư duy.
Vô lượng nhóm phước, sự việc ấy như thế nào? Kinh viết: Nếu các thiện nam, thiện nữ, buổi sáng đem thân mạng nhiều như Hằng hà sa để bố thí, cho đến: Đối với pháp môn nầy, tâm tin tưởng không hủy báng v.v… Bố thí nầy, phước càng hơn hẳn so với trước, do sự cùng thời, hai thứ đều lớn. Sự lớn: Như kinh nói: Đem thân mạng nhiều như Hằng hà sa để bố thí. Thời gian lớn: Như kinh nói: Trăm ngàn ức na-do-tha kiếp.
Tu hành đạt quả tự nhiên, nay nói thế nào gọi là quả tự nhiên? Nghĩa là người tu hành, từ lúc bắt đầu, cho đến chưa thành chánh giác, đời nầy đời khác đạt được các công đức. Gốc nơi đối tượng mong đạt tới là quả vị Phật, còn công đức là gì? Đó là ma cùng với dị đạo không thể gây trở ngại, loạn động. Là công đức lớn, nên quả phước bền chắc thù thắng, không gì sánh bằng. Là tư lương viên mãn của pháp khí tối thượng. Có thể tự tạo được sự tin hiểu sâu lớn khó hơn nơi xứ của nhân phước, diệt sạch hết thảy các tội, mau chóng chứng đắc địa.
Ở đây, ma cùng với dị đạo không thể gây trở ngại, loạn động: Như kinh viết: Pháp môn nầy không thể nghĩ bàn. Nghĩa ấy là thế nào? Do uy lực của pháp là không thể nghĩ bàn, nên người đó phước tuệ có được vượt quá cảnh của các trí. Vì vậy các loại tà đạo đều không thể gây trở ngại, loạn động.
+ Công đức lớn nên thù thắng, không gì sánh bằng: Như kinh viết: Không thể nêu xét. Do có thể thọ trì pháp môn nầy, nên uy lực, công đức của pháp là không thể lường xét, các thứ khác không thể sánh bằng, thế nên người đó là hết sức thù thắng.
+ Quả phước bền chắc: Như kinh nói: Vô lượng quả báo, kẻ tà vạy không thể ngăn trở. Tức do công đức rộng lớn, nên ở trong hàng trời, người, thọ nhận các thắng phước, không gì có thể xâm đoạt.
+ Pháp khí tối thượng: Như kinh nói: Pháp môn nầy, Như Lai vì những người phát khởi Đại thừa nên thuyết giảng. Vì những người phát khởi Tối thượng thừa nên thuyết giảng. Tức pháp là chân thật, là tối thượng, nên thực hiện việc trao nhận là pháp khí.
+ Tư lương viên mãn: Như kinh viết: Nếu có người thọ trì, đọc tụng, tu tập, diễn nói v.v… Ở đây, thọ trì, đọc tụng, vì người khác giảng nói, nên phước đức tăng trưởng. Lắng nghe, tư duy nên trí tuệ tăng trưởng. Nêu rõ về tăng trưởng như thế nào? Như kinh nói: Đều thành tựu vô lượng nhóm công đức không thể nghĩ bàn, không thể xưng nêu, không có biên vực.
+ Nói vô lượng: Là hiển bày công đức nầy không phải là cảnh giới của tất cả tâm có thể lường xét. Thế nên, mọi tư duy đều không thể nhận biết, không thể giữ lấy, gọi là không biên vực có thể đạt được.
+ Có thể tự đảm đang được sự việc khó hơn: Như kinh nói: Người như thế v.v…, tức có thể đảm nhận, hành trì đạo quả Bồ-đề Vô thượng của Như Lai. Nghĩa ấy là thế nào? Như Đức Phật đã thành tựu pháp vi diệu khó nghĩ bàn, cứu độ rộng khắp mọi chúng sinh khổ não không sót loài nào. Người thọ trì kinh phải nên như thế.
+ Tin, hiểu rộng lớn, sâu xa: Kinh viết: Nếu là người vui thích pháp nhỏ, tức đối với kinh nầy không thể thọ trì, đọc tụng v.v…
Ở đây, tin hiểu rộng lớn: Là không có ý lạc nhỏ.
Tin hiểu sâu xa: Là không có các kiến như ngã v.v…
+ Xứ của nhân phước: Kinh viết: Tại khắp các xứ, nếu nêu giảng kinh nầy v.v…
Tích tập phước xả bỏ tội, nên gọi là Tháp miếu (Chi-đề). Công đức của người có thể diễn nói pháp, so với nơi chốn đó là như nhau, tuy nơi chốn ấy không tư duy, thọ trì, nêu giảng.
+ Diệt trừ sạch hết tất cả tội: Như kinh viết: Nếu các thiện nam, thiện nữ thọ trì, đọc tụng kinh nầy, lại bị người khinh thường v.v…
Thọ trì kinh nầy mới dẫn đến thành Phật, trái lại bị người khinh chê. Sự việc ấy là sao? Kinh viết: Người ấy nơi đời trước đã tạo nghiệp tội đáng lẽ bị đọa vào đường ác, do đời nay thọ trì, đọc tụng kinh nầy, nên chỉ bị kẻ khác khinh chê, vì vậy nghiệp tội của đời trước liền được tiêu trừ. Phẩm Như Lai nói: Nếu lại có người thọ trì kinh nầy, cho đến giảng nói rộng, người đó nơi đời hiện tại, hoặc gặp mộng ác, hoặc mắc phải bệnh nặng, hoặc bị bức bách xua đuổi khiến phải đi xa, nhục mạ, đánh đập cho đến mất mạng, các thứ nghiệp ác hiện có đều được tiêu trừ. Lại có tụng nói:
Nếu ngườitạo nghiệp ác
Gây rồi sinh sợ hãi
Tự hối hoặc hướng người
Trừ hết mọi gốc rễ.
Tâm sợ hãi, sám hối tội lỗi hãy còn trừ diệt gốc rễ, huống chi là có người thọ trì chánh pháp. Ở đây, há không phải là trái hẳn so với các giáo pháp khác sao! Như nói:
Nghiệp tuy trải trăm kiếp
Nhưng trọn không hoại mất
Lúc các duyên hội hợp
Tất yếu sinh nơi quả.
Không phải là có mâu thuẫn. Đấy lại là thế nào? Và như mười nghiệp bất thiện, là nghiệp của nẻo ác, do thọ trì chánh pháp cùng sám hối tội trước, nên quả của nẻo ác tuy vĩnh viễn không sinh, nhưng nơi thân hiện tại phải nhận các báo khổ. Hiện thọ nhận các khổ há là nghiệp hoại mất chăng? Không sinh nơi đường ác, không phải là dứt hết gốc rễ của tội chăng? Nếu có nghiệp vô gián quyết định, thì sau khi mạng chung nhất định sinh vào chốn ấy, nên kiếp trụ chỉ thọ nhận trong chốc lát rồi ra khỏi, như vua A-xà-thế. Do đấy không trái nhau.
+ Mau chóng chứng Địa: Kinh viết: Ta nhớ nghĩ về vô lượng A-tăng-kỳ kiếp nơi quá khứ, cho đến: Nếu lại có người, nơi đời vị lai, có thể thọ trì, đọc tụng kinh nầy, rộng vì người khác giảng nói, thì công đức của Ta có được do cúng dường chư Phật so với phước đức nầy, không bằng một phần trăm v.v…
Nghĩa nầy là thế nào? Phước đức có được do cúng dường vô biên chư Phật, không chứng đắc chân thật. Thọ trì pháp môn nầy thì mau chóng có thể chứng đắc. Do vậy, uy lực của công đức thọ trì kinh, nếu như chia làm trăm phần, thì nhóm phước đức không bằng một. Như thế, ngàn phần, trăm ngàn phần, số phần, đều không bằng, theo loại nên biết.
+ Số: Nghĩa là sáu mươi bậc, quá bậc ấy trở đi thì số không thể đạt được.
+ Ca-la không đạt tới, so xét không đạt tới: Đây là dựa nơi nghĩa vi tế của Ca-la mà nói. Tức là phước của sự thọ trì kinh, tánh hết sức vi tế, công đức đã nhiều, không phải làchỗ đạt tới của công đức trước. Tận cùng nơi sự so xét, trọn không sánh bằng. Vi tế hãy còn như thế, huống chi là tất cả.
+ Ưu-ba-ni-sa: Là nhân. Nghĩa nầy là thế nào? Ở đây, phần ít trước, đối với quả tối thắng tức thành tánh nhân. Còn toàn bộ nhóm phước đức ở trước cũng không thành nhân, không thể đạt được quả chân thật.
+ Thí dụ cũng không đạt được: Như có đồng nữ tên là Nguyệt Diện (Mặt như vầng trăng). Mặt của đồng nữ há có thể hoàn toàn giống với mặt trăng? Do có vẻ tươi sáng nên có phần ít tương đồng. Nhóm phước ở trước tức không như thế. Không có chút tương tợ để có thể thí dụ. Đây lại là thế nào? Nghĩa là phước của việc chỉ thọ trì văn tự, thì phước trước so với đây là không có tánh tương tợ, không phải là người phước mỏng mà có thể nghi nhận văn tự ấy. Như kinh nói: Nếu Ta nêu bày đầy đủ, thì hoặc có người nghe tâm tức mê hoặc mà sinh khinh thường. Nghĩa là nghe nói về uy lực của công đức ấy, lúc suy xét thì không tin. Như kinh nói: Pháp môn nầy là không thể nghĩ bàn. Quả báo cũng không thể nghĩ bàn. Do uy lực thù thắng nên cả hai cùng khó xét lường.
Tôn giả Tu-bồ-đề do đâu lại nói: Phát khởi Bồ-tát thừa, nên làm thế nào để trụ? v.v… Muốn hiển bày đầy đủ tướng thanh tịnh của nhân, vì sao không đủ?
Thế nào là hiển bày đầy đủ? Nghĩa là nhân của sự tu tập không những chỉ lìa nơi tướng, tưởng của ba sự liền gọi là thanh tịnh, mà còn phải xa lìa các tưởng ngã trụ, ngã tu, ngã hàng phục tâm như vậy mới được thanh tịnh. Như kinh viết: Nên sinh tâm như thế, cho đến: Thật không có pháp gọi là phát khởi Bồ-tát thừa. Đây lại là thế nào? Tức nơi đệ nhất nghĩa không có chúng sinh đắc Bát-Niết-bàn, cũng không có pháp gọi là Bồ-tát phát tâm, trụ quả, tu hành, hàng phục. Ở trong không có, mà khởi có tưởng, là hành điên đảo, không phải là nhân thanh tịnh.
* Lại nữa, nghi nêu: Nếu không có Bồ-tát phát tâm hướng tới Đại thừa, tức không có nhân để chứng đắc quả vị Phật, thành đủ bốn thứ nghiệp lợi ích. Vì sao Đức Thế Tôn, nơi trụ xứ của Phật Nhiên Đăng đã được thọ ký: Ông nơi đời vị lai sẽ đạt được quả vị Phật, hiệu là Thích-ca Mâu-ni, có thể thành tựu bốn thứ sự đem lại lợi ích cho chúng sinh.
Vì nhằm đoạn trừ nghi vấn ấy, kinh viết: Nầy Tu-bồ-đề! Ý của Tôn giả thế nào? Như Lai, về thời xa xưa, nơi trụ xứ của Phật Nhiên Đăng, từng có pháp để đắc đạo quả Bồ-đề Vô thượng chăng? v.v…
Ở đây, ý nói Đức Phật vào thời xa xưa, lúc chứng đắc nghĩa chân thật, được thọ ký, không thấy chút pháp nào gọi là Bồ-đề Vô thượng. Thể của nhân do “vô sở đắc”, nên được thọ ký. Đây tức chứng biết tất cả pháp đều vô sở đắc. Như kinh nói: Nầy Tu-bồ-đề! Nói Như Lai, là do chân như. Chân như: Là nghĩa vô sở đắc. Tôn giả Tu-bồ-đề tâm niệm: Ta đối với chỗ giảng nói ấy không còn nghi, nhưng có người nói: Nơi trụ xứ của Phật Nhiên Đăng nếu không thấy có pháp, thì sao có thể chứng đắc Bồ-đề, lên tòa giác ngộ, há cũng như thế? Do đấy kinh viết: Nầy Tu-bồ-đề! Nếu có người nói Như Lai chứng đắc đạo quả Bồ-đề Vô thượng, thì người ấy nói không thật. Cho đến: Như Lai chứng đắc pháp, trong đó không thật không vọng. Nghĩa ấy là thế nào? Phàm là thật, vọng, là sinh nơi hữu đắc, có lúc nói thật hoại, có lúc nhận biết vọng. Trong vô sở đắc, thì hai thứ ấy cùng dứt.
Lại có suy niệm: Nếu Như Lai chỉ chứng vô sở đắc, thì Phật pháp tức chỉ một, không phải là vô biên. Thế nên kinh nêu: Như Lai nói tất cả pháp đều là Phật pháp. Phật pháp nghĩa là gì? Tức là vô sở đắc. Chưa từng có một pháp nào có tánh có thể đắc, do đấy, tất cả pháp không gì không là Phật pháp. Thế nào là tất cả đều vô sở đắc? Kinh viết: Tất cả pháp tức phi tất cả pháp. Thế nào là phi? Là tánh vô sinh. Nếu vô sinh tức là vô tánh. Thế nào gọi là tất cả pháp? Tức ở trong vô tánh, giả nêu bày, giảng nói.
+ Tất cả pháp không có tánh: Tức là tánh nơi Như Lai tạng của chúng sinh. Vì vậy, Đức Thế Tôn, thuận theo thứ lớp để mở bày, làm rõ. Kinh viết: Nầy Tu-bồ-đề! Ví như có người thân tướng diệu đại v.v…
Thân diệu đại: Nghĩa là thân tánh không.
Vì sao là diệu đại? Tùy theo nơi chốn hiện có, nhưng không khác, nên hết thảy chúng sinh đều cùng có. Như nói không tánh của một chúng sinh nầy, tánh không của tất cả chúng sinh kia, Như Lai có, chúng sinh cũng có. Do đâu chỉ nói Như Lai tạng nơi tất cả chúng sinh có. Không nói chúng sinh tạng nơi Đức Như Lai có. Do các chúng sinh chưa chứng đắc lý không, Như Lai thì đã chứng đắc. Như có kinh nói: Bên trong thân chúng sinh có Như Lai tạng gồm đủ tướng trang nghiêm, há chẳng đồng với vọng chấp thần ngã? Tuy nói như thế nhưng thấu tỏ về tánh không gọi là Pháp thân. Pháp thân là nhân nên sinh ra sắc tướng, chẳng phải đồng với chỗ nói về ngã của ngoại đạo. Như Kinh Lăng Già, Bồ-tát Đại Tuệ bạch Phật: Thế Tôn! Trong Tu-đa-la nói: Như Lai tạng bản tánh thanh tịnh, có đủ ba mươi hai tướng, ở trong thân của tất cả chúng sinh thường trụ, bất biến. Vì tham sân si phân biệt hư vọng tạo cấu uế nơi uẩn giới xứ, dựa vào đấy nên bị trói buộc, cũng như ngọc báu vô giá được bọc trong tấm áo dơ bẩn. Thế Tôn! Ở đây nói như thế nào, không đồng với tà luận của ngoại đạo? Ngoại đạo nói ngã là thường, là kẻ tạo tác, thể không phải là Cầu-na (Nương dựa, dựa nơi đế), hiện hữu khắp nơi, vô tận. Đức Phật bảo: Nầy Đại Tuệ! Ta giảng nói về Như Lai tạng, nghĩa không giống với ngoại đạo nói về ngã. Như Lai tạng tức là tánh không nơi thật tế, Niết-bàn, với các nghĩa không sinh, không diệt, vô tướng, vô nguyện. Như Lai muốn ngăn dứt hẳn sự sợ hãi về vô ngã của kẻ ngu tối, nên nói về môn Như Lai tạng của cảnh giới không phân biệt, không hư vọng.
Nầy Đại Tuệ! Các Bồ-tát Ma-ha-tát hiện tại, vị lai, không nên ở chỗ chấp trước ấy sinh khởi ngã kiến, cho đến nói rộng.
Tôn giả Tu-bồ-đề vì muốn làm rõ về diệu thân, đại thân là nghĩa không tánh, nên kinh viết: Như Lai nói người có thân diệu, đại tức là phi thân. Phi thân nghĩa là do sắc thân dựa nơi nghĩa thật mà nói, tánh không sinh, nên nói tánh không sinh là thân diệu đại, không phải là sắc thân. Ở trên đã nói về tướng của nhân thanh tịnh, nghĩa chưa viên mãn. Vì để được đầy đủ, kinh nêu: Nầy Tu-bồ-đề! Bồ-tát cũng như thế. Nếu nói: Ta sẽ độ thoát cho vô lượng chúng sinh, tức chẳng phải là Bồ-tát v.v… Do chính là nhằm trừ bỏ tất cả phân biệt về chủ thể hóa độ, đối tượng được hóa độ, thì Bồ-tát tu nhân mới được thanh tịnh.
Lại để thành tựu tâm không phân biệt, kinh viết: Từng có pháp gọi là Bồ-tát chăng? Tu-bồ-đề thưa: Không có, bạch Đức Thế Tôn! cho đến: Phật nói tất cả pháp là không ngã, không chúng sinh v.v…
Trong đệ nhất nghĩa, không có Bồ-tát, không có phàm phu.
+ Ta sẽ làm trang nghiêm quốc độ của Phật, không gọi là Bồ-tát: Là do nhiễm chấp nơi nhân, nên đối với các nhóm như sắc v.v…, đã chấp giữ, cho là tạo thành cõi Phật.
+ Tức phi trang nghiêm: Là thật nghĩa không sinh.
+ Đó gọi là trang nghiêm: Là ngôn thuyết theo tục đế.
+ Thông tỏ pháp vô ngã, nên gọi là Bồ-tát: Là nhân thanh tịnh, lìa tất cả tưởng.
* Lại nữa, nghi nêu: Nếu nhân thanh tịnh lìa các tưởng, là có cảnh có thể đạt được, hay là không có? Thế nên ở đây nói cảnh giới của Phật. Kinh viết: Nầy Tu-bồ-đề! Ý của Tôn giả thế nào? Như Lai có Nhục nhãn chăng? Tu-bồ-đề thưa: Đúng vậy, bạch Đức Thế Tôn! Như Lai có Nhục nhãn. Cho đến: Như Lai có Phật nhãn chăng? Tu-bồ-đề thưa: Đúng vậy, bạch Đức Thế Tôn! Như Lai có Phật nhãn v.v…
Do đâu Đức Thế Tôn nói đủ về năm thứ mắt? Là nêu bày về cảnh giới, không gì là không nhận biết rõ. Ở đây có số cảnh của chúng sinh và phi số cảnh của chúng sinh. Như kinh nói: Chúng sinh hiện có với từng ấy thứ tâm trụ v.v…: Là hiển thị về sự nhận biết rõ số cảnh của chúng sinh. Nơi Hằng hà sa số thế giới v.v…: Là làm rõ sự nhận biết về phi số cảnh của chúng sinh.
+ Từng ấy thứ tâm: Là mong muốn, vui thích không đồng.
+ Trụ: Là nối tiếp mà chuyển.
Hoặc khởi suy niệm: Tâm nếu có thể trụ, thì đây nên có thể. Do đấy kinh viết: Như Lai nói các tâm trụ đều là phi tâm trụ.
+ Phi tâm trụ: Là nơi đệ nhất nghĩa, không có nối tiếp. Như kinh nói: Vì sao? Nầy Tu-bồ-đề! Tâm quá khứ không thể đạt được. Tâm hiện tại không thể đạt được. Tâm vị lai không thể đạt được. Đây lại là thế nào? Tức tâm quá khứ đã diệt. Tâm vị lai chưa sinh. Tâm hiện tại không dừng trụ, không hiện bày. Kinh Bảo Tích nói: Nầy Ca-diếp! Tất cả chư Phật không thấy tâm quá khứ, không thấy tâm vị lai, không thấy tâm hiện tại, cho đến nói rộng.
Kinh viết: Nếu nhóm phước đức có thật, Như Lai tức không nói là nhóm phước đức. Ý nầy là thế nào?
+ Nhóm (tụ): Là nghĩa tích tụ. Giả danh, không thật, thật tức phi nhóm. Đối với gì nói là nhóm? Vì sao biết là giả danh không thật? Nơi đệ nhất nghĩa, không có tích tụ, còn trong tục đế thì có ngôn thuyết. Như vậy, năm thứ mắt đều là vô sở đắc, là cảnh giới của Phật. Theo đấy nên biết: Nhân tịnh lìa tưởng, không có cảnh có thể thủ đắc. Do đó, trong Đại Bát-nhã Ba-la-mật, nói như vầy: Nầy Tu-bồ-đề! Năm thứ mắt của Như Lai, nơi đệ nhất nghĩa đều là vô sở đắc. Nếu nói là hữu đắc, là kẻ ngu đã hủy báng Như Lai.
* Lại nữa, nghi nêu: Nếu nơi đệ nhất nghĩa, cảnh giới của Phật là vô sở đắc, thì sắc tướngNhư Lai phải chăng cũng không có? Vì loại trừ nghi vấn ấy, kinh viết: Nầy Tu-bồ-đề! Ý của Tôn giả thế nào? Như Lai có thể dùng sắc thân đầy đủ để thấy chăng? Tu-bồ-đề thưa: Không thể, bạch Đức Thế Tôn! v.v…
Đây là hiển bày về việc thấy Pháp thân Phật. Làm sao thấy? Như kinh nêu: Như Lai nói sắc thân đầy đủ tức phi sắc thân đầy đủ. Đây là dựa nơi thật nghĩa, tức ở nơi sắc tướng mà thấy Pháp thân.
+ Phi đầy đủ: Là Pháp thân. Như nói: Tánh vô sinh là Như Lai thường trụ, cho đến nói rộng.
* Lại nữa, nghi nêu: Nếu nơi đệ nhất nghĩa, cảnh giới của Phật cùng thân sắc tướng, đều không có thể tánh, thì há có đầy đủ các đức, thân tướng ngôn thuyết cũng lại không có, để trừ bỏ nghi vấn ấy, kinh viết: Nầy Tu-bồ-đề! Ý của Tôn giả thế nào? Như Lai có khởi niệm: Ta có thuyết giảng pháp chăng? v.v… Nhằm khiến nhất định trừ bỏ chấp có thuyết giảng, nên kinh nêu: Nếu người nói Như Lai có thuyết pháp, tức là hủy báng Phật, cho đến: Không có pháp có thể thuyết giảng, đó gọi là thuyết giảng. Nghĩa nầy là thế nào? Là nói về vô thể. Tức không thấy có trong ngoài, pháp lậu vô lậu, có tí chân thật để có thể nêu giảng.
Tôn giả Tu-bồ-đề lại muốn hiển bày, đối với pháp được thuyết giảng ấy, người tin nhận là khó. Thế nên nói: Từng có chúng sinh nơi đời vị lai, nghe giảng nói pháp nầy, sinh tâm tin tưởng chăng?, cho đến: Đấy là phi chúng sinh, phi chẳng chúng sinh v.v…
Thế nào là phi chúng sinh? Tức nơi đệ nhất nghĩa thì “là uẩn khác uẩn”. Suy cầu về thể không thể đạt được. Như kinh nói: Phi chúng sinh. Vì sao phi chúng sinh? Là do tục đế dựa nơi nghiệp quả tương ưng của năm uẩn mà thiết lập, giả đặt. Như kinh nói: Đó gọi là chúng sinh.
* Lại nữa, nghi nêu: Nếu nơi đệ nhất nghĩa, cảnh giới của Phật, sắc thân, thân ngôn thuyết, đều không thể thủ đắc, thì thể tánh của Pháp thânhá cũng như thế? Nhằm trừ bỏ nghi ấy, kinh viết: Nầy Tu-bồ-đề! Ý của Tôn giả thế nào? Từng có pháp để Như Lai chứng đắc đạo quả Bồ-đề Vô thượng chăng? Tu-bồ-đề thưa: Không có, bạch Đức Thế Tôn! v.v… Nghĩa ở đây là thế nào?
Phật chứng đắc chân thật, không thấy có chút pháp nào là đối tượng được chứng đắc. Do vô sở đắc thế nên gọi là đạo quả Bồ-đề Vô thượng. Do đâu là vô sở đắc? Kinh viết: Pháp ấy bình đẳng không có cao thấp. Vì sao bình đẳng? Kinh nói: Do không ngã, không chúng sinh, không mạng, không thủ giả. Như bình đẳng sinh trong vô ngã, nên vô ngã của pháp vô sở đắc cũng như vậy. Lý vô đắc ấy, do nhân gì để chứng đạt? Kinh viết: Tất cả pháp thiện.
Vì sao pháp thiện, là pháp có thể tánh có thể đắc, mà có thể chứng đạt lý vô sở đắc? Pháp không tương tợ đâu có thể thành nhân? Kinh viết: Pháp thiện, Như Lai nói là phi pháp. Thế nào là phi pháp? Là tánh vô sinh của đệ nhất nghĩa. Nên biết, nhân ấy tức là vô sở đắc.
+ Pháp thiện: Là ngôn thuyết của tục đế, không phải là nghĩa chân thật.
Do đâu lại dùng số lượng vi trần như núi Tu-di, để so sánh với phước đức có được do bố thí châu báu? Là nhằm khiến người tu hành tâm tinh tấn, dũng mãnh.
* Lại nữa, nghi nêu: Nếu Như Lai nói phi chúng sinh, thì vì sao không gọi là mâu thuẫn với những ngôn giáo khác? Như có kinh nói: Vô lượng chúng sinh, do được Ta làm thiện tri thức, nên các khổ như sinh v.v…, đều được giải thoát. Để trừ bỏ nghi vấn ấy, kinh viết: Nầy Tu-bồ-đề! Ý của Tôn giả thế nào? Như Lai khởi niệm nầy: Ta hóa độ chúng sinh chăng? cho đến: Thật không cóchúng sinh để Như Lai hóa độ v.v…
+ Không có chúng sinh: Là nói về đệ nhất nghĩa. Lại nữa, do tâm đại bi thâu giữ đồng với chính mình.
+ Nếu thật có chúng sinh khác với Như Lai, là đối tượng được hóa độ, thì Như Lai tức có bốn thứ chấp giữ như ngã v.v… Vì sao? Vì nếu thấy có mình là chủ thể hóa độ chúng sinh, là ngã thủ. Do đâu không muốn có các thủ như ngã v.v…? Kinh viết: Ngã thủ, Như Lai nói là phi thủ.
+ Phi, là nghĩa gì? Đó là bất thiện. Vì sao bất thiện? Vì trói buộc chúng sinh ở nơi sinh tử.
+ Lại nữa, phi: Là nghĩa không có thể tánh. Đây lại là thế nào? Do không có đối tượng được giữ lấy là ngã, nên cũng không có chủ thể giữ lấy. Nếu các thủ như ngã v.v…, không có thể tánh có thể đạt được, thì đâu cần dùng việc loại trừ ngã, để nói là phi thủ? Là do các phàm phu vọng chấp giữ điên đảo, nên nói phi thủ là để khiến họ hiểu rõ. Như kinh nói: Chỉ do kẻ phàm phu không trí, sinh chấp giữ sai lạc v.v…
Chưa được là Thánh giả, là đều ở nơi ngã tự cho là có sai biệt mà sinh khởi, gọi là phàm phu sinh. Đấy tức phi sinh, bất thiện sinh. Như người bất thiện, gọi là phi nhân. Lại, pháp từ duyên khởi, không có ngã tạo tác, nên gọi là phi sinh. Thế nên nói phàm phu sinh khởi, là theo thế tục mà nói.
Do các chúng sinh, đối với sắc thân Phật sinh nhiều chấp giữ, do đó lại nói sắc thân vô tánh. Kinh viết: Nầy Tu-bồ-đề! Ý của Tôn giả thế nào? Có thể dùng tướng thành tựu để thấy Như Lai chăng? cho đến: Chuyển luân Thánh vương nên là Như Lai v.v… Đức Phật muốn khiến, đối với thân như sắc, thấy được nghĩa Pháp thân, lúc thọ trì dễ, nên nói tụng:
Nếu dùng sắc thấy Ta
Dùng âm thanh cầu Ta
Người ấy đi đường tà
Không thể thấy Như Lai.
Như Lai pháp làm thân
Chỉ nên quán pháp tánh
Pháp tánh không chỗ thấy
Trí cũng không thể biết.
Dùng sắc thấy Ta v.v…, nghĩa ấy là thế nào? Nghĩa làcó người thấy tướng tốt sáng tỏ, nói là đã thấy Phật. Lại có người nghe nhận văn tự của kinh v.v…, nói là mình đã gắn bó nên “đạt được” Như Lai. Kẻ ấy nói: Ở nơi thân tướng hảo, cùng thân ngôn thuyết duyên dựa tu tập, sẽ dứt trừ phiền não. Vì nhằm loại bỏ kiến chấp đó, kinh viết: Người ấy đi đường tà, không thể thấy Như Lai. Nghĩa đó là thế nào? Sắc cùng văn tự, tánh không chân thật, trong ấy, chấp giữ là đường tà. Đi nơi đường đó thì sao có thể thấy Phật. Thế nào là thấy? Kinh viết: Như Lai pháp làm thân, chỉ nên quán tánh pháp.
+ Pháp tánh: Đó là tánh không, không tự tánh, tánh không sinh. Đây tức là thân đệ nhất nghĩa của chư Phật. Nếu thấy thân ấy tức là thấy Phật. Như có kinh nói: Không sinh, không diệt là Như Lai. Kinh Thập Vạn Tụng lại nói như vầy: Từ Thị do thấy tánh không, gọi là thấy Như Lai. Trong Kinh Tát Già lại nói: Thấy không chấp giữ vướng mắc là thấy Phật.
Nếu không chấp giữ, vướng mắc, gọi là thấy Phật: Thì duyên nơi pháp tánh, tức không phải là chấp giữ vướng mắc, do trí tịnh nên tâm nhận biết rõ về pháp tánh, pháp tánh phải chăng là đối tượng được nhận biết rõ? Do đấy, kinh viết:
Pháp tánh không phải là đối tượng được nhận thấy
Trí kia cũng không thể nhận biết.
(Pháp tánh phi sở kiến
Bỉ diệc bất năng tri).
Xứ của pháp tánh không có mộtvật nào có thể gọi là đối tượng được nhận biết. Do vậy, trí kia cũng không là chủ thể nhận biết. Như có kinh nói: Nầy Đại vương! Tánh của tất cả pháp cũng như hư không, cùng với các vật làm chỗ nương dựa. Nhưng thể tánh của hư không ấy không phải là có vật, cũng không phải là không vật, có thể ở trong ấy vắng bặt không còn nhận biết gọi là nhận biết rõ. Gọi là sự nhận biết, là theo ngôn thuyết của tục đế.
* Lại nữa, nghi nêu: Nếu trí cũng không thể Niết-bàn về pháp tánh, thì vì sao chư Phật gồm đủ tướng trượng phu mà chứng đắc Bồ-đề? Tức do thấy tướng trượng phu đầy đủ, nên chứng đắc Bồ-đề. Nhằm dứt trừ nghi vấn nầy, kinh viết: Nầy Tu-bồ-đề! Ý của Tôn giả thế nào? Như Lai có thể dùng các tướng thành tựu để chứng đắc đạo quả Bồ-đề Vô thượng chăng? v.v…
Ở đâylà hiển bày về tướng pháp giới. Nghĩa ấy là thế nào? Nếu tướng thành tựu là chân thật có, thì tướng nầy lúc diệt tức gọi là đoạn. Không có Bồ-tát thấy pháp là đoạn. Vì sao? Vì do sinh nên tức có đoạn. hết thảy pháp, tánh là không sinh, do đấy xa lìa hai biên thường, đoạn. Xa lìa hai biên là tướng pháp giới. Thế nên ở đây nói phước do có thể tin hiểu về vô sinh nhiều hơn so với phước do bố thí châu báu. Như bảy báu trong các cõi dùng để bố thí, nếu Bồ-tát chứng đắc vô ngã nơi pháp Nhẫn vô sinhv.v…, chỉ ở nơi vô sinh vui nhận tu tập, phước nhiều hơn trường hợp kia. Như có tụng nói:
Nếu người giữ chánh pháp
Cùng phát tâm Bồ-đề
Chẳng như hiểu nơi không
Một của mười sáu phần.
Hoặc có suy niệm: Nếu tất cả pháp là không sinh, thì vì sao có phước đức sinh khởi? Thế nên kinh viết: Nầy Tu-bồ-đề! Bồ-tát không nên chấp giữ phước đức v.v…
+ Không nên chấp giữ phước đức: Tức không phải trong đệ nhất nghĩa có phước để có thể giữ lấy.
Tu-bồ-đề bạch Phật: Bồ-tát không giữ lấy phước đức: Là Bồ-tát đối với phướccần phải tròn đủ.
Đức Phật nói: Nầy Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên giữ lấy: Là theo tục đế. Không nên tham chấp: Là theo đệ nhất nghĩa đế.
* Lại nữa, nghi nêu: Nếu đệ nhất nghĩa không có phước để có thể giữ lấy, thì do đâu nơi các kinh khác nói: Tư lương phước, trí của Như Lai viên mãn, an tọa nơi tòa Bồ-đề, hướng đến Niết-bàn.
Vì nhằm loại trừ nghi vấn nầy, nên kinh viết: Nầy Tu-bồ-đề! Nếu có người nói: Như Lai hoặc đi hoặc đến, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm, thì người ấy không hiểu được ý nghĩa của những điều Ta đã nêu giảng v.v…
Niết-bàn không có xứ sở chân thật để đến nơi ấy, gọi đó là đi. Sinh tử cũng không có xứ sở chân thật, để từ đấy ra khỏi, gọi đó là lại. Không đi không lại là nghĩa Như Lai. Đây tức là hiển bày về Niết-bàn vô trụ. Tuy sinh tử, Niết-bàn không có một, khác, nhưng ở nơi lao ngục của ba cõi, dẫn dụ chúng sinh, tận cùng nơi đời vị lai, đều được lợi ích.
* Lại nữa, nghi nêu: Nếu sinh tử, Niết-bàn không thể thủ đắc, nên không có đi, lại, thì Như Lai phải chăng như núi Tu-di v.v…, là một hợp nhất tích tụ được an trụ?
Vì nhằm loại trừ kiến chấp cho trong ấy là một, là thường, là một hợp thể có phần, không phần, nên kinh viết: Nầy Tu-bồ-đề! Nếu các thiện nam, thiện nữ, đem Tam thiên đại thiên thế giới nghiền nát thành vi trần, thì số lượng vi trần ấy nên cho là nhiều chăng? v.v…
+ Ở đây, vi trần rất nhiều: Là loại trừ kiến chấp về hợp nhất không phần.
+ Không phải là các vi trần: Là loại trừ kiến chấp về hợp nhất có phần.
+ Đó gọi là các vi trần: Tức không phải là vật có phần, để gọi đó là chúng, là nhiều.
Lại để loại trừ kiến chấp về sự tích tụ, kinh viết: Như Lai nói Tam thiên đại thiên thế giới tức phi thế giới v.v… Do đâu lại nói là phi thế giới? Kinh viết: Nếu thế giới là thật có. Tức là kiến chấp về hợp nhất.
Do đâu không muốn có kiến chấp về một hợp nhất? Kinh viết: Tức là phi kiến. Thế nào là phi kiến? Tức ở trong không phải là có, mà vọng kiến. Như kinh nói: Một hợp nhất, tức là không thể nêu bày, song do hàng phàm phu ngã kiến nên chấp giữ sự ấy. Nghĩa nầy là thế nào? Một hợp nhất: Là tướngcủa tục đế, không phải là có chân thật. Vì sao? Vì nơi đệ nhất nghĩa, bản tánh của tất cả các pháp là không sinh. Không sinh nên không thể thủ đắc. Không thể thủ đắc nên lìa mọi ngôn thuyết. Nhưng hàng phàm phu chấp ngã, trong ấy đã chấp giữ sai lạc. Nếu không muốn ngã kiến cùng với giáo pháp trái nhau, như có tụng nói:
Ngã dùng tự nương dựa
Há dùng tha để nương?
Kẻ trí điều phục ngã
Sinh thiên, thọ an lạc.
Vì loại bỏ nghi ấy, kinh viết: Nầy Tu-bồ-đề! Nếu có người nói: Như Lai đã nói về các kiến như ngã, chúng sinh, mạng, thủ giả, nói như vậy là chánh ngữ chăng? v.v…
Đức Phật do đâu đã nói về ngã kiến? Là để dẫn dụ, thâu giữ chúng sinh khiến tin, vui, nên ở đây, đối với năm uẩn, theo tục đế gọi là nói, không phải cho là chân thật. Do đó, đối tượng thấy ngã của chư Phật, tánh là xa lìa. Như kinh nói: Tức phi ngã kiến v.v… Đức Thế Tôn do đã lìa các kiến chấp về hợp nhất như ngã v.v… đối với sinh tử, Niết-bàn nên chứng đắc Bồ-đề. Lại thương xót muôn loài, muốn khiến họ cùng chứng đắc, do vậy, kinh viết: Nầy Tu-bồ-đề! Bồ-tát phát tâm hướng tới Bồ-tát thừa, đối với tất cả pháp nên nhận biết như thế, thấy rõ như thế, tin hiểu như thế.
+ Không sinh thấy biết của tưởng pháp: Là nói về lúc chứng đắc.
+ Tin hiểu: Là nói về lúc tu học.
Người tin, hiểu, thì tưởng pháp hãy còn không sinh, huống hồ là tưởng phi pháp.
+ Ở đây nói tưởng pháp, tưởng phi pháp: Là tưởng pháp, phân biệt như pháp, phân biệt không như pháp. Như pháp do đâu không sinh? Kinh viết: Tưởng pháp, Như Lai nói là phi tưởng pháp. Đây lại là thế nào? Hết thảy pháp, tánh vô sinh. Nếu là vô sinh tức không có, thế thì ở đâu để thấy biết? Là do tục đế. Như kinh viết: Đó gọi là tưởng pháp.
Do đâu lại nói về phước của việc thọ trì kinh? Là nhằm khiến chúng sinh tin tưởng trọn vẹn. Kinh viết: Như không diễn nói, đó gọi là diễn nói. Đây là nói về điều gì? Tức nơi đệ nhất nghĩa không có thế gian, xuất thế gian, không có một chút hoặc pháp hoặc vật để có thể nêu bày.
+ Có thể nơi nghĩa như thật, thuyết giảng như thế, mới gọi là thuyết giảng. Đây là Niết-bàn vô trụ, quán xét hữu vi, sau đấy mới chứng đắc. Quán xét như thế nào? Kinh viết: Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói tụng:
Tất cả pháp hữu vi
Như sao, màng, đèn, huyễn
Sương, bọt, mộng, chớp, mây
Nên tạo quán như thế.
Nay trong tụng nầy, quán xét thể tướng của 9 thứ hữu vi. Những gì gọi là 9 thứ? Đó là quán xét về:
1. Tự tại.
2. Cảnh vật.
3. Chuyển động.
4. Thể tánh.
5. Thiếu thạnh.
6. Thọ mạng.
7. Sự tạo tác.
8. Tâm ý.
9. Có – không.
+ Quán xét về tự tại như tinh tú (Tinh): Ví như tinh tú hiện rõ hình tượng nơi hư không, theo phương vận hành, ánh sáng tỏa chiếu rực rỡ, giả khiến trụ lâu, trọn tùy kiếp hết. Như vậy, nơi hàng trời, người, thọ nhận các phước báo, của cải nhiều, ngôi vị lớn, được bao nhiêu người chiêm ngưỡng. Tuy tự tại lâu, hợp cũng quy về không.
+ Quán xét cảnh vật như màng nơi mắt nhặm (Ế): Ví như mắt bị nhặm có màng che, ở trong hư không thanh tịnh thấy có những vòng tròn li ti như hoa bay nơi hai mặt trăng. Vô minh che phủ thức cũng lại như thế. Nơi lý chân thật không có xứ của vật mà thấy vô số các pháp trong ngoài, thế gian, xuất thế gian.
+ Quán xét về chuyển động như ngọn đèn (Đăng): Ví như ngọn đèn cháy sáng, tức nơi xứ sinh, diệt, không đến xứ khác, nhưng nhân nơi ngọn lửa ấy mà ngọn lửa nơi các xứ khác sinh, niệm niệm nối tiếp như có dời động. Chúng sinh cũng vậy. Các uẩn của nẻo trước, tức ở nơi nẻo trước diệt, không đi đến nẻo khác. Nhưng nhân nơi uẩn trước mà uẩn của nẻo sau sinh, do sự nối tiếp nên giống như dời động, nói là các phàm phu đi đến nẻo khác.
+ Quán xét về thể tánh như huyễn (Huyễn): Như nhân nơi sức huyễn, biến làm người nữ, dung mạo ưa nhìn, thể tánh không có, kẻ không biết rõ, chấp giữ cho là chân thật. Tất cả pháp cũng lại như thế. Từ duyên vọng sinh, khởi đều là thể không thật. Ngườichưa rõ thật, sinh kiến chấp cho là có thể.
+ Quán xét về thiếu thạnh như sương (Lộ): Ví như sương buổi sớm, thấy mặt trời tức tan. Dung mạo, hình sắc của tuổi trẻ cường tráng cũng lại như thế. Một gặp vô thường, đã vội theo hướng suy tàn.
+ Quán xét thọ mạng như bọt nước (Bào): Ví như bọt nước, hoặc có khi mới sinh, chưa thành thể tướng. Hoặc vừa sinh xong, trụ trong chốc lát, liền quy về tan hoại. Thọ mạng cũng lại như vậy. Khởi đầu, thác sinh nơi bào thai, sinh ra, từ là đứa bé, rồi thiếu niên, trung niên, cho đến lão suy, quy về hoại diệt.
+ Quán xét về sự tạo tác như mộng (Mộng): Ví như trong mộng theo chỗ thấy nghe trước, nhớ nghĩ phân biệt, huân tập khiến trụ. Tuy không người tạo tác nhưng vô số cảnh giới hiện tiền phân minh. Như vậy, chúng sinh từ vô thỉ đến nay, có các phiền não nơi nghiệp thiện, bất thiện huân tập mà trụ. Tuy không có ngã là chủ thể tạo tác, nhưng hiện bày vô biên sự việc sinh tử.
+ Quán xét về tâm ý như ánh chớp (Điện): Ví như ánh chớp lúc sáng lên tức diệt. Tâm cũng như thế, sát-na tất lùi, dứt.
+ Quán xét về có, không như áng mây (Vân): Như mây nơi không trung, trước không sau có, khoảnh khắc lại tan. Các pháp hữu vi cũng lại như thế. Thể tánh vốn không, từ vọng duyên có. Có duyên đã tan, trở lại là không.
Lại nữa, trước dựa nơi tục đế, dùng chín dụ như sao v.v…, an lập pháp hữu vi. Sau dựa nơi đệ nhất nghĩa của Trung Luận: Tất cả pháp: không diệt, không sinh, không đoạn, không thường, không nhất, không dị, không đến, không đi. Cùng trong Bát-nhã Ba-la-mật: Tất cả pháp, tánh không tích tập, dừng trụ. Giải thích tụng nầy, về nghĩa như thế nào?
Ví như ánh sáng của ngôi sao, tự thể luôn diệt. Hữu vi cũng thế. Tánh thường dời, tàn.
Như kẻ mắt bị nhặm, tuy không có người tạo tác, nhưng duyên bệnh nên sinh. Hữu vi cũng vậy, chỉ theo duyên khởi.
Ví như đèn cháy sáng, niệm niệm luôn dứt, hữu vi như thế, sát-na chẳng dừng.
Như huyễn tạo ra, kẻ không biết rõ, chấp giữ cho là thật, thường. Kẻ ngu mê thật, chấp giữ pháp hữu vi cũng lại như vậy.
Ví như đám sương móc đọng nơi các vật, tuy thấm ướt khắp, nhưng thể chỉ là một. Đó là nội uẩn hữu vi thấm nhuần, nối tiếp sinh khởi, có bản tánh riêng cũng đồng cùng với tham ái.
Như nhân nơi những giọt nước mưa tích tụ thành đám bọt nước, đều riêng nhau mà thành, đều riêng nhau mà diệt. Các hành của chúng sinh cũng lại như vậy. Tám vạn bốn ngàn thứ riêng sinh riêng diệt.
Như cảnh trong mộng, đến không từ đâu, nhưng tâm mộng kia vọng thấy xứ đến. Hữu vi cũng thế, tới không thể thủ đắc, vô minh là mộng, thức vọng thấy là đến, đi.
Ví như ánh chớp lóe lên, tánh không dời động, xứ trước diệt trước, xứ sau sinh sau, do tướng tương tợ, gọi đó là đi.
Các pháp hữu vi đến, đi cũng lại như thế.
Ví như mây nơi hư không, chẳng phải là luôn tích tập, dừng trụ. Tướng của hữu vi giống với đấy, nên biết.
Như vậy gọi là dựa nơi tục đế an lập pháp hữu vi.
Như trong Trung Luận thành lập nghĩa chẳng sinh v.v… chân thật, đối với pháp hữu vi nên nhận biết như thế. Đây lại là thế nào? Trong Luận kia, do tự, tha cùng không nhân, quán xét các pháp vốn nghĩa không sinh. Như vậy, tợ như màng che, pháp hữu vi sinh, nên biết là không sinh. Do không sinh nên ánh sáng của sao có diệt là trái với đạo lý. Hữu vi cũng thế, nên biết là không diệt.
Lại nữa, không sinh, nên ngọn đèn ấy, tự thể hãy còn không thể thủ đắc, sao có sát-na để nói là đoạn? Hữu vi chẳng đoạn, giống với đấy nên biết.
Lại nữa, không sinh nên tợ huyễn tạo ra. Pháp của hữu vi không có nghĩa thường, nên biết là chẳng thường.
Lại nữa, không sinh nên giống như sương buổi sớm. Các pháp hữu vi nghĩa một chẳng thành. Ái có thể làm nhuần thấm sự sinh không hợp với lý, nên biết là chẳng một.
Lại nữa, chẳng sinh nên tợ như bọt nước. Pháp hữu vi sai biệt nơi tánh khác chẳng thành, nên biết là chẳng khác.
Lại nữa, không sinh nên tợ cảnh trong mộng. Phápcủa hữu vi vốn không nghĩa đến, nên biết là chẳng đến.
Lại nữa, không sinh nên tợ như ánh chớp. Pháp của sinh diệt, do tương tợ nên nói là đi. Lý không tương ưng, nên biết là chẳng đi.
Lại nữa, không sinh nên pháp ấy như mây, thể hãy còn không có, há có tích tụ, dừng trụ? Như vậy, nên nhận biết. Tụng viết:
Tôi nay: Công Đức Thí
Vì phá các mê chấp
Mở bày môn Trung quán
Lược nêu nghĩa kinh nầy.
Nguyện các loài chúng sinh
Thấy nghe hoặc thọ trì
Chiếu chân không hoại trụ
Tâm thấu tỏ, vô ngại. HẾT - QUYỂN 2
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.103.29 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.