Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Trung A Hàm Kinh [中阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 6 »»

Trung A Hàm Kinh [中阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 6

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.65 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.77 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Trung A Hàm

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 |
Việt dịch: Thích Tuệ Sỹ

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

3. PHẨM XÁ-LÊ TỬ TƯƠNG ƯNG
26. KINH CÙ-NI-SƯ[01]

Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại thành Vương xá, trong rừng Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa[02].
Bấy giờ Tỳ-kheo Cù-ni-sư[03] cũng trú tại thành Vương xá, ở tại Vô sự thất[04], cười đùa kiêu ngạo, tháo động, không chánh niệm như khỉ vượn[05]. Tỳ-kheo Cù-ni-sư vì có chút việc nên đến thành Vương xá.
Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử cùng với chúng Tỳ-kheo sau giờ ngọ thực, vì có chút việc nên vân tập tại giảng đường. Tỳ-kheo Cù-ni-sư sau khi đã làm xong việc trong thành Vương xá, đi đến giảng đường. Tôn giả Xá-lê Tử từ đằng xa trong thấy Cù-ni-sư đi đến. Nhân Cù-ni-sư mà bảo các Tỳ-kheo rằng:
"Này chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự[06], sống ở nơi vô sự, phải học sự kính trọng và biết tùy thuận quán sát[07]. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà phần nhiều không kính trọng, không biết tùy thuận quán sát, thì sẽ bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích cật vấn: 'Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự nhưng phần nhiều lại không biết kính trọng, không biết tùy thuận quán sát'. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học kính trọng và biết tùy thuận quán.
"Này chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học hạnh không cười giỡn, không tháo động[08]. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà hay cười giỡn, tháo động, thì sẽ bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích cật vấn: 'Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự nhưng hay cười giỡn, tháo động'. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học hạnh không cười giỡn, không tháo động.
"Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học hạnh không nói những đề tài súc sanh[09]. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà hay nói những vấn đề súc sanh, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: 'Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự nhưng hay nói những đề tài súc sanh'. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học không nói những đề tài súc sanh.
"Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học không kiêu ngạo và ít nói năng. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà hay kiêu ngạo và nói năng nhiều sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: 'Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà lại hay kiêu ngạo và nói năng nhiều'. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học không kiêu ngạo và ít nói năng.
"Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học thủ hộ các căn. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà phần nhiều không chịu thủ hộ các căn, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: 'Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà phần nhiều không chịu thủ hộ các căn. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học thủ hộ các căn.
"Này chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học biết đủ trong sự ăn uống. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà ham ăn quá dư, quá nhiều, không biết đủ, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: 'Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà mà ham ăn quá dư, quá nhiều, không biết đủ'. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học biết đủ trong sự ăn uống.
"Này chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học tinh tấn không giải đãi. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà lại thường không tinh tấn, hay giải đãi, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: 'Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà thường không tinh tấn, trái lại còn giải đãi'. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học tinh tấn, không giải đãi.
"Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học chánh niệm và chánh trí. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà không học chánh niệm chánh trí, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: 'Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà thường không có chánh niệm chánh trí'. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học chánh niệm chánh trí.
"Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học biết thời và đúng thời; không đi vào thôn khất thực quá sớm, cũng chẳng trở về quá trễ. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà vào thôn khất thực quá sớm và trở về quá trễâ, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: 'Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà vào thôn khất thực quá sớm và trở về quá trễ'. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học biết thời và đúng thời.
"Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học biết ngồi và ngồi đúng chỗ; không lấn chỗ ngồi của vị Trưởng lão, bị Tỳ-kheo nhỏ khiển trách[10]. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà chiếm chỗ ngồi của bậc trưởng lão, bị các Tỳ-kheo nhỏ quở trách, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: 'Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà chiếm chỗ ngồi của các bậc trưởng lão, bị các Tỳ-kheo nhỏ quở trách'. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học biết ngồi và ngồi đúng chỗ.
"Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học thảo luận về Luật và A-tì-đàm[11]. Vì sao thế. Này chư Hiền, khi Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự, hoặc có người đến hỏi về Luật và A-tì-đàm. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mà không biết trả lời về Luật và A-tì-đàm, thì làm cho các Tỳ-kheo khác thường quở trách cật vấn: 'Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự nhưng không biết trả lời về Luật và A-tì-đàm'. Nếu đến ở giữa đại chúng cũng làm cho các Tỳ-kheo thường chỉ trích cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học thảo luận về Luật và A-tì-đàm.
"Này chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học thảo luận về tịch tĩnh giải thoát[12] và ly sắc[13] cho đến vô sắc định[14]. Vì sao thế? Này chư Hiền, khi Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự, hoặc có người đến hỏi về tịch tĩnh giải thoát và ly sắc cho đến vô sắc định. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mà không biết trả lời về tịch tĩnh giải thoát và ly sắc cho đến vô sắc định thì làm cho các Tỳ-kheo khác thường quở trách cật vấn: 'Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự này mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự nhưng không biết trả lời về tịch tĩnh giải thoát và ly sắc cho đến vô sắc định'. Nếu đến ở giữa đại chúng cũng làm cho các Tỳ-kheo thường chỉ trích cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học thảo luận về tịch tĩnh giải thoát và ly sắc cho đến vô sắc định.
"Này chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học thảo luận về lậu tận trí thông. Vì sao thế. Này chư Hiền, khi Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự, hoặc có người đến hỏi về lậu tận trí thông. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mà không biết trả lời về lậu tận trí thông, thì làm cho các Tỳ-kheo khác thường quở trách cật vấn: 'Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự này mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự nhưng không biết trả lời về lậu tận trí thông'. Nếu đến ở giữa đại chúng cũng làm cho các Tỳ-kheo thường chỉ trích cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học thảo luận về lậu tận trí thông".
Lúc ấy, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cũng hiện diện trong đại chúng. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên thưa rằng:
"Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, chỉ những Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mới nên học những pháp như vậy, chứ không phải là những Tỳ-kheo ở giữa người đời[15] sao?"
Tôn giả Xá-lê Tử trả lời rằng:
"Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự còn nên học những pháp như vậy huống gì là Tỳ-kheo sống giữa nhân gian?"
Như vậy hai vị Tôn giả cùng khen tán lẫn nhau, tán thán "Lành thay!" Sau khi nghe những điều được nói, từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.
Kính trọng, không cười cợt,
Không phiếm luận, kiêu ngạo,
Hộ căn, ăn biết đủ,
Tinh tấn, chánh niệm, trí,
Biết thời, ngồi đúng chỗ,
Thảo luận Luật, Tỳ-đàm,
Và tịch tĩnh giải thoát,
Lậu tận thông cũng vậy.
27. KINH PHẠM CHÍ ĐÀ-NHIÊN[01]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại thành Vương xá trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa, cùng chúng Đại Tỳ-kheo an cư mùa mưa.
Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử đang ở nước Xá-vệ cũng an cư mùa mưa.
Lúc ấy, có một Tỳ-kheo ở thành Vương xá, sau khi trải qua ba tháng an cư mùa mưa xong, vá sửa lại các y, rồi xếp y, ôm bát từ thành Vương xá đi đến nước Xá-vệ, ở trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Tỳ-kheo ấy đi đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử, cúi đầu đảnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên.
Tôn giả Xá-lê Tử hỏi:
"Này Hiền giả, Thế Tôn an cư tại thành Vương xá. Thánh thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường không?"
Vị Tỳ-kheo đáp:
"Thật vậy, bạch Tôn giả Xá-lê Tử. Thế Tôn an cư tại thành Vương xá. Thánh thể được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái và khí lực bình thường".
Lại hỏi:
"Này Hiền giả, đại chúng Tỳ-kheo và đại chúng Tỳ-kheo-ni an cư mùa mưa tại thành Vương xá; Thánh thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường không? Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp không?"
Đáp:
"Thật vậy, bạch Tôn giả Xá-lê Tử. Đại chúng Tỳ-kheo và đại chúng Tỳ-kheo-ni an cư mùa mưa tại thành Vương xá; Thánh thể an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường. Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp".
Lại hỏi:
"Này Hiền giả, chúng Ưu-bà-tắc và chúng Ưu-bà-di trú tại thành Vương xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường không? Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp không?"
Đáp:
"Thật vậy, thưa Tôn giả Xá-lê Tử. Chúng Ưu-bà-tắc và chúng Ưu-bà-di trú tại thành Vương xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường. Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp".
Lại hỏi:
"Này Hiền giả, tất cả các Sa-môn, Phạm chí dị học an cư mùa mưa tại thành Vương xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường không? Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp không?"
Trả lời rằng:
"Thật vậy, thưa Tôn giả Xá-lê Tử, tất cả các Sa-môn, Phạm chí dị học an cư mùa mưa tại thành Vương xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường. Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp".
Lại hỏi rằng:
"Này Hiền giả, tại thành Vương xá có một Phạm chí tên là Đà-nhiên[02], vốn là bạn của tôi trước kia tôi chưa xuất gia[03]; Hiền giả có biết vị ấy không?"
Trả lời rằng:
"Thưa có biết".
Lại hỏi rằng:
"Hiền giả, Phạm chí Đà-nhiên ở thành Vương xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường không? Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp không?"
Đáp:
"Tôn giả Xá-lê Tử, Phạm chí Đà-nhiên ở thành Vương xá thân thể an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường, nhưng không muốn thăm viếng Đức Phật và không ưa nghe pháp".
"Vì sao thế?"
"Tôn giả Xá-lê Tử, Phạm chí Đà-nhiên không tinh tấn, phạm vào các cấm giới. Ông ấy dựa thế vua để dối gạt[04] các Phạm chí, cư sĩ; dựa thế các Phạm chí, cư sĩ để dối gạt vua[05]".
Tôn giả Xá-lê Tử nghe rồi, và ba tháng an cư mùa mưa ở nước Xá-vệ đã qua, sau khi vá sửa các y, ngài xếp y, ôm bát từ nước Xá-vệ đi đến thành Vương xá, ở trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa.
Bấy giờ đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, Tôn giả Xá-lê Tử, khoac y, ôm bát vào thành Xá-vệ lần lượt đi khất thực. Sau khi khất thực xong, ngài đi đến nhà của Phạm chí Đà-nhiên.
Lúc ấy, Phạm chí Đà-nhiên từ nhà đi ra, đến bên bờ suối, đang hành hạ cư dân[06]. Phạm chí Đà-nhiên từ xa trông thấy Tôn giả Xá-lê Tử, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa áo, chắp tay hướng đến Tôn giả giả Xá-lê Tử mà tán thán rằng:
"Kính chào Xá-lê Tử, đã lâu lắm rồi Xá-lê Tử không đến đây".
Rồi Phạm chí Đà-nhiên, với lòng cung kính, ôm Tôn giả Xá-lê Tử dìu vào nhà, trải giường đẹp mà mời ngồi. Tôn giả Xá-lê Tử liền ngồi trên giường đó. Phạm chí Đà-nhiên thấy Tôn giả Xá-lê Tử đã ngồi xuống, liền bưng một cái chậu sữa bằng vàng[07] mời Tôn giả Xá-lê Tử ăn. Tôn giả Xá-lê Tử nói:
"Thôi, thôi, Đà-nhiên, chỉ trong lòng vui là đủ".
Phạm chí Đà-nhiên lặp lại ba lần mời ăn. Tôn giả Xá-lê Tử cũng ba lần nói rằng:
"Thôi, thôi, Đà-nhiên, chỉ trong lòng vui là đủ".
Lúc đó Phạm chí Đà-nhiên nói rằng:
"Xá-lê Tử, cớ gì vào nhà như thế này mà chẳng chịu ăn?"
Đáp:
"Này Đà-nhiên, ông không tinh tấn lại phạm vào các giới cấm. Dựa thế vào vua để dối gạt Phạm chí, Cư sĩ; dựa thế Phạm chí, Cư sĩ để dối gạt vua".
Phạm chí Đà-nhiên trả lời rằng:
"Xá-lê Tử, nên biết, nay tôi còn sống tại gia, lấy gia nghiệp làm bổn phận. Tôi còn phải lo cho mình được an ổn, cung cấp cha mẹ, săn sóc vợ con, cung cấp nô tỳ, phải nộp thuế cho vua, thờ tự thiên thần, cúng tế tổ tiên, và còn phải bố thí cho các Sa-môn, Phạm chí để sau này còn được sanh lên các cõi trời, mong được trường thọ, được quả báo an lạc. Xá-lê Tử, các việc ấy không thể nào bỏ đi, một mực theo đúng pháp".
Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử bảo rằng:
"Này Đà-nhiên, nay tôi hỏi ông, tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Phạm chí Đà-nhiên, ông nghĩ thế nào? Nếu có người vì cha mẹ mà tạo các việc ác; vì tạo ác nên khi thân hoại mạng chung, đi thẳng vào cõi ác, sanh vào địa ngục. Sanh vào địa ngục rồi, khi ngục tốt bắt trói hành hạ rất khổ sở, người ấy hướùng về phía ngục tốt mà nói thế này: 'Ngục tốt, hãy biết cho, chớ hành hạ tôi. Vì sao thế? Tôi đã vì cha mẹ tạo các nghiệp ác'. Thế nào, Đà-nhiên, người ấy có thể nào từ ngục tốt mà thoát khỏi sự khổ sở ấy không?"
Phạm chí Đà-nhiên trả lời rằng:
"Không thể".
Lại hỏi:
"Này Đà-nhiên, ông nghĩ thế nào? Nếâu có người vì vợ con mà tạo các việc ác, vì tạo ác nên khi thân hoại mạng chung, đi thẳng vào cõi ác, sanh vào địa ngục. Sanh vào địa ngục rồi, khi ngục tốt bắt trói hành hạ rất khổ sở, người ấy hướùng về phía ngục tốt mà nói thế này: 'Ngục tốt, hãy biết cho, chớ hành hạ tôi. Vì sao thế? Tôi đã vì vợ con tạo các nghiệp ác'. Thế nào, Đà-nhiên, người ấy có thể nào từ ngục tốt mà thoát khỏi sự khổ sở ấy không?"
Phạm chí Đà-nhiên trả lời rằng:
"Không thể".
Lại hỏi:
"Này Đà-nhiên, ông nghĩ thế nào? Nếâu có người vì nô tỳ mà tạo các việc ác, vì tạo ác nên khi thân hoại mạng chung, đi thẳng vào cõi ác, sanh vào địa ngục. Sanh vào địa ngục rồi, khi ngục tốt bắt trói hành hạ rất khổ sở, người ấy hướùng về phía ngục tốt mà nói thế này: 'Ngục tốt, hãy biết cho, chớ hành hạ tôi. Vì sao thế? Tôi đã vì nô tỳ tạo các nghiệp ác'. Thế nào, Đà-nhiên, người ấy có thể nào từ ngục tốt mà thoát khỏi sự khổ sở ấy không?"
Phạm chí Đà-nhiên trả lời rằng:
"Không thể".
Lại hỏi:
"Này Đà-nhiên, ông nghĩ thế nào? Nếâu có người vì quốc vương, vì thiên thần, vì tổ tiên, vì Sa-môn, Phạm chí mà tạo các việc ác, vì tạo ác nên khi thân hoại mạng chung, đi thẳng vào cõi ác, sanh vào địa ngục. Sanh vào địa ngục rồi, khi ngục tốt bắt trói hành hạ rất khổ sở, người ấy hướùng về phía ngục tốt mà nói thế này: 'Ngục tốt, hãy biết cho, chớ hành hạ tôi. Vì sao thế? Tôi đã vì quốc vương, vì thiên thần, vì tổ tiên, vì Sa-môn, Phạm chí mà tạo các nghiệp ác'. Thế nào, Đà-nhiên, người ấy có thể nào từ ngục tốt mà thoát khỏi sự khổ sở ấy không?"
Phạm chí Đà-nhiên trả lời rằng:
"Không thể".
"Này Đà-nhiên, một tộc tánh tử[08], vẫn có thể như pháp, như nghiệp, như công đức[09] mà làm ra tiền của, để tôn trọng kính phụng, hiếu dưỡng cha mẹ, làm các việc phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác.
Này Đà-nhiên, nếu một tộc tánh tử như pháp, như nghiệp, như công đức, mà làm ra tiền của, để tôn trọng, kính phụng, hiếu dưỡng cha mẹ, làm các việc phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác. Đà-nhiên, nếu một tộc tánh tử như pháp, như nghiệp, như công đức mà làm ra tiền của, để tôn trọng kính phụng, hiếu dưỡng cha mẹ, làm các việc phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác, người ấy được cha mẹ thương yêu và nói thế này: 'Mong cho con được mạnh khỏe, sống lâu vô cùng. Vì sao thế?Vì ta nhờ con nên được an ổn khoái lạc'. Này Đà-nhiên, nếu người nào được cha mẹ thương yêu rất mực, đức người đó ngày càng tăng thêm, không bao giờ suy giảm.
"Này Đà-nhiên, một tộc tánh tử, vẫn có thể như pháp, như nghiệp, như công đức mà làm ra tiền của, yêu thương và săn sóc vợ con, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác.
"Này Đà-nhiên, nếu một tộc tánh tử như pháp, như nghiệp, như công đức, mà làm ra tiền của, yêu thương và săn sóc vợ con, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác, thì người ấy được vợ con tôn trọng, và nói thế này: 'Mong cho tôn trưởng được mạnh khỏe, sống lâu vô cùng. Vì sao thế? Vì chúng tôi nhờ tôn trưởng nên được an ổn khoái lạc'. Này Đà-nhiên, nếu người nào được vợ con tôn trọng rất mực, đức người đó ngày càng tăng thêm, không bao giờ suy giảm.
"Này Đà-nhiên, một tộc tánh tử, vẫn có thể như pháp, như nghiệp, như công đức mà làm ra tiền của, yêu thương, chu cấp và săn sóc nô tỳ, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác.
"Này Đà-nhiên, nếu một tộc tánh tử như pháp, như nghiệp, như công đức, mà làm ra tiền của, yêu thương, chu cấp và săn sóc nô tỳ, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác, thì người ấy được nô tỳ tôn trọng, và nói thế này: 'Mong cho đại gia được mạnh khỏe, sống lâu vô cùng. Vì sao thế? Vì chúng tôi nhờ đại gia nên được an ổn'. Này Đà-nhiên, nếu người nào được nô tỳ tôn trọng rất mực, đức người đó ngày càng tăng thêm, không bao giờ suy giảm.
"Này Đà-nhiên, một tộc tánh tử, vẫn có thể như pháp, như nghiệp, như công đức mà làm ra tiền của, tôn trọng cúng dường các vị Sa-môn, Phạm chí, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác.
"Này Đà-nhiên, nếu một tộc tánh tử như pháp, như nghiệp, như công đức, mà làm ra tiền của, tôn trọng cúng dường các vị Sa-môn, Phạm chí, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác, thì người ấy được các Sa-môn, Phạm chí yêu mến rất mực, và nói thế này: 'Mong cho thí chủ được mạnh khỏe, sống lâu vô cùng. Vì sao thế? Vì chúng tôi nhờ thí chủ nên được an hưởng khoái lạc'. Này Đà-nhiên, nếu người nào được các Sa-môn, Phạm chí yêu mến rất mực, đức người đó ngày càng tăng thêm, không bao giờ suy giảm".
Bấy giờ Phạm chí Đà-nhiên liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa áo, chắp tay hướng về phía Xá-lê Tử thưa rằng:
"Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, tôi có người vợ yêu tên là Đoan Chánh[10]. Tôi vì say mê nó nên đã buông lung, tạo quá nhiều ác nghiệp tội lỗi. Thưa Tôn giả Xá-lê Tửû, bắt đầu từ đây tôi bỏ người vợ Đoan Chánh kia, xin quy y với Tôn giả Xá-lê Tử".
Tôn giả Xá-lê Tử trả lời rằng:
"Này Đà-nhiên, ông chớ quy y tôi. Ông nên quy y nơi Phật là Đấng mà tôi quy y".
Phạm chí Đà-nhiên thưa rằng:
"Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, từ hôm nay tôi xin quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Cúi mong Tôn giả Xá-lê Tử nhận tôi làm Ưu-bà-tắùc của Phật; trọn đời xin tự quy y cho đến mạng chung".
Thế rồi Tôn giả Xá-lê Tử thuyết pháp cho Phạm chí Đà-nhiên, khuyên bảo, khích lệ, thành tựu hoan hỷ. Sau khi dùng vô lượng phương tiện để thuyết pháp khuyên bảo, khích lệ, thành tựu hoan hỷ. Ngài liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến thành Vương xá.
Ở đây được vài ngày, ngài xếp y, ôm bát rời thành Vương xá ra đi, đến Nam sơn[11], trụ trong rừng Thi-nhiếp-hòa[12], thuộc phía Bắc thôn Nam sơn.
Bấy giờ có một vị Tỳ-kheo đi đến thành Vương xá. Ở đây được vài ngày, xếp y ôm bát từ thành Vương xá ra đi, đến Nam sơn cũng trụ trong rừng Thi-nhiếp-hòa, thuộc phía Bắc thôn Nam sơn.
Rồi vị Tỳ-kheo ấy đi đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử, cúi đầu đảnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên. Tôn giả Xá-lê Tử hỏi rằng:
"Hiền giả từ nơi nào tới đây và du hành ở đâu?"
Tỳ-kheo ấy trả lời rằng:
"Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, tôi từ thành Vương xá đi đến đây và du hành ở thành Vương xá".
Lại hỏi rằng:
"Hiền giả ngài có biết Phạm chí Đà-nhiên ở thành Vương xá, vốn là bạn của tôi xưa kia lúc tôi chưa xuất gia không?"
"Thưa có biết".
Lại hỏi rằng:
"Này hiền giả, Phạm chí Đà-nhiên ở thành Vương xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường và có thường thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp không?"
Trả lời rằng:
"Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, Phạm chí Đà-nhiên thường đến thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp; nhưng không được khỏe mạnh, khí lực dần dần suy yếu. Vì sao vậy? Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, hiện giờ Phạm chí Đà-nhiên mang tật bệnh rất khốn khổ, nguy hiểm khôn chừng, do đó có thể mạng chung".
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong lời ấy, liền xếp y ôm bát rời Nam sơn ra đi, đến thành Vương xá, trú trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa. Bấy giờ đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, Tôn giả Xá-lê Tử khoác y, ôm bát đi đến nhà Phạm chí Đà-nhiên. Phạm chí Đà-nhiên từ đằng xa trông thấy Tôn giả Xá-lê Tử đi đến, muốn rời giường đứng dậy. Tôn giả Xá-lê Tử thấy Phạm chí Đà-nhiên muốn rời giường đứng dậy, liền ngăn ông ấy rằng:
"Này Phạm chí Đà-nhiên, ông cứ nằm, đừng đứng dậy. Đã có giường khác đây, rồi tôi sẽ ngồi riêng".
Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử liền ngồi xuống giường ấy, rồi bảo rằng:
"Hôm nay bệnh tình ra sao? Ăn uống được nhiều ít? Sự đau đớn bớt dần, không đến nỗi tăng thêm chăng?"
Đà-nhiên trả lời rằng:
"Bệnh tình con rất là khốn đốn, ăn uống chẳng được gì cả; đau đớn chỉ tăng thêm mà không thấy giảm bớt tí nào. Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, giống như người lực sĩ đem con dao bén nhọn đâm vào đầu, chỉ sanh sự khốn khổ quá mức thôi. Đầu con hôm nay cũng nhức nhối giống như vậy. Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, cũng như lực sĩ lấy sợi dây thừng chắt đem quấn riết chung quanh đầu, chỉ sanh sự khốn khổ quá mức. Đầu con hôm nay cũng nhức nhối giống như vậy. Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, cũng như người mổ trâu, đem con dao bén mổ bụng trâu, chỉ sanh sự đau đớn quá mức. Bụng con hôm nay cũng quặn đau giống như vậy. Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, cũng như hai lực sĩ bắt một người ốm yếu đem nướng trên ngọn lửa, chỉ sanh ra sự đau khổ đến cùng cực. Thân thể con hôm nay đau đớn, cả mình sanh ra khổ sở, chỉ tăng thêm chớ không giảm bớt; cũng giống như vậy".
Tôn giả Xá-lê Tử bảo rằng:
"Này Đà-nhiên, bây giờ tôi hỏi ông, tùy sự hiểu biết mà ông trả lời. Này Phạm chí Đà-nhiên, địa ngục và súc sanh, nơi nào tốt đẹp hơn?"
Đà-nhiên trả lời rằng:
"Súc sanh tốt đẹp hơn".
Lại hỏi rằng:
"Này Đà-nhiên, súc sanh và ngạ quỉ, loài nào tốt đẹp hơn?"
Đà-nhiên trả lời rằng:
"Ngạ quỉ tốt đẹp hơn".
Lại hỏi rằng:
"Này Đà-nhiên, ngạ quỉ và loài người, loài nào tốt đẹp hơn?"
Đà-nhiên trả lời rằng:
"Loài người tốt đẹp hơn".
Lại hỏi rằng:
"Này Đà-nhiên, người và Tứ vương thiên, cõi nào tốt đẹp hơn?"
Đà-nhiên trả lời rằng:
"Tứ thiên vương tốt đẹp hơn".
Lại hỏi rằng:
Này Đà-nhiên, Tứ vương thiên và Tam thập tam thiên, cõi nào tốt đẹp?
Đà-nhiên trả lời rằng:
"Tam thập tam thiên tốt đẹp hơn".
Lại hỏi rằng:
"Tam thập tam thiên với Diệm ma thiên cõi nào tốt đẹp hơn?"
Đà-nhiên trả lời rằng:
"Diệâm ma thiên tốt đẹp hơn."
Lại hỏi rằng:
"Này Đà-nhiên, Diệâm ma thiên với Đâu-suất-đà thiên, cõi nào tốt đẹp hơn?"
Đà-nhiên trả lời rằng:
"Đâu-suất-đà thiên tốt đẹp hơn".
Lại hỏi rằng:
"Này Đà-nhiên, Đâu-suất-đà thiên với Hóa lạc thiên cõi nào tốt đẹp hơn?"
Đà-nhiên trả lời rằng:
"Hóa lạc thiên tốt đẹp hơn".
Lại hỏi rằng:
"Này Đà-nhiên, Hóa lạc thiên với Tha hóa lạc thiên, cõi nào tốt đẹp hơn?"
Đà-nhiên trả lời rằng:
"Này Đà-nhiên, Tha hóa lạc thiên với Phạm thiên cõi nào tốt đẹp hơn?"
Đà-nhiên trả lời rằng:
"Phạm thiên là tốt đẹp hơn cả. Phạm thiên là tối thắng".
Tôn giả Xá-lê Tử bảo rằng:
"Đức Thế Tôn là bậc tri kiến, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, có nói về bốn Phạm thất[13]. Nếu một tộc tánh nam tử hay một tộc tánh nữ nào tu tập nhiều, đoạn dục, xả niệm tưởng về dục, khi thân hoại mạng chung sẽ sanh lên cõi Phạm thiên. Những gì là bốn?
"Này Đà-nhiên, Thánh đệ tử đa văn có tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với hai, ba bốn phương, tứ duy và thượng hạ, thấu khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không sân hận, không não hại, bao la, quảng đại, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn khắp tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, tâm câu hữu với bi, hỷ; với xả, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với hai, ba bốn phương, tứ duy và thượng hạ, thấu khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không sân hận, không não hại, bao la, quảng đại, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn khắp tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Đà-nhiên, đó là Đức Thế Tôn, là Bậc Tri Kiến, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, có nói về bốn Phạm thất. Nếu một tộc tánh nam tử hay một tộc tánh nữ nào tu tập nhiều, đoạn dục, xả niệm tưởng về dục, khi thân hoại mạng chung sẽ sanh lên cõi Phạm thiên".
Bấy giờ, sau khi giáo hóa cho Đà-nhiên, nói về pháp Phạm thiên, Tôn giả Xá-lê Tử từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi. Tôn giả Xá-lê Tử từ thành Vương xá đi, chưa đến Trúc lâm vườn Ca-lan-đa, đang nửa đường ấy, Phạm chí Đà-nhiên do tu tập bốn Phạm thất, đoạn dục, xả dục niệm, thân hoại mạng chung sanh lên cõi Phạm thiên.
Bấy giờ Đức Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô lượng đại chúng đang vây quanh trước sau. Đức Thế Tôn thấy Tôn giả Xá-lê Tử từ đàng xa đi tới, nói với các thầy Tỳ-kheo rằng:
"Tỳ-kheo Xá-lê Tử là bậc thông tuệ, tốc tuệ, tiệp tuệ, lợi tuệ, quảng tuệ, thâm tuệ, xuất yếu tuệ, minh đạt tuệ, biện tài tuệ[14]; Tỳ-kheo Xá-lê Tử đã thành tựu thật tuệ. Tỳ-kheo Xá-lê Tử đã giáo hóa Phạm chí Đà-nhiên, nói về Phạm thiên rồi mới về đây. Nếu lại giáo hóa cao hơn nữa thì người kia mau biết pháp, như pháp[15]".
Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên. Đức Thế Tôn bảo rằng:
"Này Xá-lê Tử, vì sao ông không giáo hóa Phạm chí Đà-nhiên bằng một pháp cao hơn Phạm thiên? Nếu ông giáo hóa cao hơn thì người kia sẽ mau biết pháp, như pháp".
Tôn giả Xá-lê Tử thưa rằng:
"Bạch Thế Tôn, các Phạm chí từ lâu đời ái trước Phạm thiên, ưa thích Phạm thiên, cho Phạm thiên là rốt ráo, Phạm thiên là tôn quý, thật có Phạm thiên là Phạm thiên của ta. Do đó, bạch Thế Tôn, nên con đã giáo hóa như vậy".
Phật thuyết như vậy. Tôn giả Xá-lê Tử và vô lượng trăm nghìn đại chúng, sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
28. KINH GIÁO HÓA BỊNH[01]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc[02].
Bấy giờ Trưởng giả Cấp Cô Độc[03] mang bệnh hiểm nghèo. Lúc ấy Trưởng giả Cấp Cô Độc bảo sứ giả rằng:
"Ngươi hãy đi đến chỗ Đức Phật, vì ta mà đảnh lễ dưới chân Đức Thế Tôn hỏi thăm sức khỏe, xem Thánh thể có được an khang, khỏe mạnh, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực có được bình thường không? Rồi nói như vầy: 'Trưởng giả Cấp Cô Độc cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, thăm hỏi Đức Thế Tôn Thánh thể có được an khang, khỏe mạnh, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực có được bình thường không?' Sau khi ngươi đã vì ta mà thăm hỏi Đức Thế Tôn rồi hãy đi đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử, hãy vì ta mà đảnh lễ dưới chân ngài rồi hỏi thăm Tôn giả xem Thánh thể có được an khang, khỏe mạnh, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực có được bình thường không? Rồi nói như vầy: 'Trưởng giả Cấp Cô Độc cúi đầu đảnh lễ dưới chân Tôn giả Xá-lê Tử, thăm hỏi Thánh thể có được an khang, khỏe mạnh, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực có được bình thường không? Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, Trưởng giả Cấp Cô Độc đang mang bệnh tật rất hiểm nghèo, nay đã đến hồi nguy kịch. Trưởng giả Cấp Cô Độc với tâm chí thiết rất muốn được gặp Tôn giả Xá-lê Tử, nhưng cơ thể quá yếu đuối không còn chút khí lực để đi đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử được. Lành thay, Tôn giả Xá-lê Tử, xin ngài hãy vì lòng từ, mong ngài đến nhà Trưởng giả Cấp Cô Độc'."
Bấy giờ, sau khi vâng lời dạy của Trưởng giả Cấp Cô Độc, sứ giả liền đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Đức Phật rồi đứng sang một bên thưa rằng:
"Bạch Thế Tôn, Trưởng giả Cấp Cô Độc cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, thăm hỏi Đức Thế Tôn Thánh thể có được an khang, khỏe mạnh, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực có được bình thường không?
Đức Thế Tôn bảo sứ giả rằng:
"Mong cho Trưởng giả Cấp Cô Độc an hưởng khoái lạc. Mong cho chư Thiên, A-tu-la, Kiền-tháp-hòa, La-sát[04] và các chủng lại khác, thân thể được an ổn khoái lạc".
Bấy giờ sứ giả nghe Phật dạy như thế, ghi nhớ kỹ, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, đi quanh ba vòng, rồi đi đến Tôn giả Xá-lê Tử, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi sang một bên và thưa rằng:
"Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, Trưởng giả Cấp Cô Độc cúi đầu đảnh lễ dưới chân ngài, xin thăm hỏi Tôn giả Thánh thể có được an khang, khỏe mạnh, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực có được bình thường không? Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, Trưởng giả Cấp Cô Độc đang mang bệnh tật rất hiểm nghèo, nay đã đến hồi nguy kịch. Trưởng giả Cấp Cô Độc với tâm chí thiết rất muốn được gặp Tôn giả Xá-lê Tử, nhưng cơ thể quá yếu đuối, không còn chút khí lực để đi đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử được. Lành thay, Tôn giả Xá-lê Tử, xin ngài hãy vì lòng từ, mong ngài đến nhà Trưởng giả Cấp Cô Độc".
Tôn giả Xá-lê Tử liền im lặng nhận lời. Bấy giờ sứ giả biết Tôn giả Xá-lê Tử đã im lặng nhận lời, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh ba vòng rồi ra về.
Sau khi đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, Tôn giả Xá-lê Tử khoác y, ôm bát đi đến nhà Trưởng giả Cấp Cô Độc. Trưởng giả Cấp Cô Độc thấy Tôn giả Xá-lê Tử từ đàng xa đi đến, muốn từ giường ngồi dậy. Tôn giả Xá-lê Tử thấy Trưởng giả Cấp Cô Độc muốn từ giường ngồi dậy, liền cản lại rằng:
"Này Trưởng giả, chớ ngồi dậy. Còn giường khác đây, tôi sẽ ngồi riêng".
Tôn giả Xá-lê Tử liền ngồi lên giường ấy, rồi hỏi rằng:
"Bệnh trạng của Trưởng giả hôm nay thế nào? Ăn uống được nhiều ít? Sự đau đớn giảm dần không đến nỗi tăng thêm chăng?"
Trưởng giả Cấp Cô Độc trả lời rằng:
"Bệnh tình của con rất nguy kịch, ăn uống chẳng được gì cả. Sự đau đớn chỉ tăng thêm chứ không thấy giảm bớt chút nào".
Tôn giả Xá-lê Tử bảo rằng:
"Này Trưởng giả chớ sợ[05]. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si, thành tựu bất tín, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả ngày nay không hề có sự bất tín, mà chỉ có sự thượng tín. Do thượng tín ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do thượng tín ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.
"Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si do ác giới, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có ác giới, mà Trưởng giả chỉ có thiện giới. Do thiện giới ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do thiện giới ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.
"Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si không có đa văn, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có sự không đa văn. Do đa văn ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do đa văn ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.
"Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si nhân có sự xan tham, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có xan tham mà chỉ có huệ thí. Do huệ thí ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do huệ thí ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.
"Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si nhân có ác tuệ, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có ác tuệ mà chỉ có thiện tuệ. Do thiện tuệ ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do thiện tuệ ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.
"Này Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si nhân có tà kiến, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có tà kiến mà chỉ có chánh kiến. Do chánh kiến ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do chánh kiến ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.
"Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si nhân có tà chí[06], thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có tà chí mà chỉ có chánh chí. Do chánh chí ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do chánh chí ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.
"Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si nhân có tà giải, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có tà giải mà chỉ có chánh giải. Do chánh giải ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do chánh giải ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.
"Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si nhân có tà thoát, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có tà thoát mà chỉ có chánh thoát. Do chánh thoát ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do chánh thoát ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.
"Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si nhân có tà trí, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có tà trí mà chỉ có chánh trí. Do chánh trí ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do chánh trí ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn".
Bấy giờ bệnh trạng của Trưởng giả Cấp Cô Độc liền được thuyên giảm, bình phục như cũ[07], từ chỗ nằm ngồi dậy, khen Tôn giả Xá-lê Tử rằng:
"Lành thay! Lành thay! Ngài thuyết pháp cho bệnh nhân, thật kỳ diệu, thật hy hữu. Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, khi con nghe xong bài pháp giáo hóa cho bệnh nhân ấy liền chấm dứt thống khổ, lại sanh khoái lạc vô cùng. Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, bây giờ bệnh con đã thuyên giảm hẳn, bình phục như cũ. Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, trước kia nhân có chút việc cần làm, con đi đến thành Vương xá, tạm trú trong nhà một Trưởng giả[08]. Lúc ấy vị Trưởng giả kia buổi sáng hôm sau sẽ cúng dường cơm cho Đức Phật và Chúng Tỳ-kheo. Bấy giờ qua đêm ấy, lúc trời gần sáng, vị Trưởng giả kia sai con cháu, nô tỳ, sứ giả và quyến thuộc: 'Các ngươi hãy dậy sớm, cùng nhau bày biện, trang hoàng'. Những người kia đều vâng lời, cùng nhau xếp việc bếp núc, bày biện cỗ bàn với những loại ngon đẹp. Còn Trưởng giả đích thân trải bày một chỗ ngồi cao, trang nghiêm vô lượng.
"Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, sau khi thấy vậy, con liền nghĩ thế này: 'Hôm nay vị Trưởng giả này có việc hôn nhân hay lễ hội rước dâu, hay việc thỉnh Quốc vương hay việc mời Đại thần, mà lại sắm sửa tiệc cơm, mở cuộc đãi đằng lớn như vậy?'
"Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, suy nghĩ như vậy rồi, con liền hỏi vị Trưởng giả kia rằng:
"– Ông vì việc hôn nhân hay vì lễ hội rước dâu, việc thỉnh Quốc vương hay việc mời Đại thần, mà lại sắm sửa tiệc cơm, mở cuộc đãi đằng lớn như vậy?
"Lúc ấy vị Trưởng giả kia liền trả lời con rằng:
"– Tôi không phải vì việc hôn nhân, việc thỉnh Quốc vương hay việc mời Đại thần, nhưng tôi sắm sửa tiệc cơm, thi thiết cuộc đại thí, vì sáng nay tôi sẽ cúng cơm cho Đức Phật và chúng Tỳ-kheo.
"Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, vì con chưa từng được nghe danh hiệu Đức Phật, nên khi nghe rồi toàn thân lông dựng ngược. Con lại hỏi rằng:
"– Trưởng giả nói Phật, vậy thế nào là Phật?
"Lúc ấy vị Trưởng giả kia trả lời con rằng:
"– Ông chưa được nghe sao? Có vị dòng dõi họ Thích, từ giã dòng họ Thích, cạo bỏ râu tóc, khoác y ca-sa, với lòng tin chí thiết, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, chứùng quả Vô thượng Chánh đẳng chánh giác. Vị ấy được gọi là Phật.
"Con lại hỏi rằng:
"– Trưởng giả vừa nói chúng[09]. Vậy thế nào là đại chúng?
"Bấy giờ vị Trưởng giả kia trả lời con rằng:
"– Còn có rất nhiều vị, có dòng họ và tông tộc khác nhau, cạo bỏ râu tóc, khoác y ca-sa, với lòng tin chí thiết, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, để theo Phật đạo. Đó gọi là Chúng. Đức Phật và chúng ấy, tôi sắp thỉnh đến.
"Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, con lại hỏi vị Trưởng giả ấy rằng:
"– Đức Thế Tôn bây giờ đang ở nơi nào? Tôi muốn đi đến thăm.
"Bấy giờ vị Trưởng giả kia trả lời con rằng:
"– Đức Thế Tôn hiện đang ở thành Vương xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa. Ông có muốn đến đó thì tùy ý.
"Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, lúc ấy con nghĩ thế này: "Mong cho mau sáng để nhanh chóng đi đến thăm Phật. Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, bấy giờ với tâm chí thành, con muốn đến thăm Phật, nên lúc đang đêm ấy mà tưởng đã sáng rồi, liền từ nhà vị Trưởng giả kia ra đi, đến trạm dừng nơi cổng thành[10]. Bấy giờ tại trạm dừng nơi cổng thành có hai người lính gác, một người gác đầu hôm thì cho hành khách bên ngoài vào thành, không làm trở ngại gì, một người gác cuối đêm thì cho hành khách ở trong thành đi ra cũng không làm trở ngại gì. Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, con lại nghĩ thế này: 'Đêm hãy còn chưa sáng lắm. Vì sao vậy? Vì ở tại cổng thành có hai người lính gác; một người gác đầu hôm thì cho hành khách bên ngoài vào thành, không làm trở ngại gì; một người gác cuối đêm thì cho hành khách ở trong thành đi ra cũng không làm trở ngại gì'. Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, con vượt qua trạm dừng chân ở cửa thành để đi ra bên ngoài không lâu, ánh sáng biến mất và trời tối hẳn lại. Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, toàn thân lông dựng ngược, con liền sợ hãi, mong sao đừng có người nào hay loài phi nhân đến xúc nhiễu con. Bấy giờ, tại trại dừng chân ở cửa thành có một vị trời[11], từ thành Vương xá đến Trúc lâm, vườn Ca-lan-đà, ánh sáng tỏa chiếu khắp nơi, đến bảo con rằng: 'Này Trưởng giả, chớ sợ. Vì sao vậy? Tôi kiếp trước đây vốn là bằng hữu của ông, tên thật là Mật Khí[12], vào lúc còn trẻ tuổi chúng ta rất yêu mến nhau. Này Trưởng giả, thuở xưa ấy, tôi đi đến chỗ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, cúi đầu đảnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên thuyết pháp cho tôi, khuyên bảo, khích lệ, thành tựu hoan hỷ. Sau khi dùng vô lượng phương tiện để thuyết pháp, khuyên bảo, khích lệ, thành tựu hoan hỷ cho tôi rồi, ngài ban cho tôi pháp ba tự quy, và trao cho năm giới. Này Trưởng giả, tôi do ba tự quy y và thọ trì năm giới, nên khi thân hoại mạng chung sanh lên trời Tứ vương thiên, sống ở trong trạm dừng tại cổng thành này. Trưởng giả hãy đi mau lên, Trưởng giả hãy đi vội lên, quả thật đi tốt hơn là đứng lại.
"Vị trời ấy nói lên bài kệ để khuyên con như sau:
"Được trăm ngựa, nữ tỳ,
Trăm xe đầy châu báu;
Không bằng phần mười sáu
Một bước đi đến Phật.
Trăm voi trắng tối thượng,
Thắng yên cương vàng bạc;
Không bằng phần mười sáu
Một bước đi đến Phật.
Trăm nữ nhân đẹp đẽ,
Đeo chuỗi ngọc tràng hoa;
Không bằng phần mười sáu,
Một bước đi đến Phật.
Chuyển luân vương kính trọng
Báu ngọc nữ bậc nhất;
Không bằng phần mười sáu,
Một bước đi đến Phật.
"Vị trời nói tụng xong, rồi khuyên con rằng:
"– Này Trưởng giả, đi nhanh lên. Này Trưởng giả, đi nhanh lên. Quả thật đi tốt hơn đứng lại.
"Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, con lại nghĩ thế này: 'Đức Phật có ân đức che chở bao trùm. Pháp và Chúng Tỳ-kheo cũng có ân đức bao trùm. Vì sao vậy, cho đến bậc trời cũng muốn ta đến yết kiến'. Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, con do ánh sáng ấy mà đi đến Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa. Bấy giờ đêm còn chưa sáng tỏ, Đức Thế Tôn từ thiền thất đi ra, kinh hành ở khoảng đất trống để chờ con. Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, từ xa con trông thấy Đức Thế Tôn đẹp đẽ trang nghiêm như mặt trăng giữa các vì tinh tú, ánh sáng chói lọi rực rỡ, sáng rực như tòa núi toàn vàng, đầy đủ tướng tốt, oai thần vời vợi, các căn tịch tĩnh, chẳng có gì che khuất, thành tựu điều ngự, tức tâm tĩnh mặc. Con thấy rồi liền hoan hỷ đi đến trước Đức Phật, đảnh lễ sát dưới chân, rồi kinh hành theo Ngài, theo pháp của bậc Trưởng giả mà nói bài tụng thăm hỏi rằng:
"Thế Tôn ngủ an ổn,
Đến trọn đêm khỏe chăng?
Như Phạm chí diệt độ,
Vì không nhiễm trước dục.
Xả ly tất cả nguyện,
Được an ổn vô cùng.
Tâm trừ không nóng bức
Ngủ an lạc vui vẻ.
"Bấy giờ Đức Thế Tôn vừa đi đến cuối đường kinh hành, liền trải Ni-sư-đàn, ngồi kiết già. Bạch Tôn giả Xá-lê Tử. Lúc ấy, con đảnh lễ dưới chân Phật rồi ngồi sang một bên. Đức Thế Tôn thuyết pháp cho con, khuyên bảo, khích lệ, thành tựu hoan hỷ cho con rồi, như pháp thông lệ của chư Phật, trước nói pháp đoan chánh, để người nghe hoan hỷ. Đó là nói thí, nói giới, nói pháp sanh thiên, chê dục vọng là tai họa, sanh tử là nhơ uế; ngợi khen vô dục là đạo phẩm vi diệu, bạch tịnh. Đức Thế Tôn nói những pháp như vậy cho con nghe rồi, Đức Phật biết con có tâm hoan hỷ, tâm cụ túc, tâm nhu nhuyến, tâm kham nhẫn, tâm vươn lên, tâm chuyên nhất, tâm không nghi, tâm không che lấp, có khả năng kham thọ chánh pháp, nghĩa là những điều chánh yếu nào mà chư Phật nói ra; Thế Tôn liền nói: Khổ, Tập, Diệt, Đạo cho con. Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, ngay khi con ngồi đấy đã thấy được bốn Thánh đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng như tấm vải trắng dễ nhuộm thành màu sắc, con cũng như vậy, ngay trên chỗ đang ngồi đã thấy bốn Thánh đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, con đã thấy pháp, đắc pháp, giác ngộ pháp bạch tịnh, đoạn nghi, độ hoặc, không còn tôn sùng ai, cũng chẳng theo người khác, không còn do dự, đã trụ nơi quả chứng, được sự không sợ hãi đối với giáo pháp Đức Thế Tôn, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Đức Thế Tôn bạch rằng:
"– Bạch Thế Tôn, con hôm nay tự quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Xin nguyện Thế Tôn chấp nhận cho con làm Ưu-bà-tắùc; bắt đầu từ hôm nay sẽ trọn đời tự quy y, cho đến lúc mạng chung.
"Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, con liền chắp tay thưa rằng:
"Bạch Thế Tôn, ngưỡng mong Thế Tôn nhận lời mời của con cùng Chúng Tỳ-kheo đến nước Xá-vệ để an cư mùa mưa.
"Lúc ấy Đức Thế Tôn hỏi con rằng:
"– Ông tên là gì, nhân dân nước Xá-vệ gọi ông là gì?
"Con liền trả lời rằng:
"– Con tên là Tu-đạt-đa[13]. Vì con thường cung cấp cho những người cô độc, do đó nhân dân nước Xá-vệ gọi con là Cấp Cô Độc[14].
"Bấy giờ Đức Thế Tôn lại hỏi con rằng:
"– Tại nước Xá-vệ, ông đã có phòng xá gì chưa?
"Con trả lời rằng:
"– Tại nước Xá-vệ con chưa có phòng xá gì cả.
"Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo con rằng:
"– Nếu có phòng xá thì các Tỳ-kheo mới có thể vãng lai, mới có thể trú ngụ được.
"Con lại thưa rằng:
"– Thật vậy, bạch Thế Tôn. Vì thế con sẽ xây cất phòng xá để các thầy Tỳ-kheo có thể vãng lai, và có thể trú ngụ nước Xá-vệ. Mong Đức Thế Tôn cho một vị đến giúp con.
"Bấy giờ Đức Thế Tôn liền sai Tôn giả Xá-lê Tử; khiến Tôn giả Xá-lê Tử đến giúp đỡ[15].
"Bấy giờ sau khi nghe Đức Phật dạy xong, con khéo léo ghi nhớ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Phật, đi quanh ba vòng rồi ra về.
"Khi công việc cần làm tại thành Vương xá đã hoàn tất, con cùng Tôn giả Xá-lê Tử đi đến nước Xá-vệ. Nhưng không vào nước Xá-vệ, cũng chẳng trở về nhà mà lập tức đi dạo khắp nơi bên ngoài thành để xem chỗ nào có thể đi lại tốt nhất, ban ngày không ồn ào, ban đêm thì tịch tĩnh, không có muỗi mòng, cũng không ruồi bọ, không lạnh, không nóng, có thể xây phòng xá để cúng dường Đức Phật và đại chúng.
"Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, bấy giờ con chỉ thấy vườn của Thắng Đồng tử[16] là đi lại tốt nhất, ban ngày không ồn ào, ban đêm thì tịch tĩnh, không có muỗi mòng, cũng không ruồi bọ, không lạnh, không nóng. Con thấy rồi liền suy nghĩ thế này: 'Chỉ có chỗ này là tốt nhất để xây cất phòng xá để cúng dường Phật và đại chúng'. Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, lúc ấy con vào nước Xá-vệ, nhưng cũng chưa về nhà, liền đi đến chỗ Thắng Đồng tử thưa rằng:
"– Thưa Đồng tử, ngài có thể bán khu vườn kia lại cho tôi không?
"Bấy giờ Đồng tử bảo con rằng:
"– Trưởng giả nên biết, tôi không bán khu vườn đâu.
"Cứ như vậy lần hai rồi lần ba, con thưa rằng:
"– Thưa Đồng tử, ngài có thể bán khu vườn kia lại cho tôi không?
"Bấy giờ Đồng tử cũng lại lần thứ hai, lần thứ ba bảo rằng:
"– Tôi không bán khu vườn đâu. Chỉ khi nào ức ức[17] trải đầy.
"Con liền thưa rằng:
"– Này Đồng tử, ngài đã quyết định giá cả, chỉ còn việc trao tiền nữa thôi.
"Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, người thì nói đã quyết định giá cả, người thì nói chưa quyết định giá cả, cùng nhau tranh tụng lớn. Rồi dắt nhau đến pháp đình[18] nước Xá-vệ để phán quyết về việc này. Bấy giờ vị pháp quan[19] nước Xá-vệ bảo Thắng Đồng tử rằng:
"– Này Đồng tử, thế là ngươi đã quyết định giá cả rồi, chỉ còn việc nhận tiền nữa thôi.
"Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, con liền vào nước Xá-vệ, trở về nhà lấy tiền, dùng voi ngựa và xe cộ để chuyên chở các kho lẫm đem đến, đã xuất ra tới ức ức để trải khắp mặt đất, nhưng còn vài chỗ chưa khắp đến. Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, con nghĩ như vầy: Nên xuất ở kho nào nữa để đem đến trải khắp chỗ dư này, không thừa cũng không thiếu? Bấy giờ Thắng Đồng tử liền bảo con rằng:
"– Này Trưởng giả, nếu có ăn năn về số tiền này thì hãy tự mang trở về, khu vườn trả lại cho tôi.
"Con bảo với Đồng tử rằng:
"– Quả thật tôi không có ăn năn; mà tôi còn suy nghĩ xem nên lấy ở kho nào nữa để mang trải khắp chỗ dư này không thừa cũng không thiếu.
"Bấy giờ Thắng đồng tử liền suy nghĩ như vầy: 'Đức Thế Tôn hẳn là một bậc cao cả, có đức hựu lớn. Pháp và Đại chúng Tỳ-kheo hẳn cũng là rất cao cả, có đức hựu lớn. Vì sao thế? Vì có vậy mới làm cho Trưởng giả thi thiết sự cúng dường vĩ đại, coi rẻ của cải đến thế. Nay ta có lẽ xây cất nhà cổng ngay nơi này để cúng dường Đức Phật và Đại chúng Tỳ-kheo'. Rồi Thắng Đồng tử liền bảo vói con rằng:
"– Này Trưởng giả, hãy thôi đi, đừng xuất tiền để trả khoảng đất còn lại nữa. Vì ngay chỗ này tôi sẽ cất cất nhà cổng cúng dường Đức Phật và đại chúng Tỳ-kheo.
"Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, vì lòng từ mẫn nên con đồng ý để lại chỗ ấy cho Thắng Đồng tử.
"Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, rồi ngay trong mùa hạ ấy, con cho xây mười sáu dãy nhà lớn[20], sáu mươi câu-hi[21]. Tôn giả Xá-lê Tử giúp đỡ con việc ấy. Thế nhưng Tôn giả Xá-lê Tử thuyết pháp để giáo hóa người bệnh, còn rất kỳ diệu, hy hữu hơn. Con nghe bài pháp giáo hóa người bệnh này rồi, bệnh khổ quá nặng nề ấy liền được giảm bớt, lại phát sanh ra sự an lạc vô cùng.
"Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, bây giờ con không còn bệnh nữa, và được an ổn. Mong Tôn giả Xá-lê Tử ở lại đây thọ trai".
Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử im lặng nhận lời. Lúc ấy Trưởng giả biết Tôn giả Xá-lê Tử đã im lặng nhận lời, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, tự mình lấy nước rửa, đem tất cả các thứ đồ ăn ngon, tinh khiết, dồi dào, các loại nhai và nuốt[22], tự tay dọn sớt, cho đến khi Tôn giả được no đủ. Ăn xong, dọn dẹp và lấy nước rửa tay xong, ông trải một chỗ ngồi nhỏ, ngồi riêng để nghe pháp.
Sau khi Trưởng giả ngồi xong, Tôn giả Xá-lê Tử thuyết pháp cho ông khuyên bảo, khích lệ, thành tựu hoan hỷ. Sau khi dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp, khuyên bảo, khích lệ, thành tựu hoan hỷ cho Trưởng giả rồi, Ngài từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
Bấy giờ Đức Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô lượng đại chúng vây quanh trước sau. Từ đàng xa Đức Thế Tôn thấy Tôn giả Xá-lê Tử đi lại, liền bảo các Tỳ-kheo rằng:
"Tỳ-kheo Xá-lợi-phất là bậc thông tuệ, tốc tuệ, tiệp tuệ, lợi tuệ, quảng tuệ, thâm tuệ, xuất yếu tuệ, minh đạt tuệ, biện tài tuệ, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất đã thành tựu thật tuệ[23]. Vì sao vậy? Vì về bốn hạng Tu-đà-hoàn[24] mà ta đã nói sơ lược, thì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất triển khai thành mười hạng để nói cho Trưởng giả Cấp Cô Độc.
Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo nghe Phật nói xong hoan hỷ phụng hành.


Chú thích:
[01] Bản Hán, quyển 6. Tương đương Pāli: M. 69 Gulissāni-suttaṃ (bản Devanagari, Goliyānisuttaṃ).
[02] Trúc lâm Ca-lan-đa viên 竹 林 迦 蘭 多 園. Pāli: Veluvāne Kanlandakanivāpe.
[03] Cù-ni-sư 瞿 尼 師. Pāli: Gulissāni (Goliyāni).
[04] Hán: tại vô sự thất 在 無 事 室. Pāli: (gulissāni nāma bhikkhu) āraññ iko, (Tỳ-kheo Gulissāni) là người sống trong rừng (ẩn cư).
[05] Pāli: (āraññiko) padasamācāro, (là ẩn sĩ sống trong rừng, nhưng) là người có hành vi thô tháo.
[06] Vô sự Tỳ-kheo 無 事 比 丘. Pāli: āraññaka-bhikku, Tỳ-kheo sống (ẩn cư) trong rừng.
[07] Pāli: āraññkena... Bhikkhunā saṃghagatena saughe viharante sabrahmacārisu sagāravena bhavitabbaṃ sappatussena, "Tỳ-kheo tu hạnh sống ở rừng, khi đến sống giữa Tăng, cần phải tôn trọng, cung kính các đồng phạm hạnh".
[08] Hán: bất điệu tiếu, bất táo nhiễu 不 調 笑 不 躁 擾. Pāli: anuddhata, không trạo cử, acapala, không náo động.
[09] Hán: súc sanh luận 畜 生 論. Pāli: tiracchāna-kathā, câu chuyện về thú vật; chuyện vô ích, trở ngại sự tu tập. Nhưng, đoạn này, trong bản Pāli tương đương: amukhararena bhavitabbaṃ avikiṇṇavācena, không nên lắm lời, không nên nói tạp nhạp.
[10] Pāli: there ca bhikkhū nānupakhajja nisīdissāmi nave ca bhikkhū na āsanena paṭibāhissāmi, không chiếm chỗ ngồi của các Tỳ-kheo Thượng tọa; không đuổi các vị tân Tỳ-kheo khỏi chỗ ngồi.
[11] Luật, A-tì-đàm 律 阿 毗 曇. Pāli: abhivinaya, abhidhamma, chỉ phần tinh nghĩa của luật (vinaya) và pháp (dhamma); không phải A-tì-đàm của Luận tạng.
[12] Hán: tức giải thoát 息 解 脫. Pāli: santa-vimokka.
[13] Hán: ly sắc 離 色. Pāli: atikkamma rūpe, vượt qua sắc pháp.
[14] Hán: nãi chí vô sắc định 乃 至 無 色 定. Pāli: āruppā tattha yogo karaṇīyo, tu tập về các vô sắc.
[15] Hán: nhân gian Tỳ-kheo 人 間 毗 丘. Pāli: gāmantavihārin, (Tỳ-kheo) sống tại các thôn xóm.
[01] Tương đương Pāli: M.97. Dhānañjāni-suttam.
[02] Đà-nhiên 陀 然. Pāli: Dhānañjāna (cũng viết, Dhanañjāni).
[03] Pāli: Taṇḍulapālidvārāya Dhānañjāni nāma brahmaṇo atthi, "ở Taṇḍulapālidvāra có một người Bà-la-môn tên là Dhānañjāni"; không nói sự kiện là bạn cũ.
[04] Hán: khi cuống 欺 誑. Pāli: rājānaṃ nissāya brāhmaṇagahapatike vilumpati, "dựa thế vua cướp bóc các Bà-la-môn và gia chủ".
[05] Pāli thêm chi tiết: Vợ trước của ông là người có tín tâm, từ gia đình có tín tâm (saddhā saddhākulā ātītā), còn bà vợ sau thì không.
[06] Hán: khổ trị cư dân 苦 治 居 民. Pāli: tena kho pana samayena Dhanañjāni brāhmaṇo bahinagare gāvo goṭṭhe dohapeti, "Lúc bấy giờ Bà-la-môn Dhanañjāni đang sai người vắt sữa bò trong chuồng bò ở ngoài thành".
[07] Hán: kim táo quán 金 澡 罐. Pāli: chỉ nói mời uống sữa.
[08] Hán: tộc tánh tử 族 姓 子. Pāli: kulaputta, thiện gia nam tử, hay thiện nam tử, người thuộc một trong bốn giai cấp.
[09] Hán: như pháp như nghiệp như công đức 如 法 如 業 如 功 德. Pāli: Sahetukā dhammikā kammantā: những nghề nghiệp đúng pháp, có nhân.
[10] Bản Pāli không nói tên người vợ. Sự mê hoặc này, trong bản Pāli, là lời tường thuật của vị Tỳ-kheo mà ngài Xá-lợi-phất hỏi thăm các tin tức chứ không phải là lời tự thú của Đà-nhiên.
[11] Nam sơn 南 山. Pāli: Dakkhiṇagiri, một ngọn núi ở phía Nam thành Vương xá.
[12] Rừng cây siṃsapa; xem các cht. trên. Nam sơn Bắc thôn và Thi-nhiếp-hòa lâm: không rõ các địa danh này.
[13] Phạm thất 梵 室, hay Phạm trú 梵 住; Pāli: Brahmavihāra, đời sống (có phẩm tính) như Phạm thiên, hay sống chung với Phạm thiên. Bản Pāli: Brahmāṇaṃ... Sahavyatāya maggaṃ desessāmi, "Ta sẽ nói về con đường dẫn đến cọng trú với Phạm thiên".
[14] Hán: thông tuệ, tốc tuệ, tiệp tuệ, lợi tuệ, quảng tuệ, thâm tuệ, xuất yếu tuệ, minh đạt tuệ, biện tài tuệ 聰 慧 速 慧 捷 慧 利 慧 廣 慧 深 慧 出 要 慧 明 達 慧 辯 才 慧.
Bản Pāli ở đây không nói các đặc điểm trí tuệ của ngài Xá-lợi-phất, nhưng có thể tìm thấy đoạn tương đương M.iii, tr, 25: Paṇḍito (tuệ thông bác), mahāpānno (đại tuệ), javanapānno (tuệ nhạy bén), tikkhapānno (tuệ sắc bén), nibbedhikapānno (tuệ sâu sắc).
[15] Hán: tri pháp như pháp 知 法 如 法;thường gặp trong bản Hán dịch này, mà tương đương Pāli thường là dhamma-anudhamma, pháp và tùy pháp tức những yếu tố phụ thuộc pháp. Đoạn văn này, Pāli tương đương: (...) sati uttarikaraṇīye hine Brahmaloke patiṭṭhāpetvā ..., "trong khi có pháp cao hơn nữa cần chứng, nhưng lạïi xác lập ở Phạm thiên giới..."
[01] Tương đương Pāli, M.143. Ānathapiṇḍikovāda-sutta. Biệt dịch No.125(51.8), Tăng Nhất 49, "phẩm Phi Thường, kinh số 8" (Đại 2, tr.819).
[02] Xá-vệ quốc, Thắng lâm, Cấp cô độc viên 舍 衛 國 勝 林 給 孤 獨 園. Pāli: Sāvatthiyaṃ Jetavane Anāthapiṇḍikassa ārame.
[03] Trưởng giả Cấp Cô Độc 長 者 給 孤 獨; Pāli, Ānathapiṇḍika, đại phú hộ đã dựng một tịnh xá tại rừng Thắng lâm (Jetavana) để cúng dường Phật.
[04] A-tu-la, Kiền-tháp-hòa, La-sát 阿 修 羅, 犍 塔 惒, 羅 刹. Pāli: asura, gandhabba, rakkhasa.
[05] Nội dung bài thuyết pháp sau đây không đồng nhất với bản Pāli tương đương.
[06] Tà chí 邪 志, tức tà tư duy, đối lập với chánh tư duy trong Thánh đạo tám chi.
[07] Bản Pāli, sau đó, khi Sāriputta đi khỏi, Trưởng giả Cấp Cô Độc mạng chung.
[08] Từ đây trở xuống, nội dung tương đương được tìm thấy trong luật bộ Pāli.
[09] Chúng 眾, tức tăng(-già), Pāli: saṃgha.
[10] Hán: Thành tức môn 城 息 門; Pāli: Sivakadvāra.
[11] Pāli, đã dẫn, một Dạ-xoa tên là Sīvaka.
[12] Mật khí 蜜 (密) 器.
[13] Tu-đạt-đa 須 達 多. Pāli, VI. đã dẫn, chép ngay khi vừa trong thấy Trưởng giả, Phật gọi ngay tên "Sudatta, hãy đến đây, Sudattā", sự kiện này khiến ông phấn khởi.
[14] Cấp Cô Độc 給 孤 獨. Pāli: Anāthapiṇḍika.
[15] Các chi tiết liên hệ luật tạng. Luật Pāli và bản hán khác nhau.
[16] Thắng Đồng tử 勝 童 子. Vin.ii.154ff. Jetakomara, con trai vua Pasenadi (Ba-tư-nặc), về sau bị vua Vidudabha người em trai cùng cha khác mẹ giết vì khước từ tham gia cuộc chiến tàn sát dòng họ Thích. Các phiên âm quen thuộc khác: Kỳ-đà Thái tử 衹 陀 太 子, Thê-đa 逝 多.
[17] Cả Vin.ii. đã dẫn, cũng không nói loại tiền gì.
[18] Hán: đại quyết đoán xứ 大 決 斷 處.
[20] Hán: đại ốc 大 屋, tức Pāli: vihāra (tinh xá).
[21] Hán: câu-hi 拘 絺, tức Pāli: koṭṭhaka, chỉ nhà kho, phòng hay phòng kín.
[22] Hán: thực đạm hàm tiêu 食 噉 含 消, loại thực phẩm cần phải cắn, và loại ngậm cho tiêu.
[23] Xem cht.14, kinh số 27.
[24] Có lẽ là bốn Dự lưu chi: 1/ Thân cận thiện xứ, 2/ Kiến văn chánh pháp, 3/ Như lý tác ý, 4/ Pháp tùy pháp hành, mà ngài Xá-lợi-phất đã quảng diễn thành mười, như trong kinh: 1/ Tín, 2/ Giới, 3/ Đa văn, 4/ Huệ thí, 5/ Thiện tuệ, 6/ Chánh kiến, 7/ Chánh trí, 8/ Chánh giải, 9/ Chánh thoát, 10/ Chánh trí. Chỉ bốn "Nhập lưu phần", Tạp A-hàm 30. Đại 30, tr.843.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Chuyện Vãng Sanh - Tập 3


Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng


Lục tổ Đại sư - Con người và huyền thoại


Kinh Duy-ma-cật (Hán-Việt)

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.65.47 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập