"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Trí Độ Luận [大智度論] »» Bản Việt dịch quyển số 53 »»

Đại Trí Độ Luận [大智度論] »» Bản Việt dịch quyển số 53

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.66 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.78 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Luận Đại Trí Độ

Kinh này có 100 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49 | 50 | 51 | 52 | 53 | 54 | 55 | 56 | 57 | 58 | 59 | 60 | 61 | 62 | 63 | 64 |
Việt dịch: Thích Thiện Siêu

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

GIẢI THÍCH: PHẨM VÔ SANH TAM QUÁN THỨ 26
(Kinh Ma ha Bát nhã ghi: Phẩm Vô Sanh)
(Kinh Ðại Bát nhã ghi: Phần 2, Phẩm Viễn Ly thứ 24)
KINH: Bấy giờ Tuệ mạng Xá lợi phất nói với Tu bồ đề rằng: Bồ tát ma ha tát tu hành Bát nhã ba la mật quán các pháp. Thế nào là Bồ tát? Thế nào là Bát nhã ba la mật? Thế nào là quán?
Tu bồ đề nói với xá lợi phất: Ông hỏi thế nào là Bồ tát? Người phát đại tâm vì Vô thượng chánh đẳng Chánh giác, ấy gọi là Bồ tát. Cũng biết hết thảy pháp, hết thảy chủng tướng, cũng không đắm trước theo đó; biết sắc tướng không đắm trước, cho đến biết mười tám pháp không chung cũng không đắm trước.
Xá lợi phất hỏi Tu bồ đề: Thế nào là hết thảy pháp tướng?
Tu bồ đề đáp: Nếu có danh tự nhân duyên hòa hợp biết các pháp là sắc, là hương, vị, xúc, pháp, là trong, ngoài, là pháp hữu vi, là pháp vô vi; lấy tướng danh tự, ngữ ngôn ấy biết các pháp ấy gọi là biết tướng các pháp.
Như Xá lợi phất hỏi: Thế nào là Bát nhã ba la mật? Xa lìa nên gọi là Bát nhã ba la mật. Xa lìa pháp gì? Xa lìa năm uẩn, mười tám giới, mười hai nhập; xa lìa Thí ba la mật cho đến Thiền ba la mật; xa lìa nội không cho đến vô pháp hữu pháp không. Vì vậy xa lìa nên gọi là Bát nhã ba la mật.
Lại nữa, xa lìa bốn niệm xứ, cho đến xa lìa mười tám pháp không chung; xa lìa Nhất thiết trí. Do nhân duyên ấy nên xa lìa gọi là Bát nhã ba la mật.
Như Xá lợi phất hỏi: Thế nào là quán? Xá lợi phất! Bồ tát ma ha tát khi tu hành Bát nhã ba la mật quán sắc chẳng phải thường chẳng phải vô thường, chẳng phải vui, chẳng phải khổ, chẳng phải ngã, chẳng phải vô ngã, chẳng phải không, chẳng phải chẳng không, chẳng phải tướng, chẳng phải vô tướng, chẳng phải tác, chẳng phải vô tác, chẳng phải tịch diệt, chẳng phải chẳng tịch diệt, chẳng phải lìa, chẳng phải chẳng lìa; thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy.
Thí ba la mật cho đến Bát nhã ba la mật, nội không cho đến vô pháp hữu pháp không, bốn niệm xứ cho đến mười tám pháp không chung, hết thảy môn Tam muội, hết thảy môn Ðà la ni cho đến Trí nhất thiết chủng, quán chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, chẳng phải vui, chẳng phải khổ, chẳng phải ngã, chẳng phải vô ngã, chẳng phải không, chẳng phải chẳng không, chẳng phải tướng, chẳng phải vô tướng, chẳng phải tác, chẳng phải vô tác, chẳng phải tịch diệt, chẳng phải chẳng tịch diệt, chẳng phải lìa, chẳng phải chẳng lìa. Xá lợi phất! Ấy gọi là Bồ tát ma ha tát tu hành Bát nhã ba la mật quán các pháp.
LUẬN: Hỏi: Nghĩa Bồ tát, nghĩa Bát nhã ba la mật, nghĩa các quán, trên kia đã hỏi, nay cớ sao còn hỏi?
Ðáp: Trước đã đáp ví dụ cây lớn, không thể chặt một lát đứt được, việc ấy khó, nên lại hỏi tiếp.
Lại nữa, Bát nhã ba la mật có vô lượng nghĩa, như trong phẩm Ðàm Vô Kiệt nói: Bát nhã ba la mật như nước biển lớn vô lượng, như núi Tu di đủ thứ nghiêm sức, thế nên hỏi. Lại, lời hỏi ấy tuy đồng mà đáp nghĩa có nhiều sai khác.
Lại nữa, chư Phật vì dứt tâm ái trước pháp (pháp aí) nên không lập kinh sách, cũng không trang sức ngôn ngữ, chỉ vì tế độ chúng sinh, tùy theo người đáng độ mà nói; như ao nước lớn tốt trong mát, vô lượng chúng sanh trước sau đi đến uống no rồi đi, người nghe pháp cũng như vậy. Phật trước tiên nói Bồ tát, Bát nhã và quán, người đến trước được giải ngộ rồi đi, người đến sau chưa nghe, thế nên lại hỏi tiếp.
Bồ đề có ba là A la hán Bồ đề, Bích chi Phật Bồ đề và Phật Bồ đề. Không học mà trí tuệ thanh tịnh không nhơ nên gọi là Bồ đề. Bồ tát tuy có trì tuệ lớn mà phiền não và tập khí chưa hết, nên không gọi là Bồ đề. Trong đây chỉ nói một thứ đó là Phật Bồ đề.
Tát đỏa, Trung Hoa dịch là Chúng sanh; chúng sanh ấy vì đạo Vô thượng mà phát tâm tu hành.
Lại nữa, Tát đỏa gọi là Ðại tâm; người ấy phát đại tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà chưa được, vì vậy nên gọi là Bồ đề Tát đỏa. Phật đã chứng được Bồ đề ấy, không gọi là Bồ đề Tát đỏa, vì đại tâm đã đầy đủ. Các nghĩa khác về Bồ tát như trước đã nói rộng.
Lại nữa, trong đây Phật tự nói nhân duyên: Người ấy vì Phật đạo nên tu hành; biết tướng hết thảy các pháp, cũng chẳng đắm trước. Tướng các pháp là cánh cửa để có thể biết các pháp là sắc, là tiếng v.v... Lược nói nghĩa Bồ tát là trước tiên biết mỗi mỗi tướng của các pháp, như đất tướng cứng, vậy sau mới biết tướng rốt ráo không; đối với hai thứ trí tuệ ấy cũng không đắm trước, chỉ muốn độ chúng sanh. Bồ tát được trí tuệ như vậy, xa lìa hết thảy pháp tướng riêng, như đối với sắc lìa sắc, lìa sắc tức là tự tánh không. Xa lìa là tên khác của không.
Bồ tát được Bát nhã ba la mật, tâm xa lìa hết thảy pháp, vì cớ sao? Vì thấy tội lỗi của hết thảy pháp.
A la mật, Trung Hoa dịch là xa lìa. Ba la mật, Trung Hoa dịch là đáo bỉ ngạn. Hai âm ấy gần nhau, nghĩa hợp nhau, cho nên lấy A la mật giải thích Ba la mật.
Xa lìa những pháp gì? Xa lìa năm uẩn, mười tám giới, mười hai nhập, cho đến Nhất thiết trí. Vì xa lìa các pháp ấy nên gọi là Bát nhã ba la mật. Như Thiền ba la mật hay điều phục tâm người thì Bát nhã ba la mật hay dạy người xa lìa các pháp.
Quán là không quán các pháp thường vô thường, như trước đã nói.
KINH: Xá lợi phất hỏi Tu bồ đề: Nhân duyên gì sắc chẳng sanh là chẳng phải sắc; thọ, tưởng, hành, thức chẳng sanh là chẳng phải thức, cho đến Trí nhất thiết chủng chẳng sanh là chẳng phải Trí nhất thiết chủng?
Tu bồ đề đáp: Sắc, sắc tướng không, trong sắc không không có sắc không có sanh. Vì nhân duyên ấy nên sắc chẳng sanh là chẳng phải sắc; thọ, tưởng, hành, thức, thức tướng không, trong thức không không có thức, không có sanh; vì nhân duyên ấy nên thọ, tưởng, hành, thức chẳng sanh là chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức.
Xá lợi phất! Thí ba la mật, Thí ba la mật tướng không, trong Thí ba la mật không, không có Thí ba la mật, không có sanh; Giới ba la mật, Nhẫn ba la mật, Tấn ba la mật, Thiền ba la mật, Bát nhã ba la mật, Bát nhã ba la mật tướng không, trong Bát nhã ba la mật không không có Bát nhã ba la mật, không có sanh. Do nhân duyên ấy nên, Xá lợi phất! Bát nhã ba la mật chẳng sanh là chẳng phải Bát nhã ba la mật; nội không cho đến vô pháp hữu pháp không, bốn niệm xứ cho đến mười tám pháp không chung, Trí nhất thiết cũng như vậy. Do nhân duyên ấy nên nội không chẳng
sanh là chẳng phải nội không, cho đến Trí nhất thiết chủng chẳng sanh là chẳng phải Trí nhất thiết chủng.
Xá lợi phất hỏi Tu bồ đề: Vì nhân duyên gì ông nói sắc chẳng hai là chẳng phải sắc; thọ, tưởng, hành, thức chẳng hai là chẳng phải thức, cho đến Trí nhất thiết chủng chẳng hai là chẳng phải Trí nhất thiết chủng?
Tu bồ đề đáp rằng: Sở hữu sắc, sở hữu chẳng hai; sở hữu thọ, tưởng, hành, thức, sở hữu chẳng hai. Tất cả pháp ấy đều chẳng hợp, chẳng tán, không sắc, không hình, không đối, một tướng đó là vô tướng. Mắt cho đến Trí nhất thiết chủng cũng như vậy. Do nhân duyên ấy nên, Xá lợi phất! Sắc chẳng hai là chẳng phải sắc; thọ, tưởng, hành, thức chẳng hai là chẳng phải thức, cho đến Trí nhất thiết chủng chẳng hai, là chẳng phải Trí nhất thiết chủng.
Xá lợi phất hỏi Tu bồ đề: Do nhân duyên gì nên nói sắc ấy vào pháp số không hai; thọ, tưởng, hành, thức vào pháp số không hai, cho đến Trí nhất thiết chủng vào pháp số không hai?
Tu bồ đề đáp: Sắc chẳng khác vô sanh, vô sanh chẳng khác sắc, sắc tức là vô sanh, vô sanh tức là sắc; thọ, tưởng, hành, thức chẳng khác vô sanh, vô sanh chẳng khác thức; thức tức là vô sanh, vô sanh tức là thức. Do nhân duyên ấy nên, Xá lợi phất! Sắc vào pháp số không hai; thọ, tưởng, hành, thức vào pháp số không hai, cho đến Trí nhất thiết chủng, cũng như vậy.
LUẬN. Hỏi: Cuối phẩm trên, nên hỏi nghĩa chẳng sanh, cớ sao trong đây mới hỏi?
Ðáp: Ba đại pháp dễ hiểu, vì lợi ích nhiều chúng sanh, nên trước hỏi: Vì nhân duyên gì sắc chẳng sanh là chẳng phải sắc, cho đến Trí nhất thiết chủng chẳng sanh là chẳng phải Trí nhất thiết chủng? Tu bồ đề đáp: Sắc là không, trong sắc không có tướng sắc. Hành giả dùng trí tuệ vô sanh ấy làm cho sắc vô sanh. Nếu hiểu được vô sanh ấy, tâm liền nghĩ rằng nay chính là được thật tướng của sắc, thế nên nói sắc vô sanh là chẳng phải sắc, sắc tánh thường tự vô sanh, chẳng phải nay dùng sức trí tuệ khiến nó vô sanh. Như có người phá sắc làm cho không, vẫn còn có ý tưởng về tướng bản sắc. Thí như phá nhà xí để làm nhà ở, nay tuy không còn nhà xí, mà vẫn có cảm tưởng bất tịnh; nếu biết được nhà xí vốn không, huyễn hóa làm ra, thời không có cảm tưởng nhà xí. Hành giả cũng như vậy, nếu biết được sắc từ xưa lại đây ban đầu tự đã vô sanh, thời không còn tưởng về sắc. Thế nên nói sắc vô sanh là chẳng phải sắc, cho đến Trí nhất thiết chủng cũng như vậy.
Hỏi: Ông trước tự nói vô sanh tức là không hai, sao nay còn hỏi nữa?
Ðáp: Nghĩa tuy một mà cửa đi vào quán có khác. Trên kia nói là phá trong nhân trước có quả, nếu không có quả là pháp sanh ấy có một có khác v.v... Sanh ấy hoặc ban đầu sanh, hoặc sau sanh; phá sanh như vậy v.v... gọi là vô sanh. Nay đây phá hai pháp mắt và sắc, có và không v.v... ấy gọi là không hai. Hành giả hoặc trước vào cửa quán vô sanh, sau vào cửa quán không hai; hoặc trước vào cửa quán không hai, sau vào cửa quán vô sanh. Nghĩa tuy một mà hành giả quán khác nhau. Phá sắc hai, cho nên nói là không hai; phá sắc sanh cho nên nói là vô sanh. Trên kia nói nhân duyên của vô sanh, đó là tự tướng không; đây nói nhân duyên của không hai, đó là chẳng hợp, chẳng tán, nhất tướng đó là vô tướng. Nghĩa tuy đồng một không, mà trên kia là tự tướng không, còn ở đây là tán không.
Sắc vào pháp số không hai là hành giả quán sắc tướng chẳng sanh chẳng diệt, khi ấy phân biệt sắc, nay biến làm vô sanh, thế nên nói sắc vô sanh tức là không hai, vì cớ sao? Vì sắc phá tán tức là vô sanh. Như ở trước khi phân biệt các pháp, lìa sắc không còn có sanh được, còn ở đây sắc phá tán tức là vô sanh, không được còn có vô sanh nào khác. Vì vậy nên sắc tức là vào số không hai. Ấy là hai vị A la hán Xá lợi phất và Tu bồ đề ở trước Phật luận nghị với nhau xong.
Tu bồ đề bạch Phật mà còn nói lại nghĩa ấy, là muốn được Phật chứng tri vậy.
KINH: Bấy giờ Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Nếu Bồ tát ma ha tát tu hành Bát nhã ba la mật, quán các pháp như vậy, khi ấy thấy sắc vô sanh, rốt ráo thanh tịnh; thấy thọ, tưởng, hành, thức vô sanh, rốt ráo thanh tịnh; thấy ngã vô sanh cho đến kẻ biết kẻ thấy vô sanh, rốt ráo thanh tịnh; thấy Thí ba la mật cho đến Bát nhã ba la mật vô sanh, rốt ráo thanh tịnh; thấy nội không vô sanh cho đến vô pháp hữu pháp không vô sanh, rốt ráo thanh tịnh; thấy bốn niệm xứ vô sanh cho đến mười tám pháp không chung vô sanh, rốt ráo thanh tịnh; thấy hết thảy Tam muội, hết thảy Ðà ra ni vô sanh, rốt ráo thanh tịnh; cho đến thấy Trí nhất thiết chủng vô sanh, rốt ráo thanh tịnh; thấy phàm phu, pháp phàm phu vô sanh, rốt ráo thanh tịnh; thấy Tu đà hoàn, pháp Tu đà hoàn, Tư đà hàm, pháp Tư đà hàm, A na hàm, pháp A na hàm, A la hán, pháp A la hán, Bích chi Phật, pháp Bích chi Phật, Bồ tát, pháp Bồ tát, Phật, pháp Phật vô sanh, rốt ráo thanh tịnh.
Xá lợi phất nói với Tu bồ đề: Như tôi nghe nghĩa của Tu bồ đề nói sắc là chẳng sanh; thọ, tưởng, hành, thức là chẳng sanh cho đến Phật, pháp Phật là chẳng sanh. Nếu như vậy thời nay không thể được Tu đà hoàn, quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, quả Tư đà hàm, A na hàm, quả A na hàm, A la hán, quả A la hán, Bích chi Phật, đạo Bích chi Phật, không thể được Trí nhất thiết chủng của Bồ tát ma ha tát, cũng không có sáu đường sai khác, cũng không được năm thứ Bồ đề của Bồ tát ma ha tát. Này Tu bồ đề! Nếu hết thảy pháp tướng chẳng sanh, thì vì cớ sao Tu đà hoàn vì muốn dứt ba kiết là thân kiến, giới thủ, nghi, nên tu đạo? Tư đà hoàn vì muốn làm mỏng dâm, nộ, si, nên tu đạo? A na hàm vì muốn dứt năm hạ phần kiết là tham, sân, thân kiến, giới thủ, nghi, nên tu đạo? A la hán vì muốn dứt năm thượng phần kiết là sắc ái, vô sắc ái, trạo cử, kiêu mạn, vô minh nên tu đạo? Bích chi phật vì muốn pháp Bích chi Phật nên tu đạo? Vì cớ sao Bồ tát ma ha tát làm việc khó làm, chịu các thứ khổ vì chúng sanh? Vì cớ sao Phật chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác? Vì cớ sao Phật Chuyển pháp luân?
Tu bồ đề nói lại Xá lợi phất: Tôi không muốn khiến pháp vô sanh có sở đắc, tôi cũng không muốn khiến trong pháp vô sanh được có Tu đà hoàn, quả Tu đà hoàn; cho đến không muốn khiến trong pháp vô sanh được có A la hán, quả A la hán; Bích chi Phật, đạo Bích chi Phật; tôi cũng không muốn khiến trong pháp vô sanh Bồ tát làm việc khó làm, chịu các thú khổ, vì chúng sanh, Bồ tát cũng không lấy tâm làm việc khó làm để hành đạo, vì sao? Này Xá lợi phất! Vì sanh tâm khó, tâm khổ là không thể làm lợi ích vô lượng vô số chúng sanh.
Này Xá lợi phất! Bồ tát thương xót chúng sanh, đối với chúng sanh tưởng như cha mẹ, anh em; tưởng như con dại và như thân mình. Như vậy mới có thể làm lợi ích vô lượng vô số chúng sanh, vì lấy vô sở đắc làm phương tiện, vì cớ sao? Vì Bồ tát ma ha tát nên sanh tâm như vậy: như ngã tìm khắp hết thảy xứ, hết thảy chủng đều không thể có được; nội ngoại pháp cũng như vậy. Nếu sanh tưởng như vậy, thời không có tâm khó, tâm khổ, vì sao? Vì Bồ tát đối nơi hết thảy xứ, hết thảy chủng, hết thảy pháp đều không thọ.
Xá lợi phất! Tôi cũng không muốn khiến trong pháp vô sanh có Phật chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; cũng không muốn khiến trong pháp vô sanh có Chuyển pháp luân, cũng không muốn khiến trong pháp vô sanh có đắc đạo.
LUẬN: Luận giả nói: Quán vô sanh có hai bậc: 1. Quán nhu thuận nhẫn. 2. Quán vô sanh nhẫn. Trước kia nói vô sanh là quán nhu thuận nhẫn, chưa rốt ráo thanh tịnh, dần dần tập quán nhu thuận mà được vô sanh nhẫn, thời rốt ráo thanh tịnh.
Hỏi: Bồ tát chưa dứt hết kiết sử, chưa được Phật đạo, trí tuệ chưa thuần tịnh, làm sao nói rốt ráo thanh tịnh?
Ðáp: Bồ tát khi được vô sanh nhẫn, diệt các phiền não, được Bồ tát đạo, vào Bồ tát vị, tuy còn tập khí phiền não, đến khi ngồi đạo tràng mới hết, không bị chướng ngại nên rốt ráo thanh tịnh.
Lại nữa, rốt ráo thanh tịnh là đối với nhu thuận đạo rốt ráo thanh tịnh, chứ không phải đối với Phật đạo. Vì chúng sanh không, pháp không, nên từ thấy được sắc vô sanh rốt ráo thanh tịnh, cho đến thấy được Phật và Phật đạo vô sanh rốt ráo thanh tịnh.
Tu bồ đề dùng các nhân duyên nói các pháp tướng, quyết định vô sanh. Nhân việc ấy mà Xá lợi phất nạn hỏi: Trong giới Hiền Thánh, rất nhỏ là Tu đà hoàn và pháp Tu đà hoàn, rất lớn là Phật và Phật pháp. Nếu vô sanh như vậy thời Thánh nhân không có lớn nhỏ, Thánh pháp không có ưu liệt; cũng không có sáu đường sai khác? Ðây là lược vấn nạn, tiếp sau hỏi về dứt ba kiết tu đạo là rộng vấn nạn.
Hỏi: Thế nào là năm thứ Bồ đề?
Ðáp: Một là nhu thuận, hai là vô sanh nhẫn, và ba thứ Bồ đề: Thanh văn, Ðộc giác, Phật. Ðối với ba Bồ đề này, vượt qua hai thứ đầu mà trụ ở Bồ đề thứ ba.
Lại có năm Bồ đề: 1. Gọi là phát tâm Bồ đề, là ở trong vô lượng sanh tử mà phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên gọi là Bồ đề. Ðây là trong nhân nói quả. 2. Gọi là phục tâm Bồ đề, là bẻ gãy các phiền não, hàng phục tâm mình, và tu hành các Ba la mật. 3. Gọi là minh tâm Bồ đề, là quán các pháp ba đời, gốc ngọn, tướng chung, tướng riêng, phân biệt trù lượng, rõ được thật tướng các pháp rốt ráo thanh tịnh; nghĩa là tướng Bát nhã ba la mật. 4. Gọi là xuất đáo Bồ đề, là nơi Bát nhã ba la mật, vì được lực phương tiện (tức lấy vô sở đắc làm lực phương tiện) nên cũng không chấp trước Bát nhã ba la mật, diệt hết thảy phiền não, thấy hết thảy chư Phật mười phương, được vô sanh pháp nhẫn, ra khỏi ba cõi, đến Trí nhất thiết chủng. 5. Gọi là Vô thượng Bồ đề, là ngồi đạo tràng, dứt tập khí phiền não, chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như vậy là chứng được năm thứ Bồ đề, còn nghĩa các hiền thánh dứt kiết sử, như trước đã nói.
Hỏi: Trong pháp Thanh văn nói rộng nghĩa dứt kiết, cớ sao không nói hạnh Bích chi Phật, Bồ tát có các hạnh?
Ðáp: Pháp Bích chi Phật không khác với Thanh văn, chỉ có phước đức lợi căn, hơi thâm nhập thật tướng các pháp là khác. Còn Bồ tát đạo tuy có các hạnh, nhưng chỉ khổ hạnh khó làm là việc hy hữu, chúng sanh trông thấy hoan hỷ, nói rằng Bồ tát vì chúng ta mà làm hạnh như vậy, còn các hạnh khác tuy thâm diệu, song người phàm không thể biết, hạnh ấy không gây cảm được, nên không nói.
Lại nữa, như ý nạn vấn của Xá lợi phất là nếu các pháp hoàn toàn vô sanh, không tịch, thì hết thảy chúng sanh đều đắm vui, cớ sao Bồ tát một mình chịu khổ hạnh?
Lại nữa, chư Phật thường vui xa lìa, tịch tịnh, dứt pháp ái, quyết định biết các pháp không chuyển không hoàn, cớ sao lại chuyển Pháp luân cho chúng sanh?
Tu bồ đề ở trước Phật nói pháp vô sanh, Phật không quở trách bác bẻ, được năng lực khoái thích, vui nói không khó, nên đáp lại Xá lợi phất rằng: Tôi cũng hoàn toàn không muốn khiến nơi pháp vô sanh có sáu hạng Thánh nhân, trừ Bồ tát nên nói sáu và sáu đạo khác nhau, vì cớ sao? Vì chứng được pháp vô sanh nên gọi là Thánh pháp và Thánh nhân, có sai khác, còn trong pháp vô sanh hoàn toàn không có gì.
Lại nữa, trong pháp vô sanh có hai điều lỗi: Lỗi thô là vì tội sát sanh, trộm cắp v.v... nên có ba đường ác; lỗi vi tế là vì đem tâm chấp trước làm bố thí, trì giới nên có ba đường lành. Hoặc Bồ tát sanh tâm cho là khó là khổ, thời không thể độ hết thảy chúng sanh. Như việc nhỏ của thế gian, tâm khó khăn cho là khổ, việc còn không thành huống gì thành Phật đạo. Nhân duyên thành Phật đạo là tâm đại từ đại bi, xem chúng sanh như cha mẹ, con cái, thân mình, vì cớ sao? Vì cha mẹ, con cái, thân mình tự nhiên sanh lòng yêu mến, chứ không phải suy tính mà sanh lòng yêu mến. Bồ tát khéo tu tâm đại bi, nên đối với hết thảy chúng sanh cho đến kẻ oán thù cũng đồng một tâm ái niệm. Quả báo của đại bi có được vật dụng lợi ích đều không tiếc, đem hết vật sở hữu trong ngoài thí cho chúng sanh. Ở đây nói lý do không tiếc là trên tất cả chỗ, tất cả chủng, tất cả pháp đều không thể có được. Nếu hành giả mới vào Phật pháp, trước dùng chúng sanh không, biết các pháp vô ngã, nay dùng pháp không, biết các pháp cũng không. Do hai nhân duyên là tâm đại bi và các pháp không, nên có thể không tiếc vật sở hữu trong ngoài, làm lợi ích chúng sanh, mà không khởi ý tưởng khó làm, ý tưởng khổ hạnh, một lòng tinh tấn hoan hỷ. Như người vì tự thân và vì cha mẹ, vợ con, siêng năng tu nghiệp, không cho là khổ; nếu vì người khác mà làm thời không có tâm hoan hỷ. Khổ hành, nạn hành, như trong phẩm sau Nhân duyên bổn sanh, biến hóa hiện chịu làm thân xúc sanh sẽ nói.
Hết thảy các pháp rốt ráo không, tướng bất khả tư nghì nên hết thảy pháp hoàn về mà không chuyển, nên không gọi là chuyển, chỉ vì phá điên đảo hư vọng nên gọi là Chuyển pháp luân.
Kinh: Xá lợi phất nói với Tu bồ đề: Nay tôi muốn khiến do sanh pháp đắc đạo hay do vô sanh pháp đắc đạo?
Tu bồ đề nói với Xá lợi phất: Tôi không muốn khiến do sanh pháp đắc đạo.
Xá lợi phất nói: Vậy nay Tu bồ đề muốn khiến do vô sanh pháp đắc đạo ư?
Tu bồ đề đáp: Tôi cũng không muốn khiến do vô sanh pháp đắc đạo.
Xá lợi phất nói: Như lời Tu bồ đề nói là không biết không được ư?
Tu bồ đề đáp: Có biết có được chẳng do hai pháp, mà do danh tự thế gian nên có biết có được. Do danh tự thế gian nên có Tu đà hoàn cho đến A la hán, Bích chi Phật, chư Phật; còn trong thật nghĩa đệ nhất không có biết, không có được, không có Tu đà hoàn cho đến không có chư Phật.
Tu bồ đề! Nếu do danh tự thế gian nên có biết có được, vậy sáu đường sai khác cũng do danh tự thế gian nêncó, chẳng phải do đệ nhất thật nghĩa ư?
Tu bồ đề đáp: Như vậy, như vậy! Xá lợi phất! Như danh tự thế gian nên có biết có được, sáu đường sai khác cũng do danh tự thế gian nên có, chẳng phải do đệ nhất thật nghĩa, vì cớ sao? Xá lợi phất! Vì trong đệ nhất thật nghĩa không nghiệp không báo; không sanh không diệt, không sạch không nhơ.
Xá lợi phất nói với Tu bồ đề: Pháp bất sanh hay pháp sanh sanh?
Tu bồ đề đáp: Tôi không muốn khiến pháp bất sanh sanh cũng không muốn khiến pháp sanh sanh.
Xá lợi phất nói: Thế nào là pháp bất sanh, không muốn khiến nó sanh?
Tu bồ đề đáp: Sắc là pháp bất sanh, tự sanh không, không muốn khiến nó sanh; thọ, tưởng. hành. thức là pháp bất sanh, tự tánh không, không muốn khiến nó sanh; cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là pháp bất sanh, tự tánh không, không muốn khiến nó sanh.
Xá lợi phất nói với Tu bồ đề: Sanh sanh hay bất sanh sanh?
Tu bồ đề đáp: Chẳng phải sanh sanh cũng chẳng phải bất sanh sanh, vì cớ sao? Này Xá lợi phất! Sanh và bất sanh là hai pháp, không hợp không tán, không sắc, không hình, không đối, một tướng đó là vô tướng. Này Xá lợi phất! Do nhân duyên ấy chẳng phải sanh sanh, cũng chẳng phải bất sanh sanh.
Bấy giờ Xá lợi phất nói với Tu bồ đề: Tu bồ đề ưa nói pháp vô sanh và tướng vô sanh.
Tu bồ đề nói với Xá lợi phất: Tôi ưa nói pháp vô sanh cũng ưa nói tướng vô sanh, vì sao? Vì các pháp vô sanh và tướng vô sanh, ưa nói và ngôn ngữ, hết thảy pháp ấy đều chẳng hợp chẳng tán, không sắc không hình, không đối, một tướng đó là vô tướng.
Xá lợi phất nói với Tu bồ đề: Ông ưa nói pháp vô sanh cũng ưa nói tướng vô sanh, ngữ ngôn ưa nói ấy cũng bất sanh?
Tu bồ đề? Này Xá lợi phất! Vì sắc chẳng sanh; thọ, tưởng, hành, thức chẳng sanh; mắt chẳng sanh cho đến ý chẳng sanh; địa chủng chẳng sanh cho đến thức chủng chẳng sanh; thân hành chẳng sanh, khẩu hành chẳng sanh, ý hành chẳng sanh; Thí ba la mật chẳng sanh cho đến Trí nhất thiết chủng chẳng sanh.
Này Xá lợi phất! Do nhân duyên ấy, tôi ưa nói pháp vô sanh cũng ưa nói tướng vô sanh và ngôn ngữ ưa nói ấy cũng bất sanh.
LUẬN: Luận giả nói: Bấy giờ, Xá lợi phất biết Tu bồ đề ưa nói không khó nhưng hỏi rằng: Nếu tướng hết thảy pháp bất sanh, vậy tướng ấy làm sao chứng được? Dùng pháp sanh chứng được hay dùng pháp bất sanh chứng được? Nếu dùng pháp sanh chứng được, thời pháp sanh là hư dối, ông đã dùng các lý do để phá. Lại không thể lấy pháp sanh thoát được pháp sanh? Nếu dùng vô sanh mà chứng được, thời vô sanh chưa có tướng pháp, không thể dùng để chứng, làm sao chứng được? Tu bồ đề không thọ nhận cả hai pháp vì đều có lỗi, như trước nói.
Xá lợi phất suy nghĩ rằng: Trong Kinh Phật dạy hai pháp thu nhiếp hết thảy pháp, hoặc hữu vi hoặc vô vi; sanh là hữu vi, vô sanh là vô vi. Nay Tu bồ đề xa lìa hai pháp ấy, làm sao nói đến việc đắc đạo? Suy nghĩ như vậy rồi hỏi Tu bồ đề: Không có việc đắc đạo ư? Tu bồ đề là đại A la hán, thực hành tam muội Vô tránh bậc nhất, chỉ vì Bồ tát nên thuyết pháp vô sanh ấy, sao ông khởi tà kiến nói không người đắc đạo? Thế nên nói có biết có được, biết và được tức là tên khác của chữ được đạo quả. Tu bồ dề sợ trái với lời nói ở trước nên nói không do hai pháp, mà chỉ vì thế tục nên nói có Tu đà hoàn cho đến Phật, vì sao? Vì hết thảy các pháp thật không có tướng ngã, nay dùng ngã mà phân biệt từ Tu đà hoàn cho đến Phật, ấy là theo pháp thế tục.
Lại nữa, vì chưa được pháp không, nên nói ấy là thiện, ấy là bất thiện, ấy là hữu vi, ấy là vô vi v.v... Còn trong đệ nhất nghĩa không có chúng sanh nên không có Tu đà hoàn cho đến Phật; vì pháp không, nên không có quả Tu đà hoàn cho đến Phật đạo. Thánh nhân, Thánh pháp còn hư dối không có định thật, huống gì nghiệp và quả báo người phàm sáu nẻo.
Hỏi: Tu bồ đề đã dùng mỗi mỗi nhân duyên quyết định nói về pháp bất sanh sao nay Xá lợi phất còn hỏi pháp bất sanh hay pháp sanh sanh?
Ðáp: Tu bồ đề trên kia nói nhân duyên đắc đạo, nên Xá lợi phất nhận được ý Tu bồ đề tuy nói pháp vô sanh phá hết thảy pháp, là vì nhân duyên nên nói mà tâm không chấp trước pháp vô danh, thế nên lại hỏi.
Lại vì pháp ấy thậm thâm, muốn khiến người nghe hiểu được rõ ràng, nên lại hỏi.
Ở trên hỏi pháp tu hành đắc đạo, nay hỏi hết thảy pháp làm sao sanh. Dùng tuệ nhãn biết hết thảy pháp đều chẳng sanh, nhưng hiện thấy các pháp sanh, nên lại hỏi làm sao sanh.
Tu bồ đề đáp: Cả hai việc đều chẳng phải. Nếu sanh sanh, pháp sanh đã sanh, không cần phải sanh nữa, nếu chẳng sanh sanh, pháp sanh chưa có nên không cần sanh. Nếu bảo khi sanh, một nửa sanh, một nửa không sanh, ấy cũng chẳng sanh. Nếu là nửa phần sanh thời đã sanh rồi, nếu là nửa phần chưa sanh thời không sanh. Ấy là Tu bồ đề không dùng mắt thịt thấy, vì không thông đạt nên cả hai pháp đều không chấp thủ, chỉ nói sanh ấy như huyễn như mộng, từ hư dối pháp sanh, nên lìa, nên không thủ tướng.
Xá lợi phất hỏi: Những pháp gì cả hai đều không chấp thủ? Tu bồ đề dùng theo thế đế nên nói sắc cho đến Trí nhất thiết chủng rốt ráo chẳng sanh, tướng “Không” tự nhiên, không muốn khiến trong thật tướng có sanh, nếu về thế đế hư dối có thể có sanh, sanh như huyễn hóa.
Trong đây nói nhân duyên của chẳng sanh là chẳng hợp, chẳng tán.
Có người nói: Sanh với pháp giống nhau, sanh là thường, còn pháp được sanh là vô thường, thế nên lại hỏi. Người đáp lại cho sanh và pháp chẳng khác, nếu nói pháp sanh là đã nói tướng sanh, sanh chẳng sanh, như trên nói.
Xá lợi phất nghe Tu bồ đề nói, biết tâm Tu bồ đề ưa vui pháp vô sanh, nên nói với Tu bồ đề rằng: Ông thật ưa vui nói pháp vô sanh. Tu bồ đề liền nhận câu hỏi ấy, tâm cũng không thẹn, vì sao? Vì luận nghị ấy không thể phá, không có tội lỗi. Sao biết? Tu bồ đề tự nói không có pháp có thể hợp, không có pháp có thể tán, không sắc, không hình, không đối, một tướng đó là vô tướng, tướng không còn không chấp thủ, huống gì các tướng.
Xá lợi phất lại khen ngợi: Ông ưa nói pháp vô sanh và ngôn ngữ đều vô sanh, ấy thật thanh tịnh. Nếu chính đương vui nói và ngữ ngôn chẳng phải vô sanh, chỉ nói ngoại vật vô sanh, thời chẳng phải thanh tịnh.
Tu bồ đề liền lại thọ nhận lời khen ngợi ấy, đáp lại Xá lợi phất rằng: Chẳng phải chỉ vui nói và ngữ ngôn là vô sanh, mà sắc cho đến Trí nhất thiết chủng, cũng đều là vô sanh.
KINH: Bấy giờ, Xá lợi phất nói với Tu bồ đề rằng: Tu bồ đề xứng đáng ở trên hết những người thuyết pháp, vì sao? Vì Tu bồ đề tùy chỗ hỏi đều đáp được cả.
Tu bồ đề đáp: Vì các pháp không có chỗ nương.
Xá lợi phất hỏi Tu bồ đề: Làm sao các pháp không có chỗ nương?
Tu bồ đề đáp: Sắc tánh thường không, không nương trong, không nương ngoài, không nương giữa; thọ, tưởng, hành, thức thường không, không nương trong, không nương ngoài, không nương giữa. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tánh thường không, không nương trong, không nương ngoài, không nương giữa; sắc tánh thường không, cho đến pháp tánh thường không, không nương trong, không nương ngoài, không nương giữa. Thí Ba la mật tánh thường không, cho đến Bát nhã ba la mật tánh thường không, không nương trong, không nương ngoài, không nương giữa. Nội không tánh thường không, cho đến vô pháp hữu pháp không tánh thường không, không nương trong, không nương ngoài, không nương giữa.
Xá lợi phất! Bốn niệm xứ tánh thường không, cho đến Trí nhất thiết chủng tánh thường không, không nương trong, không nương ngoài, không nương giữa.
Do nhân duyên ấy, Xá lợi phất! Hết thảy các pháp không chỗ nương, vì tánh thường không. Như vậy, Xá lợi phất! Bồ tát ma ha tát khi tu hành Bát nhã ba la mật, nên thanh tịnh sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cho đến nên thanh tịnh Trí nhất thiết chủng.
Xá lợi phất hỏi Tu bồ đề: Bồ tát ma ha tát làm sao khi tu sáu Ba la mật thanh tịnh Bồ tát đạo?
Tu bồ đề đáp: Có Thí ba la mật thế gian, có Thí ba la mật xuất thế gian; Giới ba la mật, Nhẫn ba la mật, Tấn ba la mật, Thiền ba la mật, Bát nhã ba la mật có thế gian, có xuất thế gian.
Xá lợi phất hỏi Tu bồ đề: Thế nào là Thí ba la mật thế gian, thế nào là Thí ba la mật xuất thế gian?
Tu bồ đề đáp: Nếu Bồ tát ma ha tát làm thí chủ hay cúng thí cho Sa môn, Bà la môn, người nghèo cùng, kẻ ăn xin, cần ăn cho ăn, cần uống cho uống, cần áo cho áo, đồ nằm, giường nệm, phòng nhà, hương hoa, anh lạc, thuốc thang, các thứ cần dùng để nuôi sống; hoặc vợ con, quốc thổ, đầu mắt, tay chân, chi tiết, vật trong ngoài đều lấy cấp thí, khi thí nghĩ rằng: Ta cho kia nhận, ta không xan tham, ta là thí chủ, ta có thể bỏ hết thảy vật, ta theo lời Phật dạy bố thí, ta tu Thí ba la mật. Làm việc bố thí như vậy rồi, dùng pháp có được cho hết thảy chúng sanh chung hưởng, hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nghĩ rằng: Nhân sự bố thí này mà khiến cho chúng sanh được cái vui đời này, sau sẽ khiến được vào Niết bàn.
Người ấy bố thí như vậy có ba điều chướng ngại: Là tướng ta, tướng người khác, tướng bố thí. Chấp trước ba tướng ấy mà bố thí, ấy gọi là Thí ba la mật thế gian. Vì nhân duyên gì nên gọi là thế gian? Vì không động, không xuất đối với thế gian nên gọi là Thí ba la mật thế gian.
Thế nào gọi là Thí ba la mật xuất thế gian? Ðó là ba phần được thanh tịnh. Thế nào là ba? Là Bồ tát ma ha tát khi bố thí, ta không thể có được, không thấy người thọ nhận và vật bố thí không thể có được, cũng không trông quả báo. Ấy gọi là Bồ tát Thí ba la mật ba phần thanh tịnh.
Lại nữa, Xá lợi phất! Bồ tát ma ha tát khi bố thí cho tất cả chúng sanh, tướng chúng sanh cũng không thể có được, lấy sự bố thí ấy hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cho đến không thấy tướng pháp vi tế. Xá lợi phất! Ấy gọi là Thí ba la mật xuất thế gian. Vì sao gọi là xuất thế gian? hay động hay xuất đối với thế gian nên gọi là Thí ba la mật xuất thế gian.
Giới ba la mật có chỗ nương là Giới ba la mật thế gian, không chỗ nương là Giới ba la mật xuất thế gian. Các nghĩa khác cũng nói như Thí ba la mật.
Nhẫn ba la mật, Tấn ba la mật, Thiền ba la mật, Bát nhã ba la mật có chỗ nương gọi là thế gian, không có chỗ nương gọi là xuất thế gian. Các nghĩa khác cũng nói như Thí ba la mật.
Như vậy, Xá lợi phất! Bồ tát ma ha tát khi tu hành sáu Ba la mật, tịnh Bồ tát đạo.
Xá lợi phất hỏi Tu bồ đề: Làm sao Bồ tát ma ha tát vì đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?
Tu bồ đề đáp: Tu bốn niệm xứ là Bồ tát ma ha tát vì đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho đến tu tám Thánh đạo phần, cửa không giải thoát, cửa vô tướng giải thoát, cửa vô tác giải thoát; nội không cho đến vô pháp hữu pháp không, hết thảy môn Tam muội, hết thảy môn Ðà la ni, Phật mười lực, bốn điều không sợ, bốn trí vô ngại, mười tám pháp không chung, đại từ đại bi.
Xá lợi phất! Ấy gọi là Bồ tát ma ha tát vì đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
LUẬN. Hỏi: Năm trăm A la hán Phật đều thọ ký cho là đệ nhất, như Xá lợi phất trí tuệ đệ nhất, Mục kiền liên thần túc đệ nhất, Ma ha Ca diếp tu hạnh đầu đà đệ nhất, Tu bồ đề được Vô tránh Tam muội đệ nhất, Ma ha Ca chiên diên phân biệt Tu đa la đệ nhất, Phú lâu na đệ nhất trong hàng thuyết pháp, nay cớ sao Xá lợi phất lại khen ngợi Tu bồ đề xứng đángđệnhấttronghàng thuyếtpháp?
Ðáp: Phật dùng Phật nhãn quán hết thảy chúng sanh lợi căn, độn căn, trù lượng hết thảy pháp tổng tướng, biệt tướng, tùy chỗ đắc pháp của họ mà mỗi mỗi đều thọ ký đệ nhất, không lầm. Phú lâu na ở giữa bốn chúng dùng mười hai bộ Kinh, theo mỗi mỗi pháp môn, mỗi mỗi nhân duyên, thí dụ mà nói, có thể làm lợi ích chúng sanh đệ nhất. Tu bồ đề
thường tu Vô tránh Tam muội, cùng với Bồ tát đồng việc, không khéo vui nói một pháp môn không tướng, hơn Phú lâu na; thí như người thợ có nhiều sở năng, sở năng nhiều nên
tinh xảo cùng khắp, còn như có người có khả năng chuyên một việc, thời ắt cùng tột cái đẹp của nó. Phú lâu na tuy đa năng song không bằng Tu bồ đề thường ưa hành không tướng, nên hay khéo nói không. Thế nên Xá lợi phất nghe Tu bồ đề khéo nói nghĩa không, liền khen ngợi rằng: Ông đáng là đệ nhất trong hạng người thuyết pháp. Xá lợi phất thấy Tu bồ đề tùy chỗ hỏi đều đáp được, như gió đi giữa không, không gì ngăn ngại.
Khi ấy Tu bồ đề không nhún nhường, không thọ nhận, vì an lập bằng phẳng, chắc chắn là tướng người tốt. Tướng người tốt là tự khen, không tự chê, cũng không khen không chê người khác. Nếu tự khen mình, thì chẳng phải là tướng đại nhân, không được người khen mới tự khen; nếu tự chê, ấy là người nịnh hót; nếu chê người khác, ấy là người dèm pha phá hại; nếu khen người khác, ấy là người dua nịnh. Tu bồ đề nói pháp vô sanh nên Xá lợi phất tuy khen mà không phải nịnh hót. Tu bồ đề cho Xá lợi phất khen thật nên không nhún nhường. Lại vì dứt pháp ái nên tâm không cao, cũng không ái trước, chỉ đáp về nhân duyên của sự không ngại không chướng, tức là hết thảy pháp không có chỗ nương tựa, không có chỗ nương tựa nên không ngại không chướng. Nghĩa không có chỗ nương tựa như trước đã nói.
Trong đây Tu bồ đề tự nói vì nội pháp không nên sắc không nương tựa trong; vì ngoại pháp không nên sắc không nương tựa ngoài; vì trung gian không có nên săc không nương tựa trung gian. Như sắc, cho đến Trí nhất thiết chủng cũng như vậy. Bồ tát biết tất cả ba cõi vô thường, không nên không nương tựa trong đó; khi ấy phiền não dứt, tịnh được Bồ tát đạo. Thế nên Tu bồ đề nói, Bồ tát tu hành sáu Ba la mật, nên tịnh sắc cho đến tịnh Trí nhất thiết chủng.
Hỏi: Tịnh sắc cho đến tịnh Trí nhất thiết chủng tức là tịnh Bồ tát đạo, cớ gì còn hỏi?
Ðáp: Bồ tát hay làm cho rốt ráo không, ấy gọi là thanh tịnh. Việc ấy thâm diệu, không thể tức khắc liền được, thế nên Xá lợi phất hỏi: Hàng Bồ tát tân học làm sao tu đạo phương tiện ban đầu đó?
Tu bồ đề đáp: Nếu Bồ tát tu được hai thứ Ba la mật, thời sáu Ba la mật là bắt đầu mở Bồ tát đạo, dùng vô sở đắc không mà tu ba mươi bảy phẩm là mở Phật đạo. Tịnh gọi là mở, như trừ khử chông gai trên đường đi, gọi là mở đường.
Những gì là hai thứ Ba la mật? 1. Thế gian, 2. Xuất thế gian. Thế gian là Tu bồ đề tự nói nghĩa rằng: Cần ăn cho ăn v.v... như đã nói ở đầu phẩm. Nếu lúc bố thí mà có chỗ nương tựa, thời như người già bệnh nương tựa sức người khác mới có thề đi đứng được. Người bồ thí xa lìa trí tuệ thật, tâm lực mỏng ít cho nên nương tựa.
Nương tựa là thân ta, tài vật, người nhận, tâm chấp trước thủ tướng pháp ấy, sanh các phiền não kiêu mạn v.v... ấy gọi là thế gian, không động không xuất.
Ðộng là nhu thuận nhẫn.
Xuất là vô sanh nhẫn.
Trong pháp Thanh văn, động là bậc hữu học, xuất là bậc vô học. Các nghĩa của năm Ba la mật kia cũng như vậy. Ấy gọi là bắt đầu mở Bồ tát đạo.
Hỏi: Bồ tát đạo đức là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cớ sao còn hỏi?
Ðáp: Lúc làm Bồ tát phải có đạo. Phật đã đến chỗ không cần đạo, đạo ấy vì được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên gọi là Bồ đề đạo. Bồ tát tu hành đạo ấy nên gọi là Bồ tát đạo. Trong đây Phật dạy dạo xa là Bồ tát đạo, sáu Ba la mật; dạo gần là Bồ đề đạo, ba mươi bẩy phẩm. Trong sáu Ba la mật, bố thí, trì giới là tạp nên xa; ba mươi bảy phẩm chỉ có Thiền định, trí tuệ nên gần. Sáu Ba la mật có thế gian, xuất thế gian xen lẫn nên xa; ba mươi bảy phẩm, ba giải thoát môn v.v... cho đến đại từ đại bi, rốt ráo thanh tịnh nên gần.
Lại nữa, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đạo là từ địa vị mới phát tâm cho đến địa vị Kim cang Tam muội, trung gian đó vì tu hạnh Bồ đề, Bồ tát đều gọi là Bồ đề đạo.
KINH: Bấy giờ, Xá lợi phất tán thán Tu bồ đề rằng: Lành thay, Lành thay! Thế nào là lực Ba la mật?
Tu bồ đề đáp: Là lực Bát nhã ba la mật, vì cớ sao? Vì Bát nhã ba la mật hay xuất sanh hết thảy pháp lành, hoặc pháp Thanh văn, pháp Bích chi Phật, pháp Bồ tát, pháp Phật.
Xá lợi phất! Bát nhã ba la mật hay nhiếp thọ hết thảy pháp lành; hoặc pháp Thanh văn, pháp Bích chi Phật, pháp Bồ tát, pháp Phật.
Xá lợi phất! Chư Phật quá khứ thực hành Bát nhã ba la mật mà chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chư Phật vị lai cũng thực hành Bát nhã ba la mật mà sẽ chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Xá lợi phất! Chư Phật trong mười phương thế giới hiện tại cũng thực hành Bát nhã ba la mật mà chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Xá lợi phất! Nếu Bồ tát ma ha tát khi nghe nói Bát nhã ba la mật, không nghi không vấn nạn, nên biết Bồ tát ma ha tát ấy thực hành đạo Bồ tát.
Bồ tát đạo là cứu độ hết thảy chúng sanh nên tâm không xa bỏ hết thảy chúng sanh, vì không có sở đắc. Bồ tát thường nên không xa lìa niệm ấy, tức là niệm đại bi.
Xá lợi phất lại hỏi: Muốn khiến Bồ tát ma ha tát thường không xa lìa niệm ầy, tức là niệm đại bi. Nếu Bồ tát ma ha tát không xa lìa niệm đại bi, khiến hết thảy chúng sanh đều sẽ làm Bồ tát, vì sao? Tu bồ đề! Vì hết thảy chúng sanh cũng không xa lìa các niệm?
Tu bồ đề đáp: Lành thay, lành thay! Xá lợi phất! Ông muốn vấn nạn tôi mà trở thành nghĩa của tôi, vì sao? Vì chúng sanh không có nên niệm cũng không có, chúng sanh tánh không có nên niệm cũng là tánh không có; chúng sanh pháp không có nên niệm cũng là pháp không có; chúng sanh lìa nên niệm cũng lìa; chúng sanh không nên niệm cũng không; chúng sanh không thể biết nên niệm cũng không thể biết.

Xá lợi phất! Sắc không có nên niệm cũng không có; sắc tánh không có nên niệm cũng là tánh không có; sắc pháp không có nên niệm cũng là pháp không có; sắc lìa nên niệm cũng lìa; sắc không nên niệm cũng không; sắc không thể biết nên niệm cũng không thể biết; thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy. Mắt cho đến ý, sắc cho đền pháp, địa chủng cho đến thức chủng, (Kinh Ðại Bát nhã ghi: Ðịa giới, thức giới – ND), Thí ba la mật cho đến Bát nhã ba la mật, nội không cho đến vô pháp hữu pháp không, bốn niệm xứ cho đến mười tám pháp không chung, hết thảy môn Tam muội, hết thảy môn Ðà la ni, Nhất thiết trí, Trí nhất thiết chủng, cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không có nên niệm cũng không có, cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không thể biết nên niệm cũng không thể biết.
Xá lợi phất! Bồ tát ma ha tát tu hành đạo ấy, tôi muốn khiến không xa lìa ấy, tức là niệm đại bi.
Bấy giờ, Phật tán thán Tu bồ đề rằng: Lành thay, lành thay! Bồ tát ma ha tát có nói Bát nhã ba la mật cũng nên nói như vậy. Như ông nói Bát nhã ba la mật đều vâng thừa ý Phật. Bồ tát ma ha tát học Bát nhã ba la mật nên như lời ông nói mà học.
Khi Tu bồ đề nói phẩm Bát nhã ba la mật ấy, ba ngàn đại thiên thế giới chấn động sáu cách. Phương đông vọt lên, phương tây chìm xuống; phương tây vọt lên, phương đông chìm xuống; phương nam vọt lên, phương bắc chìm xuống, phương bắc vọt lên, phương nam chìm xuống; ở giữa vọt lên, hai bên chìm xuống; hai bên vọt lên, ở giữa chìm xuống.
Bấy giờ Phật mỉm cười.
Tu bồ đề bạch Phật rằng: Vì nhân duyên gì nên Phật mỉm cười?
Phật bảo Tu bồ đề: Như Ta ở thế giới này nói Bát nhã ba la mật, vô lượng A tăng kỳ thế giới chư Phật ở phương đông cũng vì các Bồ tát ma ha tát mà nói Bát nhã ba la mật, chư Phật ở phương nam, tây, bắc, bốn góc và trên dưới cũng nói Bát nhã ba la mật ấy.
Khi nói phẩm Bát nhã ba la mật ấy, mười hai na do tha các trời, người chứng được vô sanh pháp nhẫn. Khi chư Phật mười phương nói Bát nhã ba la mật ấy, vô lượng A tăng kỳ chúng sanh cũng pháp tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
LUẬN: Luận giả nói: Xá lợi phất nghĩ rằng: Tu bồ đề phân biệt nói rõ sáu Ba la mật thế gian, xuất thế gian và Bồ đề đạo rất lợi ích cho chúng sanh nên hoan hỷ tán thán: Lành thay, lành thay! Nói lại hai lần là tỏ sự hoan hỷ cùng tột.
Hỏi: Ấy là do lực của Ba la mật nào?
Ðáp: Tu bồ đề suy nghĩ rằng: Trong tất cả tâm số pháp, trừ trí tuệ, không có tâm số nào có khả năng phân biệt dứt nghi, mở lối như vậy. Trong các Ba la mật, nếu lìa Bát nhã ba la mật tự mình không thể thành tựu, huống gì có thể phân biệt mở lối? Suy nghĩ như vậy rồi, đáp Xá lợi phất rằng: Ðó là lực của Bát nhã ba la mật, như trước đã nói. trong các pháp không có ngã, không có kẻ biết, không có kẻ thấy. Nay đem điều ấy làm chứng biết đó là lực của Bát nhã ba la mật, chẳng phải lực của Phật, chẳng phải lực của Tu bồ đề, vì sao? Tu bồ đề nói lỳ do vì Bát nhã ba la mật xa lìa hai bên đoạn thường, có, không v.v... hay phát sanh tất cả pháp lành, đó là tướng định, tướng cứng chắc không hoại của pháp ba thừa.
Lại, Bát nhã ba la mật vô lượng vô biên nên có thể nhiếp thụ tất cả pháp lành, như biển lớn hay nạp thụ trăm sông nghìn dòng.
Pháp lành ba thừa là sáu Ba la mật, cho đến mười tám pháp không chung. Mười phương ba đời chư Phật thực hành Bát nhã ba la mật nên đều chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tuy thực hành các Ba la mật kia, mà Bát nhã ba la mật rất tôn quí, có năng lực thông đạt. Thí như hòa hợp thuốc xổ, vị bã đậu mạnh hơn cả. Bát nhã ba la mật cũng như vậy, tuy hòa hợp với các Ba la mật kia, nhưng phá các phiền não, tà kiến, xả bỏ hý luận thì lực Bát nhã ba la mật hơn cả. Vì vậy, nên nói đều là lực của Bát nhã ba la mật.
Hỏi: Mỗi mỗi tán thán Bát nhã ba la mật là vi diệu thậm thâm, vậy ai hay tu hành, tùy thuận, tương ưng Bát nhã ba la mật?
Ðáp: Những Bồ tát trong vô lượng đời chứa nhóm các phước đức, lợi căn, phiền não bị bẻ mỏng; tuy chưa đến địa vị bất thối, song nghe nói Bát nhã ba la mật liền tin thọ thâm nhập. Người có tướng thông đạt như vậy, thời có thể thực hành đạo Bát nhã ba la mật,
nghĩa là cứu độ hết thảy chúng sanh, khiến xa lìa ưu não thế gian, vì tâm đại bi nên không bỏ hết thảy chúng sanh. Bồ tát thường không nên xa lìa tâm đại bi và niệm rốt ráo không, rốt ráo không, thời phá các phiền não thế gian, thị hiện Niết bàn; mà tâm đại bi dẫn dắt khiến trở lại vào trong thiện pháp, để lợi ích cho chúng sanh.
Bấy giờ Xá lợi phất nạn hỏi Tu bồ đề: Nếu Bồ tát không lìa niệm đại bi và niệm rốt ráo không ấy, thời tất cả chúng sanh đều sẽ làm Bồ tát, vì sao? Vì rốt ráo không, thì vô tướng, không phân biệt, không nên Bồ tát có niệm đại bi, còn chúng sanh không có niệm đại bi. Nếu có thì hết thảy chúng sanh nên chung có, nếu không thì Bồ tát cũng nên không?
Tu bồ đề đáp: Ông muốn nạn hỏi tôi mà trở lại giúp thành nghĩa của tôi, vì sao? Vì các pháp tướng rốt ráo không, nên chúng sanh cũng không, chúng sanh không nên niệm rốt ráo không cũng không. Nếu các pháp rốt ráo không, thì đâu có chúng sanh thật không mà nạn hỏi tôi rằng: Chúng sanh không lìa niệm ấy, thời đều sẽ làm Bồ tát! Thế nên nói chúng sanh không có nên niệm rốt ráo không cũng không có. Chúng sanh không có tự tánh, chúng sanh kìa, chúng sanh không, chúng sanh không thể biết, niệm rốt ráo không cũng không. Sắc cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cũng như vậy.
Hỏi: Trong đây niệm, là không lìa niệm đại bi, cớ sao nói không lìa niệm rốt ráo?
Ðáp: Bồ tát không lìa niệm ấy, tâm không bỏ chúng sanh, vì dùng vô sở đắc làm phương tiện vậy. Vô sở đắc không và rốt ráo không, tên khác mà nghĩa một. Vô sở đắc không; vô sở đắc không ở đầu, rốt ráo không ở sau; vì rốt ráo không là lớn, nên sanh tâm bi cũng lớn. Ðại bi, như trong Kinh A Sai Mạc nói có ba thứ bi: Là chúng sanh duyên, pháp duyên và vô duyên. Vô duyên từ bi từ rốt ráo không phát sanh, lấy đó mà giải sự nạn vấn của Xá lợi phất. Phật ấn chứng lòi nói ấy nên tán thán lành thay. Nếu muốn giải nói Bát nhã ba la mật, hãy nên như ông nói.
Bấy giờ ở trong chúng, hàng trời, người, Bồ tát nghĩ rằng: Bát nhã ba la mật rất sâu, ba đời chư Phật đều từ trong đó xuất sanh, Tu bồ đề là người Tiểu thừa, tại sao? Phật tán thán, muốn nói Bát nhã ba la mật, hãy nên như ông nói, vì thế nên tiếp đến nói: Tu bồ đề nói đều vâng thừa ý Phật. Giả sử như Di lặc Bồ tát, Phạm thiên vương v.v... không nương theo ý Phật còn không thể hỏi, huống gì Tu bồ đề ở trước Phật mà có thể tự do vui nói. Các Bồ tát muốn học Bát nhã ba la mật cũng nên như ông nói mà học.
Khi nói phẩm ấy, ba ngàn đại thiên thế giới chấn động sáu cách là lúc ấy ở trong hội chúng có nhiều Bồ tát phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đều sẽ làm Phật.
Phật là chủ lớn của trời đất, địa thần hoan hỷ chủ ta nay xuất sanh nên khiến quả đất động mạnh.
Lại nữa, người có tâm tin Bát nhã ba la mật thâm sâu, là hy hữu có được, nên người ấy do nhân duyên phước đức mà cảm gió lớn làm rung động nước, nước động nên đất động.
Lại nữa, đại Long vương ở dưới đất muốn đến nghe Bát nhã ba la mật, từ nước đi ra cho nên nước động, nước động nên đất động.
Lại nữa, do thần lực của Phật khiến đất động, vì muốn khiến mọi người tăng lòng tin vui Bát nhã ba la mật khó thấy khó biết. Ngoài ra, nhân duyên làm đất động, như trước đã nói, còn trong đây Phật tự nói nhân duyên là Ta nói Bát nhã ba la mật, mười phương chư Phật cũng nói Bát nhã ba la mật, mười hai na do tha trời người được địa vị bất thối, vào pháp vị, thế nên đất động.
Lại, chúng sanh trong mười phương thế giới, cũng phát tâm Vô thượng đạo, thế nên đất động.
Bấy giờ chư Thiên cũng có rải các thứ hoa sen và các tạp hương, áo trời, lọng trời, ngàn vạn thứ kỷ nhạc trời. Các Long vương từ bốn biển nước lớn vọt lên và các Dạ xoa, La sát v.v... đều sanh tâm từ, chấp tay tán Phật. Lại khi Phật mỉm cười, vô lượng ánh sáng chùm khắp mười phương các thế giới nhiều như hằng hà sa, có bấy nhiêu việc hy hữu. Nói cách cốt yếu thì đất động đều do nói thật tướng các pháp, tức là Bát nhã ba la mật.
(Hết cuốn 53 theo bản Hán)

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 100 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.138.34.93 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập