Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Lục Độ Tập Kinh [六度集經] »» Bản Việt dịch quyển số 3 »»

Lục Độ Tập Kinh [六度集經] »» Bản Việt dịch quyển số 3

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.5 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.6 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Lục Độ Tập

Kinh này có 8 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 |
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Chương I: BỐ THÍ ĐỘ VÔ CỰC (tt)
15- Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:
-Thuở xưa có vị quốc vương hiệu là Hòa Mặc. Nhà vua thi hành chính sách nhân từ, bình đẳng, thương dân như con, theo đúng pháp trị nước, nên dân chúng không hờn oán. Đất nước ấy rất rộng lớn, nhiều quận, huyện, mọi xứ đều sung túc, ngũ cốc được mùa, trong nước không có thiên tai độc hại, con người sống đến tám vạn tuổi. Hòa Mặc là bậc vua Thánh, mệnh lệnh luôn rõ ràng. Hoàng hậu, quý nhân, bá quan, người hầu... đều phải chấp hành đúng kỷ cương của phận làm tôi, đem chánh pháp dạy cho bộ phận của mình quản lý. Nhà vua thường thể hiện tâm từ, thương tưởng chúng sinh, buồn cho họ vì ngu mê điên đảo để tự đọa lạc, nên dốc tìm giữ nguồn đạo, thương yêu cứu giúp, muôn loài như trời Đế Thích. Tâm sát sinh, trộm cấp, dâm dật, nói hai lưỡi, nói lời độc dữ, nói dối, nói thêu dệt, ganh ghét, sân hận, ngu si... những điều hung ác như thế không còn. Hiếu thuận với cha mẹ, kính yêu tộc họ, tìm theo người hiền, quý trọng bậc Thánh, tin Phật, tin Pháp, tin theo lời dạy của bậc Sa-môn, tin làm lành thì được phước, làm ác thì bị họa, lấy mười điều thiện-trung chánh ấy làm pháp sáng, tự mình chấp hành. Ngoài ra, còn ban lệnh từ hoàng hậu, cung phi xuống đến tiện thiếp, đều khiến tuân theo, cùng nhau làm điều lành, bố cáo cho thần dân lớn nhỏ khắp bôn trấn mang đọc, lòng ghi nhớ để tu tập.
Bấy giờ, trong nước có một người nghèo khổ không chịu nổi cảnh khốn cùng, chẳng còn kế gì nên đi ăn trộm, người chủ tóm được đem đến tâu vua. Nhà vua hỏi:
-Ngươi ăn trộm phải không?
Kẻ trộm tâu:
-Quả thật là con ăn trộm!
Vua hỏi:
-Vì sao ngươi đi ăn trộm?
Kẻ trộm thưa:
-Con thật quá cùng khốn, không có gì để nuôi thân, đành trái phép sáng của bậc Thánh, đạp lửa mà đi ăn trộm.
Nhà vua thương xót kẻ ấy, khen là thành thật, nhưng trong lòng cảm thấy hổ thẹn, bèn than dài:
-Dân đói tức là ta đói, dân lạnh tức như ta không có gì để che thân.
Lại nói:
-Thế lực của ta có thể làm cho nước không còn người nghèo. Cái khổ, cái vui của dân đều do nơi ta mà thôi.
Nhà vua liền đại xá cho cả nước, lệnh xuất châu báu trong kho bố thí cho kẻ nghèo thiếu, người đói khát liền được ăn uống, người rét được áo, kẻ bệnh được cấp thuốc men, ruộng vườn, nhà cửa, vàng bạc, châu báu, xe ngựa, trâu tiền. Vua cứ cho theo ý của dân xin. Các loài chim bay, thú chạy, cho tới côn trùng, cả đến ngũ cốc, cỏ cây cũng theo sở thích của chúng.
Từ khi nhà vua thực hành bố thí thì nước mạnh, dân giàu, cùng thúc đẩy nhau giữ đạo. Dân không có người sát sinh, trộm cắp của người khác, gian dâm đối với phụ nữ, nói hai lưỡi, nói lời ác, nói dối, nói lời thêu dệt, ganh ghét, sân hận, ngu si. Lòng hung ác, ngu muội lặng lẽ tiêu mất. Nhân dân đều tin Phật, tin Pháp, tin Sa-môn, tin làm lành được phước, làm ác bị họa. cả nước đều vui, roi gậy không thi hành, kẻ cừu địch đến xưng thần, dụng cụ chiến tranh mục nát trong kho, lao ngục không còn nhốt tù nhân, dân chúng đều khen hay:
-Ta sinh ra gặp thời!
Trời, Rồng, Quỷ thần đều vui vẻ giúp đỡ, ủng hộ đất nước ấy. Độc hại tiêu sạch, năm thứ lúa thóc được mùa, nhà nhà có dư. Lòng vua riêng vui mừng liền được năm phước là:
1. Sống lâu.
2. Sắc diện ngày một thêm đẹp đẽ.
3. Đức độ vang đến mọi chốn mọi nơi.
4. Không bệnh hoạn, khí lực ngày một tăng.
5. Bốn cõi luôn an ổn, lòng thường vui vẻ.
Nhà vua khi lâm chung vẫn như một người cường tráng, ăn no, nằm an tĩnh chốc lát được sinh lên cõi trời Đao-lợi. Dân chúng trong nước đều vâng giữ mười giới của vua ban dạy, khi mạng chung đều được sinh lên cõi trời, không bị đọa vào ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
Đức Phật bảo các vị Sa-môn:
-Vua Hòa Mặc thời đó là thân Ta.
Các vị Sa-môn nghe kinh xong đều rất hoan hỷ, lễ Phật và lui ra.
* *
*
16- Phật nói kinh Tứ tánh.
Nghe như vầy:
-Một thời, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ. Lúc ấy, nhà của Tứ tánh gặp phải tai ương từ kiếp trước, nên nghèo túng khôn cùng, mặc áo cỏ, nằm chiếu rơm, cháo rau qua ngày. Tuy là nghèo cực, nhưng chân không bước tới nhà kẻ vô đạo, tay không cầm lấy vật của người vô đạo cho, chí hạnh trong sạch, các thứ tà vọng không thể làm ô nhiễm lòng mình. Sáng học, chiều giảng kinh, giới không ngớt nơi miệng, được Đức Thế Tôn khen ngợi, các bậc trí cung kính. Tuy áo cơm không đủ nuôi thân miệng, nhưng luôn cúng dường Thánh chúng, tùy theo khả năng của gia đình, dù chỉ là cháo rau, chiếu cỏ, cũng không một ngày thiếu vắng. Các vị Sa-môn nói:
-Gia đình Tứ tánh nghèo khốn, thường lộ vẻ thiếu đói, chúng ta không nên thọ nhận vật cúng dường của ông. Trong kinh nói: “Bậc Sa-môn một lòng giữ điều chân chánh, giới đủ, hạnh cao, chí như vàng quý, không trọng tài sắc, chỉ có kinh điển là vật báu, dứt tuyệt sáu thứ đói, nên thề xuất gia. Vậy còn xấu hổ gì vì việc xin ăn mà không đi ư?”
Rồi cùng nhau đi đến chỗ Đức Phật, thuật rõ đầu đuôi. Đức Thế Tôn im lặng.
Hôm sau, Tứ tánh tự thân đến tịnh xá, cúi đầu lễ Phật xong, ngồi sang một bên. Đức Phật nghĩ tới lời thưa của các vị Sa-môn hôm trước, nên hỏi Tứ tánh:
-Hằng ngày ông đem lòng Từ bố thí, cúng dường các Tỳ-kheo phải không?
Đáp:
-Thưa vâng! Gia đình con hàng ngày cúng dường, chỉ hiềm một nỗi nhà nghèo, chỉ có rau cháo, chiếu cỏ, làm cực nhọc các vị Thánh hiền, nên lấy làm áy náy.
Đức Thế Tôn nói:
-Hạnh bố thí cốt ở bốn ý: lòng Từ hướng về người thọ thí, lòng Bi luôn thương xót họ, lòng Hỷ khi thấy họ có được những thành tựu, lòng Hộ (Xả) luôn cứu giúp chúng sinh, thì dù là bố thí ít ỏi, nhưng phước đức sau này thường được sinh vào hai đường trời, người, mọi sở nguyện sẽ luôn như ý. Mắt nhìn sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, miệng nếm vị, thân mặc quần áo tốt, tất cả vui vẻ thỏa lòng, không sợ thiếu thốn. Nếu bố thí lắm thứ, nhiều đồ mà lòng không vui thì sau này được phước, phước ấy cũng mỏng manh. Dù được ngôi quan bảy báu vẫn thấy không đủ sang. Ở trong phước mộng ấy mà lòng lại tham lam keo kiệt, chẳng dám ăn mặc, lo sợ ngay ngáy, chưa từng được vui vẻ, bụng đói, thân lạnh chẳng khác gì người ăn xin, sống dở chết dở, không có được chút phước lành để tự giúp mình. Nếu bố thí mà lòng tốt không thành khẩn, kiêu ngạo, tự thị, thân không cung kính, chỉ cốt cầu danh để tiếng tăm mình được vang xa, thì sau cũng có ít của cải, người đời chỉ xưng tụng suông, cho là ức triệu, lòng lo sợ cướp đoạt, áo thường thô mỏng, ăn chưa từng nếm món ngon cũng là sống uổng chết không.
Các Tỳ-kheo chưa từng bước đến nhà, kẻ ấy vốn xa lìa ba ngôi báu, luôn gần đường ác. Nếu ai đem các vật tốt bố thí dùng bốn Đẳng tâm kính dâng, tự tay san sẻ đặt bày, luôn ghi nhớ Tam bảo, cầu nguyện cho chúng sinh sống được gặp Phật, chết được sinh lên cõi trời, khổ độc tiêu trừ, đời sau sinh ra không cầu mong gì mà không đạt được: gặp Phật, sinh lên cõi trời, ắt được như chí nguyện.
(Chương này trong bản khác xếp ở sau kinh Vua Tát-hóa-đàn)
* *
*
17- Xưa có vị Phạm chí tên là Duy Lam, ngôi cao, sang quý, làm Phi hành hoàng đế, của cải nhiều không thể tính kể, tánh ưa bố thí, đem cả con gái sắc đẹp nổi tiếng, phục sức rực rỡ bố thí cho người. Bát vàng đựng đầy gạo bạc, bát bạc đựng đầy gạo vàng, chậu giặt, thau rửa, mâm đựng đồ đều làm bằng bốn thứ báu. Trong đỉnh làm bằng vàng bạc dùng đựng đồ ăn có đến trăm vị. Trâu danh tiếng sông Tần đều lấy vàng ròng che phủ kín. Mỗi con trâu ấy mỗi ngày cho ra bốn thăng sữa, trâu nghé theo sau. Áo báu dệt thành đính đầy ngọc minh châu. Giường ghế, mùng màn, làm bằng vàng bạc, chuỗi báu giăng treo lóa mắt. Voi quý, ngựa tốt, yên cương đều treo đầy cấc châu báu. Các xe có tàng hoa che, chỗ ngồi phủ da cọp, hoa văn, chạm trổ đẹp đẽ muôn phần. Từ con gái đẹp nổi tiếng cho tới xe báu, những thứ như thế, mỗi loại có đến một ngàn không trăm tám mươi bốn cái, tất cả đều đem bố thí cho người.
Duy Lam từ bi thi ân khắp tám phương, trên dưới. Trời, Rồng, Thiên thần không ai là không hoan hỷ trợ giúp.
Như Phạm chí Duy Lam bố thí để cứu giúp dân nghèo, suốt cả một đời, không ngày nào ngừng nghỉ, cũng không bằng một ngày dâng cơm cho một nữ thanh tín thọ trì đủ giới luật. Phước bố thí đó hơn phước kia không thể tính kể.
Lại bố thí cho một trăm vị thanh tín nữ như trên, không bằng dâng một bữa cơm cho một vị thanh tín nam đầy đủ giới đức. Dâng Cúng cơm cho một trăm thanh tín nam đầy đủ giới đức, không bằng dâng một bữa cơm cho một Tỳ-kheo-ni đầy đủ giới đức. Bố thí cho một trăm vị Tỳ-kheo-ni đầy đủ giới đức, không bằng dâng một bữa cơm cho một vị Sa-di cao hạnh. Cúng dường một trăm vị Sa-di cao hạnh, không bằng cúng dường cho một vị Sa-môn đầy đủ giới hạnh, tâm không uế trược, trong ngoài đều thanh khiết. Người phàm phu như gạch đá, còn các bậc cao hạnh, đầy đủ giới đức thì như ngọc báu minh nguyệt. Ngói đá đầy khắp bốn châu thiên hạ chẳng bằng một viên trân châu.
Lại như Duy Lam, bố thí cúng dường cho nhiều vị đầy đủ giới hạnh, cũng không bằng cúng dường cho một vị Câu cảng (Tu-đà- hoàn). Cúng dường cho một trăm vị Câu cảng, không bằng cúng dường cho một vị Tần lai (Tư-đà-hàm). Cúng dường cho một trăm vị Tần lai, không bằng cúng dường cho một vị Bất hoàn (A-na-hàm). Cúng dường một trăm vị Bất hoàn không bằng cúng dường một vị ứng chân (A-la-hán).
Lại như Duy Lam, trước bố thí và dâng cơm cho các bậc Hiền thánh, không bằng hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ. Con hiếu thảo luôn dốc hết lòng phụng dưỡng, không chút riêng tư. Trăm đời hiếu thuận với cha mẹ, không bằng cúng dường cơm cho một vị Bích-chi- phật. Cúng dường cho một trăm vị Bích-chi-phật, không bằng cúng dường cơm cho một vị Phật. Cúng dường một trăm Đức Phật không bằng tạo lập một ngôi chùa, giữ tam quy là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Thể hiện trọn lòng nhân từ, không sát sinh; giữ trong sạch không trộm cắp; giữ trinh tiết không xâm phạm vợ của người khác; phụng trì chữ tín không lừa gạt, hiếu thuận nên không say sưa. Thọ trì năm giới, hằng tháng ăn sáu ngày chay, thì công đức cao vòi vọi, hơn hẳn Duy Lam bố thí vạn thứ quý giá cùng dâng cúng cơm các bậc Hiền thánh như đã nêu trên, phước đức ấy thật khó tính kể. Công đức trì giới không bằng dùng bốn Tâm vô lượng thương xót nuôi dưỡng chúng sinh, phước đức ấy là không cùng tận. Tuy là cháo rau, chiếu cỏ, mà giữ gìn Tam quy, lòng mang bốn Tâm vô lượng, thọ trì năm giới, thì núi cao, biển rộng còn đo lường được chứ phước đức ấy khó tính toán nổi.
Đức Phật bảo ông Tứ tánh:
-Phạm chí Duy Lam ngày ấy chính là thân Ta đó.
Tứ tánh nghe kinh, lòng rất vui mừng, lễ Phật rồi ra về.
* *
*
18- Thuở xưa, Bồ-tát làm thân nai chúa, thân hình cao lớn, lông có năm màu, móng sừng đẹp lạ, hàng ngàn nai khác phục tùng đi theo từng bầy.
Một hôm, quốc vương nước ấy đi săn, bầy nai bị phân tán, con thì lao vào hang núi, con thì rớt xuống vực sâu, húc vào cây, đâm vào gai, da nát xương gãy, tử thương và bị giết không ít. Nai chúa thây thế, nghẹn ngào nghĩ: “Ta là trưởng đàn, đáng lẽ phải sáng suốt chọn đường đất mà đi kiếm ăn. Chỉ vì cỏ non mà quanh quẩn ở đây, làm cho lũ nhỏ bị tiêu tán, lỗi này tại ta”. Rồi nai chúa theo đường tắt, tự đi vào thành. Người trong nước thấy nó đều nói:
-Vua ta có đức chí nhân, khiến nai thần đến tận triều.
Vì cho là điềm lành của đất nước, không ai dám động tới nai chúa nên nai chúa mới đến được trước điện vua, quỳ xuống tâu:
-Loài thú nhỏ tham sống, gởi thân nơi đất nước ngài, bởi gặp thợ săn, loài vật chúng tôi chạy trốn, hoặc sống thì lạc nhau, hoặc chết thì la liệt. Lòng nhân của trời luôn thương yêu loài vật, thật đáng buồn đau. Chúng tôi tự chọn mỗi ngày dâng nạp thái quan, xin cho biết số lượng, không đám dối gạt.
Nhà vua lấy làm lạ, đáp:
-Thái quan dùng một ngày không quá một con. Ta không biết các ngươi bị tử thương quá nhiều. Nếu quả thật như lời ngươi nói, thì ta thề không đi săn nữa.
Nai chúa về họp cả bầy nai, nói hết ý ấy, chỉ rõ chỗ họa phước. Cả bầy nai nghe rồi đều phục tùng, tự phân thứ tự, con nào phải đi trước. Mỗi khi con nào sắp đi chịu chết đều đến từ biệt nai chúa, nai chúa đều rơi nước mắt, thương xót dặn dò:
-Sinh ra trên đời đều phải chết, có ai được miễn đâu. Con nên tìm đường niệm Phật, nhân hiếu từ tâm, đối với vua kia, chớ có oán giận.
Hàng ngày đều như thế cả.
Một hôm, đến lượt một con nai phải ra đi, mà thân mang thai gần ngày sinh. Nó thưa:
-Chết tôi không dám trốn tránh, nhưng xin được tạm miễn để sinh con.
Bèn chọn con kế tiếp để thay, con này dập đầu khóc thưa:
-Tôi nhất định là phải chết rồi! Nhưng hãy còn sống được một ngày một đêm nữa. Dù mạng sống chỉ giây lát, nhưng giờ đến thì mới không ân hận.
Nai chúa không nỡ ép uổng các sinh mạng ấy. Rạng ngày, nai chúa bèn trốn đàn, đích thân đến thẳng chỗ thái quan. Người nhà bếp biết được liền tâu lên vua.
Nhà vua hỏi duyên cớ, nai chúa đem sự việc như trên đáp lại. Nhà vua bùi ngùi thương xót, rơi nước mắt: Há có loài thú mà mang lòng nhân từ như trời đất, giết thân mình để cứu cả đàn, đi theo hạnh từ bi rộng lớn của cổ nhân. Còn ta là vua của con người, hàng ngày giết bao mạng chúng sinh chỉ để béo tốt cho thân mình! Ta ưa nẻo hung ngược, chuộng nết của loài sài lang sao! Loài thú mà làm điều nhân từ như thế là tôn phụng cái đức hiếu sinh của trời.
Nhà vua bảo nai chú trở về chỗ cũ, rồi hạ lệnh cho cả nước, nếu có người xâm phạm đến loài nai thì coi đồng với tội giết người. Từ đó về sau vua và quần thần đều cải hóa, dân chúng tuân theo nẻo nhân không sát sinh. Ân đức thấm nhuần đến cả cỏ cây, đất nước được thái bình.
Bồ-tát đời đời hy sinh thân mình để cứu giúp muôn vật. Công nên, đức lớn, trở thành bậc Đại hùng tôn quý.
Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Nai chúa thời đó chính là thân Ta, còn quốc vương là Xá-lợi-phất.
Bồ-tát từ bi thi ân, tu hạnh Độ vô cực, đã thực hành bố thí như thế.
* *
*
19- Thuở xưa, Bồ-tát làm thân thiên nga, sinh được ba con. Gặp lúc trời hạn hán, không có gì nuôi con, thiên nga mẹ đành rỉa thịt dưới nách để cứu mạng các con. Ba con nghĩ: “Thịt này mùi vị cùng với hơi hướng nơi thân mẹ ta không khác. Không lẽ mẹ đã dùng thịt mình làm đồ ăn cho chúng ta?” Ba con xót xa lòng đầy bi thương, lại nói:
-Thà mất mạng chúng ta cứ không thể mất mạng mẹ. Thề rồi chúng ngậm miệng không ăn. Mẹ thấy con không ăn thì lại rỉa thêm thịt. Thiên thần khen:
-Mẹ hiền thương cho khó có ai hơn được, còn con hiếu kính thật là ít có.
Rồi chư Thiên giúp đỡ, nguyện xin gì đều được thỏa.
Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:
-Thiên nga mẹ là thân Ta đó, ba con ấy là Xá-lợi-phất, Mục- kiền-liên và A-nan.
Bồ-tát từ bi thi ân, tu hạnh Độ vô cực, đã thực hành bố thí như vậy.
(Chương này trong bản khác xếp ở sau kinh Duy Lam).
* *
*
20- Xưa, Bồ-tát làm chúa Khổng tước, vợ hầu có đến năm trăm, nhưng đã bỏ hết vợ cũ để ham theo cô vợ Thanh tước. Cô Thanh tước này chỉ thích uống nước ngọt và ăn quả ngon. Khổng tước vì vợ nên ngày ngày phải đi kiếm lấy. Phu nhân của vua nước ấy có bệnh, nằm mơ thấy Khổng tước nói:
-Thịt nó có thể làm thuốc.
Thức dậy, bèn tâu lên. Nhà vua liền ra lệnh cho thợ săn mau tìm bắt. Phu nhân nói:
-Ai bắt được Khổng tước thì sẽ gả con gái út cho và biếu thêm trăm cân vàng.
Thợ săn trong nước chia nhau đi tìm khắp. Họ thấy Khổng tước chúa theo Thanh tước ở chỗ thường kiếm ăn, liền lấy mật trộn với lương khô, bôi lên cây ở mọi chốn. Khổng tước bèn lấy đem về cho vợ. Một thợ săn dùng thứ lương khô trộn mật ấy bôi nơi thân mình rồi ngồi đợi. Khổng tước đến lấy thức ăn, người này nhân đó bắt được. Khổng tước nói:
-Ông đã dốc hết thân ắt là vì lợi. Tôi sẽ chỉ cho ông cả núi vàng, có thể là của báu vô tận, đổi lại, ông hãy tha mạng cho tôi.
Người ấy nói:
-Đại vương hứa cho ta cả trăm cân vàng và gả gái út làm vợ. Ta há tin được lời của ngươi?
Thợ săn liền đem dâng lên vua. Khổng tước tâu:
-Nhà vua giữ lòng nhân, đức ấy đâu đâu cũng thấm nhuần. Xin nghe lời mọn này: “Hãy cho tôi chút nước, tôi sẽ dùng tâm Từ chú nguyện, uống vào là lành bệnh ngay. Nếu không hiệu nghiệm, sẽ xin chịu tội cũng không muộn”.
Nhà vua thuận theo ý của chim. Phu nhân dùng nước đã chú nguyện của Khổng tước, các bệnh đều khỏi, sắc đẹp rạng rỡ. Cung nhân cũng đều như thế. Cả nước khen vua lòng nhân từ bao la, xin tha mạng cho Khổng tước để người cả nước được tăng thêm tuổi thọ. Khổng tước nói:
-Xin được ném thân vào hồ lớn kia để chú nguyện cho nước ở đó, nhằm chữạ bệnh cho dân chúng khắp nước. Nếu có nghi ngờ nguyện vọng này, xin cứ dùng gậy đánh vào thân tôi.
Nhà vua nói:
-Được!
Khổng tước liền chú nguyện nước nơi hồ. Dân chúng uống nước ấy, người điếc được nghe, người mù được thấy, người câm thì nói được, người gù được thẳng lưng, các bệnh đều lành như thế. Bệnh của phu nhân dứt hẳn, dân cả nước cũng đều dứt tật, không ai có tâm muốn hại Khổng tước. Khổng tước biết rõ điều ấy nên hướng về vua tâu bày:
-Thọ ân lớn của vua tha mạng, tôi đã cứu mạng cả nước để đền đáp. Việc đã hoàn tất, xin được cáo lui.
Nhà vua nói:
-Được.
Khổng tước liền bay vòng quanh, rồi đậu lên cây, lại nói:
-Thiên hạ có ba kẻ ngu si.
Vua hỏi:
-Sao gọi là ba?
Chim đáp:
-Một là tôi ngu si, hai là thợ săn ngu si, ba là đại vương ngu si.
Nhà vua xin chim giải thích. Khổng tước nói:
-Giới trọng của chư Phật cho sắc dục là lửa dữ thiêu đốt thân thể, nguy hại đến tánh mạng đều do đấy. Tôi bỏ sự hầu hạ của năm trăm vợ để ham mê con Thanh tước, phải đi kiếm đồ ăn cung phụng nó như một tên đầy tớ, nên bị thợ săn chăng lưới bắt được, suýt nguy đên tánh mạng. Đó là cái ngu si của tôi. Còn cái ngu si của người thợ săn là hắn không tin lời nói chí thành của tôi, bỏ cả một núi vàng, vất cả một kho báu vô tận, lại đi tin lời dối gạt sai vạy của phu nhân, hy vọng được cưới con gái út làm vợ. Xem ra người đời cuồng ngu đều cùng một loại như thế cả. Họ bỏ đi lời răn dạy chí thành của Phật, để tin theo sự lừa dối của quỷ mị. Rượu nhạc, dâm loạn, thì hoặc dẫn đến cái họa phá tan cửa nhà, hoặc sau khi chết bị đọa vào địa ngục Thái sơn, khổ ấy thật vô sô". Nghĩ kỹ lại, làm người như con chim không cánh, mà muốn bay lên trời, há chẳng phải là khó lắm sao! sắc đẹp của dâm nữ dụ dỗ mê hoặc, nên mất nước, hại thân đều từ đó mà ra cả. Vậy mà kẻ ngu trên đời lại tôn thờ nó. Vạn lời của nó không một lời thành thật, thế mà bọn thợ săn tin theo. Ấy là cái ngu si của thợ săn. Còn đại vương thì có được thuốc trời trừ hết bệnh cho cả nước, các độc hại đều diệt, sắc diện mọi người như hoa thắm, kẻ lớn, người nhỏ đều hớn hở cậy nhờ. Ấy mà nhà vua lại thả đi. Đó là cái ngu si của đại vương.
Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
-Chúa Khổng tước từ đó về sau, đi khắp tám phương, với tấm lòng lành đem thần dược bố thí, chữa khỏi bệnh tật cho chúng sinh. Chúa Khổng tước chính là thân Ta, quốc vương là Xá-lợi-phất, người thợ săn là Điều-đạt, phu nhân của vua ấy nay là vợ của Điều- đạt.
Bồ-tát từ bi thi ân, tu hạnh Độ vô cực, đã thực hành bố thí như vậy.
* *
*
21- Ngày xưa, có một vị Phạm chí sống đến một trăm hai mươi tuổi, vẫn giữ trinh không cưới vợ, chuyện dâm dục không màng đến, sống tĩnh lặng nơi núi đầm, không ưa đời phú quý, dùng cỏ tranh làm lều; cỏ bồng, cỏ hoa làm chiếu, uống nước suối, ăn quả rừng, cốt để giữ mạng sống, chí rộng, hạnh cao, thiên hạ đều ca ngợi đức độ. Nhà vua đã từng mời làm tướng quốc, nhưng ông một lòng vì đạo không ra làm quan. Ông ở chốn núi đầm này hơn mấy mươi năm, nhân từ trùm khắp, cả loài cầm thú đều được nhờ cậy. Bấy giờ có bốn con thú là cáo, rái cá, vượn và thỏ, hàng ngày chúng cúng dường đạo sĩ và tĩnh tâm nghe kinh. Sự việc trải qua nhiều năm, trái cây nơi núi này dần dần hết cả, đạo sĩ muốn đi tìm nơi khác có nhiều trái cây hơn. Bốn con thú lo buồn, nói:
-Tuy có kẻ sĩ vinh hoa khắp cả nước, nhưng như nước bẩn đầy cả biển không bằng một thưng, một đấu nước cam lộ. Đạo sĩ đi rồi không còn được nghe Thánh điển nữa, chúng ta sẽ bị suy thôi. Vậy mỗi chúng ta phải tùy nghi xoay sở tìm đồ ăn thức uống cúng dường đạo sĩ, thỉnh ngài ở lại núi này để được nghe đại pháp.
Bọn chúng đều nói:
-Được.
Con vượn lãnh phần tìm hái quả. Con cáo hóa làm người kiếm được một túi lương khô. Con rái thì bắt được cá lớn. Ba con đều nói:
-Số lương thực này có thể cung cấp cho đạo sĩ trọn một tháng. Con thỏ tự nghĩ: “Ta sẽ lấy gì để cung cấp cho đạo sĩ đây?”.
Rồi nó nói:
-Hễ có sống thì phải có chết, thân này là đồ mục nát, rồi sẽ bỏ đi, cho vạn kẻ phàm phu ăn không bằng cúng dường cho đạo sĩ một bữa.
Nó lấy củi nhóm lửa thành than, hướng về đạo sĩ, thưa:
-Thân con tuy nhỏ, nhưng có thể cung cấp cho ngài được một ngày.
Nói rồi, nó liền lao mình vào lửa, nhưng lửa không cháy. Đạo sĩ thấy thế, hết sức cảm kích về việc làm của nó, nên khiến như vậy. Chư Phật khen ngợi công đức ấy, Thiên thần đem lòng lành nuôi dưỡng. Đạo sĩ liền ở lại nơi đó, ngày ngày nói diệu kinh. Bốn con thú tuân theo, thọ nhận lời dạy dỗ.
Đức Phật bảo các vị Sa-môn:
-Vị Phạm chí ngày ấy chính là Đức Phật Định Quang, con thỏ là thân Ta, con vượn là Thu Lộ Tử, con cáo là A-nan, còn con rái là Mục-kiền-liên.
Bồ-tát từ bi thi ân, tu hạnh Độ vô cực, đã bố thí như vậy.
* *
*
22- Thuở xưa, Bồ-tát là một nhà giàu có, tích chứa của báu ngang với kho tàng cả nước, thường ưa cứu giúp kẻ bần cùng, bố thí cho khắp chúng sinh, nhận tất cả muôn loài nương nhờ như biển cả nhận các dòng sông.
Bấy giờ có đứa con người bạn, do hành động phóng đãng, nên cửa nhà tiêu tan. Người nhà giàu thương xót dạy:
-Lấy đạo lý sống với đời thì phúc lợi không bao giờ hết. Ta đem ngàn lượng vàng cho con để làm vốn.
Hắn thưa:
-Thưa vâng! Con không dám trái lời dạy dỗ sáng suốt.
Hắn liền đem số vàng ấy làm vốn đi buôn bán. Nhưng hắn vốn tánh hạnh tà hèn, ưa việc quỷ mị, dâm đãng, rượu chè, vui chơi nên của cái đó hết dần, trở lại bần cùng. Do có năm hạnh như thế nên tiền của sạch túi, nghèo cũng hoàn nghèo. Khi đó, ngoài cửa nhà người giàu ấy có con chuột chết trên đống phân, người nhà giàu bèn chỉ cho hắn ta thấy và bảo:
-Này, kẻ sĩ thông minh với cái thây con chuột chết kia cũng có thể nuôi sống mình và tạo nên sự nghiệp, huống hồ là con có ngàn lượng vàng mà lại cùng khốn sao? Nay ta lại cấp cho con một ngàn lượng vàng nữa.
Lúc ấy, có một đứa trẻ ăn xin từ xa nghe được lời dạy ấy, lòng bồi hồi xúc động. Đi xin ăn xong trở lại, nó lấy con chuột chết ấy đem về. Theo lời dạy hay của người nhà giàu, nó xin đủ các thứ gia vị ướp rồi nướng, đem bán được hai tiền. Nó dùng số tiền ấy làm vốn mua bán rau, dần dần có hơn bạc trăm. Từ buôn bán nhỏ trở thành buôn bán lớn, chẳng mấy lúc trở thành người giàu có trong vùng. Lúc rảnh rỗi bèn nhớ lại: “Ta vốn là đứa trẻ ăn xin, nhờ nhân duyên gì mà được của này?”. Rồi sực tỉnh ra: nhờ lời dạy hiền thiện của người giàu kia cho một đứa trẻ ương bướng mà ta có được của báu này. Đã thọ ân thì phải đáp trả mới là người sáng suốt.
Bèn làm một cái mâm bạc và con chuột bằng vàng, trong bụng chứa đầy các thứ châu báu danh tiếng, dùng lụa phủ lên. Lại đem chuột vàng báu ấy bày lên mâm bạc, bốn bên kết treo các thứ chuỗi ngọc báu và các thứ ngon quý, rồi mang sang lễ nhà giàu kia, thuật rõ lý do, nên nay xin đền đáp ân trời biển nọ. Người nhà giàu nói: Hay thay bậc Trượng phu đã có thể làm theo lời giáo huấn đó!
Rồi người nhà giàu liền đem con gái gả cho, cả gia sản cũng giao luôn và nói:
-Con là con cháu của ta, phải thờ Phật, quy y Tam bảo, đem bốn thứ tâm để cứu giúp chúng sinh.
Anh ta thưa:
-Con quyết tâm tu theo lời Phật dạy.
Sau này làm người kế thừa gia thế ấy, cả nước đều khen là người con hiếu đạo.
Đức Phật bảo các vị Sa-môn:
-Người nhà giàu là thân Ta. Tên đãng tử kia là Điều-đạt, người nhờ chuột mà trở nên giàu kia là Tỳ-kheo Bàn Đặc. Điều-đạt nhớ tới sáu ức phẩm kinh của Ta, nhưng nói thuận làm nghịch, khi chết bị đọa vào địa ngục Thái sơn. Còn Tỳ-kheo Bàn Đặc chỉ nhớ làm theo một câu nói của Ta cho đến đổi đời. Ôi! Có nói không làm thì như mỡ gặp ánh nắng tự hoại. Ấy là trí của kẻ tiểu nhân. Lời nói đi đôi với việc làm thì sáng như mặt trời mặt trăng, thương tưởng chúng sinh, giúp thành muôn vật. Ấy là sự sáng suốt của bậc Đại nhân. Người thực hiện là đất, muôn vật do đó sinh ra.
Bồ-tát từ bi thi ân, tu hạnh Độ vô cực, đã thực hành bố thí như vậy.
* *
*
23- Xưa, có một người mẹ góa làm thuê cho Lý gia coi giữ ruộng vườn. Chủ nhân không được rảnh rỗi, thường cho ăn quá giờ. Đến lúc sắp được ăn thì vị Sa-môn đến xin. Lòng bà nghĩ: “Người ấy dứt dục, bỏ tà, ắt đức hạnh thanh cao chân chánh. Cứu giúp cho người đói trong bốn biển không bằng cúng dường chút ít cho bậc chân hiền giới hạnh thanh tịnh”.
Rồi bà đem hết phần ăn của mình trút vào bát rồi cắm một cành hoa sen lên để hiến cúng. Đạo nhân hiện thần thông, phóng hào quang sáng ngời. Bà vui vẻ khen:
-Đây đúng là bậc Thần thánh sao? Ta nguyện sau này sinh được một trăm người con như thế.
Bà mẹ qua đời, thần hồn dời đi muôn làm con nối dõi của người Phạm chí, nên hồn bà tụ nơi chỗ tiểu tiện của Phạm chí. Có con nai liếm chỗ tiểu tiện, liền cảm thọ thai. Đến kỳ sinh một đứa con gái. Phạm chí nuôi dưỡng, năm lên hơn mười tuổi, dung mạo sáng đẹp, ở nhà giữ lửa. Đứa con gái cùng nai đùa giỡn, không hay lửa tắt. Cha về giận lắm, sai đi xin lửa. Người con gái đến xóm đông người, mỗi bước chân nàng đi qua thì chỗ đó mọc ra một hoa sen. Người chủ có lửa nói:
-Cô đi quanh nhà ta ba vòng, ta lấy lửa cho cô.
Cô gái liền thuận theo lời thì hoa mọc trên đất vây quanh nhà ba lớp. Người đi đường dừng chân, không ai không lấy làm lạ. Tiếng đồn phút chóc đến tai quốc vương. Nhà vua ra lệnh cho thầy tướng xem tướng nàng ấy sang hay hèn. Thầy tướng thưa:
-Ắt có con nối dòng thánh, truyền ngôi đến vô cùng.
Vua liền sai hiền thần chuẩn bị đủ lễ nghinh đón về. Dung nghi nàng tươi đẹp như hoa, cung nhân không ai bằng.
Nàng mang thai, đến kỳ sinh ra một trăm cái trứng. Hậu, phi, thê thiếp... ai ai cũng ganh ghét. Họ bèn chặt cây chuối khắc hình tượng quỷ, đến khi nàng sinh, chung dùng tóc phủ lên mặt và lấy nước bùn dơ bôi lên tượng chuối ấy rồi đem trình lên vua xem. Bọn yêu quái che lấp ánh sáng nên nhà vua lầm tin. Lũ tà lấy hũ đựng trứng, bịt kín miệng rồi ném xuống dòng sông. Trời Đế Thích xuống lấy ấn đóng lên miệng bình, chư Thiên theo bảo vệ, xuôi dòng dừng lại như cây cổ thụ cắm xuống đất. Nhà vua của nước nơi vùng hạ lưu đang lúc ở chốn đài cao, trông thấy xa xa giữa dòng nước có cái hũ trôi xuống, hào quang tỏa rực rỡ bao trùm, như có linh khí của trời. Bèn sai người vớt lên xem, thấy có dấu ấn của trời Đế Thích trên miệng, mở ra thì được trăm cái trứng, bèn sai một trăm người đàn bà ấp nuôi đủ độ ấm nóng. Đến khi hình thể đã thành, nở ra một trăm người con trai, sinh ra đã có trí tuệ của bậc Thượng thánh, tự hiểu biết sáng suốt không cần phải dạy dỗ, dung mạo đẹp đẽ hơn người, tướng tốt ít có, thế lực tài năng hơn người trăm lần, tiếng nói vang như sư tử rống. Nhà vua sắm đủ một trăm con voi trắng với yên cương đều bằng bảy báu, để cho những người con thánh nối dõi, rồi sai họ đi chinh phạt các nước xung quanh, khiến bốn phương đều hàng phục, xưng thần.
Bây giờ đến lượt đi chinh phạt đất nước của vua cha đã sinh ra họ, dân chúng cả nước từ lớn tới nhỏ không ai là không run sợ. Nhà Vua nước ấy hỏi:
-Ai có thể ngăn được kẻ địch này?
Phu nhân của vua thưa:
-Xin đại vương chớ có lo sợ, cứ xem kẻ địch tấn công từ hướng nào, thì theo đó dựng đài quan sát. Tôi sẽ vì vua mà hàng phục chúng.
Nhà vua liền ra xem tình hình quân địch thế nào rồi cho lập đài. Người mẹ đẻ của họ lên đài quan sát, cất tiếng nói:
-Phàm tội phản nghịch lớn có ba thứ: “Không xa lánh bọn tà ngụy, rước lấy lỗi lầm hai đời, đó là một. sống không biết cha mẹ làm ngược hiếu hạnh, đó là hai. Cậy thế lực làm hại người thân, hủy hoại tam tôn, đó là ba.” Ôm mang ba điều đại nghịch ấy, ác đó không bao giờ che giấu nổi. Các ngươi hãy há miệng ra, tín hiệu hiện ngay bây giờ.
Rồi người mẹ nắm vú mình bóp mạnh, trời khiến sữa bắn vào miệng khắp trăm đứa con. Chúng cảm vì sự tinh thành, nên uống những giọt sữa tình thương, rồi đều nói:
-Đây đúng là mẹ của ta.
Nước mắt chảy ròng, chắp tay bước tới, cúi đầu hối lỗi. Mẹ con mới gặp lại nhau, không ai là không thương cảm. Từ đó hai nước hào mục, tình hơn anh em. Tám phương mừng rỡ, không ai là không khen ngợi tốt đẹp.
Bấy giờ các con nhìn thấy đời vô thường, hư ảo, nên giã từ người thân, tìm đường học đạo, xa lánh cõi đời uế trược. Chín mươi chín người con đều chứng được đạo quả Duyên giác. Còn một người con ở lại lo liệu việc nước, đến khi phụ vương băng hà thì lên làm vua, đại xá những kẻ có tội, phá bỏ lao tù, san bằng hào ải, tha miễn hàng nô bộc, an ủi người hiếu đễ; nuôi dưỡng kẻ cô độc, mở kho bố thí lớn theo sở nguyện của dân chúng mà cấp phát, lây mười điều thiện làm phép nước, người người đều vâng theo tụng đọc, nhà có con hiếu, xây dựng chùa tháp, cúng dường Sa-môn, tụng kinh luận đạo, miệng không phạm bốn điều ác, bao nhiêu độc hại đều tiêu tan hết, thọ mạng dài thêm. Vua trời giúp đỡ, nuôi dưỡng họ như cha mẹ nuôi con.
Đức Phật bảo các vị Sa-môn:
-Người con ở lại làm vua đó là bản thân Ta. Vua cha nay là vua Bạch Tịnh, người mẹ nay là Xá Diệu.
Bồ-tát từ bi thi ân, tu hạnh Độ vô cực, đã thực hành bố thí như vậy.
* *
*
24- Thuở xưa, Bồ-tát có thời làm Phạm chí, thông tỏ kinh luật, được người cả nước tôn làm thầy. Phạm chí có năm trăm người đệ tử, đều là những kẻ đức độ, nho nhã, ưa bố thí như tự giữ gìn bản thân mình.
Đời bây giờ có Đức Phật hiệu là Tiệp Như Lai Vô Sở Trước Chánh Chân Tôn Tối Chánh Giác dẫn đường cho ba cõi, thần trở về nơi gốc không. Bồ-tát gặp Đức Phật, mừng rỡ tự quy y, thỉnh Phật và chúng Tăng lưu lại nhà bảy ngày, dùng lễ cúng dường. Các đệ tử của Phạm chí tranh nhau làm chủ từng việc. Có một người tuổi nhỏ, thầy bảo đi về mà không về, trở lại xin làm việc Thầy nói:
-Xem có việc gì không có người làm thì ngươi nhận mà làm.
Đồng tử thưa:
-Chỉ có việc đèn lửa là chưa có ai làm.
Thầy nói:
-Hay thay! Này đệ tử, hãy lấy bình dầu mè, tự tắm rửa sạch sẽ, dùng khăn trắng quấn quanh đầu, tự tay châm lửa đốt đầu mình. Trời, Người, Rồng, Quỷ nhìn thấy sức mạnh ấy, không ai là không vỗ tay kinh ngạc và khen ngợi:
-Trên đời chưa từng có, người ấy ắt sẽ thành Phật.
Đức Phật khen người đó, khiến đèn sáng suốt đêm mà đầu không bị tổn thương. Lòng định nơi kinh, hoát nhiên dứt tưởng. Bảy ngày như thế, không chút lười mỏi. Đức Phật liền thọ ký:
-Qua vô số kiếp, con sẽ thành Phật hiệu là Định Quang, nơi đỉnh đầu, trên vai, đều có hào quang, dạy bảo, cứu vớt độ được chúng sinh nhiều vô lượng.
Trời, Người, Quỷ, Rồng nghe người ấy sẽ được thành Phật, không ai là không khen ngợi, cúi đầu lạy mừng. Vị Phạm chí nghĩ: “Người kia được Phật thọ ký làm Phật, ta ắt cũng được như vậy.” Bèn đợi Phật thọ ký, nhưng Phật đã ra đi. Phạm chí đến trước Đức Phật, cúi đầu bạch:
-Nay thiết lễ mọn cúng dường, lòng con chân thành nguyện xin Đức Phật thọ ký.
Đức Phật bảo Phạm chí:
-Khi đồng tử đó thành Phật sẽ thọ ký cho ông.
Phạm chí nghe sẽ được làm Phật, vui mừng quên cả thân. Từ đó về sau luôn làm bố thí lớn: kẻ đói cho ăn, người rét cho mặc, bệnh cấp thuốc thang, các loài bò, bay, máy, cựa. Theo sự ăn uống của chúng luôn kịp thời cứu giúp. Các nước trong tám phương đều gọi là bậc cha nhân từ.
Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
-Đồng tử là Đức Phật Định Quang, còn Phạm chí là thân Ta.
Bồ-tát từ bi thi ân, tu hạnh Độ vô cực, đã thực hành bố thí như vậy.
* *
*
25- Thuở xưa, Bồ-tát là một Lý gia lớn, tích chứa của cải nhiều vô số, thường phụng thờ ba ngôi báu, lòng thương khắp chúng sinh. Một hôm đi ra chợ, thấy một con ba ba, động lòng thương xót, mới hỏi giá cả bao nhiêu. Người chủ con ba ba biết Bồ-tát có đức nhân từ rộng rãi, ưa tế độ chúng sinh, giàu có của cải không kể xiết, giá mắc rẻ không từ chối, nên mới đáp:
-Đủ một trăm vạn thì có thể lấy đi được, bằng không tôi sẽ làm thịt nó.
Bồ tát đáp:
-Rất tốt.
Liền trả tiền đúng giá, mang ba ba về nhà, rửa giúp vết thương rồi đem ra bờ sông thả. Nhìn nó bơi đi, buồn vui lẫn lộn, Bồ-tát thề rằng:
-Mong loài chúng sinh, ngạ quỷ trong địa ngục Thái sơn, những kẻ bị lao ngục trên đời... sớm được thoát nạn, thân mạng an toàn như ngươi hôm nay.
Rồi cúi đầu lạy khắp mười phương, chắp tay nguyện tiếp:
-Chúng sinh, khổ kia không lường. Ta sẽ xin làm trời, đất, vì hạn làm mưa nhuần, vì nổi trôi làm chiếc bè, đói cho ăn, khát cho uống, rét cho ấm, nóng cho mát, vì người bệnh cho thuốc, vì chỗ tối tăm cho ánh sáng. Nếu có đời dơ dục, gặp thời điên đảo, Ta sẽ ở trong cõi đó thành Phật, tế độ chúng sinh ấy.
Mười phương chư Phật đều tán thán lời thề đó:
-Hay thay! Ông ắt được như chí nguyện.
Đêm hôm sau, con ba ba đến cắn cửa nhà Bồ-tát. Ông lấy làm lạ sao ngoài cửa có tiếng động, sai người ra coi thử thì thấy con ba ba. Người nhà nói lại sự việc, Bồ-tát ra xem thì thấy con ba ba nói tiếng người:
-Tôi thọ ân nhuần của ngài, thân thể được an toàn, không biết lấy gì để đáp tạ ân sâu. Vật sống dưới nước nên biết trước được nước đầy hay vơi. Tôi biết nạn hồng thủy sắp đến ắt sẽ gây hại lớn, xin mau chuẩn bị thuyền bè, đến lúc đó tôi sẽ đón ngài.
Bồ-tát đáp:
-Tốt lắm.
Sáng sớm hôm sau, Bồ-tát bèn đến cung vua tâu rõ sự việc trên. Nhà vua biết Bồ-tát từng nổi tiếng là bậc Hiền thiện, nên tin lời ông ngay, liền ra lệnh dời hết dân ở vùng thấp lên chỗ cao. Đến khi lụt bắt đầu, ba ba tới nói:
-Nạn hồng thủy đến rồi, hãy mau xuống thuyền, bơi theo sau tôi thì được an toàn.
Thuyền của Bồ-tát bơi theo sau con ba ba ấy. Bơi được một lúc thì có con rắn bơi theo thuyền. Bồ-tát hỏi:
-Cứu lấy nó chứ?
Ba ba đáp:
-Tốt lắm.
Rồi lại thấy một con cáo bị trôi, Bồ-tát hỏi:
-Cứu lấy nó chứ?
Con ba ba cũng đáp:
-Tốt.
Một lúc nữa, lại gặp một người bị trôi, đang tự vỗ vào mặt kêu trời:
-Hãy thương cứu lấy mạng tôi!
Đại Lý gia hỏi:
-Cứu lấy hắn chứ?
Con ba ba đáp hãy thận trọng, không nên cứu. Lòng người đời dối trá, ít có trung tín, vong ân bội nghĩa, chạy theo thế lực, ưa làm những việc hung nghịch.
Bồ-tát nói:
-Loài vật ngươi cứu, còn loài người mà ta xử tệ thì đâu là nhân từ nữa. Ta không đành lòng.
Rồi Bồ-tát cứu lấy người ấy. Ba ba nói:
-Ôi! Rồi ngài sẽ hối hận.
Đến được chỗ đất yên lành, ba ba từ tạ:
-Đền ân đã xong, tôi xin cáo lui.
Bồ-tát đáp:
-Khi ta chứng được đạo quả Như Lai Vô Sở Trước Chí Chân Chánh Giác thì ta sẽ độ cho ngươi.
Ba ba đáp:
-Tốt lắm.
Ba ba lui rồi thì rắn, cáo cũng đều ra đi. Con cáo đào hang làm chỗ ở, gặp được kho vàng ròng của người xưa có đến trăm cân, vui mừng nghĩ: “Ta sẽ đem của này đền đáp ân cứu mạng kia.” Rồi nó vội trở lại gặp Bồ-tát, thưa:
-Loài vật nhỏ nhoi này chịu ân cứu mạng. Tôi vốn là loài vật ở hang nên trong lúc đào hang để ở, bắt gặp một trăm cân vàng. Hang ấy không phải mồ mả, không phải nhà cửa, của này không phải là của cướp đoạt, cũng không phải là của trộm cắp. Tôi được nó là do lòng thuần thành, nên nguyện đem đến hiến cúng cho ngài.
Bồ-tát ngẫm nghĩ: “Không nhận lấy mà bỏ đi thì không ích lợi gì cho dân nghèo. Nếu nhận lấy rồi đem bố thí thì chúng sinh được cứu giúp, vậy chẳng tốt hơn sao?”. Nghĩ rồi liền theo cáo tới lấy của ấy. Người bị trôi thấy vậy, nói:
-Chia cho tôi một nửa!
Bồ-tát liền lấy mười cân cho hắn. Người bị trôi nói:
-Ông đào mả cướp vàng, tội ấy phải thế nào? Nếu không chia cho phân nửa, thì tôi ắt tố cáo với quan.
Bồ-tát đáp:
-Dân nghèo thiếu thốn, ta muốn đem bố thí đều cho họ, mà ngươi muốn đoạt hết số của đó, chẳng là bất công lắm sao?
Người bị trôi bèn báo với quan Hữu ty. Bồ-tát bị bắt, hết cách biện bạch, chỉ còn cách quy mạng Tam tôn, hối lỗi tự trách, nguyện cho chủng sinh mau lìa tám nạn, không còn oán kết như mình hôm nay. Rắn và cáo gặp nhau bàn:
-Việc này sao đây?
Rắn nói:
-Tôi sẽ giúp cho.
Rồi nó ngậm thuốc hay, mở khóa vào nhà giam, thấy tình trạng Bồ-tát, vóc dáng suy tổn mà xót xa buồn lòng. Nó thưa với Bồ-tát:
-Ngài mang thuốc này trong mình, tôi sẽ tìm cắn thái tử. Nọc tôi cắn rất độc, không ai có thể cứu được, ngài cứ đem thuốc này dâng lên vua, uống vào là khỏi ngay.
Bồ-tát lặng thinh, còn rắn thì làm như đã nói. Mạng thái tử sắp mất, nhà vua truyền lệnh:
-Ai có thể cứu thái tử thì phong làm tướng quốc, cùng với ta tham gia trị nước.
Bồ-tát dâng thuốc lên, thái tử uống vào liền khỏi ngay. Nhà vua vui mừng hỏi nguyên do, tù nhân tự bày tỏ đầu đuôi câu chuyện. Nhà vua bùi ngùi tự trách lỗi:
-Ta tối tăm lắm thay!
Vua bèn xuống lệnh giết tên bị trôi kia, đại xá cho cả nước, phong Bồ-tát làm tướng quốc, nắm tay đi vào cung, cùng ngồi mà nói:
-Hiền giả đọc sách gì, tin theo đạo nào mà làm việc nhân từ của trời đất, ban ân huệ khắp chúng sinh như thế?
Bồ-tát đáp:
-Tôi đọc kinh Phật, tin theo đạo Phật.
Nhà vua hỏi:
-Phật có yếu quyết gì chăng?
Thưa:
-Có chứ. Đức Phật dạy về bốn vô thường, ai giữ được thì sẽ dứt hết các họa, phước lớn thịnh.
Nhà vua nói:
-Xin được nghe lời dạy quý báu kia.
Bồ-tát đáp:
-Khi trời đất kết cuộc thì bảy mặt trời cùng thiêu đốt, biển lớn đều khô cạn, trời đất rực lửa, núi Tu-di băng hoại. Trời, Người, Quỷ, Rồng..., thân mạng chúng sinh bị cháy thiêu đốt ngay. Trước thịnh sau suy, đó gọi là vô thường. Người sáng suốt luôn giữ ý niệm vô thường, biết rằng trời đất còn vậy huống chi là quan tước, đất nước đâu có trường tồn. Đạt được ý niệm này mới có chí thương xót rộng khắp.
Nhà vua nói:
-Trời đất còn vậy huống chi là đất nước. Đức Phật dạy “vô thường” lòng ta tin lắm thay!
Bồ-tát lại nói:
-Cái khổ càng khổ hơn nữa, vua nên biết về điều ấy.
Nhà vua nói:
-Xin được nghe lời dạy sáng suốt
Bồ-tát nói:
-Linh thức chúng sinh vi diệu khó biết, nhìn không thấy hình, nghe không thấy tiếng, rộng khắp thiên hạ, cao không gì che được, mênh mông không gì nêu tỏ nổi, luân chuyển không cõi bờ. Nhưng nó đói khát theo sáu dục, như biển cả với bao nhiêu sổng đổ về vẫn không đủ, vì vậy nhiều lần thay đổi, ngục Thái sơn thiêu đốt, chịu các khổ độc, hoặc làm ngạ quỷ bị nước đồng sôi rót vào miệng, bắt làm lao dịch trong ngục; hoặc làm súc sinh bị mổ, lột, róc xé, chết liền theo dao, thọ khổ vô cùng. Như được làm người thì ở trong thai mười tháng, đến lúc sinh thì chật vật như dây tơ buộc thân, nỗi thống khổ sinh ra trên đất như từ cao rơi xuống, gió thổi như lửa thiêu mình, tắm nước ấm như rót nước đồng sôi vào thân, tay xoa vào thân như dao tự róc. Những nỗi đau đớn ấy rất là khổ, khó nêu bày hết. Sau khi lớn tuổi, các căn đều suy sụp, tóc bạc, răng rụng... Trong ngoài đều hư hao, chỉ còn nỗi lòng buồn, rồi chuyển thành bệnh nặng, bốn đại muốn rời bỏ, các bộ phận trong người đều đau nhức, ngồi nằm phải nhờ người, thầy thuốc đến càng thêm lo sầu. Khi sắp chết các gió cùng dậy, đứt gân nát xương, các lỗ bế tắc, hơi thở dứt, thần hồn lìa theo nghiệp dẫn dắt. Nếu được lên trời thì trời cũng có giàu nghèo, sang hèn, thọ mạng kéo dài, hay có chừng mực. Khi phước hết, tội đến thì bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Những việc ấy gọi là khổ.
Nhà vua nói:
-Hay thay! Đức Phật nói yếu quyết về “khổ”, lòng ta tin ngay! Lý gia lại nói:
-Phàm đã có ắt phải không, giống như hai khúc cây cọ xát vào nhau thì sinh ra lửa, lửa lại đốt cây, lửa và cây đều hết, cả hai đều không. Xưa các tiên vương, cung điện, thần dân, nay đã tiêu tan, không còn thấy đâu nữa, đó cũng là không.
Nhà vua nói:
-Hay thay! Đức Phật nói yếu quyết của “không”, lòng ta tin ngay.
Bồ-tát lại nói:
-Phàm thân là đất, nước, gió, lửa hợp lại. Cái cứng là đất, cái mềm là nước, cái nóng là lửa, hơi thở là gió. Thân mạng chết, thần hồn ra đi, bốn đại lìa bỏ, không thể bảo toàn được. Do đó nên gọi là vô ngã.
Nhà vua nói:
-Hay thay! Đức Phật nói về “vô ngã”, lòng ta tin ngay! Thân còn không giữ được, huống chi đất nước này ư! Ôi, đau đớn thay cho tiên vương ta, không nghe được lời dạy của Bậc Vô Thượng Chánh Chân Tối Chánh Giác về vô thường, khổ, không, vô ngã. Lý gia nói.
-Trời, đất còn vô thường, thì ai có thể giữ được đất nước này mãi! Sao không đem hết của kho, bố thí cho người nghèo thiếu?
Nhà vua nói:
-Hay thay! Lời dạy của người thầy sáng suốt! Thật vui sướng thay!
Nhà vua liền đem hết của cải trong các kho bố thí cho kẻ nghèo thiếu. Những người góa vợ, góa chồng, các em cô nhi thì đều khiến cho họ được làm cha làm mẹ, làm con cái. Dân chúng ăn mặc sáng đẹp, giàu nghèo như nhau, cả nước hân hoan, vừa cười, vừa đi, ngửa mặt lên trời khen:
-Bồ-tát thần hóa đến thế ư!
Bốn phương khen ngợi thần đức của vua, đất nước được thái bình.
Đức Phật bảo các vị Sa-môn:
-Lý gia đó là thân Ta. Quốc vương là Di-lặc, con ba ba là A- nan, con cáo là Thu Lộ Tử, con rắn là Mục-kiền-liên, còn người bị trôi là Điều-đạt.
Bồ-tát từ bi thi ân, tu hạnh Độ vô cực, đã thực hành bố thí như vậy.
* *
*
26- Thuở xưa, Bồ-tát tu hạnh Sa-môn, thường ở nơi núi rừng, lòng Từ thương xót nghĩ tới chúng sinh bị luân chuyển trong ba cõi chịu khổ lâu dài mãi, lấy gì để cứu độ họ? Đang tĩnh tâm suy nghĩ, tìm ra nguồn đạo lớn để cứu vớt họ, thì trong áo lại có rận làm thân ngứa ngáy, lòng bực bội, chí đạo không định. Bèn lấy tay lần tìm, bắt được con rận, lòng thương xót, muốn tìm cách làm cho nó yên sông, vừa thấy có xương thú, nên đem nó đặt vào đấy. Con rận được ăn bảy ngày, hết rồi bỏ đi nơi khác, cuộc sinh tử đắp đổi lại qua... Còn Bồ-tát thì tu thành Phật, lui tới khắp chốn giáo hóa. Một hôm trời đổ tuyết nhiều lấp hết đường đi lại. Trong nước có một người nhà giàu thỉnh Phật cùng vài ngàn Tỳ-kheo về nhà cúng dường, trong bảy ngày, hết lòng cung kính cả gia đình đều thế. Bảy ngày qua rồi mà tuyết vẫn chưa tạnh ráo, Đức Phật bảo Tôn giả A-nan báo tin cho các Tỳ-kheo lui về tinh xá. Tôn giả A-nan thưa:
-Chủ nhân vẫn cung kính, lòng chưa biểu hiện điều thiếu sót, lơ là. Hơn nữa, ngoài trời tuyết nhiều chưa dứt, không có nơi đi khất thực được.
Đức Thế Tôn nói:
-Ý chủ nhân đã hết, không còn cúng dường nữa!
Rồi Đức Phật dẫn các Sa-môn trở về tinh xá. Sáng hôm sau, Đức Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan đến nhà người chủ đó khất thực. Tôn giả A-nan vâng lời dạy, đi đến nhà người chủ kia. Người nhà ra nhìn thấy mà không hỏi han gì cả. Chờ đợi một lúc, Tôn giả A-nan trở về quỳ xuống cúi đầu thưa trình hết sự việc, lại hỏi nguyên do về lòng dạ bất thường của người chủ kia, sao lại thay đổi chóng vậy? Đức Phật liền vì Tôn giả mà nói đầy đủ về chuyện quá khứ như trên. Đức Phật lai bảo:
-Này A-nan, Ta đem lòng Từ, cứu giúp cái mạng nhỏ nhoi của con rận, cho nó nắm xương mục ăn được bảy ngày, nên nay được nhận sự cúng dường các món ăn ngon nhất đời. Kiếp trước Ta làm ân, ân đó tương đương với bảy ngày cúng dường, vì đã đủ nên ý người ấy ngưng lại, không cúng dường như trước nữa. Huống chi đem lòng Từ hướng về Đức Phật cùng chúng Sa-môn, những người hạnh cao, trì giới thanh tịnh, vô dục, nội tâm đoan chánh, ngoại hiện từ hóa. Cung kính cúng dường một vị hạnh cao đó thì phước báo vượt xa sự tận tình bố thí cho người thường trải qua nhiều kiếp. Sở dĩ như thế nên các Tỳ-kheo phải luôn nhớ giữ. Kinh Phật có giới, có định, có huệ, có giải thoát và giải thoát tri kiến. Các vị ấy đã dùng năm đức đó thương xót chúng sinh, khiến họ xa lìa cái họa muôn khổ trong ba cõi.
Tôn giả A-nan nói:
-Lý gia ấy may mắn thay! Đích thân được thương nuôi cúng dường Đức Như Lai Vô Sở Trước Chánh Chân Đạo Tối Chánh Giác, Đạo Pháp Ngự Thiên Nhân Sư cùng các vị Sa-môn, hoặc đã chứng các bậc Câu cảng, Tần lai, Bất hoàn, Ứng chân (Tu-đà-hoàn, Tu-đà- hàm, A-na-hàm, A-la-hán) hoặc có vị là bậc Khai sĩ, mở lòng Từ rộng lớn dẫn đường cho chúng sinh, phước ấy khó lường, chẳng khác gì biển cả, phước ấy khó sánh, chẳng khác gì đất.
Đức Phật nói:
-Hay thay! Này A-nan, thật đúng như Tôn giả đã nói! Khó gặp Phật ra đời, đạo pháp khó được nghe, Tỳ-kheo Tăng khó được cúng dường, như hoa Ưu-đàm chỉ một lần nở!
Đức Phật nói như vậy, các vị Tỳ-kheo đều hoan hỷ cúi đầu vâng làm.
Bồ-tát từ bi thi ân, tu hạnh Độ vô cực, đã thực hành bố thí như vậy.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 8 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Chuyển họa thành phúc


Chuyện Vãng Sanh - Tập 3


Chớ quên mình là nước


Truyền thuyết về Bồ Tát Quán Thế Âm

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.149.29.98 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập