Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác.
Kinh Pháp cú
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm thứ sáu: THIỆN NGHIỆP ÐẠO
Lại nữa, này thiện nam tử! Nếu đại Bồ-tát nào có thể suốt đời xa lìa sân hận thì được tất cả chúng sanh thương yêu, tâm vị ấy thanh tịnh, lìa hết mọi cấu uế. Do đó, thiện căn dần dần được thành thục. Chúng sanh từ bao đời trước ra vào trong năm đường, chìm đắm mãi trong biển sanh tử luân hồi là do sân giận nên thân, miệng, ý tạo ra không biết bao nhiêu ác nghiệp chướng, phiền não chướng, hữu tình chướng, tất cả pháp chướng và vô minh chướng; tự mình làm hay dạy người làm, thấy nghe đều tùy hỷ.
Lại cũng do xa lìa tâm sân hận này nên chuyển hết mọi hoặc nghiệp, không còn sót lại, không thọ quả báo. Ở đời này được trời, người thương mến, không nghi ngờ. Tâm vị ấy thanh tịnh, lìa mọi cấu uế nên khi lâm chung thân tâm đều không bị các sự buồn khổ bức bách, cũng không bị sự luyến ái của vợ con quyến thuộc quấy nhiễu. Lúc lâm chung không bị vua Diêm ma quấy nhiễu làm cho sợ hãi mà tâm ý vui vẻ, thành thục, chỉ nghĩ đến thiện pháp và những bậc đầy đủ giới, phước đức, là ruộng phước chân thật làm thiện tri thức. Thân tâm vui vẻ phát sanh lòng thành kính sâu xa. Khi mạng căn đã hết, liền được tái sanh vào cõi người, được các căn đầy đủ, thân thể vẹn toàn, sanh ra ở đâu tâm người ấy cũng được thanh tịnh, xa lìa mọi cấu uế, thân lại được xinh đẹp, thông minh, gặp mọi điều an ổn, hỷ lạc. Lại gặp được người có đầy đủ giới, phước đức, thành thục mọi thiện pháp, là ruộng phước chân thật làm bạn thiện tri thức, nương theo vị ấy tu học, lìa xa các pháp sân giận. Như thế mới có thể đoạn trừ tất cả các pháp ác bất thiện, thành tựu tất cả các pháp thiện thù thắng. Vị ấy có thể tìm cầu tất cả giáo nghĩa Ðại thừa, có thể tu tất cả hạnh nguyện Bồ-tát, dần dần thể nhập biển trí tuệ mênh mông, cho đến chứng đắc đạo quả Vô thượng Bồ-đề.
Người ở cõi Phật thì xa lìa hết các uế trược, như gió, mây, uất khí, bụi trần cùng các vật dơ xấu, được các châu báu trang nghiêm, rất là ưa thích. Tâm không còn kiêu mạn, dung mạo đoan chánh, uy nghiêm, các căn không thiếu khuyết, tâm thường tịch tịnh. Các hữu tình như vậy thì được sanh vào cõi nước đó, được trang nghiêm đầy đủ bằng các công đức từ bi.
Ðức Như Lai tự thân thọ mạng vô lượng, nhưng tùy cơ thuyết pháp cho các hữu tình, để sau khi nhập Niết-bàn chánh pháp vẫn được trụ lâu ở đời, đem lại lợi ích an lạc cho các chúng hữu tình.
Này thiện nam tử! Ðó gọi là luân thứ chín xa lìa sân giận của đại Bồ-tát. Nếu đại Bồ-tát nào thành tựu được luân này thì đối với Thanh văn thừa không còn lầm lạc, đối với bậc Thanh văn thừa không còn lầm lạc; đối với Ðộc giác thừa không còn lầm lạc, đối với bậc Ðộc giác thừa không còn lầm lạc; đối với Ðại thừa không còn lầm lạc, đối với bậc Ðại thừa không còn lầm lạc; thường hay làm hưng thịnh dòng giống Tam bảo. Khi làm đệ tử xuất gia của chư Phật, hoặc là pháp khí hay không là pháp khí, cho đến chỉ đắp một mảnh vải ca-sa, cạo bỏ râu tóc cũng đều không còn lầm lạc; ở trong pháp Ðại thừa thường được thăng tiến, không có thối chuyển, phước huệ thù thắng đều được tăng trưởng. Với các pháp định, đà-la-ni, các pháp Thập nhẫn, Thập địa đều được tự tại, không có thối chuyển. Thường được gặp bậc thiện tri thức, cùng tùy thuận theo. Thường được thấy tất cả chư Phật cùng hàng đệ tử Thanh văn, Bồ-tát. Thường được nghe giáo pháp, được gần gũi cúng dường chúng Tăng. Ðối với các căn lành thường tinh tấn mong cầu mà tâm không hề nhàm chán. Thường phát tâm Bồ-đề tu các hạnh nguyện mà không nhàm chán. Ðó là được các quả báo đã nói rộng ở trước.
Lại nữa, này thiện nam tử! Nếu đại Bồ-tát nào có thể trọn đời xa lìa các tà kiến thì được tất cả chúng sanh thương yêu, tâm vị ấy thanh tịnh, xa lìa mọi sự phân biệt, tà vọng; do đó thiện căn mau được thành thục. Nhiều đời luân chuyển trong năm đường, đắm chìm trong biển sanh tử cũng do nhân tà kiến mà ra. Thân, ngữ, ý tạo ra các nghiệp ác chướng, phiền não chướng, các hữu tình chướng cùng tất cả pháp chướng làm chướng ngại chánh kiến. Tự làm hay dạy người làm, thấy nghe đều tùy hỷ. Do xa lìa các bánh xe tà kiến này mà diệt trừ hết phiền não, không còn thọ quả báo, ngay trong đời này được trời người thương mến, không nghi ngờ, thân tâm đều được an vui. Tâm vị ấy thanh tịnh, lìa xa mọi tà kiến phân biệt. Khi lâm chung, thân và tâm không bị các sự khổ não bức bách, không bị sự luyến ái của vợ con quyến thuộc quấy nhiễu. Khi lâm chung, không bị vua Diêm ma quấy nhiễu làm cho sợ hãi mà tâm ý vui vẻ, thành thục; chỉ nghĩ đến thiện pháp và những bậc đầy đủ giới, phước đức, là ruộng phước chân thật làm bạn thiện tri thức, phát sanh lòng hoan hỷ, tin kính sâu xa. Khi đã qua đời, nếu trở lại trong cõi người thì các căn đầy đủ, thân thể vẹn toàn, sanh ra nơi nào tâm người ấy cũng được thanh tịnh, xa lìa các tà kiến phân biệt, được thân xinh đẹp thông minh, an ổn khoái lạc; lại được gặp bạn thiện tri thức có đầy đủ giới, phước đức, là ruộng phước chân thật, thành tựu các thiện pháp, nương theo vị ấy tu học, xa lìa hết tà kiến, đoạn trừ tất cả pháp ác bất thiện, thành tựu tất cả thiện pháp thù thắng, cầu học mọi giáo nghĩa Ðại thừa, có thể tu tất cả hạnh nguyện Bồ-tát, dần dần thể nhập vào trong biển lớn Ðại thừa, cho đến chứng đắc Vô thượng Bồ-đề, vào ở cõi Phật; xa lìa các nhân pháp nhị thừa Thanh văn, Ðộc giác; xa lìa các đồ chúng trong cõi Thiên ma; cũng không làm bạn với ngoại đạo; được các châu báu trang nghiêm rất là ưa thích; xa lìa mọi điều kiết hung, vọng chấp thường kiến, đoạn kiến, ngã và ngã sở kiến.
Các loại hữu tình như vậy thì được sanh vào cõi nước ấy, được tuổi thọ lâu dài, được thọ dụng một vị, gọi là vị Ðại thừa. Như Lai tự thân thọ mạng vô lượng, nhưng vì các hữu tình mà tùy cơ thuyết pháp, để sau khi nhập Niết-bàn chánh pháp vẫn được trụ lâu ở đời, đem lại lợi ích an lạc cho vô lượng hữu tình. Thánh giáo chỉ có một vị, không chống trái nhau, được lưu thông rộng rãi, xa lìa các chướng nạn.
Này thiện nam tử! Ðó gọi là luân thứ mười xa lìa tà kiến của đại Bồ-tát. Ðại Bồ-tát nào thành tựu luân này, đối với Thanh văn thừa được không lầm lạc, đối với bậc Thanh văn thừa được không lầm lạc; đối với Ðộc giác thừa được không lầm lạc, đối với bậc Ðộc giác thừa được không lầm lạc; đối với Ðại thừa được không lầm lạc, đối với bậc Ðại thừa được không lầm lạc; thường làm hưng thịnh dòng giống Tam bảo. Ðối với hàng đệ tử xuất gia của chư Như Lai hoặc là bậc pháp khí, hoặc không phải là bậc pháp khí, cho đến chỉ quấn một mảnh ca-sa, cạo bỏ râu tóc đều không có lầm lạc. Ở trong pháp Ðại thừa thường được thăng tiến mà không thối chuyển, phước huệ thù thắng đều được tăng trưởng. Ðối với các pháp thiền định, đà-la-ni, các pháp nhẫn, pháp địa mau được tự tại không còn thối chuyển; thường gặp các thiện tri thức cùng tùy thuận theo; thường được thấy tất cả chư Phật và hàng đệ tử Thanh văn, Bồ-tát; được nghe chánh pháp, được gần gũi cúng dường Tăng chúng. Ðối với các căn lành thường tinh tấn mong cầu, không hề nhàm chán, thường phát tâm Bồ-đề, tu các hạnh nguyện sáu Ba-la-mật mà không nhàm chán... Ðược các quả báo như đã nói rộng ở trước.
Này thiện nam tử! Ðại Bồ-tát nào thành tựu được mười pháp luân như vậy có thể mau chứng đắc quả A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-Bồ-đề. Vì sao? - Vì ở đời quá khứ, tất cả Như Lai Ứng chánh đẳng giác đều xa lìa mười nghiệp đạo ác, đều khen ngợi tán thán mười nghiệp đạo thiện này mà được phước báo; vì muốn trưởng dưỡng tất cả chúng sanh đều được lợi ích an lạc trong đạo Bồ-đề; vì muốn diệt trừ tất cả khổ phiền não cho chúng sanh, không còn một chút mảy may nào; vì muốn làm khô cạn ba đường ác; vì muốn làm hưng thịnh dòng giống Tam bảo; vì muốn đoạn trừ tam giới; vì muốn chấm dứt uẩn, xứ, giới; vì muốn làm cho tất cả chúng sanh mau vào thành Niết-bàn vô úy... Xa lìa mười nghiệp đạo bất thiện nói rộng như trên sẽ được phước báo.
Vì thế, này thiện nam tử! Nếu không mong cầu một cách chân thật mười nghiệp đạo thiện như vậy để chứng thành quả Phật, cho đến cũng không chân thật giữ gìn nghiệp đạo thiện nào, đến khi mạng chung mà tự xưng rằng: “Ta là bậc chân thật hành pháp Ðại thừa, ta cầu Vô thượng chánh đẳng chánh giác”, nên biết người như thế là dối gạt vô cùng, là đại vọng ngữ; đối trước chư Phật Thế Tôn khắp mười phương thế giới làm mê hoặc thế gian mà không biết tàm quý; nói các pháp là không, là đoạn kiến để dụ dỗ, lừa dối người ngu si; đến khi qua đời sẽ đọa vào đường ác.
Này thiện nam tử! Nếu chỉ dùng lời nói hoặc nghe biết, không do tu hành mười nghiệp đạo thiện mà có thể đắc Niết-bàn Bồ-đề ở trong một kiếp, hoặc trong chừng một niệm, có thể làm cho vô lượng chúng sanh ở trong khắp các cõi nước trong mười phương cũng đều chứng quả Bồ-đề Niết-bàn là điều không thể có. Vì sao? - Vì mười nghiệp đạo thiện là căn bản của Ðại thừa, là nhân của Bồ-đề, là thềm thang vững chắc để chứng nhập Niết-bàn.
Này thiện nam tử! Nếu chỉ phát tâm, phát thệ nguyện lực, không do tu hành mười nghiệp đạo thiện, mà lại có thể đắc quả Bồ-đề Niết-bàn ở trong một kiếp, hoặc trong một niệm mà có thể làm cho vô lượng chúng sanh ở khắp các cõi nước trong mười phương đều chứng quả chánh giác, nhập Niết-bàn là điều không thể có. Vì sao? - Vì mười nghiệp đạo thiện là căn bổn các quả báo công đức thù thắng của các pháp thế và xuất thế.
Này thiện nam tử! Nếu không tu hành mười nghiệp đạo thiện, dù có trải qua vô số kiếp ở các cõi nước khắp mười phương tự xưng là Ðại thừa; hoặc nói, hoặc nghe, hoặc chỉ phát tâm, hoặc phát thệ nguyện, hoàn toàn không thể chứng Bồ-đề Niết-bàn, cũng không thể làm cho người khác thoát được khổ sanh tử.
Này thiện nam tử! Cần phải tu mười nghiệp đạo thiện. Ở thế gian có các Sát-đế-lợi, Bà-la-môn giàu sang quyền lực; Tứ đại thiên vương cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, hoặc Thanh văn thừa, hoặc Ðộc giác thừa, nhẫn đến Vô thượng Chánh đẳng giác đều là do tu hành mười nghiệp đạo thiện mà thọ các phẩm loại sai khác.
Thế nên thiện nam tử! Nếu muốn mau viên mãn quả Vô thượng Chánh đẳng giác đại nguyện, cần phải tu mười nghiệp đạo thiện này để tự trang nghiêm, chứ chẳng phải do mười pháp ác, phi luật nghi mà có thể đạt được. Hoặc cầu mau thể nhập cảnh giới Ðại thừa, mau chứng Vô thượng chánh đẳng giác, mau viên mãn tất cả thiện pháp thì trước hết nên hộ trì mười nghiệp đạo thiện. Vì sao? - Vì mười nghiệp đạo thiện có thể tạo lập căn bản công đức của các thiện pháp, là nhơn cho mọi quả báo thù thắng của thế và xuất thế gian, do đó phải tu mười nghiệp đạo thiện.
Bấy giờ đức Thế Tôn muốn làm rõ nghĩa trên nên nói kệ:
- Muốn trừ tất cả khổ
Chứng đạo quả Bồ-đề
Nên tu mười nghiệp thiện
Tinh cần, chớ phóng dật
Ðối với pháp ba thừa
Cùng các bậc ba thừa
Người tu học xuất gia
Ðều chớ nên lầm lạc
Tin, thọ, hành Ðại thừa
Lợi lạc khắp quần sanh
Ngộ pháp thắng tịnh độ
Mau chứng đại Bồ-đề
Nếu xa lìa sát sanh
Ðược mọi điều yêu kính
Không bệnh, được trường thọ
An vui, không tổn hại
Sanh ra ở nơi nào
Thường ưa làm Phật sự
Thường gặp Phật, Pháp, Tăng
Mau thành Vô thượng giác
Nếu xa lìa trộm cắp
Người trí đều tôn kính
Dứt trừ nghiệp tham lam
Phát sanh được vô tham
Ðời đời thường giàu có
Làm bậc đại thí chủ
Ðầy đủ các châu báu
Tốt đẹp như nước Phật
Nếu lìa dục tà hạnh
Diệt phiền não xấu xa
Khô cạn biển tham ái
Mau đến nước lạc bang
Cứu độ các chúng sanh
Ra khỏi bùn nhơ dục
An trú nơi Ðại thừa
Tinh cần tu phạm hạnh
Xa lìa lời hư dối
Ðược Thánh trí tự tại
Thường nói lời thành thật
Diệt hết khổ hư vọng
Một lời nói chứng thật
Thường gặp Phật, Pháp, Tăng
Mau đến quả Bồ-đề
Khuyên tu chớ vọng ngữ
Xa lìa lời ly gián
Thành tựu muôn pháp lành
Thường gặp Phật, Pháp, Tăng
Không còn bị đoạn diệt
Ðắc quả Vô nhiễm trước
Ðà-la-ni bảo tạng
Vào sâu trong biển pháp
Mau chứng Vô thượng giác
Nếu lìa lời thô ác
Thường nói lời nhu hòa
Chúng sanh đều kính mến
Diệt hết nghiệp đời trước
Khiến ai cũng thấy vui
Thành Bồ-tát đạo sư
Biết muôn việc của Phật
Vượt qua địa thứ mười
Không nói lời tạp uế
Người trí đều tôn kính
Khi vì người mà nói
Có đủ năm công đức
Thường nghe được lời Thánh
Vui mừng cầu chánh đạo
Ðầy đủ biển chư Phật
Mau được Nhất thiết trí
Nếu lìa hết tham dục
Không chê bai Thánh giáo
Cúng dường áo ca-sa
Hoằng truyền pháp tam thừa
Liền sanh về tịnh độ
Chỗ ở bậc đạo sư
Nương nơi Vô thượng thừa
Mau được trí tối thắng
Nếu xa lìa sân hận
Một lòng tu tâm từ
Mau chứng đắc đẳng trì
Ưa hành xứ chứng Thánh
Sẽ sanh về cõi Phật
Xa lìa các tội ác
Ở đó chứng Bồ-đề
Xa lìa lòng sân hận
Nếu dứt sạch tà kiến
Thuần tu tâm tịnh tín
Vui khai thị ba thừa
Cúng dường khắp chư Phật
Thoát hẳn các đường ác
Gặp được chư Thánh Hiền
Ðủ các đức Bồ-tát
Ðắc được trí Vô thượng
Ta nói mười nghiệp thiện
Hướng Bồ-đề tối thắng
Sanh trưởng các đẳng trì
Ðà-la-ni nhẫn địa
Luân này oai đức lớn
Diệt hết mọi đường ác
Phá hoại muôn chướng nghiệp
Mau thành đạo Bồ-đề. Phẩm thứ bảy: PHƯỚC ÐIỀN TƯỚNG
Lại nữa, này thiện nam tử! Ðại Bồ-tát có luân mười tài thí đại giáp trụ. Ðại Bồ-tát nào thành tựu luân này từ khi mới phát tâm có thể đoạn trừ tất cả ngũ dục, vượt hơn cả các hàng Thanh văn, Ðộc giác, làm ruộng phước lớn cho tất cả Thanh văn, Ðộc giác. Các hàng Thanh văn, Ðộc giác đều nên cúng dường, phụng sự, giữ gìn.
Thế nào là mười? - Nghĩa là bố thí các loại thức ăn uống, y phục, đồ trang sức quý báu, voi, ngựa, xe cộ cùng với tay, chân, tai, mũi, đầu, mắt, tủy, não, xương cốt, da thịt, máu mủ, quốc thành, vợ con, tôi tớ, ruộng vườn, nhà cửa.
Như thế, mỗi khi bố thí đều không luyến tiếc thân mạng, không vì mình mong cầu sự an vui ở thế gian và xuất thế gian mà phát tâm bố thí, chỉ vì muốn cho tất cả chúng hữu tình nuôi lớn mầm đại từ, đại bi mà phát tâm bố thí. Vì muốn chúng sanh phát khởi phương tiện thiện xảo, trí tuệ thù thắng nên phát tâm bố thí. Vì muốn làm cho tất cả chúng hữu tình được an lạc nên phát tâm bố thí. Vì muốn trừ diệt mọi khổ não cho chúnghữu tình nên phát tâm bố thí. Cũng không vì tâm muốn hơn người, tâm hung dữ, tâm tật đố, tâm keo lẫn mà bố thí. Ðối với các vật thí - dù nhiều hay ít, cho đến một bữa ăn - cũng không mong cầu phước báo cho mình mà phát tâm bố thí. Cũng không mong cầu quả vị Thanh văn mà phát tâm bố thí, cũng không mong cầu quả vị Ðộc giác mà phát tâm bố thí. Ðối với các vật thí - hoặc nhiều hoặc ít, cho đến một bữa ăn - chỉ vì mong cầu Nhất thiết chủng trí mà phát tâm bố thí.
Này thiện nam tử! Ðại Bồ-tát nào thành tựu luân mười tài thí đại giáp trụ như thế từ mới phát tâm thì có thể đoạn trừ tất cả năm dục lạc, vượt hơn hàng Thanh văn, Ðộc giác; làm ruộng phước lớn cho tất cả Thanh văn, Ðộc giác. Tất cả Thanh văn, Ðộc giác đều nên cúng dường, phụng sự, giữ gìn. Vì sao? - Vì hàng Thanh văn, Ðộc giác phát tâm bố thí không có đại từ bi, chỉ vì xả bỏ nghèo cùng cho tự thân mình, muốn mình thoát khỏi các khổ não, muốn cho mình được an lạc, muốn cho mình chứng đắc Niết-bàn đạo quả, chứ không vì tất cả chúng hữu tình mà làm bố thí. Còn đại Bồ-tát phát tâm bố thí thì có đại từ bi, vì muốn cho chúng hữu tình xa lìa bần cùng, muốn cho chúng hữu tình thoát khỏi mọi khổ não, muốn cho chúng hữu tình được an lạc tự tại, muốn cho chúng hữu tình chứng đạo quả Niết-bàn. Ðó là không vì tự thân mà phát tâm bố thí. Do nghĩa này nên vượt hơn hàng Thanh văn, Ðộc giác. Lại vì muốn làm ruộng phước lớn cho hàng Thanh văn, Ðộc giác, tất cả Thanh văn, Ðộc giác đều nên cúng dường, phụng sự, giữ gìn.
Khi đại Bồ-tát tu pháp tài thí Ba-la-mật-đa, đối với mọi thú vui ngũ dục, tâm không đắm nhiễm, tự mình hưởng thọ đầy đủ các pháp an lạc, đem bố thí hết cho chúng hữu tình, đem tâm giúp đỡ tất cả chúng hữu tình, đem tâm nhẫn chịu tất cả khổ não của mọi loài, đem tâm diệt khổ cho tất cả hữu tình, đem tâm làm an vui cho mọi người và đem tâm đại Niết-bàn cho các loài hữu tình mà bố thí. Do ý nghĩa này vượt hơn các hàng Thanh văn, Ðộc giác, làm ruộng phước lớn cho hàng Thanh-văn, Ðộc giác. Tất cả Thanh văn, Ðộc giác nên cúng dường, phụng sự, giữ gìn.
Này thiện nam tử! Nếu đối với ngũ dục mà tâm không đắm nhiễm, đem tâm đại từ bi mà bố thí như thế thì gọi là Bồ-tát, cũng gọi là ruộng phước chân thật của tất cả Thanh văn, Ðộc giác. Nếu không đoạn trừ các ngũ dục ở thế gian, không có đại từ bi mà bố thí, tuy xả bỏ vô lượng vô biên tài vật cũng không được gọi là Ðại Bồ-tát, cũng chẳng phải là ruộng phước chân thật của tất cả Thanh văn, Ðộc giác, không được ấn chứng vào quả vị Thánh. Cho nên phải đoạn trừ ngũ dục ở thế gian, phải có đầy đủ tâm đại từ bi để làm bố thí. Nếu không như thế mà bố thí thì chẳng phải là Bồ-tát, chẳng phải là ruộng phước chân thật.
Này thiện nam tử! Ðem tâm nhiễm trước các thứ ngũ dục mà hành luân pháp bố thí còn không thể diệt trừ một chút phần phiền não của bản thân mình, huống là có thể diệt trừ vô lượng các khổ não của tất cả chúng sanh.
Bấy giờ, đức Thế Tôn muốn nói rõ lại nghĩa trên nên tuyên đọc bài kệ:
- Thành tựu tài thí luân
Người trí tâm thanh tịnh
Xa lìa hết năm dục
An lạc chúng hữu tình
Vì an lạc chúng sanh
Không cầu được quả báo
Dầu chỉ thí chút phần
Là ruộng phước chân thật
Tuy bố thí rất nhiều
Mà đắm nhiễm ngũ dục
Chẳng thể vào đạo Thánh
Trụ trong tụ bất định
Tùy làm việc thí ít
Mà không duyên ngũ dục
Là ruộng phước chân thật
Của Thanh văn, Ðộc giác
Nên phải bỏ ngũ dục
Thường hành thí thanh tịnh
An lạc chúng hữu tình
Thành ruộng phước chân thật.
Lại nữa, này thiện nam tử! Ðại Bồ-tát có luân mười pháp thí đại giáp trụ. Nếu đại Bồ-tát nào thành tựu luân này từ khi mới phát tâm, có thể đoạn trừ tất cả ngũ dục, mau có thể đắc định Nhật đăng quang, vượt qua các hàng Thanh văn, Ðộc giác, làm ruộng phước lớn cho tất cả Thanhvăn, Ðộc giác. Tất cả Thanh văn, Ðộc giác đều nên cúng dường, phụng sự, giữ gìn.
Thế nào là mười? - Nghĩa là chánh pháp do chư Như Lai thuyết ra, hoặc là chánh pháp tương ưng với Thanh văn thừa, hoặc chánh pháp tương ưng với Ðộc giác thừa, hoặc chánh pháp tương ưng với Ðại thừa, hoặc pháp thế gian, hoặc pháp xuất thế gian, hoặcp háp hữu lậu, hoặc pháp vô lậu, hoặc pháp hữu vi, hoặc pháp vô vi, hoặc pháp bất nhị.
Ðại Bồ-tát đối với mười pháp này đều có lòng tin kính sâu xa, lắng nghe tất cả rồi tùy theo khả năng mà suy xét lãnh thọ, tư duy, quán sát đến chỗ rốt ráo thông suốt, tùy theo thích ứng mà diễn thuyết cho người khác. Lúc thuyết pháp lại không có tâm ganh ghét, tâm bỏn xẻn, tâm kiêu mạn; tâm không cầu lợi, không khinh người, tâm không cống cao mà có tâm cung kính, có tâm làm lợi ích khắp cùng, tâm đại từ, tâm đại bi.
Nói pháp Thanh văn cho hàng Thanh văn, không nói pháp Ðộc giác thừa hoặc Ðại thừa cho họ.
Thuyết pháp Ðộc giác cho hàng Ðộc giác, chứ không thuyết pháp Thanh văn hay Ðại thừa cho họ.
Ðối với hàng Ðại thừa, thuyết pháp Ðại thừa, không thuyết các pháp Thanh văn hay Ðộc giác thừa cho họ.
Tùy theo căn cơ của các chúng sanh mà thuyết chánh pháp cho họ. Nếu không phải căn cơ thì không nói pháp.
Ðối với hàng Ðại thừa, hoàn toàn không khuyên tu Ðộc giác, hành hạnh Thanh văn. Còn đối với Ðộc giác, có lúc cũng khuyên họ tu hạnh Ðại thừa.
Ðối với hàng Thanh văn, có lúc khuyên tu theo Ðộc giác thừa, hoặc khuyên tu Ðại thừa.
Nếu ai đối với những lời thuyết pháp của đức Như lai - cho đến một bài tụng, thậm chí nửa câu - đều tin kính sâu xa, hoàn toàn không phỉ báng, làm chướng ngại, vùi lấp; đối với vị Pháp sư thuyết pháp tưởng như đức Thế Tôn, với đại chúng nghe pháp tưởng như người bệnh, với pháp được nghe tưởng là lương dược. Ðoạn trừ ngũ dục, không còn mong cầu mà tuyên thuyết chánh pháp.
Này thiện nam tử! Ðó gọi là luân mười pháp thí đại giáp trụ của đại Bồ-tát. Nếu đại Bồ-tát nào thành tựu được mười luân này thì có thể đoạn trừ ngũ dục, mau chứng được định Nhật đăng quang, vượt xa hàng Thanh văn, Ðộc giác, làm ruộng phước lớn cho tất cả Thanh văn, Ðộc giác. Tất cả Thanh văn, Ðộc giác đều nên cúng dường, phụng sự, giữ gìn.
Bấy giờ đức Thế Tôn muốn làm rõ nghĩa này nên thuyết kệ:
- Bậc trí tu pháp thí
Tùy cơ nói ba thừa
Không thuyết các thừa khác
Sợ nghe rồi báng pháp
Ðúng căn cơ thuyết pháp
Chẳng phải thì không thuyết
Tùy theo sự ưa thích
Khuyên tu khiến an lạc
Trọn không khuyến Ðại thừa
Chỉ khiến tu nhị thừa
Hoặc lúc khuyên nhị thừa
Tiến lần lên thượng thừa
Thường cung kính nghe pháp
Tin sâu, không hủy báng
Cúng dường đến Pháp sư
Tưởng như bậc Thế Tôn
Khuyên nghe thuốc diệu pháp
Ðể trừ bệnh não phiền
Bỏ lợi dưỡng, danh dự
Mà tuyên bày chánh pháp.
Lại nữa, này thiện nam tử! Ðại Bồ-tát lại có luân tịnh giới đại giáp trụ. Nếu đại Bồ-tát nào thành tựu luân này từ lúc mới phát tâm thì có thể đoạn trừ mọi ngũ dục, vượt hơn tất cả Thanh văn, Ðộc giác, làm ruộng phước lớn cho tất cả Thanh văn, Ðộc giác. Hàng Thanh văn, Ðộc giác đều nên cúng dường, phụng sự, giữ gìn.
Thế nào là luân tịnh giới đại giáp trụ? - Này thiện nam tử! Tịnh giới của Bồ-tát có hai tướng:
1- Cọng.
2- Bất cọng.
Thế nào là luân Cọng tịnh giới của Bồ-tát? - Nghĩa là các luật nghi đã thọ của hàng tại gia cận sự, cận trụ, hoặc giới biệt giải thoát của hàng xuất gia và thọ giới Cụ túc. Luật nghi, giới biệt giải thoát như vậy gọi là luân Cọng tịnh giới của Bồ-tát, cùng chung với hàng Thanh văn, Ðộc giác thừa. Bậc Bồ-tát không do luân tịnh giới này mà có thể trừ được tất cả phiền não ác kiến thú và có thể giải thoát nghiệp chướng sanh tử. Ðây không gọi là luân đại giáp trụ, cũng không do đây mà gọi là đại Bồ-tát và cũng không gọi là ruộng phước chân thật của tất cả Thanh văn, Ðộc giác.
Thế nào là luân Bất cọng tịnh giới đại giáp trụ? - Nghĩa là các Bồ-tát đối với chúng hữu tình ở khắp mười phương đều bình đẳng, không quấy nhiễu, không oán hận mà hộ trì tịnh giới.
Ðối với tất cả người trì giới, kẻ phạm giới, người bố thí, kẻ xan tham, người từ bi, kẻ sân giận, người tinh tấn, kẻ giải đãi, các hữu tình thượng - trung - hạ đều đem tâm không sai biệt, tưởng không sai biệt mà hộ trì tịnh giới.
Ðối với hữu tình trong tam giới không sân giận, cũng không làm các ác hạnh mà hộ trì tịnh giới.
Ðối với uẩn - giới - xứ trong ba cõi không có phân biệt mà hộ trì tịnh giới.
Cũng không nương theo Dục giới mà hộ trì tịnh giới, cũng không nương theo Sắc giới mà hộ trì tịnh giới, không nương theo Vô sắc giới mà hộ trì tịnh giới.
Không quán tất cả quả báo của các cõi mà hộ trì tịnh giới. Không nương theo tất cả cái được và cái không được mà hộ trì tịnh giới.
Không nương theo các hành mà hộ trì tịnh giới.
Ðó gọi là luân Bất cọng tịnh giới đại giáp trụ của Bồ-tát.
Này thiện nam tử! Nếu đai Bồ-tát nào thành tựu được luân tịnh giới đại giáp trụ này từ khi mới phát tâm, có thể đoạn trừ tất cả ngũ dục, nên được gọi là đại Bồ-tát, vượt hơn tất cả Thanh văn, Ðộc giác, làm ruộng phước lớn cho hàng Thanh văn, Ðộc giác. Tất cả Thanh văn, Ðộc giác đều nên cúng dường, phụng sự, giữ gìn.
Bấy giờ đức Thế Tôn nói bài kệ tụng để làm rõ nghĩa trên:
- Luật nghi hàng tại gia
Biệt giải thoát xuất gia
Cùng chung cho nhị thừa
Không là Ma-ha-tát
Bậc trí tu pháp không
Không nương theo thế gian
Cũng không nương các cõi
Mà hộ trì tịnh giới
Lìa chấp tướng Thi-la
Không nhiễm, không phiền não
Hộ trì giới như thế
Là ruộng phước chân thật
Lại nữa, này thiện nam tử! Ðại Bồ-tát còn có luân An nhẫn đại giáp trụ. Ðại Bồ-tát nào thành tựu được luân này từ khi mới phát tâm có thể đoạn trừ hết ngũ dục, vượt lên hàng Thanh văn, Ðộc giác, làm ruộng phước lớn cho tất cả hàng Thanh văn, Ðộc giác. Tất cả Thanh văn, Ðộc giác đều nên cúng dường, phụng sự, giữ gìn.
Thế nào là luân An nhẫn đại giáp trụ? - Này thiện nam tử! An nhẫn của Bồ-tát có hai tướng:
1- Thế gian.
2- Xuất thế gian.
Thế nào là An nhẫn thế gian của Bồ-tát? - Nghĩa là nhẫn hữu lậu, là nhẫn phát sinh do duyên theo chúng hữu tình, có chấp thủ, có tướng; do nương theo quả báo, nương theo các phước nghiệp; nhẫn phát sinh do nương theo sắc, thanh, hương, vị, xúc của bản thân; nhẫn hữu phát thú, nhẫn vô kham năng, nhẫn lực luy liệt, nhẫn khí chúng sanh, nhẫn hữu cuống trá, nhẫn kiều duyệt tha, nhẫn không làm lợi lạc cho chúng hữu tình. Ðó gọi là An nhẫn thuộc thế gian của Bồ-tát. An nhẫn như vậy cùng chung với hàng Thanh văn, Ðộc giác. Ðây không thể gọi là luân đại giáp trụ, cũng không do đây gọi là đại Bồ-tát, hay là ruộng phước chân thật cho hàng Thanh văn, Ðộc giác.
Thế nào là luân An nhẫn xuất thế đại giáp trụ của Bồ-tát? - Nghĩa là nhẫn vô lậu. Tất cả bậc Hiền Thánh đại pháp quang minh vì lợi lạc cho các chúng hữu tình mà an nhẫn không dính mắc, đoạn trừ hẳn tất cả sự nghiệp. Ngôn ngữ, nhơn tướng, văn tự, âm thanh, việc làm đều dựa theo an nhẫn. Tu hạnh nhẫn này có thể đoạn trừ tam kết, tam thọ, tam tưởng, tam thế, tam hữu, tam hành, tam bất thiện căn, tứ chủng, tứ bộc lưu, tứ ách, tứ thủ, tứ chủng thân hệ. Khi tu các hạnh nhẫn này thì tâm được an tịnh. Ðó gọi là luân An nhẫn xuất thế đại giáp trụ của Bồ-tát.
Này thiện nam tử! Nếu đại Bồ-tát nào thành tựu được luân An nhẫn đại giáp trụ này từ lúc mới phát tâm, có thể đoạn trừ hết ngũ dục nên gọi là đại Bồ-tát, vượt xa hàng Thanh văn, Ðộc giác, làm ruộng phước lớn cho hàng Thanh văn, Ðộc giác. Tất cả Thanh văn, Ðộc giác đều nên cúng dường, phụng sự, giữ gìn.
Bấy giờ, Thế Tôn dùng lời kệ tụng để nói rõ nghĩa trên:
- An nhẫn có hai loại
Là hữu tướng, vô tướng
Hữu tướng thường chấp giữ
Bậc trí không khen ngợi
Tu nhẫn nương tam hành
Nương theo uẩn - giới - xứ
Ðó là nhẫn hữu lậu
Chẳng phải tướng Bồ-tát
Ðể diệt bốn điên đảo
Tu nhẫn vô nhiễm trước
Tịch tịnh cùng tam hành
Nhẫn này được xưng tán
Muôn hạnh đều an tịnh
Lìa tất cả phân biệt
Bình đẳng như hư không
Nhẫn này nên tán thán
Muôn pháp quy về một
Không, vô tướng, tịch diệt
Tâm không chỗ dính mắc
Nhẫn này lợi ích lớn.
Lại nữa, này thiện nam tử! Ðại Bồ-tát có luân Tinh tấn đại giáp trụ. Nếu đại Bồ-tát nào thành tựu được luân này từ khi mới phát tâm có thể đoạn trừ được ngũ dục, vượt xa hàng Thanh văn, Ðộc giác, làm ruộng phước lớn cho hàng Thanh văn, Ðộc giác. Tất cả Thanh văn, Ðộc giác đều nên cúng dường, phụng sự, giữ gìn.
Thế nào là luân Tinh tấn đại giáp trụ? - Này thiện nam tử! Tinh tấn của Bồ-tát có hai tướng:
1- Thế gian.
2- Xuất thế gian.
Thế nào là Tinh tấn thế gian của Bồ-tát? - Nghĩa là các Bồ-tát tinh tấn dõng mãnh, chuyên cần tu ba loại phước nghiệp thế gian. Ba loại đó là gì?
1/ Thí phước nghiệp sự.
2/ Giới phước nghiệp sự.
3/ Tu phước nghiệp sự.
Pháp tu này là ba loại tinh tấn. Tinh tấn như vậy duyên theo các chúng sanh hữu lậu chấp thủ, nương theo các quả báo, nương theo các phước nghiệp. Ðây gọi là tinh tấn thế gian của Bồ-tát. Tinh tấn này chùng chung với hàng Thanh văn, Ðộc giác nên không gọi là luân đại giáp trụ, cũng không vì thế mà gọi là đại Bồ-tát hay là ruộng phước chân thật của tất cả Thanh văn, Ðộc giác.
Thế nào gọi là luân Tinh tấn xuất thế đại giáp trụ của Bồ-tát? - Nghĩa là Bồ-tát này tinh tấn dõng mãnh, đối với tất cả chúng sanh đều bình đẳng, trừ hết mọi nghiệp khổ phiền não cho họ. Tinh tấn như thế được tất cả Hiền Thánh khen ngợi, là vô lậu, không chấp thủ, không có chỗ nương theo.
Ðối với tất cả người tinh tấn, kẻ giải đãi, người bố thí, kẻ xan tham, người trì giới, kẻ phá giới, người từ bi, kẻ sân giận, các chúng sanh thượng - trung - hạ không phân biệt, không có tướng phân biệt mà tinh tấn dõng mãnh.
Ðối với chúng sanh trong tam giới đều bình đẳng không hai, vì họ mà từ lời nói, việc làm, suy nghĩ đều nương vào chỗ không chấp trước mà tinh tấn dõng mãnh.
Ðối với uẩn -xứ - giới trong tam hữu đều tinh tấn dõng mãnh, không phân biệt; không nương theo Dục giới mà tinh tấn dõng mãnh; không nương theo Sắc giới mà tinh tấn dõng mãnh; không nương theo Vô sắc giới mà tinh tấn dõng mãnh; không quán tất cả quả báo của các cõi mà tinh tấn dõng mãnh; không nương theo tất cả cái được và không được mà tinh tấn dõng mãnh; không nương theo các hạnh mà tinh tấn dõng mãnh; không nương theo ba loại phước nghiệp sự ở thế gian mà tinh tấn dõng mãnh. Vì muốn đầy đủ ba phước nghiệp sự xuất thế mà tinh tấn dõng mãnh.
Ðó gọi là luân tinh tấn xuất thế đại giáp trụ của Bồ-tát.
Này thiện nam tử! Nếu đại Bồ-tát nào thành tựu được luân tinh tấn đại giáp trụ này từ khi mới phát tâm, có thể dứt trừ được ngũ dục, được gọi là đại Bồ-tát, vượt hơn hàng Thanh văn, Ðộc giác, làm ruộng phước lớn cho hàng Thanh văn, Ðộc giác. Tất cả Thanh văn, Ðộc giác đều nên cúng dường, phụng sự, giữ gìn.
Bấy giờ Thế Tôn nói bài kệ để làm rõ nghĩa này:
- Do sáu căn nhiễm trước
Chìm nổi theo năm dòng
Tuy tinh tấn dõng mãnh
Người trí đều chán xa
Duyên chúng sanh tinh tấn
Hữu lậu và chấp thủ
Chẳng phải ruộng phước chân
Không gọi là Bồ-tát
Bậc trí siêng tinh tấn
Xa lìa mọi nhiễm trước
Tâm không bị lệ thuộc
Là ruộng phước chân thật
Không dính mắc danh sắc
Lìa các uẩn - xứ - giới
Làm chỗ nương cho chúng
Gọi là Ma-ha-tát
Giữa đời như trăng nước
Tu tinh tấn luân này
Có thể đoạn trừ hết
Phiền não của chúng sanh.
Lại nữa, này thiện nam tử! Ðại Bồ-tát có luân Tịnh lự đại giáp trụ. Nếu đại Bồ-tát nào thành tựu được luân này từ lúc mới phát tâm, có thể đoạn trừ được ngũ dục, vượt xa hàng Thanh văn, Ðộc giác, làm ruộng phước lớn cho tất cả Thanh văn, Ðộc giác. Hàng Thanh văn, Ðộc giác nên cúng dường, phụng sự, giữ gìn.
Thế nào là luân Tịnh lự đại giáp trụ? - Này thiện nam tử! Tịnh lự của Bồ-tát có hai tướng:
1- Thế gian.
2- Xuất thế gian.
Thế nào là Tịnh lự thế gian của Bồ-tát? - Nghĩa là các Bồ-tát nương theo các uẩn mà tu tập tịnh lự, nương vào các giới mà tu tập tịnh lự, nương vào các xứ mà tu tập tịnh lự, nương vào Dục giới mà tu tập tịnh lự, nương vào Sắc giới mà tu tập tịnh lự, nương vào Vô sắc giới mà tu tập tịnh lự, nương vào ba luật nghi mà tu tập tịnh lự, nương vào ba giải thoát mà tu tập tịnh lự, nương vào bốn niệm trụ mà tu tập tịnh lự, nương vào bốn chánh đoạn mà tu tập tịnh lự, nương vào bốn thần túc mà tu tập tịnh lự, nương vào năm căn mà tu tập tịnh lự, nương vào năm lực mà tu tập tịnh lự, nương vào bảy giác chi mà tu tập tịnh lự, nương vào tám Thánh đạo mà tu tập tịnh lự, nương vào địa giới mà tu tập tịnh lự, nương vào thủy giới mà tu tập tịnh lự, nương vào hỏa giới mà tu tập tịnh lự, nương vào phong giới mà tu tập tịnh lự, nương vào không giới mà tu tập tịnh lự, nương vào thức giới mà tu tập tịnh lự, nương vào lạc thọ mà tu tập tịnh lự, nương vào khổ thọ mà tu tập tịnh lự, nương vào bất khổ bất lạc thọ mà tu tập tịnh lự, nương vào hư không vô biên xứ mà tu tập tịnh lự, nương vào thức vô biên xứ mà tu tập tịnh lự, nương vào vô sở hữu xứ mà tu tập tịnh lự, nương vào phi tưởng phi phi tưởng xứ mà tu tập tịnh lự, nương vào đời này mà tu tập tịnh lự, nương vào đời khác mà tu tập tịnh lự, nương vào tiểu tưởng mà tu tập tịnh lự, nương vào đại tưởng mà tu tập tịnh lự, nương vào vô lượng tưởng mà tu tập tịnh lự.
Tịnh lự như thế là hữu lậu, có chấp thủ, có chỗ nương theo, gọi là Tịnh lự thế gian của Bồ-tát. Tịnh lự này cùng chung với hàng Thanh văn, Ðộc giác. Ðây không thể gọi là luân đại giáp trụ, cũng không gọi là đại Bồ-tát hay là ruộng phước chân thật của tất cả Thanh văn, Ðộc giác.
Thế nào là Tịnh lự xuất thế gian của Bồ-tát? - Nghĩa là Bồ-tát đã xa lìa các uẩn mà tu tập tịnh lự, xa lìa các giới mà tu tập tịnh lự, xa lìa các xứ mà tu tập tịnh lự, xa lìa Dục giới mà tu tập tịnh lự, xa lìa Sắc giới mà tu tập tịnh lự, xa lìa Vô sắc giới mà tu tập tịnh lự, xa lìa ba luật nghi mà tu tập tịnh lự, xa lìa ba giải thoát mà tu tập tịnh lự, xa lìa bốn niệm trụ mà tu tập tịnh lự, xa lìa bốn chánh đoạn mà tu tập tịnh lự, xa lìa bốn thần túc mà tu tập tịnh lự, xa lìa năm căn mà tu tập tịnh lự, xa lìa năm lực mà tu tập tịnh lự, xa lìa bảy giác chi mà tu tập tịnh lự, xa lìa tám Thánh đạo mà tu tập tịnh lự, xa lìa địa giới mà tu tập tịnh lự, xa lìa thủy giới mà tu tập tịnh lự, xa lìa hỏa giới mà tu tập tịnh lự, xa lìa phong giới mà tu tập tịnh lự, xa lìa không giới mà tu tập tịnh lự, xa lìa thức giới mà tu tập tịnh lự, xa lìa lạc thọ mà tu tập tịnh lự, xa lìa khổ thọ mà tu tập tịnh lự, xa lìa bất khổ bất lạc thọ mà tu tập tịnh lự, xa lìa hư không vô biên xứ mà tu tập tịnh lự, xa lìa thức vô biên xứ mà tu tập tịnh lự, xa lìa vô sở hữu xứ mà tu tập tịnh lự, xa lìa phi tưởng phi phi tưởng xứ mà tu tập tịnh lự, xa lìa đời này mà tu tập tịnh lự, xa lìa đời khác mà tu tập tịnh lự, xa lìa tiểu tưởng mà tu tập tịnh lự, xa lìa đại tưởng mà tu tập tịnh lự, xa lìa vô lượng tưởng mà tu tập tịnh lự.
Tịnh lự như thế mới có thể phát ánh sáng rộng lớn của chư Hiền Thánh, vô lậu không chấp thủ, không có chỗ nương theo. Ðó gọi là luân Tịnh lự xuất thế đại giáp trụ của Bồ-tát.
Này thiện nam tử! Nếu đại Bồ-tát nào thành tựu luân Tịnh lự đại giáp trụ này từ khi mới phát tâm, có thể đoạn trừ hết ngũ dục, được gọi là đại Bồ-tát, vượt xa hàng Thanh văn, Ðộc giác, làm ruộng phước lớn cho tất cả hàng Thanh văn, Ðộc giác. Hàng Thanh văn, Ðộc giác nên cúng dường, phụng sự, giữ gìn.
Bấy giờ Thế Tôn tuyên nói bài tụng để làm rõ nghĩa trên:
- Vì mình bỏ gánh nặng
Tu dẫu có đắc định
Ðoạn phiền não riêng mình
Chẳng phải bậc trí chơn
Quán chiếu theo khả năng
Cầu giải thoát tu định
Chấp trước bờ kia đây
Chẳng lợi ích hữu tình
Vì lợi lạc mọi loài
Tu định, bỏ gánh nặng
Diệt hết mọi não phiền
Là bậc chơn trí vậy
Vì lợi khắp chúng sanh
Tu định, không chấp trước
Chấm dứt mọi khát ái
Ðó là bậc Ðại huệ
Vì giải thoát các hữu
Vào trong thành Vô úy
Tu định được vắng lặng
Thật là đại Bồ-tát. KINH ÐẠI THỪA ÐẠI TẬP ÐỊA TẠNG THẬP LUÂN
Hết quyển thứ chín
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 52.15.42.61 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.