Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Chương 45
Giải Thích:Ðến Bờ Kia
Kinh: Lại nữa, Xá-lợi-phất! Bồ-tát ma-ha-tát muốn đến bờ kia của hết thảy pháp hữu vi vô vi, nên học Bát-nhã ba-la-mật.
Luận: Bờ kia là đối với pháp hữu vi vô vi đến tận bờ mé nó.
Thế nào là bờ kia? Là dùng đại trí tuệ biết rõ hết thảy pháp hữu vi, các tướng chung tướng riêng của nó đều biết rõ. Ðối với pháp vô vi, từ Tu-đà-hoàn cho đến Phật, thảy đều biết rõ; nghĩa tướng của pháp hữu vi vô vi, như trước đã nói.
Kinh: Bồ-tát ma-ha-tát muốn biết quá khứ, vị lai, hiện tại các pháp như, các pháp tướng, vô sanh tế, nên học Bát-nhã ba-la-mật.
Luận. Hỏi: Trên kia đã nói như, sao nay còn nói lại?
Đáp: Trên chỉ nói ngay các pháp như, nay nói pháp ba đời đều như; trên nói lược, đây nói rộng; trên nói một, đây nói ba. Pháp tướng tức là pháp tánh; vô sanh tế tức là chân tế, quá khứ pháp như, tức là pháp tướng quá khứ, vị lsi, hiện tại cũng như vậy.
Lại nữa, quá khứ pháp như, tức là vị lai, hiện tại pháp như, tức là quá khứ, vị lai pháp như; vị lai pháp như, tức là quá khứ, hiện tại pháp như, vì cớ sao? Vì tướng “như” chẳng phải một chẳng phải khác.
Lại nữa, như trước nói hai thứ như: 1. Thế gian như. 2. Xuất thế gian như. Dùng thế gian như thì ba đời mỗi mỗi khác; dùng xuất thế gian như thì ba đời là một.
Lại nữa, pháp tướng là nghiệp dụng của các pháp, lực tạo tác, nhân duyên, quả báo của các pháp. Như lửa là tướng nóng, nước là tướng ướt, như vậy phân biệt các tướng riêng khác về nhân duyên, quả báo của các pháp; như trong mục Thị xứ phi xứ lực ở trước nói; ấy gọi là pháp tướng thế gian. Nếu đối với các pháp ấy truy cầu tầm cứu nhập vào vô sanh pháp, không còn gì quá hơn nữa; ấy gọi là vô sanh tế.
Hỏi: Như, pháp tướng có thể phân biệt có ba đời, còn vô sanh tế là pháp vị lai, làm sao có quá khứ, hiện tại? Như trong A-tỳ-đàm nói sanh pháp là quá khứ, hiện tại, vô sanh pháp là vị lai và pháp vô vi, làm sao muốn khiến cả pháp quá khứ, hiện tại có vô sanh?
Đáp: Các đoạn như trước nói phá sanh pháp, thời hết thảy pháp đều vô sanh, chứ đâu chỉ vị lai vô sanh, như trong chương giải thích nghĩa chữ Nhất thời đã phá ba đời. Ba đời một tướng, đó là vô tướng, như vậy là tướng vô sanh.
Lại nữa, vô sanh là Niết-bàn, vì Niết-bàn không sanh sanh diệt, Niết-bàn là rốt ráo cuối cùng, không còn sanh trở lại, mà hết thảy pháp tức là Niết-bàn, nên Phật dạy hết thảy pháp đều là vô sanh tế.
Kinh: Lại nữa, Xá-lợi-phất, Bồ-tát ma-ha-tát muốn ở trước hết thảy Thanh văn, Bích-chi Phật; muốn hầu hạ chư Phật; muốn làm nội quyến thuộc của chư Phật; muốn được đại quyến thuộc; muốn được Bố-tát làm quyến thuộc; muốn thanh tịnh báo đáp ơn đại thí, nên học Bát-nhã ba-la-mật.
Luận. Hỏi: Nếu Bồ-tát chưa sạch hết lậu, làm sao được ở trước bậc thánh nhân sạch hết lậu?
Đáp: Bồ-tát khi mới phát tâm đã ở trước hết thảy chúng sanh, huống gì đã nhiếu kiếp tu hành? Bồ-tát công đức trí tuệ lớn, nên đời đời thường lớn, có thể làm lợi ích cho Thanh văn, Bích-chi Phật. Chúng sanh biết ơn Bồ-tát, nên tôn sùng kính trọng, cho đến ở trong súc sanh cũng là tôn trọng. Như Bồ-tát kiếp xưa làm nai, màu sắc như vàng, sừng bảy báu, năm trăm nai tùy tùng kính thờ. Nếu sanh trong loài người, đời tốt thì làm Chuyển luân thánh vương, đời ác thường làm Ðại vương, hộ trì Phật pháp, lợi ích chúng sanh. Nếu xuất gia, gặp đời có Phật pháp, thời làm vị đại độ sư cho đời, hưng hiển Phật pháp; nếu gặp đời không Phật pháp, thì làm đại sư ngoại đạo, tu hành bốn vô lượng tâm. A-la-hán, Bích-chi Phật, tuy được vô lậu mà việc lợi ích ít; ví như một thăng váng sữa tuy tinh sạch, chẳng bằng cao sữa đầy nước biển lớn. Bồ-tát tuy trí tuệ hữu lậu mà đến khi thành thục, thời lợi ích vô lượng.
Lại nữa, bốn sự cúng dường dụng cụ trợ đạo cho La-hán, Bích-chi Phật phần nhiều do Bồ-tát mà có được; như kinh Lăng-nghiêm nói: Văn-thù-sư-lợi bảy mươi hai ức kiếp làm Bích-chi Phật, giáo hóa người tu pháp Bích-chi Phật khiến họ được thành đạo. Vì vậy nên Bồ-tát ở trước Thanh văn, Bích-chi Phật.
Muốn hầu hạ chư Phật: Thích-ca Văn Phật khi chưa xuất gia, Xa-nặc hầu hạ, Ưu-đà-da làm trò vui, Cù-tỳ-da, Da-du-đà các thể nữ làm nội quyến thuộc; khi xuất gia tu khổ hạnh sáu năm, có năm người hầu hạ. Khi thành đạo có Di-hỷ, La-đà, Tu-na-sát-đa-la, A-nan, Mật-tích lực sĩ...; ấy là nội quyến thuộc.
Ðại quyến thuộc: Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Ðại-Ca-diếp, Tu-bồ-đề, Ca-chiên-diên, Phú-lâu-na, A-nâu-nâu-đà các thánh nhân; và Di-lặc, Văn-thù-sư-lợi, Bạt-đà-bà-la các Bồ-tát nhân sanh bổ xứ không thối chuyển; ấy gọi là đại quyến thuộc.
Lại nữa, Phật có hai thân: 1. Pháp tánh sanh thân. 2. Tùy thế gian thân. Quyến thuộc của thế gian thân như trước đã nói; quyến thuộc của pháp tánh sanh thân là vô lượng vô số Bồ-tát nhất sanh bổ xứ theo hầu, vì cớ sao? Vì như trong kinh Bất khả tư nghì giải thoát nói: lúc Phật sắp sanh có 84.000 Bồ-tát nhất sanh bổ xứ ở tiền đạo. Bồ-tát (Phật) theo sau sanh ra; ví như bóng mây lồng trăng.
Lại như kinh Pháp Hoa nói: các Bồ-tát từ đất vọt lên, đều là nội quyến thuộc, đại quyến thuộc.
Bồ-tát làm quyến thuộc: có đức Phật lấy thuần Bồ-tát làm quyến thuộc, có đức Phật lấy thuần Thanh văn làm quyến thuộc; có đức Phật lấy cả Bồ-tát và Thanh văn xen lộn làm quyến thuộc, cho nên nói chỉ muốn lấy Bồ-tát làm quyến thuộc, nên học Bát-nhạ ba-la-mật.
Quyến thuộc có ba hạng: thượng, trung, hạ. Hạ quyến thuộc thuần Thanh văn; trung quyến thuộc lẫn lộn Thanh văn Bồ-tát, thượng quyến thuộc thuần là Bồ-tát.
Thanh tịnh báo đáp ơn đại trí: có người nói Bồ-tát chứa nhiều phước, nhưng chưa trừ hết phiền não, lãnh thọ của người tín thí, chưa thể thanh tịnh báo đáp. Phật dạy: Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật, thấy các pháp đều không, không thể có được, huống gì các kiết sử. Bồ-tát vào trong pháp tánh, không thủ chứng thật tế, cho nên có thể thanh tịnh báo đáp phước thí chủ.
Lại nữa, công đức Bồ-tát rộng lớn, từ khi phát tâm lại đây, muốn thay thế hết thảy chúng sanh chịu mọi sự khổ, muốn đem hết thảy công đức cho hết thảy chúng sanh, vậy sau mới cầu Phật đạo cho mình, nhưng việc ấy không thể được, nên mới tự thành Phật, để độ hết thảy chúng sanh.
Lại chí nguyện Bồ-tát không ràng buộc theo vô số kiếp; cũng như thế gian như, pháp tánh, thật tế, hư không trụ lâu, tâm Bồ-tát trụ thế gian làm lợi ích chúng sanh cũng lâu như thế, không có cùng tận. Bồ-tát như vậy mà không thể thanh tịnh báo đáp phước thí chủ thì ai có thể thanh tịnh báo đáp? Như cha mẹ tuy có kiết sử các ác, vì một đời làm lợi ích cho con, nên nhận sự cúng dường của nó, khiến nó được đại phước; huống gì Bồ-tát không có các kiết sử, mà trụ vô lượng đời làm lợi ích chúng sanh mà không thanh tịnh báo đáp?
Lại nữa, Bồ-tát chỉ có bi tâm, không có Bát-nhã mà còn có thể lợi ích; huống gì tu hành Bát-nhã ba-la-mật.
Hỏi: Nếu Bồ-tát không còn kiết sử, tại sao còn thọ sanh ở thế gian?
Đáp: Trước đã nói: Bồ-tát được vô sanh pháp nhẫn, được pháp tánh sanh thân, nơi nơi biến hóa để độ chúng sanh, trang nghiêm thế giới; do công đức ấy nên tuy chưa thành Phật, mà có thể thanh tịnh báo đáp phước thí chủ.
Kinh: Lại nữa, Xá-lợi-phất! Bồ-tát ma-ha-tát muốn không khởi tâm xan lẫn, tâm phá giới, tâm sân nhuế, tâm giải đãi, tâm tán loạn, tâm si, nên học Bát-nhã ba-la-mật.
Luận. Sáu thứ tâm xấu này làm chướng ngại sáu Ba-la-mật; như khi Bồ-tát tu hành bố thí, nếu có tâm xan lẫn nổi lên, thời làm cho việc bố thí không thanh tịnh, tức là không thể đem vật tốt thí; hoặc cho vật tốt, không thể cho nhiều; hoặc cho vật ngoài, không thể cho vật trong; hoặc có thể cho vật trong, không thể cho hết; đều do tâm xan lẫn. Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật biết hết thảy pháp không ta, không của ta, các pháp đều không, như mộng như huyễn, đem thân, đầu, mắt, xưuơng, tủy bố thí như thí cỏ cây. Bồ-tát tuy chưa đắc đạo mà muốn thường không khởi tâm xan lẫn, nên học Bát-nhã ba-la-mật.
Các người khác lìa dục đắc đạo, nên không sanh tâm phá giới, Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật nên không thấy sự phá giới, vì cớ sao? Vì giới là trú xứ của hết thảy công đức thiện; ví như đất là chỗ nương tựa của muôn vật, phá giới còn không được các đạo quả khác, huống được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì vậy nên không khởi tâm phá giới. Lại nghĩ rằng, pháp của Bồ-tát là an lạc chúng sanh, nếu phá giới là não loạn tất cả, vì vậy Bồ-tát còn không khởi tâm phá giới huống gì phá giới.
Hàng Tiểu thừa và phàm phu còn không nên khởi tâm tức giận, huống gì Bồ-tát phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; thân là đồ chứa khổ, đúng pháp phải tự chịu khổ não; ví như người phạm tội, tự chịu hình giết, tự làm tự chịu, không nên oán người. Chỉ nên tự thủ hộ tâm, đừng cho khởi niệm ác; ví như người gặp gió mưa, nóng, rét, cũng không nổi giận. Lại nghĩ rằng, Bồ-tát cầu Phật đạo, lấy tâm đại bi làm gốc; nếu ôm lòng sân hận, thời tiêu mất chí nguyện. Người sân hận còn không được cái vui thế gian, huống gì cái vui của đạo; người sân hận tự không được vui, làm sao có thể đem vui cho người.
Người giải đãi còn không thể thành được việc tốt thế gian, huống gì Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; ví như dùi cây lấy lửa mà thường ngưng nghỉ, thời không hẹn được lúc có lửa; tâm tán loạn, ví như đèn giữa gió, đèn tuy có sáng mà không thể chiếu vật. Trí tuệ ở giữa loạn tâm cũng như vậy. Trí tuệ là cội gốc của hết thảy thiện pháp, nếu muốn thành tựu trí ấy, trước phải nhiếp tâm, vậy sau mới thành được; ví như người cuồng say, việc tự lợi, lợi tha, tốt xấu đều không hay biết; tâm tán loạn cũng như vậy. Việc tốt thế gian còn không thể biết rõ, huống gì pháp xuất thế gian.
Tâm người ngu si, tất cả việc thành bại, đều không biết nỗi, huống gì nghĩa lý vi diệu sâu xa; ví như người không có mắt, thời hoặc sa hầm hố, hoặc vào đường quấy. Người vô trí cũng lại như vậy. Không còn mắt trí tuệ nên thọ nhận say đắm tà pháp, không lãnh thọ chánh kiến. Người như vậy, việc thế gian gần còn không thành được, huống gì Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Bồ-tát do lực tu hành Bát-nhã ba-la-mật, nên có thể chướng ngăn sáu tệ ấy, và thanh tịnh sáu Ba-la-mật. Do vậy nên nói nếu muốn không khởi lên sáu tệ, nên học Bát-nhã ba-la-mật.
Kinh: Lại nữa, này Xá-lợi-phất, Bồ-tát ma-ha-tát muốn khiến hết thảy chúng sanh, an lập nơi chỗ phước bố thí, chỗ phước trì giới, chỗ phước tu định, chỗ phước khuyến đạo; muốn khiến chúng sanh an lập nơi chỗ phước tài của, phước giáo pháp, nên học Bát-nhã ba-la-mật.
Luận. Hỏi: Thế nào gọi là chỗ phước?
Đáp: Trong A-tỳ-đàm nói: phước là nghiệp thân, khẩu, ý hữu lậu thiện. Lại có người nói: phước là vô phú vô ký, vì cớ sao? Vì là quả báo do nghiệp hữu lậu thiện nên được vô phú vô ký. Phước là quả báo, cũng gọi là phước, như người thế gian thành được đại sự, làm nên nhiều việc, gọi đó là người phước đức. Phước này lược nói có ba thứ là bố thí, trì giới, tu định.
Thế nào là bố thí? Có người đem y phục, đồ nằm, uống ăn, hoa hương, chuỗi ngọc... cho người; ấy gọi là bố thí.
Hỏi: Vật ẩm thực... là bố thí, hay còn có sự bố thí?
Đáp: Vật ẩm thực chẳng phải bố thí, mà khi lấy vật ẩm thực... đem cho, trong tâm phát sanh một pháp gọi là xả bỏ, trái ngược với tâm xan lẩn; ấy gọi là phước đức bố thí, nó hoặc là hữu lậu, hoặc là vô lậu, thường là tâm số pháp thiện, tương ưng với tâm, theo tâm hành, cùng với tâm sanh; không sắc không hình; hay làm duyên, tương ưng với nghiệp, theo nghiệp hành, cùng nghiệp sanh, chẳng phải quả báo của nghiệp trước; được tu, hành tu, tuệ chứng, thân chứng, người phàm phu được và thánh nhân được.
Có người nói: Tư tương ưng với pháp xả, ấy gọi là phước đức bố thí, vì cớ sao? Vì nghiệp hay sanh quả báo. Tư tức là nghiệp, thân miệng không gọi là nghiệp; từ tư tâm sở sanh, nên được gọi là nghiệp.
Bố thí có hai thứ: 1. Tịnh, 2. Bất tịnh. Bất tịnh là chỉ cho thẳng mà thôi. Hoặc sợ mất của nên cho; hoặc sợ trách mắng nên cho; hoặc không cần dùng nên đem cho; hoặc thân ái nên cho; hoặc vì cầu thế nên cho, vì cho nên đưa đến nhiều thế viện; hoặc chết gần kề nên cho; hoặc cầu tiếng khen nên cho; hoặc cầu ngang danh, hơn danh kẻ quý nên cho; hoặc đố kỵ ganh ghét nên cho; hoặc kêu mạn nên cho, nghĩ rằng tiểu nhân ngu hèn còn cho được, huống ta là đại nhân quý trọng, làm sao không cho; hoặc vì chú nguyện phước đức nên cho; hoặc cầu tốt trừ xấu nên cho; hoặc tìm vào bạn đảng nên cho; hoặc không nhất tâm, không cung kỉnh, khinh hèn người thọ nhận mà cho. Các nhân duyên như vậy, là vì đời nay nên cho; vì ngược lại với tịnh, nên gọi là bất tịnh.
Tịnh thí là như trong Kinh nói: vì đối trị tâm nên cho; trang nghiêm ý nên cho; vì được đệ nhất lợi nên cho; sanh tâm thanh tịnh hay phân biệt và giúp Niết-bàn nên cho; ví như hoa tươi chưa héo, sắc đẹp lại thơm. Tịnh tâm bố thí cũng như vậy; như nói chư thiên, tâm không thanh tịnh bố thí, thời ánh sáng cung điện mỏng ít; nếu bố thí với tâm thanh tịnh thời ánh sáng thêm rộng lớn. Nghiệp bố thí ấy tuy quá khứ cho đến ngàn vạn đời không mất, thí như bằng khoáng giao ước.
Hỏi: Phước bố thí ấy làm sao tăng trưởng?
Đáp: Ðúng thời bố thí được phước tăng trưởng; như Kinh nói: thí lúc đói khát, được phước tăng nhiều; thí cho người đi xa, người qua đường hiểm, đường vắng hoặc thường bố thí không dứt; hoặc thường nhớ bố thí, nên bố thí được tăng trưởng. Như trên nói về niệm xả trong sáu niệm. Hoặc thí lớn nên được phước nhiều; hoặc thí cho người tốt; hoặc thí cho Phật; hoặc người thí người thọ đều thanh tịnh; hoặc tâm quyết định thí; hoặc tự lực làm ra của thí; hoặc tùy của có nhiều ít có thể thí hết; hoặc giao hẹn đem vật thí; hoặc đem ruộng vườn, người giúp việc thí... bố thí như vậy chỉ có Bồ-tát lấy thâm tâm mới thực hành nỗi. Như Bồ-tát Vỹ-la-ma trong mười hai năm bố thí đã nghiêm sức bát bảy báu, đựng sữa bò, thể nữ, mỗi thứ tám vạn bốn ngàn, cùng các vật ẩm thực khác không kể số.
Lại như Bồ-tát Tu-đề-lệ-noa (Tu-đại-noa) đem voi trắng thiện thắng thí cho kẻ oan gia, rồi vào ở núi sâu, đem hai đứa con yêu quý thí cho Bà-la-môn Thập Nhị Xú; lại đem vợ và con mắt thí cho Bà-la-môn – hóa thân của trời Ðế-thích. Bấy giờ đất rung động mạnh, trời sấm chớp, ở giữa hư không mưa hoa.
Lại như Tát-bà-đạt-đa vương tự trói thân thí cho Bà-la-môn.
Lại như vua Tỳ-thi (Si-bi) vì một chim bồ câu mà tự đem thân mình đổi mạng cho nó.
Lại như Bồ-tát từng làm thân thỏ, tự nướng thịt mình thí cho tiên nhân.
Các việc như vậy, trong kinh Bồ-tát bổn sanh nói đủ.
Lại có người Thanh văn bố thí; như Tỳ-kheo-ni Tu-di-đà, cùng với hai bạn đồng học làm tinh xá cho Ca-na-già Mâu-ni Phật, mà được làm Chuyển luân thánh vương và phước vua trời trong vô lượng ngàn vạn đời.
Lại như Bà-la-môn Thi-bà đem một bát cao sữa thí Tăng, mà đời đời thọ vui, nay được thân A-la-hán, thọ vui nhất trong những người thọ vui.
Lại như phu nhân Mạt-lợi, cúng dường Tôn-giả Tu-bồ-đề, nên đời nay quả báo được làm vợ vua Ba-thi-na-thi (Ba-tư-nặc).
Lại như Thi-bà cúng dường ông Ca-chiên-diên nên quả báo đời này được làm vợ vua Chiên-đà-ba-châu-đà.
Lại như Cư sĩ Uất-già-đà cúng dường Xá-lợi-phất và năm trăm A-la-hán nên ngay trong ngày được quả báo; là có năm trăm khách buôn được đồ ăn thừa kia, mỗi người đều lấy hạt châu anh lạc tặng cho ông, bỗng được giàu to; bèn gọi là Tốt-uất-già-đà.
Bố thí như vậy được báo ngay trong đời nay. Nên biết, luận nghị về bố thí nói không hết được.
Chỗ phước trì giới: Phật nói về phước của năm giới.
Hỏi: Thế nào là tướng tội sát?
Đáp: Biết đó là chúng sanh mà cố ý cướp mạng sống, mắc tội sát; chẳng phải không cố ý, tâm khoái trá an ổn, mắc tội sát; chẳng phải tâm tán loạn si cuồng, cướp mạng sống mắc tội sát; chẳng phải chỉ làm bị thương, chết rồi mắc tội sát; chẳng phải chưa chết, thân nghiệp làm là tội sát; chẳng phải miệng bảo; thân làm là tội sát, chẳng phải chỉ tâm sanh niệm ác. Các tội như vậy, ngưng không làm, la tướng trạng thiện của giới thứ nhất.
Hoặc có người nói: đó là vô phú vô ký; hoặc hệ thuộc cõi Dục; hoặc không hệ thuộc; hoặc chẳng phải tâm; chẳng phải tâm số pháp; chẳng phải tâm tương ưng; chẳng phải theo tâm hành; hoặc cùng với tâm sanh; hoặc không cùng tâm sanh; chẳng phải tương ưng với nghiệp; chẳng phải theo nghiệp hành; hoặc cùng nghiệp sanh; hoặc chẳng cùng nghiệp sanh; chẳng phải quả báo của nghiệp trước, được tu, hành tu, thân chứng, tuệ chứng; hoặc tư duy đoạn; hoặc chẳng đoạn; khi xa lìa tham dục của cõi Dục được đoạn biến tri, phàm phu và thánh nhân cùng có; ấy gọi là tướng trạng giới không sát sanh. Các giới khác cũng như vậy, tùy nghĩa mà phân biệt.
Luận nghị tán thán các giới, như đã nói trong mục Thi-la ba-la-mật.
Chỗ phước tu định: Tuy trong Kinh nói tu từ là phước tu định, cũng nói thiền định hữu lậu có thể sanh quả báo, tổng quát gọi là phước tu định. Vì ở cõi Dục sân nhiều, tán loạn nhiều nên trước nói từ tâm là phước tu định. Ðược phương tiện từ, nguyện cho chúng sanh vui, sau thật sự thấy chúng sanh thọ vui, pháp tương ưng với tâm ấy; gọi là pháp từ. Pháp ấy hoặc hệ thuộc cõi Sắc, hoặc không hệ thuộc, ấy là chơn từ; còn phương tiện từ, hệ thuộc cõi Dục, thường theo tâm hành, theo tâm sanh; vô hình vô đối hay duyên pháp; chẳng phải nghiệp, tương ưng với nghiệp mà theo nghiệp hành, cùng nghiệp sanh; chẳng phải quả báo của nghiệp trước, đắc tu, hành tu, thân chứng, tuệ chứng; hoặc tư duy đoạn; hoặc chẳng đoạn. Xa lìa tham dục của cõi Sắc được đoạn biến tri; có giác có quán; cũng không giác có quán; cũng không giác không quán; hoặc có mừng, hoặc không có mừng; hoặc có hơi thở, hoặc không có hơi thở, phàm phu và thánh nhân cũng được. Hoặc tương ưng với thọ khổ; hoặc tương ưng với thọ không khổ không vui; trước duyên được tướng liễu giải, sau duyên thật nghĩa. Ở trong bốn thiền căn bản, hoặc quá bốn thiền; nương bốn thiền mà được thì có sức bền chắc.
Từ nên gọi là nhân ái, vì không oán không tranh nên gọi là thân ái; hay duyên vô lượng chúng sanh, nên gọi là vô lượng; hay lợi ích chúng sanh; hay lìa dục nên gọi là phạm hạnh. Các luận nghị khác về từ tâm, như đã nói trong chương Bốn vô lượng tâm.
Hỏi: Trong phước tu định, cớ sao Phật chỉ nói từ tâm mà không nói các tâm khác?
Đáp: Trong bốn vô lượng, từ tâm vô lượng hay sanh phước đức lớn; bi tâm vì ưa sầu nên bỏ phước đức; hỷ tâm vì tự nhớ công đức nên phước đức chẳng sâu; xả tâm vì phóng xả nên phước cũng ít.
Lại nữa, Phật dạy từ tâm có năm điều lợi, không nói tâm khác. Những gì là năm? 1. Ðao không làm thương, 2. Ðộc không làm hại, 3. Lửa không làm cháy, 4. Nước không chìm, 5. Hết thảy chúng sanh sân nộ ác độc thấy đều hoan hỷ.
Bi tâm... không có các việc như vậy, nên chỉ nói phước của tu định là từ. các tâm khác đi theo. Và các định hữu lậu có thể sanh quả báo.
Chỗ phước khuyến đạo: nếu Tỳ-kheo không tọa thiền, không tụng kinh, mà giáo hóa khuyến đạo người tu lập phước đức; hoặc có Tỳ-kheo hay tọa thiền, tụng kinh, thấy các Tỳ-kheo áo cơm thiếu thốn, đem sức dẫn dắt, và tu hành khuyến đạo, và các Bồ-tát thương xót chúng sanh, lấy nhân duyên phước đức để khuyến cáo họ.
Lại người xuất gia, nếu cầu tài của, đối với giới bị mất cho nên khuyến đạo làm nhân duyên. Phước về tài của là y phục, ẩm thực, đồ nằm, thuốc thang, vàng bạc, xe ngựa, ruộng nhà.
Hỏi: Trên nói chỗ phước bố thí, ở đây nói phước về tài của, có gì sai khác?
Đáp: Bố thí, là tổng quát hết thảy thí. Tài thí, pháp thí, tục thí, đạo thí; nay muốn phân biệt pháp thí, tài thí.
Pháp thí như lấy tâm đại từ, bắt đầu Chuyển pháp luân, vô lượng chúng sanh đắc đạo, sau Xá-lợi-phất theo Phật Chuyển pháp luân. Các thánh nhân khác tuy chẳng phải Chuyển pháp luân, cũng vì chúng sanh thuyết pháp, làm cho họ đắc đạo, cũng gọi là pháp thí.
Lại có Bồ-tát Biến Cát, Quán Thế Âm, Ðắc Ðại Thế, Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát Di-lạc... dùng hai lực thần thông là quả báo thần thông, tu đắc thần thông; trụ trong đó lấy các nhân duyên về phước đức, lực phương tiện, hào quang, thần túc... để khai độ chúng sanh, cũng gọi là pháp thí.
Các Bích-chi Phật bay lên giữa hư không, nói một bài kệ dẫn đạo chúng sanh, khiến gieo trồng thiện căn, cũng gọi là pháp thí.
Lại đệ tử Phật chưa đắc thánh đạo, ngồi thiền, tụng kinh, không phá hoại pháp tướng, giáo hóa đệ tử, đều gọi là pháp thí.
Các thứ như vậy, gọi là tướng trạng của pháp thí. Vì vậy nên nói: muốn an lập chúng sanh nơi sáu phước thí, nên học Bát-nhã ba-la-mật.
Kinh: Lại nữa, này Xá-lợi-phất, Bồ-tát ma-ha-tát muốn được năm mắt, nên học Bát-nhã ba-la-mật.
Luận. Năm mắt là mắt thịt, mắt trời, mắt tuệ, mắt pháp, mắt Phật. (Mười ba chữ này nguyên ở trong văn kinh, nay y theo Ðại chánh tạng đưa vào trong văn luận).
Mắt thịt thấy gần không thấy xa; thấy trước không thấy sau; thấy ngoài không thấy trong; thấy ngày không thấy đêm; thấy trên không thấy dưới, vì bị chướng ngại như vậy nên cầu mắt trời.
Ðược mắt trời, xa gần đều thấy, trước sau, trong ngoài, ngày đêm, trên dưới đều thấy không chướng ngại. Nhưng mắt trời chỉ thấy vật giả danh do nhân duyên hòa hợp sanh, không thấy được thật tướng là không, vô tướng, vô tác, vô sanh, vô diệt; như trước, giữa, sau cũng như vậy. Vì thật tướng nên cầu mắt tuệ.
Ðược mắt tuệ, không thấy chúng sanh, diệt hết tướng một, khác; lìa bỏ các chấp trước, không thọ nhận hết thảy pháp, trí tuệ phân biệt tự diệt bên trong; ấy gọi là mắt tuệ. Nhưng mắt tuệ không thể độ chúng sanh, vì cớ sao? Vì không còn phân biệt, vì vậy nên cầu mắt pháp.
Mắt pháp khiến cho người ấy tu hành pháp ấy, chứng được đạo ấy, biết hết thảy chúng sanh và dùng các môn phương tiện khiến cho họ được chứng đạo. Nhưng mắt pháp không thể biết khắp đạo phương tiện độ sanh; vì vậy nên cầu mắt Phật.
Mắt Phật không việc gì không biết, thấy biết tất cả sự che kín; việc đối người khác rất xa, đối với phật rất gần; đối với người khác tối tăm, đối với Phật sáng tỏ; đối với người khác nghi ngờ, đối với Phật quyết định; đối với người khác vi tế, đối với Phật thô thiển; đối với người khác rất sâu, đối với Phật rất cạn. Mắt Phật ấy không gì không nghe; không gì không thấy; không gì không biết; không việc gì khó; không suy nghĩ gì; đối với mọi pháp, mắt Phật thường soi sáng. Nghĩa năm mắt, phần sau sẽ nói rộng.
Kinh: Bồ-tát ma-ha-tát muốn dùng mắt trời thấy chư Phật trong mười phương thế giới nhiều như cát sông Hằng, muốn dùng tai trời nghe mười phương chư Phật thuyết pháp, muốn biết tâm chư Phật, nên học Bát-nhã ba-la-mật.
Luận. Ðúng nghĩa thì mắt trời được không quá ba ngàn đại thiên thế giới; nay do lực Bát-nhã ba-la-mật nên thấy chư Phật trong mười phương thế giới nhiều như cát sông Hằng, vì cớ sao? Vì trong Bát-nhã ba-la-mật, thì không gần không xa, không có gì chướng ngại.
Hỏi: Như kinh Ban châu nói: do lực Ban châu tam-muội, nên tuy chưa được mắt trời vẫn thấy được chư Phật hiện tại trong mười phương, với ở đây Bồ-tát dùng mắt trời thấy mười phương chư Phật có gì khác nhau?
Đáp: Mắt trời này thuộc vô phú vô ký, Ban châu tam-muội, người lìa dục, người chưa lìa dục đều được, còn mắt trời chỉ người lìa dục có được. Ban châu tam-muội, nhớ tưởng phân biệt, thường tu thường tập cho nên thấy; còn mắt trời tu thần thông được con mắt sắc trần do bốn đại của cõi Sắc tạo nên, thấy bốn phía khắp tướng sáng; ấy là khác Ban châu tam-muội. Công của mắt trời dễ; ví như mặt trời mọc, thấy sắc không khó; công của tam-muội khó; ví như ban đêm đốt đèn, thấy sắc không dễ; tai trời cũng như vậy.
Biết tâm chư Phật. Hỏi: Như ở thượng địa mà độn căn còn không biết được tâm lợi căn hạ địa. Bồ-tát còn không biết được tâm một đức Phật, huống gì biết được tâm chư Phật trong mười phương nhiều như cát sông Hằng?
Đáp: Do thần lực của Phật làm cho Bồ-tát biết; như Kinh nói: Hết thảy không ai biết được tâm Phật; nếu Phật dùng thần lực làm cho biết, thì cho đến côn trùng cũng biết được. Vì vậy nên biết, Phật dùng thần lực làm cho Bồ-tát biết tâm Phật.
Lại nữa, Bát-nhã ba-la-mật, không có tướng ngăn ngại, thô tế, sâu cạn, ngu thánh, đều không sai khác. Tâm chư Phật như, tâm Bồ-tát như, nhất như không sai khác. Bồ-tát theo “như” ấy, nên biết được tâm chư Phật.
Lại nữa, việc khó hiếm có, không thể biết mà biết, vì vậy nên nói: muốn được như vậy nên học Bát-nhã ba-la-mật.
Kinh: Muốn nghe mười phương chư Phật thuyết pháp, nghe rồi cho đến khi chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác vẫn không quên, nên học Bát-nhã ba-la-mật.
Luận. Hỏi: Pháp của một đức Phật nói còn khó ghi nhớ; huống gì pháp của vô lượng chư Phật nói mà muốn ghi nhớ không quên?
Đáp: Bồ-tát do lực của Văn trì Ðà-la-ni nên thọ trì được; do lực của đà-la-ni ức niệm bền chắc nên không quên.
Lại nữa, trong đây nói lực của Bát-nhã ba-la-mật, rốt ráo thanh tịnh không dính mắc; ví như biển lớn hàm thọ các dòng. Bồ-tát theo mười phương chư Phật nghe pháp, do khí cụ Bát-nhã ba-la-mật lớn, nên có thể thọ lãnh vô lượng pháp, giữ mãi không quên.
Lại nữa, Bát-nhã ba-la-mật không thể ví dụ; như hư không; như lúc lửa kiếp tận đốt sạch, mưa lớn đầy dẫy, trận mưa ấy trừ hư không ra không chỗ nào có thể dung chứa. Mưa pháp của chư Phật mười phương, từ miệng Phật tuôn ra, trừ Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật, không còn có ai lãnh thọ được, vì vậy nên nói: muốn nghe pháp của mười phương chư Phật nói, nên học Bát-nhã ba-la-mật.
Kinh: Lại nữa, này Xá-lợi-phất, Bồ-tát ma-ha-tát muốn thấy thế giới của chư Phật quá khứ, vị lai và thấy thế giới của mười phương chư Phật hiện tại, nên học Bát-nhã ba-la-mật.
Luận. Hỏi: Nếu thấy mười phương Phật là đã thấy thế giới, nay cớ sao nói muốn thấy thế giới?
Đáp: Bồ-tát khi chưa thiền định vào sâu, nếu thấy mười phương thế giới, núi sông, cây cỏ, thời tâm tán loạn, nên chỉ xem thấy chư Phật; như đã nói trong chương nói về niệm Phật. Hành giả chỉ xem chư Phật, không xem đất nước, núi sông, cây cỏ, khi được lực thiền định thì tùy ý xem rộng.
Lại nữa, cõi Phật thanh tịnh khó thấy, cho nên nói muốn thấy thế giới của chư Phật, nên học Bát-nhã ba-la-mật.
Lại một đức Phật có vô lượng trăm ngàn thứ thế giới; như trước nói có thế giới nghiêm tịnh; có thế giới không nghiêm tịnh; có thế giới xen tạp; có thế giới rốt ráo thanh tịnh khó thấy, do lực Bát-nhã ba-la-mật mà thấy được cả; ví như thiên tử khi ngồi ở điện nghe chính sự, thời người ngoài thấy rõ mà người ở thâm cung nội điện không thấy được.
Hỏi: Thế giới hiện tại trong mười phương có thể thấy; còn thế giới của chư Phật quá khứ, vị lai làm sao thấy?
Đáp: Bồ-tát có thứ tam-muội thấy quá khứ vị lai, khi vào tam-muội ấy thì thấy việc quá khứ vị lai; như thấy việc trong mộng.
Lại nữa, Bồ-tát có thứ tam-muội không diệt trừ, khi vào tam-muội ấy, không thấy có chư Phật có diệt mất.
Hỏi: Hai pháp ấy chẳng phải mắt làm sao thấy được?
Ðáp: Ðây chính là trí tuệ, giả gọi là mắt.
Lại nữa, như trong kinh Chuyển pháp luân, đối với bốn đế được nhãn, trí, minh, giác.
Lại nữa, Bồ-tát thấy thế giới Phật hiện tại trong mười phương, chắc chắn biết thế giới chư Phật trong quá khứ; vị lai cũng như vậy, vì cớ sao? Vì hết thảy chư Phật công đức đồng nhau; việc ấy như trước đã nói.
Lại nữa, trong Bát-nhã ba-la-mật, giống như hiện tại, quá khứ vị lai bình đẳng không khác; vì một như, một pháp tánh, vì thế không nên nạn.
Kinh: Lại nữa, Xá-lợi-phất! Bồ-tát ma-ha-tát muốn nghe mười hai bộ kinh của mười phương chư Phật nói là Tu-đa-la, Kỳ-dạ, Thọ-ký, Già-đà, Ưu-đà-na, Nhân duyên, A-ba-đà-na, Như thị ngữ, Bổn sanh, Phương quảng, Vị tằng hữu, Luận nghị, mà hàng Thanh văn nghe, cũng chẳng nghe, đều muốn đọc tụng thọ trì tất cả, nên học Bát-nhã ba-la-mật.
Luận. Trước nói muốn nghe hết thảy pháp của mười phương chư Phật thuyết, nên học Bát-nhã ba-la-mật. Pháp chư Phật thuyết tức đây nói mười hai bộ kinh.
Trong các Kinh, những lời nói thẳng gọi là Tu-đa-la, đó là bốn bộ A-hàm, và các kinh Ðại thừa, kinh Hai trăm năm mươi giới, ngoài ba tạng ấy cũng có kinh khác, đều gọi là Tu-đa-la (Sutra: khế kinh).
Các bài kệ trong các Kinh gọi là Kỳ-dạ (Geya – Trùng tụng).
Chúng sanh trong chín đạo là ba thừa và sáu thú được Thọ-ký (Vyàkurana – Ký biệt) rằng: người ấy trải bấy nhiêu vô số kiếp sẽ được làm Phật; hoặc thọ ký hàng Thanh văn đời này hoặc đời sau đắc đạo; thọ ký hàng Bích-chi Phật chỉ đời sau đắc đạo; thọ ký chúng sanh trong sáu thú (sáu đường) đời sau chịu báo. Pháp của chư Phật khi muốn thọ ký cho chúng sanh trước đều mĩm cười, vô lượng hào quang từ bốn cái răng phóng ra, đó là hào quang xanh, vàng, đỏ, trắng, tía... từ hai răng trên phóng ra chiếu ba đường ác; từ hào quang đó diễn vô lượng pháp, nói hết thảy pháp tạo tác là vô thường, hết thảy pháp vô ngã, Niết-bàn an ổn. Chúng sanh gặp được hào quang cùng nghe thuyết pháp ấy, thân tâm an lạc, được sanh cõi người cõi trời; từ nhân duyên ấy đều được hết khổ. Hào quang từ hai răng dưới phóng ra chiếu lên cõi người cõi trời, cho đến cõi thiền Hữu đỉnh; hoặc kẻ đui mù, câm họng, bệnh cuồng đều được trừ khỏi. Trời Lục dục và A-tu-la thọ vui ngũ dục, gặp hào quang của Phật và nghe tiếng thuyết pháp, đều sanh nhàm chán dục lạc, thân tâm an lạc. Chư thiên ở cõi Sắc, khi thọ cái vui thiền định, gặp hào quang của chư Phật và nghe tiếng thuyết pháp, cũng sanh nhàm chán, mà đi đến chỗ Phật.
Các hào quang lại đến mười phương chiếu khắp sáu đường làm Phật sự xong, trở lại nhiểu quanh thân Phật bảy vòng. Nếu thọ ký địa ngục, thì hào quang từ dưới chân mà vào; nếu thọ ký cho súc sanh, thì hào quang từ đùi chân vào; nếu thọ ký cho ngạ quỷ, thì hào quang từ vế vào; nếu thọ ký cho nhân đạo, thì hào quang từ rún vào; nếu thọ ký cho thiên đạo, thì hào quang từ ngực vào; nếu thọ ký cho Thanh văn thì hào quang từ miệng vào; nếu thọ ký Bích-chi Phật, thì hào quang từ tướng giữa hai mi vào; nếu thọ ký được thành Phật, thì hào quang ấy từ đỉnh vào; nếu muốn thọ ký thời trước tiên hiện tướng ấy, vậy sau các đệ tử như A-nan... phát ra lời hỏi.
Hết thảy kệ gọi là Kỳ-dạ, sáu câu, ba câu, năm câu; mỗi câu nhiều ít không nhất định, cũng gọi là Kỳ-dạ, cũng gọi là Già-đà (Gàthà – Phúng tụng – Cô khởi).
Ưu-đà-na (Udàna - Tự thuyết) là có pháp Phật cần phải nói nhưng không có ai hỏi, Phật lược mở mối cho hỏi; như Phật ở thành Xá-bà-đề, trên nhà Tỳ-xá-khư, đi kinh hành chỗ tối, tự nói Ưu-đà-na, đó là “vô ngã, vô ngã sở, việc ấy lành thay”. Bấy giờ một Tỳ-kheo chấp tay bạch Phật rằng: bạch Thế Tôn! Thế nào là vô ngã, vô ngã sở, việc ấy lành thay? Phật bảo Tỳ-kheo: người phàm phu chưa được vô lậu đạo, điên đảo che tâm, nên đối với lý vô ngã, vô ngã sở, tâm rất kinh sợ; còn nếu Phật và đệ tử Phật nghe pháp hay thời hoan hỷ phụng hành, không điên đảo, nên không còn tạo nghiệp trở lại. Những điều như vậy, trong Tạp A-hàm nói rộng.
Lại như trong phẩm Bát-nhã ba-la-mật, các thiên tử tán thán của Tu-bồ-đề nói rằng: lành thay! lành thay! Hy hữu Thế Tôn! Hy hữu Thế Tôn! ấy gọi là Ưu-đà-na.
Lại như sau khi Phật Niết-bàn, các đệ tử sưu tập những bài kệ thiết yếu, những bài kệ nói về vô thường, gom lại thành phẩm Vô thường, cho đến những bài kệ nói về Bà-la-môn gom lại thành phẩm Bà-la-môn, cũng gọi là Ưu-đà-na, sưu tập các việc tốt đều gọi là Ưu-đà-na. Như vậy gọi là Ưu-đà-na kinh (cũng gọi là Vô vấn tự thuyết).
Ni-đà-na (Nidàna – Nhân duyên) là nói nhân duyên chính khởi nói Phật pháp. Vì nhân gì Phật nói việc ấy. Trong Tu-đa-la, có người hỏi nên Phật nói việc ấy. Trong luật vì có người phạm việc ấy nên Phật kiết giới ấy. Việc duyên khởi của hết thảy lời Phật dạy, đều gọi là Ni-đà-na.
A-ba-đà-na (Avađàna – Thí dụ): tương tợ với lời nói thô thiển nhu nhuyến của thế gian, như kinh Trường A-la-đà-na trong Trung A-hàm; kinh Ðại A-ba-đà-na trong Trường A-hàm, Ức nhĩ A-ba-đà-na, Nhị thập ức A-ba-đà-na ở trong Luật; Dục A-ba-đà-na nhất bộ trong kinh Giải nhị bách ngũ thập giới, Bồ-tát A-ba-đà-na xuất ra một bộ, như vậy có vô lượng A-ba-đà-na.
Như thị ngữ (Itivataka – Y-đế-mục đa-già - Bổn sự): có hai: 1. Là lời kết cú, rằng trước ta hứa nói nay đã nói xong. 2. Là ngoài ba tạng và đại thừa, còn có kinh tên gọi là Nhất Mục-đa-ca, có người nói là Mục-đa-ca. Tên Mục-đa-ca ở cả ba tạng và Ðại thừa, là thế nào? Như Phật dạy: vua Tịnh-phạn bắt buộc những người trong dòng họ Thích xuất gia làm đệ tử Phật. Phật chọn năm trăm người có thể đắc đạo, đem đến thành Xá-bà-đề, vì cớ sao? Vì họ chưa lìa dục; nếu ở gần bà con, sợ họ phá giới, nên đem đến thành Xá-bà-đề bảo Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên giáo hóa. Ðầu đêm cuối đêm chuyên tinh không ngủ, siêng tu tinh tấn, nên được đạo. Ðược đạo rồi Phật đem họ trở về bản quốc, cùng với đại hội các thiên chúng ở trong rừng tiên nhân thuộc thành Ca-tỳ-la-bà (Ca-tỳ-la-vệ). Rừng này cách thành Ca-tỳ-la-bà 50 dặm, đó là vườn dạo chơi của người họ Thích. Các Tỳ-kheo Thích tử này khi còn ở thành Xà-bà-đề, đầu đêm, cuối đêm chuyên tinh không ngủ, nên thấy đêm dài; từ trong rừng đi vào trong thành khất thực, mới biết dặm đường dài xa. Bấy giờ đức Phật biết tâm họ, nhân có một con sư tử đi đến lễ dưới chân Phật, rồi sang một bên, Phật lấy ba nhân duyên ấy nói kệ rằng:
“Không ngủ, đêm dài,
Mỏi mệt, đường dài,
Ngu, sanh tử dài,
Không biết chánh pháp”.
Phật bảo Tỳ-kheo: khi các người chưa xuất gia, tâm kia phóng dật ngủ nghỉ nhiều nên không biết đêm dài; nay đầu đêm, cuối đêm, chuyên tinh cầu đạo, tỉnh giảm ngủ nghỉ nên thấy đêm dài. Rừng Ca-tỳ-la-bà này trước các ngươi vốn cỡi xe dạo chơi, nên không biết xa; nay các ngươi mặc y ôm bát, đi bộ mệt mỏi, nên biết đường xa. Còn con sư tử này, từ thời đức Phật Tỳ-bà-thi, làm vị thầy Bà-la-môn, thấy phật thuyết pháp, đi đến chỗ Phật. Bấy giờ vì đại chúng đang nghe pháp, không cùng nói năng, sư tử mới nghĩ ác, phát lời ác mắng rằng: bọn trọc này, khác gì súc sanh, không biệt người tốt, không biết nói năng. Vì nghiệp ác khẩu ấy, nên từ thời đức Phật Tỳ-bà-thi cho đến nay, 91 kiếp, thường ra vào súc sanh. Người ấy lúc đó đáng lẽ đắc đạo, song vì ngu si mà tự làm cho sanh tử lâu dài. Nay ở chỗ Phật, vì tâm thanh tịnh nên sẽ được giải thoát.
Các Kinh như vậy gọi là xuất nhân duyên. Từ chỗ nào xuất? Từ trong ba tạng và Ðại thừa xuất ra, nên gọi là xuất. Sao gọi là nhân duyên? Là gốc của ba sự ấy (không ngủ, mỏi mệt, ngu không biết Chánh pháp) nên gọi là Nhân duyên Kinh.
Kinh Bổn sanh (Jataka – Xà-già-đà): nói về sự tích của Bồ-tát ở quá khứ, như xưa Bồ-tát từng làm con sư tử ở trong rừng, cùng với một con khỉ kết bạn thân, khỉ đem hai con gởi cho sư tử. Khi ấy có con chim ó, đói đi kiếm mồi, gặp sư tử đang ngủ, cố bắt sư tử con đem đi, đậu ở trên cây. Sư tử tỉnh dậy tìm khỉ con không được, thấy chim ó bắt đem trên cây, nói với chim ó: Ta nhận khỉ gởi hai đứa con, giữ không cẩn thận, để ngươi bắt đem đi, phụ lòng tin của khỉ, xin ngươi cho ta lại. Ta là chúa trong loài thú, ngươi là chúa trong loài chim, thế lực quý trọng ngang nhau, ngươi nên trả lại.
Chim ó nói: Ngươi không biết thời, ta nay đang đói, đâu cần luận đồng hay khác.
Sư tử biết nói vô ích, tự lấy móng sắc bén móc thịt ở vế đùi mình để đổi lấy khỉ con.
Lại trong đời quá khứ, nhân dân nhiều người mắc bệnh liệt, nóng da vàng trắng. Bấy giờ Bồ-tát làm thân cá đỏ, tự lấy thịt mình bố thí cho người bệnh, để cứu khổ họ.
Lại, xưa Bồ-tát làm thân một con chim, trú ở trong rừng, thấy một người đi vào trong nước sâu, không phải chỗ của người đi, bị vướng lưới của thủy thần. Theo phép lưới thủy thần, đã vướng, thì không thể nào gỡ được. Chim biết cách gỡ, liền bay đến núi hương, lấy một cành cỏ thuốc, đặt trên lưới kia, giây liền tiêu hoại, người được thoát khỏi.
Vô lượng việc đời trước cứu giúp như vậy; ấy gọi là Bản sanh kinh.
Kinh Phương Quảng (Vaipulya - Tỳ-phật-lược): gọi là Ðại thừa, đó là kinh Bát-nhã ba-la-mật; kinh sáu Ba-la-mật; kinh Hoa thủ; kinh Pháp Hoa; kinh Phật bản khởi nhân duyên; kinh Vân; kinh Pháp vân; kinh Ðại văn; vô lượng vô số các kinh như vậy, vì để chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên gọi là Tỳ-phật-lược.
Vị tằng hữu (Adbhuta-dharma – A-phù-đà-đạt-ma): như Phật hiện các thần thông, chúng sanh lấy làm lạ cho là việc chưa từng có. Ðó là lúc Phật sanh ra, thân phóng hào quang lớn, chiếu ba bgàn đại thiên thế giới và chỗ u ám; lại chiếu ba ngàn đại thiên thế giới của vô lượng chư Phật trong mười phương. Bấy giờ trước Phật mẫu có ao đẹp thanh tịnh, để tắm cho Bồ-tát, Phạm vương cầm lọng, Ðế-thích tắm thân, hai rồng phun nước.
Lại lúc mới sanh, không cần phò trì mà tự đi bảy bước, chỗ dấu chân đi đều có hoa sen, và cất tiếng nói: Ta là người độ hết thảy chúng sanh khỏi khổ, già, bệnh, chết. Ðất chấn động mạnh, trời mưa các hoa, cây phát âm thanh, trổi kỷ nhạc trời. Vô lượng việc hy hữu như vậy: ấy gọi là kinh Vị tằng hữu.
Kinh Luận nghị (Upadesa, Upatisa – Ưu-ba-đề-xá): đáp các câu hỏi, giải thích lý do. Lại nói rộng các nghĩa như Phật nói bốn đế, thế nào là bốn? Ðó là Bốn thánh đế. Những gì là bốn? Ðó là Khổ, Tập, Diệt, Ðạo thánh đế; ấy gọi là luận nghị. Thế nào là Khổ thánh đế? Ðó là tám khổ, là sanh khổ... Thế nào là sanh khổ? Ðó là các chúng sanh nơi chỗ sanh ra chịu khổ. Hỏi đáp như vậy, giải rộng nghĩa kia; ấy gọi là Ưu-ba-đề-xá (luận nghị). Như trong Ðại thừa, Phật dạy sáu Ba-la-mật: Những gì là sáu? Ðó là Ðàn ba-la-mật cho đến Bát-nhã ba-la-mật. Thế nàp là Ðàn ba-la-mật? Ðàn ba-la-mật có hai: 1. Ðầy đủ. 2. Không đầy đủ. Thế nào là đầy đủ? Bố thí hợp cùng với Bát-nhã ba-la-mật cho đến Bồ-tát Thập trụ thành tựu được, gọi là đầy đủ. Không đầy đủ là Bồ-tát mới phát tâm, chưa được vô sanh pháp nhẫn, chưa hợp cùng với Bát-nhã ba-la-mật; ấy gọi là không đầy đủ. Cho đến Thiền ba-la-mật cũng như vậy.
Bát-nhã ba-la-mật đầy đủ là có năng lực phương tiện lớn, chưa đầy đủ là không có năng lực phương tiện.
Lại nữa, Phật nói Luận nghị kinh, Ðại Ca-chiên-diên giải thích Khế kinh, cho đến trong đời tượng pháp, kẻ phàm phu đúng như pháp mà thuyết; ấy gọi là Ưu-ba-đề-xá.
Pháp hàng Thanh văn không nghe được là pháp Phật chỉ nói cho Bồ-tát, không có hàng Thanh văn nghe.
Lại nữa, Phật dùng lực thần thông, biến hóa thân vô số khắp mười phương thế giới nhất thừa nói pháp.
Lại nữa, Phật vì trời Dục giới, trời Sắc giới nói pháp không có các đệ tử, cho nên không được nghe.
Hỏi: Các A-la-hán được sáu thần thông, nếu lúc Phật thuyết pháp, tuy không ở tại tòa, mà dùng tai trời, mắt trời có thể nghe được thấy được; nếu dùng Túc mạng thông, thời biết luôn cả việc quá khứ, cớ sao nói không nghe được?
Đáp: Chỗ thần thông lực của Thanh văn không đến kịp, cho nên không nghe được.
Lại nữa, Phật vì các đại Bồ-tát nói kinh bất khả tư nghì giải thoát, Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên ở hai bên Phật mà không nghe được, vì không gieo nhân duyên nghe pháp tu hành Ðại thừa ấy; ví như người tọa thiền, khi vào định nhất thiết xứ, có thể quán hết thảy đều là nước, đều là lửa, mà người khác không trông thấy. Như trong kinh Bất Khả Tư Nghì Giải Thoát nói rộng.
Muốn thọ trì hết là nghe mà phụng hành là thọ, lâu dài không quên mất là trì.
(Hết cuốn 33 theo bản Hán)
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.21.12.122 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.