Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Quyển Trung gồm có sáu môn, Niệm Cứu Kính Giác là niệm ông Phật hiện tại chuyên chú vào một cảnh.
8. Niệm hiện tại phật chuyên chú vào một cảnh
Hỏi : Niệm vị lai Phật chính là chúng sanh đã nghe được huyền chỉ sự rộng, lý sâu, lại e tâm tán loạn khó thúc liễm, nay muốn dùng một để thấu suốt tất cả, chuyên niệm một vị Phật ở phương Tây, niệm một vị Phật để vào vị bất thối, bỏ tâm hữu lậu, chèo thuyền ở ao vàng ròng, lễ Phật Di Đà ở Điện Bạch Ngọc, dùng chung ba đời, mong vào chín phẩm có thể được chăng ?
Đáp : Luận Thập Trụ Tỳ Bà Sa, Bồ Tát Long Thọ y theo Kinh Hoa Nghiêm mà tạo luận. Trong luận có phẩm hạnh dễ làm viết : 'Đường thực hành của Bồ Tát có hạnh khó làm như người đi bộ vất vả gian nan; có hạnh dễ làm như người đi thuyền khỏe thân mà mau đến. Năng lực bổn nguyện của Phật A Di Đà, nếu người nghe danh xưng niệm, chính mình được về nước Cực Lạc kia, như thuyền nước xuôi gặp gió thuận, ngày vượt xa ngàn dặm đâu có khó gì ! Vì thế, Phụ Vương và quyến thuộc của Đức Thích Ca Như Lai, sáu muôn họ Thích đều sanh về cõi Cực Lạc vì Phật A Di Đà và chúng sinh trong thế giới này có duyên sâu dày, nên chuyên chú một cảnh, viên thông cả ba đời là điều rất tốt vậy.
Hỏi : Chuyên chú một cảnh, viên thông ba đời là điều rất tốt, nhưng xưng niệm tự tâm mình để được vãng sanh về nước kia là dùng hữu vi hư giả như gió làm nhiều sóng, đâu chẳng tưởng bậy ở bên ngoài, mình chỉ nhiếp tâm ở bên trong làm sao hợp với ý chỉ vô vi ?
Đáp : Hữu vi tuy hư giả bỏ đi thì đạo nghiệp khó thành, vô vi tuy thật lấy đó thì tâm huệ không sáng. Trong kinh dạy : 'Nhàm lìa công đức hữu vi là ma nghiệp, ưa đắm công đức vô vi cũng là ma nghiệp. Ông nay chán hay vui sự giao tranh đâu chẳng lạc vào hang quỷ ư ? Nếu Thánh Hiền nhiếp tâm gọi là nội, Phàm phu đã tưởng gọi là ngoại, nếu cho chạy bên ngoài là loạn, trụ ở bên trong là định. Chỗ chạy loạn bên ngoài hoặc bên trong đều không phải là ý của chỗ nhiếp tâm của niệm Phật Tam Muội. Trong phần chú kinh Duy Ma Cật, Pháp Sư La Thập kể : Ở nước ngoài có một người con gái rất đẹp, thân thể như vàng ròng, có người con của một vị trưởng giả tên là Đạt Mộ Đa La dùng một ngàn lượng vàng để cưới, khi rước dâu đi ngang Tinh Xá Trúc Lâm, Bồ Tát Văn Thù ở trên đường biến thân một nữ cư sĩ, mặc bộ đồ rất quý báu sang trọng, người nữ thấy rồi lòng tham phát khởi, muốn được bộ đồ đẹp ấy. Ngài Văn Thù nói : Nếu cô muốn được bộ đồ đẹp này, cô phải phát Tâm Bồ Đề, tôi sẽ tặng cho. Người nữ hỏi thế nào là Tâm Bồ Đề ? Ngài Văn Thù trả lời : Chính là thân cô đấy ! Cô ta hỏi : đó là ý nghĩa gì ? Ngài Văn Thù đáp : Tánh Bồ Đề vốn không, thân của cô cũng không. Người con gái đời trước đã từng ở nơi Phật Ca Diếp gieo trồng nhiều căn lành, rộng tu trí huệ, nghe lời ấy rồi liền chứng được Vô Sanh Pháp Nhẫn. Được Pháp Nhẫn rồi mới biết sự ham muốn của mình là sai, liền cùng con ông trưởng giả đi vào rừng. Khi vào rừng, cô ta hiện tướng ngất xỉu mà qua đời, thời gian sau thân thể sình chương hôi thối. Con ông Trưởng giả thấy thế rất sợ, tìm đến Tinh Xá, Phật thuyết pháp cho ông cũng được Pháp Nhẫn. Người Đại Giác chưa thành, chưa rảnh rỗi việc nên gọi là nhẫn, như tự quán thật tướng của thân, quán Phật cũng vậy, nữ thân không, thân Phật cũng không, đâu có gì là. Nếu được như thế thì tất cả hữu vi là vô vi, tất cả trong ngoài không phải trong ngoài. Vì thế, ở chỗ có mà chưa từng có, có mà thường không, ở chỗ không mà chưa từng không, không mà hằng có thì nào lo gì Phật có tướng tâm có niệm.
9. Đời này đời sau một niệm mười niệm
Hỏi : Đã nói về chỗ dễ làm và khó làm, quán thân là Bồ Đề ý chỉ đã rõ ràng, người sống ở đời mong manh như điện chớp, nếu để một niệm dần dà ăn năn không kịp. Người tu hành, biết tâm vô thường huống là thân, thân còn vô thường huống là vật ngoài thân. Một khi hơi thở ra không trở vào liền thuộc đời sau, gió nghiệp thổi bồng bềnh, mờ mờ không biết về đâu, dám mong chỉ cho thế nào một niệm và mười niệm vãng sanh và cái kế của đời này và đời sau thế nào ?
Đáp : Pháp môn Tịnh Độ công năng rất lớn, hàng Nhị Thừa thì lắng thần hư vô, chìm không sợ tướng, không nhớ chúng sanh, nên nói không có Tịnh Độ, nhưng Đại Thừa luôn luôn nhắc nhở. Kinh Bi Hoa dạy : Phật Di Đà xưa là một Chuyển luân vương tên là Vô Tránh Niệm có rất nhiều của báu và con cái. Nhờ có ông thiện tri thức là Bảo Hải đại thần hướng dẫn mà Ngài ở trước Phật Bảo Tạng phát Bồ Đề tâm, trang nghiêm Tịnh Độ Cực Lạc ở phương Tây, trong Kinh nói các Phật, Bồ tát, Thinh Văn đều là con cái của Ngài. Trưởng Thái Tử tên Bất Thuần là Đức Quan Thế Âm, con thứ tên Ma Ni là Đức Đại Thế Chí, con thứ tên Vương Chúng là Đức Văn Thù Sư Lợi, con thứ tên Dẫn Đồ là Đức Phổ Hiền, con thứ tên Năng Già Nô là Bồ Tát Kim Cang Trí Quang Minh, con thứ tên Vô Úy là Như Lai Liên Hoa Tôn, con thứ Am Bà La là Bồ Tát Hư Không Quang Minh, con thứ tên Hương Tý là Bồ Tát Sư Tử Hương, con thứ tên Mật Tô là Phật A Súc. Mật Tô từ khi phát tâm tu hành, thường dùng phương pháp ký số niệm Phật theo từng bước đi, nhờ đó mà mau thành chánh giác, hôm nay đã thành Phật ở nước Diệu Lạc. Chúng ta ngày nay trong lúc đi bộ ở đường cái hay dạo bước ở vườn rừng, đều nên bắt chước phương pháp niệm Phật của Ngài Mật Tô. Dù ở chốn đế đô, người qua kẻ lại, xe ngựa rộn ràng, không khí rộn rịp, ta luôn luôn nghĩ đến sinh tử là việc lớn, cần phải dụng tâm niệm Phật theo mỗi bước chân đi. Cõi đời thân người mong manh, sanh tử chỉ trong hơi thở, bất kỳ thời gian nào dù đang súc miệng, chải tóc đều cùng là bờ mé của sinh tử. Người đời phần nhiều lấy ngọc, gỗ, đá làm số châu niệm Phật, riêng tôi chỉ lấy hơi thở làm niệm châu, niệm danh hiệu Phật theo hơi thở, mỗi hơi thở là một câu, có nhiều lợi ích, không lo gì một hơi thở không trở lại liền thành đời sau. Ông nên đi đứng ngồi nằm thường dùng loại châu này để niệm Phật. Dù sắp ngủ cũng ngậm ông Phật mà ngủ, thức dậy lại tiếp tục. Chắc chắn ở trong mộng được thấy Phật A Di Đà, như người cọ lửa vừa thấy khói sanh lửa liền cháy sáng. Nếu trong mộng mà vẫn thực hành được pháp tu này thì Niệm Phật Tam Muội liền thành, tạng mặt gặp Phật A Di Đà, xin Ngài thọ ký, chắc được kết quả, ông hãy gắng đó.
Hỏi : Một niệm, mười niệm vãng sanh Tịnh Độ lấy cái nào làm chánh?
Đáp : Một niệm vãng sanh vào địa vị bất thối làm chánh. Như Phật dạy: Chê Phật, hủy kinh, đánh tăng, làm nhục bực tôn túc, thuộc về tội ngũ nghịch, tứ trọng đều do một niệm mà thành, bị đọa vào địa ngục nhanh như tên bắn. Hôm nay người niệm Phật sanh Tịnh Độ là nhất niệm thiện nghiệp thành tựu, được về Cực Lạc nhanh như khảy móng tay. Một niệm trước năm ấm diệt một niệm sau năm ấm sanh, như ấn sáp in vào bùn, ấn tan thì văn thành không có hai niệm. Ngày xưa có vị Sa Di ưa tô lạc, một niệm sanh ưa thích, sau sanh làm con trùng ở trong lạc. Vợ của ông Trưởng giả Đại Tát Bà, ngồi đối với gương sáng, soi gương tự khởi một niệm ưa thích thân mình, sau đó gió thổi chìm thuyền, bà sanh làm con trùng ở trong tử thi. Tất cả đều do một niệm mà ra. Trong kinh Vô Lượng Thọ viết: người có một niệm niệm Phật đều được vãng sanh. Quán Kinh dạy 10 niệm vì người tật bịnh yếu ớt, sức kém, tâm yếu, nên lấy 10 niệm xưng danh để giúp cho một niệm. Nếu tâm mạnh mẽ, không mê, chỉ cần một niệm cũng đủ sanh rồi không có gì lo ngại.
10. Tâm ấy là phật, tâm ấy làm Phật
Hỏi : Trong kinh có nói rõ tâm ấy là Phật, tâm ấy làm Phật. Vì sao lại xưng niệm danh hiệu của Phật A Di Đà ở phương xa, giữ tướng Cực Lạc, có phải là từ ngoài tâm mà tìm Phật không ?
Đáp : Câu hỏi của ông là dẫn từ Quán Kinh, ý chính nói rõ về niệm Phật A Di Đà, vì nhớ Phật nên Phật từ trong tưởng mà sinh ra, nên nói tâm ấy là Phật. Đâu thể trộm lấy phương pháp Quán Tưởng Phật A Di Đà mà xoay lại nói tâm mình là Phật A Di Đà. Nếu nói rằng không cần xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà mà tâm ấy là Phật, cũng như không tưởng ác mà tâm ấy là tâm ác. Đem so sánh thì biết. Huống nữa Đức Phật A Di Đà là Bậc Chí Tôn ở nuớc Cực Lạc. Nước Cực Lạc cách đây mười muôn ức cõi Phật, núi Tu Di đều là vật ở trong tâm nên không làm nhãn căn ta chướng ngại, hằng hà sa tướng hảo, do sức nguyện lực của Phật mà tưởng thành, khảy móng tay liền được vãng sanh, đâu cần vọng tình cõi kia xa gần.
Hỏi :Ánh sáng của Phật, ánh sáng của Ma, tự quán và tha quán, tà chánh lộn xộn mong được khai thị rõ ràng từng điểm một ?
Đáp : Y theo tưởng mà hiện gọi là tự mình quán, đó là Chánh quán. Không y theo tưởng mà hiện gọi là tha quán, cũng là Tà quán. Như ta quán tưởng Bạch hào mà bạch hào không hiện, trong lúc ấy chưa tưởng mắt xanh mà mắt xanh hiện là trái với bản tâm, huống là các tưởng khác. Ánh sáng của Phật êm dịu, không bóng và không chói mắt, ánh sáng của ma thì có bóng và chói mắt. Kinh Lăng Nghiêm dạy : Ánh sáng của Ma chiếu đến làm ta nóng xót như lửa hừng, ánh sáng của Phật mát mẻ không chói mắt. Lại nữa : Ánh sáng của Phật làm người niệm Phật thân tâm lặng lẽ thanh tịnh, ánh sáng của Ma làm người niệm Phật cảm thấy tâm bồn chồn hoảng hốt. Kinh Niết bàn dạy : 'Trong suốt thanh tịnh là chơn giải thoát.'
Hỏi : Bậc chí nhân không có lo nghĩ, ở đây nói dùng tưởng, đâu chẳng sai lầm ư ?
Đáp : Kinh Đại Oai Đức Đà La Ni dạy : 'Muốn vượt qua ba cõi và kiến tư hoặc cần phải phát khởi tâm muốn, Tưởng không phải là Tâm ham muốn. Đây cần kể rõ : 'Muốn tu niệm Phật cần phải phát tâm tưởng, tưởng mà không có tưởng.' Kinh Phương Đẳng Hiền Hộ dạy : 'Người có ham muốn ác tưởng đến người nữ, mộng thấy người nữ, có ham muốn thiện tưởng Phật, mộng thấy Phật. Hai tưởng tuy đồng tên mà thiện và ác cách xa một trời một vực, vì thế không thể nghe nói tưởng mà sanh nhàm chán. Nếu quả nhàm chán chắc sanh về cõi trời Vô tưởng. Nếu chấp vô tưởng mà chê tưởng Phật thì vĩnh viễn rơi vào Địa ngục A Tỳ. Trong mười phương, đâu hy vọng được đến Thiên Cung! Huống nữa các cõi trời, chẳng phải là con đường giải thoát. Kinh Niết bàn dạy: 'Người nghe trống độc, xa gần đều chết.' Ở đây cũng như vậy, người bát không theo tưởng, xa gần đều bị đọa. Kinh dạy : Hoặc có người được sanh lên các cõi Trời, lên cao xuống thấp cuối cùng cũng bị đọa. Phàm nâng thuyền hay úp thuyền đều do nước, hoặc đứng hoặc té đều từ đất. Tưởng Vọng tức chúng sanh, tưởng Chơn tức chư Phật, lìa ngoài tưởng ra còn dùng được gì ? Kinh Ban Chu dạy : Tâm khởi tưởng là si, vô tưởng là niết bàn. Nên biết rằng người có tâm năng tưởng, tưởng Ông Phật sở tưởng hoặc lấy tưởng Phật, lấy chấp không làm vô tưởng đều thuộc về si. Hôm nay chúng ta rõ Phật từ tưởng sanh, không Phật cũng không tưởng làm gì có si. Đây chính là Quán Không Tam Muội, không có tà kiến. Phàm là bậc chí chơn, rõ chơn thể tịch tịnh, tâm thường rỗng rang như hư không, muôn pháp đều chiếu, tâm chưa từng chấp có, đấy là vô duyên của chơn trí, nên gọi là vô niệm, tục trí có duyên, tưởng niệm liền sinh. Lại nữa tưởng chẳng khác không, không chẳng khác tưởng, đó chính là Trung Đạo Đệ Nhất nghĩa đế, đây là hiển pháp thân. Không chẳng khác tưởng là tục đế, hằng sa muôn đức đều y theo tục đế, đây là hiển Báo thân. Tưởng tức không là chơn đế, phá 25 hữu, được 25 tam muội, thường không thường giáo hóa, hòa quang đồng trần, lợi vật độ sanh, đây là hiển thị Hóa thân. Như thế thì lấy Tam quán, quán tam đế, quán tam đế chứng tam Đức, thành tam Thân, cho đến 10 loại, ba pháp có chỗ nào chẳng được mà muốn bỏ cái tưởng thanh tịnh để lấy cái tưởng của vô tưởng ư. Các Kinh Lăng Nghiêm, Mật Nghiêm đều dạy : 'Thà khởi hữu kiến như núi Tu Di, chẳng khởi cái không kiến bằng hạt cải.' Người tin có nhân quả còn tưởng niệm Phật sanh về Tịnh độ Cực Lạc, người bát không nhơn quả, chê việc niệm Phật chắc bị đọa địa ngục A Tỳ. Than ôi ! Há chẳng sợ ư!
11. Cao tiếng niệm phật mặt hướng về tây
Hỏi : Tưởng tức vô tưởng, tôi đã nghe qua. Trong Kinh Phương Đẳng dạy : Tu vô thượng Thâm Diệu Thiền Định, phải tưởng bạch hào liên tục, gồm xưng danh hiệu Phật để cầu được thắng định, đã khế hợp rồi, tâm và Phật đều quên, là có đủ niềm tin rồi vậy. Chỉ cần mặc niệm làm suối tâm tự trong, tam muội tự đến, hà tất niệm tiếng vang làng xóm, rền khắp núi rừng, như vậy cho là đạo sao ?
Đáp : Âm thinh là việc tốt để tu hành, phàm chỗ cốt yếu để trị bịnh hôn trầm hay tán loạn, cần phải dùng tiếng, nếu tiếng không rõ, thì tâm bồng bềnh không định. Có 5 nghĩa :
1. Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, tiếng niệm Phật cũng vậy, dùng một tiếng tận lực, tất cả phiền niệm như mây tan biến.
2. Tiếng niệm Phật vang đến đâu, tất cả ác quỷ đều xa lìa, nên làm cho Công Đức Tòng lâm ngàn năm hưng thịnh.
3. Người xưa cao tiếng niệm Phật, liền thấy tướng tốt, Phật hiện diệu tướng, hoa tán hư không.
4. Như người kéo gỗ đá, một người xướng lớn, nhiều người hòa theo chuyển vật nặng thành nhẹ, nhờ tiếng giúp mà có sức mạnh.
5. Khi hai bên giao chiến, thắng bại chưa phân, nếu có một phía dùng tiếng để khích lòng quân có thể phá cường địch, có thể dùng trống, hoặc tiếng nói để thúc dục. Người tu tam muội trước phải cao tiếng niệm Phật là chỉ, lặng lẽ tưởng bạch hào là quán, cao tiếng niệm Phật dứt được tán loạn và hôn trầm, tâm tưởng bạch hào mới được yên tịnh. Dụng công như vậy Phật chắc gia hộ vì phù hợp với ý Phật. Trong lời tựa quyển Niệm Phật Tam Muội dạy : 'Công cao dễ tiến, niệm Phật là trước, lời niệm Phật vừa vang ra, trần lụy liền tiêu. Nếu tình trần đã tiêu thì huệ tâm liền sáng, chỗ chí diệu thoát khỏi trần lao, không do âm thinh niệm Phật thì không ai làm được'. Kinh Hoa Nghiêm dạy : 'Thà chịu vô lượng khổ mà nghe được âm thinh Phật, còn hơn thọ tất cả vui, mà không nghe hiệu Phật.' Vì thế, tiếng niệm Phật vừa vang, khai mở hạt giống Phật, như sấm chớp mùa xuân làm cây cỏ mọc mầm, đâu được khinh chê ư ?
Hỏi : Tịnh Độ trong 10 phương đều có Như Lai, vì sao mặt cứ hướng Tây, đâu chẳng phải là trệ chấp ư ?
Đáp : Đây là lời Phật dạy trong kinh Phương Đẳng đã nói như thế, chẳng phải là ý của các Sư. Người không thuận theo ý kinh là người chê Pháp. Người si thấy Đức Quan Âm có 11 mặt, lại vấn nạn tại sao không vẽ 12 mặt. Nếu có tượng họa 12 mặt lại vấn nạn tại sao không vẽ 11 mặt. Nếu chạy theo hý luận như thế là người si vậy. Kinh Thắng Thiên Vương dạy : ' Đức Như Lai có 80 cách đẹp, tùy theo công đức mà phát lộ hào quang gọi là hướng tới mà quay vào người khác. Nên biết Phật mặt thường hướng về tất cả chúng sinh, hành giả một hướng tất cả hướng đâu không có sự sai khác kia đây, phân biệt hướng tới quay lưng. Xưa Trí Giả Đại Sư từ thiếu niên xuất gia đến 60 tuổi, nằm thì chắp tay, ngồi mặt luôn luôn hướng về Tây, khi sắp vãng sanh, bảo tăng chúng đọc 48 đại nguyện chương cửu phẩm quán, hào quang sáng khắp núi, nhạc trời tấu vang, Ngài ngồi hướng mặt về Tây mà tịch. Vì thế, việc hướng mặt về Tây là việc lớn của người tu Tịnh Độ vậy.
Hỏi : Diệu môn của Tịnh Độ, đại nghĩa của ban chu như thế nào ? Nhưng gần đây, người được về An Dưỡng đã không báo cho nhau làm sao biết được chỗ đến ?
Đáp : Ban Chu là chữ Phạn, Tàu dịch là hiện tiền, ý nói tư duy chẳng dứt, Phật hiện ngay trong định. Hành giả lấy 90 ngày làm hạn kỳ đây chỉ là định kỳ trợ duyên chứ không phải nghĩa chính. Ngày xưa Pháp sư Huệ Viễn ở Lô Sơn theo Tam Tạng Phật Đà Bạt Đà La nhận pháp niệm Phật Tam Muội cùng em là Huệ Trí, Cao Tăng Huệ Vĩnh, các bậc triều hiền quý sĩ, các bậc ẩn dật trong sạch như Tôn Bính, Trương Giã, Lưu Di Dân, Lôi Thứ Tôn, Châu Thục Chi, Khuyết Công Tắc gồm chung có 123 người, làm lời minh thệ ở Lô Sơn, đều được Tam Muội, đều sanh về Tịnh Độ. Trong 123 người ấy chỉ có Ông Khuyết Công Tắc nguyện được vãng sanh sẽ trở về báo tin. Sau khi Ông Tắc viên tịch, những người bạn hữu còn lại, một đêm ở Đông Kinh, chùa Bạch Mã, vì Ông Khuyết Công Tắc mà đọc kinh truy điệu. Khi ấy ở trong điện, ngoài rừng đều trở thành màu vàng. Ở trên không có tiếng nói : 'Tôi là Khuyết Công Tắc, cầu sanh về Cực Lạc nay đã kết quả nên trở về báo cho biết'. Nói rồi, không còn thấy nữa. Chi Đạo Lâm có làm bài tán :' Lành thay Khuyết Công, thần thức hiển linh, hồn về Tây Vức, chứng nghiệm Đông Kinh, bồi hồi tưởng nhớ, lưu lại bóng hình, nay làm bài tán, chỉ rõ hành trình.' Ngu Hiếu Kỉnh cũng có bài tán : 'Lạ thay Công Tắc, thấm nhuần pháp vị, biết ta mong cầu, hiện điều tôn quý, hào quang chiếu sáng, dáng vẻ xưa nay, không bỏ hữu duyên, cho mọi người hay.'
12. Nhất tâm như mộng và tỉnh để làm sáng tỏ tam muội
Hỏi : Phật dạy : Tất cả pháp như mộng, chẳng biết người niệm Phật sanh về Tịnh độ cũng như mộng chăng ? Nếu chẳng phải như mộng thì Phật ở ngoài tâm, nếu là như mộng thì khi mộng thấy được vàng, thức rồi không có, thật hoàn toàn là giả dối, chẳng được vật gì ?
Đáp : Ý kệ là chỉ pháp của chúng sanh trong cữu giới, đó là pháp hữu vi, nên nói như mộng, còn niệm Phật là pháp xuất thế của chư Phật, nên phải nói như tỉnh (giác). Cổ nhân nói : 'Tâm mê như mộng là chúng sinh trong chín cõi (cữu giới), Tâm ngộ như tỉnh (giác) là Pháp giới của chư Phật'. Người nằm mộng thấy được vàng là vì họ chạy theo vọng, còn niệm Phật sanh Tịnh độ là chơn nên không phải mộng. Như người tập thiên nhãn, trước tưởng ánh sáng của hạt châu lửa, tưởng mãi chẳng thôi, liền phát thiên nhãn thật, lúc đó ai nói là thiên nhãn giả. Kinh Hoa Nghiêm nói: 'Tâm, Phật và chúng sanh, ba thứ ấy không sai khác. Tâm mê như mộng là chúng sanh trong chín cõi, tâm ngộ như tỉnh là pháp giới của chư Phật, mê ngộ đều ở trong nhất tâm, mộng và tỉnh từng không có hai vết.' Kinh nói : Rõ vọng gốc từ chơn liền thấy Đức Lô Xá Na dù mộng là vọng cũng đâu có hại gì !
13. Niệm ba thân phật phá ba thứ chướng.
Hỏi : Phật có ba thân làm sao nhớ niệm ?
Đáp : Phật tuy có ba thân, nhưng vẫn là một : Pháp thân như mặt trăng, báo thân như ánh sáng mặt trăng, hóa thân như bóng nguyệt trong nước. Không thể nói là một, vì mặt trăng trong nước mọi thứ đều khác nhau, không thể nói là nhiều vì mặt trăng là một. Như chữ y có ba điểm, như Ma Hê có ba mắt, ngang dọc đều khác, thật không thể nghĩ bàn.
Kinh dạy : Hoặc hiện đại thân đầy khắp hư không, hoặc hiện to thân cao một trượng sáu, tất cả đều là ông Phật ở trong tâm thủy của chúng sanh. Phật còn chẳng có hình làm gì có hai. Cõi tịnh cõi uế cũng đều từ trong tâm chúng sanh mà có. Nếu muốn đem niệm ba thân Phật để phá ba chướng, xin giải rõ. Sở dĩ điều sinh ra thân Phật là từ chỉ và quán, vì chỉ quán không quân bình nên các chướng khởi ra. Người niệm Phật tu chỉ bị trầm (chìm) thì chướng hôn ám khởi lên làm chướng Hóa thân Phật, lúc ấy cần phải dùng tâm quán để sách tấn, niệm bạch hào tướng phá tướng hôn ám. Tu quán bị tâm phù, không ác nào chẳng tạo (vọng niệm phân vân) thuộc về chướng ác nghiệp, làm chướng ngại báo thân Phật, lại phải tu chỉ, ngăn tất cả ác niệm. Chư Phật có hằng hà sa công đức, trí huệ viên mãn, đối với nhân gọi là báo, phá được chướng ác nghiệp. Nếu chướng phiền não và sở tri hai bên cùng khởi, đổi dạng khác hình, muôn tướng phân vân, hai giặc lôi kéo làm chướng Pháp thân Phật, phải dùng Trung Đạo đệ nhất nghĩa không phá đó. Có kệ rằng : “Không sắc không hình tướng, không gốc không chỗ trụ, không sanh cũng không diệt, kính lễ không sở quán”. Lý của sở quán như bị gió mạnh thổi tan khói lam làm sáng tỏ pháp thân mặt nguyệt trong sạch phá bức não chướng. Tùy bệnh cho thuốc, người phải cần hiểu rõ. Ta đã hóa người, người cũng hóa vật, vật và ta đều thành sự sự vô ngại, Tam muội càng thạnh, chúng sanh vô tận, tam muội bất tuyệt.
Sáu môn ở trên là niệm hiện tại A Di Đà Phật, ý thông cả chư Phật ba đời. Rộng như trong An Lạc Tập, Thập Nghi Luận, Thích Quán Nghi Luận, Vãng sanh truyện, Pháp Bữu nghĩa luận, và Vô Thượng Thâm Diệu Thiền môn truyện có nói rõ.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.195.180 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.