Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Ưu Bà Tắc Giới Kinh [優婆塞戒經] »» Bản Việt dịch quyển số 2 »»

Ưu Bà Tắc Giới Kinh [優婆塞戒經] »» Bản Việt dịch quyển số 2


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » English version (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.61 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.76 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Tại Gia Bồ Tát Giới

Kinh này có 7 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 |
Việt dịch: Thích Pháp Chánh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

7. Phát Nguyện
F2. Chánh thức phát thù thắng nguyện
G1. Thiện Sinh hỏi đáp
Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Ai có thể tu nghiệp ba mươi hai tướng?”

Đức Phật bảo Thiện Sinh: “Thiện nam tử! Người trí có thể tu.”
- Kính bạch Đức Thế Tôn! Thế nào gọi là người trí?
- Thiện nam tử! Người trí là người có thể phát nguyện rộng lớn vô thượng.
G2. Nói tổng quát về sự phát nguyện
I1. Nhân của sự phát nguyện
Bậc Đại Bồ tát, sau khi phát tâm, tất cả nghiệp lành của thân, khẩu, ý đều hồi hướng, đều nguyện vì chúng sinh; nguyện
trong tương lai được thành Phật, tất cả chúng sinh cũng được thành Phật. Bậc Đại Bồ tát thường gần gũi chư Phật, Thanh văn, Duyên giác cùng những bậc thiện tri thức, cúng dường, cung kính, thưa hỏi Phật pháp thâm sâu, thọ trì không xao lãng.
I2. Chánh thức trình bày lời nguyện
Các vị Đại Bồ tát ấy phát nguyện rằng: “Con nay gần gũi chư Phật, Thanh văn, Duyên giác và bạn lành. Thà thọ vô lượng khổ não dữ dội nhưng đối với Đạo Bồ đề quyết không thoái chuyển. Chúng sinh nếu dùng lòng độc ác đến đánh đập, chửi rủa, hủy nhục con, nguyện con nhờ nhân duyên này tăng trưởng tâm từ bi, không sinh niệm ác. Nguyện con đời sau, bất cứ chỗ nào, đều không thọ thân người nữ, không căn, hai căn, hoặc làm thân nô tỳ. Lại nguyện thân con được sức lực tự tại để lãnh đạo người khác, không để cho người có quyền lực sai khiển con. Nguyện
thân con không bị tàn khuyết, xa lìa bạn ác, không sinh vào nước dữ, bộ lạc dã man, mà thường sinh vào dòng họ cao sang, dung nhan tuấn tú, của báu tự tại. Nguyện được tâm ý hiền hòa, tự tại, cương nghị và dũng mãnh. Nếu nói ra điều gì, người nghe đều vui nhận. Xa lìa các chướng ngại, không còn phóng dật, lìa bỏ tất cả nghiệp ác của thân, khẩu, ý; thường vì chúng sinh mà làm tất cả sự lợi ích. Vì muốn lợi ích chúng sinh, không tham tiếc thân mạng. Không vì thân mạng mình mà tạo nghiệp ác. Khi làm lợi chúng sinh, không cần sự trả ơn. Thường hay thọ trì Mười hai phần giáo. Sau khi thọ trì, đem dạy cho người khác. Có thể diệt trừ sai lầm và nghiệp ác của chúng sinh. Tất cả sự việc trên đời, không gì hơn được. Sau khi được hơn tất cả, giáo hóa chúng sinh. Khéo trị các chứng bệnh nặng nơi thân tâm của chúng sinh. Thấy người chia ly, giúp cho hòa hợp. Thấy người sợ hãi, tìm cách che chở, cứu vớt; kế đó nói pháp lành, khiến họ
nghe xong, tâm ý nhu hòa phục thiện. Thấy chúng sinh đói khát, bố thí thân mình, làm cho họ được no đủ, nguyện họ khi ăn thân này, không sinh tâm tham luyến mùi vị, giống như đang ăn cây cỏ. Thường hay cúng dường sư trưởng, cha mẹ, bạn lành và bậc hiền đức. Đối người thân, kẻ thù, tâm thường bình đẳng. Thường tu pháp lục niệm, quán vô ngã, và Mười hai nhân duyên. Nơi không có ngôi Tam bảo, nguyện thường ở nơi tịch tĩnh, tu tập tâm từ bi. Tất cả chúng sinh, hoặc nghe tên, hoặc thấy thân, hoặc chạm vào thân, đều được xa lìa phiền não.” Tuy Bồ tát biết rằng, ngoài quả vị Vô thượng Bồ đề ra, không nên cầu quả báo khác, nhưng vì chúng sinh nên vẫn mong cầu, hầu làm lợi ích rộng lớn cho họ.
I3. Nêu rõ quả báo của sự phát nguyện
J1. Nêu tổng quát lợi ích của sự lập nguyện
Thiện nam tử! Bồ tát nếu lập đại nguyện như vậy, phải biết người đó là vị
trưởng giả đầy đủ vô thượng pháp tài, đang cầu ngôi vị Pháp vương mà chưa được.
J2. Nêu riêng trưởng giả đầy đủ pháp tài
Thiện nam tử! (1) Bậc Đại Bồ tát làm tròn ba việc thì được gọi là vị trưởng giả đầy đủ pháp tài: một là tâm không ưa thích kinh điển ngoại đạo; hai là tâm không tham luyến cảnh vui sinh tử; ba là thường ưa thích cúng dường Tam bảo. (2) Lại có ba việc: một là vì chúng sinh thọ khổ, tâm không hối hận; hai là đầy đủ trí tuệ vi diệu vô thượng; ba là khi đủ pháp lành, không sinh kiêu mạn. (3) Lại có ba việc: một là vì chúng sinh mà chịu khổ địa ngục, nhưng vẫn xem như thọ sự vui của cõi Tam thiền; hai là thấy người khác được lợi, tâm không sinh ghen ghét; ba là không vì quả báo trong sinh tử mà tạo nghiệp lành. (4) Lại có ba việc: một là thấy người thọ khổ, coi như chính mình thọ; hai là làm tất
cả điều lành đều vì chúng sinh; ba là khéo lập phương tiện làm người thoát khổ. (5) Lại có ba việc: một là quán sát sự vui trong sinh tử như rắn độc; hai là ưa ở trong cảnh sinh tử làm lợi ích chúng sinh; ba là quán Vô sinh pháp nhẫn có nhiều công đức. (6) Lại có ba việc: một là vì lợi ích chúng sinh mà bố thí thân thể; hai là bố thí sinh mạng; ba là bố thí của cải. (7) Lại có ba việc: một là nghe nhiều Phật pháp không nhàm chán; hai là nhẫn chịu cảnh ác; ba là dạy người khác tu nhẫn nhục. (8) Lại có ba việc: một là hay xét lỗi mình; hai là khéo che lỗi người; ba là ưa tu tâm từ. (9) Lại có ba việc: một là chí tâm thọ trì cấm giới; hai là dùng pháp Tứ nhiếp thâu phục chúng sinh; ba là lời nói dịu dàng không thô bạo. (10) Lại có ba việc: một là đem Phật pháp bố thí chúng sinh; hai là đem tài sản bố thí chúng sinh; ba là khuyến khích chúng sinh bố thí tài sản và Phật pháp. (11) Lại có ba việc: một là thường đem pháp Đại thừa giáo hóa
chúng sinh; hai là thường tu tập làm tiến bộ; ba là không khinh mạn chúng sinh. (12) Lại có ba việc: một là dù đầy phiền não, nhưng vẫn nhẫn chịu được; hai là tuy biết phiền não nhiều lỗi lầm, lòng vẫn an vui không nhàm chán; ba là tuy mình còn đầy phiền não, nhưng vẫn có thể diệt trừ phiền não cho người khác. (13) Lại có ba việc: một là thấy người được lợi, vui như mình được; hai là được sự an vui, không giữ riêng mình hưởng thọ; ba là đối giáo pháp Tiểu thừa, không sinh tâm tự mãn. (14) Lại có ba việc: một là nghe sự khổ hạnh của Bồ tát, tâm không kinh sợ; hai là có người đến xin, không bao giờ từ chối; ba là không bao giờ nghĩ mình hơn tất cả..
J3. Nêu rõ vị Pháp vương tự tại
Thiện nam tử! Bồ tát nếu quán nhân, quán quả, quán nhân quả, hay quán quả nhân, Bồ tát đó có thể đoạn nhân quả thế gian. Nếu Bồ tát có thể đoạn được nhân
quả, chứng được nhân quả, thì gọi là pháp quả, là vua của các pháp, tự tại với các pháp.
G3. Kết luận Bồ tát tại gia thù thắng
Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia lập nguyện như vậy không khó, Bồ tát tại gia lập nguyện như vậy mới khó. Vì sao? Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.
8. Bồ Tát Giả Danh Bồ Tát Thật Nghĩa
D2. Tích tập phước đức, trí tuệ
E1. Phân biệt Bồ tát giả danh thật nghĩa
F1. Thiện Sinh hỏi
Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn, như Đức Phật đã dạy, Bồ tát có hai hạng: một là Bồ tát giả danh, hai là Bồ tát thật nghĩa. Thế nào gọi là Bồ tát giả danh?”
F2. Đức Như Lai trả lời
G1. Bồ tát giả danh
- Thiện nam tử! Chúng sinh phát tâm Bồ đề rồi, được gọi là Bồ tát giả danh nếu ưa học pháp thuật, cùng đọc tụng kinh điển của ngoại đạo, lại đem pháp ấy giáo hóa chúng sinh; không thích tu tâm từ bi, vì thân mạng mình giết hại chúng sinh; tham mê sinh tử, thường tạo nghiệp mong hưởng cảnh vui hữu lậu; không có lòng tin,
lại sinh tâm nghi ngờ Tam bảo; tham tiếc giữ gìn thân mạng, không thể nhẫn nhục; lời nói cộc cằn, hối hận, buông lung, sinh lòng tự khinh, nghĩ mình không thể được quả Vô thượng Bồ đề; tự chôn mình trong phiền não, sinh lòng khiếp sợ, lại không chịu siêng tu phương tiện tiêu diệt phiền não; thường sinh lòng bỏn sẻn, ganh ghét, giận dữ, gần gũi bạn ác, biếng nhác, loạn tâm; ưa ở trong vô minh, không tin pháp Lục độ; không chịu tu phước đức, không chịu quán sinh tử, thường ưa nghe theo lời ác. Người như vậy được gọi là Bồ tát giả danh.
Thiện nam tử! Lại có chúng sinh phát tâm mong cầu quả vị Vô thượng Bồ đề, nghe nói phải siêng năng tu tập gian khổ, trải qua vô lượng kiếp sau đó mới thành tựu, nghe rồi sinh lòng hối tiếc; tuy thân tu hành đạo nghiệp, mà tâm không chân thực; không biết hổ thẹn, không có lòng thương người; hay thờ phụng ngoại đạo, giết dê tế
trời; dù có chút ít lòng tin, tâm không bền chắc; vì sự vui ngũ dục mà tạo rất nhiều tội ác; ỷ vào sắc đẹp, tuổi thọ và tài sản mà sinh tâm kiêu mạn; hành động điên đảo, không đem lại lợi ích; vì ham thú vui sinh tử mà bố thí, vì muốn sinh cõi trời mà giữ giới, vì muốn sống lâu mà tu thiền định. Những người như vậy gọi là Bồ tát giả danh.
G2. Bồ tát thật nghĩa
Thiện nam tử! Bồ tát thật nghĩa là người có thể nghe hiểu nghĩa lý sâu xa, ưa gần bạn lành, ưa cúng dường sư trưởng, cha mẹ, bạn lành; ưa nghe Mười hai phần giáo của Đức Như Lai, thọ trì, đọc tụng, biên chép, tư duy nghĩa lý; vì nhân duyên cầu Pháp, không tiếc thân mạng, vợ con, của cải; tâm ý kiên cố, thương xót chúng sinh; nói lời dịu dàng, lời chào đón, lời chân thật; không nói lời thô ác hoặc đâm thọc; không tự khinh chính mình; bố thí
rộng rãi không hề lưỡng lự; thường ưa dùi mài lưỡi gươm trí tuệ; học tập kinh sách ngoại đạo, chỉ vì muốn phá dẹp và siêu việt tà kiến; rành rẽ phương tiện điều phục chúng sinh; ở giữa đám đông, tâm không khiếp sợ; thường dạy chúng sinh rằng Đạo Bồ đề dễ được, khiến cho người nghe không sinh lòng lo sợ, mà siêng năng tu hành; coi thường phiền não, không để cho phiền não lay động mình; tâm không buông lung, thường tu nhẫn nhục; vì muốn đắc quả vị Niết Bàn mà trì giới và tu tập tinh tiến; nguyện làm người phục dịch cho chúng sinh, làm cho họ được an ổn, vui sướng; vì người khác chịu khổ, tâm không sinh hối hận; thấy người thoái thất tâm Bồ Đề, sinh lòng thương xót; cứu vớt tất cả chúng sinh khổ não, quán sát lỗi lầm và tội ác của sinh tử; có thể viên mãn sáu pháp Ba la mật vô thượng; làm mọi sự việc đều hơn chúng sinh; lòng tin vững chắc, tu tập từ bi mà không mong cầu quả báo; đối với người thân kẻ thù, tâm coi như một; lúc bố
thí tài vật tâm thường bình đẳng, thí xả thân mình cũng thế; vì biết tướng hữu vi là vô thường, nên không tiếc thân mạng; dùng pháp Tứ nhiếp thâu phục chúng sinh; biết rõ Thế tục đế nên tùy thuận chúng sinh; lúc vì chúng sinh mà thọ khổ, tâm không lay động như núi Tu di; tuy thấy chúng sinh tạo nhiều nghiệp ác, ít người làm lành, nhưng vẫn không bỏ rơi họ; đối với Tam bảo không sinh lòng nghi, thường ưa cúng dường; lúc có ít tài vật, trước bố thí người nghèo, sau cúng dường Tam bảo; làm việc gì, trước đều vì người nghèo, sau mới vì người giàu; ưa khen ngợi sự hay của người, vì họ mà giảng Phật pháp, hầu mở đường cho họ đến Niết bàn; muốn người khác học tất cả các kỹ thuật; thấy người học hơn mình, tâm sinh vui mừng; không nghĩ đến lợi mình, mà thường nghĩ đến việc lợi người; tất cả nghiệp lành thân khẩu ý, đều không vì chính mình, mà vì chúng sinh. Đây gọi là Bồ tát thật nghĩa.
G3. Nêu rõ Bồ tát tại gia thù thắng
Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia muốn thành Bồ tát thật nghĩa không khó. Bồ tát tại gia muốn thành Bồ tát thật nghĩa mới khó. Vì sao? Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.
9. Tâm Kiên Cố Của Bồ Tát Thật Nghĩa
E2. Khuyến khích làm Bồ tát thật nghĩa
F1. Chánh thức nêu rõ Bồ tát thật nghĩa
G1. Thiện Sinh hỏi
Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn, Bồ tát thật nghĩa làm thế nào để biết mình là Bồ tát thật nghĩa?”
G2. Đức Như Lai trả lời
H1. Trình bày bổn sinh hạnh
- Thiện nam tử! Bậc Đại Bồ tát lúc tu khổ hạnh, trước hết phải có tâm thành. Thiện nam tử! Ta nhớ thuở xưa lúc còn tu hạnh Bồ tát, trước theo ngoại đạo học pháp khổ hạnh, hết lòng tu tập, tâm không thoái chuyển; trong vô lượng đời, dùng tro bôi thân, mỗi ngày ăn một hạt mè, hạt đậu; dùng chông gai, cây đá làm chỗ lót nằm; lấy phân cùng nước tiểu làm thuốc trị bệnh; trong mùa hè nóng bức, dùng năm thứ lửa
đốt thân; trong mùa đông buốt giá, dùng nước đá chà xát vào thân; hoặc ăn cỏ, rễ, nhành, lá, quả; hoặc ăn đất, hoặc hớp gió. Lúc tu những sự khổ hạnh như vậy, thân mình thân người đều không lợi ích; tuy vậy, tâm vẫn không thoái sụt, mà còn vượt hơn tất cả khổ hạnh của ngoại đạo.
Thiện nam tử! Ta thuở xưa vì bốn việc mà bỏ thân mạng: một là muốn phá phiền não của chúng sinh; hai là muốn làm chúng sinh được an vui; ba là muốn phá trừ sự tham đắm thân thể; bốn là muốn báo ơn sinh dưỡng của cha mẹ. Bồ tát nếu không tiếc thân mạng, quyết định biết mình là Bồ tát thật nghĩa.
Thiện nam tử! Trong quá khứ, vì cầu Chánh pháp, ta đã khoét thân làm ba ngàn sáu trăm ngọn đèn. Lúc bấy giờ, tuy vẫn còn đầy phiền não, thân thể đau đớn, nhưng vì muốn chúng sinh được độ thoát sinh tử, ta tự an ủi khiến lòng kiên quyết,
không sinh tâm thoái chuyển. Lúc đó được đầy đủ ba việc: một là rốt ráo không còn thoái chuyển; hai là trở thành Bồ tát thật nghĩa; ba là được chúng sinh gọi là Bậc không thể nghĩ bàn. Lại nhớ khi xưa vì cầu Chánh pháp, trong một đại kiếp, khắp thân chịu sự thống khổ của hàng ngàn mụt nhọt. Lúc đó, tuy vẫn còn đầy phiền não, thân thể đau đớn, nhưng vì muốn chúng sinh đều được độ thoát, ta tự an ủi, khiến lòng kiên quyết, không sinh tâm thoái chuyển. Đấy gọi là Bồ tát không thể nghĩ bàn. Khi xưa ta vì một con bồ câu mà bố thí thân mạng của mình. Lúc bấy giờ tuy còn đầy phiền não, thân thể đau đớn, nhưng vì muốn chúng sinh được độ thoát, ta tự an ủi, khiến lòng kiên quyết, không sinh tâm thoái chuyển. Đấy chính là Bồ tát không thể nghĩ bàn.
Thiện nam tử! Tất cả bạn ác và các nghiệp phiền não chính là người bạn làm trang nghiêm đạo nghiệp của Bồ tát. Vì
sao? Tất cả phàm phu vì không có trí tuệ và chánh niệm nên xem phiền não là kẻ oán địch; còn Bồ tát đầy đủ trí tuệ và chánh niệm nên xem phiền não là người bạn đạo.
Thiện nam tử! Người đã đoạn phiền não thì không còn phải thọ thân trong các cõi ác. Thế nên, Bồ tát tuy thị hiện làm nghiệp ác, thật sự không phải là do thân, khẩu, ý làm ra mà là do sức mạnh của thệ nguyện. Như vì muốn điều phục loài bàng sinh, do thệ nguyện mà thọ thân thú dữ. Bồ tát tuy thị hiện thọ thân cầm thú, hiểu rõ tiếng người, hiểu rõ lời pháp, lời chân thực, lời không thô ác, lời không vô nghĩa; tâm thường thương xót, tu tập từ bi, lòng không buông lung. Đấy gọi là Bồ tát không thể nghĩ bàn.
Thiện nam tử! Thuở xưa lúc ta thọ thân gấu, dù vẫn còn phiền não, nhưng ta không còn bị phiền não lay chuyển. Vì sao?
Vì ta đầy đủ chánh niệm, thương xót chúng sinh, ủng hộ Chánh pháp, tu hành pháp hạnh. Thọ thân trâu, chim, thỏ, rắn, rồng, voi, kim xí điểu, bồ câu, nai, vượn, dê, gà, chim trĩ, khổng tước, anh vũ, các loài cóc nhái. Lúc ta thọ thân chim, thú như vậy, tuy vẫn còn phiền não, nhưng không còn bị phiền não khống chế. Vì sao? Vì ta đầy đủ chánh niệm, thương xót chúng sinh, ủng hộ Chánh pháp, tu hành pháp hạnh.
Thiện nam tử! Trong đời đói khổ, ta lập đại nguyện, do đại nguyện mà thọ thân làm loài cá lớn, khiến cho chúng sinh khỏi sự đói khát. Người nào ăn thịt ta đều tu hành, tư duy chánh đạo, không phạm tội ác. Trong đời nhiều tật dịch, ta lập đại nguyện, do nguyện lực mà thọ thân làm cây thuốc. Những người bệnh tật thấy, nghe hay chạm đến thân ta, hoặc ăn da, thớ, máu, thịt, xương, tủy của ta thì bệnh hoạn đều lành. Thiện nam tử! Bậc Đại Bồ
tát thọ khổ như vậy, tâm không thoái chuyển, gọi là Bồ tát thật nghĩa.
H2. Nêu rõ khái quát Bồ tát hạnh
Lúc Bồ tát tu hành sáu pháp Ba la mật, chung qui không mong cầu quả báo, chỉ lấy sự lợi ích chúng sinh làm sự nghiệp. Bồ tát thấy rõ lỗi lầm của sinh tử, bởi thế ưa ở trong sinh tử, vì muốn làm lợi ích, khiến cho chúng sinh được an vui. Bồ tát hiểu rõ niềm vui của giải thoát, sự lỗi lầm của sinh tử, mà vẫn có thể ở trong sinh tử, đây là hạnh không thể nghĩ bàn của Bồ tát. Bồ tát làm việc gì, không cần báo ơn; đối với người làm ơn cho mình, thường nghĩ đến sự trả ơn. Thiện nam tử! Tất cả chúng sinh thường cầu tự lợi, Bồ tát làm việc thường mong lợi người. Đây là hạnh không thể nghĩ bàn của Bồ tát.
Thiện nam tử! Ngoại đạo lúc giáo hóa chúng sinh, thường dùng lời hung ác
nhục mạ, hoặc đánh đập xua đuổi để điều phục. Bồ tát không làm như thế, lúc giáo hóa chúng sinh, không dùng lời thô ác, lời giận dữ, lời vô ích, mà chỉ dùng lời nhỏ nhẹ, lời chân thật để giáo hóa họ. Chúng sinh nghe rồi, như hoa sen xanh dưới ánh trăng, như hoa sen đỏ dưới ánh mặt trời.
Thiện nam tử! Lúc Bồ tát bố thí, tuy ít tiền của, thấy nhiều người đến xin, không sinh tâm chán ghét. Đây là hạnh không thể nghĩ bàn của Bồ tát. Bồ tát dạy dỗ người mù, điếc, câm, ngọng, ngu si, hoặc người dã man, hung ác, tâm không chán ghét. Đây là hạnh không thể nghĩ bàn của Bồ tát.
Thiện nam tử! Bồ tát có bốn việc không thể nghĩ bàn: một là vật yêu quí có thể đem bố thí cho người khác; hai là tuy còn đầy phiền não, nhưng vẫn nhẫn được việc ác; ba là thấy đại chúng chia rẽ, có thể khiến hòa hợp; bốn là thấy người sắp
chết biết hối lỗi, liền nói pháp để chuyển đổi họ. Đây là bốn việc không thể nghĩ bàn của Bồ tát. Lại có ba việc không thể nghĩ bàn: một là thường quở trách tất cả phiền não; hai là ở trong phiền não, nhưng không xả bỏ phiền não; ba là dù đầy đủ phiền não và phiền não nghiệp nhưng không dám buông lung. Đây là ba việc không thể nghĩ bàn của Bồ tát. Lại có ba việc không thể nghĩ bàn: một là lúc muốn bố thí, tâm sinh vui mừng; hai là lúc bố thí, chỉ vì người nhận mà không cầu quả báo; ba là bố thí xong, tâm an vui, không sinh nuối tiếc. Đây là ba việc không thể nghĩ bàn của Bồ tát.
H3. Lúc tu hành tự quán xét
Thiện nam tử! Bậc Đại Bồ tát lúc tu hạnh như vậy, tự quán sát tâm mình: “Tôi là Bồ tát giả danh hay thật nghĩa.” Chúng sinh nếu làm những việc như vậy, nên biết đó là Bồ tát thật nghĩa.
H4. So sánh nêu rõ Bồ tát tại gia thù thắng
Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia làm những việc ấy không có gì khó. Bồ tát tại gia làm những việc ấy mới thực là khó. Vì sao? Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.
10. Lợi Mình Lợi Người
F2. Khuyến tu công hạnh Bồ tát
G1. Liệt cử công đức khuyến tu
H1. Liệt cử lợi mình lợi người để khuyến khích
I1. Hỏi đáp Bồ đề và đạo
Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Bồ đề là gì? Đạo Bồ đềi là gì?”
i Đạo Bồ đề (Hán: Bồ đề đạo, Anh: The path of enlightment): ở đây đạo có nghĩa là con đường. Đạo Bồ đề là con đường dẫn đến sự giác ngộ, tức là nhân dẫn đến sự giác ngộ.
ii Ở Ấn độ thời cổ, kỹ thuật làm dầu cần phải ủ mè cho sinh ra trùng, sau đó ép mè để lấy dầu, sát hại rất nhiều sinh mạng, do đó trong giới luật nghiêm cấm người thọ Ngũ giới hành nghề này.
iii Hang rắn, hang chuột thường có nhiều cửa. Chỉ lấp cửa hang gần nơi tháp miếu chứ không phải có tâm sát sinh cố ý lấp tất cả (?) cửa hang để cho chúng chết.
iv Các vị trời, bao gồm các vị trời đã quy y Tam bảo và các vị trời ngoại đạo. Vì muốn họ bảo vệ thân mạng, tài sản, lãnh thổ và nhân dân nên các vị quốc vương (hoặc quan lại, hoặc người bình dân) cúng dường (tế lễ) họ.
v Hai đế lý: Lý thế tục đế và lý chân đế.
vi Danh, lợi, tài, sắc.
Đức Phật dạy: “Thiện nam tử! Xa lìa Bồ đề không có Đạo Bồ đề, xa lìa Đạo Bồ đề không có Bồ đề. Đạo Bồ đề tức là Bồ đề, Bồ đề tức là Đạo Bồ đề. Vượt hơn tất cả quả vị của Thanh văn, Duyên giác gọi là Bồ đề, cũng gọi là Đạo Bồ đề.”
I2. Hỏi đáp sự tương đồng, khác biệt giữa ba Thừa
- Kính bạch Đức Thế Tôn! Đạo quả của Thanh văn, Duyên giác tức là Bồ đề, tức là Đạo Bồ đề. Tại sao gọi là vượt hơn?
- Thiện nam tử! Đạo của Thanh văn, Duyên giác không được rộng lớn, không phải là giác ngộ tất cả, bởi vậy Bồ đề, Đạo Bồ đề được gọi là vượt hơn Thanh văn, Duyên giác. Giống như trong tất cả kinh sách thế gian, Mười hai phần giáo của Đức Như Lai là cao hơn hết. Vì sao? Vì lời nói trong kinh không sai lầm, không điên đảo. Đạo của Nhị thừa so với Đạo Bồ đề cũng giống như thế.
I3. Phân biệt học vị và quả vị của Bồ đề
Thiện nam tử! Đạo Bồ đề tức là Học, cũng tức là Học quả. Vì sao gọi là Học? Tu học Đạo Bồ đề nhưng chưa chứng được tâm không thoái chuyển gọi là Học. Đã được quả vị không thoái chuyển gọi là Học quả. Lúc chưa chứng được Định hữu, gọi là Học; sau khi chứng được Định hữu, trong A tăng kỳ kiếp thứ ba, gọi là Học quả. Trong A tăng kỳ kiếp đầu tiên vẫn còn chưa thể bố thí tất cả tài sản, chưa thể
bố thí trong tất cả thời gian, và chưa thể bố thí đến tất cả chúng sinh. Trong A tăng kỳ kiếp thứ hai, đã có thể bố thí tất cả tài sản, nhưng vẫn chưa thể bố thí trong tất cả thời gian, hoặc bố thí đến tất cả chúng sinh. Trong hai giai đoạn này gọi là Học. Đến A tăng kỳ kiếp thứ ba, có thể bố thí tất cả tài sản, bố thí trong tất cả thời gian, và bố thí đến tất cả chúng sinh, đây gọi là Học quả. Thiện nam tử! Bồ tát lúc tu tập hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ gọi là Học. Đến lúc tất cả đều viên mãn gọi là Học quả.
Thiện nam tử! Có hạnh bố thí mà không phải là Ba la mật, có hạnh Ba la mật mà không phải là Bố thí Ba la mật, có hạnh bố thí mà cũng là Ba la mật, có hạnh không phải bố thí mà cũng không phải là Ba la mật. Thiện nam tử! Hạnh bố thí mà không phải là Ba la mật là hạnh bố thí của Thanh văn, Duyên giác, tất cả phàm phu ngoại đạo, cùng các vị Bồ tát trong hai A
tăng kỳ kiếp đầu. Hạnh Ba la mật mà không phải là Bố thí Ba la mật, như Trì giới Ba la mật cho đến Bát nhã Ba la mật. Hạnh bố thí mà cũng là Ba la mật, tức là hạnh bố thí của các vị Bồ tát trong A tăng kỳ kiếp thứ ba. Hạnh không phải bố thí mà cũng không phải Ba la mật, tức là hạnh trì giới, tu định, nhẫn nhục, từ bi của hàng Thanh văn, Duyên giác. Thiện nam tử! Hạnh bố thí không phải Ba la mật gọi là Học, hạnh bố thí mà cũng là Ba la mật gọi là Học quả.
Thiện nam tử! Bồ đề tức là Tận trí và Vô sinh trí. Vì muốn được hai trí này mà chuyên tâm tu tập pháp ba mươi bảy phẩm trợ đạo gọi là Học. Đã chứng Bồ đề gọi là Học quả. Trước tiên, tự điều phục các căn của mình, sau đó điều phục người khác gọi là Học. Đã được giải thoát lại độ chúng sinh được giải thoát gọi là Học quả. Tu tập mười Lực, bốn Vô sở úy, Đại bi, ba Niệm gọi là Học. Được đầy đủ mười tám
Pháp bất cộng gọi là Học quả. Vì lợi mình lợi người mà tạo tác các nghiệp lành gọi là Học. Làm lợi chúng sinh rồi gọi là Học quả. Học tập pháp thế gian gọi là Học, học tập pháp xuất thế gian gọi là Học quả. Nếu vì chúng sinh mà không bỏn sẻn thân thể, tài sản gọi là Học; còn nếu vì chúng sinh mà không bỏn sẻn thân thể, tài sản và thọ mạng gọi là Học quả. Có thể giáo hóa chúng sinh tạo nghiệp trời người gọi là Học, giáo hóa chúng sinh tạo nghiệp vô lậu gọi là Học quả. Có thể bố thí chúng sinh tất cả tài sản gọi là Học, bố thí chúng sinh Phật pháp gọi là Học quả. Tự phá bỏn sẻn, tham lam, ganh ghét gọi là Học; phá bỏn sẻn, tham lam, ganh ghét cho người khác gọi là Học quả. Thọ trì năm thiện căn, tu tập chánh niệm gọi là Học; dạy người khác tu tập thành tựu năm thiện căn và chánh niệm gọi là Học quả.
I4. Chính thức nêu rõ mình người đều lợi
J1. Nêu rõ tướng của việc mình người đều lợi
Thiện nam tử! Bồ tát có tín căn, làm lợi mình xong, lại làm lợi ích cho người. Nếu chỉ làm lợi cho mình, không phải là chân thực tự lợi. Làm lợi cho người mới là chân thực tự lợi. Vì sao? Bậc Đại Bồ tát vì lợi người khác, đối với thân thể, thọ mạng, tài sản, không sinh lòng bỏn sẻn, đó là tự lợi. Bồ tát biết rằng, nếu đem Bồ đề của hàng Thanh văn, Duyên giác giáo hóa chúng sinh, chúng sinh không tiếp nhận, bèn đem sự an lạc của trời người giáo hóa họ, đây là lợi người. Lợi ích người khác chính là lợi mình. Nếu Bồ tát không thể làm lợi ích cho mình và người, mà chỉ làm lợi mình, đây là bậc hạ. Vì sao? Vị Bồ tát đó đối với giáo pháp, tài sản sinh tâm tham luyến, vì vậy không thể tự làm lợi mình. Bồ tát nếu làm người khác chịu khổ não, riêng mình hưởng sự an vui, Bồ tát như vậy, không thể lợi người. Nếu Bồ tát không tu tập bố thí, trì giới, đa văn, dù có dạy người khác cũng chỉ gọi là lợi người mà không lợi mình. Nếu đầy đủ năm thiện
căn, sau đó đem dạy người khác, đó là Bồ tát làm lợi mình lợi người.
Thiện nam tử! Lợi ích có hai loại: một là đời này, hai là đời sau. Bồ tát nếu làm lợi ích đời này, không gọi là thực sự lợi ích. Nếu làm lợi ích đời sau tức là có thể làm cho mình và người đều được lợi ích. Thiện nam tử! Sự an lạc có hai loại: một là an lạc thế gian, hai là an lạc xuất thế gian. Phước đức cũng thế. Bồ tát nếu đầy đủ hai sự an lạc và phước đức để giáo hóa thế gian thì gọi là lợi mình lợi người.
J2. Hạnh có thể làm mình người đều lợi
Thiện nam tử! Bậc Đại Bồ tát đầy đủ một pháp thì có thể lợi mình lợi người, đó là sự không phóng dật. Lại có hai pháp có thể làm lợi mình lợi người: một là thường nghe Phật pháp, hai là tư duy Phật pháp. Lại có ba pháp có thể làm lợi mình lợi người: một là thương xót chúng sinh, hai
là siêng năng tu hành, ba là đầy đủ chánh niệm. Lại có bốn pháp có thể làm lợi mình lợi người, tức là bốn uy nghi. Lại có năm pháp có thể làm lợi mình lợi người: một là đức tin, hai là giữ giới, ba là thường nghe Phật pháp, bốn là bố thí, năm là trí tuệ. Lại có sáu pháp có thể làm lợi mình lợi người, tức là sáu pháp niệm. Lại có bảy pháp có thể làm lợi mình lợi người, tức là diệt trừ bảy loại kiêu mạn.
Thiện nam tử! Nếu Bồ tát thấy sa môn, bà la môn, trưởng giả, nam nữ, hoặc trong đại chúng có người lầm lỗi, trước nên tùy thuận ý của họ, rồi sau mới nói pháp khiến họ được điều phục. Nếu Bồ tát không biết trước nên tùy thuận chúng sinh, rồi sau mới thuyết pháp, đây là Bồ tát bậc hạ.
Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là ưa gần gũi bạn lành, hai là không ưa gần gũi bạn lành. Người ưa gần gũi bạn
lành có thể làm lợi mình lợi người, người không ưa gần gũi bạn lành không thể làm lợi mình lợi người. Thiện nam tử! Có hai loại Bồ tát ưa gần bạn lành: một là ưa cúng dường, hai là không ưa cúng dường. Người ưa cúng dường có thể lợi mình lợi người, người không ưa cúng dường không thể lợi mình lợi người. Người ưa cúng dường lại có hai hạng: một là có thể nghe Phật pháp, hai là không thể nghe Phật pháp. Người chuyên tâm nghe pháp có thể lợi mình lợi người, người không chuyên tâm nghe pháp không thể lợi mình lợi người. Người chuyên tâm nghe pháp lại có hai hạng: một là hay hỏi nghĩa lý, hai là không hay hỏi nghĩa lý. Người hay hỏi nghĩa lý có thể lợi mình lợi người, người không hay hỏi nghĩa lý không thể lợi mình lợi người. Người hay hỏi nghĩa lý lại có hai hạng: một là chí tâm thọ trì, hai là không thọ trì. Người chí tâm thọ trì có thể lợi mình lợi người, người không thọ trì không thể lợi mình lợi người. Người chí
tâm thọ trì lại có hai hạng: một là hay tư duy nghĩa lý, hai là không tư duy nghĩa lý. Người tư duy nghĩa lý có thể lợi mình lợi người, người không tư duy nghĩa lý không thể lợi mình lợi người. Người tư duy nghĩa lý lại có hai hạng: một là hiểu rõ nghĩa lý, hai là không hiểu rõ nghĩa lý. Người hiểu rõ nghĩa lý có thể lợi mình lợi người, người không hiểu rõ nghĩa lý không thể lợi mình lợi người. Người hiểu rõ nghĩa lý lại có hai hạng: một là sống đúng Chánh pháp, hai là không sống đúng Chánh pháp. Người sống đúng Chánh pháp có thể làm lợi mình lợi người, người không sống đúng Chánh pháp không thể lợi mình lợi người. Người sống đúng Chánh pháp lại có hai hạng: một là đầy đủ tám trí, hai là không đầy đủ tám trí. Tám trí là gì? Một là trí biết pháp, hai là trí biết nghĩa, ba là trí biết thời tiết nhân duyên, bốn là trí biết đủ, năm là trí biết mình và người, sáu là trí biết tất cả sự vật, bảy là trí biết căn cơ chúng sinh, tám là trí biết sự cao thấp.
Người đầy đủ tám trí nói ra điều gì đều đầy đủ mười sáu việc: Một là nói đúng thời, hai là nói một cách thành tâm, ba là nói có thứ lớp, bốn là nói hòa hợp, năm là nói có nghĩa lý, sáu là nói vui vẻ, bảy là nói tùy theo ý người nghe, tám là nói mà không coi thường người nghe, chín là nói mà không trách mắng người nghe, mười là nói đúng Chánh pháp, mười một là nói lợi mình lợi người, mười hai là nói mà không tán loạn, mười ba là nói hợp với nghĩa lý, mười bốn là nói lời chân chánh, mười lăm là nói rồi không sinh lòng kiêu mạn, mười sáu là nói mà không cầu phước báo thế gian. Những người như vậy có thể nghe người khác nói pháp; lúc nghe người khác nói pháp có đủ mười sáu việc: Một là nghe đúng thời, hai là thích nghe pháp, ba là nghe một cách thành tâm, bốn là nghe một cách cung kính, năm là nghe mà không cầu lỗi của người nói, sáu là không vì biện luận mà nghe, bảy là không vì thắng người khác mà nghe, tám là lúc nghe không coi
thường người nói, chín là lúc nghe không khinh thường Phật pháp, mười là lúc nghe không tự khinh mình, mười một là vì muốn xa lìa ngũ cái mà nghe, mười hai là vì muốn thọ trì đọc tụng mà nghe, mười ba là vì muốn diệt trừ ngũ dục mà nghe, mười bốn là vì muốn đầy đủ lòng tin mà nghe, mười lăm là vì muốn điều phục chúng sinh mà nghe, mười sáu là vì muốn đoạn trừ văn căn mà nghe. Thiện nam tử! Người có đủ tám trí có thể nói pháp và nghe pháp. Những người như vậy có thể lợi mình lợi người. Người không đủ tám trí không được gọi là người lợi mình lợi người.
J3. Nêu rõ về người làm lợi mình lợi người
K1. Nêu rõ về phương diện nói pháp, nghe pháp
Thiện nam tử! Người nói pháp cũng có hai hạng: Một là thanh tịnh, hai là không thanh tịnh. Người không thanh tịnh cũng có năm việc: Một là vì lợi mà nói pháp, hai là vì muốn được báo ân mà nói pháp, ba là vì muốn hơn người khác mà
nói pháp, bốn là vì muốn được quả báo thế gian mà nói pháp, năm là còn nghi ngờ pháp mà nói pháp. Người nói pháp thanh tịnh cũng có năm việc: Một là trước cho ăn rồi sau mới nói pháp, hai là vì muốn Tam bảo hưng long mà nói pháp, ba là vì muốn đoạn phiền não cho mình và người mà nói pháp, bốn là vì muốn phân biệt tà chánh mà nói pháp, năm là vì muốn người nghe được sự thù thắng mà nói pháp.
Thiện nam tử! Người nói pháp không thanh tịnh gọi là người bẩn thỉu, là người bán pháp, là người ô nhục, là người lầm lạc, là người đánh mất ý nghĩa của sự nói pháp. Người nói pháp thanh tịnh gọi là người nói lời chánh đáng, nói lời chân thực, và là nơi qui tụ của Chánh pháp. Thiện nam tử! Người nào biết toàn bộ Mười hai phần giáo, thanh minh luận, nhân minh luận, trong nhân minh lại biết nhân, biết dụ, biết chỗ chủ trương của mình và của người, người đó là người biết
pháp chánh đáng. Người nghe có bốn hạng: Một là nghe ít hiểu nhiều, hai là hiểu theo sự phân biệt của chính mình, ba là hiểu theo bổn ý của người nói, bốn là hiểu theo từng chữ, từng câu. Đức Như Lai vì ba loại người đầu mà thuyết pháp, không vì loại người thứ tư. Vì sao? Vì họ không phải là pháp khí. Bốn loại người trên được phân làm hai loại: Một là đã thuần thục, hai là còn non nớt. Người đã thuần thục là người đã được điều phục, người còn non nớt là người sẽ được điều phục.
Thiện nam tử! Giống như rừng cây có bốn loại: Một là dễ chặt mà khó nhổ gốc, hai là khó chặt mà dễ nhổ gốc, ba là dễ chặt lại dễ nhổ gốc, bốn là khó chặt lại khó nhổ gốc. Người tại gia cũng có bốn hạng: Một là dễ điều phục mà khó giúp họ tiến bộ, hai là khó điều phục nhưng lại dễ giúp họ tiến bộ, ba là dễ điều phục lại dễ giúp họ tiến bộ, bốn là khó điều phục lại khó giúp họ tiến bộ. Bốn hạng người như
vậy, được chia làm ba loại: Một là rầy trách rồi điều phục, hai là dùng lời nhỏ nhẹ điều phục, ba là dùng cả hai: rầy trách và nhỏ nhẹ mà điều phục. Lại có hai loại: Một là dùng sự bố thí điều phục, hai là dùng chú thuật điều phục. Sự điều phục lại có hai loại: Một là lúc vui sướng, hai là lúc đau khổ. Lúc thuyết pháp, đối với bốn hạng người như thế, có hai phương pháp: Một là biết rành việc đời, hai là tìm cách giúp người. Thiện nam tử! Bồ tát nếu biết hai phương tiện như thế, ắt có thể làm lợi mình lợi người. Nếu không biết, ắt không thể làm lợi mình lợi người.
Thiện nam tử! Bậc Đại Bồ tát vì muốn lợi người, trước học kinh điển ngoại đạo, sau mới học Mười hai phần giáo. Chúng sinh nếu nghe Mười hai phần giáo ắt sẽ nhàm chán kinh điển ngoại đạo. Lại vì chúng sinh nói sự lỗi lầm của phiền não, sự giải thoái khỏi phiền não, khen ngợi đức hạnh của bạn lành, trách mắng lỗi lầm
của bạn ác, tán thán công đức của bố thí, hủy báng lỗi lầm của bỏn sẻn. Bồ tát thường nên ở chỗ tịch tĩnh tu hành, khen ngợi công đức của sự tịch tĩnh, thường tu tập Phật pháp, tán thán sự tu tập Phật pháp. Nếu được như vậy thì gọi là lợi mình lợi người.
K2. Nêu rõ từ phương diện tại gia, xuất gia
Bồ tát tại gia, trước phải tự điều phục mình. Nếu không tự điều phục, ắt không nên xuất gia. Bồ tát tại gia có thể độ được nhiều người, Bồ tát xuất gia không được như vậy. Vì sao? Nếu không có hàng tại gia ắt không có hàng xuất gia trong ba Thừa. Người xuất gia trong ba Thừa tu tập đạo hạnh, giữ giới, tụng kinh, ngồi thiền là đều do người tại gia hộ trì.
Thiện nam tử! Có Đạo và sự trang nghiêm cho Đạo. Đạo tức là sự tu tập Phật pháp, trang nghiêm cho Đạo tức là người
tại gia. Bồ tát xuất gia vì người tại gia mà tu hành đạo nghiệp, người tại gia từ Bồ tát xuất gia mà tu học Phật pháp. Người tại gia phần lớn tu tập hai pháp: Một là thọ trì, hai là bố thí. Người xuất gia cũng tu tập hai pháp: Một là đọc tụng, hai là giảng dạy.
K3. Nêu rõ từ phương diện tự hành, hóa tha
Thiện nam tử! Bậc Đại Bồ tát tu tập cả bốn pháp: thọ trì, bố thí, đọc tụng, giảng dạy. Như vậy gọi là lợi mình, lợi người. Bồ tát nếu muốn vì chúng sinh mà nói nghĩa thâm sâu của pháp giới, trước tiên nên nói pháp thế gian, sau đó nói pháp thâm sâu của pháp giới. Vì sao? Vì dễ giáo hoá. Bậc Đại Bồ tát nên chăm sóc cuộc sống tâm linh của chúng sinh. Nếu không chăm sóc, ắt không thể thâu phục tất cả chúng sinh. Bồ tát cũng phải chăm sóc thân mình. Nếu không chăm sóc, cũng không thể thâu phục chúng sinh. Bồ tát tuy không tham luyến thân mạng, tài sản, mà
lại chăm sóc thân mạng, tài sản, đều là vì muốn thâu phục chúng sinh. Bậc Đại Bồ tát, trước nên tự trừ ác, sau đó dạy người khác trừ ác. Nếu không tự trừ, ắt không thể dạy người khác trừ. Bởi thế, Bồ tát trước tiên nên tu tập bố thí, giữ giới, nhẫn nhục, tinh tiến tu hành, sau đó dạy người khác. Nếu Bồ tát không tự mình tu hành, không thể giảng dạy người khác.
Thiện nam tử! Căn cơ của chúng sinh có ba loại, thượng, trung, hạ. Bồ tát hạ căn chỉ có thể giáo hóa người hạ căn, không thể giáo hóa người trung căn cùng thượng căn. Bồ tát trung căn có thể giáo hóa người trung căn, hạ căn, mà không thể giáo hóa người thượng căn. Bồ tát thượng căn có thể giáo hóa cả ba.
I5. Nêu rõ Bồ tát tại gia thù thắng
Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất
gia làm lợi mình lợi người, điều này không khó. Bồ tát tại gia tu tập lợi mình lợi người, điều này mới khó. Vì sao? Bồ tát tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.
11. Trang Nghiêm Mình Và Người
H2. Liệt cử sự trang nghiêm mình và người để khuyến khích
I1. Hỏi đáp về việc có thể lợi mình và người

Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Bậc Đại Bồ tát đầy đủ bao nhiêu pháp mới có thể làm lợi mình lợi người?”
- Thiện nam tử! Bậc Đại Bồ tát đầy đủ tám pháp có thể làm lợi mình lợi người. Tám pháp đó là gì? Một là tuổi thọ lâu dài, hai là dung mạo phi phàm, ba là sức lực mạnh mẽ, bốn là dòng dõi tôn quí, năm là của cải tràn đầy, sáu là làm thân người nam, bảy là ăn nói hùng hồn, tám là ở giữa đám đông không sợ.

I2. Hỏi đáp nguyên nhân được tám việc
Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn, do nhân duyên nào mà Bồ
tát được tuổi thọ lâu dài, nhẫn đến ở giữa đám đông không sợ?”
Phật bảo Thiện Sinh: “Thiện nam tử! Một là trong vô lượng đời tu tâm từ bi không giết hại, do nhân duyên này được thọ mạng lâu dài; hai là trong vô lượng đời thường bố thí y phục, đèn đuốc, do nhân duyên này được dung mạo phi phàm; ba là trong vô lượng đời thường phá trừ sự kiêu mạn, do nhân duyên này sinh trong dòng dõi tôn quí; bốn là trong vô lượng đời thường bố thí các món ăn uống, do nhân duyên này được sức lực mạnh mẽ; năm là trong vô lượng đời thường ưa nói pháp, do nhân duyên này được của cải tràn đầy; sáu là trong vô lượng đời chê trách thân người nữ, do nhân duyên này được thân người nam; bảy là trong vô lượng đời chuyên tâm giữ giới, do nhân duyên này ăn nói hùng hồn; tám là trong vô lượng đời cúng dường Tam bảo, do nhân duyên này ở giữa đám đông không sợ.
I3. Nói rõ nguyên do thành tựu tám việc
J1. Ba nhân duyên
Tám pháp như vậy có ba nhân duyên: Một là vật bố thí thanh tịnh, hai là tâm thanh tịnh, ba là phước điền thanh tịnh. Thế nào gọi là vật bố thí thanh tịnh? Vật ấy chẳng phải là vật do trộm cướp, chẳng phải vật mà bậc Thánh ngăn cấm, chẳng phải vật của nhóm đông, chẳng phải vật của Tam bảo, chẳng phải vật trước đã bố thí cho một người rồi sau lấy lại đem cho nhiều người, chẳng phải vật trước đã bố thí cho nhiều người rồi sau lấy lại đem cho một người, chẳng phải vật có được bằng sự não loạn, dối gạt, hay chèn ép người khác. Đây gọi là vật bố thí thanh tịnh. Thế nào gọi là tâm thanh tịnh? Lúc bố thí không vì quả lành trong cõi sinh tử, hoặc muốn được danh tiếng hơn người khác, hoặc muốn được sắc đẹp, sức lực, tài sản, hoặc muốn gia phong lưu truyền bất tuyệt, quyến thuộc đông nhiều mà chỉ vì muốn
trang nghiêm Bồ Đề mà bố thí, vì muốn điều phục chúng sinh mà bố thí. Đây gọi là tâm thanh tịnh. Thế nào gọi là phước điền thanh tịnh? Nếu người nhận bố thí đã xa rời tám điều tà ngụy thì gọi là phước điền thanh tịnh. Thiện nam tử! Vì ba nhân duyên như thế cho nên đầy đủ tám pháp.
J2. Tám lý do
Thiện nam tử! (1) Bồ tát cầu sống lâu, vì muốn chúng sinh khen ngợi giới không sát sinh; (2) Bồ tát cầu dung mạo phi phàm, vì muốn chúng sinh thấy đều vui mừng; (3) Bồ tát cầu dòng dõi tôn quí, vì muốn chúng sinh khởi lòng cung kính; (4) Bồ tát cầu sức lực mạnh mẽ, vì muốn trì giới, tụng kinh, ngồi thiền; (5) Bồ tát cầu của cải tràn đầy, vì muốn điều phục chúng sinh; (6) Bồ tát cầu thân người nam, vì muốn thành pháp khí để chứa đựng pháp lành; (7) Bồ tát cầu ăn nói hùng hồn, vì muốn chúng sinh nghe lời dạy dỗ của
mình; (8) Bồ tát cầu ở giữa đám đông không sợ, vì muốn phân biệt pháp chân thực.
I4. Do tám việc thành tựu đức hạnh
J1. Có đức không kiêu mạn
Thiện nam tử! Bồ tát đầy đủ tám pháp có thể lợi mình lợi người. Nếu có thể làm được như vậy, gọi là hạnh chân thực. Thiện nam tử! Bậc Đại Bồ tát đầy đủ tám pháp, thọ trì mười pháp lành, thường đem mười pháp lành dạy dỗ người khác. Cũng thế, thọ trì đủ giới Ưu bà tắc, thường đem mười pháp lành dạy dỗ người. Tuy được dung mạo phi phàm, nhưng không vì vậy mà sinh tâm kiêu mạn; tuy giữ giới thanh tịnh, đa văn, tinh tiến, sức lực mạnh mẽ, dòng dõi tôn quí, của cải dồi dào, nhưng không vì vậy mà sinh tâm kiêu mạn. Không đem những sự huyễn hoặc lừa dối chúng sinh. Không sinh tâm phóng dật, thường tu pháp lục hòa. Bồ tát đầy đủ những pháp như vậy, tuy là người tại gia,
mà không khác gì người xuất gia. Bồ tát như vậy, quyết định không vì người khác mà làm điều ác. Vì sao? Vì tâm hổ thẹn vững chắc.
J2. Xử thế không lay động
Thiện nam tử! Nếu người tại gia, trong một đời thọ trì giới ưu bà tắc như vậy, tuy đời sau sinh vào nơi không có Tam bảo, quyết không tạo những ác duyên. Vì sao? Do hai nhân duyên: Một là có trí tuệ, hai là không phóng dật.
Thiện nam tử! Trong đời sau, ở chỗ ác mà không tạo nghiệp ác, do bốn nhân duyên: Một là hiểu rõ lỗi lầm của phiền não, hai là không chiều theo phiền não, ba là có thể chịu đựng được sự khổ đau, bốn là không sinh tâm khiếp sợ. Bồ tát nếu đầy đủ bốn pháp như vậy sẽ không bị sự khổ cùng tất cả phiền não làm lay động.
Thiện nam tử! Bồ tát đối cảnh không lay động, do năm nhân duyên: Một là ưa tu tập pháp lành, hai là phân biệt rõ sự thiện ác, ba là gần gũi Chánh pháp, bốn là thương xót chúng sinh, năm là thường biết đời trước.
Thiện nam tử! Nếu Bồ tát đầy đủ tám pháp, khi nghe người chê bai, hủy báng, tâm có thể nhẫn thọ. Nếu nghe người khen ngợi, lại cảm thấy hổ thẹn. Lúc tu hành đạo nghiệp, lòng tuy vui mừng, nhưng không sinh kiêu mạn. Có thể điều phục người khác, thấy nhóm đông chia rẽ, có thể làm cho họ hòa hợp. Phô bày việc tốt của người, che dấu điều quấy của họ. Không nói ra những điều mà người khác hổ thẹn. Nghe việc bí mật của người, không đem nói với người khác. Không vì việc đời mà thề thốt. Nhận chút ít ơn của người, thường nghĩ trả ơn thật nhiều. Đối người oán địch, thường sinh tâm lành. Nếu người thân, kẻ oán đồng chịu khổ, cứu kẻ
oán địch trước. Thấy người chửi rủa mình, đem lòng thương xót. Thấy người đến trộm của, lặng nhiên không khua động. Thấy người đến đánh mình, sinh lòng từ bi. Coi tất cả chúng sinh như cha mẹ. Thà mất thân mạng, quyết không nói dối. Vì sao? Vì biết rõ quả báo. Xem phiền não như kẻ thù, nhìn pháp lành như quyến thuộc. Nếu đối với pháp của ngoại đạo khởi tâm tham luyến, bèn lập tức quán sát lỗi lầm của sự tham đắm. Đối với các phiền não khác cũng như vậy. Tuy ở lâu với người ác, quyết không bao giờ thân thiện với họ. Tuy không ở chung với người lành, nhưng không bao giờ xa cách. Tuy cúng dường cha mẹ, sư trưởng, nhưng không vì đó mà làm việc ác. Lúc thiếu tiền của, thấy người đến xin, không sinh tâm nhàm ghét. Tuy không gần gũi người ác, nhưng vẫn sinh lòng thương xót. Nếu người ác đến hại, đem điều lành đền đáp. Lúc hưởng cảnh vui, không khinh người khác. Thấy người chịu khổ, không sinh vui mừng. Thân
nghiệp thanh tịnh, giữ bốn uy nghi, lại đem pháp ấy dạy dỗ người khác. Khẩu nghiệp thanh tịnh, đọc tụng Mười hai phần giáo của Đức Như Lai, lại đem pháp ấy dạy dỗ chúng sinh. Ý nghiệp thanh tịnh, tu bốn vô lượng tâm, lại đem pháp ấy dạy dỗ chúng sinh. Nếu nhân chịu khổ mà người khác được vui sướng, cũng vui vẻ cam chịu sự khổ ấy. Sự việc ở đời đối với Bồ tát tuy không lợi ích, nhưng vì chúng sinh, Bồ tát bèn học hỏi tất cả. Những chỗ học hỏi đều là cao nhất thế gian. Tuy được thông thái nhưng không sinh lòng kiêu mạn. Đem chỗ mình đã biết, siêng năng dạy dỗ chúng sinh, muốn cho việc ấy lưu truyền không dứt. Đối người thân bạn bè, không khiến họ làm ác. Ưa đem tám pháp dạy dỗ chúng sinh. Nói nhân nói quả, quyết không lầm lẫn. Lúc cùng người yêu mến chia ly, tâm không buồn khổ, vì biết quán sát việc đời vô thường. Lúc hưởng sự vui sướng, tâm không đam mê, vì biết quán pháp hữu vi là vô thường, là khổ.
Thiện nam tử! Bồ tát đầy đủ tám pháp, ắt có thể thực thi những việc như vậỵ
J5. Nêu rõ Bồ tát tại gia thù thắng
Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia tu tám pháp không khó, Bồ tát tại gia tu tám pháp mới thực là khó. Vì sao? Bồ tát tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.

12. Trang Nghiêm Phước Đức, Trí Tuệ
H3. Liệt cử hai sự trang nghiêm phước đức, trí tuệ để khuyến khích
I1. Hỏi đáp phần trên
Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn, Bồ tát làm thế nào để trang nghiêm cho mình và người?”
Đức Phật bảo Thiện Sinh: “Thiện nam tử! Bồ tát có hai pháp có thể trang nghiêm cho mình và người: Một là phước đức, hai là trí tuệ.”
I2. Hỏi đáp để cứu xét nguyên nhân
- Kính bạch Đức Thế Tôn! Do nhân duyên nào mà được hai pháp trang nghiêm này?
- Thiện nam tử! Bồ tát tu tập sáu pháp Ba la mật sẽ được hai pháp trang
nghiêm. Bố thí, trì giới, tinh tiến được gọi là phước đức trang nghiêm; nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ được gọi là trí tuệ trang nghiêm. Lại có sáu pháp làm nhân cho hai pháp trang nghiêm này, tức là pháp Lục niệm. Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng gọi là trí tuệ trang nghiêm; niệm giới, niệm thí, niệm thiên gọi là phước đức trang nghiêm.
I3. Nói rõ hành tướng của hai sự trang nghiêm
J1. Dùng thành quả để nêu rõ
Thiện nam tử! Bồ tát đầy đủ hai pháp trang nghiêm này có thể lợi mình lợi người. Vì chúng sinh mà chịu khổ trong ba đường ác, nhưng trong tâm vẫn không sinh sầu khổ, hối hận. Nếu có đầy đủ hai pháp trang nghiêm này sẽ được phương tiện thiện xảo vi diệu, thấu rõ pháp thế gian và xuất thế gian.
Thiện nam tử! Phước đức trang nghiêm tức là trí tuệ trang nghiêm, trí tuệ
trang nghiêm tức là phước đức trang nghiêm. Vì sao? Vì người có trí tuệ có thể tu pháp lành, đầy đủ mười điều thiện, thu hoạch được sự giàu có cùng sự tự tại. Vì được hai việc này nên có thể làm việc lợi mình lợi người. Người có trí tuệ, tất cả những sự học hỏi đều hơn người khác, do nhân duyên này được sự giàu có và tự tại. Bồ tát đầy đủ hai pháp như vậy có thể trong đời này và đời sau làm lợi cho mình và người. Người trí có thể phân biệt pháp thế gian và pháp xuất thế gian. Pháp thế gian tức là tất cả học thuyết cùng thiền định của phàm phu; pháp xuất thế gian là sự hiểu biết về Năm ấm, Mười hai nhập, Mười tám giới. Bồ tát hiểu rõ nhân duyên của hai pháp nên có thể lợi mình và người.
Thiện nam tử! Bồ tát tuy biết rõ những sự vui sướng thế gian chỉ là huyễn dối không thực, nhưng lại có thể tạo những nhân duyên cho những sự vui trên
đời. Vì sao? Vì muốn lợi ích cho các chúng sinh.
J2. Dùng nhân hạnh để nêu rõ
Thiện nam tử! Hai pháp trang nghiêm này có hai nguyên nhân chính: Một là tâm từ, hai là tâm bi. Tu hai nhân này, tuy vẫn tiếp tục lăn lộn trong sinh tử nhưng tâm không sinh hối tiếc. Lại nữa, Bồ tát đầy đủ hai pháp, có thể làm trang nghiêm Vô thượng Bồ đề: Một là không tham luyến sinh tử, hai là quán sát thâm sâu pháp giải thoát, thế nên có thể làm lợi ích trong hai đời. Hiểu rõ pháp tướng, được trí tuệ rộng lớn, làm cho của cải cùng thọ mạng của mình và người đều được tăng trưởng. Thiện nam tử! Bậc Đại Bồ tát đầy đủ hai pháp như vậy, bất cứ khi nào làm việc bố thí đều không sinh sự hối tiếc. Thấy những sự ác cũng đều nhẫn nhịn được. Bồ tát lúc bố thí, quán sát hai loại ruộng: Một là ruộng phước, hai là ruộng bần cùng. Bồ tát
vì muốn tăng trưởng phước đức nên bố thí cho người bần khổ; vì muốn tăng trưởng trí tuệ vô thượng nên cúng dường phước điền Tam bảo; vì muốn xa lìa nhân duyên của tất cả sự nghèo khổ nên bố thí người bần cùng; vì muốn tăng trưởng nhân duyên cho tất cả sự phước lạc nên cúng dường Tam bảo. Bồ tát bố thí cho thân quyến là vì muốn trả ơn cho họ. Bồ tát bố thí cho kẻ oán thù là vì muốn giải trừ sự thù hận. Bậc Đại Bồ tát thấy người đến xin, xem như con một của mình, vì thế tùy sức nhiều ít đều đem bố thí, nên gọi là Bố thí Ba la mật. Bồ tát lúc bố thí, rời bỏ tâm sẻn tiếc nên gọi là Trì giới Ba la mật. Có thể nhẫn chịu những lời cay nghiệt của người đến xin nên gọi là Nhẫn nhục Ba la mật. Tự tay mình đem bố thí cho người đến xin nên gọi là Tinh tiến Ba la mật. Chuyên tâm nhất ý, quán sát sự giải thoát nên gọi là Thiền định Ba la mật. Không còn phân biệt người thân kẻ thù nên gọi là Bát nhã Ba la mật. Thiện nam tử! Như lúc chúng
sinh khởi tâm tham giết hại, trong một niệm của họ đầy đủ Mười hai nhân duyên; Bồ tát lúc bố thí cũng thế, trong một niệm đầy đủ sáu Ba la mật nên gọi là trang nghiêm công đức và trí tuệ.
J3. Dùng hành tướng khác biệt để nêu rõ
Bậc Đại Bồ tát tạo tác nhân duyên cho những pháp bất cộng với bậc Tiểu thừa, gọi là phước đức trang nghiêm; dạy dỗ chúng sinh làm cho họ được ba loại Bồ đề, gọi là trí tuệ trang nghiêm. Thiện nam tử! Bồ tát có thể điều phục chúng sinh, gọi là trí tuệ trang nghiêm; cùng với chúng sinh nhẫn chịu sự khổ não, gọi là phước đức trang nghiêm. Bồ tát có thể làm cho chúng sinh rời bỏ những ác kiến, nên gọi là trí tuệ trang nghiêm; có thể giáo hóa chúng sinh làm cho họ tăng trưởng lòng tin, bố thí, trì giới, đa văn, trí tuệ, nên gọi là phước đức trang nghiêm.
Thiện nam tử! Bậc Đại Bồ tát đầy đủ năm pháp, có thể trang nghiêm Vô thượng Bồ đề. Thế nào là năm pháp? Một là lòng tin, hai là lòng thương xót, ba là can đảm, bốn là đọc sách vở thế gian không biết nhàm chán, năm là học tập nghề nghiệp thế gian không biết mỏi nhọc.
Thiện nam tử! Bồ tát đầy đủ hai pháp trang nghiêm sẽ có được bảy tướng. Thế nào là bảy tướng? Một là tự biết lỗi mình, hai là không nói lỗi của người khác, ba là ưa chăm sóc người bệnh, bốn là ưa bố thí người nghèo, năm là được tâm Bồ đề, sáu là tâm không buông lung, bảy là bất cứ lúc nào cũng thường chuyên tâm tu tập sáu pháp Ba la mật. Thiện nam tử! Lại có bảy tướng: Một là ưa dạy dỗ kẻ oán thù, hai là dạy dỗ họ không hề biết nhàm chán, ba là làm cho nhân duyên giải thoát của chúng sinh được chín muồi, bốn là đem hết tất cả những điều học hỏi dạy cho người khác mà không tham cầu sự cung kính cúng
dường, năm là có thể nhẫn chịu tất cả những sự ác, sáu là không bao giờ nói những điều mà người khác không vui, bảy là thấy những người phá giới cùng những người tệ ác, tâm không hờn giận, mà thường sinh lòng thương xót. Thiện nam tử! Bậc Đại Bồ tát biết rõ bảy tướng này, thì có thể lợi mình lợi người.

I4. Kết luận Bồ tát tại gia thù thắng
Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia tu tập hai pháp trang nghiêm này không khó, Bồ tát tại gia tu tập hai pháp trang nghiêm này mới là khó. Vì sao? Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 7 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1


Kinh Đại Bát Niết-bàn - Tập 2


Chuyện Vãng Sanh - Tập 1


Sống và chết theo quan niệm Phật giáo

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 18.216.190.41 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập