Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Chánh Cú Vương Kinh [大正句王經] »» Bản Việt dịch quyển số 1 »»

Đại Chánh Cú Vương Kinh [大正句王經] »» Bản Việt dịch quyển số 1

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.31 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.33 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Vua Ðại Chánh Cú

Kinh này có 2 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 |
Việt dịch: Thích Chánh Lạc

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Tôi nghe như vầy : Một thời tôn giả Ðồng tử Ca Diếp ở nước Câu Tát La, tuần tự du hành dừng chân ở trong vườn Lộc dã của rừng Thi Lợi Sa phía Bắc của đại thành Thi Lợi Sa.
Bấy giờ có vị vua tên là Ðại Chánh Cú, đóng đô ở thành Thi Lợi Sa. Nhà vua trước đây không tin nhân quả thường nói như vầy : “Không có đời sau, cũng không có người tái sanh, không có hóa sanh”. Ông thường khởi ra đoạn kiến như vậy.
Khi ấy ở trong đại thành Tỳ Lợi Sa có các đại Bà la môn và trưởng giả chủ... cùng nhau bàn luận rằng : “Tại sao vị Sa môn Ðồng tử Ca Diếp này đi đến phía bắc của thành này, ở trong vườn Lộc Dã, rừng cây Thi Lợi Sa ? Bấy giờ tôn giả Ca Diếp ở trong thành kia tiếng tăm đồn khắp, nhưng tất cả nhân dân ở trong thành ấy vốn trước đây đã nghe tôn giả Ca Diếp khéo nói pháp cốt yếu, thường nói nhiều nghĩa thâm diệu, ngài đã được an vui, thường hành đầu đà, ngài chính là bậc Ứng Cúng, chính là bậc đại A la hán. Nay ngài đã đến đây, chúng ta nên cùng nhau đến rừng kia để lễ bái, kính cẩn cúng dường”.
Bấy giờ các đại Bà la môn, trưởng giả ... ở trong thành đều ra khỏi phía bắc của thành, đi đến vườn Lộc Dã, rừng Thi Lợi Sa muốn được tham vấn. Khi ấy vua Ðại Chánh Cú đứng ở trên lầu cao, từ xa trông thấy Bà la môn, trưởng giả ... ở trong thành đồng ra khỏi thành, đi đến phía bắc thành vào trong vườn Lộc dã, rừng Thi Lợi Sa. Nhà vua thấy rồi hỏi vị quan hầu : “Tại sao Bà la môn, trưởng giả ở trong thành đều cùng nhau ra khỏi thành vào trong vườn Lộc Dã, rừng Thi Lợi Sa ?”.
Quan hầu thưa : “Có một Sa môn tên là Ðồng tử Ca Diếp đang du hóa đến phía bắc của đại thành này, an trú trong vườn Lộc Dã, rừng Thi Lợi Sa. Cho nên các Bà la môn, trưởng giả ... ở trong thành đều cùng nhau ra khỏi thành để lễ bái kính cẩn cúng dường.
Nhà vua nghe lời tâu rồi liền bảo quan hầu : “Ngươi hãy đến chỗ đó bảo cho chúng Bà la môn, trưởng giả ... kia hãy dừng lại một chút để chờ ta. Nay ta sẽ đến liền để cùng họ đồng đến chỗ trên để lễ bái, kính cẩn Sa môn Ðồng tử Ca Diếp. Vì sao ? Vì theo ý ta sợ các Bà la môn, trưởng giả này bị Sa môn Ðồng tử Ca Diếp dùng tà pháp để dẫn dắt. Vị này không căn cứ vào trí thức dối nói là “có người và có đời sau, lại có hóa sanh”.
Khi ấy vị quan hầu kia vâng lệnh của vua xong, đi đến chỗ Bà la môn, trưởng giả ... tuyên bố lệnh của vua với những người ấy rằng : “Vua Ðại Chánh Cú bảo các ngươi hãy dừng lại chốc lát vua sẽ đến liền để cùng đi với các ngươi đến lễ bái kính cẩn Sa môn Ðồng tử Ca Diếp”. Mọi người vâng lệnh của vua không dám đi trước. Bấy giờ quan hầu truyền lệnh của vua xong, liền trở về chỗ vua tâu lại sự việc trên rằng : “Vừa rồi thần phụng mạng đức vua đi đến chỗ các Bà la môn, trưởng giả đã truyền thánh chỉ đầy đủ rằng : “Vua bảo các Bà la môn, trưởng giả hãy dừng lại giây lát, nay vua sẽ đến liền để cùng các người đồng đến lễ bái Sa môn Ðồng tử Ca Diếp”. Những người ấy đã vâng lệnh dừng lại không đi.
Bấy giờ vua Ðại Chánh Cú chuẩn bị xe cộ ra khỏi cung thành cùng với chúng Bà la môn và trưởng giả đồng đi đến vườn Lộc Dã, rừng cây Thi Lợi Sa. Tâm vua kiêu mạn, cỡi xe đi đến chỗ không đi được mới xuống xe đi bộ vào trong vườn chỗ tôn giả đang ở. Khi ấy vua Ðại Chánh Cú cùng chúng Bà la môn, trưởng giả đồng thấy tôn giả Ðồng tử Ca Diếp. Ban đầu họ chưa có đức tin lớn với tôn giả cho nên họ không cung kính nhiều. Nhà vua và tôn giả cùng nhau hỏi thăm rồi lui về ngồi qua một bên. Bấy giờ các chúng Bà la môn, trưởng giả thấy nhà vua như vậy, họ cũng có chút trịnh trọng, đều cùng nhau chào hỏi, rồi đứng chung quanh.
Bấy giờ đại vương liền hỏi thẳng rằng : “Này tôn giả Ca Diếp ! Hãy lắng nghe tôi nói. Theo ý tôi thì không có đời sau, cũng không có người tái sanh, cũng không có hóa sanh. Ý của tôi là như vậy, còn ý của tôn giả thì thế nào ?”. Tôn giả Ca Diếp đáp : “Nếu vua muốn nghe ý nghĩa chơn chánh như vậy, trước hết phải thành tâm tin một cách chắc thật ta sẽ nói cho”.
Vua liền đáp : “Thưa vâng, tôi xin thọ giáo”. Bấy giờ tôn giả Ca Diếp bảo đại vương : “Nhà vua thấy mặt trời, mặt trăng là có hay không có ? Nó thuộc về đời này hay đời sau ? Lý ấy quá rõ ràng không nên ủy thác. Này đại vương, ngài thấy như thế nào và nghe như thế nào ?”.
Vua đáp : “Này Ca Diếp ! Sự thấy và sự nghe của tôi cũng giống như tôn giả là mặt trời, mặt trăng đó thuộc về đời này và cũng thuộc về đời sau nữa”. Tôn giả Ca Diếp lại hỏi : “Như điều đại vương trông thấy là cũng có ở đời sau nữa. Này đại vương, không nên chấp như quan điểm ở trước”. Ca Diếp lại nói : “Này đại vương, như Sa môn, Bà la môn cho đến bậc Ứng cúng thế gian giải... nhờ trí tự thông rõ biết như thật đều biết chắc chắn rằng có nhân, có quả, có đời này, có đời sau. Này đại vương, không nên chấp về đoạn kiến như trước nữa”.
Khi ấy sự mê chấp của đại vương vẫn chưa tỉnh bảo tôn giả Ca Diếp rằng : “Nay ngài tại sao nói những lời như vậy ? Như ý của tôi thì thật không có đời sau. Này Ca Diếp chớ lại gượng nói như vậy”. Tiếp theo tôn giả Ca Diếp đáp lại đại vương : “Thân của vua ngay lúc này là có hay không có ? Như thân này của vua mà có thì tại sao lại đoạn kiến cho rằng không có đời sau ? Vậy phải có ví dụ gì để chứng minh cho lý này ?”.
Ðại vương đáp : “Này tôn giả Ca Diếp, nay tôi có một ví dụ để chứng minh cho lý này là thân này có đời sau hay không”. Vua nói : “Này Ca Diếp, như người thân thuộc của tôi bị nhiễm tật bệnh triền miên đã lâu, gần lúc mạng chung bấy giờ tôi tới đó để hỏi thăm và bảo rằng : “Bệnh ngươi rất nặng chắc chắn là không thoát khỏi. Nếu có chết đi hãy trở về báo cho ta biết. Ta nghe Sa môn và Bà la môn trước kia có nói rằng nếu người nào phá giới, tạo nghiệp ác, sau khi mạng chung phải đọa vào địa ngục. Nếu như các Sa môn, Bà la môn kia nói mà đúng thì các ngươi là thân thuộc của ta, sau khi mạng chung chắc chắn phải đọa địa ngục. Vì sao ? Vì các thân thuộc của ta phá giới tạo tội, do đó nên biết chắc chắn phải rơi vào ác thú. Nếu ngươi ở ác thú hãy bảo sứ trở về hoặc chính mình trở về báo cho ta biết rằng nay tôi ở trong địa ngục thọ lãnh sự khổ cùng cực. Nếu ngươi trở về báo cho ta biết chắc chắn ta sẽ đến đó để cứu ngươi. Nhưng chỉ có người chết đi chớ chưa từng có người trở lại. Này Ca Diếp, như ý của tôi do ví dụ này nên biết chắc chắn không có đời sau”.
Tôn giả Ca Diếp đáp lại rằng : “Này đại vương, ví dụ này tuy rõ ràng nhưng chưa phải là lý thuyết chơn chánh. Nay tôi hỏi vua ví như có người vi phạm phép cấm của nhà vua bị rình bắt được đem đến chỗ vua tâu rằng : “Người này vi phạm tội như vầy, không dám che dấu”. Nhà vua nghe tâu như vậy liền ra lệnh cho trưởng quan Hữu ty hãy đem tội nhân này trói quặt hai tay ra sau, siết vào thân nó thật kỹ rồi dẫn ra ngã tư đường, chỗ đông người tụ hội, đánh trống tuyên bố rằng nay tội nhân này phạm tội như vậy, hỡi những người ở bốn bên Ðông, Tây, Nam, Bắc ở trong thành, theo lệnh của vua bảo cho các nơi biết rồi dẫn ra khỏi thành, cứ theo pháp mà xử trị. Như tội nhân này khi sắp đến pháp trường nói với người canh giữ rằng : “Xin hãy thương xót thả tôi ra một chút để tôi về nhà có đôi lời từ biệt với những người thân thuộc rồi tôi sẽ trở lại liền”. Này đại vương, đao phủ kia có dám thả người ấy ra một lát để y trở về nhà chăng ?”.
Vua đáp : “Không thả, thưa Ca Diếp. Giả sử người này có hết lời cầu khẩn thì người đao phủ ấy cũng không dám thả ra. Vì sao vậy ? Vì phép vua đã bó buộc thì không thể thả ra dù một phút”. Tôn giả Ca Diếp lại nói : “Này đại vương, các thân thuộc của đại vương do vì tạo tội nghiệp cho nên sau khi mạng chung phải đọa trong địa ngục, vì tội nghiệp của họ nên mãi mãi phải thọ lãnh sự khổ sở. Các tội nhân này nói với ngục tốt rằng : “Xin hãy tạm thời thả cho họ trở về nhân gian đến chỗ vua để cầu xin vua cứu khổ”. Này đại vương, vậy ngục tốt này có chịu thả tội nhân ấy ra không ?”. Vua đáp : “Không thả”.
Tôn giả Ca Diếp lại nói : “Này đại vương, họ là người đồng ở thế gian mà không chịu tạm thời thả tội nhân ra huống chi bà con của ngài tạo đủ điều ác ở trong địa ngục. Này đại vương, đừng đem ví dụ này để ví cho không có đời sau. Sự chấp đoạn kiến này chẳng phải là chánh lý, cho nên biết rằng đã có đời hiện tại vậy phải có đời sau. Cho đến Sa môn Bà la môn, Ứng cúng, Thế gian giải nhờ trí tuệ tự thông, rõ biết sự thật. Vậy vua không nên chấp quan điểm như trước”. Vua lại đáp rằng : “Này tôn giả Ca Diếp, lời nói đó chẳng đúng, tâm của tôi chưa đồng ý, không thể lại nói rằng thật có đời sau”.
Tiếp theo tôn giả Ca Diếp bảo đại vương rằng : “Ý của vua như thế, vậy có ví dụ nào có thể chứng minh nữa chăng ?”. Vua đáp : “Nay tôi lại có một ví dụ về người thân có thể dùng để chứng minh. Này Ca Diếp, như người thân thuộc của tôi bị bệnh nặng sắp sửa mạng chung. Tôi đến dặn dò bảo người bệnh : “Tôi nghe Sa môn Bà la môn thường nói như vầy nếu người nào trì giới tu các thiện pháp, hoặc là bố thí mà tam luân (người cho, người nhận và vật được cho) thanh tịnh, thấy người khác được điều thù thắng, không sanh lòng ganh tị. Người ấy khi mạng chung được sanh lên cõi trời. Nếu lời nói của Sa môn và Bà la môn ấy mà đúng thì sau khi người mạng chung chắc chắn sanh về cõi trời. Vì sao ? Ta thấy ngươi thường đủ giới phẩm và tu thiện pháp, tam luân thanh tịnh khi thực hành bố thí người cho, người nhận và vật bố thí đều được thanh tịnh, đối với việc thù thắng của người khác vẫn không sanh lòng ganh ghét. Do đó nên biết chắc chắn ngươi được sanh lên trời. Nếu được sanh lên trời ngươi hãy bảo sứ trở về, hoặc chính ngươi trở về để báo cho ta biết “nay tôi đã được sanh lên trời đó hưởng sự khoái lạc”. Này Ca Diếp, các người thân thuộc của tôi nếu thật đã sanh lên trời thì chắc chắn phải về báo cho tôi biết. Chứ tại sao người thân thuộc của tôi chỉ thấy chết mất, không hề trở lại báo cho tôi biết, do đó nên biết chắc chắn là không có đời sau”.
Tôn giả Ca Diếp bảo đại vương rằng : “Nay tôi cũng muốn nói một ví dụ để khiến cho vua được thấy thật có đời sau. Này đại vương, thí như có một hầm phân hôi thối không thể đến gần. Bấy giờ có một người lỡ rớt vào trong đó, hôi thối vô cùng nhưng nhờ phương tiện nên được thoát ra khỏi hầm xí. Khi thân đã ra khỏi hầm xí rồi liền dùng các thứ dầu thơm nấu nước tắm rửa, lại dùng hương bột để xoa vào thân. Khi thân kẻ ấy đã được thơm sạch, lại dùng y Ca Thi Ca tuyệt đẹp mặc vào và các ngọc báu, tràng hoa để trang nghiêm thân thể, rồi người ấy ở trong nhà để thọ hưởng sự khoái lạc. Này đại vương, ý vua thế nào ? Như vậy người ấy có lại muốn vào hầm xí ở trước nữa chăng ?”. Vua nói : “Không bao giờ, thưa ca Diếp. Cái hầm phẩn hôi thối ấy người kia rất ghê tởm”.
Tôn giả Ca Diếp lại nói : “Này đại vương, người kia sanh lên trời cũng lại như vậy. Ðã được sanh lên trời rồi há lại muốn trở về lại nhân gian nữa sao ? Lại nữa này đại vương, ở nhân gian một trăm năm bằng ở Ðao lợi thiên một ngày một đêm. Người thân của đại vương tu các pháp thiện đã sanh lên cõi trời ngày đêm thọ hưởng sự vui sướng, há lại còn nghĩ trở lại để báo cho vua “tôi sanh ở cõi trời, ngày đêm hưởng sự vui sướng”. Này đại vương, ngài cùng người trời thọ mạng dài ngắn có giống nhau chăng ?”. Vua nói : “Không giống, thưa Ca Diếp”.
Tôn giả Ca Diếp lại nói : “Này đại vương, cõi trời, cõi người vốn tự cách biệt, không nên như kẻ ngu mong được trở về báo cho biết, sau đó mới có thể tin là có đời sau. Này đại vương, chỉ có Sa môn Bà la môn, Ứng cúng, Thế gian giải mới có thể thật biết có đời sau. Có thể dùng tự trí rõ biết một cách như thật, không nên lại có quan niệm là không có đời sau”. Nhà vua nói với tôn giả Ca Diếp : “Như tôn giả nói cũng chưa đủ để tôi tin. Vì sao ? Ngài nói ở nhân gian 100 năm bằng ở Ðao lợi thiên một ngày một đêm, vậy có người nào đến nói với ngài là ở nhân gian một trăm năm bằng ở Ðao lợi thiên một ngày một đêm vậy ?”
Tôn giả Ca Diếp lại nói : “Như chỗ thấy của vua thì giống như người mới sanh ra đã bị mù. Vì sao vậy ? Người mới sanh đã mù, tự mình không thấy sắc tướng màu xanh, vàng, đỏ, trắng, vật vi tế, thô ác, dài ngắn bèn nói rằng “vốn không có sắc tướng xanh, vàng, đỏ, trắng, vi tế, thô ác như vậy”; lại nói “ta cũng không biết, ta cũng không thấy”. Người mới sanh ra đã mù ấy vì đã không thấy mới chấp rằng vốn không có sắc tướng xanh, vàng, đỏ, trắng, cho đến dài ngắn... Này đại vương, đừng nên giống như người mới sanh đã mù kia chấp rằng không có sắc tướng”.
Nhà vua nói : “Này Ca Diếp, như ý của tôi nếu cõi trời kia mà thật có tôi liền nói có. Còn nếu quả thật là không tại sao bảo tôi nói là thật có. Lại nữa này Ca diếp, ngươi không phải là người thiện. Vì sao ? Sự thấy của tôi vốn chơn chánh, tại sao lại ví tôi với người sanh ra đã mù kia ? Này Ca Diếp, những điều ngươi nói về sanh lên trời... quả thật tôi không tin. Nếu tin lời ấy thì như ăn phải thuốc độc, như kiếm nhọn đâm vào thân, như leo lên núi mà ngã xuống, chỉ tự hại mạng mình mà thôi. Những điều xấu ác như vậy tôi đều xa lìa”.
Tiếp theo tôn giả Ca Diếp bảo đại vương : “Tôi nhớ đời xưa có một Bà la môn nhà cửa hết sức giàu có mà lại tuổi già chỉ có một người con trai tuổi mới mười sáu, mẹ nó đã chết. Bà la môn kia không thể ở cô độc, bèn tái giá. Thời gian chưa bao lâu thì người thiếp này lại có thai. Người thiếp chưa kịp sanh sản thì Bà la môn này mạng chung. Bấy giờ người con trai nói với bà kế mẫu rằng : “Tất cả những tài vật, vàng bạc châu báu cho đến tất cả những vật dụng trong nhà này đều thuộc về tôi, không có người nào khác có thể phân chia tài vật của tôi được”. Khi bà kế mẫu kia nghe người con trai nói xong liền bảo rằng : “Nay tôi đã mang di hài của cha cậu ở trong bụng. Hãy chờ nó lớn khôn thì chia cho nó một nữa”. Khi ấy người con trai kia lại nói những lời trên với kế mẫu. Người kế mẫu suy nghĩ : “Thằng nhỏ này tuổi còn thơ ấu, tánh tình dại khờ. Tuy đã nói với nó hết lời nhưng nó vẫn chưa thể hiểu rõ”. Lại do lòng tham tiếc cho nên muốn gấp thấy thân con trong bụng, dùng nhiều phương tiện để cho sanh nhanh. Do chưa đủ ngày tháng cho nên trở lại làm hư thai. Này đại vương, người đàn bà vì lòng tham lam tật đố cho nên trở lại làm hư bào thai của mình. Này đại vương, nay ngài vì ngu si nên mới khởi lên đoạn kiến ấy”.
Vua lại đáp rằng : “Này tôn giả Ca Diếp, chớ nói lời như ở trước “ai trì giới, tu thiện và thực hành bố thí, sau khi mạng chung được sanh lên trời, thọ mạng lâu dài, thường sống khoái lạc”. Tôi thật tình không tin như vậy. Nay tôi nếu tin vào lời Ca Diếp thì đó là ăn thuốc độc, đó là bị gươm nhọn đâm vào thân, là rơi từ núi cao xuống, chỉ tự hại mình mà thôi. Tại sao Ca Diếp vẫn đèo queo nói những lời như vậy ? Theo như ý của tôi chắc chắn không có người , không có đời sau, cũng không có hóa sanh”. Kế đó tôn giả Ca Diếp bảo đại vương rằng : “Há lại không còn ví dụ nào để chứng minh cho lời của ngài nữa sao ?”.
Vua đáp : “Này Ca Diếp, tôi lại có một ví dụ để chứng minh để chứng minh việc này, để biết là không có người, không có đời sau, cũng không có hóa sanh. Này Ca Diếp, như bà con thân thuộc của tôi khi bị bệnh nặng, tôi liền đến đó an ủi, hỏi thăm. Khi người ấy chưa chết thì còn nói chuyện với tôi về sự khổ não của y, đến khi chết rồi thì không có nói với tôi sự khổ não nữa. Do đó có thể biết rằng chắc chắn không có đời sau, cũng không có hóa sanh”.
Tôn giả Ca Diếp bảo rằng : “Tôi nhớ ngày xưa có một tụ lạc, nhân dân trong đó không biết tiếng (tù và) ốc, cũng lại chưa từng nghe tiếng tù và bao giờ. Bỗng nhiên có một người từ ngoài đi đến dừng chân ở tụ lạc này. Người nầy thường cầm một vỏ ốc để làm công việc. Mỗi ngày cầm tù và lên, đi đến chỗ tượng thánh thổi lên để cúng dường, cúng dường xong trở về trú xứ. Bấy giờ tất cả nhân dân trong tụ lạc bỗng nhiên nghe tiếng tù và này thảy đều kinh hoàng, cùng nhau bảo rằng : “Ðó là tiếng gì vậy ? Bọn chúng ta chưa hề nghe tiếng này”. Này đại vương, khi ấy tất cả nhân dân trong tụ lạc cùng đến chỗ tiếng tù và hỏi tù và kia : “Ngươi từ đâu đến, phải nói sự thật, nếu nói không đúng sự thật, chúng ta sẽ đập phá ngươi”. Tù và biết ý của chúng ta phải nói gấp lý do. Này đại vương, các dân chúng kia đối với hình tướng vỏ ốc và tiếng tù và, họ vốn chưa từng thấy, cũng chưa từng nghe, muốn bảo cái vỏ ốc đó hỏi đáp cùng họ. Vỏ ốc đã là vật vô tình há có thể trả lời được sao ? Vì sao vậy ? Nó cũng như đại vương muốn nói chuyện với người đã chết. Người đã chết rồi há có thể nói lại được sao ? Ðại vương không nên chấp quan điểm như vậy, cho rằng không có người, không có đời sau, cũng không có hóa sanh”.
Tôn giả Ca Diếp lại nói : “Có Sa môn Bà la môn có đầy đủ thiên nhãn, dùng thiên nhãn thanh tịnh đều thấy rõ con người chết ở đây, sanh ở kia, thọ thân hình đẹp hay xấu, đoan chánh hay xú lậu, hoặc được sanh lên trời hay đọa vào ác thú. Này đại vương, những việc như vậy đều có thể chứng minh được cả. Vậy không nên nói không có đời sau, cũng không có hóa sanh”. Vua nói : “Này Ca Diếp, tuy ngài nói ví dụ như vậy nhưng tôi vẫn không tin. Theo quan điểm của tôi thì chắc chắn không có người, cũng không có hóa sanh và không có đời sau”.
Tiếp theo tôn giả Ca Diếp bảo đại vương : “Nếu là như vậy, vua lại có ví dụ gì để chứng minh rằng không có người, cũng không có đời sau và không có hóa sanh chăng ?”. Vua đáp : “Thí như quan lại chấp pháp sửa trị con người, đến khi lên chức, tự mình vi phạm những luật cấm, sau đó bị hạch hỏi, tấu trình lên vua mọi việc. Vua đều biết rõ nên ra lệnh quan Pháp ti dẫn tội nhân đi, cứ y theo pháp luật mà xử đoán. Vua lại ra lệnh hãy trói hai tay tội nhân lại, đem đến pháp trường để trừng trị thật đau khổ. Hãy lấy dây trói lại, tùy theo tội nặng hay nhẹ mà lột da, xé thịt rồi treo ở một chỗ khác. Người ấy khi còn sống thì biết khổ đau, nếu đã chết rồi thì không còn hơi thở nữa. Lại nữa, kẻ tội nhân ấy lúc chưa chết thì thân thể mềm mại, nhưng khi chết rồi thì thân thể cứng đờ. Cho đến việc nhẹ lúc còn sống, nặng lúc đã chết khác nhau. Này tôn giả, do đó mà biết chắc chắn không có đời sau, cũng không có người, cũng lại không có sự hóa sanh chi cả”.
Tôn giả Ca Diếp lại bảo : “Này đại vương, ý ngài thế nào ? Ví như cục sắt cũng có nhẹ nặng, mềm cứng khác nhau thì sao ? Khi sắt nóng thì hình thể nhẹ mà mềm. Sau đó để sắt nguội thì hình thể nặng mà cứng. Này đại vương, loài hữu tình hay vô tình đều bẩm sanh từ tứ đại, do tứ đại ấy mà có sự hợp hay tán, do đó mà có sai khác mềm cứng, lạnh nóng vậy. Ðừng nên đem lý này để so sánh với đời sau và sự hóa sanh ... Ðại vương nên biết thật có Sa môn Bà la môn kia có đầy đủ thiên nhãn thấy các chúng sanh chết ở đây sanh ở kia, cho đến được đoan chánh hay bị xấu xí, hoặc sanh ở trên trời hay đọa vào đường ác, họ đều có thể chứng biết thật có đời sau và có hóa sanh”. Vua nói : “Thưa tôn giả, như lời ngài nói chưa đủ để vững tin. Theo ý tôi quả thật không có người, không có đời sau, cũng không có hóa sanh”.
HẾT QUYỂN THƯỢNG.

« Kinh này có tổng cộng 2 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Chuyện Vãng Sanh - Tập 2


Kinh Duy-ma-cật (Hán-Việt)


Vô niệm (Pháp bảo Đàn kinh)


Yếu lược các giai đoạn trên đường tu giác ngộ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.133.129.97 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập