Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Trường A Hàm Kinh [長阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 19 »»

Trường A Hàm Kinh [長阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 19

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.75 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.96 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Trường A Hàm

Kinh này có 22 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 |
Việt dịch: Thích Tuệ Sỹ

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

PHẨM 4: ÐỊA NGỤC
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Bên ngoài của bốn châu thiên hạ này, có tám ngàn thiên hạ bao quanh. Lại có biển lớn bao quanh tám ngàn thiên hạ. Kế đó có núi Ðại Kim cang bao bọc biển lớn. Bên ngoài núi Ðại kim cang này lại có núi Ðại kim cang thứ hai. Giữa hai núi này là một cảnh giới mờ mịt, tối tăm; mặt trời, mặt trăng, các vị thần, trời dù có uy lực cũng không thể dùng ánh sáng soi chiếu đến đó được.
“Ở nơi này có tám địa ngục lớn, mỗi địa ngục lớn có mười sáu địa ngục nhỏ. Ðịa ngục lớn thứ nhất gọi là Tưởng. Thứ hai là địa ngục Hắc thằng. Thứ ba là địa ngục Ðôi áp. Thứ tư là địa ngục Khiếu hoán. Thứ năm là địa ngục Ðại khiếu hoán. Thứ sáu là địa ngục Thiêu chích . Thứ bảy là địa ngục Ðại thiêu chích . Thứ tám là địa ngục Vô gián.
“Trong địa ngục Tưởng có mười sáu ngục nhỏ ; mỗi địa ngục nhỏ ngang dọc năm trăm do-tuần. Ngục nhỏ thứ nhất là Hắc sa, hai là Phất thỉ, ba là Ngũ bách đinh, bốn là Cơ, năm là Khát, sáu là một Ðồng phủ, bảy là Ða đồng phủ, tám là Thạch ma, chín là Nùng huyết, mười là Lượng hỏa, mười một là Hôi hà, mười hai là Thiết hoàn, mười ba là Cân phủ, mười bốn là Sài lang, mười lăm là Kiếm thọ, mười sáu là Hàn băng.
“Vì sao gọi là địa ngục Tưởng? Vì chúng sanh ở trong đó, trên tay của chúng mọc móng sắt; móng này vừa dài vừa bén. Chúng thù hận nhau, luôn có ý tưởng độc hại, dùng móng tay cào cấu lẫn nhau, chạm tay vào chỗ nào là chỗ đó thịt rớt xuống, tưởng là đã chết; có cơn gió lạnh thổi đến, da thịt sinh ra trở lại, giây lát chúng sống lại, đứng dậy, tự mình có ý tưởng rằng: Ta nay đã sống lại. Chúng sanh khác nói: Ta có ý tưởng ngươi đang sống. Vì sự tưởng này cho nên gọi là địa ngục Tưởng.
“Lại nữa, chúng sanh ở trong địa ngục Tưởng này, lúc nào cũng nghĩ đến sự độc hại, phá hại lẫn nhau. Tay họ cầm một loại đao kiếm tự nhiên, vừa nhọn vừa bén, đâm chém lẫn nhau, lóc da xẻ thịt, bằm nát thân thể rớt xuống đất và họ tưởng mình đã chết, nhưng bỗng một cơn gió lạnh thổi đến, da thịt sanh ra lại, làm cho họ sống lại đứng dậy, tự nghĩ và nói: Ta nay đã sống lại. Chúng sanh khác nói: Ta cũng nghĩ là ngươi đã sống lại. Vì lý do đó nên gọi là địa ngục Tưởng.
“Lại nữa, những chúng sanh ở trong địa ngục Tưởng đó, lúc nào cũng ôm trong lòng ý tưởng độc hại; chúng quấy phá lẫn nhau. Tay chúng cầm một loại đao kiếm tự nhiên, vừa nhọn vừa bén, đâm chém lẫn nhau, lóc da xẻ thịt, thân thể rã rời dưới đất, tưởng là đã chết, nhưng một cơn gió lạnh thổi đến, da thịt sanh ra lại, giây lát sống lại, đứng dậy, tự có ý tưởng rằng: Ta nay đã sống lại. Chúng sanh khác nói: Ta có ý tưởng ngươi đang sống. Vì lý do đó nên gọi là địa ngục Tưởng.
“Lại nữa, địa ngục Tưởng là nơi mà những chúng sanh lúc nào cũng ôm lòng độc hại, quấy phá lẫn nhau. Tay chúng cầm một loại đao kiếm, vừa nhọn vừa bén, đâm chém lẫn nhau, lóc da xẻ thịt và tưởng là đã chết, nhưng bỗng một cơn gió lạnh thổi đến, da thịt sanh ra lại, giây lát sống lại đứng dậy, tự có ý tưởng rằng: Ta nay đã sống lại. Chúng sanh khác nói: Ta có ý tưởng ngươi đang sống. Vì lý do đó nên gọi là địa ngục Tưởng.
“Lại nữa, địa ngục Tưởng là nơi mà những chúng sanh lúc nào cũng ôm ý tưởng độc hại, quấy phá lẫn nhau. Tay chúng cầm một loại dao bóng dầu, vừa nhọn vừa bén, đâm chém lẫn nhau, lóc da xẻ thịt, tưởng là đã chết, nhưng bỗng một cơn gió lạnh thổi đến, da thịt sanh ra lại, giây lát sống lại, đứng dậy, tự có ý tưởng rằng: Ta nay đã sống lại. Chúng sanh khác nói: Ta có ý tưởng ngươi đang sống. Vì lý do đó nên gọi là địa ngục Tưởng.
“Lại nữa, địa ngục Tưởng là nơi mà những chúng sanh lúc nào cũng ôm ý tưởng độc hại, quấy phá lẫn nhau. Tay chúng cầm một loại dao nhỏ, vừa nhọn vừa bén, đâm chém lẫn nhau, lóc da xẻ thịt, tưởng là đã chết, nhưng bỗng một cơn gió lạnh thổi đến, da thịt sanh ra lại, giây lát sống lại, đứng dậy, tự mình có ý tưởng rằng: Ta nay đã sống lại. Chúng sanh khác nói: Ta có ý tưởng ngươi đang sống. Vì lý do đó nên gọi là địa ngục Tưởng.
“Những chúng sanh ở trong đó, sau khi chịu khổ lâu, ra khỏi địa ngục Tưởng, hoảng hốt chạy càn để tự cứu mình. Nhưng vì tội quá khứ lôi kéo, nên bất ngờ lại đến địa ngục Hắc sa. Bấy giờ, có một cơn gió nóng dữ dội bốc lên, thổi cát đen nóng dính vào thân nó, khiến toàn thân đều đen, giống như đám mây đen. Cát nóng đốt da, hết thịt, vào tận xương. Sau đó, trong thân tội nhân có một ngọn lửa đen bộc phát, đốt cháy quanh thân rồi vào bên trong, chịu các khổ não, bị thiêu nướng, cháy nám. Vì nhân duyên tội, nên chịu khổ báo này. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được.
“Sau một thời gian, chịu khổ khá lâu ở trong đó, nó ra khỏi địa ngục Hắc sa, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình. Nhưng vì tội quá khứ lôi kéo, nên bất ngờ lại đến địa ngục Phất thỉ. Trong địa ngục này có những hòn sắt là phân sôi tự nhiên đầy dẫy trước mặt, đuổi bức tội nhân phải ôm hòn sắt nóng, đốt cháy thân và tay, đến đầu và mặt tội nhân; không đâu là không bị đốt cháy; lại khiến cho tội nhân bốc hòn sắt bỏ vào miệng, đốt cháy cả môi, lưỡi, từ yết hầu đến bụng, từ trên đến dưới đều bị cháy tiêu hết. Có một loài trùng mỏ sắt ăn da thịt, tận cả xương tủy, đau đớn nhức nhối, lo sợ vô cùng. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được.
“Sau một thời gian, chịu khổ lâu ở trong địa ngục Phất thỉ, tội nhân ra khỏi địa ngục này, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, không ngờ lại đến địa ngục Thiết đinh. Sau khi đã vào đó, ngục tốt đánh tội nhân cho té xuống, nằm mọp trên sắt nóng, căng thẳng thân thể nó ra, dùng đinh đóng tay, đóng chân, đóng vào tim. Toàn thân bị đóng hết thảy năm trăm cái đinh. Nó đau đớn nhức nhối, kêu la rên xiết. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được.
“Sau một thời gian, chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục Thiết đinh, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, không ngờ lại đến địa ngục Cơ. Ngục tốt đến hỏi: Các người đến đây muốn điều gì? Tội nhân đáp: Tôi đói quá. Tức thì ngục tốt bắt tội nhân quăng lên bàn sắt nóng, căng thân thể ra, dùng móc câu cạy miệng cho mở ra, rồi lấy hòn sắt nóng bỏ vào trong miệng, đốt cháy môi lưỡi, từ cổ cho đến bụng, chạy tuốt xuống dưới, không chỗ nào không đốt cháy, đau rát nhức nhối, khóc la rên xiết. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được.
“Sau một thời gian, chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục Cơ, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, không ngờ lại đến địa ngục Khát. Ngục tốt liền hỏi: Các ngươi đến đây, muốn cầu điều gì? Tội nhân đáp: Tôi khát quá. Ngục tốt liền bắt tội nhân quăng lên bàn sắt nóng, căng thân thể ra rồi dùng móc câu cạy miệng tội nhân ra, lấy nước đồng sôi rót vào trong miệng đốt cháy môi, lưỡi, từ cổ cho đến bụng, suốt từ trên xuống dưới, không chỗ nào không đốt cháy, đau rát nhức nhối, khóc la rên xiết. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được.
“Sau một thời gian, chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục Khát, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, không ngờ lại đến địa ngục một Ðồng phúc. Ngục tốt trợn mắt giận dữ, nắm chân tội nhân ném vào trong vạc đồng, theo nước sôi sùng sục, trồi lên hụp xuống, từ đáy đến miệng, rồi từ miệng cho đến đáy, hoặc ở giữa vạc, cả thân thể bị nấu nhừ. Cũng như nấu đậu, hạt đậu tùy theo nước sôi, trào lên lộn xuống, các hạt đậu cả trong ngoài đều được nấu nhừ. Tội nhân trồi lên sụp xuống trong vạc dầu sôi cũng như vậy. Kêu gào bi thảm, hàng vạn độc hại cùng đến; nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được.
“Sau một thời gian, chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục một Ðồng phúc, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, nhưng bị tội đời trước lôi kéo, bất ngờ lại rơi vào địa ngục Ða đồng phúc. Ðịa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần. Ngục tốt trợn mắt giận dữ, nắm chân tội nhân ném vào trong vạc đồng, theo nước sôi sùng sục, trồi lên hụp xuống, từ đáy đến miệng, rồi từ miệng cho đến đáy, hoặc ở giữa vạc, cả thân thể bị nấu nhừ. Cũng như nấu đậu, hạt đậu tùy theo nước sôi, trào lên lộn xuống, các hạt đậu cả trong ngoài đều được nấu nhừ. Tội nhân trồi lên sụp xuống trong vạc dầu sôi cũng như vậy, tùy theo nước sôi mà trồi lên sụp xuống, từ miệng vạc cho đến đáy vạc, rồi từ đáy cho đến miệng, hoặc tay chân nổi lên, hoặc lưng bụng nổi lên, hoặc đầu mặt nổi lên. Ngục tốt dùng lưỡi câu móc để trong vạc đồng khác. Nó kêu khóc thảm thiết, đau đớn nhức nhối. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được.
“Sau một thời gian, chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục Ða đồng phúc, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, nhưng bị tội đời trước lôi kéo, không ngờ lại rơi vào địa ngục Thạch ma. Ðịa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần. Ngục tốt thịnh nộ, bắt tội nhân quăng lên tảng đá nóng, căng tay chân ra, dùng đá tảng nóng lớn đè trên thân tội nhân, mài tới mài lui làm cho xương nát vụn, máu mủ chảy ra, đau đớn nhức nhối, khóc la thảm thiết. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được.
“Sau một thời gian, chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục Thạch ma, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, nhưng bị tội đời trước lôi kéo, không ngờ lại rơi vào địa ngục Nùng huyết. Ðịa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần. Trong địa ngục này tự nhiên có máu mủ nóng sôi sục trào vọt. Tội nhân ở trong đó chạy Ðông, chạy Tây, bị máu mủ sôi nóng luộc chín toàn thân, đầu, mặt, tay, chân, tất cả đều nát nhừ. Tội nhân còn phải ăn máu mủ nóng, miệng, môi đều bị bỏng, từ cổ cho đến bụng, suốt trên xuống dưới không chỗ nào không nát nhừ, đau đớn nhức nhối, không thể chịu nổi. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được.
“Sau một thời gian, chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục Nùng huyết, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, nhưng bị tội đời trước lôi kéo, không ngờ lại rơi vào địa ngục Lượng hỏa. Ðịa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần. Trong địa ngục này có một đống lửa lớn, tự nhiên xuất hiện trước mặt, lửa cháy hừng hực. Ngục tốt hung dữ, bắt tội nhân tay cầm cái đấu bằng sắt, để đong đống lửa ấy. Khi họ đong lửa, thì lửa đốt cháy tay chân và cả toàn thân, họ đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được.
“Sau một thời gian, chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục Lượng hỏa, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, nhưng bị tội đời trước lôi kéo, không ngờ lại rơi vào địa ngục Hôi hà. Ðịa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần, sâu năm trăm do-tuần. Tro sôi sùng sục, độc khí xông lên phừng phực, các dòng xoáy vỗ nhau, âm vang thật đáng sợ, từ đáy lên bên trên có gai sắt dọc ngang với mũi nhọn dài tám tấc. Bên bờ sông lại có một loại dao kiếm dài, có cả ngục tốt, sài lang. Hai bên bờ sông mọc những đao kiếm dài, nhánh, lá, hoa, trái đều là đao kiếm, vừa nhọn vừa bén, cỡ tám tấc, đứng bên là những ngục tốt, sài lang. Trên bờ sông có rừng mà cây là gươm với cành, lá, hoa, trái đều là đao kiếm, mũi nhọn tám tấc. Tội nhân vào trong sông, tùy theo lượn sóng lên xuống, mà trồi lên hụp xuống. Toàn thân đều bị gai sắt đâm thủng từ trong ra ngoài, da thịt nát bét, máu mủ dầm dề, đau đớn muôn chiều, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được.
“Sau một thời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục Hôi hà, lên được trên bờ, nhưng ở trên bờ lại có nhiều gươm giáo sắc bén đâm thủng toàn thân, tay chân bị thương tổn. Bấy giờ quỷ sứ hỏi tội nhân: Các ngươi đến đây muốn cầu điều chi? Tội nhân đáp: Chúng tôi đói quá. Ngục tốt liền bắt tội nhân quăng lên sắt nóng, căng thân thể ra rồi dùng móc câu cạy miệng tội nhân ra, lấy nước đồng sôi rót vào, cháy bỏng môi, lưỡi, từ cổ đến bụng, suốt trên xuống dưới, không chỗ nào không rục. Lại có loài lang sói răng nanh vừa dài vừa bén đến cắn tội nhân, ăn thịt khi tội nhân đang sống. Rồi thì, tội nhân bị sông tro đun nấu, bị gai nhọn đâm thủng, bị rót nước đồng sôi vào miệng và bị sài lang ăn thịt xong, thì lại leo lên rừng kiếm; khi leo lên rừng kiếm thì bị đao kiếm chỉa xuống; khi tuột xuống rừng kiếm thì bị đao kiếm chỉa lên, khi tay nắm thì cụt tay, chân dẫm lên thì cụt chân; mũi nhọn đâm thủng toàn thân từ trong ra ngoài, da thịt rơi xuống, máu mủ đầm đìa, chỉ còn xương trắng, gân cốt liên kết với nhau. Bấy giờ, trên cây kiếm có một loại quạ mỏ sắt đến mổ nát đầu và xương để ăn não của tội nhân. Nó đau đớn nhức nhối kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được, lại bị trở lại địa ngục Hôi hà. Tội nhân này theo lượn sóng lên xuống, mà trồi lên sụp xuống, gươm giáo đâm thủng toàn thân trong ngoài, da thịt tan nát, máu mủ đầm đìa, chỉ còn xương trắng trôi nổi bên ngoài. Bấy giờ, có một cơn gió lạnh thổi đến làm cho da thịt phục hồi, giây lát nó đứng dậy đi, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, nhưng vì tội quá khứ lôi kéo, tội nhân lại không ngờ sa vào địa ngục Thiết hoàn. Ðịa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần. Khi tội nhân vào đây, thì tự nhiên có những hòn sắt nóng hiện ra trước mặt. Ngục quỷ cưỡng bức tội nhân nắm bắt, tay chân rã rời, toàn thân lửa đốt, đau đớn kêu la thảm, muôn vàn khổ độc dồn đến chết. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được.
“Sau một thời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục Thiết hoàn, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhân bất ngờ lại sa vào địa ngục Cân phủ. Ðịa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần. Khi tội nhân vào địa ngục này, ngục tốt hung dữ, bắt tội nhân để trên bàn sắt nóng, dùng búa rìu bằng sắt nóng chặt thân thể, tay, chân, cắt tai, xẻo mũi, làm cho đau đớn nhức nhối, kêu la thảm thiết; nhưng vì tội chưa hết, nên họ không chết được.
“Sau một thời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục Cân phủ, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhân không ngờ lại sa vào địa ngục Sài lang. Ðịa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần. Khi tội nhân vào địa ngục này, thì có bầy lang sói tranh nhau cắn xé tội nhân, làm cho da thịt nhầy nhụa, xương gãy, thịt rơi, máu chảy đầm đìa, làm đau đớn muôn vàn, kêu la thảm thiết; nhưng vì tội cũ chưa hết, nên họ không chết được.
“Sau một thời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục Sài lang, hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhân bất ngờ lại sa vào địa ngục Kiếm thọ. Ðịa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần. Khi tội nhân vào địa ngục này, thì có một cơn gió mãnh liệt, thổi lá cây bằng gươm dao rớt trên thân thể tội nhân, hễ chạm vào tay thì cụt tay, dính vào chân thì cụt chân, thân thể, đầu mặt không đâu là không bị thương hoại. Có một loại quạ mỏ sắt, đứng trên đầu mổ đôi mắt tội nhân, làm cho đau đớn muôn vàn, kêu la thảm thiết; nhưng vì tội cũ chưa hết, nên không chết được.
“Sau một thời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục Kiếm thọ, hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhân bất ngờ lại sa vào địa ngục Hàn băng. Ðịa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần. Khi tội nhân vào địa ngục này, thì có một cơn gió lạnh buốt, thổi đến làm cho thân thể bị lạnh cóng, máu huyết đông đặc, da thịt nứt nẻ, rớt ra từng mảnh, làm họ đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Sau đó thì mạng chung.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Ðịa ngục lớn Hắc thằng có mười sáu địa ngục nhỏ bao bọc chung quanh, mỗi địa ngục ngang dọc năm trăm do-tuần. Vì sao gọi là địa ngục Hắc thằng? Vì ở đó các ngục tốt bắt tội nhân quăng lên bàn sắt nóng, căng thân hình ra rồi dùng sợi dây sắt kéo ra cho thẳng, rồi dùng búa bằng sắt nóng xẻ theo đường sợi dây, xẻ tội nhân kia thành trăm ngàn đoạn. Giống như thợ mộc dùng dây kẻ vào cây rồi dùng búa bén theo đường mực mà bổ ra thành trăm ngàn đoạn, thì cách hành hạ tội nhân ở đây cũng như vậy, đau đớn vô cùng, không thể diễn tả hết được. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì thế nên gọi là địa ngục Hắc thằng.
“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Hắc thằng bắt tội nhân quăng lên bàn sắt nóng, căng thân hình ra, dùng dây sắt nóng kéo ra cho thẳng, dùng cưa để cưa tội nhân. Giống như người thợ mộc dùng dây mực kẻ trên thân cây, rồi dùng cưa để cưa cây, thì cách hành hạ tội nhân ở đây cũng như vậy, đau đớn vô cùng, không thể diễn tả hết được. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì thế gọi là địa ngục Hắc thằng.
“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Hắc thằng bắt tội nhân quăng lên bàn sắt nóng, căng thân thể ra, dùng dây sắt nóng để trên thân tội nhân, làm cho da thịt bị thiêu đốt, tiêu xương chảy tủy đau đớn vô cùng, không thể diễn tả hết được. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì thế gọi là địa ngục Hắc thằng.
“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Hắc thằng dùng vô số dây sắt nóng treo ngang, rồi bắt tội nhân đi giữa những sợi dây này, lúc đó lại có cơn gió lốc nổi lên, thổi những sợi dây sắt nóng quấn vào thân, đốt cháy da thịt, tiêu xương chảy tủy đau đớn vô cùng, không thể diễn tả hết được. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì thế gọi là địa ngục Hắc thằng.
“Lại nữa, ngục tốt ở trong địa ngục Hắc thằng buộc tội nhân mặc áo bằng dây sắt nóng, đốt cháy da thịt, tiêu xương chảy tủy đau đớn vô cùng, không thể diễn tả hết được. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì thế gọi là địa ngục Hắc thằng.
“Sau thời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục Hắc thằng, hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhân bất ngờ lại sa vào địa ngục Hắc sa. cho đến địa ngục Hàn băng. Sau đó thì tội nhân mạng chung.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Ðịa ngục lớn Ðôi áp có mười sáu địa ngục nhỏ bao bọc chung quanh; mỗi ngục nhỏ ngang dọc năm trăm do-tuần. Vì sao gọi là địa ngục Ðôi áp? Vì trong ngục đó có núi đá lớn, từng cặp đối nhau. Khi tội nhân vào giữa thì hai hòn núi tự nhiên khép lại, ép thân thể tội nhân, xương thịt nát vụn, xong rồi trở lại vị trí cũ, giống như hai thanh củi cọ vào nhau, khi cọ xong dang ra, thì cách trị tội nhân của địa ngục này cũng như vậy, đau đớn vô cùng, không thể diễn tả hết được. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Ðôi áp.
“Lại nữa, ở địa ngục Ðôi áp, có voi sắt lớn, toàn thân bốc lửa, vừa kêu rống, vừa chạy đến dày xéo thân thể tội nhân, dẫm đi dẫm lại, làm cho thân thể bị nghiền nát, máu mủ tuôn chảy, đau đớn muôn vàn, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Ðôi áp.
“Lại nữa, các ngục tốt ở địa ngục Ðôi áp, bắt tội nhân đặt lên bàn đá mài, rồi lấy đá mài mà mài, làm cho xương thịt vụn nát, máu mủ chảy dầm dề, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Ðôi áp.
“Lại nữa, các ngục tốt ở địa ngục Ðôi áp, bắt tội nhân nằm trên tảng đá lớn, rồi lấy một tảng đá khác đè lên, làm cho xương thịt vụn nát, máu mủ chảy đầm đìa, đau đớn nhức nhối, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Ðôi áp.
“Lại nữa, các ngục tốt ở địa ngục Ðôi áp, bắt tội nhân nằm trong các cối sắt, rồi dùng chày sắt để giã tội nhân, từ đầu đến chân, làm cho xương thịt vụn nát, máu mủ chảy đầm đìa, đau đớn nhức nhối, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Ðôi áp.
“Sau thời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục Ðôi áp, hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhân bất ngờ lại sa vào địa ngục Hắc sa. cho đến địa ngục Hàn băng, rồi sau đó thì tội nhân mạng chung.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Ðịa ngục lớn Khiếu hoán có mười sáu địa ngục nhỏ bao quanh; mỗi ngục nhỏ ngang dọc năm trăm do-tuần. Vì sao gọi là địa ngục Khiếu hoán? Vì các ngục tốt trong ngục này bắt tội nhân bỏ vào trong vạc lớn, với nước nóng sôi sục, nấu nhừ tội nhân, khiến chúng kêu la gào thét, đau đớn nhức nhối, muôn vàn độc hại. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Khiếu hoán.
“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Khiếu hoán bắt tội nhân bỏ vào trong vò sắt lớn, dùng nước nóng sôi sục, nấu nhừ tội nhân, khiến chúng đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Khiếu hoán.
“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Khiếu hoán bắt tội nhân bỏ vào trong nồi sắt lớn, dùng nước nóng sôi sục, nấu nhừ tội nhân, khiến họ đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì thế nên gọi là địa ngục Khiếu hoán.
“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Khiếu hoán bắt tội nhân ném vào trong nồi nhỏ, dùng nước nóng sôi sục, nấu nhừ tội nhân, khiến chúng đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Khiếu hoán.
“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Khiếu hoán bắt tội nhân bỏ lên trên cái nồi hầm, hầm đi hầm lại, khiến cho kêu gào, la thét, đau đớn vô cùng. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Khiếu hoán.
“Sau thời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục này, hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhân không ngờ lại sa vào địa ngục Hắc sa. cho đến địa ngục Hàn băng và sau đó thì tội nhân mạng chung.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Ðịa ngục Ðại khiếu hoán lớn có mười sáu địa ngục nhỏ bao quanh; mỗi ngục nhỏ ngang dọc năm trăm do-tuần. Vì sao gọi là địa ngục Ðại khiếu hoán? Vì các ngục tốt trong ngục này bắt tội nhân bỏ vào trong nồi sắt lớn, dùng nước nóng sôi sục, nấu nhừ tội nhân, khiến chúng kêu la gào thét, khóc lóc thảm thiết, đau đớn vô cùng. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Ðại khiếu hoán.
“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Ðại khiếu hoán bắt tội nhân bỏ vào trong vò sắt lớn, dùng nước sôi sùng sục, nấu nhừ tội nhân, khiến họ đau đớn vô cùng. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Ðại khiếu hoán.
“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Ðại khiếu hoán bắt tội nhân bỏ vào trong vạc sắt, dùng nước sôi sùng sục, nấu nhừ tội nhân, khiến chúng đau đớn vô cùng. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Ðại khiếu hoán.
“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Ðại khiếu hoán bắt tội nhân bỏ vào trong nồi nhỏ, dùng nước sôi sùng sục, nấu nhừ tội nhân, khiến chúng đau đớn vô cùng. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Ðại khiếu hoán.
“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Ðại khiếu hoán, bắt tội nhân ném lên trên chảo lớn, rồi trở qua trở lại tội nhân, khiến kêu la gào thét, kêu la lớn, đau đớn vô cùng. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Ðại khiếu hoán.
“Sau thời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục này, hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhân bất ngờ lại sa vào địa ngục Hắc sa. cho đến địa ngục Hàn băng, rồi sau đó thì tội nhân mạng chung.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Ðịa ngục lớn Thiêu chích, có mười sáu địa ngục nhỏ bao bọc chung quanh. Vì sao gọi là địa ngục lớn Thiêu chích? Vì các ngục tốt trong địa ngục đó bắt tội nhân vào trong thành sắt. Thành này bốc cháy, cả trong lẫn ngoài đều đỏ rực, thiêu nướng tội nhân, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy gọi là địa ngục Thiêu chích.
“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục này, bắt tội nhân bỏ vào trong nhà sắt, rồi cho nhà này bốc cháy, trong ngoài đều đỏ rực, thiêu nướng tội nhân, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Thiêu chích.
“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục này, bắt tội nhân bỏ vào trên lầu sắt, rồi cho lầu bốc cháy, trong ngoài đỏ rực, thiêu nướng tội nhân, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Thiêu chích.
“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục này, bắt tội nhân bỏ vào trong lò gốm sắt lớn, rồi cho lò này cháy, trong ngoài đỏ rực, thiêu nướng tội nhân, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Thiêu chích.
“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục này, bắt tội nhân bỏ vào trong nồi hầm lớn, rồi cho nồi này bốc cháy, trong ngoài đều đỏ rực, thiêu nướng tội nhân, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Thiêu chích.
“Sau thời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục này, hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhân bất ngờ lại sa vào địa ngục Hắc sa. cho đến địa ngục Hàn băng và sau đó thì tội nhân mạng chung.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Ðịa ngục Ðại thiêu chích có mười sáu địa ngục nhỏ bao bọc chung quanh; mỗi ngục nhỏ ngang dọc năm trăm do-tuần. Vì sao gọi là địa ngục Ðại thiêu chích? Vì các ngục tốt trong địa ngục này, bắt tội nhân vào trong thành sắt, rồi cho thành này bốc cháy, cả trong lẫn ngoài đều đỏ rực, thiêu nướng tội nhân, thiêu nướng nhiều lần, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Ðại thiêu chích.
“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục này, bắt tội nhân bỏ vào trong nhà sắt, rồi cho nhà này bốc cháy, trong ngoài đều đỏ rực, thiêu nướng tội nhân, thiêu nướng nhiều lần, da thịt tiêu tan, khiến họ đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Ðại thiêu chích.
“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục này, bắt tội nhân bỏ vào trên lầu sắt, rồi cho lầu bốc cháy, trong ngoài đỏ rực, thiêu nướng tội nhân, thiêu nướng nhiều lần, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Ðại thiêu chích.
“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục này, bắt tội nhân bỏ vào trong lò gốm sắt lớn, rồi cho lò này bốc cháy, trong ngoài đều đỏ rực, thiêu nướng tội nhân, thiêu nướng nhiều lần, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Ðại thiêu chích.
“Lại nữa, ở địa ngục này, thiêu nướng nhiều lần, tự nhiên có hầm lửa lớn, lửa cháy phừng phừng, hai bên bờ hầm có núi lửa lớn. Các ngục tốt ở đây bắt tội nhân ghim vào trên chĩa sắt, rồi dựng đứng trong lửa đỏ, làm cho thân thể bị thiêu nướng, thiêu nướng nhiều lần, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Ðại thiêu chích.
“Sau thời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục này, hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhân bất ngờ lại sa vào địa ngục Hắc sa. cho đến địa ngục Hàn băng và sau đó thì tội nhân mạng chung.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Ðịa ngục lớn Vô gián, có mười sáu địa ngục nhỏ bao bọc chung quanh, mỗi địa ngục ngang dọc năm trăm do-tuần. Vì sao gọi là địa ngục lớn Vô gián? Vì các ngục tốt trong địa ngục này, bắt tội nhân lột da từ đầu đến chân, rồi dùng da ấy cột thân tội nhân vào bánh xe lửa, rồi cho xe lửa chạy đi chạy lại trên nền sắt nóng, làm cho thân thể nát tan, da thịt rời ra từng mảnh, khiến đau đớn vô cùng kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Vô gián.
“Lại nữa, ở địa ngục này, có thành sắt lớn, bốn mặt thành lửa cháy dữ dội, ngọn lửa từ Ðông lan sang Tây, ngọn lửa từ Tây lan sang Ðông, ngọn lửa từ Nam lan đến Bắc, ngọn lửa từ Bắc lan đến Nam, ngọn lửa từ trên lan xuống dưới, ngọn lửa từ dưới lan lên trên, lửa cháy vòng quanh, không có một chỗ nào trống. Tội nhân ở trong đây cứ chạy Ðông chạy Tây, toàn thân bị thiêu nướng, da thịt cháy nám, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Vô gián.
“Lại nữa, ở địa ngục Vô gián này có thành bằng sắt, lửa cháy hừng hực, tội nhân bị lửa đốt thân, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Vô gián.
“Lại nữa, tội nhân ở địa ngục Vô gián này, sau thời gian chịu khổ lâu, thì cửa mở và tội nhân liền chạy về hướng cửa mở, trong khi chạy thì các bộ phận của thân đều bốc lửa, cũng như chàng lực sĩ tay cầm bó đuốc lớn bằng cỏ, chạy ngược gió, lửa ấy cháy phừng phực, thì khi tội nhân chạy lửa cũng bộc phát như vậy. Khi chạy đến gần cửa, thì tự nhiên cửa khép lại. Tội nhân bò càng, nằm phục trên nền sắt nóng, toàn thân bị thiêu nướng, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng, như muôn thứ độc cùng kéo đến một lúc. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Vô gián.
“Lại nữa, tội nhân ở địa ngục Vô gián này, những gì mà mắt thấy, chỉ thấy toàn là màu ác; những gì tai nghe, toàn là âm thanh ác; những gì mũi ngửi, toàn là mùi thối ác; những gì thân xúc chạm, toàn là những sự đau đớn; những gì ý nhớ, chỉ nghĩ điều ác. Lại nữa, tội nhân ở nơi đây, trong khoảnh khắc búng tay, không có một giây phút nào là không khổ. Vì vậy nên gọi là địa ngục Vô gián.
“Sau thời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục này, hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhân bất ngờ lại sa vào địa ngục Hắc sa. cho đến địa ngục Hàn băng lạnh và sau đó thì tội nhân mạng chung.”
Bấy giờ Ðức Thế Tôn liền nói bài kệ:
Thân làm nghiệp bất thiện,
Miệng, ý cũng bất thiẹn,
Ðều vào địa ngục Tưởng,
Sợ hãi, lông dựng đứng.
Ý ác đối cha mẹ,
Phật và hàng Thanh văn,
Thì vào ngục Hắc thằng,
Khổ đau không thể tả.
Chỉ tạo ba nghiệp ác,
Không tu ba hạnh lành,
Thì vào ngục Ðôi áp,
Khổ đau nào tả được.
Ôm lòng sân độc hại,
Sát sanh máu nhơ tay,
Tạo linh tinh hạnh ác,
Vào địa ngục Khiếu hoán.
Thường tạo những tà kiến,
Bị lưới ái phủ kín;
Tạo hạnh thấp hèn này,
Vào ngục Ðại khiếu hoán.
Thường làm việc thiêu nướng,
Thiêu nướng các chúng sanh;
Sẽ vào ngục Thiêu chích,
Bị thiêu nướng luôn luôn.
Từ bỏ nghiệp thiện quả,
Quả thiện, đạo thanh tịnh;
Làm các hạnh tệ ác,
Vào ngục Ðại thiêu chích.
Tạo tác tội cực nặng,
Tất sinh nghiệp đường ác;
Vào địa ngục Vô gián,
Chịu tội không thể tả.
Ngục Tưởng và Hắc thằng,
Ðôi áp, hai Khiếu hoán;
Thiêu chích, Ðại thiêu chích,
Vô gián là thứ tám.
Tám địa ngục lớn này,
Hoàn toàn rực màu lửa;
Tai họa do ác xưa,
Có mười sáu ngục nhỏ.
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Giữa hai ngọn núi Ðại kim cương kia có cơn gió lớn trỗi lên, tên là Tăng-khư. Nếu như ngọn gió này thổi đến bốn châu thiên hạ và tám mươi ngàn thiên hạ khác, thì gió sẽ thổi đại địa này và các danh sơn cùng chúa Tu-di bay khỏi mặt đất từ mười dặm cho đến trăm dặm, tung lên bay liệng giữa trời; tất cả thảy đều vỡ vụn. Giống như tráng sĩ tay nắm một nắm trấu nhẹ tung lên giữa hư không. Dưới ngọn gió lớn kia, giả sử thổi vào thiên hạ này, cũng giống như vậy. Vì có hai ngọn núi Ðại kim cương ngăn chận ngọn gió ấy, nên gió không đến được. Này Tỳ-kheo, nên biết, hai ngọn núi Ðại kim cương này có rất nhiều lợi ích và cũng do nghiệp báo của chúng sanh chiêu cảm nên.
“Lại nữa, gió ở khoảng giữa hai núi này nóng hừng hực; nếu như gió này thổi đến bốn châu thiên hạ, thì những chúng sanh trong đó và những núi non, biển cả, sông ngòi, cây cối, rừng rậm đều sẽ bị cháy khô. Cũng như giữa cơn nắng mùa hè, cắt một nắm cỏ non để ngay dưới mặt trời, cỏ liền khô héo, thì ngọn gió kia cũng như vậy; nếu ngọn gió đó thổi đến thế giới này, thì sức nóng đó sẽ tiêu rụi tất cả. Vì có hai ngọn núi Kim cương này ngăn chận được ngọn gió đó, nên không thể đến đây được. Các Tỳ-kheo, nên biết, ngọn núi Kim cương này có rất nhiều lợi ích và cũng do nghiệp báo của chúng sanh chiêu cảm nên vậy.
“Lại nữa, gió giữa hai núi này hôi thối, bất tịnh, tanh tưởi nồng nặc; nếu như ngọn gió này thổi đến bốn châu thiên hạ này, thì sẽ xông lên làm cho chúng sanh bị mù lòa. Nhưng vì có hai núi Ðại kim cương này ngăn chận nên ngọn gió ấy không thể đến được. Tỳ-kheo, nên biết, núi Kim cương này có rất nhiều lợi ích và cũng do nghiệp báo của chúng sanh chiêu cảm nên vậy.
“Lại nữa, giữa hai núi này lại có mười địa ngục: một là Hậu vân, hai là Vô vân, ba là Ha ha, bốn là Nại hà, năm là Dương minh, sáu là Tu-càn-đề, bảy là Ưu-bát-la, tám là Câu-vật-đầu, chín là Phân-đà-lỵ, mười là Bát-đầu-ma. Vì sao gọi là địa ngục Hậu vân? Vì tội nhân trong ngục này tự nhiên sinh ra thân thể như đám mây dày, cho nên gọi là Hậu vân. Vì sao gọi là Vô vân? Vì chúng sanh chịu tội trong ngục này, tự nhiên thân thể sinh ra như một cục thịt nên gọi là Vô vân. Vì sao gọi là Ha ha? Vì chúng sanh chịu tội trong ngục này, thường thì thân thể đau đớn, rồi rên la ối ối!, nên gọi là Ha ha. Vì sao gọi là Nại hà? Vì chúng sanh chịu tội trong ngục này, thường thân thể đau khổ vô cùng, không có nơi nương tựa, nên thốt lên Sao bây giờ!, nên gọi là Nại hà! Vì sao gọi là Dương minh? Vì chúng sanh chịu tội trong ngục này, thường thân thể, đau đớn vô cùng, muốn thốt lên lời nhưng lưỡi không cử động được, chỉ giống như dê kêu, nên gọi là Dương minh. Vì sao gọi là Tu-càn-đề? Vì trong ngục này chỉ toàn là màu đen, cũng như màu hoa Tu-càn-đề, nên gọi là Tu-càn-đề. Vì sao gọi là Ưu-bát-la? Vì trong ngục này chỉ toàn là màu xanh, như màu hoa Ưu-bát-la, nên gọi là Ưu-bát-la. Vì sao gọi là Câu-vật-đầu? Vì trong ngục này toàn là màu hồng, như màu hoa Câu-vật-đầu, nên gọi là Câu-vật-đầu. Vì sao gọi là Phân-đà-lỵ? Vì trong ngục này toàn là màu trắng, như màu hoa Phân-đà-lỵ, nên gọi là Phân-đà-lỵ. Vì sao gọi là Bát-đầu-ma? Vì trong ngục này toàn là màu đỏ, cũng như màu hoa Bát-đầu-ma, nên gọi là Bát-đầu-ma.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Thí dụ như có một cái thùng có sáu mươi bốn hộc, mỗi hộc đựng đầy hạt mè và có một người cứ một trăm năm lấy đi một hột, như vậy cho đến hết. Thời gian này vẫn chưa bằng thời gian chịu tội trong địa ngục Hậu vân. Chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Hậu vân bằng một tuổi ở địa ngục Vô vân; chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Vô vân bằng chúng sanh một tuổi ở địa ngục Ha ha; chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Ha ha, bằng chúng sanh một tuổi ở địa ngục Nại hà; chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Nại hà, bằng chúng sanh một tuổi ở địa ngục Dương minh; chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Dương minh bằng một tuổi ở ngục Tu-càn-đề; chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Tu-càn-đề, bằng một tuổi ở địa ngục Ưu-bát-la; chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Ưu-bát-la, bằng một tuổi ở địa ngục Câu-vật-đầu; chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Câu-vật-đầu, bằng một tuổi ở địa ngục Phân-đà-lỵ; chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Phân-đà-lỵ, bằng môt tuổi ở địa ngục Bát-đầu-ma; chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Bát-đầu-ma, thì gọi là một trung kiếp; hai mươi trung kiếp thì gọi là một đại kiếp.
“Trong địa ngục Bát-đầu-ma lửa cháy hừng hực, dù tội nhân còn cách ngọn lửa khoảng trăm do-tuần cũng đã bị lửa thiêu nướng; nếu cách tội nhân sáu mươi do-tuần, thì hai tai bị điếc, không còn nghe gì cả; nếu cách năm mươi do-tuần, thì đôi mắt bị mù lòa, không còn thấy gì cả. Tỳ-kheo Cù-ba-lê dùng tâm độc ác, hủy báng Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, nên sau khi mạng chung phải đọa vào địa ngục Bát-đầu-ma này.”
Bấy giờ, vị Phạm vương liền nói bài kệ:
Phàm con người ở đời,
Búa rìu từ cửa miệng;
Sở dĩ giết chết mình,
Là do lời nói độc.
Người đáng chê thì khen,
Người đáng khen thì chê;
Miệng làm theo nghiệp ác.
Thân phải chịu tội ấy.
Mánh lới cướp của cải,
Tội ấy cũng còn nhẹ;
Nếu hủy báng Thánh hiền,
Thì tội ấy rất nặng.
Vô vân, tuổi trăm ngàn,
Hậu vân, tuổi bốn mốt;
Hủy Thánh mắc tội này,
Do tâm, miệng làm ác.
Ðức Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Vị Phạm thiên đã nói bài kệ như vậy, đó là lời nói chân chánh, được Ðức Phật ấn khả. Vì sao? Vì nay Ta là Ðấng Như Lai, Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác, cũng nói ý nghĩa như vậy:
Phàm con người ở đời,
Búa rìu từ cửa miệng;
Sở dĩ giết chết mình,
Là do lời nói độc.
Người đáng chê thì khen,
Người đáng khen thì chê;
Miệng làm theo nghiệp ác.
Thân phải chịu tội ấy.
Mánh lới cướp của cải,
Tội ấy cũng còn nhẹ;
Nếu hủy báng Thánh hiền,
Thì tội ấy rất nặng.
Vô vân, tuổi trăm ngàn,
Hậu vân, tuổi bốn mốt;
Hủy Thánh mắc tội này,
Do tâm, miệng làm ác”.
Ðức Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Về phía nNam cõi Diêm-phù-đề, trong núi Ðại kim cương có cung điện của vua Diêm-la, chỗ vua cai trị ngang dọc sáu ngàn do-tuần. Thành này có bảy lớp, với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây và vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy. Tại chỗ vua Diêm-la cai trị, ngày đêm ba thời đều có vạc đồng lớn, tự nhiên xuất hiện trước mặt. Nếu vạc đồng đã xuất hiện ở trong cung thì nhà vua cảm thấy sợ hãi, liền bỏ ra ngoài cung; nếu vạc đồng xuất hiện ngoài cung thì vua cảm thấy sợ hãi, liền bỏ vào trong cung. Có ngục tốt to lớn bắt vua Diêm-la nằm trên bàn sắt nóng, dùng móc sắt cạy miệng cho mở ra rồi rót nước đồng sôi vào, làm cháy bỏng môi, lưỡi từ cổ đến bụng, thông suốt xuống dưới, không chỗ nào không chín nhừ. Sau khi chịu tội xong, nhà vua cùng thể nữ vui đùa. Các vị đại thần ở đây lại cũng cùng hưởng phúc báo như vậy.”
Ðức Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Có ba vị sứ giả. Những gì là ba? Một là già, hai là bệnh, ba là chết. Nếu có chúng sanh nào thân làm ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác, thì sau khi qua đời bị đọa vào địa ngục. Lúc này, ngục tốt dẫn tội nhân đến chỗ vua Diêm-la. Ðến nơi rồi, thưa rằng: Ðây là người Thiên sứ cho đòi. Vậy xin Ðại vương hỏi cung hắn. Vua Diêm-la hỏi người bị tội: Ngươi không thấy sứ giả thứ nhất sao? Người bị tội đáp: Tôi không thấy. Vua Diêm-la nói tiếp: Khi nhà ngươi còn ở trong loài người, có thấy người nào già nua, đầu bạc, răng rụng, mắt lờ, da thịt nhăn nheo, lưng còm chống gậy, rên rỉ mà đi, hay thân thể run rẩy, vì khí lực hao mòn; ngươi có thấy người này không? Người bị tội đáp: Có thấy. Vua Diêm-la nói tiếp: Tại sao ngươi không tự nghĩ rằng mình cũng sẽ như vậy? Người kia đáp: Vì lúc đó tôi buông lung, không tự hay biết được. Vua Diêm-la nói: Ngươi buông lung không tu tập thân, miệng và ý, bỏ ác mà làm lành. Nay Ta sẽ cho ngươi biết cái khổ của sự buông lung. Vua lại nói tiếp: Nay ngươi phải chịu tội, không phải là lỗi của cha mẹ, không phải là lỗi của anh em, cũng không phải là lỗi của Thiên đế, cũng không phải là lỗi của tổ tiên, cũng không phải là lỗi của hàng tri thức, đầy tớ, sứ giả; cũng không phải là lỗi của Sa-môn, Bà-la-môn. Chính ngươi làm ác, nên chính ngươi phải chịu tội.
“Bấy giờ, vua Diêm-la cho hỏi tội nhân về vị Thiên sứ thứ nhất xong, lại hỏi về Thiên sứ thứ hai: Thế nào, nhà ngươi có thấy vị Thiên sứ thứ hai không? Ðáp rằng: Không thấy. Vua lại hỏi: Khi nhà ngươi còn ở trong loài người, ngươi có thấy kẻ bị bệnh tật, khốn đốn, nằm lăn lóc trên giường, thân thể lăn lộn trên phẩn dãi hôi thối, không thể đứng dậy được; cần phải có người đút cơm cho; đau nhức từng lóng xương, nước mắt chảy, rên rỉ, không thể nói năng được; ngươi có thấy người như thế chăng? Tội nhân đáp: Có thấy. Vua Diêm-la nói tiếp: Tại sao nhà ngươi không tự nghĩ: rồi đây ta cũng sẽ bị tai hoạn như vậy? Tội nhân đáp: Vì khi ấy buông lung tôi không tự hay biết được. Vua Diêm-la nói tiếp: Vì chính ngươi buông lung, nên không thể tu tập thân, miệng và ý, không bỏ việc ác mà làm điều lành. Nay ta sẽ cho ngươi biết thế nào là cái khổ của sự buông lung. Vua lại nói: Nay ngươi phải chịu tội, không phải là lỗi của cha mẹ, không phải là lỗi của anh em, cũng không phải là lỗi của Thiên đế, cũng không phải là lỗi của tổ tiên, cũng không phải là lỗi của hàng tri thức, đầy tớ, sứ giả, cũng không phải là lỗi của Sa-môn, Bà-la-môn. Chính ngươi làm ác, nên chính ngươi phải chịu tội.
“Khi vua Diêm-la hỏi người bị tội về Thiên sứ thứ hai xong, bấy giờ lại hỏi về Thiên sứ thứ ba: Thế nào, nhà ngươi không thấy vị Thiên sứ thứ ba chứ? Ðáp: Không thấy. Vua Diêm-la hỏi tiếp: Khi còn làm người, ngươi có thấy người chết, thân hư hoại, mạng chung, các giác quan đều bị diệt hẳn, thân thể ngay đơ cũng như cây khô, vứt bỏ ngoài gò mả để cho cầm thú ăn thịt, hoặc để trong quan tài, hoặc dùng lửa thiêu đốt chăng? Tội nhân đáp: Có thấy. Vua Diêm-la nói tiếp: Tại sao nhà ngươi không tự nghĩ: rồi đây ta cũng sẽ bị chết như người đó không khác gì? Người bị tội đáp: Vì khi ấy buông lung tôi không tự hay biết được. Vua Diêm-la nói tiếp: Vì chính ngươi buông lung, nên không thể tu tập thân, miệng và ý, không cải đổi việc ác mà thực hành điều thiện. Nay ta sẽ cho ngươi biết thế nào là cái khổ của sự buông lung. Vua lại nói: Nay ngươi phải chịu tội, không phải là lỗi của cha mẹ, không phải là lỗi của anh em, cũng không phải là lỗi của Thiên đế, cũng không phải là lỗi của tổ tiên, cũng không phải là lỗi của hàng tri thức, đầy tớ, sứ giả, cũng không phải là lỗi của Sa-môn, Bà-la-môn. Chính ngươi làm ác, nên chính ngươi phải chịu tội. Bấy giờ, vua Diêm-la hỏi về Thiên sứ thứ ba xong, bèn giao lại cho ngục tốt. Khi đó ngục tốt liền dẫn đến địa ngục lớn. Ðịa ngục lớn này ngang dọc một trăm do-tuần, sâu một trăm do-tuần.”
Bấy giờ Ðức Thế Tôn liền nói bài kệ:
Bốn hướng có bốn cửa,
Ngõ ngách đều như nhau;
Dùng sắt làm tường ngục,
Trên che võng lưới sắt;
Dùng sắt làm nền ngục,
Tự nhiên lửa bốc cháy;
Ngang dọc trăm do-tuần,
Ðứng yên không lay động.
Lửa đen phừng phực cháy,
Dữ dội khó mà nhìn;
Có mười sáu ngục nhỏ,
Lửa cháy do ác hạnh.
Ðức Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Khi ấy vua Diêm-la tự nghĩ: Cchúng sanh ở thế gian, vì mê lầm không ý thức, nên thân làm ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác. Do đó sau khi lâm chung, ít có ai không chịu khổ này. Nếu như những chúng sanh ở thế gian, sửa đổi điều ác, sửa thân, miệng, ý để thực hành theo điều lành, thì sau khi lâm chung sẽ được an vui như hàng chư Thiên vậy. Sau khi ta lâm chung được sinh vào trong cõi người, nếu gặp được Ðức Như Lai, thì sẽ ở trong Chánh pháp, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo, đem lòng tin trong sạch để tu hành Phạm hạnh thanh tịnh. Những điều cần làm đã làm xong, đã đoạn trừ sanh tử, tự mình tác chứng ngay trong hiện tại, không còn tái sinh.”
Bấy giờ, Ðức Thế Tôn đọc bài kệ:
Tuy là thấy Thiên sứ,
Nhưng vẫn còn buông lung;
Người ấy thường âu lo,
Sanh vào nơi ti tiện.
Nếu người có trí tuệ,
Khi gặp thấy Thiên sứ,
Gần gũi pháp Hiền thánh,
Mà không còn buông lung.
Thấy thụ sinh mà sợ,
Do sanh, già, bệnh, chết.
Không thụ sinh, giải thoát,
Hết sanh, già, bệnh, chết.
Người đó được an ổn.
Hiện tại chứng vô vi,
Ðã vượt qua lo sợ,
Chắc chắn nhập Niết-bàn.
PHẨM 5: LONG ÐIỂU
Ðức Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Có bốn loại rồng. Những gì là bốn? Một, sanh ra từ trứng; hai, sanh ra từ bào thai; ba, sanh ra từ nơi ẩm thấp; bốn, sanh ra từ hóa sinh. Ðó là bốn loại rồng.
“Có bốn loại Kim sí điểu. Những gì là bốn? Một, sinh ra từ trứng; hai, sinh ra từ bào thai; ba, sinh ra từ nơi ẩm thấp; bốn, sinh ra từ hóa sinh. Ðó là bốn loại Kim sí điểu.
“Ở dưới đáy nước đại dương có cung điện của vua rồng Ta-kiệt, ngang dọc là tám vạn do-tuần. Tường cung điện có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, chung quanh trang hoàng bằng bảy thứ báu,. cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, lại cũng như vậy.
“Giữa hai ngọn núi chúa Tu-di cùng núi Khư-đà-la có hai cung điện của vua rồng Nan-đà và Bạt-nan-đà. Mỗi cung điện ngang dọc sáu mươi do-tuần. Tường cung điện có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, chung quanh trang hoàng bằng bảy thứ báu... cho đến, vô số các loài chim ca hót líu lo, lại cũng như vậy.
“Phía Bắc bờ đại dương có một cây lớn tên là Cứu-la-thiểm-ma-la. Loại cây này cả vua rồng và Kim sí điểu cũng có, gốc cây to bảy do-tuần, cao trăm do-tuần, tàn cây phủ chung quanh năm mươi do-tuần. Phía Ðông của cây lớn này có cung điện của loài vua rồng sinh ra từ trứng và cung điện của loài Kim sí điểu sinh ra từ trứng. Mỗi cung điện ngang dọc là sáu ngàn do-tuần, tường của cung điện có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, chung quanh trang hoàng bằng bảy thứ báu,. cho đến, vô số các loài chim ca hót líu lo, lại cũng như vậy.
“Phía Nam của cây lớn này có cung điện của loài vua rồng sinh ra từ thai và cung điện của loài Kim sí điểu sinh ra từ thai. Mỗi cung điện ngang dọc là sáu ngàn do-tuần; tường của cung điện có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, chung quanh trang hoàng bằng bảy thứ báu,. cho đến, vô số các loài chim ca hót líu lo, lại cũng như vậy.
“Phía Tây của cây lớn này có cung điện của loài vua rồng sinh ra từ nơi ẩm thấp và cung điện của loài Kim sí điểu sinh ra từ nơi ẩm thấp. Mỗi cung điện ngang dọc sáu ngàn do-tuần; tường của cung điện có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, chung quanh trang hoàng bằng bảy thứ báu,. cho đến, vô số các loài chim ca hót líu lo, lại cũng như vậy.
“Phía Bắc của cây lớn này có cung điện của loài vua rồng sinh ra từ hóa sinh và cung điện của loài Kim sí điểu sinh ra từ hóa sinh. Mỗi cung điện ngang dọc là sáu ngàn do-tuần; tường của cung điện có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, chung quanh trang hoàng bằng bảy thứ báu,. cho đến, vô số các loài chim ca hót líu lo, lại cũng như vậy.
“Khi nào loài Kim sí điểu sinh ra từ trứng, nếu muốn bắt loài rồng để ăn, thì từ nhánh phía Ðông của cây Cứu-la-thiểm-ma-la bay xuống, dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng hai trăm do-tuần, mới bắt loài rồng cũng sinh ra từ trứng để ăn một cách tùy ý tự tại. Nhưng không thể bắt loài rồng được sinh ra từ thai, từ nơi ẩm thấp, từ hóa sinh được.
“Khi nào loài Kim sí điểu sinh ra từ thai, nếu muốn bắt loài rồng sinh ra từ trứng để ăn, thì từ nhánh phía Ðông cây này bay xuống, dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng hai trăm do-tuần, mới bắt loài rồng sinh ra từ trứng để ăn một cách tùy ý tự tại. Khi nào loài Kim sí điểu sinh ra từ thai muốn ăn loài rồng sinh ra từ thai, thì từ nhánh phía Nam của cây này bay xuống và dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng bốn trăm do-tuần, mới bắt loài rồng cũng sinh ra từ thai để ăn một cách tùy ý tự tại. Nhưng không thể bắt loài rồng sinh ra từ ẩm thấp, từ hóa sinh được.
“Khi nào loài Kim sí điểu sinh ra từ nơi ẩm thấp, nếu muốn bắt loài rồng sinh ra từ trứng để ăn, thì từ nhánh phía Ðông bay xuống, dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng hai trăm do-tuần, mới bắt loài rồng sinh ra từ trứng để ăn một cách tùy ý tự tại. Khi nào loài Kim sí điểu sinh ra từ nơi ẩm thấp, nếu muốn bắt loài rồng sinh ra từ thai để ăn, thì từ nhánh phía Nam cây này bay xuống, dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng bốn trăm do-tuần, thì bắt loài rồng sinh ra từ thai để ăn một cách tùy ý tự tại. Khi nào loài Kim sí điểu sinh ra từ nơi ẩm thấp muốn ăn loài rồng sinh ra từ nơi ẩm thấp, thì từ nhánh phía Tây của cây này bay xuống và dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng tám trăm do-tuần, thì bắt loài rồng cũng sinh ra từ nơi ẩm thấp để ăn một cách tùy ý tự tại. Nhưng không thể bắt loài rồng sinh ra từ hóa sinh được.
“Khi nào loài Kim sí điểu sinh ra từ biến hóa, nếu muốn bắt loài rồng sinh ra từ trứng để ăn, thì từ nhánh phía Ðông bay xuống, dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng hai trăm do-tuần, thì bắt loài rồng sinh ra từ trứng để ăn một cách tùy ý tự tại. Khi nào loài Kim sí điểu sinh ra từ biến hóa, nếu muốn bắt loài rồng sinh ra từ thai để ăn, thì từ nhánh phía Nam cây này bay xuống, dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng bốn trăm do-tuần, thì bắt loài rồng sinh ra từ thai để ăn một cách tùy ý tự tại. Khi nào loài Kim sí điểu sinh ra từ biến hóa muốn ăn loài rồng sinh ra từ nơi ẩm thấp, thì từ nhánh phía Tây của cây này bay xuống và dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng tám trăm do-tuần, thì bắt loài rồng sinh ra từ nơi ẩm thấp để ăn. Khi nào Kim sí điểu sinh ra từ biến hóa, nếu muốn ăn loài rồng sinh ra từ biến hóa, thì từ nhánh phía Bắc cây này bay xuống, dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng một ngàn sáu trăm do-tuần, thì bắt loài rồng sanh ra từ biến hóa để ăn một cách tùy ý tự tại. Ðó là loài rồng bị loài Kim sí điểu ăn thịt.
“Tuy nhiên có những loại rồng lớn mà loài Kim sí điểu không thể ăn thịt được. Ðó là: Vua rồng Ta-kiệt-la, Nan-đà, Bạt-nan-đà, Y-na-bà-la, Ðề-đầu-lại-tra, Thiện-kiến, A-lô, Ca-câu-la, Ca-tỳ-la, A-ba-la, A-nậu-đạt, Thiện-trú, Ưu-diệm-ca-bà-đầu, Ðắc-xoa-ca. Ðó là các loài vua rồng lớn không bị loài Kim sí điểu bắt ăn thịt.”
Ðức Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu có chúng sanh nào thọ trì giới rồng, tâm ý nghĩ đến loài rồng, đầy đủ pháp của rồng, thì sẽ sinh về trong loài rồng. Nếu có chúng sanh nào trì giới Kim sí điểu, tâm ý nghĩ đến loài Kim sí điểu, đầy đủ pháp của Kim sí điểu, thì sẽ sinh về trong loài Kim sí điểu. Hoặc có chúng sanh trì giới của thỏ, tâm ý nghĩ về loài thỏ, cắt ; đầy đủ pháp của thỏ, thì sẽ sinh vào loài thỏ, cắt. Hoặc có chúng sanh trì giới của chó, hoặc trì giới của trâu, hoặc trì giới của nai, hoặc trì giới câm, hoặc trì giới Ma-ni-bà-đà , hoặc trì giới lửa, hoặc trì giới mặt trăng, hoặc trì giới mặt trời, hoặc trì giới nước, hoặc trì giới cúng dường lửa, hoặc trì pháp khổ hạnh ô uế. Những người ấy nghĩ rằng: Ta trì pháp câm này, pháp Ma-ni-bà-đà, pháp lửa, pháp mặt trăng, mặt trời, pháp nước, pháp cúng dường lửa, các pháp khổ hạnh; ta trì công đức này là để sinh lên cõi Trời. Ðây là những thứ tà kiến.”
Phật dạy:
“Ta nói những người tà kiến này chắc chắn sẽ đi vào hai nơi: Hoặc sinh vào địa ngục, hay sinh vào hàng súc sanh. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào có những lý luận như vầy, những quan điểm như vầy: Ngã và thế gian là thường còn, đây là thật, ngoài ra đều hư dối, hoặc Ngã và thế gian là vô thường, đây là thật, ngoài ra đều hư dối, hoặc Ngã và thế gian vừa thường vừa là vô thường, đây là thật ngoài ra đều hư dối, hoặc Ngã và thế gian chẳng phải thường cũng chẳng phải vô thường, đây là thật ngoài ra đều hư dối; Ngã và thế gian là hữu biên, đây là thật ngoài ra đều hư dối, hoặc Ngã và thế gian là vô biên, đây là thật ngoài ra đều hư dối, hoặc Ngã và thế gian vừa hữu biên vừa vô biên, đây là thật ngoài ra đều hư dối, hoặc Ngã và thế gian chẳng phải hữu biên cũng chẳng phải vô biên, đây là thật ngoài ra đều hư dối; Thân tức mạng, đây là thật ngoài ra đều hư dối hoặc Thân khác mạng khác, đây là thật ngoài ra đều hư dối, hoặc Chẳng phải có mạng chẳng phải không mạng, đây là chắc thật ngoài ra đều là hư dối; hoặc Không mạng không thân, đây là thật ngoài ra đều là hư dối.
“Hoặc có người nói: Có cái chết của đời khác như vậy, đây là thật ngoài ra đều là hư dối. Có người nói: Không có cái chết của đời khác như vậy, đây là thật ngoài ra đều là hư dối. Hoặc có người nói: Vừa có cái chết đời khác như vậy và không có cái chết đời khác như vậy, đây là thật ngoài ra đều hư dối. Lại có người nói: Chẳng phải có chẳng phải không cái chết đời khác như vậy, đây là thật ngoài ra đều hư dối.
“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào có những lý luận như vầy, những kiến giải như vầy: Thế gian là thường, đây là lời nói chắc thật ngoài ra đều hư dối, những người ấy hành với kiến chấp về ngã, kiến chấp về thân, kiến chấp về mạng, kiến chấp về thế gian, cho nên nói rằng: Ngã và thế gian là thường. Những ai chủ trương là vô thường, những người ấy hành với kiến chấp về ngã, kiến chấp về mạng, kiến chấp về thân, kiến chấp về thế gian cho nên nói rằng: Ngã và thế gian là vô thường. Những ai chủ trương là vừa thường vừa vô thường, những người ấy hành với kiến chấp về ngã, kiến chấp về mạng, kiến chấp về thân, kiến chấp về thế gian, cho nên nói rằng: Thế gian vừa thường vừa vô thường. Những ai chủ trương rằng chẳng phải thường cũng chẳng phải vô thường, những người ấy hành với kiến chấp về ngã, có kiến chấp về mạng, có kiến chấp về thân, có kiến chấp về thế gian, cho nên nói rằng: Ngã và thế gian chẳng phải thường chẳng phải vô thường.
“Những ai chủ trương thế gian là hữu biên, những người ấy hành với kiến chấp về ngã, kiến chấp về mạng, kiến chấp về thân, kiến chấp về thế gian, cho nên nói rằng: Mạng là hữu biên; thân là hữu biên; thế gian là hữu biên. Từ lúc mới thụ thai cho đến khi bị vứt bỏ nơi gò mả, thì những gì thuộc về thân bốn đại đều chuyển di như vậy tối đa cho đến bảy đời. Khi các hành thân, mạng đã hết thì ngã nhập vào thanh tịnh tụ, cho nên nói rằng: Ngã là có biên. Những người chủ trương ngã và thế gian là vô biên, những người này hành với kiến chấp về ngã, kiến chấp về mạng, kiến chấp về thân, kiến chấp về thế gian, cho nên nói rằng: Mạng là vô biên, thân là vô biên, thế gian là vô biên. Từ lúc mới thụ thai cho đến khi bị vứt bỏ nơi gò mả, những gì thuộc về thân bốn đại đều chuyển di như vậy tối đa cho đến bảy đời. Khi các hành thân, mạng đã hết thì ngã nhập thanh tịnh tụ, cho nên nói rằng: Ngã và thế gian là vô biên. Những ai chủ trương thế gian này vừa hữu biên vừa vô biên, những người ấy hành với kiến chấp về ngã, kiến chấp về mạng, kiến chấp về thân, kiến chấp về thế gian, cho nên nói rằng: Mạng vừa hữu biên vừa vô biên. Từ lúc mới thụ thai cho đến khi bị vứt bỏ nơi gò mả, những gì thuộc về thân bốn đại đều chuyển di như vậy tối đa cho đến bảy đời. Khi các hành thân, mạng đã hết thì ngã nhập thanh tịnh tụ, cho nên nói rằng: Ngã vừa hữu biên vừa vô biên. Những ai chủ trương ngã và thế gian là không phải hữu biên không phải vô biên, những người ấy hành với kiến chấp về ngã, kiến chấp về mạng, kiến chấp về thân, kiến chấp về thế gian, cho nên nói rằng: Mạng và thân chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên. Từ lúc mới thụ thai cho đến khi bị vứt bỏ nơi gò mả, những gì thuộc về thân bốn đại đều chuyển di như vậy tối đa cho đến bảy đời. Khi các hành thân, mạng đã hết thì ngã nhập thanh tịnh tụ, cho nên nói rằng: Ngã chẳng phải hữu biên chẳng phải là vô biên.
“Những người chủ trương mạng tức là thân, thì đối với thân này có kiến chấp về mạng; đối với thân khác, có kiến chấp về mạng, cho nên nói rằng: Mạng tức là thân. Những người chủ trương mạng khác với thân, thì đối với thân này có kiến chấp về mạng, đối với thân khác không có kiến chấp về mạng, cho nên nói rằng: Mạng khác với thân. Những ai chủ trương mạng chẳng phải có, chẳng phải không, thì đối với thân này không có kiến chấp về mạng, đối với thân khác lại có kiến chấp về mạng, cho nên nói rằng: Chẳng phải có, chẳng phải không. Những ai chủ trương không có thân, mạng, thì đối với thân này họ không có kiến chấp về mạng, cho nên nói rằng: Không có mạng, không có thân.
“Có người bảo: Có cái chết của đời khác như vậy, vì thấy hiện tại có thân mạng và đời sau cũng có thân mạng du hành, cho nên họ bảo rằng: Có cái chết đời khác như vậy. Có người bảo: Không có cái chết của đời khác như vậy, vì người này bảo đời hiện tại có mạng, nhưng đời sau không có mạng, cho nên nói rằng: Không có cái chết của đời khác như vậy. Có người bảo: Vừa có cái chết của đời khác như vậy, vừa không có cái chết của đời khác như vậy, vì người ấy bảo đời hiện tại mạng bị đoạn diệt, đời sau mạng du hành, cho nên nói rằng: Vừa có mạng của đời khác như vậy, không có mạng của đời khác như vậy. Có người bảo: Chẳng phải có, chẳng phải không cái chết của đời khác như vậy, vì người ấy bảo thân, mạng hiện tại bị đoạn diệt; thân, mạng đời sau bị đoạn diệt, cho nên bảo rằng: Chẳng phải có, chẳng phải không cái chết của đời khác như vậy.”
Bấy giờ, Ðức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Lâu xa về thời quá khứ có vị vua tên là Kính Diện. Một hôm nhà vua tập họp những người mù lại một chỗ và hỏi: Này những người mù từ khi mới sinh, các ngươi có biết con voi không? Họ đáp: Tâu đại vương, chúng tôi không biết! Nhà vua lại hỏi: Các ngươi có muốn biết hình loại con voi ra sao không? Họ đáp: Muốn biết. Bấy giờ nhà vua ra lệnh cho người hầu dắt con voi đến và bảo những người mù này dùng tay của mình sờ thử. Trong đó có người sờ trúng vòi voi, thì vua nói rằng đấy là con voi; có người sờ trúng ngà voi, có người sờ trúng tai voi, có người sờ trúng đầu voi, có người sờ trúng lưng voi, có người sờ trúng bụng voi, có người sờ trúng bắp đùi voi, có người sờ trúng chân voi, có người sờ trúng bàn chân voi, có người sờ trúng đuôi voi, thì vua cứ theo chỗ sờ được của họ mà bảo: Ðó là con voi.
“Rồi vua Kính Diện liền ra lệnh dắt voi lui và hỏi những người mù: Voi giống như cái gì? Trong những người mù này, người sờ trúng vòi thì bảo voi giống như cái càng xe bị cong; người sờ trúng ngà thì bảo voi giống như cái chày; người sờ trúng tai thì bảo voi giống như cái nia; người sờ trúng đầu thì bảo voi giống như cái vạc; người sờ trúng lưng thì bảo voi giống như gò đất; người sờ trúng bụng thì bảo voi giống như bức tường; người sờ trúng bắp đùi thì bảo voi giống như gốc cây; người sờ trúng cái chân thì bảo voi giống như trụ cột; người sờ trúng bàn chân thì bảo voi giống như cái cối; người sờ trúng đuôi thì bảo voi giống như cây chổi. Họ tranh cãi nhau về việc đúng sai, người này bảo như vậy, người kia bảo không phải như vậy, vân vân và vân vân không dứt, đưa đến việc đấu tranh nhau. Lúc ấy nhà vua thấy vậy, hoan hỷ cười to. Rồi thì, vua Kính Diện nói bài tụng:
Những người mù tụ tập,
Tranh cãi tại nơi này,
Thân voi vốn một thể,
Tưởng khác sinh thị phi”.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Các dị học ngoại đạo lại cũng như vậy; không biết Khổ đế, không biết Tập đế, Tận đế và Ðạo đế, sinh ra những kiến giải khác nhau, tranh chấp thị phi với nhau, họ tự cho mình là đúng, nên đưa đến mọi việc tranh tụng. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào có thể biết như thật về Khổ thánh đế, Khổ tập thánh đế, Khổ diệt thánh đế và Khổ xuất yếu thánh đế, những vị ấỵ sẽ tự tư duy và khéo cùng nhau hòa hợp, cùng một lãnh thọ, cùng một Thầy học, như nước với sữa, thì pháp Phật mới rực rỡ, sống an lạc lâu dài.”
Bấy giờ Ðức Thế Tôn nói bài kệ:
Nếu người không biết khổ,
Không biết chỗ khổ sinh;
Lại cũng không biết khổ,
Sẽ diệt tận ở đâu;
Lại cũng không thể biết,
Con đường diệt khổ tập;
Thì mất tâm giải thoát,
Tuệ giải thoát cũng mất;
Không thể biết gốc khổ,
Nguồn sanh, già, bệnh, chết.
Nếu biết thật về khổ,
Biết nhân sinh ra khổ;
Cũng biết rõ khổ kia,
Sẽ diệt tận nơi nào;
Lại hay khéo phân biệt,
Con đường diệt khổ tập;
Thì được tâm giải thoát,
Tuệ giải thoát cũng vậy.
Người này chấm dứt được,
Cội gốc của khổ ấm;
Hết sanh, già, bệnh, chết,
Nguồn gốc của thọ, hữu.”
Này các Tỳ-kheo, cho nên các Thầy nên siêng cầu phương tiện tư duy về Khổ thánh đế, Khổ tập thánh đế, Khổ diệt thánh đế và Khổ xuất yếu thánh đế.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 22 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Sen búp dâng đời


Vì sao tôi khổ


Pháp bảo Đàn kinh


Một trăm truyện tích nhân duyên (Trăm bài kinh Phật)

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.223.170.253 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập